Người Về Từ Charlie (Truyện ngắn, TG: Thanh Tâm)
Thanh_Tam 04.11.2014 06:54:58 (permalink)
Người Về Từ Charlie

Chương Một:
 
Trời chạng vạng tối, những đám mây hồng từ từ chìm xuống chân trời, xa xa vài cánh chim đang bay về tổ.  Sân trường đại học chiều nay thật đông người, nhiều nhóm sinh viên học sinh tụm năm tụm ba trò chuyện, có những tà áo dài thật đẹp, có những tấm biểu ngữ căng dọc đường đi.  Hội trường đèn màu lấp lánh, khán giả ngồi đầy ắp, trên sân khấu đèn rực sáng, hai bên treo hai lá cờ bằng gấm mới toanh, bên trái là lá quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ óng ánh, bên phải là quốc kỳ của Hoa Kỳ.  Ngay phía trên sân khấu, một tấm biểu ngữ thật lớn - Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30/4/1975.
Mọi người đang say mê trước các diễn tiến trên sân khấu, từng đợt trình diễn của những khuôn mặt thật trẻ.  Bên cạnh những bài đơn ca, hợp ca và những màn hoạt cảnh, có những lời phát biểu cảm tưởng của những cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Sơn hăng say trong vai trò điều khiển chương trình hôm nay, chàng cảm thấy thật hãnh diện được nhắc lại những chiến tích hào hùng, những thành tựu của người Việt tự do, bên cạnh những cô bạn học mà hôm nay bỗng đẹp tuyệt vời trong chiếc áo dài truyền thống, tung bay trên sân khấu, bên cạnh những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tuy tóc đã hoa râm, nhưng trông vẫn oai vệ trong bộ quân phục ngày nào, đang ngồi trên hàng ghế danh dự trước sân khấu.
Tiếng vỗ tay vang dậy đưa Hà trở lên sân khấu, với giọng ca tươi trẻ ngọt ngào, hôm nay nàng được mọi người tán thưởng trong những bản nhạc quê hương "Làng Tôi", "Tình Hoài Hương", "Đường Về Quê Hương".  Hà hát bằng cả tấm lòng những bài hát mà hai năm trước đây nàng chưa có thể đọc được.
Hai năm trước đây Hà bước vào ngưỡng cửa đại học, nàng chơi chung với một số bạn gái chung lớp, cũng từ đó nàng bắt đầu tham gia sinh hoạt với hội sinh viên Việt Nam tại đây.  Qua những buổi họp, những ngày đi gây quỹ, những ngày làm báo chí, tiếng Việt của nàng từ từ khá dần.  Vào một buổi văn nghệ, bạn bè tình cờ khám phá ra nàng có một giọng ca thật ngọt.  Nhờ Sơn, trưởng ban văn nghệ, tận tình chỉ dẫn cho nàng học nhịp, học phát âm, chẳng bao lâu nàng đã có thể hát được tiếng Việt. 
Trong một dịp lễ Valentine, Sơn tặng cho nàng một CD, hình bìa có một cô gái Mỹ tóc vàng thật đẹp. Về nhà bỏ dĩa vào máy hát, Hà hết sức ngạc nhiên vì cô ca sĩ Mỹ có thể hát những bản tình ca Việt thật ngọt ngào, phát âm tiếng Việt của cô ca sĩ rất rõ ràng và chính xác, khó nhận ra được những bài hát này do người Mỹ hát.  Hà nhủ thầm, người Mỹ còn hát tiếng Việt được, không lẽ nàng không hát được?   Thế rồi nàng đặt quyết tâm trau dồi tiếng Việt.  Nàng đi dạo trên internet, vào những forums tiếng Việt, nàng tập thảo luận bằng tiếng Việt, tập làm thơ và dần dà nàng thuộc lòng các bài thơ "Em Đi Chùa Hương", "Chân Quê", "Mộng Dưới Hoa".  Tết năm đó trong một buổi văn nghệ đón Xuân, cũng là lần đầu tiên Hà lên sân khấu trình diễn, với nhạc phẩm "Làng Tôi" của nhạc sĩ Y Vân, nàng được những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt kéo dài cả phút đồng hồ.  Nàng ôm mặt khóc vì xúc động.  Thế mà Sơn đứng trong hậu trường đón nàng, bằng vẻ mặt nửa cười nửa giả bộ mếu, Sơn nhái lời bản "Tình Như Mây Khói" của Lam Phương để chọc Hà:  "Em, khóc đi em, khóc nữa đi em, khóc để rồi... buông... một nụ cười".  Nhìn nét mặt nhăn nhó tiếu lâm của Sơn, Hà không không khỏi bật cười, nàng cung tay giả bộ đánh Sơn, Sơn chạy đi trong tiếng cười giòn giã.
Hai năm trôi qua, ngày nào cũng là ngày vui, Sơn lúc nào cũng quanh quẩn bên Hà, khi thì châu đầu làm bài tập trong thư viện, rảnh rỗi thì đi tản bộ quanh trường, có khi ngồi trên bãi cỏ Sơn đàn cho Hà hát, có khi bàn chuyện nhân tình thế sự.  Sơn năm nay làm chủ tịch hội sinh viên, Hà cũng trở thành trưởng ban văn nghệ, đôi bạn sát cánh bên nhau trong các công tác xã hội.  Có những đêm thắp nến cầu nguyện cho thuyền nhân, có những buổi biểu tình cho dân chủ, nhân quyền.   Cũng có ngày ôm thùng đứng trước siêu thị, quyên tiền trợ giúp cho nạn nhân của thiên tai bão lụt.  Có những chuyến đi cắm trại liên trường, ban ngày trèo núi, ban đêm cùng nhau ăn uống, ca hát bên ngọn lửa hồng tí tách reo. 
Trở lại buổi văn nghệ, Sơn trong bộ quân phục của "thiên thần mũ đỏ" tiếp lấy microphone rồi bước ra sân khấu, chàng cất giọng trầm buồn:
"Tháng tư, kỷ niệm cái tang chung của đất nước.  Tháng tư cũng là kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, và những người anh hùng mũ đỏ của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã tử thủ tại ngọn đồi Charlie.  Để tưởng niệm những người anh hùng vị quốc vong thân tại Charlie trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Kim Sơn và Thanh Hà xin gửi đến quý vị khán giả nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh”.
Một tràng vỗ tay vang dội, Sơn dạo đàn, Hà cất tiếng hát, nàng thấy dưới hàng ghế danh dự một người chiến sĩ mũ đỏ nghiêm trang đứng lên đặt tay lên nón chào, trên cổ áo có một bông mai trắng lấp lánh, bài ca chưa dứt mà người đã mắt lệ long lanh. 
