Phù Đăng Nguyên Ơi!
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 15 của 17 trang, bài viết từ 211 đến 225 trên tổng số 255 bài trong đề mục
huyennguyen 06.01.2007 18:32:52 (permalink)
Hắn mong mình chết biết bao. Ở đó hắn gặp lại cô, cô trong những giấc mơ. Thật ra ngủ mới chiêm bao. Mà chiêm bao thì khác gì chết giả, chết trong chốc lát?
Nhưng một lần hắn chết thật. Hắn rơi xuống tời cửu trùng u giới. Hắn gặp một mỹ nhân. Nàng đứng chênh vênh trên đầu núi, giữa một khe đá cheo leo, mắt nhìn xa xôi. Hắn ngắm nàng. Nàng đứng rất gần hắn. Hắn có thể nghe mùi hương dịu dàng từ cơ thể của người đàn bà kia. Không, không phải đàn bà. Chắc chắn nàng vẫn còn là xử nử. Nếu không làm gì có cái mùi trinh hương bối rối và ngất ngây dường ấy? Nhưng hắn vói tay đến, không thấy tới. Chắc mình vẫn đứng xa quá. Hắn mon men lại gần. Nàng vẫn ở xa, tay hắn lại hụt. Ngẩn ngơ.
Dường như nàng biết hắn có mặt ở đấy. Chầm chậm quay lại, nhìn thẳng vào mắt hắn. Khuôn mặt như đóa hoa sen trong hồ Tịnh Tâm ở Đại Nội Huế. Hơi mỉm cười, nụ sen hơi hé, mong manh lạ. Hắn thấy mình bủn rủn như lúc nào tặng hoa cho cô - mối tình đầu tiên. Nàng nói, tiếng nói như gió thoảng bên hè vào những đêm trăng sáng:
- Anh muốn chết sao?
- À, vâng. Sao cô biết?
- Mắt anh.
- Ồ!
- Anh về đi, chỗ này anh chưa nên đến. Không phải muốn là được đâu.
Rồi nàng dịu dàng bay lên, mây trắng xấp xõa dưới xiêm y cùng một màu trắng lốp phiêu linh.
Và hắn từ đó thôi không muốn chết. Nhưng nhìn vào đâu hắn cũng thấy khuôn mặt nàng, viên mãn như cô của hắn.
huyennguyen 07.01.2007 10:34:42 (permalink)
Bốn Mùa Như Như (tt)
 
 
 
Người ảo hóa khoe thân ảo hóa
Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao
(Nguyễn Trãi)
Thuở, thời nào là của chiêm bao? Là thời phi thời, là mùa không mùa? Là cả bốn mùa? Bốn mùa như mộng, bốn mùa như như...
Diệp  lạc hoa khai nhãn tiền sự
Tứ thời tâm kính tự như như
(Hoa nở lá rơi đầy trước mắt
Bốn mùa tâm kính vẫn như nhiên)
Hoa nở lá rơi, bốn mùa luân vũ chênh vênh trước tấm gương trong trẻo của tâm hồn thi nhân. Tâm hồn đó vừa chứa muôn cái xao động (hoa nở lá rơi) vừa vượt lên mọi thứ xao động (như như). Có lần Nguyễn Du nói bằng một lối khác:
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly Thiền
(Đầy cảnh đều không đâu có tướng
Tâm này thiền định chẳng xa Thiền)
Bản chất này là cái bóng, là Không Tánh nên Tố Như vừa nhìn thấy hoa nở lá rơi, vừa thấy cái trống không của chuyện bốn mùa hoa rơi lá nở.
Mùa nào có mộng của mùa ấy. Người nào có mộng của người ấy. Ta đã thấy những giấc mộng mùa xuân của Basho, của Sho-u. Hãy thêm một giấc xuân điệp của Shotetsu trong một bài tan ka (đoản ca: hình thức phát khởi cho haiku) :
Không có hoa nơi này
Những cây thông thức giấc
trên đỉnh đồi ban mai
Hoa đào đêm xuân mộng
Cũng chỉ là mây bay
(Hana zo naki
Sametaru matsu wa
Mine ni akete
Magaishi kumo mo
Haru no yo no yume)
 
