Chương 11 Sau khi thu thập được những chi tiết trong 7 hồ sơ trẻ mất tích, Thomas rời khỏi sở cảnh sát và thay vì đi ăn tối ở một tiệm ăn nào đó bên ngoài thì chàng về nhà.
Vẫn bị bận tâm vì công cuộc điều tra chưa đi đến đâu nên Thomas bứt rứt đứng ngồi không yên trước một mớ bòng bong lộn xộn! Bữa ăn tối giản dị và nhanh chóng vì chàng không thấy ngon miệng hay muốn ăn!
Khoác áo đi ra ngoài, Thomas muốn đi bộ trong công viên gần nhà một lúc, không phải để thư giãn nhưng cho đầu óc thoáng hơn.
Những dấu vân tay của một kẻ nghi phạm nào đó giao cho cảnh sát giải quyết. Nhưng cũng chưa chắc chắn vụ hàng rào đó thực sự có liên quan đến vụ mất tích của Leah Miller dù Thomas nghĩ là đến 80% là chàng suy nghĩ đúng. Bây giờ chàng phải làm gì và từ đâu chứ? Thomas tự nhắc nhở mình phải chú tâm đến trường hợp của Leah Miller chứ không phải những đứa trẻ mất tích khác!
Nhưng kỳ lạ thay chàng vẫn có cảm tưởng một cái gì đó đang nối kết cả 7 vụ trẻ mất tích lại với nhau! Trong 7 hồ sơ trẻ mất tích, chỉ có 3 trẻ là cùng bị autism! Có một thứ gì cứ dục giã Thomas đi tìm hiểu về autism cho dù chàng có suy nghĩ đến những điều khác thì cuối cùng lại trở về với hội chứng này!
Tại sao vậy chứ? Bỗng nhiên Thomas nhớ đến một người! Chỉ có vậy mà chàng thấy nhẹ cả người! Nhất định là bà ấy sẽ giúp được chàng phần nào trong những rắc rối này!
Thomas rảo bước trở về nhà và tự nhủ phải chờ đến ngày mai thôi!
*
Khi bấm số điện thoại văn phòng bác sĩ tâm lý Hoài Nguyễn, Thomas đã sắp xếp trong đầu những điều chàng sẽ nói với bà ta.
Giọng người thiếu nữ mà Thomas đoan chắc vẫn là người thư ký trước đây chàng đã từng gặp cũng như đã nói chuyện vang lên:
- Văn phòng bác sĩ Nguyễn!
Thomas hơi mỉm cười khi nói qua điện thoại:
- Chào cô! Xin lỗi cho trí nhớ rất tồi của tôi khi không nhớ tên của cô!
Anne hơi ngỡ ngàng nhưng không tin đó là một lời đùa cợt, nàng lại lập lại câu nói lúc trước:
- Văn phòng bác sĩ Nguyễn!
Thomas đoán chắc cô ta không nhớ ra chàng nên nói ngay:
- Tôi không phải là bệnh nhân. Tôi là thám tử Thomas Brown, tôi cần được gặp bác sĩ Nguyễn!
Anne nhớ ngay, nàng đổi giọng vui:
- Chào thám tử Brown! Lâu ngày mới nghe giọng của thám tử. Thám tử cần gặp bác sĩ Nguyễn sao?
Mừng rỡ khi thấy cô ta nhớ ra mình, Thomas vui vẻ trả lời:
- Chắc lần trước tôi làm phiền cô lắm nên cô mới nhớ ra tôi?
Anne bật cười:
- Tôi nhớ ra rồi! Lần đó tôi phải đi mua thức ăn trưa cho bác sĩ Nguyễn và thám tử!
- Đúng rồi đấy!... Nhưng mà hôm nay có lúc nào tôi có thể gặp bác sĩ của cô không vậy?
Anne đổi xưng hô:
- Anh tính mời bác sĩ Nguyễn đi ăn trưa sao đây?
Thomas mau mắn nói liền:
- Được không vậy?
Anne cười thành tiếng:
- Nói đùa với anh thôi chứ chuyện đó không thuộc thẩm quyền của tôi! Anh phải hỏi bác sĩ Nguyễn! Tuy nhiên chỉ có giờ nghỉ trưa là bác sĩ rảnh thôi!
- Cô có thể chuyển lời mời của tôi đến bác sĩ Nguyễn được không? Hay tôi có thể nói chuyện với bà ấy qua điện thoại được không? Hay là tôi đến văn phòng?
