Giọt Lệ Tháng Sáu - Truyện dài Mặc Bích
frank 16.07.2025 02:42:49 (permalink)
 
Giọt Lệ Tháng Sáu
 
Truyện dài
 
Mặc Bích
 
 
Chương 1
 
 
April đẩy cổng rào bằng gỗ chỉ cao đến nửa thân người vào sân bên trong. Hàng rào gỗ bao bọc quanh khu nhà rất thưa và thấp như chỉ để phân định giữa nhà này với nhà kia mà thôi. Đã sang đầu tháng 3 nhưng trời còn khá lạnh. Từng giải sương mù trắng đục vắt ngang ở quãng này một chút rồi lại biến đi ở nơi xa hơn. Hay chỉ vì có những nơi đã tỉnh giấc?

Nhà của mẹ vẫn còn say ngủ trong màn sương. Những màn che của từng ô cửa sổ vẫn còn khép kín. Những bụi hoa hồng phía trước nhà trồng đã lâu năm với những đốm hoa mầu đỏ như những con mắt đang tò mò nhìn người thiếu nữ đã lâu lắm không trở về.

April An Phạm vẫn đứng ở sân trước nhìn ngắm chung quanh. Mọi sự không thay đổi, vẫn không khác gì cách đây 6 tháng là lần cuối nàng về thăm mẹ. Ngay gần sát vòm cửa vào nhà, hai bụi hoa Iris trồng hai bên đã bắt đầu nở hoa, một bên hoa tím, bên kia hoa vàng. Ở quê nhà của mẹ tận bên kia trái đất, mẹ gọi hoa Iris là hoa Diên Vỹ, April đã nhớ cái tên đó và thích hơn là tên gọi Iris. Cánh hoa Diên Vỹ tuy hình dạng mềm mại phô bầy sắc hương nhưng lại cứng cáp từ bên trong với những đốm mầu tỏa ra như những ngọn pháo bông bùng nổ trên trời đêm. Những tán lá xanh hình lưỡi kiếm nhọn sắc kiêu hãnh đâm thẳng lên trên cao mà có lần mẹ đã gọi đó là những nỗi buồn thấu tim! Những tán lá gần sát đất xòe ra chứ không chĩa lên trời nhưng đầu lá vẫn sắc nhọn và cứng.

April lần đó đã hỏi mẹ vì sao mẹ lại nghĩ những tán lá của hoa Iris là những nỗi buồn thấu tim? Câu trả lời của mẹ là đôi mắt u uẩn chứa đựng nhiều xót xa đớn đau cộng theo với lời nói là nỗi nhớ mà April không bao giờ quên nổi.

“Còn nỗi đau nào hơn khi mất đi người mình yêu! Những tán lá của hoa Iris bên ngoài cửa đã từng chạm vào ống quần của ba con mỗi khi đi ngang qua… Giờ đây mỗi lần cũng từng tán lá đó chạm vào chân mẹ thì từng đầu nhọn của lá lại nhắc nhở đến nỗi đau..”

Mẹ chưa từng kể hay không muốn kể cho April nghe vì sao ba mất! Vì sao không nói thì mẹ chỉ im lặng! Đó là câu trả lời của mẹ! Theo lời mẹ kể thoáng qua thì xác của ba sau khi qua đời đã được thiêu thành tro bụi và rải khắp sân trước và vườn sau nhà. Đã có lần April nghĩ ba vẫn có mặt ở đâu đây trong ngôi nhà hay sau vườn đầy hoa. Ba đã mất khi chị em April hãy còn nhỏ, 3, 4 tuổi! Ngay cả cái họ Phạm cũng là họ của mẹ. Vì sao chị em April không mang họ cha thì mẹ cũng không chịu giải thích! Sự hiện diện của người ba đã cộng tác vào việc sinh ra hai chị em April và June rất mơ hồ, không hình ảnh nào lưu lại, bia mộ cũng không vì đã thiêu. April chỉ biết tên của ba là Adam West.

Những khắc khoải về một người cha không còn nữa trên cõi đời này dần dần cũng phai nhạt đi. Ngày hôm nay trở về nhà, đứng trước sân tìm lại những ngày cũ… mà thấy mới! Chỉ vì nàng đã trưởng thành, có cuộc sống và một nơi chốn để trở về sau những giờ làm việc và gọi đó là nơi thân quen, là nhà riêng của mình! Một ai đó đã bảo rằng khi rời khỏi nơi mình đã sinh ra và lớn lên và lúc trở về chốn ấy mới nhận ra một thời là nhà nay đã trở nên lạ và không còn thuộc về mình nữa! Không sai với tâm trạng của April ngày hôm nay!

Mẹ là người yêu hoa nên trồng rất nhiều loại hoa. Ở ngay góc sân trước những bụi hoa Hydrangea cho những chùm hoa tụ lại thành hình quả cầu. Hèn gì mẹ đã gọi đây là hoa Cẩm Tú Cầu! Những cái tên Việt nghe rất gợi hình! Đấy cũng chỉ là theo lời mẹ nói và giải thích, còn tiếng Việt của April rất sơ sài và hiểu biết về quê hương của mẹ quá ít ỏi! Mầu xanh có ánh sắc hồng của hoa Cẩm Tú Cầu dịu dàng nhưng kiêu sa ẩn hiện trong màn sương ngày hôm nay như nhắc nhở người con xa nhà nay mới trở về rằng sân nhà vẫn đẹp trong chờ đợi một cái nhìn tán thưởng.

Thoang thoảng có mùi hoa Jasmine trong sương sớm! Kia kìa! Ánh mắt của April ngừng lại ở những bông hoa trăng trắng xinh xinh. Mầu trắng tinh khiết gợi nên một cảm giác thư giãn. Mẹ đã gọi hoa này là gì nhỉ? Mẹ không gọi là Jasmine! Mẹ thường hay ngắt những bông hoa trắng tinh này để vào đĩa đặt  trong nhà cho tỏa hương thơm. April  chợt nhớ ra tên gọi Việt Nam của hoa  này! Hoa Nhài! Đúng rồi! Trí nhớ của  nàng cũng không tệ lắm! Hoa này cũng  mọc thành từng bụi xen kẽ với hoa Cẩm  Tú Cầu.

Còn vườn sau nhà nữa! Không biết  có thay đổi gì không?

April kéo chiếc va-li nhỏ qua vòm  cổng trước rồi lấy chìa khóa mở cửa. Ổ  khóa vẫn nhẹ nhàng chuyển động theo  vòng xoay của nàng như chào đón April  trở về.
Nàng đẩy cửa vào bên trong nhà. Tất  cả dường như đang say ngủ, không một  tiếng động! Chuyến bay đêm đã đưa  April về nhà vào sáng sớm. Đã ngủ trên  máy bay suốt dọc đường nên nàng rất  tỉnh táo dù mới có gần 8 giờ sáng. Bên  ngoài trời nhiều sương mù nên bên trong  nhà hãy còn thấy hơi tối không sáng nhưng  cũng đủ cho April nhìn thấy mọi sự vẫn  y như cũ.

Tấm ảnh chụp hình hai chị em April lúc còn nhỏ khi đó April mới 4 tuổi và chị June 6 tuổi. Trong hình chị June cười rất tươi. Nụ cười hồn nhiên thanh khiết với hàm răng dưới có 1 cái răng mới nhú lên như một chồi non xinh xắn. April không cười mà mắt còn ngấn lệ vì vừa bị ngã đau! Khung hình và ảnh đó được đặt trên chiếc bàn dài nhưng chỉ hẹp bằng hai găng tay ngăn giữa phòng khách và phòng ăn. Bên cạnh ảnh hai chị em có ảnh khác là hình của mẹ chơi vĩ cầm. Trong hình mẹ trẻ lắm và đẹp.

Bức tượng thiếu nữ khỏa thân trắng toát nằm nghiêng trong một tư thế tuy là gợi tình nhưng có lẽ vì mầu trắng nên cho một cảm nhận trong sáng hơn cũng nằm trên chiếc bàn dài hẹp ấy. Bức tượng ấy sáng rực lên cũng chỉ vì cái mầu trắng của nó như phô trương không chỉ vẻ đẹp của người thiếu nữ mà còn gợi lên một xúc động! Không phải xúc động của April nhưng là của mẹ! Theo mẹ đó là một gắn bó duy nhất giữa ba và mẹ còn lưu lại mà không gây nên buồn phiền cho mẹ khi nhớ đến ba!
April đã từng nghĩ có rất nhiều điều bí ẩn về cuộc đời cũng như con người của mẹ nhưng mẹ nàng không hề muốn thố lộ, dù cho April là con của mẹ!

Trên tường ở phòng khách vẫn những bức tranh nằm yên đó mà April tin chắc rằng khi tháo những bức tranh xuống sẽ lộ ra những khoảng trống khác và sáng hơn với mầu của tường. Chiếc đàn vĩ cầm của mẹ kiêu hãnh nằm ở chỗ của nó như định hình với chủ nhân về một gắn bó không thể buông bỏ!

Căn nhà này đã từng vang vọng tiếng đàn réo rắt của mẹ. Những tiếng đàn, những bài nhạc mà April đã được nghe từ nhỏ không biết đến bao nhiêu lần và nhớ nằm lòng dù nàng không đàn vĩ cầm. Mẹ đã dậy cho cả chị June và April chơi đàn vĩ cầm nhưng đều phải bỏ cuộc với nỗi thất vọng vì hai chị em April không có khiếu về âm nhạc!

Ở một góc gần cửa sổ nhìn ra sau vườn April vẫn nhìn thấy ảnh mẹ và ban nhạc đại hòa tấu biểu diễn ở sân khấu danh tiếng Carnegie Hall được đóng khung treo trên tường! Sự nghiệp âm nhạc nổi tiếng một thời của mẹ vẫn còn hiện diện trên bức tường kia.

April ghé mắt nhìn vườn sau nhà qua khung cửa kính. Sương mù phủ dầy đặc đàng sau vườn nhưng không che khuất nổi cái mầu trắng như đang sáng rực lên của 3 chiếc ghế dành cho ba mẹ con nàng.

Tự dưng April thấy buồn bã khi nhìn hình ảnh 3 chiếc ghế sơn trắng ngoài vườn. Sau nhiều năm, mỗi khi nước sơn bị tróc hay đổi mầu, mẹ đều tỉ mỉ sơn lại như mới. Dù mẹ không nói ra nhưng April hiểu dụng ý của mẹ. Mẹ nàng vẫn mong chờ một ngày nào đó chị June sẽ đột nhiên xuất hiện và cả ba mẹ con sẽ cùng ngồi bên nhau như xưa như khi mẹ hãy còn rất trẻ và cả nàng cùng chị June mới chỉ là những đứa bé!

Có tiếng động sau lưng làm April giật mình quay lại. Nàng khẽ kêu lên:

- Mẹ…!

Mây đang ngây người nhìn con gái. April về mà không báo trước! Thật là bất ngờ… nhưng là niềm vui sướng mà chỉ có một người mẹ mới hiểu được tình cảm đó khi thấy con trở về!

- An.. về rồi đó ư?

Tên con gái thứ hai là April An Phạm nhưng từ khi April còn nhỏ, Mây chỉ gọi con là An. Đối với nàng tên gọi An nghe gần gũi và ấm áp.
Chẳng ai gọi April là An, chỉ có mẹ! Và April cũng chỉ là An đối với mẹ, chỉ dành riêng cho mẹ!
April lại gần ôm choàng lấy mẹ, xiết chặt:

- Con đây! An đây! An về với mẹ rồi đây!

Khi hai mẹ con buông nhau ra, Mây nhìn ngắm con gái rồi nói:

- Bận công việc lắm ư sao mẹ thấy con gầy đi?

April nhoẻn miệng cười với mẹ;

- Con gái mẹ được công việc cố định, lương cao hơn và phải đi ra nước ngoài nhiều nên con cũng vất vả hơn! Nhưng mẹ đừng lo, con khỏe lắm!

Mây nhìn con gái mỉm cười hài lòng trước sự thăng tiến của con trong sự nghiệp. Tuy nàng vẫn thường xuyên lo âu mỗi khi nghe con gái phải đi đến những vùng nguy hiểm. An vừa là phóng viên vừa là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

- Ở nhà được vài ngày không?

April nắm tay mẹ lắc lắc:

- Hôm nay là thứ ba, con ở nhà với mẹ cho đến chủ nhật thì phải bay về lại New York để đi làm.

- Mấy tháng trước lúc con đi rồi, mẹ đã giặt sạch tất cả vài giường, áo gối, chăn. Hôm qua cũng không biết tại sao nhưng chắc là nhớ con nên mẹ dọn phòng con gọn lắm rồi, nào ngờ hôm nay con về!

April đùa với mẹ:

- Vậy thỉnh thoảng mẹ cứ làm như vậy đi là con về với mẹ thôi!

Mây hỏi con gái:

- Chắc bây giờ buồn ngủ lắm phải không? Đi suốt cả đêm mà!

- Con ngủ trên máy bay nên đủ rồi, không buồn ngủ. Mẹ à… mẹ có khỏe không?

Mây kéo con gái ngồi xuống ghế sofa, rồi cứ nắm lấy tay April như chỉ sợ con gái lại đi mất.

- Mẹ khỏe! Mặc dù con gọi điện thoại luôn luôn nhưng mẹ vẫn nhớ con! Nhiều lần định bay lên New York thăm con nhưng cứ nghĩ làm vậy sẽ gây khó nghĩ cho con vì con còn bận rộn với công việc hay con lại đi xa không có ở đó! … Nhưng An này…

April hiểu ngay mẹ mình muốn nói gì khi ngần ngừ như vậy. Câu hỏi này mẹ April đã hỏi nàng nhiều lần.

- Mẹ muốn hỏi con có bạn trai chưa chứ gì?

Nói xong April ôm mẹ cười khúc khích.

- Chưa! Con vẫn là An bé bỏng của mẹ!

April còn cười cợt thêm với mẹ mình:

- Con sẽ không lấy chồng và ở bên cạnh mẹ suốt đời!

Mây biết con gái trêu chọc mình nhưng cũng thích lối nói đùa ấy nên chỉ cười theo mà không nói gì tuy cũng hơi thất vọng vì April vẫn chưa có bạn trai! Sao vậy không biết?

- Bận quá hay vì không có ai phù hợp?

April nghĩ thầm nếu ở lại lâu với mẹ chắc sẽ bị mẹ mình thúc giục về chuyện này! Nàng nói cho qua chuyện:

- Công việc của con cũng bận rộn thật, đó cũng là một trong những lý do. Con cũng hẹn hò vài người nhưng rồi không hợp! Mẹ đừng lo mà! Ngày xưa mẹ lấy ba cũng đâu có sớm đâu?

Nghe April nói thế, Mây đánh trống lảng sang chuyện khác.

- Ở nhà mấy hôm thích ăn gì mẹ làm? Hay muốn đi ăn ngoài?

April nũng nịu vì biết là mẹ mình thích như vậy.

- Con muốn ăn những món mẹ làm. Xa nhà ăn tiệm mãi chán lắm!

Mây đề nghị:

 - Hai mẹ con mình cùng làm bếp nhé? Như vậy con sẽ học được vài món và có thể tự làm lấy khi xa nhà.

April nói nửa đùa nửa thật:

- Con sẽ tìm cho mẹ một chàng rể biết nấu ăn ngon!

Mây cười:

- Đừng có lấy anh đầu bếp đó!

April cũng cười theo mẹ khi nói:

- Có sao đâu? Anh đầu bếp thì sao chứ? Chef mà nổi tiếng thì giầu lắm đó!

Mây lắc đầu:

- Cho dù là giầu có hay nổi tiếng đi nữa nhưng vẫn làm sao ấy!

April không trêu chọc mẹ mình nữa vì biết rất rõ mẹ muốn April lấy chồng là người như  thế nào!

- Mẹ có muốn con đi chợ không?

Mây nhìn con gái:

- Không mệt chứ? Cũng cần mua vài thứ!

April hoan hỉ:

- Để con đi chợ cho! Mẹ cứ ghi ra những thứ cần mua!

- Chúng ta cùng đi!
 
 
*
 
 
Nhìn dáng vẻ mẹ đi trong chợ không mạnh bạo hay nhanh nhẹn như trước, April thấy ái ngại khi ở xa mẹ mình! Chưa đến 1 năm mà thấy mẹ thay đổi hơi nhanh!

Thấy mẹ nhìn thứ gì là April cũng nhanh nhẹn lấy bỏ vào xe. Mây dậy cho con gái cách chọn rau và trái cây cũng như cá hay thịt. Mây là người kỹ tính và nấu ăn rất khéo. Đối với Mây mọi sự phải hoàn hảo và đúng, cái gì đi với cái đó! Còn… Mây không muốn nhớ đến nữa! Nhưng cứ nhìn April là nàng khó mà không thể liên tưởng đến người cha của nó! April không giống Mây cả về cá tính cũng như bề ngoài. Xin đừng cho April giống cha của nó!...

Mây cố xua những ý nghĩ không vui chợt đến trong đầu mình!

Đi chợ, về nấu ăn, cả hai mẹ con Mây đều có những giây phút thật vui vẻ và thoải mái bên nhau.
Dọn dẹp xong, April yêu cầu mẹ:

- Lâu lắm con không được nghe mẹ đàn! Có một người bạn của con là nhà văn, anh ta nói với con rằng với nghệ sỹ dù trong bất cứ lãnh vực nào thì càng thâm sâu theo với thời gian thì tài nghệ càng hay hơn! Mẹ chơi đàn cho con nghe đi! Lâu lắm con không được nghe mẹ đàn!

Mây cười:

- Người bạn của con chỉ nói nhảm! Đấy chỉ là anh ta tự phô trương mình mà thôi! Như mẹ thì âm nhạc và đàn thì phải luyện tập thường xuyên nếu không sẽ mai một và mất tay nghề!

- Chuyện đó không bao giờ xẩy ra cho mẹ của con! Con đã được nghe mẹ đàn suốt từ tấm bé. Mặc dù con không có khiếu về âm nhạc như mẹ nhưng con đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong âm nhạc. Ngay cả những lúc con nhớ đến mẹ là trong đầu trong tai của con đã ghe thấy tiếng đàn của mẹ.

Mây ra phòng khách tìm chiếc đàn vĩ cầm của mình nhưng chưa chơi nhạc ngay mà ôm chiếc đàn vào lồng ngực. Đó là một thói quen không bao giờ thiếu trước khi chơi đàn của Mây. Làm như với động tác đó người và đàn giao hòa với nhau làm một để khi những tiếng đàn vang lên thì đấy không chỉ là những tiếng đàn mà là những tiếng thở, những tiếng rung động của trái tim truyền qua hai bàn tay phát tiết ra ngoài một sức sống huyền diệu mà chỉ có người chơi đàn, mê âm nhạc mới thấu hiểu được và cảm thông.

April ngồi ở sofa, đầu ngửa ra phía sau dựa vào gối, nhắm mắt lại thưởng thức bài nhạc mà nàng đã từng nghe mẹ kéo đàn vĩ cầm nhiều lần từ lúc còn nhỏ. Dù không chơi nhạc nhưng April có trí nhớ rất tốt và thuộc lòng từng bài nhạc mà mẹ mình chơi đàn. Đoạn nào trong bài nhạc lên xuống ra sao April đều nhớ và nhớ rất rõ.

Khi tiếng đàn của mẹ vừa vang lên, April nhận ra ngay đó là bài Romance của nữ nhạc sĩ Mỹ Amy Beach, một tài năng hiếm có đã bị bỏ quên trong giòng nhạc hiện đại. Nàng đã từng nghe mẹ nói nhiều về nữ nhạc sĩ tài năng này. Theo lời mẹ kể bà Amy Beach có thể xem là một thần đồng âm nhạc bẩm sinh vì năm 2 tuổi, Amy có thể ứng biến giai điệu trên nền nhạc có sẵn. Đến năm 3 tuổi, nữ nhạc sĩ đã có khả năng đọc nhạc thành thạo. Từ năm 4 tuổi, Amy bắt đầu sáng tác những tác phẩm đơn giản, chẳng hạn như nhạc valse.

Nạn phân biệt giới tính từ ngàn xưa đã áp đặt lên Amy Beach nhưng đam mê với âm nhạc đã giúp Amy vượt qua những rào cản khó khăn và trở thành là một trong những nữ nhạc sĩ được nhớ đến nhiều nhất. Mẹ của April đã đặc biệt yêu thích những nhạc phẩm của bà Amy Beach đã sáng tác và soạn phối khí để chính người nữ nhạc sĩ đó tạo ra một nghệ thuật và hướng đi của mình.

Mở đầu của bài Romance là một giai điệu đơn giản nhưng dần dần đưa người nghe vào một hành trình cảm xúc phức tạp, có lúc là dâng trào cảm xúc nhưng rồi chuyển sang đến nồng nàn và tinh tế để rồi người nghe bị cuốn hút không ngừng trong giòng nhạc và dường như muốn được nghe đi nghe lại khi bản nhạc đã chấm dứt.

