Bàn về game online
cavat 21.11.2006 12:25:56 (permalink)
Cuộc tranh luận về game online
 
Chào các bạn
 
Tôi xin được góp ý vào cuộc tranh luận về GO hiện nay với tư cách là một người đã từng là gamer. Có hai ý kiến đáng chú ý gần đây ủng hộ game online. Một là, GO cũng là loại hình giải trí giống như bóng đá. Hai là, tác hại thì cái gì cũng có tác hại, kể cả học hành (?) - vì quan trọng là bản lĩnh của người chơi game, nếu để chơi game quá nhiều quá lâu thành tác hại thì là do bản lĩnh người chơi game kém. Bản lĩnh gamer kém là vì gia đình giáo dưỡng không đến nơi đến chốn!
 
Là người đã từng chơi game rất nhiều và chơi rất nhiều game (trong những năm tháng chưa phải đi làm, và tất nhiên được chu cấp tài chính từ gia đình), tôi cho rằng hai ý kiến trên hoàn toàn sai:
 
Thứ nhất, game và game online nói riêng không thể được coi là thể thao. Trước hết, về vấn đề sức khoẻ, không ai chơi bóng đá, tennis, cầu lông, bơi lội được cả ngày. Nhưng game thì có thể. Bản thân người viết bài này đã từng chơi game 10 tiếng/1 ngày. Game không gây kiệt sức ngay lập tức. Vì vậy, người chơi không cảm thấy phải dừng lại trong một thời gian ngắn, nhất là khi rất ít game tạo điều kiện cho người ta chịu nghỉ ngơi trước những thứ "hấp dẫn" do game bày ra.
 
Thêm vào đó, không thể ví "dụng cụ" chơi môn "thể thao game" như các dụng cụ thể thao khác: ai cũng biết tác động (dù ít hay nhiều) của các thiết bị điện tử như màn hình, CPU... đến con người như thế nào. Chưa kể, đã chơi game thì hầu như không vận động. Bản thân những người sử dụng máy tính vì công việc như nhân viên văn phòng còn luôn được khuyến cáo phải luôn thay đổi tư thế khi dùng máy tính, phải nhìn đi chỗ khác sau mỗi 15 phút liên tục nhìn vào màn hình.v.v.
 
Kể cả các gamer chuyên nghiệp, có mấy ai làm theo những khuyến cáo này không?
 
Thứ hai, về cái gọi là bản lĩnh và trách nhiệm của gia đình. Xin thưa các bạn, bản lĩnh là một điều vô cùng khó có được. Và một trong những điều kiện tiên quyết của bản lĩnh là tuổi tác. Trong khi đó, "khách hàng" của game phần lớn sẽ rơi vào lứa tuổi 12-20 (con số chính xác chắc phải do các hãng game cung cấp, nhưng điều này rất dễ quan sát ở các hàng game ngoài phố). Một lứa tuổi thường được các nhà tâm lý gọi là lứa tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Chúng ta biết gia đình nào chẳng quan tâm chăm lo đến con em mình. Nhưng để con em mình có được cái gọi là "bản lĩnh" để biết "phân phối thời gian, sức khoẻ vào những loại hình giải trí khác nhau thì không dễ như các bạn nghĩ đâu. Đến khi làm cha mẹ, các bạn mới hiểu được, tác động, gây ảnh hưởng, giáo dục những đứa con mình, theo cách mình muốn, theo con đường đúng mà mình nghĩ, khó khăn như thế nào. Xin hỏi khí không phải, nếu bạn nhìn thấy đứa con 15 tuổi của mình chơi game online – dù chỉ 3 tiếng một ngày - bạn có cảm thấy tự hào? Bạn có cảm thấy yên tâm?
 