Ca xong Sơn và Hà đi vào hậu trường, con nhỏ bạn chung lớp nói 
- Hai người ca bản này xuất sắc nghen, tui nghe cảm động muốn khóc.
Hà nói 
- Ừa, Hà thấy có bác chiến sĩ mũ đỏ dưới kia, đứng chào hết bài ca mà cặp mắt đỏ au ngấn lệ.  Không biết bác có quen ai đã hy sinh tại Charlie không? 
Sơn trả lời
- Ừ bác ấy có quen nhiều lắm, không chỉ quen thôi mà bác ấy còn là một trong những người sống sót trong trận chiến lịch sử đó.
- Sao Sơn biết?  Hay là Sơn có quen bác ấy?
- Ừ, không chỉ quen, mà còn quen rất thân nữa.
Hà quay mặt lại nhìn thẳng vào mắt Sơn, lại nụ cười dí dỏm, trông như nửa đùa nửa thật.  Hà nghi ngờ nói
- Thôi đi, thấy người ta đeo lon thiếu tá rồi bắt quàng làm họ hả, Hà không có rảnh tin Sơn đâu.
- Ui cha, câu này tự ái trầm trọng nghen, Hà có dám đánh cá với Sơn không?
- Sơn muốn cá cái gì?
- Nếu Bác ấy là người có mặt tại trận đánh Charlie và Sơn có quen, thì Hà sẽ đến nhà tặng bác ấy một bó hoa.  Còn nếu không thì Sơn sẽ tặng cho Hà 10 DVD hài Hoài Linh.
Nghe nói tới DVD hài Hoài Linh Hà cười chúm chím
- OK, móc nghéo liền.
- OK tính vậy đi.
Một sáng cuối tuần, bầu trời xanh ngắt, vài cụm mây trắng lưa thưa, Sơn lái xe đưa Hà lên Santa Ana để mua DVD hài.  Gần tới Little Saigon, chàng ghé vào một căn nhà rộng rãi, chung quanh nhà thảm cỏ xanh mướt.
Hà hiếu kỳ hỏi, 
- Sơn đưa Hà đi đâu đây? 
- Thì trước khi mua DVD hài cho Hà, thì coi Sơn có thua Hà không trước đã.
Sơn mở cốp xe lấy ra một bó hoa đưa cho Hà, rồi bước lên bấm chuông.  Hà ôm bó hoa, nhớ tới lời giao kết hôm nọ, lòng bán tín bán nghi.  Có tiếng mở cửa lạch cạch, người mở cửa ra chính là bác lính mũ đỏ Hà mới gặp tuần rồi.  Hà nhìn quanh, thấy Sơn đang lúi húi lấy gì trong xe, Hà lắp bắp
- Dạ cháu chào bác.
- Mời cháu vào nhà chơi.
Hà bước vào nhà, bên trong thật rộng, trong phòng khách đã có người ngồi, thấy Hà vào bèn đứng lên chào, một người đàn bà tóc đã hoa râm, một người con gái khoảng 17, 18 tuổi, cặp mắt đen lay láy, tròn xoe, có vẻ tinh nghịch.  Cô gái mau mắn chạy lại đưa tay cho Hà bắt rồi nói
- Chị Hà phải không?  Mời chị ngồi chơi, em xin giới thiệu đây là ba má của em, còn em tên Thủy.
Hà còn đang bỡ ngỡ không hiểu vì sao Thủy lại biết tên nàng.  Nàng cúi đầu chào mọi người, rồi không dám ngẫng đầu lên vì không biết nói gì trước hai người lớn.  Người đàn bà vui vẻ nói
- Hà ngồi xuống đi cháu, bác nghe Sơn nói rất nhiều về cháu từ hai năm nay, từ lâu rồi bác có nhắn với nó mời cháu tới nhà  chơi, mãi tới hôm nay mới có dịp gặp mặt.
Mãi tới lúc này Sơn mới bước vào nhà, chàng đi thẳng vào nhà bếp rót mấy ly nước cam rồi bưng ra mời mọi người
- Mời Hà uống nước.
Hà lườm Sơn, cũng cái vẻ mặt nửa đùa nửa thật, Hà tức quá mà không sao nói được.  Sơn quay qua nói tiếp
- Thưa ba, tuần trước Hà gặp ba trong buổi văn nghệ, nghe nói ba có tham dự trận đánh ở Charlie nên Hà muốn tới đây, trước là thăm gia đình mình sau là tỏ chút lòng với người chiến sĩ mũ đỏ.
Nói xong Sơn tiếp lấy bó bông trên tay Hà, đứng lên xoay mặt đối diện với cha chàng, nghiêm trang đưa tay chào theo kiểu nhà binh, rồi hai tay đưa bó bông cho cha chàng.  Cha chàng cũng đứng nghiêm lại chào tay theo quân lễ và tiếp nhận bó bông.  Mọi người cười lên vui vẻ.  
#1
    Thanh_Tam 04.11.2014 06:57:06 (permalink)
    Chương Hai:

    Chuyện vãn hồi lâu Hà mới hiểu rõ được cha của Sơn chính là một trong những trung đội trưởng còn sống sót sau chiến tích Charlie.  Trong bữa cơm gia đình thân mật ông mới kể lại những ngày "đội pháo" trên đồi Charlie:
    - Số phận cay nghiệt đã an bài cho chúng tôi tử thủ Charlie, chúng tôi không thể tự do truy lùng giặc, phải gồng mình chịu đạn pháo như mưa, lại phải đẩy lui bao đợt biển người của giặc.  Mỗi tối phải nhặt xác anh em, sửa lại giao thông hào để ngày mai lại tiếp tục "đội pháo".  Chúng tôi chiến đấu không ngừng nghỉ, giặc đông hơn ta gấp 10 lần, xác giặc cũng nhiều hơn ta gấp 10 lần, phơi đầy chiến địa.  Chúng tôi bắn tới viên đạn cuối cùng, lương thực và thuốc men trị thương cũng hết, anh em mình bị thương nhiều quá, băng gai, bông gòn không còn đủ mà băng.  Gọi bộ tư lệnh, xin tiếp viện hoài mà không có. 
