ĐỜI SỐNG -XÃ HỘI: BẢO VỆ NĂNG CHỨC LÀM MẸ, TRẺ THƠ VÀ THANH THIẾU NIÊN
Nguyen Thi An Giang 03.08.2011 20:47:21 (permalink)
Kính thưa quý vị trong Ban Quản Trị.
An Giang có một chuyện không hiểu trong topic 'ĐỜI SỐNG - XÃ HỘI' tại sao không có MỤC - ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY - NƠI ĐÂY CÓ THỂ LÀ TỦ LƯU TRỮ NHỮNG TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU VÀ GIÁO DỤC TỪ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH - HỌC ĐƯỜNG CÙNG SINH HOẠT ĐỜI THƯỜNG TRONG XÃ HỘI.

An Giang tìm không thấy TOPIC phù hợp với đề tài

BẢO VỆ NĂNG CHỨC LÀM MẸ, TRẺ THƠ VÀ THANH THIẾU NIÊN
Vi vậy mạn phép post vào trang ĐỜI SỐNG - XÃ HỘI

BẢO VỆ NĂNG CHỨC LÀM MẸ, TRẺ THƠ VÀ THANH THIẾU NIÊN
NGUYỄN HỌC TẬP


Khuôn mẫu tổ chức gia đình và xã hội của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc được tuyên bố trong các điều khoản 2, 3 và 29.

Khuôn mẫu đó được những đạo luật khác xác định vị trí của đứa trẻ mà Hiến Pháp tiền liệu quyền của trẻ thơ và thanh thiều niên, bổ túc thêm một cách hoàn hảo những gì điều 30 chỉ phát hoạ liên hệ đến tính cách nhân bản và quyền được “ nuôi đưỡng, dạy dỗ và giáo dục ”.



A - Tổ chức gia đình nằm trong khuôn mẫu Nhân Bản và Dân Chủ của tổ chức xã hội.



a) Giáo dục tuổi thơ và thanh thiếu niên liên quan đến gia đình và xã hội.

Nếu ở điều 30 chúng ta đọc được:



- “ Bổn phận và quyền của cha mẹ là nuôi nấng, dạy dỗ và giáo dục con cái, cả đối với những đứa con sinh ra ngoại hôn.

Trong trường hợp cha mẹ không có khả năng, luật pháp tiên liệu cho cha mẹ được miễn các bổn phận của mình.

Luật pháp bảo vệ cho những đứa con sinh ra ngoại hôn cũng có mọi bảo đảm pháp lý và xã hội, có đủ các quyền của những thành phần gia đình hợp pháp ” (Điều 30, đoạn 1,2 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).



thì ở điều 2 của Hiến Pháp 1947 chúng ta có:

- “ Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi người phát triển nhân cách của mình và đòi buộc chu toàn các bổn phận liên đới không thể thiếu về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội ” (Điều 2, id.).



Kế đến điều 3 của Hiến Pháp nói lên quyền bình đẳng của mọi công dân trong cộng đồng Quốc Gia và quyền đòi buộc Quốc Gia phải đảm lấy trách nhiệm, “ Bổn phận của quốc Gia là dẹp bỏ đi các chướng ngại vật…”, tạo cho các điều kiện thuận tiện để phát triển hoàn hảo con người của mình và cộng tác xây dựng Quốc Gia một cách hữu hiệu:



- “ Mọi công dân đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến và hoàn cảnh cá nhân hay xã hội.

Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật, trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người công dân, cản trở họ phát triển hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ” (Điều 3, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).



Và sau cùng với điều 29, Hiến Pháp tuyên bố nhìn nhận gia đình có nhiều quyền hạn “ tự lập ” rộng rãi để nuôi dưỡng và giáo dục con cái:



- “ Nền Cộng Hoà nhận biết các quyền của gia đình như là xã hội tự nhiên, được thiết lập trên hôn nhân ” (Điều 29, id.)



Các điều khoản vừa được trích dẫn, được giải thích liên hệ với

- các quyền bất khả xâm phạm của cá nhân (điều 2),

- tự do tôn giáo (điều 8 và 19),

- tự do ngôn luận (điều 21)

- và tự do lập hội và gia nhập hội (điều 49),

là bản liệt kê nội dung chương trình công dân giáo dục của một thể chế Nhân Bản và Dân Chủ, chống lại

* đường lối giáo dục độc tài của quá khứ,

* và đường lối giáo dục mù quáng, độc tôn và toàn trị của thể chế vô thần và đê tiện hóa con người còn sót lại ở một vài Quốc Gia, sau khi thể chế Cộng Sản của Nga và Đông Âu sụp đổ và phế thải (Bessone, Personalità del minore, funzione educativa dei genitori e garanzia costituzionale dei diritti inviolabili, Giur. Merito 1975, I, 346-347).



Điều 30 dành quyền được nuôi dưỡng và mọi hình thức chăm sóc khác cho trẻ thơ và thanh thiếu niên được Hiến Pháp quy trách và dành quyền hạn rộng rãi cho gia đình.

