TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUỐC VĂN/CHUYỆN CỦA HỒN MA
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
Nguyen Quoc Van 24.09.2017 18:31:54 (permalink)
NGHĨA TẬN

Bà Na nằm thiêm thiếp nửa mê nửa tỉnh. Nghe tiếng kẹt cửa, đoán ông lão về, bà he hé mắt nhìn ra. Ông lão về thật. Trên tay lại có cả một cái bọc lá chuối bóng nhẫy. Bà lão cố nhỏm day.
- Ông cho tôi xin ngụm nước...
Ông lão bỏ bọc xuống chõng, đưa tay với cái ấm sành, rót nước vào cái bát sứ Hải Dương.
- Nước đây. Bà uống thuốc cụ lang Hinh có thấy kiến hiệu không?
- Thuốc hay. Dưng mà tôi vẫn mệt lắm. Nằm toàn mơ thấy ông nội bà ngoại về rủ đi thôi.
Ông lão không đồng ý:
- Đừng có nói dại, bà rồi sống cả trăm tuổi. Không khéo tôi đi trước cũng nên.
- Được thế thì ông đỡ khổ, tôi chỉ lo...
Ông lão dịu giọng:
- Bà lo tôi khổ chứ gì?
Bà lão chép miệng, tay run run chuyển lại bát nước cho chồng:
- Phải.
Đón bát nước đã vơi đi quá nửa từ tay vợ, ông Na khoe:
- Tôi đi đám, đem phần về cho bà đây.
Miệng nói, tay ông lão mở cái bọc lá chuối.
- Xôi rặt. Thịt thủ lợn. Đùi gà.
- Sao ông lại làm thế? Không sợ người ta cười cho là tham ăn à?
- Nào tôi dám tự tiện! Ấy là do các ông ngồi cùng mâm nài mãi, lại cứ bảo bà đang ốm, họ gói những thứ này rồi giúi vào tay bắt tôi phải đem về...
Bà lão nhìn lướt qua nắm xôi và mấy miếng thịt rồi ngả lưng vào thành giường:
- Tôi nhạt miệng lắm, chả nuốt nổi những thứ này. Ông cất vào chạn kẻo chuột nó vầy, tối thì nhớ đem ra mà nhắm rượu.
Ông lão xua tay:
- Không. Tối tôi còn phải sang đám lần nữa. Cậu Dong dặn thế!
Thấy bà lão không nói gì, ông Na thủng thẳng khoe:
- Ông cụ Thấp thế mà có phúc bà ạ. Đẻ được cậu Dong như thế cũng mát mày mát mặt với làng nước.
Bà lão nhỏm hẳn dậy, hỏi:
- Cậu Dong làm sao? Bán sới vào Sài Gòn kiếm cơm thì vẻ vang cái nỗi gì?
- Sao bà cứ cố chấp. Nó bây giờ là ông chủ thầu, ngày hốt bạc trăm, bạc triệu, bạc tỉ chứ đâu còn là thằng Dong ăn cắp trứng gà nhà bà...
- Sao ông biết nó có bạc tỉ?
- Nó không khoe cả làng cũng biết. Không có bạc tỉ có dám bỏ bốn chục triệu đóng hòm thiếc, bỏ quan tài bố vào xe chở nước đá đem về quê? Mà cái ván của ông Thập mới đẹp làm sao chứ, nó sơn son thếp vàng, gỗ dày nửa gang, giá mười hai triệu bạc. Còn đình đám thì cỗ lu bù từ mấy hôm nay rồi. Nhờn mép chứ không bôi ra đâu bà ạ. Lại nữa, kèn ta, kèn tây, sư mô ra vào cứ nườm nượp...
- To thế cơ à?
- Ừ, từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa thấy đám nào to thế.
Bà Na tần ngần, giọng phân vân:
- Hay ông cứ dìu tôi tới viếng ông Thập...
Ông lão cười:
- Tôi cũng đang định bảo bà thế. Ừ, nghĩa tử là...
Bà lão ngồi chễm chệ trên giường vấn tóc, chít lại cái khăn mỏ quạ.
- À, mà tôi chưa khoe bà cái này.
Ông lão thò tay vào túi.
- Cái gì vậy?
Ông lão rút tay ra khỏi túi, bàn tay vẫn nắm chặt lại.
- Đố bà biết nó là cái gì?
- Kẹo.
- Thế ra bà và tôi là trẻ con à. Sai!
- Vậy thì mì chính.
- Gói mì chính to như cái bánh chưng, tay tôi nắm thế nào được. Lại sai nữa!
