ĐỌC TƯỞNG NIỆM MỘT DÒNG SÔNG của HOÀI HUYỀN THANH
THƠ NGÃ DU TỬ 08.09.2022 12:04:33 (permalink)
ĐỌC TƯỞNG NIỆM MỘT DÒNG SÔNG của HOÀI HUYỀN THANH
Ngã Du Tử/SG
 
TƯỞNG NIỆM MỘT DÒNG SÔNG
* Tưởng nhớ N
 
Tôi tìm tôi trên dòng sông ký ức
bao nhiêu năm kỷ niệm chẳng phai mờ
tôi tìm tôi trên dòng sông ảo ảnh
chấp chới cánh cò tình cũ bơ vơ
 
Tôi trở về ngắm lại bến sông xưa
chiều u uẩn tiếng vạc sành mấp mé
đau điếng lòng nước triều dâng, có lẽ
xô dạt lục bình tím cả trời thơ
 
Tôi tìm tôi trong mộng mị bơ phờ
mây trắng trời xanh chòng chành nỗi nhớ
trên mạn thuyền lắt lay mùa nước đổ
gió cợt đùa tà áo trắng nào bay
 
Tôi tìm tôi quanh quẩn mãi hôm nay
tiếc ngày cũ ngây thơ khờ khạo quá
ánh mắt ai trao lời chưa dám ngỏ
tôi hững hờ mãi té nước đùa dai
 
Viên thuốc đắng như thần dược trao tay
vẫn chưa hiểu sao bạn bè bảo thế
vẫn liến thoắng ghé thăm vui chuyện kể
vẫn nồng nàn một tình bạn thơ ngây
 
Chưa bao giờ bàn tay nhỏ cầm tay
chỉ lắc lắc - uống cho mau khỏi bệnh
chỉ vậy thôi! Chỉ vậy thôi! Lơ đểnh
có đâu ngờ tâm bệnh bạn buông tay
 
Ngày đưa tiễn đọc tâm thư chợt hiểu
vô tâm vô tình tưởng tiếc người ơi
đời dâu bể bạn bè đi tứ xứ
chuyện tháng tư buồn nào dễ phai phôi
 
Mấy mươi năm từ diệu vợi xa xôi
trở về dòng sông tưởng niệm mối tình đầu
trở về dòng sông giằng xé nỗi đau
dù không biết- M vẫn là người trong cuộc.
 
Dẫu bao năm tháng giữa dòng đời xuôi ngược
Nhớ mãi đôi mắt buồn ngày ấy giữa dòng sông.
 
