Sự Sai Biệt Giữa Phật Giáo & Bà La Môn Giáo
Quê Hương Mến Yêu 04.09.2017 18:58:40 (permalink)
SỰ SAI BIỆT GIÁO PHÁP VÀ GIỚI HẠNH GIỮA PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ CHÍNH THỐNG VỚI BÀ LA MÔN GIÁO VÀ CÁC GIÁO PHÁI ÐẠI THỪA.

Hỏi: Kính thưa Thầy, sự sai biệt giữa Bà La Môn Giáo và Phật Giáo như thế nào?

Đáp: sự khác biệt giữa Bà La Môn Giáo và Phật Giáo có rất nhiều sự sai khác mà ít người để ý đến như:
1/ Phật giáo bình đẳng không chấp nhận giai cấp, nên giai cấp nào đến với Phật Giáo đều được hướng dẫn tu tập như nhau và đều được chứng quả A La Hán không khác nhau. Trong xã hội Phật Giáo không có giai cấp nào cả, chỉ toàn là những người giới luật nghiêm chỉnh gọi là Hiền Giả, đó là những bậc chưa chứng quả A La Hán; còn những bậc vô lậu chứng quả A La Hán gọi là Thánh Giả, còn gọi là Trưởng Lão.

Ông Ca Chiên Diên là người sanh ra trong giai cấp cùng đinh, được Phật tiếp độ tu tập chứng quả A La Hán. Đó là đã phá giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ. Cho giới nữ xuất gia chứng quả Thánh A La Hán, đó cũng là đập phá tư tưởng trọng nam khinh nữ của xã hội Phật Giáo lúc bấy giờ.

Bà La Môn chấp chặt bốn giai cấp trong xã hội, cho giai cấp mình là trên hết. Chấp nhận với tinh thần trọng nam khinh nữ của xã hội. Đó là sự khác biệt giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo.

2/ Phật Giáo không chấp nhận có thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chẳng qua chỉ là hình bóng của thế giới hữu hình con người mà thôi.

Cái nhìn của Phật Giáo thiết thực, cụ thể hơn, nên thế giới siêu hình là thế giới của tưởng tri, chứ không phải là thế giới của liễu tri.

Bà La Môn chấp nhận có thế giới siêu hình nên không giống Đạo Phật ở chỗ này có vẻ mơ hồ. Đạo Phật phi thế giới siêu hình nên Đạo Phật thực tế hơn.

3/ Đạo Phật không chấp nhận tụng niệm, Bà La Môn chấp nhận tụng niệm. Đức Phật dạy: "Này Bà La Môn, một người tụng niệm chú thuật giỏi mà phạm giới còn tham lam, trộm cắp, còn vọng ngữ, tà dâm thì người ấy có xứng đáng là Bà La Môn không?" Xin các bạn trả lời.

Một người không tụng niệm, không vi phạm giới luật không giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ thì người ấy là người có xứng đáng là Bà La Môn không? Do sự so sánh này giữa tụng niệm và không tụng niệm, giữa trì giới và không trì giới, mà chúng ta biết rất rõ Đức Phật không chấp nhận tụng niệm. Thế mà Đạo Phật bây giờ đi ngược lại Đạo Phật ngày xưa. Đạo Phật ngày xưa có tiến bộ hơn Đạo Phật bây giờ. Đạo Phật bây giờ lùi lại hơn thế kỷ lạc hậu ngày xưa.

Như vậy Đạo Phật có sự sai khác với Đạo Bà La Môn. Nhưng hiện nay các chùa mang danh là Phật Giáo, mà thật sự là chùa Bà La Môn. Vì tứ thời tụng niệm ê a, tiếng chuông, tiếng mõ vang rền. Còn chùa Phật Giáo không tụng niệm, chỉ ngày đêm chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp, đó mới chính là sự công phu tu tập của Phật Giáo. Đó là sự sai khác giữa Bà La Môn và Phật Giáo.