    Ông ngừng lại uống miếng trà, mắt đăm đăm nhìn vào hư không, những viên đạn pháo ngày nào như đang nổ tung trước mắt ông, ông tiếp tục kể:
    - Được lệnh rút quân, nhìn xác từng anh em, mọi người đều nuốt lệ.  Số phận cay nghiệt đã cướp đi sanh mạng của anh Năm và hơn hai phần ba anh em đồng sanh cộng tử của tiểu đoàn 11.  Các anh mất đi không một tiếng kèn đưa tiễn, không có một lá quốc kỳ phủ lên hình hài ghim đầy miển đạn.  Trong những ngày sinh tử bên nhau, các anh từng cứu chúng tôi khi chúng tôi bị thương, cõng chúng tôi chạy giữa lằn tên mũi đạn, không nệ tử sinh.  Giờ đây các anh nằm xuống, thân thể nát tan, chúng tôi chưa kịp thu nhặt hình hài, lại phải bỏ chạy tìm lối đào sinh.  Nghĩa tình không trọn, mai này làm sao chúng tôi dám đối diện với vợ con của các anh, làm sao quỳ bên chiếc quan tài trống rỗng? 
    - Theo lệnh rút quân, tôi và các chiến hữu mở đường máu phá vòng vây lao xuống đồi, lẩn nhanh vào khu rừng trước mặt, chúng tôi chạy được một lúc thì nghe tiếng AK giặc bắn theo xối xả.  B-52 tiếp tục rải bom vòng quanh đồi Charlie, hàng loạt bom nổ tung trên đồi, bụi đất bay tung cùng xác giặc.  Thây VC phơi ngổn ngang trên lưng đồi.  Bỗng một tràng AK phang ngay trước mặt, cát bụi mù mịt, biết bị lọt vào ổ phục kích, tất cả nằm rạp xuống, rồi theo dấu hiệu của chỉ huy, cả toán đồng loạt khai hỏa tấn công về phía trước, rồi từng người một vừa bắn vừa thối lui theo ngả khác, đạn thù bắn theo xối xả.  Hễ tìm được một địa thế tốt cả toán trụ lại nã đạn trả đũa rồi rút nhanh, để lại vài xác giặc lót đường triệt thoái.  Cứ như vậy chúng tôi rút sâu vào trong rừng, tiếng đạn AK thưa dần, thay vào đó là từng loạt đạn pháo vang rền trên địa bàn triệt thoái.  Tôi ra lịnh chia ra từng nhóm hai người, tản ra nhiều hướng để tránh đạn pháo, và rút nhanh về hướng Tân Cảnh xa xa.  Lại một loạt đại liên ria xối xả trước mặt, rồi một loạt khác bên hông, một số chiến hữu chạy trước lảo đảo té xuống.  Lại lọt vào ổ phục kích khác, đội hình triệt thoái của tiểu đội tôi tan rã dưới mưa đạn của kẻ thù, mạnh ai nấy chạy bán mạng, không còn biết đâu là phương hướng.  Hình như tôi chạy lạc điểm hẹn của trực thăng di tản xa lắm, mò mẫm trong rừng đi suốt đêm dài không ngủ, tới chiều ngày hôm sau mới ra tới bờ sông, lau sậy um tùm.  Chung quanh vắng lặng, không một bóng trực thăng, không một tiếng súng.  Tôi đang tìm cách vượt sông, bỗng một loạt AK nổ vang, bùn đất văng xối xả vào mặt, một viên đạn xuyên thủng chân mặt, tôi mất đà ngả xuống.  Ba tên VC phục kích trong bụi lau, đứng dậy chĩa súng vào tôi, một đứa nói 
    - Dứt điểm nó đi để rảnh tay đón mấy thằng khác.
    Một đứa rút khẩu K-54, chĩa vào đầu tôi, tôi nhắm mắt lại, hình ảnh của người vợ thân yêu hiện ra trước mặt, rồi một loạt súng nổ vang, máu văng tung tóe trên mặt tôi, tôi nghe đầu mình bị chấn động mạnh, ngất đi.  Vài giọt nước mát rớt vào mặt làm tôi tỉnh dậy, trung sĩ Hai nói với tôi bằng giọng khẩn khoản
    - Trung úy tỉnh dậy mau đi, chúng ta cần vượt sông gấp.
    Tôi mở mắt ra, vẫn bầu trời xanh, vẫn đám lau sậy bên dòng sông Pô-Kơ thơ mộng, hình như tôi còn sống.  Chống tay choàng dậy, tôi nghe đau nhói ở chân mặt.  Nhìn xuống, chân tôi đã được băng bó cẩn thận.  Quay đầu nhìn quanh, tôi không thấy bóng mấy thằng vẹm, chỉ thấy trung sĩ Hai đang lau mặt cho tôi.
    - Trung úy an tâm, tôi may mắn chạy tới kịp, tặng cho ba tên VC một băng M-16, tụi nó giờ này đang mò tôm ở đáy sông Pô-Kơ rồi.  Vết thương của trung úy không nguy hiểm lắm, chỉ ráng cẩn thận khi di chuyển, đừng để động vết thương, máu lại ra nhiều.  Trung úy ráng ôm chiếc bè này để tôi đẩy ra sông.
    Trung sĩ Hai giúp tôi nằm sấp trên chiếc bè kết bằng 3 thân cây mục, để 2 cây M-16 và một số quân dụng lên bè, rồi đạp chiếc bè ra sông.  Trung sĩ Hai lội theo, bám vào bè, nương theo dòng nước, lội xéo qua sông.  Dòng sông trôi êm ả, chỉ có tiếng đạp nước bì bõm, mệt mỏi quá tôi lại thiếp đi.
    Qua bên kia sông, trung sĩ Hai giúp tôi đứng dậy, mang hai cây súng lên vai, rồi cõng tôi lên lưng, lầm lủi đi về Tân Cảnh.  Tôi nói với anh
    - Anh cho tôi gọi anh bằng anh Hai, còn anh cứ gọi tôi là Tâm, trong hoàn cảnh gần kề cái chết, gọi nhau bằng quân hàm nghe lạt lẽo làm sao.
    - Dạ xin tuân lệnh trung úy, à... cám ơn Tâm.
    - Không tôi cám ơn anh mới đúng, anh có nhiều kinh nghiệm chiến trường, nhiều tuổi đời, không có anh chắc chắn giờ này không còn có tôi.  À, quê tôi ở miền Tây, Giồng Trôm, Bến Tre.  Quê anh ở đâu vậy Anh Hai?
    - Ủa vậy hả, mình là đồng hương rồi, tôi sanh ở Bình Khánh, Mõ Cày, nhưng lớn lên ở Sài Gòn. 
    - Ở Sài Gòn anh đi học trường nào vậy?
    - Tôi học trường kỹ thuật Cao Thắng nhưng bỏ học sớm, theo tụi bạn tình nguyện vào Biệt Kích Dù. Hai Trả lời.