Nhưng ngày hôm nay đột nhiên có đoạn như mẹ đi lạc? Hay mẹ muốn biến tấu nhạc phẩm này? April mở bừng mắt nhìn mẹ!
Bản nhạc kết thúc đột ngột, không phải như April vẫn được nghe trước đây! Nàng không tin là mình nhớ lầm vì đây là một trong những bản nhạc được mẹ tập dượt nhiều lần trong nhiều năm qua. Mẹ tập dượt bao nhiêu lần thì April cũng từng nghe chừng ấy lần! Dĩ nhiên không kể những lúc April không có nhà.

Mẹ vẫn đứng đó, không còn để đàn vĩ cầm tựa lên vai nhưng đang ôm đàn vào lòng như sắp sửa trình diễn lần nữa. April không hiểu thái độ kỳ lạ của mẹ!
Mây đặt chiếc đàn vĩ cầm lên bàn, không bỏ vào trong hộp đựng của nó như mọi lần. Không chỉ có vậy, Mây còn mở cửa ra vườn sau và đi như một người bị mộng du!
April nhìn theo dáng bộ lạ lùng của mẹ mình rồi cũng lặng lẽ đi theo ra ngoài.

Bên ngoài sương đã bắt đầu tan và nắng cũng đã lên xen kẽ với sương mù như dành giựt một sớm mai sắp chan hòa nhưng vẫn lạnh.

Mây ngồi xuống một trong 3 chiếc ghế sơn trắng để ngoài vườn. Trông nàng như một bóng ma lạc loài vào đây! Với khuôn mặt xa vắng nhìn vào khoảng không, Mây thấy như mình đang bước ra khỏi thân xác của chính mình và đi tìm những mảnh ghép cũng của chính mình đang bị cắt đứt đoạn và rời rạc.
Sau ngày June, con gái lớn mất tích, Mây đã rời khỏi giàn nhạc giao hưởng. Sự nghiệp âm nhạc mà nàng tưởng không bao giờ có thể buông bỏ đã chấm dứt cùng với sự biến mất của June!

Đau khổ, tuyệt vọng vì mất đứa con gái đầu lòng một cách đột ngột đã biến Mây thành một người khác! Nếu không vì April thì không biết Mây sẽ ra sao? Nàng đã níu chặt lấy con gái bé nhỏ April, luôn luôn bảo vệ và không rời mắt khỏi con bé. Mây đã đưa con đến trường học và đón con mỗi ngày cho đến khi April tốt nghiệp trung học.

Khi April đến tuổi dậy thì, kết bạn bè thì Mây cũng phải thả lỏng con gái một chút. Nàng nghiêm khắc với con gái không phải vì sợ April hư hỏng lầm lỡ nhưng chỉ sợ mất con! Thỉnh thoảng Mây mới cho con gái đi chơi với bạn bè cuối tuần. Những lần April về muộn, ở nhà Mây như mất lý trí vì sợ hãi và lo âu! Tất cả những tâm trạng đó đã làm Mây không còn nghĩ đến âm nhạc nữa.

Mây vẫn đàn vĩ cầm nhưng chỉ đàn ở nhà cho chính mình hay April nghe mà thôi! Khi April tốt nghiệp đại học và tìm được công việc xa nhà, Mây không thể níu giữ con gái thêm được nữa! April đã trưởng thành và có những quyết định riêng cho sự nghiệp của nó. Hơn nữa April là đứa con gái rất bướng bỉnh và mạnh mẽ. Muốn gì thì con bé làm cho bằng được. Ngày hôm nay April đã đạt được ước mơ của nó, Mây không thể cản đường của con!

April đã ngồi xuống bên cạnh mẹ từ bao giờ mà Mây không biết! Chỉ khi bàn tay mềm mại nhỏ nhắn và ấm áp của April nắm lấy tay Mây, nàng mới nhận ra con gái đang ngồi cạnh mình.

April nhỏ nhẹ hỏi mẹ:

- Mẹ sao vậy? Có chuyện gì sao?

Chính Mây cũng không tìm ra được câu trả lời.
Ngày hôm nay Mây đã không chơi đàn… đúng như nàng đã từng đàn… Những ngón tay và cái đầu không nghe theo nhau. Chúng lạc nhau như nàng đang có cảm giác lạc lõng đó! Chỉ vì ngày hôm nay đúng là ngày… mà Mây đã mất người đàn ông mà nàng đã yêu cuồng nhiệt, yêu say đắm như… mê say âm nhạc!

Có lúc nào đó Mây phải nói thế nào với April? Kể cho nó nghe về… tất cả… Kể tất cả những điều mà nàng vẫn giấu diếm con gái bao nhiêu năm qua!
Vẫn ngồi trên ghế, Mây vẫn nhìn vào những khóm hoa trước mặt. Mầu đỏ rực của hoa Amaryllis là niềm tự hào như theo đúng ý nghĩa của hoa. Không chỉ đẹp với mầu sắc nhưng Amaryllis còn tượng trưng cho sự quyết tâm.

Bằng một giọng sẽ sàng, Mây nói với con gái:

- Không có chuyện gì cả! Mẹ… không sao cả!

April tò mò hỏi mẹ:

- Bài Romance lúc nẫy có một đoạn mẹ biến tấu và thay đổi sao hay con nhớ nhầm?

Mây không ngờ April lại thuộc bài Romance như vậy! Câu trả lời của Mây là một câu dối trá với con gái và cũng tự dối với chính mình:

- Ờ… mẹ đã tự thay đổi theo với cảm xúc của mình!

April nói với vẻ thích thú:

- Hay quá! Vậy là mẹ cũng có thể thành một nhà soạn nhạc được rồi!

- Làm gì có chứ!

April hăng hái khuyến khích mẹ:

- Mẹ cứ thử đi! Biết đâu rồi mẹ cũng nổi tiếng như bà Amy Beach!

Lúc này Mây mới đổi hướng nhìn quay sang nói với April:

- Đó là một chuyện hoang đường!

- Mẹ ơi! Mẹ còn thích trình diễn đàn vĩ cầm nữa không?

Giọng Mây nghe xa vắng:

- … Từ lúc nào không nhớ nữa… mẹ đã không còn muốn trình diễn trước công chúng một lần nào nữa cả…

- Vì sao vậy?... Vì chị June sao?

Giọng Mây có vẻ ngậm ngùi:

- Mẹ chỉ nghĩ đến các con! Ước mơ duy nhất của mẹ là được nhìn thấy June, chị của con… rồi mẹ chết cũng cam lòng… Những đam mê về nghệ thuật và âm nhạc… có lẽ đã tắt lửa… từ lâu rồi!

Đó không phải là câu nói dối gạt mà chính là sự thật! Một sự thật dù Mây có muốn chấp nhận hay phủ nhận thì vẫn là một sự thật!

April chợt nhớ ra và kêu lên:

- Mẹ…! Có phải hôm nay là ngày giỗ ba không?

Mây không ngờ April lại nhớ!

- Đúng rồi!

April như nghĩ ra khi nói với mẹ mình:

- Con hiểu rồi! Vì vậy hôm nay mẹ mới thay đổi bản nhạc Romance là vì vậy! Mẹ nhớ đến ba đúng không?

Sự yên lặng của Mây là một thừa nhận không nói nên lời.

April lại nói với mẹ:

- Từ khi con biết tro cốt của ba đã được rải khắp sân trước và vườn sau, con vẫn nghĩ ba luôn luôn có mặt ở đây với mình. Mẹ có thấy vậy không?

Mây nói với con gái:

- Người mất rồi là người ra đi trước chúng ta. Dù không nhìn thấy nữa nhưng tất cả những người đã ra đi vẫn hiện diện với chúng ta.

- Mẹ có nằm mơ thấy ba lần nào không?

- Thỉnh thoảng.

- Ba có nói gì không?

Câu hỏi bất chợt của April làm Mây giật mình:

- … À.. không nói gì…

- Trông ba như thế nào?

Mây trầm ngâm:

- Trông như… lúc mới quen nhau…

April háo hức hỏi tiếp:

- Ba mẹ quen nhau như thế nào?

- … Chỉ là tình cờ… Mẹ không muốn nhớ lại…

April biết là mẹ mình đang xúc động khi nhớ đến ba. Hôm nay vậy là mẹ chịu mở lòng hơn mọi khi. Không muốn nài ép mẹ, April lảng sang chuyện khác:

- Đến tháng sau, con đi công tác ở Nhật Bản cho một bài phóng sự đặc biệt, mẹ muốn đi chơi với con không?

Mây quay sang nhìn con gái và thấy vui khi April rủ mình đi chơi. Nỗi buồn thoáng qua lại tan biến mất tăm.

- Tháng tư sao? Mẹ chưa có dịp đến Nhật bao giờ. Nhưng có mẹ đi cùng thì chỉ sợ cản trở công việc của con.

April nhanh nhẩu nói ngay:

- Chuyến đi 5 ngày, kể cả ngày đi và về. Mẹ đi chơi với con đi! Không có gì cản trở cả! Chỉ có con và mẹ. Ngoài chuyện làm phóng sự cho tờ báo thì chuyện chụp hình cũng do con lãnh nhận nên không cần ai khác cả.

Mây cười với con gái:

- Vậy thì cho mẹ đi với! Mẹ thích đi bất cứ nơi nào với con gái của mẹ! Không đi sau này con lập gia đình rồi thì mẹ đâu thể đi cùng với con được nữa!

- Tại sao không chứ? Người mà con lấy làm chồng phải là người cũng xem mẹ như mẹ ruột thì con mới chịu lấy!

Mây lại cười:

- Con nghĩ như vậy thôi! Lúc con lập gia đình rồi con sẽ nghĩ khác! Tin mẹ đi!

April cãi:

- Con nói thật đấy! Còn nếu không lúc đó chồng con ở nhà trông con cái, con đưa mẹ đi chơi!

Mây nghĩ thầm trong lòng đó chỉ là một ước muốn hay chỉ là mơ! Thực tế không phải như vậy! Khi đã có một gia đình riêng, April sẽ thay đổi! Không thể không thay đổi! Nghĩ như vậy nên nàng nói với con gái:

- Ừ, vậy thì đi! Mẹ thích lắm!

April khẽ ngả đầu vào vai mẹ. Chưa bao giờ nàng thấy thương mẹ mình như vậy! Trên cả thế giới này bây giờ chỉ còn hai mẹ con, trừ phi chị June còn sống và một ngày nào đó đột nhiên chị June trở về! Nếu ngày đó sẽ xẩy ra thì quá tuyệt vời!
#1
    frank 16.07.2025 21:57:50 (permalink)

    Chương 2

     
     
    Buổi tối mẹ đã vào phòng nghỉ còn một mình April vẫn chưa thấy buồn ngủ nên mở Tivi xem. Nàng để cho âm thanh thật nhỏ để khỏi làm rộn giấc ngủ của mẹ. Cũng có thể mẹ vẫn còn thức nhưng ở một mình có lẽ mẹ đã quen với sự yên tĩnh.
     
    April đổi hết đài này sang đài khác, cứ xem chương trình này một lát rồi chán nên lại thay đổi.
    Định tắt Tivi rồi vào phòng ngủ nhưng nàng lại đổi ý muốn xem tin tức địa phương một chút. Chắc chỉ toàn chuyện cướp bóc, vậy xem làm gì nhỉ?
     
    Nhưng bản tin ngay đầu giờ tin tức làm April chú ý. Trên màn hình TiVi hiện lên hình ảnh một bé gái xinh xắn. Theo lời người nữ xướng ngôn viên bé gái kia là con gái của một tỷ phú về dầu hỏa bị mất tích ngày hôm qua. Tên cô bé là Leah Miller, 5 tuổi. Cũng chính ngày hôm qua là ngày sinh nhật của Leah.
     
    Vụ mất tích bí ẩn của con gái tỷ phú Miller đã gây chấn động và gia đình tỷ phú đã đưa ra một số tiền không nhỏ làm giải thưởng cho ai tìm ra được tông tích của bé Leah Miller. Số tiền thưởng là 500 ngàn đô la!

    Cũng trong bản tin này, người nữ xướng ngôn viên còn nhắc sơ qua đến những vụ trẻ mất tích khác trước đây cũng tại cùng tiểu bang Texas này mà đến giờ vẫn chưa phát hiện ra tông tích những trẻ đó. Còn sống hay đã chết là câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.
     
    Không những vậy, người nữ xướng ngôn viên của chương trình tin tức lúc 10 giờ khuya còn nhắc đến những tên trẻ nhỏ bị mất tích trước đây mà đến giờ vẫn biệt tăm, không ai biết những đứa trẻ đó bây giờ ở đâu, trong hàng loạt 6 đứa trẻ mất tích đó có nhắc đến một cái  tên làm April ngồi lặng người đi! June Le Phạm! Chính là người chị ruột thịt của April, cũng là người con gái mà mới buổi chiều bà Mây đã mong mỏi là sẽ được gặp lại con gái trước khi qua đời!
     
    Điều kỳ lạ làm April chú ý đến nhiều nhất là khi người xướng ngôn viên nhắc đến tất cả những trẻ nhỏ khi bị mất tích đều là con gái và ở trong cùng một độ tuổi 5 hay 6 tuổi! Tổng cộng nếu tính cả bé gái Leah Miller đến thời điểm hiện tại tất cả là  có 7 trẻ gái bị mất tích một cách lạ lùng, không để lại một dấu vết gì! Như thể chúng đã bốc hơi!
     
    June Le Phạm! Đúng ra tên của chị April là June Lệ Phạm! Mẹ đã từng giải thích cho April nghe chữ “Lệ” trong tên đệm của chị June có nghĩa là “nước mắt”. Ngay lúc này April bâng khuâng nghĩ đến cái tên của chị mình! June Lệ Phạm là “giọt lệ tháng 6”! “Giọt lệ tháng sáu” đó đã làm rơi không biết bao nhiêu là nước mắt của mẹ! Chỉ một giọt lệ tháng 6!
     
    April nhìn vào màn hình Tivi nhưng thay vì nhìn và theo dõi tiếp bản tin địa phương thì đôi mắt nàng lại chỉ nhìn thấy những hình ảnh khác… Đôi mắt 30 tuổi của April đang bị kéo thụt lùi lại với thời gian của 26 năm trước, ngày nàng lên 4 tuổi và chị June lên 6. Ngày mà thảm kịch bắt đầu như mới xẩy ra hôm qua!... Những hình ảnh rời rạc của quá khứ trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 4 rất mơ hồ… Rồi vụt biến mất đi… như “giọt lệ tháng 6” đã khô đi và tan biến vào hư không!
     
    Những điều mà đứa trẻ April khi ấy mới được 4 tuổi còn nhớ và nhớ cho đến ngày hôm nay… Nó không hề quên…
    Đó là một buổi chiều mùa Hạ của ngày chủ nhật. April đã nhớ như vậy vì sáng hôm đó ba mẹ con có đi nhà thờ. Cũng là lần đầu tiên và là lần cuối cùng hai chị em April và mẹ tham dự một buổi picnic ngoài trời đông người như thế! Toàn là gia đình những người trong giàn nhạc giao hưởng của mẹ đến họp mặt và vui chơi bên nhau. Rất nhiều trẻ con, có những trẻ sàn sàn bằng tuổi chị em April nhưng có vài đứa lớn hơn.
     
    Tất cả đều tụ họp vui vẻ ở một công viên, ăn uống vui đùa thoải mái. Trẻ con chạy nhẩy chơi đùa với nhau. Chúng rất dễ làm quen và tự nhiên như đã từng gặp gỡ nhiều lần, nhưng thực sự hôm nay là ngày đầu tiên. Người lớn tụ tập từng nhóm vừa ăn uống vừa chuyện trò.
     
    April và June cũng nhập vào số đông trẻ nhỏ đó. Chúng theo nhau không chỉ chạy chơi trong công viên mà còn đua nhau chạy khắp nơi để khám phá những thứ mới mẻ.
    Và rồi chừng hơn 10 đứa trẻ đã kéo nhau đến một khu vườn cách công viên không xa, cũng gần đó thôi.
     
    Khu vườn có cổng vào màu xam xám và cổng không đóng. Trẻ con nghịch ngợm và không hề biết sợ hãi và cũng không hề biết nơi này có chủ và người ngoài không được phép vào. Chúng hồn nhiên chạy qua cổng sắt hoen ri đang mở toang mà vào bên trong khu vườn.

    Ấn tượng đầu tiên với cô bé 4 tuổi tên April là cái chuông mầu nâu đậm treo giữa cái khung trống nằm tít trên cao ở cổng vào của khu đất rộng mênh mông. Hai bên cổng có gắn hai cái đèn cũng mầu nâu. Cái chuông nằm trên cao im ỉm và cho dù ngày hôm đó gió nhiều nhưng chuông không kêu! April đã ngửa cổ lên nhìn cái chuông rất to và ngong ngóng xem nó có kêu hay không?
     
    Nhưng chuông không hề kêu trong buổi chiều ấy cho dù những cây lá rậm rạp chung quanh cứ đùa qua đùa lại xào xạc như chọc ghẹo những đứa trẻ nghịch ngợm.
     
    Qua cổng sắt là một con đường trải sỏi, hai bên trồng nhiều cây lớn. Có những cây cao với những cành lá xòe như nan quạt chĩa lên trời làm nhưng cây đã cao còn cao hơn. Giữa những thân cây từng chùm trái nhỏ li ti màu vàng như bám vào những giây rủ xuống. Vào sâu bên trong cũng không thấy ai, một tiếng chó sủa cũng không có.
     
    Cũng chính con đường trải sói đá đó dẫn đến một biệt thự lớn. Trước khi vào đến biệt thự này có một cái gì như cái chậu vĩ đại mà đến bây giờ nhớ lại April mới hiểu đó là một hồ nhân tạo hình như một cái chậu vĩ đại không có nước. Ngay chính giữa hồ có một bức tượng người thiếu nữ cao hơn tầm vóc của mấy đứa trẻ hôm đó. Bức tượng người thiếu nữ ôm bình nước! Bình nước nghiêng xuống bên dưới.
     
    Có trẻ còn nghịch trèo vào bên trong chiếc hồ cạn khô và lay lay bức tượng như muốn đánh thức. Chúng cười đùa vui vẻ quá sức và không hề thắc mắc sẽ có ai trong ngôi nhà lớn đó sẽ đi ra quát mắng và đuổi chúng ra khỏi nơi này.
     
    April đã chạy theo chơi đùa với những đứa trẻ khác mà không hề để ý đến chị của nó. Khi mới 4 tuổi, April đã rất nghịch ngợm và là một đứa trẻ tò mò, hay lục lọi tìm kiếm những thứ gì không biết nữa! Nhưng chị của April thì khác hẳn! June rất thụ động và hầu như không nói năng gì mấy! Ở trường học, cô giáo đã nói June là một đứa trẻ đặc biệt vì có khả năng nhận biết những chữ dù dài đến đâu thì June chỉ nhìn sơ qua là có thể viết xuống giấy đúng như thế, không sai chữ nào! Nhưng nói thì June không nói!
     
    Buổi chiều hôm đó những đứa trẻ đã đi lạc vào khu đất mà sau này mới biết nơi ấy thuộc sở hữu của gia đình Katz. Nhưng khu đất không được coi sóc vì gia đình Katz dọn đi đã lâu tuy quyền sở hữu vẫn thuộc về gia đình này, một gia đình có gốc là người Đức.
     
    Mặc cho những tiếng hò hét cười đùa hồn nhiên của trẻ nhỏ rượt đuổi nhau ở sân trước mặt tiền của ngôi biệt thự, những cánh cửa của ngôi nhà lớn vẫn đóng kín. Không một ai khác xuất hiện! Không một người nào đi ra từ trong biệt thự đó! Có đứa trẻ lớn hơn còn trèo lên gần sát cửa sổ của ngôi biệt thự để nhìn vào bên trong. Những cửa sổ không có màn cửa nên có thể nhìn vào được.
     
    April còn nhớ thằng bé đó lớn hơn chị June của nó đã la to với đám trẻ nhỏ bên dưới:
     
    - Không có ai hết!
     
    Những đứa trẻ nhỏ kia chẳng hiểu hành động đùa nghịch của thằng bé nọ là sao và cũng chẳng thắc mắc.
    Thay vì chơi đùa cùng với những trẻ khác, June chỉ ngồi ở bậc thềm trước cửa ra vào của căn nhà lớn. Tuy ngồi yên một chỗ nhưng đôi mắt kỳ lạ của June đã thu nhận toàn bộ những hình ảnh chung quanh con bé. Từ những bậc thềm xi măng có những kẽ nứt rằn ri mà ở một vài chỗ cỏ xanh đã len lên qua những kẽ hở để tìm ánh sáng và sự sống. June cũng nhìn bức tượng thiếu nữ ôm bình nước vì ngay tầm mắt của nó.
     
    Nhưng rồi không ngồi ở bậc thềm mãi, June đứng lên thơ thẩn đi một mình vòng chung quanh ngôi biệt thự. Những bước chân bé nhỏ của June cứ từng bước từng bước đi dạo từ sân trước biệt thự ra đến đàng sau. Càng lúc càng xa dần những tiếng cười đùa của đám trẻ nhỏ kia.
     
