CỬA PHẬT- truyện ngắn
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 42 trên tổng số 42 bài trong đề mục
Kiều Giang 15.10.2018 23:44:01 (permalink)
Truyện ngắn  DẤU CHÀM
         Kiều Giang

        Đã gần nửa thế kỷ, ngày nào hắn cũng đem cái áo mà mẹ hắn đã dệt vải và may cho hắn từ tấm bé, ra dòng sông phía sau ngôi làng để giặt. Bãi sông lỗ chỗ đầy dấu chân hắn, bờ bãi đã mòn, tay hắn đã chai sần… và nuớc của dòng sông thì vẫn âm thầm chảy.  Nhiều lần hắn đã khóc vì chiếc áo đã bạc màu, sờn rách, dòng nước đã cướp đi cái mùi thơm của từng sợi vải, như đã thấm đẫm  mồ hôi của mẹ hắn. Nhưng điều hắn thầm ước mong, hình như còn rất xa vời, chưa biết bao giờ hắn mới thực hiện được….
       Ngày ấy, trạc tuổi thiếu niên, hắn mon men theo dòng chính sự, cuộc đời xô hắn ra khởi vòng tay khô cằn của nguời mẹ khốn khổ của hắn. Hắn trốn thoát một cuộc truy bắt. Hắn lang bạt khắp nơi để tìm kế mưu sinh, nhưng theo lời dặn của mẹ, dù đói cơm rách áo, hắn không dám rời xa con chữ và người đã đặt những con chữ đầu tiên vào đầu hắn chính là bà.
        Hắn lăn vào mọi thứ, quét rác đuờng ban đêm, chạy bàn ăn cho quán cóc, gia sư, thu dọn sân khấu cho các đoàn cải lương hạng bét…Những quán cơm chay xã hội và những chiếc mền vải của các cơ sở cứu trợ nạn nhân chiến tranh vây quanh cuộc sống của hắn như một thứ định mệnh không có dây thừng, mà còn chặt hơn cả xích sắt của Stalin trong các trại tù ở Siberie.
       Rồi trên những buớc đường chông gai lầy lội của cuộc mưu sinh đó, một người thanh niên đến với hắn như một sự tình cờ, như bao tình cờ khác, cứ ập xuống cuộc đời thơ ngây gầy guộc của hắn, từ đó hắn có một người để gọi là bạn.
      Mỗi buổi sáng, trong một thành phố gió biển lồng lộng, nhưng không khí lại ngột ngạt vì những chuyến bay quân sự phục vụ chiến tranh. Thường thì hắn phải thức dậy không được quá 4 giờ, hắn làm tất cả những việc của một gia sư kiêm gia nô, như quét dọn, bơm nước bằng chiếc bơm hút quay tay, khi ấy, có lúc hắn lại mỉm cười vu vơ, vì có lẽ hắn chợt nhìn thấy chút bắp thịt nhô lên trên vòm ngực hắn. Tiếp đến là hắn say sưa nuốt 10 trang Terre Des Hommes (Cõi Người Ta) của Saint-Exupéry, lời mẹ hắn như chút mật mía thuở lên 5, thấm trong từng con chữ. Hắn nhai nửa khúc bánh mì đen, trước khi  lặng lẽ thò tay chốt cổng bên trong rồi lúp xúp đến trường.
      Một năm trôi qua, hắn cùng rảo buớc với người bạn tên An, từ truờng về nhà. Nguời bạn của hắn bạo dạn, ít nói, thô thiển và hay nổi nóng. Hắn đã từng chứng kiến An ẩu đả với người anh của nhân tình trên bãi biển, vì anh của cô gái không đồng ý cho An theo đuổi em hắn.  Dù đồng hành suốt cả năm học, nhưng rất ít khi hắn tâm sự được với An. Hình như trong tâm hồn họ, ai cũng có một khoảng tối riêng tư, mà họ nghĩ rằng, mối quan hệ đầy thiện cảm giữa họ, khó có thể xóa được sự ngăn cách giữa hai con người.
       Thế rồi chữ nghĩa và chiến tranh buộc họ phải chia tay nhau. Năm ấy, sau kỳ thi cuối cấp, An bị hỏng, cậu phải vào lính, còn hắn thì tiếp tục con đường đại học. Nhưng không hiểu sao hắn vẫn buồn. Hôm chia tay bạn để lao vào một chặn đường phiêu lưu mới, mà hắn chưa hình dung nổi, làm thế nào, với tuổi đời và những kinh nghiệm măng non, với chiếc ví không có một đồng xu, và mấy bộ quần áo cũ đã bạc màu, hắn có thể bước vào ngồi trên  ghế giảng đuờng đại học. Hôm giã biệt người chủ nhà đã cưu mang hắn một thời gian của tuổi thơ nhọc nhằn, hắn vác một hũ xì dầu lớn, cái cớ để hắn bước vào nơi ở mới, một dịp may, một ân huệ mà ông chủ cũ muốn ban cho hắn. Buổi sáng, trước khi lên đường, hắn cầm tay An, nén những bâng khuâng thầm kín, ân cần bảo bạn hãy cố tìm cách chui lách để được vào các nghành chuyên môn, tránh trực tiếp cầm súng, đối mặt với cái chết từng giây, từng phút, khi mà chiến trận ngày một khốc liệt.
       
     Tuổi xuân khắc khoải trôi qua, hắn trở về dưới mái nhà ấm áp của mẹ, sau những năm tháng vật lộn với truờng đời nhiều nghiệt ngã, bằng đôi tay và khối óc xanh như màu lá rừng. Tâm hồn hắn khi thì bay bổng với một mớ kiến thức kinh điển khô khan, khi thì đắm chìm trong nỗi cô đơn phi lý cùng cực. Hắn cảm thấy mình không còn cội nguồn, không có tuơng lai, không có mục đích, trở về như một đứa con hoang bị ruồng rẫy, bị chối từ, ngay trên chính quê hương mình và ngoài kia chiến tranh đang chờ đợi hắn. Hắn sắp trở thành loài thiêu thân chết trong bóng tối.  Hắn cảm thấy cay đắng, ngột ngạt trong từng nhịp thở. Hắn đã cố trốn thoát, và khi trở về hắn vẫn bị bao vây trong nỗi bơ vơ, kinh hoàng.

        Hôm ấy, hoàng hôn đã xuống thấp trên mặt biển, An hẹn hắn nơi một quán nước trên bờ đá, mặt trông ra những hòn đảo nhỏ lô nhô ngoài khơi. Những tia nắng yếu đuối cuối ngày còn đọng lại trên đầu những con sóng vỗ vào ghềnh đá. Vẫn chưa thấy An đến điểm hẹn, hắn ngồi vào chiếc ghế kê sát song chắn bằng gỗ, mắt vẫn không rời vệt ráng đỏ đầy vẻ nghệ thuật của bàn tay con tạo ở cuối chân trời.
       Có tiếng bước chân trên sàn gỗ của quán được xây tựa vào vách núi, hắn quay lại, An trong bộ quân phục gắn lon trung úy, theo bên là một cô gái trạc tuổi trăng tròn. An niềm nở bắt tay hắn, rồi quay lại nhìn cô gái và giới thiệu: “ đây là cô em họ của tớ, vừa tốt nghiệp cấp hai, còn đây là bạn thân của anh, ông cử tân khoa”.  Hắn cúi chào hai người và chìa tay mời họ ngồi. Câu chuyện giữa hai người bạn cùng lớp sau 4 năm xa cách, đầy ắp những nỗi niềm riêng tư và những sẻ chia mặn nồng, nhưng trong mắt họ, không khỏi thoáng một nỗi buồn xa vắng về một tương lai không thể định hình, ẩn chứa nhiều rủi ro bất trắc. Người con gái chỉ ngồi nghe, rụt rè trong lời nói nhưng lại bạo dạn trong ánh nhìn, cô thường bất chợt liếc nhìn hắn đầy vẻ thăm dò.
    An chia tay bạn sớm, nói rằng phải trở lại đơn vị ngay trong đêm. Hắn bùi ngùi tiễn bạn và cầu cho An may mắn, hẹn gặp lại một ngày không xa. Hắn bắt tay giã biệt cô gái mới quen, cô nhìn hắn mỉm cười, vẻ dạn dĩ trong những cử chỉ giao tiếp.

       Cái sống, cái chết và sự khắc khoải từng phút giây về những trải nghiệm thuơng đau từng ngày của cả một dân tộc đang gồng mình dưới bom đạn, có một sức hút mãnh liệt, trói chặt và nung nấu tâm hồn hắn. Cuộc sống vội vã, cướp đoạt, đói nghèo cứ như một bệnh dịch đang lan tràn,  kéo xã hội đến chỗ tha hóa cùng cực.
       Đêm ấy, nặng nề trong giấc ngủ chì, một giấc mơ dài bao phủ lấy hắn, hắn thấy mình trở thành một thầy giáo dạy triết. Một cái thòng lọng đời mà hắn ghét cay ghét đắng lại trói buộc lấy đời hắn như một định mệnh, nhưng định mệnh thì không tha cho ai, kể cả hắn. Trong nhiều bài giảng, không biết hắn đã nói láo hay nói thật về cuộc tồn sinh này, chỉ biết rằng, hắn đã lim dim đôi mắt, thao thao bất tuyệt, cho dòng chảy kiến thức đang rần rần trong huyết quản, không cần để ý đến đám học sinh đang há hốc nuốt từng lời của hắn, nhìn hắn thán phục và kinh ngạc.Trong đám học sinh ấy, hắn bắt gặp ánh mắt của cô em gái An đang chằm chằm nhìn hắn, nhưng hình như tâm hồn hắn lúc này đã nguội lạnh.  Hắn đứng dậy và lặng lẽ bước xuống lớp, đưa mắt thẩn thờ lên từng khuôn mặt thơ ngây đang tập trung vào hắn. Trong khi quay trở lại bục giảng, cô em gái An ngồi ở đầu bàn, đã vô tình quờ tay hất tung lọ mực bắn vào người hắn và rơi xuống đất vỡ tan. Màu chàm nhuộm cả vạt áo của hắn. Hắn không biết đây là một tai nạn hay là số phận, hắn cúi đầu im lặng nhìn lớp học, và đám học sinh cũng ngỡ ngàng cúi đầu, không dám nhìn lên.
     Hắn bàng hoàng thức giấc. Một giấc mơ kỳ bí đang đè nặng lên cuộc đời hắn. Hắn cố hết sức để ngồi dậy, xoay người nhìn lên giá áo nơi góc phòng, dưới ánh nhạt nhòa của chiếc đèn ngủ kê ở đầu giường, quả thật chiếc áo mà hắn đang mặc, in đậm một dấu chàm lớn. Bất giác, hắn rùng mình…
         Sài Gòn, 15-9-2017

