Tết
hoatraimua2014 18.01.2021 09:55:52 (permalink)

TẾT

" Ba ơi, vì sao tết bây giờ không còn vui và háo hức như tết ngày xưa nữa".

Ba khẽ cười, đôi mắt nhìn xa xăm như hồi tưởng về những tháng ngày xưa ấy. Nụ cười hớn hở lộ rõ trên môi màu trầm, chắc ba đã tìm thấy dấu chân của chính mình trong ngõ đường quá khứ, và soi ngắm lại cuộc đời bằng nỗi thăng trầm qua chiếc gương ấu thơ. Ba đang tưới nước cho vườn cúc, những cây bông hoa vạn thọ sắp sửa nở xòe chuẩn bị cho dịp bán tết chợ hoa. Như năm nào trong mỗi độ tháng chạp, nụ hoa mới nở trong ban mai rét mướt, ba trồng thật ngay hàng thẳng lối trải dài qua hết cả khu vườn. Với bàn tay ba dựng lên một khung cảnh tuyệt đẹp, bằng công sức và mồ hôi ướt đẫm lấm tấm chiếc áo nhàu. Ba làm nghề trồng hoa tết đã 17 năm trời, cũng có nghĩa ba đem sắc xuân đến mọi người, bằng nụ cười, với nỗi mừng mỗi khi hoa bán hết. Nhưng cũng có nhiều năm đôi mắt ba xa xăm tô lên một nỗi buồn, vì quá đêm giao thừa mà hoa còn đầy trên những chiếc xe kéo. Những năm ấy đêm 30, người người êm ấm chuẩn bị đón giao thừa cùng gia đình đầy hạnh phúc ấm áp, nhưng ba còn ngồi đó lặng lẽ đăm chiêu bên góc chợ hoa xuân.

Với câu hỏi của tôi khiến ba phải bồi hồi nhớ rõ những cái tết đã cũ, nhưng nó vẫn còn hương vị thơm ngát trong ký ức từng người. Mùi hương ấy sẽ là vĩnh cửu, chẳng bao giờ tan theo ngõ gió, nó đã xức lên thời gian và mỗi khi nhớ nó sẽ thoang thoảng bay vào tâm trí, làm nồng nàn tái hiện lại dấu tích xưa như dẫn ai về với những tháng năm nào.

- Tại sao con lại hỏi câu đó?

Trên môi của ba vẫn còn giữ nụ cười, tôi đoán chắc nụ cười ấy, 1 là ưng ý với vườn cúc ba trồng và tin rằng năm nay sẽ bán được rất chạy, 2 là câu hỏi này đã đưa ba trở về những cái tết vui nhất mà không bao giờ ba quên được. Tôi nẹp 3 que tre vào cây, dùng dây buộc tròn để làm điểm giữ cho cây cúc không nghiêng ngả. Tôi nâng niu từng cái cành mỏng manh.

- Thì con thấy, hồi đó cứ mỗi lần sắp tết là nôn nao ghê lắm. Sao bây giờ thấy quá đỗi bình thường. Có phải tết thời nay không còn vui nữa không ba.

- Vậy là con lớn rồi đó, lớn rồi thì phải lo đủ thứ chuyện, nên không mấy ham tết như hồi nhỏ mà được mặc quần áo mới, được đi chúc tết, và được tiền mừng tuổi. Lớn rồi thì biết bao nhiêu bộn bề lo toan. Đâu còn hồn nhiên như những tháng ngày bé nhỏ.

- Vậy là tết chỉ vui khi còn nhỏ phải không ba.

- Cũng không phải là như vậy. Thật ra cũng do con người, mùa xuân vẫn thế không có gì thay đổi, có thay đổi là do con người. Là do họ chán tết họ theo lối sống của hiện tại mà quên mất cái giá trị cũ xưa. Cái lối sống lẫn quan điểm của con người khiến tết càng ngày càng nhạt nhẽo đi. Tuổi trẻ hay nói câu " tết nhất gì đâu mà buồn hiu " rõ ràng cho thấy họ cứ muốn đi tìm niềm vui, nhưng họ quên mất niềm vui đó lại là chính trong căn nhà của họ.

