ĐƯỜNG CHI LĂNG HUẾ NGÀY XƯA
Nguyễn Lương Tuấn 21.04.2022 19:05:05 (permalink)

Về Huế là về với kỷ niệm. Mỗi lần đi lại trên đường Chi Lăng, tôi thấy thằng bé ngày xa xưa, vẫn đi trên con đường này hàng ngày, suốt từ những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành …

Cố nhiên những nơi ấy, những con người ngày xưa ấy giờ đây chỉ còn là dấu tích, và những chiếc bóng của dĩ vãng.
Nhớ thời còn nhỏ, anh chị trong nhà sai vặt việc gì, nhất là đi mua đồ ăn vặt, tôi chạy ù, chứ không bao giờ đi. Có lần chị cho tiền đi mua kẹo đậu phụng, tôi cầm tiền băng qua đường, vừa lúc ấy chị Vy đi làm về bằng chiếc véloxolex tông bổ vào tôi. Mọi người xớn rớn. chị Vy mặt tái mét vì sợ, chị đến đở tôi dậy. sau khi thấy tay tôi không cử động được. Chị xin phép cha tôi và đưa tôi lên bệnh viện ở múi cầu Gia hội. Tôi còn nhớ lời một cô y tá nói đùa với tôi sau khi tay tôi được băng bột:
- Ui chao bây giờ em mang súng oai chưa tề ! .
Nhưng mà cũng nhờ thế mà những ngày sau này tôi có được quà chị Vy mang đến cho hoài, khi thì gói bánh khi thì bịch kẹo. Mắt tôi sáng rờn khi thấy chị. Ký ức tôi còn ghi nhớ: Chị đẹp. Ôi ! tuổi lên 10 mà đã thích nhìn người đẹp !
Gần cổng vào bệnh xá, tôi nhớ có trạm xăng. Gia đình này hình như người Hoa, mấy cô ra đổ xăng cho tôi dáng cao, hơi to.
Phía bên kia nhà số 3 Chi Lăng, tiệm bán đồ đồng, tôi còn nhớ ông chủ tiệm mà cha tôi vẫn hay gọi là “mợ Bốn” (chữ mợ đây tôi nghĩ chắc là người các mệ). Ngày đó nhà tôi gò độc bình và cha tôi đem độc bình lên đây để đánh bóng. Ở sát nhà nầy, số 5 hay số 1 Chi Lăng, có hai người đẹp mà ngày ấy SV chúng tôi rất ngưỡng mộ. Người bạn tôi tên Hồ Văn Trọng con ông chủ khách sạn An Vinh ở đường Hàng Bè Huỳnh Thúc Kháng thường chở tôi đi :”nghễ” (giai đoạn ni bọn tôi đã học đại học) vẫn lạng xe theo và kêu : “A Muối”. Cũng nơi nầy có một cô gái xinh hơn nữa. Khuôn mặt thanh tú đi học bằng chiếc xe PC. Bọn nó thì thầm với nhau : “HL đó bây ơi”.
Thế nhưng sau này tôi nghe một vụ Scandale. Hình như HL và người tình bị trở ngại sao đó, đã kéo nhau vô Đại Nội uống thuốc tự tử ! Không hiểu vụ này sau đó thế nào ?
Bỏ ít nhà là đến rạp chiếu bóng Châu Tinh, cái tên này làm ta nghĩ đến người Hoa. Sau này mấy đứa vẫn kháo nhau là anh Châu Quý Dung là người nhà của Châu Tinh.
Đối diện rạp Châu Tinh là quán kem Phương Lan. Trước 75 đây là quán thanh lịch, không gian lịch sự. Mọi người thường đến đây thư giãn, ăn kem, uống cà phê. Chủ tiệm mà nhà tôi vẫn kêu là o Vân, vì bà con với nhạc phụ tôi. Sau 75, o Vân giao cửa tiệm cho bố già quản lý, còn o Vân ra nước ngoài. Bố già tiếp tục kinh doanh, bán cà phê dưới dạng bình dân. Một thời gian sau khoảng 1994, người anh ruột của o Vân từ ngoài Bắc vào thừa kế, lấy lại nhà. Bố già dọn về ở đối diện rạp chiếu bóng Khải Hoàn và tiếp tục kinh doanh cà phê vẫn lấy tên hiệu Phương Lan, sát cà phê Dạ Thảo.
