Truyện ngắn - Xa Trường
Hàng Bè 09.07.2016 20:55:18 (permalink)
 

XA TRƯỜNG


Tôi rời xa Huế một ngày cuối hạ, lòng buồn tênh, dù ve sầu thôi không còn than rỉ rả .
Cầm mảnh bằng tú tài mới đi lãnh về, tôi vuốt ve, ngắm nghía cả chục lần, trước khi xếp kỹ vào gói hành trang mẹ soạn sn cho chuyến đi du học của tôi tại thủ đô Sài gòn.

Leo lên thang chiếc máy bay của hãng Hàng Không Việt Nam đậu ở phi trường Phú Bài, đưa tay vy chào thành phố thân yêu tự thuở nằm nôi, với cỏi lòng hiu hắt, na buồn na vui, không bút mực nào tả được, tôi thấy lòng bâng khuâng.
Sân bay Huế không đông hành khách nên không rộn rịp. Ai cũng thư thả, từ từ, đủng đỉnh. Chuyến bay coi bộ cũng lỏng le, ít người. Hình như dân Huế thời đó ít thích di chuyển, du lịch đó đây như nhiều người dân miền khác. Phần đông ưa quanh qun bên vườn dậu, ao nhà, chậu kiểng...
Mẹ tôi đã dặn dò, chọn chổ ghế ngồi gần phía đầu máy bay để tránh bị lắc lư chóng mặt như khi ngồi phía sau đuôi.
Đây là lần đầu tiên tôi một mình leo lên máy bay để đi học xa. Những lần nghhè ở Nha Trang hay Đà lạt đều đi cùng ba mẹ, mấy anh. Là con út nên khi nào tôi cũng được ung dung, thoải mái. Cái gì cũng đã có người lớn lo. Cùng lắm là thỉnh thoảng Ba tôi giao cho cái cặp xách, bảo thằng Út giữ cái này cho Ba. Vậy là tôi hí ha hí hững ôm chặt cứng cặp xách, như là ôm cái gia tài Ba giao phó cho vậy, sung sướng lắm, không dám rời ...
Hôm nay thì "thằng Út" phải tự lo hết một mình rồi, như người lớn.
Tôi ngồi vào chổ, thắt giây an toàn như cô tiếp viên hàng không yêu cầu trong máy, sắp đặt cho túi xách vào đúng vị trí, rồi đưa mắt nhìn quanh, quan sát. Máy bay không đầy khách. Kế bên tôi ghế còn trống, ồ hy vọng chổ ngồi mình được rộng rải trong suốt chuyến bay.
Cách tôi không xa, có một con bé khoảng đâu ba bốn tuổi, chướng thôi là chướng, từ khi vào máy bay đã khóc inh ỏi không ngưng... Bà mẹ trẻ dỗ hoài không được, ra chiều bực bội lắm, cứ liếc mắt nhìn quanh, thấy quê quê, tội ghê.
Một đứa khác chắc cũng bị nóng ngộp vì tù túng trên máy bay, nghe có người khóc, cũng ré lên theo.
Tôi nhìn qua dãy ghế bên cạnh, thấy có một cậu bé lớn tuổi hơn chút, ngồi không yên, cứ lăng xăng nhảy lên nhảy xuống cà giựt trên ghế, rồi chạy lung tung làm cản trở đường đi của mấy cô tiếp viên. Cha nó trừng mắt mấy lần mà coi bộ không xong, ông nổi sùng, phát cho mấy phát sau đít. Thằng nhỏ rống lên khóc thiệt to. Rồi chắc thấy người lớn không ngó ngàng chi tới, nó tủi thân, quệt nước mắt, nhưng vẫn còn rấm rứt khóc một mình.
Thiệt tình, máy bay chưa cất cánh mà đã được thưởng thức mấy bản đồng ca rồi !!
Tội nghiệp thằng bé, khóc hoài mà không ai dỗ nên buồn hiu ! Tôi nheo mắt cười cười nhìn nó, làm nó quê, nó tịt luôn và nín khóc, rồi cũng nhoẻn miệng cười theo. Coi bộ nó quên luôn việc vừa bị đòn...
Tôi thấy cũng vui vui với chú bé con nên tạm thời quên đi nỗi sầu ... sắp xa xứ .
Máy bay bắt đầu cất cánh, tôi dán mũi vào cửa kiếng, cố ghi lại hình ảnh phi trường của thành phố thân yêu với mấy chiếc máy bay nằm dài san sát. Bên dưới, những mái nhà, sông rạch và đồng ruộng từng ô vuông rất đẹp, nhỏ dần, rồi xa tít...biến mất trong mây. Lòng chơi vơi, trong trí hiện ra màu phượng đỏ rực rỡ trong sân trường. Nhớ tới những gốc phượng già nhiều năm nơi truờng cũ, nơi tôi cùng đám bạn thân ngồi ca hát, hẹn hò ngày gặp lại và dặn dò nhau đủ thứ ...