- Chịu.
Ông lão xòe bàn tay.
Bà lão kêu lên:
- Ô, tiền!
Ông lão rụt tay lại.
- Những ba trăm cơ đấy.
Rồi ông đưa ngón tay trỏ lên miệng thấm nước bọt, xỉa ra xỉa vào ba tờ giấy bạc xanh.
Bà lão không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:
- Ông lấy đâu ra mà lắm bạc thế?
- Tôi thì lấy ở đâu được. Cậu Dong cho đấy!
Bà lão tròn mắt:
- Nhà đang có đám, còn tiền đâu mà cho ông?
- Thế mới ra chuyện chứ!
Bà lão dồn:
- Chuyện thế nào?
Ông Na buông:
- Ai tới cậu Dong cũng giúi cho một cái phong bì, bảo đấy là tiền lại hương lại hoa...
- Vậy là ông...
- Từ hôm qua tới giờ, tôi viếng ông Thập ba lần rồi. Vừa được đánh chén, vừa được bạc, hẹp hòi gì mà không đi?
- Vậy thì... Ừ, nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi cũng phải đến bái anh họ tôi mấy bái chứ!

#16
    Nguyen Quoc Van 24.09.2017 18:34:45 (permalink)
    BÍ QUYẾT

    Hà vào thành phố luyện thi đại học đã được một tháng.
    Em sống với bác ruột nhà ở cạnh Sở Thú. Nhìn qua cửa sổ, Hà thấy đủ cả voi, khỉ, ngựa, hươu cao cổ, và cả cò nữa. Thật khó tin ở phố mà có lắm cò đậu trên ngọn cây như thế.
    Hà định vài buổi nữa, nếu phải học nhiều bài thuộc lòng, em sẽ sang Sở Thú, ngồi dưới một cái gốc cây thật to để học. Chị họ Hà bảo, muốn vào Sở Thú không phải mua vé thì chịu khó dậy sớm một chút, chừng sáu giờ kém mười lăm, coi như đi tập thể dục, lúc ấy người ta chưa bán vé, ra vào thoải mái. Còn ngồi trong Sở Thú học thì vô tư, lúc nào về cũng được.
    Bác Hà dành hẳn cho em một phòng. Cái phòng bỏ trống đã lâu, toàn mùi mốc, mấy hôm đầu lắm kiến quá. Giờ thì hễ có con kiến nào ngơ ngơ ngáo ngáo bò vào là Hà dí chết ngay tại chỗ, các con khác vào sau cứ ngửi ngửi rồi hết hồn bỏ chạy hết. Nhưng hôm nào không có kiến bò vào phòng Hà lại cảm thấy buồn buồn. Không gian ở đây vắng lặng quá. Ngay cả tiếng ve sầu bên Sở Thú vọng qua con kinh nhỏ em cũng nghe rõ mồn một.
    Hà đi luyện thi mà vẫn ngay ngáy lo năm nay lại trượt vỏ chuối lần nữa. Mới rồi, các thầy dạy môn Toán, Hóa, Sinh bán tài liệu ôn thi cho học sinh, về nhà đọc xong, em càng thấy lo lắng hơn. Vì sao ư? Tập tài liệu nào cũng nhan nhản những chỗ sai. Chỗ thì sai chính tả, con số, chỗ thì nhầm lẫn công thức, kiến thức cơ bản. Luyện thi theo các tài liệu này, làm sao đỗ đại học?
    Hà ngỏ ý với chị họ định bỏ lò luyện đậu ngọn cây này để kiếm chỗ nào đó có thầy cô dạy uy tín hơn.
    Chị họ giật mình, dỗ:
    - Em mà bỏ lớp luyện thi này thì sai một li đi một năm đó. Ở lớp này, năm nào học sinh cũng thi đỗ tám chín chục phần trăm. Chị đã học qua nên mới bảo em theo. Ai lại đi xui dại cho em mình rớt?
    Thấy mắt Hà không chớp, chị họ hạ giọng, giải thích:
    - Còn các tài liệu in sai thì do như vầy. Các thầy cố ý làm ra như vậy đấy em ạ. Trò nào không theo học mà chỉ mua tài liệu để tự học, hay có đăng ký học mà nghỉ bừa bãi, cứ theo tài liệu in sai đó thì thi đậu ngọn tre là cái chắc. Bởi vì hôm nào đi học các thầy cũng chỉnh lý. Ví dụ, hôm nay các em mở bài tập ở trang 30, trong đó có sửa số 15% thành 75%, công thức Hóa này sửa con số này, chữ này mới đúng. Như vậy học sinh không phải chép bài, có nhiều thời gian giải bài, chữa bài trên lớp…
    Hà đã lờ mờ hiểu.
