Tác giả-tác phẩm mới
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 29 bài trong đề mục
Hoàng Trong 08.10.2007 19:52:49 (permalink)
TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Nguyễn Anh Nông

Sinh năm 1959
Quê: Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hoá
Nhập ngũ: 1980
Hiện là biên kịch phim

Các tập thơ đã in:
- Bàn tay lá cỏ (tập 1), 1993
- Bàn tay lá cỏ (tập 2), 1995
- Kỵ sỹ ngựa gỗ (thơ viết cho thiếu nhi), 1998
- Mây bay, 2000
- Những tháng năm ở rừng, 2005

Tham gia hội:
- Hội viên Hội nghệ sỹ Điện ảnh
- Hội viên Hội nhà báo
- Hội viên Hội dân tộc Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
- Hội viên Chi hội Nhà văn Quân đội

Liên hệ:
- Email: nguyenanhnong@yahoo.com.vn, khoihoangnang@yahoo.com.vn
- Trang chủ:
http://nguyennong.vnweblogs.com/
http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/

THƠ NGUYỄN ANH NÔNG CÓ MẶT TẠI CÁ TRANG BÁO MẠNG:
 
1- THI VIỆN:   http://annonymous.online.fr/Thivien/viewauthor.php?ID=956
2- THƠ VIỆT:  http://www.thovn.net/viewarthor.asp?athor=103
3- VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG:
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacgia.asp?TGID=1078
4- E VĂN: http://www.evan.com.vn/News/phe-binh/phe-binh/2006/11/3B9AD4C5/
5- VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT:http://www.vannghechunhat.net/modules/news/index.php?storytopic=44
 6- VŨ HỒNG: http://www.vuhong.com/tho_2/nguyenanhnong.htm
 7- Tại Phong Điệp: <http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=4104>
8- Thơ song ngữ: <http://nguyennong.vnweblogs.com/>
 9- Nguyễn Tử Vương <http://blog.360.yahoo.com/blog-MCYasys_fLPtkwmHJo6ZICTCQOciQXE-?cq=1&p=331#comments>
10-Mai Văn Phấn <http://maivanphan.com/TieusuNguyenAnhNong.asp>
11-Trần Quang Đạo <http://tranquangdao.vnweblogs.com/post/2800/38005>
12- Việt Nam Thư Quán <http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=302300&mpage=1&key=>
13-Họ Đỗ <http://72.14.253.104/search?q=cache:YF7ycgoIdm4J:hodovietnam.vn/index.php%3Foption%3Dcom_content%26task%3Dview%26id%3D354%26Itemid%3D33+%22+Nguy%E1%BB%85n+Anh+N%C3%B4ng%22&hl=vi&ct=clnk&cd=38&gl=vn>
14-Ngô Thanh Hằng <http://ngothanhhang.vnweblogs.com/post/1967/14169>
15-Việt Văn Mới<http://vietart.free.fr/index1.887.html>
16-Sưu tập.com <http://www.suutap.com/default.asp?id=313&muc=1>
17- Gooleg: <http://www.google.com.vn/search?q=%22+Nguy%E1%BB%85n+Anh+N%C3%B4ng%22&hl=vi&start=0&sa=N>
18-Viết về người lính: <http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/post/1117/39680>
19-Tại newvietart.net:<http://www.newvietart.net/index01.1.html>
20 Vi.Wikipedia:- < http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_Th%C3%A0nh_vi%C3%AAn:Tambang >         
TRANG THƠ DỊCH:
 1-<http://nguyennong.vnweblogs.com/category/2836/10049>
TRANG PHÊ BÌNH
 1-<http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/post/1117/39686>
2-<http://www.thivien.net/searchwriting.php>



NHỮNG BÀI VIẾT VỀ THƠ NGUYỄN ANH NÔNG
 
BÀN VỀ TẬP THƠ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG

Đá và hoa - một bông thơ dâng tặng
                     Đọc “ Những tháng năm ở rừng” NXB Quân đội nhân dân-2005
                                                ĐỖ TRỌNG KHƠI


    Tập thơ Những tháng năm ở rừng được nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2005 này, có thể xem là một tập hợp tương đối đầy đủ của Nguyễn Anh Nông cho quá trình sáng tác mấy mươi năm qua. Tác giả, quê Xứ Thanh, có thơ in báo từ khi còn là học viên trường sỹ quan Lục quân I, tốt nghiệp lên đóng quân ở Cao Bằng thơ Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra chững chạc, nhiều hứa hẹn

Và chính ở miền Cao Bằng đã cho thơ Nguyễn Anh Nông những bài hay, thấm đẫm chất hào khí, cái trập trùng núi non biên ải. Những sáng tác thời gian này góp mặt làm nền tảng cho những thành công của tập. Như các bài: Hoa cỏ tía, Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Những tháng năm ở rừng, Với quê…
Là nhà thơ chiến sỹ, tất nhiên đề tài, mối quan tâm chủ đạo và tâm huyết nhất Nguyễn Anh Nông dành viết về người lính. Các vấn đề chiến tranh, sự hy sinh, cũng như trong hoà bình trước cuộc sống đời thường đều đi vào thơ anh với nhiều cảm xúc sâu đậm, những ưu tư trăn trở, bức xúc, song tất cả đều được thể hiện qua các câu chữ chân thành yêu thương và tài hoa. Những tháng năm ở rừng bài thơ được lấy làm tiêu đề cho tập là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp mang lại nhiều thành công cho thơ Nguyễn Anh Nông.
Câu chữ giản dị mà tinh tế, khái quát. Hình ảnh thơ như những nhát cắt cho hiện ra từng mảng sống chân thực của người lính ở rừng:
Những tháng năm ở rừng
Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.

Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió.

Những tháng ở rừng
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.

Những tháng năm ở rừng
Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê bão bùng lụt lội…

Trong bài thơ Những tháng năm ở rừng, có câu bật ra như một tiếng thở dài, không vì tiếc nuối, mà có lẽ đơn thuần chỉ là tiếng thở dài hồn nhiên bật ra trước thực tế không ngờ tới: “Người thân hờ hững hoá người dưng/ Ngày xuống phố thẫn thờ ngơ ngác…” Người lính, nhất là người lính đồn trú nơi núi rừng, hải đảo, xa cách với phần sống hiện đại đang diễn ra nơi đô thị phồn hoa với bao vẻ mới mẻ, bao quan niệm về giá trị cũng đã có sự đổi thay, khiến mình thành lạc lỏng xa lạ. Và vì thế đã cho cảm nhận, không chỉ hoá người dưng trước người thân mà ngay với chính mình. Trước tình yêu cũng thành: “Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau…”(Thơ tình lính biển). Đây cũng là một cách trình bày về hiện thực có tính hệ thống, tính giải pháp của lựa chọn nghệ thuật thơ Nguyễn Anh Nông. Và chất lính trong thơ anh, qua những nhát cắt hình ảnh đó, trước sau ở bất cứ cung bậc tình cảm nào cũng được thắp lên từ chất thép của một ý chí, một nghị lực yêu, dâng hiến. Do vậy sự thanh thản, tin yêu vẫn là cảm xúc chủ đạo của tập thơ, ở ngay cả những bài viết về mất mát, hy sinh: “ Đời bạn tôi dừng lại tuổi thanh xuân/ Đâu Tổ quốc cần bạn tôi có mặt/ Dẫu đồng đội có người quay quắt/ Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành…” (Khúc tưởng niệm bên dòng suối). Niềm thanh thản, tin yêu của con người dành cho nhau, trong thơ Nguyễn Anh Nông có khi còn được đẩy sâu, tương hợp và hoá giải tới tận vùng tâm linh, siêu nghiệm: “Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau…” ( Cảm tác).
Chiều sâu tinh thần, đạo lý được khắc hoạ đã cho thơ Nguyễn Anh Nông nói được niềm trăn trở, âu lo, tiếng thở dài u uẩn nhưng không bao giờ sa vào bi luỵ, bế tắc, sầu đau tuyệt vọng.
Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ngôn ngữ với cách tạo nhịp điệu trình diễn nó qua lăng kính các ý niệm tinh thần, thơ Nguyễn Anh Nông có một hình ảnh đáng chú ý, đó là hình ảnh Đá và Hoa cỏ. Bài Hoa cỏ tía với bốn câu tứ tuyệt chặt chẽ, hàm xúc:
Cỏ tía như là hoa tím pha
Bâng khuâng hoa đợi bướm ong qua
Bướm ong mê mải phương trời lạ
Hoa tím mơn man mặt đá già.
Còn ở bài, Loanh quanh một khúc sông Bằng, hình ảnh hoa bên đá núi được hoạ với sắc màu, âm thanh rất gợi: “Chẳng chờ nổi trời xanh kia thấu đáo/ Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo/ …” Câu thơ sau đây đột ngột trở nên một thi ảnh rất lạ, thú vị: “ Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ hoa” Âm thanh của Lịch kịch của đá phát ra khi sinh nở, quả là thứ âm thanh rất lạ. Đá nở, ngỡ như thứ tiếng trời rung đất chuyển mà ở trường hợp thơ này lại đòi hỏi một lỗ tai thẩm âm tinh vi lắm mới lắng nghe được. Khi đá và hoa phối cảnh, hoà âm bên nhau trong thơ Nguyễn Anh Nông luôn có cơ đem lại cho thơ anh những bài, câu thơ hay, rất ấn tượng. Bài Khúc ca bên cỏ viết riêng về cỏ, ý niệm thơ thể hiện với suy ngẫm cảnh người, lẽ đời thấm thía. Đặc điểm sử dụng Đá và Hoa cỏ làm vật liệu, thi liệu thơ qua một số bài cho thấy một hướng khai thác vật liệu ngôn ngữ và cấu tứ của thơ Nguyễn Anh Nông là một điểm riêng, nhiều hứa hẹn thành công. Bản thân tác giả cần suy ngẫm, đúc kết thêm.
Thơ Nguyễn Anh Nông qua tập Những tháng năm ở rừng thành công rõ ràng hơn cả là ở một loạt bài viết với cách viết giản dị, chân thành, tạo cảm xúc ở vấn đề, hình ảnh diễn quanh mình cùng những gì gắn bó thân thuộc với đời sống chiến sỹ.
Trong tập Những tháng năm ở rừng cũng nổi lên một cụm bài với lối viết có những tìm tòi, cách điệu, như: Miền tuyết bỏng, Chân dung, Phân thân, Linh cảm…
…Rồi một lần anh vượt qua anh
Anh thành anh với khuôn mặt khác
Một lần em vượt qua em
Em không chỉ thành sông mà thành thác
Anh thành con thuyền vượt thác ghềnh em
Thác ghềnh chót vót, chon von
Có thể thuyền anh tan tành phút chốc…
( Phân thân)
Bài thơ được thể hiện tính đa chiều, đa ảnh của sự phân thân. Một cuộc truy tìm vào chính mình và đã gặp chính mình ở nhiều dạng gương mặt khác nhau trong ước mong tối hậu và nhận chân ra gương mặt chân thật nhất của mình. Con đường này các hành giả xưa từng đi và rất nhiều người đã chìm khuất mình trong vô tăm tích. Qua các lớp lang ngôn ngữ, vỉa tầng ý tưởng thơ bộc lộ một Nguyễn Anh Nông khát khao dấn thân trên đường, nhưng song hành trong anh lại còn mang một cảm nhận khá ý vị, sâu sắc: “ Anh túm được em rồi/ Bỗng sững sờ ngơ ngác/ Khi bắt được niềm vui/ Dáng hình em đã khác…” ( Nàng còng gió). Cách tổ chức ngôn ngữ và khả năng tạo sự dung chứa nội dung, mang sức lực truy sâu vào bản thể con người, bản chất sự vật, sự việc là một nỗ lực đổi mới đáng ghi nhận của thơ Nguyễn Anh Nông.Tuy vậy, ở hướng thơ thể nghiệm này công tâm mà đánh giá, còn nhiều bài, câu sa vào cầu kỳ xắp đặt. Bài thơ, con chữ đứng bấp bênh vì nó bị xây trên nền tảng ý tưởng, tư tưởng nghệ thuật chưa được đầy dặn.
Qua những thành quả đã đạt được, với những vỉa tầng đang được khơi lộ cho hy vọng nhà thơ chiến sỹ Nguyễn Anh Nông sẽ còn vững bước trên đường dài nghệ thuật. Những tháng năm ở rừng với giá trị của nó, giá trị của một bông thơ tạo nên từ Đá và Hoa cỏ, từ tình yêu người lính là một dâng tặng thơ ca./.