    Tất cả những trẻ nhỏ đó không hề biết có một đôi mắt bí ẩn đang theo dõi chúng. Nhưng sự chú tâm của đôi mắt đó chỉ nhắm vào June là chính! Và đôi mắt đó không chỉ đã nhìn theo từng bước chân của June nhưng còn đi theo bé June. Đôi chân của người đó bước rất nhẹ nhàng như cố giảm đi những tiếng động có thể nghe thấy được. Chỉ như một cái bóng…
     
     
    *
     
     
    Chợt nhìn thấy một trái bóng bay mầu xanh đang vờn là là trên một ngọn cây thấp, April thích thú chạy theo quả bóng bay. Nhưng cô bé càng đuổi theo thì quả bóng bay càng vượt xa hơn nữa. Đến khi quả bóng mầu xanh được gió thổi vụt bay lên trời thì April ngừng lại, ngẩng cổ nhìn lên trên cao dõi theo trái bóng mầu xanh càng lúc càng bay cao.
     
    Con bé xoay người lại và không còn nhận biết mình đang ở đâu. Hơi sợ hãi, bé April gọi tên chị mình nhiều lần và cũng như lúc đầu bé cứ chạy lung tung để tìm lại đường cũ. Nhưng con bé 4 tuổi không thể nào tìm được chị nó!
     
    Đêm nay nhớ lại khoảnh khắc năm xưa, April vẫn không quên quả bóng bay mầu xanh và những giây phút đi lạc trong khu vườn đó. Con bé 4 tuổi đã khóc và kêu gào tên chị của nó đến khản cả cổ cho đến khi cũng chỉ là tình cờ April đã nhìn thấy được những bậc thềm trước cửa căn nhà vĩ đại trong khu vườn như điểm mốc cuối cùng mà chị của nó đã ngồi ở đó. Nhưng những bậc thềm thì vẫn ở yên một chỗ còn chị June đâu không còn thấy nữa!
     
    April tìm được những đứa trẻ khác và theo thằng bé lớn nhất cùng với đám trẻ về lại công viên. Những người lớn đang thu dọn mọi thứ để sửa soạn ra về. Trẻ nào cũng tìm cha mẹ của chúng.

    April mặt mày còn phờ phạc vì sợ hãi sau khi bị đi lạc và không nhìn thấy chị June đâu. Bé tìm mẹ mình. Vừa nhìn thấy mẹ, bé April khóc òa lên.
     
    Nàng không quên những giây phút đó, dù chỉ một lần trong đời! Không thể quên khi từng lời nói của mẹ đã đóng vào trái tim bé dại của đứa nhỏ 4 tuổi một trách nhiệm nặng nề làm như chuyện chị June biến đâu mất là do nó! Lỗi tại nó! Quá nặng nề cho một đứa con nít 4 tuổi và vẫn tiếp tục đè nặng vào tâm hồn April sau 26 năm!
    Lúc đó mẹ đã hỏi April:
     
    - Tại sao con khóc? June đâu?
     
    Để trả lời câu hỏi của mẹ, April chỉ biết khóc và nói trong tiếng nấc:
     
    - Con không biết chị đâu!
     
    Mẹ đã lắc mạnh hai tay của April và với vẻ hoảng hốt mẹ đã nói to tiếng:
     
    - Mẹ hỏi con tại sao khóc?
     
    - Con sợ quá… con không thấy chị June đâu!
     
    Lúc đó mẹ lại càng nói to hơn:
     
    - June không chơi với con sao?
     
    Bé April lại khóc:
     
    - Chị June… chơi một mình… Con không biết…
     
    Và mẹ đã vô cùng giận dữ khi nói với bé April:
     
    - Cái gì cũng không biết là sao?
     
    Sau đó mẹ nói với những người có mặt hôm đó và mọi người chia nhau đi tìm bé June.
    Đứa trẻ trai lớn nhất đưa những người lớn đến khu vườn. Họ chia nhau đi tìm June. Những tiếng gọi tên “June” cứ liên tục vang lên mà không thấy con bé đâu. Họ gần như lục tung cả khu vườn lên khi tìm kiếm trong khi chờ cảnh sát đến.
     
    Mẹ của April càng lúc càng mất tinh thần và kêu gào gọi tên con gái của mình. April chỉ biết khóc và… sợ hãi! Nó còn sợ hơn trước sự hoảng loạn của mọi người. Sợ hơn cả những lúc bị đi lạc khi chạy theo quả bóng bay!
     
    Bây giờ nhớ lại lúc đó, tự dưng April thấy trong tim mình thổn thức và mắt cay xè. Nàng không khóc như bé April giây phút đó đã khóc. Ngày hôm nay nàng hiểu rõ hơn nỗi đau ngày ấy, hiểu được sự mất mát và tất cả những cảm xúc ấy không hề tan biến đi, chưa hề phai nhạt và trở thành những khắc khoải dầy vò. Ngay giây phút này, nàng hiểu được sự ân hận của một đứa trẻ lên 4 ngày ấy đã không thành lời mà chỉ là những tiếng khóc khi bị mẹ mắng là chỉ ham chơi, không chơi với chị June.
     
    Ngày hôm nay không chỉ nhớ lại thảm kịch đó mà nàng còn tự trách mình không ở bên cạnh chị June, không chơi với chị!
     
    … Hai mươi sáu năm đã trôi qua, không biết chị June còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì chị đang ở đâu? Sống có tốt không? Có còn nhớ về mẹ và em gái April không?
     
    April tắt Tivi vào phòng ngủ. Nàng không thể không nghĩ đến đứa bé 5 tuổi tên Leah Miller, con một tỷ phú dầu hỏa vừa bị mất tích ngày hôm qua, đúng vào ngày sinh nhật của con bé! Cầu sao cho đứa bé được tìm thấy sớm và trở về an toàn bên cạnh cha mẹ nó.
     
     
    #2
      frank 17.07.2025 23:52:34 (permalink)
       
      Chương 3
       
       
      Tối thứ bẩy sau khi ăn tối, hai mẹ con April ở nhà chứ không đi đâu cả vì vừa muốn nghỉ ngơi vừa muốn dành nhiều thì giờ bên nhau.
       
      April kể cho mẹ nghe về những hoạch định cho chuyến đi Nhật 5 ngày vào tháng sau.
       
      - Trước chuyến đi, mẹ lên New York chơi với con 2 ngày đi! Mình sẽ đi thăm những bảo tàng viện danh tiếng, tối đi ăn tiệm, nghe nhạc, thích lắm!
       
      Mây bâng khuâng khi nói với con gái:
       
      - Đó là những điều lâu lắm mẹ không làm! Mẹ đúng là không còn trẻ nữa rồi!
       
      - Mẹ vẫn còn trẻ, con nói thật đấy!
       
      Mây muốn nói với con gái về nỗi cô đơn và lẻ loi của mình, về những buông bỏ cho những thứ có thể gọi là thú vui. Đó là những bước đi vào tuổi già hay đó là… trầm cảm? Nhưng chỉ có vài ngày bên con gái, thì giờ này thật quý báu, không nên mang những thứ đang là gánh nặng mà Mây tự chuốc lấy làm con mất vui!
       
      Chắc chắn April không muốn nghe những tỉ tê của mình cho dù Mây muốn nói với một ai đó! Có lẽ sẽ có một ngày Mây nên đến tìm một bác sĩ tâm lý thì tốt cho nàng hơn!
       
      April ôm vai mẹ thủ thỉ:
       
      - Mẹ vẫn đàn mỗi ngày chứ?
       
      - Vẫn kéo vĩ cầm mỗi ngày nhưng thời gian không lâu.
       
      - Sao vậy? Vì không trình diễn nữa nên không cần luyện tập sao?
       
      Câu hỏi này lại động đến nỗi buồn của Mây, nỗi buồn dai dẳng cứ đeo bám lấy nàng, không buông.

      - Không phải như thế… Chắc chỉ bởi vì không còn thích âm nhạc như trước nữa.
       
      April chợt hỏi mẹ dù biết có thể mẹ sẽ không trả lời:
       
      - Mẹ và ba quen nhau như thế nào?
       
      Đêm nay Mây không tránh né như mọi lần.
       
      - Quen nhau trong lúc đang học đại học!

      April có vẻ phấn khích với câu trả lời của mẹ. Nàng không ngờ mẹ trả lời.
       
      - Cùng lớp sao? Con không ngờ ba cũng học nhạc!
       
      - Không! Ba con học về khoa học! Quen nhau do một tình cờ thôi!
       
      April nhỏ nhẹ hỏi tiếp:
       
      - Kể cho con nghe với!
       
      Mây như chìm đắm vào một không gian khác khi hồi tưởng lại quá khứ.
       
      - … Lần đó đang đi bộ trong trường thì trời đổ mưa bất thình lình. Khi ấy mẹ một tay ôm đàn, một tay cầm túi xách lớn mà chung quanh trống trải không có chỗ nào để trú mưa. Ba con đi ngang qua thấy vậy bèn cởi áo jacket cùng mẹ che mưa. Quen nhau… vì trận mưa…
       
      April suýt xoa:
       
      - Rất lãng mạn! Con cũng mong có một gặp gỡ tình cờ như ba và mẹ!... Nhưng ba là người như thế nào?
       
      Tự dưng đêm nay hay ngay giây phút này Mây muốn gần gũi với con gái hơn. Người nàng yêu với tất cả bồng bột của tuổi trẻ đã tạo nên June… nên April… Chúng có quyền được biết người cha ấy ra sao! Một hình ảnh cũng không có… vậy thì chút hiểu biết về người đã giúp tạo nên sự hiện hữu của chúng trên cõi đời này, Mây không có quyền bôi xóa bết. Mà dù có đốt hết mọi tàn tích thì người ấy mãi mãi không bao giờ biến mất khỏi trái tim nàng!
       
      - Ba của con là một người đàn ông… rất đặc biệt! Có những lúc người đàn ông mà mẹ yêu say đắm một thời… là người tình thoạt tiên không cởi mở, luôn luôn như che giấu một điều gì, nhưng là người rất tốt bụng và vô cùng thông minh. Mẹ đã bị thu hút vì sự bí ẩn và kỳ lạ ở ba con. Một người đàn ông rất cô độc, hầu như không có bạn bè. Nói chuyện với mẹ, ba con không bao giờ nhìn thẳng vào mắt mẹ. Làm như… sự tiếp cận với mẹ bằng mắt là một cái gì… mà ba con tránh né.
       
      April ngạc nhiên:
       
       - Vậy làm sao mà yêu được? Không nhìn mẹ thật sao? Kỳ dị vậy?
       
      - Một thời gian sau khi đã quen hơn thì ba con mới nhìn mẹ. Ba con có đôi mắt to vừa phải, dài và có đuôi. Hay nheo mắt mỗi khi phải suy nghĩ điều gì. Học khoa học nhưng ba con cũng thích âm nhạc. Chính âm nhạc đã đưa cả ba con và mẹ bước vào thế giới của nhau!
       
      Không thấy mẹ mình nói gì thêm, April lại hỏi tiếp:
       
      - Rồi sao nữa mẹ? Đến khi học xong mới kết hôn sao? Ba cầu hôn có lãng mạn không?
       
      Mây nghĩ đã kể được đến đây thì có nói tiếp về một người không còn nữa cũng chẳng sao. Vả lại thực sự nàng cũng không hiểu vì sao hôm nay lại có thể mở lòng và kể cho April nghe được như vậy!
       
      - Ba mẹ chưa từng kết hôn…
       
      April sững sờ trước câu nói này của mẹ! April cũng không biết phải hỏi mẹ như thế nào. Lại là một bí ẩn khác của ba mẹ!
       
      Mây nhìn con gái:
       
      - Ngạc nhiên phải không? Đâu phải đến thời đại bây giờ người ta mới sống chung với nhau mà không cần kết hôn đâu!
       
      April muốn hỏi mẹ vì sao nhưng rồi không dám hỏi. Cứ để cho mẹ tự kể thì tốt hơn!
       
      - Con không thắc mắc vì sao ba mẹ không kết hôn ư?
       
      Câu trả lời của April rất ngập ngừng:
       
      - Chắc ba mẹ có lý do riêng!
       
      Mây thẳng thắn nhìn con gái:
       
      - Ba học trên mẹ 2 năm. Ba con ra trường trước mẹ. Tốt nghiệp có công việc ngay nhưng phải đi xa.
       
      April gục gặc nghĩ thầm ra là vậy!

      Không ngờ Mây lại kể tiếp:
       
      - Lúc ba ở xa thì mẹ có bầu June! Khi June ra đời thì mẹ còn gần 1 năm nữa là ra trường. Ông bà ngoại con đã nuôi June cho mẹ học tiếp. Mẹ là người con duy nhất của ông bà ngoại nên mặc dù ông bà ngoại con rất giận dữ khi thấy mẹ mang thai mà chưa kết hôn nhưng ông bà vẫn giúp đỡ hết lòng. Trong khi đó thì ba con lại ở xa! Ông bà ngoại con chưa bao giờ gặp gỡ ba con!
       
      April không thể giữ được tiếng kêu “Trời!”. Nàng có thể tưởng tượng được những điều mà mẹ mình phải chịu đựng khi còn quá trẻ!
       
      Như một sự thoát ra không kềm giữ được sau bao nhiêu năm, Mây kể tiếp cho con gái nghe nhưng cũng là nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ của mình.
       
      - Mẹ không hề nói cho ba con biết là mẹ đã mang thai và June ra đời!
       
      April kêu lên;
       
      - Tại sao chứ? Mẹ phải nói cho ba biết mới phải! Mẹ sợ gì mà không nói?
       
      Mây cười buồn trước phản ứng của con gái.
       
      - Mẹ không sợ gì cả! Lúc ba con tốt nghiệp và đi xa thì cuộc tình giữa ba mẹ đã chấm dứt! Tại sao mẹ phải nói cho một người đã dứt khoát quay lưng đi rằng mẹ đã mang thai đứa con kết tinh của một cuộc tình không trọn vẹn chứ?
       
      April ngẩn người ra và tự hỏi chẳng lẽ nàng và chị June là con gái của hai người đàn ông khác nhau?
       
      Làm như đọc được ý nghĩ đó của April, Mây giải thích ngay:
       
      - Con và June đều là con của ba mẹ!
       
      April chờ đợi mẹ kể tiếp.
       
      - Khi June được hơn 1 tuổi thì ba con trở về tìm mẹ. Bây giờ con hiểu chưa?
       
      - Hai người vẫn yêu nhau lắm sao?
       
      Mây thú nhận:
       
      - Yêu… vẫn yêu nhiều nhưng không chịu đựng nổi nhau! Có hai con người khác lạ hoàn toàn trong ba con! Một người mà mẹ rất yêu nếu không muốn nói là si mê… nhưng còn người kia thì mẹ không chịu nổi! Hai con người là hai thái cực như mặt trăng và mặt trời trong ba con! Một người ấm áp tuy khác lạ đôi chút nhưng nhiệt tình. Còn người kia thì lạnh lùng và tàn nhẫn đến.. phát sợ! Đang rất đáng yêu thì bỗng dưng ba con biến đổi thành một người khác…. Một người xa lạ mà mẹ không thể hiểu nổi và không nghĩ mình có thể sống suốt đời bên cạnh và nương dựa vào được!
       
      April hỏi mẹ mình:
       
      - Ai là người đòi chia tay? Ba hay mẹ?
       
      Mây nhìn con gái và hy vọng April sẽ hiểu cho mẹ của nó.
       
      - Mẹ! Chính là mẹ!
       
      Lần này April không hỏi mẹ mình tại sao nữa! Vì nếu đặt nàng vào vị trí của mẹ ngày xưa, có thể nàng cũng sẽ quyết định như mẹ!... Nhưng mẹ không nghĩ là chị June và April cũng cần có ba nữa chứ!
       
      Mây nói như tự thú, không phải chỉ với con gái mà còn cho chính mình.
       
      - Mẹ biết mình đã ích kỷ! Chỉ nghĩ đến mình! Lúc đó mẹ còn quá trẻ!... Nhưng nếu như chuyện đó xẩy ra ngày hôm nay… thì mẹ cũng sẽ quyết định như vậy! Mẹ không thể vừa yêu vừa sợ hãi! Nếu tiếp tục thì cũng có lúc rồi cũng phải chia tay thôi!
       
      Nói đến đây, Mây không muốn nói thêm nữa. Nàng chỉ mới kể cho April có một nửa câu chuyện! Một nửa câu chuyện về người đàn ông đó như vậy là quá đủ!
       
      Nhưng Mây không ngờ April lại hỏi tiếp về ba của nó:
       
      - Vậy ba mất lúc nào hả mẹ?
       
      Mây trả lời con gái:
       
       - Sau khi mẹ sinh con ra một thời gian ngắn!
       
      Thay vì hỏi tại sao ba mất, April lại hỏi mẹ mình:
       
      - Ba có thương chúng con không?
       
      Câu hỏi này của April làm gợi nhớ đến nhiều hình ảnh ngày cũ của Mây.
       
      - Thương chứ! Lúc ba con trở về tìm mẹ nhìn thấy June khi đó còn nhỏ lắm, lần đầu tiên mẹ thấy ba con xúc động và khóc! Bình thường ba con không biểu lộ tình cảm nhiều. Ngày đó mẹ đã nghĩ ba sẽ cầu hôn mẹ.
       
      Kể đến đó tự dưng Mây ứa nước mắt theo với nỗi ngậm ngùi của nỗi đau ngày cũ.
       
      - Mẹ đã hy vọng ba con sẽ cầu hôn rồi  mẹ và cả ba sẽ có được một gia đình bên nhau. Nhưng ba con không hề ngỏ ý muốn cầu hôn. Hay những cảm xúc của lúc đó chưa đủ để ba con muốn ở bên mẹ và June cả đời?... Rồi mẹ lại nghe theo những tình cảm sôi nổi của mẹ và buông thả để… kết cục là mẹ có con! Mẹ chưa hề hối hận! Mẹ đã vui mừng vì có thêm con nữa là con của mẹ!
       
      Không chịu được nữa, April lại hỏi mẹ mình:
       
      - Vậy lúc mẹ sanh con thì ba có biết không?
       
      - Biết! Nhưng ba con vẫn ở xa! Lúc đó ba rất nặng tình với công việc mà ba con ham thích!
       
      April nói gần như muốn khóc:
       
      - Vậy ba có về gặp mẹ và con không?
       
      Mây nói như nghẹn lời:
       
      - Có! Ba… yêu con…
       
      April òa lên khóc ôm lấy mẹ! Mây cũng không cầm được nước mắt!
       
      Một lúc sau khi đã nguôi ngoai, April mới hỏi mẹ:
       
      - Ba mất vì tai nạn hay vì bệnh?
       
      - Tai nạn!
       
      Hai tay Mây đang ôm lấy con gái chợt vỗ nhẹ lên lưng April như an ủi. Nàng đã nói quá nhiều tối nay! Đây có phải là những điều nên nói hay không nên nói?
       
      - Thôi đi ngủ sớm đi con!
       
      Buông mẹ ra, April thấy mệt mỏi vì những điều mẹ vừa hé lộ! Đêm nay chắc nàng sẽ khó ngủ!
       
      - Mẹ ngủ ngon!
       
      Mây ậm ừ đứng lên đi về phòng.
       
       
      *
       
       
      Còn ươn ái chưa muốn dậy ra khỏi giường, April kéo chăn trùm kín cổ và nghĩ mình có thể ngủ thêm một chút nữa được! Nhưng chỉ chừng 10 phút sau, giấc ngủ muộn và những ươn ái đã rũ bỏ hẳn. April thầm nghĩ: “Phải dậy thôi! Có nằm thêm cũng chẳng tìm được giấc ngủ!”.

      Mọi chuyện vệ sinh buổi sáng rồi cũng làm cho April tỉnh táo hẳn. Ra khỏi phòng không thấy mẹ ở bếp hay ở phòng khách. Sang phòng mẹ, mọi sự ngăn nắp, mẹ đã dậy rồi. Nhìn qua cửa sổ thấy thấp thoáng bóng mẹ ngoài vườn sau.
       
      April nhìn quanh trong phòng mẹ. Bầy biện rất ít đồ, đó là ý thích của mẹ. Ông bà ngoại khá giả và đều mất sớm, mẹ là người con duy nhất nên thừa hưởng mọi sự. Chuyện tài chánh mẹ không phải lo mấy. Ngay chuyện April học đại học 4 năm, mẹ cũng trả tiền học phí cả. April rất biết ơn ông bà ngoại và mẹ đã nuôi mình lớn khôn, học hành thành đạt không phải vay nợ gì.
       
      Nhìn kệ sách trong phòng mẹ, không nhiều sách, có bình hoa nhỏ, có ảnh hai chị em April và June lúc còn nhỏ. Còn có hình ông bà ngoại chụp chung với mẹ khi mẹ mới lớn. April vẫn còn nhớ ông bà ngoại rất quý và yêu thương nàng. Không có chị June nên bao nhiêu tình cảm ông bà ngoại đều dồn hết cho mẹ và April. Ông bà chỉ gọi nàng là April. Tên An là tên duy nhất dành cho mẹ gọi con gái April.
       
      Nàng đưa tay lướt trên những gáy sách rồi tình cờ rút một quyển sách khá dầy. April muốn xem mẹ mình thích đọc loại sách nào. Quyển sách dầy cộm và khá cũ của một tác giả April chưa nghe đến bao giờ. Nàng lật lật xem. Tình cờ có một tấm ảnh kẹp trong sách.
       