Bên cạnh cà phê Dạ Thảo, có quán cà phê Sương Lan. Quán cà phê này vẫn là quán nhà cổ nhưng cô bé ngồi caissiere thì không cổ chút nào, mặt trái soan, mắt to tròn nụ cười thơ ngây thật dễ thương. Thế nhưng cà phê Sương Lan vẫn không đông khách lắm. Thời ấy Dạ Thảo là quán có số lượng khách đông. Sinh viên HS như bọn tôi có tiền vẫn lên ngồi Dạ Thảo, uống cốc cà phê, nhâm nhi bên những bản nhạc thịnh hành: Trả lại em yêu, cô hàng cà phê, …
Hiện nay đường Chi Lăng, đối diện Khải Hoàn là nơi tụ điểm các quán cà phê. Cà phê mỗi lúc mỗi mọc nhiều như nấm ! ngày ấy chỉ có quán Dạ Thảo và Sương Lan, lên trên chút, đối diện Châu Tinh có quán kem Phương Lan.
Trở lại Phương Lan cũ, sát cạnh Phương Lan (đối diện Châu Tinh) về trái là tiệm bánh kẹo, trà, cà phê xay Đông An. Sau 75 trong vụ nạn kiều một số gia đình người Hoa ra định cư nước ngoài trong đó có gia đình Đông An. Sau này bà Đông An có về lại Huế thăm nơi cũ. Người ta nói bà Đông An đã qua đời. Về phía phải là một gia đình người Hoa khác cũng kinh doanh bánh kẹo, có người con gái tên Tiên là bạn nhà tôi.
Một số tiệm gần đó ngày ấy tôi vẫn thường được cha tôi sai đi mua đồ. Như tiệm Phúc Tân, nơi ngã baTrung Bộ đi lên chút (cũng gần sát Châu Tinh), tôi thường đến mua đồ cho cha tôi về làm, …Tiệm Phúc Tân cũng là tiệm người Hoa, có những lần tôi lên mua đồ, tôi nghe hai v/c Phúc Tân nói với nhau bằng tiếng Hoa. Sau 75 có điều lạ là gia đình Phúc Tân lại không đi. Hai v/c sống xấc bấc xang bang, có dạo thấy bà Phúc Tân bán kẹo bánh tại Đà Nẵng, rất tiền tụy. Một điều lạ, Phúc Tân sau nầy lấy lại nhà và hiện nay vẫn tiếp tục kinh doanh buốn bán các mặt hàng như trước nhưng là do mấy người con chia nhau đứng bán, …
Gần Phúc Tân có nhà sách Văn hóa. Thời kỳ đó Phong trào tranh đấu bừng phát, cha tôi thích đọc báo ông vẫn sai tôi hàng ngày đi mua báo và nơi tôi mua vẫn là tại đây. Bà chủ tiệm sách và hai cô con gái tôi còn hình dung ra nét mặt, vóc dáng họ. Tôi vẫn còn nhớ mấy tờ báo mà cha hay sai bảo đi mua: Độc Lập, Sóng Thần, Điện Tín.
Cũng chưa hết, ông lại còn sai tôi mua trà và tôi chọn tiệm Văn An Thái. Các loại trà mà cha thích vẫn là Thu Hương kỳ chủng, Tam Hỷ, Thiết Quan Âm.
Tôi không còn nhớ được số nhà, cũng như địa bàn cửa tiệm. Chỉ biết 3 tiệm này gần nhau: Phúc Tân, nhà sách Văn Hóa, tiệm trà Văn An Thái.
Ở chặng này, hình như có lò bánh mì Bảo Vân.
Đi về chút nữa, đến ngã ba Chi Lăng – Nguyễn Du, phía trên chút là đồn cảnh sát Gia Hội, góc đường Nguyễn Du có ngôi nhà cổ, nhà rường, thời kỳ còn học Nguyễn Du, có hai cô là Ngô T. C, Ngô. T. N. N học cùng lớp với tôi. Sau này gặp lại mấy đứa bạn nói là Ngô T. N đã qua đời.
Kế tiếp nơi góc này là quán “bún Mụ Rớt” rất nổi tiếng. Ngày nay ở Đà Nẵng có một quán bún vẫn lấy thương hiệu bún Mụ Rớt, không hiểu có bà con chi với Mụ Rớt không ? Nhưng sát nhà tôi lại có quán bún lấy tên là “Bún Bà Rơi”. Tôi nghĩ thầm sao mà cứ rơi với rớt rứa hè ?