hoàihuyềnthanh
21. 4. 2022
 
Ai trong cõi người cũng có một tình yêu đầu đời. Mối tình ấy bao giờ cũng đẹp trong ngần như pha lê, cảm giác e ấp muốn nâng niu, gìn giữ có khi quá vô tình làm vuột mất bởi thời gian chẳng chờ đợi ai.
Khi trưởng thành, ngồi ôn lại thước phim dâu bể đời người, chợt “nhớ về” thì ra ngày ấy do vô tình đánh rơi một mối tình đẹp trinh trắng như thời mới lớn lắm bỡ ngỡ, thậm chí sợ sệt chạm một bàn tay khác phái đáng yêu, lòng luyến nhớ khôn nguôi. “Tôi tìm tôi trên dòng sông ảo ảnh/ chấp chới cánh cò tình cũ như mơ” làm sao mà thực nữa khi mọi sự đã trôi xa cả gần đời người đi qua. Thế hệ chị ngày ấy tình yêu thơ mộng nhưng mấy khi tự nhiên như thời đại bây giờ.
Nhà thơ Hoài Huyền Thanh cũng không ngoại lệ. Một ngày thong thả trở về bên sông xưa, khung trời kỷ niệm cũ, thời gian ấy làm chị xúc động, chao ôi, một thời hoa mộng biết tìm đâu hỡi người xưa của ta ơi? “Đau điếng lòng nước triều dâng, có lẽ/ xô dạt lục bình tím cả trời thơ”
Nỗi nhớ cứ chòng chành mộng mị trôi theo con sông kỷ niệm, niềm hoài vọng cũ lại dâng cao trong lòng theo tà áo trắng nữ sinh ai bay làm con tim tưởng chừng lạnh nguội dấy lên cung bậc rung động thuở đầu đời như đùa cợt với mình thời ngô nghê thuở học trò hoa mộng đáng yêu làm sao.
“Mây trắng trời xanh chòng chành nỗi nhớ/…Gió cợt đùa tà áo trắng nào bay”
Sự hồn nhiên, khờ khạo lẫn thơ ngây ngày xưa dường như ai cũng hiếu. Một ánh mắt xưa – cửa sổ tâm hồn của N đã mở sao M mãi vô tình, hờ hững cùng bè bạn đùa vui cùng té nước, trách ai bây giờ? Có chăng trách em sao quá vô tình!
“Ánh mắt ai trao lời chưa dám ngỏ/ tôi hững hờ mãi té nước đùa dai”. Một liều thuốc đắng của bè bạn ngày xưa bảo thế, nhưng chị nào có hiểu gì, mãi lơ đểnh hồn nhiên vui đùa!.
Một ngày, chợt nhận “bức tâm thư” của người xưa để lại trao tận tay chị, Chao ôi! Hạt lệ muộn màng bỗng nhiên đã nhỏ xuống thành thơ khóc cuộc chia ly không báo trước và tiềm thức đã thức dậy lại, con tim đã nhận ra, may thay còn có dịp linh viếng có lẽ người xưa cũng an lòng bởi “âm dương đồng nhất lý”. Thì ra cuộc biển dâu đời người của “chuyện tháng tư buồn không dễ phôi pha” đã làm cho con tim “vui trở lại” cùng với nỗi buồn đưa tiễn mãi giằng xé lòng đau, bởi biết mình trong cuộc”. Sao niềm vui chưa được tày gang anh đã vội “buông tay” để lại trong lòng nhà thơ nữ Hoài Huyền Thanh sự luyến tiếc, luyến nhớ khôn nguôi. Giá như cuộc trùng phùng sớm hơn thì hay biết mấy.
Mỗi đời người có mệnh số riêng, ấy là vô thường, làm sao có thể cưỡng cầu được. Như vậy cũng vui khi còn gặp lại người xưa với kỷ niệm vẫn đầy ắp mến thương, có lẽ hai người ai cũng trân trọng mang theo, nhất là người còn tiếp bước trên hành trình trần gian.
“Dẫu năm tháng giữa dòng đời xuôi ngược
Nhớ mãi đôi mắt buồn ngày ấy giữa dòng sông”
Một tưởng niệm rất nhân văn đầy cảm xúc lẫn cảm thông.
 
Ngã Du Tử/SG
 
 
#1
    THƠ NGÃ DU TỬ 19.10.2022 19:28:44 (permalink)
    ĐỌC VÀ GIỚI THIỆU 3 THI PHẨM CỦA NGUYỄN HỒNG LINH:
    1. TÓC RƠI PHIẾN NGỌC
    2. CÀNH XANH GIỌNG SẦU
    3. GIẤU NHỚ VÀO ANH
     