      April tò mò lấy bức ảnh ra xem xét. Ảnh mầu chụp mẹ còn rất trẻ ngồi ở quán cà phê có lẽ là uống cà phê với một người đàn ông da trắng, đeo kính. Hai người đều quay người nhìn về phía người chụp ảnh. Trong ảnh mẹ trẻ đẹp, còn người thanh niên da trắng kia cũng rất bảnh trai nhưng cả hai đều không cười. Dường như ảnh bị chụp bất ngờ chứ không phải sửa soạn để được chụp hình.
       
      Bỗng dưng April nghĩ ngay người thanh niên trong bức ảnh chính là ba mình. Nàng vội vã chạy về phòng lấy điện thoại chụp lại bức hình rồi nhanh chóng để lại bức ảnh vào trong quyển sách và trả nó về vị trí cũ.
       
      Vào phòng ngủ, đóng cửa lại, April phóng lớn bức ảnh để xem mặt người thanh niên nọ. Không biết đây là trực giác hay linh tính hay là một thứ tình cảm ràng buộc vô hình thiêng liêng mà April đề quyết người này chính là ba mình!
       
      Cùng với ý nghĩ đó, April thấy xúc động một cách lạ kỳ! Nàng đưa tay lên sờ vào màn hình điện thoại như tìm kiếm về người cha đã không còn nữa. Chị June không giống ba! Chắc nàng giống ba nhiều hơn!
       
      Nghe thấy tiếng lục đục bên ngoài, April vội vã tắt điện thoại ra ngoài tìm mẹ. Mây đang cắm hoa vào bình thủy tinh trong suốt. Nàng nói với con gái:
       
       - Nhìn đẹp không? Hoa tươi sau vườn đó!
       
      Aprul ngắm nghía bình hoa. Cành đào với những bông hoa mầu hồng nhỏ có mùi hăng hắc nhưng thật đẹp. Cành đào mới khô và cứng làm sao nhưng lại cho ra được những bông hoa đẹp như thế!
       
      - Hoa đẹp thật! Nhưng đào này chỉ là đào hoa, không có trái đúng không mẹ?
       
      - Đúng vậy! Đây là đào kép và là bích đào, không cho ra trái. Đẹp nhưng không có mùi thơm!
       
      April vẫn còn bâng khuâng vì bức hình chụp mới khám phá ra và vẫn nghĩ rằng người trong ảnh chính là ba của mình!
       
      Mây không để ý đến vẻ khác lạ của con gái nên dục:
       
      - Ăn sáng đi An!
       
      Lúc đó April mới để ý trên bàn có thứ bánh gì mầu trăng trắng, nho nhỏ.
       
      - Mẹ làm ư?
       
      - Ăn thử xem! Bánh bao mẹ làm đó!
       
      À ra là bánh bao! Đã lâu lắm April không ăn thứ bánh này! Buổi sáng nàng không thích ăn thức ăn mặn, chỉ uống cà phê.
       
      - Lâu lắm con không ăn loại bánh này! Mẹ dậy sớm để làm sao? Mất công quá!
       
      Mây nhìn con gái với ánh mắt thương yêu:
       
      - Mẹ thích làm cho con ăn!
       
      April thoáng cảm động. Hai mẹ con vừa uống cà phê vừa ăn sáng.
       
      April khen cho mẹ thích:
       
       - Ngon lắm mẹ à!
       
      Nhìn mẹ đang nhấp từng ngụm cà phê, không một chút trang điểm, nhưng vẫn đẹp. Trông mẹ vẫn còn trẻ. April hỏi mẹ:
       
      - Mẹ không nghĩ đến chuyện có bạn ư?
       
      Mây nhìn con gái và mỉm cười vì nàng hiểu ý April muốn nói gì.
       
      - Bạn mà con nói đến không phải là bạn bè mà là bạn trai có đúng không?
       
      April gật đầu cười thay cho câu trả lời. Mây lại nhìn con gái khi nói:
       
      - Cũng có một vài lần. Nhưng ý của mẹ là có vài lần có người muốn làm bạn trai của mẹ nhưng mẹ chỉ muốn làm bạn với họ chứ không muốn tiến xa hơn ngoài tình bạn. Dĩ nhiên những người đó đâu muốn chỉ là bạn thường nên sau khi bị mẹ từ chối thì họ đều biến đi cả!
       
      Kể đến đây cả Mây và April đều phá lên cười.
      Rất muốn hỏi mẹ về bức ảnh nhưng lại thôi, April nghĩ đến tối hôm qua và những điều mẹ kể cho mình, thế là nhiều lắm rồi so với trước đây!
       
      Cả ngày hôm đó hai mẹ con Mây đều dành hết thì giờ bên nhau. Có lúc April ra làm vườn với mẹ. Chưa bao giờ April thấy thoải mái với những giây phút như vậy. Công việc đều bị bỏ lại sau lưng. Nàng không còn phải chạy đua với thời gian và không còn căng thẳng vì những ngày giờ nhất định phải hoàn tất. Những lúc này thật tự do và hiếm hoi!
       
      May sao mẹ không nhắc hay dục April về chuyện kết hôn nữa!
       
      April kể cho mẹ nghe về công việc mà nàng yêu thích, những sôi động trong những công tác khi đi xa, đến những chân trời mới lạ, gặp gỡ những người khác chủng tộc và làm quen với những nền văn hóa khác biệt. Tất cả những điều này cho nàng những trải nghiệm sống thật đáng nhớ! Chỉ có tự do như lúc này thì April mới được hưởng một đời sống như thế! Nàng không muốn bị trói buộc với những bổn phận nào cả!
       
      Mây nghe và biết April đang sống rất đúng với những ước mơ mà con bé ao ước.
       
      Bỗng dưng Mây lại nghĩ đến June!... Nếu còn sống bây giờ June ra sao? Khôn lớn thế nào? Một đứa bé 6 tuổi rất đặc biệt… như ba nó! June còn quá nhỏ khi mất tích, Mây chưa thể biết được ước mơ của June là gì! Cho đến hiện tại, nàng chỉ mong con gái lớn vẫn còn sống… có cuộc sống tốt…
       
      Một ngày nào đó được gặp lại June, liệu con gái có nhận ra mẹ… có chịu gọi Mây là mẹ hay không? Nàng vẫn nghĩ suốt bao năm nay là một người đàn bà nào đó không có con và ao ước làm mẹ đã ăn cắp con gái của mình! Nếu đúng như vậy thì người phụ nữ đó sẽ yêu thương June vô cùng! Những suy nghĩ này Mây tự tưởng tượng ra và thấy an ủi hơn! Nàng không muốn có những bất hạnh nào đó xẩy ra cho June!
       
       
      *
       
       
      Ôm mẹ thật lâu, April nói với mẹ:
       
      - Con đi đây! Con sẽ mua vé máy bay cho mẹ cả 2 chuyến đi, New York và Nhật. Mẹ con mình sẽ có nhiều thì giờ bên nhau.
       
      Mây nắm lấy tay April như muốn giữ chặt:
       
      - Đi bình an nhé An! Mẹ cám ơn con đã về thăm mẹ dù rất bận rộn với công việc. Những ngày vừa qua mẹ thật hạnh phúc! Hạnh phúc và vui lắm An à!
       
      April cười với mẹ:
       
      - Con cũng vậy! Đi về rồi con sẽ nhớ mẹ!
       
      Mây nhìn ngắm con gái như ghi dấu vào trong lòng.
       
      - Mẹ nhớ con từ đêm qua vì nghĩ hôm nay con đi rồi! Nhớ con nhưng mẹ không buồn vì biết con đang theo đuổi ước mơ và đã đạt được ước nguyện. Mẹ vui cho An!
       
      April cảm động vì biết mẹ nói thật lòng và chỉ nghĩ đến hạnh phúc của con gái.

      - Cám ơn mẹ!
       
      Buông mẹ ra, April  nói nhỏ nhẹ:
       
      - Con đi đây! Con gọi xe, họ đến rồi và đang chờ bên ngoài!
       
      Nhìn theo April kéo va-li nhỏ, mở cổng rào đi ra ngoài. Mây không đi theo con gái mà vẫn đứng dưới vòm cửa trước. Nàng nói thầm:
       
      - Con cứ đi đi An! Con của mẹ là chim trời! Cứ bay nhẩy cho thỏa thuê! Mẹ không bao giờ cầm giữ con dù mẹ rất muốn giữ con ở bên cạnh mẹ!
       
      Nghĩ như thế, Mây quay vào trong nhà. Nàng không muốn để April nhìn thấy nàng khóc! Những giọt nước mắt này là cho chính mình và cho nỗi hiu quạnh là bóng là hình theo với ánh sáng ban mai và ánh tà dương khi thì trước mặt, lúc là sau lưng… không rời!
       
       
      *
       
       
      Trên đường ra phi trường, April nhìn thấy trên xa lộ bảng billboard để hình  bé gái Leah Miller 5 tuổi, con gái tỷ phú Henry Miller bị mất tích mới đây, và giá tiền thưởng 500 ngàn đô la cho ai tìm được bé Leah. Xe chạy vụt qua nhanh không cho April nhìn rõ dung mạo cô bé, chỉ biết đó là một bé gái xinh xắn tóc nâu hơi vàng và cũng hơi xoăn thành từng lọn. Tội nghiệp cho bé gái nhỏ và gia đình Miller!
       
      Gia đình nàng cũng đã từng trải qua nỗi đau mất mát kinh hoàng đó! Và cho đến ngày hôm nay chị June vẫn biệt tăm! Ngày đó ông bà ngoại và mẹ làm gì có nhiều tiền như tỷ phú Miller mà treo giải thưởng tìm chị June!
       
      April biết mẹ và ngay cả chính nàng vẫn nuôi hy vọng một ngày không xa sẽ tìm được chị June!
      #3
        frank 18.07.2025 22:40:58 (permalink)
         
         
        Chương 4
         
         
        Người quản gia gốc Tây Ban Nha tên Mario Chico ra mở cửa mặc dù lúc bên ngoài khi bấm nút mở cổng đã biết là ai đến nhưng người quản gia không khỏi lo âu.
         
        Nhìn thấy xe cảnh sát đậu đàng trước sân, người quản gia đã ngoài 50 tuổi tuy không được chủ nhân dặn bảo gì nhưng ông ta đoán ngay có lẽ cảnh sát đến đây là vị vụ bé Leah! Mario khấp khởi mừng thầm hay là cảnh sát đã có manh mối gì và sẽ đưa Leah về nhà sớm ngay thôi!
         
        Thám tử Walker Cox và một cảnh sát viên đi cùng đang chờ bên ngoài.
         
        Quản gia Mario cúi đầu lịch sự chào hai người cảnh sát và hỏi:
         
        - Thưa quý vị cần gặp ai?
         
        Thám tử Walker Cox điềm đạm trả lời:
         
        - Chúng tôi thuộc sở cảnh sát địa phương đến đây muốn gặp ông bà Miller về vụ con gái của ông bà ấy mất tích.
         
        Quản gia Mario cúi đầu rất chuyên nghiệp và không hỏi gì thêm mặc dù trong lòng ông ta rất muốn hỏi xem cảnh sát có tin tức gì về Leah hay không. Nhưng câu hỏi đó không thuộc phạm vi công việc của quản gia và Mario phải tuân thủ theo quy tắc là không nghe, không thấy, và không nói bất cứ chuyện gì thuộc về gia đình Miller.
         
        - Mời quý vị vào!
         
        Qua khỏi cánh cửa gỗ dầy mâu nâu sậm bóng loáng có tay cầm hình đầu rồng sáng loáng đặt bên trên ổ khóa cửa là một thế giới khác. Là sân, là vườn cảnh bên trong chứ chưa vào nhà ngay. Sân rộng, nền của sân gồm nhiều tấm gạch với kích thước lớn ghép vào nhau. Rải rác vài bức tượng, có đài phun nước xa hoa. Cây cối mọc xen kẽ xanh um và thêm phần tươi mát cho cả cảnh quan mà chắc tỷ phú Miller bỏ rất nhiều tiền ra để làm đẹp cho phần ngoài của ngôi biệt thự.
         
        Nghe đâu biệt thự này nằm trên một mảnh đất rất rộng, có sân tennis, hồ bơi ngoài trời, chuồng ngựa, và cả một nơi không thể gọi là garage vì rất rộng lớn để chứa đến 20 chiếc xe hơi đắt tiền của gia đình Miller. Đây là tỷ phú dầu hỏa cơ mà!
         
        Walker Cox và cộng sự viên theo chân người quản gia đi sâu vào bên trong.
         
        Qua khỏi một hành lang ngắn mới đến cửa chính vào bên trong nhà. Người quản gia đưa hai người khách đến phòng tiếp khách ở bên trái, mời hai vị khách ngồi và chờ đợi gặp chủ nhân.
         
        Mặc dù ghế nệm êm nhưng thám tử Walker Cox không thấy thoải mái cho lắm, có lẽ vì nhiều thứ rườm rà của một gia đình giầu có. Không riêng gì Walker Cox có cảm giác như thế nhưng cộng sự viên của ông ta cũng có những suy nghĩ tương tự.
         
        Trong lúc chờ đợi, người quản gia hỏi khách:
         
        - Quý vị muốn dùng loại giải khát nào?
         
        Walker Cox lắc đầu nói ngay:
         
        - Không cần thiết! Chúng tôi đến đây vì công vụ! Ông bà Miller biết vì sao chúng tôi đến đây chứ?
         
        Hiểu sự bồn chồn và khó chịu khi phải chờ đợi của viên thám tử nên người quản gia hơi khẽ cúi đầu khi trả lời:
         
        - Dạ thưa ông, tôi có nói! Ông bà Miller sẽ đến ngay bây giờ. Xin vui lòng chờ đợi.
         
        Walker Cox không nói gì nữa.
        Chỉ vài phút sau, có tiếng chân người đi ra.
        Tỷ phú dầu hỏa Miller  đang vội vã đi vào phòng khách.
         
        Mặc dù thám tử Walker Cox mặc thường phục nhưng ở ông ta toát ra một vẻ làm người khác phải nể nang. Chủ nhân tòa nhà này cũng nhận thấy điều đó ở viên chức thuộc sở cành sát đang đứng lên khi thấy ông Miller xuất hiện.
         
        Tỷ phú Miller niềm nở nói lớn tiếng:
         
        - Tôi xin lỗi đã để quý vị phải chờ đợi. Điện thoại viễn liên làm ăn không thể ngắt giữa chừng được, thứ lỗi cho tôi!
         
        Thái độ khéo léo của ông Miller làm thám tử Walker Cox dễ chịu hơn.
         
        - Tôi là thám tử Walker Cox thuộc sở cảnh sát địa phương. Cộng sự viên của tôi Jimmy Hall.
         
        - Mời… mời ngồi! Tôi mong được nghe tin tốt từ quý vị…
         
        Nói đến đây, giọng ông Miller không còn được như trước, cả thái độ cũng vậy. Sự lo âu hiện rõ trên gương mặt vị tỷ phú.
         
        Để trấn an ông ta, Walker Cox nói ngay:
         
        - Hiện tại chúng tôi chưa có manh mối gì về vụ con gái ông mất tích. Đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay. Ngày ông bà đến sở cảnh sát thông báo về vụ con gái mất tích, tôi không có mặt lúc đó. Nhưng bây giờ tôi là người lãnh nhận điều tra hồ sơ con gái ông bà bị mất tích.
         
        Tỷ phú Miller nói ngay:
         
        - Thám tử cần hỏi gì thì cứ hỏi!
         
        Walker Cox quan sát người đàn ông giàu có trước mặt mình. Ông ta đúng là một người thành công với đầy vẻ tự tin và vững mạnh, không hề nao núng trước sự mất tích của con gái. Đây là người mang lại mọi xa hoa vật chất cho gia đình nhưng có lẽ không phải là người gần gũi với vợ con? Để xem có đúng như Walker Cox suy đoán hay không!
         
        Câu hỏi đặt ra chỉ là một dò hỏi mặc dù thám tử Walker đã biết gia đình Miller như thế nào.
         
        - Ông bà có bao nhiêu người con?
         
        Ông Miller trả lời ngay:
         
        - Tôi có tất cả là 5 người con. Ba người con, 2 trai một gái với đời vợ đầu tiên. Hai người con sau, một trai một gái với người vợ hiện tại. Cháu bé Leah 5 tuổi là con gái nhỏ nhất. Anh của Leah 10 tuổi.
         
        - Những người con với người vợ trước của ông chắc đã trưởng thành?
         
        - Đúng thế! Các con của tôi với người vợ đầu tiên đều đã lập gia đình.
         
        - Ông có thể cho tôi biết sơ về bé Leah không?
         
        Với câu hỏi này của người thám tử, tỷ phú Miller không còn thái độ như trước. Ông ta cúi đầu, hai bàn tay nắm lấy nhau.
         
        - Con gái xinh đẹp đáng yêu của chúng tôi… là một bé gái ngoan ngoãn. Cháu ngoan lắm và không đòi hỏi gì.
         
        - Điểm đặc biệt của Leah là gì?
         
        Vẫn cúi đầu, không nhìn thám tử Walker Cox, ông Miller nói nhỏ:
         
        - Leah là một đứa trẻ bị… autism! Chúng tôi rất lo cho Leah. Cháu phải được ở một môi trường quen thuộc… Tại sao ai đó lại bắt cóc một bé gái như vậy? Hay là bởi vì chúng tôi giầu có? Nhưng cho đến lúc này không thấy kẻ bắt cóc nào đó đòi hỏi gì cả!
         
        Walker Cox rất chú ý đến điểm Leah bị bệnh tự kỷ!
         
        Tỷ phú Miller ngửng đầu lên nhìn thám tử Walker Cox. Lúc này dáng vẻ ông ta khác hẳn, không còn bình tĩnh như trước. Bộ mặt của một tỷ phú giầu có đã biến mất nhường chỗ cho hình ảnh một người cha đáng thương mất con.
         
        Walker Cox vẫn quan sát ông Miller. Người thám tử chưa kịp đặt câu hỏi tiếp thì ông Miller lại hỏi tiếp:
         
        - Trẻ con bị mất tích hay bị bắt cóc có nhiều không?
         
        - Tại Hoa Kỳ khoảng 700 đến 800 ngàn trẻ em được báo cáo mất tích mỗi năm và Cục Điều Tra Liên Bang ước tính rằng từ 85 đến 90 phần trăm trong số này là trẻ em. Trong khi hầu hết các báo cáo về trẻ em mất tích hoặc bị bắt cóc đều được giải quyết trong vòng vài giờ, thì cũng có nhiều trường hợp liên quan đến tình huống trẻ em mất tích vĩnh viễn hoặc trong thời gian dài.
         
        Ông Miller hốt hoảng hỏi lại:
         
        - Liệu con gái tôi có rơi vào trường hợp mất tích vĩnh viễn hay không?
         
        - Điều này chưa biết được! Chúng ta chưa thể khẳng định là bé Leah bị bắt cóc hay đi lạc!
         
        - Chắc chắn là con gái tôi bị bắt cóc! Leah không thể đi lạc vì con bé chỉ ở môi trường quen thuộc. Ở vườn trẻ đó cả năm nay, Leah đã quen với tất cả mọi người. Con gái tôi bị autism nhưng chỉ là nhẹ thôi. Nhưng cháu không chơi với trẻ nào khác trong vườn trẻ. Đó cũng chỉ vì chứng bệnh của Leah.
         
        Walker Cox trầm ngâm một lúc rồi lại hỏi:
         
         - Tại sao biết Leah bị autism mà ông bà lại để cháu vào vườn trẻ? Tôi tưởng với chứng tự kỷ, trẻ sẽ muốn tự cô lập?
         
        - Thì đúng là như vậy, nhưng bác sĩ của cháu lại khuyên chúng tôi nên để cho Leah vào môi trường với những đứa trẻ cùng lứa tuổi sẽ giúp loại bỏ dần rào cản đó.
         
        - Nhưng rồi với lời khuyên đó ông có thấy tình trạng của Leah tiến triển hơn không?
         
        Tỷ phú Miller có vẻ lúng túng khi trả lời
         
        - Điều này phải hỏi vợ tôi… hôm nay vợ tôi không khỏe. Từ sau khi Leah bị mất tích, vợ tôi như người điên và hoảng loạn nên bác sĩ riêng cho chúng tôi đã phải chích thuốc an thần cho vợ tôi ngủ. Thám tử biết.. tôi rất bận rộn với công việc nên chuyện trong nhà hay con cái đều do vợ tôi lo cả.
         
         - Ở vườn trẻ các giáo viên biết tình trạng của Leah chứ?
         
        Ông Miller mau mắn gật đầu:
         
        - Đương nhiên họ biết chứ nên Leah được chú ý và chăm sóc đặc biệt hơn những trẻ khác.
         
        Walker Cox thở dài nói với ông Miller:
         
        - Chăm sóc đặc biệt mà lại tắc trách như vậy! Ông có biết khi nào thì họ khám phá ra bé Leah mất tích hay không?
         
