Chuyện lão hâm - tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 3 của 4 trang, bài viết từ 31 đến 45 trên tổng số 48 bài trong đề mục
PT 17.08.2006 17:04:25 (permalink)
Mở to đôi mắt chim bồ câu non mới ra ràng được vài chục năm nhìn cậu, tớ thấy giọng nói của cậu TQ có vẻ hợp cạ lắm.
Tính đến ngày giờ lúc này thì tớ thấy những câu chuyện thuộc về tình yêu của cậu PCT viết hay nhất là :
1 Cậu Toại.
2 Cũng là một câu chuyện tình.
3 Phượng

Về mảng xã hội thì theo thứ tự ưu tiên cho:
1 Người đàn bà xa lạ
2 Chuyện phố huyện
3 Cô bé đá bóng
Tớ thì chỉ biết đọc và cảm nhận thế, chả biết có đúng không nữa.
Tớ vẫn đang trong tình trạng chân thấp chân cao.
#31
    Minh Nguyệt 17.08.2006 18:22:22 (permalink)


    Trích đoạn: PT

    Mở to đôi mắt chim bồ câu non mới ra ràng được vài chục năm nhìn cậu, tớ thấy giọng nói của cậu TQ có vẻ hợp cạ lắm.
    Tính đến ngày giờ lúc này thì tớ thấy những câu chuyện thuộc về tình yêu của cậu PCT viết hay nhất là :
    1 Cậu Toại.
    2 Cũng là một câu chuyện tình.
    3 Phượng

    Về mảng xã hội thì theo thứ tự ưu tiên cho:
    1 Người đàn bà xa lạ
    2 Chuyện phố huyện
    3 Cô bé đá bóng
    Tớ thì chỉ biết đọc và cảm nhận thế, chả biết có đúng không nữa.
    Tớ vẫn đang trong tình trạng chân thấp chân cao.


    Hì...hì, tớ thì không vote cho Phượng lắm vì câu chuyện nhàn nhạt....xin lỗi cậu PCT . Tớ thích Ảo giác hơn!
    Riêng về mảng xã hội thì Woman in black cũng hay nhưng tớ không khoái cái tiêu đề tiếng Anh chẳng ăn nhập gì với câu chuyện cả.

    Tớ đồng ý với cậu là trong truyện của PCT đôi chỗ không thật và dường như vô lý, nhưng sau đó tớ lại nghĩ trên đời nhiều cái vô lý hơn cái có lý nên ta chứ chấp thuận nó đi .
    Ví dụ trong Nàng Công chúa biển, bà vợ của một ông sếp phải nói dối mình bị ung thư để chống thả một con cá vàng ( có thể hiểu là một món mồi béo bở nào đó )... và ông chồng đồng ý ngay mặc dù vợ chồng sống với nhau chỉ là nghĩa và hai vợ chồng đã ra ở riêng...nghe hơi vớ vẩn...
    Thực ra đây là cách dẫn mọi người đi loanh quanh một lúc rồi chỉ cho mọi người đây là nhà thôi mà .
    Đọc chuyện của cậu PCT này phải đọc kỹ thế thôi...đọc mãi nhiều cái vô lý rồi cuối cùng cũng thấy nó có lý hic...hic, chắc cậu PCT đang muốn vặt tai tớ. KỆ !
    Chuyện Lão Hâm đào tạo tài năng trẻ cũng thế ! Cái lão Niềm Vui đương nhiên là tử tế rồi khi đem nộp tiền hối lộ của sếp lão Hâm để làm từ thiện nhưng nếu để ý một tí thì người đọc có thể hét lên rằng một thằng tốt sao còn lượi dụng bạn bè để hối lộ cho con cháu sếp. Sau tớ lại nghĩ...đôi khi vẫn có những kẻ tốt nửa vời như vậy. Vả lại đây là bạn lão Hâm mà, người hâm làm gì chả có lý

    Cái tớ phục nhất là kỹ thuật viết truyện ngắn của PTC cơ: các câu chuyện bao giờ cũng có cấu trúc, có thắt có mở, có cao trào. Đưa người đọc vào kịch tính rồi mở ra dễ dàng như chơi chữ. Cái đó các cây viết đương đại bây giờ...ít lắm. Cách miêu tả nhân vật của PCT khá ổn, tóm lại không ai giống ai.

    Túm lại cậu đọc kỹ đi, cứ say sưa với các tình tiết vừa phịa vừa thật, lúc có lý lúc vô lý nhưng cái gút của câu chuyện thì chỉ ở đâu đó một vài câu cuối chẳng hạn.
    Đó là văn phong riêng của PCT.

    Tại sao tớ lại lan man với cậu thế nhỉ??? À tớ biết rồi vì cái ánh mắt bồ câu của cậu dành cho tớ thê thôi
    Cảm ơn cậu nhé ! Hy vọng cậu giữ mãi được ánh mắt trong trẻo ấy hi...hi

    Và cuối cùng thì tớ xin khen CT. Ly chân thành rằng bạn ấy có con mắt chọn truyện đưa vào thư viện rất tinh đời!
    #32
      PCT 17.08.2006 18:56:28 (permalink)
      To: TQ và PT:
      Rất vui khi được các bạn nhận xét khen chê thực lòng về các truyện ngắn của tôi. Xin ghi nhận và sẽ rút kinh nghiệm. Hy vọng còn có những lời nhận xét phê bình từ các bạn khác nữa.
      Là người viết nghiệp dư 100%, chưa được học một giờ chuyên văn nào từ thời phổ thông, tôi viết như để giải tỏa một nhu cầu nội tâm nào đó chứ hòan tòan không phải là sáng tác văn học. Vì vậy, để viết tiếp, tôi còn phải học hỏi nhiều.
      Một lần nữa cảm ơn hai bạn.
      Nhưng sao bạn PT lại có cái nick hơi giống nick của tôi thế nhỉ?
      #33
        Ngân Hà Xanh 18.08.2006 13:29:27 (permalink)

        Trông cậu khoẻ khoắn, nhanh nhẹn hơn trước, giọng nói cũng sang sảng hơn. Có phải tình yêu làm cho người ta tăng thêm sinh lực?


        Đúng ghê!
        NHX mới vào diễn đàn, chọn box nào đông người đọc nhất để vào...và ngồi thiền để đọc một mạch.

        Chuyện của bạn rất hay, không phịa chút nào cả vì chưa có một quy luật nào cho tình yêu. Tuổi tác lại càng không quan trọng, chỉ có điều khi yêu người ta nên yêu hết mình và chẳng cần phải có lý do nào cả. Cậu Toại của cậu thật hạnh phúc... vì đến cuối cuộc đời thì cũng đã có một tình yêu thực sự cho riêng mình!

        Chúc mừng cậu đâ viết thành công chuyện Cậu Toại - chuyện hay nhất của cậu - riêng vụ này mình đồng ý với PT và TQ!

        Chúc cậu vui và có thêm nhiều sáng tác. Tớ thích bài thơ Em cho tôi bốn mùa và thích nhất hai câu cuối cùng cậu ạ.
        #34
          PT 18.08.2006 17:34:42 (permalink)
          Tớ chép tặng các cậu một tuyện ngắn ở đây được không? Cậu PCT đừng gõ trán tớ đấy nhé vì tớ chèn thêm câu chuyện này vào giữa lòng các cậu.