     - Trời, vậy tôi với anh không những bạn đồng ngũ, đồng hương mà còn là đồng môn nữa. Tôi vào Cao Thắng, ban Toán, học xong tú tài thì theo lệnh động viên nhập ngũ  
    Tôi và Hai vừa chuyện vãn vừa đi sâu vào trong rừng.  Giằng co mạng sống từ tay tử thần suốt mấy ngày, hai người mệt lả nhưng không dám dừng lại nghỉ, vì sợ giặc đuổi theo.  Hễ đuối hơi thì nghỉ một chút rồi lại đi nữa, tưởng chừng như tử thần đang bám theo sau lưng.  Đói lả người, khát khô cổ, gạo sấy và nước đã hết từ lâu.  Trời sẫm tối, bỗng nghe tiếng nước chảy róc rách, văng vẳng đâu đây.  Hai cõng tôi mon men về phía tiếng nước chảy, một dòng suối nhỏ ngoằn ngoèo hiện ra trước mắt.  Hai đặt tôi xuống rồi khoát nước rửa mặt.  Tôi định vốc nước lên uống, Hai gọi giật lại
    - Tâm đừng uống nước này, nước suối rừng độc lắm, nó chảy qua cây lá mục, xác thú vật mục rữa, nhất là gần đây chiến tranh khốc liệt, xác người chết không ai chôn, sình thối đầy rừng, đồ dơ theo nước trôi xuống suối, độc lắm, muốn uống phải đun sôi trước.
    Bỗng thấy một con vật, tôi ra dấu ra hiệu cho Hai im lặng, từ từ đưa tay vói lấy khẩu M-16, nhắm về phía bên kia bờ suối.  Hai không biết chuyện gì, lập tức ôm lấy khẩu súng nằm rạp xuống đất.  Bên kia suối một con nai đang đứng trên bờ, tôi nhắm kỹ, chuẩn bị bóp cò thì Hai chụp lên tay tôi cản lại.  Hai nhìn tôi nói nhỏ
    - Dân đi rừng kỵ nhất là việc giết thú rừng, người ta nói  "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá".  Mỗi khu rừng đều có thần rừng trông coi, mình đừng nên xúc phạm.  Không khéo thì những chuyện xui xẻo xảy ra, có thể nguy tới tính mạng.  Ngoài ra trừ trường hợp bất đắc dĩ, không được nổ súng, vì làm vậy sẽ lộ mục tiêu, tụi VC sẽ đuổi tới. 
    Tôi nhìn Hai gật đầu đồng ý, vì mệt mỏi và đói quá, muốn thịt con nai để ăn, nên đã quên mất điều cơ bản đó.  Con nai đưa mắt nhìn về phía tôi, có lẽ nó cảm nhận được chúng tôi không muốn làm hại nó, nó đi khấp khểnh đến một bụi cây, dùng miệng bứt và nhai mấy lá cây rồi đắp lên chân, hình như nó đang bị thương.  Bỗng nhiên nó đứng phắt dậy, quay đầu lại nghe ngóng.  Tôi cũng bỗng thấy mắt Hai trợn trừng, lộ vẻ kinh hải.  Nhìn theo ánh mắt của Hai, tuy trời chưa tối hẳn nhưng tôi thấy hai chấm đỏ sáng quắc như hai ngọn đèn pin ngay sau lưng con nai.  Quen đi rừng Hai nhận được đây là ánh mắt của loài báo đen, nó đang chuẩn bị tấn công con mồi trước mặt.  Hai đứng phắt dậy, chĩa mũi súng thẳng về phía con báo, nhưng không bắn.  Tôi hiểu ý Hai, Hai chỉ muốn dọa con báo để nó bỏ đi chứ không muốn nổ súng, tôi cũng gượng đứng dậy bằng chân trái, chĩa súng về phía con báo, tôi nghe được tiếng gầm gừ, và ngửi được mùi hôi thối từ con báo bay tới.  Một hồi sau, dường như cảm nhận được nguy hiểm của hai họng súng, nên nó quay đầu biến mất vào rừng.  Con nai cũng quay đầu chạy mất dạng. 
    Trời lúc này đã tối đen, phần sợ con báo trở lại, phần sợ các loài thú dữ khác, Hai cõng tôi tìm một hốc đá hay một chỗ nào kín đáo để ngủ tạm qua đêm.  Xa xa bỗng thấp thoáng một ánh sáng mờ mờ leo lét. Không phải ánh sáng vàng vọt của đèn dầu, mà là một loại ánh sáng màu xanh lân tinh ma quái.  Đóm ánh sáng đó dường như di động như một con đom đóm đang bay, Hễ Hai dừng lại thì nó dừng lại, Hai đi thì nó lại bay xa.  Chúng tôi đi theo đóm sáng một đỗi, bỗng dưng đóm sáng biến mất, trước mặt chúng tôi là một căn nhà lá, bị bỏ hoang, cửa sổ và cửa cái xiêu vẹo, ngả nghiêng.  Mùi ẩm mốc bốc lên, rêu phủ xanh nền nhà bằng đất trơn trợt.  Mái và vách nhà lợp lá đã mục rã, nhiều chỗ có thể nhìn suốt ra bên ngoài.  Có những bụi lau sậy mọc cao quá đầu, ló cả vào nhà, như những cây chổi trắng đong đưa.  Hai nói với tôi
    - Chỗ này cũng tạm che sương, tụi mình tìm một góc nào đó ngủ dưỡng sức, rạng sáng mai mình tiếp tục lên đường.
    Bỗng có tiếng động sau nhà, Hai nép vào sát vách, đưa nòng súng lên chờ sẵn, một bóng đen xoã tóc lù lù hiện ra, Hai hét lớn 
    - Đứng lại bằng không tôi bắn.
    Một giọng nói trong trẻo của một cô gái vang lên
    - Đừng bắn, tôi không có ý hại hai ông đâu, chung quanh đây mấy cây số không có ai ở, hai ông cứ vào đây nghỉ chân rồi mai đi tiếp.
