NGƯỢC ĐỜI THỜI COVID = truyện ngắn
sen dat 29.10.2021 16:57:36 (permalink)
Các bạn thân mến,
Hôm nay sđ trở lại đây sau một khoảng thời gian câm lặng. Vì sao? Vì dù ở đâu trên trái đất nay chúng ta đều bị ảnh hưởng của covid 19. Một biến cố mà ai ai cũng không thể tránh khỏi . Đây là khoảng thời gian thử thách cho tất cả mọi người. Chúng ta phải đấu tranh về tất cả mọi phương diện tinh thần cũng như vật chất để sống sót. Nói theo một ý nghĩa nào đó covid đồng nghĩa với “ tận thế”. Tận thế không có nghĩa là chết mà là sự chấm dứt một giai đoạn, chấm dứt một cái gì đó đã từng quen, nó làm người ta phải đổi phong cách trong giao tiếp chẳng hạn….covid 19 có thể gọi là “quỷ” vì nó gây chết chóc, chia ly, sợ hãi….
Riêng ở VN chúng ta có tổng cộng bốn giai đoạn giãn cách. Chút nữa nếu không bận bất ngờ sđ dò lại bài viết và sẽ đăng một truyện ngắn như để nhớ lại một khoảng thời gian khó quên trong đời của mỗi chúng ta. Ngay lúc này đây giãn cách thứ tư đang đi qua nhưng vẫn chưa dứt hẳn. Nên sđ sẽ ghi lại cảm nghĩ ở hai đợt giãn cách đầu tiên còn lại thì phải có độ lùi để nhìn lại trước khi ghi nhận. Nếu covid 19 đồng nghĩa với tuyệt vọng sđ muốn thắp những tia lạc quan hy vọng 
 
#1
    sen dat 30.10.2021 00:24:31 (permalink)
    Ngược đời thời COVID =Truyện ngắn
     Tác giả: Nguyễn Minh Trân
    Năm đẩy xe bán chè ra trước hiên, kiểm lại một lượt những thứ lỉnh kỉnh vừa xếp lên. Xong xuôi,  Năm quay vào, ghé qua phòng má trước khi ra khỏi nhà.
    Má nằm chèo queo, quay mặt vào vách, không biết ngủ hay thức. Năm rón rén lại gần, đắp cái mền cho ngay ngắn. 
    Má không quay lại mà hỏi: Năm đi bán đó hả? 
    =Dạ con đi đây má, chín giờ rồi má, hồi khuya con nghe má trở mình hoài giờ ngủ bù cho khỏe khi nào đói có nồi súp nui con vừa nấu xong, con để trên bàn trong bếp, có sẵn cả tô muỗng rồi! Nhớ chống gậy đi cho vững nha má! Con nói vậy thôi chứ chút nữa dọn hàng xong con lại chạy về ngay! Con còn phải lấy thuốc cho má uống và đo huyết áp cho má nữa. 
    =Được rồi mà, khi nào má đói má ăn, cứ đi đi. Hai đứa nhỏ đi học rồi hả Năm?.
    =Dạ hôm nay hai đứa đi học cả ngày, chiều mới về. 
    Năm đẩy xe chè luồn qua con ngõ nhỏ, hai bên là hai dãy nhà trọ của những người lao động nghèo, giờ ai cũng khóa cửa đi kiếm cơm nên con ngõ hẹp im phăng phắc, chỉ có tiếng bánh xe lăn êm. Xe nhỏ gọn nên chỉ vài phút Năm đã ra khỏi ngõ nhà mình.
    Năm quẹo trái, xe lại lăn vào một ngõ khác, đi chừng ba mươi thước lại quẹo phải mở ra một hẻm lớn đủ để xe máy chạy qua chạy lại hai chiều. 
    Năm vội vã đẩy xe đi nép vào một bên cho an toàn, được nửa hẻm Năm cho xe lăn chậm hơn một chút để lấy sức cho đường tiếp theo, rộng hơn, dài hơn mà lại dốc, không bằng phẳng, đang chờ phía trước. 
    Năm dừng lại thở, lấy sức để đẩy xe chè lên con dốc cũng là một hẻm tắt, cuối hẻm tiếp giáp con đường lớn, trung tâm sầm uất.
    Hai tay đẩy mạnh vào thanh inox toàn thân rướn về phía trước, xe từ từ trườn lên. Cứ những lúc như vậy Năm lại nghĩ tới má. Giờ đã khác xưa, không còn quang gánh nồi chè nặng trĩu trên vai, vậy mà cứ tới đoạn này Năm vẫn thấy hụt hơi. 