Hiến Pháp cũng quy trách cho tổ chức Quốc Gia có bổn phận thay thế cha mẹ chăm lo chu toàn các bổn phận vừa kể, trong trường hợp cha nẹ gặp khó khăn hay bất lực, ngoài khả năng của mình:

- “ Trong trường hợp cha mẹ không có khả năng, luật pháp tiên liệu cho cha mẹ được miễn chuẩn các bổn phận của mình ” (Điều 30, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).



Nhưng chỉ có điều 31 và các điều khoản khác liên hệ về an ninh xã hội của Hiến Pháp mới phát hoạ đầy đủ trương độ được quy trách cho Quốc Gia phải can thiệp, để dẹp bỏ đi những cách đối xử kỳ thị do giai cấp xã hội tạo ra, không cho phép mọi công dân

- “ có địa vị xã ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật ” (đìều 2)

- và “ triển nở hoàn hảo con người của mình” (điều 3, đoạn 2)



- “ Nền Cộng Hòa dành mọi dễ dãi về kinh tế và những phương thế tiền liệu khác để gia đình được thành lập và chu toàn các bổn phận liên hệ, đặc biệt dành cho những gia đình đông con”.

- “ Bảo vệ năng chức làm mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên, tạo mọi điều kiện dễ dàng để thành lập các cơ cấu cần thiết cho mục đích liên hệ ” (Điều 31, đoạn 1 và 2, id.).



Các điều khoản của Hiến Pháp được trích dẫn vừa kể, cũng như những đạo luật trong Bộ Dân Luật sau nầy, nhứt là Bộ Dân Luật được đổi mới năm 1975, liên quan đến trẻ thơ và thanh thiếu niên cho thấy không phải chỉ là những trường hợp lẻ tẻ đó đây Quốc Gia can thiệp để trợ giúp giới yếu thế.

Đó là một hệ thống luật được cấu trúc mạch lạc, chứa đựng những yếu tố nền tảng của chính hướng Quốc Gia cho luật pháp can thiệp để thăng tiến người trẻ, là

- “người công dân đang được giáo dục và triển nở ” ( Bessone, Martinelli, Sansa, Per una ricerca sul “diritto minorile”: rilievi di metodo, Giur. Merito 1975, IV, 249).

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ ý thức rằng các vấn đế liên hệ đến tuổi thơ và thanh thiếu niên, trong quan niệm Nhân Bản và Dân Chủ của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, là những yếu tố cấu trúc quan trọng trong nhãn quang cải tiến xã hội.



Hiến Pháp đưa ra một
chương trình giáo dục về quyền làm người và quyền công dân,
- tự do cá nhân ( diritti personali) (điều 2-13),

- tự do dân sự ( diritti civili) (điều 14-28),

- các mối tương quan luân lý - xã hội ( 29-47)

- và tự do chính trị ( diritti politici) (điều 48-54)

với nhiều nội dung rộng lớn hơn những gì chỉ liên hệ đến phận vụ của cha mẹ, được điều 30 của Hiến Pháp tuyên bố.

Vấn đề trẻ thơ và thanh thiếu niên

* không những chỉ liên hệ đến lãnh vực pháp định của gia đình,

* mà đến cả tổ chức xã hội và quan niệm về nhân cách con người của đất nước.



b )Tự do tiêu cực và tự do tích cực.



Ở phần cuối của điều 2 và điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, Hiến Pháp tuyên bố:



- “ Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội…,và chu toàn các bổn phận liên đới không thể thiếu về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội”



cho thấy Hiến Pháp quy trách cho tổ chức Quốc Gia hay “ Nền Cộng Hoà ” phải bảo đảm cho người dân được hưởng tất cả các “ quyền tự do tích cực ” của mình.

Tự do tích cực, có nghĩa là người dân không những khỏi bị xâm phạm các quyền của mình ( tự do tiêu cực, liberté de...), mà còn có cơ hội và điều kiện thuận tiện, dùng quyền tự do của mình để thực hiện điều mình muốn ( tự do tích cực, liberté à...), xứng đáng với cuộc sống người cho ra người của mình.:



- " ...cho mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" ( Điều 3, đoạn 2, id.).



Trong một thể chế Nhân Bản và Dân Chủ như thế chế của “ Nền Cộng Hoà ” Ý Quốc, con người không phải chỉ được “ nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người…” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) hay được hưởng các “ quyền tự do dưới hình thức tiêu cực ”: không ai được vi phạm các quyền của con người được Hiến Pháp bảo vệ.



Con người trong Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ của “ Nền Cộng Hoà ” Ý Quốc là con người còn có quyền được hưởng các “ quyền tự do của mình dưới hình thức tích cực ”.

Con người có quyền kỳ vọng ở tổ chức Quốc Gia, “ Nền Cộng Hoà ”, phải đứng ra tạo cho mình các điều kiện thuận tiện, được Hiến Pháp quy trách cho Quốc Gia, có bổn phận phải thực hiện :“ Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật…”,



- để con người “ …phát triển hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ” (Điều 3, đoạn 2, id)( Giacobbe, Prospettive costituzionali, in Studi sulla riforma, 199s).