Một ví dụ rất nhỏ. Kẹo không có hại. Nhưng bạn muốn con bạn ăn nhiều cơm để chóng lớn. Nhưng chúng thích ăn kẹo hơn. Và ăn kẹo trước bữa cơm thì không thể ăn đợc cơm như bạn muốn. Bạn có thấy ai cầm roi bắt trẻ con ăn kẹo chưa? Nhưng bắt trẻ con ăn cơm thì rất nhiều bậc làm cha mẹ vò đầu bứt tai vì chuyện này đấy.
 
Kẹo, cũng giống như nhiều thú vui khác, giống như game. Cơm, giống như sách vở, giống như những bài học của cha mẹ, thường là không hấp dẫn như kẹo.
 
Một vấn đề hơi ngoài lề: tại sao ma tuý cũng rơi vào lứa tuổi này là rất nhiều? Vì đây là lứa tuổi dễ bị lôi kéo, chưa có chính kiến vững vàng. Ma tuý lại là thứ giúp người ta dễ đạt tới "cảnh giới" khoái cảm - thăng hoa, một điều mà lao động, làm việc cũng có thể giúp con người đạt tới nhưng khó hơn nhiều. Dù rằng không phải quá nhiều thanh thiếu niên nghiện ma tuý, xã hội biết rằng đây là thứ dễ dụ dỗ người ta, lôi kéo người ta vào vòng cương toả ngọt ngào của nó. Vì vậy, bằng mọi giá, phải cấm, phải kiểm soát.
 
Tôi không ví game với ma tuý, nhưng tôi muốn dùng hình ảnh này để phản ánh sự cám dỗ của game với lứa tuổi "chưa đủ bản lĩnh". Nói thật, giống như cái đẹp, thường không có nhiều, chúng ta phần lớn là những người bình thường, và chữ "bản lĩnh" không không dễ ai cũng có, và có ở mức độ chống được những cám dỗ cuộc đời. Xã hội cần nhận thức điều đó, chính là để bảo vệ những người bình thường, thậm chí những đứa trẻ còn non bản lĩnh kia, khỏi những tác động tiêu cực tới sự phát triển của chúng.
 
Tôi không nói rằng chơi game là xấu, thậm chí có những game còn giúp bản thân tôi học tiếng Anh, học cách quản lý trong công việc. Nhưng quả thật chơi game như game online là một hình thức giải trí rất cần kiểm soát. Đơn giản vì nó dễ dàng kiểm soát người chơi bằng những cám dỗ mà nó mang lại, khiến người ta không ngừng nghỉ được.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.11.2006 12:56:39 bởi cavat >
#1
    cavat 21.11.2006 12:43:49 (permalink)







    Thứ hai, 20/11/2006, 19:06 GMT+7




    Tôi mong game online được quản lý triệt để và hợp lý
    Tôi xin trích nhận xét của một người chơi trên một diễn đàn thế này: "Việc tăng level của nhân vật tỷ lệ nghịch với cân nặng (cơ thể) và tỷ lệ nghịch với chiều dài sổ nợ". (Phan Chính Trung)
    Người gửi: Phan Chính Trung
    Gửi tới: Ban Vi tính
    Tiêu đề: Chơi Game online - lợi ít hại nhiều

    Thư từ 1 người đã từng "nghiện" game online.
    Trẻ em, học sinh, sinh viên bỏ bê việc học hành vùi đầu vào chơi suốt ngày. Nhất là sinh viên học xa nhà không có bố mẹ quản lý, thậm chí lấy cả tiền học phí để chơi game, lúc hết tiền sinh ra trộm cắp - giới hạn trở thành tội phạm rất mong manh.
    Các game không ngừng đưa ra các hình thức khuyến mãi, tình tiết hấp dẫn để câu kéo người chơi khiến họ ngày càng đam mê. Tôi tin chắc rằng việc giới hạn giờ chơi và việc chơi game chỉ còn là hình thức để giải trí thì rất nhiều người trong xã hội ủng hộ, nhất là những người thân của gamer.
    Tôi là người chơi game mới từ bỏ được hơn 1 tháng nay. Đến bây giờ tôi nhận ra rằng cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm. Hơn 1 năm trời vùi đầu vào game ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, kinh tế và kéo lùi bản thân so với sự phát triển của xã hội.
    Tôi rất mong các cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh game online một cách triệt để và hợp lý. Việc quá mê chơi game nếu không nói quá, tôi có thể ví nó với việc nghiện ma tuý (tệ nạn xã hội). Việc người chơi tạo ra những sản phẩm ảo, phí rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng không hề mang lại 1 sản phẩm nào cho xã hội, tôi rất mong mọi người sớm thức tỉnh được hành động của mình.