R
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2023 23:49:09 bởi Thanh Vân >
#31
    Kiều Giang 03.11.2018 16:36:10 (permalink)
    Truyện ngắn BÊN KIA ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
                 Kiều Giang
    Hùng đẩy cánh cổng chốt hờ then, lẳng lặng bước vào căn biệt thự mini. Trời đêm thật yên ắng trong cái tổ ấm mà anh dày công gầy dựng, vun vén trong suốt 10 năm. Anh thuộc lòng từng dấu tích trên mỗi gốc cây trong vườn, từng chỗ đặt vật dụng trong nhà, anh yêu chiếc ghế đá đặt gần hồ cá cảnh, nơi anh thường ngồi với Hoàng Lan trong những đêm trăng …
    Lần này về, anh không điện báo trước cho Hoàng Lan biết, vì con tàu do anh làm thuyền trưởng, rút ngắn hải trình, không đi châu Âu và anh cũng muốn tạo sự bất ngờ cho vợ. Hùng liếc nhìn đồng hồ, “đã mười một giờ đêm”, anh nói khẽ. Anh hơi ngạc nhiên, sao giờ này, vợ anh vẫn chưa khóa cổng. Không khí trong sân thật mát mẻ. Mùa thu, mùi thơm hoa cúc, hoa nguyệt quế tỏa ngát sân, anh hít một hơi thật dài thỏa thích. Không gian thật tĩnh lặng, nhưng anh nghe như có tiếng chim rộn rã trong lòng, náo nức bước nhanh về phía sảnh, nơi đặt chiếc bàn tròn và mươi chiếc ghế cổ làm bằng gỗ mun mà anh đã cất công mua về từ nước ngoài. Trên bàn, bình hoa cẩm chướng vẫn còn tươi, thứ hoa mà Hoàng Lan rất ưa thích. Anh đảo mắt nhìn quanh. Chiếc đàn Piano vẫn thường dẫn anh đi vào cõi mộng, dưới những ngón tài hoa của Hoàng Lan, im lìm trong phòng khách, căn biệt thự dường như đã cùng vợ anh chìm trong giấc ngủ. Một rung cảm nhẹ thoáng qua đầu, hình ảnh của người vợ, như một nàng công chúa ngủ trong rừng thẳm, vừa thức dậy từ tuổi thơ anh.
    Nhưng bất chợt Hùng nhìn thấy tia sáng yếu ớt từ trong phòng ngủ của vợ, chiếc đèn ngủ trong phòng vẫn sáng mờ, và chiếc xe gắn máy Nhật loại đắt tiền dựng trong ga-ra. Mặt Hùng biến sắc, hơi thở dồn dập, anh chăm chú dán mắt vào khe hở của màn cửa. Anh không còn tin được vào mắt mình. Cả thế giới như sụp đổ. Hoàng Lan, đang lõa thể, trong nỗi đam mê cùng tột, đã quấn chặt vào người đàn ông như đôi rắn trong vườn địa đàng mà anh đã xem trong các bức tranh tôn giáo thời trung cổ. Người đàn ông, tấm thân cuồn cuộn cơ bắp, đôi tay cố ôm siết đôi vai nàng, trong lúc đầu hắn hăm hở vục vào ngực, vào cổ nàng. Vì đêm quá tĩnh lặng, tiếng rên khe khẽ của nàng vẫn cứ quái ác lọt vào tai anh. Thời gian như dừng lại trong đầu anh hàng thế kỷ. Tâm tư bấn loạn, anh như đang rơi lơ lửng trong chín tầng địa ngục. Dù là một người đàn ông có bản lĩnh, nhưng sự nghiệt ngã của hoàn cảnh cũng làm cho Hùng phải quỵ ngã. Anh ngồi bệt xuống thềm nhà, tựa lưng vào vách, không dám nhìn vào trong nữa.
    Một lúc khá lâu, có lẽ họ đã ngủ, như hai cái xác chết trên chiến trường hoan lạc, sau cả tiếng đồng hồ quần thảo. Anh nhìn thật lâu vào lọ hoa trên bàn, vào cái đèn ngủ lặng lẽ nhả một thứ ánh sáng yếu ớt, vào cái hòn non bộ đặt sát tường vẫn róc rách dòng nước chảy trong thời gian bất tận, và vào những vật dụng quen thuộc xung quanh, nhưng sao hôm nay, chúng bỗng trở thành xa lạ với anh một cách tàn nhẫn.
    Hùng đứng lên và tiến lại chiếc bàn, dáng rã rời, nặng nhọc kéo ghế ngồi. Anh rút ra trong cặp da một tờ giấy, kéo chiếc đèn về phía mình, hí hoáy viết, rồi gấp lại, đè cẩn thận dưới chân đèn.
    Con đường Nguyễn Du về khuya thật thanh lặng. Đêm nay, thế gian hình như chỉ còn có mình Hùng, nỗi cô đơn lùa về làm anh khẽ rùng mình, những âm vang như từ nguyên sơ tràn ngập cõi lòng anh. Tiếng vĩ cầm của Hoàng Lan trong Symphony No.9 của Beethoven hình như còn treo lơ lửng trên những cành me xanh, vẳng ra từ trường Quốc gia Âm nhạc, nơi ấy họ đã gặp nhau và bắt đầu yêu nhau mười lăm năm trước. Hùng thở dài chua chát, rồi như chỉ còn là vô thức, anh lê những bước chân nặng nhọc hướng về Nhà Thờ Đức Bà. Trời Sài Gòn, khuya cuối thu se lạnh, bước chân anh dẫm lên lớp lá me rụng dày trên lề đường, tạo ra một thứ âm thanh rất khẽ, càng làm tăng thêm nỗi hoang vắng mênh mông.
    Chuông đồng hồ trên tháp bưu điện trung tâm Sài Gòn điểm hai giờ sáng, đèn trong nhà thờ đã tắt, thỉnh thoảng một chiếc ô tô lặng lẽ vụt qua rồi mất hút trên đường Đồng Khởi, Hùng mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế đá ven công viên. Anh châm điếu thuốc gắn lên môi, nhả những cụm khói vo tròn vào đêm vắng, rồi ngước mắt nhìn lên tượng Đức Mẹ. Anh nghĩ, có lẽ bây giờ Mẹ cũng đã ngủ yên …. trên thiên đường, chắc chẳng thấy anh, chỉ còn một mình anh lang thang trong cõi trần gian đầy bất trắc và dối gian, không còn ai hiểu và sẻ chia nỗi lòng anh giữa lúc này. Anh sẽ phải làm gì, đi đâu, trong đầu anh bây giờ là một dấu chấm hỏi to tướng và sau đó là một dấu chấm hết.
    Có lẽ đã gần sáng, Hoàng Lan giật mình thức giấc. Trung, người tình đang say ngủ bên cạnh, đèn ngoài sảnh vẫn còn sáng. Hoảng hốt vì biết mình đã ngủ quên, nàng ngồi bật dậy, chạy ra sảnh, thấy tấm giấy gấp, được đè cẩn thận dưới chân đèn, nàng vội mở ra đọc: “ Hoàng Lan ơi, hôm nay anh đã về với em sau ba tháng mong đợi từng giờ. Nhưng có ngờ đâu, đây cũng là lần cuối cùng anh thấy được em và rồi anh phải xa em vĩnh viễn. Anh không còn đủ can đảm để gặp lại em, vì không biết lúc đó anh còn dám nhìn vào ánh mắt đắm đuối mà em đã từng dành cho anh trong suốt mười năm chúng mình yêu nhau, anh biết nói gì với người mà anh đã từng vắt cạn máu tim mình để yêu thương… và anh còn biết làm gì! Anh sẽ cố quên đi hình ảnh mà anh đã chứng kiến đêm nay, vì anh còn muốn giữ lại một Hoàng Lan thiên thần trong tim anh, dù thiên thần Aphrodite giờ đây cũng chỉ còn trong mộng tưởng.
    Từ nay, căn biệt thự này là của em, bầu trời hạnh phúc này là của em. Cho anh gửi lời cảm ơn người đàn ông đã thay anh cho em hạnh phúc. Anh xin lỗi em là đã hơn mười năm rồi mà anh không thể nào cho em một đứa con, có lẽ rồi anh ta sẽ làm điều ấy thay anh.
    Em yêu ơi, anh đành phải vĩnh biệt em rồi, gửi em ngàn nỗi đớn đau thương nhớ "
    Chồng em – Thế Hùng
    “ Anh ơi, em chết mất thôi”. Hoàng Lan khẽ kêu lên rồi gục xuống bàn, mặt đè lên bức thư, nức nở ràn rụa, không còn đứng lên nổi. Trung bước ra thấy vậy, có lẽ đã hiểu một phần câu chuyện. Anh đứng nhìn Hoàng Lan hồi lâu rồi đưa tay lay vai nàng mấy lần nhưng nàng vẫn không chịu đứng lên. Nàng nói khẽ “ anh về đi, tất cả đã hết rồi”.
    Con tàu trực chỉ hướng Hồng Kông, hai ngày nữa sẽ nhả hàng ở đó. Sáng nay, sau bữa sáng, Hùng ra ngồi ở phòng hoa tiêu, lòng buồn rười rượi. Từng giọt cà phê, cùng những hình ảnh của đêm kinh hoàng ấy, trôi xuống cổ, nghe đắng chát. Biển đẹp trong xanh gờn gợn, con tàu như đang dũng mãnh nuốt sóng, nhưng lòng anh lại như đang bị vùi dập bỡi những đợt sóng muôn trùng của dĩ vãng ngọt ngào và thương đau cùng cực.
    Hùng vói tay lấy một tờ nhật trình nơi giá báo, đưa lên đọc để cố quên đi cảnh đời trớ trêu nghiệt ngã, bỗng tay anh run bần bật, khi phát hiện một tin sét đánh đăng trên trang nhất: “Nữ chủ nhân biệt thự Hoàng Lan đã tự sát trong đêm”. Anh cố trấn tỉnh để đọc cho hết bản tin, rồi không còn tự chủ, tờ báo vuột khỏi tay anh rơi xuống sàn.
    Những hình ảnh trái ngược nhau trong quá khứ như cứ trào ngược trong trí nhớ. Anh lẩm bẩm “ ta đã có lỗi với nàng”. Hùng nhắm mắt để được bềnh bồng trong cái thế giới huyền ảo hư vô, tình yêu vĩnh cửu mà anh từng mơ ước, đã không bao giờ hiện hữu trong cuộc đời này, mà có lẽ nó chỉ tồn tại ở phía bên kia đường chân trời, còn lại chỉ là những ngẫu nhiên mà tất cả những nổ lực của con người dần trở nên vô nghĩa.
    SG 19-11-2016
     
    #32
      Ct.Ly 08.11.2018 18:42:15 (permalink)
      #33
        Kiều Giang 10.11.2018 16:34:30 (permalink)
         Ct.Ly ơi, Kiều Giang xin cảm ơn nhiều nha.
        Chúc Ct. Ly và ban biên tập VN Thư quán sức khỏe và hạnh phúc.

         
        #34
          Kiều Giang 27.05.2019 11:34:33 (permalink)
                               Truyện ngắn
                       NGÀN NĂM SÓNG VỖ
                              Kiều Giang
               
             “ Ta thấy em trong tiền kiếp”. TCS.
               
                
                  Sau cơn hôn mê dài từ tối hôm qua, đêm nay, Quang tỉnh lại, ngơ ngác nhìn lên trần nhà lung linh ánh đèn trắng bệch, im lặng, lạnh lùng, không còn sức sống. Chiếc quạt vẫn quay tít trên đầu, mọi vật cứ quay cuồng theo qui luật của dòng chảy tạo hóa, dửng dưng.
               Quang chợt nhận ra mình đã hôn mê, nghĩa là anh đã chết, vì đã thoát khỏi trần thế này một thời gian, thoát khỏi những đảo điên của loài bướm đa tình bên những cánh hoa không hề nghĩ mình đang chờ đợi, thoát khỏi những hồi chuông tiễn biệt của giáo đường.
               Nhưng Quang cũng lại thấy rằng mình không chết vì mình không lên được thiên đàng hay xuống địa ngục, không thấy những cuộc truy hoan ẩm thực linh đình nơi nước Chúa, không thấy những đêm dài đàn ca cho những cuộc tân hôn bất tận của những cặp nhân tình còn vui trong vườn địa đàng, và cũng không thấy chúa đang bay trong khoảng mênh mông không đầu không cuối của vũ trụ, anh cũng chưa đi qua chín tầng luyện ngục, chưa thấy Dante ôm tuyệt tác La Divina Commedia rong chơi cùng với Virgilius, ngân nga với hàng vạn câu thơ bất hủ.