    Ngoài sự cảm phục người má chồng một mình nuôi năm người con trưởng thành, Năm còn thấy ân hận vì cảm nhận sự chịu thương chịu khó của má quá trễ.  
    Nồi chè của má không những nuôi năm người con ruột mà giờ đây còn là phương tiện nuôi cháu nội và cả Năm, con dâu út của bà. 
     Năm đã từng thi đậu đại học nhưng nhà nghèo quá đành bỏ học, đi xin việc làm, vậy mà đi tới đâu cũng không xin được. Rốt cuộc đến khi về làm dâu vẫn không có công ăn việc làm, chồng đi dạy ở xa, nửa tháng một tháng mới về một lần. 
    Má nói với Năm nếu không kiếm được việc thì cứ  giúp má quán xuyến việc nhà và học nấu chè. Má thủ thỉ khuyên rằng học nghề đi con, trăm mẫu ruộng kề không bằng cái nghề trong tay. Năm chấp nhận ở nhà giúp má nấu chè, đi chợ nấu ăn, lúc đó các anh chị lớn đã ra riêng. Sau đó Năm có bầu sinh con, nuôi con.  Cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Gánh chè của má là nguồn thu nhập chính cho cả nhà chứ không phải lương của chồng Năm! 
    Rồi một chuyện bất ngờ xảy ra khiến cho má đổi phương cách bán chè. Bất ngờ ấy chính là cái xe đẩy nhỏ gọn nhưng lại rất đa năng này. Giờ nó là cứu cánh của gia đình, nó đủ sức vực dậy tinh thần của hai vợ chồng Năm khi má thình lình bị tai biến đột quỵ cách đây hơn nửa năm.
    Năm nhớ rất rõ cái ngày xe chè này hiện diện trong nhà mình.  Lúc dó khoảng ba giờ chiều, Năm đang ru con ngủ thì nghe tiếng động, tiếp đến là tiếng đàn ông  gọi ơi ới ở ngoài. Mở cửa ra, Năm thấy người đàn ông đứng  bên cạnh cái xe đẩy mới toanh.  Năm trố mắt nhìn, chưa kịp biết ất giáp gì người đàn ông đã hỏi: “Đây là nhà bà Tám bán chè phải không?”. 
    Năm gật đầu. 
    = Bà đâu rồi cô?
    = Má tôi bán chè chưa về. Mà chuyện gì vậy anh? 
    Người đàn ông chìa cái thơ cho Năm, rồi chỉ tay vào cái xe đẩy dặn dò: =Cô  thưa với bà cụ là có một người thuê tui  chở cái xe này tới đây cho bà, kèm theo cái thơ này, cô đưa  hộ tui cho bà nha cô. 
    Anh có lầm không?. Xe đẩy chè này của ai chứ má tui làm gì dám đặt làm cái xe đẩy đa năng này, loại kích thước nhỏ gọn,  mẫu dán ghi sẵn thực đơn chè, màu sắc rõ ràng bắt mắt này làm gì có sẵn?.
    Người đàn ông khoát tay lắc đầu đáp: =Tui không biết gì đâu cô. Người ta dặn chở tới đâu thì tui chở tới đó thôi mà! 
    Nói rồi ông ta quầy quả đi thật nhanh biến khỏi ngõ. 
    Năm nghĩ lan man chắc má dành dụm đặt người ta làm.  Sao lạ, bữa nay má tiến bộ ghê, dám bỏ tiền đặt làm xe đẩy  nữa mới ghê chứ, mà cũng phải, má già rồi cái xe này hoá ra còn nhẹ nhàng hơn cái gánh chè má chất trên vai.
    Năm yên tâm đợi má về hỏi rõ xem sao. Khi má về vừa nhìn thấy cái xe đẩy chè, mặt bà cứ đơ ra, mắt chữ A mồm chữ O bà ngạc nhiên đến nỗi không thể thốt nên lời. Đề rõ ràng mọi chuyện Năm xé bức thư đọc cho bà nghe. 
    Đã bốn năm trôi qua, và đã từng đọc đi đọc lại không biết bao lần nên Năm ghi trong đầu những dòng chính trong thư như thể nó đang mở ra trước mắt mình vậy! 
    Thưa bác, khi thấy chiếc xe này hẳn là bác ngạc nhiên lắm!. Xe của ai mà lại đem lộn sang nhà mình?. Thưa bác không phải xe của ai cả, xe của bác đó. Con đặt người ta thiết kế cho bác. Chắc bác lại hỏi con là ai?. 