Anne lại cười khúc khích:
- Làm gì mà nôn nóng quá vậy? Tốt nhất là anh cứ đến văn phòng bác sĩ Nguyễn lúc 11 giờ 30 trưa là được!
Thomas hoan hỉ nói với Anne:
- Vậy tốt quá! Tôi sẽ có mặt ở văn phòng lúc 11 giờ 20 phút!
- OK! Chút nữa gặp thám tử Brown!
Tắt điện thoại, Thomas tìm nhanh xem sẽ mời bác sĩ Nguyễn ăn trưa ở đâu cho gần văn phòng bà ấy. Chàng ghi nhớ thầm trong đầu vài chỗ.
*
Thomas Brown canh đúng giờ đã hẹn. Khi chàng vào văn phòng bác sĩ Nguyễn cũng là lúc người bệnh nhân là một phụ nữ đứng tuổi đi ra. Phòng đợi không còn ai.
Chàng tiến đến chỗ cô thư ký của bác sĩ Nguyễn. Chưa kịp lên tiếng chào hỏi thì cô gái đó vẫn khuôn mặt hơi tròn và nụ cười tươi tắn đã nói với chàng:
- Chào thám tử Brown!
Biết cô ta nhận ra mình ngay, Thomas thấy vui vui nhưng cũng hơi ngượng vì chàng không nhớ tên cô ta.
- Chào cô! Cô khỏe chứ?
Vừa nói xong thì Thomas chợt nhớ ra tên cô gái! Anne! Đúng rồi tên cô ta là Anne!
Thomas mừng rỡ nói với cô ta:
- Cô Anne! Tôi nhớ đúng không?
Anne cười lớn:
- Không sai! Mà nếu thám tử có quên tên tôi thì cũng chẳng sao cả! Miễn là tôi không ở trong danh sách tội phạm mà thám tử đang điều tra là được rồi!
Nghe câu nói đùa duyên dáng của Anne, Thomas cũng cười theo.
Anne nháy mắt với Thomas rồi nói:
- Để tôi vào thông báo với bác sĩ Nguyễn là có thám tử Brown đến.
Nói xong là Anne đứng dậy đi đến cửa văn phòng của Hoài và gõ cửa.
Hoài đang phân vân không biết buổi trưa ăn cái gì vì chẳng thấy đói, nghe tiếng Anne gõ cửa, nàng nói vọng ra:
- Vào đi!
Anne chỉ thò đầu vào nói với Hoài:
- Có thám tử Thomas Brown muốn gặp chị!
Hoài hơi ngẩn người ra vì bất ngờ. Thám tử Thomas Brown? À… nàng nhớ ra người này là ai!
Hơi mỉm cười, Hoài nói với Anne:
- Mời ông ấy vào đi!
Nàng đứng lên đi ra. Để xem có chuyện gì đây?
Anne đưa thám tử Brown vào rồi lui ra, khép cửa.
Hoài chưa kịp nói gì thì Thomas Brown đã chào hỏi ngay với nụ cười cố hữu rất thân thiện:
- Chào bác sĩ Nguyễn! Không biết bác sĩ có còn nhớ tôi hay không?
Hoài vừa cười vừa quan sát viên thám tử mà nàng nhớ rất rõ:
- Đương nhiên là tôi nhớ! Hôm nay thám tử đến tìm tôi có chuyện gì đây? À… ngồi xuống đã rồi nói chuyện.
Trước mặt người phụ nữ này bỗng dưng Thomas thấy có chút ngại ngùng khi muốn mở lời mời bà ấy đi ăn trưa.
Vẫn đứng đó, Thomas hơi ngập ngừng nhưng rồi vẫn nói với bác sĩ Nguyễn:
- Tôi có thể mời bác sĩ đi ăn trưa không?
Nhìn gương mặt của viên thám tử trẻ tuổi rất buồn cười, Hoài vừa hiếu kỳ vì lời mời này nhưng cũng biết là anh ta đến đây với mục đích nhờ vả gì đó.
Hoài rất thẳng thắn khi nói với anh ta:
- Tôi có thể giúp gì được cho thám tử đây?
- Bác sĩ cứ gọi tôi là Thomas!
Nàng hơi nghiêng đầu kèm với nụ cười:
- Được thôi!
Thomas nài nỉ:
- Mời bác sĩ đi ăn trưa nhé?
