Nơi không kẻ vãng lai - Ray Bradbury
Heoconmtv 06.01.2016 17:11:16 (permalink)
Ray Bradbury
Nơi Không Kẻ Vãng Lai

 
Nguyên tác: THE TOWN WHERE NO ONE GOT OFF (1958)
Chuyển ngữ: Trần Đức Tài
 

Dù ngày hay đêm, chạy băng lục địa nước Mỹ bằng tàu hoả là anh lao vút qua hết thị trấn hoang vu này đến tỉnh lỵ đìu hiu khác nơi không kẻ vãng lai. Hay nói đúng hơn, anh lướt ngang những nơi mà ai chẳng có liên quan, ai chẳng còn cội rễ lưu giữ trong nấm mộ làng quê, thì chẳng ai mất công thăm viếng những ga xép lẻ loi hay lui tới những bối cảnh quạnh quẽ chốn ấy.
Tôi nói điều đó với một bạn đồng hành, một người chào hàng cũng giống như tôi, trên chuyến tàu Chicago-Los Angeles khi chúng tôi băng qua tiểu bang Iowa. Anh ta đồng ý:
- Đúng vậy, người ta thường ghé đến Chicago, ghé New York, ghé Boston, ghé Los Angeles. Ai không sống ở các vùng đó thì ghé chơi để về kể lại. Chớ có du khách nào lại xuống tàu ở Fox Hill, ở Nebraska để xem thử nó ra làm sao bao giờ? Anh hả? Tôi hả? Không đời nào! Tôi chẳng quen biết ai, chẳng có công việc gì ở đó, nó cũng chẳng phải khu nghỉ dưỡng, việc gì phải mất công mò tới?
- Nhưng một năm nào đó thử làm một chuyến nghỉ mát thật sự khác biệt cũng là một thay đổi hấp dẫn đấy chứ? – Tôi nói. – Chọn một làng quê hẻo lánh nào đấy ở đồng bằng nơi anh chẳng quen biết một mống nào cả và tới đó thử chơi?
- Anh sẽ chán ngấy cho xem.
- Tôi vẫn khoái thử một lần đấy chứ! – Tôi ghé mắt nhìn qua cửa sổ. – Tuyến đường này sắp dẫn tới thị trấn nào vậy?
- Rampart Junction.
Tôi mỉm cười.
- Coi bộ hay đấy. Chắc tôi xuống tàu ở đấy.
- Anh vừa xạo vừa ngốc. Anh cần cái gì chứ? Phiêu lưu ư? Lãng mạn ư? Cứ việc nhảy xuống tàu đi. Chỉ mười giây sau thôi là anh sẽ tự chửi mình đồ ngu, vồ lấy tắc-xi và rượt theo chúng tôi đến nhà ga kế tiếp.
- Có thể.
Tôi nhìn những cột điện vút ngang, vút ngang, vút ngang. Xa xa trước mặt, tôi lờ mờ nhận ra những đường nét đầu tiên của một thị trấn.
- Nhưng tôi không nghĩ thế đâu, – tôi nghe chính mình đang nói.
Người chào hàng đối diện nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên.
Bởi vì, chậm rãi, rất chậm rãi, tôi đang dợm đứng lên. Tôi với tay lấy nón. Tôi thấy bàn tay mình mò mẫm tới chiếc va-li. Chính tôi cũng ngạc nhiên.
- Khoan đã! – Người chào hàng kêu lên. – Anh định làm gì thế?
Đoàn tàu đột ngột vòng qua một khúc quanh. Tôi lảo đảo. Tôi nhìn thấy ở đàng xa một tháp chuông nhà thờ, một cánh rừng trải rộng, một đồng lúa mùa hè.
- Chắc là tôi sắp xuống tàu đấy, – tôi đáp.
- Ngồi xuống đi.
- Không. Thị trấn đằng kia có cái gì đó khiến tôi muốn ghé xem. Tôi còn nhiều thời gian. Thật sự là đến thứ Hai tới tôi mới cần có mặt ở Los Angeles. Nếu tôi không xuống tàu bây giờ thì tôi sẽ mãi thắc mắc không biết mình đã bỏ qua điều gì, một cơ hội nào đó tôi đã để vuột mất trong khi mình đã có dịp chứng kiến.
- Thì bọn ta vừa mới nói chuyện rồi. Có gì ở đó đâu mà xem.