    Con là một trong những người khách hồi tuần trước sà xuống ăn hết tất cả các loại chè của bác, con có hỏi bác nhà ở đâu, bác nói là bác ở con hẻm thứ ba sau trường tiểu học này nè. Có thể là bác không nhớ nỗi khách nhưng con thì nhớ bác. Bốn mươi năm rồi còn gì!. Hồi đó con là cậu bé chiều nào cũng đợi tiếng rao chè của bác đi qua để xin tiền mẹ mua cho bằng được một thứ chè. Con định cư ở nước ngoài, bây giờ có dịp về lại quê hương, con thấy mọi thứ đã đổi khác, cả tên đường cũng không còn như cũ, nhiều khi con đi giữa nơi mình sinh ra mà sao thấy lạc lõng quá!. Con cũng được anh em bà con đưa đi ăn những quán chè ngon nổi tiếng, hương vị cũng không khác gì mấy những quán chè con đã từng ăn ở xứ người. Con vẫn cảm thấy ấm ức quay quắt,  vẫn thiếu thiếu cái gì hoặc thừa cái gì đó trong các chén chè. Thế rồi một buổi trưa không ngủ được con đi lang thang qua các con đường về thăm lại ngôi trường xưa. Trường vào giờ nghỉ nên vắng lặng, trường  đã đổi tên, đã được nâng cấp, con bồi hồi đứng lặng nghẹn ngào không thốt nên lời nghe như văng vẳng đâu đó  lời ca ngày nào cả lớp hay  hát : “ Bao tháng ngày xa vắng trôi, còn đâu nếp trường xưa.....say ngắm từng gian lớp xinh lòng xao xuyến tình thơ....” . Giữa những cảm xúc ngổn ngang đó con bỗng nghe tiếng rao quen quen vang lên. Giọng rao của hơn bốn mươi năm trước, giọng có yếu, ngắn hơn không ngân dài được nhưng con đã nhận ra. Con nhìn quanh quất, lần mò theo tiếng rao và con đã tìm ra bác đang dừng gánh, bán chè cho khách. Con sà xuống ăn tại chỗ còn mua mang về. Những miếng sương sáo, sương sa ướp lạnh, những sợi bánh lọt dai dai, hạt lựu màu đỏ cứ tung tăng lên xuống theo từng nhịp khuấy, rồi vị nước cốt dừa vừa độ để cảm nhận đủ cái beo béo nhưng không ngấy,mùi lá dứa thoang thoảng tất cả như tan ra trong miệng, làm cho sự bức bối của cái nắng gay gắt dịu lại, ăn tới đâu mát rượi tới đó, nó ngon gì đâu á! lòng con tràn ngập sự hả hê thỏa mãn. Bác ơi chính bác đã cho con trở lại khung trời tuổi thơ mà con tưởng đã vĩnh viễn mất đi. Chính con mới phải cảm ơn bác. Bốn mươi năm hơn, tóc bác đã  bạc nhiều, da nhăn lưng còng, dáng đi không còn thoăn thoắt. Mọi điều đã đổi thay, con và bác cũng đã già theo năm tháng nhưng những chén chè của bác thì vẫn hương vị xưa. Con về nhà suy nghĩ mãi và quyết định tặng bác chiếc xe đẩy chè. Con đặt thợ làm sao cho nhỏ gọn nhưng thuận tiện nhất  cho bác. Bánh xe nhỏ nhưng chịu lực tốt để bác có thể xoay trở dễ dàng ở chốn đông người hoặc đi đến bất cứ ngóc ngách nào mà không hao sức lực, xe nhỏ nhưng đa năng, có đầy đủ các ngăn, kệ, giá hai bên, kèm theo cái tủ kính nhỏ nhẹ phía trên.... mai con đi rồi, bác nhận xe đẩy này bác nhé!” .... 
    Những dòng thư hồi tưởng vụt biến mất khi Năm chợt nhận ra là xe đã lên đến đầu hẻm, phía trước phố xá nhộn nhịp, lưu lượng xe qua lại rất lớn.
    Năm thở phào nhẹ nhõm, kéo xe dựa vào hông một căn nhà sát hẻm. Hẻm này chính là khoảng bị đứt ngang chia dãy phố liền kề ra làm hai đoạn. Cũng may có chiếc xe đẩy này, giờ Năm mới tiếp nối việc bán chè của má được. Chiếc xe hình đáng lạ, nhiều màu sắc, nhìn vui mắt, dân trong phố qua lại thường nhìn ngắm xuýt xoa. Xe chè nép cố định trong hẻm không phải đi loanh quanh mà vẫn đắt khách. Cái nhà phố sát hẻm  còn cho má để nhờ mấy cái bàn và chồng ghế nhựa, cái xô cái chổi, khỏi phải khuân đi khuân về mất công. 
