XUÂN MUỘN
Cửu Long 19.01.2022 00:47:51 (permalink)
XUÂN MUỘN
Cửu Long
Tiếp theo chuyện Xuân Xưa, cùng tác giả.

Đêm qua Ông Vĩnh cứ trằn trọc, lăn qua, trở lại mà không tài nào chợp mắt được. Vừa nói chuyện xong với Út Lan, ông đã vào phòng chuẩn bị hành trang để sáng mai, ngày mồng một Tết sẽ xuất hành đến thăm người ông đã yêu thương nhưng đánh mất suốt hơn 40 năm qua. Vĩnh nhớ từng đốt ngón tay xinh xắn của Út Lan khi hai người siết chặc tay nhau trước khi rời Lai Khê trở lại đơn vị sau một tháng dưỡng thương tại quân y 5 ở Lai Khê. Nhớ cả nốt ruồi nằm giửa ngực Lan khi lần đầu hai người ân ái đêm giao thừa ở Phú Giáo. Rồi những “phải chi hồi đó mình …” liên tục hiện ra trong suy nghĩ làm Vĩnh cứ trằn trọc, hối tiếc, rồi lại “phải chi …”

Theo chỉ dẩn của GPS, Ông Vĩnh lấy hướng Nam của I-87. Ông lái chừng 16 miles thì đổi qua hướng Đông của I-90. Ông vừa lái xe vừa nhớ lại ngày xưa khi còn ở Lai Khê rồi tự mĩm cười một mình. Ông gài dỉa CD vào máy, bấm nút “play”, giọng hát nhè nhẹ từ từ đưa ông về quá khứ.

“Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong, ơi chiều
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều …”



Vĩnh leo lên chiếc Dodge 4 của phòng 1 sư đoàn cùng với 3 ông chuẩn úy mới ra trường được bổ xung về trung đoàn 9. Rời bộ tư lịnh sư đoàn, xe rẽ phải chạy về hướng Nam chừng 500 mét thì quẹo trái vào con đường đất đỏ chỉ rộng vừa đủ một chiếc xe GMC, đi về hướng Đông từ quốc lộ 13. Tháng chín, mùa mưa, nhưng bụi đỏ vẫn bay mù trời, bụi cuốn theo chiếc xe chở 4 người lính mới ra trường đang thực sự dấn thân vào cuộc chiến. Mới tháng trước đây, những người sĩ quan trẻ nầy đã quì trước Vũ Đình Trường tuyên thệ “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm”. Vĩnh thầm lo tuy với trách nhiệm của một sĩ quan cấp bật thấp nhất, nắm chức vụ nhỏ nhất thì anh có hoàn thành được hay không. Sau 9 tháng quân trường, Vĩnh đã tích lũy được những kiến thức cần thiết cho người trung đội trưởng. Anh nghe được những kinh nghiệm xương máu của người huynh trưởng đi trước trở về trường mẹ kể lại cho những khóa đàn em với hi vọng tiết kiệm xương máu cho người đi sau. Với những trang vỡ ghi chép tất cả những gì anh học được nhưng liệu có sử dụng được hay không? Đang còn trong những suy tư thì xe dừng lại truốc cổng trung đoàn 9 nằm giữa vườn cao su già cỗi, cong queo như bị còng lưng theo năm tháng khổ nhọc.

Sau thủ tục giấy tờ cần thiết, Vĩnh được cho về tiểu đoàn 1/9. Vác ba lô đến hậu cứ tiểu đoàn thì được biết phải chờ vài ngày khi có chuyến tiếp tế để Vĩnh ra trình diện tiểu đoàn trưởng đang hành quân bên Phú Giáo. Anh xin phép vị sĩ quan ban 1 đi ra chợ Bến Cát. Từ hậu cứ tiểu đoàn anh phải lội bộ gần cây số, băng ngang vườn cao su ra quốc lộ 13, rẽ trái đi về hương Nam chừng 5 cây số đến chợ Bến Cát. Mới 8 giờ sáng những ngày cuối tháng chín trời vẫn còn âm u mây mù. Hơi ẩm từ cơn mưa đêm qua còn đọng lại làm không khí đặc sệt, khó thở. Đang đi trên quốc lộ 13 thì nghe giọng nói quen quen từ sau:
-Ông thầy chưa ra đơn vị sao?
-Chào anh Dưỡng, tui được về tiểu đoàn 1/9 nhưng phải chờ tháp tùng chuyến tiếp tế để gặp ông tiểu đoàn trưỡng đang hành quân bên Phú Giáo.
-Thôi lên xe đi, tui chở “ga” Bến Cát cho ông biết.
-Anh rảnh không? Mình làm vài chai bia đi, tui bao anh.
-Được, được ông thầy. Sáng nay tui được miễn gác nên sẽ uống với ông thầy vài chai cho vui.