- Anh đã lầm. Có chứ.
Tôi đặt nón lên đầu và tay nhấc va-li lên. Người chào hàng sửng sốt:
- Trời đất. Giờ thì tôi tin rằng anh dám làm thật.
Tim tôi đập dồn. Mặt tôi bừng đỏ.
Đoàn tàu kéo còi. Đoàn tàu lao nhanh trên đường ray. Thị trấn ấy đã gần kề!
- Hãy chúc tôi gặp may mắn đi nào, – tôi bảo.
- Chúc may mắn! – Anh bạn đồng hành kêu to.
Tôi vừa hò hét vừa chạy đi tìm nhân viên trực toa.
Một chiếc ghế tróc sơn cũ kỹ ngả lưng tựa vào bức tường sân ga. Trên ghế là một ông già khoảng bảy mươi ngồi thõng thượt, cả thân hình chìm lún trong mớ áo quần, dáng điệu bất động như dường tứ chi đã bị đóng đinh vào đó từ khi nhà ga này được dựng lên. Mặt trời hun sạm gương mặt ông và cày sâu trên má những luống hằn như da rắn mối cùng những nếp nhăn ghìm giữ đôi mi trong một cái nheo mắt bất tận. Mái tóc trắng màu tro như bốc khói trong gió hè. Chiếc áo sơ-mi mở banh khoe cần cổ xoắn vặn xương xẩu, chiếc áo vốn màu xanh giờ bạc thếch màu trời chiều nắng loá. Đôi giày phồng rộp cứ như ông đã tàn nhẫn dí chặt chúng vĩnh viễn ngay miệng bếp lò. Và dưới chiếc ghế là cái bóng tô đậm một vũng đen triền miên.
Khi tôi bước xuống ga, ánh mắt ông già lia nhanh qua mọi cánh cửa của đoàn tàu và dừng sững, ngỡ ngàng, ở hướng tôi.
Tôi nghĩ chắc ông sẽ vẫy tay chào.
Nhưng chỉ có một thoáng biến sắc bất ngờ trong đôi mắt bí mật của ông ta, một phản ứng thay cho sự nhìn nhận. Thế nhưng ông già vẫn không hề máy động một khoé mép, một mi mắt, một ngón tay. Một khối tảng vô hình nào đó vừa chuyển dịch trong con người ấy.
Đoàn tàu đang rời ga cho tôi cái cớ để đưa mắt nhìn theo. Không còn ai khác nữa trên sân ga này. Không chiếc ô-tô nào chực chờ bên văn phòng nhện giăng cửa khoá. Chỉ mình tôi rời khỏi con quái vật kim khí gầm vang kia để đặt chân xuống những đợt sóng nứt rạn của sân ga lát gỗ.
Tiếng còi tàu rú vọng qua đồi.
Đồ ngu! Tôi nghĩ thầm. Anh bạn đồng hành đã nói đúng. Chắc tôi sẽ phát hoảng lên trước nỗi buồn chán mà giờ tôi đã cảm nhận được ở chốn này. Được rồi, tôi ngu, nhưng bỏ chạy ư? Không!
Tôi xách va-li băng qua sân ga, phớt lờ ông cụ. Lúc đi ngang, tôi nghe rõ tiếng thân hình gầy còm của ông ta xê dịch lần nữa, lần này cố tình cho tôi nhận biết. Hai bàn chân ông đang hạ xuống, sờ soạng rồi đập khẽ xuống lớp ván sàn nhớp nháp.
Tôi cứ đi.
- Xin chào, – một tiếng nói loáng thoáng.
Tôi biết ông ta đâu có nhìn tôi mà chỉ nhìn lên mảng trống lớn không mây trên bầu trời lung linh.
- Xin chào, – tôi đáp lại.
Tôi bắt đầu đi lên con đường bụi bặm dẫn vào thị trấn. Đi được trăm thước, tôi liếc nhìn phía sau.
Ông già vẫn ngồi đó, trân trối nhìn mặt trời như dường đang đặt một câu hỏi.
Tôi vội vàng đi tiếp.
Tôi đi xuyên thị trấn mơ màng buổi chiều, hoàn toàn vô danh và cô độc, một con cá lội ngược dòng không với được tới bờ nước trong lành của nguồn đời trôi chảy chung quanh.