    - Các tập tài liệu em có trong tay quý lắm đấy Hà ạ. Chúng được cập nhật, đảo lên đảo xuống, bổ sung thêm nên không năm nào giống năm nào. Cũng dễ hiểu thôi, bởi các đề thi chỉ quanh quẩn trong từng ấy câu hỏi, dạng bài, kiểu bài.
    Tới đây thì Hà gật đầu.
    Chị họ Hà lên giọng:
    - Học theo các thầy, chỉ có những đứa ngu như lợn mới về nhà đuổi gà cho mẹ. Em cứ luyện đều đều là đỗ. Vô tư mà tin vào bí quyết của các thầy đi!
    #17
      Nguyen Quoc Van 24.09.2017 18:36:48 (permalink)
      CÂU GIỜ

      Hôm ấy, sau khi giải xong bài toán hình học không gian, thầy Huyền rủ rỉ kể chuyện.
      Về một con số thôi thầy cũng có chuyện.
      Thầy kể:
      - À, chỉ có một con số mà cục diện thay đổi hẳn nghe. Chuyện thế này. Một ông già sáu mươi muốn lấy vợ, liền đăng báo tìm bạn đời. Báo đăng ông sáu mươi, có một tỉ tiết kiệm. Chả có ma ào hồi âm. Ông hạ xuống năm mươi, có một tỉ rưỡi. Kết quả vẫn như trên. Đành liều lần cuối, cho đăng mới bốn mươi hai, có hai tỉ tiết kiệm. Tuổi tác quan trọng thật, ngay hôm sau có hai chục cô gái mười tám đôi mươi gửi hình và lý lịch tới. Ông già sướng rơn, tay run run lựa một cô gái ưng ý nhất. Vừa lúc đó thì người của tòa báo đến…
      Tới đây thì thầy giáo luyện thi đáng kính ngừng kể, lướt ánh mắt hóm hỉnh nhìn khắp cả lớp, hỏi:
      - Đố các em người của tòa báo sẽ nói gì nào?
      Cả lớp nhao nhao:
      - Đòi tiền thêm ạ!
      - Chia vui ạ!
      - Chúc mừng ạ!
      - Gạ đứng ra tổ chức đám cưới ạ...
      Thầy Huyền xua tay:
      - Ồ không, không phải…
      Thấy cả lớp lộ rõ vẻ chờ đợi, thầy tiếp:
      - Có em nào đoán được kết thúc chuyện như thế nào không?
      Một bạn học sinh nam ở cuối lớp đứng dậy:
      - Thưa thầy, em ạ. Kết thúc chuyện “như trên” ạ.
      - Thế là thế nào? Thầy Huyền ngạc nhiên, hỏi.
      - Dạ, thưa thầy, “như trên” có nghĩa là giống y hệt chuyện thầy đã kể ở các năm trước, ngay sau khi giải xong bài hình không gian này ạ.
      - Vậy, em…
      - Dạ, hai năm trước em đã luyện thi với thầy. Và… Kết của câu chuyện là tòa báo đến xin lỗi ông già! Vì cái gì? Có phải là do họ in nhầm số bốn thành số chín không ạ? Tòa báo in ông già chín hai tuổi chứ không phải bốn mươi hai…
      Thầy Huyền dồn:
      - Thế em có biết vì sao các cô gái lại nhao nhao đến với ông già chín mươi hai mùa lá vàng rụng chưa?
      Bạn em tự tin:
      - Em nghĩ là do tình yêu ạ.
      Thầy Huyền phá lên cười:
      - Em đã nghe chuyện nhiều lần mà vẫn chưa hiểu. Thầy chốt lại, em đúng một nửa. Các cô ấy đến với ông lão vì ông sắp chầu giời! Vì tình yêu? Em nói thế phải không? Không sai. Nhưng mà là yêu tiền…
      - Ơ, em vẫn chưa hiểu!
      Cả lớp ồ lên, cười như chợ vỡ.
      Đúng vào thời khắc đó, chuông báo hết giờ học ré lên. Reng, reng, reng…
      Thầy Huyền phẩy tay:
      - Ô kê, bữa sau ta tiếp nha…
      Luyện thi với thầy thoải mái thật!
      Ô kê,

      #18
        Nguyen Quoc Van 24.09.2017 18:38:59 (permalink)
        VÔ GIÁ

        Mùa thu năm 2005, nhà văn Minh Quốc cho tái bản tập truyện ông viết song hành với một đời đi dạy học.