Hoài gật đầu:
- Tôi chỉ nghỉ trưa có 1 tiếng!
Lúc này Thomas thoải mái và tự nhiên hơn khi nhanh nhẩu nói:
- Mời bác sĩ đi ăn trưa ở ngay gần đây thôi! Chúng ta có thể đi bộ chừng 5 phút.
Hoài khoác ví, ung dung nói với Thomas:
- Đi thôi! Vừa đi vừa nói chuyện cũng được! Tôi cũng muốn vận động một chút.
Ra ngoài phòng đợi Hoài nói với Anne:
- Chị đi ăn trưa với thám tử đây! Có chuyện gì cần em cứ gọi!
- Dạ! Chúc hai người ăn trưa ngon miệng!
Vừa đi Hoài vừa gợi chuyện:
- Lần cuối cùng chúng ta gặp nhau là ở nhà của…
Thomas đỡ lời ngay:
- Liam Wright! Hôm đó party ở nhà anh ta rất vui làm tôi nhớ mãi. Ngày ấy tụ tập toàn là những người… cũng có chút dính líu đến vụ án. Bác sĩ là người đã giúp tôi tìm ra thủ phạm lúc đó!
Hoài không hề thắc mắc xem viên thám tử này sẽ mời mình đi ăn trưa ở đâu mà chỉ có phần hơi háo hức về mục đích muốn gặp nàng của Thomas.
- Lần đó rất vui! Nhưng thật ra tôi đâu có phải là người tìm ra thủ phạm, anh mới là người bắt được kẻ tội phạm!
Thomas thành thật thú nhận:
- Nếu không có những phân tích của bà thì tôi không thể tìm ra được thủ phạm. Bà đã nhìn thấy những điều mà tôi không thấy! Nếu vậy thì cả hai chúng ta cùng đã tìm ra được thủ phạm! Nói như vậy thì bác sĩ không phủ nhận nữa chứ?
Hoài mỉm cười rồi hỏi Thomas:
- Lần này là vụ gì? Án mạng nữa sao?
Vẫn sánh bước bên nhau trên hè phố, Thomas giơ tay chỉ:
- Tiệm ăn kia rồi! Hy vọng tiệm này ăn được. Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện được không?
Hoài thấy rất thoải mái bên cạnh người thám tử trẻ tuổi này. Thời gian vừa qua sở cảnh sát địa phương cũng đã nhờ nàng góp ý và phân tích một vài vụ nhưng với thám tử Walker Cox của sở cảnh sát, Hoài không tự nhiên như với viên thám tử tư Thomas Brown.
- Được, không thành vấn đề! Còn nhớ lần trước tôi rất hào hứng góp phần chút ít trong cuộc điều tra. Trải nghiệm vào trại giam nói chuyện với… Son Nguyễn là một kỷ niệm khó quên! Không biết bây giờ anh ta ra sao?
Những điều bác sĩ Nguyễn vừa nói làm Thomas hăng hái và phấn khởi vô cùng.
- Bác sĩ có biết là những điều bà vừa nói làm tôi vui đến chừng nào không? Ngày hôm qua trong lúc bế tắc và rối loạn với quá nhiều suy nghĩ cũng như những dữ kiện lộn xộn tôi chợt nhớ đến bà và lúc đó tôi đã tin tưởng rằng với sự giúp đỡ của bà tôi sẽ tìm ra đứa trẻ và đưa nó về nhà với gia đình!
Vừa lúc đến tiệm ăn, một tiệm ăn Ý. Thomas mở cửa tiệm ăn để Hoài vào trước. Giờ trưa cũng khá đông. Hoài đảo mắt nhìn, không có ai quen. Nàng hơi cười thầm cho mình, vòng giao thiệp của nàng đâu có nhiều!
Hai người được đưa đến một bàn tuốt bên trong khá cách biệt với những thực khách khác. Thomas có vẻ rất hài lòng với chỗ ngồi này vì rất phù hợp với câu chuyện mà Thomas sẽ kể cho bác sĩ Nguyễn nghe.
Thomas khéo léo nói với Hoài:
- Tôi chọn chỗ này vì gần văn phòng của bác sĩ, không biết…
Hoài nói ngay:
- Buổi trưa tôi không ăn nhiều vì nếu không sẽ làm cản trở công việc!
