Chương 20 Thomas đã đến địa điểm tiệm ăn trước Hoài. Có lẽ Thomas đã ở đâu đó quanh đây nên mới tới tiệm ăn nhanh như vậy.
Vừa ngồi xuống ghế, Thomas gọi cho Hoài ngay:
- Tôi đã đến tiệm ăn và đang chờ bên trong.
Đang lái xe, Hoài trả lời:
- OK. Tôi sắp đến nơi. Chừng vài phút!
- Không sao! Cứ thong thả!
Chừng vài phút sau khi đậu xe, Hoài vào bên trong tiệm ăn. Nàng nhìn thấy Thomas ngay vì anh ta chọn một chỗ khá là dễ nhìn.
Thomas đưa tay lên ra hiệu vì sợ Hoài không nhìn thấy.
Khi Hoài đến gần bàn nơi Thomas đang ngồi, anh ta vội vã đứng dậy đưa tay ra bắt tay với tất cả những niềm nở hiện trên khuôn mặt đang có nụ cười tươi.
Bàn tay to lớn của Thomas ấm áp như chuyển đạt sang bàn tay Hoài một thân mật vui vẻ khi anh ta nói:
- Mời bác sĩ ngồi! Cám ơn bà đã nhận lời mời của tôi ngay như vậy!
Hoài cười:
- Cô thư ký của tôi nói anh có việc quan trọng cần gặp tôi!
Thomas xua tay, đưa thực đơn cho Hoài:
- Chúng ta hãy ăn đã vì tôi rất đói!
Hoài cầm thực đơn liếc nhanh vì buổi trưa nàng không ăn nhiều lắm. Nàng chọn món cá và rau.
Thomas rất tự nhiên:
- Tôi có cảm tưởng đã quen biết bác sĩ lâu lắm rồi! Đừng khách sáo nhé! Thoải mái thì ăn mới ngon! Tôi chưa đến đây bao giờ.
Hoài tủm tỉm cười:
- Tôi cũng vậy! Đây là lần đầu tiên tới đây!
Khi đã chọn xong món ăn và thức uống, lúc đó Thomas không còn cười cợt như lúc đầu nữa khi nói với Hoài:
- Đã có thêm một nạn nhân thứ ba… ở ngay đây!
Hoài sửng sốt:
- Nhanh như vậy sao? Thế thì… Son Nguyễn được thả ra rồi.
- Chưa thể khẳng định cả 3 vụ là do một thủ phạm nên Son Nguyễn vẫn chưa thể ra khỏi nhà tù được!
- Vì chuyện sex của Son Nguyễn và Olivia sao?
- Đúng vậy!
Hoài không nói gì. Nàng định hỏi về nạn nhân thứ ba bị giết như thế nào nhưng Thomas đã nhanh chóng giải thích ngay:
- Nạn nhân thứ ba là một cô gái cùng trạc tuổi với 2 nạn nhân trước. Mẹ của Sophia Flores mang hai giòng máu đen và trắng, bố là Mễ. Nạn nhân là giáo viên tiểu học. Tuy cũng có vết cắt trên bả vai như hai nạn nhân trước đó nhưng Sophia Flores không bị treo lên cây!
Nghe thế, Hoài hỏi ngay:
- Vậy đúng là một vụ giết người hàng loạt?
- Phải! FBI đã vào cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm!
Hoài tò mò:
- Vậy anh có tiếp tục điều tra không?
- Đương nhiên vì thế tôi mới muốn gặp bác sĩ ngày hôm nay.
Hết sức ngạc nhiên, Hoài hỏi Thomas:
- Tôi ư? Tôi thì làm gì được mà giúp anh chứ?
Thomas cười:
- Tôi nghĩ bà có thể cho tôi nhìn thấy thủ phạm là loại người như thế nào!
Hoài bật cười lắc đầu:
- Không thể nào!
Thomas đề nghị:
- Tôi có thể phân tích và đưa ra những suy đoán của tôi rồi từ đó bà có thể nhìn thấy con người bí ẩn đó!
Hoài ngỡ ngàng nhìn viên thám tử nhưng cũng thấy thú vị như đang trong một trò chơi. Điểm khác biệt và đáng sợ vì đây là một trò chơi có thể thành sự thật với những nguy hiểm và cả sinh mạng con người!
Nhìn thấy dáng vẻ của Hoài, Thomas nói ngay:
- Tôi nói thật đấy! Bà có muốn giúp tôi không?
Hoài hơi phân vân nhưng nàng hiếu kỳ:
- Thử xem! Tôi không biết tôi sẽ làm được gì!