          Vậy là ngủ hay là chết, Quang không thể xác định, anh cảm thấy hoang mang!
          Bỗng dưng Quang thấy lạnh. Chiếc áo lót trên ngực Quang ướt đẫm. Ai đã đổ nước trên ngực anh chăng? Vô lý!  Không, anh cố mường tượng lại…
              
               Buổi tối hôm ấy, Quang băng qua đường khi con phố đã thưa người, nhưng bỗng đâu một tốp xe máy, không kịp nhận ra là mấy chiếc, lướt tới, anh không kịp phản ứng, thì một chiếc trong bọn, dù có hãm phanh, vẫn hất văng anh xuống đuờng. Quang đập đầu xuống đất, lã đi. Cả bọn đều bỏ chạy.
              Người đi đường đưa Quang vào đặt nằm trên sàn nhà, máu ra nhiều ở miệng, mũi và chân. Quang nhắm mắt. Đứa con gái ôm chặt tay cha vào lòng, nức nở nghẹn ngào “ Ba ơi, ba đừng chết bỏ con. Hãy mở mắt đi Ba. Ba chết rồi ai nuôi con…Ba ơi, ba ơi…ba đừng chết…”. Lời réo gọi thống thiết của đứa con gái lên năm, làm cho tim anh nhói lên từng hồi. Anh cố hết sức hé mắt nhìn đứa con đang nước mắt ràng rụa, không chịu bỏ tay người cha ra. Còn phía bên trái Quang là người con gái tuổi quá đôi mươi, cúi sát xuống ngực anh, nước mắt ràn rụa, nói nhỏ  nghẹn ngào: “Thầy ơi, thầy không sao đâu, chúng em sẽ đưa thầy đi bệnh viện, thầy đừng bỏ chúng em, chúng em buồn và thương thầy lắm!”
          Người con gái mà nước mắt làm ướt đẫm ngực áo của Quang đã cùng hai cô bạn đỡ anh dậy, đưa ra chiếc xích lô đang chờ sẵn bên lề đường, cô ta bật mui xe, sửa tư thế ngồi vững chải cho người thầy của mình, rồi tay vịn càng chống mui, ghé mông ngồi giữa hai đùi của người bệnh.
          Đoạn đường đến bệnh viện không xa, nhưng cô gái cảm thấy nó rất dài, phần thì mỏi vì ngồi sai tư thế, phần vì quá lo lắng cho người bị thương đã mất nhiều máu. Thỉnh thoảng cô quay lại lay thầy và hỏi: “ Thầy ơi, thầy có mệt lắm không?”. Nhưng câu hỏi của cô chỉ rơi vào im lặng.
               Đêm ấy, sau khi thực hiện xong thủ tục cấp cứu, người bác sĩ trực cho biết, nạn nhân chỉ tổn thương phần mềm và chấn động não khá nặng, cần một thời gian để ổn định lại. Hải Vân (tên của cô học trò cũ của Quang) ghé sát tai thầy và nói: “ Thầy ơi, thầy không sao đâu, vài hôm thầy sẽ khỏe lại thôi, bây giờ, em phải về, mai em lại vào thăm thầy”. Nhưng cô không nhận lại được câu trả lời hay cái gật đầu nào.
              Bẵng đi hai hôm, Hải Vân không trở lại như đã hứa. Đêm nay cô đến muộn, khi mà trong phòng lưu bệnh nhân không ai còn thức, duy chỉ có Quang là chưa ngủ được. Không biết là anh trông đợi gì, nhưng đôi mắt cứ ráo hoảnh, dù anh đã cố khép lại, cố quên đi… Thấy Hải Vân vào, Quang mừng rỡ ra mặt và chống tay ngồi dậy, trong tư thế tựa lưng vào đầu giường. Hải Vân đặt túi trái cây lên chiếc tủ cá nhân, rồi kéo ghế ngồi sát vào gường.
          - “Em bận chút việc nhà, vào muộn, phá giấc ngủ của thầy, em xin lỗi”. Hải Vân rụt rè, nhìn thầy, đôi mắt thật buồn.
          Quang ái ngại, nói đỡ:
          - “Thầy cảm ơn em, thầy vẫn chưa ngủ được, mấy hôm nay rất khó ngủ. Em cho thầy xin lỗi,  mãi đến bây giờ, thầy vẫn không thể nào nhớ em đã học thầy năm nào, thầy cũng chưa nhớ nổi tên em”.
          - “Học trò của thầy nhiều quá, bao nhiêu thế hệ học sinh đã đi qua cuộc đời, làm sao thầy nhớ nổi, chỉ có chúng em là không thể nào quên thầy. Em tên Hải Vân, học lớp 12A, năm ấy thầy dạy môn triết, thầy cũng là thầy giáo hướng dẫn của lớp em. Hồi ấy, thầy rất trẻ trung, hiền lành, luôn gần gũi tìm hiểu và chia sẻ những khó khăn với chúng em, chúng em quý thầy lắm”.
                Những thước phim một thời tuổi trẻ đầy mộng mơ của cuộc đời kéo qua ký ức, trong cái đầu còn ê ẩm, làm cho Quang nằm im, nhìn đăm đăm cô học trò mảnh mai yếu đuối, nhưng có đôi mắt long lanh, dưới đôi hàng mi cong lúc nào cũng như chất chứa một thế giới đầy u ẩn. Anh nhớ lại năm ấy Hải Vân ngồi ở đầu bàn thứ hai, dãy bên phải, thường dán mắt vào anh trong các bài giảng, nhất là hôm, trong bài “Triết học là gì? Vì sao có triết học”. Cô thường tra vấn anh về những điều mà cô bâng khuâng, ray rức. Nhờ có Hải Vân mà giờ học, lúc nào cũng sinh động, thú vị. Anh nhớ lại mình cũng đã từng lặng lẽ rơi nước mắt suốt hai giờ đồng hồ trên giảng đường đại học, trong một giờ giảng của một vị giáo sư, nguời thầy uyên bác đáng kính của anh.
             Thoáng giây phút im lặng, Quang nói rất khẽ:
          -“Thầy cảm ơn em đã cho thầy sống lại với ký ức, những ngày đẹp nhất đời mình. Hôm nay được gặp lại em trong hoàn cảnh này, thầy vô cùng xúc động, hạnh phúc, biết ơn em và biết ơn cuộc đời. Chiến tranh, chủ nghĩa, hận thù, và cả thời gian đã không thể chia cách chúng ta mãi mãi. Thầy chợt hiểu ra rằng, chính sự sống và lòng chung thủy mới là vĩnh cửu, chứ không phải là cái chết”.
              Hải Vân lặng lẽ nhìn người thầy đang nằm dưỡng thương, cô cũng nhận ra rằng, nơi đây có thể là nơi kết thúc một cuộc đời, nơi để người ta nhỏ xuống những giọt nước mắt, nhưng cũng là nơi mở đầu cho sự tái sinh, mở đầu cho những vòng quay bất tận. “Sự sống là vĩnh cửu”. Câu nói của thầy giáo, vô tình thổi vào hồn cô một sức sống, một niềm hy vọng mới, giúp cô bước tiếp về phía trước.
              Hải Vân, đưa tay cầm tay thầy, cô chậm rải:
          -“ Lần này em về thăm quê, rất may được gặp lại thầy, em rất vui vì đó là điều mà em thầm mong ước bấy lâu, dù là trong hoàn cảnh thầy không may bị tai nạn, còn em bây giờ…”
           Bỗng giọng của cô trầm xuống, gần như nghẹn ngào. Quang thấy đôi mắt Hải Vân đỏ hoe, anh nắm chặt tay cô, đỡ lời:
          - “Em bây giờ làm sao?...thầy thấy em sức khỏe, xinh đẹp và thông minh, thầy tin rằng em sẽ thành công và hạnh phúc…”. Hải Vân tiếp lời thầy:
          -“ Bây giờ… em xin giã biệt thầy. Ngày mai em phải đi xa, chưa biết ngày nào được gặp lại. Em cầu mong thầy sức khỏe và hạnh phúc. Em sẽ không bao giờ quên thầy…”.
          Quang thảng thốt ngồi chổm dậy khi thấy Hải Vân vội quay người, đôi vai rung lên, đứng dậy và bước nhanh ra phía cửa phòng. Anh nhìn theo Hải Vân rất lâu, như muốn chờ cho Hải Vân đi thật xa về cuối hành lang, dù biết đó chỉ là cái nhìn trong tâm tưởng…

