Vĩnh biệt thi sĩ Tô Thùy Yên,tác giả của “Chiều Trên Phá Tam Giang” . Tana Thai Ha
Thanh Vân 24.05.2019 16:56:46 (permalink)
Vĩnh biệt thi sĩ Tô Thùy Yên,tác giả của “Chiều Trên Phá Tam Giang” .
 
Chân dung Tô Thùy Yên.
(Tranh của họa sĩ Đinh Cường)
 
Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên ca dao có câu:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…


Phá Tam giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách, ở đó có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ. Cho nên thương em mà không dám vô, là vậy.
Về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm bất hủ “Chiều Trên Phá Tam Giang” đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết theo ý thơ Tô Thùy Yên. Theo lời kể của chính tác giả trong một lần hát chung với ca sĩ Khánh Ly, đó là vào khoảng giữa 1972, khi cuộc chiến Việt Nam đang ở trong thời kỳ khốc liệt nhất mà đỉnh cao là “mùa hè đỏ lửa” 1972, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng với nhạc sỹ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên và vài người nữa từ Sài Gòn đi thăm những vùng tiền đồn.
Chiều hôm đó, trên chiếc trực thăng bay là là trên mặt phá Tam Giang rộng mênh mông, nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với Trần Thiện Thanh đã nảy ra ý định sẽ làm một bài thơ hay nhạc về phá Tam Giang này. Thế là không lâu sau đó, bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” ra đời.
Cũng chính vì cảm tác từ chuyến đi kỷ niệm của lần đó mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cho ra đời một nhạc phẩm phổ thơ bất tử.
Nhưng, câu thơ nổi tiếng nhất và được trích dẫn nhiều nhất của Tô Thùy Yên có lẽ là những câu sau đây trong bài thơ Ta Về:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi


Và Nhà phê bình Thụy Khuê cũng đã bình ” Ta về “ của Tô Thuỳ Yên như sau :
“ Bài thơ Ta Về được phổ biến ngay khi Tô Thùy Yên còn ở trong nước như một bài ca ngất ngưởng của người tù cải tạo, cao ngạo trở về, với cái ta khinh mạn và ngạo nghễ của người (anh hùng) bại trận, bất khuất. Coi nhẹ tù đầy. Xem thường gian khổ. Kể chuyện mười năm lao cải nhẹ như lông.
Bài Ta Về, như có ý tái tạo mộtchính nghĩa, một chí khí cho người bại trận, xướng lên cái căn cước của miền Nam, tấm lòng "rộng lượng" của người tù lao cải, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã hành hạ, đầy đọa mình.
Dường như nỗi đau đã đến với Tô Thùy Yên từ rất sớm, từ những ngày đầu chiến tranh, nỗi đau đời. Không hề có những chữ lớn mà mối sầu rất lớn .”
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.


Kính tiễn biệt Ông VỀ với đất trời rộng lượng từ tâm .
 
***
 
Tiểu sử

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, Sài Gòn, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thuở nhỏ học trung học Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.

Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.

Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.

Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích, nhưng ông còn có thời gian chung sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau chuyển về sống ở Houston, tiểu bang Texas.[4]

Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas.

Attached Image(s)
#1
    Thanh Vân 24.05.2019 17:01:29 (permalink)
    Tô Thùy Yên, gõ cửa thiên thu Mặc Lâm - VOA

    Nhà thơ Tô Thùy Yên
     
    Tôi biết làm thơ từ khi còn rất nhỏ nhưng mãi tới gần tuổi năm mươi mới thật sự đọc được thơ qua một người mà càng đọc tôi càng được mở ra những cánh cửa khác của sự mầu nhiệm từ thi ca. Người làm thơ ấy là Tô Thùy Yên, một ánh sáng khơi gợi niềm cảm hứng, một cành khô giữa rừng có khả năng giúp người đi lạc trong cơn mê muội thẳm sâu của hưng phấn tìm được lối ra, một lẻ loi của cây xương rồng giữa sa mạc có khả năng chống lại sự cô đơn mà thượng đế giao phó.
    Thơ của Tô Thùy Yên được rất nhiều người yêu mến vì chất tĩnh trong cái động của nó. Nếu 10 năm tù là trạng thái “động” của những buốt nhức của cơn đau thể xác thì “thế giới vui từ nỗi lẻ loi” là cái tĩnh thiền đạo của một người đã hiểu tường tận nỗi lẻ loi có sinh lực như thế nào. Lẻ loi ấy chỉ có thể hiện hữu trong một tâm thế vị tha, tha thứ những hằn học, những miệt thị, những oán khí của người khác đã dành cho mình. Lẻ loi vì sẽ không có nhiều người làm được. Lẻ loi vì tuy cúi mái đầu sương đã điểm nhưng vẫn tin vào tâm lượng của đất trời vẫn nặng trĩu niềm vui.
    Niềm vui ấy Tô Thùy Yên đã tìm thấy sau khi từ giã trại cải tạo về nhà sau hơn 10 năm biệt xứ:
    “Ta về cúi mái đầu sương điểm / Nghe nặng từ tâm lượng đất trời / Cảm ơn hoa đã vì ta nở / Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.”