    Đang lúi húi sắp bàn ghế, sửa soạn  hàng để bán bỗng Năm nghe có tiếng gọi: Năm ơi, cho chị một ly sương sa hạt lựu đi , nhanh nhanh lên, bực mình ghê muốn bốc hỏa lên đầu luôn vậy đó.
    Quay lại Năm reo lên: A, chào cô, có liền, có liền!
    Miệng nói trong đầu Năm mừng thầm, cô chủ mở hàng, hôm nay chắc mình bán hết sớm.
    Vừa múc chè, Năm vừa lén quan sát khách hàng. Sao hôm nay trông cô chủ bực mình quạu cọ, mặt đỏ phừng phừng, hai mắt như muốn toé lửa. Năm múc nhanh một ly sương sa trịnh trọng đặt trước mặt khách nhẹ nhàng: “mời cô ”.
    Cô chủ chụp cái ly khuấy loạn xạ, ghé miệng tợp vội vài miếng rồi đặt ly xuống, mắt nhìn đâu đâu thỉnh thoảng hai hàng lông mày nhíu lại.
    Năm nghĩ trong bụng, chắc cô chủ gặp chuyện gì chứ thường ngày ánh mắt  sáng rỡ, thần thái đầy tự tin chứ không mất bình tĩnh như hôm nay. Xinh đẹp, vui tính mà lại rất giàu. Một đại gia cự phách, nghe phong phanh là vậy.  Năm thầm ngưỡng mộ cô. Thật ra tuổi cô chắc cũng không hơn Năm là bao, cô xưng chị với Năm nhưng Năm vẫn kêu“cô “và xưng “em” để tỏ lòng kính trọng. “Cô chủ”là từ dân ở phố này gọi cô, ý nói cô chủ của cái mặt bằng lộng lẫy đang cho người ta thuê bán cà phê và trà sữa.
    Tiếng điện thoại đi động chợt reo. Cô chủ vội mở túi xách rút điện thoại  ra.
    Áp sát mặt vào điện thoại cô chủ lạnh lùng gằn giọng: = Tui nói cho anh biết nha! Nếu anh không bằng lòng với hợp đồng thuê mặt bằng của tui thì chấm dứt ngay. Còn một tuần nữa hết hợp đồng cũ tui với anh phải ra công chứng trước ba ngày, sao anh cứ tránh mặt tui vậy? Anh đi đâu mà để cửa hàng cho nhân viên coi? Tui vào không thấy anh nên đang ngồi ở xe chè đẩy trong hẻm đây!
    Im lặng vài giây lắng nghe, cô chủ bất thình lình đập tay xuống bàn lớn tiếng: =Anh nói lạ! Anh trang hoàng mặt bằng cho đẹp là chuyện của anh, nó phục vụ cho tiệm cà phê trà sữa của anh chứ nó dính dáng gì đến tui mà tui phải giảm giá phải thông cảm cho anh?. Mặt bằng của tui, xin lỗi anh nha, có hàng tá đang đứng chờ anh chấm dứt để họ thuê đó, họ bằng lòng thuê với giá cao hơn đó. Đây là lý do tui phải đẩy giá cho thuê lên ba mươi phần trăm ! Đừng có mà than van tốn tiền này nọ với tui. Sao? Giờ trả lời đi!
    Một vài giây im lặng lắng nghe cuối cùng cô chủ dịu giọng buông một câu: Được rồi, tui cho anh nửa tháng, không trễ một ngày nào nữa đâu nha!
    Cô chủ tắt điện thoại, cơ mặt giãn theo làn môi cười, cô quay sang Năm nói: =Em gói cho chị mỗi thứ một bịch đi em. Chắc nãy giờ em cũng nghe. Muốn thuê mặt bằng ngon lành thuận tiện mà cư đòi giảm giá. Lúc nào gặp cũng than vãn ỉ ôi. Nó thừa biết nó chưa buông đã có người muốn nhảy vào rồi! 
    Hất hàm sang cửa hàng cà phê trà sữa sáng choang  bên đường, khách đang vô ra nườm nượp cô chủ nói: Đó , em coi cái mặt bằng như vậy, hỏi có mặt bằng  nào hơn trong khu phố này nữa không ?
    Năm gật gật: =Đúng đó cô! Ai cũng nói mặt bằng của cô là mặt bằng “hoa khôi “ đó! . Ai thuê được thì chỉ có phất lên thôi!
    Mặt cô chủ rạng rỡ hẳn sau câu nói của Năm. 