          Cuộc hẹn hò kỳ lạ
          ( Truyện ngắn của Rosemary Laurey – do Đại Lãnh dịch)
          Có bao giờ bạn thấy một người phụ nữ đã lên chức bà lại hẹn hò với một người đàn ông chỉ biết sơ sơ qua mục kết bạn bốn phương? Cô bạn già Annie sống chung nhà dưỡng lão với tôi đã từng có một cuộc hẹn hò như thế. Ông ta gọi đến cho Annie bảo rằng ông ta có dịp ghé qua thành phố và hỏi Annie cùng ăn tối với ông được hay không? Bà chấp nhận và đắm mình cả ngày chuẩn bị cho một buổi tối xem ra còn khá mờ mịt chưa biết ra sao, mãi cho tới lúc “ người hung” bấm chuông cửa. Ôi trời. Sẽ có khối chuyện để nói về ông ta, một gã khổng lồ khỏe như con ngựa. Ông ta có thể kiếm sống khá là sung túc nếu chịu làm người mẫu cho mấy tờ tạp chí chụp ảnh đăng trang bìa, chưa kể chiếc xe hơi Porsche đang đậu chờ bên ngoài. Ngoài chuyện “ người hùng” lái xe quá nhanh và làm đầu gối bà trầy xước mỗi khi ông sang số, khủy tay của ông ta cứ chạm người bà mỗi khi họ quẹo cua gắt, nhưng ở trong chiếc xe chật hẹp như thế này ông ta làm thế nào khác được , đúng không? Lúc xe của họ dừng trong bãi đậu , bàn tay của ông ta làm như vô tình rơi trên đùi bà và… nằm ở đó. Trong nụ cười loé chói như đèn flash máy ảnh kèm theo câu “tôi hy vọng bà thích món Ý”, khiến bà đâm ra nửa tin nửa ngờ rằng cử chỉ vừa rồi chỉ là vô tình mà thôi. Món Ý ? Vâng. Một cung điện xây dựng bằng mỳ ống? Không. Đây chỉ là một nhà hàng. Người quản lý nó tên Luigi. Những người hầu bàn mặc áo vest trắng thắt nơ lúc nào cũng khúm núm.Nhạc của Verdi văng vẳng đâu đó làm nền. Ánh sáng trong các phòng ăn được làm dịu đi. Những nhánh lan cắm trong bình hoa bằng bạc. Khăn trải bàn được hồ cứng ngắc. Và một người bạn gái duyên dáng lắng nghe như uống mọi lời ông ta nói. “Người hùng” đặt món ăn bằng tiếng Ý và kể những câu chuyện vô cùng hóm hỉnh khiến bà cứ phải cố nhịn cừơi trong lúc đang ăn món ravioli nhân thịt cua và nhấm nháp ly rượu vang frascati. Câu chuyện giữa hai ngừơi thật vui vẻ, nhưng khi ông ta gọi chai vang thứ nhì cùng món thịt bê thì Annie bắt đầu lo ngại về chuyện ông ta sẽ lái xe đưa bà về nhà. Bà chỉ hơi yên tâm khi ông khổng lồ như vô tình buột miệng rằng mình sống ở gần đây. Thôi được, ông ta có thể đi bộ về nhà, còn bà sẽ đón taxi bằng số tiền nhỏ bà vẫn thường găm trong xắc để phòng bất trắc. “ Khách sạn này tuyệt lắm – ông ta quả quyết – Anh đã đặt một phòng đôi rồi. Giường đôi siêu rộng, có cả buồng tắm hơi”. Annie tội nghiệp suýt chêế nghẹn. Miếng saltimbocca mắc cứng trong cổ họng bà khi nghe ông ta nói vậy. Cố gắng đến chảy cả nước mắt bà mới thốt ra vẻn vẹn hai từ “Thế à”. “Em sẽ được tận hưởng nó”. Nhưng Annie không múôn tí nào.”Tôi phải về thôi”. Không hẳn bà nói dối. Thực sự những bà bạn cùng phòng đang chờ Annie. “Vậy ta ăn tiếp”. Một thoáng giận dữ loé lên trong mắt ông ta khiến bà hơi phân vân, nhưng bà vẫn lặp lại câu từ chối. Ông ta mỉm cười nhún vai nói” Nếu anh không thuey61tphục được em thì tốt hơn hết chúng ta kêu món tráng miện”. Annie chọn món tiramisu, ông ta kêu tách cà phê espresso và cáo lỗi xin ra ngoài. Chiếc bóp của bà từ trong xắc rơi xuống khi ông ta đi ngang qua nhưng ông ta đã nhanh tay chụp được nó đặt trở lại chỗ cũ kèm một nụ cừơi ngỏ ý xin lỗi. Món tráng miệng được bày ra bàn trước khi ông ta quay lại. Annie nhón một chút sôcôla trang trí trên mặt món tráng miệng. Bà sẽ chưa thực sự ăn nó cho đến khi ông ta quay trở lại. Nói cho cùng, phải giữ lịch sự cho trót chứ. Tuy thế , mấy phút sau Annie quyết định thử một muỗng kem trứng. Rồi một muỗng nữa. Không biết ông ta có xỉn không? Hay bị đột quỵ lăn đùng ra chết rồi? Hoặc đã bị bắt cóc? Nói bậy! Bà lại đang nghĩ lẩm cẩm rồi. Ông ta còn quá trẻ để bị đột quỵ tim và ở trong một nhà hàng sang trọng như nhà hàng này ngừơi ta sẽ chẳng để ai bị bắt cóc. Thế rồi khi những ngón tay đã dính đầy kem, Annie quyết định sẽ sáng suốt hơn. Bà ra dấu gọi người hầu bàn” Làm ơn kiếm giùm trong phòng vệ sinh cái ông lúc nãy ngồi với tôi”. Nói ra cấu này đã khó, nhưng nghe câu trả lời lại khó chịu hơn. Ông ta không có mặt trong toà nhà. Không lẽ bị người ngoài hành tinh bắt cóc rồi chăng? “Tôi đoán chắc ngài đó đã rời nhà hàng của chúng tôi rồi, thưa bà”, ông quản lý thông báo cho bà bằng giọng lạnh băng. “ Khoan đã!”. Bỏ dở món tiramisu nằm đó, Annie chạy vội ra cửa trước của nhà hàng. Một chiếc Mercedes màu tro nhạt đang tiến vào chỗ xe của họ đậu lúc nãy. Nỗi lo lắng giận dữ của bà làm cho kem trứng xẹp nhanh xuống. Bà và “ ngừơi hùng” đã chọn những món ăn ngon nhất cộng thêm rượu nữa, bây giờ tất cả những gì bà mang theo ngừơi chỉ là ít tiền đủ để gọi taxi về nhà. Annie tự hỏi liệu bà sẽ phải rửa chén đĩa ở đây bao lâu để trừ nợ. “Ông ta bỏ đi rồi - người quản lý gật đầu xác nhận khi bà quay vào nhà hàng - Chuyện ấy cũng thường xảy ra”. Không biết bà sẽ nói gì với mẹ mình nếu như bà thoát khỏi tình thế oái oăm này. “Ông thấy đấy. Tôi sợ rằng tôi không mang đủ tiền theo. Tôi đâu ngờ…” bà ấp úng. “ Chúng tôi cũng thế”, Luigi đáp. Nụ cười nhăn nhó xuất hiện trên cái miệng rộng của ông. Cái xắc của bà vẫn treo lủng lẳng trên lưng ghế nhưng miệng nó mở toang hoác. Bà tìm thấy trong xắc một mảnh giấy xé ra từ cuốn sổ tay nhét trong cái túi nhỏ nơi bà cất món tiền phòng hờ. “ Xin lỗi, cô em”, dòng chữ viết tay nguệch ngoạc ,” anh cần tiền đổ xăng”. Bây giờ thì bà thật sự múôn được đi về nhà sau khi rửa hết đống chén đĩa. Mắt bà mờ đi như có sương mù trước mặt , vì lo lắng tai bà ong ong như có sấm nổ. Một bàn tay mạnh mẽ nắm lấy tay bà. Bà loạng choạng. Một bàn tay khác đỡ lấy vai bà. “Đi thôi nào”. Hai bàn tay cứng cáp đẩy bà ra phía cửa sau của nhà hàng. Không phải về phía nhà bếp nơi có một núi chén đĩa dơ mà vào một căn phòng nhỏ chật chội. Hay đây là phòng giam giữ những kẻ quỵt tiền ăn? Bà thả người ngồi phịch xuống chiếc ghế dựa ngước nhìn đôi mắt đen và cái miệng rộng của người quản lý. “ Bà đã khoẻ lại chưa?”, Luigi hỏi. Bà đã chế ngự được mình để nén cơn giận dữ và những lời ta thán, nhưng nỗi lo âu đang dằn vặt bà. Giữa những tiếng thổn thức và sụt sùi, Annie làm ướt đẫm chiếc khăn tay còn hồ cứng của bà. Luigi lặng lẽ dúi cho bà một cái khác. “ Bà chờ đây một lát”, ông ấy nói và biến đâu mất. Annie hồi hộp đoán có lẽ bà đang bị nhốt ở đây để chờ nói chuyện với pháp luật, nhưng ông ấy ra đi để cánh cửa phòng mở hé và quay trở lại với tách cà phê đang bốc khói. “Cà phê sambuca đấy” . Luigi mỉm cừơi khi đưa nó cho bà “ Bà uống đi”. Đã quá mòn mỏi để chống cự hay phản đối, bà đưa tách cà phê lên miệng. Dòng nứơc nóng ngọt ngào và đăng đắng đượm chút hơi rượu bất ngờ kích thích các giác quan của bà, khiến bà thấy ngừơi hơi chao đảo nhưng cũng cảnh báo bà về sự hiện diện của Luigi đang ngồi gần như sát bà. Ôi trời. Nhỡ ông ấy bắt đầu … Cơn hoảng loạn như lửa thiêu đốt chạy khắp người bà. “ Xin bà đừng lo lắng – ông nói dường như đọc được trí óc bà – bà muốn thêm tách cà phê nữa không?” . Bà lắc đầu và ông cầm lấy tách cà phê bằng những ngón tay mềm mại “ Bà cảm thấy khá hơn chứ?”. Bà gật đầu “ Tôi sẽ gửi chi phiếu cho ông qua bưu điện”. Nụ cừơi và cái nhún vai của Luigi không cho bà nói tiếp:” Bà cứ quên tấm séc đó đi. Đây đâu phải lần đầu chúng tôi gặp người ăn không đủ tiền trả. Khi họ đánh bài chuồn, chúng tôi buộc họ để lại áo khoác và ô, nhưng chưa bao giờ giữ bạn gái của họ ở lại . Bà đã cảm thấy khoẻ chưa để về nhà. Tôi sẽ gọi taxi trả tiền trước đưa bà về tận nhà”. Bà không thể chấp nhận như thế:” Coi nào.Tôi sẽ gửi tiền trả cho nhà hàng, ít nhất là cho phần của tôi”. Sẽ đi quá xa nếu bỗng dưng móc túi trả tiền cho con chuột cống khổng lồ ấy”. Luigi lắc đầu và đôi mắt sẫm màu của ông ta nheo lại phát ra những tia sáng vui vẻ:” Kinh doanh thì phải trả giá thôi”. Một cậu bồi bàn dứơi quyền ông gọi taxi và Luigi đưa bà đi ngang qua nhà hàng bước ra phố. “Coi nào. Cảm ơn nhé. Ý tôi muốn xin lỗi về chuyện thanh toán. Bữa ăn tuyệt lắm.. ít nhất là trước khi …” bà nghẹn lời giữa câu. “Con tắc kè trở về màu thực của nó” Luigi tiếp lời bà. “Xin đừng nói xấu những con tắc kè khác”. Bà đáp và chìa một bàn tay ra. Làm như không thấy gì, Luigi đặt hai tay lên vai bà, nghiêng người nói nhỏ vào tai bà:” Phụ nữ ở tuổi bà nên thận trọng hơn khi chấp nhận một cuộc hẹn ngẫu nhiên”. Annie bối rối về sự tinh thông của Luigi. Chẳng biết phải nói gì hơn bà lung bung thề rằng từ nay tới khi đầu bạc, dẫu có tuyệt vọng mấy thì bà cũng sẽ không nhận lời bất cứ cuộc hẹn hò ngẫu nhiên nào nữa. Sáng hôm sau, bà quay trở lại nhà hàng để trả nửa phần tiền ăn thuộc về mình nhưng bị từ chối khéo léo và ân cần đến độ bà đành phải mỉm cười mang tiền về. Sau câu chuyện này ít lâu, một hôm Annie ngồi vào bàn viết thư cho cháu gái báo tin bà đã hứa hôn với Luigi.