Như vậy, quyền được giáo dục của người trẻ trong Hiến Pháp 1947 là quyền được tổ chức Quốc Gia chuẩn bị cho các điều kiện thuận tiện, giúp mình thu thập được các khả năng để hành xử quyền và bổn phận của người công dân trong tổ chức Quốc Gia.

Đó là những điều kiện bảo đảm cho người trẻ dần dần thu thập được các khả năng cần thiết để thực sự có thể hành xử

- quyền làm việc của mình (điều 4, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),

- quyền cộng tác định hướng đường lối chính trị Quốc Gia (điều 49, id.),

- quyền tự do sáng kiến trong lãnh vực kinh tế (điều 41, id.),

- quyền tự do bênh vực các quyền và lợi thú của mình trước pháp luật (điều 24),

- và các quyền khác nữa được Hiến Pháp bảo đảm.



Nói cách khác nội dung các quyền của người trẻ không có gì khác hơn là chương trình định chế và cải tổ Nhân Bản và Dân Chủ của “ Nền Cộng Hoà ” hay của tổ chức Đất Nước. Câu

- “ Nền Cộng Hoà dành mọi dễ dãi về kinh tế và các phương thế tiền liệu khác để gia đình được thành lập và chu toàn các bổn phận liên hệ, đặc biệt dành cho những gia đình đông con.

- Bảo vệ năng chức làm mẹ tuổi thơ và thanh thiếu niên, tạo mọi điều kiện dễ dàng để tạo các cơ quan cần thiết cho mục đích liên hệ ” (Điều 31, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)



cho thấy Hiến Pháp đặt gia đình, năng chức người mẹ và bảo vệ tuổi thơ là đồ án quan trọng mà Hiến Pháp chỉ thị cho Quốc Gia phải được thực hiện.



c) Tự do thuyết lý và tự do thực hữu.



Chủ đích phải được thực hiện đó được Hiến Pháp viết ra dưới hình thức “quyền và tự do thực hữu ” ( liberté substantielle ) .

Tức là những gì Hiến Pháp tuyên bố bảo vệ phải được thật sự thực hiện trên thực tế, chớ không phải chỉ là những nguyên tắc tuyên bố thuyết lý (déclarations formelles), hoặc tuyên bố để tuyên bố.

Nói cách khác, những gì Hiến Pháp tuyên bố, được Hiến Pháp tiền liệu các phương thế thực hữu và khả thi để thực hiện:

- “…dành mọi dễ dãi về kinh tế và các phương thế tiền liệu khác…”,

- “ …tạo mọi điều kiện dễ dàng để thiết lập các cơ quan cần thiết cho mục đích liên hệ ”.



Điều đó cho thấy Hiến Pháp nhất quyết phải thực hiện cho bằng được hay “ Nền Cộng Hoà ” nhất quyết đứng ra bảo đảm cho người dân những gì Hiến Pháp đứng ra tuyên bố về bảo vệ gia đình, năng chức người mẹ và tuổi thơ.

Đó là những gì Hiến Pháp “ nhận biết và bảo đảm ” phải được thực hiện thật sự.

Người dân có quyền tin tưởng vào thể chế Nhân Bản và Dân Chủ của Hiến Pháp.



Và không riêng gì lãnh vực bảo vệ gia đình, năng chức làm mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên, Hiến Pháp của thể chế Nhân Bản và Dân Chủ đứng ra bảo đảm phải thực hiện thật sự, nhân phẩm cao cả và các quyền bất khả xâm phạm của con người, cũng được các Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu tuyên bố và đứng ra bảo đảm phải được tôn trọng và thực hiện, bằng những phương thế đã được tiền liệu:

- “ Phẩm giá con người bất khả xâm phạm.

- Những quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đối với các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, như là những quyền có giá trị trực tiếp ” (Điều 1, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).



Cũng vậy, sau khi tuyên bố ở điều 2

- “ Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi cá nhân phát triển hoàn hảo con người của mình…” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),



Hiến Pháp tuyên bố kế tiếp một trong những quyền bất khả xâm phạm đó trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ là quyền bình đẳng:

- “ Mọi công dân đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biết phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, hoàn cảnh cá nhân hay xã hội ” (Điều 3, đoạn 1, id.),



Và rồi không phải tuyên bố để mà tuyên bố, nhưng tuyên bố và tiền liệu các phương tiện để cho những gì mình tuyên bố được bảo đảm phải được thực hiện.

Và đó là những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đã tiền liệu và xác quyết trong đoạn kế tiếp của cùng điều 3, quy trách bổn phận cho tổ chức Quốc Gia:

- “ Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ” (Điều 3, đoạn 2, id.).



d) Tự do thực hữu đối với gia đình.