Vĩnh nhờ Dưỡng đưa đến tiệm vãi. Anh mua một xấp vãi màu hồng và một xấp lãnh mỹ a đen. Anh nhờ họ gói cẩn thận xong cả hai đi vào quán bán thức ăn kế bên. Vĩnh gọi một tô cháo lòng, và chia bia 33:
-Quán nầy ăn được lắm nhe ông thầy. Chủ quán là ông “đại quí” an ninh quân đội chi khu Bến Cát đó.
-Chắc không bao giờ bị lính phá vì biết chủ là đại úy mà còn làm bên an ninh quân đội.
-“Hong” đâu ông thầy! Lâu lâu mấy ông bên đại đội “chinh xát” 5 về dưỡng quân “ga” đây nhậu hay chọc phá vì biết ông chủ làm việc văn phòng chứ “hong” phải dân tác chiến.
-Rồi chủ quán xử sự ra sao?
-Ổng chỉ xuống nước nói ngọt cho đám “chinh xát” đi cho êm chứ làm tới họ càng phá nhiều hơn.
-Thôi bỏ chuyện đó đi. Anh Dưỡng có mấy cháu rồi?
-Tui có ba đứa ông thầy, hai “chai một gái”. Tụi nó ở dưới Lái Thiêu với bên vợ tui. Chỉ có vợ chồng tui ở Lai Khê lâu lâu xin phép về thăm tụi nhỏ vài ngày. Chỉ chừng 1 tiếng đi Honda là tới thôi.

Uống cạn ly bia Vĩnh lên tiếng
-Anh Dưỡng làm ơn cho tui về khu câu lạc bộ sĩ quan sư đoàn nhe.
-Da để tui đưa ông đi, tui còn về ngủ một giấc để “phia nay” có phiên gát nữa.

Vĩnh nhét vào túi Dưỡng ít tiền mà người lính chạy xe ôm không chịu nhận nhưng anh đã nhanh nhẹn bước đi xa.
-Nhờ anh đưa cho chị mua ít quà bánh cho mấy đửa nhỏ dùm tôi.

Vĩnh thở dài, tội nghiệp cho thân phận người phụ nữ Viêt Nam. Người vợ lính lúc nào cũng phải hy sinh cho gia đình, con cái. Hàng đêm nghe tiếng súng từ cõi xa xăm nào đó là mất ngủ, lo sợ cho chồng đang ở tuyến đầu. Từng giây từng phút họ sống trong phập phòng lo sợ. Sợ cái gì cũng không rõ nhưng vẫn cứ sợ, cứ lo cho dù họ không thể làm được những gì ngoài tầm tay quá nhỏ bé của họ. Cuộc chiến chẵng những lấy mất người thân mà còn cướp đi những hạnh phúc trong tầm tay của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Người vợ lính phải tảo tần buôn bán, lấy công sức bù đấp vào đồng lương chết đói chỉ đủ nuôi gia đình được vài tuần, nửa tháng là cạn sạch. Họ phải chạy gạo từ ngày 15 mỗi tháng chờ chồng lảnh lương vào cuối tháng.

Vĩnh bước vào quán đã thấy Út Lan đang ngồi nhìn ra cửa sổ, lưng quay vào trong.
-Út khỏe không?

Lan giật mình nhỏm giậy mừng rở:
-Anh Ba làm em hết hồn! Ủa anh chưa ga chình diện chung đàn sao?
-Anh trình diện rồi, trung đoàn 9. Anh phải chờ chuyến tiếp tế để tháp tùng qua Phú Giáo gặp ông tiểu đoàn trưởng. Chắc cũng vài ngày nữa.
-Anh Ba ăn gì chưa để em làm cho anh ăn?
-Anh mới ăn cháo lòng ngoài Bến Cát rồi. Anh có cái nầy cho Út né.
-Chời, anh Ba nhiều chiện quá, quà cáp gì cho mất công.
-Thì anh muốn cho em ít quà.
-Tốn tiền thấy mồ à, anh đừng mua gì nữa, tới thăm là em vui gòi.