          #35
            PCT 21.08.2006 09:51:32 (permalink)
            Dư âm ngày Valentin của Lão Hâm


            Quả thực cho đến tận ngày 13 tháng 2 năm nay lão Hâm mới biết trên đời này còn có Ngày Tình yêu. Không phải lão chưa từng yêu hay không biết yêu, chẳng qua chỉ vì lão hâm mà thôi, cái gì thiên hạ biết từ lâu thì bây giờ lão mới biết.
            Lão không dám mua hoa tặng vợ (còn con gái lão thì kệ nó, đã có thằng khác lo), sợ mụ cười lão ...hâm, già rồi mà còn hoa hòe hoa sói. Lão mua một hộp kẹo sôcôla của Úc rất đẹp, ngượng ngập trao cho vợ. Chẳng biết nói gì, lão lắp bắp:
            - Hình như trong sôcôla có rượu hay sao ấy...
            Cô con gái ma quái của lão cười rũ:
            - Cụ mua mà cụ chả nhìn gì cả, có chữ nuts to đùng đây thôi!
            Lão đâu có biết nuts là cái nút chai gì đâu, có lần được ăn kẹo sôcôla thấy trong đó có rượu nên lão đoán thế thôi.
            Vui vẻ với vợ con một lúc, lão dắt xe ra cổng, ném lại cho bà xã một câu cụt lủn: “Anh đến nhà cô Hạnh”.
            Cô Hạnh là cô giáo của lão hồi cấp 3. Đời đi học của lão có nhiều thầy nhiều cô lắm, nhưng hình ảnh sâu đậm nhất về nguời thầy đối với lão chính là cô Hạnh. Năm lão học lớp 8, Cô về lớp lão thực tập, năm sau Cô tốt nghiệp ĐH Sư phạm, quay về làm chủ nhiệm.
            Thời đó khóa ĐH Sư phạm có 3 năm, nghĩa là Cô chỉ hơn lão có 4 tuổi, còn so với bọn già trong lớp thì Cô cũng “xêm xêm”. Cô đẹp lắm, lại là con gái Hàng Bạc chính cống. Từ giọng nói, dáng đi đến mái tóc dài xõa trên lưng Cô, lão chưa bao giờ thấy ai được như thế cả.
            Mà không phải một mình lão nghĩ thế đâu nhé, gần như tất cả bọn con trai trong lớp đều si Cô cả. Từ khi Cô nhận lớp, chẳng chú nào trốn giờ Văn của Cô, kể cả những thằng ghét môn văn nhất cũng ngồi tròn xoe mắt nghe Cô giảng bài. Mà Cô không giống những thầy cô dạy Văn khác, Cô không hề giảng, Cô chỉ nói vì sao Cô yêu bài thơ nọ, vì sao Cô thích đoạn văn này. Cô nói say sưa và cả bọn nín thở nghe từng lời của Cô.
            Cô làm chủ nhiệm cũng chẳng giống ai. Giờ sinh hoạt lớp Cô không rao giảng đạo đức, không hô khẩu hiệu khô khan. Hôm thì Cô đem chuyện nhà bạn Cường khó khăn ra nói, hôm thì kể chuyện các bạn của Cô nay đang chiến đấu trong Nam ra sao.


            Bọn con trai trong lớp yêu Cô bằng một thứ tình yêu kỳ lạ, có một cái gì đó là tình cảm nam nữ, nhưng lại không phải thế.
            Có một lần lão Hâm đánh nhau, mắt sưng vù, áo sơ mi rách toạc. Cô bạn Bí thư chi đòan sợ quá chạy vào mách Cô (Cô được phân 10 mét vuông tập thể ngay trong trường). Bị Cô gọi vào nhà, lão Hâm sợ hết hồn, nhưng Cô chỉ bắt lão cởi áo để Cô nhíp lại, xong rồi Cô cười hiền hậu: “Em vẫn chưa hết trẻ con.” Cô không mắng, không đưa ra lớp, coi như không có gì xảy ra.
            Lớp lão có thằng Thịnh Hổ, học sinh miền Nam chuyển ra trường ngoài học. Bố nó đang chiến đấu ở đâu đó, mẹ bị Mỹ ngụy thủ tiêu. Nó học kém vì mất cơ bản từ những năm trước, tính tình hung hăng, hay gây gổ nên được cho thêm cái nick “Hổ”. Có lần nó cầm dao định đâm người ta bị Công an bắt, Cô phải lên đồn xin về. Đang giờ Văn, cô đuổi tất cả lớp ra ngoài, một mình ngồi “nói chuyện” với Hổ. Thông thường hễ có giờ trống thể nào bọn con trai cũng ùa ra sân bóng, bọn con gái tụm năm tụm ba rì rà rì rầm hoặc chia nhau mấy quả ô mai sấu. Lần này cả lớp đứng im như thóc ngoài hành lang, không ai dám bỏ đi một bước.
            Lão Hâm ghé tai vào cửa kính, nghe thấy tiếng cô đang khóc. Hóa ra cô không hề mắng mỏ gì thằng Hổ cả, chỉ ngồi khóc như chính mình là một đứa trẻ bị mẹ mắng. Lão kéo cả lớp vào, thầy trò lặng lẽ nhìn nhau. Thằng Hổ gan lỳ cóc tía thế mà cũng nhũn như bún. Nó chỉ quen đối đầu với bạo lực, lần đầu tiên chịu đựng tình thương của một người con gái (thời điểm này cô chưa lấy chồng), nó hoàn toàn mất phương hướng.
            Ít lâu sau Hổ thông qua Ban Thống nhất Trung ương xin về Nam chiến đấu. Nó lập được khá nhiều chiến công, được phong danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, sau năm 75 được bồi dưỡng đi học Đại học An ninh, hiện là một sĩ quan công an có uy tín. Những năm 80 đầy khó khăn mỗi lần ra Hà nội công tác nó luôn mang cho cô đủ thứ, nào khô cá, nào nước mắm ngon, nào trái cây, mùa nào thức nấy. Đẻ con gái đầu lòng, nó xin cô cho đặt tên là Hạnh.
            Khi cả lớp lão Hâm đã ra trường, mỗi đứa đi một ngả thì có tin Cô lấy chồng. Từ Liên xô lão Hâm gửi về tặng Cô mấy mét vải hoa để Cô may vỏ chăn, sau này thỉnh thoảng đến thăm Cô lão vẫn thấy cái vỏ chăn ấy được Cô gấp gọn ghẽ đầu giường.
            Chồng Cô, anh Th. là một gã đẹp trai, đá đội tuyển Quốc gia. Hồi đó dân ta thiếu ăn, chỉ mấy ông thể thao là trông đẹp mã, dễ bắt mắt. Nhìn vào ai cũng bảo đấy là một đôi lý tưởng.
            Chết một nỗi là chỉ lý tưởng bề ngoài thôi. Anh chàng tứ chi phát triển này chỉ biết mỗi một việc là chạy theo quả bóng và theo bóng các nữ hâm mộ viên. Rồi cái gì phải đến đã đến, Th. có bồ nhí, có con riêng.
            Đúng lúc chuyện gia đình cô Hạnh lên đến đỉnh điểm căng thẳng thì Hổ đang có mặt tại Hà nội, nó xồng xộc kéo lão Hâm đến nhà cô Hạnh. Vừa nhìn thấy bản mặt thằng cha Th., Hổ rút súng định “chơi” luôn. Cô quắc mắt nhìn Hổ nhưng giọng nói vẫn nhẹ nhàng:
            - Nhà nước giao súng cho em không phải để bắn loại người này. Hơn nữa anh ta đã chết trong Cô rồi...
            Ly dị chồng đã hơn hai mươi năm, cô sống cùng đứa con gái và dành hết sức lực, thời gian cho công việc dạy học của mình. Nay đã nghỉ hưu, Cô vẫn quan tâm đến học trò cũ, nhất là những đứa không thành đạt. Tuấn lớp lão, một thương binh mù hai mắt cụt hai tay, vợ cũng là thuơng binh, có con trai thi vào đại học thiếu nửa điểm (sau khi cộng cả điểm ưu tiên) nhờ đuợc Cô chạy đôn chạy đáo tìm thầy dạy thêm nên năm sau cháu đỗ điểm cao vào đại học. Khi cháu ra trường, chính cô “ra lệnh” cho một cựu học sinh của mình nay là Tổng Giám đốc một công ty lớn phải nhận cháu vào làm việc.

            X
            X X


            Cô Hạnh ra mở cửa cho lão Hâm, cười cười:
            - Cơn gió nào đưa Hâm đại gia đến tệ xá thế này?
            Lão Hâm vẫn thật thà như mọi khi:
            - Thưa Cô, cơn gió Valentin ạ.

            Cô pha chè mời lão, lôi bao thuốc bọc kỹ trong bao ni lông ra mời (nhà Cô không ai hút thuốc). Một thầy đã già, một trò không còn trẻ ngồi nói chuyện với nhau. Họ hiểu ngoài tình thầy trò họ còn có một thứ tình cảm bền vững nhất - tình người.

            Và họ cũng hiểu trong ngày lễ Tình yêu người ta có thể để cho Tình người được tôn vinh vì Tình yêu chỉ có thể cất cánh trên đường băng Tình người rộng mở.
            (2/2004)
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2006 12:18:03 bởi PCT >
            #36
              PCT 24.08.2006 11:27:38 (permalink)
              Lão mù


              Lão mù về sống ở cái khu nửa thành phố nửa nông thôn này đã mấy chục năm. Lúc đó lão đã mù rồi. Không ai biết lão mù bẩm sinh hay do tai nạn mà bị mù. Lão mua một sào đất ở ngoại ô khi giá đất hãy còn rẻ như bèo, mò mẫm dựng một cái chỗ để che mưa nắng, so với lều thì có khá hơn, nhưng so với nhà, dẫu là cái nhà tồi tệ nhất, thì nó vẫn còn thua xa.