        Lúc này ông Miller có vẻ giận dữ khi trả lời thám tử Walker Cox:
         
        - Họ nói với chúng tôi sau giờ chơi bên ngoài và lúc đưa các trẻ vào bên trong lớp học mới phát giác ra là không thấy Leah đâu cả!
         
        - Ai là người đưa và đón Leah đi đến trường và về lại nhà?
         
        - Tài xế riêng của vợ tôi và người trông nom Leah.
         
        - Tôi muốn gặp hai người này!
         
        Tỷ phú Miller mau mắn nhấn nút gọi người quản gia.
         
        Người quản gia tên Mario Chico mở cửa vào. Đến trước mặt tỷ phú Miller, ông ta hơi cúi đầu chờ lệnh.
         
        - Gọi John và Catalina cho tôi!
         
        - Vâng!
         
        Trong lúc chờ đợi, Walker Cox không hỏi thêm tỷ phú Miller điều gì nữa.
         
        Chỉ vài phút sau người quản gia lại vào phòng cùng với hai người nữa mà thám tử Walker đoán đó chính là người tài xế và cô giúp việc chăm sóc Leah.
        Tỷ phú Miller giới thiệu hai người làm này với thám tử Walker Cox.
         
        Người tài xế tên John là một người đàn ông da trắng tầm cỡ 40 tuổi, còn cô giúp việc tên Catalina là một thiếu nữ trẻ gốc Tây Ban Nha.
         
        Walker Cox đưa ra một câu hỏi chung chung cho cả hai người này.
         
        - Ngày hôm đó có gì khác lạ hay không?
         
        Người tài xế trả lời trước:
         
        - Không có gì khác thường! Tôi lái xe đưa Leah đến vườn trẻ lúc 8 giờ sáng như mọi lần.
         
        Walker Cox chú ý đến sự nhanh nhẹn của người này nên nhìn anh ta rồi hỏi:
         
        - Năm ngày 1 tuần sao?
         
        - Chỉ có 3 ngày một tuần thôi!
         
        - Ai là người đưa Leah vào bên trong trường?
         
        Catalina trả lời ngay:
         
        - Tôi là người đưa bé Leah vào bên trong lớp học. Luôn luôn là như vậy!
         
        - Lúc đón thì sao?
         
        Cũng vẫn là Catalina trả lời câu hỏi này.
         
        - Tôi là người đón Leah.
         
        - Cô vào tận bên trong lớp học để đón hay sao?
         
        - Không! Lúc đưa đến thì vào bên trong nhưng khi đón thì đứng bên ngoài.
         
        - Có gì khác lạ hôm đó không?
         
        - Có!
         
        Mọi người đều chăm chú nhìn Catalina chờ câu trả lời của cô ta.
         
        - Hôm đó tôi chỉ đưa Leah đến lớp học còn đón thì không vì nhà trường đã gọi điện thoại cho ông bà Miller báo cáo là bé đã mất tích nên tôi không đến.
         
        Cả Walker Cox và ông Miller đều không giấu được vẻ thất vọng trước câu trả lời của Catalina!
         
        - Leah có thích đến trường không?
         
        Câu hỏi này khá bất ngờ không chỉ cho Catalina mà cho tất cả mọi người có mặt trong phòng.
         
        Nhưng Catalina là một cô gái thông mình và hiểu câu hỏi đó của người thám tử điều tra.
         
        - Tôi nghĩ là Leah thích vì khi tôi sửa soạn thay quần áo cho cô bé thì Leah không phản đối. Leah là một cô bé thích mọi sự tuần tự đúng như vậy.
         
        Walker Cox thấy ngay Catalina là người gần gũi với Leah hơn ai khác nên viên thám tử hỏi tiếp:
         
        - Nếu làm khác đi thì phản ứng của Leah ra sao?
         
        - Leah không la hét nhưng sẽ khóc và khóc nhiều lắm!
         
        - Gặp người lạ thì phản ứng của cô bé thế nào?
         
        - Leah sẽ không nhìn người lạ!
         
        - Vậy người lạ khó mà tiếp cận với Leah, đúng không Catalina?
         
        Catalina gật đầu:
         
        - Tôi cũng nghĩ như vậy!
         
        - Vậy những ngày đầu khi Leah mới đến trường thì sao?
         
        Catalina trả lời ngay:
         
         - Tôi phải ở cùng với Leah một thời gian cho đến khi Leah quen rồi thì thôi!
         
        - Tiếp xúc với những trẻ khác thì Leah như thế nào? Cô có để ý điều này không?
         
        - Tôi phải giúp Leah bằng cách dắt tay cô bé đến gần những trẻ khác. Chúng tôi cùng chơi với những trẻ nhỏ đó một thời gian.
         
        Walker Cox hỏi cùng câu hỏi đã hỏi ông Miller trước đó:
         
         - Trong môi trường học đường là vườn trẻ, theo cô nhận xét thì tình trạng của Leah có tiến triển tốt hơn không?
         
        - Theo tôi thì Leah đỡ hơn và có thể tiếp cận với những đứa trẻ khác cũng như cô giáo tốt hơn!
         
        Một câu hỏi khác của thám tử Walker Cox làm mọi người chưng hửng:
         
        - Cô vào đây làm bao lâu rồi và do ai giới thiệu?
         
        Có lẽ câu hỏi này cũng khá bất ngờ cho Catalina nhưng cô ta trả lời ngay không chút suy nghĩ:
         
        - Người giới thiệu tôi vào đây làm là bác của tôi, quản gia Mario Chico. Tôi làm ở đây và chăm sóc Leah được gần 3 năm.
         
        Quay sang tỷ phú Miller, thám tử Walker Cox hỏi ông ta:
         
        - Ông bà biết Leah bị chứng autism từ bao giờ?
         
        - Lúc Leah được hơn 3 tuổi!
         
        Walker Cox lại hỏi Catalina:
         
        - Leah có nói được chút nào không?
         
        - Không! Nhưng cô bé hiểu hết những gì người khác nói!
         
        Ông Miller nói xen vào:
         
        - Con bé rất thông minh!
         
        Vẫn nhìn Catalina, thám tử Walker hỏi cô ta:
         
         - Trong thời gian cô ở trong trường với Leah, cô bé có tập viết hay vẽ gì cùng với những đứa trẻ khác không?
         
        - Có, nhưng chỉ vẽ thôi!
         
        Walker Cox ra hiệu cho đồng sự cùng đứng dậy khi nói với ông Miller:
         
        - Cám ơn ông và mọi người đã hợp tác trong cuộc điều tra.
         
        Lúc ra bên ngoài, viên thám tử nói với tỷ phú Miller:
         
         - Nếu bọn bắt cóc liên lạc và đòi tiền chuộc rồi bắt giữ kín không được cho cảnh sát biết thì ông vẫn phải cho chúng tôi biết. Ông bà có muốn sự gia nhập của hệ thống cảnh báo Amber hay không?
         
        Ông Miller ngơ ngác hỏi lại:
         
        - Là sao?
         
        - Hệ thống Cảnh báo AMBER đại diện cho sự hợp tác giữa các đài phát thanh, các công ty cung cấp dịch vụ di động, dịch vụ vận tải của tiểu bang và cảnh sát địa phương. Trong đó các thông điệp cảnh báo được truyền đi nhanh chóng và rộng rãi để giúp tìm kiếm Leah. Khi các tổng đài điện thoại đã được mở, các đài phát thanh và truyền hình sẽ được fax thông tin liên quan đến bé Leah. Các phương tiện truyền thông bắt đầu phát cảnh báo cứ sau 15 phút, ngắt chương trình thường lệ khi cần thiết.
         
        Ông Miller tươi nét mặt hơn nhưng vẫn hỏi Walker Cox:
         
        - Những điều này có giúp được nhiều trong việc tìm kiếm con gái tôi hay không?
         
        Walker Cox không muốn ông ta hy vọng quá nhiều nên thẳng thắn trả lời:
         
        - Tỷ lệ là 20%.
         
        - Tôi nhớ lúc nẫy ông có nói là đa phần những trẻ em bị bắt cóc đều được tìm thấy trong thời gian ngắn là vì sao?
         
        - Trẻ em dưới 6 tuổi thường là mục tiêu của các vụ bắt cóc gia đình và những vụ này thường xảy ra trong bối cảnh cha mẹ đang ly hôn hoặc tranh giành quyền nuôi con. Nên người bắt trẻ nhỏ thường là người cha hay người mẹ. Đó là lý do tại sao có thể tìm ra nhanh chóng!
         
        - Về hệ thống cảnh báo Amber, ông khuyên chúng tôi nên như thế nào?
         
        - Nên có nhiều sự phụ giúp vẫn tốt hơn!
         
        - OK! Vậy thì cứ làm như vậy đi!
         
        Ông Miller nhìn theo xe của viên thám tử đi xa dần. Cùng với hình ảnh chiếc xe càng lúc càng xa thì hy vọng tìm lại được con gái cưng của ông cũng mờ nhạt theo.
         
        #4
          frank 19.07.2025 23:54:02 (permalink)
           
           
          Chương 5
           
           
          Một tuần lễ trôi qua vẫn không có tin tức gì của bé Leah, ông bà Miller rất nóng ruột, nhất là bà Miller. Bà ta suốt ngày vào internet xem những vụ trẻ bị mất tích rồi các loại tin tức liên quan đến án mạng hay bắt cóc. Càng tìm hiểu, bà Pat Miller càng khổ sở thêm, nếu không muốn nói là hoảng loạn!
           
          Tình cờ trong lúc tìm hiểu, bà Pat Miller đọc được vụ án giết người hàng loạt ngay tại tiểu bang Texas đã gây chấn động khoảng 2 năm trước. Nhưng điều bà chú ý là người khám phá ra thủ phạm không phải là sở cảnh sát địa phương hay cơ quan FBI mà lại do một thám tử tư thuộc một công ty điều tra ngay tại Texas được thuê điều tra.
           
          Bà Pat Miller gọi điện thoại cho chồng.
          Cô thư ký riêng của tỷ phú Miller nghe điện thoại ngay khi biết phu nhân Miller gọi.
           
          - Dạ thưa phu nhân, tôi Madeline nghe đây.
           
          - Tôi muốn nói chuyện với Henry!
           
          Medeline ôn tồn trả lời:
           
          - Dạ thưa phu nhân, chủ tịch đang họp. Tôi sẽ báo cho ông ấy biết là phu nhân gọi đến.
           
          Với vẻ nóng nẩy, bà Pat Miller nói với cô thư ký:
           
          - Nhớ nói ông ấy gọi cho tôi ngay! Có chuyện quan trọng liên quan đến con gái nhỏ của ông ấy!
           
          Nghe vậy, cô thư ký mau mắn nói ngay:
           
          - Dạ vâng. Tôi sẽ báo cho chủ tịch biết ngay!
           
          Bà Pat Miller cúp điện thoại, không nói gì thêm! Nhưng bà ta lại tiếp tục tìm kiếm trên internet những gì có liên quan đến các vụ bắt cóc, mất tích, hay ngay cả những vụ án mạng. Ngay cả chia sẻ của những thân nhân trong các vụ án cũng được bà lưu tâm.
           
          Một người đàn ông chia sẻ:
           
          “Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi. Cảnh sát Hoa Kỳ không quan tâm đến trẻ em mất tích. Ưu tiên của Cảnh sát Hoa Kỳ là khối lượng vụ bắt giữ, lệnh triệu tập và biên bản để lấp đầy các nhà tù và kiếm tiền từ hệ thống tư pháp. Trẻ em mất tích không dẫn đến việc bắt giữ ngay lập tức. Tôi đã gọi cảnh sát nhiều lần tại đồn cảnh sát ở Stoudsbourg, Pennsylvania. Cha dượng của tôi, một người đàn ông mà mẹ tôi mới kết hôn đã bắt cóc con gái 3 tuổi của tôi. Tôi đã gọi cảnh sát và họ nói rằng tôi cần tìm một luật sư gia đình. Sau đó, cảnh sát tại cùng đồn cảnh sát đó nói rằng họ thực sự muốn giúp tôi tìm lại đứa con gái bị bắt cóc và tôi sẽ cần đến đồn cảnh sát, và mang theo giấy tờ.
           
          Đây là 3 tháng sau khi tôi gọi điện cho họ hàng tuần về đứa con gái bị bắt cóc của mình. Khi tôi đến đồn cảnh sát, họ đã bắt tôi vì tội đe dọa khủng bố mà cha dượng tôi đã đệ đơn. Vì vậy, cảnh sát không quan tâm đến trẻ em bị bắt cóc. Tôi là một người cha đã bị bắt vì tin nhắn đe dọa giả mạo rằng kẻ bắt cóc con gái tôi đã cáo buộc tôi đe dọa anh ta. Cảnh sát đã bắt tôi vì điều đó. Nhưng sẽ không giúp đỡ trong vụ bắt cóc con gái tôi”.
           
          Đọc xong lời chia sẻ của người cha đáng thương đó, bà Pat Miller thấy bực bội và tức giận quá sức! Lời chia sẻ đó là một sự thật! Không thể cứ ngồi đó chờ đợi cảnh sát địa phương tìm kiếm con gái cưng của mình được! Phải nỗ lực hơn mới được!
           
          Vừa lúc đó ông Miller gọi về cho vợ. Bà Pat Miller kể sơ cho chồng nghe và đưa ý kiến nên mướn thám tử tư để tìm kiếm tông tích bé Leah.
           
          - Được rồi! Để anh tìm thám tử tư!
           
          Bà Pat hoan hỉ nói với chồng:
           
          - Để chuyện đó em làm! Em biết tìm ai!
           
          Ông Henry Miller rất ngạc nhiên hỏi vợ:
           
           - Em lo ư? Em biết người nào sao?
           
          Bà Pat Miller giải thích:
           
          - Sáng giờ em tìm kiếm nhiều lắm, có một công ty có thám tử giỏi ở ngay đây. Em sẽ liên lạc với họ ngay!
           
          Ông Miller không tin tưởng lắm khi hỏi lại vợ:
           
          - Tên công ty đó là gì?
           
          Hiểu ý chồng nhưng bà Pat không muốn tranh cãi với chồng mình:
           
          - Lewis & Sons!
           
          - Được rồi! Em cứ làm đi! Cần gì thì nói với anh!
           
          Tuy nói với vợ như thế nhưng ông Miller nghĩ thầm trong đầu sẽ giao cho cô thư ký tìm hiểu về công ty này xem có đáng tin cậy hay không? Ông không ngại mất tiền nhưng muốn phải được việc!
           
          - Để em lo! Có gì em cho anh biết sau!
           
          Ông Miller lo lắng hỏi vợ mình:
           
          - Em thấy đỡ hơn chưa?
           
          Bà Pat trấn an chồng mình:
           
          - Em đỡ hơn!
           
          - Vậy tốt!
           
          Khi ngừng điện thoại, ông Miller thấy chuyện để vợ mình mướn thêm thám tử tư cũng hay. Vả lại chuyện mướn người điều tra sẽ giúp vợ ông bận rộn mà đỡ khổ sở u sầu hơn. Mà cũng biết đâu nhờ vậy mà tìm được con gái yêu quý!
           
           
          *
           
           
          Thám tử Thomas Brown vào văn phòng trình diện xếp và cũng là chủ của công ty Lewis & Sons.
           
          Ông Aviel Lewis khẽ gật đầu khi nghe lời chào hỏi của Thomas Brown. Ông ta chỉ tay ra hiệu cho anh ta ngồi xuống.
           
          Thomas Brown chắc mẩm là có một khách hàng lớn nên trông ông chủ có vẻ vui vẻ ra mặt. Tuy nghĩ như vậy nhưng Thomas không dám nói đùa với xếp của mình. Vả lại nếu là một vụ án chết người nào đó thì chuyện bông đùa không được thích hợp cho lắm!
           
          Suy nghĩ như thế nên Thomas ngồi xuống ghế và yên lặng chờ đợi lệnh của xếp mình.
           
          - Một khách hàng mới đến đây và thuê chúng ta tìm kiếm con gái nhỏ 5 tuổi của họ bị mất tích!
           
          - Mất tích sao? Bao lâu rồi xếp?
           
          - Mười ngày! Họ yêu cầu đích danh cậu là người đảm trách!
           
          Thomas Brown có chút thích thú:
           
          - Khách hàng chỉ định tôi ư? Sao họ biết tôi chứ?
           
          Ông Aviel Lewis nhún vai:
           
          - Không biết! Nhưng nếu khách hàng đã tin tưởng cậu thì phải làm cho có kết quả tốt hơn sự kỳ vọng của họ bằng cách mau chóng tìm ra con gái họ!
           
          - Tôi có thể hỏi khách hàng này là ai không?
           
          Ông Aviel Lewis gật đầu nói:
           
          - Tỷ phú Henry Miller! Vua dầu hỏa ở đây!
           
          Thomas Brown huýt gió kêu lên:
           
          - Chà tỷ phú dầu hỏa! Bắt cóc đòi tiền chuộc sao đây?
           
          Ông Aviel Lewis suy tư khi nói với thuộc cấp:
           
           - Chưa chắc! Vì nếu bắt cóc để đòi tiền chuộc thì bây giờ đã đòi tiền rồi! Mười ngày qua mà không có tin tức gì thì nhiều phần là không phải rồi!
           
          Thomas Brown đưa ý kiến:
           
          - Hay đứa nhỏ bị đi lạc?
           
          - Con gái của gia đình Miller bị autism!
           
          Thomas gật gù nghe không nói gì nhưng rồi lại hỏi xếp:
           
          - Tôi sẽ đến gặp gia đình họ! Nhưng họ đã ký hợp đồng chưa?
           
          Aviel Lewis gật đầu:
           
          - Xong rồi! Cậu bắt tay vào việc luôn đi! Nếu vụ này mà cậu tìm ra con gái họ thì danh tiếng công ty mình sẽ khá lắm đó!
           
          Nói dứt câu, Aviel Lewis đẩy hợp đồng ký kết giữa công ty Lewis & Sons và vợ tỷ phú Henry Miller về phía Thomas rồi nói tiếp:
           
          - Mọi chi tiết trong này, cậu xem đi rồi giao cho cô thư ký!
           
          Thomas Brown đứng dậy, trong lòng bỗng dưng thấy phấn khởi lạ thường! Làm như sự chọn lựa của khách hàng giao trọng trách cho chàng là một tin tưởng làm Thomas hăng hái hơn bình thường:
           
           - Cứ giao cho tôi!
           
          Khi đi ra khỏi phòng của xếp, chưa bao giờ Thomas thấy mình có trách nhiệm nặng nề như vậy! Hay chỉ vì nạn nhân là một cô bé 5 tuổi non nớt và yếu đuối ngây thơ như một con chim non chưa muốn rời khỏi tổ?
           
          Thomas lấy điện thoại chụp địa chỉ và số điện thoại của gia đình tỷ phú Miller.
          Không chỉ như vậy nhưng Thomas còn gọi số điện thoại trong hồ sơ.
           
          Giọng người phụ nữ hãy còn trẻ trả lời:
           
          - Hello!
           
          Thomas Brown nghĩ ngay đây chính là bà Miller vì trong hồ sơ ghi rõ là liên lạc trực tiếp số này.
           
          - Tôi là Thomas Brown, thám tử tư của công ty điều tra Lewis & Sons phụ trách vụ tìm kiếm con gái 5 tuổi của tỷ phú Miller bị mất tích!
           
          Người đàn bà với giọng vui vẻ, có phần vồ vập khi nghe tên thám tử Thomas Brown.
           
          - Rất mừng thấy thám tử gọi lại nhanh chóng như vậy. Tôi là Pat Miller, mẹ của cháu bé Leah.
           
          Thomas cũng vui vẻ nói với bà Miller:
           
          - Chào bà Miller! Tôi có thể đến gặp bà hôm nay không?
           
          Bà ta vồn vã:
           
          - Được chứ! Tôi ở nhà, thám tử có thể đến bất cứ lúc nào.
           
          - Vậy tốt lắm! Hẹn bà chút nữa tôi sẽ đến.
           
          - Tôi chờ!
           
          Thomas ra xe, google tìm đường đến địa chỉ nhà gia đình Miller. Không xa lắm! Nửa tiếng lái xe.
           
           
          *
           
           
          Dường như đã đoán trước nên khi Thomas bấm chuông ngoài cổng liền có người trả lời ngay. Chàng cho tên và lý do muốn gặp bà Pat Miller.
           
          Chiếc cổng sắt vĩ đại từ từ mở để Thomas lái xe vào bên trong. Chỉ là một đoạn đường ngắn nhưng cũng đủ cho thấy đây là cả một cơ ngơi bề thế sang trọng của gia đình tỷ phú Miller!
           
          Thomas Brown nghĩ thầm giầu có như thế này làm gì mà không là miếng mồi cho kẻ xấu nhòm ngó! Liệu vụ bắt cóc con gái tỷ phú Miller động cơ thực sự là tiền ư?
           
          Đậu xe rồi Thomas lững thững đi vào phía trước nơi có cửa lớn.
           
          Không cần bấm chuông mà cánh cửa gỗ dầy nâu sậm mà hai tay cầm trên cánh cửa sáng loáng như bằng vàng đang mở ra. Người xuất hiện sau cánh cửa là một phụ nữ Á châu khá đẹp, ăn mặc sang trọng ra hẳn bên ngoài đón thám tử Thomas.
           