Hoài chọn súp và một phần rau trộn. Ăn trưa nhiều dễ làm cho buồn ngủ! Nàng hơi thắc mắc về vụ mà Thomas đang điều tra. Khi nẫy anh ta nói gì mà tìm ra đứa bé nào đó…
Trong lúc chờ đợi thức ăn mang ra Thomas vào đề ngay không đợi cho bác sĩ Nguyễn phải hỏi.
- Tôi đang điều tra vụ bé Leah Miller 5 tuổi, con một tỷ phú dầu hỏa ở Texas bị mất tích mới đây! Chắc bác sĩ đã nghe qua?
- Không! Tôi ít xem tin tức địa phương!
Hoài nghĩ thầm một đứa trẻ nhỏ bị mất tích thì nàng có thể giúp gì được chứ?
Thomas vào trọng điểm ngay:
- Đứa trẻ này bị hội chứng autism!
Điều này làm Hoài chú ý hơn. Nàng nhìn Thomas và chờ đợi anh ta giải thích thêm.
- Trong lúc điều tra, tôi tìm hiểu lại một số vụ trẻ bị mất tích khác ở trong cùng tiểu bang Texas mà đến giờ vẫn chưa có kết quả. Tất cả có 7 vụ trẻ mất tích mà đến nay vẫn không tìm thấy. Có trẻ biến mất từ 20 năm trước, hoặc 10 năm trước. Trong 7 vụ thì có đến 3 trường hợp là những đứa trẻ đó bị autism. Với những đứa trẻ bị bệnh hay khuyết tật thì xác suất tìm ra được chúng rất mong manh!
Hoài nói ngay với Thomas:
- Autism không phải là bệnh!
Thomas gật đầu nói với bác sĩ Nguyễn:
- Ngày hôm nay tôi tìm gặp bác sĩ là muốn tìm hiểu về autism. Nếu đó không phải là bệnh thì là gì? Tôi muốn biết những người bị hội chứng đó là những con người như thế nào? Bác sĩ có thể giúp tôi được không?
- Để tôi nói cho anh hiểu về autism. Nhưng còn chuyện hiểu biết về hội chứng này rồi đưa đến việc tìm ra đứa trẻ thất lạc đó tôi e rằng tôi sẽ làm anh thất vọng!
- Không đâu! Tôi không nghĩ như vậy. Trực giác của tôi cho tôi thấy tôi đang đi đúng đường! Bác sĩ là người chỉ đường cho tôi khi cho tôi hiểu về autism và những người bị mắc chứng này.
Nói về những hiểu biết chuyên môn không có gì là khó khăn với Hoài nhưng nàng vẫn cho rằng mình không giúp gì Thomas được mấy.
Hoài giải thích:
- Autism là một rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự giao tiếp và tương tác xã hội kém, các hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn. Triệu chứng đã bắt đầu từ thời thơ ấu và phát triển dần theo thời gian nếu không được chữa trị kịp thời.
Thomas lại hỏi:
- Chỉ có trẻ em hay cả người lớn cũng bị autism?
- Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể bị autism. Ở trẻ con thì những triệu chứng rất rõ ràng nhận biết.
Thomas tò mò:
- Autism ở người lớn cũng là một rối loạn về thần kinh sao bác sĩ?
Hoài giải thích:
- Autism ở người lớn được hiểu là chứng rối loạn phức tạp về hệ thần kinh, làm ảnh hưởng tới hoạt động não bộ. Điều này khiến người bệnh thể hiện những khiếm khuyết về quan hệ nhân sinh, cùng nhiều khó khăn về khả năng giao tiếp, sở thích, kiểm soát hành động và suy nghĩ.
- Như vậy ở người lớn, autism xuất phát từ lúc nào hay từ nguyên nhân nào?
Câu hỏi này của Thomas khá phức tạp, không thể chỉ trong một hai câu là giải thích cặn kẽ được, Hoài cố giải thích thế nào cho dễ hiểu và gọn:
- Thực sự không có một mẫu số chung về autism cho người lớn. Có một số người autism chưa được phát hiện từ nhỏ, mặc dù đó là một rối loạn chức năng não đã có từ trước lúc bệnh nhân được 3 tuổi.
- Người trưởng thành bị autism thì sẽ ra sao?
- Các dấu hiệu cụ thể của bệnh tự kỷ ở người lớn rất đa dạng: từ rất nhẹ, đến vừa, hay là rất nặng nên vì thế các dạng nhẹ thường biểu hiện với việc thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc tiếp thu các kiến thức, thường bị bạn bắt nạt và khó có thể thích nghi với những thay đổi gặp phải trong gia đình và ngoài xã hội.