              Người ta gọi lão là lão mù, đơn giản và dễ hiểu. Chắc chỉ có anh công an hộ khẩu mới biết được tên thật của lão, mà công an thì để ý canh chừng làm gì cái lão mù hiền lành như lão nên chắc hẳn anh ta cũng không hề phổ biến cho ai về tên thật của lão.

              Người ta không thấy lão có anh em bà con cháu chắt gì cả. Lão sống một mình, không ai lui tới, người đến thăm cũng không, đến để chửi cũng không. Lão trồng rau và một vài loại cây ăn quả, con buôn vào tận vườn mua, tuy giá rẻ nhưng được trọn một gói, lại không phải mang hàng ra chợ bán vất vả.

              Lão sống với con chó, chính xác là mấy đời chó, con nào cũng đen tuyền, con nào lão cũng gọi nôm na là “chó”, không đặt tên gì hết.

              Đến bữa, hàng xóm nghe lão gọi:
              - Chó ơi, vào ăn cơm!

              Lão xới cơm, chan canh, bỏ thức ăn bằng nhau vào hai cái tô to, lão một, chó một. Chủ và chó im lặng ăn. Tuy lão mù nhưng con chó không bao giờ ăn vụng của lão, nó chỉ liếm sạch hai cái tô để ông chủ rửa cho dễ.

              Thỉnh thoảng lão ra đường, không phải để đi dạo, mà đi mua vài thứ cần thiết: gói thuốc lá sợi, cái bật lửa, vài lít dầu hoả, mấy cặp pin… Lão mù nhưng không đeo kính đen như những người mù khác, hai con mắt hỏng trắng dã, vô hồn cứ chong chong hướng vào người qua kẻ lại. Lão cũng không dùng gậy khua khua, mà dắt con chó theo. Con chó chậm rãi đi phía trước, thỉnh thoảng gâu gâu khe khẽ thay cho tiếng còi tín hiệu, ấy là ta giả sử lão mù đi xe máy, để người đi đường biết mà tránh. Đến chỗ nào gặp chướng ngại vật, con chó nằm xuống trước chân lão, vấp khẽ vào nó là lão biết ngay để dừng lại. Người và chó lặng lẽ đi như vậy, không va chạm, không làm phiền ai.

              Duy nhất có một việc lão làm phiền hàng xóm là lão bật radio suốt ngày, cho đến khi nhà đài đi ngủ thì radio của lão mới im tiếng. Lâu dần mọi người cũng quen, không thấy khó chịu nữa. Mọi người thông cảm cho lão, kênh thông tin duy nhất nối lão với cuộc sống bên ngoài là cái Đài tiếng nói Việt nam. Vì lão mở đài cả ngày nên không ai biết thực sự lão quan tâm đến chương trình gì, thời sự hay ca nhạc, đọc chuyện đêm khuya hay an ninh Tổ quốc. Nhờ nghe đài thường xuyên như vậy, lâu lâu họp tổ dân phố, lão phát biểu cũng có vẻ nắm bắt thời cuộc lắm.

              Dăm năm trước, bỗng dưng ở nhà lão mù xuất hiện một cô con gái tên là Nụ. Nụ gầy gò, xấu xí, ăn mặc lạc mốt, đâu như là cháu một người bạn của lão mù trên Điện Biên Phủ. Nụ về Hà nội học đại học, nhà nghèo không đủ tiền thuê trọ, được lão mù cho đến ở miễn phí.
              Từ đó trong khoảng vườn u tối của lão mù thỉnh thoảng cất lên tiếng hát líu lo của cô gái miền sơn cước. Những lúc đó, lão mù tắt cái radio, lắng nghe Nụ hát loăng quăng bài nọ xọ bài kia. Người mù thường có đôi tai thính lắm, bằng tai họ có thể nghe được nhịp đập con tim người khác.

              Cô sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp khuyên lão mù trồng hoa phong lan, hiệu quả hơn, cô bảo thế. Trên rừng ở quê cô nhiều phong lan và ở bên trường cô cũng có rất nhiều giống hoa đắt tiền.

              Lão mù mát tay, Nụ lại có kiến thức tươi mới về chăm sóc phong lan nên dàn phong lan nhà lão mù rất đẹp, mùa nào thức nấy, mỗi giò bán cho con buôn cũng được nhiều tiền hơn bán cả đống rau.

              Sau một năm, Nụ béo tốt phổng phao, mặc quần bò áo phông, trông xinh xắn hẳn ra. Đó là người viết chuyện này tả thế, chứ lão mù thì làm sao thấy? Tạo hoá luôn cho mỗi người một cái đẹp, cái đẹp đó có phát tiết ra ngoài hoặc tự ta có nhận ra cái đẹp đó của chính mình hay không mà thôi.

              Con gái đẹp giống như bông hoa, tự nhiên sẽ có ong bay đến. Con ong đến với Nụ là một chàng học năm trên, bảnh bao, xe máy đời mới.

              Lão mù cảm nhận thấy một cái gì đó bất ổn. Con chó đen cũng thế. Mỗi lần chàng trai nọ đến chơi, nó gầm gừ, tỏ ra nó buộc lòng phải thiện chí với khách.

              Linh cảm của chó và người mù bao giờ cũng đúng. Nụ có thai. Cô con gái chân quê làm sao thoát được móng vuốt của thằng thanh niên lọc lõi chốn Hà thành? Được tin Nụ có bầu, thằng kia vứt ra mấy triệu bảo cô nàng đi phá thai rồi không thò mặt đến nữa. May cho hắn, nếu đến thì con chó hiền lành nhà lão mù sẽ xé xác ăn tươi hắn mà không cần rào đón gì cả.

              Nụ nằm bẹp một chỗ, bỏ học. Lão mù âm thầm lo cơm nước, tìm cách nấu món ngon cho Nụ bồi dưỡng.

              Cả tuần trôi qua. Một tối nọ, khi đài đã tắt, có lẽ đã quá nửa đêm, lão mù kéo tay Nụ ngồi dậy:
              - Con à, nghe ta nói này, mù như ta mấy chục năm không hẳn đã là chết…

              Lão không lý sự nhiều, không văn hoa chữ nghĩa, lão chỉ nói điều giản dị. Chân lý là giản dị, các triết gia nói thế. Lão mù nói giản dị, nhưng lại chính là những lời cần thiết nhất cho Nụ vào thời điểm đó. Thực ra lão rất khổ tâm, lão tự trách mình đã không tròn bổn phận với Nụ, đứa cháu của người bạn và lão đã coi như con cái trong nhà. Lão nghĩ, nếu lão không mù, lão lành lặn như mọi người, lão có khả năng bảo vệ Nụ thì chắc chuyện xấu đã không xảy ra. Người tử tế thường hay thấy trong bất hạnh của kẻ khác một phần do lỗi của mình.

              Nụ hồi sinh từ từ, nỗi đau bị phản bội niềm tin là nỗi đau lớn nhất, nhưng nỗi đau cũng như vết thương, rồi cũng kín miệng liền da. Nụ đi học trở lại, bình thường kết thúc đại học và ra trường, nhận công tác tít tận Cần Thơ.

              Gần đây lão mù ốm nặng. Người nào không bao giờ ốm, hễ ốm là nguy to. Thấy lão nằm bẹp mấy ngày, con chó chạy sang cào của nhà hàng xóm, rên ư ử. Hàng xóm chạy sang, định đưa lão mù đi cấp cứu nhưng lão xua tay, chỉ nhờ đánh điện báo cho Nụ theo cái địa chỉ mà cô kỹ sư nông nghiệp để lại.

              Hai ngày sau, Nụ có mặt, xách theo một giỏ trái cây miền nam, toàn những thứ lão mù chưa từng được ăn. Nhưng lão không còn sức để ăn nữa rồi, lão quá yếu, chỉ kịp chỉ cho Nụ gói giấy báo dấu dưới chiếu rồi mãn nguyện trút hơi thở cuối cùng vào lúc nửa đêm, cũng vào cái lúc mà mấy năm trước lão cầm tay nói chuyện với Nụ.

              Nụ khóc thầm, khóc rất lâu. Người bạn già thân yêu, người từng cưu mang và cứu vớt Nụ đã không còn nữa.

              Nụ lo đám ma lão mù chu đáo. Lão mù không hề có một bức ảnh nào, Nụ phải nhờ một ông hoạ sỹ vẽ chân dung lão mù theo lời kể của Nụ, vừa vẽ vừa điều chỉnh, cuối cùng thấy vừa rất giống vùa chả giống tý nào. Ông hoạ sỹ cho thêm cặp kính đen vào, có lẽ như thế dễ vẽ hơn chăng?
              Thắp hương cho lão mù, Nụ lẩm bẩm:

              - Ông ơi, mù không hẳn là đã chết và mù không hẳn là không sống.

              Xong đám ma, Nụ mới mở gói giấy báo lão mù dấu dưới chiếu, trong đó ngoài tấm huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên, Thẻ thương binh kháng chiến chống Pháp, còn có hơn 20 triệu tiền lẻ tích cóp và tờ giấy với những dòng chữ xiêu vẹo, đè cả lên nhau do lão mù cố gắng viết ra: “Nụ, khi ông chết rồi, con về đây mà ở. Tiền ông để cho con mua máy tính mà làm việc.” Không một lời bày tỏ tình cảm nào cả!

              Con chó bỏ ăn từ hôm lão mù chết, đám ma lão xong, người ta thấy nó nằm bất động bên gốc cây, xác nó đã lạnh ngắt.

