Đọc BÓNG TÙNG
Lưu Lan Phương 02.09.2016 17:57:08 (permalink)
BÓNG TÙNG
 
Vẫn muốn nương thân một bóng tùng
Dẫu trời sinh tính khí đàn ông  
Dời non lội suối không hề ngại
Bạt núi băng rừng chẳng quản công
Trộm nghĩ tài năng dư lấp biển
Tin rằng khí phách đủ ngăn sông
Nhưng dù có mạnh như Sư Tử
Vẫn muốn nương thân một bóng tùng
 
Trương Thị Von
 
ĐÂU KHÁC ĐƯỢC
 
Trời sinh vốn vậy phải nương tùng
Phận liễu yêu kiều khổ quý ông
Thảo đẹp tuy phiền không tiếc mõ
Ngoan hiền dẫu lụy chẳng hoài công
Tài năng đã đủ toan dời núi
Nhiệt huyết đang thừa ngỡ cản sông
Chúa tể tìm oai cần chỗ dựa
Trời sinh vốn vậy phải nương tùng
 
Nguyễn Thanh Toàn
25/08/2016

 
 
ĐỌC BÀI THƠ “BÓNG TÙNG” CỦA HƯƠNG LÚA
 
"Hồng quần núp bóng tùng quân" - Trong văn chương cổ, cây tùng được ví với người quân tử, còn trong hôn nhân, “bóng tùng quân” luôn được coi là người chồng lý tưởng, mẫu mực để phận liễu yếu đào tơ tin cậy, nương nhờ. Tác giả Hương Lúa (Trương Thị Von) cũng không ngoại lệ, dù chị là người rất cương nghị, cứng cỏi từng vất vả, gánh vác gian truân lăn lộn với cuộc đời để tự gầy dựng nên cuộc sống hiện tại:
Vẫn muốn nương thân một bóng tùng
Đó vừa là câu mở, câu kết cũng chính là chủ đề tư tưởng của bài thơ thát ngôn bát cú đường luật viết theo lối thủ vĩ ngâm. Đại thi hào của dân tộc, Nguyễn Du cũng từng viết trong Truyện Kiều “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”.
Vẫn muốn nương thân một bóng tùng
Dù trời sinh tính khi đàn ông
Đúng vậy, đời người con gái, dù mạnh mẽ hay tự cho là mình mạnh mẽ đến đâu cũng luôn khao khát có hình bóng người đàn ông làm chỗ dựa vững chắc trong gia đình và ngoài đời. Đó là ước mơ chính đáng. Người đó không chỉ là người chung lưng đấu cật trong cuộc sống mà còn là người bạn đời cùng chia sẻ những tâm sự thầm kín và cả những lo toan cho cả hiện tại và tương lai. Thực tế phũ phàng cho không ít chị em lấy chồng đã không được cậy nhờ còn là gánh nặng với những lý do vô tình thì ít mà hữu ý thì nhiều. Những người đàn ông đó chẳng đáng mặt mà còn hổ thẹn danh xưng “Tùng quân”. Bà Chúa Thơ Nôm của chúng ta chẳng đã nhiều lần thốt lên: “Năm thì muòi họa chăng hay chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không”.
 