    Buổi chiều 14 giờ 30 ngày 25/9/2022 trên nhà hàng café sân thượng Rose Center số 792 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, TPHCM nếu như ai không quen sẽ khó tìm. Một không gian thơ mộng nhìn xuống ngã 6 Gò Vấp đang nhộn nhịp như chia vui cùng nhà thơ nữ Nguyễn Hồng Linh.
    Lần đầu tôi dự ra mắt một tác giả cùng lúc 3 thi phẩm: Tóc Rơi Phiến Ngọc, Cành Xanh Giọng Sầu và Giấu Nhớ vào Anh, vì sao vậy? Thì ra Hồng Linh ở tận nước Đức xa xôi – Lâu lắm mới về thăm quê nhà, sẵn dịp ra mắt thơ, làm cuộc gặp gỡ với bằng hữu thi ca. Hợp lý thôi.
    Tổ chức buổi ra mắt 3 thi phẩm trên rất đàng hoàng, không khí đầm ấm và vui tươi cùng tất cả những bạn bè trên facebook cùng các trang văn chương cũng đủ làm cho người thơ Hồng Linh hạnh phúc trong ngày ra mắt 3 thi phẩm của mình.
    1. TÓC RƠI PHIẾN NGỌC 
    Mở đầu cho thi tập chị cố ý đặt bài thơ Cố Hương, quê cũ ai đi xa cũng nhớ về, nhất là người tận trời Âu như chị thì cách trở địa lý ngàn trùng. Nỗi nhớ ấy ai có đồng cảnh ngộ tất sẽ hiểu được, nhưng chị không dám diễn bày tâm sự, chỉ cô đọng nỗi niềm tha phương chơi vơi, khúc ly quê mong ngày về thăm quê hương cũ:
    “Chơi vơi cánh nhạn về đâu?                       
    Đoạn trường cô lẻ hồn sầu tái tê
    Tha phương đất lạ nhớ quê
    Trái tim lưu luyến mong về cố hương” (Cố hương)
    Còn lại là lời tự tình của “người đàn bà cũ” mang mang như cung bậc hoàng hôn của chị, nỗi u hoài, nhớ nhung một góc xưa dường như bỏ quên theo năm tháng dài hoài mong trong cô đơn lập nghiệp xứ người, bương chải để nuôi con – nơi mà người Việt rất ít, nhất là sự bất đồng ngôn ngữ, nỗi trở ngại ấy những anh chị em trong nước làm sao hiểu nỗi. Sự thực chứng của chị trong không gian ấy, chỉ có chị mới tường tận những khó khăn trở ngại chừng nào.
    Một thời trẻ trung nhiều mộng mơ tràn đầy sắc màu nồng nàn cháy bỏng một thuở đắm say yêu nhau, lúc hẹn hò đầy cảm xúc rộn ràng con tim rạo rực, một thời hạnh phúc lên ngôi.Thời bên anh hoa mộng, thời đang yêu và được yêu của thanh xuân tràn đầy ước vọng cho tương lai xanh với vô vàn ý xuân, Có thể nào quên trong tiềm thức, nó chợt bừng dậy, hồi sinh một thời tuổi trẻ xôn xao, sôi nổi, ôi chao! thơ mộng xưa có còn chăng? Nỗi nhớ và niềm yêu luôn gợi lại kỷ niệm trong tâm hồn chị, và ai đó có còn thương tưởng hình bóng yêu kiều thuở xưa hoa mộng, nỗi nhớ sao cứ chênh vênh về phía chị:
    “Phan Thiết người ơi! có đợi chờ?/ Nắng biển chiều nay dệt ý thơ/ Đồi dương xưa chúng mình hò hẹn/ Sóng biển lao xao tím chiều mơ” hay “Phan Thiết mùa thu dệt tình thơ/ Lá vàng xào xạc góc đồi mơ/ Có người chờ đợi nơi phố biển/ Cầm tay em nói…rất mong chờ” (Phan Thiết ơi! Người có đợi chờ).