          Chắc hẳn đây là bà Pat Miller, Thomas nghĩ thầm như vậy. Tỷ phú Henry Miller lại lấy một phụ nữ Á châu? Không biết bà ta là người Tầu hay Nhật hay Đại Hàn hay thuộc những quốc gia Á châu khác? Nhưng có vẻ như bà Miller không thuần là Á châu mà lai. Một sắc đẹp lạ kỳ!
           
          Thám tử Thomas Brown nhanh nhẹn tiến lại gần người phụ nữ đó.
           
          Bà ta là người lên tiếng trước:
           
          - Chào thám tử Brown! Tôi là Pat Miller!
           
          Cũng vui vẻ không kém, Thomas chào hỏi chủ nhân ngôi biệt thự sang trọng này.
           
          - Chào bà Miller!
           
          - Mời thám tử vào!
           
          Thomas Brown đi theo bà ta. Đàng sau cánh cửa là cả một khuôn viên đẹp đẽ khác đang mở ra.
           
          Người đóng cửa lại không phải là bà Miller mà là một người đàn ông đứng tuổi mặc y phục quản gia mầu đen, áo sơ mi trắng.
           
          Thomas Brown để ý đến chuyện bà Pat Miller ra tận bên ngoài đón mình chứ không để người làm ra đón thì hẳn là bà ấy rất coi trọng chàng? Điều này làm Thomas Brown thấy vui và có cảm tình ngay với bà ta.
           
          Thomas theo chân nữ chủ nhân không phải vào bên trong nhà mà ra ngoài hậu viên.
           
          Vừa đi bà Pat Miller vừa giải thích:
           
          - Sau khi cháu Leah bị mất tích, tôi đâm e dè tất cả mọi người trong nhà, trừ chồng tôi và con trai 10 tuổi. Chúng ta nói chuyện ngoài vườn tiện hơn.
           
          Bây giờ Thomas mới hiểu ra vì sao bà ta đưa chàng đi lòng vòng. Nhưng vẫn hơi thắc mắc nên hỏi bà ta:
           
          - Bà nghi ngại những người làm trong nhà sao?
           
          - Như tôi nói với thám tử, tôi nghi ngờ tất cả mọi người!
           
          - Mọi người đó gồm những ai?
           
          - Mario Chico, quản gia, đầy tớ Sonia Chavez, cô chăm sóc Leah là Catalina, Maria nấu bếp, John là tài xế. Làm vườn thì có công ty lo rồi!
           
          Vẫn còn thắc mắc, Thomas hỏi bà Miller:
           
          - Bà nghi những người làm này dính líu đến vụ con gái bà mất tích sao?
           
          Bà Pat Miller nhún vai:
           
          - Làm sao biết được? Tôi nghi tất cả mọi người! Cẩn thận vẫn hơn!
           
          Thomas Brown không nói thêm gì nữa mà cứ tiếp tục sánh bước bên bà Pat Miller.
           
          Một con đường nhỏ dẫn đến khu vườn phía sau rộng bao la với nhiều vườn cảnh thật đẹp. Chắc tỷ phú Miller phải trả nhiều tiền lắm cho những kiểu cách hoa viên như vậy.
           
          Nhìn thấy một nơi có vòm mái gỗ nhưng trống tứ bề. Đến nơi mới thấy nơi đây là chỗ để ngồi ngắm vườn, ngắm trời đất và nhìn được cả thung lũng bên dưới, thật tuyệt hảo và thơ mộng! Bàn ghế được bầy biện như một phòng khách nhưng vì trống trải chung quanh nên thoáng đãng, cho một cảm giác thư giãn và thoải mái.
           
          Bà Pat Miller mời Thomas ngồi rồi cười khoe:
           
          - Henry, chồng tôi đã làm đặc biệt nơi này theo ý thích của tôi!
           
          Thomas Brown suýt xoa khen:
           
          - Bà thật may mắn có một người chồng giầu có và yêu vợ như thế!
           
          Bà ta mỉm cười nhưng rồi lại xịu mặt xuống nói với thám tử Thomas Brown:
           
          - Đúng là tôi may mắn thật… cho đến khi chuyện không may xẩy ra cho cháu Leah thì tôi thấy mọi sự… như sụp đổ!
           
          Thomas nhìn bà ta thông cảm:
           
          - Tôi hiểu!
           
          Bà ta đổi sắc mặt gượng buồn làm vui:
           
          - Thám tử uống chút gì nhé? Ở đây có sẵn, trà, cà phê, nước ngọt hay nước trái cây?
           
          - Cám ơn bà. Tôi đủ rồi, không uống gì cả. Tôi cần hỏi bà vài điều để tiện việc điều tra. 
           
          - Thám tử cần gì cứ hỏi!
           
          - Theo như tôi được biết, con gái bà bị autism, đúng không?
           
          - Đúng vậy!
           
          - Nặng hay nhẹ?
           
          - Nhẹ thôi! Tuy nhiên Leah không nói gì cả, không đối thoại với người khác. Cháu hiểu hết nhưng không nói. Tôi không hiểu là Leah không muốn nói hay không nói được!
           
          - Bác sĩ nghĩ sao? Ông bà cho Leah đi khám bác sĩ chuyên môn chứ?
           
           
          Bà Pat Miller gật đầu, mặt đượm vẻ đăm chiêu:
           
           - Bác sĩ cũng không thể khẳng định là Leah nói được hay không muốn nói. Nhưng Leah hiểu tất cả những gì người khác nói với con bé!
           
          - Con gái của ông bà có đi học trường đặc biệt không?
           
          - Cháu đi vườn trẻ bình thường. Bác sĩ khuyên chúng tôi như vậy!
           
          - Kết quả thế nào?
           
          Bà Pat suy nghĩ rồi mới trả lời:
           
          - Tôi thấy cháu có phần cởi mở hơn! Cháu vẽ rất nhiều vừa ở trong trường vừa ở nhà. Leah thích nhìn sự vật rồi vẽ lại trên giấy. Trong trường theo như tôi biết Leah cũng không nói năng gì, không viết chữ mà chỉ vẽ.
           
          Thám tử Thomas Brown để ý đến chuyện cô bé 5 tuổi tên Leah hay vẽ lại những sự vật. Sự quan sát của cô bé mắc chứng bệnh autism hẳn là khác thường?
           
          Chàng hỏi bà Miller:
           
           - Tôi có thể nhìn những bức vẽ của Leah không?
           
          Bà Pat Miller có vẻ ngạc nhiên nhưng nói ngay:
           
          - Được chứ! Để tôi gọi người!
           
          Nhưng Thomas Brown ngăn lại:
           
           - Bà có thể dẫn tôi vào phòng của cô bé được không, thay vì gọi người làm.
           
          Bà ta mau mắn đứng lên nói với Thomas Brown:
           
          - Đi! Chúng ta đi xem! Tôi muốn thám tử nhìn thấy thế giới của Leah!
           
          Thomas rất thích thái độ nhanh nhẹn mà không hỏi tại sao hay nguyên do, làm như bà ta hoàn toàn tin cậy vào Thomas Brown.
           
           
          Hình như hiểu được những suy nghĩ thầm kín của  viên thám tử, bà Pat vừa đi vừa nói:
           
          - Tôi đọc một vụ án giết người hàng loạt ở tại Texas mà thám tử chính là người tìm ra thủ phạm! Điều này làm tôi rất ấn tượng, chính vì vậy mà tôi mới liên lạc với công ty điều tra Lewis & Sons nhờ sự giúp đỡ.
           
          Thomas Brown cười nhẹ:
           
          - Không phải mình tôi mà rất nhiều người đã giúp tìm ra thủ phạm vụ đó!
           
          Bà Pat Miller cãi:
           
          - Nhưng trong bài báo tôi chỉ thấy họ nhắc đến tên thám tử mà thôi!
           
          Thomas Brown không biết nói sao hơn chỉ biết cười trừ.
           
          Bà ta còn nói tiếp:
           
          - Thám tử khiêm tốn quá đấy thôi!
           
          Lần này thì không thể chối cãi là Thomas thích thật! Tiếng cười hào sảng của viên thám tử làm bà Pat cũng vui lây.
           
          Thomas chợt giơ tay lên nói:
           
          - Còn một điều quan trọng nữa! Cho tôi xin một tấm ảnh của Leah! Ảnh nào chụp gần đây nhất!
           
          Bà Pat Miller nhanh nhẹn nói:
           
          - Có ngay!
           
          Thomas nhìn bức ảnh Leah mà bà Pat Miller đưa chàng nhận ra ngay là cô bé chắc giống cha nhiều hơn mẹ! Leah không có mấy nét Á châu cho lắm!
           
          #5
            frank 1 ngày và 7 giờ (permalink)
             
             
            Chương 6
             
             
            Vào phòng bé Leah nhìn thấy đúng là phòng của con gái, thứ gì cũng mầu hồng. Tường sơn trắng ngà, đồ đạc, giường ngủ đều mầu hồng nhạt. Trên vách tường và trần nhà vẽ những giải mây xanh lác đác.
             
            Bàn học nhỏ gọn gàng trong góc phòng. Bà Miller tìm những bản vẽ của con gái rồi đưa cho thám tử Brown xem với vẻ mặt hãnh diện.
             
            - Nhiều lắm, để tôi tìm thêm!
             
            Thomas nói ngay:
             
            - Không cần đâu! Chừng này đủ rồi! Nhưng tôi có thể giữ trong hồ sơ một vài bức vẽ được không? Sau này tôi sẽ trả lại.
             
            Bà Pat Miller xua tay:
             
            - Leah vẽ nhiều lắm! Thám tử cứ giữ đi, không cần trả lại.
             
            Thomas Brown nhìn sơ những bức vẽ rồi khen:
             
            - Con gái bà có óc nhận xét và có tài vẽ vì ghi lại như thật! Với số tuổi này của cháu mà vẽ được như vậy là hay lắm!
             
            Bà Pat Miller cười sung sướng khi nghe có người khen con gái mình.
             
            Thomas Brown nhìn quanh căn phòng ngủ của bé Leah rồi hỏi:
             
            - Ngoài chuyện vẽ, Leah có sinh hoạt nào khác không?
             
            Như sực nghĩ ra, bà ta nói ngay:
             
            - Để tôi gọi Catalina! Cô ấy là người chăm sóc và đưa Leah đi học. Cô ấy gần gũi và hiểu Leah hơn cả tôi vì suốt ngày cô ta ở bên cạnh cháu. Hôm rồi tôi nghe chồng tôi kể là cảnh sát đến đây cũng hỏi Catalina và John. John là tài xế riêng của tôi, ngoài chuyện đưa tôi đi đây đó thì John là người lái xe đưa Leah đi học và đón về.
             
            Thomas Brown sáng mắt lên:
             
            - Vậy thì tốt quá!
             
            Bà Pat Miller gọi quản gia bảo Catalina đến phòng khách chờ.
             
            - Bây giờ mời thám tử ra phòng khách! Hay thám tử còn muốn xem xét thêm gì nữa trong phòng này không?
             
            Thomas Brown xua tay:
             
            - Không, không như thế đủ rồi!
             
            Nhưng chàng cũng hỏi với thêm một câu:
             
            - Leah ngủ một mình chứ?
             
            - Cháu ngủ một mình từ nhỏ!
             
            Thám tử Brown khen:
             
            - Cô bé giỏi quá! Không sợ gì cả!
             
            Bà Pat Miller cười:
             
            - Leah là một đứa trẻ ít khóc! Cháu không khóc và không nói nên cũng chẳng biết Leah có sợ hay không nữa!
             
            Thomas Brown tò mò:
             
            - Vậy cô bé phản kháng bằng cách gì? La hét sao?
             
            Bà Pat Miller nói ngay:
             
            - Rất ít khi Leah có thái độ chống đối. Thay vì la hét thì cháu chỉ khóc nhưng không khóc to! Thực sự vì cháu… không nói năng gì cả nên cũng không biết nữa! Chính vì cháu bị autism nên tôi cũng để mặc cháu trong thế giới riêng của nó! Không can thiệp!  Trò chuyện với cháu cũng khó vì chỉ có một chiều! Chỉ có Catalina là phải luôn luôn trông chừng Leah thôi!
             
            Khi ra đến phòng khách đã thấy cô gái tên Catalina đang đứng chờ. Đó là một thiếu nữ gốc Tây Ban Nha, Thomas có thể khẳng định như vậy không chỉ do vóc dáng bên ngoài nhưng còn cả vì cái tên Catalina!
             
            Bà Miller  nói với Catalina:
             
            - Thám tử điều tra cần hỏi cô về Leah!
             
            Catalina khẽ gật đầu khi nhìn Thomas Brown.
            Bà Miller đưa tay ra hiệu:
             
            - Mời thám tử ngồi. Catalina cũng ngồi xuống đi!
             
            Thomas hỏi Catalina một vài câu cũng tương tự như cảnh sát đã hỏi cô ta về ngày hôm bé Leah bị mất tích. Khi biết Catalina phải ở trong trường cùng với Leah một thời gian, Thomas chuyển hướng câu hỏi:
             
            - Bé Leah có bạn trong trường không?
             
            Catalina lắc đầu:
             
            - Không có!
             
            - Ngoài cô giáo thì còn có người lớn nào khác không?
             
            - Thỉnh thoảng có người dậy thế!
             
            - Ngày hôm đó vẫn là cô giáo thường trực hay người nào khác, cô có biết không?
             
            - Tôi chỉ đến lớp học và ở đó với Leah có 4 tháng đầu tiên rồi sau đó thì không cần nữa nên tôi không biết. Thám tử có thể hỏi trường học về điều này.
             
            Thomas nghĩ ngay, Catalina rất thông minh!
             
            - Trong thời gian cô đến vườn trẻ trong 4 tháng với Leah thì lúc nghỉ ra chơi, Leah có chơi đùa với trẻ khác không?
             
            - Không! Leah chơi một mình!
             
            - Leah có sợ người lạ không?
             
            Catalina ngẫm nghĩ rồi mới trả lời:
             
             - Tôi không biết bé Leah có sợ người lạ hay không vì bé không nói. Nhưng Leah sẽ không nhìn người lạ đó khi họ tiến đến gần.
             
            - Vậy lần đầu tiên đến vườn trẻ và tiếp xúc với cô giáo là người lạ thì phản ứng của Leah thế nào?
             
            Catalina cười giải thích:
             
            - Leah cúi đầu, không nhìn người lạ đó nhưng không hề nắm lấy tay tôi hay trốn sau lưng tôi!
             
            - Vậy lần đầu tiên đó cô giáo có nắm tay Leah tỏ ý thân thiện hay không?
             
            - Có chứ! Chuyện này bình thường thôi mà!
             
            - Phản ứng của Leah khi ấy thế nào?
             
            - Rất thụ động! Không có phản ứng gì hết! Cô bé là như vậy!
             
            - Vẫn để yên cho người lạ nắm tay sao?
             
            - Đúng vậy! Nhưng có thể vì có tôi bên cạnh!
             
            - Ở nhà thì sao?
             
            - Dĩ nhiên là khác! Leah chạy chơi một mình và vui vẻ hơn!
             
            - Tại sao cô không tiếp tục ở trong trường với Leah nữa?
             
            - Cô giáo nói với tôi là Leah đã quen hơn nên không cần sự có mặt của tôi nữa!
             
            - Vậy khi cô không vào lớp học với Leah nữa thì cô bé có phản đối một cách nào đó không?
             
            - Không! Hoàn toàn không! Đến tháng thứ tư thì Leah ngồi ăn trưa chung với trẻ khác. Lúc cô giáo dậy trẻ đọc và viết thì Leah vẽ.
             
            - Cô nghĩ Leah thích đi học không?
             
            Catalina gật đầu hơi mỉm cười khi trả lời:
             
            - Tôi nghĩ là Leah thích vì sau khi ăn sáng thì tôi sửa soạn cho Leah đi học và bé rất ngoan ngoãn để tôi lo liệu. Có lần Leah bị đau phải ở nhà thì cô bé cứ chờ tôi sửa soạn cho đi học và cứ nhìn ra ngoài cửa như chờ đợi.
             
            Thomas nghĩ thầm hỏi như vậy là quá đủ để biết về Leah nhưng chàng cũng hỏi thêm một câu nữa:
             
            - Leah có phải uống thuốc hay ăn uống gì đặc biệt không?
             
            Bà Miller xen vào:
             
            - Cháu không phải uống thuốc gì cả, trừ phi khi bị đau ốm! Còn chuyện ăn thì…
             
            Catalina nói đỡ cho bà chủ:
             
            - Leah có thói quen ăn một số món ăn nhất định và bé thích như vậy. Leah bị phản ứng với đậu phọng, dâu, trứng và chocolate nên tuyệt đối phải tránh những món ăn này!
             
            Thomas gật gù không nói gì thêm và đứng dậy khi nói với chủ nhân:
             
            - Cám ơn bà đã giúp tôi nhiều trong việc điều tra.
             
            Nhìn Catalina, Thomas mỉm cười:
             
            - Cám ơn cô cho tôi hiểu nhiều về Leah! À… tên trường học của bé Leah là gì vậy?
             
            Bà Miller hất hàm ra hiệu cho Catalina trả lời.
             
            Cô gái nhanh nhẹn nói:
             
            - Tôi có địa chỉ và tên trường trong điện thoại!
             
            - Gửi cho tôi đi!
             
            Thomas nói như thế và cho số điện thoại của mình. Lý do chàng làm như vậy để có số điện thoại của Catalina tiện việc điều tra. Sau này cần hỏi gì thêm thì không cần phải tới đây!
             
            Bà Miller tiễn Thomas ra tận bên ngoài.
             
             
            *
             
             
            Thám tử Thomas Brown đến trường học của bé Leah Miller. Thật ra đó là một trung tâm giữ trẻ theo nhiều trình độ tuổi và có chương trình dậy học giúp trẻ nhỏ phát triển từ rất sớm thì đúng hơn.
             
            Trông bên ngoài rất đẹp và khang trang bắt mắt và cũng khá lớn. Thomas nghĩ thầm chắc học phí cho các trẻ nhỏ cũng không ít!
             
            Vào trường, Thomas đến thẳng văn phòng rồi tự giới thiệu mình cũng như mục đích đến đây.
             
            Đích thân bà hiệu trưởng vui vẻ đưa thám tử Brown đi xem trường, đến lớp học mà Leah từng theo học.
             
            Bà hiệu trưởng người Á Châu tên Dr. Sheila Nguyễn đứng bên ngoài lớp học rồi nói với Thomas:
             
            - Đây là lớp mẫu giáo mà cô học trò Leah từng có mặt. Cô giáo đang dậy học trong đó là cô giáo thường xuyên dậy ở đây.
             
            Thomas Brown hỏi ngay:
             
            - Bà có biết ngày mà Leah bị mất tích thì đây là cô giáo thường trực ngày hôm đó hay là người khác dậy thế?
             
            Bà Sheila Nguyễn hơi khựng lại trước câu hỏi của người thám tử nhưng rồi đáp:
             
            - Tôi phải xem lại thời khóa biểu của tuần đó mới biết chắc chắn được!
             
            - Không sao! Chút xíu nữa cũng được! Bây giờ bà có thể cho tôi đi xem sân chơi của các em nhỏ không?
             
            Bà hiệu trưởng lại vồn vã:
             
            - Được chứ! Hãy theo tôi!
             
            Qua một hành lang ngắn rồi có cửa đi ra đàng sau.
            Đó là một sân chơi cho trẻ nhỏ với diện tích vừa phải, không lớn mà cũng không nhỏ.

            Thomas hỏi ngay:
             
            - Trường có bao nhiêu trẻ em học ở đây?
             
            Bà Sheila Nguyễn mặc dù là một phụ nữ Á châu nhưng từ lời nói đến dáng vẻ bà ta rất Mỹ. Bà ấy nhún vai đáp:
             
            - Trường chúng tôi nhận các em từ tuổi rất nhỏ. Các trẻ khoảng 1 tuổi thì trung bình có khoảng từ 9 đến 10 em chứ chưa bao giờ nhiều hơn số đó. Ở đây chúng tôi chỉ có 10 trẻ như vậy và  có 3 người trông coi. Tuổi lớn hơn một chút thì có 15 trẻ với 2 người trông coi. Với lớp tuổi 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi hơn có tất cả 35 em, và có 2 cô giáo. Từ 6 tuổi đến 9 tuổi có 35 em, cũng có 2 cô giáo. Tổng cộng là 95 em tất cả.
             
            Thomas Brown tò mò:
             
            - Giờ ra chơi cùng lúc sao?
             
            - Không! Chúng tôi chia ra làm 2 lần! Trẻ nhỏ hơn ra chơi trước.
             
            Thám tử Thomas quan sát sân chơi rồi hỏi bà hiệu trưởng:
             
            - Nếu bà bận thì cứ làm việc. Tôi muốn xem xét quanh đây!
             
            - Được! Thám tử cứ tự nhiên! Chừng 20 phút nữa thôi là đến giờ các trẻ nhỏ ra chơi! Khi trẻ ra chơi tôi sẽ quay lại để giới thiệu thám tử với các cô giáo.
             
            - Cám ơn bà! Vậy tốt lắm!
             