    =Em nói đúng, đi khắp dãy phố này không chỗ nào có mặt bằng như của chị. Chị nói thiệt với em, với cái trình độ pha cà phê và trà sữa như bên đó, đi thuê chỗ khác có mà ế mem!. Một ly cà phê, ly trà sữa đắt gấp năm lần chỗ khác vẫn có nhiều khách tới. Ăn thua là địa điểm mặt bằng chứ gì nữa. Đó là chưa kể cái sân trước rộng, còn cho một xe bánh mì thuê lại một góc nữa. Lời từ trong ra ngoài mà còn keo kiệt không muốn trả. Kỳ này không chịu trả tiền thuê giá mới thì đừng có mà mơ!
    Cái câu “đừng có mà mơ” kéo dài ra, tuy nói người khác nhưng tự nhiên Năm thấy nhồn nhột.
    May sao lúc đó có hai người khách tới, Năm cũng vừa gói xong mấy bịch chè. Cô chủ trả tiền rồi đứng dậy giơ tay vẫy chào Năm, nhanh chóng băng qua đường. 
    Năm nhìn theo. Váy lụa phất phơ, giày thể thao sneaker mạnh mẽ khiến cho dáng cô tuy uyển chuyển thướt tha nhưng vẫn tự nhiên chắc chắn, ui chao duyên dáng quá!
    Cô chủ dừng lại trước tiệm cà phê và trà sữa cũng là nơi chiếc xe hơi bóng láng đang chờ. Cô bước lên xe,dập cửa thật dứt khoát, rồ máy phóng đi.
    Nghĩ lại những từ cuối hồi nãy cô chủ nói “ Đừng có mà mơ!”, Năm lại nhớ về giấc mơ của mình cách đây hơn một tháng, hai má nóng bừng  rồi tự trách, tự nhủ: “Năm ơi! Sao mày mơ điên rồ vậy hả Năm ?......Mơ thôi mà!......Quên đi mắc cỡ quá!”.
    Hơn một tuần sau, lệnh giãn cách xã hội được áp dụng. 
    Đại dịch đến nhanh quá, nhiều người trở tay không kịp. Những dự án nằm lại trên giấy. Những thành quả sắp đạt được tan thành mây khói. Những hy vọng nhen nhúm ấp ủ trong lòng chợt tắt ngúm. 
    Có những người ngày thường đối với ta thân thiết gần gũi nếu không nói là yêu thương vô cùng, tưởng không thể rời được bỗng nhiên trở nên đáng sợ, phải cách ly...
    Những bông hoa đang độ tươi thắm mơn mởn nhất, lẽ ra sẽ được ngự ở  những nơi trang trọng lộng lẫy, sẽ được nâng niu, hay ít ra cũng sẽ được lọt vào tầm nhìn của ai đó, được chụp hình đưa lên mạng để thiên hạ tấm tắc xuýt xoa, và nét thanh xuân của hoa sẽ lưu mãi không phai, thế nhưng biết bao hoa đẹp đã không bao giờ được sự hân hạnh may mắn đó, phần lớn lặng lẽ úa tàn trên những cánh đồng không ai đoái hoài. 
    Những vườn rau, trái cây vừa đến mùa thu hoạch ước tính sẽ thu lợi bộn, vậy mà đã bị chất đống đến thối rữa chờ làm phân bón.
    Chỉ tại vì cô Vy ( COVID)
    Con đường sầm uất nhất khu phố giờ lặng lẽ khác thường, các cửa hàng đóng im ỉm, đêm đêm có việc phải đi qua Năm không khỏi có cảm giác rờn rợn. Cái cửa cuốn “mặt bằng  hoa khôi”  của cô chủ đã hạ xuống từ bao giờ. Chính giữa cửa dán một tờ giấy trắng ghi: Mặt bằng cho thuê giảm giá 30% liên hệ số ĐT...
    Đợt giãn cách xã hội lần một đi qua, nhưng các cửa hàng ở những con đường chính vẫn ế ẩm, mặt bằng hoa khôi của cô chủ cũng như phần lớn các cửa hàng ở trung tâm vẫn không thể mở cửa trở lại. Cái xe đẩy chè của Năm phát huy khả năng tối đa. Bán trong hẻm không hết Năm đẩy xe đi quanh quanh khắp phố và rồi mức thu nhập không hề suy giảm.
    Đợt giãn cách lần hai trôi đi, tình hình càng ảm đạm. Giờ Năm chỉ còn nhìn thấy những ánh mắt lo lắng hoang mang, hoặc những cái nhìn tuyệt vọng, những tiếng thở dài sườn sượt sau  chiếc khẩu trang. Thị trường hơi nhúc nhích, nhưng chỉ cần vài ca dương tính được loan báo trên đài, mọi thứ lại đóng băng bất động.
