Tạp ghi - Khác biệt giữa thơ, văn
Khù Khờ 04.06.2021 02:56:47 (permalink)
Khác biệt giữa thơ, văn
 
Thơ văn là hai từ thường đi chung với nhau. Người thích viết văn, đôi khi cũng làm vài câu thơ. Hay ít nhất ở vài đoạn viết, vài câu viết, họ đã để dấu chấm, dấu phẩy mặc tình rong chơi. Dù vô tình hay cố ý, họ đã để những dấu chấm hờ hững ... khoảng trống đủ thoáng giữa đôi chữ ... để người đọc ... rớt hồn mình vào đó. Người thích làm thơ cũng thế. Trong thơ, từ dùng đã được hoá thân thành con chữ. Những con chữ có thể không được o bế như mỹ từ. Lời nói, cách nói thường ngày được thả đầy trong đấy. Ẩn dụ chẳng có gì xa vời, khó hiểu. Đôi chi tiết vụn vặt được moi ra, nhắc đến, tầm thường như cái áo sút vài khuy. Nhiều bài mà người viết bảo là thơ, đã bị xoá vần, xoá vận. Nếu đọc lướt qua, không chú ý đến những dấu ngắt câu mất trật tự, nếu bỏ quên những khoảng trống ... tưởng vô tình, hay sai khuyết ... thì người đọc dễ thấy đó là những bài thơ tồi và những ý tưởng chẳng vào đâu.
 
Mấy năm nay tôi gác bút. Tháng trước, gió tự đổi chiều, tôi tự trở chứng. Có lẽ vì Covid. Bài tạp ghi này là chia sẻ về khác biệt khi văn và thơ đến với tôi.
 
Tôi viết theo suy nghĩ và cảm nhận. Tôi viết, chẳng bao giờ duyệt lại, trước khi gởi. Vì vậy những bài viết của tôi thường có vài lỗi chính tả căn bản hay từ dùng kỳ quặc (do Google tự sửa). Vài ngày sau đọc lại, tôi thấy thật mắc cỡ. Cũng may không bị cho điểm và bắt ở lại lớp! Khi tôi thận trọng hơn. Viết, để vài ngày, đọc lại. Sửa lại vài lỗi chính tả, sửa lại vài chỗ đánh máy sai, sửa lại vài chữ ... vài câu ... vài đoạn. Khi đọc lại lần cuối trước khi gởi đi, tôi thấy toàn những mảnh chấp vá dị hình. Tôi không thấy đúng cảm xúc của tôi lúc đó. Những “sáng tác cầu kỳ” chẳng bao giờ tôi gởi đi. Chúng  đều nằm trong sọt rác hay đã bị xoá  trong laptop, trong phone.
 
Cách đây chừng chục năm, tôi trò chuyện với họa sĩ Vi Vi sau khi xem triển lãm tranh của anh. Tôi bảo hình vẽ của anh trên báo Tuổi Thơ và các sách báo trước 1975, không cần chữ ký, ai cũng biết của Vi Vi. Nhìn những bức tranh lúc nãy, dù có chữ ký của anh, tôi vẫn còn thoáng hồ nghi. Tôi thú thật với anh là tôi không biết chút gì về nghệ thuật. Tôi bảo có lần thầy dạy vẽ của tôi, thầy Nguyễn Thanh Thu tác giả của pho tượng Tiếc Thương, bảo tôi đứng để ông nắn vai, khi tạc tượng cụ Võ Trường Toản. Họa sĩ Vi Vi cũng nắn vai tôi vài cái rồi bảo 
-        Cảm nhận thay đổi theo thời gian. Cách thể hiện của người nghệ sĩ cũng vậy. Họa sĩ cũng sờ vật sắp vẽ, để ước lượng độ cứng mềm mà phết cọ. Khi bắt đầu, bao giờ cũng từ thân thể không vướng bận, rồi thêm từng lớp quần áo.
Tôi hết sức ngạc nhiên về điều này. Họa sĩ Vi Vi lại thêm, khi dạy vẽ, điều đầu tiên anh làm là thâu hết mấy cục gôm. Những người bạn của tôi ngồi cạnh bên, học trò của anh, đều gật đầu. Anh bảo mấy nét khởi đầu của tấm tranh tạo linh hồn cho tấm tranh đó. Chỉ vài phác vẽ của học trò, anh đã thấy tấm tranh quá đẹp. Vài học trò không biết, gôm sửa để tấm tranh mất cả linh hồn. Tôi không nói, chỉ đưa mắt nghe. Anh đọc cho tôi một bài thơ của anh về giọt mưa. Nghe xong tôi cũng chẳng nói câu nào. Tôi với người lấy cái mền, gác trên sô pha, trùm quanh người. Một đêm hè oi bức ở Texas. Trong phòng bao nhiêu người, ồn ào, chỉ có họa sĩ Vi Vi và vợ anh hiểu là tôi cảm nhận được bài thơ. Anh tặng bài thơ đó cho người tình, vợ anh lúc đó (thứ mấy?) để trách giọt mưa đã tạo khoảng cách để hai người bên nhau, không gần nhau hơn.
 