            Khi bà hiệu trưởng trở vào bên trong qua cánh cửa ở cuối hành lang, Thomas nhận xét như vậy là cửa đó không có khóa? Nghĩ như vậy nhưng chàng muốn chắc chắn hơn nên đi về phía cửa đó và thử xoay quả đấm cửa. Cửa mở ra dễ dàng! Như vậy ai đi ra vào cũng được cả sao? Tuy nhiên nhìn kỹ thì có chốt khóa bên trong.
             
            Quay trở lại đi quanh sân xem xét. Đó là một sân chơi cho trẻ sạch sẽ, có xích đu và cầu tuột với nhiều mầu sắc. Sân có chỗ là xi-măng, có chỗ là cát hay sỏi nhỏ. Chung quanh là hàng rào gỗ kín. Có một phía sát hàng rào thấy đổ đất và trồng một vài loại hoa xen lẫn với những cây cà chua và rau! Thú vị! Thomas nghĩ thầm như vậy! Chắc đây là một trong những bài học về trồng trọt và cây trái cho trẻ nhỏ chắc?
             
            Thám tử Thomas Brown đi vòng sân chơi hai lần nhưng không thấy có gì lạ và hơi thất vọng! Vậy Leah biến đi đâu? Hay có kẻ nào trong vườn trẻ thông đồng với bọn bắt cóc?
             
            Thomas làm một vòng quanh sân nữa và đi thật chậm, mắt luôn luôn xục xạo tìm kiếm một cái gì bất thường!
             
            Chợt nhìn thấy có một chỗ ở vách hàng rào gỗ hơi nghiêng, Thomas đến sát gần và thử đẩy mạnh hàng rào. Phần hàng rào đó lại càng nghiêng hơn!
             
            Thomas ngồi hẳn xuống nhìn chân hàng rào. Có một khoảnh cỏ mọc sát hàng rào dường như hơi úa vàng so với những chỗ khác. Chàng lấy tay thử nhổ đám cỏ chỗ đó lên. Dễ dàng như không vì lớp cỏ đó như chỉ đặt hờ trên mặt đất chứ không phải mọc từ dưới đất lên!
             
            Phần cỏ đó chỉ dài bề ngang khoảng 4 cột gỗ hàng rào, vừa đủ cho một thân người lách qua! Chàng đưa tay thử nhổ lớp cỏ xanh sát bên cạnh đó mà không kéo nổi vì cỏ mọc dính chặt xuống đất!
             
            Thomas đứng lên lấy điện thoại chụp hình khoảng cỏ khô đó. Không chỉ vậy mà chàng còn thử đẩy phần hàng rào gỗ ngay sát lớp cỏ khô. Mấy cột gỗ di chuyển! Không nhiều nhưng có di chuyển!
             
            Chàng chạy vội vào bên trong đi tìm bà hiệu trưởng.
             
            Thấy vẻ mặt của thám tử Thomas Brown, bà Sheila biết ngay có chuyện gì bèn hỏi:
             
            - Thám tử tìm thấy gì sao?
             
            - Bên ngoài hàng rào ở sân chơi là gì?
             
            Bà ta hơi ngơ ngác khi trả lời:
             
            - Là đất trống! Chắc cũng là đất tư nhân nhưng không có nhà hay hàng rào.
             
            Thomas vội vã đi ra bên ngoài. Bà hiệu trưởng cũng đi theo chàng.
             
            Ra đến ngoài, Thomas còn đang không biết đi hướng nào thì bà Sheila gọi chàng và cũng đi theo khi nói:
             
            - Phía bên trái!
             
            Vòng sang bên trái, thấy ngay khu đất trống, cũng nhỏ thôi.
            Thomas nhìn thấy ngay có mấy cái thùng lớn đặt sát hàng rào của trường, chàng hỏi bà Sheila:
             
            - Mấy cái thùng này là thùng gì? Sao lại đặt ở đây?
             
            Bà Sheila Nguyễn chưng hửng:
             
            - Tôi cũng không biết! Chẳng thấy bao giờ cả! Chúng tôi có bao giờ đi ra phía sau này làm gì đâu! Thật sự không hiểu!
             
            Thomas nói với bà hiệu trưởng:
             
            - Tôi ra xe lấy ít đồ rồi trở lại ngay! Bà đừng đụng gì vào mấy thùng này!
             
            Bà Sheila Nguyễn vẫn đứng đó nhìn theo người thám tử. Bà ta cũng thắc mắc không biết mấy cái thùng quái quỷ này ở đâu ra sao lại để ở đây làm gì? Không biết bên trong thùng có đựng thứ gì nữa không biết?
             
            Thomas Brown trở lại, tay cầm một hộp dài có chứa “đồ nghề đặc biệt”. Chàng đặt hộp đồ nghề đó xuống cỏ.
             
            Thoạt tiên, Thomas chụp vài tấm hình hàng rào và mấy chiếc thùng đó. Chụp hình xong chàng mới moi trong túi ra đôi găng mỏng đeo vào hai tay. Kế tiếp Thomas Brown mở hộp đồ nghề của mình ra lấy thiết bị lấy dấu vân tay gồm một lọ bột đặc biệt, một bàn chải sợi thủy tinh, băng dính nhựa đen và các tấm lót.
             
            Thám tử Thomas thoa bột titanium dioxide lên bàn chải, rồi gạt bỏ phần thừa.
             
            Thomas rải bột lên khu vực đoạn hàng rào đó, 3 chiếc thùng và bất cứ nơi nào mà chàng nghĩ có người chạm vào bề mặt. Bước tiếp theo chàng dùng băng dính để giữ chặt chúng. Thomas tạo điểm neo và đặt băng dính xuống dấu vân tay đầu tiên, làm phẳng các bọt khí.
             
            Thám tử Thomas đặt từng dấu vân tay lên các tấm lót acetate. Sau khi hoàn tất thu thập bằng chứng pháp y mà kẻ tình nghi bắt cóc Leah có thể lưu lại, Thomas lau sạch bột vân tay bằng một chai nước xịt và một miếng giẻ từ bộ dụng cụ của mình. Chàng không phá hủy bằng chứng. Điều này rất quan trọng vì Thomas có thể bị bắt giữ và kết tội vì phá hủy vết tích kẻ tội phạm.
             
            Bà Sheila Nguyễn đứng nhìn quan sát mọi hành động của người thám tử với vẻ thích thú nhưng không hỏi gì hết. Bà chưa bao giờ chứng kiến những điều này ở ngoài đời thật! Xem phim thì có thấy nhưng cũng không lưu tâm.
             
            Có tất cả 3 cái thùng! Thomas vẫn đeo găng tay, quỳ xuống đất cậy nắp thùng xem có gì bên trong.
             
            Khi nắp cả 3 chiếc thùng đã được mở ra, cả Thomas và bà Sheila đều ngỡ ngàng vì bên trong chỉ toàn đất!
             
            Nhưng rồi Thomas hiểu ngay. Chàng đủn mấy chiếc thùng sang một bên. Khi không còn 3 chiếc thùng nữa, Thomas mới đẩy hàng rào ở ngay chỗ đó. Một phần hàng rào ở đó ngả xuống đất dễ dàng! Khoảng trống đó đủ để một người lớn qua lọt dễ dàng!
             
            Lúc này bà Sheila có lẽ cũng hiểu ra phần nào!
             
            Thomas lẳng lặng chụp vài tấm hình. Xong xuôi chàng mới dựng phần hàng rào gỗ đó trở lại vị trí cũ. Cả 3 thùng đất cũng được Thomas kéo lại như trước.
             
            Bà Sheila với vẻ mặt thất thần hỏi ngay:
             
            - Có kẻ nào đã làm như vậy?
             
            Thomas gật đầu:
             
            - Đúng vậy! Và nếu tôi đoán không sai thì đó chính là kẻ đã bắt cóc bé Leah!

            Bà hiệu trưởng hơi thắc mắc và hỏi thám tử Thomas Brown:
             
            - Sao tôi không thấy cảnh sát làm những điều như thám tử vừa làm?
             
            Thomas nhìn bà ta và nghiêm nghị trả lời nhưng cũng không giấu được nụ cười:
             
            - Bởi vậy gia đình Miller mới mướn tôi!
             
            Bà Sheila Nguyễn mỉm cười thích thú:
             
            - Hay thật!
             
            Nhưng Thomas cũng phải dặn dò bà ta luôn:
             
             - Những điều bà vừa nhìn thấy xin đừng nhắc đến với bất cứ ai! Dĩ nhiên tôi sẽ liên lạc với cảnh sát điều tra vụ án sau. Nhưng cảnh sát sẽ không vui khi thấy tôi hành động trước họ. Bà hiểu ý tôi chứ?
             
            Bà Sheila Nguyễn gật đầu:
             
            - Tôi hiểu! Thám tử yên tâm. Tôi mong là thám tử tìm ra bé Leah sớm và con bé được bình an vô sự trở về nhà!
             
            Thomas Brown thu thập mọi dụng cụ cũng như những dấu vân tay chàng lấy được rồi nói với bà hiệu trưởng:
             
            - Tôi cất những thứ này ra xe rồi trở lại! Tôi còn muốn nói chuyện với cô giáo của Leah!
             
            - Được! Tôi cũng sẽ tìm xem ngày hôm đó ai là người dậy lớp học và cho thám tử biết!
             
            - Cám ơn bà!
             
             
            *
             
             
            Khi trở lại vào trường học và vào văn phòng tìm bà Sheila Nguyễn, Thomas được biết bà ấy đang chờ chàng ở ngoài sân sau.
             
            Người thư ký của bà Sheila Nguyễn ân cần nói với thám tử Thomas Brown:
             
            - Để tôi đưa thám tử đi!
             
            Thomas hỏi lại:
             
            - Ở sân chơi đàng sau phải không?
             
            - Đúng vậy! Theo tôi!
             
            Mặc dù đã biết lối đi ra nhưng Thomas không nói gì mà chỉ lẳng lặng đi theo cô thư ký của bà Sheila.
             
            Không còn sân chơi yên tĩnh như trước mà thật ồn ào và náo nhiệt với những tiếng cười đùa la hét của trẻ con. Chúng như bầy chim vỡ tổ khuấy động cả bầu trời trong xanh không một gợn mây trên kia.
             
            Nhìn thấy thám tử Thomas, bà Sheila tiến lại gần nói:
             
            - Để tôi giới thiệu thám tử với mấy cô giáo phụ trách!
             
            Thomas vui vẻ đi theo bà ta.
            Các giáo viên tản mát khắp nơi trong sân chơi. Có lẽ họ có trách nhiệm trông coi từng nhóm trẻ.

            Chàng nói với bà Sheila:
             
            - Cho tôi gặp cô giáo của Leah trước! À… bà có tìm ra hôm Leah mất tích thì cô giáo phụ trách là ai không?
             
            Vừa đi bà ta vừa nói với thám tử Thomas:
             
            - Cô giáo phụ trách lớp Leah có mặt và dậy học ngày Leah mất tích. Cô giáo tên Martha Moore. Martha làm ở đây cả 4 năm rồi. Trẻ con rất yêu thích cô giáo Martha.
             
            Thomas không hỏi gì chỉ đi theo bà hiệu trưởng.
            Bà ta đưa tay chỉ và nói với thám tử Thomas Brown:
             
            - Cô ấy kia rồi! Người cột tóc đuôi ngựa đang đứng gần bọn trẻ chính là cô giáo Martha Moore!
             
            Khi đến gần, bà hiệu trưởng gọi cô giáo:
             
            - Martha!
             
            Mặc dù lúc đó ngoài sân ồn ào nhưng vì khoảng cách cũng gần mà tiếng gọi của bà Sheila cũng khá lớn nên người phụ nữ tên Martha quay lại dáo dác tìm kiếm xem ai gọi mình.
             
            Khi nhìn thấy bà Sheila và thấy bà ta giơ tay vẫy, Martha đến ngay.
            Martha Moore, một cô giáo vườn trẻ có nước da trắng, mặt lấm tấm nhiều tàn nhang nâu nhạt, mái tóc hung hung sáng rực dưới ánh nắng và làm cho đôi mắt có mầu xanh đá của cô ta càng nổi bật và trong sáng hơn.
             
            Cô giáo vườn trẻ nhoẻn miệng cười. Có lẽ cô ta trong khoảng 26 đến 28 tuổi là cùng. Nụ cười đó thay cho câu hỏi lý do vì sao bà hiệu trưởng lại gọi tên cô ta.
             
            Nhìn khuôn mặt rất thân thiện đó, Thomas cũng cười đáp trả dù chưa được bà Sheila giới thiệu.
             
            - Martha! Đây là thám tử tư Thomas Brown! Còn đây là cô giáo Martha Moore. Thám tử Thomas đến đây để điều tra vụ học sinh Leah bị mất tích hơn 10 ngày trước.
             
            Martha hơi xịu mặt xuống và gật đầu nói với thám tử Brown:
             
            - Chào… thám tử!
             
            Thomas Brown tìm cách xoa dịu sự căng thẳng nếu có của cô giáo Martha:
             
            - Cô giáo cứ gọi tôi là Thomas được rồi!

            Thái độ cởi mở thân thiện của Thomas Brown làm Martha thoải mái hẳn.
            Bà hiệu trưởng nói luôn:
             
            - Để tôi nói người khác trông mấy đứa trẻ! Cô cứ nói chuyện với thám tử Brown đi!
             
            Martha gật đầu rồi nói với Thomas:
             
            - Tôi có thể giúp gì cho cuộc điều tra? Hay chúng ta vào bên trong?
             
            - Không cần đâu! Ở bên ngoài này tốt hơn! Tôi chỉ muốn hỏi cô vài câu về ngày hôm Leah bị mất tích!
             
            - Thám tử cứ hỏi!
             
            - Cô thử nhớ xem ngày hôm đó có gì khác lạ không? Bất kể là gì, có thể là những chi tiết nhỏ nhặt nhưng sẽ hữu ích cho việc điều tra.
             
            - Để tôi nhớ lại xem…
             
            Thomas gợi ý:
             
            - Ngày hôm đó học trò cũng ra chơi như ngày hôm nay phải không?
             
            Martha nhìn mông lung vào sân chơi và đám trẻ nhỏ:
             
            - Đúng vậy! Mọi sự đều bình thường! Các em chơi đùa với nhau, nhiều nhất là ở chỗ xích đu.
             
            - Leah có chơi đùa với những trẻ khác không?
             
            Martha nói ngay:
             
            - Không! Không bao giờ! Leah chơi một mình!
             
            - Chơi một mình là sao? Chơi trò chơi gì?
             
            Cô giáo Martha Moore cười chữa thẹn:
             
            - Ý tôi muốn nói là Leah ở một mình. Thường cô bé hay ngồi ở góc kia kìa và nhìn những đứa trẻ khác chơi đùa!
             
            Nhìn theo tay chỉ của cô giáo, Thomas nhận ra ngay chỗ đó có ghế nhựa và rất gần chỗ hàng rào mà chàng khám phá trước đó!
             
            Thomas chú ý đến điểm này nhưng vẫn hỏi cô giáo Martha:
             
            - Leah vẫn luôn luôn có những thói quen nhất định như vậy sao?
             
            - Đúng như thế! Tôi nghĩ những trẻ bị autism đều như thế cả!
             
            Thomas xoay sang câu hỏi khác:
             
            - Theo như tôi được biết Leah không nói nhưng hiểu người khác nói. Vậy thì cô dậy Leah học như thế nào?
             
            Martha giải thích:
             
            - Leah là trẻ nhỏ duy nhất trong lớp học bị autism nên tôi chú ý đến em đặc biệt! Khi tôi bảo các trẻ khác đứng lên hay ngồi xuống hay cúi đầu, Leah đều làm theo nhưng khi dậy các em nhỏ hát thì Leah không hát theo. Hoặc lúc tôi đưa tay các chữ trên bảng và bắt các em lập lại theo thì Leah không lập lại theo. Nhưng điểm đặc biệt là Leah vẽ lại hình ảnh tôi đứng trên bục chỉ những chữ để dậy các em. Lúc đó Leah vẽ lại không chỉ hình ảnh nhưng cả những chữ tôi viết trên bảng, Leah đều vẽ hay nói cách khác là viết rất đúng!
             
            Thomas chăm chú nghe và rất ấn tượng về khả năng của cô bé Leah.
             
            Cô giáo Martha nói với Thomas:
             
            - Thám tử có thấy Leah là một đứa trẻ rất đặc biệt không?
             
            Thomas gật đầu đồng ý:
             
            - Rất đặc biệt!
             
            - Thám tử cần hỏi gì nữa không?
             
            Thomas Brown mau mắn đáp:
             
            - Cám ơn cô. Nếu sau này cần hỏi gì thêm tôi sẽ trở lại để cô giúp tôi!
             
            Cô giáo Martha Moore cười:
             
            - Bất cứ lúc nào!
             
            Ra khỏi trường học và cũng là nơi giữ trẻ, Thomas bâng khuâng nghĩ đến cô bé Leah! Chàng nhất định sẽ tìm ra cô bé sớm! Phải tìm ra Leah!
            #6
              frank 8 giờ (permalink)
               
              Chương 7
               
               
              Thám tử Thomas  Brown phân vân suy nghĩ xem mình nên đến sở cảnh sát trước để tìm xem ai là người nhận vụ án điều tra sự mất tích của bé Leah hay là trực tiếp gửi những dấu vân tay vừa lấy được cho một người bạn khá thân làm trong sở cảnh sát nhưng không phải tại tiểu bang đây mà là tiểu bang khác. Vì chỉ có cảnh sát mới có khả năng truy tìm dấu vân tay này!
               
              Với sự giúp đỡ của người bạn thì Thomas phải chụp hình lại những mẫu này hoặc gửi cấp tốc nguyên bản. Còn với cảnh sát địa phương thì giản dị hơn nhiều!
               
              Thomas biết là cảnh sát địa phương không mấy chú trọng đến những vụ trẻ mất tích và họ cũng không thiết tha nỗ lực tìm kiếm. Có thể Leah là con gái của một tỷ phú thì sự sốt sắng tìm kiếm cũng có phần được coi trọng hơn!
               
              Nhưng suy cho cùng thì lợi ích của khách hàng là trên hết và mục đích tìm kiếm Leah phải đặt lên hàng đầu! Cuối cùng Thomas quyết định là gửi mẫu vân tay cho người bạn của mình truy cứu. Trong khi đó chàng sẽ đến sở cảnh sát ở đây tìm xem ai là người có trách nhiệm với vụ này. Nếu người thám tử đó thân thiện và cởi mở thì sẽ hợp tác. \
               
              Quyết định như vậy rồi Thomas thực hiện ngay. Chàng gọi cho người bạn tên Mark.
               
              Thám tử Mark nhìn số biết là Thomas Brown gọi nên nghe máy ngay với giọng vui vẻ:
               
              - Ê Tom! Lâu ngày! Sao rồi?
               
              Thấy giọng bạn mình, Thomas cười to:
               
              - Lâu không nói chuyện với nhau! Mọi chuyện có ổn không? Phần tôi thì Ok.
               
              - Lâu không nói chuyện tưởng anh biến đâu rồi chứ? Vẫn làm việc ở chỗ cũ hả?
               
              - Vẫn vậy, vẫn chỗ cũ! Tại bận quá thôi mà!
               
              Mark trêu chọc bạn mình:
               
              - Không phải bây giờ nổi tiếng quá rồi nên quên bạn bè hả?
               
              - Nói nhảm! Nổi tiếng gì chứ! Đừng nói chuyện tào lao! Anh sao rồi?
               
              Mark cười:
               
              - Cũng bình thường thôi! Tụi này có thêm một thằng nhóc!
               
              Thomas hoan hỉ:
               
              - Thật à? Chúc mừng có thêm một Mark con! Vậy là anh có 2 đứa phải không?
               
              - Phải, một trai một gái!
               
              Thomas suýt xoa:
               
              - Can đảm thật! Tôi vẫn chưa thể nào nghĩ đến chuyện lấy vợ được!
               
              - Tại anh chưa bị ai bắt đó chứ! Bạn gái thì sao?
               
              - Chưa có! Bận rộn quá!
               
              Mark nói ngay:
               
              - Nè Tom, hôm nay anh gọi tôi vì chuyện gì?
               
              - Có chuyện cần nhờ vả!
               
              - Nói đi người anh em!
               
              - Tôi đang điều tra một vụ! Tìm được dấu vân tay, nhờ anh tìm xem đó thuộc về ai được không?
               
              Mark hơi thắc mắc:
               
              - Dĩ nhiên là được! Nhưng tôi không hiểu… ở dưới đó họ không làm sao?
               
              Thomas thở dài:
               
              - Nghề thám tử tư như là con hoang, anh biết mà! Gia đình họ thuê tôi vì không tin tưởng cảnh sát ở đây. Đây là một vụ trẻ nhỏ bị mất tích!
               
              Mark nói ngay:
               
              - Con của tỷ phú dầu hỏa gì đó phải không?
               
              - Đúng rồi! Anh xem tin tức nên biết rồi phải không?
               
              - Có biết sơ sơ!
               
              Nói xong Mark cười thích thú:
               
              - Lần này bạn tôi lại cướp tay trên và sẽ tìm ra thủ phạm trước đây mà! Được rồi, gửi cho tôi đi!
               