- Ba nói vòng vòng, con không hiểu gì cả.

- Tức là không có niềm vui nào bằng sum họp gia đình, họ cứ đi tìm cái niềm vui ở ngoài đường, người người đi tìm thành ra cái nhà vắng tanh chỉ còn lại người lớn tuổi. Người trẻ họ quên mất niềm vui ấy chẳng đâu xa xôi, ở ngay trước mắt họ thôi.

- Hèn gì con thấy tết, họ kéo nhau đi đến các khu du lịch, hoặc đi chơi đâu xa xôi lắm.

- Không có danh lam thắng cảnh nào mà đẹp bằng chính nơi họ sinh ra cả. Cũng không có nơi đâu vui và hạnh phúc bằng mái ấm gia đình. Đó mới là nơi vui mà họ quên tìm, chỉ lo đi tìm ở ngoài kia.

- Thế thì còn những người đi làm xa quê, tết không được về nhà, thì họ có mùa xuân không ba?

- Không có. Vì mùa xuân chỉ đến khi họ thật sự trở về nhà. Tuy là vậy nhưng hãy thương những phận đời trôi nổi mưu sinh nơi đất lạ quê người. Họ không trở về được họ cũng buồn lắm. Có ai lại muốn xuân tha phương bao giờ, nhưng vì hoàn cảnh, mà họ đành phải chấp nhận xa gia đình trong mùa xuân đang về rộn rã tưng bừng khắp quê hương.

Ba ngồi xuống đốt điếu thuốc phì phèo mắt nhìn xa xăm theo những vạt khói. Ba bồi hồi nhớ lại những cái tết đã đi qua trong cuộc đời của mình. Vị tết ấy ngọt ngào như miếng mứt dừa mà tuổi trẻ đã gặm nhấm thèm thuồng, cứ nhớ, khắc khoải nỗi hoài mong.

Thuở ấy nghe tiếng pháo giao thừa, bọn trẻ háo hức mừng vui đến lạ. Mười hai giờ đêm ba còn chưa ngủ cứ nôn mong trời sáng vội vàng đến mùng 1. Ba nhìn nội làm ra những chiếc bánh in trắng tinh với hình thù đẹp mắt từ chiếc khuôn bằng gỗ, cứ đi tới đi lui mà chép miệng trong sự thèm được ăn. Nội nhai trầu đôi môi đỏ thắm, đôi bàn tay khéo léo cho bột vào cái khuôn gỗ, nhìn ba trìu mến.

- Con đi lên trên lấy chiếc áo trắng má mới may hồi sáng, đem xuống đây ủi cho ngay thẳng rồi sáng mai mặc đi chúc Tết ông bà.

Ba nghe nói tới áo mới như quên đi cái thèm thuồng vị ngon của bánh in, vội vã chạy lên chiếc bàn may, mặc vào người trong sự thích thú vui mừng, chạy xuống khoe với nội.

- Đẹp không má?.

- Ừ đẹp lắm, con lột ra rồi lấy cái bàn ủi đem lại đây cho má.

Ba chạy đi lấy cái bàn ủi bằng đồng có hình đầu gà đưa cho nội, nội gắp từng cục than cháy đỏ bên bếp lửa bỏ vào, nội đang ủi áo. Ba cứ nhìn chiếc bánh in rồi lén nội thò tay vào lấy cho vào miệng ăn ngon lành. Nội quát ba.

- Cũng có tật đó, ngày tươi ngày tết để cúng ông cúng bà. Chưa kịp gì mà đã ăn vụng rồi không có sự tôn kính nào. Phép tắc lễ nghĩa con để đâu rồi.

