Giá trị của lời xin lỗi
hoaphuong 07.01.2010 19:56:32 (permalink)
Sưu tầm giới thiệu kĩ năng sống

Giá trị của lời xin lỗi


Xin lỗi không phải là một nét tế nhị có tính xã hội. Nó là một lễ nghi quan trọng, một cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan. Nó cũng là cách thừa nhận một hành vi mà nếu bỏ qua, có thể làm hại đến mối liên hệ nào đó.

Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận và ngăn chặn các hiểu lầm có thể có trong tương lai. Trong lúc xin lỗi không thể xóa bỏ nỗi đau có thực đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nếu nó được nói ra một cách chân thành và có hiệu quả thì nó có thể hóa giải các mặt tiêu cực của các hành động gây lỗi.

Tác dụng hàn gắn của việc xin lỗi

Người có cảm giác bị xúc phạm trước đó có cảm giác như được "hàn gắn vết thương" khi người gây ra lỗi nhận ra lỗi của mình. Khi chúng ta nhận một lời xin lỗi, chúng ta sẽ không còn cảm thấy người kia như là một hăm dọa cho cá nhân mình nữa. Xin lỗi sẽ làm chúng ta quên cơn giận của mình, có thể giúp ta không "nhảy bổ" vào sự giận dữ một cách dễ dàng đối với người đó trong tương lai. Xin lỗi mở cánh cửa của sự tha thứ, giúp chúng ta cảm thông với người gây ra lỗi.

Những lợi ích cho cả đôi bên

Khi chúng ta lỡ xúc phạm đến người nào, đặc biệt nếu người đó là cha mẹ ruột, thì sự hối hận và xấu hổ khiến chúng ta khó chịu bần thần. Khi xin lỗi và chịu trách nhiệm về hành động của mình, chúng ta có thể gột bỏ được mặc cảm tự trách móc và có tội. Xin lỗi có khả năng làm "dịu" đi những bản tính xấc xược nhất. Khi chúng ta có can đảm nhìn nhận là chúng ta sai và vượt qua cái "vướng vướng" ngang tàng khi muốn xin lỗi, chúng ta đã phát triển được tính tự trọng.

Xin lỗi làm chúng ta hòa hợp trở lại trên bình diện cảm xúc với bạn bè và người thân. Khi gây ra lỗi ta có thể thấy giữa mình và nạn nhân của ta có một khoảng cách. Nhưng khi xin lỗi xong, chúng ta cảm thấy thanh thản hơn và lại thân thiện với nạn nhân như xưa.

Và xin lỗi có tác dụng như "vũ khí phòng ngừa từ xa", vì xin lỗi khiến ta cảm thấy khiêm tốn hơn, nên nó có thể nhắc nhở chúng ta đừng có tái phạm lỗi khiến ta... có thể lại phải đi xin lỗi nữa.

Ý định và thái độ khi xin lỗi

Ý định và thái độ của người xin lỗi rất quan trọng. Chúng được người kia cảm nhận không thông qua lời nói. Nếu lời xin lỗi không chân thành, người kia sẽ thấy... xin lỗi cũng như không.

Ý định xin lỗi, vì thế có vai trò to lớn. Bạn không nên xin lỗi nếu có ai đó bảo đây là việc đúng phải làm, hay vì người kia đang mong bạn xin lỗi... cho hả giận hay tại vì bạn có một ý rất "gian tà" là sẽ được hưởng cái gì đó cho lời xin lỗi hôm nay. Xin lỗi đi từ trái tim đến trái tim, thẳng băng và không đóng kịch. Nếu không, xin lỗi sẽ rỗng tuếch và vô nghĩa.

Một lời xin lỗi chân thành có khi mạnh như bom nguyên tử, có khả năng biến đổi đời người, cho cả người xin lỗi và kẻ nhận lời xin lỗi.

Xin lỗi như thế nào?

Nếu bạn là người rất khó xin lỗi ai, thì những gợi ý sau đây có thể giúp bạn: một lời xin lỗi có ý nghĩa bao giờ cũng có dấu ấn của ba chữ r: regret (hối tiếc), responsability (trách nhiệm), remedy (chữa trị).

Hối tiếc là bạn muốn cho người đó biết thật ra trong thâm tâm, bạn đâu có muốn xúc phạm người đó. Cần cho người đó biết sự hối tiếc này, vì nó chứng tỏ bạn thừa nhận là mình đã sai. Trách nhiệm là bạn ngầm bảo chỉ có bạn chịu lỗi, không đổ lên đầu ai khác. Một thái độ rất can đảm. Chữa trị là thái độ chân thành muốn sửa sai, vì thế bạn thấy con cái (còn nhỏ) xin lỗi cha mẹ bao giờ cũng lí nhí kèm theo câu: "Con không dám tái phạm nữa".

