BẾN ĐÒ
Nguyễn Lương Tuấn 12.06.2022 10:22:25 (permalink)

Dòng sông yên tĩnh vẫn êm trôi
Qua những bến đò mãi không thôi
Linh hồn ai đó chiều nay mộng
Như tiếng thở dài khách đợi trông

Bến đò - với tôi là biểu hiện của linh hồn. Linh hồn của một dòng sông. Đó là dòng sông Hương êm ả bao quanh thành phố Huế.
Kỷ niệm của tôi về bến đò là ảnh tượng của một thời hoa mộng, của một thời trẻ con với những rung động của tâm hồn ở độ tuổi mới lớn, tiếp nhận những người thân yêu đã một thời cho tôi những mật ngọt hoa gấm mà tôi đã cảm thụ một cách vô thức, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nhân cách tôi … cho đến một ngày khi tôi chợt nhận ra thì đã không còn nữa.
Có phải không, hạnh phúc là những gì tôi đã mất đi, còn khi tôi có nó thì tôi nào nhận biết. Phải chăng nó chỉ còn là một hoài niệm, một ý thức của chủ thể !
Con đường tôi đi qua, nơi chốn tôi đã trải qua thời thơ ấu, cho đến khi trưởng thành có nhiều bến đò. Đó là đường Chi Lăng, đường Ôn Như Hầu. Những bến đò ấy ấy đã có với tôi nhiều kỷ niệm.
Bến đò !
Tôi không phải là khách sang sông đứng chờ nơi bến, đợi một con đò để qua bên kia sông. Bến đò với tôi nó chất chứa một nỗi buồn, một cảm hoài. Sau này khi đã xa Huế, mỗi lần nhớ về Huế tôi lại nghĩ về những bến đò với một sự bồi hồi xúc động. Người ta gọi đó là tình hoài hương, hay tình yêu tổ quốc ? Tổ quốc của tôi không đâu xa lạ, là ngôi nhà cha tôi đã xây dựng nơi cuối đường Chi Lăng, là xóm Chợ Dinh tôi trãi qua thời thơ ấu cho đến khi ra đời, từ giã nó, là con đường Chi lăng, là những bến đò …
Đã là bến thì có đợi, có chờ, có hẹn hò, có sinh hoạt, … và có kỷ niệm.
Có những bến, đò không đậu, đó là bến của những ngôi nhà ở sát dọc sông Hương, những ngôi biệt thự sâu kín, dọc đường Chi Lăng Gia Hội, những ngôi nhà ở bên kia Đập Đá, Vỹ Dạ, Tây Thượng, Nam Phổ, ...
Kỷ niệm của tôi về những bến đò là ký ức của một thời hoa mộng, là dấu tích của những buồn vui, của hạnh phúc và ngậm ngùi.
Những bến là những nơi chốn, điểm hẹn, sinh hoạt của một hay nhiều gia đình. Nơi giặt rửa của các cô gái, nơi ngồi thả cần câu cá, mò tôm, bắt rạm của một thời thơ ấu,…
Bến nào cũng có cây sung, bụi tre, rũ bóng xuống dòng sông …
Tôi nhớ bến đò Doi ở cuối đường Ôn Như Hầu, ở đó dòng sông đi qua mà hai bên bờ rất hẹp, đường đi xuống bến đất đỏ nhô cao. Con nước lượn lờ.
Khi tôi đi thăm mộ mẹ tôi cùng với chị, tôi vẫn thường đi tiếp và qua một chuyến đò rất ngắn để đến thăm dì. Dì là hình bóng của mẹ cho tôi mong ước được nhìn ngắm để hình dung mẹ tôi. Bởi mẹ đã bỏ tôi ra đi mãi mãi khi tôi vừa 9 tháng tuổi.
Phải chăng vì, từ bên này của bến đò, tôi có thể phóng tầm mắt sang bờ bên kia, thấy thấp thoáng bóng dì lom khom nơi mấy vạc môn? Với lòng hoài vọng níu kéo một hình bóng của mẹ.
Phải chăng đó là hình ảnh đã ghi sâu trong trí nhớ của tôi tạo thành vết thương lòng mà trong những năm tháng một thời gian những năm sau đó, tôi đã mơ thấy một người đàn bà đêm về vẫn đứng ngoài cửa sổ, mình mặc áo dài nối tay, đầu đội chiếc nón và nhìn tôi đang nằm trong này, nơi bộ ngựa khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Tôi còn nhớ tôi đã hét lên và kêu gào mẹ ơi! Tình trạng nầy kéo dài nhiều lần và sau cùng cha tôi đã phải gửi tôi qua nhà bác Cử ngủ tạm.
Và bến đò rất ít khách này cùng với hình bóng người chèo đò nhẫn nại đưa khách như một lực hút, tôi nhớ mãi.
Rồi Bến đò Cồn, ở đường Chi Lăng- Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bền đò Cạn ở Chi Lăng-Cao Bá Quát, Bến đò Chợ Dinh ở Chi Lăng-Ôn Như Hầu.
Làm sao tôi quên được bến đò Chợ Dinh. Nó gắn kết với ngôi nhà tuổi thơ tôi. Nó làm tôi nhớ lại từng ngày từng lúc, những sáng, những chiều tôi đứng chờ, mong ngóng một chuyến đò, chờ một bà gánh hàng bán thức ăn mà tôi khao khát như xôi bắp hay bắp nấu, đĩa bánh bèo, bánh ướt hay chén chè đậu ván nóng hổi, …
Làm sao tôi quên được một chiều Xuân nào, tôi cùng chị tôi đi chợ Gia Lạc, đứng giữa con đò tròng trành tôi đã lo sợ nếu đò chìm thì biết làm sao đây?
Làm sao tôi quên được có những khoảnh khắc mắt vẫn dõi theo, tìm kiếm trên chiếc đò cập bến một tà aó trắng nào quen thuộc mà mình để tâm ...
Mỗi Bến đò là một kỷ niệm, dấu ấn một thời.
Tôi vẫn nhớ bến đò Cạn ở đường Cao Bá Quát Chi Lăng. Đó là một bến đò không có khách sang nhưng tôi cùng anh tôi vẫn thường xuống bến đó, cong người đưa hai tay thò xuống phía dưới bậc cấp để tìm bắt những con rạm và có lần khi trở về, hai anh em đã mạnh dạn vào xem hồ nuôi cá phi của biệt thự ông đồn Nại ở về phía bên trái từ trên đường xuống bến bởi cha vẫn thường kể chuyện ông đồn Nại có hồ nuôi cá phi cho chúng tôi nghe. Tôi nhớ mãi cảm giác thích thú khi anh Cự thấy con cá mẹ đang dẫn bầy cá con, mớm thức ăn cho con ở góc hồ. Anh đã đưa tay búng mặt nước và cá mẹ thấy động, vội vàng nuốt cả bầy con vào miệng để bảo vệ …
Những bến đò lần lượt bị xóa, những cây cầu dần mọc lên thay thế, hiện đại, hoành tráng.
Đâu còn bến đò Thừa Phủ, đâu còn bến đò Chợ Dinh, đâu còn bến đò Doi, …
Thời gian đã và sẽ xóa mờ tất cả,
Dấu tích, … con người,
Và kỷ niệm cùng năm tháng.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.06.2022 16:57:36 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9