- Tại bánh in má làm ngon quá, con rất ưng cái vị này. Mà ngày thường thì đâu có mà ăn.

- Ngoài ra ngày tết, con còn thèm gì nữa không. Nói má nghe.

- Con thèm, mứt dừa, mứt bí đao, thèo leo, hôm bữa cúng ông Táo 1 mình con ăn hết 2 dĩa luôn.

- Cái nào cúng ông bà xong rồi mới được ăn nghe chưa. Con không được vô lễ. Dù có thèm đến mấy cũng vậy.

- Dạ con biết rồi.

- Con cố gắng chăm chỉ học hành, rồi tết năm sau má làm nhiều mứt, và nhiều bánh in cho con ăn.

- Con không ăn cái bánh in hình chữ nhật bọc kiến đỏ như ở ngoài chợ người ta bán đâu. Con chỉ muốn ăn bánh in má làm bằng cái khuôn gỗ này.

- Ừ, cứ ngoan rồi cúng ông bà xong má cho.

Ba vỗ tay nhún nhảy vui mừng, tiếng cười khúc khích vang vọng trong căn nhà giữa đêm giao thừa. Nội đưa cho ba chiếc áo vừa ủi xong còn nóng hổi.

- Cất đi rồi sáng mặc.

- Con mặc bây giờ luôn.

- Không được, mặc bây giờ nó dơ bẩn rồi sao mai mặc mà đi chúc Tết. Chỉ có một chiếc áo duy nhất.

- Thì con mặc bây giờ đến sáng mai luôn.

- Má nói không nghe, thì sang năm má không làm bánh cho ăn nữa.

Ba đành phải đi lên nhà trên mà cất chiếc áo mới trong sự tiếc nuối vô cùng, gương mặt ba buồn hiu lặng lẽ đi ra trước sân mà mong trời mau mau sáng. Ngoài trời hừng lạnh những chiếc lá mai mà ông nội lặt nằm vương vãi dưới sân, cây mai những cành trơ trụi lá, từng búp nụ đã trổ sắc vàng hoe. Ba nhìn vào cửa sổ thấy bóng nội còn lom khom ngồi đó bên bếp lửa cháy hồng, cặm cụi lo từng miếng ngon cho gia đình và chuẩn bị tết thật chu đáo. Ba chợt nghĩ lại một năm nữa đã đến, và má lại thêm một tuổi mới tóc thêm những sợi trắng càng ngày, má càng xa dần con. Ba thấy thương cái dáng nội làm sao. Mỗi dịp xuân về dẫu có nghèo má vẫn lo đủ đầy trong nhà, từ làm mứt, nấu bánh tét, làm bánh in, ngâm củ kiệu, cà pháo, cải chua, chẳng thiếu một thứ gì. Ba thấy thật hạnh phúc, êm ấm, khi có đôi bàn tay của nội.

Cứ mỗi năm xuân về ba nhớ nội da diết, và những ký ức tuổi thơ lại dạt dào ùa về trong chính căn nhà này. Bây giờ đã khác xa với thời ấy, có thể nói nó thay đổi đến mức không nhận ra những giá trị xưa cũ, nhưng vị tết xưa nó luôn tồn tại trong tiềm thức của ba dưới mái tranh nghèo. Trải qua bao năm tháng nó vẫn còn ở đó như mới hôm nào trong vòng tay yêu dấu của nội. Tết xưa tuy nghèo túng thiếu nhưng chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay than phiền vì bất cứ điều gì, cái gì cũng ngon nhất, sự thèm thuồng luôn nằm trong đôi mắt của những đứa trẻ cháy bừng nỗi khát khao. Tết bây giờ cái gì cũng đủ đầy, nhưng ai cũng ngán ngẩm và chọn lối vui cho riêng mình, chắc có lẽ vì lý do đó mà tết ngày càng nhạt dần đi, không còn đậm đà thắm thiết như ngày xưa nữa.