Nếu ba yếu tố quan trọng đó mà không có trong lời nói và thái độ xin lỗi của bạn thì người kia sẽ thấy có "cái gì đó" trống rỗng trong lời xin lỗi của bạn.

Chúc bạn luôn sống thanh thản và lần sau sẽ không tiếp tục mắc lỗi. 





#1
    HOA HUYỀN 07.01.2010 21:26:51 (permalink)
    Bài này đọc rất hay, nhiều bổ ích cho mọi người lắm đấy hoaphuong à
    #2
      hoaphuong 03.02.2010 19:49:02 (permalink)
    • Ai đó yêu bạn không phải vì bạn là ai mà vì họ sẽ là ai khi họ đi bên cạnh bạn.


    • Không ai đáng giá bằng những giọt nước mắt của bạn. Và những người đáng giá sẽ không bao giờ làm bạn khóc.


    • Ðừng bao giờ cau mày hay nhăn mặt thậm chí khi bạn đang buồn. Chắc chắn sẽ có ai đó yêu bạn chỉ vì nụ cười của bạn thôi. Với thế giới, bạn chỉ là một cá nhân, nhưng với một ai đó, bạn là cả thế giới.


    • Ðừng phí thời gian cho những ai không sẵn sàng dành thời gian của họ cho bạn.Có lẽ Thượng Ðế muốn chúng ta gặp một vài người sai trước khi gặp đúng người để ta càng biết ơn người đó hơn.


    • Ðừng khóc vì mọi việc đã qua, hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước.


    • Luôn nhớ rằng bạn có hai cánh tay: một để tự giúp đỡ chính mình, một để giúp đỡ những người khác.


    • Ðừng kì vọng quá nhiều. Ðiều tốt đẹp nhất sẽ đến khi bạn ít trông chờ nhất.


    • Hãy nhớ: mọi việc xảy ra đều có nguyên do.


    • Đừng xem trọng bề ngoài - bề ngoài có thể đánh lừa ta. Đừng xem trọng sự giàu sang - sự giàu sang có thể mất dần. Hãy đến với người làm ta cuời vì chỉ có nụ cười mới biến một ngày buồn thành vui tươi. Chúc các bạn tìm được người bạn như thế.


    • Có những lúc trong cuộc đời ta nhớ một người đến nỗi bạn chỉ muốn kéo người ấy ra khỏi giấc mơ để ôm chặt lấy. Chúc bạn mơ thấy một người như thế.


    • Hãy mơ điều bạn thích mơ. Hãy đi nơi bạn thích đi. Hãy trở thành người mà bạn muốn trở thành. Bởi vì ta chỉ có một cuộc đời và một cơ hội để thực hiện tất cả những gì ta mong mỏi trong cuộc đời ấy .Chúc bạn có được lòng can đảm.


    • Chúc bạn có đủ hạnh phúc để được dịu dàng; đủ từng trải để được mạnh mẽ; đủ nỗi buồn để biết cảm thông ;đủ hi vọng để hạnh phúc và đủ tiền mua quà tặng tôi. Tôi chúc bạn có đủ.


    • Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi không thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.


    • Những người bạn tốt nhất là những người bạn có thể im lặng cùng ta ngồi ngoài hiên hay trên xích đu để rồi khi ta đi , ta cảm thấy như vừa được trò chuyện thật thích thú . Chúc bạn quen được nhiều người như tôi.


    • Đúng là ta chẳng biết ta được hưởng những gì nếu ta không mất nó .Nhưng cũng đúng là ta chẳng mong mỏi cái gì nếu ta không có nó. Chúc bạn không biết để không phải chịu đau khổ như thế .


    • Một lời bất cẩn có thể gây bất hoà .Một lời độc ác có thể làm hỏng cả một cuộc đời .Một lời đúng lúc có thể làm giảm căng thẳng .Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc. Chúc bạn biết điền vào chỗ trống.


      Đừng quên hy vọng, sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bị bỏ rơi.

      Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Chỉ cần tin là mình có thể làm được và bạn lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó.

      Đừng lấy của cải vật chất đo lường thành công hay thất bại. Chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ "giàu có" trong cuộc sống của mình.

      Đừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua.

      Đừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ, ở bất kỳ khoảng thời gian nào trong cuộc đời.

      Đừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu, đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.

      Đừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.

      Đừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn đã sụp đổ, vì biết được thêm một điều mới mẻ thì đó là lúc bạn tiến bộ rồi.

      Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bạn.

      Đừng quên tìm cho mình một người bạn thật sự, bởi bạn bè chính là điều cần thiết trong suốt cuộc đời.

      Và cuối cùng đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần. Bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng.

    • #3
        hoaphuong 20.03.2010 13:18:06 (permalink)
        So với các thế hệ phụ nữ trước kia, có lẽ chưa bao giờ người con gái Việt nam đạt đến tầm cao trí tuệ thông minh và sắc sảo như phụ nữ bây giờ. Không ít cô gái ở độ tuổi 30 nhưng đã có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, có người đã đảm đương những chức vụ chủ chốt trong doanh nghiệp hoặc có vị trí cao trong xã hội .
         Nhưng các cô gái thời nay đánh mất đi, nói đúng hơn là làm mai một đi một số điều mà một người phụ nữ cần có, đó là một sự thật đáng tiếc!
        Những kết quả khảo sát về tâm lý học và xã hội học gần đây cho thấy: Phần lớn các bạn trẻ nữ vụng về trong việc bếp núc, ngại nấu ăn. Không cần biết đến đường kim mũi chỉ, không biết cách trang trí dọn dẹp nhà cửa sao cho gọn gàng ngăn nắp.Chính vì lẽ đó nên một nhà thẩm phán tòa án dân sự cho biết những năm gần đây số lượng cuộc ly hôn xảy ra ở những đôi vợ chồng trẻ mới lấy nhau được 2-3 năm có mật độ khá dày mà nguyên nhân đổ vỡ chỉ vì những chuyện lặt vặt trong nhà. Nhiều người phụ nữ không biết cách chi tiêu, thu nhập cao nhưng chưa hết tháng đã hết tiền, nhà cửa bừa bãi, con cái nhếch nhác bẩn thỉu, vợ chồng sinh ra cãi cọ , xúc phạm lẫn nhau tình cảm vợ chồng sứt mẻ không thể hàn gắn được nữa.
        Điều đáng tiếc nữa là nếp sống quá hiện đại đã làm một số bạn trẻ quên đi vẻ thùy mị, dịu hiền tươi tắn của người con gái . Có bạn tiết kiệm cả lời nói đến nụ cười, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng cau có, đi đâu về nhìn thấy khách của cha mẹ chỉ gật đầu chào khẽ rồi vội vàng đi về phòng riêng, hoặc chào khách nhưng kèm theo lời chào là vẻ mặt "lạnh như tiền"! Ngày xưa những cử chỉ như vậy được các cụ gọi là " hãm tài" , ngày nay được gọi là "ứng xử thiếu văn hóa ! " Những bạn đó đã quên mất một trong tứ đức của người con gái đó là chữ DUNG ( dung nhan tươi tỉnh chứ không phải là dung nhan được tô vẽ trang điểm cầu kỳ! )
        Một điều đáng tiếc nữa là cách nói năng: Trong khi miền Bắc có từ " vâng " duyên dáng nhẹ nhàng, miền  Trung và miền Nam có tiếng " dạ " ngọt ngào và dễ thương, bây giờ những từ ấy được nhiều bạn nữ thay thế bằng tiếng "ok"  một cách tùy tiện và xen vào trong câu nói coi như "mốt " nghe thật vô cảm và cộc lốc!
        Trong một hội thảo về xã hội học, một nhà nghiên cứu về xã hội học đã tâm sự :" Các cô gái hiện đại hình như đang đánh mất đi cái gì đó rất khó diễn đạt thành lời? Phải chăng đó là vẻ mềm mại dịu dàng, duyên dáng rất đặc trưng của người con gái Việt nam nói riêng và phụ nữ Á- Đông nói chung. Nhiều bạn mặc trang phục hở hang, khêu gợi, trang điểm quá cầu kỳ mà theo nhiều người đánh giá:" Làm cho người khác có cảm giác thấy sợ vì đó không phải là bộ mặt thật của một người phụ nữ bình thường mà là bộ mặt của một diễn viên tuồng chuẩn bị bước lên sân khấu!"
        Có những loài hoa được nhiều người yêu thích không chỉ vì màu sắc rực rỡ và mùi hương thơm ngát dịu dàng của loài hoa ấy! Một người con gái được nhiều người quý mến và ngưỡng mộ không chỉ vì sắc đẹp trời cho mà còn vì cả lời ăn tiếng nói mặn mà đằm thắm, cử chỉ dịu dàng thùy mỵ. Đó là nét duyên của người con gái mà bất kỳ bạn gái nào cũng cần phải có và có thể làm được. Hãy cố gắng trở thành một bạn gái có duyên bạn nhé! Chúc bạn thành công
        #4
          hoaphuong 20.03.2010 13:56:15 (permalink)
          Ta về ta "chén" cơm ta
          Dẫu hơi... quá lửa, cơm nhà vẫn hơn!