              #37
                PCT 27.08.2006 12:43:00 (permalink)
                Gà sang đường

                Chuyện này kể về một con gà mái tơ muốn đi sang đường cao tốc mà có nơi còn gọi là xa lộ. Tuổi tơ là tuổi chưa nhảy ổ, còn loại nhảy ổ mấy lần rồi thì có ít chuyện mà nói lắm, hoặc có thì toàn chuyện sinh đẻ vô kế hoạch, không phải chuyện văn chương. Đang tơ nên nó hay tơ tưởng, thỉnh thoảng nó còn làm thơ, những bài thơ nó làm ra, tự nó thấy rất hay, nhiều lúc vừa bới giun nó vừa ngâm nga:

                Sao anh không về thăm thôn cũ
                Nhìn đám gà tơ, đám lá tơ
                Vườn ai rộng quá tha hồ bới
                Em nhớ anh nhiều, em làm thơ


                Bài thơ hay như thơ của Hàn thi sỹ, đúng không các bạn? Thỉnh thoảng nó post vài bài thơ kiểu đó lên một số diễn đàn văn thơ hiện có nhan nhản trên internet, một ông Admin nọ đã nhắn tin động viên nó tiếp tục làm thơ tình theo hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó đang đi theo hướng đó, nó nghĩ tương lai sẽ rất tươi sáng, tương lai của một nhà thơ nữ tài năng.

                Tuy nhiên cũng có người khuyên nó nên làm thơ giật gân theo đúng nghĩa đen của từ này: làm cho gân người đọc phải dật liên tục khi thưởng thức thơ, cái gân nào càng kín đáo mà bị dật thì càng hay và dật thế có nguy hiểm cho sức khỏe của người đọc và thuần phong mỹ tục của dân chúng hay không thì không cần biết. Người khuyên nó còn lấy ví dụ nhà thơ họ Vi viết những chuyện mà ai cũng biết nhưng không ai dám tả, hiện đang nổi tiếng như cồn, còn trẻ tuổi mà đã được tôn vinh là nhà thơ nữ tiên phong trong lĩnh vực sex-thơ! Được khuyên như vậy, nó thử viết vài bài, tả hai con chó uốn lượn rồi dính vào nhau. Nó thấy viết kiểu này chả khó, dễ ợt, mỗi tội viết xong tự mình đọc lại thấy ngượng ơi là ngượng, nó bèn xé bỏ. Tiếc thế, nếu không tôi có thể chép ra đây mời các bạn thưởng thức chơi.

                Nói về thơ thì tưong lai của nó khá rõ ràng, nhưng còn tương lai nói chung thì nó thấy còn mờ mịt lắm. Ở tuổi tơ người ta hay bối rối trước cái tương lai bất định, con gà của chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.

                Gà mẹ bảo nó cố thi vào đại học. Chỗ này phải nói thêm là loài gà chỉ biết mẹ mình là ai, còn bố thì chắc là một kẻ nào nó trong số gà trống trong đàn hoặc ngoài đàn, cái gã đã nhảy đánh vèo một phát lên lưng gà mái mẹ, xong rồi vỗ cánh kêu o o khoái chí, chả thèm biết hậu duệ của mình là những ai. Như thế cũng tiện các bạn nhỉ?

                Mẹ khuyên thế nhưng nó sợ vào đại học lắm. Nghe đồn là các thầy trước khi chấm điểm chính thức cho sinh viên gái thường hay đòi chấm một nhát như kiểu gà trống chấm gà mái. Eo ôi, thế thì nó chả đi đại học làm gì, ở nhà cũng ối người chấm.

                Băn khoăn về tương lai, nó tìm đến nhà ông đồ có tên là Nguyên Vượng, người nổi tiếng xem bói rất giỏi, ông này uyên bác, đông tây kim cổ cái gì cũng tỏ tường, ông xem tử vi, xem chỉ tay đều rất hay. Thường thì ông không xem quá khứ (quá khứ thì ai cũng biết rồi, xem làm gì?), chỉ xem tương lai và ai cũng khen là ông nói rất đúng.

                Ông thầy lấy lá số tử vi cho nó và để yên tâm hơn, ông xem cả chỉ tay, nhưng vì con gà mái tơ làm gì có bàn tay nên ông quyết định xem ...nách của nó, bảo xem thế cũng được. Ông phán:

                - Tương lai của cô tốt lắm, trừ đường chồng con.

                Gà mái tơ bối rối, chuyện chồng con là quan trọng nhất của một đời con gái, làm sao không lo một khi thầy đã phán như vậy?

                - Số cô sẽ lấy một anh chồng đẹp trai, tốt bụng, giọng bariton gáy sang sảng, mỗi tội mắt hơi mờ. Vì mắt mờ nên anh ta có tên là Gà Mờ.

                Các bạn thấy thầy bói giỏi chưa, đoán được cả tên người chồng tương lai của gà mái tơ, có ông thầy nào làm được như vậy không?

                Gà mái tơ hơi buồn vì số phận an bài nó phải lấy một tay mắt mờ, ngồi im không nói gì. Thầy Nguyên Vượng động viên:

                - Em đừng lo, lấy được thằng chồng gà mờ có khi lại hay em ạ. Mắt nó mờ một chút thì nó đỡ liếc gái, em đỡ lo nó chạy theo con khác.

                Gà mái tơ có vẻ yên tâm đôi chút. Để cho cô bé yên tâm hơn, thầy bổ sung:

                - Nếu sau ba năm em chưa lấy được ai thì quay lại đây, anh sẽ ...lấy em! Mắt anh cũng mờ rồi, hiện phải đeo kính đây này.

                Ha ha, bố này vui tính phết!

                Tìm hiểu quanh trong làng, gà mái tơ không thấy chàng gà trống nào có tên là Gà Mờ, nó lại bỏ một buổi đào giun sang nhà ông thầy bói hỏi cho rõ địa chỉ anh gà Mờ. Thầy đồ cười tít mắt:

                - Gà Mờ ở xã bên kia con đường cao tốc.

                Thầy đồ biết chắc là gà mái tơ chả bao giờ dám băng qua đường cao tốc, cuối cùng phải quay về lấy thầy thôi. Thâm nhỉ?

                Đó là lý do vì sao con gà mái tơ quyết định băng qua đường cao tốc. Con gái thời nay nó dạn dĩ thế đấy, chủ động đi tìm chồng chứ không như mấy cụ bà cộ kệ, thời trẻ không nói làm gì, bây giờ già cứng như gộc tre mà vẫn còn cố làm ra vẻ e lệ!

                Một buổi sáng nọ, gà mái tơ lấy hết dũng khí chạy ra đường cao tốc, mặc dù mẹ nó đã nhiều lần dặn không được đi sang làng khác, rất dễ lây nhiễm virus H5N1. Người ta khi chạy theo chữ tình thì hoàn toàn có thể bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo.

                Con đường mùa đông tệ hại hơn con đường mùa hè, bùn bắn tứ tung mỗi khi có xe chạy qua, mà xe thì cứ chạy nối đuôi nhau. Đứng một lúc, gà mái tơ đã mờ cả mắt vì không khí ô nhiễm, nó thầm nghĩ rằng ở gần đường xa lộ thế này thì mọi con gà, mà chả riêng gì gà, đều trở thành gà mờ hết. Than ôi, hóa ra anh chồng tương lai của nó là một gã gà bất kỳ nào đó bên kia xa lộ ư? Nghĩ như thế làm nó hơi nản chí, chưa vội chạy sang đường, nói thế chứ nó có muốn sang cũng chưa sang được, xe lao như bị ma đuổi do đoạn này cảnh sát giao thông không bắn tốc độ.

                Đứng buồn, nó đưa mắt sang phía bên kia xa lộ, ngắm cảnh. Người có tâm hồn thơ rất thích ngắm cảnh, nó cũng vậy. Xa xa phía chân trời là một cánh rừng non mới được trồng lại sau mấy chục năm người ta đua nhau phá rừng, lá cây xanh mướt cả một vùng, dẫu đôi chỗ cây chết hay bị kẻ nào đó chặt trộm nên cánh rừng lốm đốm đen trắng như con chó đốm cùng xóm với nó, cái con chó chết tiệt ấy rất hay đuổi theo đám gà mái, vừa sủa vừa tạp làm cho bọn kia chạy te tái, mỗi con rụng mất mấy cái lông.

                Trước mắt là đám ruộng lúa, từng thửa từng thửa con con, thửa thì lúa đã mang đòng, thửa thì chưa, tạo nên một bức tranh đa dạng.

                Phía sau đám ruộng là một gò hoang, cây xấu hổ mọc đầy. Hai cái xác xe tăng cũ, đứt xích nằm nghiêng sang một bên, đó là dư tích chiến tranh mà ta có thể gặp ở rất nhiều nơi trên đất Việt.

                Ngắm cảnh đã chán con mắt, nó ngắm xe chạy trên đường. Hình như có lần nó nghe ai đó nói, chỉ cần nhìn xe chạy trên quốc lộ là ta có thể đánh giá được nền kinh tế có năng động hay không, quy mô của nó thế nào. Nếu hàng hóa vật tư được kìn kìn chuyên chở trên đường thì tất là nền kinh tế đang hưng thịnh. Riêng nó thì nó thấy chỉ cần xem cái văn hóa giao thông trên đường là ta cũng biết được cái mặt bằng văn hóa chung của xã hội. Đằng kia là mấy cái xe công chở cán bộ đi lễ chùa, đằng này là mấy cái xe buýt nhét đầy ứ người, đằng nọ dăm cái xe tải chở quá tải đang gầm gừ lao đi…

                Vui nhất là đám lái xe đi ngược chiều nhau, chả quen biết gì mà cũng vẫy tay chào nhau rất thân thiện, không chừng là thân thiện nhất thế giới. Người nước ngoài phải học tập ta điểm này, dẫu họ không cần báo cho nhau là phía trước có cảnh sát giao thông hay không.