Trở lại vấn đề bảo vệ thực hữu gia đình, năng chức làm mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên, theo tinh thần Nhân Bản và Dân Chủ như vừa kể, Hiến Pháp tiền liệu



- “…tạo mọi điều kiện dễ dàng để thiết lập các cơ quan cần thiết cho mục đích liên hệ ” (Điều 31, đoạn 2, id.),



Hiến Pháp chỉ thị cho việc thiết lập định chế và các cơ quan liên hệ

- “ để bảo vệ người phụ nữ trong thời gian thai nghén và người mẹ trong những thời gian đầu khai hoa nở nhụy ”,

- “ bảo đảm cho đứa trẻ có được môi trường vệ sinh, nuôi nấng đầy đủ và được bảo trợ cho phát triển đều hòa cũng như sức khoẻ ” (Mortati, in Enc. del dir., voce Costituzione ( dottrine generali e Costituzione della Repubblica), 221)



Tất cả những gì cần thiết vừa kể để thực sự bảo đảm cho năng chức người mẹ và trẻ thơ được Hiến Pháp quy trách cho tổ chức Quốc Gia

- “ Nền Cộng Hoà bảo vệ năng chức người mẹ, trẻ thơ và thanh thiếu niên, …tạo mọi điều kiện dễ dàng để thiết lập các cơ quan cần thiết cho mục đích liên hệ ” (Điều 31, đoạn 2, id.) ( Mortati, op. cit., id.).



Và bảo vệ tinh thần và thể xác người người phụ nữ trong lúc thai nghén, lúc sinh sản và nuôi dưỡng con cái của mình, bảo vệ trẻ thơ và thanh thiếu niên, là

- bảo vệ quyền bình đẳng của người dân trong phận vụ,

- bảo vệ người người dân có đủ điều kiện tinh thần và thể xác tốt đẹp để được sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ và giáo dục để lớn lên trở thành con người hoàn hảo và người công dân tốt có khả năng góp phần xây dựng hữu hiệu đất nước sau nầy.

Hiểu như vậy, chúng ta thấy rằng điều 31 của Hiến Pháp được đặt trong bậc thang giá trị của đường lối chính trị thể chế Nhân Bản và Dân Chủ,phương thức và nền tảng xây dựng Quốc Gia (Grassetti, Il diritto di famiglia, 73).



Đoạn 1 của điều 31 tuyên bố:

- “ Nền Cộng Hoà dành mọi dễ dãi về phương diện kinh tế và các phương thế tiền liệu để gia đình được thành lập và chu toàn các bổn phận liên hệ, đặc biệt dành cho những gia đình đông con”.



Và đây là những phương thế thực hữu Quốc Gia Ý đã thực hiện trong chính sách kinh tế và xã hội, nhằm đạt được mục đích mà Hiến Pháp tuyên bố “…để gia đình được thành lập và chu toàn các bổn phận liên hệ…”:

- dành mọi ân huệ về thế vụ đối với gia đình đông con.

- dành quyền ưu tiên cho người có gia đình hơn người độc thân và cho những ai có con cái phải nuôi nấng, được ưu tiên hơn trong các cuộc thi tuyển vào các ngạch công chức.

- quyền thừa kế được giảm thuế đối với những ai có liên hệ chặt chẽ gia đình.

- phần thưởng cho ai thành lập gia đình và mỗi khi con cái sinh ra.

- được trợ cấp gia đình trong cắc hoàn cảnh túng thiếu, thất nghiệp.

- phụ cấp thêm cho gia đình trên số lương hay lợi tức, tỷ lệ được tính tùy theo số người mà gia đình phải lo lắng.

- các phương tiện quan phòng tinh thần và kinh tế tùy thuộc chương trình tổng quát của Quốc Gia, để dành nhiều quy chế đặc ân tạo điều kiện cho gia đình được thành lập ( U.M. Colombo, Principi ed ordinamento dell’assistenza sociale, 85).



Nói như vậy không có nghĩa là Quốc Gia Ý khuyến khích thành lập gia đình để “ tăng dân số ”, cho bằng nói lên đồ án an sinh xã hội của Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ nhằm

- bổ túc mức lương bổng của gia đình,

“ Người làm việc có quyền được thù lao tương xứng với số lượng và phẩm chất của công việc mình làm. Và dầu bất cứ thế nào, mức lương bổng cũng phải đủ để bảo đảm cho mình và gia đình mình một cuộc sống tự do và khang trang” (Điều 36, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).



- bảo trợ học vấn đối với các gia đình gặp khó khăn:

“ Học đường được mở cửa cho mọi người.

Nền học vấn ở bậc thấp được cung cấp cho ít nhứt là tám năm ( 12 năm với tu chính án mới đây), có tính cách bắt buộc và miễn phí.

Những ai có khả năng và đáng được tưởng thưởng , dẫu thiếu phương tiện, cũng có quyền học hành đến các cấp bậc cao nhứt. Nền Cộng Hoà biến quyền nầy thành thực hữu bằng học bổng, phụ cấp gia đình và các phương thế tiền liệu khác, được phân phát qua các cuộc thi thuyển” (Điều 34, id.).



- bảo đảm quyền được bảo trợ sức khỏe công cộng:

“ Nền Cộng Hoà bảo vệ sức khỏe như là nền tảng của quyền cá nhân và lợi ích của cộng đồng. Bảo đảm chữa trị miễn phí cho những người nghèo khỗ ”( Điều 32, id.).



- và những lãnh vực an ninh xã hội khác, già nua, tật nguyền, bị tai nạn…

* " Người làm việc có quyền được tiên liệu và bảo đảm các phương thế thoả đáng đáp ứng lại những đòi hỏi của cuộc sống trong trường hợp rủi ro, bệnh tật, tàn tật, già nua và thất nghiệp ngoài ý muốn " ( Điều 38, đoạn 2, id.).