Hai đứa, trong "nhóm ngũ quỷ của chúng tôi " là thằng Lạc với thằng Quân phải lên đường đi nhập ngũ . Hình ảnh buổi họp mặt cuối cùng, cả bầy ngồi v tay đồng ca bản " Đi quân dịch là thương nòi giống" để tin đưa hai đứa hắn, còn làm tôi rung cảm đến hôm nay.
Miệng đứa mô cũng ráng hét thiệt to mà lòng thì buồn hiu hắt. Mắt nhìn lên chùm phượng đỏ trên cành mà cứ thấy mờ dần, mờ dần, nhoà nhạt ...
Thằng Lâm ở lại Huế học Đại học Khoa Học. Hắn là con một nên mẹ hắn không muốn hắn đi xa.
Tụi tui thường chọc, kêu hắn là Cậu Ấm, con cưng.
Nói thiệt mà nghe, "mấy anh Huế", anh nào mà chẳng là ... Cậu Ấm? Bà mẹ Huế mô cũng thấy thằng con mình là " thứ đẻ bọc điều " hết. Cưng còn hơn cưng trứng!
Tôi và thằng Long Cúng thì vô Sài gòn "du học".
Bạn bè đặt tên nó là Long Cúng vì thằng này ưa cúng kiếng lắm. Trước mỗi mùa thi Lục Cá Nguyệt, thay vì người ta phải học ôn bài vở để thi, nó thì ăn rồi, hết đạp xe đạp đi hết chùa nọ tới chùa kia xin xăm cho đề thi ra trúng bài tủ của nó. Mỗi lần đêm khuya, cả bọn xúm xít nhau lại cầu cơ, năn nỉ hỏi thánh bài thi, thằng Long ni chuyên môn dành chân đẩy con cơ. Mấy đứa bạn cứ nói thằng ni hay đẩy bậy, cho cơ chạy ẩu tả. Nhưng tôi thấy có một hai lần nó cũng ra đúng bài!
Thi xong, chưa có kết quả là nó đã đạp xe liền ra chợ Đông Ba mua nải chuối cau hay chuối tiêu về cúng trước. Có khi hắn còn mua thêm cau trầu, vôi, vì hắn nói kỳ ni cơ về là "một mệ " chớ không phải " lình ông ".
Vậy mà thiệt linh, cả bầy học chung, có ai đậu được hạng bình như nó đâu.
Những cành hoa phượng đỏ cuối mùa, theo tiếng ồn động cơ của máy bay, những lao xao ồn ào chung quanh, đưa tôi vào giấc ngủ mơ màng khi máy bay tăng dần cao độ, du hồn tôi vào tầng mây trắng xoá, nhẹ như tơ trời, vương vương toàn k niệm, cũng phai mờ dần dần ...