Những cây thông và nhà thơ Shotetsu cùng thức giấc (bởi vì họ cùng đã mộng) sau một giấc mơ xuân. Trong mơ, họ thấy cơ man nào là hoa đào, che phủ bầu trời như mây. Và rồi tan mộng, họ đối diện với chân không. Chỉ có mây bay là hiện hữu, những đóa mây trộng tựa hoa đào.
Trong mơ, hoa thì như mây, và trong thực tại mây thì như hoa. Có gì khác biệt? Bất nhị chính là như thế. Là Như Như.
Shotetsu lầm mây với hoa. Trong một vần thơ ngộ nghĩnh từ thế kỷ thứ tư (IV), nhà thơ Ấn Độ Basha cho một cô gái lầm lẫn sau giấc mộng tình:
Khi trăng chiếu lên giường tình
Cô gái đưa tay nhặt lấy
Tưởng như làn áo vừa buông
Tưởng tượng cô đang nhặt lên cái giấc mơ còn sót lại trên giường. Ánh trăng là cái bóng. Ánh trăng là giấc mơ. Chúng ta là những kẻ nhặt bóng, nhặt mơ mà không biết mình đang làm gì.
Và ánh trăng có thể là cái bẫy:
Trong bẫy nằm mơ
Ôi con mực phủ
Dưới trăng hạ mờ
(Toko tsubo ya
hakanaki yume wo
natsu no tsuki)
 
Cái lọ dùng để bẫy mực phủ, gọi là tako-tsubo, (sao hồ), chìm trong nước và được nối với một cái phao. Con mực phủ nhầm đấy là hang ổ, thong dong bơi vào, thế là mắc bẫy. Một chiều mùa hạ ở Akashi, trên bờ biển tuyệt đẹp, Basho đã nhìn thấy giấc mơ của con mực phủ, một sinh linh bé bỏng trong biển khơi. Mắc bẫy một cái lọ, một ánh trăng, một giấc mộng tất nhiên không chỉ riêng con mực phủ. Còn như giấc mơ đêm giữa hạ của Shakespeare.
Con mực phủ mơ gì khi bị cầm tù trong một cái lọ khi bên ngoài là biển mênh mông? Và một con ốc biển tự do, cô độc sẽ mơ gì?
Con ốc biển
khép vỏ nằm mơ
giấc mơ của nước
(Jack Stamm)
(futa o shite
sazae no yume wa
mizu no yume)
 
Một người nước ngoài nào đó làm thơ bằng tiếng Nhật, lại có thể bắt gặp giấc mơ của một con ốc biển, nhập lưu vào dòng siêu ngôn ngữ haiku, vào vũ trụ tính của thể thơ kì đặc này.
Vì sao Stamm biết con ốc biển nằm mơ khi Stamm không phải là ốc? Thầy Huệ hỏi thầy Trang: Bác không phải là cá sao biết cá vui?
Vì thầy trang biết cá vui nên chúng ta biết rằng một con ốc biển có thể nằm mơ. Chẳng những thế, giấc mơ của ốc cũng là giấc mơ của nước (mizu no yume: thủy mộng)
 