    #2
      cavat 23.11.2006 11:13:05 (permalink)
       








      Thứ hai, 20/11/2006, 17:40 GMT+7











      Sao cứ phủ nhận game online?
      Bọn trẻ chơi game phải có ý thức. Nếu không thì đó là do cách dạy dỗ của bố mẹ không tốt. Có rất nhiều học sinh, sinh viên vì chơi game mà đạt được giải thưởng nọ giải thưởng kia, nhiều học sinh vẫn vừa chơi game vừa đoạt giải quốc gia đó thôi. (Hồng Sơn)
      Người gửi: Hồng Sơn
      Gửi tới: Ban Vi tính
      Tiêu đề: Đôi lời đến Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM, các Bộ, và những người liên quan.

      Tôi là một người chơi rất nhiều game offline, game online không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Mọi người chỉ nhìn thấy mặt hại của game, sợ game sẽ làm hỏng thanh thiếu niên, học sinh, làm chúng chểnh mảng học hành bỏ nhà chốn nhà đi chơi. Thế những mặt tích cực mà game mang lại thì sao phủ nhận nó.
      Ở những nước khác, tuổi đời phát triển game của họ mấy chục năm rồi. Tại sao ta không chịu học hỏi họ về cách tổ chức về cách làm việc sao cho có hiệu quả mang lại lợi ích cho con người và đất nước.
      Khi đất nước ta đang chào mừng APEC và WTO, thì có nghĩa rằng Việt Nam sẽ là nước thu hút được rất nhiều vốn đầu tư ở nước ngoài trong đó có việc phát triển CNTT nói chung và việc phát triển game online nói riêng. Việt Nam đang có mức tăng trưởng và phát triển CNTT, Internet nhất nhì châu Á, số lượng người dùng Internet độ tuổi trung bình từ 18 tới 35 chiếm đến 80%. Nếu ban hành những luật và công văn này thì không chỉ các nhà phát hành game ở VN gặp khó khăn mà còn là sự kìm hãm sự phát triển của ngành CNTT.
      Nếu mỗi nhà phát hành chỉ được giới hạn cung cấp game trong vòng 5 giờ và sau 5 giờ thì sẽ không được cung cấp chơi game nữa. Phải tắt server đi để cho bọn trẻ còn đi học. Với luật này thì các nhà phát hành game sẽ chết. Còn đối với game thủ chúng tôi chẳng có vấn đề gì to lớn cả. Chúng tôi chơi game của nước ngoài thì có cấm được không?
      #3
        cavat 23.11.2006 11:18:23 (permalink)








        Thứ sáu, 17/11/2006, 14:43 GMT+7











        Nếu không chơi game, tôi sẽ làm gì?
        Tôi là dân kinh doanh (lĩnh vực máy tính), lúc chưa có gia đình ngoài giờ làm thường hay đi nhậu nhẹt cùng bạn bè, làm cơ bi da hoặc lai rai vài chai... Từ khi có game online, tôi thường xuyên ở nhà với vợ, với gia đình hơn. (Nguyễn Quang Lưu)
        Người gửi: Nguyễn Quang Lưu
        Gửi tới: Ban Vi tính
        Tiêu đề: Nếu kô chơi game - Tôi sẽ làm gì?