Những lời tuyên bố bảo vệ gia đình của điều 31, như vậy được đặt trong chương trình cải cách xã hội sâu đậm, nhằm triệt hạ các cách đối xử thiên vị trong các từng lớp xã hội, nhứt là xã hội thời Trung Cỗ với thể chế quân chủ còn sót lại và xã hội độc tài đảng trị của Mussolini.



B - Bảo vệ người phụ nữ và người mẹ.



Trong chiều hướng cải tổ xã hội của thể chế Nhân Bản và Dân Chủ được nêu trên, đoạn 2 điều 31 đề cập đặc biệt đến chỉ thị bảo vệ người mẹ, bảo vệ trẻ thơ và thanh thiếu niên:

- “ Nền Cộng Hoà bảo đảm cho năng chức người mẹ, bảo vệ trẻ thơ và thanh thiếu niên, tạo mọi điều kiện dễ dàng dể thiết lập các cơ quan cần thiết cho mục đích liên hệ ” (Điều 31, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).



Câu tuyên bố vừa kể được đặt liên hệ đến điều 37 của Hiến Pháp được tiền liệu để bảo vệ người phụ nữ làm việc:

- “ Người phụ nữ làm việc có mọi quyền hạn như nam công nhân, và với cùng việc làm như nhau có quyền được thù lao như nhau. Các điều kiện làm việc phải được thiết định thế nào để người phụ nữ làm việc có thể chu toàn nhiệm vụ chính yếu của gia đình mình, bảo đảm cho người mẹ và trẻ thơ một sự bảo trợ đặc biết và tương xứng” (Điều 37, đoạn 1, id.).

Chỉ thị vừa kể của Hiến Pháp phải được hiểu là nhằm bảo đảm lợi ích xã hội, có liên quan đến việc bảo toàn sức khoẻ, thể xác và tinh thần của người phụ nữ, có liên hệ đến việc sinh ra, “ nuôi dưỡng, dạy dỗ và giáo dục con cái, cả đối với những đứa con sinh ra ngoại hôn ” (Điều 30, đoạn 1, id.)



Bởi lẽ những đứa con được sinh ra là những con người và là công dân tương lai của xứ sở.

Hiểu như vậy, cùng với các chỉ thị để bảo vệ người phụ nữ, người vợ và người mẹ trong gia đình, Hiến Pháp bổ túc bằng quyền

- được hưởng lương bổng bình đẳng như nam công nhân

- và các quy chế đặc ân khác được dành cho nữ giới công nhân, vì hoàn cảnh và chức vụ không thể thay thế được của nữ giới ( Cottrau, La tutela della donna lavoratrice e la legge 30 dicembre 1971, n. 1204, in Dir. del lav.,367).



Với chỉ thị vừa kể ở điều 37, Hiến Pháp ra lệnh cho cơ quan lập pháp thường nhiệm sau nầy ( Quốc Hội) phải soạn thảo và chuẩn y các đạo luật lao động

* loại bỏ đi các khuynh hướng đối xử thiên vị đối với nữ giới trong lãnh vực làm việc

* và tạo điều kiện cần thiết để bảo vệ các giá trị của gia đình ( Santoro-Passarelli, Nozioni di diritto del lavoro, 17):



- “ …các điều kiện làm việc phải được thiết định thế nào, để người phụ nữ làm việc có thể chu toàn nhiệm vụ chính yếu của gia đình mình, bảo đảm cho người mẹ và trẻ thơ một sự bảo trợ đặc biệt và tương xứng”.



Trong câu nói vừa kể, “…bằng một sự bảo vệ đặc biệt và tương xứng ”, cho thấy Hiến Pháp không phải chỉ thị cho tổ chức Quốc Gia, đặc biệt là Lập Pháp,

- đề thảo ra những đạo luật bảo trợ, tiên liệu và phòng ngừa an ninh xã hội thường lệ ( M.S. Giannini, Profili costituzionali della protezione sociale delle categorie lavoratrici. Riv. giur. Lav. 1953, I, e ss),

- mà là những chỉ thị trên cho thấy Hiến Pháp đòi buộc ở cơ quan Lập Pháp thường nhiệm phải soạn thảo và chuẩn y đạo luật liên hệ thẳng đến vấn đề ( ad hoc) với một hệ thống rộng rãi

* đáp ứng lại các nhu cầu tế nhị của người phụ nữ trong lúc mang thai và thời gian vừa khai hoa nở nhụy,

*đáp ứng lại các nhu cầu của đứa trẻ trong thời gian kế tiếp vừa được sinh ra,

*bảo đảm cho người phụ nữ làm việc không bị mất chỗ làm vì phải chu toàn những nhiệm vụ liên hệ đối với gia đình và cũng là những bổn phận đối với đất nước, mang thai, sinh nở , nuôi dưỡng và giáo dục con cái như vừa kể.



Chỉ thị trên được tuyên bố như là những đạo luật áp dụng điều 3, đoạn 2 của Hiến Pháp chúng ta đã có dịp trích dẫn ở trên với mục đích

- “ …triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội ” của người công dân.