Khi nói với Hoài, Thomas không màng đến những lời trách móc kêu ca của thám tử Walker Cox:
- Suy nghĩ và phân tích đến đâu rồi tôi cũng trở lại với nhân vật tên Larry Cruz, anh cựu quân nhân hiện giờ không biết ở đâu? Bà còn nhớ bà nói với tôi lần trước là có thể Larry Cruz bị PTSD?
- Tôi nhớ! Nhưng vì sao lại chỉ là người này mà không tìm kiếm xem có ai khác?
Thomas thở dài:
- Vì không có ai đáng ngờ khác!
Hoài hỏi lại:
- FBI có nghi ngờ người này không?
- Tôi không biết! Phần tôi đây là một cuộc điều tra độc lập. Với FBI và mạng lưới rộng lớn tôi nghĩ họ sẽ tìm ra Larry Cruz. Nhưng họ có xem anh ta là một nghi phạm để tìm kiếm hay không thì tôi không biết!
- Vậy thì tôi giúp anh ra sao?
Thomas chợt hỏi:
- Với những điều tôi đã kể cho bà, liệu bà có nghĩ Larry Cruz là thủ phạm không?
Hoài nhìn Thomas với ánh mắt hoài nghi:
- Anh đang hỏi tôi phân tích về một người chỉ dựa theo phỏng đoán. Điều này sai! Không thể chỉ phỏng đoán rồi kết tội! Sai! Hoàn toàn sai!
Thomas suy nghĩ:
- Để tôi đổi lại câu hỏi. Giả dụ một người bị PTSD thì có thể trở thành một kẻ sát nhân hay không?
Hoài suy nghĩ rồi trả lời:
- Một người bị PTSD có thể bị những ký ức kinh sợ trong quá khứ quấy rầy hay bị kích thích vì những âm thanh, hình ảnh hay ngay cả những mùi chung quanh họ. Khi bị kích thích như vậy, kẻ bị PTSD sẽ cảm thấy như sự kiện nào đó trong quá khứ đang xẩy ra lần nữa và họ hoàn toàn mất đi nhận thức về môi trường hiện tại xung quanh.
- Ý bà muốn nói là kẻ bị PTSD có thể vẫn bị ám ảnh bởi ký ức trong quá khứ và không phân biệt đâu là hiện tại và đâu là quá khứ? Sống trong hiện tại mà vẫn tưởng là đang sống trong quá khứ?
- Đúng như vậy! Đó là những người bị PTSD nặng!
Thomas gợi ý:
- Giả dụ một cựu quân nhân bị PTSD và những ký ức trong chiến tranh làm người đó không thể nào quên được và luôn bị ám ảnh chẳng hạn như đã nhìn thấy một cảnh giết người hay chính người cựu quân nhân đó đã ra tay giết người… thì liệu anh ta có lập lại hành động đó trong hiện tại như đã làm trong quá khứ hay không?
Hoài hiểu ngay Thomas đang dẫn dắt nàng đến những câu trả lời theo ý anh ta:
- Có thể xẩy ra như vậy!
Thomas có vẻ đăm chiêu trước câu trả lời của người bác sĩ tâm lý.
- Vậy những người bị PTSD nặng khó mà có thể trở lại đời sống bình thường cũng như khó khăn khi hội nhập với xã hội được đúng không?
Câu trả lời của Hoài:
- Vì vậy những người này cần được chữa trị!
Thomas lại đổi câu hỏi:
- Liệu những người này có nhận thức là mình bị PTSD hay không?
Hoài phân tích:
- Có những người chỉ bị chứng rối loạn căng thẳng cấp tính còn gọi là ASD. Với những người bệnh này chỉ có thể chẩn đoán được trong vòng tháng đầu tiên sau chấn thương, ít nhất là 1 tháng sau chấn thương. Nhưng ASD có thể phát triển trực tiếp thành PTSD sau nhiều tháng hay cả năm mà không có vấn đề gì rõ ràng trước đó. PTSD thường bị bỏ qua. Chấn thương có thể không rõ ràng đối với bác sĩ và bệnh nhân, có thể không có động lực để thảo luận về một chủ đề mà chính người đó muốn né tránh. Chấn thương có thể dẫn đến một vòng xoáy phức tạp của các triệu chứng nhận thức, tình cảm, hành vi và cơ thể. Việc chẩn đoán thường phức tạp hơn do có rối loạn trầm cảm xảy ra đồng thời, rối loạn lo âu hoặc rối loạn sử dụng chất kích thích.
Thomas lại nói với Hoài:
- Nhưng bác sĩ vẫn chưa trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi về sự nhận thức của người mắc bệnh PTSD.
