Chương 2 Cuộc chiến tranh tại Việt Nam giữa Pháp và Việt Minh đã bước sang năm thứ 9 vào năm 1954. Từ khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục năm 1949, Mao đã giúp Hồ Chí Minh tổ chức và trang bị các đơn vị lớn đến cấp sư đoàn và đại đoàn. Trong khi đó tướng Henri Navarre, tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đưa quân đến đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ với ý định chặn đường quân Việt Minh tiến sang Lào và nhử quân Việt Minh đến để tiêu diệt.
Navarre không ngờ Trung Cộng đã tiếp tế cho Việt Minh súng ống và cả cao xạ phòng không, đồng thời còn gửi nhiều tướng lãnh Tàu sang giúp việc tham mưu và chỉ huy. Đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ bị cắt, chỉ còn trông vào không vận, trong khi không vận bị hạn chế khả năng hoạt động vì thời tiết và hệ thống phòng không của địch. Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7-5-1954.
Các nước lớn cũng muốn giải quyết vấn đề Đông Dương cho xong sau khi đã dàn xếp chấm dứt chiến tranh Cao Ly. Vì thế, một hội nghị quốc tế về Đông Dương, trong đó vấn đề Việt Nam là chính, được triệu tập tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 8-5-1954.
Hiệp Định Genève 1954 ra đời là kết quả của sự dàn xếp giữa các đại cường quốc Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng. Mỹ giữ thái độ trung lập. Việt Minh và phe Quốc Gia đã ngậm đắng nuốt cay, bất lực nhìn những kẻ khác quyết định số phận của đất nước Việt Nam. Việt Minh nghĩ rằng họ đang kiểm soát được đa số lãnh thổ, trừ các thành phố lớn. Nếu có một cuộc ngưng bắn tại chỗ, họ sẽ có nhiều lợi thế.
Phe Quốc Gia đề nghị quân hai bên rút về những vùng tập trung tạm thời, dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc, trong khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử tự do. Phe Quốc Gia có lợi thế riêng trong việc đang kiểm soát những thành phố lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, tất cả các thành phố khác ở miền Trung và miền Nam, trừ Quy Nhơn nằm trong Liên Khu 5 của Việt Minh.
Ngoài ra, phe Quốc Gia cũng rất quan tâm tới sự an toàn của giáo khu Phát Diệm. Khu này được Giám Mục Lê Hữu Từ thành lập từ những năm 1946, 1947, được bảo vệ bằng một lực lượng quân sự riêng, không cho Việt Minh đến quấy phá, cũng không cộng tác với Pháp. Đến năm 1949, khu tự trị mới cộng tác với chính quyền Quốc Gia vừa được thành lập.
Việc chia đôi đất nước khiến phe nào cũng bị thiệt hại. Hai bên đều cố tranh đấu nhưng không thể thay đổi ý định của các đại cường. Khi biết việc chia đôi đất nước là điều không thể tránh, đại diện Việt Minh Tạ Quang Bửu đưa đề nghị lập giới tuyến ở vỹ tuyến 13 với ý định đặt Huế và Đà Nẵng vào nửa phía Bắc. Dĩ nhiên Pháp và Anh không chịu. Phạm Văn Đồng đề nghị nhích lên vỹ tuyến 16. Chu Ân Lai thỏa thuận với Mendès France và Molotov phân vùng ở vỹ tuyến 17 để khai thông hội nghị và áp lực Việt Minh phải chấp thuận.
Ngày 20-7-1954, Hiệp Ước Ngưng Chiến Tại Việt Nam được ký kết giữa Thiếu Tướng Delteil, đại diện Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương và Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Giới tuyến quân sự được ấn định từ cửa sông Bến Hải theo lòng sông đến biên giới Lào-Việt (gần vỹ tuyến 17). Thiết lập khu phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên. Phía Bắc giới tuyến do VNDCCH kiểm soát. Phía Nam do Pháp và chính phủ Quốc Gia VN.