                Mải ngắm cảnh, gà mái tơ không để ý thấy có một chàng sinh viên với khuôn mặt dễ thương đang tiến lại gần. Thấy con gà mái xinh đẹp, chú sinh viên định bế con gà lên, chụp chung với nó một kiểu để về khoe với các thầy cô ở trường là em cũng tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ bố mẹ chăn nuôi được cả một đàn gà béo tốt (bạn đọc thông cảm nhé, sinh viên nhà mình đôi khi buộc phải nói xạo chút xíu!). Nhưng con gà nhà quê đâu có chịu chụp ảnh với người lạ, nó bỏ chạy đi chỗ khác. Bực mình, chú sinh viên bỏ về nhà ngồi viết hẳn một bản luận văn về đề tài "Con gà đi qua đường", luận văn này đang chờ bảo vệ để lấy học vị tiến sỹ khoa học. Bạn đọc đừng có nghi ngờ chuyện này, ối bản luận văn tiến sỹ khác còn tệ hơn bản "Con gà đi qua đường" mà chủ nhân của nó vẫn có cái chữ tiến sỹ ngời ngời in trên card visit đấy thôi?

                Đúng lúc này, một cái xe quân sự phanh kít lại, ngay chỗ con gà tơ đứng. Từ trên xe một ông cấp tá nhảy ra, lấy máy ảnh chụp cái xác xe tăng rỉ mấy chục năm nằm phơi mưa nắng. Hóa ra đây chính là nhà nghiên cứu vũ khí cũ, họ Đoàn, là cháu mấy đời của Đoàn Dự, một nhân vật anh hùng tài cao và lắm người yêu trong chuyện của Kim Dung. Đoàn công tử thời hiện đại chụp xong một loạt ảnh (máy kỹ thuật số thì chụp vô tư, không sợ tốn phim) mới phát hiện ra con gà mái tơ đang đứng nép ở vệ đường, nháy mắt với chú thượng sỹ lái xe kiêm cần vụ:

                - Anh em mình bắt con gà này đi, được bữa nhắm ngon lành!?

                Nghe thấy thế, gà mái tơ tức lắm. Ví như ông cấp tá kia có buông lời trêu ghẹo tán tỉnh, kiểu như: "Em đi đâu một mình thế em? Đi với bọn anh cho vui nhé?" v.v. thì nó cũng chỉ hơi khó chịu chút đỉnh vì đó cũng là chuyện vẫn thường xảy ra với đám đàn ông khi ra khỏi nhà. Đằng này, ông kia chỉ nghĩ đến chuyện cho nó vào nồi, làm sao nó không tự ái?

                Con gà lại một lần nữa bỏ đi chỗ khác. Ông sỹ quan nuối tiếc nhìn theo, không dám đuổi bắt vì sợ mang tiếng là bộ đội bắt gà.

                Đúng lúc này một xe tải chở các nữ nông trường viên chạy qua. Trên xe là các cô rất vui vẻ và xinh đẹp Cô nào cũng chít khăn hoa, hát vang bài nông trường ca mà ban lãnh đạo nông trường phải bỏ ra hơn chục triệu để thuê một nhạc sỹ có tên tuổi viết. Riêng có một cô thì vừa hát vừa bấm di động nhắn tin cho ai đó, hy vọng là không phải cho Gà mờ. Ấy là con gà mái tơ nó hy vọng chứ tôi với các bạn thì chả liên quan gì mà phải hy vọng hay thất vọng.

                Một cô kỹ sư nông nghiệp lẫn trong đám nữ nông trường viên kia tuy đeo kính cận thị nhưng mắt lại khá tinh. Nghe đâu cô này làm thư ký cho ông Chủ tịch nông trường, ông này không đuổi việc cô ta mặc dù cô cứ cãi sếp nhoanh nhoách, tất nhiên chỉ cãi khi hai người nói chuyện riêng với nhau thôi. Mắt tinh, cô kỹ sư phát hiện có một con gà mái đang ngơ ngác đứng bên vệ đường, cô yêu cầu lái xe dừng lại, xuống xe rồi đên gần con gà:

                - Em bị lạc đường à? Em ở nông trường nào, chị sẽ đưa em về.

                Ối giời ôi, có con súc vật nào thích vào nông trường đâu, ở đấy bị người ta bỏ đói là cái chắc, hỏi thế khác gì hỏi em có thích vào tù không. Đời này chán thật, kẻ mũi nhòm mồm thì muốn cho mình vào nồi, người tốt bụng lại muốn cho mình vào nông truờng! Gà mái tơ nghĩ thầm như vậy và hỏi lại cô gái một câu rất không ăn nhập vào đâu cả:

                - Chị có biết nhiều chuyện tiếu lâm không?

                Cô kỹ sư không hiểu câu hỏi lắm nhưng vẫn trả lời:

                - Chị là một kho tiếu lâm đây em ạ.
                - Thế chị có biết chuyện con bò đứng giữa đường không?
                - Không, em kể chị nghe đi.

                Thế là con gà mái tơ đang định sang đường kể chuyện về con bò đứng giữa đường: "Một lần nọ đoàn xe của Tổng Bí thư Khrushev bị một con bò bướng bỉnh đứng giữa đường chặn lại. Các cán bộ cao cấp tháp tùng Tổng Bí thư lần lượt xuống thuyết phục hoặc dọa nạt con bò, mà nó cứ đứng trơ trơ như cũ. Khrushev bèn đich thân đến nói thầm cái gì đó vào tai con bò, nghe xong con bò sợ quá bỏ chạy mất tiêu, nhờ đó cả đoàn xe tiếp tục được chuyến công du. Mọi người phục Khrushev vô cùng, hỏi sếp nói cái gì mà con bò bỏ chạy, mặc dù trước đó đã có người dọa bắn mà nó cũng không sợ. Tổng Bí thư nháy mắt trả lời: “Tôi chỉ nói nhẹ nhàng: "Mày không đi thì tao cho mày vào nông trường quốc doanh!"”

                Cô kỹ sư cười thích thú:
                - Em khá lắm, thế thì thôi, tùy em, bọn chị đi đây. Em một mình phải cẩn thận, chị biết vùng này có nhiều cáo bắt gà lạc lắm đấy.

                Thoắt một cái, xe tải mui trần chở đám nông tường viên đã đi xa. Trời xế trưa, gà mái tơ thấy đói bụng, từ sáng đứng hít bụi, chưa có con giun con dế nào cầm hơi. Nó bèn tạt xuống ruộng, kiếm dăm ba con châu chấu chậm chân. Đứng dưới ruộng, nó thấy một chiếc xe tải chở mấy bức tranh mà theo cảm nhận của nó, là tranh khỏa thân, đúng hơn là khỏa hai thân, tấm nào tấm nấy có chữ ký của họa sỹ vẽ tranh "Art". Có một thanh niên gầy gò phi xe máy đuổi theo, mắt dán vào mấy bức tranh kia. Họa sỹ Art thò đầu ra ngoài ca bin quát:

                - Này anh kia, làm gì mà cứ bám đuôi mãi thế? (Chắc là họa sỹ sợ bị cướp tranh quý đang trên đường đến triển lãm đầu tiên trong đời của mình)

                - Tôi là nhà phê bình nghệ thuật, bút danh là Có nghe đời nghiêng, tôi thấy các bức tranh kia toàn là đời nghiêng, tôi thích lắm!

                Lần đầu tiên trong đời gà mái tơ nhìn thấy thể lọai tranh đời nghiêng. Đời đứng còn chưa ăn ai, đời nghiêng thì chả biết có bán được tranh không nhỉ? Nó nghĩ thế thôi, kệ nó, loài gà biết gì về nghệ thuật hội họa, nhất là thể lọai hay trường phái gì đó mới lạ mà họa sỹ Art đang khai phá?

                Đến lúc này thì con gà mái tơ hoàn toàn mất hết ý chí đi sang đường tìm người chồng tưong lai của mình. Nhỡ bên ấy có đến 40 chục tên gà mờ thì biết làm sao? Chã nhẽ, ôi nói ra ngượng chết, chả nhẽ lại để cho cả 40 tên cùng nhảy, đúng hơn là lần lượt nhảy?

                Má ửng đỏ bởi cái viễn cảnh mà nó vừa nghĩ ra (ấy là tôi ví von thế cho câu chuyện có duyên, chứ má con gà đầy lông, làm sao biết nó có đỏ hay không?), gà mái tơ định bỏ về, chắc là cái số của nó chưa đến lúc lấy được chồng, thì có một trung niên đội nón rách đi bộ dọc theo xa lộ tiến gần chỗ nó. Ông này ăn mặc tuềnh toàng, nhưng lại xài cái O2 exec, một trong những loại điện thọai đi động kiêm máy tính bỏ túi đắt nhất hiện nay. Con gà mái tơ dương cặp mắt tròn xoe nhìn ông kia, tò mò đúng kiểu trẻ con nhà quê. Ông này chả thèm để ý gì đến nó, vừa đi vừa bấm bấm con O2. Thấy vậy, lòng tự ái của nó bị động chạm (con bé này hay tự ái nhỉ?), nó xinh đẹp thế này mà ông kia không thèm để ý? Nó cục tác mấy tiếng, bằng cái giọng trong trẻo nhất mà nó có thể tạo ra, hòng thu hút sự chú ý của ông kia.

                Người đàn ông chăm chú nhìn nó rồi cất giọng nghiêm khắc:

                - Cô kia làm gì một mình ở đây?

                Từ bé nó chưa bị ai hỏi kiểu đó nên rất khó chịu:

                - Tôi làm gì ở đây thì việc gì đến ông?

                Người đàn ông nọ tự thấy mình hơi vô lý, chuyển sang giọng ngọt ngào hơn:

                - Anh thấy em thân gái dặm trường nên hỏi vậy thôi.

