ÁO HẠ VÀNG - THƠ HƯ VÔ MỎNG TÊNH NHƯ TƠ LỤA. TÙY BÚT SƯƠNG LAM
Huvo 18.04.2018 18:19:03 (permalink)
TÙY BÚT SƯƠNG LAM
 
Áo Hạ Vàng
 
Em qua bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.
 
Nắng trong veo, thấu lụa là
Áo em mỏng quá lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn.
 
Từ em xõa tóc sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.
Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình
 
Bên đời nắng có lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về…
 
Hư Vô
 
Mùa hè, mùa của hoa rực rỡ, của trái chín trĩu cành, của lời mời gọi ta đến với biển với nắng. Mùa hè mở vào tâm hồn ta những khát khao thầm kín, dấy lên trong ta những yêu thương, những đam mê bỏng cháy. Trong bài Hạ Hồng, Phạm Duy dường như cũng bốc cháy với mặt trời trên cao:
 
Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
Mùa hè của uyên ương.
 
Hư Vô đến với mùa hè bằng khúc lục bát bềnh bồng, mơ hồ đến mênh mông:
 
Em qua bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.
 
Mặt trời lên cao nhưng không sáng chói, mặt trời được miêu tả một cách gián tiếp qua “bóng” em. Là bóng thôi, không là hình, bước vào thế giới tình yêu dường như ta đã chạm phải nỗi buồn và hình như ý niệm hiện hữu của “em” đang nhạt nhòa dần trong không gian, trong thời gian của một ngày nắng hạ. Thoáng thấy bóng em ngoài hiên, chỉ thoáng thấy bằng mắt hay bằng tâm không rõ nhưng rõ nhất là hình ảnh của đàn sáo nhỏ. Sáo vụt bay về cuối ngàn. Cách miêu tả âm thanh của thi sĩ lạ: “vụt” một động tác bay đột ngột, rất nhanh của cả đàn sáo. Ta nghe thật rõ tiếng đập cánh của đàn chim trong buổi trưa hạ, âm thanh của sự sống nhưng chỉ vút lên rồi tất cả lại rơi vào yên lặng. Trong cái tĩnh lặng của cõi tình tiếng đập cánh bay của đàn sáo nhỏ không chỉ khuấy động không gian mà còn khuấy động cả lòng người:
 
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.
 
Tôi ít thấy chữ “rớt” trong thi phẩm nhất là thơ tình. Chữ rớt thường được dùng như một khẩu ngữ. Nhà thơ chọn hạ rớt chứ không chọn hạ rơi (chữ rơi được dùng nhiều trong văn chương bình dân lẫn văn học viết). Khẩu ngữ vào thơ không làm câu chữ trở thành bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp kiêu sa của nó. Rơi là một thanh bằng chưa đủ lực làm nhân vật trữ tình giật mình phải là rớt. Thanh sắc dấy động tất cả, khơi dậy tất cả một sự bừng thức của không gian “thênh thang”, một sự bừng thức của “anh”, về “em”. Cái đẹp cũng bừng thức, hoa là em, là mùa hạ, là hoa vàng – màu của mùa hè.
 
Nếu thi sĩ giật mình vì bóng em khơi dậy cả mùa hạ trong anh thì tôi giật mình vì chữ nghĩa vào tay thi sĩ nó không còn tuân theo qui luật vốn có của nó. Tôi đọc khá nhiều thơ, tôi đã gặp không ít trạng thái “Giật mình” của thơ xưa cũng như nay: Nguyễn Du viết “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh? Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Tú Xương viết Sông Lấp: ”Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, Nguyễn Duy viết: “Ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình”. Giật mình của Nguyễn Du gợi cảm xúc thương thân của Kiều, giật mình của Tú Xương là nhớ tiếc những cái tốt đẹp cứ mất dần đi, giật mình của Nguyễn Duy là sự tự hối và cái giật mình của Hư Vô mới đậm chất lạ lùng sao? Một ngẫu hứng duy lý trong một tương quan chặt chẽ “em- mùa hạ- – nỗi nhớ- lãng quên- trở về” sự khuấy động tâm thức, thời gian, không gian làm cho ta cảm nhận chữ tình trong anh trĩu nặng và chân dung của “em” cứ mở rộng dần trong bức tranh mùa hè huyền diệu:

Nắng trong veo, thấu lụa là
Áo em mỏng quá lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn.
 
Mùa hạ đã định hình trong màu hoa vàng trên tóc em, mùa hạ lên cao nhập vào trong nắng tạo màu “trong veo”. Tôi thương nắng thủy tinh của Trịnh Công Sơn, tôi thích câu hỏi của nhạc sĩ với “em” màu nắng hay là màu tóc em? Nắng mùa hạ trong nhạc Trịnh như khối thủy tinh đúc cho nắng lung linh vàng rồi nắng đi vào trong mắt em. Một sự hóa thân, hòa nhập của hai vẻ đẹp: mặt trời-em. Tôi cũng thích cái nắng loạn trong thơ Hàn Mặc Tử “nắng ửng, nắng chang chang, nắng thơm” nắng hè chói chang, nóng rát không còn thay vào đó là nắng tươi, nắng thơm của gấm lụa, của dung nhan. Nắng đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp. Nắng của Hư Vô “trong veo” nghĩa là nắng như tấm gương soi không đáy, nắng hữu hình đến trong veo. Chữ nghĩa tượng hình dần như chân dung “em” rõ dần. Không còn là bóng, không còn là mùi hương “hoa vàng” mà là hình hài, là xương thịt là vẻ đẹp kiêu sa. Tôi nghĩ Hư Vô đã dùng nét vẽ tượng trưng cho bức chân dung tình yêu của mình. Tôi nghe giọng thì thầm của thi sĩ. Em mềm như lụa, mong manh như tơ trời, áo là sương khói cho hồn ta thoáng gập ghềnh, lênh đênh. Nhan sắc của người tình sao mong manh, nét đẹp được lọc qua cảm xúc thật tinh tế, thật lãng mạn, vẻ  đẹp vừa táo bạo nhục thể vừa thanh tao duyên dáng “trong veo, thấu,mỏng” nó làm tan chảy mọi cảm giác để chỉ còn đọng lại một cảm xúc tuyệt vời: “Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn”.
 