Việc rút quân, chuyển quân, vật liệu và dụng cụ quân sự của hai bên phải làm xong trong thời hạn 300 ngày. Trong thời hạn này, dân chúng được tự do chọn và chuyển đến vùng kiểm soát của bên này hay bên kia theo ý muốn. Đồng thời trong hiệp ước ngưng chiến còn có điều khoản trao trả tù binh và thường nhân bị giam giữ.
Kèm theo Hiệp Ước Ngưng Chiến còn có Bản Tuyên Cáo Chung Kết không có chữ ký của phái đoàn nào, nhưng được coi như tất cả các phái đoàn đều thỏa thuận, trừ hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa Kỳ. Hai phái đoàn này công bố tuyên ngôn riêng.
Bản Tuyên Cáo Chung Kết có 14 điều. Quan trọng nhất là Điều 7 dự trù tổng tuyển cử tự do tại VN vào tháng 7-1956, tức 2 năm sau ngày ký Hiệp Định.
Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là đòi hỏi và hy vọng của phe cộng sản. Cộng sản VN cho rằng tại miền Bắc họ có thể kiểm soát dân chúng hầu như 100%. Ở miền Nam cũng vẫn có người ủng hộ họ, chưa kể những cán bộ nằm vùng do họ gài lại sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phá rối và cả tổ chức gian lận cục bộ trong cuộc bầu cử. Như vậy chắc chắn họ sẽ có đa số phiếu và họ sẽ thống nhất đất nước dưới sự thống trị của họ.
Cộng sản đã sốt sắng liên lạc với chính quyền miền Nam để hối thúc thi hành tổng tuyển cử, kêu gọi các chính phủ đã tham dự hội nghị Genève làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để chính phủ này phải tôn trọng hiệp định, nhất là điều khoản tổng tuyển cử. Khi VNCH quyết liệt từ chối, cộng sản mở chiến dịch trên khắp thế giới tố cáo VNCH và Mỹ vi phạm hiệp định, cố tình kéo dài tình trạng chia đôi đất nước.
Việt Nam Cộng Hòa công bố chỉ chấp nhận tổng tuyển cử khi nào dân chúng cả hai miền có tự do như nhau, có sự thông thương và tự do bỏ phiếu không sợ một áp lực nào, dưới sự kiểm soát hữu hiệu của Liên Hiệp Quốc.
Theo điều 14, khoản d của Hiệp Ước Ngưng Chiến, dân chúng có quyền tự do chọn vùng sinh sống trong thời hạn 300 ngày. Người dân miền Bắc đã lũ lượt tìm cách vào Nam ngay sau khi Hiệp Định được ký kết.
Những người dân ở các thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng may mắn nhất, vì nếu muốn đi vào Nam, họ có thể đi ngay từ thành phố của họ, không gặp trở ngại gì. Trong khi đó dân ở các thành phố cộng sản đã tiếp thu, nhất là ở các miền quê xa xôi, việc đi Hà Nội hay Hải Phòng để từ đó vào Nam không phải là chuyện dễ dàng. Trước hết, họ phải bỏ lại tài sản, nhà cửa, ruộng vườn. Kế đó, phải thoát được những ngăn chặn trá hình hay công khai của Việt Minh. Dù vậy, khắp nơi, đặc biệt vùng đồng bằng Bắc Việt, dân chúng vẫn kéo nhau đi Nam từng đoàn từng lũ, bất kể những khó khăn và nguy hiểm.
Chính quyền gửi đến nhiều cán bộ nam nữ gọi là giúp đỡ dân chúng, nhưng thực chất là để thuyết phục những người này quay về, đừng đi vào Nam nữa. Họ còn dọa rằng chính quyền tay sai của Pháp Mỹ trong Nam rất hung ác, chuyên môn hứa láo và bóc lột dân lành, rằng nay nước nhà đã độc lập rồi, chỉ hai năm nữa là tổng tuyển cử thống nhất Nam Bắc.