                 Buổi sáng đầu hạ, biển Qui Nhơn sóng êm đềm, đang từng đợt hôn lên bãi cát vàng thay cho Quang sau những ngày xa cách quê hương. Trong quán nhạc lấy tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tọa lạc sát đường Xuân Diệu, anh chọn một vị trí tiện quan sát khoảng bao la trước mặt, giúp anh no tầm mắt khát khao…
                Mới đó mà đã xa lắc bao nhiêu năm. Ngày ấy, buổi hoàng hôn nào, sau một ngày lên lớp, Quang cũng gọi một người bạn xuống đây hóng gió, bàn chuyện chiến tranh (ngày một khốc liệt trên quê hương rách nát mỏi mòn), và nghe nhạc phản chiến của Trịnh, nhiều bài Quang như đã thuộc lòng. Anh còn nhớ nơi đây là một rừng duơng liễu cợt gió vi vu, làm nhân chứng cho một thời thanh bình ở cái thị xã thơ mộng màu biển xanh và nắng, nhưng cách đó không mấy xa, thì quê hương cũng ngập tràn trong khói lửa. Quang đưa mắt dõi theo một cô gái đội chiếc nón lá cọ rộng vành, bước liu xiu trên bãi cát, hướng về phía Ghềnh Ráng, anh bỗng nhớ đến đứa con gái duy nhất của anh, nay cũng trạc tuổi ấy, vừa mới lấy chồng, bỏ lại anh, một chú gà trống không còn con để nuôi. Anh tủm tỉm cười một mình.
               Quang liếc nhìn đồng hồ. Đã quá giờ hẹn 30 phút mà sao vẫn chưa thấy Hải Vân đến. Anh hơi sốt ruột…Bỗng một chiếc taxi dừng gấp bên lề đường, ngay trước quán, cửa xe bật mở, một thiếu phụ từ trong xe bước ra, dáng cao gầy, chiếc váy xe-rê màu xanh biển trông rất sang trọng, Quang nhận ra ngay đó là Hải Vân, một Hải Vân có cái dáng không khác gì nhiều, so với bao nhiêu năm trước, nhưng bây giờ trông đài các hơn nhiều. Quang đứng lên bước ra tận lề đường đón cô. Bỗng anh thấy Hải Vân bước vội về phía anh, mở rộng đôi cánh tay, chồm về phía trước cho anh, sợ Hải Vân bị ngã, Quang dang rộng đôi tay ôm chầm lấy cô, trong khi cô cũng ôm chặt cổ anh. Hải Vân làm cái động tác khá tự nhiên của phong cách nước ngoài, còn Quang có vẻ hơi ngượng ngùng. Trong giây lát Hải Vân bỏ tay ra khỏi người Quang, nhìn Quang và nói “ Gặp lại thầy em rất vui, đã gần 30 năm rồi, ôi nhớ lắm”. Quang cầm tay Hải Vân, nhìn sâu vào mắt cô, rồi đưa cô vào quán.
                Hôm nay không phải là ngày cuối tuần, bây giờ cũng đã nửa buổi sáng nên quán gần như hết khách. Hai người ngồi bên nhau, hướng ra biển. Biển trông thật thanh bình với tất cả sự dịu dàng như một cô gái ngủ trong cõi nắng vàng bao la trải dài trên bãi cát, những tảng “mây biển” thưa thớt in bóng mình trên mặt nước êm đềm xanh biếc. Quang nhấp một ngụm cà-phê, rồi như lẩm nhẩm trong đầu “ Mây Biển… Hải Vân…”.
             Quang đang đăm chiêu theo tiếng nhạc Trịnh vô tình phát ra từ cái loa gắn ở góc phòng, nghe rất ấm “ Ta thấy em trong tiền kiếp…như cọng buồn cỏ khô…Ta thấy em đang ngồi khóc…khi rừng chiều đổ mưa…”. “Vâng, ta đã thấy em trong tiền kiếp rồi...”, Quang dấu ý nghĩ đó trong đầu. Bỗng sực nhớ, anh quay lại phía Hải Vân:
          - “ Thầy không ngờ còn được gặp lại em… Cứ tưởng thời gian là một mũi tên, mất hút về phía bên kia của cuộc tồn sinh…”.
          Hải Vân đặt ly nước trái cây ép xuống bàn rồi nhìn Quang:
          - “ Nhưng em lại nghĩ khác. Em tin chắc rằng em sẽ gặp lại thầy, vì “mọi thứ đều có thể”, ngày xưa thầy từng dạy chúng em như vậy mà!”.
          Nghe Hải Vân nhắc lại lời ngày xưa, trên lớp, anh giật mình và hiểu rằng, nàng đã ghi từng lời của anh vào ký ức. Thời gian thường làm trôi đi mọi thứ mà người ta muốn quên nhưng cũng sẽ sẵn sàng làm nhân chứng cho ký ức của những ai muốn giữ lại một sự êm đềm hay nỗi chua chát cho đời mình. Cũng chính vì thế, Quang cũng không thể nào quên cái ngày mà người vợ thân yêu bỏ anh và đứa con gái 3 tuổi, ( thân phận một gã “tháo giày”), sau năm 75, để đi lấy một ông cán bộ có thế lực, “về từ rừng hoang”, rồi sau đó ông ta bị đuổi việc vì tham ô, đã tìm cách dẫn nhau chuồn ra nước ngoài. Sau ngày chia tay với Thư, Quang buồn nên thường hay uống rượu và anh cũng bắt đầu viết, nhưng cái nghiệp văn trong cái thời đại chính trị và kỹ thuật làm chủ thế giới, anh cũng không thể sống với nó, nên vẫn phải ôm cái nghề dạy học, được một thời gian, anh chuyển vào Sài Gòn. Nhìn Hải Vân, Quang cười thầm trong bụng “ ngày xưa, một người đã ra đi, hôm nay, một người khác lại trở về, bàn tay thượng đế không bao giờ chịu để yên, có lẽ anh đã vô tình rơi vào cái bẩy đầy tinh nghịch của ngài”.
          Quang chợt tỉnh, anh quay lại và phát hiện ra, hình như Hải Vân cũng đang chìm vào cái quá khứ không mấy yên ắng của nàng. Quang như muốn chia sẻ:
          -“ Ngày ấy, chia tay thầy, em nói em sẽ đi xa, có lẽ là em đi nước ngoài phải không, nhìn em, thầy cũng đoán ra, em không phải là một phụ nữ đang ở trong nước?”.
          Hải Vân quay lại nhìn anh, dịu dàng:
          - “ Thầy ơi, có phải chăng, con người dù có bôn ba nơi chân trời góc biển cũng không thoát khỏi vòng quay của số phận mà tạo hóa đã nặn ra, em đã theo chồng ra đi theo diện HO, qua Mỹ mới 5 năm, anh ấy đã bỏ em một mình ở lại với 2 đứa con, sau một tai nạn giao thông, và thầy chắc cũng đoán được, là em  đã đau buồn và cơ cực đến như thế nào! Giá như ngày ấy em không lấy chồng sớm và không ra đi, thì có lẽ bây giờ không phải trở về, em trở về trong vòng tay ngọt ngào của số phận, của tuổi …!”, cô ngập ngừng. Nghe Hải Yến tâm sự về cuộc đời không mấy may mắn của mình, anh cũng thấy ngậm ngùi. Nhưng để phá tan cái không khí nặng nề, anh mỉm cười với cô:
          -“Nhưng hình như thượng đế luôn biết cải tiến phương pháp của Ngài, chuyện không may của chúng ta hôm qua, lại là điều may hôm nay, có như vậy thầy mới được gặp lại em…”.
          Hai người cùng im lặng nhìn nhau để theo đuổi ý nghĩ riêng thoáng qua đầu mình, hình như họ cùng cảm thấy vui, sau câu đùa của Quang.
               Quang nhìn đồng hồ, đã gần 12 giờ. Anh nắm tay và nhìn vào mắt Hải Vân:
          -“ Trưa nay, thầy mời em dùng cơm với thầy. Em còn ở Việt Nam bao lâu nữa, và hiện đang ở đâu?”.
          Hải Vân nói như thỏ thẻ:
          - “ Em còn ở lại quê hương lâu mà thầy, đã bao nhiêu năm rồi, em  cũng mỏi mòn mong đợi... Em đang ở khách sạn H.Y, phòng 301, chiều nay 5 giờ, mời thầy đến đó, rồi ta cùng đi ăn.”
          Hải Vân nhìn người thầy cũ rất lâu và ôm chào Quang theo kiểu tây. Quang gọi taxi và đưa cô ra đường. Hương nắng biển trưa  phả vào gió nồm làm cho hai người thấy khoan khoái dễ chịu.

               Khi chiếc taxi của Hải Vân đã lao đi, Quang tản bộ trên đường Xuân Diệu, về phía thành phố. Bóng dừa lỗ chỗ dưới chân anh. Hình như anh đang miên man theo những dấu chấm hỏi, quanh quẩn mãi trong đầu. “Hải Vân đã yêu mình ư, từ bao giờ, phải chăng là từ cái tuổi học trò mộng mơ ấy rồi”. Anh cũng không thể quên được đôi mắt của cô hồi ấy, đôi tròng đen long lanh ẩn dưới đôi lông mi dài cong vút, như muốn hớp hồn người khác. Cái thế giới huyễn hoặc ấy cứ như muốn nhốt anh vào đó, trong suốt những giờ lên lớp. Còn anh thì say sưa và đắm đuối trong bài giảng và trong cái vũ trụ không bến bờ ấy, nhưng vẫn phải giữ phong thái đạo mạo của một người thầy, một ông cụ non. Có ngờ đâu đôi mắt ấy bây giờ lại trở về lay động trái tim anh, mà từ lâu muốn tự mình dập tắt ngọn lửa yêu đuơng. Phải chăng bàn tay của tạo hóa khép lại rồi mở ra, vô tình, đùa cợt,  oan trái.
               
                 Dù mặt trời đã gần đứng bóng, ánh nắng bắt đầu gay gắt, nhưng Quang vẫn lầm lũi bước đi, như đang đi duới ánh trăng.
          Mùi hương thiếu phụ như còn lẩn khuất đâu đây, làm cho lòng anh xao xuyến kỳ lạ!  Anh lẩm bẩm, “gặp em ở phòng 301 ư , nên chăng ?”.
                Mộng và thực, quá khứ và tương lai, khuôn phép và tình yêu, bao nhiêu câu hỏi như những cơn sóng từ ngàn năm dồn dập xô vào lòng anh. Anh đang bước đi về một nơi mà anh không thể định hình...
             

           
                 
            
                  
                             SG 10-9-2018
               

              

           

           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.05.2019 12:01:02 bởi Kiều Giang >
          #35
            Ct.Ly 03.06.2019 06:18:50 (permalink)
            #36
              Kiều Giang 07.06.2019 21:13:30 (permalink)
              Kiều Giang cảm ơn Ct.Ly và xin chúc Ct.Ly cùng ban biên tập Việt Nam Thư Quán
              luôn sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.06.2019 21:16:09 bởi Kiều Giang >
              #37
                Kiều Giang 19.03.2020 21:52:57 (permalink)
                                 Cái miệng hến
                               của ông trưởng làng

                                           

                “Thiên hà ngôn tai?
                tứ thời hành yên,
                bách vật sinh yên,
                thiên hà ngôn tai?”…
                Ông Trụ, trưởng làng Đa Đa, từ sáng đến giờ, cứ ngồi lẩm bẩm mãi trong họng, ít ai nghe rõ ông nói gì,  nhưng nhìn mặt, hình như ông cố chống lại một cơn sợ hãi đang dày vò. Còn vì sao ông run sợ, thì đó là điều bí mật, không ai biết.

                Sở dĩ ông Trụ lõm bõm được đôi câu chữ, vì suốt mười năm, từ lúc ông thành niên, bố ông rước thầy đồ về dạy chữ nho cho ông, phòng sau này hữu sự, thì dùng đến, rốt cuộc, ông cũng chỉ nhớ được mấy từ mà ông cho rằng mông lung đó, như là một thứ định mệnh khắc nghiệt để giúp ông tự an ủi mình về cái bệnh “ngậm” mà ông không thể nào chế ngự được.
                Không phải chỉ hôm nay, mà ông thường xuyên lảm nhảm những câu đó, hàm ngụ rằng “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vận hành không sai lệch , muôn loài vẫn sinh sôi nảy nở xanh tươi, Trời có nói gì đâu ?”, Ông Trụ lẩm bẩm, “trời còn như thế, nên ngẫm như ta, chỉ ngồi trên đầu dân làng Đa Đa, cũng chưa to bằng ông trời thì cần chi phải nói, ta có bị cái bệnh “ngậm” này, cũng phải lẽ thôi, có chi phải buồn”. Ông Trụ tự an ủi.
                    Cái bệnh rất lạ, miệng ông ngậm câm như hến, ai hỏi gì cũng không nói, ai nói gì cũng không nghe, ai có chửi cha, chửi mẹ, chửi vì cái tội “đần” nhẫy tai, ông cũng chỉ ghi vào cái bộ nhớ dưới mớ tóc đã hoa râm, để đó, chờ cơ hội, chứ không trả lời. Nói là bệnh cũng đúng mà nói không bệnh cũng đúng, vì chỉ khi nào tinh thần ông bấn loạn, chân ông run lẩy bẩy, ngực ông đập liên hồi, thì mồm ông mới ngậm, ngậm cứng như loài hến, dù có dùng xà ben dài cả thước tây, cũng chưa chắc đã cạy ra. Nhưng một điều còn lạ hơn, là mỗi khi có dịp, như lúc bắt nạt kẻ thuộc cấp hoặc múa môi trước dân làng thì ông cũng biết huênh hoang lên tận mấy tầng mây, cái bệnh “ngậm” chết tiệt kia, lại trốn đi đâu mất.