        Tôi có đọc nhiều bài viết nói về sự lợi và hại của game online. Ở nước ngoài tôi không dám nói, nhưng ở VN các bạn xem có trò chơi nào, môn thể thao nào có lợi không? Nếu có cá độ thì theo các bạn các môn thể thao đó có tệ nạn không và có cấm không?
        Cuộc sống là thế, cái nào cũng có mặt trái của nó. Không cho chơi game, không cho đá bóng, không cho chơi cờ ...thì quý vị biết sẽ có bao nhiêu người thất nghiệp không?
        Tôi là dân kinh doanh (lĩnh vực máy tính), lúc chưa có gia đình ngoài giờ làm thường hay đi nhậu nhẹt cùng bạn bè, làm cơ bi da hoặc lai rai vài chai... Từ khi có game online, tôi thường xuyên ở nhà với vợ, với gia đình hơn. Tôi vừa chơi game, vừa xem tin tức, vừa tán dóc anh em ở nước ngoài. Vợ tôi cũng ngồi một máy như thế, học ngoại ngữ trên mạng...
        Nói tóm lại game là để giải trí. Con người phải tự làm chủ bản thân, ai không làm chủ được thì giống như nghiện tự biết phải làm gì rồi. Còn đối với em nhỏ thì có gia đình quản lý, nếu không quản lý được tôi nghĩ nên đưa vào trường mồ côi.
        Tôi nghĩ, học sinh, sinh viên nếu không có game online sẽ có nhiều tệ nạn khác xảy ra hơn, nghiêm trọng hơn game online.



        #4
          cavat 23.11.2006 11:22:55 (permalink)








          Thứ hai, 20/11/2006, 18:01 GMT+7











          Ngừng game online chỉ làm nảy sinh vấn đề khác
          Tôi là 1 sinh viên rất bình thường, không cá độ, không cờ bạc, không nhậu... chỉ game online là có thể cho tôi giải trí trong giờ rảnh. Có thể nói, game online là người bạn của tôi. (Thanh Tan Nguyen)
          Người gửi: Thanh Tan Nguyen
          Gửi tới: Ban Biên tập
          Tiêu đề: ngừng cung cấp game online? nên hay không

          Trong quá trình theo dõi tin tức, game online (GO) cũng có 1 số mặt trái như làm mất thời gian giới trẻ, tệ nạn như cướp tiền để chơi game, hoặc làm tổn hại sức khoẻ của người chơi. Có mặt trái thì cũng có vài mặt phải chứ. Tôi thấy nhiều người bỏ hẳn rượu bia nhậu nhẹt để chơi game (anh tôi là 1 ví dụ), không còn những thú vui nhảm nhí khác. Tuy chơi game cũng nhảm nhí nhưng có lẽ vô hại nhỉ).
          Không có game thì rồi bọn trẻ đó có ở nhà không? không có trò chơi trực tuyến họ sẽ chơi cái khác như bida, vũ trường, nhậu. Không có game, bọn cướp có ngừng hoạt động? Chúng vẫn cướp để làm việc khác thôi.
          Ngừng game online chỉ làm nảy sinh vấn đề khác. Trò chơi trực tuyến ở Mỹ, Hàn Quốc đã tồn tại lâu rồi mà nước người ta vẫn giàu và cũng chẳng có vấn đề gì cả.
          #5
            cavat 23.11.2006 21:22:09 (permalink)





            Xung đột lợi ích



            Cập nhật lúc 19h33" , ngày 23/11/2006
            Với kiểu kinh doanh nặng về cổ suý cho game online hiện nay, những chục triệu USD doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh game online quá nhỏ bé so với những thiệt hại quá lớn mà các gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu.
             