Giấc mơ của nước? Giấc mơ của cây? Giấc mô của đá? Bởi vì cả vạn pháp đang nằm mơ hoặc là trôi đi trong mơ.
Càng khép mình lại, ta càng chìm vào dòng nước của mộng. Như con ốc biển (sazae) kia.
Thay vì thế, thì hãy mở ra đôi mắt mộng, nói như Nguyễn Du.
Con ốc nằm mơ giấc mơ của nước, ấy là mơ đến hai lần, là mơ trog mơ, là "mộng trung chi mộng"
Thính tĩnh dạ chi giản thanh
Hoán tỉnh mộng trung chi mộng.
                       (Thiền ngôn - sách Thái căn đàm)
tạm hiểu: 
Nghe tiếng chuông đêm lặng
Tỉnh giấc mơ trong mơ 
...
(còn nữa)
huyennguyen 08.01.2007 17:38:52 (permalink)
Có một người điên, hay đi lang thang qua những khu vườn trái cây chín nẫu. Ở đó, anh ta gặp một cô gái mù. Bù lại, cô đẹp đến nỗi, người điên bỗng chợt thấy trái tim có những làn sóng dữ. Cô bị giam giữ bởi một người đàn ông rất sang trọng, cao lớn và đẹp trai. Vẻ học thức toát ra từ anh ta mang một sự sáng-suốt-tỉnh-táo kì lạ. 
Đôi mắt cô gái mù thẳm biếc hai hồ nước sâu. Người điên đắm.
Hai người yêu nhau. Người điên rủ cô gái trốn đi, đến một nơi không còn những người sáng-suốt-tỉnh-táo.
Họ trốn được. Có những ngày hai người nhìn nhau câm lặng và hai đôi mắt chết trong nhau.
Cái chết như được báo trước. Những-người-tỉnh-táo tìm ra họ. Họ bị bắn. Xác họ bị vùi trên ngọn đồi, không ai biết ở đây từng có một cuộc tình người điên-người mù. Người điên không nói được, dù nói cũng chẳng ai nghe. Cô gái mù thì không biết ai đã bắn mình.
Tôi tình cờ biết được chuyện tình của họ trong mơ, khi đi ngang qua một khu mả hoang giữa một buổi chiều mà bầu trời có màu xám chì.
Và sau này, tôi cũng chẳng kể chuyện này cho ai nghe nữa.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.01.2007 08:20:44 bởi huyennguyen >
huyennguyen 09.01.2007 17:39:30 (permalink)
Bốn Mùa Như Như (tt)
 
 
 
 
 
Nghe tiếng chuông đêm lặng
Tỉnh giấc mơ trong mơ 
...
Những giấc mơ trôi đi có để lại ngấn tích gì không? Basho nhìn thấy ngấn tích ấy trên cỏ mùa hạ một ngày lang thang:

Cỏ mùa hạ đầy
Còn lưu dấu mộng
Anh hùng xưa đây
(Natsugusa ya
tsuwamonodomo ga
yume no ato)
Basho đang ở Takadate, nơi anh hùng Yoshisune tự sát từ hơn 500 năm trước lúc anh mới 31 tuổi. Giấc mộng của anh còn lại dấu tích gì? Thì dấu mộng (yume no ato : mộng tích) của anh đây: Cỏ mùa hạ đầy. Cứ tiếp tục mơ đi hỡi những người anh hùng!
Nhưng Basho và những người viếng mộ cũng mơ những giấc mơ của những người nằm dưới cỏ. Trên cỏ và dưới cỏ, đều là dưới gầm trời, dưới những giấc mơ, như vần thơ của nhà thơ Ba Tư Omar Khayam:
Ta nằm trên cỏ hôm nay
ấy là dười cỏ ngày mai ta nằm...
Cỏ mọc lên từ những giấc mơ đã hóa lám tro bụi từ đời này sang kiếp khác.
Vào một buổi sớm, trong khi "khai nhãn mộng", nhà thơ họa sỹ Buson nhìn thấy giấc mơ của một dãy người vô tận đi giữa một mùa thu vô tận:
Ban mai sương mù
Vẽ nên bức họa
Những người mộng du
(Asagiri ya
e ni kaku yume no
hito - dori )
Trong không gian suông mù tựa như không gian của những bức họa, những khách bộ hành lãng đãng qua lại như bước trong mơ. Hay giống như những cái bóng vẽ nên mờ ảo.
Nói như Shakespeare: "Đời sống chỉ là một cái bóng bước đi..." (Life's but a walking shadow)
Trong bài thơ của Buson, không gian là sương mù và thời gian là một sớm mai thu. Đó là thời-không của Mộng. Thế gian đang buông một màn sương dường như để che giấu mà đồng thời cũng để hé lộ một cái gì đó chênh vênh của Chân Như Thể Tính.
Đây là hình ảnh sương mù trong một vấn đáp Thiền. Có một vị tăng hỏi:
- Cái gì là Đại Bát Nhã?
Thiền sư trả lời:
- Tuyết lướt bay và vạn vật chìm trong sương mù.
Vị tăng không tỏ hội và Thiền sư đọc kệ:
Maha Bát Nhã
Gió thì lạnh giá
Tuyết thì trắng tinh.
Vị tăng muốn hỏi về Trí Huệ Bát Nhã. Thiền sư đưa ra một hình ảnh sương mù. Vị tăng bám vào lời thấy và rơi vào sương mù, không biết rằng Trí Bát Nhã ở ngay trong Tâm mình, trong cái tâm kính có thể phản chiếu toàn thể vạn vật một cách như như: Tuyết thì trắng tinh, gió thì lạnh giá. Cho dù đại từ bi, Thiền sư cũng không thể giảng giải về Đại Bát Nhã. Vị tăng phải tự mình lên đường trở về với nó, tự mình bước vào sương mù và tự mình vén lên sương mù. Tự mình chơi đùa với huyễn hóa.
Vào mùa đông của cuộc đời mình, Basho viết ra bài ca từ thế về những giấc mơ cuối cùng:
Đau yếu giữa hành trình
Chỉ còn mộng trôi phiêu lãng
trên những cánh đồng hoang
(Tabi ni yande
yume wa kareno wo
kakemeguru)
Thực ra, trước đó Basho tuyên bố rằng hầu hết thơ ông trong suốt hai mươi năm qua đều là những bài ca từ thế.
Trong "1001 đêm", chẳng phải mỗi câu chuyện mà nàng Saharazzad kể ra đều là một bài ca từ thế hay sao? Sáng tạo ra những câu chuyện để chinh phục cái chết hay sao?
Kể từ khi con người biết sáng tạo, thì cái chết trở nên bất lực. Và những giấc mộng của Basho, Nguyễn Du, Shakespeare... chơi đùa phiêu lãng với đồng hoang trong cuộc Tiêu dao du bất tận của kiếp người.
Khép lại với một câu của Nietzsche:
Chúng ta có Nghệ Thuật để cứu lấy con người tránh khỏi cuộc trầm vong tuyệt duyệt của trần thế (trong bốn mùa như như).
huyennguyen 10.01.2007 10:37:19 (permalink)
Ngay cả những người thân nhất rồi cũng không còn.
Ngay cả những làn khói thuốc xám xanh cũng bỏ hẳn mà trốn qua cửa sổ. Không quanh quẩn lượn lờ xung quanh, mà theo gió đi rồi. Ngồi trong sáng mai nắng hồng bên khung cửa sổ nhìn ra khu vườn thưa, buồn ngang ngửa.
Càng lúc càng không thề nói chuyện vói ai nữa. Lầm bầm nói chuyện với mình, mỗi lúc càng giống thằng điên.
Vẫn chừng ấy thứ, có gì vui?
 