                        Những người có tuổi trong làng nói rằng ông trưởng làng thuộc loại dốt có cỡ, dốt truyền thống, có gien. Hồi còn nhỏ, bọn trẻ con trong làng hay trêu chọc ông, mỗi khi gọi ông, lại thêm vào sau tên ông một cái đuôi “đần”. Khi nghe bạn bè cùng trang lứa nói vậy, ông cũng chẳng hiểu “đần” là gì, nên cũng chỉ nhe răng cười hề hề, trông rất hiền lành. Dù là dốt đặc cán mai hay cán cuốc gì đó, nhưng nhờ bè đảng của cha ông bỏ tiền ra mua, ông cũng nhảy lên cái ghế trưởng làng, làm vua không ngai, ngồi trên đầu thiên hạ, và cái lý do ông giàu sụ như hiện nay thì đứa trẻ nào trong làng, cũng biết.
                  
                      Người ta cứ xầm xì, lúc sơ sinh, vào cái tháng tuổi biết bò, ông Trụ thường hay bốc cức của ông ỉa ra, lại ăn vào, mẹ ông nóng tính, đánh ông khóc ngất, nhưng không biết sao, như một số phận trời đã định, chứng nào tật đó, năm đã lên ba, lên năm tuổi, ông vẫn cứ lén bố mẹ làm cái trò bẩn thỉu đó, lâu riết thành ghiền, cho đến bây giờ, mỗi lần cái miệng ông Trụ ngậm cứng, thì làng Đa Đa lại có dịp để người ta chia làm hai phe, bàn tán xì xầm. Có người thì bảo rằng ông là con trời, là quý tử nên chắc chắn ông đang ngậm hạt ngọc, đêm tối, có khi ông mở mồm để phóng uế, người ta thấy ánh sáng từ miệng ông phát ra, mấy bà góa chồng trong làng, vợ của những người chết trận, trẻ có, già có, mê ông, bảo rằng ông đang ngậm sao trời, cả làng lại có dịp nghe như một huyền thoại. Nhưng tên trai cày của nhà ông lại quyết liệt phản bác, bảo rằng sở dĩ miệng ông lóe sáng ban đêm, bỡi vì, do nhiều tiền và ham làm đẹp, hàm răng thật của ông đã bị nhổ sạch và thay vào đó là hàm răng giả mạ vàng mới trồng, hàm răng giả phát quang, còn khi ngậm, cũng là ngậm một thứ quen thuộc… từ thuở lên ba mà thôi, tên trai cày ngại ngùng lấp lửng, nhưng nét mặt lại mang vẻ xác quyết đầy thuyết phục.
                   
                      Thế rồi, hình như ông trời đã lên tiếng, không còn “hà ngôn tai”, “ngậm” như ông Trụ. Người ta nói rằng ông trời thường giáng tai ương lên cái ngai của những tên hôn quân ươn hèn độc ác.
                    Số là, chẳng biết làm sao, trời bỗng đổ lửa xuống làng Đa Đa, núi rừng khô khốc, lửa bốc đầy non, ruộng đồng nức nẻ, sông suối cạn kiệt, cá tôm chết phơi bụng trắng sông, trắng biển, ăn phải cá chết, người cũng chết theo, xóm thôn tiêu điều, liêu xiêu địch họa.
                   Nghe có địch họa, ông trưởng làng trợn trừng đôi mắt, cái bệnh “ngậm” như hến tái phát dữ dội. Mấy tháng nay ngực đập, chân run, miệng ngậm, ông Trụ chẳng hé nửa lời dù làng đang có khách. Ban lãnh đạo làng Đa Đa quyết định dùng kềm cạy miệng hến của ông ra để đổ thuốc. Nhưng thật bất ngờ, hàm răng ông vừa hé ra, mọi người đều ù ù bỏ chạy. Ông phó làng mặt tái xanh, lẩm bẩm: “ lại là cái món của thuở biết bò”…
                           SG 4/2016

                #38
                  Kiều Giang 28.05.2020 10:45:59 (permalink)
                                              Đôi giày
                                       Kiều Giang                   

                                      

                        Hắn là thợ đóng giày. Cha hắn sinh hắn ra chỉ thích cho hắn học mỗi một nghề, đó là nghề đóng giày, và hắn chính là sự nhẫn nại vô bờ và sự quyết chí vời vợi của ông ta. Nhưng cha hắn lại nói hắn là loại hàng phế phẩm, là sự lựa chọn bất đắc dĩ của ông, sau những tháng năm miệt mài đi tìm người kế nghiệp. Ông ta nói rằng, chính cái tính phóng khoáng lêu lổng, bốc đồng văn chương của hắn là tòng phạm làm sa sút truyền thống đóng giày của nhà ông ta. Ông ta đã bắt hắn phải thề trung thành tuyệt đối với nghề đóng giày, ngay cả sau khi đã xuống mồ. Hắn đành phải lừa dối số phận hắn để thốt lên một lời thề mà hắn không biết ông trời có chịu làm chứng hay không.

                         Thường thì qui luật của tạo hóa là bất thuần khiết. Nhưng may sao, cả dòng tộc hắn đều đi theo nghề ấy. Ông nội hắn nói, nếu có một đứa con trai trong giòng tộc mà không theo nghề của ông, thì đó là sự phản bội đáng ghê tởm nhất, một sự thất bại thảm thương nhất, mà nếu đã như thế thì không được lấy họ của ông, phải bỏ xứ ra đi, rồi sẽ chết trong cô độc, và hắn cho rằng, không có gì bất hạnh bằng chết trong cô độc, chết không tên tuổi, không giòng tộc. Lời tuyên bố ấy ám ảnh hắn cả trong giấc ngủ, còn hơn cả lời tuyên thệ trước thánh tổ, vì thế hắn chẳng còn dám khiêu khích số phận.
                         Đã có một thành viên trong giòng tộc đóng giày ấy bị trừng phạt khi muốn ly khai vì anh ta cho rằng, cái luật của giòng họ của anh là phi nhân, và cái cỡ giày của họ là dối trá. Anh ta bị dắt đi diễu giữa phố phường vì cái tội ăn cắp và phản bội, nhưng nạn nhân thì cho rằng nhất định không phải vậy, có chăng chỉ là sự hoang tưởng của cả một dòng họ.

                            Hắn thích mọi người đều phải mang giày của giòng họ hắn đóng, và huênh hoang đó là loại giày cho cả nhân loại. Mua một loại giày khác là sai lầm và dẫn đến ảo tưởng. Cũng giống như đạo Islam nói rằng chỉ có Chúa trời là duy nhất, còn lại chỉ là ma quỷ.
                            Hắn sắm một cái loa thật lớn đặt trước cửa hiệu, liên tục phát ra những bài quảng cáo. Ai không nghe theo thì hãy làm ngơ đi, chứ nói chống lại hắn thì sẽ có ngày bọn đầu gấu, tay chân của hắn nghiêm trị như tín đồ hồi giáo xử những kẻ dám xúc phạm đến thánh Allah. Hắn nói như thật và cam đoan rằng, chỉ có mang giày của hắn mới được hạnh phúc. Nhưng chẳng có ai không công rồi nghề lại đi phản bác hắn làm gì, vì hạnh phúc là một khái niệm về trạng thái của tâm hồn mà không ai có thể cắt bớt cho người khác, để chứng minh rằng mình đang hạnh phúc, giống như người ta cắt một chiếc bánh để chia cho ai đó.

                            Giày của hắn sản xuất mang nhãn hiệu quốc tế, hắn nói.
                  Không có hiệu giày nào trên thế giới này sánh nổi với giày của hắn, hắn cho nhân viên quảng cáo ra khắp thế giới không trừ một nước nào. Để gây ấn tượng câu khách, trước cửa hiệu hắn treo hai tấm pa-nô in chân dung to tướng  của hai ông tổ của hiệu giày hắn, có lẽ đó là hai gương mặt râu xồm người Âu.
                          Hắn cho biết giày của hắn sản xuất thích hợp với mọi giới,
                  từ giới thương nhân đến các nhà khoa học, các giáo sư, đặc biệt là đám công nhân và nông dân, kể cả bọn điếm đàng chính trị, trong mọi tầng lớp xã hội, của mọi nền văn hóa  khác nhau.

                          Hắn còn nói rằng, giày da của giòng tộc hắn đóng, chỉ cần một kích cỡ. Chân lớn hay nhỏ đều mang được, co giãn như một thứ quần áo thun,( như các phát biểu đầu hôm sớm mai của các lãnh tụ), phù hợp với cả nam phụ lão ấu, cũng giống như thuốc cao đơn hoàn tán bán ở các tiệm tạp hóa nông thôn. Như có người nói rằng, có một thứ triết thuyết phù hợp cho suốt lịch sử nhân loại, từ ăn lông ở lỗ cho đến thời loài người chinh phục sao hỏa sao kim, nghĩa là cho mọi thời đại, cho tất cả các dân tộc, và là một thứ chân lý vĩnh viễn, chân lý nằm lên trên mọi chân lý, nhưng lại hoàn toàn như  một thứ hàng hóa để xuất khẩu, tức là có thể trao đổi mua bán, nhưng chỉ có điều khác với nàng hóa thông thường, đó là người ta phải dùng súng đạn để xuất khẩu chân lý, cũng như hắn dùng bọn đầu gấu để quảng cáo giày, vừa dụ dỗ, vừa đe dọa. Nếu có ai phản bác kiểu lập luận mang tính cưỡng bức của hắn, thì hắn lại nại đến các nhà tư tưởng cận hiện đai mà rằng những vị ấy chỉ cầm mấy quyển sách trên tay mà đã đẩy hàng triệu con người hăng hái đi vào con đường chết cho họ. Hắn vênh mặt lên, đầy vẻ thách thức.
                       Rồi, một ngày mùa xuân, hắn thân thiện và háo hức đem tặng cho người bạn thân nhất một đôi giày do chính dòng họ hắn đóng. Hắn gọi là đôi giày vạn năng và hắn hy vọng rằng tình bạn và uy tín của giòng họ hắn nằm trong đôi giày. Người bạn vui vẻ, tự hào nhận và mang đôi giày nghĩa tình ấy. Còn câu chuyện sau đó như thế nào thì hắn lại không dám nói với ai, và hắn coi đó như một bí mật nghề nghiệp.

                        Thế là, một cỡ giày có thể mang vừa cho mọi đôi chân, không biết có ai trên đời này tin được không, nhưng đó là một câu chuyện có thật về một giòng tộc, thậm chí họ còn thách thức rằng, một trăm năm nữa sẽ có một triệu người mang giày của họ đổ bộ lên sao hỏa. Ôi, thế giới đa đoan này bao giờ cũng cố tạo ra những thứ sản phẩm mang tính huyền thoại.
                                
                                Sài Gòn 13-10-2016


                   
                  #39
                    Kiều Giang 05.07.2020 12:01:34 (permalink)
                             Truyện ngắn CHUYẾN TÀU ĐỊNH MỆNH
                                      [Viết tặng nhà thơ Tô Thùy Yên,
                                        nhân ngày giỗ đầu của anh 21-5]
                      
                                     Ta về một bóng trên đường lớn
                                     Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
                                     Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
                                     Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.
                                                        Tô Thùy Yên


                        Bóng của hai người đàn ông đổ dài dưới ánh đèn hắt hiu vàng bệch, nhấp nhô trên mặt sân ga xi-măng lở lói bong tróc, lởm chởm đá. Đầu cúi thấp, họ lặng lẽ bước dọc theo đường ray hướng về phía bắc của nhà ga cũ kỹ, chỉ còn trơ trọi hai gian nhà nhỏ, mái ngói đã xỉn đen, vừa được vá từng mảng lớn, dấu tích của một thời bom đạn, một dành cho nhân viên gác tàu và một để đặt máy truyền tin.
                         Giá Ray, một cái tên nghe ngồ ngộ lạ tai, một cái ga xép, ở về phía bắc của thành phố Sài Gòn, trước 1975, nó còn nằm giữa rừng lá, nơi có thể ẩn nấp cho cả một sư đoàn, vùng oanh tạc trắng. Một nhà ga gần như đã hoang phế, lỗ chỗ những vết đạn đủ cỡ trên lưng, cũng may, nó không mang trong mình cái thân phận hủy diệt như bao nhiêu thứ khác ở xung quanh.
                        Đất ở đây lại rất mầu mỡ, mới được khai hoang bỡi những người vừa bị đẩy sang bên lề xã hội. Những ngôi nhà mọc lên  với tường và mái được che bằng lá buông, lá cọ, xám một màu tiều tụy hoang sơ. Nhà ga giờ đây chỉ là nơi tránh tàu chứ không còn đón khách, nên không được trùng tu, cái vẻ hoang phế gần như dần dà phủ lên gương mặt nó.