    Cô gái thắp đèn lên, ngọn đèn dầu mù u bay mùi thơm thoang thoảng, Dưới ánh đèn mờ chợt tỏ chợt lu, cô gái tóc bù xù, gương mặt lem luốc, cặp mắt lá răm, màu da trắng bệch không sinh khí.  Một luồng hơi lạnh chạy dài theo xương sống, da gà nổi lên khắp mình Hai.  Hai từng nghe kể lại trong khu rừng thiêng nước độc miền thượng du Bắc Việt, những ngôi nhà giữa rừng rú hoang vu thường có ma xó.  Một số thầy bùa, có thể luyện được ma xó.  Nhà có người chết họ không chôn mà nhét xác trong một bọng cây và để ở xó nhà.  Đây là loài ma sống trong xó tối, luyện tới khi linh hồn nó hiển linh là có thể dùng nó bảo vệ khu nhà khi họ đi vắng nhà.  Ma xó lâu ngày có thể thành tinh, biến được thành người.  Ai vào nhà lấy một món gì thì nó đếm một, lấy hai món, nó đếm hai, đếm hết ba hồn bảy vía nếu là đàn ông, hay chín vía nếu là đàn bà thì nó lấy mạng người đó.  Ngôi nhà này bị bỏ hoang lâu rồi, có lẽ chủ nhà đã bỏ đi, mà không mang theo con ma xó.  Dù không có chủ, nhưng ma xó vẫn coi ngôi nhà này là nhà của nó, sẵn sàng bảo vệ những kẻ tới phá hoại.  Cô gái nói tiếp
    - Ông kia bị thương ở chân, đây là mớ lá rừng chuyên trị thương tích, vò nát đắp lên vết thương sẽ khỏi.  Còn đây là nước uống và mấy củ khoai lang tôi mới nấu, hai ông ăn cho lại sức.  Tối nay hai ông cứ an tâm ngủ lại đây. 
    Nói xong cô gái để chiếc đèn trên bàn và khập khễnh đi ra sau nhà.  Trên bàn không biết từ bao giờ đã có những củ khoai bốc khói và ấm nước nấu sẵn, một bó lá màu xanh đen giống y như những chiếc lá con nai đã nhai đắp lên vết thương hồi chiều.
    Vốn tin tưởng vào trời phật và tin vào thế giới vô hình, Hai nhủ thầm, mình không làm gì sai quấy, không trộm cắp gì, không có lý gì con ma xó nhà này lại hại mình, sống chết do trời.  Nghĩ như vậy nên Hai an tâm, bèn rót nước vào bình nước cá nhân uống cạn.  Nước ấm trôi vào cổ họng làm người của Hai sảng khoái.  Thấy mình khoẻ trở lại, Hai bèn rót nước cho tôi uống, rồi bốc khoai lên, củ khoai Dương Ngọc màu tím thơm phức, Hai bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm, và nói
    - Đây là củ khoai ngon nhất đời tôi.
    Cả hai ăn xong, Hai tháo băng ra lau rửa vết thương rồi vò nát mớ lá đắp vào vết thương cho tôi.  Hai nghĩ tới con nai bị què chân hồi chiều, không chừng nó lại là cô gái đi khập khễnh hồi nãy.  Tại sao cô gái mảnh mai đó xuất hiện trong khu rừng đầy thú dữ, vừa kịp lúc để cứu anh và tôi?   Mệt mỏi quá, chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, đến khi bừng mắt dậy thì mặt trời đã quá ngọn sào.
    Hai dìu tôi đứng dậy, tôi đã có thể đứng thẳng người, vết thương đã bớt đau nhiều lắm.  Cô gái hôm qua đã đi đâu mất tự lúc nào không ai hay biết.  Tôi móc bóp ra, lấy hết tiền trong bóp để xuống bàn. Hai cười nói, 
    - Tôi không nghĩ là cô gái hôm qua biết xài loại tiền này đâu.
    Tôi trầm ngâm không trả lời, một lát sau tôi nói với Hai
    - Anh làm cho tôi hai chiếc nạng, tôi nghĩ là tôi có thể chống nạng đi được rồi.
    Trải qua một thời gian dài lầm lũi trong rừng, rốt cuộc rồi chúng tôi cũng về đến Tân Cảnh.  Sau mấy tháng dưỡng thương tôi được đưa về bổ sung cho tiểu đoàn cũ, gặp lại Hai tôi mừng quá.  Từ đó tôi và anh Hai trở thành đôi bạn thân thiết, trải qua mấy lần sinh tử bên nhau, trên khắp chiến trường miền Trung cho tới ngày mất nước.  Tôi và anh bị tù đày biệt xứ, mỗi đứa một nơi, biệt tin từ đó. 
    #2
      Thanh_Tam 04.11.2014 07:02:03 (permalink)
      Chương Ba:

      Trong một căn nhà nhỏ trông có vẻ xuống cấp lụp xụp vùng dân lao động, đâu khoảng 7, 8 đệ tử của thần lưu linh đang tụ tập nhâm nhi, tố khổ sự đời. Hải hai tay ôm 1 thùng bia Heineken bước vào.   Sau những tiếng chào hỏi vui vẻ, Hải ngồi xuống đất bên cạnh các bạn nhậu.  Dưới đất lót giấy báo, đồ nhậu gồm vịt quay, mì xào, bún, rau sống, và một nồi lẩu "ông thầy" đang bốc khói nghi ngút.  Bên này người ta không có bán thịt dê, nhưng không hiểu từ đâu, mấy tay nhậu này kiếm được, nghe nói "hàng hiếm" được đem từ tiểu bang khác qua, Hai với tay vô thùng nước đá gần đó, lấy ra chai Heineken, dùng bật lửa khui nắp, đưa cho Hải
      - Mấy khi rồng tới nhà tôm, cạn chai này với tôi đi anh Hải.
      - OK, mời tất cả nâng ly, chung vui đêm này cho trọn tình quê hương nghen.
      Những tiếng cười giòn giã, những tiếng reo vui khoái trá, tất cả đều đưa chai lên cụng, rồi mạnh ai nấy cạn hết phần của mình, rồi "đạn dược" của mọi người lại được châm đầy đủ.
      - Và như thông lệ "vào hai ra một", chai này phạt anh Hải đã đến trễ.
      Hải cười vui vẻ, tiếp lấy chai bia uống một hơi hết chai thứ hai.  Mọi người vỗ tay vang dội, lập tức một chai bia khác được đưa đến cho Hải.  Cả nhóm cười ha hả, rồi một anh nói
      - Nạp đạn nhanh như vậy mới xứng đáng với danh hiệu của pháo thủ tái chiếm Sa Huỳnh ngày nào.  Để tiếp tục chương trình tui xin hát tặng cho anh Hải bài "Chuyện Giàn Thiên Lý".  Anh Sa tằng hắng rồi cất giọng
      - "Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng lửa khói... "
      Hát tới khúc chót, mọi người đồng thanh cất cao giọng 
      - "Này anh lính chiến, người bạn pháo binh. Mẹ tôi tóc sương từng đêm nghe đạn pháo rơi thật buồn. Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi. Nhà tôi ở cuối chân đồi, có giàn thiên lý, có người tôi thương..."