            Theo nguồn từ báo chí, doanh thu từ game online ở Việt Nam năm tới sẽ đạt mức 15 triệu USD. Chưa chắc con số này là đúng, bởi một lập luận khác "dọa" rằng, nếu cản trở chơi trong nước, người ta đổ xô đi chơi ngoài nước thì mất 120 triệu USD/năm. Có bao nhiêu người hàng ngày, hàng tối và cả hàng đêm say sưa trong thế giới game online? Về chuyện này các con số còn rất khác nhau, nhưng theo con số nào thì cũng đã có hàng triệu tài khoản đăng ký và số người chơi thực sự thường xuyên chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số lượng tài khoản đó. Chưa có doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp kêu ca là gặp khó khăn, rằng chưa có lãi, lại bỏ mặt hàng này. Ngược lại, cuộc đua tranh ngày càng nóng, đã có hơn chục trò chơi được tung ra và nhiều trò chơi khác đang được trù tính sẽ tung ra. Vô vàn các bài viết trên mạng và trên các tờ báo, kể cả trên sóng một số kênh truyền hình (thường là mạng điện tử, báo và kênh của những đơn vị có kinh doanh game) tận tình giới thiệu, quảng bá cho từng trò chơi. Lại có bài nói về một học sinh nào đó nhờ chơi game mà siêu giỏi ngoại ngữ! Lại có bài giới thiệu ông tây nào đó do bỏ học chơi game mà nay thành đạt ghê gớm! Những "tấm gương" này, có thể là thật, "rằng hay thì thật là hay", nhưng mà vào thời điểm cụ thể này nghe ra nó vẫn có mùi quảng cáo và biện hộ.
             
            Trong khi các giao dịch thương mại điện tử ở ta còn bao trục trặc thì từ sớm, quyền lợi của game thủ được chăm nom tận tình, cả vấn đề bảo hộ pháp lý cho "tài sản ảo", tức là số tiền thắng do chơi game, đã được đặt ra và thúc đẩy bởi các nhà kinh doanh. Nói tóm lại, chúng ta đang thấy một hiện tượng bình thường của kinh tế thị trường: Một bộ phận - trường hợp này là các doanh nghiệp game online - có lợi ích lớn và họ đang nỗ lực gia tăng lợi ích của mình. Để có được điều đó, đương nhiên họ ra sức phục vụ khách hàng thật chu đáo.
             
            Khách hàng là ai? Hàng triệu gia đình đã hoặc sắp lâm họa từ cơn nghiện ngập game online của các "quý tử" - khách hàng chủ yếu của nhóm doanh nghiệp kinh doanh game online. Bao đứa trẻ - mà thường lại là những đứa trẻ thông minh nhất - trở thành ngây ngây dại dại sau những giờ ròng rã, những ngày đêm liên miên đắm mình vào thế giới game online. Những cậu bé - thường trước đây rất mực chăm chỉ ngoan ngoãn - nay lẩn khỏi lớp, khỏi nhà ra các điểm chơi game. Không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ phát cuồng lên đi tìm con giữa đêm hôm khuya khoắt. Có người phải nhờ chuyên gia tin học truy tìm xem nick name của quý tử hiện ở tọa độ nào để đến lôi về. Có người phải giam con mình ở nhà, bản thân cũng nghỉ làm để canh gác, với hy vọng "cai nghiện" được cho con. Tôi chưa nói đến chuyện trộm tiền bố mẹ, chưa nói đến kết quả học tập. Thậm chí, không nhắc lại chuyện có những cậu học sinh "mất tích" mấy ngày mới tìm ra được. Chưa nói đến các cậu khác ngất xỉu trên bàn máy tính. Hay ở nước ngoài (may thay, chưa phải ở Việt Nam), có người "lẫm liệt hy sinh" sau nhiều chục giờ đồng hồ quên ăn, quên ngủ chơi game online!
             