                           Hai người đàn ông dừng lại khi đã cách nhà ga khoảng hơn trăm mét. Ánh trăng thượng tuần không đủ sức tạo hai chiếc bóng trên bờ đất lẫn với đá sỏi của đường ray. Nếu nhìn từ xa, người ta chỉ nhận ra hai vệt tối mờ, in trên nền trời đêm mùa đông hiu quạnh của một vùng đất vừa mới hồi sinh.
                     Người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, ôm vai cậu thanh niên rồi kéo sát vào người. Những cơn gió cuối đông nghe thấm buốt, càng làm hiện rõ cái đêm hãi hùng đó trong đầu ông.    
                          
                           Ba năm sau ngày chế độ miền Nam sụp đổ, trên chuyến tàu chợ xuôi Nam, đến ga Mương Mán, một thiếu phụ trạc 25, tay dắt một bé trai, khó nhọc, hấp tấp leo lên tàu, sau khi ném 2 chiếc bao gai vào cuối toa. Người đàn bà có gương mặt thanh tú, dáng mảnh mai, nét đài các vẫn còn phản phất trên đôi mắt đen ẩn dưới làn mi cong sâu thẳm, nước da trắng đã xanh xao mệt mỏi, nhưng thao tác khá nhanh nhẹn, sau khi đặt đứa con khoảng 3 tuổi ngồi trên dãy băng ghế đối diện với một người thanh niên, chị đưa mắt cho người đàn ông như muốn gửi đứa con, rồi vội vã đi ngược về phía cuối toa tàu, kéo hai cái bao gai chứa đầy cá khô, về nhét dưới gầm chiếc ghế mà đứa nhỏ đang ngồi, rồi ghé người ngồi sát bên cạnh. Chị đưa tay vén lại những sợi tóc mai xòa xuống mắt, rồi cúi hôn lên đầu đứa con, trước khi nó ngã gục vào lòng mẹ ngủ thiếp đi.  
                         Người đàn ông lên tiếng:
                    -Chị xuống ga nào?
                    -Ga Giá Ray, chính xác là ở gần đó.
                    - Chị là người ở vùng Rừng Lá sao?
                    - Dạ… Nhưng không !
                    -Tôi chưa hiểu?
                    - Em không phải là dân Rừng Lá, nhưng đã là dân vùng này vì là diện “kinh tế mới”.
                    - Chị phải đi kinh tế mới một mình với đứa bé sơ sinh?
                    - Vì là vợ sĩ quan ngụy, “gây nhiều tội ác” !
                    -Trước 75, anh ấy ở đơn vị nào?
                    - Đại úy chiến tranh chính trị sư đoàn 22.
                    - Chiến tranh chính trị thì không cầm súng, mà cũng không có quyền hành quyết ai?
                    -Người ta nói cầm bút như anh ấy, còn gây nhiều tội ác hơn người cầm súng. Anh ấy là một nhà thơ. Chắc nhà thơ làm chiến tranh chính trị, gây nhiều tội ác lắm phải không anh?
                       Người thanh niên tên Lâm nhìn xa xôi vào cánh rừng bạt ngàn lá buông lá cọ, xé gió chạy ngược với đoàn tàu ì ạch lướt tới trong đêm, trong đầu anh ngổn ngang những suy tư xuôi ngược xé nát cõi lòng. Hồi lâu, anh quay nhìn người thiếu phụ đáng thương và hình ảnh của người yêu tên Thư lại hiện về lãng đãng trong anh, “cũng may, hồi ấy ta chưa cưới nàng”, anh thầm lẩm nhẩm.
                    - Gây tội ác hay không gây tội ác thì cũng tùy quan điểm của từng người, từng chính thể. Người ta nói “bên này dãy Pyrénée là chân lý, nhưng bên kia là sai lầm” mà chị !
                    - Tội ác hay nhân văn, chắc phải có mẫu số chung chứ?
                    - Vâng, đúng vậy, nhưng cái mẫu số chung ấy còn nằm trong tay của lịch sử…
                        Người thiếu phụ chìm trong cơn u buồn, gương mặt như người về từ cõi âm, gắng gượng hỏi:
                    - Còn anh, sao anh cũng vào đây?
                    - Khi tôi vào trại cải tạo được một năm, gia đình tôi cũng tự nguyện đi vào đây, nếu không muốn bị lưu đày lên vùng cao nguyên Dakto, theo sự chỉ định của chính quyền. Tôi ở trong trại KS 3 năm, mới vừa được thả ra cách đây một tháng, nay tôi vào thăm cha mẹ mình. Tôi cũng cùng số phận với chồng chị, nhưng thật tội nghiệp, anh ấy chắc phải ở lâu!
                         Người thiếu phụ trẻ gục đầu lên đứa con đang say ngủ, đôi vai rung lên, có lẽ là để nén tiếng nấc mà chị không muốn nó bật ra trước mặt người đàn ông vừa mới quen, khi nghĩ về những ngày tháng đơn thân nuôi đứa con trai 10 tháng tuổi, đã gần 3 năm nay, trong căn chòi tranh tre nứa lá, ngày nắng lửa, đêm mưa dầm gió hú, hòa trong tiếng ểnh ương và tiếng chim rừng khàn giọng, như nhắc nhở một thời hồng hoang nào, xa xôi lắm.
                    Ít đêm nào tròn giấc, chị thường thức dậy nửa đêm, lặng lẽ đẩy liếp cửa sổ nhìn vào rừng sâu thăm thẳm, vào khoảng không vô tận. Nhìn đứa con thơ say ngủ, chị càng nhớ đến T da diết. Nước mắt ràn rụa, chị nói trong khốn cùng “ Anh yêu ơi, anh đã từng bảo em rằng “văn chương cứu rỗi con người”, như lời của văn hàoVargas Llosa, và đúng như vậy, những vần thơ của anh đã cứu cướp đi linh hồn em từ thuở 15, nhưng bây giờ, chính những vần thơ ấy, lại giam hãm đời anh vào ngục tối, chưa biết bao giờ mới thoát ra được, để đêm đêm em phải lịm dần trong khắc khoải chờ mong…”
                         Hồi lâu, người đàn bà ngẩn lên, những sợi tóc còn bê bết nước mắt trên gương mặt thanh tú xanh xao, dưới ngọn đèn leo lét như còn gắng gượng nhả những giọt sáng vàng vọt từ trên trần toa xe, chị nhìn người đối diện hình như cũng đang chìm trong suy tư. Chị nghẹn ngào:
                    - Không biết em còn sống nổi cho đến ngày anh ấy trở về ?
                    - Chị đừng quá bi quan, bi quan không phải là điều cần thiết cho chúng ta lúc này. Thượng đế luôn luôn chừa cho ta một cánh cửa, ta  nên cố lách qua cánh cửa hẹp này. Anh ấy rồi sẽ về như tôi. Tôi tin rằng những nhà thơ không bao giờ bi quan, vì trong họ luôn hiện hữu một chân trời mơ ước. Chị hãy cứng rắn lên vì chị còn cháu Nam để yêu thương và phải chăm sóc, còn có anh ấy, dù trong chốn lao tù, có lẽ không phút giây nào không hướng mắt về người vợ hiền, thủy chung đợi chờ, ánh mắt của chị sẽ xé toạc đêm đen để sưởi ấm lòng anh ấy. Đó là niềm hạnh phúc vô biên dù là trong hơi thở ngậm ngùi của sự kiên trung và lòng kiêu hãnh, thời gian sẽ dần xóa đi những tháng năm đen tối của đời người…
                        Lâm nhìn gương mặt ủ rũ của Thu Lan (tên thiếu phụ) đang thẩn thờ nhìn ra bóng đêm lướt qua thân tàu, rung từng nhịp trên đường ray già cỗi, trong lòng anh ngập tràn lo âu và thương cảm, anh chuyển câu chuyện sang hướng khác:
                    - Hình như chị đi buôn bán gì?
                    - Em mua cá khô từ Bình Thuận về vùng kinh tế mới này để bán, kiếm chút ít nuôi con. Ở đây dân nghèo lắm, chỉ ăn cá khô với rau rừng ! Nguồn sống duy nhất của họ là lá buông và những khoai sắn trồng được, đem ra ngồi dọc theo quốc lộ bán cho khách qua đường trên các chuyến xe đò liên tỉnh.
                    - Nhưng sao chị phải giấu đút khổ sở quá vậy?
                    - Họ coi chúng em là loại người “phe phẩy”, buôn lậu, nếu bị bắt sẽ bị tịch thu, có khi còn bị giam nữa! Em đã một lần bị 2 bao cá khô, em khóc hết nước mắt, đem thằng nhỏ này ra để làm “bùa hộ mệnh”, nhưng họ vẫn không tha!
                    - Ôi cuộc mưu sinh trong tăm tối, khắc nghiệt quá!
                    - Nhưng em đâu còn cách nào khác! Tay yếu chân mềm, xuất thân từ một cô nữ sinh lớp 12, chỉ biết tung tăng nơi sân trường với bè bạn, lấy chồng chưa tới tuổi đôi mươi, chưa bao giờ biết đến cây cày, cây cuốc, bây giờ bị đẩy vào đây làm rẫy, làm sao em làm được, mà cũng không ai mướn, hơn nữa biết bỏ thằng nhỏ cho ai !
                    - Anh ơi, chút nữa đây, em và con em phải nhảy tàu.
                    - Nhảy tàu? Là sao?
                    -Hôm nay may quá, có anh xuống cùng ga, anh giúp em một tay nhé!
                    - Tôi sẵn sàng, nhưng có lẽ là nguy hiểm lắm, mình không nên đâu!
                    - Nếu đến ga, mình mới xuống, thì 2 bao cá khô của em sẽ bị tịch thu. Do đó khi cách ga chừng 100 mét, tàu sẽ chạy chậm lại, em sẽ ném 2 bao cá xuống, anh nhảy trước, em đưa thằng nhỏ này cho anh ẵm giùm và em sẽ nhảy theo cuối cùng, đi lượm hai bao cá, rồi mình cùng về. Lúc đó tàu chạy chậm lắm, em vẫn thường làm vậy, anh đừng lo!
                         Lâm nhìn người thiếu phụ trẻ mà lòng dâng trào nỗi lo lắng và thương cảm. Anh là đàn ông, nhưng chưa một lần dám mạo hiểm như vậy, hơn nữa cũng chưa có dịp nào để anh phải nhảy tàu, như cách mà những người phụ nữ buôn thúng bán bưng ở đây phải liều thân mình để kiếm chén cơm ? Lâm ái ngại nhìn thiếu phụ:
                    - Vậy khi nào thì mình nhảy?
                    -Anh chuẩn bị đi, đến nơi em sẽ nói. Từ chỗ mình xuống, xuôi theo con đường mòn chừng 200 mét, cái chòi lá một gian là nhà của em, chắc nhà cha mẹ anh cách nhà em cũng không xa…