                   2/9/2005
                      Đ.T.K

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội- số 645- tháng 5-2006

 
 
Lõi "trầm" từ "Những tháng năm ở rừng" của Nguyễn Anh Nông
NGUYỄN HƯNG HẢI

     Sinh ra ở Thanh Hoá- đất anh hùng hào kiệt, trưởng thành trong quân đội, nhà thơ Nguyễn Anh Nông đã xuất bản 5 tập thơ, là một cây bút đã và đang được chú ý trong lực lượng vũ trang.
Đọc “ Những tháng năm ở rừng” tập thơ mới của anh (vừa mới được NXBQĐND ấn hành năm 2005) cảm nhận được những phẩm chất tuyệt vời vốn có của người lính. Những tháng năm ấy, Nguyễn Anh Nông đã “Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc/ Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc/...ăn trong nắng, ngủ trong sương”. Gian khổ hy sinh của người lính ở nơi chiến trường, bây giờ nghĩ lại, lắm lúc chúng ta vẫn giật mình, không tin là mình có thể còn sống sót trở về. Nhưng gian khổ ấy, hy sinh ấy không đau bằng khi trở về gặp cảnh đời “Người thân xưa hờ hững hoá người dưng/ Ngày xuống phố thẫn thờ, ngơ ngác...”. Mừng vì cuộc sống đổi thay nhưng cũng sợ vì lòng người đổi khác. Đó có lẽ là vết thương không lành miệng của người lính sau trận mạc. Câu thơ như cứa vào lòng người, tôn thêm vẻ đẹp nhân cách, phẩm chất bộ đội cụ Hồ của Nguyễn Anh Nông.
Tập thơ 55 bài, hầu hết là viết về những kỷ niệm của Nguyễn Anh Nông như một nhắc nhở ân tình của anh về tình đồng đội, quê hương, tình người, viết về những miền quê anh đã từng gắn bó, đi qua trong những cuộc hành quân trùng điệp của người lính. Gặp ở đây những tháng năm ở rừng, niềm vui, nỗi buồn và cả sự thức tỉnh.
Cũng như bao người lính khác, tháng năm biền biệt xa nhà, Nguyễn Anh Nông luôn đau đáu: “ ở quê nhà bão lụt/ mẹ cha già cả rồi/ vợ con mong đỏ mắt/ mình xa tít mù khơi”. Trong nỗi xa vắng ấy, dù nhiều từng trải, giàu bản lĩnh, con người ta vào những lúc thương nhớ dội về không ai không ngẫm ngợi khi “ hoang vắng bóng em”, hình như sự hoang vắng ấy làm cho “ Đất với trời vênh bánh tráng?”.
“Chiều không em khập khiễng đất Cao Bằng”, Nguyễn Anh Nông cũng như bao người lính khác: “ Ước gì được ngắm em cười khóc/...Ước gì tóc được xoà trong tóc”. Nghe đau và xót trước nỗi xa, trước một ước mơ hạnh phúc bình dị nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng của con người.
Chỉ một tiếng chim kêu trong rừng đêm cũng đủ làm cho chúng ta xao xuyến: “ Tiếng chim hay em/ Gọi tôi trong mơ...”( Đêm ở rừng nghe tiếng chim quyeng quý). ám một nỗi buồn của Nguyễn Anh Nông để tin yêu thêm cuộc đời, để hiểu thêm người lính, dù chỉ hiểu mà không sao chia xẻ:
“ Thế là chim hót/ Thế là tôi nghe/ Thế là thao thức/ Thế là canh khuya...”.
Những tháng năm ở rừng, cùng với nỗi nhớ người yêu, nhớ quê hương gia đình, những người thương yêu ruột thịt, Nguyễn Anh Nông còn bao nỗi nhớ khác trong “ Ba chốn đều thương yêu/ Bốn nơi cùng lưu luyến”( Một con thuyền).
Tôi cảm phục Nguyễn Anh Nông ở nỗi buồn thánh thiện, ở nỗi đau cao thượng. Đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ Cõi thu trong “ Những tháng năm ở rừng” còn thấy ở anh một tình yêu con người thật cao quý, dù ở đây là niềm xót xa nhiều buồn tủi. Những câu thơ chia sẻ của anh với người chị “ Chồng chết” làm chúng ta mủi lòng: “ Có chồng con bỗng tay không/ Đắng cay đời chị- long đong phận tình/ Sớm khuya thui thủi một mình...”. Một kiếp nhỡ nhàng, người chị của Nguyễn Anh Nông phải mượn đến tiếng mõ, tiếng “ A di đà Phật” để trấn an lòng mình, còn Nguyễn Anh Nông cho chúng ta nhiều thức tỉnh: “ Thế thì thôi- thế thì tin/ Cõi người, cõi Phật biết vin cõi nào?/ Cõi trời, cõi đất thanh tao/ Cúi đầu tôi lạy cõi vào ...thiên thu”
ở Trước lá vàng- Một bài thơ cũng nói về, viết về nỗi bất hạnh của vợ chồng một người bạn- cả hai từng mất chồng, mất vợ, đến với nhau muộn mằn, Nguyễn Anh Nông đã tôn lên phẩm chất người bằng vẻ đẹp nhân cách: “ Trước ảnh, chị nâng đèn/ Anh cầm nhang, châm lửa/ Nhớ người không về nữa/ Họ lặng trầm, bóng đôi”.
Đọc trong cảm động, thấm thía, tôi thực sự tin vào những câu thơ, bài thơ thấm đẫm tinh thần nhân ái như thế của Nguyễn Anh Nông qua tập thơ này, đó cũng là ấn tượng có được qua các bài : Nhát chổi trong chiều, Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Với bạn, Người đẽo cày và chiếc tăm, Bạn ngồi...
Cùng nỗi nhớ thẳm sâu, tri ân với đồng đội, tình thương yêu con người thánh thiện, thơ Nguyễn Anh Nông thủ thỉ như một lời tâm sự. Giọng thơ đôn hậu, trữ tình đã và đang vươn tới thế sự cho tôi và chúng ta nhiều liên tưởng. Trước hết là những tháng năm không “ yên ổn” ở rừng, dù trong trạng thái nhiều yên ổn thì vẫn cứ bắt gặp ngổn ngang tâm sự, nỗi niềm: “ Hai chàng từng là địch thủ/ Choảng nhau có lúc mẻ đầu/ Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau”( Cảm tác).
Hình như cùng với phẩm chất “ Bộ đội cụ Hồ”, thơ Nguyễn Anh Nông còn lung linh một vẻ đẹp cứu rỗi. Thơ anh rất nhiều chia xẻ, cảm thông. Rất nhiều thức tỉnh về đạo lý, nhân cách. Dường như Nguyễn Anh Nông luôn nghiêng bút chủ âm về cái đẹp. Đôi lúc viết về cái xấu thì thơ anh vẫn luôn ấm áp với những gợi mở và cảnh tỉnh: “ Khi lòng ta trống rỗng/ Mọi không gian- hình khối- đồ vật chẳng thể lấp đầy/ Hãy nhớ mà giữ lấy, nghe em!/ Niềm thiêng trời đất/ Rung rẩy trong lồng ngực ta đây”( Niệm thiêng).
Có lẽ “ Những tháng năm ở rừng” không đơn thuần chỉ là những hồi ức mà còn là những trải nghiệm, và trải nghiệm rõ nhất là trong bài thơ Người đẽo cày và chiếc tăm, xin dẫn dụ: “ Bào bóng nhoáng, phẳng lỳ mọi nhấp nhô, khấp khểnh lồi lõm thế sự/ Mạ kền những ám muội nhân gian/ Đốt thời gian bằng tỷ mẩn: con kiến tha mồi/ con dã tràng xe cát/ con công nhảy múa chốn hoang sơ?/ Chiều nay, sau bao đớn đau, trăn trở/ Chiếc tăm ngó nghiêng nhìn tôi, mỉm cười/ Nó vừa được bạn tôi phóng thích”
Trở lại với con người thật giàu nhân ái, trách nhiệm Nguyễn Anh Nông cũng như tôi và chúng ta vẫn là con người bổn phận, và những câu thơ bổn phận của anh ứa nước mắt: “ Riêng ta- đi xa biền biệt/ Tháng năm mải miết, đam mê/ Về nhà từ vầng trăng lạ/ Một năm được mấy trung thu”( Nhà ta).
Trong sự “hy sinh” vô bờ ấy của người lính, bổn phận của Nguyễn Anh Nông với vợ con gia đình cũng chính là bổn phận của anh với đồng đội, bạn bè ở nơi “ tít mù xa”, ở “ Những tháng năm ở rừng”. Dường như Nguyễn Anh Nông luôn thường trực một nỗi lo cho người khác, luôn đau đáu một tình yêu, luôn day dứt về tình đời, tình người. Trong rất nhiều thức tỉnh của anh, thức tỉnh rõ nhất là hãy luôn biết phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, dù hôm nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi.
Và như vậy, tôi đã bắt được lõi trầm từ “ Những tháng năm ở rừng” của anh./.
                                              N.H.H