    Mặt bằng hoa khôi của cô chủ đã thay một tờ giấy mới ghi: CHO THUÊ, giảm 50% liên hệ số ĐT.....
    Thế nhưng chưa được vài ngày sau khi trưng lên nó đã mau chóng bị lẫn vào những tờ giấy khác, rộng hơn, dài hơn, giăng ngang giăng dọc, thậm chí không đủ chỗ còn dán chồng chéo lên nhau với những dòng quảng cáo đủ mọi thứ trên đời: “Nhà bán”, “Đất nền bán”,”Alô có ngay “( vay tiền xã hội đen), “Bánh xèo giá rẻ sốc” với cái mũi tên chỉ đừơng vào sâu 20 mét, kèm số ĐT liên hệ. Nói chung là phút chốc cái cửa cuốn mặt tiền của cô chủ nhìn giống như khuôn mặt  bị băm nát,  phải băng bó kín mít.
    Đã vậy buổi sáng, sân trước của nơi này biến thành cái chợ nhỏ cho những gánh hàng bán chớp nhoáng, các bà,các cô, các chị, sau khi đi tập thể dục buổi sáng tiện đường xẹt qua mua mớ rau, miếng thịt .....
    Khi chợ tan khoảng bảy giờ, mặt bằng hoa khôi của cô chủ biến thành bãi rác, nhiều khi phải đến trưa nhân viên vệ sinh mới tới quét, và rồi chiều tối hàng quà rong lại tụ tập, lại rác rến, tối khuya lại quét và sớm mai lại họp chợ....
    Một hôm khi đẩy xe chè lên đến đầu hẻm, nhìn qua mặt bằng hoa khôi, thấy một tấm biển quảng cáo nghiễm nhiên đè lên tờ giấy của cô chủ.  Năm không thể chịu thêm được nữa, nên dù chả ai khiến, Năm cũng vớ ngay cái chổi, đồ hốt rác, kèm theo một cái ghế nhựa chạy sang đường. Trước hết là trèo lên ghế, xé tất cả những tấm quảng cáo, chỉ còn để lại tờ giấy của cô chủ mà thôi! Tiếp đến Năm quơ chổi quét  lia lịa, hốt rác rến vào hai cái túi ni lông, để  vào một góc sẵn sàng chờ xe rác đi qua. 
    Thế rồi vào một buổi sáng khi vừa quét xong rác, Năm nghe có người gọi: Năm ơi, qua đây đi!
    Năm nhìn qua, và thấy cô chủ đang đứng bên cạnh xe máy tay ga  đậu trong hẻm gần xe chè. 
    Suốt mùa COVID không gặp, giờ thấy cô, Năm cũng mừng chứ! 
    Năm chạy qua, giọng Năm đứt đoạn hổn hển sau chiếc khẩu trang: “ Cô ơi, em thấy ngứa mắt quá chịu không thấu! Dưới thì ứ bừa rác, trên thì be bét giấy dán, khiếp quá cô ơi!”
    Giọng cô chủ nhẹ nhàng qua chiếc khẩu trang: = Cám ơn em nghen! Giờ chị có điều này muốn bàn với em đây!. Chị sẽ cho em thuê lại mặt bằng này của chị, em đã có sẵn nghề nấu chè, chè em ngon cả khu phố này đều biết, chị cũng không ngoại lệ. Lúc còn tiệm cà phê và trà sữa bên đó chị cũng vẫn qua đây mua. Chị nghĩ em dư sức đảm đương phát triển mở rộng nghề bán chè khi thuê mặt bằng của chị...
    Nghe tới đây Năm trợn mắt lên , lưỡi líu lại rồi lắp bắp: =Em hả cô? Em mà mướn nổi mặt bằng bên kia của cô sao?. Cô ơi dù cho cô giảm năm mươi phần trăm hay giảm hơn nữa thì phận em cũng không với tới đâu ạ!
    Đúng là trước thời COVID, Năm có nằm mơ thấy mình bán trà sữa và chè Thái trong cái mặt bằng hoa khôi và em gái Năm đang thất nghiệp thì tiếp quản cái xe chè của Năm bán ở phía ngoài, chỗ cái xe bánh mì. Mà sao trong mơ hai chị em bán đắt khách lắm!. Mơ rồi, dậy vẫn còn đê mê, đã quá! đã quá! 
    Nhưng đó là mơ, biết mình với không tới mới mơ, và vì mơ nên đâu dám kể cho ai nghe.