Hoài quan sát Thomas để tìm hiểu xem những điều mình vừa giải thích anh ta có tiếp thu được không hay là nàng đã giải thích một cách khó hiểu.
Thomas vẫn chăm chú và chờ đợi Hoài nói tiếp.
Nàng nói tiếp về autism ở người lớn:
- Có khoảng 20% các trường hợp autism ở người lớn có trí thông minh bình thường, họ có khả năng nói và học được. Tuy nhiên giọng nói của người đó thường đơn điệu, giống như là người ngoại quốc nói. Họ thường gặp khá nhiều khó khăn trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội, họ thường có rất ít bạn và đặc biệt không thích xã giao.
Hoài ngừng một chút rồi giải thích tiếp:
- Còn lại có tới 80% tỷ lệ người lớn bị autism có kèm theo các tình trạng chậm phát triển về tâm thần, động kinh, hay trầm cảm, hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng bức, việc chẩn đoán tình trạng bệnh lúc này sẽ phức tạp hơn.
Thomas gật gù trước những điều bác sĩ Nguyễn vừa giải thích. Chàng không muốn ghi xuống vì cũng tạm nhớ những điểm chính vừa nghe.
- Còn về trẻ con thì như thế nào?
- Ở trẻ em thì autism được chia thành 2 loại: Autism bẩm sinh và autism không điển hình.
Hoài ngừng một chút để uống một hụm lớn ly nước trà đá trước mặt.
Thomas vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
- Autism bẩm sinh phát triển từ khi trẻ mới sinh ra cho đến giai đoạn 3 tuổi. Biểu hiện đặc trưng dễ nhận biết là trẻ chậm phát triển. Còn loại thứ nhì là autism không điển hình thì trẻ vẫn phát triển bình thường trong giai đoạn từ 12-30 tháng tuổi. Sau đó, trẻ đột nhiên không phát triển nữa hoặc mất hết những khả năng mà trẻ đã học được trong quá trình trưởng thành.
- Tại sao không thể xem autism là bệnh chứ?
- Autism không phải là bệnh mà chỉ là bộ não của người đó hoạt động theo cách khác với những người xung quanh và nó mặc định từ lúc người đó sinh ra. Autism không phải là một tình trạng bệnh có phương pháp điều trị hoặc chữa bệnh, nên người bị hội chứng autism lại rất cần được hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn thể chất. Ngoài ra, hội chứng autism một phần cũng do yếu tố di truyền từ hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy và những thay đổi hiếm gặp trong mã di truyền, yếu tố này chiếm khoảng 10-20%.
Thomas vẫn thắc mắc khi hỏi Hoài:
- Nguyên nhân trẻ bị autism là do yếu tố di truyền sao?
Hoài lắc đầu:
- Nguyên nhân vì sao bị autism hiện nay vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân điển hình như: Thứ nhất là yếu tố di truyền. Gene di truyền ảnh hưởng đến thần kinh và nếu trong gia đình có người thân mắc chứng autism thì trẻ dễ bị autism hơn, điều này chiếm khoảng 20%.
- Vậy yếu tố di truyền là nguyên nhân đầu tiên? Còn yếu tố gì khác nữa không thưa bác sĩ?
Vừa lúc đó nhân viên phục vụ mang thức ăn ra.
Thomas nhanh nhẩu nói với bác sĩ Nguyễn:
- Mời bác sĩ dùng bữa! Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện.
Hoài thử món súp rồi khen:
- Rất ngon!
Thomas cười hài lòng. Đang đói mà lại vui vì có người ăn cùng với mình nên chàng ăn rất thoải mái và nhanh.
Nhìn Thomas ăn, Hoài không thể không cười thầm.
Khi Hoài ăn sang món rau trộn thì Thomas đã ăn xong bữa ăn trưa.
Thomas nghĩ thầm hóa ra mình ăn nhanh quá như vậy sao?
Thấy Thomas đã ăn xong và đang nhìn mình, Hoài tự nhiên nói:
- Anh ăn nhanh thật! Phải ăn chậm mới thưởng thức được cái ngon!
Thomas cười thú nhận:
- Tại tôi đang đói quá! Vả lại…
Hoài ngừng ăn nhìn lên hỏi viên thám tử?
- Sao vậy? Không thể nói tiếp sao?