                                     ( BÀI ĐĂNG BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN CUỐI TUẦN) 

*******************************
BÀN VỀ TẬP THƠ KỴ SĨ NGỰA GỖ
        (TẬP THƠ THIẾU NHI)
BÀI 1:
Tiềm năng đồng nhất hoá trong thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Anh Nông

Thi pháp thơ ca, chủ yếu và bao trùm là đồng nhất hoá, một thi pháp rộng hơn nhiều thủ pháp nhân hoá và vật hoá về định lượng, lại hiệu lực lớn hơn, cả hai thủ pháp ấy về định tính. Thú vị thay, trong thơ viết cho thiếu nhi, Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra khá thành thạo trong sự chủ yếu và bao trùm ấy, dù vô thức hay ý thức, đồng nhất hoá là gạt đi những mâu thuẫn, xoá đi những dị biệt, thu hẹp những khoảng cách.
Điều trước tiên nhận ra phẩm chất cao quý của thơ- tác giả hai tập "Bàn tay lá cỏ này là sự đồng nhất hoá cảm thức tuổi thơ và cảm thức tuổi hoa niên. Anh đã dùng một lối thơ ngụ ngôn để một bài thơ có hai bài thơ, một ý hồn nhiên cho tuyến trẻ thơ và một nghĩa hàm súc cho tuyến người lớn. Một loạt bài thể hiện thao tác tư duy này như: Nghiền ngẫm, Chiếc bóng, Mèo và hổ, Điều lãng quên...
"Riêng hai em cáo, gấu
Thường có hành vi xấu
Hình như khi ở nhà
Không ai người dạy bảo"
(Điều lãng quên)
Nguyên lý của thơ là dù thơ viết cho riêng ai, viết cho lứa tuổi nào cũng phải hướng tới con người phổ biến, tất nhiên bằng ngôn ngữ khu biệt. Anh sẽ bất cập nếu anh không tạo ra được sự tương quan của hai cảm thức ấy, có thể nhắc đến "Thầy giáo gà trống" bởi sự buồn thương vợ chồng người lớn và bài "Điều lãng quên"bởi sự phơi lộ những giáo lý.
Bước sang thủ pháp thứ hai của đồng nhất hoá.Đó là hoà nhập con người và vạn vật, cái khả năng hoà đồng vào cuộc đời, hoà đồng vào thiên nhiên.Cái khả năng ấy tạo ra một ngôn ngữ chung cho con người và con vật.Anh nói người hay nói vật đây:
"Ngỡ như ai khóc
Hoá ra chú bò
Bữa nay tập hát"
(Chú bò tập hát)
Mà thân thiết với cuộc đời đến thế. Với thủ pháp này, anh nhìn vào vườn dạy thú con cũng như nhìn vào vườn trẻ. Chú ếch cốm khoác bộ áo xanh, cây lang tím cũng bỉết bò, con vịt cũng biết gọi mẹ, tất cả đều ngây thơ hồn nhiên. Anh đã làm cho câu thơ sinh động có hồn, có vía:
"Ao sâu sung rụng bì bòm
Có anh bói cá lom rom cọc rào"
(Hoa bèo)
Con vật cũng hoà đồng vào cuộc sống xã hội của con người, cũng như con người hoà đồng vào thiên nhiên. Con người là một phần của tạo hoá:
"Con là bông hoa
Của trời và đất
Con là gió mát
Của đêm oi nồng
Con là dòng sông
Của ngày nắng lửa.."
(Con là)
Anh tiến thêm bước nữa trong thi pháp của mình khi đặt ra bình diện "nghĩ" và bình diện "cảm". Để rồi hoà trộn hai yếu tố ấy:
"Hoa đào nghiền ngẫm mùa xuân
Cây sen mùa hạ tần ngần nở hoa
(Nghiền ngẫm)
Nở hoa là sự việc hồn nhiên của tạo hoá mà anh đưa vào trạng thái của tâm trạng "tần ngần", nghiền ngẫm, làm cho hồn thiên nhiên vương vấn hồn người, làm cho sự cảm, sự nghĩ là một, làm cho mọi tư duy đều nở hoa hồn nhiên. Mối quan hệ giữa "tức thời" và "vĩnh hằng" là mối quan hệ phức tạp- mối quan hệ của những phạm trù triết học mà anh làm thơ thật nồng nàn, chất phác, hồn nhiên và thi vị:
"Vĩnh viễn vầng trăng vẫn vầng trăng ấy
Gà mẹ mỗi ngày thêm một...vầng trăng
(Vầng trăng)
Anh cũng thể hiện được sự khát khao đối với con người, niềm vui được làm chính bản thân con người, không phải là cái bóng:
"Bóng đen
Lừng lững như đống rơm khô
Sao vắng bóng gà con và tiếng chim
lích chính"
(Chiếc bóng)
Cô quạnh thay chiếc bóng dù là bóng người nhưng không phải là người. Thi pháp của anh đã tới thời kỳ tinh tế và chín muồi.
Thi pháp nếu dùng vụng thô thì chỉ đơn giản là hình thức nhưng khi đã thành thạo khi nó thành nội dung. Điều ấy càng rõ ràng khi anh đồng nhất hoá yếu tố thi vị và yếu tố thường ngày nhờ sự phát hiện cao xa của thi pháp và anh tự lạc vào mê cung của sự thơ mộng của những sự việc tưởng như không thơ ấy.
Anh đã hoá thân thành ếch con mà sững sờ trước vầng trăng và giá như không có sự hoá thân ấy thì làm sao tìm được sự kỳ diệu này:
"Êchs giật mình kêu lên mấy tiếng:
- Ô, vầng trăng té xuống nước rồi
Thương cho vầng trăng quá đi thôi.
Êchs vội vã nhảy ùm xuống cứu.
(Vầng trăng với ếch con)
Anh lại hoà cùng vạn vật mà tìm ra:
"Trăng xanh như mắt mèo
...
Vỡ thành hai ngôi sao"
(Chuyện một đêm trăng)
Bằng thi pháp của mình, tác giả đã nghe được ngôn ngữ của vạn vật. Anh nghe được tiếng gọi mẹ của chú vịt con lạc đàn, lời của cây xà cừ, tiếng khúc khích của dãy núi trẻ. Cũng chính nhờ vậy, tác giả đã nhìn ra những điều mà mắt thường không nhìn thấy. Hoa bèo trong ao mà thành:
"Loay xoay trong cái gương trời"
(Hoa bèo)
Và con sáo mỏ vàng:
"Bần bật lưng trâu đen
Bần bật tiếng hót cất lên"
(Mưa chiều)
Điều đáng vui hơn, là nhờ thủ phấp anh đã cảm được cuộc đời bằng ngũ giác trẻ thơ.
Anh biến thành đứa trẻ thực sự khi trò chuyện với búp bê:
"Lúc nào em nhớ chị
Thì soi chiếc gương này
Chiếc gương kỳ diệu lắm
Mình, mỗi mình mà hai"
(Dặn dò búp bê)
Cái phép kỳ diệu này, chỉ có đứa trẻ con của Nguyễn Anh Nông mới tưởng tượng được.
Phép biện chứng tâm hồn ấy đưa tác giả những tâm trạng thật là trẻ con trong bài "Kỵ sỹ ngựa gỗ": Bé cưỡi ngựa gỗ, lại hăng lên phi nhanh quá, đã ngã định bụng không thèm nhè nhưng lại nhăn mặt và lau nhanh nước mắt. Có nước mắt mà lại lau nhanh thì đúng là kỵ sỹ ngựa gỗ rồi. Hoá thánh trẻ thơ, anh đã phát hiện ra bản chất của lễ hội, tết, rằm:
"Bữa nay bố về phép
Chỉ vào ngày dưng thôi
Âý mà vui phải biết
Tết- nhà ta đây rồi"
(Tết)
Đọc tập thơ" Kỵ sỹ ngựa gỗ" viết cho thiếu nhi này, ta được gặp một Nguyễn Anh Nông hồn nhiên, trong trẻo, giàu tưởng tượng, giàu sức khám phá. Thi pháp đồng nhất hoá do anh áp dụng có tính chất hệ thống, tạo cho thơ anh đã tiếp cận được thế giới tuổi thơ kỳ lạ và đầy bí ẩn với tất cả chúng ta.

