Diễm của những ngày xưa
thuyduong 05.10.2005 04:04:51 (permalink)
Diễm của những ngày xưa

Trịnh Công Sơn

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Thế giới âm nhạc, tháng 3/1997,
in lại trong Trịnh Công Sơn - Một Người Thơ Ca, Một Cõi Đi Về

#1
    thuyduong 05.10.2005 04:06:21 (permalink)
    Cát bụi

    Trịnh Công Sơn

    Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim ”Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói : có kẻ bất thiện dang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.

    Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “ Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở : “ Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi.Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.

    Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “ Cát bụi”.

    Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu.

    Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tỉểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi.

    “ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”

    Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi.
    Tạp chí Thế Giới Âm Nhạc, số 1-1998

    #2
      thuyduong 05.10.2005 04:07:53 (permalink)
      Kinh Việt Nam - Xin hãy dừng tay

      Trịnh Công Sơn

      Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương. Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu nầy. Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Ðó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh.

      Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định. Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên đinh hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngần hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo.

      Ðến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại. Xác thân anh em thừa đủ biến thành con đập lớn ngăn chận những mưu toan phi nhân. Ðã mười năm nay, anh em ta săn đuổi nhau bằng hận thù giả tạo. Không thể có một thứ hạnh phúc nào chờ đợi ta sau cuộc săn đuổi dài hạn đó. Hố thẳm đã mở ra dưới chân dân tộc nầy. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi. ở cuối chân trời Việt Nam, những tia nắng nghèo nàn và bệnh hoạn từ một mặt trời hết sinh khí sắp đi vào hôn mê.

      Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình. Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một tổ quốc đích thực.

      Xin hãy dừng tay đề được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan. Ðể cho con sông, dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô nầy được thở lại điều hòa. Tiếng hát đã có thê cất lên để nuôi lớn ước mơ.

      Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm đê còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niêm tin và lời hứa hẹn cửa những người đã nằm xuống. Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn.

      Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo, với một dân tộc nhân bản.

      Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội với một quá khứ hiên linh.

      1968. Lời tựa tập nhạc "Kinh Việt Nam"
      #3
        thuyduong 05.10.2005 04:09:24 (permalink)
        Phụ khúc Da vàng - Chập chờn những mối tư nghị

        Trịnh Công Sơn

        Phụ khúc da vàng là những khúc hát viết thêm, tiếp nối ca khúc da vàng trước đây. Những khúc hát này đúng ra không nên có, nhưng bởi trên những con đường, những thành phố và những xác chết của tháng 5 (1972), một lần nữa, tôi không thể nào quên đi tiếng kêu thất thanh của đám người cùng khổ. Cuộc chiến đã không muốn ngừng, và có lẽ còn mang nhiều bộ mặt mới mẻ, thảm khốc hơn.

        Phải chăng những hồi chuông báo tử chưa đủ làm mềm lòng cuộc sinh sát.

        Ta sẽ không bao giờ còn thấy bóng dáng của vinh quang – Vì trên những xác chết của anh em sự vinh quang phải dấu mặt.

        Tôi không còn muốn nhắc nhở đến lòng nhân đạo và lương tâm con người. Những tiếng đó chỉ còn gợi lên cho những kẻ khốn cùng nơi đây hình ảnh của tên lang băm và phu đám tang.

        Nhân loại đã biết rõ, tuổi trẻ Việt Nam không thiếu lòng dũng cảm. Một tuổi trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi nhưng rất ít những lời thở than.

        Nhưng hôm nay, tôi đã thấy thấp thoáng dưới những trũng mắt sâu của tuổi trẻ chiến trường chập chờn những mối tư nghị. Có điều gì bất tường đang chớm nở trong lịch sử.

        Không phải chúng ta thiếu lòng tin, nhưng tôi tự hỏi, chúng ta sẽ còn thấy điều gì trong những ngày sắp tới.

        Saigon tháng 11 - 1972
        1972. Lời tựa tập nhạc "Phụ khúc Da vàng"
        #4
          thuyduong 05.10.2005 04:10:42 (permalink)
          Nỗi lòng của tên tuyệt vọng

          Trịnh Công Sơn

          Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái ta đáng ghét". Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.
          Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.
          Tôi lại biết thêm rằng, dù là người chiến thắng hay chiến bại, suốt cuộc đời cũng không thể vui chơi. Hạnh phúc đã ngủ yên trong những ngăn kéo của quên lãng.
          Nơi đây, chúng ta đang sống thêm một thứ định mệnh mới. Định mệnh Việt Nam. Thứ định mệnh đã khép lại những nụ cười. Đã dạy dỗ ta những điều mang trá. Thứ định mệnh đêm rao bán ở công viên, trong những ngõ tối, dưới những khung cửa thấp và chật hẹp. Nhưng may mắng thay, vẫn còn làm nở ra, đây đó, những đời người đẹp đẽ.
          Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.
          Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội.
          Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.
          Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loạị Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy trắng tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.
          Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.
          Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.
          Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng hoại.
          Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Ðóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...
          Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.
          Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.
          Và như thế, tôi đang yêu thương


          1972. Thay lời tựa tập nhạc "Tự tình khúc"
          #5
            thuyduong 05.10.2005 04:11:49 (permalink)
            Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng

            Trịnh Công Sơn



            Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hoà bình thì ở phía hội hoạ, hoạ sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hoà bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi.
            Trong phong trào sinh viên học sinh ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi luôn luôn có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau trong những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng Hội.
            Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn vời chính bản thân mình mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này. Cuộc sống đã đi qua. Thời gian đã đi qua. Đi qua nhưng không đánh mất mà ngược lại đã thai nghén một cái nhìn khác sâu thẳm hơn trong tâm tưởng về một số phận không thể nào cứu rỗi đuợc trong định mệnh mỗi một con người. Tôi có cảm giác càng ngày anh càng đi sâu hơn vào sự nghiệt ngã của một sự chọn lựa bất khả kháng của chính bản thân mình, một sự lựa chọn hình như đã được định hình từ ngày còn trẻ, những ngày mà đấu tranh và nhà tù chỉ được xem nhẹ như một sư đam mê phiêu bồng phiêu nhiên của cuộc sống.
            Đừng đòi hỏi ở Bửu Chỉ những gì không thuộc về anh. Cái gì chúng ta đòi hỏi hoặc tìm kiếm ở một con người chính là cái điều mà người ấy có chứ không phải cái của ta và càng không phải cái của tất cả mọi người. Lại càng không phải cái mà người ấy sẽ có.
            #6
              thuyduong 05.10.2005 04:13:13 (permalink)
              Bửu Chỉ, a rebel by nature

