TIẾNG CHIM
Nguyễn Lương Tuấn 01.05.2020 17:22:37 (permalink)

  Tôi yêu tiếng chim hót buổi sáng. Những lúc thiếu ngủ, tôi lười biếng, cố nằm ráng; nhưng tiếng chim líu lo bên ngoài - thảnh thót, nhẹ êm như một bản nhạc cổ điển đã lôi cuốn tôi. Tôi nhìn ra ngoài, có con chim sâu đang chuyền cành rồi một con khác xòe cánh trên khóm hoa tử vi đỏ chói kêu chiêm chíp. Chúng là đôi uyên ương đang mặn nồng.
Trời trong xanh, cây cao, hoa lá chen chúc trong một không gian thoáng mát… một bức tranh tổng thể, sắc màu của khu xóm Chợ Dinh -  những hàng rào già tàu xanh mướt, chia từng ô trong đó mỗi ô mỗi ngôi nhà xinh xắn, khu vườn đầy hương sắc và những chú chim thánh thót kêu vui.
Tôi ngồi trên tầng cấp, trước hiên. Cây mít ngày xưa ở nơi góc vườn, nhìn qua nhà Hảo, những chiều mùa hè leo lên cây tìm kiếm, thử xem có trái nào chín. Niềm vui rộn rã khi tôi được thỏa mãn. Những múi mít chín màu vàng sẫm, tựa dày, hột nhỏ, khi cắn, dòn cứng, vị ngọt thanh lan từ lưỡi vào tận cổ họng thú vị biết bao. Rôi hai cây vú sữa trước sân, những trái chín lủng lẵng, làn da bóng láng như có thoa mỡ. Cái bể cạn, mỗi chiều tôi vẫn phải trộn xi măng cho cha tôi đứng hàng giờ say sưa làm hòn non bộ, …
Bây giờ cây mít, hai cây vú sữa không còn, hòn non bộ xác xơ, …
Cảnh vật thay đổi, người xưa đâu rồi...
Nhưng rồi tiếng chim, tiếng chim thánh thót, thúc dục. Ký ức tôi rộn ràng. Tôi men theo, như có sức hút, … tôi tìm đến ngôi nhà hàng xóm, ngày xưa tôi đã từng chơi đùa trong sân bạn.
Một góc vườn bên hông nhà. Không gian mát dịu, những táng cây màu xanh, cho bóng mát dịu nhẹ. Trước mắt tôi là khoảng sân vuông, ngày xưa tôi và các bạn Hảo, Thảo, Tú thường ngồi chơi đủ trò, có khi chui qua mấy bụi hóp để vào nhà ông Chái xem dán lồng đèn cho mùa Phật Đản, … Bây giờ khoảng sân là một lớp học thu nhỏ. Khoảng mươi em, mấy cái bàn ghế dài, học sinh đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Hảo, vẫn là cô giáo, mặc dù đã về hưu trên 11 năm nay.
Thấy tôi, Hảo đứng dậy. Hảo xem đồng hồ, nói:
- Còn mấy phút nữa. Thôi! Cô có khách, cho các em về sớm tí!
Tôi ngồi với Hảo trên bộ ngựa trong ngôi nhà xưa ở căn dưới. Có hai bà dì của Hảo. Hai bà nhìn tôi vẫn nhận ra:
- Gớm Cu Em ngày xưa đây mà.
Tôi cười:
- Già quá rồi vẫn Cu Em!
Dì Giá cười:
- Kêu như rứa cho dễ thương.
- Mới ngày nào mà răng quá mau như rứa chị! nét thanh xuân của chị vẫn còn nguyên trong ký ức em . Vậy mà …
Đến đây chị Giá đổi cách xưng hô:
- Chú biết không? Bây giờ tui đã 88 tuổi rồi đây nè. Còn Phát đây, 82 tuổi. chưa kể chị Lục mẹ con Hảo đã 92 rồi. Khiếp thật!