- Như tôi đã giải thích lúc nãy là người bệnh muốn né tránh vấn đề nên có nghĩa là họ nhận thức được bệnh của mình chứ không phải là không! Nhưng đôi khi lại muốn tự dối gạt mình! Chỉ bởi vì những chấn thương này quá nghiêm trọng cũng như những hồi tưởng và ký ức trong quá khứ quá kinh sợ nên tìm cách tránh né!
- Đối với những người bị PTSD nặng thì những ký ức gọi là kinh sợ đó có trở đi trở lại nhiều lần không?
- Tùy người và cũng tùy những ký ức đó như thế nào trong quá khứ. Nhưng như tôi đã nói những trải nghiệm đó trong quá khứ mang tính cách thâm nhập khó mà tránh né được. Có những người khi bị hội chứng PTSD, thì những ký ức đó đã trở thành một nỗi ám ảnh làm họ luôn luôn bị căng thẳng về tâm lý hoặc sinh lý khi bị nhắc nhở về sự kiện đó, ví dụ vào ngày kỷ niệm của biến cố đó.
- Kẻ bị PTSD ngoài chuyện bị ám ảnh về quá khứ thì họ có bị thay đổi nhiều không? Ý tôi muốn hỏi là thay đổi về những thói quen hay ước muốn?
Hoài giải thích:
- Thường là những thay đổi tiêu cực trong nhận thức và tâm trạng bao gồm cả sự thờ ơ hay nhận thức sai lệch, mất hứng thú. Họ tự trách móc bản thân không hòa hợp được với xã hội hay đám đông rồi đưa đến trầm cảm.
Thomas suy nghĩ:
- Người bị PTSD khi bị kích động vì nỗi ám ảnh trong quá khứ đó sẽ phản ứng như thế nào?
Hoài nhìn Thomas và thấy anh ta là một thám tử giỏi và thông minh biết đặt câu hỏi. Thomas có thể trở thành một luật sư giỏi trước tòa án khi đưa ra những câu hỏi để đưa người bị hỏi vào tròng.
Nghĩ như vậy nên nàng không thể tránh khỏi nụ cười ý nhị.
Thấy bác sĩ Nguyễn cười, Thomas cũng bật cười theo nhưng tò mò hỏi:
- Tại sao bà lại cười khi tôi hỏi như vậy?
Hoài thẳng thắn trả lời Thomas;
- Vì anh rất thông minh khi đặt câu hỏi để tìm cách đưa tôi đến câu trả lời mà anh mong muốn. Anh có chủ đích!
Thomas cười thành tiếng rất thoải mái:
- Đúng như vậy! Tôi có chủ đích khi hỏi câu hỏi như thế!
Hoài không cười nữa khi trả lời câu hỏi của viên thám tử:
- Phản ứng của người bị PTSD khi bị khích động cũng tùy theo mức độ chuyện xẩy ra trong quá khứ gây nên nỗi ám ảnh đó ra sao. Nặng hay nhẹ. Và cũng còn tùy thuộc vào bản chất của kẻ bị PTSD đó như thế nào nữa. Chẳng hạn một người vốn là một kẻ mạnh mẽ dữ dằn và hung hăng trước biến cố nào đó thì phản ứng lại khác. Còn một kẻ bản chất hiền lành khi bị lôi cuốn vào một sự kiện kinh khủng trong quá khứ rồi sau đó bị PTSD thì phản ứng lại khác. Rất khó có một câu trả lời chung được!
Thomas nhớ lại những điều Mia đã kể cho mình về Larry Cruz trong cuộc gặp gỡ duy nhất tại nhà của Christine Baker tại Tyler.
Dựa vào đó chàng tiếp tục đặt câu hỏi nhưng vẫn không muốn nhắc đến tên Larry Cruz để Hoài được thoải mái khi trả lời:
- Chẳng hạn như kẻ bị PTSD là một người lạnh lùng xa cách và như bị lạc lõng trong đám đông thì theo bác sĩ phản ứng của người đó sẽ ra sao khi bị khích động?
Hoài hỏi lại:
- Người đó dữ dằn hay hiền lành nhút nhát?
Thomas nhớ đến hình xâm trên cánh tay vạm vỡ của Larry Cruz khi trả lời:
- Tôi nghĩ đó không phải là một người hiền lành hay nhút nhát.
- Có những người dữ dằn sẽ có những biểu hiện về sự kích động khi ký ức xâm nhập là chống đối hung hãn, bộc lộ mọi sự tức giận và phản kháng kịch liệt.
- Có thể sẽ có những phản ứng làm hại người khác không? Và liệu kẻ bị PTSD có nhận thức được hành động của mình hay không?
Câu hỏi này của Thomas rất hay làm Hoài nhớ đến những khám phá mới đây về hội chứng PTSD.