      Sau tràng vỗ tay vang dội, mọi người đều hể hả nâng ly uống cạn.  Trong nhóm bạn nhậu tới nhà của Hai hôm nay, ngoài Hải thuộc binh chủng Pháo Binh, còn có anh Hùng thuộc Biệt Động Quân, anh Sa thuộc Bộ Binh, anh Hoàng thuộc Biệt Kích Dù, anh Can thuộc Lôi Hổ.  Gần như tuần nào cũng vậy chiều thứ bảy là các tay này xách bia tụ tập lại nhà của Hai, cũng những bài hát này lập đi lập lại, nhưng mọi người hát hoài không chán.  Cũng như điếu thuốc hút ngày này qua ngày khác, vậy mà sau mỗi bữa cơm, châm một điếu, để lên môi rít một phát, lại cảm thấy lê tê mê như nụ hôn đầu.  Đám bạn nhậu này rượu vào lời ra, “Túy ông chi ý, bất tại tửu”, nói thẳng ruột ngựa.  Cũng có khi say quá, nói chuyện phang ngang bửa củi, làm mích lòng, gây gổ nhau.  Nhưng rồi ít bữa sau, lại chung đầu, cụng ly, nhậu tiếp.  Anh Hoàng bỗng nói
      - Ê Hai, tao có nhỏ cháu, con của bà chị tao, nó hiền và đảm đang lắm, 45 tuổi rồi, chồng nó đi xẻ gỗ ở Bảo Lộc, bị cây đè chết, nó ở vậy nuôi 1 đứa con như mầy.  Mầy coi hình coi được không?  Mầy OK, tao giới thiệu cho.
      Hai cười không nói, cả bọn nhao nhao, Can nói
      - Ê thằng Hai không chịu để cho tao. 
      - Thằng Can có vợ rồi, tham lam vừa phải thôi.
      - Thằng Can tháu cáy đó, nhà nó có con sư tử Hà Đông, nó mà lộn xộn bà xé nó ra trộn gỏi.  Ra chiến trường nó là Lôi Hổ, chứ về nhà hổ lôi nó.
      Can cười hề hà, chống chế
      - Gì mà hổ lôi, bất quá là "một câu nhịn là chín câu lành" cho êm nhà vui cửa vậy mà.
      - Thằng Can nói đúng đó, cái thời "Giáo phụ sơ lai, giáo tử anh hài" hết rồi, bên này vợ đặt đâu chồng ngồi đó, con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, mà phải ngồi lẹ lẹ, không ấy nó giận. 
      - Cái đó tùy nhà thôi, đâu phải ai cũng vậy.
      - Ai nói gì thì nói, tao nghĩ bí quyết giữ hạnh phúc ở cái xứ này là "Có vợ thờ vợ, có bồ thờ bồ", ngoan cố như thằng Hai thì bị vợ bỏ. 
      - Ê ai nói vợ bỏ là khổ, tao có thằng bạn muốn được vợ bỏ như thằng Hai không được.  Chiến trường An Lộc cướp nó một cái chân, qua đây ăn tiền tàn tật, có bao nhiêu tiền, vợ nó lấy hết, ra quán cà phê ngồi, nó than thân trách phận, đôi khi thèm một tô phở, một gói thuốc, cũng không có tiền mua, thì lấy tiền đâu mà ly dị.
      - Chưa thấy ai như vợ thằng Hai, đã theo trai mà còn gom hết tiền, bỏ nó trắng tay, nuôi đứa con chưa đầy 9 tuổi.  Tao thấy tình đời chua chát quá.  Mà quả báo nhãn tiền, ngày con vợ nó hết tiền, bị thằng bồ đá, vác mặt về thăm con, bước vô nhà, con Hà đi ngang mặt, nó không thèm chào má nó một tiếng.
      - Thì tao cũng thương thằng Hai nên tao mới giới thiệu nhỏ cháu cho nó.  Tao thấy thằng Hai suốt mười mấy năm dài, ban ngày nó rửa rau ngoài siêu thị, trưa về nấu cơm cho con ăn, ban đêm đi rửa cầu tiêu cho các hãng xưởng.  Bây giờ con Hà đã lên đại học, Hai à, tao nghĩ mầy nên tìm một người bạn để tâm sự, an ủi nhau trong quãng đời còn lại.  Chỗ này được lắm, con nhà có giáo dục, tao biết nó từ nhỏ, tánh nó hạp với mầy.  Từng tuổi này tao không ngu dại làm mai cho ai, nhưng đôi bên đều là người thân của tao, nên tao mới nói.  Chỉ cần mầy OK một tiếng là tao gọi về bển liền, rồi hai đàng liên lạc tìm hiểu nhau.
      Hai tiếp lấy tấm hình, trong hình có một người đàn bà khoảng 45, nhan sắc trung bình, trông có vẻ đơn giản không chải chuốt.  Hai nhìn hình rồi trả lời
      - Anh Hoàng cho tôi suy nghĩ lại, tôi sẽ trả lời cho anh sau.
      Lúc đó Hà đi đánh quần vợt về, bước vào nhà, nhà sặc mùi khói thuốc, rượu bia, nhưng Hà đã quen rồi, nàng gật đầu chào mọi người. 
      Mọi người đều trầm trồ, Hoàng nói
      - Con Hà nó lớn như thổi, mới ngày nào còn lẩm đẩm chạy theo bác Hoàng xin kẹo, mà bây giờ nó lớn đại, không chừng nó cao hơn bác nó rồi.  Thằng Hai cũng có phước, vợ nó bỏ đi, nó bỏ lún con nhỏ chẳng dạy dỗ gì mà nó cũng tự nên người.
      Hai trả lời
      - Cũng nhờ trời anh Hoàng à, tôi đi cày ngày hai jobs kiếm cơm, về nhà mệt sải tay, đâu có thì giờ chăm sóc cho nó, may phước nó biết tự lo.  Con Hà nó vào đại học rồi, nó học giỏi lắm, được hai ba học bổng, năm nào cũng có giấy khen của trường.
      - Ba đâu có bỏ lún con đâu, ngày nào ba cũng nấu cơm cho con ăn mà.  Hà cười đáp.
      Cả nhà cười lên vui vẻ.  Hà hỏi
      - Hồi đó ba đi binh chủng gì vậy ba?
      - Ba mầy thuộc binh chủng Nhảy Dù.  Hai trả lời con.