              Trịnh Công Sơn

              Translated by Vân Mai


              During the most brutal years of the war ravaging the South, if in music I was composing songs that spoke against the war and yearned for peace, then in painting Bửu Chỉ was probably the sole artist who dwelled profusely on war and peace in his work. At that time, he was renowned for his small sized sketches using black ink iron pen on paper. His work was featured on magazines abroad and succeeded in enticing a large audience.
              Throughout the student’s antiwar movement in Huế, Bửu Chỉ and I were almost always side by side. Together we sang during the sleepless nights of protest as well as in the days of marching, and most often we sang to rally the crowd gathered at the Student Union’s coffeehouse.
              Bửu Chỉ, by nature is a rebel. He not only rebels against himself but also against conventional social order. That is the premise for his relentless commitment during wartime, an attitude that he now carries over into his paintings. For Bửu Chỉ, painting is life and life itself is painting. In the past it was so, and in the present it is more so. Especially in these times. Life has gone by. Time has gone by. Gone by but not lost. On the contrary, a nascent yet more insightful perspective has emerged about a life hopelessly without redemption in each and everyone’s fate. I have the impression that he strives deeper and deeper into the predicament of an unavoidable choice that seals his fate, a choice that seems to be decided early on in his very youthful days, days when struggle and prison were looked upon lightly as fleeting passions in life.
              Do not ask Bửu Chỉ to be what he is not. What we ask for or seek in somebody is what that person is, and not what we are and worst of all not what everyone else is. Much less, not what the person will be. Let freedom undo all commitment or non-commitment, undo all open-minded or lackluster, undo all intellect or silent darkness. Let life be wide open or shut close.
              Struggle does not end. The surface of ponds and lakes, of rivers and oceans may seem serene, but on the bottom torments incessantly stir as distinct entities. This is the most profound passion of the soul who wants to awaken itself constantly, who never ceases to be aware, so that life knows no other sleep than the sleep of thunder.
              #7
                thuyduong 05.10.2005 04:15:31 (permalink)
                Thư gửi Ngô Kha

                Trịnh Công Sơn

                Chú thích: Bài Thư gửi Ngô Kha rất xa lạ với bài cùng thời, t/d Có nghe ra điều gì, và gần đây cũng đã gây tranh luận trong nước : xem bài của Thái Ngọc San "Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên Báo Thơ : Thực hay giả ?" (Thanh Niên online, 25/06/2004) và bài của Lê Minh Quốc : "Sự thật về lá thư Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha" (Thanh Niên online, 29/06/2004).


                Kha,

                Trong những ngày tháng 10, với khí thế đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại mọi âm mưu tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do báo chí v.v... anh em bỗng nhớ Kha vô cùng (...)

                Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa. Mình đã suy nghĩ không ngừng về thái độ đó (...)

                Cuối năm 1972 thì Kha bị bắt. Anh em loan tin rất nhanh và mình đã vội vã thảo bản tin nhờ một vài tờ báo anh em báo động giùm. Nhưng thật quá thất vọng vì bản tin đó bị xếp vào loại “tự ý đục bỏ” và dù anh em có thương Kha cũng đành xin được “thông cảm” mà thôi. Mình về nhà quá nản lòng nhưng cũng cố gắng tìm phương cách khác. Cuối cùng đành liên lạc với một anh làm cho hãng truyền hình NBC nhờ loan tin kêu cứu giùm với bên ngoài. Tin loan đi vào ngày hôm sau với đầy đủ tiểu sử, thân thế và quá trình tranh đấu của nhà thơ Ngô Kha. Từ đó về sau đã hỏi thăm bằng mọi cách nhưng tuyệt nhiên không thể nào biết chỗ giam giữ đích xác của Kha.

                (...)

                Sau đó là giai đoạn mà anh em bi quan đến độ muốn ngã bệnh vì mỗi người tự thấy chỉ là một thùng hàng loại “nhẹ tay dễ vỡ” mà thôi. Kha đã từng biết anh em luôn luôn tâm niệm một điều : “Hãy biết chờ đợi và nuôi hy vọng không ngừng”, nhưng mỗi ngày qua đi, trong khi guồng máy cầm quyền càng lúc càng tinh xảo thì tập thể nhân dân mỗi giờ phút mỗi hao mòn sinh lực bởi đói kém, sưu cao thuế nặng, đàn áp tinh thần, tù tội hay thủ tiêu v.v… Mình phải thú nhận về sự yếu kém của mình và sau đó đã rơi vào cơn khủng hoảng quá trầm trọng về tinh thần. Trong thời gian này có mấy nhà báo Nhật đưa mình đi khám bệnh ở bác sĩ quen với họ từ Nhật mới qua. Lời khuyên là nên tĩnh dưỡng ở chỗ ít tiếng động.

                Mình quyết định về ngay thành phố của bọn mình. Những sinh hoạt trong thành phố giờ đây đã chìm xuống vắng lặng. Muốn gây dựng lại một vài sinh hoạt văn hoá nghệ thuật nhưng dự định bất thành. Anh em đã gặp nhau bàn tính để chuyện cho ra một giai phẩm để làm chỗ cắm dùi cho những cây bút lang thang nhưng đơn gửi đi và giấy mực buồn bã trở về với cái slogan dị hỡm cũ kỹ này: “vì tình thế, vì tình hình”. Bài vở đã viết xong đành được xếp lại một đống.