- Một phân nhóm phân ly của PTSD đã được công nhận. Kẻ bị PTSD lúc đó có cảm giác tách rời khỏi bản thân hay rời khỏi cơ thể hay như qua một trải nghiệm giống như trong giấc mơ.
- Có nghĩa là khi đang ở trong trạng thái như vậy, kẻ đó không nhận thức được những điều mình đang hành động?
Hoài gật đầu:
- Đúng vậy! Hay những trải nghiệm trong quá khứ lại lập lại mà kẻ bị PTSD không nhận thức được rõ ràng. Ví dụ ký ức ghê rợn trong quá khứ của kẻ đó là hãm hại một ai đó dù là trong chiến tranh nhưng kẻ bị PTSD luôn có mặc cảm tội lỗi và bị dằn vặt về hành động của mình thì hành động này trong lúc đang bị kích động và mất nhận thức thì cũng có thể xẩy ra.
Thomas nghĩ ngay nếu quả thật Larry Cruz bị hội chứng PTSD và cũng chính y là thủ phạm của cả 3 vụ giết người vừa qua thì những hành động của y dù là giết người cũng sẽ chỉ bị án tù chung thân là cùng! Thật thất vọng!
Những ý nghĩ này hiện lên trên mặt Thomas.
Nhìn thấy Thomas có vẻ khác lạ nhưng Hoài không hỏi vì sao.
Thomas nói với Hoài:
- Bác sĩ ăn đi chứ! Đừng vì những câu hỏi của tôi mà bà ăn mất ngon! Tôi xin lỗi.
Hoài vừa ăn vừa nói với Thomas:
- Buổi trưa tôi không ăn nhiều.
Thomas không muốn hỏi thêm về PTSD nữa. Nhưng những nghi ngờ về Larry Cruz càng lúc càng rõ rệt hơn và càng không thể bỏ qua.
Thám tử Thomas ăn hết phần ăn của mình một cách ngon lành.
- Tiệm ăn này thức ăn cũng khá phải không bác sĩ? Bà có thường xuyên đến đây không?
Hoài cười nhẹ:
- Đây là lần đầu tiên! Thức ăn khá ngon!
Nhìn chiếc nhẫn lấp lánh ở ngón tay áp út của bác sĩ Nguyễn, Thomas nghĩ thầm: Bà ấy đã lập gia đình! Người chồng của bà ta là người như thế nào nhỉ? Nếu mà người vợ là một người sắc xảo và có thể nắm bắt mọi ý nghĩ của mình thì… đáng sợ! Nghĩ như vậy và cũng thấy buồn cười cho những suy nghĩ của mình nhưng Thomas giấu kín ý tưởng cũng như nụ cười hóm hỉnh của mình vì nhỡ ra…. Bà ấy đọc được thì sao?
Điện thoại của Hoài reo. Nàng mở xắc tay nói với Thomas:
- Xin lỗi! Tôi phải nghe điện thoại!
Hóa ra là Anne gọi cho nàng.
- Hello! Anne hả?
Giọng Anne ríu rít như chim:
- Chị ăn trưa ngon quá rồi quên giờ sao? Bệnh nhân hẹn đến rồi!
- À.. quên thật! Chị về văn phòng ngay. Cũng vừa ăn xong!
- OK chị!
Thomas vui vẻ cám ơn Hoài:
- Cám ơn bác sĩ nhiều lắm vì đã cho tôi thì giờ cũng như những hiểu biết quý báu của bà!
Hoài cười vui:
- Cám ơn vì bữa ăn trưa ngon! Nói chuyện với anh cũng vui!
Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tươi vui và cởi mở của Thomas khi nói với Hoài:
- Tôi rất vui được nói chuyện với bác sĩ. Cuộc trò chuyện rất hữu ích và thú vị, nhất là vì… tôi không phải là bệnh nhân của bà!
Cả hai cùng cười vì câu nói này của Thomas.
Hoài nói ngay:
- Tôi có bệnh nhân hẹn đang chờ nên phài về văn phòng ngay. Cám ơn…
Thomas cũng đứng lên khi thấy Hoài cầm túi xách đứng dậy và có vẻ vội vã.
Chàng nói vớt vát:
- Trong tương lai gần hy vọng được sự giúp đỡ của bác sĩ nữa.
- Không sao! Có thể giúp được gì tôi sẵn lòng bởi vì Son Nguyễn hiện tại cũng là bệnh nhân của tôi.
Hai người bắt tay nhau. Thomas đưa Hoài ra đến gần cửa bên ngoài rồi quay lại vào trong thanh toán tiền ăn trưa.
Thomas rất thích người bác sĩ này! Trò chuyện với bà ta rất hứng thú!