- Tôi muốn nói là ở bên cạnh bà… tôi rất thoải mái và tự nhiên…
Hoài đưa giấy lên thấm miệng rồi cũng nói:
- Tôi cũng vậy! Y hệt như vậy… Với thám tử Walker Cox.. tôi không có cảm giác như thế!
Thomas cười thích thú nhưng không biết phải nói gì.
Hoài chỉ ăn hết một nửa phần rau rồi bỏ lại. Hôm nay như thế là nàng ăn nhiều hơn mọi khi.
- Không ngon sao?
Vẫn động tác đưa giấy lên thấm miệng, Hoài nói với Thomas:
- Ngon chứ nhưng nhiều quá..
Rồi nàng nói lảng sang chuyện khác:
- Chúng ta có thể tiếp tục trở lại với những câu hỏi của anh.
Thomas hơi ngẩn người ra:
- Tôi.. cũng quên là chúng ta đang nói đến phần nào rồi…
Hoài lắc đầu nói tiếp:
- Khi nãy đang nói tới nguyên nhân gây ra autism. Trong quá trình mang thai người mẹ thường xuyên bị căng thẳng hoặc tiếp xúc thường xuyên với các chất kích thích như: bia rượu, thuốc lá,… Còn các yếu tố khác như môi trường, gia đình, bệnh liên quan,…cũng là nguyên nhân gây nên hội chứng autism ở trẻ em lẫn người trưởng thành. Ngoài ra, các yếu tố rủi ro dẫn đến hội chứng autism bao gồm: Cha mẹ sinh con trong độ tuổi từ 35 trở lên. Chuyển dạ sớm và sinh non hoặc gặp những biến chứng khi sinh. Cân nặng của trẻ khi sinh thấp cũng là một trong những yếu tố đưa đến hội chứng autism.
Câu hỏi cuối cùng của Thomas về autism:
- Autism có tự khỏi không?
Hoài lắc đầu:
- Không. Hội chứng autism xuất phát từ yếu tố bẩm sinh và theo người đó đến suốt đời. Do đó, không có cách chữa trị dứt điểm. Bác sĩ chỉ có thể hỗ trợ người bị autism bằng tâm lý trị liệu hoặc bằng thuốc. Anh nên nhớ những phương pháp đó chỉ là hỗ trợ mà thôi!
Đã hiểu biết đủ về hội chứng này nhưng Thomas vẫn còn một thắc mắc:
- Người bị autism có nguy hiểm không?
- Thực sự nếu dùng chữ nguy hiểm thì có thể hiểu là nguy hại cho chính đứa trẻ hay người lớn bị autism. Câu trả lời là có. Nếu không được phát hiện kịp thời, hội chứng này sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt lẫn công việc. Còn với trẻ em, nếu bị autism trong thời gian dài trẻ sẽ chậm nói, chậm phát triển và có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Không thấy Thomas hỏi gì thêm mà trông anh ta có vẻ trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì, Hoài hơi mỉm cười khi hỏi viên thám tử:
- Những hiểu biết của tôi về autism có giúp ích gì cho anh trong việc điều tra không?
Thomas đổi nét mặt, tươi tắn hẳn khi trả lời Hoài:
- Bác sĩ giải thích rất cặn kẽ và rõ ràng cho điều tôi muốn tìm hiểu. Tốt, tốt lắm! Nhưng…
Hoài chờ đợi Thomas nói tiếp những điều anh ta muốn nói.
Thomas hơi ngập ngừng:
- … Điểm khúc mắc trong đầu tôi là dường như 3 đứa trẻ bị mất tích trong số 7 hồ sơ mất tích thì… chúng rất đặc biệt!
Hoài tò mò:
- Đặc biệt như thế nào? Đương nhiên trẻ bị autism thì khác với trẻ bình thường.
Thomas lấy tập hồ sơ trong cặp ra rồi nói với Hoài:
- Xin lỗi bác sĩ để tôi xem sơ qua… Đây… một trẻ lai… Mỹ lai Việt… tên June Lệ Phạm bị autism, mất tích lúc 6 tuổi. Cô bé này có khả năng đọc và nhớ phi thường. Leah Miller 5 tuổi người Mỹ lai Tầu mới bị mất tích cũng bị autism và chỉ thích vẽ. Tôi có nhìn những bản vẽ của Leah Miller. Cô bé vẽ rất đẹp. Điều tôi chú ý là bé có óc quan sát và vẽ lại những gì chung quanh cô bé, rất tỉ mỉ. Còn… Để tôi tìm… À đây rồi một trẻ khác tên Connie Davis mất tích khi được 6 tuổi. Khi được 3 tuổi Connie đã làm toán cộng trừ nhân chia rất giỏi. Không thấy nói là Connie bị autism! Một trẻ khác là Betty Spencer bị mất tích lúc 5 tuổi cũng bị autism nhưng trong hồ sơ không thấy nhắc đến khả năng gì xuất chúng! À.. còn Dan Johnson rất thông minh và là một thiên tài về toán từ khi còn nhỏ.