                Rõ ràng là chúng ta chỉ còn lại một thứ tự do duy nhất: tự do câm miệng trong nhà tù trá hình.

                Anh em lại gặp nhau và loay hoay bắt tay vào một vài công việc khác. Mục đích của anh em là cố gắng tạo lại sinh khí cho thành phố bằng mọi cách. Vả lại mỗi người đều tự nhận thấy mình đã quá vô ích trong thời gian khá dài. Điều đó làm cho anh em hoảng hốt nhiều hơn cả.

                Quyết định xong là làm việc ngay. Công việc chỉ mới bắt đầu thì cái bọn “công an mật vụ trí thức” lên tiếng xầm xì bàn tán rồi. Bọn nó chụp một vài cái mũ loại chính quyền hay dùng cho những người đối lập để thân ái gửi tặng anh em. Thế là những khó khăn chuẩn bị áo mũ lên đường. Không cần nói ra Kha cũng đoán biết đủ mọi thành phần nhưng thường là những kẻ chiếm ưu thế trong xã hội. Những tên “trí thức mật vụ” đó, đau đớn thay, một phần lớn đang nắm vận mệnh giáo dục trong tay. Nguy hiểm hơn nữa là giọng lưỡi đần độn của bọn nó ve vuốt được một số đông học sinh ngây thơ trong thành phố. Kha có còn nhớ trước đây có lần mình đã là nạn nhân của một tên điểm chỉ trong bọn nó không. Thành phố vốn buồn thiu, qua sự hiện diện của bọn chúng lại còn xấu xí hơn nữa. Và có sự thật này vừa được phát giác là số công an chìm trong thành phố trước đây đã quá đông đảo nay được sự tiếp sức không công của bọn chúng bỗng trở thành một lực lượng hùng hậu đến độ hãi hùng. Cái màng lưới dày đặc đó muốn kiểm soát toàn bộ tư tưởng và hành vi của từng cá nhân thị xã, nhất là những cá nhân, mà theo luận cứ ngây ngô và buồn cười của bọn chúng thường gọi là bất hảo và không xứng đáng. Chúng nó đâu ngờ rằng từ lâu chúng ta đã bầu chúng làm những công dân xứng đáng nhất của quốc gia rồi mà!

                Trở lại cái vụ “rắp tâm bắn sẻ” bên trên sau khi tung ra những món ám khí tối độc thì hậu quả là công an đến từng nhà của anh em để điều tra và cho đến nay tình trạng đó vẫn chưa chấm dứt. Dù vậy, công việc không vì thế mà khựng lại vì anh em đều nghĩ rằng thiện chí của anh em đang được duy trì và công tác văn hoá là một công tác tốt đẹp. Đã thấy là tốt đẹp thì tiếp tục. Từ thái độ chung này mình bỗng nhớ lại thái độ của Kha trước ngày bị bắt và dù ít dù nhiều chúng ta đã có những điểm tương đồng.

                Khi cầm bút viết bức thư này cho Kha mình hoàn toàn không có dụng ý nói dài dòng về tình trạng trên đây, nhưng cái tâm sự u uất trong mỗi người chúng ta nhiều khi kềm hẳn không nổi...

                Hôm nay những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hoà bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng. Khi con người nhận thấy mình không còn gì để bị bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường. Đó là điều dĩ nhiên. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn ra sự thật đó. Nếu cần phải ngạc nhiên tự hỏi sao vận hội mới của nhân dân trễ nải quá vậy. Trễ đến như vậy có nghĩa là sự chuẩn bị đã chu đáo lắm rồi. – Không hiểu sau những bức tường tối tăm của một nhà giam nào đó Kha có nghe ra những tiếng thét bi hùng của nhân dân? Có lẽ Kha không ngờ nổi là không riêng gì những đoàn thể tôn giáo, những tập thể nhân dân trên mọi lãnh vực văn hoá, báo chí, tư pháp, tiểu thương, lao động v.v… và ngay cả trong hàng ngũ quân nhân, công an và cảnh sát cũng từng giờ từng phút nóng lòng chờ đợi. Đây đúng là lúc chúng ta có thể dùng được cái từ ngữ này mà không bị cho là xuyên tạc chút nào: “Triệu người như một”. Đúng là triệu người như một không thêm bớt gì nữa. Mình biết được những nao nức như bờm ngựa bất kham trong Kha. Nếu tin tức bên ngoài đến kịp, có lẽ giờ đây trong lòng Kha đang mở hội không chừng. Hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng quá nôn nóng như ngày xưa, nhưng nếu trái tim Kha đã muốn nhảy những nhịp điệu bất thường thì hẵng để cho nó reo ca đôi chút. Nếu có vài trái tim bên cạnh Kha còn tăm tối quá thì thử chuyển cái nhịp điệu vui tươi kia sang giùm. Hãy nhóm lửa cho nhau và đợi chờ. Ở bên ngoài những vòng xích anh em đang cố gắng nối lại với nhau. Cuộc tranh đấu hôm nay của nhân dân trên mọi thành thị miền Nam không giống như những cuộc tranh đấu đã qua. Chắc chắn không phải là ngọn lửa bộc phát để mau tàn tạ. Cái nhịp độ đầy đắn đo, trầm tĩnh trong từng bước một làm mình an tâm lắm. Vả chăng lúc này không tin tưởng vào thế lực và sức mạnh của nhân dân thì có lẽ chúng ta không còn cơ hội tốt đẹp nào hơn để tin tưởng nữa. Này nhé, chỉ trong vòng hai năm, thời gian Kha nằm tù, tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục đã rơi xuống một tình trạng quá thảm thương. Mọi sự gắng gượng đều vô ích. Hoàn toàn là không cứu vãn được gì nữa. Trên chiếc máy thời tiết, tất cả mọi phương diện từ tinh thần đến vật chất như tự do, cơm áo, dân chủ đều được trả về với “số o”. Riêng những vùng ngoại ô thì tệ hại hơn nữa vì đa số dẫn chứng đều coi như con “số o” trên kia là một tình trạng khả quan đối với họ. Họ là những kẻ chỉ còn chờ sự huỷ diệt sau cùng vì chiếc kim đời sống họ đang muốn chạy nước rút về phía cực âm; (-), cơm áo, (-) trú ẩn (-) công ăn việc làm. Có lẽ, không nên nhắc thêm những chữ tự do, dân chủ đối với họ vì đó là những món xa xỉ suốt đời không có cơ hội dùng đến nhất là trong giai đọn mà bao tử đang làm một cuộc thi đua không hào hứng về giai “Oscar de la faim” – Họ không phải là những triết gia nhưng cả cuộc đời là một chủ thuyết hư vô từ trong ra ngoài.