    Giọng cô chủ ôn tồn qua lớp khẩu trang: =Năm cứ nghe chị nói hết đã! Em sẽ không mất gì khi thuê lại mặt bằng của chị!. Chị nghĩ cái xe chè này phải là nguồn thu nhập chính của gia đình em. Nếu em có mặt bằng lớn hơn, thu nhập sẽ cao hơn, nếu em tiếp tục bán thêm trà sữa nữa thì số khách không phải ít đâu! Mà em nên nhớ điều này nha, một khách sang khi vào ngồi trong cái mặt bằng kia sẽ chịu chi gấp năm đến mười lần khách trong hẻm hay vỉa hè mà thực chất tính vốn mỗi ly chè cũng như nhau. Đó là chưa kể nơi chủ trước cho cái xe bánh mì thuê lại bây giò em có thể thay bằng cái xe chè nhí này để phục vụ khách cũ, giả rẻ mà vẫn đảm bảo thu nhập không bị thất thu, không mất khách quen khi bước đầu chuyển hướng.
    Vừa lắng nghe cô chủ, Năm vừa nghĩ thầm: ui,  sao cô chủ cứ như nhìn vào ruột gan tim óc mình vậy! . 
    =Nhưng mà cô ơi! Cái quan trọng bước đầu để em khởi nghiệp là vốn và tiền cọc thì chưa có, lấy đâu mà làm hợp đồng?
    =Vốn mua bàn ghế hả?. Em khỏi lo, chủ trước không trả tiền chị tháng cuối cùng,vi phạm hợp đồng nên không thể lấy bất cứ thứ gì ra khỏi mặt bằng của chị. Em đến sau cứ việc sử dụng không vấn đề gì, khỏi mất công chị đem đi thanh lý. Còn tiền cọc thì em đã trả chị rồi!.
    = Ủa trả hồi nào? Sao kỳ vậy?
    Cô chủ lấy tay chỉnh lại khẩu trang, đôi mắt cô lộ hẳn, cô nhìn thẳng vào mắt Năm giọng rõ ràng chắc chắn : = Em trả rồi! Em đã đặt cọc vào lòng tin của chị đã hơn tuần nay. Chị đã âm thầm theo dõi em dọn dẹp mặt bằng của chị chỉ vì thấy “ chướng mắt” quá! . Chị đi xe máy nên em không nhìn thấy đó. Không những không cần “ cọc tiền” , chị sẽ cho em thuê không lấy tiền cho đến khi dịch COVID hết hoàn toàn. Bù lại em kinh doanh nhân thể coi sóc mặt bằng cho chị. Vậy thôi! . Các nước đã bắt đầu tiêm chủng. Hàng không đang cấp tập tăng tải. Du lịch nội địa đang khởi sắc. Bây giò nước mình chỉ cô lập từng khu riêng rẽ khi có ca nhiễm mới...
    Năm xúc động bất ngờ quá không nói nên lời, cứ ngồi đần mặt ra.  Đôi mắt cô chủ không rực sáng kiêu kỳ như trước thời COVID, nhưng cũng không hoang mang thất vọng như những ánh mắt thường thấy sau đợt giãn cách xã hội. Đôi mắt đằm hơn, khiến ánh nhìn khó hiểu. 
    Năm lên tiếng: = Cô à, giờ em mới nói thiệt với cô nha! Em đã từng mơ mình có một mặt bằng để không những bán chè, mà còn bán trà sữa và chè Thái, đây là những món hút khách trẻ, mà em lại nấu ngon, em nấu mấy lần ở nhà, má chồng em khen lắm! Bả truyền nghề bán chè cho em đó! Với lại có mặt bằng thì sẽ giúp được hai bên nội ngoại, hậu COVID nhiều người thất nghiệp! Em không cần mướn thêm nhân viên đâu ! Em cám ơn cô nhiều, nếu kinh doanh tốt em sẽ trả tiền thuê cho cô như người ta. COVID khủng khiếp quá cô ha!
    =Nó như cơn sóng thần, quét sạch tất cả trên đường nó đi qua,  nhưng nhờ nó chị ngộ ra nhiều điều. Chị hiểu nhân tình thế thái hơn. Và chị cũng nhìn ra em!. Bạn bè chị nhiều người không vượt qua con sóng  này. Thay đổi nhanh quá! Những điều trông thấy mà đau đớn lòng! Em cũng đừng thắc mắc tại sao chị lại dễ dàng với em như vậy ! Chị là người làm ăn lớn. COVID đến, chị như người bị kẹt trong hỏa hoạn, thay vì cứ nhắm vào đường chính cửa rộng mà  đi để chết chùm cả lũ, chị tìm một lối hẹp, một cửa thoát hiểm nhỏ, chị nói ít em hiểu nhiều nha! Chút em qua gỡ tờ giấy xuống dùm chị, rồi chiều, hai chị em mình ra công chứng để làm hợp đồng, khỏi sợ chị nổi hứng đòi lại mặt bằng bất ngờ!