Nguyễn Hồng Ân trong bài: “Chiều biển vắng thênh thang” đã viết: “Mang tên em chiều in màu lá / Vừa tàn mùa sen hạ cháy trên cành.”
 
Hạ cháy của Nguyễn Hồng Ân khơi gợi một sự bừng thức, ngỡ ngàng về mùa hè, Hư Vô lại cảm nhận “mùa hạ chảy trên phím đàn” thì quả là tuyệt bút. Chữ mềm như nhung lụa và tan chảy thành dòng âm nhạc thì không còn gì phải bàn đến vẻ đẹp của ngôn từ. Mỹ học của bài thơ tỏa từ hội họa màu sắc, từ thi ca mùa hạ chảy, từ âm nhạc trên phím đàn. Ta dường như lạc vào thế giới của cõi mơ, của âm nhạc, của cõi tình mê đắm. Ta đang tan chảy vào vẻ đẹp của đất trời, của tình yêu và đồng thời cũng tan chảy vào trong cảm xúc của Hư Vô. Tâm khơi, tình động cho quay quắt một hình hài:

Từ em xõa tóc sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.
Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình.
 
Mái tóc thề, mái tóc bao lần vào thi ca tạo nên bao hình tượng thẩm mỹ đẹp lạ thường. Lúc còn đi học một cô bạn đã tặng tôi hai câu thơ:

Ta phiêu du mãi chưa về
Biết em còn để tóc thề hay không?
 
Tôi đã yêu mái tóc thề ngày đó, tôi không ngạc nhiên khi ký ức tình yêu của thi sĩ có mái tóc thề nhưng mái tóc ấy không phải xõa xuống tạo bóng mát cho tình yêu, tạo chiếc cầu cho anh sang em mà là mái tóc xõa để em đi lấy chồng. Oái oăm và trớ trêu là ở đó. Thiên nhiên sao vô tình với nỗi đau của kẻ tình si: “Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.”
 
Buồn vì tình yêu không trọn vẹn, buồn khi mình tiễn đưa người yêu lấy chồng, thi sĩ lạc lõng trong chốn trần gian “rộn ràng”. Mùa hạ, mùa tình yêu, mùa của hoan lạc, hạnh phúc viên mãn cũng theo em, thi sĩ trở thành khách lạ ngay trong thế giới của riêng mình “Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình”, hình như tôi đang cảm nhận nỗi chua chát đến tê đầu lưỡi, nỗi cô đơn đến rợn ngợp “khách lạ không tìm thấy bóng mình”. Tôi lại thấy đâu đây bóng hình Hàn Mặc Tử:

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi thôi ước mơ.
 
Với Mặc Tử khi em lấy chồng là kết thúc tất cả: cõi mơ, tình mộng, niềm vui, nỗi buồn… Hư Vô không kết thúc vẫn đong đầy những khát khao:

Bên đời nắng có lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về…
 
Nắng đâu còn trong veo, nắng đã lung linh nhuốm màu hư ảo, màu của lãng quên, thi sĩ vẫn mong mỏi đến tuyệt vọng “em giấu kín chút tình phôi pha”. Mối tình ấy sâu đậm đến khắc cốt ghi tâm, không thể quên và không bao giờ quên. Tình ấy mãi vần vương đến “còn thương góc phố quê nhà”, nơi chúng ta từng hẹn, nơi tình yêu của tuổi học trò bừng cháy những khát khao, chữ nghĩa bây giờ dung dị, giản đơn như một khúc ca dao buồn, da diết vang lên từ làng quê Nam bộ “còn thương” hai thanh bằng tạo âm hưởng kéo dài thê thiết của mối tình quá khứ làm sao quên, thương góc phố, quê nhà lặng lẽ, thương hạ vàng áo em và thi sĩ càng cảm nhận nỗi cô đơn cứ rộng đến vô cùng để rôi kết đọng lại thành những cơn mưa hạ ướt đẫm hồn, ướt đẫm tình, tình vô biên. Giấu … như một quãng lặng của cảm xúc ngậm ngùi, của mối u tình mà dẫu cơn mưa có ướt, có thấm đẫm cũng không thể phôi pha. Áo hạ vàng- một bài thơ của tình yêu dang dở, khúc ca buồn của Hư Vô về một cuộc tình đã qua nhưng không tan biến. Tình đã hòa thành dòng chảy của thời gian để rồi rung lên thành cung đàn bất tận. Tôi như thấy thi sĩ ngồi giữa biển hoa vàng nghe hạ chảy trên tay. Không gian, thời gian dường như trầm mặc như tâm trạng đầy uẩn khúc của thi sĩ. Hạ vàng hay áo em nhuộm vàng mùa hạ, nhuộm hồn anh tơi tả những dấu mưa.
 
Sương Lam
(Kính tặng nhà thơ Hư Vô.)
22/11/2017
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.04.2018 19:04:51 bởi Huvo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9