Sau ngày Việt Minh tiếp thu Hà Nội, 9-10-1954, Hải Phòng trở thành nơi duy nhất phải đến trên đường đi vào Nam. Tàu của hải quân Pháp và Hoa Kỳ mỗi ngày chở hàng chục ngàn người vào bến Sài Gòn. Khoảng 70 phi cơ quân sự Pháp, không kể máy bay của Air Vietnam, được trưng dụng, lập cầu không vận chở dân di cư vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Dân số miền Bắc lúc đó, tính từ vỹ tuyến 17 trở ra, chỉ có khoảng 13 triệu người. Nhưng đã gần 1 triệu người dân Việt bỏ hết tất cả mọi sự để vào Nam. Miền Bắc mất đi một tiềm lực nhân sự lớn. Đa số là những người dân có học và có khả năng cao về doanh thương và công nghệ ở các thành phố lớn đều đi vào Nam. Ngoài ra, số người di cư là giáo dân Công Giáo rất đông.
*
Gia đình Mộng Trinh cũng cùng đoàn người di cư vào Nam trong thời điểm này. Bà Minh đi cùng chuyến với con gái Mộng Trinh và con trai là Phong bằng máy bay của Air Vietnam. Ông Minh đi chuyến bay khác cùng với nhiều thanh niên và các bạn cùng chí hướng của ông.
Di cư vào miền Nam, bỏ lại nhà cửa tài sản, ông bà Minh không mang theo được bao nhiêu nên trong thời gian đầu mua một căn nhà tôn ở khu Xóm Chiếu, vùng đất Khánh Hội tức quận 4 ngày nay để cư ngụ.
Vùng đất Khánh Hội xưa tức Quận 4 ngày nay được hình thành bởi các khu vực Khánh Hội, Vĩnh Hội, Cây Bàng, Xóm Chiếu. Cả hai thôn Khánh Hội và Vĩnh Hội ngày trước đều là vùng đất kinh rạch chằng chịt, hầu hết nhà ở của dân cư đều xây dựng theo kiểu nhà sàn cất cao ngay trên kinh rạch. Chỉ có một số nhà xây dựng trên mặt đất có ruộng lúa nhỏ hẹp bao quanh.
Xóm Chiếu nằm trong thôn Khánh Hội ở phía Ðông và cả một phần phía Tây của thôn Vĩnh Hội. Vùng đất Khánh Hội và Vĩnh Hội ngày trước kinh rạch chằng chịt. Do địa hình sông nước ao trũng đất sình, thực vật thiên nhiên chỉ toàn cỏ lác, cỏ cói mọc um tùm và thứ cỏ hoang dại này tự nhiên trở thành nguyên liệu cho dân địa phương dệt ra những tấm đệm, tấm chiếu phục vụ đời sống người dân.
Vào nơi đất lạ dù vẫn là nước Việt Nam thân yêu nhưng thứ gì cũng khác lạ với người di cư từ Bắc vào Nam như gia đình Mộng Trinh. Khí hậu miền Nam nóng nực và không có 4 mùa rõ rệt như miền Bắc, thổ ngữ cũng khác, cách sinh sống cũng không giống như ngoài Bắc. Chỉ có một nét thân quen và thấy gần gũi với gia đình ông bà Minh là nhà thờ Xóm Chiếu. Nhà thờ đã được xây dựng trên khu vực trồng cỏ cói để dệt chiếu nên mới có tên gọi là nhà thờ Xóm Chiếu. Giáo xứ Xóm Chiếu là một trong những họ đạo có niên đại thành lập rất sớm (năm 1856) tại vùng rạch Thầy Tiên (đường Khánh Hội sau này).