Xuống chút xíu nữa, qua ngã ba hình như là trường Quang Hoa. Đối diện về phía bên này là ngôi nhà Ngô Xuân Lan. Sở dĩ tôi nhớ là vì các loại cửa bằng sắt của nhà này đều làm tại nhà tôi. Ông chủ vẫn hay về giao dịch và cha tôi vẫn hay gọi là chú … (tôi quên mất tên). Tuy nhiên người con gái của nhà này thời kỳ tranh đấu Phật giáo chống tổng thống Ngô Đình Diệm bị bắt nhốt cùng chỗ với anh tôi. Do đó ông anh quen và hay nhắc cô này. Sau này một tình cờ khác, cô lấy chồng ở tại Đà Nẵng, nhà ở đường Lê Lợi.Sau 75 nhà bị tịch thu bộ đội vào ở. Gia đình bây giờ thế nào chẳng biết. Tôi nghĩ chắc là định cư tại Mỹ rồi. Từ đây về ngang đến ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm – Chi Lăng (Đò Cồn), có gia đình ông Châu, đại bài gạo và sau này mở thêm tiệm thu băng “Sống”. Đó là thời kỳ cao trào nhạc tiền chiến thịnh hành với sự phát triển các phòng trà tại các thành phố lớn đồng thời cũng là sự xuất hiện các loại máy thu băng phát nhạc. Các băng nhạc như Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương, Shotsgun, …Ngày ấy tôi mê nghe nhạc. Ông anh có cái máy thu băng hiệu Sony để nằm, loại băng cối, từ Đà Nẵng về Huế nghỉ hè ông mang theo, thấy tôi ưa quá ông để lại cho tôi xài. Thế là tôi đi thu nhạc Jo Marcel và Phạm mạnh Cương nghe đã đời. Tiền không có, tôi lên chợ trời ở đường Trần Hưng Đạo mua mấy cuốn băng cũ giá đâu 2, 3 trăm đồng đem về đưa đi sang. Và một trong những nơi tôi đến sang là tiệm thu băng Sống;
Lưu ý tại nhà nầy có cô con gái học cùng lớp với tôi tên là H.T. Ph Ch. Dạo đó Ch đi học đi bộ, tôi cũng vậy. Mỗi lần đi ngang qua nhà thấy Ph Ch ôm cặp đi ra, thế là tôi đi chậm lại theo đằng sau (faire la queue), dáng Ch gầy lại cao, tôi nhìn đằng sau muốn lên đi ngang cùng nói chuyện mà sao run quá không dám. Đúng là trai Huế nhát gái !
Bỏ qua Đồ Cồn, đến Chùa Bà, tức ngã ba Chi Lăng – Hồ Xuân Hương, chặng này , về phía sát sông Hương, có quán bún Mụ Luân, cha tôi hay chở tôi ghé đây ăn buổi chiều. Nhớ mãi cây đa già xỏa bóng làm tối cả một vùng mà ánh đèn không làm sáng nổi. Cha tôi để chiếc xe gắn máy ngoài đó và hai cha con vô ngồi trong quán, một chiếc bàn, hai cái ghế dài và trong ánh sáng của ngọn đèn điện bóng tròn, tôi ngồi dối diện với cha.
Ngày ấy tôi thường hay lên hớt tóc tại Chùa Bà, bác hớt tóc dọn quán tại một góc nơi cửa sát hàng rào. Và tôi ngồi hớt tóc ở đây nhiều năm, khi nào cũng nghe bác nói chuyện thời cuộc, chính trị, …
Gần tới bến đò Cạn, phía trên này chút, có trường tiểu học Phú Mỹ. Tôi không học tại trường nầy nhưng chị và anh kế tôi học trường nầy. Những thầy cô ở trường tiểu học Phú Mỹ tôi đều biết tên là nhờ qua câu chuyện ông anh kể lại. Thầy hiệu trưởng tên Hạnh, rồi thầy Trợ Trọc, cô Minh Mỹ mà anh tôi kể là bọn chúng cứ nói là cô bên Mỹ. Riêng thầy Trợ Trọc thì anh tôi kể lúc giở sổ gọi điểm danh, đến tên anh, thầy nói:
- Tên chi mà lại Nguyễn Lương Cu ! Không được, thôi ta sửa lại cho mà khỏi phải rắc rối giấy tờ. Cứ thêm dấu vô là khỏe re, Nguyễn Lương Cư ! – Ừ cũng chưa được, Cư nghe bậy quá ! thôi thêm dấu nặng nữa. Được, được rồi, Nguyễn Lương Cự. Tên hay rồi !”
Sát bên trường tiểu học phú Mỹ có một hộ sinh nhỏ: Nhà hộ sinh Phú Mỹ. Có lần bà chị dâu sinh đứa thứ ba. Nửa đêm chuyển bụng, bà chị dâu bấm chồng bảo đưa bà đi lên nhà hộ sinh Phú Mỹ gần đó. Ông chồng làm biếng ú ớ:
- Đi sinh chi lạ rứa ! Sinh chi giờ ni, thôi ráng chút mai đi !
Cha tôi nằm phòng bên cạnh nghe tiếng cằn nhằn của ông anh, buồn cười la to:
- Ơ cái thằng ni, vợ đi đẻ mà nó hẹn !
Thế là ông anh vùng dậy đưa chị dâu đi lúc nửa khuya nhưng cũng không kịp nữa. Bà sinh ngay trên xe, báo hại mấy cô mụ hoảng kinh, làm việc trối chết cho kịp thời, sợ nhiễm trùng !