      - Tiểu đoàn "Song Kiếm Trấn Ải" phải không ba?  Hà hỏi.
      Hai trố mắt nhìn con, hồi nào giờ Hà chỉ là cô bé nói tiếng Việt ngọng nghịu, một câu ca dao dạy hoài nó cũng không thuộc.  Cha thì không biết tiếng Mỹ, con lại không rành tiếng Việt, nên cha con ít nói chuyện nhiều với nhau được.  Bây giờ nó có thể nói rõ ràng cả biệt danh của Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù. Quả là một tiến bộ vượt bực.  Hai trả lời
      - Đúng rồi, sao con biết? 
      - Con học trên internet.  Hà trả lời.
      Điện thoại reo vang, Hà chạy đi bắt điện thoại rồi vào phòng nói chuyện.
       
      #3
        Thanh_Tam 04.11.2014 07:04:18 (permalink)
        Chương Bốn:

        Sáng hôm sau, Hai thức dậy ra bếp định pha ly cà phê thì thấy trên bàn có ai để sẵn cái nồi ngồi trên cái cốc, cà phê đen đang nhỏ từng giọt đen sánh, bay mùi thơm phức.  Hai dòm xung quanh coi nhà có khách nào không, sao đến hồi nào mà ông không hay biết.  Thấy bóng Hà dưới bếp, Hai hỏi
        - Bộ có khách tới nhà hả Hà?
        - Dạ đâu có ai đâu.
        - Vậy ly cà phê của ai vậy?
        - Của con pha cho ba đó, con còn có món này ba thích nè, hôm nay cha con mình khoái ăn sang nghen?
        Thấy Hà bưng lên mấy củ khoai Dương Ngọc bốc khói, Hai nói
        - Khoai lang là món nhà nghèo chứ sang gì mà sang?
        Hà cười hì hì
        - Khoái ăn sang là sáng ăn khoai.
        Hai cha con cười vui vẻ.  Hà lấy muỗng cà phê khuấy sữa lên cho đều, Hà thấy ba ăn xong củ khoai tím, Hà đứng lên dọn dẹp giấy tờ trên bàn, rồi mỉm cười hỏi vu vơ.
        - Có bao giờ ba nói "Đây là củ khoai ngon nhất đời tôi" không ba?
        Hai đang ăn khoai, nghe câu hỏi của Hà, ông không rõ là Hà thật sự muốn hỏi gì.  Dường như câu nói này quen quen, văng vẳng đâu đây trong tiềm thức, ông cố suy nghĩ câu trả lời, bỗng ông giật mình sực nhớ lại.  Đúng câu này, ông đã nói ba mươi năm về trước, cái đêm trong ngôi nhà âm u, mấy củ khoai đã cứu sống ông, hình ảnh xa xưa của một cô gái da mặt trắng bệch, không rõ là người hay ma đang lầm lũi bước sâu vào bóng tối sau nhà, nay hiện rõ trước mặt anh.  Chỉ có hai người biết được câu nói này.  Tại sao con Hà biết được mà hỏi anh, nó và cô gái trong khu rừng kia có quan hệ gì với nhau? 
        Hay là hậu thân của con ma đó đang đứng trước mặt anh?  Có phải con Hà sanh ra để làm niềm hy vọng cho ông sống, để làm chiếc bè để cho ông bám vào trong những lúc khốn cùng nhất của đời ông? Ngày mà người vợ đầu ấp tay gối, cuốn hết tiền bạc, bỏ đi theo thằng tình nhân trẻ tuổi đầy sức sống, cũng là ngày ông uống hết chai rượu này tới chai khác.  Ông không muốn tỉnh nữa, gan ruột ông nóng bừng, người ông đờ đẩn gục ngả dưới sàn nhà.  Lúc đó con Hà mới lên chín tuổi, đi học về thấy ba nó nằm bất động trên sàn, nó bấm điện thoại gọi 911, xe cứu thương chở ba nó và nó vào bịnh viện.
        Lúc Hai mở mắt ra, ánh đèn trên trần bệnh viện mờ mờ, những giọt nước biển chầm chậm nhỏ giọt xuống mạch máu, hình như có ai rờ lên mặt, ông đưa mắt nhìn, con Hà đứng sát bên giường bệnh, cặp mắt nó đỏ ngầu, nước mắt nó ràn rụa.  Hai nhớ lại những gì đã xảy ra, Hai yếu ớt nắm lấy tay con, con Hà gục đầu vào lòng ông khóc nức nở.  Hai nhủ thầm, tội cho con tôi, mới từng tuổi này, định mệnh đã cướp mất của nó người mẹ.  Trong một phút yếu lòng, ông suýt đã cướp mất của nó người cha.  Ông đã sống những phút huy hoàng nhất của đời ông trên trận mạc, thì còn nắm níu, kéo dài kiếp sống thừa bằng công việc rửa chợ, rửa cầu tiêu làm gì?  Ông ước gì phải ngày trước ông được nằm xuống chung với anh Năm và các chiến hữu bên đồi Charlie, một cái chết hãnh diện vì được hy sinh cho tổ quốc, muôn thuở lưu danh, thì bây giờ ông đâu có tàn tạ trong tuổi già, đau khổ vì thất tình, vì nghèo khó. Phần ông, ông có thể rời cõi tạm.  Nhưng còn con Hà, nó còn cả cuộc đời trước mặt.  Ai sẽ là người đắp cho nó cái mền, vuốt tóc cho nó ngủ, ai sẽ là người lo cho nó từng miếng cơm, tấm áo, ai làm điểm tựa cho nó chập chững bước vào đời.  Không!  Ông phải sống, sống cho tới ngày nó có thể vỗ cánh tung bay, cho tới khi nó không còn cần ông nữa.  
        Có bữa dọn cầu tiêu trong một công ty nọ, cầu nghẹt nước trào ra đầy sàn, mùi hôi thối nồng nặc.  Ông phải lau rửa cả đêm, hai đầu gối đau nhức kinh niên vì thấp khớp, giờ lại phải bò tuốt trong góc, cố chùi rửa cho sạch sẽ.  Tay chân của ông, chỗ thì đỏ hồng ngứa ngáy, chỗ thì lở lói chảy nước vàng vì thuốc tẩy.  Sáng ra ông còn bị khiển trách vì cái mùi hôi chưa hết.  Tủi nhục nào ông cũng ráng nuốt vào lòng, vì con ông sẽ sống.  Từ đó Hai không còn muộn phiền nhiều về những công việc mà trước kia ông cho là hèn hạ.  Nhiều khi ông ngồi lựa rau trong siêu thị, ông thấy công việc sao nhàn hạ quá, giống trong hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn, người đến chốn lao xao".  Những người ngồi trong lầu cát nguy nga, xu hào rủng rỉnh, chưa chắc lòng họ có được thư thả, an vui.  Ông ngồi làm mà cứ trông mau cho hết giờ để về ôm lấy con.  Khuôn mặt hồn nhiên của nó dường như chứa đựng một phép mầu.  Ôm được con rồi, thì mệt mỏi nào cũng tan biến, muộn phiền nào rồi cũng nguôi ngoai.