Đó là những gì Toà Án Bologna đã phán quyết trong một phiên toà có liên quan đến người phụ nữ làm việc ( Trib. Bologna, 26.06.1973, Foro Pad., 1974, I, 371).



C - Bảo vệ tuổi thơ và thanh thiếu niên.



Kế đến chỉ thị của điều 31 liên quan đến việc “ Nền Cộng Hoà bảo vệ năng chức làm mẹ, trẻ thơ và thanh thiếu niên…” cũng được đặt trong chiều hướng bảo vệ sức khoẻ cho mọi công dân:

- “ Nền Cộng Hoà bảo vệ sức khỏe như là nền tảng của quyền cá nhân và lợi ích của cộng đồng. Bảo đảm chữa trị miễn phí cho người nghèo khổ ”( Điều 32, id.),



Quyền được bảo vệ sức khoẻ là một trong những quyền căn bản bất khả xâm phạm của mọi cá nhân, được Hiến Pháp tuyên bố ở điều 2, chúng ta đã có dịp trích dẫn ở trên, nói lên khuôn mẫu tổ chức xã hội được Hiến Pháp chỉ định.



Đặt điều 31,

- “ …bảo vệ năng chức làm mẹ, trẻ thơ và thanh thiều niên ” liên quan với điều 32 bảo vệ sức khoẻ là

- “…nền tảng của quyền cá nhân và lợi ích cho cộng đồng và chữa trị miễn phí cho người nghèo khỗ ”,

- trong chiều hướng “ Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người ” của điều 2,

chúng ta thấy rằng Hiến Pháp hoàn toàn loại trừ mọi định chuẩn khác biệt và thiên vị trong việc bảo vệ đứa con hợp pháp hay sinh ra ngoại hôn (Schlesinger, L’unità della famiglia, Studi sassaresi, 371).



Và ngay cả một mình điều 31, “ …bảo vệ năng chức làm mẹ, trẻ thơ và thanh thiếu niên ”, Hiến Pháp cũng đã đòi buộc Quốc Hội sau nầy phải soạn thảo và chuẩn y những đạo luật liên quan đến

- chính sách bảo vệ nhân cách của người trẻ, cung cấp học vấn và hướng dẫn nghề nghiệp cho thanh thiếu niên,

- việc cần thiết khởi công nghề nghiệp,

- ngăn chận và cải huấn những bất thường về luân lý,

- có đủ các hệ thống hoạt động, giải trí thoả đáng,

- cung cấp cho những yếu tố cần thiết chống lại những hành động lưu manh của giới vị thành niên…( Bessone, Martinelli, Sansa, in Giur merito, 1975, IV, 251).



D - Những phương thế thiết thực để bảo đảm quyền tự do thực hữu.



Trong phần 2 của đoạn 1, điều 31, “…dành mọi điều kiện dễ dãi để thiết lập các cơ quan cần thiết cho mục đích liên hệ ” để bảo vệ tuổi thơ và thanh thiếu niên, chúng ta được Hiến Pháp tiền liệu

- quyền được học vấn (điều 33 và 34),

- quyền được Nền Cộng Hoà chăm sóc đào tạo và thăng tiến chức nghiệp của người làm việc (điều 35),

- quyền người mẹ và đứa trẻ được hưởng sự bảo vệ đặc biệt (điều 37, đoạn 1),

- quyền làm việc của đứa trẻ được hưởng quy chế bảo vệ đặc biệt (điều 37, đoạn 2 và 3),

- quyền được giáo dục và khởi công nghề nghiệp của những ai bị khiếm khuyết hay tàng tật (điều 38, đoạn 3).



Mặc dầu các điều khoản của Hiến Pháp không định nghĩa rõ ràng thế nào là an ninh xã hội, nhưng những điều khoản liên quan đến

- “
nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người” (điều 2-13)
- và mục đích mọi công dân có quyền được “ triển nở hoàn hảo con người của mình ” (điều 3, đoạn 2)



là những nguyên tắc căn bản định hướng và là đối tượng của bất cứ chương trình nào nhằm thực thi chỉ thị của điều 31,

- “ nền Cộng Hoà bảo vệ năng chức làm mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên ”

- và mọi phương thức tiền liệu an ninh xã hội khác ( Chiarelli, La sicurezza sociale, in Nuovo trattato di diritto del lavoro, 10s).



Và đọc các điều khoản của Hiến Pháp (điều 29, 30, 31 liên quan đến việc bảo vệ gia đình, bảo vệ người mẹ, tuổi thơ và vị thành niên trong chiều hướng của điều 3, đoạn 2 nói lên mục đích của tổ chức Quốc Gia vừa trích dẫn, chúng ta sẽ thấy rằng các điều khoản được bàn không phải là chỉ có tính cách chương trình ( programmatico) được Hiến Pháp đề ra để thực hiện, mà là những đạo luật có tính cách bắt buộc ( precettico) được quy trách cho tổ chức Quốc Gia phải thực hiện:



- “ Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người, không cho phép cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình…” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

( Mortati, in Enc, del dir., voce Costituzione ( dottrine generali e Costituzione della Repubblica Italiana), 221-222).



