Sân khấu cải lương – Sức sống và hiện tại
hinh 10.07.2019 12:31:24 (permalink)

Hiện thực cuộc sông vốn là một dòng chảy sôi động về văn học nghệ thuật mô tả phản ánh. Cuộc sống càng dồi dào, phong phú bao nhiêu thì phương tiện phản ánh càng phải tinh vi, tế nhị bấy nhiêu. Nếu nói lịch sử xã hội là một cuộc đấu tranh để hoàn thiện vươn lên, thì lịch sử nghệ thuật là một quá trình sáng tạo đẻ tìm ra những hình thức mới cho nghệ thuật, đủ sức thể hiện cuộc sống mới muôn màu muôn vẻ.


Sân khấu cải lương, với tư cách là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, cũng không nằm ngoài qui luật đó. Bởi lẽ, sự ra đời của mọi loại hình nghệ thuật mới, đều xuất phát từ yêu cầu của cuộc sông, và khi cuộc sông không còn chứa đựng được trong một loại hình nghệ thuât, thì buộc lòng hình thức nghệ thuật đó phải thay đổi hình dạng, chứ không ai làm một việc trái ngược là đi “gọt chân cho vừa giày”.
 
Ra đời trong thập kỉ đầu của thế kỉ XX, “Kịch hát cải lương” đã hình thành và phá triển trong điều kiện một xã hội đang có nhiều biến động, trong đó cơ bản nhất vẫn là sự thay đổi trong đời sống xã hội, sự đòi hỏi phải có một loại hình nghệ thuật mới có khả năng đưa lên sân khấu những nhân vật mới của tầng lớp mới.
 
Lúc đầu hai chữ “cải lương” cũng chỉ mang một ý nghĩa, một ước vọng “đổi mới”, “cải cách” sân khấu tuồng, chèo cho phù hợp với thời đại. Như cách nói của thời bấy giờ là cải lương tuồng và chèo – hai loại hình sân khấu truyền thống lâu đời cho phù hợp với tầng lớp khán giả tân thời, quảng đại, tầng lớp trí thức, công chức, thị dân, bình dân ở các đô thị đang ngày càng phát triển, cũng túc là phải có một nền sân khấu không bạo liệt như tuồng, không trào lộng như chèo, cũng ca hát, nhưng bình sân hơn, hiện thực hơn, trữ tình hơn, dễ đi sâu vào mọi khía cạnh tâm lý của một tầng lớp xã hội mới.
 
Cùng một thời gian ra đời với sân khấu cải lương, trên diễn đàn văn chương, có tiểu thuyết với những tác phẩm mà tên gọi của nó như Hồn bướm mơ tiên, Lan và Điệp v.v… để đi vào tầng lớp thanh niên, sinh viên ; có thơ mới lớn nhanh thành một phong trào sôi nổi, làm xao xuyến cả một thế hệ thanh niên đương thời, có cả kịch nói – còn gọi là thoại kịch hay tân kịch, kịch thái tây, để phân biệt với kịch hát tuòng,chèo, nhiều đêm đã có chương trình biểu diễn tại các nhà hát lớn ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phhòng. Sân khấu cải lương đã nhanh chống trở thành một kịch chủng và sớm tự khẳng định mình ở trong và ngoài nước.
 
So với tuồng và chèo, phải mất hơn một nghìn năm hình thành và phát triển, để có được những tác phẩm hoàn chỉnh về văn học và biểu diễn, trở thành những tác phẩm cổ điển như Sơn hậu, Quan Âm Thị Kính, thì, sự xuất hiện của cải lương chỉ trong vài mươi năm, từ dòng ca nhạc tài tử đến phong trào ca ra bộ dẫn đến những tác phẩm cải lương lừng danh như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, chỉ là một thời gian ngắn ngủi. Chính vì lẽ đó, cho nên, không ít người xem nhẹ cải lương, thậm chí còn cho là lai căng mất gốc, hoặc xem cải lương như là một trò ca hát rẻ tiền, tầm thường, sặc sỡ, loè loẹt, kém chất văn học, biểu diễn tự nhiên phù hợp với đông đảo khán giả.
 
NSND Sỹ Tiến, trong cuốn “Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương” đã viết : “sân khấu cải lương lan tràn trên khắp nước từ Nam chí Bắc. Nhờ những vở hát hay, được danh tài diễn xuất của các nghệ sĩ mà cả thành thị lẫn nông thôn, dù là quán cơm, sân đình hay hang cùng ngõ hẻm, đều mến chuộng nghệ thuật cải lương, vì quần chúng đã có một nhu cầu nghệ thuật mới thích hợp với nếp sống đương thời trong khi đã chán ghét nền luân lý phong kiến hủ bại”.
 