                                          Hoà Bình, ngày 9-2-1998
                               
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt

BÀI 2:

Kỵ sỹ ngựa gỗ
TIẾN SĨ BÍCH THU

Dễ nhận thấy trong tập Kỵ sỹ ngựa gỗ, cuộc sống con người và thế giới thiên nhiên với những cỏ cây hoa lá, loài vật xen cài, hoà quện tạo nên một bức tranh xã hội- thiên nhiên sinh động và ấm áp. Ở đây chủ đề trữ tình không chỉ là thiên nhiên vạn vật:Hoa bèo, Mưa chiều, Lang tím, Nghiền ngẫm, Chuyện một đêm trăng,Vầng trăng với ếch con, Chuyện sáng nay,Cào cào,Chuyện lạ quê nội...
Nhân vật trữ tình trong những bài thơ nay không tồn tại một cách dị biệt, đơn lẻ và luôn luôn hiện hữu trong sự sum vầy, hoà hợp, gợi được sự giao hoà của trẻ thơ với cộng đồng, với cảnh sắc thiên nhiên. Bằng các góc độ khác nhau, tác giả tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ tỏ ra khá nhậy cảm khi quan sát và cảm nhận vẻ đẹp tự nó của thiên nhiên nơi thôn dã với các loài vật dễ thương: Chú nghé con, chú ếch cốm, chú dế mèn, chó con, mèo con, với bóng cò nhấp nhoá,đàn chim gáy, lũ bướm vàng, chuồn chuồn, với cây lang tím, hoa bèo, với vầng trăng mặt trời. Tất cả cảnh vật ấy đã trở thành "giáo cụ trực quan", khảm vào tâm trí trẻ thơ những ấn tựơng ban đầu không thể quên trong cuộc đời này.
Gần đây thưa vắng các tập thơ viết về thiếu nhi.Tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ của Nguyễn Anh Nông đã góp một tiếng nói trong sự im lặng ấy, có thể nói tập thơ đã đến được với thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo, làm thơ cho thiếu nhi, hướng về trẻ em, Nguyễn Anh Nông đã tránh được sự giả vờ ngây ngô, "ông cụ non"của một vài tác giả viết cho thiếu nhi trước đây. Nếu Nguyên Anh Nông tìm được một sư so sánh nhuần nhuyễn hơn (Mặt trời) giảm bớt sự đại ngôn (Điều lãng quên, con là...) tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ sẽ tạo cảm giác đầy đặn hơn với người đọc.

Kỵ sĩ ngựa gỗ - tập thơ cho thiếu nhi của Nguyễn Anh Nông, xuất bản năm 1998
                     ( BÀI ĐĂNGTẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI)

 
BÀI 3: 

Chút cảm nghĩ trước một khu vườn cổ tích
                                    ĐỖ TRỌNG KHƠI

Trước thế giới trẻ thơ- một thế giới mang cái phần người nguyên khôi nhất, cái phần mà bản thân đời sống của nó đã là một ánh thơ kỳ diệu tuyệt nhất. Vậy khi tác giả người lớn sáng tác thơ cho đối tượng bạn đọc tuổi thần tiên này cũng là đông nghĩa ca ngợi, chăm lo cõi phần thơ- cõi phần người nhất tâm hồn mình. Vì lẽ đó, khi tình chưa thật hoàn nguyên, chưa thật biết yêu thương trẻ nhỏ thì cầm bằng chưa có thực khả năng nhập cảm tuyệt đối vào thế giới tuổi của trẻ nhỏ mà cải lão cái tâm cái cốt, mà hoàn đồng con chữ - thì viết sao cho đạt?
Tôi đọc tập thơ kỵ sỹ ngựa gỗ với ý nghĩ như vậy. Thật vui mừng khi nhiều lần tôi gặp được sự chia sẻ của Nguyễn Anh Nông qua cảm xúc thơ anh.
...Vĩnh viễn vầng trăng vẫn vầng trăng ấy
Gà mẹ mỗi ngày thêm một... vầng trăng
Gà mẹ mỗi ngày đẻ một quả trứng, được miêu tả liên tưởng như "thêm một vầng trăng"
, chỉ hồn trẻ thơ mới có cách nghĩ, cách liên tưởng vật hoá, sinh thể hoá hình ảnh vầng trăng xa vời một cách cụ thể gần gũi như vậy.
Sự cảm nhận về mối quan hệ tương tác, song ứng giữa con người và vật, cùng môi cảnh thiên nhiên xung quanh là sợi dẫn tiếp cận trong cảm thức thơ Nguyễn Anh Nông. Ơ những bài như "Núi trẻ, dặn dò búp bê, giàn và mướp, chú bò tập hát..." bằng thủ pháp vật hoá, nhân hoá được sử dụng thành công với cấp độ sự "hoá" ấy đồng nhất lại với nhau là một – xoá nhoà các ranh giới. Ơ bài "thầy giáo gà trống" với giọng thơ theo kiểu ngụ ngôn, anh viết: "...Chị mái đêm qua cáo bắt
Để lại đàn con măng tơ
Anh trống buồn đau xé rột
Lộc ngộc vụng về con thơ..."
Rồi dẫn đến hoàn cảnh, tâm lý:
"Anh trống xem chừng tất bật
Cái dáng cao gầy lắc lư...
Chân đá vào chân mắc tóc
Lòng dạ anh như tơ vò
...Dạy trò học thầy quên hết
Nhớ mỗi vần ò ó o..."
Ơ bài này, xuất hiện của những cặp liên động từ, lộc ngộc, tất bật, lắc lư, chân mắc tóc, dạ tơ vò... thể và vía của thơ đã hoạ lên sinh động hợp đúng hình ảnh, trạng thái tâm lý của loài gà trống. Đến bài "Núi trẻ" cách nhân hoá vật- vật thành như nhân cũng đạt tới sự nhuần nhuyễn, bất ngờ:
"Xôn xao bầy lít nhít
Gió thầm thì: núi non
Trời lắng nghe khúc khíc
Toàn tiếng cười trẻ con..."
Nguyễn Anh Nông đã tạo được một lối cấu trúc từ rất trẻ thơ, giàu tính liên tưởng biểu đạt.
Thư pháp nghệ thuật vật hoá, nhân hoá, huyền ảo hoá... dường như đã là thứ thành phẩm nghề riêng của loại hình văn chương viết cho trẻ thơ. Thế giới tâm hồn trẻ thơ còn mang nhiều tính cách thiên nhiên, tự nhiên. Khu vườn đời các em là khu vườn cổ tích, thần thoại. Trong khu vườn ấy, cõi phần sống ấy đức nguyên của nó vốn không có ránh giới phân cách nào, dù là sự phân cách ở thể vật chất hay tâm tính, linh hồn. Một cái chớp mắt cô Tấm từ quả thị bước ra, từ cái vươn vai chú bé làng Gióng lớn dậy thành dũng tướng, và ngay những đồ vật vốn vô tri như cái bút chì cũng có thể hoá thnàh chú lính chì dũng cảm, những con vật(kể cả ác thú như gấu, hổ...). Khi chúng sống bên cạnh các em, chúng cũng có thể thuần dưỡng hiền hoà được v.v... Vậy rõ ràng, sống trong một khu vườn đời như thế thì chỉ có khả năng liên tưởng Người, Vật, Cảnh trong sức đồng nhát hoá làm một, ta mới lắng, thấu, mới giao cảm tìm đến tiếng nói chung- Không giới tính của khu vườn được cấu thành 3 yếu tố Trẻ thơ+ Thiên nhiên + Tự nhiên = Vũ trụ.
Điều có tính cách người lớn đặt ra cho sáng tác nghệ thuật- đặc biệt sáng tavs cho trẻ thơ là: Giáo dục đạo đức công dân và nhận thức thẩm mỹ. Đặt ra cái giáo lý sáng tác này trước trẻ thơ- tính cách xã hội người lớn thường ngược lại- bị thế giới trẻ thơ + Thiên nhiên + Tự nhiên đồng hoá. Vì sao ? Phải vì, giáo lý đã gặp gốc nguyên lý.
Và bởi vậy có thể nói trở về với tuổi thơ là trở về với Gốc của con người. Với ý thức này, từ điểm quy chiếunày, người đọc nhận ra điểm mạnh cũng như điểm han chế ít nhiều còn vương sót trong tập thơ. Như, tình thơ(cảm xúc) có những chỗ chưa nhập cảm tới độ tuyệt vết, nên tính cách giáo lý lộ ra: Tứ thơ có bài chưa đạt sự kết cấu xuyên suốt khiến cho hình ảnh, ý tưởng của bài lộ ra sự sắp xếp, gượng ép. Và, tập thơ cũng còn thiếu bài thật hay – những câu thơ thật lay động lòng người.
Trước con đường hoàn nguyên – con đường tuổi thơ con người, với hành trình có chú Kỵ sỹ ngự a gỗ đồng hành, bạn đọc lớp tuổi thơ đã đón gặp Nguyễn Anh Nông – một nhà thơ mặc áo lính và các em chờ ở anh sức ươm gieo những mùa chữ mới cho khu vườn cổ tích.

                                 Nhà văn Đỗ Trọng Khơi
                                    (Hội Văn nghệ Thái Bình)

 
BÀI 4:
 

Về với tuổi thơ qua tập thơ "Kỵ sĩ ngựa gỗ" của Nguyễn Anh Nông
KHÁNH VĂN

Trẻ em tiếp xúc với thế giới bên ngoài của sự sống bằng con mắt. Quan sát, phát hiện và nghiền ngẫm. Niềm thích thú, say sưa của các em khi bắt gặp một hình ảnh nào đó của cuộc sống sẽ tạo ra những suy nghĩ rất trẻ thơ. Nắm bắt được nét chính yếu trong tâm lý các em, Nguyễn Anh Nông đã viết "Kỵ sỹ ngựa gỗ".