        Cuốn sách nhỏ khiến ông nhớ tới chuyện xảy ra vào đầu hè năm 1996.
        Lần ấy, ông đem tập truyện vừa xuất bản của mình đến lớp bán cho học trò. Về nhà, kiểm lại sách, ông biết có hai cuốn học sinh không trả tiền.
        Nhà văn tủm tỉm cười:
        “Thế là lời rồi!”.
        Cho tới giữa hè năm nay, một hôm nhà văn bỗng nhận được một bức thư.
        Người viết thư xưng là học trò cũ.
        Đầu thư, em xin lỗi thầy cách đây chín năm mua sách mà không có tiền để trả. Dĩ nhiên, vì quá mê sách, em đã thở dài và giấu lẹm hai cuốn truyện vào cặp.
        Tiếp theo, em báo tin nay đã là giám đốc ở một công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản ở Bến Tre. Em tâm sự đã học được rất nhiều từ cuốn sách thầy viết.
        Cuối thư, em nói vì lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, em xin gửi đúng số tiền theo giá in trên bìa sách là hai mươi ngàn đồng tới thầy.
        Nhà văn rơi nước mắt, phá lên cười ha hả:
        “Lời lớn rồi! Văn tôi lời lớn rồi!”.
        ***
        Đầu năm học, nhà văn tới lớp khoe chuyện trò cũ với các em học sinh lớp ông đang dạy.
        Nhà văn vô cùng ngạc nhiên khi ông vừa dứt lời thì em lớp trưởng đã hô cả lớp đứng dậy.
        Tay em nào cũng đều đặt sẵn vào cặp sách vừa mở hé.
        Lớp trưởng hô tiếp :
        “Một, hai, ba!”.
        Cả lớp đồng loạt đưa tay lên.
        Nhà văn không tin ở mắt mình nữa.
        Trên tay từng học trò, tập truyện của ông xòe nở như những bông hoa.
        “Cảm ơn! Cảm ơn các em!”.
        Giọng ông lạc đi vì xúc động.
        Rồi nhà văn ngồi xuống.
        Bỗng nhiên, mặt ông hơi biến sắc.
        Lúc ấy, một loạt câu hỏi thoảng qua như cơn gió đầu đông:
        “Chúng mua mà chưa đọc? Hay sẽ không đọc? Mình vẫn lời? Hay đang lỗ?”.
        ***
        Tan trường, em lớp trưởng tìm gặp nhà văn.
        Em khoe:
        “Thưa thầy, mấy bữa nay, chúng em đều đọc truyện thầy viết trước lớp sau giờ truy bài”.
        “Thật thế ư?”.
        “Dạ. Và chúng em cảm thấy…”.
        Thầy giật mình:
        “Thấy thế nào?”.
        “ Giờ văn của thầy hay hơn nhiều ạ!”.
        Nhà văn nắm chặt lấy tay cậu học trò nhỏ, mỉm cười.
        Ông muốn nói lời cảm ơn mà cổ họng cứ nghẹn ứ lại.
        Văn ông đã trở thành vô giá?
        #19
          Nguyen Quoc Van 24.09.2017 18:41:22 (permalink)
          CHUYỆN CỦA HỒN MA

          Ông Vĩ nói:
          - Đời người ta có bốn hồi. Đó là hồi hộp, hồi đó, hồi xuân và chấm hết là hồi chuông. Lúc chưa sanh, ba má hồi hộp lo có đủ chân đủ tay không, sanh ra rồi thì lo lưỡi dài hay ngắn, có sa chân sảy hầm, té cây, chìm nước không. Rồi hồi hộp lúc thi hết cấp một, cấp hai, thi vào cấp ba, nhất là thi vào đại học, con cái đi thi mà cha mẹ ngồi ngoài vã hết mồ hôi lạnh. Lại nữa, lúc tốt nghiệp đại học, tim cứ thót lên khi xin vào cơ quan nào đó làm việc, lúc đi làm rồi sếp chỉ ho một tiếng mà cứ tưởng sấm nổ bên tai, thấp thỏm kỳ tăng lương tới liệu có có tên mình. Ôi, qua được hồi này thì vẻ vang rồi.
          Sau này, để nêu gương cho con cháu, thì kể hồi đó ta thế này thế kia. Lên rừng xuống bể. Vào tên ra đạn. Đói cơm rét áo. Thăng chức thăng quyền. Kẻ đưa người đón. Vào gửi ra thưa. Tiền vô như nước. Vãi một chút tiền ra làm phúc cho người thì đời bắt thu lại gấp ba gấp bốn. Hồi này, đến bị chó cắn cũng ra tiền ông ạ.