4/ Bà La Môn chấp nhận có tướng tốt mới thành một tu sĩ Bà La Môn, còn Phật Giáo thì không chấp nhận tướng tốt, nên Đức Phật dạy: "Người có tướng tốt mà còn tham lam, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, còn ăn uống phi thời, còn cất giữ tiền bạc thì chưa thành một Bà La Môn. Kinh sách Đại Thừa thường ca ngợi 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp của Đức Phật, nhưng trong kinh Nguyên Thủy thì Đức Phật không chấp nhận, bài bác tướng tốt của Bà La Môn. Như vậy các bạn nghĩ sao? Ba Mươi hai tướng tốt 80 vẻ đẹp có phải là của Phật Giáo không? Đó là sự khác biệt giữa Bà La Môn và Phật Giáo……

5/ Phật Giáo không mê tín, Bà La Môn Giáo mê tín. Kinh sách dạy mê tín như: Kinh Địa Tạng Vương, kinh Vu Lan Bồn, Kinh Di Đà. Kinh Bát Dương, kinh Viên Giác……

6/ Phật Giáo nương vào tự lực của mình, Bà La Môn Giáo nương vào tha lực của thần quyền. Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn, kinh Quy Nguơn, kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà………

7/ Phật Giáo không khổ hạnh chỉ tu tập xả tâm, Bà La Môn khổ hạnh như: đứng một chân, ngồi kiết già nhiều giờ khiến cho thân mỏi mệt và đau nhức; ăn quá ít, mùa Đông nằm trong nước lạnh, làm cho thân chịu nhiều khổ đau……..Phật Giáo không làm khổ mình như vậy, những pháp môn của Phật Giáo thường tu tập xả tâm, đẩy lui các chướng ngại pháp trong thân, thọ, tâm, pháp. Sống một đời sống thanh thản an lạc và vô sự. Đó là sự sai khác giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo.

8/ Thiền Phật Giáo tu tập chế ngự và xả tâm, nên có bảy năng lực Giác Chi xuất hiện giúp cho hành giả nhập các định và thực hiện Tam Minh. Ngược lại thiền Bà La Môn tu tập ức chế, không xả tâm, không ly dục ly ác pháp, nên rơi vào thiền định tưởng. Đó là sự sai khác giữa Đạo Phật và Bà La Môn.

9/ Bà La Môn Giáo chấp có đấng Giáo Chủ, Phật Giáo không chấp có đấng Giáo Chủ. Người ta tôn xưng Đức Phật lên làm đấng Giáo Chủ, nhưng Đức Phật chỉ xem mình là một Bà La Môn sống đúng phạm hạnh, chứ không phải như những Bà La Môn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, chuyên cúng tế, cầu siêu, cầu an v.v………

Xin quý vị nên đọc lại kinh Pháp Cú sẽ thấy Đức Phật xác định Bà La Môn đúng và Bà La Môn sai, rồi suy ngẫm ra mới thấy Đạo Phật được mọi người suy tôn thành Đạo Phật, chứ không phải tự Đức Phật thành lập ra Đạo Phật như các tôn giáo khác.

Đức Phật khi tu xong, Ngài chỉ mong đem giáo pháp chân thiện mỹ của mình, làm lợi ích cho mọi người, khiến cho mọi người sống biết thương nhau, đem lại hạnh phúc cho nhau, không còn làm khổ mình khổ người nữa, đấy là ước nguyện của Phật cũng đủ lắm rồi, chứ Ngài đâu có nghĩ rằng: Ngày nay Phật Giáo là một tôn giáo thật sự như vậy. Một tôn giáo ngoài sự ước muốn của Đức Phật.

Những điều chúng tôi nói trên đây là một sự thật. Hãy nghe lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn : "Sau khi Ta nhập diệt các thầy Tỳ Kheo hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy". Lời dạy này rõ ràng Đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một môn học về đạo đức nhân bản – nhân quả có phương pháp học tập và rèn luyện hẳn hoi. Như vậy, Đạo Phật và Đạo Bà La Môn không giống nhau, khác xa mọi mặt.

10/ Bà La Môn với Phật Giáo khác nhau một trời một vực. Bà La Môn xây dựng có tiểu ngã và đại ngã. Đại ngã là bản thể của vạn hữu ví như nước biển; tiểu ngã là thể tánh của mỗi sinh vật ví như giọt nước. Khi một chúng sanh chết thì thể tánh ấy giống như giọt nước rơi vào biển cả thì chỉ còn là một khối nước.

Ngược lại Phật Giáo cho thế giới hữu sắc và vô sắc đều là thế giới tưởng, không có một vật gì thường hằng, vĩnh viễn, luôn luôn vô thường thay đổi từng sát na. Vạn vật sinh ra trong vũ trụ do các duyên hợp thành, nên khi tan hoại thì không còn một vật gì tồn tại. Thân tâm con người đã là không thật thì không còn có một vật gì, một thế giới vô hình ảo ảnh nào là chân thật cả. Vì thế Đạo Phật là Đạo vô ngã chứ không hữu ngã. Mà cũng không phải vô ngã theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông. Vô ngã mà còn có Phật tánh, còn có cõi Niết Bàn, Cực Lạc Tây Phương, vô ngã mà còn có Ngọc Hoàng Thượng đế, vô ngã thì không có Đại ngã và Tiểu ngã v.v…. Đó là những sự khác biệt giữa Phật Giáo và Bà La môn.