Về chút nữa, đối diện với Thiên Tiên Thánh Giáo, có một lớp học do Chị Vân đứng dạy. Kế sát bên, có đường hẽm nhỏ vào trong, có lò bánh mì. Tôi còn nhớ khoảng năm 1969 - 1970, những đêm tôi đi gác Nhân dân tự vệ, trời lạnh về khuya, rúc vô đây, mua ổ bánh mì nóng hổi, nhai nhấu nghiến. U chao ngon quá trời
Cuối đường Chi Lăng là bến đò Chợ Dinh. Nơi tôi lớn lên và trưởng thành. 25 năm trời tôi được cưu mang bởi những người ruột thịt trong gia đinh, những người hàng xóm tốt bụng nhân ái,
Những người hàng xóm, những người bạn của cha tôi vẫn đến nhà nói chuyện, uống trà, trở thành quá thân thuộc. Tôi cứ nghĩ họ là những thành viên không thế thiếu đối với cha, với gia đình. Ngang chỗ bến đò Cạn, từ ngã ba Chi Lăng – Cao Bá Quát lên vài nhà có ngôi nhà thường đóng kín cửa, mỗi lần đi học tôi vẫn tò mò đọc tấm biển gắn ngoài trụ cổng: “Tư thất Ông Ưng Nghê”. Sau này có đôi lần, ông Ưng Nghê về nhà liên hệ với cha tôi để làm cửa, qua nói chuyện tôi mới biết, à ra đây là ông Ưng Nghê. Còn nữa, ngay nơi ngã ba nầy, là ngôi nhà của Mụ Ý. Nhà này thì tôi quá quen thuộc vì mụ vẫn về nhà hoài. Gọi là mụ là vì Hoàng phái chứ không phải là đàn bà. Mấy người con của Mụ đều là bạn của chị tôi, hai chị này tôi quên tên nhưng dáng người cao mãnh khảnh. Còn mấy người con trai lại là bạn học của anh tôi như Phấn, Hồng, và Phi – con trai đầu đi tập kết - và là bạn với anh Hiền, sau 75 ông trở về và là một trong những giám đốc của Sở điện lực Thừa Thiên Huế.
Những ngôi nhà ở đường Chi Lăng Huế về phía dưới này, từ Đò Cồn trở xuống, thường đóng kín cửa cổng và tôi thấy ngoài trụ cổng có gắn hình con chó nhe răng với hàng chữ: “Coi chừng chó dữ !” Cụ thể là những ngôi biệt thự sát sông Hương đổ về.
Ở ngay bến đò Cạn, có ngôi biệt thự của ông Đồn Nại. Vẫn nhớ ngày ấy khi mới bắt đầu phong trào nuôi cá Phi. Ông Đồn Nại làm một bể nước như Hồ bơi và tôi thường theo anh Cự vào coi cá. Thích nhất là cá mẹ cho cá con ăn, khi có tiếng động cá mẹ nuốt chửng cá con vào bụng để bảo vệ. Cha tôi rất thích thú vì động tác này. Về sau ông cũng làm một bể nuôi cá phí y như thế ở ngay sát bờ rào với các nhà bên bác Tri. Được một thời gian, ông lại chán, sau cho người đem thả cá xuống sông hết !
Về dưới này trung tâm xóm Chợ Dinh, làm sao quên được những ngôi nhà gắn bó với gia đình tôi quá mật thiết: Nhà Cậu Cơ, nhà bác Sáu, nhà ông Quảng Ngô và bên kia là nhà bác Siêu từ thiện, sát nhà bác Siêu là nhà bác Dẫn, rôi nhà bác Uyển, nhà chú Hượt, nhà bác Oanh thu tiền đò, …kế cận nhà tôi là nhà ông đại úy Biên rồi đi vào một hàng già tàu là những ngôi nhà của mấy anh em nhà bác Tri, …
Đường Chi Lăng có đặc điểm là sát với sông Hương, có nhiều bến đò như bến đò Chợ Dinh, Bến đò Cạn, bến đò Cồn, thấp lụt. về mùa mưa, nước thường dâng lên ngập đường Chi Lăng kể từ chặng Châu Tinh trở xuống. Mỗi lần như thế gặp lúc đi học tôi sướng lắm vì được lội nước. Lội nước lụt lỏm bỏm thú vị lắm các bạn ạ.
Ôi ! kỷ niệm …
Con đường tôi đi và về, những sáng, những chiều, lúc đi học, lúc đi mua đồ, những trò chơi thời xa xưa, … tôi thấy như mới đây, hôm qua, còn rộn rã tiếng cười giọng nói…
Vậy mà đã hơn 60 năm rồi, kể từ lúc tôi là một thằng bé 6, 7 tuổi !
Xin cho tôi được cảm ơn một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử mà tôi được diễm phúc sống.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2022 09:18:11 bởi Nguyễn Lương Tuấn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9