                           Mọi người trên tàu chắc còn đang ngái ngủ, con tàu hờ hững huýt còi tiến vào sân ga, còn Lâm thì rú lên “ Trời ơi, Thu Lan, chị có sao không !”, nhưng tiếng kêu thất thanh đó chỉ rơi vào khoảng không lạnh lùng, dưới màu sương mờ đục ánh trăng rằm cuối đông, nàng vẫn đang hôn mê, mặt úp sấp xuống mặt đá lởm chởm, máu không ngừng rỉ ra từ vết rách dọc theo cổ, có lẽ là do cái bàn đạp sắt lên xuống tàu cắt qua, khi Thu Lan ngã sấp, đầu va mạnh xuống đất, do cái áo lạnh vướng vào cần tay nắm. Lâm ngồi bệt xuống đất, xé chiếc áo sơ mi trắng đang mặc, quấn chặt quanh đầu nạn nhân, đặt đầu chị lên đùi của mình rồi gào to, để may còn có người đến giúp, nhưng sự gào thét của anh cũng chỉ rơi vào khoảng không lạnh lùng. Thằng bé, có lẽ không hiều được câu chuyện, nhưng thấy mẹ nằm bất động, nó ôm mẹ khóc thảm thiết “mẹ ơi, mẹ ơi…mẹ đừng chết bỏ con…,tiếng rên của thằng bé cũng mất hút vào từng cơn gió đông nghẹn ngào.
                       Giữa khu rừng mênh mông, không còn biết kêu cứu ai, Lâm xốc Thu Lan lên vai đi về phía căn chòi của chị, tay dắt thằng bé vừa đi theo vừa khóc “mẹ ơi..mẹ ơi…”. Trong nỗi đớn đau tuyệt vọng, người thanh niên cũng không ngăn nổi dòng lệ trào lên đôi mắt, mà bao nhiêu năm nay anh chưa nếm trải, kể cả trong những ngày cầm súng, thường xuyên đối diện với cái chết.
                        Người thiếu phụ nước da trắng bệch, hơi thở thoi thóp trên chiếc chõng tre lót lá, có lẽ đang cố hết sức để chống lại tử thần. Trước khi trút hơi thở cuối cùng dưới mái chòi lá Buông, trong khu rừng tràn ngập hoang vu, đã cố hết sức hé đôi mắt tím bầm đẫm lệ, một tay yếu ớt ôm đứa con vào lòng, một tay nắm áo Lâm, thì thào  “ Em gửi cháu Nam lại cho anh… xin anh hãy nhận làm cha thứ hai của nó.. mai mốt anh T. về…, anh trao lại cho cha của nó…, xin anh nhắn lại với anh ấy rằng… em xin lỗi,… vì không thể chờ anh ấy được. Dưới suối vàng em nguyền tạc dạ ơn anh !”. Nàng buông đứa con thơ khỏi tay mình, khi nó còn chưa hiểu rằng mẹ nó sẽ ra đi vĩnh viễn. Nhưng một sức mạnh siêu hình nào đó cũng làm cho nó ôm chặt người mẹ xấu số, gào lên nức nở. Vạn vật như chìm vào bóng đen thăm thẳm trước mặt Lâm, anh cúi xuống ôm lấy thiếu phụ “ Thu Lan ơi, giữa cái mênh mông nghiệt ngã của số phận, tôi đành bất lực, tôi có tội với chị và với anh ấy!”.

                           Hai người đàn ông mở cửa bước vào căn nhà mà 25 năm trước họ đã tiễn đưa người thiếu phụ xấu số ra đi trong tức tưởi giữa tuối thanh xuân. Nhưng hôm nay trở về, trên chiếc bàn thờ bằng mi ca chân sắt đơn sơ, lại có đến hai tấm bài vị của đôi vợ chồng, hình như họ đang nhìn nhau mỉm cười vào lưng của thế cuộc. Nam quỳ xuống ôm 2 tấm bài vị, gục đầu khóc nức nở. Hồi lâu, cậu ngẩng nhìn lên hai tấm liễn vải thô màu trắng treo trên vách hai bên bàn thờ, đọc những câu thơ nhói lòng của cha mình để lại, người cũng đã ra đi cùng với mẹ, sau hai năm cậu theo người cha nuôi đến xứ người: “Ta khóc tạ ơn đời máu chảy/ Ruột mềm như đá dưới chân ta/ Mười năm chớp bể mưa nguồn đó/ Người thức mong buồn tự cõi xa…
                    “Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này…”*
                       

                          Sau hơn 10 năm “mặt sạm soi khe nước”, để “hóa thân thành vượn cổ sơ”*, người tù, nhà thơ tên T. được thả về từ núi rừng, với tấm thân xiêu vẹo trên đôi nạng gỗ của thời gian. Hôm được ra trại, không biết ghi địa chỉ ở đâu, cuối cùng, anh ghi vào hồ sơ: “Rừng lá, Xuân Lộc…”, vỏn vẹn chỉ có thế. Cũng may, còn lại cái xum mái lá để anh ghi vào hồ sơ của người được “khoan hồng”, cái địa chỉ mông lung, không khác gì người ta nói là về âm phủ, chung chung!
                        Chỉ một năm sau ngày trở về, anh được đi định cư ở Mỹ theo diện HO ưu tiên vì bị thương tật, nhưng anh nhất định ở lại cùng Thu Lan, người vợ mà anh biết rằng trong từng giấc chiêm bao của nàng đều có hình bóng của anh. Anh ở lại với cái mái lá mà nàng và đứa con dại mới 10 tháng tuổi đã núp dưới búa rìu của nhân gian, gần 4 năm trời, trong những đêm mưa rừng như trút nước, người yếu vía có thể nghĩ đến một trận hồng thủy. Anh ở lại với cánh rừng lá Buông bạt ngàn nắng lửa mưa dầm, trên lưng hứng chịu không biết nhiêu tấn bom đạn của một thời đất nước nồi da xáo thịt. Anh ở lại, để đêm về được ôm tấm di ảnh của Thu Lan bên mình, một thời là hoa khôi của một trường trung học. Anh ở lại để mỗi sớm mai anh được thắp nén hương lên ngôi mộ đất với bát hương làm bằng vỏ đạn, để tạ lỗi với nàng. Và anh ở lại để đêm về được nghe tiếng rít của chiếc bánh sắt nghiến vào nỗi đau khôn cùng của anh, tiếng còi của chuyến tàu định mệnh, không chỉ là định mệnh của anh và Thu Lan, mà còn là định mệnh cho cả cuộc bể dâu này. Anh sẽ mãi mãi nằm lại trong nấm đất của quê hương, nơi rừng thiêng, bên cạnh người con gái anh yêu…

                             Sài Gòn, những ngày gió bão tháng 3- 2020.

                    * TA VỀ, thơ Tô Thùy Yên

                    r
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.03.2023 04:30:23 bởi Ct.Ly >
                    #40
                      Kiều Giang 04.09.2020 12:14:38 (permalink)
                                   GIỌT NƯỚC MẮT CỦA VĂN CHƯƠNG
                                                Truyện ngắn của Kiều Giang
                          “Cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương.” ( MARCEL PROUST)
                        
                            Mới 6 giờ sáng mà người qua lại trong các hành lang bệnh viện HĐ đã rộn ràng, một cô y tá chen vào đám đông, hớt hải xông vào phòng bác sĩ trực, không kịp gõ cửa, báo rằng đêm qua một nam bệnh nhân bị bệnh tai biến tên H.K. giường 19 phòng 207 trong ca trực của cô, đã đột nhiên biến mất, cô đề nghị bác sĩ xem giúp lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và các thông tin khác.
                          Vị bác sĩ hình như còn ngái ngủ, sau một lúc lâu, ông mới gọi cô y tá lại, rồi có vẻ nghiêm nghị, đọc hồ sơ bệnh án: “ Ông H.K, nghề nghiệp viết văn, bị tai biến, nằm viện đã 35 ngày, tình trạng sức khỏe hiện tại ổn định, đôi chân còn yếu, đi phải có người đỡ hay ngồi xe lăn, chiều qua có người nhà đến xin về điều trị ngoại trú, đã thanh toán xong các khoản viện phí, chờ sáng nay xuất viện”. Ngưng một lát, người thầy thuốc nói tiếp “ Camera an ninh phòng bệnh cho thấy đêm qua, khoảng một giờ sáng, có một cô gái còn rất trẻ, ăn mặc lịch sự đến đưa bệnh nhân ra khỏi phòng bệnh bằng xe lăn”. Ông ngước nhìn cô nhân viên của mình, vẻ thăm dò, rồi buột miệng: “Lạ thật. Hơn 20 năm làm nghề y, tôi chưa gặp trường hợp “xuất viện” kỳ lạ như thế này bao giờ”. Nét mặt của ông căn lên rồi lại giãn ra, chặn một nụ cười nửa miệng.