          Ví như vợ chồng Song mà ông cũng có quen chút đỉnh đó.
          Bà Song ngọt thịt nên chó dại cứ nhắm vào chân bà mà cắn. Chả thế mà chưa chích hết thuốc phòng dại đợt này bà đã phải chích ngừa đợt kia. Ai hỏi, bà cũng cười cười, nói chó cắn là sắp giàu to đấy! Ai cả đời chưa được chó cắn cũng nên xem mình có phải là loại rẻ rách không? Có lẽ nghĩ vậy nên bà có sở thích được rong ruổi đạp xe trên đường suốt ngày. Đường lớn, đường nhỏ, các con hẻm ngoằn ngoèo trong quận, đâu đâu cũng in dấu bánh xe bà. Bà lao xe tới đâu cũng đã có người mời:
          “ Chào bà bắc, mời bà vô nhà tui uống nước!”.
          “ Bà bắc, bà vô đây tôi chỉ cho…”.
          “ Rồi, tôi vào, tôi sẽ vào. Để tôi thở cái đã, nhé!”, bà Song cười nói vui vẻ và dừng xe lại.
          Lúc về, bà hẹn hò, hứa với gia chủ đủ điều. Chủ và khách ai cũng vui như sắp bắt được của vậy.
          Còn ông Song, ông khai trong lí lịch sanh ở Bến Tre. Vậy mà bạn bè ông cứ một mực nói ông sanh ở cái tỉnh chó ăn đá gà ăn sỏi, khu bốn đẩy ra khu ba đẩy lại. Bởi ông hay nói những câu chẳng đâu vào đâu, đại loại như :
          “ Đi vô nhà”.
          “ Đến tê chờ tui nghe”.
          “ Ùa, mày mới vào à. Rẻ tao chơi”.
          “ Đ… má mi, nói rứa mà nghe lọt tai, hổng ngứa ruột sao?”...
          Ông thú uống rượu cả chai, cứ ngửa cổ lên mà dốc ừng ực vào họng, mặt tái mét đi. Nhưng sau đó ông lại khoan thai rót nước trà từ một cái ấm chuyên bằng đất nung vào một cái chung mắt trâu, nhấp từng ngụm nhỏ, miệng chép chép. Thật đúng kiểu cách của hạng người có văn hóa, văn minh, xa lạ với man di, mọi rợ.
          Trong làng báo, ông nổi tiếng năng động, có tầm hiểu biết sâu rộng các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, pháp luật, quốc tế, an ninh quốc phòng. Văn phong ông ngắn gọn, súc tích, chính xác khi đưa những dòng tin nóng hổi năm mươi chữ. Ông chủ động, khéo léo tới từng chi tiết trong các phóng sự về thân phận người nghèo, kéo hết số báo này tới số báo kia trên một tờ nhật báo có nhiều độc giả nhất nhì trong nước. Còn khi viết văn, các truyện ngắn, truyện dài của ông đọc lên cứ na ná như tiểu sử của một đồng chí lãnh đạo, một viên tình báo, một anh hùng nào đó. Các nhân vật do ông nhào nặn ra như thánh, như thần, trẻ con đọc cứ ngỡ là truyện cổ tích.
          Khi bạn bè đang dẹt mắt trước sức viết hình như có thể phải viết ngay cả trong lúc ngủ mới vung vãi ra trên mặt giấy nhiều đến thế thì ông Song lại cho loan một tin đồn mà kẻ ngu ngơ nhất cũng phải há mồm ra vì khó tưởng tượng đó lại là sự thật. Nghe đồn, ông là cha đẻ của các ý tưởng. Ồ, và một bộ óc tổ chức. Cộng một nhãn quan chính trị vững vàng. Thêm một niềm tin trong sáng. Rồi, còn nữa, nhiều thứ lắm, chả nên kể ra đây làm gì! Tóm lại là, ông có một văn phòng. Phòng văn này do mười hai cây viết tài năng nhưng chưa có ai được bất cứ cơ quan nào nhận họ vào làm việc. Mỗi ngày ông cho ra lò ít nhất hai mươi bốn ý tưởng và chuyển giao cho các nhân viên thực hiện. Các sản phẩm báo chí, văn chương lúc đăng trên các báo đều ký bút danh của ông và nhân viên chấp bút. Nhuận bút tính tỉ lệ ông Song ba, người viết bẩy. Nhận vài ba trăm từ tay ông, không ít các tài năng tương lai đã ứa nước mắt, cảm phục ông vừa là cái đầu vừa là kho báu biết lo xa cho cái dạ dày rất hiếm khi được hưởng cảm giác tưng tức của họ. Ơn này xứng được các đàn em sống để dạ, chết mang theo!