          Nói đến "cơm nhà", chắc chắn quý vị nào giàu óc tưởng tượng sẽ lập tức nghĩ ngay đến chuyện "ẩn ý" xa xôi. Xin thưa: người viết đang nói chuyện cơm nghiêm túc một trăm phần trăm, còn chuyện nghĩ ngược nghĩ xuôi, nếu có là... do độc giả!
          Chẳng biết bên trời Tây - nơi chủ nghĩa cá nhân được sùng bái, tôn vinh - người ta thu xếp chuyện ăn uống ra sao; nhưng còn xứ ta - ngoại trừ những người sống độc thân, phải bấm bụng mà chịu cảnh "cháo chợ cơm hàng" hay "nước lọ cơm niêu" - người Việt có gia đình đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của những bữa cơm nhà.
           
          Ngày bé mê chơi, thỉnh thoảng đến bữa cơm tôi vẫn còn lang thang đâu đó với những trò đá dế, bắn bi; mẹ tôi lại vác roi đi tìm. Tìm được, sau vài "con lươn" cảnh cáo, mẹ giải thích đơn giản: cần ăn một thể để khỏi mất công để dành đồ ăn, dễ bề dọn dẹp! Ừ, kể cũng có lý; đầu óc của một đứa trẻ cũng chỉ có thể hiểu giản đơn như thế; và cái "giản đơn" ấy theo tôi lâu lắm - đến hơn nửa đời người...
          Sau này, khi đã trưởng thành lắm khi vì công việc (và không loại trừ cả chuyện... mê chơi) mà bỏ bữa hoặc về trễ giờ cơm; mẹ không còn "vác roi đi kiếm"; nhưng cụ có vẻ buồn. Đứa trẻ ngày xưa bây giờ cũng đã "khôn" ra chút đỉnh bằng lời nhắc: "Con có về trễ, mẹ cứ ăn cơm; đừng đợi!". Ây thế nhưng - nhiều bữa về nhà mâm cơm đã nguội tanh còn mẹ vẫn đang vò võ ngồi chờ! Tôi giờ đã có vợ con, chuyện dọn dẹp, để dành đâu cần mẹ để ý, quan tâm nhưng bữa cơm gia đình mà con cháu "đứa đi Đông, đứa đi Tây" (thành ngữ của mẹ tôi) vẫn khiến mẹ không vui. Kỳ lạ!
          Không riêng mẹ, hình như cả vợ tôi cũng không vui. Bao lần nghe tôi "giải trình" cực kỳ... hữu lý về nguyên nhân về trễ giờ cơm, vợ tôi hết cãi, đành bấm bụng làm thinh. Nhưng xem ra nàng vẫn "chưa thông", mặt cứ lầm lầm...
          Riêng tôi, thú thực, ăn cơm nhà hoài lâu lâu làm bữa cơm hàng hoặc tô phở (ấy, tôi đang nói phở có thịt bò, rau giá; không phải "phở"... linh tinh!) cũng thấy ngon. Nhưng chỉ ngon một bữa thôi, ăn hoài tới bữa thứ hai, thứ ba lại đâm ngán. Chẳng trách ông bạn tôi làm nghề ngược xuôi buôn bán cứ nhắc đến chuyện "cơm hàng cháo chợ" lại mặt nhăn như bị - mà bạn tôi đâu phải thuộc dạng nghèo khó, hàng quán bạn vào luôn là những nơi... trên mức trung bình! Tại không hợp khẩu vị chăng? Có thể lắm. Tôi cũng nghĩ thế và tin thế; cho đến ngày vợ tôi đi vắng, một mình tôi ở nhà.
          Đến bữa, cơm canh vẫn như mọi khi mà sao... chán quá. Chẳng lẽ... bỏ cơm; đành phải nuốt vội vàng cho xong bữa; chẳng ngon lành gì! Mấy ngày ấy giúp tôi "ngộ" ra một điều: bữa cơm nhà không chỉ ngon vì quen khẩu vị. Còn có một cái "ngon" khác. Cái "ngon" ấy, phải chăng, xuất phát từ không khí gia đình tựu tề đầm ấm? Hình như đúng. Cái khoảnh khắc quây quần bên nhau trong bữa cơm nhà tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng cần thiết. Ây là khoảnh khắc để củng cố, thắt chặt thêm mối dây ràng buộc, thông cảm, yêu thương nhau giữa các thành viên dưới một mái nhà. Y học cho rằng nói chuyện trong bữa ăn làm cơm... khó tiêu; nhưng cứ thử tưởng tượng một bữa cơm không có tiếng chuyện trò hẳn sẽ buồn lắm. Người Việt có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện; và "khó tiêu" ở đâu không biết, chứ thực tế, những câu chuyện không đầu không đũa (ngoại trừ... cãi lộn!) đính kèm lúc ăn giống như một thứ "gia vị phần hồn" làm cho cơm cá... hết tiêu! Hèn chi các số liệu thống kê đều cho biết rằng: người có gia đình đa số thường sống thọ hơn các vị độc thân. Điều ấy chắc chắn không thể không tính đến công lao của những bữa cơm nhà. Mẹ tôi không được học hành nhưng cụ cảm nhận được điều đó. Trước cả tôi, vợ tôi cũng cảm nhận được điều đó. Hình như trời sinh những người phụ nữ thường tinh tế hơn đàn ông trong vấn đề cảm nhận. Nói cách khác, phụ nữ đôi khi thua chúng ta về cái lý nhưng nhiều khi lại ăn đứt chúng ta về cái tình!
          ... Khi tôi ý thức trọn vẹn về ý nghĩa thiêng liêng của những bữa cơm nhà thì mẹ tôi đã không còn. Và tôi cứ muốn khóc khi nhớ đến buổi chiều về trễ, bắt gặp mẹ ngồi một mình trệu trạo nhai cơm, đôi mắt buồn hiu thỉnh thoảng lại ngong ngóng nhìn mông ra ngõ...