Đọc cả tập thơ ta bắt gặp một tâm hồn trẻ thơ quan sát sự sống một cách tinh tế. Sự vật, việc diễn ra quanh các em rất quen thuộc. Từ vầng trăng mặt trời, cây bàng, mùa xuân, mưa chiều, cây lang tím, giàn mướp, cây xà cừ...cho đến những chú bò, chú ngỗng, mèo, hổ, ngựa gỗ, ếch con, gà trống, cào cào... và cuối cùng là nét chữ đầu tiên, "điều lãng quên"... Quen thuộc và thân thương, bởi tất cả rất sống động. Dường như trong thế giới người – vật, việc – sự việc ấy, Nguyễn Anh Nông chủ yếu miêu tả qua sự quan sát, miêu tả một cách tự nhiên. Sự việc nó diễn ra như thế nào thì ghi lại thế ấy. Đơn giản vậy thôi. Nhưng trong sự quan sát ấy, Nguyễn Anh Nông đã lựa chọn để từ miêu tả trở thành diễn tả. Mà diễn tả theo suy nghĩ của trẻ thơ. Hình ảnh mặt trời được ví như "chiếc mâm lửa" khổng lồ và vĩ đại có một cái gì đó siêu nhiên lắm, ghê gớm lắm, nhưng với trẻ thơ, các em ước một cách rất hồn nhiên "mặt trời là chiếc bánh ngọt" để các em bé chia nhau – (một khát vọng đẹp về hạnh phúc theo suy nghĩ của trẻ thơ).
"Giá mặt trời là chiếc bánh ngọt
Để bạn bè, khi đói, chia nhau"
(Mặt trời)
Nguyễn Anh Nông đã miêu tả cuộc sống với một sự dung dị để phát hiện, để diễn tả, chỉ ra chất thơ của cuộc sống từ những gì bé nhỏ, dễ bị chìm trong quên lãng. Trong thơ anh có tiếng "ậm pò" của chú bò tập hát, có tiếng khàn khàn của chú vịt con lạc mẹ, tiếng chú sáo mỏ vàng bần bật cất lên sau cơn mưa chiều, tiếng chú mèo con "meo meo"... Chuyện học hành là vấn đề quan trọng nhất của các em, Nguyễn Anh Nông đã khéo léo nhìn, cảm nhận và nhẹ nhàng nhắc nhở bằng hình ảnh chú Ngỗng lơ tơ mơ để quên bài học ở nhà, bằng chuyện cái tẩy:
"Đừng kiện tôi anh giấy
Tôi chẳng hề tôi chi
Mà đang giúp anh đấy
Kẻo anh mang tiếng hề"
(Tâm sự của cái tẩy)

Từ quan sát tới phát hiện, anh vẫn giữ nguyên cảm thức của trẻ thơ với núi bố, núi mẹ, núi con với lời dặn dò búp bê... Đúng là thế giới bên ngoài qua sự cảm nhận của trẻ thơ. Một thế giới sống động hồn nhiên...
"Chợt nhìn thấy con nghé
Cháu gọi "Ê- trâu con"
Nghé chạy nhảy lon ton
Cháu bảo: "Trâu nhảy xếch"
(Chuyện lạ quê nội)
Cả tập thơ có những câu rất hay:
"Ao sâu sung rụng bì bòm
Có anh bói cá lom rom cọc rào
Bè hoa nhấp nháy nghiêng chao
Như mưa đêm xuống, ngàn sao sáng ngời"
(Hoa bèo)

Hay:
"Cây lang tím không có chân đi
Sao biết bò từ thu sang đông
Từ xuân về hè?
Ai nhuộm lang tím thế
Hay vì tiếng ve?
Hay vì tiếng cuốc đêm hè ?
Hay vì tiếng gà cục tác ?
Hay vì sấm nở bờ tre?"
(Lang tím)
Phát hiện cây bàng cả mùa đông phờ phạc tới mùa xuân chồi non hé, lộc nhú đầu cành, với ngọn gió, tia nắng hồng tưởng như không có gì mới mẻ nhưng thực sự làm ta ấm lòng lại bởi một niềm tin yêu cuộc sống. Chuyện vầng trăng ngã xuống nước và chú ếch con ngây thơ thương trăng chết đuối cũng vậy. Nó giúp ta tìm lại những ngày xưa của chính mình.
Không thể khác, từ quan sát, phát hiện tới cái địa hạt cuối không chỉ là nụ cười, niềm vui mà còn là sự nghiền ngẫm.
Người lớn chúng ta nghiền ngẫm quá nhiều. Trẻ em nghiền ngẫm chỉ là bước khởi đầu sự nắm bắt cuộc sống, hiểu cuộc sống.
Phát hiện chiếc bóng của mình trên nền nhà lặng im là điều trước tiên em bé trong bài thơ suy nghĩ và nghiền ngẫm.
"Cái bóng đen đen ấy
Giống y như một ông người
Sao ông người không cười, không nói ?
Sao ông người không múa không hát ?
Sao ông người chẳng biết khóc nhè ?"
(Chiếc bóng)
Suy ngẫm đấy nhưng mà vẫn hồn nhiên. Hỏi các bóng đen trên tường cũng giống như một ông người đấy nhưng sao lại không biết khóc nhè. Hoá ra ông người này là trẻ con. Thú vị là ở chỗ ấy!
Cũng là sự nghiền ngẫm nhưng ở bài thơ "Lời cây xà cừ" lại là sự nghiền ngẫm của trẻ thơ đấy cũng là của tất cả mọi người không kể tuổi tác.
"Ơ hay, sách không là dây trói
Mà cột người ta đến thế a ?"
Câu thơ này gợi ta đến nét thơ Đường.
"Vũ vô kiềm toả năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân"
(Mưa không là khoá mà giam được chân khách
Sắc đẹp không có sóng mà dìm chết con người)

Từ một suy nghĩ nhỏ về sách mà ngẫm thấy cuộc đời rộng lớn và vĩ đại, thấy sách có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống.

Hai bào thơ sáng lấp lánh trong tập là" Vườn có" và "Tết". Bài "Vườn cò" gợi ra những suy nghĩ về thân phận con người được thể hiện rất tinh tế qua lời của bà với cháu.
Ngày thường bố về là tết. Như vậy là cái tết của niềm vui, không phải cái tết của cỗ bàn.

Cả tập thơ 32 bài đều có một nhịp điệu chung: dung dị, gần gũi, chủ yếu là chỉ ra sự vật để suy ngẫm, những phát hiện rất trẻ thơ. Hồn nhiên mà không kém phần tinh tế.

Phải yêu trẻ, hiểu trẻ em Nguyễn Anh Nông mới có được những bài thơ như thế. Hình dung sau những trang thơ ấy là nhà thơ với nụ cười ánh lên gần gũi và tin cậy./

                                                   Khánh Văn 
                              ( BÀI ĐĂNG BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2008 12:09:31 bởi Hoàng Trong >
#1
    Hoàng Trong 08.10.2007 19:55:30 (permalink)
    MIỀN TUYẾT BỎNG







    I
    Đêm nay
    Tôi gối đầu
    bông lau ngàn trăn trở
    Ngoài kia
    Con gà mơ thế giới ban mai
    Nó tấu bản tình ca thời cổ lổ
    Nó đập cánh hoàng hôn
    Nó ấp iu quả trứng mặt trời
    Sóng hay gió
    mịn màng hơi thở?

    II
    Mây hay em
    khoác lên tôi chiếc khăn thương nhớ
    Chiếc khăn mộng mị, bâng quơ
    Ánh trăng hay bóng em lồng lộng?
    Sông suối soi bóng em
    hay em soi bóng núi -
    róc rách một làn hương.
    Con nai tác gọi bạn
    gọi ánh trăng mơn man làn gió thơm
    Tắc kè kêu mưa gọi nắng
    Chim bìm bịp vừa bay vừa điểm nhịp thời gian
    Con dúi gặm gốc lau
    như chó nhai xương rau ráu
    niềm khoái lạc tinh mơ
    Tôi đốt thời gian - hòn than cháy hết mình
    - em chập chờn hư ảo.

    III
    Đằng đẵng xa em
    Cây nến- niềm tin le lói.
    Thời gian - người hoạ sỹ
    Vẽ lên rừng cây hương sắc
    Tôi - chú linh dương cô đơn
    khát
    miền tuyết bỏng.

     
     
    TÁC GIẢ: NGUYỄN ANH NÔNG
    NGUỒN: THI VIỆN




    <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2007 21:32:58 bởi Hoàng Trong >
    #2
      Hoàng Trong 08.10.2007 19:58:45 (permalink)
      NGHE TIẾNG CHIM HÓT TRONG VƯỜN NHÀ MÌNH

      Anh đã nghe rất nhiều âm thanh véo von nơi đất khách quê người
      Sớm nay nghe tiếng chim hót trong vườn nhà mình
      Ơi, khóm tre, nhành dâu da, hoa giấy, thiên tuế, đinh lăng, chanh, bưởi, roi, hoa hoè, hoa lý
      Ơi, con sông quê hiền hoà lặng lẽ
      Và mây trời xứ khác bay trong vườn nhà mình!
      Có âm thanh nào trong trẻo, thanh khiết, thơm tho và nồng nàn đến vậy?
      Lần đầu tiên ta say sưa ngửa cổ uống từng âm thanh véo von như trẻ nhỏ nuốt từng giọt sữa
      Lần đầu tiên ta mê li, sung sướng như được trẻ lại lần nữa
      Vườn nhà mình mà đủ đầy quá thể
      Có ai đem kho báu để đổi lấy buổi sáng nay- vườn nhà mình
      Anh coi kẻ đó- đồ ngông cuồng, rồ dại
      Bởi không bao giờ...không bao giờ anh đánh đổi
      Hơi thở em còn hôi hổi nhường kia
      Đây: chiếc giường, ti vi, xe máy, ấm pha trà, phích nước...đều vểnh tai nghe?
      ( Em dứng chải tóc bên gương lược mới- dịu dàng-dịu dàng quá đổi)
      Kìa, chú chim nhỏ xíu đang nhún nhảy vô tư nhành tre đằng ngà hoe hoe lửa
      Từng chuỗi âm thanh trong suốt đổ hồi không biết mệt
      Kìa ngãi cứu, rau muối, cây cọ, chanh, ớt, riềng, vạn niên thanh rung rinh nhảy múa
      Kìa, những chiếc ảnh trên từng và bàn ghế, mái hiên, mặt trời, mặt trăng, lọ mực, trang sách, cây bút, cái quạt khò bếp...bỗng thấy xôn xao
      Tiếng chim say sưa, thánh thót, thanh tao
      Em ạ, tưởng chừng tiếng nói của mình trở thành cặn bã
      Đành lặng im, lặng im, lặng im
      Vườn nhà mình ngây ngất tiếng chim.