Tôi sững sờ:
- Trời ơi! Tuổi tác cao như rứa mà hai chị đây vẫn còn đi đứng bình thường, không chống gậy, giọng nói vẫn chưa run, còn trong, thật là kỳ diệu!
Đến đây Hảo mới chen lời:
- Tuấn biết không, mấy dì vẫn còn đọc báo, xem TV bình luận nữa.
Hảo vừa nói vừa mở cửa tủ chỉ một chồng báo.
Tôi nói:
- Phải vậy mới chống được chứng mất trí nhớ của người già.
- Mẹ mình 92 tuổi vẫn còn đọc báo và phê bình, nhận xét từng sự kiện đó.
Tôi nhìn Hảo, khuôn mặt không thay đổi, nhưng da mặt đã bớt vẻ mịn màng. Một nỗi buồn nhen nhúm. Cả tôi và Hảo đã già, có người đã gọi là ôn, mệ rồi.
Tôi vẫn thường tư lự triết lý về mình, về thân phận mình, phải chăng nỗi bi đát của của chúng ta, là già về thân xác, sinh lý nhưng tư tưởng, tình cảm, những khao khát cháy bỏng lại vẫn không già. Biết làm sao được! …
Bỗng nhiên có tiếng chim hót ngoài vườn sau lưng. Tôi thấy nhẹ lòng và hứng thú.
Tôi nói:
- Tiếng chim hót nghe quyến rũ ghê, còn hay hơn cả một bản nhạc, Hảo thấy không?
Hảo cười nhẹ:
- Chim có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của nó. Khi gọi bạn thì tiếng hót líu lo thúc dục, khi cho con ăn thì lại chiêm chiếp như vỗ về.
- Ngày xưa có Dã Tràng, nhờ ngậm viên ngọc rắn mà nghe được tất cả ngôn ngữ của muôn loài đó Hảo.
- Tuấn hay nói chuyện cổ tích ghê há!
Tôi cười:
- Cổ tích làm mình trẻ lại.
Hảo nói:
- Nhắc chuyện chim là mình nhớ có lần dì Giá bảo mình kiếm cho dì ít lá chanh để xông. Mình chạy ra góc vườn bên kia nhà Tuấn, có cây chanh, thò tay bứt lá, bỗng có tiếng:
- Đừng có phá! đừng có phá!
Mình giựt mình rút tay về, nhìn qua bên kia, bỗng phát hiện, có con chim đang ở trong lồng. Chính nó là tác giả của tiếng kêu vừa rồi.
Mình buồn cười, nói:
- Tau cứ phá, tau cứ phá
Và bứt một nạm lá chanh trở vô.
Tôi tức cười, nói:
- Hảo kể chuyện hay thiệt
- Chuyện chưa hết mô.
- Rồi sao nữa?
Hảo cười đưa tay che miệng:
- Ít ngày sau, có người đẩy gỗ vô cho thằng Vũ con anh Cự, trong lúc đang hì hục bưng, trao đổi, có một đứa khác, thò tay bắt con chim đi mất!
Tôi trố mắt:
- Tiếc con chim quá ta!
- Anh Cự nói là con chim sáo đó học nói rất nhanh!
- Ừ hay thiệt Hảo há? Chim có loài học được tiếng người.
- Nhưng chỉ học được từng câu thôi.
Tôi nhìn Hảo, khi Hảo nói, hai mắt mở to, thỉnh thoảng chớp nhẹ rất linh động. Ôi! cô láng giềng ngày nào, bây giờ đã U 70. Thời gian khiếp thật. Nhớ ngày nào hai người cùng học chung trường. Một năm tại lớp học bỏ túi với chị Bích ở kiệt Cây Gòn gần nhà và 4 năm tại trường trung học Nguyễn Du. Nhiều người vẫn nghĩ tôi với Hảo có thể là thanh mai trúc mã thế nhưng không hiểu sao hai đứa tôi vẫn chỉ là bạn. Có thể do chơi thân nhau quá, gần nhau quá cũng không khám phá được tình cảm lớn? cho đến khi chúng tôi lên học cấp 3, Hảo học  Đồng Khánh, tôi Nguyễn Tri Phương,  một ngày tôi phát hiện Hảo đi với một sinh viên trường Võ bị Đà Lạt, thuộc khóa đàn em của Thảo, cậu nàng, tôi mới thấy rằng ừ, hình như không phải là tình yêu. Bởi vì nếu có thì mình phải đau khổ buồn bã, đằng này vẫn thản nhiên, bình chân như vại. Vậy thì, đích thị là không rồi.