Ba nhớ chị hai, từ ngày đi lấy chồng, cứ tới tết nhất là vợ chồng con cái đưa nhau đi du lịch mãi qua hết hết mới trở về. Một năm chỉ có 3 ngày thôi, mà chẳng có ngày nào về để đốt cho tổ tiên ông bà cây nhang, mặc ba má cứ chờ mong chờ mỏi mà có chi đâu xa xôi. Chẳng biết ở những khu vui chơi, những địa điểm du lịch nó có gì hơn gia đình mà lại không chịu về sum họp đoàn viên. Cái hạnh phúc lớn nhất của phận làm cha mẹ, không phải là những gói quà to rủng rỉnh từ con cái, cũng không phải là những bao lì xì bên trong với số tiền lớn, mà hạnh phúc của cha mẹ chính là được quay quần bên con cháu, cùng ngồi lại kể nhau nghe một năm vừa qua trong tiếng cười chan hòa với sự thương yêu hạnh phúc dâng trào hiện lên trên gương mặt của các thành viên. Mùa xuân vẫn trẻ không có gì thay đổi, vẫn hoa mai hoa đào nở, vẫn phố chợ đông người thăm hỏi vui mừng câu chúc tết nhau. Nếu khác là do ở con người không còn bận tâm đến những việc ấy nữa. Ba nhìn tôi thì thầm.

- Con có thấy mỗi năm xuân về hoa mai nở rộ khắp quê hương. Ta có thể hiểu rằng : hoa mai chính là gia đình, luôn nở hoa như mở vòng tay đón mùa xuân trở về. Thế tại sao con người lại không so sánh hoa mai và mùa xuân. Nó như chúng ta vậy, làm con người phải nhớ cội nguồn, gốc gác tổ tiên ông bà. Mai sau con lớn phải luôn ghi nhớ " gia đình là chính là nơi để ta tìm về, chẳng có nơi nào vui và yêu thương như chính cái gia đình của mỗi con người sinh ra"

- Dạ con sẽ ghi nhớ.

- Thế thì câu hỏi, tại sao tết bây giờ không còn vui như những tết cũ. Chắc con đã hiểu. Cho đến tận bây giờ ba vẫn không quên được cái vị bánh in của bà nội làm từ cái khuôn gỗ, đó là vị tuổi thơ ngọt lịm trong các dịp xuân về. Mà ngọt cho đến tận bây giờ.

- Dạ con hiểu, ngày xưa nghèo mà vui ba nhỉ. À mà tại sao ba lại chọn nghề trồng hoa tết?

- Đơn giản thôi mà, vì ba muốn góp một phần cho không khí xuân thêm rực rỡ, cho những người thấy chán tết thêm yêu đời hơn, và còn một điều nữa là ba muốn nhà nhà được sung túc an vui, luôn tươi như những cánh hoa mà ba đã đổ mồ hôi để đổi lấy những sắc màu.

Dạ, sau này con sẽ tiếp tục làm người trồng hoa tết như cha để đem sắc xuân đến với mọi người. Và con cũng thích nét đẹp mùa xuân

- Con giỏi lắm. Thôi mình vào nhà thôi con.

Ba cười tươi nhìn quanh vườn cúc của ba trồng, gật đầu khá ưng ý với công sức của mình bỏ ra sau bao năm tháng. Rồi đây vườn cúc này sẽ trổ bông vàng rực, nó có mặt ở khắp mọi nhà trong những dịp tết. Tôi theo cái dáng ba vào nhà, bỏ lại vườn cúc còn ướt đẫm nước, cái nắng chiều loang xuống đỏ hoe ở tít cuối vườn, bầu trời thật hiền hòa, với những cánh én bay về, cơn gió nhẹ nhàng phe phẩy từng luống cúc, tôi nhìn quanh thì thầm " lại một mùa xuân nữa đang trở về trông rất gần ".

Truyện ngắn của Quang Nguyễn


#1
    Ct.Ly 17.02.2021 04:02:01 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9