                           Một tháng sau ngày bệnh nhân, nhà văn H.K mất tích đầy bí ẩn ở bệnh viện HĐ, bà Diệp Thảo, giám đốc một xí nghiệp kinh doanh nước giải khát khá nổi tiếng, đưa đơn lên tòa án xin ly hôn với người chồng, mà theo bà là một thứ “lãng tử khố rách”. Nói câu đó, vì bà nghĩ đến Karl Marx thời gian ở Luân Đôn, khi ra đường thì đóng veston rất tươm tất, nhưng trong túi chẳng có xu nào. Bà không thích đường đi của những nhà tư tưởng. Với bà, giá trị của một con người là túi tiền và cái hòm chìa khóa.
                            Bà giám đốc, tuy tuổi đã quá ngũ tuần, nhưng nhan sắc còn rất mặn mà, nhìn bà, người ta đều phải kéo lùi thời gian đã phủ lên cái mái tóc còn xanh mượt, lên đôi môi còn rất mọng của bà, đến hơn 10 năm, đó là chưa nói đến 3 cái vòng eo đầy khêu gợi, soi trên chiếc Mercedes bóng lộn.
                            Trong đơn, bà tố chồng với đủ thứ tội mà cả đến Thượng đế khi đuổi Adam và Eva khỏi vườn địa đàng, còn gán ít tội hơn. Bà nói rằng ông H.K rất tệ bạc với bà, trong rất nhiều tác phẩm của ông, thơ cũng như văn, đều có thấp thoáng bóng dáng những nhân vật là những phụ nữ trẻ đẹp, mà bà tin chắc đó là những người tình của ông. Đã nhiều lần bà đã cảnh cáo ông, nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy, và luôn miệng biện hộ rằng đó là những nhân vật hoàn toàn có tính hư cấu. Đúng là, mặc dù bà đã cho người theo dõi, nhưng bà cũng không nắm được một bằng chứng xác đáng nào. Hay là ông chỉ yêu những người đàn bà trong mộng, và chẳng lẽ những nàng Mona Lisa kia cũng chỉ là do trí tưởng tượng của ông nặn ra, không phải của Leonado Da Vinci mà là của thế kỷ 21? Bà cũng không thể hiểu nổi tâm lý oái ăm phức tạp của các nhà văn! Mà nếu chỉ như thế cũng không được, vì dù ông chỉ phiêu lưu trong cái thế giới tưởng tượng đó, cũng đủ để kết luận là ông đã phản bội bà. Nhiều đêm, nằm bên bà, dù mắt ông cứ mở thao láo, nhưng bà phải lay đến mấy lần, ông mới quay về với thực tại, và như thế thì những cảm xúc ham muốn đang dâng trào làm người bà nóng rang cũng tắt ngấm đi rồi. Bỡi thế, bà thầm nguyền rủa sự trớ trêu của cuộc sống phòng the với ông H.K trong những tháng ngày sóng gió đời bà, và những lúc đó bà lại thầm nghĩ đến Nam, một trưởng phòng của công ty bà, trẻ trung, lịch lãm, đầy sức sống, lúc nào cũng như cuốn hút, mời mọc bà. Ngày xưa bà yêu ông K, cũng gần giống với cái cảm giác bây giờ khi bà nghĩ đến Nam. Nhiều khi bà không hiểu nổi cách định nghĩa tình yêu trong sách vở mà bà thường đọc, nhưng bà lại không thích người ta nói với bà rằng, tình yêu chỉ là sự thăng hoa, hóa thân của Libido! Tình yêu của bà sẽ rất cao thượng, đẹp đẽ và bà không muốn nghe ai đó vật chất hóa tình yêu !
                            Bà còn mạnh miệng tố rằng, ông H.K là người đàn ông lười biếng, vô trách nhiệm với gia đình, suốt ngày ôm cái máy vi tính, miệt mài gõ trên bàn phím, với đồng lương hưu chết đói và những đồng tiền còm cõi bán bản quyền các tác phẩm mà bà cho rằng nó mang đầy tính chất không tưởng, bà cũng không sao nuốt nổi. Ngày xưa bà yêu cái “mác” thầy giáo, nhà văn của ông bao nhiêu, thì bây giờ bà thù ghét nó bấy nhiêu. Ngày ấy bà rất thích thú khi nghe ông nói rằng “văn chương là sợi dây huyền diệu kết nối trái tim với trái tim, quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối các nền văn minh của nhân loại, không có văn chương, trái đất chỉ là sa mạc, loài người sẽ mất đi màu xanh của tình yêu và lẽ sống, không có văn chương, nhân loại sẽ không còn tính sáng tạo nghệ thuật và chỉ còn đố kỵ và hận thù”.
                            Đúng như người đời thường nói, “con đường đi vào trái tim của người đàn bà qua ngả lỗ tai”, bà đã yêu ông bằng những lý thuyết vô bổ về triết học, văn chương, về những giá trị nhân bản và những gì gì nữa bà không nhớ hết, bây giờ nhìn lại, so sánh đồng tiền mà mỗi người kiếm được, những thứ mà bà tin vào thời đó, để mê ông, bây giờ đã trở thành xa lạ, nếu không nói là thù địch. Và cũng vì thế mà ngoài những cuốn sách giáo khoa thời phổ thông và những tờ lịch treo tường, bà không còn lật một quyển sách nào nữa. Có lần bà hỏi ông “văn chương xuất phát từ đâu, và sẽ đi về đâu mà ông mê lắm vậy”?  Ông trả lời một cách hết sức “mơ hồ, vô nghĩa” rằng “văn chương của tôi bắt đầu từ hư không và rồi tôi cũng sẽ kết thúc nó ở đó”.
                            Cho nên nhất định, bà phải quên, quên hết những gì mà ông đã từng mê hoặc bà, quên những đêm mà ông đã từng đưa bà quằn quại, rên rỉ trên đỉnh thiên sơn, những việc mà bà đã cho rằng ông từng hi sinh cho bà, những khi bà gặp hoạn nạn, bây giờ chỉ là nhảm nhí, vô bổ, đáng ghét. Trước mắt, bà phải theo đuổi một con đường khác, con đường không có ông, không có bóng dáng phù phiếm của văn chương.

                           Huyền My ngồi trên giường, chân buông thõng, hai tay chống lên thành giường, tinh nghịch thích thú nhìn người đàn ông trên chiếc xe lăn, hình như đang đăm đăm nhìn những tia nắng mai nhảy múa trên cái giàn hoa thiên lý trước sân:
                      -Thầy nhìn gì mà đăm chiêu quá vậy?.
                      Ông H.K giật mình quay lại, nhìn cô học trò năm nào, đôi mắt long lanh, vẻ trìu mến tinh nghịch, ông cười mỉm:
                      - Thầy có nhìn gì đâu !
                      Rồi như để chữa thẹn cho câu nói vô tình của mình, ông chia sẻ:
                      - Hôm nay nắng đẹp, phải không em?
                      -Thầy đã thấy nắng đẹp, em rất vui, vì em biết thầy đã khỏe lại, xin cảm ơn màu nắng hôm nay và em cảm ơn thầy.
                      - Cảm ơn phải là từ để dành cho thầy nói với em chứ? Không có em, cũng chưa biết điều gì đã xảy ra… với thầy!
                          Hình như ông H.K hơi nghèn nghẹn.
                           Huyền My lấy cây gậy trúc mà chiều hôm qua cô đã mua được trên đường đi làm về, tiến đến trước mặt người đàn ông vừa mới bước qua bờ sinh tử, nước da đã hồng trở lại, cô nhìn sâu vào mắt người thầy và đề nghị:
                       - Bây giờ em sẽ tập cho thầy đi nha! Thầy hãy vịn vào một đầu gậy, em vịn chắc đầu bên kia, thầy nhích từng bước theo em !
                      Ông H.K thoáng nhận ra sự khác lạ từ ánh mắt của Huyền My, nhưng ông không dám đưa ra một phán đoán nào từ đôi mắt như đang muốn nói một điều bí ẩn gì đó với ông ! 
                      Huyền My đỡ cho ông đứng lên, ông hăm hở làm theo lời hướng dẫn tỉ mỉ của cô học trò. Mới đi được khoảng 5 mét, ông H.K bị ngã nhoài người về phía trước. Nhờ trong tư thế đi lui, Huyền My mới kịp nhào ngược lại ôm ông vào lòng. Trong giây phút bàng hoàng ấy, tự nhiên như có một luồng khí nóng chạy qua người cô, một sự rung cảm đầu đời mà cô chưa từng gặp. Cô rùng mình. Còn ông H.K cũng siết chặt Huyền My vào vòng tay của mình hơn. Mùi hương con gái thoảng vào thần kinh ông, làm ông ngây ngất, bất giác, ông nói khẽ “thầy cảm ơn em!”.
                        
                              Ngày ấy Huyền My bắt đầu để ý đến thầy H.K khi ông tham gia vào một số giờ thỉnh giảng ở Trường ĐHKHXHVNV. Trong bài thuyết trình với đề tài: “Những kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn”. Huyền My thấy thích thú về những đường nét tư duy, về cách biến hiện thực thành những tưởng tượng tiên nghiệm đầy tính sáng tạo của các nhà văn, qua những trải nghiệm sống động của họ, mà một cô sinh viên tập tò trong nghề viết như cô cần học hỏi… Thời gian sau đó cô thường lui tới nhà thầy để được truyền dạy những kinh nghiệm thực tế mà cô chưa vận dụng nổi từ sách vở.
                           Đã gần mươi năm nay, sau khi tốt nghiệp, cô xin được một chân quản thủ thư viện trong một trường đại học, cũng là thời gian cha mẹ cô được bảo lãnh sang Mỹ. Cô không muốn đi vì cô thầm nghĩ, một xã hội văn minh kỹ thuật như ở Mỹ, chắc không thích hợp với tâm hồn cô, và cô ở lại để giữ căn nhà nhỏ ngoại ô thành phố, mà theo lời người cha, đó có thể là nơi mà ông sẽ trở về, là nơi ở cuối của đời ông. Cuộc sống êm ả trôi qua với sách vở cùng gió trăng, không hiểu sao cô lại không có một ước muốn kết thân với bóng dáng của một đấng mày râu trai trẻ nào, mà cô thấy thầy H.K sẽ là người đem lại sự ấm áp cần thiết cho tâm hồn cô.
                           Rồi một thực tế cay đắng và phũ phàng mà cô không bao giờ ngờ tới đã xảy ra với người thầy mà cô thầm yêu kính, người vợ còn rất trẻ của ông, là một doanh nhân thành đạt, đã thường xuyên kiếm cớ đuổi ông ra khỏi nhà, nhưng ông cứ lặng lẽ cam chịu, suốt ngày say sưa vào những trang viết. Rồi cứ như thế, bi kịch của đời người lại thường muốn ghi dấu lên mảnh thời gian lạnh lùng, điều gì phải xảy ra, đã xảy ra, ông đã lên máu và đột quỵ. Hôm được tin đó, Huyền My đã bật khóc như một đứa trẻ, cô nghĩ mình phải cứu thầy H.K, đó là điều mà trái tim và khối óc bắt cô phải làm. Sau đó, đêm nào cô cũng lén vào chăm sóc, an ủi ông ở bệnh viện.
                       
                            Hôm ấy một buổi sáng cuối đông, trời nhiều sương mù và se lạnh, đoàn xe đưa tang nối đuôi nhau nhích từng bước vào trong khuôn viên của nghĩa trang chùa Hoằng Pháp. Huyền My dìu ông H.K lê từng bước sau xe tang, tiến vào vãng sanh đường, người nằm trong chiếc quan tài sang trọng kia, đáng lẽ là ông, nhưng không phải, mà chính là người vợ đã cùng ông đầu ấp tay gối suốt 35 năm ròng. Nỗi xót xa cay đắng phận người đang đè lên từng bước chân của ông. Ông quay sang đứa con gái đi bên cạnh:
                      - Ba nghe nói, sức khỏe mẹ con vẫn tốt sau ngày tòa chấp thuận cho chia tay với Ba kia mà?
                      - Gần đây thấy mẹ thẩn thờ buồn, thường mất ngủ và hay cáu gắt, con có hỏi, nhưng mẹ chỉ lắc đầu.Tối hôm ấy, con gặp chú Nam với một cô gái trẻ đẹp ở dancing, con gọi về nói với mẹ. Không ngờ, khi con về đến nhà thì không còn kịp nữa!
                      - Sao con lại làm thế?
                      - Lúc đó con cạn nghĩ, con có lỗi với cả ba lẫn mẹ !
                      Ông H.K thoáng thở dài rồi vuốt đầu đứa con gái:
                      - Thôi, tất cả đều là duyên phận, con gái yêu của ba! Con đừng tự trách mình nữa. Dù không ai muốn, nỗi bất hạnh vẫn mãi đeo đẳng con người, hãy lấy tâm đức và trí tuệ để thắng nó. Con đường trước mặt của con còn rất  dài và trách nhiệm với mẹ thì rất nặng nề, hãy tránh vết xe đổ mà ba mẹ đã đi qua…
                      Ông H.K cố lấy hết sức, hai tay bợ vòng hoa hồng trắng với dải băng lụa tím mà chính ông lựa mua sáng nay đặt lên mộ vợ, cúi nhìn bát hương nghi ngút một lúc lâu, rồi chậm rải quay lại cùng người con gái đi về phía cổng chùa. Một hồi chuông đổ dài tiễn đưa người quá cố dội vào lòng ông, làm cho ông vừa đi vừa cúi xuống ôm ngực. Ông cố nén giọt nước mắt muốn trào ra khi Huyền My mở cánh cửa taxi cho ông.

                              Kiều Giang, ngày 6-5-2020.
                           










                       
                      #41
                        Ct.Ly 04.09.2020 23:21:08 (permalink)
                        #42
                          Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 42 trên tổng số 42 bài trong đề mục
                          Chuyển nhanh đến:

                          Thống kê hiện tại

                          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                          Kiểu:
                          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9