    Cái thời tóc mây sợi ngắn sợi dài hồng thắm trong đời người con gái tính khôi ấy, ngày xưa lãng mạn và đầy kiêu hãnh của thời son trẻ như vỗ về cung bậc hoàng hôn của chị trong hành trình đời người đã từng đi qua: “Em ngồi/ hong tóc mây hồng/ dưới giàn thiên lý trổ bông hoa vàng” hoặc “Nhớ người ánh mắt xa xăm/ Sợi tình em buộc ươm mầm nở hoa” hay “Ru chàng/ dạo gót thiên đường/ Tóc rơi phiến ngọc du dương ngọt mềm” (Tóc rơi phiến ngọc) Thì ra, tóc rơi phiến ngọc cũng du dương trầm bổng - một hình ảnh thi ca rất tượng hình của sợi tóc rơi trong thơ chị khá hay.
    Vì vậy tác giả Nguyễn Hồng Linh lấy bài thơ này làm tựa đề tập thơ đầu tay, Xuất bản 2019 cũng hữu lý: Tóc Rơi Phiến Ngọc, có thể nói bài lục bát mượt mà, lãng mạn, đầy chất nữ tính của nhà thơ nữ:
    “Men say tóc rối bâng khuâng/ vỡ òa trăng biếc trong ngần lung linh”.
    Một cách viết khác ngôn ngữ dữ dội hơn, trực diện không tránh né, lãng mạn cao độ nhưng không trần trụi, biểu cảm cháy bỏng khát khao, người đọc có cảm giác hưng phấn trong mỗi người “Em khát khao nụ tình/ cháy khát. Em khỏa thân/ đốt cháy trái tim anh/ Trên da thịt vẫn còn/ ửng hồng nụ hôn/ cuồng dại/ Đêm huyền áo…/ Em chơi vơi, chới với/ thân gầy, khát khao vòng tay anh/ lấp đầy trái tim em” (Bước xuống đời nhau). Bản năng tự nhiên con người luôn luôn như thế, những người làm thơ thế hệ trước thường không dám viết đề tài này bởi quan niệm quan phòng ngày ấy rất khắt khe, nhưng thời này nhiều nhà thơ viết chủ đề này rất bình thường, một sự thật của đời người. Nguyễn Hồng Linh viết mạnh mẽ trong ngôn ngữ của dục vọng trái tim – tình dục, đây là sự thật hiển nhiên. Dẫu gì chị cũng dám dấn thân đưa ra quan niệm quan phòng của chị về đời sống dục tính, mà đất trời ban tặng cho muôn loài, đâu phải chỉ loài người.
    1. CÀNH XANH GIỌNG SẦU
    Nếu TÓC RƠI PHIẾN NGỌC là lời tự tình mênh mang thì CÀNH XANH GIỌT SẦU là lời trần tình trong nỗi nhớ Mẹ, nhớ quê hương, thỉnh thoảng có bóng ai xưa chừng như nhạt nhòa hơn và vui buồn đi qua trong lớp lớp hóa sinh đời mình nơi xứ người – Một nước Đức xa xăm tận trời Âu.
    Cuộc đời vốn dĩ buồn nhiều hơn vui, có chút ngập ngừng mỗi độ thu thay lá sang mùa làm ai hoài trong điệu buồn “Châu Âu”, lòng thi nhân còn hướng về
    anh, dù có cố gắng quên thế nào cũng chưa thể:
    Con chim sáo nhỏ nhớ anh
    Nụ cười đi vắng – cành xanh giọng sầu
    Ngoài trời từng hạt mưa ngâu
    Lá xanh đã ngậm vàng – đau vườn nhà
    (Cành Xanh giọng sầu)
    Ở đây ta thấy người thơ gợi lên một điển tích mưa ngâu tháng 7 của đôi vợ chồng Ngưu Lang, Chức Nữ cứ mỗi năm ngày thất tịch mùng 7 tháng 7 chỉ được gặp nhau một lần, bên cầu Ô thước của dải sông Ngân hàm ý nói đến tính thủy chung. Có phải vì không trọn như thế nên Hồng Linh bèn thở than: ‘lá xanh đã ngậm vàng - đau vườn nhà’ cho nhẹ lòng. Mỗi người có thái độ trước đổ vỡ một cuộc tình. Chị không oán hận, chỉ thở than cùng con chữ ngậm ngùi, chừng ấy nghe cũng mủi lòng đến xót xa:
    “Lang thang lối cũ hồn vô vọng/ Một nửa đi tìm khắc khoải mong” (Tháng sáu trời mưa)
    Ngoài ra, nỗi nhớ Mẹ, nhớ quê cha đất tổ - cũng như quê hương yêu dấu rõ rệt hơn trong thi phẩm đầu tay, bởi “quê hương làm sao không nhớ/ những ngày hạnh phúc đơn sơ/ anh em trong ngôi nhà nhỏ/ cùng cha mẹ thuở ngày thơ” ai xa quê cũng muốn lưu giữ những kỷ niệm vui ấy làm hành trang cho thực tại đời người:
    “Vần thơ chưa viết tròn câu
    Mẹ đi xa mãi con sầu lệ rơi”
    “Lo cho đàn con…Mẹ gánh hết phong ba
    Tuổi thơ con như hoa, như gấm
    Mẹ khuất xa rồi…con nhớ quá, Mẹ ơi!” (Nhớ mẹ)
    Hay:
    “Con thương mẹ những ngày mưa
    Bờ vai ướt áo đong đưa những buồn
    Ngoài trời gió tạt, mưa tuôn
    Nhớ Mẹ nước mắt mưa nguồn rơi rơi” (Mẹ ơi!)
    Nỗi da diết nhớ lại đằm thắm hơn nhất là lúc Xuân về, Tết đến khi nhà ai cũng nhang khói, phẩm vật hướng về tiên tổ, quê Mẹ Việt Nam vời vợi xa xăm. Nỗi buồn tha phương của người xa xứ bên trời Tây xa cách nghìn trùng ấy càng thấm thía hơn, có ai hiểu thấu nguồn cơn? May ra ai một lần xa quê trong mùa xuân đoàn viên mới cảm hết nỗi niềm của người tha phương như chị, dù ngôn ngữ thơ mộc mạc nhưng chân thành đôn hậu cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà, thương quý biết bao:
    “Nhớ mẹ chiều xuân tiễn con đi…biền biệt/ Xuân xứ người con thao thiết nhớ quê” hay “Nhớ đàn em nhỏ quanh mẹ bên bếp lửa/ Gói bánh chưng xanh rộn rã tiếng cười” hoặc “Xuân này xa xứ/ con nhớ mẹ, nhớ quê… Xuân tha phương nghe tiếng lòng vọng hoài hương” (Xuân tha phương Nhớ Quê Hương).
    Thường người nơi xa mỗi khi buồn, một góc nhớ trong hồn hướng về quê nhà, nhất là Phan Thiết - Nơi ấy biết bao kỷ niệm của đời người của chị cùng vòng tay học trò, bè bạn, người thương một thời áo trắng tinh khôi.
    “Hải Đăng hùng vĩ ngàn mây/ Mũi Kê Gà ấy dễ say đắm tình/ Loanh quanh phố biển bình minh/ Dừng chân mũi Né bóng hình khắc ghi” (Phan Thiết quê hương tôi), Sài Gòn, Đà Lạt những nơi đi qua, những lời hò hẹn yêu đương như mật, ngay cả những giận hờn có thể nào quên được? Đời sống tiếp diễn liên hồi giữa dĩ vãng và hiện tại, với phụ nữ họ nhớ kỷ niệm và luôn trân trọng gìn giữ, nhà thơ nữ Hồng Linh nào khác chi đâu:
    “Ngàn hoa phố núi góc đồi Mơ/ Thung lũng vàng bay gió đợi chờ/ Lao xao nỗi nhớ hồ Than Thở/ Anh nắm tay em dáng ngẫn ngơ” (Đà Lạt nỗi nhớ anh) hoặc là: “Sài Gòn có gì sao ngất ngây/ Khúc ca mộng tưởng vẫn đong đầy/ Chiều qua bến cũ lòng gợn sóng/ Áo trắng ngày xưa in bóng mây” và “Nụ hôn nồng ấm trao hôm ấy/ Sóng dậy trong tim người có hay?” (Sài Gòn nhớ)
    Và rồi Quê hương nơi mẹ sinh ra, chị dùng hình ảnh mẹ lặp lại cho quê hương miền thùy dương cát trắng dù biết bao bụi thời gian phủ dày trên khuôn mặt quê nhà, cha mẹ ngày nay cũng đã già, bởi đàn con lớn khôn xa vòng tay mẹ tự khi nào, tuy vậy còn dù lớn cũng không ra khỏi tâm trạng lo lắng của mẹ “con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Người Mẹ nào cũng vậy thôi à:
    “Con trở về… miền thùy dương cát trắng/ muốn gối đầu bên chân Mẹ như ngày xưa/ nghe khúc ru đêm ngọt ngào sâu lắng/ Muốn ôm Mẹ một lần cho thỏa nỗi nhớ thương” Hay là: “Con trở về…xóa đi bụi thời gian vết chân chim trên mắt Mẹ còn đọng/ Vui cùng đàn em hồn nhiên bên bếp lửa hồng/ Hát cùng Cha khúc ca bình yên cho ngày mới/ Nhớ quá quê hương ơi! Đất Mẹ vọng tiếng lòng” (Miền thùy dương cát trắng).
    Theo tôi đây là bài thơ hay nhất trong thi phẩm thứ 2 Cành Xanh Giọng Sầu của Nguyễn Hồng Linh, cảm xúc đấy đặn, thậm chí thiếu kỹ thuật thi ca, nhưng chất tình nồng nàn, vọng lại từ trái tim chân thành của nhà thơ.
    Tôi còn chú ý một tùy bút Hồng Linh viết với đầy đặn cảm xúc, hay. “Nỗi nhung nhớ bỗng tràn về…mênh mông, Sóng bạc đầu. Nhớ cũng bạc đầu” thì ra nỗi nhớ cũng già nua theo năm tháng bạc đầu, tôi thật sự xúc đông nỗi niềm nhớ nhung quá khứ quê nhà của người con Phan Thiết thật xa tận trời Âu ít được lần về. Thương quá một cảm xúc thật thà, và chị viết:
    “Biển lúc lặng yên, lúc phong ba bão tố như đời người. Lúc bình lặng, lúc gập ghềnh đầy sóng gió. Biển hát ru tôi tình yêu ngày mới lớn, ngày mới tập tành chuyện hẹn hò yêu đương…” hay là: “Đêm trăng, tôi lang thang một mình trên biển vắng, sóng đã xóa nhòa những dấu chân trên cát, vắng lặng, có ai hay? Lời độc thoại trên biển như tan vào con sóng, đem tình yêu của tôi xa ngút mắt. Tiếng thở dài trong biển đêm. Cô độc. Tôi cuộn mình trong vỏ sò. Ngủ yên” (Tiếng sóng trong giấc mơ tôi).
    1. GIẤU NHỚ VÀO ANH – Thi phẩm thứ 3 lục bát truyền thống Việt Nam – chỉ có người Việt mới có thể loại thơ này, hàm dưỡng triết lý của Việt tính.
    Rất may, tôi đã có dịp đọc bản thảo và viết lời tựa cùng Phùng Hiệu, cho thi phẩm này vì vậy tôi đã nói nhiều về cách thể hiện trong thơ của Nguyễn Hồng Linh. Dĩ nhiên được rút tỉa kinh nghiệm từ 2 tập trước, chị mạnh dạn trước bạ tập thứ 3 chững chạc hơn, bề thế hơn. Phải nói ngay rằng thi phẩm này chỉ một thể loại lục bát, đôi khi song thất lục bát, lại là song thất lục bát khoán thủ (Copy lối thơ khoán thủ luật Đường) - nghĩa là lấy 2 câu lục bát thích ý làm trục tung hoành, dùng chữ trong câu làm một bài thơ mới với ý khác hơn 2 câu đã chọn. Thể loại này lớp trẻ ít khi dám viết, bởi rất bó buộc khó hay, dễ trở thành hò vè. Người bản lĩnh lắm mới dám làm nguyên tập “độc món” lục bát. Thường, về tâm lý ai cũng muốn tập thơ nhiều thể loại coi như đổi món để độc giả nhã hứng hơn. Tuy nhiên, dù chưa phải là kỳ hoa dị thảo nhưng cũng mượt mà ngôn ngữ, chị khai thác nhiều đề tài hơn nên dễ đi vào lòng người. Ví như: “Ôm tuyệt vọng người đâu hay biết/ Lời yêu đương tha thiết còn đây/ Một thời yêu dấu thơ ngây/ Tiếc thương ngày cũ vòng tay ấm nồng” hay “Ngọn gió thổi lời thơ cay đắng/ Sỏi đá sầu đêm trắng cần nhau/ Tình là vết cứa tim đau/ Đời như lá úa vàng đau trên cành” (Tình lỡ phôi pha)