Những ngày cuối đời của bố tôi, cách đây vài năm, tôi thường chăm nom ông. Ông luôn mê man vì thuốc men. Khi tôi mở YouTube trong phone, để ông nghe lại giọng hát của cô Thái Thanh, giọng ngâm thơ của cô Hồ Điệp, ông dần tỉnh lại. Mắt ông mơ màng, theo giòng nhạc lần về quê cũ. Ông nằm thổn thức với trăng sao và đôi cánh bướm bên hàng giậu. Tuy ông đã lẫn vài năm trước đó, có hỏi, ông vẫn còn nhớ tựa của vài bài thơ. Đầu thập niên '70, ông thường xem chương trình Tiếng Tao Đàn, lặng người trước giọng ngâm của cô Hồ Điệp. Mẹ tôi bảo cô Hồ Điệp và cô Thái Thanh là bồ nhí của bố tôi. Tôi tự hỏi, bố tôi có yêu hai người nghệ sĩ trẻ, tài sắc vẹn toàn đến cuối đời? hay ông chỉ rung cảm bởi cách diễn tả thật chân thành và trọn vẹn? Có lẽ ... cả hai. Cả hai cô.
 
Tôi thường đặt bút, viết xuống suy nghĩ của mình vào ban trưa hay buổi chiều. Chuyện âm ỉ đã lâu, hay chuyện bất chợt đập vào quan sát, đều buộc tôi ngồi xuống để viết. Tôi viết như chạy, theo lời thoát ra từ đâu đó, hối thúc. Khi cần thở, tôi chuyển hàng. Thường thì tôi viết xuống những chuyện đã xảy ra, thêm thắt vài tình tiết hư ảo để câu chuyện hấp dẫn hơn. Một bài thơ nào đó, tôi đã viết
“Mơ - mong tưởng những điều chưa xảy đến
Mộng - sắp tuồng thành câu chuyện đáng yêu “
Viết bằng óc, nên lời lẽ “tương đối “ đứng đắn hơn, câu mạch lạc hơn, đoạn văn theo quy củ rõ ràng hơn. Sau khi viết một bài văn, mấy ngón tay của tôi mỏi nhừ. Tôi ít dám ngừng bút, vì sợ khi trở lại thì bài viết sẽ thành đầu mèo, đuôi chó.
 
Thơ ... lúc nào cũng đến với tôi bất chừng. Thơ thường đến vào khoảng đêm, quá nửa đêm, khi đầu óc của tôi mệt mỏi vì làm khuya hay thao thức không ngủ được. Một ly cà phê đen, thật đắng. Một tách trà đậm, thật chát. Một lóng tay rượu mạnh, thật cay. Dư vị ngọt, thơm nơi cuống cổ ... như một nụ hôn, khiến tôi thèm... làm thơ. Tuy không có đối tượng thật, bao giờ tôi cũng thấy đôi mắt đẹp cuốn tôi vào cuộc đối thoại. Tôi đuổi bắt theo cảm xúc bất chừng, không đắn đo, không suy nghĩ. Thơ của tôi lừng khừng, chẳng đầu đuôi. Có lẽ, thơ của tôi, chỉ có tôi đọc, chỉ có tôi hiểu. Nhưng bất cứ lúc nào đọc lại, tôi luôn thấy cùng hình ảnh và âm thanh đã gói trong bài thơ đó. Cảm xúc cũ ở từng dấu ngắt câu... ở từng khoảng trống đưa tôi về ... ước mơ lờ mờ. Thơ giúp tôi bước ngược về thời gian. Thơ giúp tôi cảm thấy trẻ lại. Thơ có tuổi bao giờ. Trong thơ của một số người, ta thường thấy đôi con chữ cũ mèm, đôi hình cũ mèm lấp ló trong nhiều bài thơ. Có phải đó là những gì mà tác giả chưa diễn tả được trọn vẹn, nên mượn âm điệu khác, ghép vào ẩn dụ khác... và “nói” mãi cũng không xong.
 
Đôi khi thơ, như cú đá giò lái, thúc vào tim tôi khi đang lái xe hay đi bộ. Tôi phải tấp xe vào bên lề, hay ngồi bệt xuống chỗ nào đó, vội vã chép xuống âm điệu và phác sơ vài hình ảnh. Đó là những bài thơ không lãng mạng. Thơ có chút vị mặn, đậm tình người.
 
Dù dùng cùng ngòi bút, cùng chạy theo tiếng nói không biết từ đâu, thơ và văn luôn đến với tôi ở giờ giấc khác nhau. Văn tuôn ra từ óc. Thơ trào từ tim. Văn viết xong là dứt. Thơ... níu kéo mãi không buông.

 
Khù Khờ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.06.2021 10:36:33 bởi Khù Khờ >
#1
    Ct.Ly 23.06.2021 00:04:56 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9