Nơi đây đặc biệt có một mùi đặc trưng của vùng, nhất là vào buổi chiều khi nhà nào cũng nấu cơm chiều. Mùi của thức ăn, nhất là mùi cá kho quyện với mùi khói than, mùi củi đốt, mùi nhang cúng trên các bàn “ông Thiên” trước nhiều nhà trong xóm hòa lẫn với mùi bùn sình bốc lên từ các con mương khi nước lớn từ sông rạch tràn vào thành một thứ mùi khó tả!
Thời gian lúc ban đầu mới vào Nam, Mộng Trinh học tiểu học ở trường công. Lớp học toàn con gái với những giọng nói miền Nam thật mới mẻ với cô bé 7 tuổi. Mộng Trinh đã trở nên ít nói vì mỗi khi mở miệng, bé thấy mình không nói giống “họ”! Tập làm quen với môi trường sống mới nhưng bé Mộng Trinh luôn nhớ về đất Bắc nơi được thỏa thuê chạy nhẩy trong khu vườn rộng lớn đầy hoa của nhà ông bà ngoại.
Chẳng bao lâu gia đình ông bà Minh không trụ lâu tại nơi đây mà tìm mua nhà ở vùng khác. Bố mẹ Mộng Trinh mua được một căn nhà gạch ở trong khu nhà do các linh mục xây nguyên một dẫy khoảng chừng 4, 5 căn nhà ở vùng Phú Nhuận. Ông bà nội của Mộng Trinh cũng mua 1 căn kế cận bên căn nhà của bố mẹ bé. Tất cả những dẫy nhà hai bên đối diện nhau bằng đường rầy xe lửa và một con đường rất nhỏ hẹp ngăn đôi. Ban ngày phố xá xe cộ ồn ào nhưng đến khuya tiếng xe lửa chạy rầm rập ngang qua nghe rất rõ. Đó là một nơi mà hầu như vạn vật không hề ngủ yên, mà chỉ là những chợp mắt của đêm.
Tạm sống yên ổn ở nơi này, Mộng Trinh vào học trường công giáo do mấy nữ tu dòng Mến Thánh Giá thành lập.
Dù đã vào Nam nhưng ông Minh vẫn phải e dè canh chừng vì vào thời điểm đó chính phủ đương thời triệt hạ các đảng phái. Ngoài chuyện là lãnh đạo Mặt Trận Công Giáo Cứu Quốc, ông Minh còn là đảng viên cao cấp của Duy Dân đảng. Nên ông chạy tắc xi vừa để kiếm sống nhưng chính là để che mắt thì đúng hơn. Có một thời gian, ông Minh phải trốn tránh lên Đà Lạt. Vợ ông đã phải cầm hết tư trang để có được số tiền mua một căn nhà trên Đà Lạt để ông Minh sống tạm nơi đó.
Một thời gian sau ông Minh về lại Sài Gòn với vợ con. Là một người cầu tiến, ông Minh đi học Anh văn. Với kiến thức và đã học tiếng Pháp từ nhỏ nên ông chuyển sang học tiếng Anh rất dễ dàng.
*
Mới 9 tuổi mà Mộng Trinh đã bắt đầu trổ mã, rất xinh đẹp, nhiều người để ý. Một hôm Mộng Trinh theo mẹ xuống nhà bác Bình chơi. Bác Bình gái là chị ruột lớn nhất của mẹ. Nhà bác Bình rất đông con, sống sung túc vì thời đó bác Bình trai là tổng thư ký của đảng Cần Lao dưới thời tổng thống Diệm.
Hôm đó không phải là lần đầu tiên Mộng Trinh gặp anh Nam, cháu của bác Bình trai. Đối với Mộng Trinh, anh Nam cũng chỉ như những người anh họ khác con của bác Bình. Anh Nam lớn hơn Mộng Trinh 7 tuổi. Nhưng buổi chiều đó một cơn gió nhẹ thổi mơn man vào trái tim hãy còn ngây thơ và non nớt của Mộng Trinh ngày mới lên 9 tuổi!