Giật mình, mở mắt theo tiếng đánh thức của người tiếp viên, tôi kiểm tra hành lý, chuẩn bị lại xắc tay, cùng đoàn hành khách rời máy bay.
Phi trường Tân Sơn Nhất, rộng thênh thang, tráng lệ hơn nhiều so với Phú Bài Huế, khi nào cũng hiền lành, khiêm tốn như người dân miền núi Ngự!
Theo dòng người, tôi rảo bước vừa nhìn quanh, bở ngỡ. Sao thấy cái gì cũng lạ. Người đâu mà đông, nói xi xô không ngừng, đi thì thiệt mau cứ như là chạy vậy. Sao không thấy khoan thai, từ tốn như ngoài Huế mình nơi hè ?
May sao, ra tới cửa đã thấy anh Ba tôi đứng đón rồi. Tôi nhẹ cả người, hết lo.
Nhẹ luôn cả tay chân vì anh đưa tay đón luôn hành lý .
Chúng tôi về Cư Xá Phục Hưng, nơi mấy anh tôi đang ở nội trú đi học.
Lên chào giám đốc xong, gặp vài người bạn thân giới thiệu rồi anh đưa tôi đi một vòng trong ngoài, trên dưới cho biết nơi ăn chốn ở mới.
Chổ nào cũng sạch sẻ và ngăn nắp. Anh nào cũng lịch sự, vồn vả, thân thiện. Gặp bạn bè nào, anh cũng đập đập vai tôi và nói:
- Em út của moa đây .
Cảm giác yên tâm như được chở che. Có anh lớn, sướng thiệt ! Giờ này mà bơ vơ lạc loài xứ lạ thì khổ vô cùng!
Nhận phòng mới, dọn xong áo quần, đồ đạc tươm tất, anh Ba đưa tôi đi ăn phở Hiền Vương.
Anh gọi cho tôi một "tô phở xe la", chao ơi là hắn to! Cả gầu, cả nạm, cả gân . Lại thịt sống, thịt chín, làm sao ăn cho hết đây? Đã vậy, anh còn vy tay kêu chú bưng phở xin thêm chén nước béo vàng hươm nữa chớ !
Tôi nghĩ, ăn tô phở ngoài Huế, thanh tao, nhẹ nhàng, thơm phức, còn ở đây tô phở toàn thịt là thịt. Chưa ăn mà đã thấy ớn !
Thấy tôi dùng một cách uể oải, anh Ba tưởng tôi còn mệt vì đi máy bay nhưng tôi nói với anh là tôi không mệt. Chia sẻ với anh cái cảm nghĩ về tô phở to tổ chảng ngày hôm nay, khi tôi mới bước chân xuống đất Sài gòn, và sự so sánh với tô phở Huế thanh tao. Tôi còn nói:
- Thôi, em ăn một lần ni là thôi đa nghe. Em ngán rồi.
Anh cười hì hì vui vẻ nói:
- Thôi, ăn đi ông cụ non ơi, không thì tối nay về lại kêu đói bụng. Đừng có ngồi đó mà "hoài cổ" nữa. Mai mốt đây tới ăn, rồi lại xin thêm hai chén nước béo không chừng.
Tôi ráng ăn cho hết tô phở, còn "nói bảnh" với anh Ba:
- Thôi, sẽ không bao giờ đâu anh!

Quê ghê. Vậy mà hoá ra anh Ba nói đúng phong phóc.
Về sau tôi ghiền phở Hiền Vương thiệt. Chủ nhật nào cũng tới ăn. Nhất là vào những đợt mùa thi cần tẩm bổ. Cứ bò tới đó ăn "phở bò " hoài.
Lần nào cũng ních một tô phở xe la ... to tổ bố vậy đó.

Anh Ba đã lo hết thủ tục ghi danh đại học cho tôi. Trước ngày tựu trường anh dẫn tôi ra nhà sách Khai Trí ở đường Lê Lợi mua thêm sách vở cần thiết. Tạm kể như tôi có đầy đủ hành trang, bắt đầu cuộc đời sinh viên. Thế là tôi cứ tà tà chờ ngày nhập học. Đã nói là tôi số hên mà!