      Hùng Dũng, 3/5/2004
      BÀI ĐĂNG TRONG TẬP THƠ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG CỦA NGUYỄN ANH NÔNG, NXB QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, 2005

      NGUỒN: THI VIỆN
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2007 21:34:40 bởi Hoàng Trong >
      #3
        Hoàng Trong 08.10.2007 20:01:34 (permalink)
        NÀNG CÒNG GIÓ

               THƠ - NGUYỄN ANH NÔNG






        Anh thầm bước lăn tăn
        Theo dấu chân còng gió
        Ơi cô nàng bé nhỏ
        Trên cát em nhãy múa
        Trái tim ai phập phồng.

        Ơi cô nàng bé nhỏ
        Em giơ còng dọa ai
        Thoáng bóng anh xuất hiện
        Em co chân chạy hoài

        Ơ kìa, nàng biến mất
        Em trốn chạy đâu rồi?
        Đừng bỏ đi em nhé
        Để anh thành lẻ loi

        Đừng để anh thất vọng
        Đừng để chiều cô đơn
        Đừng để trời hoang vắng
        Đừng để buồn hoàng hôn

        Anh túm được em rồi
        Bỗng sững sờ ngơ ngác
        Khi bắt được niềm vui
        Bóng hình em đã khác...


        Đồ Sơn, 10.1998
        (Bài đăng trong tuyển thơ 1975-2000, NXB Hội Nhà văn)



        <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2007 21:36:21 bởi Hoàng Trong >
        #4
          Hoàng Trong 08.10.2007 20:04:46 (permalink)
          LẠC THỦY
                THƠ -  NGUYỄN ANH NÔNG


          (Tặng Tuấn Anh)

          I

          Tôi tới đây này, Lạc Thuỷ ơi!
          Sông Bôi(*) vang tiếng trẻ reo cười
          Kìa hang Trinh Nữ(*) cô sơn nữ
          Dăm gã trai khờ men tới nơi
          Bòng Bong(*) cây đứng như ai đứng
          Chi Nê(*) thì thầm em với tôi
          Ông lão đánh cờ không lạc nước
          Chòm râu phơ phất áng mây trời
          Bà lã lưng còng tay bới gió
          Lá vàng tứ phía cứ rơi rơi
          Đôi bò khua vó con đường đá
          Mặt trời
              đi
                 đủng đỉnh
                    như người.

          II

          Đầm Đa(*) lau trắng như tơ trắng
          Hoa vải Thanh Hà(*) hong nắng mai
          Hương chè ai hái thơm lên tóc
          Cầu Cả(*) bao chàng
                 ríu
                   bước
                        say.

          III
          Đồng Nội(*) người xưa thương mến ơi!
          Ù…u… vỏ ốc rúc liên hồi
          Nhớ em một sớm tôi tìm lại
          Lối cũ bơ phờ... ai lẻ đôi!


          (*) Các địa danh ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình.
          &&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

          LẠC THỦY- TÊN GỌI MỘT BÀI THƠ
                         lỜI BÌNH: NGUYỄN TẤN VIỆT

            Lạc Thuỷ, một địa danh, qua cảm xúc thẩm mỹ của cây bút Nguyễn Anh Nông, trở thành tên gọi một bài thơ, một tên gọi rất đặc trưng cho nhà thơ nhiều hào hển , lắm thảng thốt, trong lành và ngơ ngác, hồn nhiên và trải nghiệm này .
            Cái tên riêng mà thành thơ, lại ở mật độ cao, đồng thời lại là địa danh anh chưa một lần đặt chân tới, thế mà anh làm nên bài thơ hay.Tại sao thế !Cái gì đây?
             Anh đã làm cho quan niệm “tên riêng và con số là hai điều tối kỵ trong thơ , nhất là thơ trữ tình”, trở thành không đúng nữa, ít ra là bài này là một hy hữu , việc bài thơ của anh trở thành ngoại lệ với một tiền lệ phổ biến đưa ra những ý kiến lý thú và ngạc nhiên và nghĩ ngợi .
          Vậy Nguyễn Anh Nông thoát hiểm bằng cách nào. Thế mà anh cũng nhiều võ : bài bản và mảng miếng ra trò đấy. Thứ nhất anh biến địa danh thành tên gọi nhân vật trữ tình:
          Tôi đến đây này Lạc Thuỷ ơi !
            Anh dõng dạc, anh đàng hoàng tuyên bố cuộc viếng thăm người đẹp tưởng tượng, gọi tên một huyện như gọi tên người yêu.Từ “ơi” sao mà tha thiết, nồng thắm thế, nó vang trong tâm tưởng ít nhất là hai đối tượng, nhiều nhất không biết là bao nhiêu. Biến thiên nhiên thành đối tượng, xưa nay là thủ pháp quen thuộc, nhưng biến địa danh thành khách thể trữ tình thì chưa nhiều, với Anh Nông lại thành công. Điều kỳ lạ hơn là anh dùng thủ pháp này có ý thức bởi một số lượng khá lớn và cùng một thủ pháp mà anh biến hoá “màu sắc trữ tình”.
          Với hang Trinh Nữ thì :
          Kìa hang Trinh Nữ, cô Sơn nữ
          Dăm gã trai khờ men tới nơi.
          Với dốc Bòng Bong thì:
          Bòng Bong, cây đứng như ai đứng
          Với thị trấn Chi Nê thì :
          Chi Nê thì thầm em với tôi.
            Ở cái hang thắng cảnh thì chàng ví von, lại thổi vào sự đam mê, ví von nhân tình và khơi gợi đam mê khác giới.
          Ở cái dốc thì chàng đặt câu hỏi mơ màng “ai” đứng , “ai” vừa dùng để hỏi, vừa dùng để tả .
          Ở thị trấn thì chàng đã thân mật thì thầm, rì rào. Đặc biệt với di tích ngàn, vạn năm thì:
          Đồng nội , người xưa thương mến ơi!
          Thương mến ơi! Yêu mến à! Quý nhớ nữa! ạnh gọi ai đấy, con người ư, không, thiên nhiên đấy. Đến đây, chợt thấy niềm hoà đồng với tự nhiên của Nguyễn Anh Nông, thật là sâu xa, thật là gắn bó. Các địa danh anh đưa vào thơ vừa là tên riêng, lại là hình dung từ rất lạ, rất mới : Bòng Bong, Trinh Nữ, Đồng Nội ..., mới lạ đến mức thân quen, hay đúng hơn là vừa quen vừa lạ. Chính điều này đem hấp dẫn cho thơ.
            Sau khi đã chuyển hoá thiên nhiên thành con người, tác giả còn đi bước nữa, đó là cá thể hoá cái con người thiên nhiên đó :
          Ông lão đánh cờ không lạc nước
          Chòm râu phơ phấp áng mây trời
          Bà lão lưng còng tay bới gió
          Lá vàng tứ phía cứ rơi rơi.
          Ông lão, bà lão – hay là dáng núi, hình non mang dáng hình ông lão, bà lão. Núi hình người, non bóng người mà đó là người thì núi cũng có thể đánh cờ không lạc nước và lưng còng bởi gió và lắng nghe .
          Đôi bò khua vó con đường đá
          Và ngắm nhìn:
          Mặt trời đi đủng đỉnh như người
            Hai câu thơ tung ra như hai nét vẽ cẩn thận và phóng túng.
            Đôi bò- khua vó- con đường đá, hay con đường đá- khua vó- đôi bò, chỉ một thủ pháp hoán vị cộng với thủ pháp biến trạng ngữ thành tân ngữ tạo cho câu thơ sắc lẹm đến óng ánh thuỷ tinh.
          Đôi bò khua vó con đường đá.
            Ý vừa xa lại vừa gần, vừa cũ lại vừa mới, còn nữa tạo nên sự đanh gọn, khúc triết.
          Thủ pháp “hoán vị” lại là thủ pháp có ý thức nữa:
          Đầm Đa, lau trắng như tơ trắng
          Hoa vải Thanh Hà hong nắng mai.
             Hai từ Đầm Đa, đưa lên đứng một mình trong câu, vừa tưng bừng, kệ nó, mặc nó xoay xở lấy ý chí của nó thế mà nó xoay xở được! “ Lau trắng như tơ trắng”.
          Trở lại câu thơ: Mặt trời đi đủng đỉnh như người.
              Mặt trời không quay, không lên xuống, mà đi, còn đi đửng đỉnh nữa. Có núi cao mây thấp mới nhìn ra mặt trời như thế, có “bình yên” mới có thì giờ nhìn nó đủng đỉnh, thì rừng và suối chả bình yên mãi sao. Hoá ra câu thơ rất “miền núi”. Vì quả vậy, mặt trời đi đủng đỉnh thì là mặt trời trong màn sương rồi. Nó lại như người nữa, con người nơi bình yên, thanh thản nơi vùng cao mà.
               Một phát hiện nữa là mối quan hệ giữa sự sáng tạo và thực tế sáng tác. Cụ thể là “Lạc Thuỷ” là nơi tác giả chưa hề đến mà có một bài thơ hay. Trong khi chúng tôi, những người viết, đến đó ở hàng tháng lại không viết nổi như thế. Và thế là vấn đề thực tế lại không có vai trò gì chăng? tôi chợt nhớ tới đến ý trong lời một học giả: Nếu ở gần quá anh sẽ chẳng nhìn thấy gì, nhìn rõ nhất là qua một khoảng cách thích hợp. Hoá ra là thế: Nhìn gần quá bằng nhiều lý do anh lẫn lộn cái lớn, cái nhỏ, cái chính yếu và cái thứ yếu, cái bên ngoài và cái bên trong, nhìn xa hơn anh sẽ chữa được sai sót cảm tính đó, tức là đã đủ xa để bình tĩnh sàng lọc các chi tiết, tái hiện các ấn tượng, nhìn rõ bản chất của vấn đề, các chi tiết- còn- nhớ là chi tiết đắt, các chi tiết quên là chi tiết rẻ. Vấn đề quan trọng hơn là xa cách làm ta nhìn tổng thể sự việc. Vậy, đúng thế, các chi tiết “ Lạc Thuỷ” thật độc đáo và sinh động.
          Hoa vải Thanh Hà hong nắng mai
          Hương chè ai hái thơm lên tóc.
            “ Hoa” thì “ hong nắng”, “hương” thì “ thơm lên”, cả hoa và hương đều động đậy và chủ động.
            Cái thực tế lùi xa mà tồn tại sâu lắng trong lòng tác giả. Chuyện gì đây, hoá ra chưa đến Lạc Thuỷ, tác giả đã có Lạc Thuỷ rồi, từ đòi nảo , đời nào, từ ba bốn kiếp trước. Chả trách anh, nhà thơ Nguyễn Anh Nông cười mỉm, có chút gì ghen tuông với:
          Dăm gã trai khờ men tới nơi
          Chàng thơ, càng cảm thông với sự tấp nập của người cùng giới .
          Cầu cả, bao chàng ríu bước say
          Hoá ra anh đã có duyên tình với Lạc Thuỷ từ lâu rồi :
          Nhớ em, một sớm tôi tìm lại
          Lối cũ bơ phờ ... ai lẻ đôi!
              Mình cô đơn , còn đổ cho người khác lẻ đơn, hay người ta lẻ đôi là người mình đơn chiếc .
          Từ thực tế Nguyễn Anh Nông, có ý kiến cho rằng thực tế của thơ không phải là thực tế bên ngoài mà là thực tế trong lòng tác giả. Vậy đâu phải là anh không đi không có thực tế, vấn đề là thực tế nào, ở đâu tiếp cận nó, bằng phương thức nào.
             Nguyễn Anh Nông có thể chưa đến Lạc Thuỷ nhưng thực tế miền núi đã thấm vào anh lâu rồi, thành ấn tượng rồi, thành tiềm thức rồi, nay chỉ cần nhắc đến : dốc Bòng Bong, thị trấn Chi Nê, Đầm Đa, hang Trinh Nữ là ấn tượng ấy được gọi tên và niềm cảm xúc thức dậy ca hát thành thơ và sự đặt hàng thơ anh chỉ còn là cái cớ khơi dậy dòng sông kỷ niệm .
             Còn gì để nói về bài thơ “ Lạc Thuỷ” không nhỉ ? Còn vô số, còn các thủ pháp “ ve sầu thoát xác”, “mỹ nhân kế”, “đổi khách làm chủ”... nhất là “mượn xác hoàn hồn” và “ vô trung sinh hữu”.
          Từ “trong cái không tạo ra cái có”, Nguyễn Anh Nông đã đối diện: không có chi tiết mà có, không có chí mà có, không có tình mà có. Anh chẳng tới đó mà anh đầy chi tiết, anh không cấu tứ mà thành tứ, không phải thơ tình mà hoá thơ tình.
             Chi tiết của anh cứ tự thị, tự tôn, nối tiếp nhau mà chẳng liên quan gì. Không thấy chi tiết mà chỉ thấy cái thần thái của chi tiết, không thấy sự liên kết mà chỉ thấy sợi chỉ hồng xuyên suốt mong manh, có mà không đấy, cứ dây mơ rễ má mà vòng vèo quanh co, vớ vẩn mà có chủ ý. Các chi tiết rời rạc mà thần của nó gắn kết lại. Cái tứ ư: làm gì có, mà tồn tại hiện diện, lại sáng rõ cả bản tính, bản sắc nữa. Bài thơ ba đoạn, ngỡ vô tình mà hữu ý, đoạn nào cũng mở đầu bằng địa danh, bằng cảnh, các chi tiết thì phải chú thích, chú thích và chú thích, thế mà chan chứa nhân tình, chan chứa sự hoà hợp.
             Thơ tình ư, viết về cảnh đấy chứ, mê đích thị bài thơ tình. Lấy tình yêu trang trí cho bài thơ thôi, thế mà thành sự trang hoàng có chủ đề. Anh như chàng trai trong bài thơ Lạc Thuỷ khờ khạo lắm, nôn nao lắm và bơ phờ lắm. Đa tình nữa chứ.
              Từ không mà có, từ không đi mà tới, Nguyễn Anh Nông đã để lại một kinh nghiệm làm thơ cho bạn bè, cho độc giả, nhất là cho chính anh: nhà thơ Nguyễn Anh Nông ạ ./.