Quán ăn đang vắng khách nên Út Lan ngồi kế bên sao khi pha một ly café ít sữa cho Vĩnh.
-Chắc khi anh Ba đi Phú Giáo lâu lâu em sẽ qua thăm anh nhe anh Ba.
-Đường xá nguy hiểm lắm Út, để khi về hậu cứ anh sẽ đến thăm em.
-Chờ biết đến khi nào anh mới về? Khi nào nhớ anh quá, em sẽ đi thăm.



Nhờ chút kinh nghiệm kỹ thuật học được lúc bương chải cho cuộc sống ở Sài Gòn, Vĩnh xin được việc làm cho hãng chuyên sửa chửa dụng cụ gia dụng cho các cơ quan của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Công việc đầu tiên của Vĩnh là lau chùi những dàn máy lạnh cũ của hãng còn tồn giữ trong kho. Từ từ Vĩnh được đưa lên làm thợ phụ sửa chửa máy lạnh. Anh học rất nhiều xảo thuật của Bill, người thợ chánh. Bill là cựu chiến binh, từng phục vụ trong sư đoàn 1 Hoa Kỳ, trú đóng ở Lai Khê trong những năm cuộc chiến leo thang. Sau khi biết Vĩnh cũng là chiến binh sư đoàn 5 ở Lai Khê, Bill đã xin chủ hãng cho Vĩnh làm thợ phụ cho anh. Bill đã tận tình dạy Vĩnh tất cả những thủ thuật mà anh biết. Ngược lại, Vĩnh rất cần cù làm việc nên được chủ Bill và người chủ thương mến. Vĩnh không khước từ bất cứ những công việc nặng nhọc, khó khăn. Có lần Bill tuyên bố: “chỉ cần hai năm nữa là thằng Vinny sẽ qua mặt tao.”

Trong hãng ai cũng nể sợ anh chàng Bill nầy. Nhất là tính tình ba đá của anh. Nhưng với Vĩnh, Bill rất nhã nhặn, lúc nào cũng tận tình lo cho Vĩnh. Không một ai dám ăn hiếp Vĩnh ra mặt. Lưng sau lưng thì họ rất ganh tỵ. Họ sầm xì “thằng tàu” (china man) khi nói lén về Vĩnh. Đã nhiều lần Vĩnh đính chánh anh là người Việt nhưng họ vần gọi “thằng tàu”. Một hôm Bill nghe anh chàng thợ phụ khác gọi Vĩnh như vậy, Bill nắm cổ áo hắn lôi vào phòng nhân viên báo cáo tội kỳ thị. Và kết cuộc chàng thợ phụ bị đuổi việc. Từ đó không ai dám động đến Vĩnh.

Vĩnh bị thương trong tai nạn giao thông chỉ bốn năm sau khi đến Mỹ. Vào đúng giờ tan sở thì một trận bão tuyết đi ngang thành phố Albany, New York. Xe Vĩnh bị trợt băng, lạc tay lái khi đang trên xa lộ 87. Bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu mạng sống của Vĩnh nhưng bù lại, anh sẽ không còn khả năng sinh sản. Anh là con trai duy nhất của gia đình, nay bị mất khả năng sinh sản nên Vĩnh nghĩ anh là đứa con bất hiếu. Vĩnh nhớ lời dạy của ông Mạnh Tử: “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” mà buồn cho số phận hẩm hiu của mình. Từ thua trận, mất nước phải sống lưu vong cho đến không còn khả năng có con nối dõi tông đường. Nhiều lần muốn từ giã cõi đời nhưng hình bóng Út Lan đã giữ Vĩnh tồn tại trong chút hi vọng nhìn lại người mình yêu lần cuối trước khi ra đi. Bốn mươi năm dài trong cô đơn xứ người, mỗi ngày anh thui thủi đi về trong buồn chán, và trống vắng. Vĩnh chỉ ráng sống với hi vọng tìm lại Út Lan. Ông liên lạc tìm người thân trên những tờ báo Việt ngữ online. Gửi tin nhắn tới những người thân quen với hi vọng tìm được tung tích của Lan. Để rồi chính Lan đã tìm được Vĩnh cũng nhờ trang web kbc4100 của trường Bộ Binh Thủ Đức. Những người bạn cùng khóa của Vĩnh đã cho Lan số phone để gọi Vĩnh.