    Rồi bài song thất lục bát (Khoán thủ) như tôi đã dẫn chứng ở trên “Mưa giăng ướt cánh tình sầu” chị lấy 2 câu lục bát “Mưa giăng ướt cánh tình sầu/ Rơi đầy ký ức đêm sâu lệ buồn”:
    TÌNH gian dối tim yêu nức nở
    SẦU biệt ly đời lỡ quạnh hiu
    RƠI miền hạ trắng bao điều
    ĐẦY đong nỗi nhớ liêu xiêu ngõ về”
    “Cung trầm Cung bỗng” thực sự là nỗi niềm của cung trầm buồn của chị vương mãi trong hồn nàng thơ đa cảm của chúng ta:
    “Nguyệt cầm thổn thức ngoài sân/ Phím buồn vương mãi cố nhân đâu rồi?” Còn đây nữa: “Tiếng đàn réo rắt ngẩn ngơ/ Đêm đông ngơ ngẩn đợi chờ tiếng xưa”. Tiếng xưa ở đây đa tầng ngữ nghĩa, nhiều ngữ cảnh không có giới hạn, nhiều cung bậc của cảm xúc nào là đợi chờ, một ước mơ xây thành tình yêu hoặc giả cả ai oán ưu phiền, khao khát trong tiếng xưa, đàn xưa ấy vọng lại sự thủy chung v.v… Thi ca như thế thì còn gì thú vị hơn phải không các bạn?
    Một bài thơ tôi thật chú ý bởi tựa đề Dao cầm, Tôi có tra hỏi lại thì ra Dao cầm là cây đàn Dao, còn có tên gọi khác: Cổ cầm, Thất huyền cầm… một loại đàn cỗ xưa đã có trên 3000 năm.
    Tôi còn nhớ trong lịch sử văn học Việt Nam có bài “Côn Sơn ca” của cụ Ức Trai – Nguyễn Trãi:
    Côn Sơn có suối nước trong
    Ta nghe nước chảy như cung đàn cầm
    Côn Sơn suối chảy rì rầm,
    Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
    Côn Sơn có đá rêu phơi,
    Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
    Trong ghềnh thông mọc như nêm,
    Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
    Trong rừng có bóng trúc râm,
    Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
    Tôi nói như vậy để các bạn đọc biết thêm về vấn đề tại sao tôi thắc mắc bài thơ “Dao cầm” của Hồng Linh. Xin trích một vài đoạn trong bài thơ ấy:
    Dao cầm cung đục cung trong
    Ngô đồng vàng lá thu phong đã về
    Đường xa cách trở sơn khê
    Chiều hoang giá lạnh câu thề hoài mong
    Hay:
    Đàn ơi! Mang tiếng nhạc lòng
    Gửi chàng một khúc mưa giông qua đời.
    Sở dĩ nhà thơ Nguyễn Hồng Linh cân nhắc ra đời một thi phẩm toàn lục bát đều có lý do, chẳng phải ngẫu nhiên,
    Tóm lại, Nguyễn Hồng Linh rất nỗ lực để cho ra đời 3 đứa con tinh thần, mỗi thi phẩm có sắc thái khác nhau, văn đàn Việt có thêm nhà thơ nữ nữa để độc giả chọn lựa thưởng thức, điều ấy quý lắm thay.
    Trân trọng giới thiệu cùng độc giả khắp mọi miền.
    Hy vọng trong tương lai nhà thơ nữ Nguyễn Hồng Linh sẽ có thi phẩm nữa ra đời.


    Ngã Du Tử/ SG
    Tháng 10/2022
     
     
    Attached Image(s)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9