          Việc viết báo theo dây chuyền công nghệ đang phất như diều gặp gió thì ông lại dở chứng, cho giải thể văn phòng. Ông bảo vừa nhận lời mời của một vị lãnh đạo, chuyển tới một quận vùng ven công tác. Chức danh ông được giao không lớn mà cũng không nhỏ. Hỏi làm gì, lương hậu hay bạc thì ông trả lời là làm thư ký cho ông phó chủ tịch, thu nhập vừa đủ cà phê, ăn sáng, trưa cơ quan nuôi cơm, chiều vợ coi như kẻ thêm chén thêm đũa. Rồi ông cười hì hì, nửa đùa nửa thật rằng, thời này đến trâu bò cũng không sống bằng đồng lương huống hồ là người! Riêng ông thì sống bằng lương. Bởi ngoài cà phê sáng, ba bữa ăn trong ngày, ông thờ ơ với thuốc lá, xa lạ với rượu bia, ghét thói bài bạc… Có lẽ vì thế mà ông được tiếng là một cán bộ liêm khiết. Ai biếu ông cân đường, hộp sữa khi ông đau yếu thì ông nhận. Còn phong bì, ông chỉ nhận khi đi dự hội nghị, họp hành; người nào lén đưa để nhờ việc riêng ông đều từ chối thẳng thừng, thậm chí còn mắng sơi sơi một hồi nữa.
          Năm rồi, nghe nói cấp trên đề cử ông vào chức chủ tịch quận nhưng ông đã khéo léo từ chối. Lạ hơn, ông lại viết đơn xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Ông năn nỉ mãi mới được cấp trên phê chuẩn cho rút tên khỏi danh sách. Ghê gớm chửa, cả gan làm dân sau khi đã nếm quan trường không phải ai cũng làm được đâu! Nghĩ vậy, ông rũ áo từ quan cái roẹt, chờ được thanh thản hưởng thú nhàn dân dã…
          Nhưng nghỉ hưu rồi bứt rứt quá! Thôi thì làm gì đó nhẹ nhàng cho vui. Chứ để bà ấy phải long nhong, chó nó cắn cho mãi, khổ lắm. Ông tuyên bố với bạn bè như vậy và mở cái rụp bẩy cái đại lý bưu điện. Bẩy căn nhà mặt lộ, ông lấy đâu ra tiền để thuê nhà? Ông bạn già ơi, ông định làm cho người ta ăn sao?
          Thấy bạn bè tỏ ý ái ngại, ông Song cười hề hề như Liên Xô:
          “ Các cậu cứ lo bò trắng răng!”.
          Ông nhấp một ngụm trà rồi thủng thẳng:
          “ Tớ có tham ô, tham nhũng gì đâu mà sợ tè ra quần?”.
          Chưa ai kịp hiểu ông nói thế là có ý gì thì ông đã tiếp:
          “ Mình làm trong ủy ban, chỗ nào cấp trên chủ trương quy hoạch cũng biết trước. Bà xã mình tiền bé, nghe mình xui dại, cứ tìm mua những căn nhà sập sệ trong hẻm. Mua và chờ ngày một con đường ló dạng. Cứ mỗi lần bà ấy bị chó cắn là một lần tụi mình bớt nghèo đi một chút. Giờ thì kinh doanh cho có người ra người vô thôi. Ở không buồn lắm, chịu sao thấu!”.
          Nói xong, ông Song rung đùi, nhấp một ngụm trà bắc đặc sóng sánh.