            Hàng triệu ông bố, bà mẹ này, cùng các thầy cô giáo dạy con cái họ là một nhóm lợi ích khác. Họ muốn con cái họ, học trò của họ không mắc nghiện, không bị tàn phá về sức khỏe, tinh thần và thể chất. Lợi ích của họ chỉ giản dị vậy. Và họ có quyền có lợi ích đương nhiên đó. Không phải các nhà doanh nghiệp đang kinh doanh game online không nhìn thấy điều này. Nhưng có sự thật là họ nhìn thấy lợi ích của họ gần hơn, dù rằng hàng triệu ông bố, bà mẹ kia cũng chẳng ở xa họ chút nào! Tất nhiên là tôi biết có nhiều game có ích, thậm chí rất có ích để tạo lập kỹ năng tư duy, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Việc giải trí đơn thuần cũng không có gì là không tốt. Chính vì vậy mà không ai đặt vấn đề cấm tiệt game online. Nhưng việc kinh doanh này phải kèm theo những điều kiện và quy trình chặt chẽ để hạn chế được mặt trái của nó. Còn với kiểu cách hiện nay thì những chục triệu USD doanh thu kia quá nhỏ bé so với những thiệt hại quá lớn mà các gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu.
             
            Tôi cũng đã nghe lập luận: Việc cung cấp trò chơi là việc của tôi, còn gia đình phải hướng dẫn giáo dục con cái chơi cho điều độ! Hay còn "hùng hồn hơn": Phải biết tin vào lớp trẻ, chúng sẽ biết chọn lọc, biết kiềm chế, chúng sẽ có bản lĩnh hơn, người lớn nghĩ. Tôi có thể đồng ý với những lập luận đó. Nhưng đồng ý xong rồi, tôi vẫn phải làm cái việc hiện đang làm: khóa máy tính ở nhà, nơm nớp theo dõi thời gian đi về của con cái và lùng sục các điểm chơi game khi quý tử mất dạng. Chúng tôi cũng đã đọc thấy những lời "cảnh báo" rất đỗi uyên bác rằng: Nếu hạn chế giờ chơi game online do các công ty nội địa cung cấp thì người chơi sẽ chuyển sang chơi các trò chơi nước ngoài. Nguy cơ này có thể có nhưng nó không thể là lý do để không có biện pháp giới hạn giờ chơi của các trò chơi trong nước.
             
            Tôi cũng biết ở Trung Quốc, nơi doanh số của game online năm 2005 là 480 triệu USD, người ta vẫn kiên quyết không vì mối lợi đó mà lỏng tay với việc đưa ra các quy định ngặt nghèo nhằm hạn chế giờ chơi. Xin thưa: Với kiểu cách hiện nay của kinh doanh game online, lợi ích của tôi và những người như tôi xung đột với lợi ích của các vị - các nhà kinh doanh game online! Với kiểu cách khác thì có thể hòa hợp. Và dĩ nhiên, người đứng ra để xử lý xung đột lợi ích này là Nhà nước. Nhà nước đã có những quy định cần thiết.
             
            Thông tư 60 (liên Bộ) đòi hỏi các nhà kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện cần thiết mới được tiếp tục kinh doanh game online, trong đó có quy định phải có phương thức kỹ thuật hạn chế giờ chơi. Điều lạ (hay là không lạ?) là người ta viện nhiều lý do để không vội vàng gì trong việc đáp ứng đòi hỏi của thông tư đó. Các nhà kinh doanh thừa hiểu rằng: Một khi lợi ích kinh doanh xung đột với lợi ích số đông người trong xã hội thì đó không phải là cách kinh doanh mang lại thành công. Nhưng lợi ích vẫn là lợi ích, vì vậy từ hiểu đến làm vẫn còn là khoảng cách. Tôi nghĩ, doanh nghiệp sớm đưa ra giải pháp hạn chế giờ chơi là đã đi theo đúng con đường để phát triển kinh doanh bền vững, theo đó quyền lợi của nhà kinh doanh phù hợp với quyền lợi của đông đảo mọi người trong xã hội.
             
            Cuộc đấu giữa cơ quan quản lý và các nhà kinh doanh game online chưa đến hồi kết. Nhưng hồi kết ấy phải có! (Theo Công An Nhân Dân)
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9