                                                     Nguyễn Tấn Việt
                                               ( Sở VH-TT Hoà Bình)
                                                   Hoà Bình,9/2001
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:02:53 bởi Hoàng Trong >
          #5
            Hoàng Trong 08.10.2007 20:06:57 (permalink)
            PHÂN THÂN
                  THƠ -  NGUYỄN ANH NÔNG


            Hoa bung biêng
            Gõ vang nỗi nhớ
            Chơ vơ đồi núi
            Không em
            Buồn thương
            Ngõ rừng
            Chếnh choáng
            Biền biệt xa
            Bằn bặt xa
            Anh hoá rồ hoá dại
            Anh thành con chồn ở chốn hoang sơ.

            Con chồn chốn hoang sơ
            Móng chân
            Cào đất
            Kêu trời
            Em có là củ mài củ vớn
            Anh cũng đào cũng bới em ra.

            Đằng này em là em
            mà anh thì bất lực
            thể nào anh cũng vớ được em.

            Rồi một lần anh vượt qua anh
            Anh thành anh với khuôn mặt khác
            Một lần em vượt qua em
            Em không chỉ thành sông mà thành thác
            Anh thành con thuyền vượt thác ghềnh em.

            Thác ghềnh chót vót chon von
            Có thể thuyền anh tan tành phút chốc
            Nhưng không, anh bồng bềnh, bồng bềnh
            Trôi như sương như mây
            Trôi như ngất như ngây..

            Bất chợt tóc em loà xoà, loà xoà
            Quấn xiết vào cổ vào vai làm anh tỉnh giấc
            Anh ngồi gỡ tóc em, tóc em.

            Không. Không phải tóc em mà là lâu trắng
            Lâu trắng tóc tiên mơn man da thịt anh...



            2-1996

            NGUỒN: THI VIỆN
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:03:49 bởi Hoàng Trong >
            #6
              Hoàng Trong 08.10.2007 20:09:25 (permalink)
              CÚC PHƯƠNG

                        THƠ - NGUYỄN ANH NÔNG


              Em nghiêng nón bài thơ lay bóng núi
              Mắt mộng mơ e ấp tuổi mười lăm
              Anh cổ thụ bên cây chò nghìn tuổi
              Xoè bàn tay ôm ấp bóng trăng rằm.

              Đá giận hờn, ghen tuông phách lối
              Mây vô tâm cũng hoá kẻ si tình
              Gió hào phóng bữa nay sao ích kỷ
              Hoa bung biêng sao nỡ chẳng rung rinh?

              Bươm bướm hỡi lung linh vờn bóng nắng
              Nhuỵ hoa thơm ngan ngát cánh ong say
              - Chim gõ kiến đừng khua tan giấc mộng
              Ta gối đầu thiêm thiếp Cúc Phương đây!

              - Ờ, có thể là anh hoang tưởng
              Tiếng vượn, tiếng chim léo nhéo ở bên trời
              Vùng vằng em đi tóc vờn gió núi
              Anh - cây chò vòi vọi châng vâng.




              2-5-1998


              BÀI ĐĂNG TRONG TẬP THƠ MÂY BAY, XUẤT BẢN NĂM 2000

              NGUỒN: THI VIỆN
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:05:18 bởi Hoàng Trong >
              #7
                Hoàng Trong 08.10.2007 20:12:38 (permalink)
                THẢO NGUYÊN ĐÊM

                            THƠ - NGUYỄN ANH NÔNG



                Bập bùng ngọn lửa, bập bùng đêm
                Cây cỏ liêu xiêu dưới gót mềm
                Đèn trăng ai thả bay lơ lửng
                Anh cùng em lạc giữa cung tiên.

                Cung tiên: sỏi đá như mềm mại
                Lời em dịu ngọt rót vào men
                Tình anh gió thoảng xanh như lá
                Cứ rực hồng lên ánh lửa đèn.

                Cồng chiêng ai gõ bâng khuâng quá
                Trời ơi, mặt đất cứ chao nghiêng
                Rượu cần mới nhấm đôi ba giọt
                Chân tay cũng có nỗi niềm riêng.

                Cỏ cây bỗng hát lời của gió
                Sóng nước sông Đà vỗ vỗ êm
                Trăng lặn, lửa tàn, sương ướt tóc
                Tiếng vạc ngang trời ngỡ tiếng em.

                 
                NGUỒN: THI VIỆN
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:06:08 bởi Hoàng Trong >
                #8
                  Hoàng Trong 08.10.2007 20:15:46 (permalink)
                  NHÀ TA
                           THƠ -  NGUYỄN ANH NÔNG


                  Trước nhà: rạo rực vầng đông
                  Sau nhà: dòng sông thao thiết
                  Khóm tre xôn xao, khúc khích
                  Mái hiên kết nụ tầm xuân.

                  Vườn ta - một lồng tiếng chim
                  Sân ta - một vườn bọn trẻ
                  Nhà ta - chiếc chòi thế kỷ
                  Hương đồng gió nội thoảng đưa.

                  Con ta - Hai thằng quỷ sứ
                  Chọc nhau chí chóe suốt ngày
                  Học hành được chăng hay chớ
                  Chơi bời bát ngát cung mây.

                  Vợ ta - vốn cô thôn nữ
                  Thương chồng con ít ai bằng
                  Lam làm sớm hôm tất bật
                  Quên hết mặt trời mặt trăng.