Hoài nghe và rất chú ý nhưng nàng không thể không hỏi lại Thomas:
- Hiện tại anh đang điều tra vụ nào?
Thomas hơi ngượng và hiểu vì sao bác sĩ Nguyễn lại hỏi mình như vậy.
- Đầu óc tôi hiện tại thật rối ren khi tôi lục lại những hồ sơ trẻ bị mất tích mà đến giờ vẫn không tìm thấy chúng đâu! Thực sự tôi đang được thuê để tìm bé gái 5 tuổi tên Leah Miller mà thôi!
Hoài tò mò:
- Điều gì làm anh lại tìm hiểu về những hồ sơ trước đây? Tất cả là mới đây hay sao?
- Thứ nhất để trả lời câu hỏi của bà những hồ sơ mà tôi đang xem lại đều đã lâu, có những hồ sơ từ 20 năm trước hay 10 năm đã qua. Thứ hai… lý do mà tôi tìm lại những hồ sơ đó chỉ vì là… thoạt tiên với trường hợp hiện tại thì tôi… khám phá ra chút manh mối nhưng rồi lại bị bế tắc. Chính vì vậy tôi mới tìm hiểu những hồ sơ kia vì tôi chưa bao giờ điều tra về trẻ nhỏ hay người lớn bị mất tích… Dè đâu… lại giống như đi lạc vào một khu rừng rậm và không còn biết lối ra!
Hoài tủm tỉm cười:
- Anh vẫn chưa nói hết những điều anh muốn nói?
Thomas cười ngượng ngập:
- Bác sĩ hay thật! Tôi nghĩ bà có thể nhìn xuyên thấu tôi rất dễ dàng!
Bây giờ Hoài cười lớn tiếng:
- Chỉ là nghề nghiệp của tôi!
Thomas thú nhận:
- Đúng là tôi… không biết phải nói như thế nào… Đó chỉ là trực giác… Thật khó giải thích…
Vẫn nhìn Thomas với nụ cười trên môi, Hoài nói với viên thám tử:
- Cứ thử nói cho tôi nghe!
Làm như tự tin hơn, Thomas giải thích:
- Thoạt tiên tôi muốn đi tìm những điểm trùng hợp nào đó trong những trường hợp này… Rồi hội chứng autism làm tôi chú ý. Sau đó… thì tôi như bị lôi kéo vào những hồ sơ kia. Dường như tôi không chỉ đi tìm cô bé 5 tuổi Leah Miller mới mất tích đây không thôi mà tôi còn muốn tìm ra những trẻ kia nay đã thành niên xem chúng vẫn còn sống hay đã chết và hiện giờ ở đâu? Tất cả những thứ này tạo nên một cảm giác kỳ lạ như… cả 7 trường hợp trẻ mất tích này đều có dính líu tới nhau cho dù có sự khác biệt về thời gian. Tôi… không biết nói sao nữa…
Nghe những điều Thomas vừa nói ra, Hoài hiểu rất rõ những điều anh ta đang nghĩ trong đầu và đấy chính là lý do Thomas đến gặp nàng.
Hoài hỏi Thomas:
- Trước giờ trong công việc điều tra có bao giờ anh để cho trực giác của mình xen vào những phán đoán hay không?
- Tôi luôn luôn không thể gạt trực giác của mình ra khỏi những phán đoán được!
- Vậy thì thường thường trực giác của anh đúng hay sai? Tính trung bình thôi!
- Có thể bà không tin nhưng trực giác của tôi luôn luôn đúng! 80 đến 90%! Bà có tin vào trực giác không?
Hoài không cười nữa.
- Tôi tin chứ vì trực giác là sự kết nối giữa phần ý thức và vô thức của tâm trí, giữa bản năng và lý trí. Trực giác là khả năng xử lý thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, ngay cả khi chúng ta không nhận thức được điều đó.