          #5
            hoaphuong 18.04.2010 21:02:28 (permalink)
            THĂM BẠN

            Dẫu sao cũng đã qua rồi
            Trái tim non nớt một thời thơ ngây.
            Hẳn còn duyên nợ chi đây?
            Khiến tôi náo nức đêm ngày chờ, mong.

            "Thà rằng chẳng biết cho xong
            Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu..."
            Vinh quang, cay đắng đã nhiều,
            Buồn vui một thuở sớm chiều bâng khuâng...

            Ngày nào lỗi hẹn cố nhân
            Để ai còn-mất, xa-gần không hay!
            Trăm năm thu lại một ngày,
            Thề xưa, ước cũ tàn bay về nguồn...

            Bây giờ cách trở âm- dương,
            Về đây đốt nắm hương thơm khóc người!
            Gần trong gang tấc người ơi
            Mà sao thăm thẳm xa xôi nghìn trùng...

            Thương ai sương gió lạnh lùng,
            Chia tay hẹn gặp, xin đừng buồn...Ai!


            #6
              Xuân Mai 23.04.2010 23:37:21 (permalink)
              Thân chào bạn hoaphuong , bạn có nhiều bài hay quá, giúp ích nhiều trong đời sống này. Chúc bạn vui khoẻ viết nhiều hơn nữa nhé.
              #7
                Hải Quỳnh 28.04.2010 21:55:51 (permalink)
                Chào hoaphuong, các bài viết của bạn rất hay, rất ý nghĩa. Tôi sẽ phải học hỏi mọi người nhiều đây.
                Tặng bạn bài thơ làm quen
                    Để lại cho tôi mùa hoa phượng
                    Để lại cho tôi chút yêu thương
                    Mưa bụi đường dài em đã bước
                    Còn mãi cho tôi nỗi vấn vươn.
                #8
                  Tóc nâu 30.04.2010 03:20:14 (permalink)

                  Trích đoạn: hoaphuong

                  Chẳng biết bên trời Tây - nơi chủ nghĩa cá nhân được sùng bái, tôn vinh - người ta thu xếp chuyện ăn uống ra sao;



                  Chủ nghĩa cá nhân nơi nào cũng có !
                  Sùng bái, tôn vinh nó chỉ thuộc về một phần nào trong xã hội mà thôi !
                  Người Tây phương , họ cũng còn đầy những gia đình gia giáo, sùng đạo, coi chủ nghĩa cá nhân là điều nên tránh xa , cũng cơm nhà thanh đạm nhưng ngon và hạnh phúc như người Việt Nam hay các giống dân có một nền tản văn minh tự lâu đời ! Đôi lời góp vui với bài viết để giải đáp câu hỏi trên chút ít!

                  Cảm ơn Hoaphuong đã sưu tầm đem về TQ những bài viết rất hay nha!

                  Tóc nâu.


                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9