Những ngờ vực của tôi đã được xác định. Đây là một thị trấn chẳng có gì xảy ra, nơi mà những biến cố tôi bắt gặp chỉ là những chuyện này:
Đúng bốn giờ, cánh cửa của tiệm buôn Honneger Hardware đóng sầm khi một con chó đi ra ngoài xù lông giũ bụi trên đường lộ. Bốn giờ rưỡi, một chiếc ống hút nút cạn tới đáy một ly sô-đa, bật ra một tiếng nấc mênh mông trong tiệm tạp hoá im lìm. Năm giờ, lũ nhóc con cùng những viên đá cuội lao mình xuống con sông thị trấn. Năm giờ mười lăm, đàn kiến diễu hành trong ánh nắng đổ nghiêng dưới mấy tàng cây.
Tuy nhiên – tôi chầm chậm quay một vòng – đâu đó quanh đây nhất định phải có cái gì đó đáng quan tâm. Tôi biết chắc là có. Tôi biết tôi phải tiếp tục đi và nhìn ngắm. Tôi biết tôi sẽ tìm ra.
Tôi đi. Tôi nhìn.
Trọn buổi chiều này, chỉ có độc nhất một yếu tố là bất biến và thường trực: ông già trong bộ đồ xanh bạc màu luôn luôn theo tôi. Lúc tôi ngồi trong tiệm tạp hoá thì ông ta đứng trước hiên phun vèo những búng thuốc lá lăn tròn như con bọ hung trên đường bụi. Lúc tôi ra đứng bên sông thì ông ta ngồi thụp phía dưới dòng nước rửa tay với vẻ trịnh trọng cố tình.
Cho đến khoảng bảy giờ rưỡi tối, tôi đã đi qua đi lại đến bảy tám lần trong những con phố trầm lặng của thị trấn này thì tôi nghe tiếng bước chân bên cạnh mình. Tôi ngoái nhìn, và chính ông già ấy đang sánh bước cùng tôi, mắt nhìn thẳng phía trước, một phiến cỏ héo cắn giữa hai hàm răng vàng ố.
- Đã lâu lắm rồi, – ông ta lên tiếng rất khẽ.
Chúng tôi đi cạnh nhau trong ánh trời chập choạng.
- Lâu lắm rồi, – ông ta lại nói, – đợi chờ ở sân ga đó.
- Ông hả? – Tôi hỏi.
- Chính tôi, – ông già gật đầu trong bóng tối rặng cây.
- Thế ông chờ ai ở nhà ga à?
- Ừ. Chờ cậu đấy.
- Chờ tôi? – Nỗi sửng sốt chắc đã lộ rõ trong giọng nói tôi. – Nhưng tại sao…? Ông chưa bao giờ gặp tôi trong đời cơ mà?
- Tôi có nói tôi đã gặp cậu đâu? Tôi chỉ nói tôi đã đợi chờ.
Bây giờ chúng tôi đã đến rìa thị trấn. Ông già quay gót và tôi cũng đã trở bước theo ông đi men theo bờ sông đang dần tối, về phía trụ cầu xe lửa nơi những chuyến tàu đêm thường băng ngang, đi đông, về tây, nhưng hiếm khi dừng lại chốn này.
- Ông muốn biết gì về tôi nào? – Tôi đột nhiên hỏi. – Ông là cảnh sát trưởng ở đây?
- Không, không phải cảnh sát trưởng. Mà tôi cũng chẳng muốn biết gì về cậu cả. – Ông già cho hai tay vào túi. Mặt trời đã lặn khuất. Trời mát lạnh bất ngờ. – Tôi chỉ ngạc nhiên là rốt cuộc cậu đã tới đây, thế thôi.
- Ngạc nhiên?
- Ngạc nhiên, và… hài lòng.
Tôi đứng phắt lại, nhìn thẳng vào mặt ông ta.
- Ông đã ngồi đợi ở sân ga ấy bao lâu rồi?
- Hai mươi năm, hay khoảng chừng đó.
Tôi biết ông già nói thật; tiếng ông lặng lẽ và trôi chảy như dòng sông.
- Để chờ tôi? – tôi hỏi.
- Hay kẻ nào đó giống như cậu, – ông già đáp.
Chúng tôi tiếp tục đi trong bóng tối loang dần.
- Cậu thấy thị trấn này sao?