                Từ những năm trước chúng ta chờ đợi những gì ? Chắc Kha còn nhớ rõ là chúng ta thường nói với nhau phải chờ một ngày mà mỗi sự kiện tình thế phải có một trái chín muồi. Hôm nay phải chăng những trái cây chờ mong đã chín tới. Những trái cây đói khổ, chết chóc, thất nghiệp, ruộng vườn v.v… hỗ trợ bởi một hoàn cảnh xã hội rách nát, bè phái, tham nhũng, chia rẽ, tù tội, tra tấn… Như thế thì Kha này, có phải là một vận hội mới đã đến lúc phải thành hình hay không ?

                Mặc dù không ai nói với ai nhưng mình tin rằng mọi người đang nghĩ như thế. Đây là lần đầu tiên mình thấy được những tôn giáo đã bỏ qua những di biệt để đứng cùng nhau trong một hàng ngũ, những thành phần khác biệt, cũng phát thanh cùng một nguyện vọng. Chưa biết sẽ đi đến đâu nhưng nhìn qua cái khối vững vàng đầy tình nghĩa anh em như thế cũng đủ cảm động rồi. Và cái điều mình mơ ước bấy lâu, cái nền tảng của mọi sự xây dựng lâu dài cho hòa bình, tự do, giờ đây đang thành tựu, từng phần trên đất nước. Đó là cái đang “lương tâm tập thể”, một viên ngọc quý giá được làm bằng xương máu và sự tranh đấu liên tục của nhân dân.

                Kha này.

                Nếu không cho là uỷ mị quá thì có lẽ phải khóc được trước hình ảnh đẹp đẽ kia và trước viễn ảnh mà lương tâm tập thể “sẽ mang đến”.

                Từ 1963 đến giờ đã phải trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh, lớn có nhỏ có, nhưng chỉ có lúc này mình mới thấy được sự nhất trí từ mọi phía của quần chúng (Dĩ nhiên là trong sự nhất trí đó hoàn toàn không có sự đóng góp của chính quyền). Và cũng vì một tập thể đồng nhất quá to lớn như thế nên vấn đề tổ chức cơ cấu càng phải cẩn mật và chặt chẽ hơn thêm. Từ đó, như mình đã nói với Kha ở trên, đừng nên nôn nóng quá vì tập thể sẽ rất chậm nhưng là sự chậm rãi dũng mãnh của ngọn sóng thần đang góp thêm những con sóng nhỏ để đầy đủ uy quyền quét sạch sẽ mặt đất ô uế của chúng ta đang sống hôm nay. Không nhắc đến thì thôi, mỗi lần nhắc lại thì trái tim như bốc lửa. Phải tự trấn an lắm mới khỏi có những cử chỉ hoặc hành động thái quá. Trong lúc này không ai có quyền bốc đồng tự tạo lấy sự dấn thân có tính cách cá nhân nữa. Mội ước muốn hợp tác phải có nghĩa là hợp tác trên cơ sở tinh thần mà nhân dân đã và đang tiếp tục hình thành một cách quy mô trên khắp các đô thị miền Nam. Mỗi một vụ xé rào phải được xem như có ý phá hoại tập thể. Chính vì tính chất trầm trọng đó mà cái lưới công an đang được sử dụng tinh vi hơn để kịp thời cắt lìa những đầu mối có thể nối liền với tập thể. Đây là một cuộc đấu tranh có tính cách dứt điểm buộc mọi người phải cẩn trọng và ý thức sáng suốt về chỗ đứng của mình.

                Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng, mặt khác dùng mục tiêu đấu tranh của nhân dân làm mục tiêu của mình để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự chống đối. Nhưng Kha này, sự quỷ quyệt đó không che dấu được ai đâu.

                Chống tham nhũng, đòi hỏi sự hoà giải dân tộc v.v… chỉ là những cái cớ tiền khởi để từ đó nhân dân tự do cứu mình ra khỏi manh vuốt độc tài của một chinh sách hiếu chiến và phi dân tộc mà thôi. Nhân dân đã ý thức từ lâu về thân phận của mình, ngày qua tháng lại cũng chỉ là nạn nhân của bóc lột và phỉnh phờ. Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiến viện trợ Mỹ để chia nhau. Trên bao nhiêu thông báo, tuyên cáo, phản kháng thư của tháng 10 này, tiếc rằngKha không đọc được, bao nhiêu tội ác của nhà cầm quyền đã được bày biện đầy đủ cho nhân dân xem cả rồi. Nên, điều chắc chắn là đồng bào ta không dễ gì bị gạt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

                Có lẽ Kha sẽ có buồn đôi chút vì không thể góp tiếng cùng anh em trong giai đoạn này nhưng Kha nên nghĩ lại, mỗi chỗ đứng đều có ý nghĩa của nó trong cuộc đấu tranh chung để giành lại hoà bình và tự do cho dân tộc.