Thomas rất thú vị trước sự lý giải về trực giác của bác sĩ Nguyễn. Đối với chàng thì chuyện hiểu về trực giác chỉ là một cái gì mơ hồ nếu không muốn đồng nghĩa nó với sự tưởng tượng.
Cũng với suy nghĩ này, Thomas hỏi Hoài:
- Trực giác có thể xem là tưởng tượng không?
Hoài lắc đầu:
- Trực giác, còn được gọi là giác quan thứ sáu, đó là khả năng cảm nhận và hiểu biết một điều gì đó mà không dựa vào năm giác quan vật lý thông thường. Con người có năm giác quan vật lý bao gồm thị giác (nhìn thấy), thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), vị giác (nếm), và xúc giác (chạm), chúng là các công cụ quan trọng để tiếp xúc và hiểu biết thế giới xung quanh chúng ta. Khi nói về trực giác, đó chính là cảm nhận và hiểu biết một điều gì đó mà không dựa vào các giác quan này hoặc sự can thiệp của chúng. Điều này đồng nghĩa với việc trực giác không bị ảnh hưởng bởi những thông tin trước đó mà thị giác tạo ra. Trực giác thường xuất hiện một cách tự nhiên và không phải là sản phẩm của tưởng tượng. Điều này quan trọng để phân biệt giữa trực giác và việc tưởng tượng, một sự nhầm lẫn phổ biến mà nhiều người mắc phải.
Thomas thở ra nhẹ nhõm:
- Bà có biết xếp của tôi thường rất bực bội khi nghe tôi nói đến trực giác vì ông ấy cho đó là một cảm nhận rất vớ vẩn và tào lao vì không chứng minh được! Lần tới nếu ông ấy lại chế giễu tôi thì tôi sẽ mang những điều bác sĩ vừa nói ra mà hù ông xếp của tôi.
Hoài phì cười nhưng rồi gật gù ra vẻ đổng tình.
Thomas nhìn đồng hồ:
- Tôi xin lỗi đã làm bác sĩ trễ giờ rồi kìa!
- Không sao! May chỗ này gần văn phòng.
Thomas còn níu kéo:
- Nói chuyện với bác sĩ thật thú vị! Bây giờ bà bảo tôi phải trả tiền giờ để được nói chuyện với bà, tôi cũng sẵn lòng!
Hoài đứng lên xua tay:
- Giúp được gì thì tôi sẽ giúp thôi! Hy vọng nẫy giờ cũng giúp được thám tử phần nào trong cuộc điều tra.
- Cám ơn bà rất nhiều. Tôi… có thể mới bà ăn trưa lần tới nữa không?
Hoài nói đùa:
- Được mời ăn trưa ngon như vậy làm sao từ chối được!
Lúc đưa Hoài ra cửa, Thomas nói:
- Tôi đưa bác sĩ về văn phòng!
- Cũng được! Nhưng không cần thiết đâu!
Thomas tươi mặt nói ngay:
- Cho tôi 2 phút thôi!
Chàng vào thanh toán tiền ăn trưa thật nhanh.
Lúc đi bộ về văn phòng Hoài mới nghĩ ra hóa ra anh chàng này còn muốn hỏi tiếp đây mà!
Vưa đi Thomas vừa thú nhận:
- Tôi thực sự bây giờ không biết phải làm gì để tìm ra đứa trẻ mất tích đó!
- Tại vì anh cự tự trói mình trong đống hồ sơ từ 20 năm trước! Bộ anh tin rằng những chuyện từ thời đó dính líu đến bây giờ sao?
- Tôi đang cố thoát ra khỏi cái đống hỗn độn đó đây! Nhưng bà nghĩ xem ai lại đi bắt cóc những đứa trẻ bị autism làm gì chứ? Đòi tiền chuộc thì không phải, bán đi làm nô lệ tình dục thì ai lại dính vào những đứa trẻ bất thường đó chứ? Hay bán cho những người không có con thì ai điên gì mà lại đi mua một đứa trẻ không bình thường?
Hoài khuyên anh ta:
- Trở lại chuyên tâm vào hồ sơ hiện tại rồi anh sẽ tìm ra!
Thomas thở dài.
Đến văn phòng Hoài cười khích lệ khi nói với thám tử Thomas Brown:
- Chúc anh sớm tìm ra cô bé đó! Cần gì cứ liên lạc!
- Cám ơn bác sĩ.