- Trầm lặng, hiền hoà.
- Trầm lặng, hiền hoà, – ông cụ gật đầu. – Còn dân chúng thì sao?
- Dân miền này trông cũng trầm lặng, hiền hoà.
- Đúng thế. Trầm lặng, hiền hoà.
Tôi đã định quay lại nhưng ông ta vẫn tiếp tục nói. Để lắng nghe và tỏ ra lịch sự, tôi phải đi theo ông vào vùng bóng tối rộng lớn hơn, bước vào những đợt sóng rập rờn của đồng lúa bên ngoài thị trấn. Ông già vẫn nói:
- À, cái ngày tôi về hưu hai mươi năm trước, tôi đã ngồi ở sân ga đó và cứ ngồi đấy, không làm gì hết, cứ đợi chờ một chuyện gì đó xảy ra, tôi không hề biết mình chờ mong cái gì nữa. Nhưng khi cuối cùng nó xảy ra thì tôi biết, tôi nhìn nó và bảo, à, đúng là cái mình đợi chờ bấy lâu. Tàu lửa lật chăng? Không phải. Một bà bạn già trở về thị trấn sau năm mươi năm chăng? Không phải. Thật khó nói. Một kẻ nào đó. Một chuyện gì đó. Ước gì tôi có thể nói được…
- Sao ông không cố bày tỏ xem? – tôi bảo.
Những vì sao đã hiện ra. Chúng tôi tiếp tục đi.
- Chà, – ông già nói chậm rãi, – cậu có hiểu rõ những gì bên trong cậu không?
- Ý ông muốn nói cái bao tử của tôi hay là về tâm lý?
- Đó đó! Ý tôi muốn nói đến đầu óc của cậu đấy, cậu có hiểu rõ nó không?
Lá cỏ thì thầm dưới chân tôi.
- Đôi chút.
- Trong đời cậu có căm ghét nhiều người không?
- Vài người.
- Chúng ta ai cũng thế. Căm ghét ai đó cũng là chuyện thường tình, phải không, và không chỉ căm ghét mà những khi không bộc lộ ra, chúng ta thậm chí còn có lúc muốn đánh những kẻ đã làm ta đau khổ, hay hơn thế nữa, ta muốn giết chết chúng?
- Cái cảm giác ấy chúng ta gặp như cơm bữa đấy thôi, – tôi nói, – và ta luôn gạt bỏ những ý tưởng đó đi.
- Chúng ta gạt bỏ những ý tưởng ấy suốt cuộc đời mình. Xóm làng bảo thế này, thế nọ. Bố mẹ khuyên răn điều này, điều kia. Luật pháp nghiêm cấm đủ thứ. Thế là cậu cứ gạt bỏ hết chuyện giết người này đến chuyện giết người khác. Đến khi cậu già như tôi thì hai lỗ tai cậu đã đầy ứ không biết bao nhiêu điều tương tự. Và trừ phi cậu lao ra chiến trường thì không có gì tống khứ được cái ý tưởng giết người đó ra khỏi đầu.
- Một số người chơi môn bắn súng, hay đi săn vịt, – tôi nói. – Số khác thì chơi quyền Anh hay đấu vật.
- Nhưng có một số khác thì không làm thế. Tôi muốn nói với cậu về những kẻ như thế. Tôi nè. Cả đời tôi đã xát muối vào những xác chết đó để ướp trong ngăn lạnh của cái đầu này nè. Nhiều khi cậu nổi khùng với cả thành phố và tất cả những con người chung quanh vì chúng đã buộc cậu phải gạt bỏ cái mong muốn giết người sang một bên. Cậu thấy mình như một người tiền sử già man rợ cứ muốn gào rú lên và vung gậy đập nát đầu ai đó.
- Kết luận là…?
- Kết luận là ai ai cũng muốn giết người một lần trong đời để giải toả phần nào cái gánh nặng đó; những ý tưởng khát máu đè trĩu tâm trí mà hắn ta không có gan thi hành. Và đôi khi ta có được một cơ hội. Một kẻ nào đó chạy ngang trước mũi xe hơi của chúng ta và ta quên đạp thắng và cứ phóng tới. Không ai chứng minh được gì trong những chuyện như thế. Ngay cả kẻ giết người cũng không thừa nhận với bản thân. Hắn ta chỉ không kịp đạp thắng thôi mà. Nhưng cậu biết và tôi biết chuyện gì đã thực sự xảy ra, phải không?