                Trong thời gian không thể trực tiếp góp mặt cuộc đấu tranh mới mẻ này, Kha thử phác họa lại những nền tảng đẹp đẽ cho một cuộc sống mới trong đó, đời sống con người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong dong không còn sợ hãi, tóm lại sẽ được phục hồi xứng đáng trong thiên chức làm người.

                Lòng đang quá xôn xao bởi tiếng nói đấu tranh đang vang lên trên khắp mọi đô thị miền Nam, mình không đủ trầm tĩnh để viết cho Kha dài hơn nữa. Mong Kha hiểu cho và xin hẹn gặp nhau như những tiếng pháo mừng rỡ trong những ngày linh thiêng sắp đến.

                Thân ái và hy vọng

                1974

                TRỊNH CÔNG SƠN

                #8
                  thuyduong 05.10.2005 04:16:30 (permalink)
                  Có nghe ra điều gì

                  Trịnh Công Sơn, 1973


                  Nỗi bất hạnh lớn nhất của chúng ta là luôn luôn có một kẻ thù để chống lại. Trong suốt hành trình của lịch sử, những kẻ thù mang tên khác nhau. Bất hạnh lớn dần để trở thành hiểm họa khi hai kẻ thù nghịch mang cùng một tên chung.

                  Tôi chưa bao giờ được biết về sự công bằng. Nhưng tôi muốn rằng những xác chết anh em phải được chia đều lòng thương tiếc. Trên những nhân danh chúng ta không cúi đầu, nhưng chúng ta phải quàng vòng hoa phúng điếu cho phận người hiu hắt. Chân lý chưa biết nằm ở đâu, nhưng tôi tin rằng chân lý không đến từ bạo lực.

                  Đời sống Việt Nam đã dạy chúng ta những bài học vĩ đại. Dạy biết từ một tấm lòng nhỏ nhen đến một tâm hồn cao cả. Dạy từ mưu toan giết chết một người đến kế hoạch giết chết hàng vạn người. Chúng ta biết rõ từ một tên hề mặt phấn môi son đến một tên ngụy quân tử.

                  Làng mạc, núi rừng đã thành đấu trường. Phố thị làm sân khấu.

                  Thời thơ ấu, qua những bài học lịch sử, lòng tôi xao xuyến biết bao về những tấm gương ái quốc. Tôi đã yêu mến những biên giới quê hương như vòng tay người mẹ ôm hôn che chở đàn con. Lòng tôi, những biên giới cũng được dựng lên từ đó. Không phải những biên giới của thù hận mà chỉ là lằn mức địa lý chia những cuộc chơi riêng đầy quen thuộc và thân ái.

                  Lớn lên, tôi dần dần rơi vào những hoài nghi. Những hoài nghi như đám mây đen, đe dọa cơn bão lớn. Tôi biết rằng khi cơn bão đến, những gì đẹp đẽ được nuôi dưỡng từ ấu thơ sẽ bị cuốn phăng đi.

                  Đã bao nhiêu năm tháng tôi ngồi nhìn những mùa nước lên. Thành phố Huế mỗi năm đều có những cơn lụt. Một đôi lần lụt lớn, nước nguồn ồ ạt mang về bao nhiêu của cải của rừng sâu: voi, cọp, bò rừng, trăn, gỗ quí... Vốn liếng ẩn giấu của thiên nhiên lao đi trong một tốc độ cuồng nhiệt. Tất cả đều ngơ ngác, lạc lối, trần trụi.

                  Nhiều lần, tôi đã mong được thấy những giá trị hão huyền, bén rễ sâu xa trong tâm não tôi, được tống ra ngoài, trong cách thế đó.

                  Tôi không phải là kẻ dễ mất niềm tin, nhưng trong tôi, rất vô tình những trái độc đã làm mùa của chúng.

                  Tôi đã đi qua nhiều thành phố của quê hương. Mỗi nơi đều có những đêm gặp gỡ cùng tuổi trẻ. Chúng tôi nuôi dưỡng hy vọng và gửi đến nhau sự phân ưu chung bằng tiếng hát. Chính trong lúc, khi tiếng vỗ tay đập vào nhau nhịp nhàng và đều đặn cùng tiếng hát, lòng tôi bỗng chùng lại trong một ái ngại vô bờ. Tôi bỗng muốn thu mình thành một bóng tối nhỏ trước những con mắt trong sáng vây quanh. Với những trái tim quí báu kia, có thật tôi đã mang đến một điều gì tốt đẹp?

                  Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn. Nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi.

                  Quanh tôi, bỗng dưng những chấn song được dựng lên. Những chấn song dù êm ái nhưng làm mỏi mệt. Mỏi mệt vì tôi biết rõ mình chỉ cưu mang nổi một tiếng thở than quá ư phù du từ một con tim bén nhạy. Đời sống chung quanh thì tự bản chất vốn hủy hoại và vô tình. Tôi không đủ là một con đê hay một báo hiệu mới mẻ.

                  Nhưng dù sao, mọi sự đã lỡ. Lịch sử đã lỡ lên đường và tôi cũng đã lỡ để một bàn chân trong cơn xung động.

                  Mọi sự hoàn tất đều có đôi chút bị hiểu lầm. Người trong cuộc mới thấu hiểu được cái tang thương của từng kết quả. Lịch sử có niềm đau riêng của nó. Cá nhân cũng có cái xót xa riêng. Bởi lẻ chưa có một tổng hợp đích xác nào về thân phận con người. Vũ trụ luôn luôn biến đổi, làm sao toan tính nổi. Cho nên điều hiển nhiên là mọi sự thành tựu càng lớn lao, càng ẩn giấu niềm tuyệt vọng.

                  Mỗi dự phóng về hạnh phúc con người đều là nguồn cội của hố thẳm. Luôn luôn có sự nhầm lẫn về chữ nghĩa. Người ta đánh bóng sự đổ vỡ và gọi đó là niềm bi tráng của phận người. Dự phóng càng lớn, càng dài càng xa cách con người. Và tất nhiên càng mở rộng hố thẳm. Đến lúc đạt được đỉnh cao thì chính là lúc kề cận nhất với vực sâu. Và có thực sự đó là một đỉnh cao?