Đàng sau sân nhà bác Bình có trồng nhiều cây ăn trái nào cam, nào na, ổi và cả vú sữa. Những cây cam cao vút mang nhiều trái mà những tàn cây trĩu nặng trái cam vàng chín như khoe sắc bên cạnh cây ổi cũng đầy trái. Hương thơm từ cây cam thoang thoảng trong gió chiều thật dễ chịu. Nhìn những quả cam lủng lẳng trên cành cây, Mộng Trinh chỉ muốn với tay lên hái nhưng chiều cao của cô bé 9 tuổi chưa đủ để với tới nên chỉ nhìn ngắm cam mà thôi.
Anh Nam cũng ra vườn sau từ bao giờ mà Mộng Trinh không hề để ý. Trong vườn chỉ có hai người là Mộng Trinh và anh Nam.
Anh Nam khẽ gọi tên cô bé:
- Mộng Trinh!
Mộng Trinh giật mình quay lại. Cô bé mỉm cười khoe hàm răng trắng và đều đặn cùng nụ cười rất tươi và dễ mến khi nhìn thấy anh Nam.
Anh Nam nheo mắt cười trêu Mộng Trinh:
- Sao bé? Muốn hái cam không?
Mộng Trinh gật đầu nhoẻn miệng cười:
- Có! Nhưng cao quá em với không tới!
- Để anh hái cho! Muốn quả nào?
Mộng Trinh nghĩ thầm để anh Nam hái cam vì nếu có bị bác Bình mắng thì chỉ mắng anh Nam. Bé lại cười:
- Cho em một quả! Quả nào cũng được nhưng là quả chín!
Anh Nam ngắm nghía mọi quả cam ở tầm tay có thể với đến:
- Anh sẽ chọn một quả cam đẹp nhất, ngon nhất… đẹp như bé Mộng Trinh vậy!
Mộng Trinh đưa hai bàn tay xinh xắn chụm hai má mình kêu lên với giọng phụng phịu:
- Bộ mặt em giống quả cam sao?
Anh Nam cười ngất, ngắm nhìn cô bé đang đứng dưới tàn lá cây cam. Mùi hương hơi cay của cam hay là mùi hương trinh nữ của cô bé xinh đẹp tên Mộng Trinh làm anh ngây ngất.
- Không.. ý anh là vẻ đẹp của trái cam đang mọng chín… mà anh so sánh với nét đẹp của em…
Thấy cô bé không có vẻ hờn giận nữa, anh Nam hỏi:
- Hay em chọn quả cam nào anh thích nhất, anh sẽ hái cho em..
Mộng Trinh ngắm nghía rồi chọn quả cam to nhất:
- Em muốn quả này!
Anh Nam nhón chân hái quả cam mà Mộng Trinh chỉ. Quả cam vừa chín tới vì chỉ xoay nhẹ là quả rời khỏi cành.
Đưa quả cam cho Mộng Trinh, anh cười nói:
- Đúng ý em nhé! Ăn luôn không?
Mộng Trinh ôm quả cam vào ngực lắc đầu:
- Không! Không ăn! Em mang về để đầu giường ngủ.
Anh Nam có vẻ ngạc nhiên:
- Sao thế? Anh tưởng em thích ăn cam!
- Em thích hương cam! Cam mợ em mua ở ngoài chợ về không có mùi thơm như cam này!
Mộng Trinh cúi xuống hít hà trái cam. Cô bé nhắm mắt lại như tận hưởng mùi thơm đó đang quấn quýt quanh mình.
Nhìn khuôn mặt thơ ngây trong sáng đó mà tâm hồn Nam chao đảo. Cô bé đẹp như một giấc mộng! Như một tiên nữ đang lạc vào đây và hớp hồn cậu thanh niên 16 tuổi đã bắt đầu biết yêu! Nam đã thảng thốt trước vẻ đẹp trinh nguyên kỳ diệu của Mộng Trinh.
Nam cứ đứng đó ngẩn ngơ nhìn cô bé mà chẳng nói được một lời nào.