Nhà tôi có bốn anh em, toàn con trai. Ba anh đầu của tôi, mẹ sinh đều đều cách nhau hai năm một. Tới phiên tôi, tự nhiên mẹ khựng lại. Chắc nuôi ba ông anh tôi liên tiếp, bị quậy quá nên mẹ mệt, mẹ ngán vuợt cạn, vuợt sông rồi.
Lại nghe, hình như lúc đó mẹ cũng đang thèm thèm một đứa con gái nên mẹ hơi ngập ngừng ...
Cho nên tới gần bốn năm sau tôi mới lọt ra. Nghe Bà Ngoại kể lại, bao nhiêu áo đầm mẹ mua sẳn cho con gái, Mẹ lôi hết ra cho tôi mặc. Ai cũng nói lại là hồi đó tôi rất mủm mỉm, dễ thương!
Mấy anh cũng rất thương tôi. Chắc con trai chơi với nhau lâu ngày, dành nhau, đập lộn, chán rồi nên anh nào cũng thích chơi với ... "em gái".
Đã vậy, ăn chi ngon, mấy anh cũng để dành cho tôi, nên ăn nhiều quá, tôi mập ú nù!!
Còn Ba tôi, sau một thời gian cũng như Mẹ và cả nhà đều vui vì có một " út gái ".
Bổng một hôm đẹp trời, chắc là ba đó nhằm ngày lành tháng tốt, tự nhiên ba "phán" lên:
- Thôi, từ bữa ni, con trai thì phải ra con trai, phải cho có dũng khí, oai hùng lên ...
Thế là từ đó, tôi được mặc áo quần con trai, mang giày, đội mủ con trai . Nghe nói lại, cũng đẹp trai ra phết! Vô trường tiểu học ma xơ, cũng ngồi bên dãy con trai, không chơi với con gái. Có một điều may mắn, là hồi đó tuy tôi mặc áo đầm mà Mẹ chưa kịp cho ... xâu lỗ tai. Không thôi bây giờ lại thành ra mấy anh " nọ nọ kia kia " !
Lớn lên, nghe mẹ nói tôi nghịch quá quắt, không ai chịu ni.
Đi học về, liệng cặp lên bàn là theo ba thằng bạn đi đá banh hoặc ra ôm cái sân bóng rỗ. Chắc nhờ vậy mà tôi có cặp giò cao nhồng!
Từ ngày ba mẹ có thêm tôi, ai cũng kêu là nhà có "tứ quý" nên Ba vui lắm. Mẹ tôi cũng treo bảng đình chiến. Vì nếu lỡ dại thèm thèm con gái, mần thêm đứa nữa ...Gái đâu không thấy, thêm một trai lại thành ra " ngũ quỷ " !
Nghe ai cũng doạ nên Mẹ tôi sợ rồi! Không phải như bên phe con gái, cứ có năm cô ra một giây thì được kêu là "Ngũ Long công chúa" đâu mà ham !
Từ ngày Ba Mẹ rửa tay gác kiếm, tôi trở thành " Cậu Út của Tứ Quý " trong gia đình. Ôi chao, cái gì quí hóa ngon lành cũng dành cho Cậu Út trước hết! … Thời Hoàng Kim!!!

Nghịch vậy đó, như Mẹ nói, mà khi lớn lên, vào đại học, tôi tự nhiên hiền khô. Ai cũng nói tôi ngoan ngoản, đàng hoàng, chăm học. Gia do cũng vì mấy ông anh tôi kè kè theo một bên như cảnh sát quốc tế. Nghe nói cứ viết báo cáo về tôi gởi cho Mẹ hoài.
Có một điều rất hên trong cuộc đời là tôi có rất nhiều bạn gái. Nhiều quá sá!
Ôi thôi là bạn gái! Bạn gái nào cũng thích chơi chung và rất hợp với tôi. Chắc tại tôi ... hiền lành.
Ngồi bàn bạc chuyện học hành, tranh luận sự đời cũng hợp. Mà khi đi chơi, kéo nhau từng bầy, từng lũ để nghe nhạc du ca, nhạc Trịnh hay nhạc Nguyễn Đức Quang, còn hạp hơn nữa.
Trong nhóm bạn chơi thân có ba cô ở Huế mới vô Sài gòn học sau này, nên tụi tôi hay ngồi tán dóc chuyện Huế, nhắc sông Hương, Vỹ Dạ, chùa Thiên Mụ, An Cựu, Nam Giao ...
À, mà ba cô " Huế mệ " ni chơi thân thiết với tôi như vậy đó, mãi về sau này, hết hai cô trở thành hai mụ chị dâu của tôi mất tiêu hồi nào không biết !
Ôi, thiệt tình, cái dân Huế chi lạ ghê. Kín như bưng !

Còn thằng Long Cúng, cầu cơ cho cố, ra được cái bằng Kiến Trúc Sư, về sau cũng nhờ tôi mai mối, giới thiệu cho một cô bạn gái đẹp như mơ, lại hiền lành, chăm học. Hắn sợ mất nàng quá nên lẹ lẹ, làng làng về xin cha mạ hắn lo gấp đám hỏi, rồi đám cưới, làm tui chạy theo lo cho hắn thôi cũng hụt hơi luôn, không kịp thở!
Cái thằng! làm chi cũng gấp gấp, gang gang, lật đật!! Hắn cứ ca đi ca lại cái câu "cưới vợ thì cưới liền tay, đừng để… "
Nói cho ngay, thằng Long Cúng, hắn rất có tình, cứ đi theo cám ơn tôi mãi. Hắn nói hoài:
- Mi, mi mua miếng đất đi mi. Tau vẻ kiểu, tau xây cho mi cái nhà. Có vườn bông trước, có vườn bông sau. Có xích đu cho con mi ngồi nữa.
Nói vậy mà có kịp đâu.Chưa kịp làm chi hết thì việt cộng vô. Tụi ác ôn thiệt !!!!!