                Ví như ông này cất giọng lên hát một đoạn của Trần Tiến: "Anh thấy em nhỏ bé, nhỏ bé...anh thương ứ ư ư..." thì cũng chưa chắc đã hay và có tác dụng bằng câu nói vừa rồi. Gà mái tơ bị tác động không chỉ bởi câu giải thích, mà còn bởi cái cách ông này nói ra câu nói đó, thật dịu dàng, thật ân cần. Nó cười lúng liếng:
                - Anh tên là gì, anh đi đâu?

                Các bạn thấy đàn bà con gái dễ bị tác động chưa? Gà mái tơ cũng bị tác động, phần nữa nó cũng muốn hỏi, biết đâu đây chính là Gà mờ thì may quá, nó khỏi phải đi sang đường rất nguy hiểm.

                Ông đội nón rách cười rất tươi:
                - Anh là nhà thơ Trần Linh Vũ, viết tắt là TLV, anh mải miết đi tìm người vợ tương lại của mình nên có người đùa gọi chệch tên anh là “Tôi lấy vợ”.
                - Thế tên anh không phải là Gà mờ sao? (Nó chỉ quan tâm đến quyền lợi của nó thôi!)
                - Anh chả gà mờ tý nào, anh sành văn chương, âm nhạc, anh in được ba tập thơ ở Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật rồi đấy, anh còn có năng khiếu về khoa học hình sự, từng copy nhiều truyện ngắn và thơ khác nhau gom lại một chỗ để mọi người soi xem bản nào là anh em cùng cha khác mẹ với bản nào. Tóm lại anh có nhiều tài lắm, và mắt cũng rất tinh.

                Chán thật, cái ông đẹp trai tuy hơi già một chút này lại không phải là Gà mờ, người chồng định mệnh của mình! Gà mờ ơi, anh đang ở đâu, sao anh không xuất hiện cho em nhờ!?

                Thấy gà mái tơ tỏ vẻ thất vọng, TLV tìm cách an ủi:

                - Em đi tìm Gà mờ? Vậy là em gặp may rồi, đó chính là người bạn của anh.
                - Thật không anh?

                Gà mái tơ mừng quá, ôm chầm lấy TLV, làm ông này đỏ cả mặt, đỏ thật sự chứ không như lúc tôi viết ở trên là con gà mái tơ đỏ mặt. Có lẽ ông này chưa bao giờ được con gái ôm chầm như vậy, và cũng chính vì vậy ông làm thơ mới hay và đến trung tuổi rồi ông vẫn còn đi tìm vợ!

                - Thật chứ, Gà mờ không chỉ là bạn mà còn là bạn thân của của anh. Em cũng quen biết Gà mờ?
                - Em đâu có quen, nhưng thầy bói Nguyên Vượng nói Gà mờ sẽ là chồng của em trong tương lai nên em đi tìm. Gà mờ sống bên kia xa lộ nên em định sang đó tìm, đứng đây suốt từ sáng đến giờ mà chưa dám băng qua xa lộ vì sợ bị xe cán chết.
                - Em không sang là đúng rồi, Gà mờ đang đi công tác Nha Trang, tổ chức giải bóng đá nhi đồng toàn quốc trong đó.

                Chà, anh Gà mờ của mình oách nhỉ, được tổ chức và chỉ đạo một giải đấu cấp quốc gia, ít ai bì kịp. Gà mái tơ rất lấy làm tự hào về Gà mờ của mình, nhưng lại hỏi:
                - Anh ấy mắt mờ thì làm sao tổ chức giải được?

                TLV cười ngặt nghẽo:
                - Đúng là em chả biết gì sất. Người ta cần những người gà mờ để làm những việc như thế, chọn người tinh anh vào việc thì những người khác làm sao qua mặt được? Đó là cách sử dụng cán bộ hiện nay ở ta đấy em ạ.

                Gà mái tơ cảm thấy mình còn tơ quá, nhiều việc ở đời mình còn chưa biết. Nhưng bây giờ nó đã đã tìm ra manh mối anh Gà mờ yêu quý của nó rồi, thật bõ công nó đứng ven đường từ sáng đến giờ, hít biết bao nhiêu là bụi, gặp đủ thứ chuyện bực mình, kẻ nuốn cho nó vào nồi, người định đưa nó vào nông trường.

                Nó bày tỏ lòng cảm ơn của mình đối với TVL bằng một câu hỏi quan tâm:

                - Sao anh lại đi bộ đường xa thế này?
                - Anh đi tìm tứ thơ.
                - Sao lại tìm tứ thơ, anh đánh rơi nó à?
                - Hì hì, em không biết tứ thơ là gì à?
                - Không, nhà thơ nữ của chúng ta ngây ngô trả lời.

                Đến lúc này trời đã ngả về chiều. TLV quyết định tiễn chân cô nàng mái tơ về nhà, vừa đi vừa giảng giải cho cô bé một số điều căn bản về thơ, hai người nói chuyện có vẻ tâm đầu ý hợp lắm, nhưng do họ đi cách xa tôi quá, tôi nghe không rõ câu chuyện của họ.

                Vậy là cuối cùng thì con gà mái tơ cũng không đi qua đường. Chúng ta nói riêng với nhau thôi nhé, đừng để đến tai Hội đồng xét Luận văn của chàng sinh viên yêu gà nói trên, người ta lại phê là cậu ấy bốc phét, tội nghiệp!

                Và có lẽ ta nên sửa đầu đề câu chuyện này thành là "Gà không băng qua đường"?
                #38
                  PCT 02.09.2006 10:38:01 (permalink)
                  Ứng xử
                  truyện cực ngắn


                  Nhà tôi chỉ có 2 anh em, ông em tôi rất nóng tính, hồi trẻ hơi một tý là 'bịch" người ta. Nhiều lần tôi không can kịp, thế là xảy ra tai họa. Ví dụ có lần đi lên khu sơ tán, trời tối thui, một chú xe thồ thả phanh lao từ trên dốc sông Cầu xuống, húc xe chú em tôi cong cả vành. Tôi đạp xe phía sau, lao đến nơi thì đã nghe thấy mấy tiếng "bịch, bịch".

                  Tôi vội vàng bảo chú em vác cái xe đạp hỏng, ngồi đằng sau xe tôi rồi tôi đạp bán sống bán chết liền một mạch hơn chục cây số chạy trốn vì tay cha thồ kia về gọi cả làng ra, đốt đuốc tìm hai anh em tôi! Hú vía!

                  Ấy thế mà có câu chuyện sau đây làm cậu em tôi thuần tính hẳn.

                  Hôm đó vào sáng chủ nhật, chú em tôi cùng hai vợ chồng ông thầy dạy võ và một anh bạn của thầy nữa đi chơi rồi đi mua đồ về nấu mấy món ăn tươi. Vì đi 3 xe đạp nên bà vợ ông thầy đi một mình phía trước, 3 ông con nhà võ đi phía sau.
                  Bà vợ ông thầy đẹp gái. Mấy tay thanh niên nham nhở trêu ghẹo. Bà này cậy thế có 3 vệ sỹ đi đằng sau, chửi mấy thằng kia mấy câu. Bọn mất dạy kia dừng xe cà khịa, tát bà ta một cái nổ đom đóm mắt.

                  Vừa lúc đó 3 thầy trò đạp xe đến nơi. Bà vợ xinh đẹp của ông võ sư cong môi lên:
                  - Anh cho bọn mất dạy này một bài học!

                  Ông thầy dạy võ, thay vì nện cho bọn kia một trận táng đởm kinh hồn, quỳ sụp xuống vái:
                  - Vợ con nó chót dại, con xin các ông bỏ qua cho.
                  Rồi cứ quỳ nguyên như thế cho đến khi bọn cao bồi kia đắc chí bỏ đi.
                  Bà vợ khóc tức tưởi, về nhà chui vào buồng, không thèm lo cơm nước gì cả.

                  Ba thầy trò nấu cơm xong, mời mấy lần bà kia cũng không thèm ra, bấy giờ ông võ sư mới quát:
                  - Không ra ăn thì ra anh bảo cái này! Anh có thể đánh tan tác cả chục thằng thanh niên chứ không phải chỉ mấy thằng ranh con kia đâu. Nhưng anh phải tự làm nhục mình để em hiểu rằng, không phải lúc nào anh cũng đi kè kè bên cạnh để bảo vệ em. Nếu lúc nào em cũng nóng nảy, cũng không biết nuốt cục giận thì sớm muộn em cũng sẽ gặp tai họa. Giả sử em gặp bọn xấu đông hơn bọn hôm nay, lại có dao có súng mà không có anh ở đó thì sao? Hôm nay anh không bảo vệ em nhưng như thế chính là anh sẽ bảo vệ em suốt đời. Hiểu chưa?

                  Bà vợ hiểu ra. Chú em tôi cũng hiểu ra, từ đó dẫu ai gây sự nó cũng cười hiền đáp lại.


                  Đã mang vào TV
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2006 09:39:24 bởi TTL >
                  #39
                    TTL 03.09.2006 15:48:21 (permalink)
                    Chào Bạn PCT,

                    Bài viết của bạn đã đem vào TV. Mời vào xem

                    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqnmnqn4n31n343tq83a3q3m3237nvn

                    Nếu có chi sai và cần sửa lại thì cho ttl hay.
                    Cám ơn Bạn đã đóng góp bài vở cho VNTQ.
                    Chúc bạn mọi việc vui vẻ và sáng tác mạnh.

                    Tình thân,
                    ttl
                    #40
                      PCT 13.09.2006 23:58:56 (permalink)
                      Chuyện ông bạn sợ vợ của lão Hâm
                      10/4/2004
                      \

                      Đầu tiên người viết bài này xin làm động tác tự bắt giò một nhát vì biết rằng trước sau gì cũng có người sờ tới, mà chuyện sờ với mò thì các bạn ai cũng biết rồi, tự mình sờ vào nách chẳng thấy nhột tý nào, người khác sờ khẽ vào thì …cười rũ cười rượi!