Từ nay, nếu người dân không có các điều kiện thuận tiện để “ …triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ”, họ biết ai là người chịu trách nhiệm, chủ thể được Hiến Pháp quy trách và có quyền đệ đơn tố cáo đến Toà Án hay Viện Bảo Hiến xét xử, chủ thể chịu trách nhiệm đó là ai cũng vậy, cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp hay Tư Pháp cũng vậy.



E - Cộng Đồng Địa Phương trong vai trò bảo vệ người mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên.



Một trong những đặc tính cá biệt của Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Ý Quốc là nguyên tắc tản quyền, được Hiến Pháp xác định:

- “ Cộng Hoà Ý Quốc là một Quốc Gia duy nhứt và không thể phân chia, nhìn nhận và cổ võ các nền tự lập địa phương; thực hiện những ngành phục vụ của Quốc Gia trong phương thức tản quyền hành chánh rộng rãi hết sức có thể; thích ứng các nguyên tắc và phương thức ủy nhiệm của mình hợp với các nhu cầu tự lập và tản quyền” (Điều 5, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).



Quyền lực và bổn phận của Quốc Gia không những phải được

- phân chia theo hàng ngang cho các cơ quan biệt lập cỗ điển, Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, để các quyền lực kiểm soát và cân bằng nhau ( checks anh balances) tránh độc tài,

- mà còn được phân chia hiến định theo hàng dọc, trung ương-địa phương, để các cơ cấu Quốc Gia ở mọi từng lớp xã hội đều có thể cùng nhau cộng tác nhằm đạt được mục đích quy định.

Một trong những đặc tính làm cho chúng tôi chú ý khi đọc Hiến Pháp Ý Quốc là các điều khoản liên quan đến vai trò hiến định Cộng Đồng Địa Phương không phải tập trung vào tiếc mục V, được Hiến Pháp dành riêng cho vai trò và phận vụ các cơ cấu địa phương của Cộng Đồng Quốc Gia, mà được các vị soạn thảo Hiến Pháp viết ra rải rác đó đây khắp các đề mục của Hiến Pháp.

Các vị đề cập đến vai trò Cộng Đồng Địa Phương

- từ phần xác định những nguyên tắc căn bản liên quan đến phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người ( điều 2-54) ,

- đến các tiết mục đề cập đến Quốc Hội, Hành Pháp và Tư Pháp, Tổng Thống và cả phần liên quan đến việc tu chính Hiến Pháp ( điều 35- 138).

Điều đó cho thấy rằng các vị soạn thảo Hiến Pháp Ý Quốc không có ý hạn hẹp địa vị và vai trò của các Cộng Đồng Địa Phương vào phần vụ chỉ liên quan đến các vấn đề địa phương, vùng, tỉnh, quận, làng mạc, xã ấp…

Trái lại các vị có chủ đích giao cho các Cộng Đồng Địa Phương những vai trò hiến định, liên quan đến việc tổ chức đời sống Cộng Đồng Quốc Gia, như

- quyền đề xướng dự án luật pháp Quốc Gia (điều 71 , 99 và 121 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),

- quyền đề xướng trưng cầu dân ý để sửa đổi luật pháp và tu chính Hiến Pháp (điều 75, đoạn 1, id.),

- quyền đề cử các đại diện tham dự bầu cử Tổng Thống (điều 83, id.)

- quyền chủ tịch các Cộng Đồng Địa Phương Vùng phải được mời tham dự vào các phiên hợp Hội Đồng Nội Các Chính Phủ ( E. Di Salvo, L’intervento dei Presidenti delle Regioni a statuto speciale alle sedute del Consiglio dei Ministri, in Giustizia civile, 1966, 95).



Qua những gì vừa kể, chúng ta thấy rằng vai trò của các Cộng Đồng Địa Phương trong cơ chế Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ

- không phải chỉ là vai trò đóng vai “phụ diển” ( nhu thu thuế, bắt lính) trong thời quân chủ chuyên chế,

- mà là những chủ thể “đóng vai chính ” với trọng trách được quy định để thực hiện đường lối chính trị Quốc Gia.

Trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ của Hiến Pháp Ý Quốc, đường lối chính trị Quốc Gia

- không phải chỉ là chính hướng của trung ương, được đa số và thiểu số đối lập ở trung ương đồng thuận, càng tệ hơn không phải chỉ là chính hướng của đa số đương quyền trung ương,

- mà là chính hướng của cả Quốc Gia cùng nhau quyết định, “ Trung Ương ” và “ Cộng Đồng Địa Phương ”.

Tiếng nói của Cộng Đồng Địa Phương

- không phải chỉ là tiếng nói của dân chúng sống trên một phần đất ở địa phương, nói lên ước vọng và nhu cầu của họ liên quan đến các vấn đề địa phương,

- mà còn là tiếng nói của dân chúng địa phương về nhu cầu và ước vọng của cả Cộng Đồng Quốc Gia.