Sáng nay Bà Lan dậy sớm hơn thường ngày. Mới 5 giờ sáng mà bà đã đứng trong bếp. Hết cắt rau đến xắt thịt. Những miếng thịt heo được bà thái mỏng, ướp sả ớt với nước mắm để trưa nay bà sẽ nướng cho dĩa cơm sườn nướng. Bà châm ấm trà đậm để nguội từ hôm qua chuẩn bị cho một ly trà đá. Nghĩ tới dĩa cơm sườn nướng với ly trà đá làm bà mĩm cười. Mấy năm sau này bà ăn chay vì bác sĩ căn dặn phải xuống ký vì bệnh cao mỡ. Ngay cả những món chiên, xào có dầu bà cũng không đụng tới. Bà chỉ ăn rau cải hấp hay nấu canh. Bà cũng không dám nêm nếm nhiều đường.

Bà vừa làm vừa nghe tiếng hát của Nhật Trường phát từ phòng khách kế bên. Tiếng nhạc nhẹ nhàng đưa bà về những kỷ niệm với chàng trai thời loạn ly.

“… Mùa Xuân năm đó ta chung đôi
Mùa Xuân này nữa xa nhau rồi…”


Bà nhớ lại những ngày cuối tháng tư năm xưa. Khi Vĩnh trở về đơn vị sau hơn tháng dưỡng thương, Lan cứ nghĩ đến Vĩnh, làm việc gì cũng bị má rầy vì hết hư thì bị đổ, bị bể. Rồi cuối cùng Lan và mẹ phải cùng gia đình cậu Quang di tản ra khỏi Lai Khê sau khi hay tin tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát. Trên hai chiếc xe Honda, cậu Quang chở vợ và hai đứa con nhỏ, Lan chở mẹ và hai đứa lớn con của cậu mợ. Với tất cả tài sản nhỏ nhoi họ cùng dắt dìu nhau tìm đường về lại Hà Tiên, xứ sở của mợ Quang, với hi vọng họ sẽ tìm đường vượt biên. Cả đoàn chạy loạn bị chận lại khi vừa ra khỏi Sài Gòn. Họ ngủ dọc đường hai đêm liền trước khi quốc lộ 4 giao thông trở lại. Họ về đến Hà Tiên sau 6 ngày đường vất vả. Cũng may bên gia đình mợ đã chuẩn bị sẳn nên khi đến nơi, đêm đó cả bọn xuống tàu chay thẵng ra biển và được tàu Mỹ cứu vớt. Tất cả số tiền dành dụm coi như đống giấy vụn. Từ tay trắng trở thành trắng tay. Từ đảo Guam cho đến trại tỵ nạn Fort Chaffee đã cưu mang Lan trong những ngày đầu xa quê hương. Khi lên khám sức khỏe Lan mới biết mình đang có thai. Thì ra Lan đang dòng máu của Vĩnh. Mấy hôm đầu ở trại bị nôn mửa Lan cứ nghĩ mình không hạp với thức ăn do trại phát mỗi ngày.

….

Tiếng nhắc nhở trên hệ thông GPS làm ông Vĩnh trở về thực tế. Ông lấy hướng Nam I-91, xe chạy khoảng 10 miles thì đến Springfield. Ông cho xe chạy từ từ sau mấy ngã tư thì vào đường Belmont, ghé tiệm bán bông, ông mua 46 bông hồng đỏ rồi bảo họ gói giấy màu hồng dùm. Nhìn kiếng chiếu hậu, chỉnh lại tóc, nhìn lại hệ thống GPS, ông cho xe rẽ vào khu nhà gần chợ Sài Gòn. Ông cho xe ngừng trước ngôi nhà hai từng với lối kiến trúc thời thuộc địa Anh. Sân trước được dọn dẹp rất sạch so với những căn nhà chung quanh. Hai con sư tử đá đứng trên hai cột xi măng trước công vào nhà. Sau khi chỉnh lại quần áo, ông bấm chuông. Giọng nói từ trong nhà vọng ra:
-Long ơi, con ra mở cửa mời Ông Nội vô nhà đi con.

Ông Vĩnh ngỡ ngàng nhìn đứa con trai tuổi độ 15 ra mở cửa.
-Dạ con chào Ông Nội, mời Ông Nội vào nhà.

Nước mắt rưng rưng, vừa ngạc nhiên và xúc động, ông Vĩnh vò đầu đứa con trai rồi ôm nó vào lòng. Ông thầm cảm ơn Trời Phật. Đây là Mùa Xuân nở muộn của ông.

New York
Xuân Nhâm Dần – 2022

Cửu Long
#1
    Ct.Ly 21.01.2022 00:59:46 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9