huyennguyen 11.01.2007 19:01:35 (permalink)
Ngốc!
Ôm mãi những bóng đêm để làm gì?
Bạn bè đâu?
Ừ hình như ngày trước cũng có nhiều bạn bè. Rồi vì đâu mà nhìn đi nhìn lại chẳng thấy ai cả?
Làm sao biết?
Ta xua đuổi? Hay người đuổi xua ta?
Bần thần nhìn lá mốc meo nằm bên hè.
Nhoài người ra để đón gió lạnh, thế mà dường như gió cũng hờ hững đi qua. Chẳng lạnh đến mức như tưởng.
Ngốc!
 
huyennguyen 12.01.2007 18:13:43 (permalink)
Nguồn dịu dàng đâu mất?
Sao em cứ hỏi hoài? Và sao em im lặng?
Sự im lặng trở về như lúc bắt đầu.
Mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại reng, lại nghĩ, chắc là em. Nhưng không, em quên mất rồi.
Nghĩ hôm qua, em đem một cái avatar có hình em chụp chung với người khác. Chỉ cười nửa miệng, có cần đâu một câu thông báo lố bịch như thế?
Từ đầu đã như không bắt đầu, thì kết thúc thế quái nào được? Em thông minh lắm, nên cũng biết chọn lựa cái gì tốt cho mình thục sự.
Xuân đã thấy thấp thoáng đâu đó trong không khí quanh quẩn những ngôi nhà. Vạch cái mặt mốc bụi của thời gian năm cũ, những hàng rào, những ban-con đã được quét nước sơn mới. Tình cờ đi ngang, hắn ngó, hình như người ta làm việc cẩu thả, nên bụi nhiều thế. Con mắt của hắn vốn rất nhạy với khói bụi...
Lại ngoảnh đi, khi đất dưới chân của hắn là đất khách. Ngôi nhà giữa những bụi chuối xa lắm...
Asin 13.01.2007 09:59:00 (permalink)
Lâu không online. Vào cười với lão một tiếng.
Vui, khoẻ và viết đều hả !
huyennguyen 13.01.2007 16:30:36 (permalink)
Ôi người lữ khách
Chuông chiều điểm rồi
Xuống núi đi thôi...
huyennguyen 13.01.2007 16:34:38 (permalink)
Hoàng mai trước ngõ
Vương xác pháo lòng
Ướt nụ long đong...
huyennguyen 13.01.2007 16:54:26 (permalink)
Một tháng nữa là Tết. Nhưng cái mùi hành ngò đã thoang thoáng trong gió. Hắn nằm đắp chăn co ro. Đầu óc bị nổ tung, những đống rác bị cày xới mỏi mòn. Mỏi mòn và đau khổ như rắn lột. Máu chảy theo những đường nơron thần kinh. Nhớ quê hương, một quê hương có đó mà không thể trở về. Có đó mà như xa lắm.
Nếu có về đến, cũng bị bạn bè kéo lôi trong những cuộc nhậu tưng bừng, để rồi giật mình thức giấc thấy mình đã nằm trên giường nhà mới. Ngôi nhà cũ có tuổi thơ, có mẹ, có anh em và những thằng bạn đầu trần chạy trên cát với trái banh da rách tả tơi. Mỗi Tết tới, thì cái vườn rau bé nhỏ của mẹ, lại đem cái mùi hành ngò về trên những bữa ăn. Từ đâu, cái mùi ấy lại ập đến trên mũi hắn ngày hôm nay, sau đúng 14 năm xa chốn cũ?
Lạ là, từ cái mùi hành ngò đó, không hề có những bóng dáng những con người hắn đã từng cho là quen thân lắm lắm, tin cậy lắm lắm, tri kỉ quá chừng chừng. Chỉ có khói pháo, cái nồi bánh tét lơ thơ dăm lửa, và khay bánh hạt sen quây trên phên tre cời than...
Chợt nghĩ rằng: có phải đó mới chính là quê nhà mà hắn từng nghĩ mỗi ngày và cố tìm cách đưa vào Thơ Văn nhăng cuội của hắn khắp nơi?
 
huyennguyen 13.01.2007 17:24:36 (permalink)
Sao mày trông như miếng thịt ôi thế?
Cái gì?
Miếng thịt thiu!
Chẳng có ai
Tao thấy không phải, sao hằng ngày bao nhiêu đưa gọi mày ơi hỡi um sùm kia mừ?
Chẳng lẽ không nghe? Chẳng lẽ không nói? Chẳng lẽ không cười? Chẳng lẽ thôi đừng gian dối nữa!
Ừ, dẫu biết thế cũng đành nghe. Tao cũng thông cảm, nhưng còn mấy đứa mày hay bảo là tri kỉ đâu? Những em gái, những bạn bè, những nàng tiên của mày đâu?
Chết ráo trọi.
Kì cục!
Chết tao nói chết. Không gian dối như bọn ấy đâu, đẩy đưa vài lời đầu môi khen chê. Rồi cút mất dạng.
Nhưng tụi nó cũng là nghệ sỹ mà, cũng mở cái này cái kia làm nơi ăn nói nhậu nhẹt đấy mà.
Ờ, chuyện này thật là tao không biết.
Thế rồi mày cô đơn mà buồn chắc?
Ồ, mày lầm. Tao làm bạn với một người nuôi chim. Ông ấy dạy cho tao cách làm cho những con chim biết hót thật hay, biết cách bay thật cao.
Mày làm được không?
Cũng tạm.
Thế là được ah?
Chỉ có một.
Là thế nào?
Có cả một bầy, nhưng chỉ có một con biết hót.
Các con còn lại đâu?
Tụi nó chăm chỉ lo ăn thóc, mập ù, mỡ béo đầy người, không hót được nữa. Có con thì cũng kiếm được nhiều thóc, nhưng không dám ăn, lại cứ chăm chỉ kiếm thóc, không có thời gian mà hót. Chỉ còn một con...
Nó hót hay không?
Tao chẳng biết.
Mày nuôi mà mày chẳng biết là thế nào?
Vì tao không thể thẩm định theo ý kiến của riêng tao. Hơn nữa, lâu nay nó cũng không hót nữa.
Thế nó làm gì?
Nó nhìn bâng quơ qua cửa lồng. Nó cứ đăm đăm như thế. Chắc nó nhớ bầu trời?
Ôi, có ra bầu trời thì cũng thế thôi. Bạn chim của nó khắp chân trời cũng đã vào lồng cho người nuôi ráo trọi rồi.
Vậy thì sao?
Vậy thì cứ thế, buồn nó hót, vui nó hót, vui buồn có khi không hót. Thích nó hót, không thích nó cũng hót, đôi khi câm bặt, nhìn ra bầu trời. Chờ chết.
Thế sao nó không chết quách?
Có lẽ nó chờ.
Chờ gì?
Chờ ngày chết. Ngu thế!
Đã như chết, sao không chết mà lại chờ ngày chết?
Đó là chuyện của nó, sao tao biết? Tao nghĩ có lẽ ...
Có lẽ thế nào?
Có lẽ mày đi hỏi nó hay hơn. Hoặc mày thử một lần muốn chết và nhìn ngó ra khỏi cái lồng êm ái của mày như nó...
Tao chẳng dám. Tao không muốn bị chết.
Ừ, thì mày cũng như hầu hết, chỉ muốn hỏi cho qua, đưa đẩy gọi là, chứ sao mà dám chết?... 
huyennguyen 14.01.2007 17:43:12 (permalink)
"Tôi ái ân vô tận.
Bằng chứng là đây.
Tôi chưa hề sống đủ.
Cho đến khi yêu đầy."