Như một thanh niên đầy nhựa sống, sân khấu cải lương lớn nhanh chóng, mạnh, ứng chiến linh hoạt, đáp ứng được với thời đại. “Nó diễn đủ các loại đề tài đông tây kim cổ. Cho nên ưu điểm của nó cũng nhiều mà khuyết điểm cũng không ít. Từ sau Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật cải lương đã có những nội dung và hình thức biểu hiện mới”.
 
Ngày nay, khi trở lại những vấn đề lịch sử ra đời và phát triển của cải lương, chúng ta đều ngạc nhiên, trước hết vì sức sống của nó trong việc học tập, kế thừa và đổi mới truyền thống dân tộc, đồng thời mạnh dạn học tập áp dụng những thành tựu của nền sân khấu tiến bộ thế giới, đặc biệt là sân khấu Pháp. Cải lương đã tiếp thu cả hai nền văn minh Đông Tây. Một mặt nó thừa hưởng những giá trị truyền thống của tuồng và chèo, mặc khác nó đã mạnh dạn nâng cao thêm một bước giá trị truyền thống và áp dụng những kinh nghiệm và thành tựu của sân khấu thế giới, trong cách hóa trang bài trí sân khấu, xây dựng kịch bản. Nó còn mạnh dạn hơn nữa, trong việc xếp đặt tân nhạc và cổ nhạc trong một đêm diễn. Rõ ràng là, sự giao thoa giữa hai nền văn minh Đông Tây, sự chắt lọc của những giá trị tinh thần kim cổ làm cho sân khấu cải lương sớm hình thành phát triển nhanh, mạnh và cũng sớm đi trình diễn ở nước ngoài. Chỉ trong vòng 10 năm, trước Cách mạng tháng Tám, cải lương đã thu vào dĩa hát những giọng ca và đã được đi biểu diễn nhiều lần ở thủ đô Nam Vang (Campuchia) và 3 lần đi Pháp.
 
Vang dội hơn cả là vào năm 1931, Ban hát Phước Cương đã được mời sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa, có các nghệ sĩ tài danh như Năm Phỉ, Bảy Lựu, Tám Danh v.v… Khán giả Paris đã nhiệt liệt ca ngợi nghệ thuật diễn xuất vai Bàng Quý Phi của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ trong vở Xử án Bàng Quý Phi và nghệ sĩ Tám Danh trong vở Tứ đổ tường.
 
Để có được những chuyến “đem chuông đi đấm xứ người” này, sân khấu cải lương đã đáp ứng được một phần nào sự đòi hỏi nâng cao dân trí bằng nghệ thuật biểu diễn, và khi chưa khai sáng được dân mình bằng ngọn đuốc văn minh, thì cũng đem đến cho tầng lớp bình dân những đêm diễn sôi động, đem tiếng hát và hình tượng sân khấu để giáo huấn người xem. Mỗi loại hình sân khấu đều có cách nhìn đối với thời cuộc và tìm những khía cạnh phù hợp với ngôn ngữ phản ánh của mình. Tuồng đề cao các gương trung quân, lên án kẻ thoán nghịch, chèo đi vào những nỗi bất hạnh của người phụ nữ dưới sự “cầm cân nảy mực” của xã trưởng, thầy đồ… Riêng cải lương đã thấy rõ sự bất hạnh của người dân dưới cảnh một cổ hai tròng, trong sự hà khắc của lễ giáo phong kiến và đã thấy được sự tàn bạo của giai cấp tư sản. Vở Đời cô Lựu của tác giả Trần Hữu Trang ra đời năm 1935, đã chứng tỏ cải lương đã nắm bắt được thời cuộc, sớm tìm ra cái nội dung hiện đại của cuộc sống đương thời để phản ánh bằng một hình thức nghệ thuật đương thời.
 
Cũng khai thác vào các truyện Trung Quốc như Tam quốc, Thủy Hử, Đông Chu liệt quốc, nhưng cải lương chỉ chọn những phần hợp cho mình như Tam khí Chu Du, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Tiết Giao đoạt ngọc v.v… Cải lương gần gũi với con người bình thường hơn là đề cao vua chúa, cho nên những vở Bao Công tra án Quách Hòa, Xử án Bàng Quý Phi, Mạnh Lệ Quân, Xử án Trần Thế Mỹ v.v… thường là những mảnh trò gần gũi với con người đương thời hơn là ca ngợi con người lịch sử quá khứ.
 
Trong cuộc đời nghệ thuật của sân khấu cải lương, chúng ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy cải lương vay mượn kho tàng văn học thế giới, nhưng không để nguyên xi, mà có thể mượn cốt truyện, mượn đề tài rồi phóng tác, đặt tên cho hợp với sự thưởng thức của khán giả. Đó là vô số các vở kịch Pháp, Anh, Nga đã được cải lương hóa. Vở Le Cid của Corneille của Pháp được chuyển thành vở cải lương Gía trị và danh dự (…). Vở La dame aux Came’lias được soạn thành vở cải lương Tơ vương đến thác, còn có tên gọi là Trà hoa nữ. Vở Romeo và Juliette của Sêchxpia, vở Những kẻ phạm pháp của Pixemxki mô tả thời đại Pie đại đế, cũng đã được chuyển thành vở cải lương Đầu xanh có tội diễn năm 1931, sau đó in thành sách, ngoài bìa có ghi thêm những dòng : “Nam nữ thanh niên nên xem tấn tuồng này để mà tránh xa cái dục tình, vì tình là độc địa, tình thật là dây oan, biết bao sự nghiệp điêu tàn, tiêu nhà bại cửa, cũng vì cang thường đảo ngược, luân lí bại đồi. Tuồng này gánh hát Trần Đắc diễn khắp nơi được công chúng rất hoan nghênh”.
 