        Dù con Hà là hậu thân của con ma xó, theo đền ơn ông, hay là thiên thần, do ơn trên đưa xuống, cứu rỗi đời ông, nó đã làm tròn nhiệm vụ.  Chưa lúc nào ông vui bằng lúc này, con Hà càng trưởng thành, càng đáng yêu, nó là hiện thân của tất cả những gì ông ao ước.  Hai hỏi 
        - Làm sao con biết được ba đã từng nói câu đó?
        Hà mỉm cười không trả lời, nàng đánh trống lảng, hỏi ba
        - Trưa chủ nhật này con đi hát kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở nhà cộng đồng, ba đi ủng hộ con nghe ba?
        - Ừ đi thì đi, mà ba chỉ đến nghe con hát, chứ không đi diễn hành hay phát biểu gì đâu nghen.
        - OK, mà con thích nhìn thấy ba trong quân phục thiên thần mũ đỏ.
        - Ba không có đồ lính, ba chỉ còn được chiếc mũ đỏ kỷ niệm thôi.
        - Để con đi chợ trời mua cho ba, mua luôn đôi giày bốt-đồ-sô nghe ba?
        - Ừa, mà sao tự nhiên con muốn ba mặc đồ lính vậy?
        Hà không đáp lời mà hỏi tiếp
        - Ba nè, ai là người anh hùng nhất trong lòng ba?
        - Nhiều lắm, vua Quang Trung, đức Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.
        - Sao ba không nhắc đến Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ vậy ba, hay là tại những người này chỉ xấp xỉ tuổi ba?
        - Chắc tại từ nhỏ tới lớn thầy cô của ba chỉ nhắc tới Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, tên tuổi của những bậc tiền nhân này đã ghi sâu vào tâm khảm của ba.  Nhưng mà con nói đúng.  Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ đều là những người anh hùng dân tộc, vị quốc vong thân, "Thành tan theo nước, tướng theo thành" giống như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
        - Đố ba biết ai là người anh hùng nhất trong lòng con?
        Hai nói đùa, 
        - George Washington, Abraham Lincoln.
        Hà nũng nịu nói
        - Nooooooooo, con là người Việt Nam, người anh hùng nhất trong lòng con, của riêng con, là người lính dù mũ đỏ T. V. Hai.
        Hai phồng lỗ mũi, nhưng ngơ ngác hỏi
        - Ba mầy là anh hùng à, anh hùng rửa rau, anh hùng quét dọn, sao con?
        - Làm kỹ sư ngồi phòng lạnh gõ máy vi tính đâu có gì khó khăn đâu ba, ai cũng có thể nhận việc đó dễ dàng, con nít như con cũng có thể làm được, chứ làm những việc cực nhọc như ba mà vẫn vui vẻ, con chưa thấy ai bao giờ.  Đồng tiền lương thiện của ba tuy ít ỏi, nhưng nó đã mua cho con những thứ mà tiền muôn bạc vạn mua không nổi.  Ngày xưa nhờ những người lính như ba mà tiểu đoàn 11 Nhảy Dù và tên tuổi của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo mới đi vào lịch sử.  Con thật hãnh diện được làm con của ba.  Con muốn được chụp chung với ba trong quân phục thiên thần mũ đỏ, ba đi với con nghen ba?oOo
        Trong bộ quân phục Nhảy Dù, Hai bước vào hội trường, trong hội trường đầy ắp cựu chiến binh QLVNCH, đủ mọi binh chủng, Hai ngồi xuống một chiếc ghế trống phía sau.  Hai thấy con mình trong chiếc áo dài màu vàng thật đẹp, Hà hát rất hay những bài ca về lính.  Hai thật vui mừng vì con mình tự tìm về cội nguồn, điều mà ông âm thầm mong ước nhưng vì hoàn cảnh nên không thực hiện được.
        Sơn cầm microphone giới thiệu
        - Để tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, và những anh hùng thiên thần mũ đỏ đã vị quốc vong thân tại đồi Charlie trong Mùa hè Đỏ Lửa 1972, Kim Sơn và Thanh Hà xin gửi đến quý vị khán giả nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. 
        Rồi Sơn đàn và hát chung với Hà, bài ca này Hà hát đi hát lại nhiều lần, nhưng lần nào nàng cũng phải nuốt ngược nước mắt vào lòng để không bi khản giọng.  Sơn và Hà cúi đầu chào khán giả trong những tiếng vỗ tay vang dội.  Một cựu chiến binh tiếp lấy microphone, bước ra trước sân khấu nói
        - Xin cám ơn tràng pháo tay của quý vị đã dành cho hai cháu Sơn và Hà.  Nhân đây tôi cũng xin giới thiệu, hai cháu Sơn và cháu Hà là con ruột của hai người anh hùng mũ đỏ của tiểu đoàn 11 đã từng tử thủ ở Charlie.  Hai người hùng này đã may mắn sống sót sau những ngày "đội pháo" tại Charlie và có mặt trong hội trường ngày hôm nay. 
        Cả hội trường lại vỗ tay vang dội, ngừng một chút rồi ông tiếp
        - Xin kính mời hai chiến hữu mũ đỏ N. H. Tâm và T. V. Hai bước lên sân khấu chụp hình lưu niệm với hai đứa con thân yêu của mình.
        Hai người lính Mũ Đỏ đứng lên bước về phía sân khấu từ hai bên hội trường.  Hai người vừa bước đi vừa nhìn đăm đăm về hướng nhau, khi gần tới sân khấu, Tâm nhìn ra được người bạn sanh tử đã thất lạc ba mươi năm dài, ông chạy vội lại
        - Trời ơi, anh Hai còn sống đây mà, mấy chục năm nay tôi tìm anh khắp nơi mà bặt vô âm tín.
        Hai người ôm chầm lấy nhau, ở trên sân khấu Sơn và Hà nhìn nhau cười thật tươi và mãn nguyện.
         
        Hết.
         
        Thanh Tâm
         
        #4
          Ct.Ly 27.11.2014 06:41:33 (permalink)
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9