Rồi một ngày, tôi nhận được tin người yêu của Hảo đã tử trận khi mới ra trường. Lúc đó tôi mới thẩn thờ và nghiệm ra rằng Hảo thật đáng thương. Tôi vẫn mong Hảo có nơi chốn để yên thân đời con gái nhưng chờ hoài, Hảo vẫn vậy. Có nhiều người theo đuổi Hảo nhưng sao vẫn không “có gì mới”. Có thể người con gái Huế chung tình quá. Mối tình đầu khó quên vậy sao? Hay tại Hảo khó? …
Bỗng Hảo lên tiếng:
- Nì! Làm chi mà thừ người rứa nghe người ta kể tiếp đây.
Rồi Hảo kể tiếp: Ở chùa Bảo Quốc, sư trụ trì có nuôi con giồng. Nó học được một số câu mà theo lời sư trụ trì là do tự phát, nghe người ta nói nó nói theo. Sư kể, có lần một đoàn Phật tử vào viếng chùa, cúng dường. Chim buông câu chào:
- Chào quý khách! Chào quý khách!
Rồi bỗng chim hạ giọng xuống, âm lượng trầm:
- A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!
Mọi người kinh ngạc trố mắt nhìn.
Tiếng chim lại trỗi giọng the thé:
- ĐM mi! ĐM mi!
Cả đoàn Phật tử cười ồ, thích thú. Thật không ngờ, lần đầu tiên nghe chưởi mà lại cười sung sướng, thoải mái.
Riêng nhà sư thì niệm Phật:
- A Di Đà Phật! Xin thứ tội cho bần tăng!
Tôi không nhịn được, cười văng cả nước bọt:
- Chuyện có thiệt hay đùa cho vui đó Hảo?
- Thiết đó! Sư trụ trì đang bối rối không biết xử trí ra làm răng. Nên thả chim hay vẫn giữ?
Tôi nhìn Hảo, hai mắt Hảo vẫn sáng rạng rỡ:
- Theo Hảo thì nên thả chim hay tiếp tục để lại?
- Thả là đúng 100%. Đã là chùa mà lại nhốt chim, như thế là không nhân đạo.
Đúng rôi Hảo, tôi có chú em, tên Sĩ ở trong Thành nội, đường Trần Nhân Tôn. Nhà chú vườn rộng, bà vợ quản lý nhà trẻ. Công việc rất phát triển. Chú nuôi chim thả lồng nhiều. Đủ tiếng chim hót líu lo trong vườn, chim chào mào, chim vành khuyên, chim chích chòe. Rất thơ mộng. Một bửa nọ, một người thợ nề đang tu sửa mấy căn phòng toilette nghe được tiếng chim kêu nhưng tiếng rất ai oán, buồn thảm. Ông ta gọi Sĩ đến, nói nhỏ:
- Anh có nghe tiếng chim không?
- Thì tiếng chim kêu thánh thót là chuyện bình thường, nếu không kêu tôi nuôi làm chi?
- Này! Anh lắng nghe cho rõ đi!
Sĩ im lặng, tập trung nghe. Ông thợ nề nói:
- Nó kêu: Khổ quá! Khổ quá! Phải không?
Sĩ im lặng, quả thật đúng như người thợ nề nói, tiếng chim rất thảm thiết, đúng là âm thanh phát ra tiếng:
- Khổ quá! Khổ quá!
Hảo chen lời:
- Có con chim nó kêu: “Chuyền đi cho hết, chuyền đi cho hết!” đó Tuấn.