Giọng nói dễ thương của Mộng Trinh làm Nam tỉnh hẳn:
- Cám ơn anh Nam nhé! Nhưng mà.. nếu bác Bình thấy em cầm quả cam này thì bác sẽ biết ngay là hái cam nhà bác..
Nam cười:
- Để anh nói cho! Đi với anh!
Vào trong nhà, Nam nói rất tự nhiên khi thấy bác Bình gái:
- Bác có tay trồng quá! Cây trái nào cũng đầy quả! Cháu đã không hỏi xin bác trước mà hái 1 quả cam cho Mộng Trinh. Bác đừng mắng chúng cháu nhé!
Nụ cười thân thiện và tỏa sáng đầy vẻ chân thành của anh Nam không thể làm cho bất cứ ai mất thiện cảm được.
Bác Bình gái cười hiền hòa:
- Có sao đâu! Cây có quả để hái ăn chứ đâu có phải chỉ để ngắm! Mà này nhìn con bé Mộng Trinh lớn nhanh nhỉ? Cháu xinh nhất họ Lê đấy!
Nam cười đồng tình với lời nhận xét của bác Bình gái và ước muốn sau này sẽ được cầm tay Mộng Trinh mà tỏ tình với trái tim non dại nhưng chân thành.
Ước muốn đó không chỉ đơn thần nằm trong tâm hồn và trái tim của Nam nhưng đã được bộc lộ ra ngoài không thể che giấu với đôi mắt si dại và tôn thờ khi nhìn Mộng Trinh.
Bác Bình gái lại còn nói:
- Muốn hái quả nào nữa thì cứ bảo anh Nam hái cho! Đặc biệt cho cháu đấy!
Mộng Trinh mắt sáng lên nhanh nhẩu đáp lời bác Bình gái:
- Cám ơn bác ạ. Cháu cám ơn bác nhiều lắm ạ.
Nam nhanh nhẹn nói với Mộng Trinh:
- Ra vườn theo anh! Bác cho rồi đấy! Không sợ nữa nhé!
Đi theo anh Nam, Mộng Trinh giải thích:
- Em sợ chứ! Chưa xin mà đã hái là mang tội ăn trộm đấy! Phải đi xưng tội không sẽ bị Chúa phạt đấy!
Nam cười nghĩ thầm: Sao cô bé này có thể dễ thương như vậy chứ?
Ra đến vườn sau, Nam hỏi Mộng Trinh:
- Nào bây giờ muốn hái quả gì anh hái cho!
Mộng Trinh không đáp mà cứ tha thẩn đi nhìn ngắm hết cây này đến cây kia.
Nam trêu chọc:
- Sao suy nghĩ gì lâu như thế chứ? Muốn hái hết cả vườn cây sao?
Mộng Trinh nhìn anh Nam nói nho nhỏ:
- Em thích như vậy thật! Nhưng không được phép đâu! Mà tham lam cũng là tội đấy phải không?
Cô bé này được dậy dỗ cẩn thận quá! Nói năng cứ như một bà sơ tí hon! Nhưng nhìn vẻ mặt rất ngây thơ của Mộng Trinh, Nam không dám nói đùa nữa mà chỉ cười thay cho lời nói. Thật ra nếu Mộng Trinh có suy tính cả tiếng đồng hồ thì cũng chẳng sao. Được ở bên cạnh cô bé càng lâu càng tốt.
Mộng Trinh ngừng chân và đứng rất lâu dưới cây chanh trĩu quả. Cô bé hết nhìn rồi lại đưa bàn tay nhỏ xíu sờ nhè nhẹ vào mấy quả chanh.
Nam lên tiếng:
- Hái chanh nhé?
Mộng Trinh ngần ngừ rồi trả lời Nam:
- Em cũng thích mùi chanh… nhưng hái chanh có cả lá được không?
- Dĩ nhiên là được! Anh hái cho em nhé?
- Nhưng… nhỡ bác Bình không bằng lòng thì sao?