              - Tôi gửi cấp tốc, qua đêm. Sáng mai thì tới! Cám ơn nhiều.
               
              - Chuyện nhỏ! Mong có dịp gặp nhau!
               
              - OK!
               
              Dứt điện thoại, Thomas đi gửi những mẫu vân tay ngay kèm với lời dặn dò nhờ vả và cám ơn Mark.
               
              Thomas tính nhẩm ngày mai mẫu vân tay đến Mark. Chàng sẽ biết kết quả nội trong ngày mai. Tốt thôi!
               
              Bây giờ việc kế tiếp là ghé sở cảnh sát địa phương xem ai là người lãnh vụ bé Leah mất tích.
               
               
               
              *
               
              Cả năm nay bây giờ Thomas mới  đến đây, không biết thám tử Walker Cox  có còn ở đây hay không?
              Cảnh sát viên ngồi ngay ngoài không  phải là anh chàng gì trước đây cùng họ  Brown như Thomas, còn mọi sự vẫn như  cũ.
              Thomas Brown tự giới thiệu mình,  đưa thẻ tùy thân và cho biết muốn gặp  thám tử lo điều tra vụ bé Leah bị  mất tích.
              Anh cảnh sát mặt non choẹt tìm trên computer rồi cho Thomas biết:
               
              - Thám tử Walker Cox lo vụ này!
               
              Thomas Brown à lên một tiếng với vẻ vui mừng:
               
              - Thám tử Walker Cox có đây không?
               
               - Để tôi đi xem! Chờ đây!
               
              Thomas gật đầu đứng đó chờ đợi. Thật là may khi gặp lại người quen cũ! Chắc chắn ông ta phải nhớ mình, Thomas nghĩ thầm như vậy.
               
              Một năm không gặp, trông thám tử Walker Cox hình như hơi già đi! Ông ta nhìn thấy Thomas và vội vã lại gần đưa tay ra.
               
              Thomas cười vui vẻ bắt tay Walker Cox:
               
              - Lâu ngày lắm rồi!
               
              Thám tử Walker Cox tươi nét mặt, lắc lắc tay Thomas:
               
              - Lâu nay biến đi đâu mất tiêu? Tôi tưởng anh không còn ở đây nữa chứ?
               
              Thomas cười lớn:
               
              - Tôi biến đi đâu được chứ? Thế giới này cũng nhỏ thôi mà! Sao, ông khỏe không?
               
              Buông tay ra, Walker Cox sửa gọng kính:
               
              - Bình thường như mọi ngày! Gặp anh tôi rất vui!
               
              Lời nói rất chân tình ở Walker Cox làm Thomas hơi xúc động. Chàng nói với ông ta:
               
              - Tôi cũng vậy! Dạo đó làm việc chung với ông rất vui!
               
              Walker Cox hỏi ngay:
               
              - Sao, hôm nay anh đến đây có chuyện gì? Tôi giúp gì được không?
               
              - Tôi đến vì vụ điều tra con gái tỷ phú Miller mất tích!
               
              - À ra vậy!
               
              Thomas nói luôn:
               
              - Tôi rất vui mừng khi biết người điều tra vụ này ở đây là ông!
               
              Walker Cox đưa hai tay lên trời than:
               
              - Những vụ như thế này khó mà có kết quả ngay, anh có nghĩ như vậy không?
               
              Thomas khéo léo gài thám tử Walker Cox:
               
              - Nếu là sự hợp tác và phối hợp giữa ông và tôi thì tôi nghĩ chắc cũng sớm có kết quả thôi!
               
              Walker Cox rất bén nhậy và hiểu ngay khi nói với Thomas:
               
              - Anh xem hồ sơ vụ này chưa?
               
              - Tôi đến đây với mục đích đó!
               
              Thomas nói như thế không có ý giấu diếm điều gì nhưng chàng muốn biết cảnh sát đã tìm ra được những gì cho vụ điều tra.
               
              Walker Cox nói với thám tử Thomas:
               
              - Theo tôi!
               
              Thám tử Walker Cox ra hiệu cho Thomas đi theo ông ta. Walker Cox có phòng riêng tuy nhỏ nhưng như vậy đủ hiểu vị thế của ông ta ở đây ra sao.
               
              Không khách sáo, Walker Cox nói với Thomas:
               
              - Anh ngồi đây! Hiện tại tôi đang điều tra 2, 3 vụ án một lúc chứ không riêng gì vụ con gái ông Miller.
               
              - Tôi hiểu, ông rất bận! Nhưng biết ông lo vụ này làm tôi thoải mái hơn nhiều. Chúng ta đã biết nhau quá mà phải không?
               
              Walker Cox tìm hồ sơ của Leah và đưa cho Thomas:
               
              - Anh ngồi  đây xem đi! Chốc nữa tôi trở lại, chúng ta nói chuyện tiếp!
               
              Thomas cũng hiểu ngay là thám tử Walker Cox đã đoán là chàng biết chút manh mối nào đó nên mới nói như vậy. Cả hai cùng hiểu ngầm là hai bên sẽ cùng hợp tác và giúp đỡ nhau.
               
              Dĩ nhiên nếu Thomas có chia sẻ sự khám phá sáng nay thì chàng cũng sẽ không nói là mình đã lấy dấu vân tay của những kẻ tình nghi. Điều này chỉ có Mark, bạn chàng biết mà thôi!
               
              Tấm ảnh của Leah trong hồ sơ đúng là tấm hình mà bà Miller đã đưa cho Thomas. Lúc nẫy chàng chưa có thì giờ nhìn kỹ tấm hình của bé Leah chỉ nhớ là Leah giống cha nhiều hơn giống mẹ. Bây giờ khuôn mặt trẻ thơ đó đang nhìn Thomas với đôi mắt rất to, đen, không phải mắt xanh! Đó là điểm duy nhất mà cô bé giống mẹ còn ngoài ra từ mái tóc nâu hơi vàng đến làn da và mắt mũi đều mang nét tây phương.
               
              Đôi mắt đó đang nhìn Thomas như ngầm bảo “Hãy mang tôi trở về với gia đình!”.
               
              Xem nào! Ngày bé bị mất tích đúng là ngày sinh nhật của Leah! Những điều tra của cảnh sát bao gồm tra vấn những người làm trong gia đình Miller, những người trong vườn trẻ, nhưng không có gì đặc biệt đáng chú ý! Và chưa có kết luận nào của cảnh sát trong thời gian hiện tại! Thomas thất vọng vô cùng! Như vậy sự khám phá mới đây của Thomas hoàn toàn là do chàng tìm thấy! Có nên nói cho Walker Cox ngay không?
               
              Nhìn vào hồ sơ Leah Miller, thám tử Thomas hơi phân vân nhưng quyết định là sẽ nói cho Walker Cox biết ngay thay vì chờ kết quả từ bạn chàng là Mark. Tính mạng của cô bé 5 tuổi rất quan trọng, thời gian càng kéo dài lâu, hy vọng tìm lại được Leah rất mỏng manh.
               
              Thám tử Walker Cox trở lại gặp Thomas nhanh hơn dự đoán. Có lẽ ông ta đã đánh hơi ra là Thomas đã tìm ra điều gì.
               
              Nhìn thấy Thomas ngồi thừ người trước tập hồ sơ về Leah Miller còn rất mỏng, thám tử Walker Cox hỏi ngay:
               
              - Xem hồ sơ xong rồi chứ? Anh thấy thế nào?
               
              Thomas quay sang nhìn ông ta rồi cười nói:
               
              - Khi tôi đến đây để xem hồ sơ này tôi không biết người điều tra vụ đó là ai và tôi cũng đã hơi thắc mắc liệu thám tử điều tra ở đây có cộng tác với tôi như ông đã từng giúp tôi hay không? Nhưng khi biết chính ông là người điều tra vụ này thì mọi thắc mắc và ngần ngại của tôi đều biến mất và thấy thoải mái hơn nhiều.
               
              Đã quen với lối nói dài giòng và vòng vo của thám tử trẻ tuổi nhưng giỏi này, nhưng Walker Cox cũng không nhẫn nại được nữa nên hỏi ngay:
               
              - Anh tìm ra điều gì đúng không?
               
              Thomas Brown gật đầu:
               
              - Hồ sơ này không thấy nhắc đến điều mà tôi tìm thấy! Ông xem những hình ảnh trong điện thoại tôi đi!
               
              Walker Cox nhíu mày nhìn những hình ảnh mà Thomas chụp lại trong điện thoại của anh ta.
               
              - Anh gởi cho tôi những hình ảnh này luôn được chứ?
               
              - Đương nhiên! Tôi gửi ngay!
               
              Thám tử Walker Cox nói ngay:
               
              - Tôi sẽ đến đó ngay bây giờ cùng với nhân viên chuyên nghiệp!
               
              - Tìm ra được gì ông cho tôi biết nhé!
               
              Walker Cox gật đầu hỏi:
               
              - Anh đến trường học đó mấy lần rồi?
               
              Thomas có vẻ ngạc nhiên:
               
              - Mới có 1 lần là ngày hôm nay!
               
              - Giỏi! Vậy mà anh đã tìm ra ngay!
               
              Tuy thám tử Walker Cox nói vậy nhưng trong lòng cũng hơi mất vui nhưng ông ta nói với Thomas:
               
              - Nếu không phải là tôi lãnh vụ này mà là người khác thì anh sẽ không chia sẻ khám phá này đúng không?
               
              Thomas nhún vai:
               
              - Đúng mà cũng không đúng! Thực sự công việc của chúng ta là tìm ra manh mối và giải quyết, điều này quan trọng nhất còn ai tìm ra không quan trọng! Nhưng nếu người thám tử khác không hợp tác và không muốn tôi can dự thì tôi phải suy nghĩ lại.
               
              Walker Cox thở dài thầm trước lời nói loanh quanh của Thomas. Chỉ cần nói phải hay không phải là được rồi! Thế nhưng có lẽ cá tính của anh ta là như vậy và cũng có thể vì vậy mà Thomas mới nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy!
               
              - Tôi sẽ cho người lấy dấu vân tay và lục soát kỹ quanh đó. Khi có kết quả tôi sẽ gọi cho anh biết!
               
              Thomas hoan hỉ cười nhưng thấy thú vị vì chàng đã làm những điều đó trước rồi!
               
              - Tốt lắm! Sự hợp tác của chúng ta sẽ đưa đến kết quả nhanh chóng! Nhưng cho dù với khám phá mới này thì chúng ta có thể loại bỏ sự nghi ngờ là cô bé 5 tuổi Leah đi lạc không?
               
              - Chúng tôi vẫn lục soát quanh đó nhưng không tìm thấy gì. Còn chuyện suy luận theo chiều hướng kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc thì cũng không thấy gì!
               
              Thomas không cười nữa nhưng nói ngay:
               
              - Thời gian càng kéo dài thì khả năng tìm thấy cô bé càng ít có phải không?
               
              Walker Cox gật đầu:
               
              - Đúng thế!
               
              Nhưng rồi ông ta lại hỏi thám tử Thomas:
               
              - Trước giờ anh có nhận vụ nào như vậy không?
               
              - Chưa bao giờ!
               
              Walker Cox buồn rầu nói:
               
              - Dư luận cứ cho rằng cảnh sát không tha thiết đến những vụ bắt cóc nhưng suy nghĩ này hoàn toàn sai vì người ta chỉ dựa trên những kết quả không được khả quan mà đưa đến kết luận như vậy!
               
              Thomas Brown nhún vai không nói gì. Chàng chưa bao giờ được giao cho điều tra một vụ bắt cóc nào cả, mà lại là trẻ nhỏ nữa! Có lẽ Thomas phải trở về văn phòng và tìm hiểu nhiều hơn nữa về những vụ trẻ bị bắt cóc trước đây để tìm ra hướng đi điều tra cho chính xác và tiết kiệm thời gian tìm kiếm.
               
              Chưa lập gia đình, thám tử Thomas khó mà có thể hiểu được một cách sâu sắc tâm trạng của những người làm cha làm mẹ bị mất con! Đương nhiên đó là một trải nghiệm kinh hoàng và nỗi đau hay khắc khoải chờ đợi cũng thật vô vọng khi đứa trẻ mãi vẫn biệt tăm!
               
               
              *
               
               
              Về văn phòng, Thomas nhanh chóng ngồi xuống tìm kiếm những điều đang dấy lên trong đầu chàng là những câu hỏi đang chờ được giải đáp.
               
              Ít khi thám tử Thomas làm việc miệt mài trên computer, thường chỉ tìm một số dữ liệu nhất định cần thiết cho cuộc điều tra mà thôi. Nhưng ngày hôm nay Thomas đã không rời mắt khỏi màn hình computer và quên cả ăn trưa! Có những tin tức đem lại hy vọng nhưng ngược lại cũng có những khám phá làm chàng hơi nản lòng!
               
              Trong số hơn nửa triệu trẻ em mất tích mỗi năm tại Hoa Kỳ, gần như tất cả đều được tìm thấy. Con số mới nhất được cập nhật hóa là 840 triệu trẻ em mất tích trong năm vừa qua. Tỷ lệ tìm thấy là 97,8%. Nhưng gần như tất cả đều được tìm thấy khi những vụ bắt cóc đó được liệt kê loại bắt cóc gia đình, có nghĩa là người cha hay người mẹ trong cuộc ly dị không có quyền nuôi con nên bắt đứa trẻ. Thành viên gia đình thậm chí có thể không coi đây là một vụ bắt cóc, nhưng về mặt pháp lý thì đó là một vụ bắt cóc.
               
              Trường hợp của Leah Miller không nằm trong loại bắt cóc gia đình! Vậy thì hy vọng tìm thấy cô bé không dễ dàng và nhanh chóng!
               
              Theo những tài liệu mà Thomas đang đọc thì rất hiếm khi người lạ bắt cóc trẻ em. Cũng theo những tài liệu này khi một đứa trẻ mất tích vì bị bắt cóc, điều đặc biệt quan trọng là phải tìm thấy chúng nhanh chóng. Mặc dù đôi khi trẻ em được phát hiện nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ sau sự việc, nhưng việc trẻ em hòa nhập trở lại với gia đình trở nên khó khăn hơn.
               
              Cô thư ký riêng của xếp Aviel Lewis lại gần Thomas mà chàng không hề hay biết. Đôi mắt của Thomas cứ dán chặt vào màn hình computer trước mặt không còn để ý gì đến mọi sự chung quanh.
               
              Cô ta gõ nhẹ tay lên vai Thomas:
               
              - Uống cà phê không?
               
              Thomas giật mình nhìn lên. Thấy cô thư ký xinh đẹp đang đứng đó hơi mỉm cười với vẻ trêu chọc. Chàng cười hỏi:
               
              - Vừa nói gì vậy? Xin lỗi tôi đang chăm chú tìm tài liệu nên không để ý!
               
              Cô ta lập lại câu hỏi lúc trước:
               
              - Uống cà phê không? Tôi mang cho anh một ly!
               
              Thomas nheo mắt cười trong bụng nghĩ thầm sao hôm nay cô nàng này lại tử tế như thế chứ?
               
              - Còn gì bằng nữa! Nếu không phiền cô! Cám ơn!
               
              - Tôi muốn uống một ly cà phê nên nhân tiện lấy cho anh luôn! Anh đẹp trai này cần phải được o bế!
               
              Nói xong cô ta quay đi. Thomas nhìn theo những bước chân nhún nhẩy do đôi giầy gót cao đang uyển chuyển rời đi. Nhưng chàng không chỉ nhìn có thế nhưng đôi mông tròn nhịp nhàng lắc lư kia làm Thomas… thấy đói! Chàng bật cười một mình rồi lắc đầu tự chế diễu mình! Chuyện bụng đói và chuyện nhìn một thân hình khác phái hấp dẫn kia dẫn đến những ý nghĩ khác thì có ăn nhậu gì với nhau chứ? Nhưng quả thật là chàng thấy đói! Thomas nhìn đồng hồ trên tường. Hai giờ trưa! Hèn gì!
               
              Ly cà phê ngọt ngào cô thứ ký đưa với cái nháy mắt rất đáng yêu làm Thomas hơi choáng váng! Cô ta còn gọi mình là anh đẹp trai!
               
              Cầm ly cà phê, Thomas nói với theo cô thư ký:
               
              - Cám ơn người đẹp!
               
              Không quay người lại, cô ta giơ tay lên vẫy vẫy.
               
              Thomas ra khỏi những gì đang tìm kiếm và đứng lên vươn vai. Phải đi ăn một cái gì thôi! Ngồi trong một quán ăn nào đó rồi vừa ăn vừa nghiên cứu thêm cũng được thôi! Nhưng Thomas lại đổi ý thay vì vào tiệm ăn nào đó thì chàng ghé một tiệm fast food mua một bữa ăn nhanh mang về văn phòng.
               
               
              *
               
               
              Đói thì ăn gì cũng ngon! Bữa ăn trưa giản dị và nhanh chóng đã đáp ứng nhu cầu đói của Thomas.
              Chàng tiếp tục tìm hiểu những gì liên quan đến trẻ em bị mất tích. Điều làm Thomas chú ý hơn nữa là những trường hợp trẻ em bị khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần thì việc tìm kiếm, phát hiện và đưa đứa trẻ về lại với đời sống cũ rất khó khăn. Khi trẻ em bị khuyết tật về phát triển, trẻ đó có thể gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác về nhu cầu, danh tính hoặc địa chỉ nhà của mình. Điều này có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn.
               
              Mới đọc đến đó mà bỗng dưng hình ảnh bé Leah Miller 5 tuổi tóc nâu vàng có đôi mắt rất to và đen lại hiện lên choán ngợp những giòng chữ đang trải dài trên màn hình trước mặt Thomas. Đôi mắt ngây thơ vô tội đó đang nhìn chàng như van nài hay nhắn nhủ điều gì!
               
              Thomas lại lắc đầu! Mình chỉ tưởng tượng! Nhưng hình ảnh cô bé này sẽ đeo đuổi chàng luôn mãi không thôi cho đến khi có thể tìm được Leah và mang cô bé về nhà trở lại. Đưa Leah Miller 5 tuổi về lại căn phòng ngủ của cô bé, về lại thế giới an bình của tuổi thơ! Thật tội nghiệp quá!
               
              Nhưng càng tìm hiểu Thomas càng thấy hy vọng tìm ra Leah càng mỏng manh chỉ bởi vì chứng bệnh tự kỷ của cô bé!
               
              Theo như những tài liệu mà Thomas thu thập được thì có những cơ quan thực thi pháp luật được đào tạo đặc biệt để xử lý các trường hợp liên quan đến trẻ em mất tích  hoặc bị bắt cóc có khuyết tật về thể chất  hoặc tinh thần. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ bị bắt cóc bởi bất kỳ ai khác, không phải là cha mẹ chúng thì điều đáng buồn khi nói rằng đứa trẻ gần như luôn bị giết hoặc bị bán làm nô lệ, thường là trong ngành buôn bán tình dục.
               
              Những người tử tế, tỉnh táo muốn mang lại cho đứa trẻ một cuộc sống tốt đẹp hơn thường không phải là những người bắt cóc trẻ em. Dĩ nhiên cũng ngoại trừ những người hiếm muộn muốn có con nên đã bắt các con của người khác nhưng rất hiếm. Những kẻ bệnh hoạn muốn lợi dụng chúng và vứt bỏ chúng mới là những kẻ bắt cóc.
               
              Trẻ em mất tích càng lâu thì khả năng chúng không được tìm thấy khi còn sống càng cao. Tuy nhiên, thời gian trôi qua càng lâu thì rủi ro càng lớn. Ví dụ, một đứa trẻ bị lạc trong rừng sẽ có nguy cơ cao hơn nếu chúng không có nơi trú ẩn, nước và thức ăn trong thời gian dài.
               
              Nhưng cũng có những trường hợp "trẻ em mất tích" đã trở về sau nhiều năm. Những trường hợp như vậy rất hiếm hoi! Còn nữa, một số trường hợp trẻ em bị mất tích qua nhiều năm dài vẫn không tìm thấy. Người ta không biết các em này còn sống hay đã chết?
               
              Thomas ngửa người ra đàng sau, vươn vai và uống cạn hết ly cà phê. Vị ngọt đắng của sữa và cà phê làm chàng tỉnh táo hơn. Bỏ tất cả những thừa thãi của bữa ăn trưa và ly giấy vào thùng rác bên cạnh. Tắt máy, Thomas đứng lên rời khỏi văn phòng. Đọc như thế là đủ rồi! Phải tìm kiếm thôi chứ cứ ngồi ở văn phòng và tìm hiểu thì càng đọc càng thất vọng và nản lòng! Phải tìm ra bé Leah Miller càng sớm càng tốt! Nếu không…
               
              Nếu bắt cóc để đòi tiền chuộc thì đến bây giờ kẻ bắt cóc đã đòi tiền tỷ phú Miller rồi! Còn nếu vì cạnh tranh thương trường làm hại tỷ phú Miller mà bắt cóc con gái của ông ta để gây áp lực thì đã hơn 10 ngày đã qua có thấy gì đâu? Vậy lý do nào mà kẻ bắt cóc đã hành động như vậy? Động cơ là gì?
               
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9