- Đúng, – tôi đáp.
Thị trấn giờ đã xa khuất. Chúng tôi đi lên một chiếc cầu gỗ bắt ngang một dòng suối nhỏ, gần ngay dốc đường ray.
- Đấy, – ông già vừa nói vừa cúi nhìn xuống mặt nước, – chỉ có một lối giết người duy nhất đáng ra tay là giết ở một nơi không ai có thể đoán ra ai giết hay tại sao giết hay ai bị giết, đúng không? Chà chà, tôi có ý tưởng đó có lẽ đã hai mươi năm rồi. Tôi không thường xuyên nghĩ tới nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn. Này nhé; chỉ có một chuyến tàu độc nhất ghé lại đây mỗi ngày, nhiều khi tàu cũng chẳng buồn dừng nữa kia. Đấy, nếu cậu muốn giết một người nào đó thì cậu phải chờ đợi, phải không, hết năm này qua năm khác, cho đến lúc một kẻ hoàn toàn xa lạ mò đến thị trấn này, một kẻ xa lạ xuống tàu ở đây không vì lý do nào cả, một người không quen biết ai và không ai ở đây quen biết hắn. Lúc đó, và chỉ lúc đó thôi, tôi cứ ngồi ở cái ghế ngoài ga mà nghĩ mãi như thế, lúc đó cậu chỉ cần đi tới và khi chung quanh vắng vẻ, giết ngay hắn ta rồi ném xác xuống dòng sông. Người ta chỉ tìm thấy xác hắn hàng mấy dặm dưới hạ lưu. Có thể là người ta chẳng bao giờ tìm thấy. Sẽ không ai nghĩ đến chuyện mò tới thị trấn Rampart này mà kiếm hắn ta. Hắn đâu có đi đến đây. Hắn lên đường đến nơi nào khác kia. Đó, toàn bộ ý tưởng của tôi là thế. Và tôi nhận ra ngay nạn nhân của mình ngay giây phút hắn bước xuống tàu. Nhận ra hắn rõ ràng như thể…
Tôi ngừng bước. Trời tối sẫm rồi. Phải một giờ nữa trăng mới lên.
- Thế à? – tôi lên tiếng.
- Phải, – ông già đáp, Đầu ông ngước lên nhìn sao trời. – Nói thế đủ lắm rồi. – Ông già bước tới rụt rè bước tới nắm lấy cánh tay tôi. Bàn tay ông nóng hực chẳng khác chi đã hong trên bếp lò trước khi chạm vào tôi. Còn bàn tay kia, bàn tay phải, vẫn dấu khuất, nắm chặt, trong túi quần. – Nói thế đủ lắm rồi.
Một tiếng gào rú.
Tôi ngẩng phắt lên.
Trên cao, một đoàn tàu đêm tốc hành đâm toạc không gian theo những đường ray không nhìn thấy được, ánh đèn pha vãi vung trên rú rừng, nông trang, thị trấn, ruộng đồng, hào rãnh và mặt nước; rồi, gầm thét, vút đi xa, kêu rít, mất dạng. Những thanh tà-vẹt bần bật rung rền. Rồi, im lặng.
Ông già và tôi đứng nhìn nhau trong bóng tối. Bàn tay trái ông ta vẫn còn nắm khuỷ tay tôi. Bàn tay kia vẫn dấu kín.
- Tôi nói đôi điều được không? – Sau cùng, tôi lên tiếng.
Ông già gật đầu.
- Nói về bản thân, – tôi ngập ngừng. Tôi bổng thấy khó thở. Tôi buộc mình phải tiếp tục. – Lạ thật, Tôi cũng hay nghĩ giống như ông. Đặc biệt là hôm nay, ngồi trên tàu tôi đã nghĩ: Hoàn hảo quá, hoàn hảo quá, thật không còn gì hơn được nữa. Chuyện làm ăn dạo này chẳng ra chi. Vợ thì bịnh hoạn. Thằng bạn tốt chết mất tuần qua. Thế giới chiến tranh khắp nơi. Thử hỏi sao không giận sôi gan! Tôi sẽ thấy dễ chịu biết bao nếu như…
- Nếu sao? – ông già hỏi, bàn tay vẫn nắm cánh tay tôi.