                  Vì thế, tôi gọi những kẻ muốn lấp biển vá trời là những con người đam mê tuyệt vọng. “Mọi đam mê đều vô ích”. Đam mê tuyệt vọng dẫn ta về hư vô. Bao nhiêu cánh cửa hư vô đã mở toang cuối những chặng đường đẫm máu của lịch sử nhân loại. Những thế hệ về sau, khi lần giở lịch sử ông cha, giữ cái án chung thân trong ý thức cùng niềm im lặng. Từ đó, nói đến ý thức trong thời đại chúng ta là muốn nhắc lại cái ý thức về sự tịch lặng. Sự tịch lặng của những vết thương trời đất và trong lòng. Cõi vô âm của mọi chủ thuyết, mọi triết lý. Đời sống đã mất hẳn sự bình an. Những con đường nhân sinh không có chốn đến. Sở tại chính là sự ra đi. Ra đi để biết rằng quê quán chỉ là tiếng hoàng oanh trên đời người khổ hạnh. Là một an ủi thoáng qua. Là “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” để ngậm ngùi.

                  Trong đời sống chúng ta, thiếu gì những trái tim vững chãi. Đâu thiếu những ý lực siêu nhân. Mỗi khi ý thức được vót nhọn người ta có cảm tưởng sẽ bắn rụng những niềm tuyệt vọng chung quanh. Nhưng hỡi ơi, niềm tuyệt vọng đã ẩn trú trong đường bay của ý thức đó. Ý thức càng được vót nhọn, niềm tuyệt vọng càng đào những hang sâu. Trái tim con người, nếu không biến thành mộ địa, sẽ vang lên tiếng tru thảm thiết của loài sói.

                  Những ngày mệt mỏi tôi thường tìm về bên một dòng sông. Nơi thành phố của quá khứ. Một quá khứ chưa đủ dài nhưng đã thừa thãi tang thương. Thành phố trên bề mặt yên tĩnh có những cơn sóng ngầm đáng ngại. Những ngọn lửa ủ dưới tro than, đã liên tục tạo những cơn phong ba, đã làm bật rễ những triều đại.

                  Những hoạn nạn, qua nhiều thời kỳ không đếm xiết. Nhưng mỗi lần có cơ hội trở lại đời sống bình thường thành phố lại mang khuôn mặt thơ mộng và nhẹ nhàng của những ngọn phong lau trong thành cổ.

                  Về những năm sau này thành phố có vẻ tiêu điều hơn trước. Mỗi cơn hoạn nạn thường mang đi ít nhiều bạn bè. Tôi như con bệnh kinh niên, mỗi lần trở về tĩnh dưỡng, có cảm tưởng về thăm một cố tri hơn hơn là một thành phố. Vẻ xác xơ như khởi chung từ một mối. Không như ngày xưa, tôi vui chơi trong thành phố. Bây giờ chúng tôi song hành trong niềm tư lự.

                  Ngồi bên dòng sông, nhiều đêm tôi nghe ra những đổi thay quá lớn. Huế quả thực đã biến đổi rất nhiều. Những cuộc biển dâu vô hạnh đã giết chết phần nào tình cảm đẹp đẽ nơi đây. Huế ngày xưa ấm áp biết bao. Nay đã quá lạnh lùng. Vẻ lạnh lùng sương phụ. Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã người ta không còn nhìn nhau bằng con mắt cũ. Đã thấp thoáng thấy dưới những trũng mắt năm xưa, những bình phong e ngại. Ngờ vực là phải. Thời đại của đố kỵ, tỵ hiềm đã thành hình từ bao giờ mà không hay. Không phải chỉ riêng nơi đây. Nơi nơi đều thế. Tôi đã qua nhiều thành phố. Đã góp mặt. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra, mỗi nơi đều đã thành tựu những sâu khấu và những đấu trường bỏ túi. Những tuồng tích được soạn sửa cẩn mật. Mỗi người đóng dăm ba vai trò. Đám giả hình múa những đường gươm vừa khắc nghiệt vừa chu đáo.

                  Nhiều đêm trở về, xương sống bỗng buốt lạnh. Bởi đâu đây, luôn luôn sẵn sàng những nhát dao không minh bạch. Phải sống thường trực trong khí hậu như thế làm sao khỏi e dè.

                  Tôi biết rõ phần nào mình đã đuối sức. Những tiếng hát hân hoan nhiều khi chỉ để lấp liếm sự phiền não. Có cái gì gần như những vết hoen trên một phía của nạn đời. Dường như tôi đang ẩn thân ở mặt đời không kiêu hãnh. Nơi có nhiều bóng tối và sự tròn lẵn vô liêm.

                  Không phải mọi chọn lựa đều bế tắc. Nhưng tôi không dại gì tự dẫn mình đến một pháp trường bất xứng. Trong cuộc sống nhiễu nhương nơi đây, sống đã là một cách chọn lựa. Ai cũng có một lần phủi tay với cuộc đời. Cho nên những chọn lựa nhỏ nhặt chỉ làm hao mòn ta thôi. Nếu đủ sức giương cung, hãy chọn mũi tên định mệnh.

                  Tôi rất buồn bã khi nhìn thấy những tâm hồn đẹp đẽ quanh đây bị cuốn hút vào những chọn lựa trào lưu. Những chọn lựa có vẻ đẹp bề mặt. Những chọn lựa không can dự gì với ý thức. Hay nếu có, chỉ là loại ý thức con vẹt.

                  Trong cách thế đó, chọn lựa chỉ còn có nghĩ là hủy hoại. Tự hủy và kéo theo những cái chết thanh xuân.