Tôi nói:
- Hảo biết không, sau đó Sĩ mang mấy lồng chim lên đồi Vọng Cảnh thả hết. Sĩ đập nát luôn mấy lồng chim.
Hảo mĩm cười:
- Mấy con chim than khổ là đúng rồi! đang vẫy vùng bay nhảy với những chân trời rộng mở khoáng đạt, tự dưng bị nhốt trong lồng. Ăn cũng chờ người ta cho ăn, uống cũng chờ cho uống. Còn đâu là tự do.
Ha! Ông Sĩ đó đã ngộ ra rồi khi quyết định thả chim.
- Ừ đã ngộ ra được!
Thế còn nhà sư đã ngộ ra chưa?
Đến đây thì chị Giá chen lời:
- Không được, đã là chùa mà nuôi chim như rứa, lại thêm chim nói những lời thô tục.
Tôi mĩm cười, nhìn chị Giá, lấy làm lạ, một người đã 88 tuổi, thân hình gầy gò, vẫn còn khỏe mạnh, nói năng chửng chạc. Xã hội làm thay đổi cách nhìn. Ngày trước không ai gọi là chị mà phải là mệ hay cụ. Ôi! 88 tuổi, thật kỳ diệu. Tự nhiên tôi nhìn cái sân rộng, nhớ lại ngày xưa, mấy gia đình anh chị em nhà bác Tri: Bác Tri (anh đầu), bác Tư (em gái bác Tri) rồi 2 ngừoi em kế tiếp: Cụ Chằng, bác Cử. Tất cả đều đã qua đời và thế hệ kế tiếp, những nguồi con cũng đã lão niên bước qua cửu thập. Vẫn còn sống, vui cười, hiện hữu trên mãnh đất này, ngày này qua tháng nọ.
Tôi nhìn hai bà dì của Hảo: chị Giá, chị Phát. Chị Giá vẫn sống độc thân như Hảo. Còn chị Phát thì chồng bị mất năm Mậu Thân. Cả hai chị, đã bị thời gian làm xói mòn dung nhan. Một chút ngậm ngùi, nhớ ngày nào trong sân này, hàng năm, đúng ngày đúng tháng, ban đêm, tôi vẫn say mê qua quan sát buổi lễ “cúng sao” trước sân nhà bác Tri. Các anh em, con cháu đều quây quần chờ xướng tên ra quỳ lạy. Tôi không hiểu tại sao lại cúng sao? Tôi về tò mò hỏi cha tôi và lắng nghe chuyện cha tôi trao đổi với bà nội. Sao là tượng trưng cho người. Mỗi người khi còn sống thì có một vì sao trên trời hiện diện, khi qua đời vì sao sẽ rụng. Cúng sao nghĩa là cầu nguyện cho vì sao bổn mạng của mình tồn tại dài lâu. Trong buổi cúng, các con cháu quỳ rạc chân. Người đứng cúng, tụng kinh cầu nguyện là ông Bát, tu tại gia nhưng xuống tóc, mặc áo cà sa đi cúng. Nhà tôi mỗi khi có kỵ mẹ tôi hay kỵ ôn nội vẫn mời ông Bát lên tụng kinh, cầu siêu. Tôi tò mò nhìn chậu cá, mấy con chim đang bị nhốt trong lồng. Tôi hỏi Thảo con trai bác Tri: “mấy cái này rồi để làm chi?”
- Phóng sinh!
- Nghĩa là răng rứa anh?
- Đem cá thả xuống sông. Đem chim thả cho bay lên trời!
Tôi tò mò hỏi lại Thảo:
- Để làm chi rứa?
- Để cầu nguyện cho mình sống lâu, không bệnh tật!
Nhớ lại chuyện cúng ngày xưa, tôi quay lại hỏi hai chị:
- Chị này, ngày xưa bác Tri vẫn thường hay cúng sao. Hai chị có kế thừa tiếp tục cúng không?
Chị Phát nói:
- Lạy Trời! sau 75, mọi người sợ không dám cúng nên chỉ cầu nguyện, thành thói quen quên luôn rồi!