Hiểu được vai trò hiến định của Cộng Đồng Địa Phương như vậy, chúng ta sẽ hiểu được rằng Hiến Pháp 1947 Ý Quốc không phải chỉ quy trách cho Cộng Đồng Địa Phương có nhiệm vụ “ bảo vệ năng chức làm mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên ” qua hai điều khoản 117 và 118 chỉ như là bổn phận cứu trợ xã hội đối với những gia đình gặp khó khăn và đông con, mà là bổn phận được giao cho địa phương chu toàn chức vụ của mình trong chính hướng Nhân Bản và Dân Chủ của thế chế Cộng Hoà



- nhằm “ nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người ” (điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),

- thực hiện “ quyền bình đẳng của mọi công dân, không phân biệt phái giống,chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, hoàn cảnh cá nhân hay xã hội” (Điều 3, đoạn 1, id.),

- tạo điều kiện thích hợp cho phép mỗi người “ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở” (điều 3, đoạn 2, id.).



Đọc hai điều khoản liên quan đến phận vụ bảo vệ gia đình được Hiến Pháp quy trách trực tiếp cho các Cộng Đồng Địa Phương trong chiều hướng vừa kể, chúng ta sẽ thấy địa phương

- không phải là văn phòng ngoại vi của tổ chức trung ương, chỉ có phận vụ thừa hành những chỉ thị do trung ương sai khiến ,

- mà là những thực thể tự lập có quyền hiến định, quyền có sáng kiến tự lập theo định hướng Nhân Bản và Dân Chủ của Hiến Pháp:

* “ Cộng Đồng Địa Phương ( Vùng ) có quyền đề thảo ra luật lệ liên hệ đến những vấn đề được kể sau đây, trong giới mức các nguyên tắc nền tảng luật pháp Quốc Gia, không đi ngược lại quyền lợi của đất nước và của các Vùng khác…, và những vấn đề được luật Hiến Pháp chỉ định …” (Điều 117, id.).

- “ Cộng Đồng Địa Phương ( Vùng) có quyền quản trị các lãnh vực được liệt kê trong điều khoản trước, trừ ra những lãnh vực chỉ liên hệ hoàn toàn đến địa phương mà luật pháp Quốc Gia có thể dành riêng cho tỉnh, xã ấp hay cho những tổ chức địa phương khác ” (Điều 118, đoạn 1, id.).



Dựa theo tinh thần được Hiến Pháp dành quyền hạn và quy trách cho trong hai điều khoản vừa kể, đối với lãnh vực gia đình, các Cộng Đồng Địa Phương ( Vùng) ở Ý đều có những đạo luật bảo đảm cho

- quyền được học vấn của trẻ thơ và giới vị thành niên thành thực hữu ,

- quyền người phụ nữ và trẻ em được bảo vệ ( Bassanini, Riv. trim. dir. pubbl. 1971, 326).



Và đây là những ví dụ:

- điều 4 Nội quy vùng Toscana đề cập đến “ những trợ cấp xã hội ” đáp ứng lại nhu cầu của gia đình và thanh thiếu niên.

- điều 4 Nội quy vùng Veneto “ bắt buộc Vùng phải dùng quyền hành của mình khi cần, để biến các quyền của gia đình thành thực hữu ”.

- điều 5 Nội quy vùng Umbria quy trách cho Vùng phải “dùng mọi phương thế thích hợp để chu toàn các bổn phận mà Hiến Pháp nhận biết và ủy thác cho gia đình ”.



Trong phiên hợp ngày 05.05.1972 tại Roma, đại diện các Vùng đã đồng thanh yêu cầu Quốc Hội soạn thảo ra một loạt các đạo luật nhằm

- “ dẹp bỏ đi ” các điều khoản luật Quốc Gia cũng như các điều khoản nội quy của quá khứ còn sót lại đó đây là chướng ngại vật làm cản trở “ mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình” ( Bassanini, Riv. trim. dir. pubbl., id).



Ngoài ra trong phiên hợp Hội Đồng các Vùng vừa kể cũng cam kết là mỗi Vùng sẽ thiết lập những cơ chế liên hệ để loại trừ tệ trạng của câu nói

- “ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật ”, nhưng trên thực tế che dấu bên dưới nhiều gia đình gặp khó khăn bị loại ra bên lề xã hội, nhiều phụ nữ cũng như thanh thiếu niên không dễ gì được hưởng quyền bình đẳng được Hiến Pháp bảo vệ.



Và cuối cùng điều 2 và điều 3 của Hiến Pháp được trích dẫn cảnh cáo rằng chương trình

- khai phóng người phụ nữ,

- bảo vệ năng chức làm mẹ, bảo vệ tuổi thơ và thanh thiếu niên chỉ có thể có được giá trị thực hữu, bằng cải cách xã hội theo tinh thần Nhân Bản và Dân Chủ của Hiến Pháp.

Chính Cộng Đồng Địa Phương liên hệ và hiểu biết trực tiếp các nhu cầu thiết thực của người dân địa phương đứng ra lãnh nhận vai trò hiến định của mình để giải quyết, kịp thời, thiết thực và thoả đáng, “ bảo vệ năng chức làm mẹ, tuổi thơ và thanh thiếu niên ” đang sông trên phần đất của địa phương
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.08.2011 22:21:07 bởi Nguyen Thi An Giang >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9