Hỏi: Kính thưa Thầy: Kinh Di Đà, Di Lạc, Địa Tạng, Pháp Hoa, Kim Cang, Lăng Nghiêm và mật chú v,v,… có phải chánh pháp của Phật nói hay không?

Đáp: Tất cả mọi kinh sách đã kể ra và nêu tên ở trên, toàn là kinh sách chịu ảnh hưởng của giáo lý Bà La Môn. Từ pháp hành, cúng bái, tụng niệm cho đến pháp thiền đều có vẻ mơ hồ trừu tượng, mê tín. Trong các kinh này luôn luôn tạo cách dụ dỗ và hù dọa như: "Dù cho tạo tội hơn núi cả. Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng" hoặc "Ai không tin kinh này đầu sẽ bị bể bảy miếng". Và cuối cùng kinh nào cũng tự cho mình là đệ nhất pháp.

Đọc qua kinh sách này nếu người nào có trí thì nhận ngay ra liền kinh này không phải Phật thuyết, vì thế kinh này nó không phải là chánh pháp của Phật.

Hỏi: Những kinh sách nào đáng được tin cậy để tu được giải thoát xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Kính sách Nguyên Thủy là kinh sách đáng được tin cậy nhất. Vì đó là lời dạy của Đức Phật, tuy rằng trong các Tổ bên Nguyên Thủy cũng có thêm bớt rất nhiều, nhưng những lời dạy của Phật còn rõ ràng nguyên gốc hơn nhiều. Còn kinh sách Đại Thừa không đáng tin tưởng, vì các Tổ tự viết kiến giải theo tư tưởng của giáo lý Bà La Môn mà viết ra kinh Đại Thừa. Nên đường lối và cách thức tu tập đều quá sai, từ cúng bái, tụng niệm, chú thuật đều chịu ảnh hưởng của Bà La Môn. Cho đến pháp tu về thiền định cũng đều thuộc về thiền tưởng của ngoại đạo. Cho nên Thầy Tổ sau này tu hành chẳng có kết quả giải thoát.

Hỏi: Kính bạch Thầy, những điều trong luật Tứ Phần có đầy đủ và có đúng lời Phật dạy không?

Đáp: Luật Tứ Phần là do các Tổ biên soạn, dựa theo giới kinh có thêm bớt rất nhiều cho phù hợp với hoàn cảnh, phong tục của mỗi người mỗi dân tộc trên bước đường hành hóa truyền đạo. Do sự tùy thuận vào mỗi nước, mỗi phong tục của dân tộc nên các Tổ đã làm lệch ý Phật qua bộ giới luật Tứ Phần.

Muốn rõ được điều này xin quý vị đọc giới đức Thánh Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni thì sẽ rõ. (Bộ Giới Thánh Đức này do Tu Viện Chơn Như biên tập).

Bộ Luật tứ Phần này chưa được xem là đầy đủ, vì trong kinh Nikaya Đức Phật dạy nhiều bài kinh nói về thiện pháp tức là giới mà trong Tứ Phần Luật không có. Sau này có điều kiện phải được chấn chỉnh để chỉ rõ cho mọi người biết Thánh hạnh của Tỳ kheo Tăng và Tỳ kheo Ni.

Hỏi: Kính bạch Thầy. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có phải chánh pháp của Phật chăng? Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ.

Đáp: Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới không phải là chánh pháp của Phật mà là của Bà La Môn có thâm ý muốn diệt Phật giáo nên mới chế ra Bồ Tát Giới.

Mục đích của Bồ Tát Giới là bộ sách có hình thức tổ chức người cư sĩ thành một tổ chức để phục vụ cho Phật Giáo Đại Thừa.