- Đã có anh. Đừng sợ!
Mộng Trinh nhìn anh Nam tin tưởng và gật đầu đưa tay chỉ.
Cành chanh còn non, mãi mới bẻ được dù chỉ là cành nhỏ. Cành có mỗi một trái chanh đã hơi ươm vàng và có 4, 5 lá xen kẽ.
Đưa cành chanh cho Mộng Trinh, Nam hỏi nhỏ:
- Sao thích không?
Mộng Trinh gật đầu đưa chùm chanh lên mũi hít hà nói:
- Thơm thật anh à! Cành của nó cũng thơm nữa! Anh ngửi mà xem!
Nói xong Mộng Trinh đưa cành chanh cho Nam. Đôi mắt to đen hơi xếch của Mộng Trinh ánh lên nụ cười trẻ thơ khi nhìn anh Nam.
Cầm cành chanh, Nam ngây dại nhìn ngắm Mộng Trinh.
Cô bé dục:
- Anh ngửi mà xem!
Nam đưa cành chanh lên mũi nhưng mắt không rời khỏi khuôn mặt của bé Mộng Trinh. Mùi hương cay cay của chanh phả vào mũi Nam và những lời nói ra như đã có sẵn trong đầu, trong tim với tâm hồn mở rộng đã tuôn ra tự nhiên và chân thành:
- Anh sẽ đợi em…! Bao nhiêu lâu anh cũng đợi…
Mộng Trinh hồn nhiên hỏi lại với vẻ hiếu kỳ:
- Anh đợi em để đi đâu sao? Mà đợi để làm gì?
Nam chỉ biết cười và trả lời:
- Lớn lên em sẽ biết!
Những lời nói của anh Nam ngày hôm đó dưới những tàn cây ăn trái trong vườn sau nhà bác Bình đã êm đềm đi vào ký ức của Mộng Trinh, trong sáng như ánh nắng đã bắt đầu dịu lại khi trời đang ngả về chiều.
Chiều hôm đó đi về nhà cùng với mẹ, Mộng Trinh hớn hở cầm túi nhỏ có đựng cành chanh với một quả chanh và một quả cam chín vàng mà anh Nam đã hái cho. Bé chỉ thích thú nghĩ đến chuyện về đến nhà sẽ đặt ở đầu giường ngủ, còn chuyện anh Nam nói gì và hình ảnh anh Nam đã bảng lảng tan biến mất!
Tối hôm đó mùi thơm của cam và chanh tươi đã nồng nàn đưa Mộng Trinh vào giấc ngủ thật êm đềm.
*
Với vóc dáng bên ngoài rất lịch sự, ăn nói bặt thiệp rất xã giao, ông Minh học tiếng Anh rất nhanh và nói rất lưu loát, một tương lai rộng mở trước mặt cho gia đình ông. Vài tháng sau ông Minh tìm được việc làm thông ngôn ở Ban Mê Thuột nên bán căn nhà đang ở và dọn lên Ban Mê Thuột.
Lại là một lần dọn nhà khác. Cuộc sống vẫn là tạm bợ ở một thành phố cao nguyên mang tên Ban Mê Thuột. Mọi sự lại hoàn toàn thay đổi. Khí hậu vùng cao lạnh lẽo, phố xá thưa thớt, không ồn ào náo nhiệt như ở Sài Gòn. Những họ hàng người thân đều ở Sài Gòn, trừ một gia đình người em gái của ông Minh vì người chồng cũng tìm được công việc vào cùng chỗ với ông.
Ở Ban Mê Thuột chị em Mộng Trinh vào học trường St. Paul của mấy sơ. Con đường đạo hạnh đã vẽ ra cho Mộng Trinh ngay từ lúc nhỏ và cứ thế mà khôn lớn lên với những bước chân nhỏ bé dịu dàng nhưng vững chãi với niềm tin tôn giáo đã được cấy sâu vào tâm hồn.