                  Tôi không có ý ngờ vực lòng can đảm. Nhưng tôi sợ hãi ngộ nhận.

                  Hãy chọn lấy lời phán xét. Nếu cần làm tên tử tội, ta chỉ là tên tử tội của định mệnh riêng tư. Đừng mơ mộng trên xương máu. Chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng hát nói về sự sinh nở tốt đẹp của hận thù. Gắng che chở cho tâm hồn. Nấm hoang đã mọc quá nhiều trên đó.

                  Trong thành phố, mùa hạ có những cơn bão qua. Một ít mùa màng và hoa quả không đậu. Vào buổi lập thu, bỗng dưng những hồ ao quanh thành cổ thơm tho một mùa sen muộn. Những sớm mai âm u đi về dưới cổng thành, lòng tôi bất ngờ có những nỗi hân hoan kỳ lạ. Một cái gì gần như niềm hy vọng vừa nhú lên. Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ quanh đây, qua những bất hạnh quá đủ, sẽ tạo dựng được cái mùa muộn màng của sự thật. Sẽ khởi công từ những ước mơ chân thật. Những phát biểu mới sẽ là những đường gươm sắc bén chém rụng huyền thoại. Mỗi bước đi tới tuổi trẻ tự cưu mang lấy mình, không nương nhờ nữa. Mỗi người là hy vọng của chính mình. Giải thoát quyết liệt khỏi những khối nam châm phù thủy. Bấy lâu, sự sợ hãi đã làm rêu phong trên đời ta. Những sự thật tối tăm được chở che an toàn. Những nhầm lẫn không bị truy tố. Có lẻ không phải vì thiếu lòng can đảm. Chúng ta dường như là những đứa con quá tình cảm, không nỡ buộc tội ông cha.

                  Nhưng đã muộn. Chúng ta đang chênh vênh trên con dốc hủy diệt. Cái gia đình chung đã có lắm điều tồi tệ.

                  Chúng ta được thương xót từ mọi phía. Được vỗ tay từ khắp nơi. Bị chê bai cũng lắm. Nhưng sá gì những lời bình phẩm kia.

                  Hãy bắt đầu phá bỏ đấu trường. Phá bỏ sân khấu. Vở tuồng đã quá dài. Bao nhiêu năm nay, chúng ta đã nuôi nấng tình cảm nhân loại bằng tấm thảm kịch quá lớn. Không thể tiếp làm những diễn viên giác đấu nữa.

                  Chúng ta hiểu rõ hạnh phúc ở đâu. Trên con đường đã qua tuyệt nhiên không có.

                  Dù thế nào cũng đã ra đi. Chỉ xin được ra đi êm ái. Những đứa con nhân loại đã thật sự mất dấu về quê quán cũ. Đã bao nhiêu sa mạc. Sa mạc quả là mênh mông. Chúng ta đang cần chút nước cho hành trình. Những thiệt thòi đã đủ lớn lao. Điều cần nhớ là đừng để cả một dân tộc bị hụt hơi vì vô vọng.

                  #9
                    thuyduong 05.10.2005 04:17:41 (permalink)
                    Đêm Giao Thừa 1993

                    Trịnh Công Sơn


                    Tôi có bao nhiêu tuổi thì tôi cũng có bấy nhiêu đêm giao thừa. Có Tết tây và Tết ta. Tờ lịch cuối cùng bóc ra và tự dưng thấy trơ trọi một nỗi buồn vu vơ. Nỗi buồn đó thuộc về lịch tây. Chờ thêm mấy mươi ngày nữa thì lại thêm một nỗi buồn ta. Nỗi buồn của một người thấy mùa xuân thuộc về kẻ khác. Nỗi buồn của kẻ không dám thốt lên hai tiếng tương lai.
                    Có những đêm nằm không ngủ được. Nghĩ đến tương lai thuộc về người khác mà lòng cứ rầu rầu. Vì sao phải vậy. Quy luật tự nhiên là cái quái gì vậy mà làm não nề những cõi lòng ham sống, thèm yêu cuộc đời. Yêu đời và cứ muốn tồn tại mãi đâu phải là một cái tội. Nếu là tội lỗi thì xưng tội, sám hối với ai.
                    Cuộc đời sắm ra cái sự yêu thương nhức nhối này làm tình làm tội biết bao nhiêu thân phận con người. Yêu cuộc đời và muốn ở lại mãi mãi. Vì sao không cho ở lại. Trái đất quá chật và vì vậy phải có kẻ ở người đi. Buồn lắm mà không thể than phiền với ai cả.
                    Ðêm giao thừa dù tây dù ta tôi vẫn luôn luôn một mình một cõi. Số phận vẫn thường hay hậu hĩ với kẻ này mà lại bạc đãi kẻ kia. Có rất nhiều bạn bè thân hữu chứng nhân cứ thấy mỗi lần vào dịp lễ là tôi lại một mình một cõi. Ðành vậy biết làm sao - Người ta có thể vui chơi, đàn đúm, quây quần một đời nhưng vẫn cứ lạc loài lẻ loi một chốc. Một chốc mà là tất cả. Cái sát na nhỏ bé của thời gian đôi khi cũng quy định cả đời người. Một người mẹ bỏ đi. Một người tình bỏ đi cũng nằm trong cái sát na đó.
                    Ðừng than thân trách phận. Ðời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời. Ðêm giao thừa không có người yêu thì buồn lắm nhưng cũng không vì thế mà chết được. Những lễ lạc đi qua đời người mà thiếu vắng hồng nhan thì vẫn có thể vui nhưng là một niềm vui không trọn. Như một khúc hát dở dang. Symphonie inachevée. Một mùa thu không có lá vàng. Một mùa hè không có nắng. Một đêm đông không giá rét.
                    Ðêm giao thừa ngồi một mình và hát :
                    "Ðừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng
                    Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông..."
                    Ðừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là một niềm vui. Một niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.
                    Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.
                    Không bao giờ có điều gì tuyệt đối. Và như thế phải có một đêm giao thừa nào đó phải có người yêu. Có những đêm không phải giao thừa mà vẫn có người yêu. Những đêm như thế ta cứ xem như là đêm giao thừa vậy.