Phần thứ nhất là khuyến dụ người cư sĩ thọ Bồ Tát Giới để góp công góp của xây dựng đạo pháp của Bà La Môn, nhưng sự thật là phục vụ cho quý Thầy Đại thừa:

1/ Cúng bái tế lễ để cho Phật tử bỏ tiền ra đóng góp.
2/ Làm từ thiện cũng do Phật tử đóng góp.
3/ Xây cất chùa to Phật lớn cũng do Phật tử đóng góp.
4/ Cấm Phật tử không được tu theo Phật giáo Nguyên Thuỷ (Tiểu Thừa).
5/ Làm tất cả mọi công việc trong chùa chuyện lớn, chuyện nhỏ hoặc chuyện nặng nề khó khăn đều do Phật tử đóng góp công sức gọi là làm công quả.

Bồ Tát Giới là một bộ sách khuyến dụ Phật tử để lừa công sức và lừa của cải, tiền bạc của Cư Sĩ!...

Bồ Tát Giới là một loại kinh sách với thâm ý diệt Phật Giáo. Quý vị đọc cho kỹ lại bộ sách thì mới thấy rõ âm mưu thâm độc của Phật Giáo phát triển Đại Thừa.

Hỏi: Kính bạch Thầy! Phật lịch 2.546 năm (là năm đang đặt câu hỏi) và 2.626 năm. Vậy niên lịch nào đúng và niên lịch nào sai, xin Thầy dạy cho chúng con biết.

Đáp: Hiện giờ, tín đồ Phật Giáo trong nước, cũng như ở khắp thế giới đều không biết rõ ngày tháng năm sanh của Đức Phật, vì lịch sử của Đức Phật không có ghi chép cụ thể. Hiện giờ tín đồ Phật Giáo đều dùng Phật lịch 2.546 năm theo hệ Nam Tông, chứ ít ai dùng 2.626 năm theo hệ Bắc Tông.
Niên lịch Phật giáo Bắc Tông không đáng cho tín đồ Phật Giáo tin tưởng, vì thế mà không dùng niên lịch Bắc truyền.

Mặc dù lịch sử chưa chứng minh được Phật lịch năm nào đúng, sai là vì không có sử liệu ghi chép lại chính xác. Cho nên, năm 2,546 và năm 2,626 đều không đúng. 
Nhưng hiện giờ chúng ta dựa vào những cuộc họp Phật Giáo thế giới, chấp nhận lấy năm 2,546 làm niên lịch Phật Giáo. Bây giờ phần đông tín đồ Phật Giáo quen dùng niên lịch Phật Giáo năm 2,546 năm là đúng hơn 2,626 năm.

Hỏi: Thưa Thầy, sự sai biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông về thời gian trụ thế và thuyết Pháp của Đức Phật 45 năm theo Nam Tông 49 năm theo Bắc Tông. Thưa Thầy bên nào đúng?

Đáp: Căn cứ theo kinh sách Nguyên Thủy là loại kinh sách gốc của Phật thuyết nên 45 năm thuyết Pháp đúng hơn. Còn 49 năm theo Bắc Tông là sai. Vì kinh sách theo Bắc tông do kiến giải của các Tổ viết ra, nên có sự bóp méo sự thật, vì thế 49 năm thuyết pháp không đúng. Bởi vì Bắc Tông cho bộ kinh Bát Nhã là quan trọng là đệ nhất trong các kinh nên nói rằng: Đức Phật thuyết pháp cho hàng Bồ Tát 20 năm mới xong bộ kinh này.

Vì thế 49 năm thuyết Pháp là không đúng theo lịch sử chân thật của Phật Giáo.

Nếu chúng ta tính thời gian tu chứng và bắt đầu giảng đạo cho đến chết thì sẽ rõ thời gian.

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong Giáo Án ….tập 3 Thầy nói: khi còn sống mọi hoạt động của con người đều "lưu lại" ở từ trường trong không gian, và chỉ người nào có tưởng thức mạnh mới giao cảm được với tần số của từ trường ấy mà "thấy và nghe được" những sự việc đã diễn ra của người chết. Như cô Khang bị rứt móng tay………Tóm lại, vậy là "có" linh hồn người chết, nhưng người thấy người không, chứ nói "không có" linh hồn, thì mọi người không ai chịu tin hết Thầy ạ! Rồi họ đưa ra việc cầu hồn, thấy ma…

Thưa Thầy: Hay là Phật nói không có linh hồn, vì nó có nhưng không thật; hay để con người không nhớ thương, không ỷ lại nương tựa tha lực?