          Kể tới đây, ông Vĩ khẽ thở dài, giọng trầm xuống:
          - Tuy nhiên, tôi cũng phải chua thêm, đến độ này người ta tự nhiên thấy mình đương độ xuân thì, trí nhớ lờ mờ nhớ nhớ quên quên, tóc muối tiêu bốn năm sáu bảy chục gì đó nhưng các bộ phận trên cơ thể từ cái cổ đã có ngấn ngang ngấn dọc trở xuống hình như mới chỉ ngoài ba bốn mươi thôi. Bởi lúc ấy ăn ít nhưng bụng chả mấy khi đói, người không mấy khi cảm thấy mệt. Máu như ứ thừa, cứ chảy rần rật trong huyết quản. Mắt nhìn tiền bạc đã coi khinh, nhưng nhìn con gái đẹp thì, đã tự răn mình bằng thuyết này thuyết nọ, bài học này bài học kia, lại luôn dặn lòng phải biết đề cao cảnh giác vì sắc đẹp là viên đạn bọc đường cực kì nguy hiểm đấy nhé, thì sao nhỉ? Thì nó cứ lóng la lóng lánh, lúng liếng lúng la. Bảo nhắm lại thì nó mở to. Đúng là cơ quan não bộ trung ương sáng suốt thế, biết lường trước mọi cái sẽ diễn ra là thế, mà không chỉ đạo được bộ phận thị giác. Trên bảo dưới không nghe là ý này đây. Chả lẽ mình lại tự chọc mù mắt mù tim mình để chứng tỏ bản lĩnh! Thôi thì, chặc lưỡi một cái, cả đời đã vất vả, hi sinh, hỏi lại tiếp tục vất vả hi sinh vì cái gì, vì ai đây. Chả lẽ kiếp ta không bằng trâu bò dê chó gà lợn, tức là không biết hưởng thụ, không biết yêu thương? Mà mỗi loại tình cảm một khác, tình vợ chồng hiển nhiên là không giống tình bồ bịch thoảng qua. Hồi này theo em nhớn em bé, chân thành cũng lắm mà bị lừa lọc cũng không ít hơn. Và tiền bạc vốn khó kiếm như gom gió bấc giữa hè cũng từ từ bốc hơi khỏi hầu bao. Vậy là chỉ một mực muốn chết, chết còn hơn, sống không bằng chết thì cũng chẳng thi vị gì. Tới đây thì vô tư mà bước sang hồi chuông thôi. Chuông sám hối. Chuông nguyện hồn. Than ôi, cũng một kiếp người!
          Ông Đại nghe tới câu cảm thán này thì bật dậy, vỗ đánh đét vào đùi một cái:
          - Ông có lý! Tôi cũng cho là thế, tuy có vài ý khác một chút. Phải, bốn hồi. Hồi nhỏ, hồi xuân, hồi tưởng, hồi kèn. Ứng với sinh, lão, bệnh tử. Cái nghề viết nó khiến tôi hình như lúc nào cũng bị cột chặt vào cái hồi tưởng. Những cái tôi viết, ngay cả chuyện hôm nay cũng đã là cái hôm nay vừa qua rồi. Còn những cái tưởng tượng, cái thì thuộc về tiền kiếp, cái thì thuộc về tương lai, song thực ra chúng đều nằm trong cái hồi đó cả thôi. Bởi vì số phận buộc tôi thuộc về cái hồi đó! Đời tôi được treo lên để làm gương soi. Gương gì, gương không nhà cửa, không vợ con mà lại có đủ cả biệt thự, chức vụ, quyền lực, sự kính yêu. Chúng chả có nghĩa gì hết. Chúng đều thuộc về của chung. Kể cả sự kính yêu, nếu có. Vậy nên, tôi rất buồn. Hạnh phúc một đời người là được đi qua cả bốn hồi trọn vẹn ông ạ. Như ông thế mà lại may. Tuy đời ông hơi lung tung, bụi bặm một chút nhưng còn có chút mùi vị, có cái để mà kể. Còn tôi, ngay cả cái hồi chuông rất to kia cũng chỉ là hình thức, chán thật. Bởi sau đó, cái bất tử khiến đời tôi không có muối, và dĩ nhiên, nhạt thếch!
          Trên đây là câu chuyện tào lao của hai hồn ma.
          Vậy mạo muội chép lại để bạn đối chiếu mình
          #20
            Nguyen Quoc Van 25.09.2017 12:20:02 (permalink)
            ĐÙA NHẢ

            Ánh và Tuấn trước đây là bạn đồng môn.
            Năm ngoái, họ vô tình gặp lại qua vụ mua đất của người em họ Ánh. Lúc làm giấy tờ sang tên mới biết mảnh đất ấy là của Ánh, người em họ chỉ đứng tên giúp.
            Tuấn hỏi:
            - Chắc nhiều đất quá, sợ chính sách thay đổi nên phải phòng xa phân tán trước phải không?
            Ánh chỉ cười nhạt hỏi lại:
            - Lương cậu tháng cả chục triệu. Cậu mới là người có nhiều đất, cậu đứng tên hết hay cũng nhờ người khác?
            Còn nhớ lúc ấy vợ Tuấn cứ ngẩn mặt ra. Tháng nào lĩnh lương Tuấn cũng đưa cho vợ bốn triệu, kèm theo mảnh giấy cô tài vụ ghi rõ từng khoản tiền.
