Nói về linh hồn
Quê Hương Mến Yêu 07.01.2017 20:12:40 (permalink)
Hỏi: Kính bạch Thầy, trong Giáo Án ….tập 3 Thầy nói: khi còn sống mọi hoạt động của con người đều "lưu lại" ở từ trường trong không gian, và chỉ người nào có tưởng thức mạnh mới giao cảm được với tần số của từ trường ấy mà "thấy và nghe được" những sự việc đã diễn ra của người chết. Như cô Khang bị rứt móng tay………Tóm lại, vậy là "có" linh hồn người chết, nhưng người thấy người không, chứ nói "không có" linh hồn, thì mọi người không ai chịu tin hết Thầy ạ! Rồi họ đưa ra việc cầu hồn, thấy ma…

Thưa Thầy: Hay là Phật nói không có linh hồn, vì nó có nhưng không thật; hay để con người không nhớ thương, không ỷ lại nương tựa tha lực?

Đáp: Không phải vậy, không phải vì lý do nhớ thương hay ỷ lại mà Đức Phật nói không có thế giới siêu hình, mà thật sự hoàn toàn thế giới siêu hình không có. Trong vấn đề linh hồn người chết có hay không, điều này đã mang nặng một dấu ấn trong tâm của mọi người là có linh hồn người chết. Muốn xác định cho rõ ràng điều này, thì không có cách nào hay hơn bằng chính người ấy phải tự nhập Tứ Thánh Định, an trú trong ấy, rồi dùng Trạch Pháp Giác Chi hướng tâm đến Thiên Nhãn Minh quan sát thế giới siêu hình, thì chừng đó mới xác quyết chắc chắn rằng: người chết không còn có linh hồn tồn tại hay là không có sự sống sau khi chết.

Ở đây, Thầy đã giải thích rất nhiều về vấn đề thế giới siêu hình, nhưng ai là người hiểu vấn đề này. Người tri âm khó gặp, tri kỉ khó tìm. Người nghe được tiếng đàn của Bá Nha, chỉ có Tử Kỳ mà thôi. Nhưng Tử Kỳ chết, Bá Nha đập nát chiếc đàn. Vì trên đời này còn có ai nghe được tiếng đàn của mình. Thầy cũng vậy chỉ có người nào tu chứng quả A La Hán mới hiểu được tiếng nói của Thầy.

Thầy sẽ không phụ lòng những câu hỏi của các con, Thầy cố gắng trả lời cho các con hiểu.

Con nên hiểu thế giới mà loài người đang sống là một thế giới sắc tướng, có sự sống, có vạn vật hiện hữu, thế mà Đức Phật gọi nó thế giới tưởng thì chúng ta có tin không?

Thế giới của chúng ta đang sống không phải do "tưởng uẩn làm ra" mà do duyên hợp lập thành. Vì thế không có một vật gì thường hằng, luôn tan hoại theo thời gian năm tháng. Thế mà chúng ta điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình, điên đảo kiến chấp thủ mọi vật là có thật, là ta, là của ta v.v……Thế giới hiện hữu là không có thật, vì thế mọi vật thường vô thường. Trên thế gian không có một vật gì là trường cửu vậy mà mọi người cho nó là có thật thì không phải đó là điên đảo sao? Do cho nó có thật nên mọi người cố làm ra cho nhiều, cố làm ra cho nhiều nên làm ra nhiều điều ác. Do làm nhiều điều ác nên phải thọ chịu những quả khổ đau.

Với đôi mắt của Phật nhìn mọi vật trên thế gian này, như bong bóng nước, như hoa phù du sớm nở tối tàn, đó là một bằng chứng thật sự. Vì thế Đức Phật cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới của tưởng tri. Vậy mà có ai tin đâu.

Chúng ta lại một lần điên đảo nữa, cái hình bóng của thế giới hiện tượng hữu hình tưởng tri này lại cho là thế giới siêu hình.

Ví dụ: Một cuộn băng video thu những hình ảnh núi, sông, nhà cửa, người và vạn vật đang sinh hoạt nhảy múa. Với những hình ảnh này chúng ta cho đó thế giới siêu hình sao?

Những hình ảnh núi, sông, đất đá, cây cỏ, người và thú vật trong băng video hiện ra và hoạt động được là nhờ dòng điện, đầu máy và màn hình.

Còn thế giới siêu hình cũng vậy, nó được hiện ra và hoạt động là nhờ tưởng uẩn của chúng ta bắt gặp và lập thành, chứ nó không có thật.

Con cũng nên biết và phân biệt tưởng cho rõ ràng. Tưởng có hai phần cụ thể:

1- Ý thức tưởng là chúng ta dùng ý thức mà tưởng tượng ra một vật mà vật đó không có ở trước mắt.