Đáp: Không phải vậy, không phải vì lý do nhớ thương hay ỷ lại mà Đức Phật nói không có thế giới siêu hình, mà thật sự hoàn toàn thế giới siêu hình không có. Trong vấn đề linh hồn người chết có hay không, điều này đã mang nặng một dấu ấn trong tâm của mọi người là có linh hồn người chết. Muốn xác định cho rõ ràng điều này, thì không có cách nào hay hơn bằng chính người ấy phải tự nhập Tứ Thánh Định, an trú trong ấy, rồi dùng Trạch Pháp Giác Chi hướng tâm đến Thiên Nhãn Minh quan sát thế giới siêu hình, thì chừng đó mới xác quyết chắc chắn rằng: người chết không còn có linh hồn tồn tại hay là không có sự sống sau khi chết.

Ở đây, Thầy đã giải thích rất nhiều về vấn đề thế giới siêu hình, nhưng ai là người hiểu vấn đề này. Người tri âm khó gặp, tri kỉ khó tìm. Người nghe được tiếng đàn của Bá Nha, chỉ có Tử Kỳ mà thôi. Nhưng Tử Kỳ chết, Bá Nha đập nát chiếc đàn. Vì trên đời này còn có ai nghe được tiếng đàn của mình. Thầy cũng vậy chỉ có người nào tu chứng quả A La Hán mới hiểu được tiếng nói của Thầy.

Thầy sẽ không phụ lòng những câu hỏi của các con, Thầy cố gắng trả lời cho các con hiểu.

Con nên hiểu thế giới mà loài người đang sống là một thế giới sắc tướng, có sự sống, có vạn vật hiện hữu, thế mà Đức Phật gọi nó thế giới tưởng thì chúng ta có tin không?
Thế giới của chúng ta đang sống không phải do "tưởng uẩn làm ra" mà do duyên hợp lập thành. Vì thế không có một vật gì thường hằng, luôn tan hoại theo thời gian năm tháng. Thế mà chúng ta điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình, điên đảo kiến chấp thủ mọi vật là có thật, là ta, là của ta v.v……Thế giới hiện hữu là không có thật, vì thế mọi vật thường vô thường. Trên thế gian không có một vật gì là trường cửu vậy mà mọi người cho nó là có thật thì không phải đó là điên đảo sao? Do cho nó có thật nên mọi người cố làm ra cho nhiều, cố làm ra cho nhiều nên làm ra nhiều điều ác. Do làm nhiều điều ác nên phải thọ chịu những quả khổ đau.

Với đôi mắt của Phật nhìn mọi vật trên thế gian này, như bong bóng nước, như hoa phù du sớm nở tối tàn, đó là một bằng chứng thật sự. Vì thế Đức Phật cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới của tưởng tri. Vậy mà có ai tin đâu.

Chúng ta lại một lần điên đảo nữa, cái hình bóng của thế giới hiện tượng hữu hình tưởng tri này lại cho là thế giới siêu hình.

Ví dụ: Một cuộn băng video thu những hình ảnh núi, sông, nhà cửa, người và vạn vật đang sinh hoạt nhảy múa. Với những hình ảnh này chúng ta cho đó thế giới siêu hình sao?

Những hình ảnh núi, sông, đất đá, cây cỏ, người và thú vật trong băng video hiện ra và hoạt động được là nhờ dòng điện, đầu máy và màn hình.

Còn thế giới siêu hình cũng vậy, nó được hiện ra và hoạt động là nhờ tưởng uẩn của chúng ta bắt gặp và lập thành, chứ nó không có thật.

Con cũng nên biết và phân biệt tưởng cho rõ ràng. Tưởng có hai phần cụ thể:

1- Ý thức tưởng là chúng ta dùng ý thức mà tưởng tượng ra một vật mà vật đó không có ở trước mắt.

2- Tưởng thức tưởng là do năng lực hoạt động của tưởng uẩn khiến cho những hình ảnh của thế giới sắc tướng hiện hữu của loài người đang sống đã được lưu lại trong không gian trở thành linh động, khiến cho mọi người chưa đủ trí tuệ sáng suốt, đang sống trong điên đảo tâm, điên đảo kiến, điên đảo tưởng, điên đảo tình mới cho những hình ảnh ấy là có thật thế giới siêu hình thật. Vì thế mới có việc cầu cơ, cầu hồn, thấy ma, thấy quỉ v.v………

Hỏi: Kính bạch Thầy! Phật Giáo Đại Thừa có phải là Phật Giáo chánh thống không?

Đáp: Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn. Hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo. Cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc.

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiền Đông Độ có phải là của Phật Giáo hay không?