                  Riêng ta - đi xa biền biệt
                  Tháng năm mải miết, đam mê
                  Về nhà, từ vầng trăng lạ
                  Một năm được mấy trung thu.



                  1995

                  NGUỒN: NXB QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, 2005
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:06:44 bởi Hoàng Trong >
                  #9
                    Hoàng Trong 08.10.2007 20:18:27 (permalink)
                    HÁT DƯỚI TRĂNG VÀNG

                           THƠ- NGUYỄN ANH NÔNG


                    Tặng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)

                    Ta đi tìm ta bâng khuâng hơi thu
                    Trời đã đông đâu mờ ảo sương mù?
                    Ta như vầng tăng tròn rồi lại khuyết
                    Ta như người say người say mộng mơ.

                    Ta bây giờ đã là người đến muộn
                    Em xinh tươi lỗi hẹn với ai rồi?
                    Em nhí nhảnh, em kiêu sa, em dại dột
                    Em chân thành với trái tim đơn côi?

                    Và, cứ thế, sao trời ơi, cứ thế
                    Giọt buồn vui tí tách đa mang
                    Ta như đất nằm mơ điều huyền diệu
                    Mà bàn tay buông bắt...lỡ làng.

                    Rồi, đêm xuống bình minh bao tổ ấm
                    Đôi cánh màn khép lại, chuyện ái ân...
                    Ta - chú dế cô đơn, vò võ
                    Dưới trăng vàng bên cọng cỏ dương gian
                    Hình như mắt như mi và như tóc
                    Giàn giụa thu - cõi lệ, sương tan.



                    24/9/1993

                    NGUỒN: THI VIỆN
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:07:39 bởi Hoàng Trong >
                    #10
                      Hoàng Trong 08.10.2007 20:36:52 (permalink)
                      một địa chỉ giới thiệu thơ Nguyễn Anh Nông
                       
                       Nguồn, Thơ Việt:http://www.thovn.net/viewarthor.asp?athor=103
                      #11
                        Hoàng Trong 08.10.2007 20:38:57 (permalink)
                        HOA BẰNG LĂNG
                                         THƠ- NGUYỄN ANH NÔNG
                         
                         
                        I
                        Chọn một mùa để nở hoa thôi
                        Hoa bằng lăng tím lừng góc phố
                        Hoa e ấp như người thiếu nữ
                        Một chiều hè, gió trở, bâng khuâng

                        Hoa bằng lăng, ơi hoa bằng lăng
                        Hoa chan chứa sắc mầu kỷ niệm
                        Cánh mỏng manh duyên thầm lưu luyến
                        Hoa thương ai chung thuỷ đợi chờ?

                        Anh là chàng trai trẻ bơ vơ
                        Gặp hoa tím rồi thương, rồi nhớ
                        Như thương nhớ một người thiếu nữ
                        Mà một thời khao khát, mê say.

                        II
                        Chiều may trời trở gió, heo may
                        Áo kín cổ, mình anh dạo phố
                        Cây còn đó hoa đâu còn nữa
                        Hoa bằng lăng, em trốn nơi nào?

                        Anh nhìn lên trời xanh nôn nao
                        Cây như nói điều gì chẳng rõ?
                        Nhấp giọt nắng đôi chim xanh tình tự
                        Thấm nỗi buồn chân anh bước bâng quơ...



                        T.B, 5/12/1992
                        Nguồn: Rút trong tập thơ Bàn Tay Lá Cỏ- NXB Văn học, năm 1993



                        Một địa chỉ của tác giả Nguyễn Anh Nông

                        Nguồn:http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.11.2007 09:26:33 bởi Hoàng Trong >
                        #12
                          Hoàng Trong 08.10.2007 20:42:57 (permalink)
                           

                          NGUYỄN THỊ BÍCH NGA DỊCH  2 BÀI THƠ CỦA NGUYỄN ANH NÔNG SANG TIẾNG ANH

                           
                          Đà giang, miền bè bạn 


                          I
                          Người tung hòn đá đầu tiên chặn dòng Đà Giang nay đã về nơi trời cũ
                          Bức thư gửi trăm năm sau nhắn nhủ điều gì?
                          Núi uy nghi
                          Sông rầm rì
                          Em khoả sóng gót hồng toan bước nhẹ
                          Bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng.

                          II
                          168 kỹ sư và công ngân Nga- Việt
                          168 trái tim kỳ vĩ
                          168 đôi tay trong triệu triệu đôi tay
                          Góp gom tình hữu nghị
                          Lấp lánh dòng Đà Giang.

                          III
                          I-A-Ly là đâu?
                          Nghe róc rách tâm can bè bạn
                          Tà Pú là đâu?
                          Ai hăm hở lên miền sơn cước.
                          Tiếng khúc khích trên cao ngàn thước
                          Gió nôn nao mây khói bén hơi người
                          Sông Đà dâng-dòng nước ngập ngừng trôi
                          Nghe rậm rịch thượng nguồn tuôn thác lũ
                          Lá vàng rơi chới với gió mưa sa.

                          IV
                          Sao chiều nay tôi gọi em: - Sông Đà!
                          Mặt trời mặt trăng rủ nhau về đoàn tụ
                          Lòng ngực trẻ râm ran nhịp thở
                          Bóng con cò be bé nhẩn nha bay.

                          NGUYỄN ANH NÔNG  
                           
                          Nguồn:http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13128

                           Đà River, the friendship region 

                          I
                          The man who had thrown the first stone to stop Đà River went back to his old place
                          What did the letter want to say to one hundred years later?
                          The mountains were standing giantly
                          The rivers were singing softly
                          You dipped in water, your lovely feet walked tenderly
                          I felt dazed in front of the white arundinaceous canes. 

                          II

                          168 Russian – Vietnamese engineers and workers
                          168 wonderful hearts
                          168 pairs of arms in millions arms
                          The friendship was collected
                          Made Đà River be glittering. 
                          III
                          Where was I-A-Ly?
                          It was full of hot hearts of the friendship
                          Where was Tà Pú?
                          We went up to the mountain areas eagerly.
                          The sounds of giggling echoed from there
                          Winds were blowing, clouds and smoke were hanging about people
                          Đà River raised – the current was running slowly
                          From the upper river, waterfalls and whirlpools began
                          Yellow leaves were falling down in the heavy rains. 
                          IV
                          This afternoon why I called you: “Đà River!”
                          The sun united with the moon
                          We breathed with our young chests
                          A small white stork was flying slowly in a distance.


                          DỊCH THƠ: Nguyễn Thị Bích Nga   
                           


                          Đêm ở rừng nghe tiếng chim quý


                           - Queng quý giót...
                          - Queng quý giót...
                          *
                          Tiếng chim trong đêm
                          Làm tôi giật thót
                          Tiếng chim hay em
                          Gọi tôi trong mơ?
                          *
                          - Queng quý giót...
                          - Queng quý giót...
                          *
                          Rừng khuya trăng mờ
                          Lũ nguồn tuôn réo
                          Nằm lắng chim kêu
                          Trong lòng ruột héo.
                          *
                          Riêng mình dư chăn
                          Dư màn, dư chiếu
                          Mà vẫn băn khoăn
                          Đời như còn thiếu
                          "Một hơi thở ấm
                          Thoảng hương hoa chanh
                          Một làn tóc rối
                          Xõa xanh vai mình
                          Một lời thủ thỉ
                          Đêm dài qua nhanh"
                          *
                          - Queng quý giót...
                          - Queng quý giót...
                          *
                          Thế là chim hót
                          Thế là tôi nghe
                          Thế là thao thức
                          Thế là tôi nghe...
                          Cao Bằng, 1989

                          NGUYỄN ANH NÔNG
                          Nguồn:
                          http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13129



                          Hearing “quý” bird singing songs in the night forest 

                          - Queng quý giót...
                          - Queng quý giót...
                          *
                          A bird’s voice in the night
                          Made me startled
                          A bird’s voice or your voice
                          Called me in my dream?  
                          *
                          - Queng quý giót...
                          - Queng quý giót...
                          *
                          The dim moon was on the night forest
                          Whirlpools were spurting noisily
                          I lay down, hearing a bird’s voice
                          And my heart felt so sad.
                          *
                          I had more blankets
                          More nets, more mats than I needed
                          But I still asked myself
                          It seemed I missed something
                          “A warm breath
                          With the smell of lemon flowers
                          Some tangled hair
                          Covered my shoulders
                          A whispering voice
                          Made my long nights go fast” 
                          *
                          - Queng quý giót...
                          - Queng quý giót...
                          *
                          Then a bird sang songs
                          And I heard it
                          Then I couln’t sleep
                          And I heard it… 

                          Cao Bằng, 1989

                          Nguyễn Thi Bích Nga - dịch sang tiếng Anh

                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:10:17 bởi Hoàng Trong >
                          #13
                            Hoàng Trong 08.10.2007 20:50:06 (permalink)
                            NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG



                            Những tháng năm ở rừng
                            Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
                            Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.

                            Những tháng năm ở rừng
                            Ăn trong nắng, ngủ trong sương
                            Ngày mấy bận ngóng thư
                            Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió.

                            Những tháng ở rừng
                            Đồng đội mấy người gục ngã
                            Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.

                            Những tháng năm ở rừng
                            Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
                            Tin quê bão bùng lụt lội...

                            Những tháng năm ở rừng
                            Người thân xưa hờ hững hoá người dưng
                            Ngày xuống phố-
                            thẩn thờ, ngơ ngác

                            Những tháng năm ở rừng
                            Bập bùng bao kỷ niệm
                            Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
                            Âm ỉ cháy trong ta da diết.



                            Cao Bằng, 1988

                            NGUYỄN ANH NÔNG

                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:20:49 bởi Hoàng Trong >
                            #14
                              BĂNG NGUYỆT 10.10.2007 17:27:51 (permalink)
                              Chào mừng HT đến với dd VNTQ nha , Ko biết Hoàng Trong có fải là Nguyễn Anh Nông hay ko nè...nếu ko bn fải dời bài wa thơ sưu tầm á...Chúc vui và vui nhiều...
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 29 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9