    Chất thiền trong thơ Tô Thùy Yên có lẽ được hình thành từ những cơ cực mà cuộc đời ông chứng kiến. Những cái chết anh liệt nhưng thảm thương, những chia ly tràn khỏi bến bờ đau đớn, sự phân hủy cuộc sống đến vô tận đã đày ải tâm linh trước khi chính bản thân ông sụp đổ. Trong bài Qua sông ông viết:
    “Áo quan phong quốc kỳ anh liệt / Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang / Quê xa không tiện đường đưa tiễn / Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh / Thêm một chút gì như hối hả / Người thân chưa khóc ráo thâm tình…”
    Những câm nín ấy vẫn ám ảnh ông nhiều năm sau trong bài Ta về, nỗi ám ảnh chiến tranh và tình người, một “hội chứng nghiến răng” của nhân loại: xông vào cái chết để bảo vệ ảo tưởng. Tô Thùy Yên sống và gậm nhấm thời kỳ ấy nên biết từng mùi vị của những lần hành quân đầy máu, máu của bạn bè lẫn đối phương. Máu không những đổ ra từ súng đạn nó cũng đổ ra từ tàn khốc của trại giam. Ám ảnh trở thành thói quen và Tô Thùy Yên lẩm bẩm sợ cho cơn thất lạc của chính mình:
    “Ta về như bóng ma hờn tủi / Lục lại thời gian, kiếm chính mình / Ta nhặt mà thương từng phế liệu / Như từng hài cốt sắp vô danh”
    Trong những cuộc hành quân ấy Tô Thùy Yên không ít lần thấy vẻ đẹp tiềm ẩn phía sau những quả mìn tàn nhẫn, những bức tranh được ông phác thảo vội vã miêu tả cái mỏi mệt của thiên nhiên quyện lấy con người như một định mệnh khắc nghiệt. Con người thì rã rời trời thì thấp và ướt sũng, mây trên trời lục bình dưới sông tất cả như hòa nhịp cho một bản nhạc buồn chỉ có chiến tranh mới có thể tạo ra được:
    “Đây ngã ba sông, làng sát nước / Xuồng ba lá đậu kế chân bàn / Trời mới tạnh mưa còn thấp ướt / Lục bình, mây mỏi chuyến lang thang”
    Tô Thùy Yên là một nhà thơ, đã hẳn, tuy nhiên ông còn là một họa sĩ thiên tài. Thơ ông đầy màu sắc quyết liệt chói chang của mặt trời, lạnh lẽo cô đơn như nước biển, và hơn cả tranh, màu sắc trong thơ ông phảng phất hình bóng con người. Trong “Trường sa hành”, một bài thơ quan trọng trong sự nghiệp thi ca của ông chúng ta có thể đồng ý với nhau ở điểm: màu sắc đã tạo thơ ông khác biệt vượt qua rất nhiều tác giả khác củng thời. Chỉ có điều không như hội họa, chúng ta chỉ thấy hai màu xanh lơ và đen trong cả bài thơ nhưng trong lòng lại bùng vỡ hàng loạt những gam màu khác: Đỏ úa của mặt trời trong ánh chiều tà mà tác giả gọi là “chiều rã” Những thay đổi quang phổ của rong biển, những long lanh từ muôn vạn tầng màu làm hồn ta lay động, màu lửa cháy rực cả đào khiến chim cũng đen úa cả tiếng xao xác quần bay. Miếng mồi cháy một màu khét khói cũng không khỏi ngậm ngùi…
    Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
    Những cụm rong óng ả bập bềnh
    Như những tầng buồn lay động mãi
    Dưới hồn ta tịch mịch long lanh


    Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
    Vầng khói chim đen thảng thốt quần
    Kinh động đất trời như cháy đảo…
    Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

    Ta ngồi bên đống lửa man rợ
    Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
    Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
    Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

    …..
    Rồi nữa, kế sau màu sắc là âm thanh. Thứ âm thanh kinh khủng của tiếng gọi không thành lời. Âm thanh bị bóp nghẹt giữa hư vô. Âm thanh rơi vào một khoảng cách đặc sệt của không gian đóng kin:
    “Đất liền, ta gọi, nghe ta không? / Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng / Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc / Con chim động giấc gào cô đơn”
    Viết về Tô Thùy Yên phải cần cả cuốn sách, một vài trang giấy không những bất toàn mà còn hời hợt. Nhưng sự ra đi của ông nếu không thể thắp bằng đuốc để tưởng nhớ thì đành dùng một nén nhang cũng đủ để tiễn đưa ông. Trong tâm thế ấy cùng chia sẻ với những gì mà năm 1991 ông đã viết trong trại biệt giam 3C Tôn Đức Thắng:
    Ta nằm xuống
    Dỗ mình hãy cố ngủ
    Tập quen dần với giấc thiên thu
    Hãy ngủ, ông nhé và tôi tin rằng những gì ông để lại thế gian này cũng thiên thu không kém….
    ***
     
     
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9