Đáp: Thiền Đông Độ không phải là của Phật Giáo mà là của Lão Giáo Trung Hoa (Tiên Đạo) Tư tưởng Lão Trang Trung Hoa phát triển, có những điểm tương đồng với tư tưởng kinh sách phát triển Đại Thừa Giáo Ấn Độ. Vì thế, sau này Phật giáo Đại Thừa đồng hóa tư tưởng Lão Giáo lấy tên là Phật Giáo Tối Thượng Thừa" hay còn gọi là "Thiền Tông". Chủ trương của Thiền Tông là kết hợp Lão Giáo và Đại Thừa, nên thường gọi là "Thiền Giáo đồng hành".

Phật Giáo Đại Thừa là Phật Giáo Bắc truyền thuộc Bà La Môn Giáo và Ấn Độ Giáo kết hợp và phát triển theo tưởng giải tạo ra. Cho nên những tư tưởng trong kinh sách Đại Thừa là tư tưởng của hai giáo phái này. Tư tưởng của hai giáo phái này mang tính chất trừu tượng, mơ hồ, ảo giác và đầy dẫy sự mê tín v.v……..Lấy thế giới siêu hình làm nơi an trú cuối cùng.

Hỏi: Kính bạch Thầy, thâm ý của Bà La Môn với Phật Giáo như
thế nào? Xin Thầy dạy rõ cho chúng con biết.

Đáp: Thâm ý của Bà La Môn đối với Phật Giáo là muốn diệt Phật Giáo bằng nhiều thủ đoạn:

1/ Chế Bồ Tát giới cấm, cư sĩ và tu sĩ học không được tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy (Tiểu Thừa).

2/ Dùng lý luận trí tuệ Bát Nhã : "Vô khổ, tập, diệt, đạo" (Không có khổ, không có tập, không có diệt, không có đạo) đập phá chân lý của Phật Giáo : "Khổ, Tập, Diệt, Đạo".

3/ Luồn lách đưa giáo lý của mình để vào thay thế giáo lý của Phật Giáo.

4/ Đưa Đức Phật Di Lặc ra để thay thế Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ Phật Giáo trong thời vị lai.

Hỏi: Kính bạch Thầy, Bà La Môn trong kinh Pháp Cú mà Đức Phật ca ngợi và Ba La Môn nào mà Đức Phật chê, bài bác. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Bà La Môn được Đức Phật khen ngợi là một Bà La Môn sống đúng giới luật và chánh pháp của Phật, còn sống không đúng giới luật và chánh pháp của Phật thì Đức Phật không chấp nhận. Vậy chúng ta hãy đọc lại những bài kinh Pháp Cú thì sẽ biết rõ ràng hơn:

"Với người thân, miệng, ý
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ
Ta gọi Bà La Môn"

Thân, miệng, ý không làm các ác hạnh tức là sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường tu tập các pháp ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm tức là phòng hộ ba nghiệp.

"Đoạn hết các kiết sử
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà La Môn"

Đoạn hết các kiết sử tức là dùng pháp ngăn ác diệt ác (Tứ Chánh cần) đó là Bà La Môn tu đúng pháp được Đức Phật chấp nhận. Không đắm trước buộc ràng tức là hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Bỏ điều ưa điều ghét
Thanh lương, không nhiễm ô
Hùng dũng thắng mọi cõi
Ta gọi Bà La Môn"

Thân tâm được trong sạch không cấu uế như vầng trăng sáng, tịnh lặng giữa đêm trường sâu thẳm và tất cả những hữu ái đều được đoạn trừ. Nếu người nào giữ thân tâm được như vậy là tu tập Tứ NiệmXứ được viên mãn. Người ấy được Đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn.

"Như trăng sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng
Hữu ái được đoạn tận
Ta gọi Bà La Môn"

Tóm lại người được Đức Phật gọi là Bà La Môn là phải sống đúng giới luật thường ngăn ác diệt ác pháp " Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành". Một Bà La Môn tu tập và sống như vậy chính là tu sĩ Phật Giáo một bậc Sa Môn Phạm Hạnh, còn ngược lại là một Bà La Môn của đạo Bà La Môn hay nói cách khác một tu sĩ Phật Giáo sống phạm giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo danh lợi làm những điều mê tín lừa đảo tín đồ... đó là Bà La Môn của Đạo Bà La Môn chớ không phải một tu sĩ Phật Giáo (bậc Sa Môn Phạm Hạnh).

(Trích Những Kinh Sách không Phải Phật Thuyết)
 
http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/component/content/article/18-tinmoi/36-ssbgpgvblmg

 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9