Ngày ra đi, tôi đi với người yêu, học sau tôi ba lớp. Tôi đi đúng ngày tận thế ba mươi tháng tư .
Trầy vi tróc vảy, qua được tới bên Mỹ, hai đứa cùng đi cày ngày, cày đêm, và ghi tên học tiếp. Gần hai năm sau, hơi ổn định thì chúng tôi làm đám cưới trong nhà thờ vì gia đình nàng theo đạo Công Giáo. Bây giờ tôi đọc kinh cũng giỏi mà tụng kinh cũng rành.
Mẹ, Ba và cả "bốn anh em tứ quý" nhà tôi đều, nhờ ơn Chúa, nhờ Phật độ, kẻ trước người sau, thoát khỏi ách cộng sản, đến định cư các quốc gia vùng Bắc Mỹ, vui vầy, hạnh phúc.

Mấy thằng trong nhóm " Ngũ Quỷ Quốc Học " của tụi tôi, nhiều thăng trầm hơn...
Vợ chồng thằng Long Cúng, cũng chạy xất bất, xang bang vào ngày chót, tính rớt lại, cuối cùng đón xe ra Vũng Tàu, may mắn gặp người quen, theo lên ghe, nên thoát nạn.
Thằng Lâm, hồi đó cha của hắn làm to, đẩy hắn vô làm việc trong Phủ Tổng Thống cho yên tâm, khỏi lo lắng tương lai. Tưởng được yên thân, dè đâu khi "bọn nó" vô, chạy không kịp. Rồi hắn phải đi học tập cải tạo mút mùa, qua sáu cái trại tù từ Nam chí Bắc. Thân nay còm cõi tội nghiệp lắm. Nghe nói hai vợ chồng hắn và hai đứa con quá nghèo khổ, bạn bè thường đóng góp quà gửi về phụ cho nó sống .
Thằng Long Cúng tội nghiệp ghê, hắn đi kêu gọi bạn bè, đề nghị lo cho thằng con trai tốt nghiệp Toán Học xuất sắc của " thằng Lâm cậu Ấm" qua Mỹ học. Vậy mà nay đưa nó qua được rồi đó!

Thương và tội nhất là thằng Lạc với thằng Quân, "hai thằng khỉ nhà binh thương nước, bỏ trường đi diệt cộng ".
Ngày nào, trước khi tôi lên máy bay vào Sài gòn học, năm đứa còn hẹn hò nhau trở lại thăm trường xưa một ngày nắng đẹp. Hẹn hò nhau tìm lại gốc phượng già để cùng ngồi tán dóc đấu hót, cùng nhau nhậu nhẹt . Vậy mà giờ đây hai đứa hắn đã bỏ thân cát bụi trên chiến trường, sẽ không bao giờ trở lại nữa!
Tôi và thằng Long Cúng, tuy ở xa quê hương vạn dặm, vẫn còn có cơ hội quay về. Chỉ là chán chê, ghê tởm và uất hận bọn đó mà chưa về thôi. Nhưng có ai mà không sống trong hy vọng một ngày kia tìm lại quê xưa, làng cũ, đất nước thân yêu? Ai mà không mơ một ngày về, tìm về mái trường xưa yêu dấu, tìm lại đường đi dài trải nắng của thuở học trò đầy mông mơ?
Nhưng còn bạn tôi, thằng Lạc với thằng Quân, hồn thiêng nay ở đâu ? Hai thằng bạn hiền lành mà gàn nhất trong bọn năm đứa. Tại sao tụi bây bỏ trường, bỏ Huế mà đi ? Tại sao tụi bây quyết tâm khoác chiến y? Tiếc là tụi bây ôm mộng xông pha chiến đấu để bảo vệ cho dân lành được sống an vui, cho kẻ hậu phương như tụi tau được yên tâm đèn sách xây dựng tương lai...

Lạc ơi, Quân ơi. Chúng tao còn mắc nợ hai đứa bây quá nhiều !! có biết không ??

Hai "thằng quỷ mủ đỏ thân yêu" đã bỏ gia đình, bỏ bạn bè, giã từ tất cả ra đi, xả thân chống lại quân thù để bảo vệ non sông, nhưng... non sông giờ đây vẫn mịt mù...

Hàng Bè
6 - 2016
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2016 09:05:59 bởi Hàng Bè >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9