(That I did alsway love.
I bring thee proof.
That till I loved.
I never lived enough).

_Emily Dickinson_
huyennguyen 14.01.2007 17:45:25 (permalink)
"Luật lệ là, chỉ có mứt ngày mai và mứt hôm qua - Nhưng không bao giờ có mứt hôm nay". (The rule is, jam tomorrow and jam yesterday but never jam today).
Alice lạc vào xứ Thần Tiên
huyennguyen 14.01.2007 17:50:21 (permalink)
Giang hồ muôn nẻo đều linh
 
(Đọc thơ Linh Phương)

“Tha phương, lữ thứ, giang hồ...
Chết rồi còn muốn đội mồ... về quê.”

                                         Phạm Lưu Vũ
Tôi phải bật lên mấy câu như thế khi đọc xong hai bài thơ về kiếp giang hồ của anh (hay chị) Linh Phương. Bài thứ nhất có cái tên: Giang hồ, bài thứ hai có tên: Ta về làm khách quê nhà. Cám ơn anh Nguyễn Hòa ở Văn nghệ sông Cửu Long đã gửi cho tôi hai bài thơ đó.
Nhà thơ Phạm Hữu Quang từng có câu thơ tuyệt tác về giang hồ: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Thi sĩ Trần Ninh Hồ cũng từng đọc cho tôi nghe câu thơ rất hay của Đynh Trầm Ca: “Giang hồ nào có ai phong ấn / mà cũng từ quan, trở lại quê”. Nguyễn Bính xưa có một thời thơ rực rỡ nhất chính là thời giang hồ: “Chao ôi ba bốn tao ân ái / Đã đủ tan tành một kiếp trai / Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ / Đành phụ nhau thôi kẻo có ngày / Khăn gói gió đưa lên xứ lạ / Ai cười cho được lúc chia tay” - (Giời mưa ở Huế)... Ông như thế là đã “giang hồ” cả trong đời thực lẫn tình yêu. Về sau, ông buộc phải trở thành một “công chức” thơ, biên chế chết dí ở một Ty văn hoá thì con người thơ trong ông kể như đã chết. Có ai tin rằng thi sĩ lừng lẫy ấy từng phải viết như thế này không: “Thâm canh cải tiến bàn sôi nổi / Giống má phân gio tính kĩ càng / Sản xuất cho hăng là thắng Mĩ / Là xây miền Bắc giúp miền Nam”... Song dù thế nào, thì hậu thế vẫn thông cảm, vẫn yêu và tha thứ cho Nguyễn Bính bởi trước khi phải chấm dứt kiếp giang hồ, chính ông đã tự làm lễ “bế mạc” cái đời thi sĩ của mình: “Xếp lại chăn bông cùng áo dạ / mở toang bốn cửa cất then cài / Nắng lên mất thú ngồi bên lửa / chậu hết hoa rồi bạn với ai”. Sau này có ai nghiên cứu về Nguyễn Bính, cho phép tôi được phát biểu một ý kiến, rằng thơ của Nguyễn Bính về sau còn nhiều, nhưng thơ của thi sĩ Nguyễn Bính thì bài này là bài cuối cùng.
Sở dĩ tôi lan man như thế là vì muốn nói rằng cái giang hồ sao mà nó gắn liền với thi sĩ đến thế, nhất là đối với những người như Nguyễn Bính. Bởi giang hồ quên đi thì thôi, chứ hễ nhớ ra là lập tức hóa thành tâm trạng. Bằng chứng là cái “giang hồ” của tác giả Linh Phương sau đây. Bài thơ gồm bảy khổ thơ theo kiểu tứ tuyệt liên hoàn. Giọng “Thơ Mới”, niêm luật tuy có “phá”, song vẫn đầy chất “cổ điển”, lại có cả hơi hướng cảm khái như thể tráng ca:
“Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành - thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa”