- Nếu như tôi xuống tàu ở một thị trấn nhỏ nào đó, khẩu súng mang dưới nách, nơi không một ai quen biết tôi, rồi tìm ai đó, bắn chết, chôn xác xong quay ngược lại nhà ga đón tàu đi tiếp, về nhà, và không ai hay biết gì hơn, không ai biết được gì bao giờ. Thật hoàn hảo, tôi đã nghĩ, một tội ác hoàn hảo. Và thế là tôi đã xuống tàu.
Chúng tôi lại đứng trong bóng tối trừng trừng nhìn nhau một hồi. Có lẽ chúng tôi đang lắng nghe tiếng tim người kia đập dồn, rất nhanh, rất vội.
Thế giới xoay chuyển dưới chân tôi. Tôi ghì chặt hai nắm đấm. Tôi muốn ngã gục. Tôi muốn gào rú lên như đoàn tàu vừa chạy qua.
Bởi vì đột nhiên tôi nhận biết tất cả những gì tôi vừa nói ra không phải là những lời dối trá để cứu lấy thân.
Tất cả những gì tôi nói với ông già đều là sự thật.
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao mình lại xuống tàu và đi rảo quanh cái thị trấn này. Tôi đã hiểu tôi tìm kiếm cái gì.
Tôi nghe tiếng ông già thở hắt ra gấp gáp. Bàn tay ông níu cứng cánh tay tôi như dường sợ té ngã. Hai hàm răng nghiến chặt, ông chồm về phía tôi cùng lúc tôi chồm tới ông ta. Một khoảnh khắc im lặng kinh hoàng của nổi căng thẳng tột cùng trước một sự bùng nổ.
Ông già gắng gượng thốt ra lời. Đó là tiếng nói của một kẻ bị nghiền nát dưới một gánh nặng ghê gớm.
- Làm sao tao tin được là mày dấu súng dưới nách?
- Làm sao ông biết chứ? – Giọng tôi lạc hẳn đi. – Làm sao ông biết được!
Ông già chờ đợi. Tôi tưởng chừng ông ta sắp ngất đi.
- Có thật thế không? – ông ta hỏi.
- Thật thế đấy! – tôi đáp.
Ông già nhắm nghiền đôi mắt. Ông mím chặt đôi môi.
Thêm một lúc im lặng kéo dài nữa rồi rất chậm, rất nặng nhọc, ông gắng sức nhấc bàn tay khỏi cánh tay trĩu nặng của chính tôi. Ông nhìn xuống bàn tay phải của mình và rút ra khỏi túi quần, trống rỗng.
Chậm chạp, nặng nề, chúng tôi mỗi người quay về một hướng và dợm chân đi từng bước mù loà trong bóng tối.
Bảng đèn báo hiệu đón khách lập loè trên đường tàu nửa đêm. Mãi đến lúc đoàn tàu rời ga tôi mới chồm người qua khung cửa mở của toa tàu hạng nhất nhìn lại phía sau.
Ông già ấy đã ngồi xuống chỗ cũ, chiếc ghế ngả lưng tựa vào tường nhà ga, vẫn bộ đồ xanh bạc thếch, vẫn gương mặt khô nẻ, vẫn đôi mắt nhạt nhoà. Ông già không liếc nhìn tôi khi đoàn tàu lướt ngang. Ông đang chăm chăm nhìn về hướng đông dọc theo đường ray trống vắng nơi ngày mai, ngày kia hay một ngày nào đó, một đoàn tàu, bất kỳ đoàn tàu nào, có thể vút qua, có thể chậm lại, có thể ngừng bánh. Gương mặt bất động, đôi mắt trừng trừng mù quáng dõi theo hướng đông. Trông ông như già đã trăm năm.
Còi tàu rền rĩ.
Bỗng dưng thấy mình cũng già cỗi, tôi toài người ra cố nheo mắt nhìn.
Giờ đây cái bóng tối đem chúng tôi lại gần nhau đã đứng chắn ở giữa. Ông già, nhà ga, thị trấn, cánh rừng lọt thỏm trong đêm.
Suốt một giờ liền, tôi cứ đứng đó trong tiếng gào rú của đoàn tàu trân trối nhìn vào cõi tăm tối ấy.
HẾT
 
Nguồn: da mau.org
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9