                    01.01.1993
                    Trịnh Công Sơn


                    #10
                      thuyduong 05.10.2005 04:19:47 (permalink)
                      Viết bên bờ Loiret

                      Trịnh Công Sơn, Orléans, 22/05/1989

                      Trịnh Công Sơn và Paris.
                      Vừa tới Paris, rồi lánh Paris, về một nơi thanh thản hơn, mà nghĩ về Paris và về giấc mơ Paris. Mấy dòng tản mạn dưới đây, do Trịnh Công Sơn viết vài ngày sau khi tới Paris, không khỏi tạo cho người đọc những phút giây bàng hoàng. Không biết sự việc gì đã làm cho Trịnh Công Sơn khó chịu và thất vọng như thế, quan cảnh hay quan hệ? Paris hỗn ồn? Đâu bằng Sài Gòn! Paris hành hung đồng hương? Có thể! Paris trói chân phố xá? Có lẽ! Hay đơn giản hơn: giấc mơ và hiện thực luôn luôn là hai chuyện khác nhau! Thôi thì tìm về một gốc vườn, ngồi thật yên mà ngắm và nhớ thiên nga của mới năm nào, chưa xa lắm...
                      Cám ơn Ngô Văn Tao đã đánh máy lại và gởi cho Hội văn hoá Trịnh Công Sơn. Bài này đã xuất hiện đầu tiên trên Đoàn Kết (Paris), số 413 (tháng 5/1989), tr. 19 và đã được đăng lại trong cuốn Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, nxb Trẻ, 2001, tr. 13-14; chúng tôi sửa theo bản của Đoàn Kết. Theo chúng tôi biết, bài này là bài duy nhứt mà Trịnh Công Sơn viết trong suốt thời gian ở Paris, từ 17/05/1989 đến 26/06/1989, viết trước khi“ra mắt”công chúng bạn bè chiều 27/05/1989 (khai mạc triển lãm tranh) và tối cùng ngày (đêm ca nhạc với Thanh Hải).

                      Tôi đã nhớ Paris dù chưa bao giờ gặp. Tôi nghĩ về Paris đã từ lâu lắm. Những dòng suy nghĩ đã trôi đi không có ngày hẹn. Trôi đi. Đời sống đã trôi đi, đã trôi qua như bây giờ trước mắt là dòng suối Loiret, nhìn từ căn nhà của Đặng Tiến, cũng trôi đi lặng lẽ. Những con thiên nga cũng trôi đi trên dòng suối này. Lười biếng trôi đi mà vẫn giữ cho riêng mình một vẻ đẹp không thể nào trách móc được. Lac des cygnes. Ballet về cái chết của Thiên Nga.
                      Tháng 5 trời đất đề huề một bầu không khí ấm áp rất thuận lợi cho một cơ thể ốm yếu như tôi. Paris ồn quá. Ồn ào một cách hơi hỗn đối với những tâm hồn tĩnh lặng Đông phương. Tôi thích phố xá nhưng không phải là một loại phố xá làm đau đớn đời sống riêng tư của mình. Về Orléans nghe chim chóc ca hát quanh đời. Những cây platane già, những cây platane trẻ phủ xuống một nỗi nhớ nhung riêng. Tháng 5, những lớp da bệnh hoạn được sưởi ấm. Những giọt máu dưới làn da kia đã trỗi dậy ca hát một mùa không tuyết phủ.

                      Tôi không có ai để nhớ và cũng không có ai để quên. Tôi đã nhớ một đời và đã quên hết nửa đời. Những con thiên nga làm tôi nhớ những đôi chân đẹp. Đẹp một cách lạnh lùng tự nhiên vì màn đã khép, đôi chân đã về và tôi cũng trở về với chốn riêng tôi. Người ta chia sẻ vẻ đẹp và người ta cũng chia sẻ nỗi khổ đau. Nhưng sự bất khả tư nghi (l’impensable), không ai chia sẻ được.
                      Paris là ước mơ của một thời tuổi trẻ, nhưng giờ đây ước mơ ấy không còn ở lại đây với tôi. Hoá ra giấc mơ và sự thật không phải là một.
                      Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau, nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu đến đâu hãy chỉ thấy những nụ cười, những nụ cười như đoá hồng đứa bé cầm trên tay đi qua đường phố, rực rỡ một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái.
                      Buổi chiều tháng 5, dòng suối Loiret chảy nhẹ nhàng. Đi bộ từ bờ này sang bờ kia còn dễ dàng gấp nghìn lần những mùa lụt ở Huế. Buổi chiều ở Orléans bỗng nhiên tôi nhớ quê nhà quá. Có những cái đầu không bình tĩnh lắm sẽ trách móc tôi vì sao ở một nơi sung sướng như vầy mà vẫn nhớ nhà nhớ quê. Than ôi! Quê nhà chính là tôi rồi tôi biết làm sao được.
                      Paris ơi! Đã một thời yêu Paris lắm dù chưa gặp. Nhưng bây giờ Paris sẽ là một trong muôn vàn kỷ niệm của tôi. Đừng buồn, vì Paris vẫn là Paris và tôi có thể chỉ là một người quan sát nghèo nàn chưa hiểu được những gì trong lòng Paris muốn giấu kín.
                      Tôi không còn trẻ và Paris cũng chưa già. Paris hãy mãi mãi giữ gìn một Paris như thế và tôi, tôi cũng sẽ mãi mãi giữ gìn một sự mất đi không cần thiết cho cuộc đời.
                      #11
                        Ct.Ly 25.10.2005 02:41:21 (permalink)
                        #12
                          Chuyển nhanh đến:

                          Thống kê hiện tại

                          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                          Kiểu:
                          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9