            Giờ nghe Ánh nói thế, chị sinh nghi, về nhà cứ tra hỏi chồng mãi.
            Tuấn bảo vợ:
            - Thằng Ánh có tính bông đùa, nó hỏi vậy để xem em có hay ghen không thôi.
            Chị vợ nửa tin nửa ngờ, mát mẻ bảo:
            - Thôi tùy anh, nói thật thì nói, không thì thôi. Có đất, lúc chết anh cũng chẳng mang theo được, em chả cần biết nữa.
            Lần này, vợ chồng Tuấn vừa ngồi xuống ghế, Ánh đã hất hàm về phía Tuấn hỏi:
            - Này ông, cái nhà trong hẻm Hồ Văn Huê thằng em tôi để lại cho ông mấy tháng trước còn hay đã bán rồi, đất ở đó giờ phải hai cây một mét nhỉ!
            - Nhà nào? Tuấn ngạc nhiên hỏi.
            Ánh tỉnh bơ:
            - Cái nhà ông gửi con em họ gì đó trông nom giúp chứ còn nhà nào!
            Tuấn nghiêm mặt:
            - Bậy!
            Ánh xoa xoa tay cười khà khà:
            - Ông giấu bà chị tôi phải không, khà khà...
            Vợ Tuấn bảo không khát nên không uống ly nước Ánh đẩy về phía chị. Chị véo mạnh vào lưng chồng, ngầm ra lệnh phải về ngay.
            Về tới nhà, chị chạy thẳng vào buồng ôm mặt khóc. Tuấn đã thề độc anh mà có căn nhà ấy thì cả dòng họ nhà anh là giống chó ăn cứt, chết hộc máu mồm ra chị cũng không tin.
            Sau đấy, cả tháng trời hai vợ chồng không nói với nhau một tiếng.
            Lúc đi ngủ, chị quay lưng vào tường, Tuấn quay lưng ra phía ngoài, đêm khuya Tuấn quờ tay qua làm lành, chị đẩy ra quầy quậy, miệng lẩm bẩm, không thèm, không thèm...
            Hôm nay thì vợ chồng Tuấn buộc phải làm lành. Họ mang bộ mặt đám ma tới đưa ma vợ Ánh.
            Khổ thân chị ấy, dáng phốp pháp, da dẻ phây phây, cười nói vui vẻ suốt ngày mà bỗng lăn đùng ra chết.
            Mà chết thế nào?
            Ai lại dại thế nhỉ! Uống cả chai thuốc rầy thì ruột gan nào không tan không nát!
            - Vì sao chị ấy lại chết thảm như thế nhỉ? Vợ Tuấn bỗng nắm lấy tay chồng, hỏi khẽ.
            Anh chồng tái mặt, nói không ra hơi:
            - Hình như chỉ vì một... cái bao cao su.
            - Lạ nhỉ! Vợ Tuấn không hiểu.
            Khi quan tài đã hạ huyệt, mồ mả đã đắp xong, mọi người lên xe về nhà.
            Để tránh chuyện u buồn, đám bạn đồng môn của Ánh quay sang nói về chuyện buổi họp mặt cách đây ba ngày.
            Ai cũng bảo, lâu ngày mới gặp nhau, tăng một được ăn uống, tăng hai rủ nhau đi hát ka rao kê với nhau vui thật, vui thật, khó mà quên được...
            Nghe các ông chồng bô bô nói với nhau như thế, trừ vợ Tuấn, tất cả các bà vợ đang ngồi bên cạnh chồng mình đều mím chặt môi, mặt tự nhiên tím lại. Tuy nhiên không ai hiểu vì sao người bên cạnh mình lại thay đổi thái độ qua vẻ mặt nhanh như vậy.
            Liếc nhìn đôi gò má đỏ ửng vì lạnh của vợ, mặt Tuấn bỗng thuỗn ra.
            Anh bỗng nhớ tới Ánh trong buổi hát ka rao kê.
            Lúc ấy, anh ta lướt nhanh qua từng người, một tay vỗ vai bạn, tay kia nhét nhanh vào túi áo bạn một vật nhỏ.
            Trò cớt nhả chơi ấy mà!
            Tới chỗ Tuấn, động tác của Ánh đã đạt tới mức khéo léo tuyệt hảo.
            Nhưng khi Ánh vừa quay đi, cũng nhanh gần như vậy, Tuấn đã kịp nhét cái vật bé tí xíu kia trở lại túi áo anh ta.
            Trò tếu táo vui ấy mà!
            Thật tai hại, vợ Ánh không biết đùa.

            #21
              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9