2- Tưởng thức tưởng là do năng lực hoạt động của tưởng uẩn khiến cho những hình ảnh của thế giới sắc tướng hiện hữu của loài người đang sống đã được lưu lại trong không gian trở thành linh động, khiến cho mọi người chưa đủ trí tuệ sáng suốt, đang sống trong điên đảo tâm, điên đảo kiến, điên đảo tưởng, điên đảo tình mới cho những hình ảnh ấy là có thật thế giới siêu hình thật. Vì thế mới có việc cầu cơ, cầu hồn, thấy ma, thấy quỉ v.v………

Hỏi: Kính bạch Thầy! Phật Giáo Đại Thừa có phải là Phật Giáo chánh thống không?

Đáp: Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn. Hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo. Cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc.

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiền Đông Độ có phải là của Phật Giáo hay không?

Đáp: Thiền Đông Độ không phải là của Phật Giáo mà là của Lão Giáo Trung Hoa (Tiên Đạo) Tư tưởng Lão Trang Trung Hoa phát triển, có những điểm tương đồng với tư tưởng kinh sách phát triển Đại Thừa Giáo Ấn Độ. Vì thế, sau này Phật giáo Đại Thừa đồng hóa tư tưởng Lão Giáo lấy tên là Phật Giáo Tối Thượng Thừa" hay còn gọi là "Thiền Tông". Chủ trương của Thiền Tông là kết hợp Lão Giáo và Đại Thừa, nên thường gọi là "Thiền Giáo đồng hành".

Phật Giáo Đại Thừa là Phật Giáo Bắc truyền thuộc Bà La Môn Giáo và Ấn Độ Giáo kết hợp và phát triển theo tưởng giải tạo ra. Cho nên những tư tưởng trong kinh sách Đại Thừa là tư tưởng của hai giáo phái này. Tư tưởng của hai giáo phái này mang tính chất trừu tượng, mơ hồ, ảo giác và đầy dẫy sự mê tín v.v……..Lấy thế giới siêu hình làm nơi an trú cuối cùng.

Hỏi: Kính bạch Thầy, thâm ý của Bà La Môn với Phật Giáo nhưthế nào? Xin Thầy dạy rõ cho chúng con biết.

Đáp: Thâm ý của Bà La Môn đối với Phật Giáo là muốn diệt Phật Giáo bằng nhiều thủ đoạn:

1/ Chế Bồ Tát giới cấm, cư sĩ và tu sĩ học không được tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy (Tiểu Thừa).

2/ Dùng lý luận trí tuệ Bát Nhã : "Vô khổ, tập, diệt, đạo" (Không có khổ, không có tập, không có diệt, không có đạo) đập phá chân lý của Phật Giáo : "Khổ, Tập, Diệt, Đạo".

3/ Luồn lách đưa giáo lý của mình để vào thay thế giáo lý của Phật Giáo.

4/ Đưa Đức Phật Di Lặc ra để thay thế Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ Phật Giáo trong thời vị lai.

Hỏi: Kính bạch Thầy, Bà La Môn trong kinh Pháp Cú mà Đức Phật ca ngợi và Ba La Môn nào mà Đức Phật chê, bài bác. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Bà La Môn được Đức Phật khen ngợi là một Bà La Môn sống đúng giới luật và chánh pháp của Phật, còn sống không đúng giới luật và chánh pháp của Phật thì Đức Phật không chấp nhận. Vậy chúng ta hãy đọc lại những bài kinh Pháp Cú thì sẽ biết rõ ràng hơn:

"Với người thân, miệng, ý
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ
Ta gọi Bà La Môn"

Thân, miệng, ý không làm các ác hạnh tức là sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường tu tập các pháp ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm tức là phòng hộ ba nghiệp.

"Đoạn hết các kiết sử
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà La Môn"

Đoạn hết các kiết sử tức là dùng pháp ngăn ác diệt ác (Tứ Chánh cần) đó là Bà La Môn tu đúng pháp được Đức Phật chấp nhận. Không đắm trước buộc ràng tức là hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Bỏ điều ưa điều ghét
Thanh lương, không nhiễm ô
Hùng dũng thắng mọi cõi
Ta gọi Bà La Môn"

Thân tâm được trong sạch không cấu uế như vầng trăng sáng, tịnh lặng giữa đêm trường sâu thẳm và tất cả những hữu ái đều được đoạn trừ. Nếu người nào giữ thân tâm được như vậy là tu tập Tứ NiệmXứ được viên mãn. Người ấy được Đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn.

"Như trăng sạch không uế//Sáng trong và tịnh lặng
Hữu ái được đoạn tận//Ta gọi Bà La Môn"

Tóm lại người được Đức Phật gọi là Bà La Môn là phải sống đúng giới luật thường ngăn ác diệt ác pháp " Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành". Một Bà La Môn tu tập và sống như vậy chính là tu sĩ Phật Giáo một bậc Sa Môn Phạm Hạnh, còn ngược lại là một Bà La Môn của đạo Bà La Môn hay nói cách khác một tu sĩ Phật Giáo sống phạm giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo danh lợi làm những điều mê tín lừa đảo tín đồ... đó là Bà La Môn của Đạo Bà La Môn chớ không phải một tu sĩ Phật Giáo (bậc Sa Môn Phạm Hạnh).

 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9