“Thất thế” xin không bàn, bởi thời nào mà chả có ít nhất chín chục phần trăm kẻ thất thế. Tiếp theo, “Chí lớn không thành - thà ẩn cư” thì đồng ý rồi. Có điều “ẩn cư” đáng lẽ phải tìm chỗ nào vắng vẻ, hoặc hang cùng ngõ hẻm, hoặc “vùng sâu vùng xa”... chứ? Đằng này lại “ẩn cư” nơi giang hồ, nơi “viễn xứ”, để mà: “Hết đời phiêu bạt chốn quê xa” thì quả là một điều ghê gớm đấy. Xưa có những bậc đại hiền, vì ghét thói đời ô trọc, không muốn cho ai biết đến mình nên đành ẩn thân giữa nơi... chợ búa. Có khi làm người giữ cổng thành, có khi lẫn vào với đám mổ heo, đánh bạc... Tư tưởng “ẩn cư” của tác giả quả đã gặp gỡ tiền nhân ở chỗ ấy. Dù sao, tôi vẫn cứ muốn đọc câu cuối của khổ thơ này thành “Trọn đời phiêu bạt chốn xa quê” bởi “trọn đời” nghe hợp vận hơn, vả lại “xa quê” mới đúng là mỗi người chỉ có một quê...
Liên quan đến cái tâm trạng giang hồ gồm ba “nhân vật” chính: Mẹ, Cha và Em. Ba khổ thơ tiếp theo dạt dào những ký ức về họ:
“Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông

Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn - tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm

Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya - tiếng nguyệt cầm”

Những câu thơ buồn và thương đến não nề. Thế mà vẫn cứ phải trọn kiếp giang hồ, không về sống với Mẹ và Em được? Thì ra cuộc đời sinh ra đã bắt phải như vậy. Khổ thơ viết về Em lãng mạn, hay như một bài thơ tình hoàn chỉnh. Tiếc rằng câu: “Đốt đồng khô khói phủ che trời” ở khổ thơ trên hơi cụ thể quá, vừa giảm chất thi sĩ, vừa làm hỏng nhịp điệu thơ. Tại sao lại cứ phải “đồng khô” cơ chứ? (đồng “lội” tôi vẫn thấy người ta đốt đấy). Dẫu biết rằng phải “khô” mới đốt được. Song khô quá nhiều khi lại ít khói, chưa chắc đã “che” được trời.
Giờ đến ký ức của chính kẻ giang hồ:
“Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân”

Ta hiểu rằng chiến tranh chính là một trong những nguyên nhân làm nên cuộc giang hồ này. Người xưa thì “Ai hay sông bãi xương vô định / giấc mộng phòng khuê thiếp vẫn chờ” - (Đường thi). Còn ở đây là cảnh đứa con đợi hồn người Cha đã: “Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm”. Thật là một nỗi đau muôn đời: “Phách lạc đâu còn chỗ nương thân”. Nhưng ở câu trước đó, giá sửa chữ “bia” thành chữ “suông” (mộ suông...) thì nỗi đau càng “đến nhẽ” hơn, bởi người Cha đã “bỏ xác trên rừng” thì mộ có khi còn chẳng có, nói gì đến bia. Vả lại “mộ bia” chỉ là tả cái bề ngoài. “Mộ suông” mới tả cả cái (vô định) bên trong. Nấm mộ trong câu thơ này chắc là đắp (tượng trưng) ở quê, chỉ là một nấm đất... suông đấy thôi.
Hai khổ thơ cuối đạt đến cực đỉnh của nỗi lòng kẻ giang hồ:
“Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông”