    Hai ngày sau.
    Xe chè ngoi lên tới đầu hẻm không đừng lại, không nép mình như mọi khi mà băng băng qua đường. Năm cho xe đứng lại trước mặt bằng hoa khôi lẩm bẩm : = Vậy là khỏe, không phải ì ạch leo dốc nữa. Từ nay nấu chè, bán chè tại chỗ. Tất nhiên quản lý một mặt bằng bề thế như vầy không dễ, còn mệt hơn leo dốc nhiều!. Nhưng đây là giấc mơ của mình mà!. Thôi kệ, tới đâu hay đó gắng lấy hơi mà “vượt dốc”! 
     Trong khi đợi người thân tới giúp dọn dẹp sắp đặt lại, Năm phải là người đầu tiên tận hưởng những phút giây hạnh phúc kỳ điệu này. 
    Năm rút rờ -mốt (remote) bấm điều khiển theo lời cô chủ chỉ bảo. Cửa cuốn từ từ được kéo lên. Mặt bằng trong mơ đang dần hiện ral
    Năm bước vào, không khí bên ngoài ùa theo. Năm đưa mắt quét nhanh, xem xét mọi ngóc ngách. Nhịp tim rộn rã. Mọi thứ quá đẹp không cần dọn dẹp sắp xếp nhiều. 
    Bỗng ánh mắt Năm dán vào một vật  bị rơi, úp chúi vào góc tối. Năm lượm lên,nhận ra đó là cái chậu nhỏ  có  cành hoa hướng dương với hai  lá xanh hai bên. Đây là loại đồ chơi trang trí sử dụng năng lượng mặt trời. 
    Năm đặt chậu hoa lên quầy, nơi có ánh nắng chiếu vào. Đang bất động đột nhiên hoa bừng tỉnh, lắc lư nhún nhảy, nhìn cứ như nó đang vui lắm vậy!. Ngộ quá! 
    Năm khựng lại, hơi nghiêng tai. Có gì trong trẻo đang buông rơi?. Năm ngước nhìn. Chùm chuông gió lơ lửng trên không. Năm gỡ khẩu trang ra. Nghe tiếng cười bật lên chạm vào tiếng leng keng, lan tỏa khắp phòng. Trong ánh mai,  hướng dương vàng rực, lấp lánh, hai chiếc lá nhịp lên nhịp xuống như sắp vươn cánh bay.
     
    #2
      Ct.Ly 01.12.2021 04:32:11 (permalink)
      #3
        sen dat 05.12.2021 18:54:00 (permalink)
        Thật ra kết thúc một giai đoạn không có nghĩa một năm hai năm mà sđ muốn nói đến thời gian người ta thử nghiệm vaccin thật sự có hiệu quả, còn bây giờ thì chỉ có thể nói vaccin dùng trong trường hợp khẩn cấp, chứng minh là có người chích hai mũi vẫn bị lây và gần đây là biến thể mới omicron. Trong y học để vaccin có hiệu quả thật sự thì phải có thời gian, nhiều khi kéo dài năm năm, nhưng cũng phải công nhận các nhà khoa học rất giỏi, cũng nhanh rồi, nhưng mỗi khi có dịch thì mức tàn phá là rất lớn, đó là chưa kể nhưng tác hại về kinh tế và tinh thần có thể kéo dài hàng thập niên. Một giai đoạn về covid  có thể là như thế đó. Nói chung bây giờ thân ai nấy lo, lo tiêm chủng, lo đeo khẩu trang dù là đã tiêm hai mũi, rủa tay thường xuyên. Ly biết không hồi bệnh lỵ dịch tả ở các nước kém phát triển hoành hành không sao giảm được, sau đó liên hiệp quốc có những chương trình giúp nguòi dân hiểu ra là phải rủa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, chỉ vậy thôi dịch tả kiết lỵ ở những nước này giảm đáng kể. Nghe nói tổng thống Emmanuel Macron của Phâp cảnh báo một đợt giãn cách thứ năm sẽ được áp dụng ở Pháp phải không? Chúc Ly và gia đình luôn bình an và hưởng một mùa giáng sinh và một năm mới tràn đầy niềm vui và may mắn. 
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.12.2021 18:59:59 bởi sen dat >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9