Trong sự tồn tại của sân khấu cải lương luôn luôn có cả hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Đối với những tác giả kịch bản có kinh nghiệm cũng như đối với nghệ sĩ biểu diễn cải lương, đây là một sự kết hợp uyển chuyển ngọt ngào, một sự giao duyên tân cổ đẹp đẽ và hài hoà, không hề đẻ ra một cái gì lai căng mất gốc.
 
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh cũng đã viết : “Xét về thời gian, chúng ta chưa thể xem đó là loại hình nghệ thuật truyền thống theo nghĩa lâu đời, nhưng xét về thực tế, cải lương tiếp thu nhiều mặt hết sức cơ bản của sân khấu tuồng truyền thống. Và không dừng lại ở đó, cải lương lại tiếp nhận cái chất cơ bản của kịch phương tây, chủ yếu là Pháp. Nhờ măng đậm nét dân tộc, cải lương không chỉ dung chứa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại như hai thực tế riêng lẻ, nó tạo ra môi trường để truyền thống hiện đại tồn tại như là hai mặt đối lập, luôn luôn đấu tranh để tạo ra sự thống nhất tạm thời” (Tạp chí Sân khấu, số 3/1996, tr.14).
 
Tôi vẫn đinh ninh đó là sức sông hiện đại của cải lương, một loại hình sân khấu kịch hát mà cho đến nay, vẫn còn là một loại hình hấp dẫn và truyền cảm, dễ dàng tiếp cận và thành công trong việc phản ánh cuộc sông hôm nay đang có nhiều biến động và đầy kịch tính. Tất nhiên, để có được những tác phẩm cải lương sáng giá cả về mặt văn học lẫn mặt biểu diễn sân khấu, cần phải có những tác giả đích thực của nó.
 
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong một thời gian ngắn, sân khấu cải lương còn bị thành kiến. Song từ năm 1950 đến nay, cải lương thật sự là một vũ khí nghệ thuật của cách mạng, đã tự thanh lọc mình để trở thành một loại hình sân khấu có nhiều thành công và triển vọng. Cùng với tuồng, chèo và kịch nói, sân khấu cải lương đã có một bề dầy thành tích. Một số vở cải lương đã đạt đến giá trị tư tưởng mang tầm thời đại : Máu thắm đồng Nọc Nạn, Người con gái đất đỏ, Người vợ miền Nam, Người ven đô v.v… Sân khấu cải lương tỏ ra có ưu thế trong việc phản ánh cuộc sống và con người hiện đại. Một số vở đã kết hợp được tính trữ tình với tính anh ùng ca, đã làm cho cải lương không còn là một sự rền rĩ, bi lụy mà là dáng vẻ bi kịch hào hùng của một thời kì kháng chiến ác liệt.
 
Vì vậy, khi xem một vở cải lương có giá trị, khán giả tự vui thêm như cõi lòng mình có ai nói hộ, như tình cảm của mình được ai chắp cánh thêm để đi vào những cuộc đời hướng thiện.
 
Từ sau ngảy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, sân khấu cải lương được tự do phát triển chính trên quê hương, trên cái nôi ra đời của mình. Lực lượng diễn viên càng đông hơn. Hàng ngũ nghệ sĩ lừng danh càng nhiều thêm. Và nhiều tác phẩm cải lương, về số lượng cũng như chất lượng đã làm nên những HCV trong các đợt Hội diễn toàn quốc. Tất nhiên bên cạnh sự thành công còn có nhiều thất bại, mà nguyên nhân của nó chính là còn thiếu những kịch bản cải lương hàm chứa đủ hai yếu tố : sức sống và hiện đại, một bài học mà chính cải lương đã làm nên. Cụ thể là chúng ta đang thiếu những tác phẩm đầy sáng tạo từ chất liệu cuộc sống hiện đại.
 
Trên đà phát triển của xã hội, sân khấu cải lương sẽ vẫn là một hình thức nghệ thuật nhạy bén, phản ánh được nhiều khía cạnh của con người và đời sống xã hội hiện đại. Sân khấu cải lương đã và sẽ tồn tại lâu bền với cuộc sống hiện đại, chỉ nhờ vào hai chữ sáng tạo.
 
 
GS Nguyễn Đức Lộc (Nguồn : Tạp chí VHNT)
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9