Giang hồ thì không thể nào “quen” được. Dẫu có “trăm bận” thì bận nào cũng buồn, bận nào cũng đau, cũng nhớ, cũng thèm... Lại còn hẹn nữa chứ? Thì cứ hẹn cho yên ủi đấy thôi. Hẹn mà có bao giờ thực hiện được đâu. Đời làm gì có cho ta cơ hội. Hai câu kết của bài thơ: “Ta về làm bạn cùng chim chóc / Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông” rốt cuộc mãi mãi chỉ là ước mơ mà thôi. Hình ảnh “...muỗi mòng chín cửa sông” cực kỳ ấn tượng. Tuy vậy, “giang hồ” khi đã hóa thơ thì cũng không uổng kiếp người.
Bài thơ thứ hai: Ta về làm khách quê nhà chính là nỗi “nhân quả” của cái kiếp giang hồ, bởi giang hồ nên về quê mới hóa thành “khách”, đây là một kiểu “khách” thơ. Tôi chợt nhớ đến hai câu của nhà thơ Trần Ninh Hồ: “Xa quê lâu, hóa mất quê / hẹn thề lâu, hóa hẹn thề trong mơ” thực là hợp với tâm trạng của tác giả khi viết bài thơ này. Bài thơ như sau:
“Ta về làm khách ở quê
Của ngày thơ ấu. Bờ đê đi tìm
Tiếng con dế gáy. Từng đêm
Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông

Ta về nhìn lại nhánh còng
Sông Tiền - sông Hậu - long đong một thời
Phù sa ngầu đục - đắp bồi
Rạ rơm vàng lối - chào người năm xưa

Chuồn chuồn ớt ngủ giấc trưa
Tìm trong hương cỏ bốn mùa đã xa
Ta về làm khách quê nhà
Tự dưng buồn bật khóc òa vậy thôi”

Một bài thơ lục bát, âm hưởng lục bát, nhịp điệu lục bát... Thế mà chen vào một câu cực kỳ sái vần: “Tiếng con dế gáy. Từng đêm / Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông”. Nhưng chính câu sái vần này: “Nằm nghe cây lúa giật mình trổ bông” lại là câu hay nhất. Hay nhất cho nên đành phải bỏ qua cả vần. Kẻ giang hồ, xa quê... lúc quay về làm “khách” mới hay những con dế, con chuồn chuồn, những cây lúa, nhánh còng, những dòng sông (sông Tiền, sông Hậu)... đều đã hóa thành thân phận, chẳng khác gì thân phận kẻ giang hồ.
Đại thi hào Nguyễn Du có câu: “Dột lòng mình mới nao nao lòng người”. Lòng mình phải (buồn) đến mức “dột” rồi, thì thơ viết ra (may lắm) mới “nao nao” lòng người. Huống chi những cái buồn giả, buồn non, buồn chưa đến nhẽ thì cùng lắm chỉ tạo ra những bài... văn có vần mà thôi. Bài Ta về làm khách quê nhà giản dị, giản dị đến... nghiệp dư mà vẫn dào dạt nỗi thương mình, thương quê hương, xứ sở. Không nhắc đến kiếp người nào, chỉ có mỗi một nhân vật (ta), vậy mà vẫn tưởng như có bao thân phận, bao kiếp sống của bà con vùng sông Tiền, sông Hậu sắp hàng đâu đó. Nỗi buồn quả đã “lây” sang người đọc. Thơ thế là thành công, và đó chính là thi sĩ. Bởi thi sĩ cho nên chẳng cầu kỳ. Nỗi buồn nay đã hóa thành thơ. Đúng như Paul Verlain đã viết: “Con sinh từ lòng Mẹ / Hoa từ Đất nở ra / Nguồn - đẻ ra sông bể / Buồn - đẻ ra thi ca”.
Thay đổi trang: << < 131415 > >> | Trang 15 của 17 trang, bài viết từ 211 đến 225 trên tổng số 255 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9