Tôi mĩm cười nhìn hai chị:
- Bây giờ người ta cúng còn gấp vạn lần ngày xưa. Mà những thành phần cúng lại là chính mấy “ông nội” đang trị vì đó chị ạ. Họ càng làm việc ác thì họ càng cúng nhiều. Họ cúng để xóa tội, để lương tâm thảnh thơi, sống lâu trăm tuổi để thu hoạch, hưởng giàu sang phú quý.
Tôi nói tiếp:
- Thế nên mấy con chim rất có giá. Người ta bán chim để họ mua phóng sinh.
Đến đây, Hảo xen vào:
Mà chim mô họ bắt nhiều như rứa để có sẵn cho mấy ông mua phóng sinh?
Tôi cười ha hả:
- Thì chỉ mấy con chim đó chứ mô cần nhiều.
Hảo ngạc nhiên, trố mắt:
- Tuấn nói chi lạ rứa! mua chim, phóng sinh. Rôi chim bay đi, còn đâu nữa.
- Mấy con chim đó tự động chui vào lồng lại Hảo ơi!
Hảo cười không tin:
- Đừng có nói chuyện tếu nghe. Chim được thả mừng chết cha đi, nó bay một mạch thẳng cánh. Có ngu răng mà lại chui vô lồng lại!
- Ẩn số là chỗ đó. Tại sao đã thả ra mà lại vẫn chui vào? Hảo thử suy nghĩ đi!
- Nhưng mà có chuyện ni thiệt hở Tuấn?
-Tuấn đang giữ trong tay tài liệu của một nhóm phóng viên không biên giới điều tra tại Chùa Bà Bình Dương. Họ gọi là “Dịch vụ chim phóng sinh”
Hảo tò mò:
- Thôi! Tuấn nói huỵch toẹt ra cho rồi!
Chị Giá xen lời:
- Có thể nó ở quen rồi, không chịu bay đi!
Tôi nhìn chị Giá ngạc nhiên vì tuổi già mà suy luận còn minh mẫn:
- Chị nói gần đúng nhưng chim ở quen lâu rồi mà khi thả không chịu bay đi thì hiếm lắm và chắc chắn là nó không chiu chui vô lồng trở lại mô. ở đây là vì người bán chim đã cho chim ăn một thức ăn có chất gây nghiện. Một loại thuốc phiện nhẹ được trộn trong thức ăn. Và lồng chim của nó cũng được tẫm mùi của chất gây nghiện đó. Chính vì thế mà khi người ta thả chim. Chim không chịu bay đi. Nó sà xuống lượm các thức ăn như gạo, hột nổ mà người cúng cô hồn vất vương vãi trên khắp sân chùa. Rồi từ từ nó tìm đến mùi thức ăn mà nó đã nghiện. Nó chui tọt vô lồng trở lại.
Hảo kêu lên:
- Trời ơi! Ác chi mà ác dữ rứa! Như rứa chính người bán chim đã cố tình làm cho con chim bị nghiện.
- Đúng đó Hảo! Những con chim nhỏ tội nghiệp này trở nên nhút nhát, khờ khạo và ngơ ngác khi được phóng sanh. Chúng không biết mình phải bay đi đâu và cũng không biết rằng để bị bắt và để được thả, đôi cánh nhỏ của chúng, sinh mạng của chúng phải chở cả giấc mộng áo cơm của người bán chim.
Và những chú chim tội nghiệp kia, cho dù cửa lồng đã mở, tự do đã đến nhưng vẫn từ chối, để được chui tót vào trong lồng trở lại, được ăn thức ăn đã nghiện.
Khách hành hương lại đến chùa, mua chim, cửa lồng lại mở. Chú chim bay sà xuống đất. Người hành hương thỏa mãn vì lương tâm đã được gột rửa.
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.05.2020 17:23:38 bởi Nguyễn Lương Tuấn >
#1
    Ct.Ly 31.08.2020 02:15:20 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9