Dời non lội suối không hề ngại
Bạt núi băng rừng chẳng quản công
Những công việc chân tay, đời thường, dù khó khăn đến đâu người phụ nữ đảm đang vẫn đủ sức lo toan, gánh vác. Không có sức mạnh vật chất nào có thể ngăn nổi.
Trộm nghĩ tài năng dư lấp biển
Tin rằng khí phách đủ ngăn sông
Lịch sử đã chứng minh, nhiều người phụ nữ giỏi giang, có thể đứng đầu một quốc gia, là dũng tướng cầm quân đánh giặc nhưng vẫn không thể thoát khỏi quy luật này. Có thể kể đến Bà Trưng Trắc, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Út… trong lịch sử nước nhà; Phàn Lê Huê, Mạnh Lệ Quân, Hoa Mộc Lan… trong văn học; Những người này còn may mắn là tìm được đấng phu quân xứng đáng, tuy không phải thật xuất chúng, nhưng cũng đủ để họ ngẩng mặt nhìn đời. Người phụ nữ rất giỏi văn chương, chữ nghĩa như Hồ Xuân Hương không những phải làm lẽ nhiều đời chồng mà những người làm “bóng tùng quân” của bà còn chẳng xứng để chắn che. Còn rất nhiều tấm gương liệt nữ khác mà trong một lúc suy nghĩ, chúng ta không thể nhớ hết. Chị Hương Lúa khéo mượn hình tuọng ngăn sông, lấp biển để chỉ những việc mà sức người dù là vô hạn nhưng vẫn chưa kịp với.
 
Xã hội mỗi ngày thêm hội nhập và phát triển, nhiều phụ nữ biết tận dụng cơ hội, điều kiện chị khó phấn đấu, học tập, để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những phụ nữ luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, chịu thương chịu khó cùng chồng xây dựng gia đình no ấm thì vẫn còn một bộ phận chị em khác lại chấp nhận cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, không chịu vươn lên. Điều đó khiến họ dần trở nên thụ động, lãng phí năng lực rồi tự đánh mất quyền bình đẳng trong gia đình… Chị Hương Lúa không đồng tình với quan điểm và cách sống như vậy. Chị không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang mà còn là một công dân tốt, một cán bộ vừa mẫn cán trong công việc, vừa biết thẳng thắn đấu tranh với những bất công ở cơ quan. Cuộc đời chị là minh chứng và văn thơ của chị là vũ khí chiến đấu không khoan nhượng. Đã hơn một lần được chúng tôi nhắc đến trong bài “Nợ Ngu” gần đây, và một số bài thơ khác của chị. Lần này, bài “Bóng tùng” lại một lần nữa khẳng định khẩu khí riêng khó trộn lẫn với bất kỳ ai.
 
Thể thơ thất ngôn bát cú được chị yêu thích nên tìm tòi học hỏi thông qua giao lưu bạn bè trong khoảng ít năm nay nên nghệ thuật đối trong bài cũng như những lỗi bệnh khác chưa được xử lý tốt: câu 2 lỗi phách (Dù trời sinh tính khi đàn ông); cặp THỰC “nứa bổ” và đối chữ chưa đạt (chữ NGẠI  là động từ không đối với chữ CÔNG là danh từ); hai cặp THỰC và LUẬN chỉ đối ý, đối câu, đối cụm mà chưa đối từ; ngoài ra các cụm từ “Dời non lội suối”/  “Bạt núi băng rừng”/ “Lấp biển” / “Ngăn sông” dù là hình tượng có trong thành ngữ, nhưng lại quá nhiều và gần nghĩa nhau, nếu không muốn nói là có thể thay thế cho nhau. Bù lại câu thủ vĩ rất tuyệt. Có người nghĩ viết Thủ vĩ ngâm dễ hơn viết thường, nhưng với tôi không hẳn vậy. Tuy chỉ viết 7 câu do câu cuối lặp lại câu đầu, nhưng để chọn câu vừa mở, vừa kết đúng với diễn tiến và bố cục của bài thơ là cả một vấn đề.
 
Như con ong cần mẫn tìm hoa góp mật cho đời, dù đã về hưu, lại bận mải với việc kinh doanh, chị Hương Lúa vẫn bền bỉ lao động trên cánh đồng thơ và có đóng góp không nhỏ. Thương hiệu Hương Lúa ngày càng được định hình. Đặc biệt, chị rất có duyên trong lối viết hài hước và phê phán. Mong chị tiếp tục tỏa sáng.
 
Cần Thơ, ngày 26 tháng 8 năm 2016
                                                                                     NGUYỄN THANH TOÀN
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9