                      Tôi viết: “Chuyện ông bạn sợ vợ của lão Hâm”, câu này có 2 cách hiểu khác nhau:
                      1. Chuyện (về) ông bạn (của lão Hâm) có tính sợ vợ, người viết muốn diễn đạt ý này.
                      2. Chuyện (về) ông bạn sợ vợ của lão Hâm. Trong môn tu từ người ta gọi đây là nghĩa ký sinh, không phải ý tác giả, nhưng người đọc hoàn toàn có quyền nghĩ và hiểu như thế.

                      Xét về mặt cấu trúc câu, tác giả không hề vướng lỗi, người đọc cũng không sai. Vậy để tránh nghĩa ký sinh, tác giả thử sửa câu trên thành: “Chuyện ông bạn của lão Hâm sợ vợ”, bây giờ thành ra lão Hâm sợ vợ chứ không còn là ông bạn sợ vợ nữa, không phải ý tác giả muốn nói! Lại thử đổi ra thế này nhé: “Chuyện lão Hâm có một ông bạn sợ vợ”, nghe có vẻ được hơn cả, nhưng mất trọng tâm của câu nói (mà cũng là bài viết) là ông bạn sợ vợ, mặt khác lại lo bị đơn điệu trong cách đặt tít những chuyện về lão Hâm.

                      Tiếng Việt, như nhiều tiếng đơn âm khác, không dùng biến vĩ (theo chỗ người viết bài này biết thì tiếng Nga là một trong số các thứ tiếng biến vĩ nhiều nhất: тихо – тихий) và biến dạng (We – us, I – me; тихий – тищина - тичше…) để xác định vai trò của từ trong câu tiếng Việt, nhiệm vụ ngữ pháp của từ (đơn hoặc kép) là do vị trí của từ xác định, tuy nhiên như đã mổ xẻ ở ví dụ trên, không phải lúc nào cũng chuẩn.

                      Lỗi dùng sai tiếng Việt như thế này hoặc tệ hơn nữa trong ca từ Trịnh Công Sơn nhiều lắm, người ta nghe quen tai (vì cảm thụ ngôn ngữ đi sau cảm thụ âm nhạc) nên được chúng ta chấp nhận, coi như một việc bình thường.

                      Thôi chết, dài dòng quá, chưa vào chuyện ông bạn sợ vợ mà bà xã đã gọi đi ăn cơm (ai sợ vợ?), vả lại nên trì hoãn thêm vài hôm để cho các ông bạn của lão Hâm được một phen lo lắng “thằng cha này sẽ viết về ai đây”?

                      Nói chuyện bóng đá một chút cho khỏi spam: anh chàng Henry làm cú ăn ba trận Ars-Liv, bị Phuncud rủa là khôn nhà dại chợ, tôi thì dùng cách nói khác một chút: “tinh anh vãi ra không đúng lúc!” Hà Hà…

                      Trước nói lai rai, bây giờ vào chuyện.

                      Lão Hâm có nhiều bạn, chẳng lẽ người hâm không có quyền kết bạn? Lạ một điều là trong số bạn của lão, nhóm người hâm rất ít (tỷ như ngưu tầm ngưu mã tầm mã), mà nhóm thông minh sáng láng lại đa số. Bạn có nhớ hồi học phổ thông không, một cô xinh đẹp bao giờ cũng chơi thân với một cô lọ lem, chắc là để dùng cô lọ lem làm nền cho mình? Cũng có thể trong số bạn của Hâm ta có một số anh sáng láng muốn có lão Hâm bên cạnh để làm nổi bật sự sáng láng của mình. Kệ, chơi được thì chơi, với lại làm đẹp cho bạn cũng tốt. Hay chính lão cũng muốn cái hâm của mình được người đời chú ý hơn?

                      Hầu hết bạn của lão có một đặc tính đáng yêu - sợ vợ. Sợ vợ cũng là một nét đẹp của văn hoá Việt nam (ấy là lão chưa nói sợ vợ mình hay sợ vợ người khác). Thế thì có gì mà kể?

                      Lại lạc đề rồi, xin quay về chuyện ông bạn sợ vợ. Ông này có một cái tên rất Việt nam, mộc mạc, hiền lành, chân quê: Lành.

                      Ôi, đến trận MU đá rồi, hẹn viết tiếp.

                      Lão Hâm chơi với lão Lành đã hơn 20 năm. Hai người vô tình gặp rồi quen nhau trên Sân vận động Hàng Đẫy, hôm đó có trận Thể Công đá với Công an Hà nội. Ở Hà nội một người thích bóng đá có thể cho phép mình cả năm không đi xem bóng đểu, nhưng trận Thể Công - Công an Hà nội thì dứt khoát phải xem. Thời nay nhiều người giỏi tiếng Tây, gọi trận đấu giữa hai đội thân hữu cùng thành phố là đơby đơbéo gì đó chứ hồi ấy cứ nói đơn giản là đi xem Thể Công và Công an uỵch nhau cho nó dễ hiểu (thời bấy giờ ông bạn phóng viên Khắc Sơn báo Bóng đá đang còn là một cậu học sinh ngưỡng mộ cụ Chánh Trinh báo Lao động, bây giờ đủ lông đủ cánh rồi nên ông mới chơi cụ Chánh một quả cho được nổi tiếng, thành ra có trận derby của các nhà báo).

                      Các trận Thể Công gặp Công an Hà nội bao giờ cũng hay. Hai bố đều mang tên nhân dân, của nhân dân, đều là đầy tớ nhân dân, nhưng một bố bảo vệ bờ cõi của dân còn bố kia suốt ngày phạt vi cảnh với đuổi vỉa hè (dân dã nghĩ cái gì cũng mộc mạc ngây ngô thế thôi) nên nhiều người khoái Thể Công hơn, chả thế từ trong kháng chiến chống Pháp đã có câu hò như sau:

                      Mưa sa ướt áo lụa vàng,
                      Ướt áo Công an thì Công an chịu, ướt áo Vệ Quốc đoàn thì …em lo!


                      Lão Hâm không suýt-póc-te đội nào trong hai đội vì hồi đó lão khoái đội Đường sắt, chơi thân với một số cầu thủ đội này, phần lớn họ ăn lương công nhân, hết đời đá bóng lại về làm thợ, khác với mấy ông có sao có vạch tương lai sáng sủa hơn nên kiêu hùng hơn. Tuy nhiên nếu bọn khác đá hay thì lão vẫn xem.

                      Trận đấu diễn ra sôi nổi, hai đội ăn miếng trả miếng trên mặt bằng cả đội cũng như quan hệ đối kháng tay đôi. Mày cho tao cú gót tao phải trả mày cái cùi chỏ! Xem bóng đá nhiều khi hay cả ở nhưng tiểu tiết đó.

                      Ba Đẻn bị chèn ngã trong vòng cấm địa đội CAHN nhưng trọng tài không thổi, khán giả la ó ầm ĩ đòi làm quen với mẹ của trọng tài, nhiều người ném xuống phía đường pit những gì họ có trong tay: chai nước (chai thuỷ tinh hẳn hoi vì hồi đó chưa có chai nhựa kiểu La Vie), gói vỏ quýt v.v. Lão Hâm bị một quả cam bay đúng vào đầu. Cáu tiết lão quay đầu nhìn lên phía trên, thấy mấy khuôn mặt nhăn nhở như nghệ sỹ hài Công Lý, trong đó có một gã đang cầm quả cam trên tay. Lão nóng gáy móc luôn cái bật lửa zippo định cho bay vào giữa bộ răng ám khói thuốc lào của tay kia. Mới vung tay ra đàng sau, cái zippo của lão đã bị ai đó tước mất. Ngạc nhiên quay lại lão thấy một khuôn mặt hiền lành trắng trẻo và nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng:

                      - Bác cho xin tý lửa.

                      - Vào, vào rô ô ô ồ i! Dân tình gào lên, Cao Cường vừa đi một đường bóng và sút một quả thần sầu vào lưới CAHN!

                      Cái sự cáu của lão nguôi ngoai rồi biến mất. Đến giờ giải lao, lão móc thuốc lá ra hút, mới sực nhớ cái ông mặt mày thư sinh ngồi băng ghế sau đã “mượn tạm” bật lửa của lão:

                      - Ông anh châm xong chưa? Lão đòi khéo.

                      - À đây gửi lại bác. Gớm cái bật lửa Mẽo chính hiệu thế này mà bác cũng không tiếc, sẵn sàng cho bay!

                      Từ giờ phút đó lão Hâm và lão Lành quen nhau rồi chơi thân đến tận bây giờ.

                      (Đến giờ Arsenal đá với Newcastle ruì, hẹn sẽ viết tiếp)
                      Khoảng nửa tháng sau trận bóng đó, lão Hâm tham dự buổi bảo vệ Dự án công trình X của Bộ N với tư cách phản biện của cơ quan có liên quan. Lão đã chuẩn bị một bài viết khá gay gắt, phê phán một số điểm không chặt chẽ trong Dự án mà đặc biệt là tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng quá cao. Chủ nhiệm Dự án hóa ra là cái ông cướp bật lửa hôm xem đá bóng. Nhìn khuôn mặt hiền lành của báo cáo viên, lão Hâm không nỡ đập nữa, lão phát biểu các ý kiến của mình một cách nhẹ nhàng mềm mỏng hơn nhiều so với dự định.

                      Cuối cùng Dự án cũng được thông qua, không biết có phải vì Dự án được làm tốt hay các thành viên Hội đồng đều biết trước là sẽ có tiệc chiêu đãi sau đó và mỗi người sẽ được nhận một lá thư đấy ắp tình cảm? Dân ta có cái tật khoái chén, lấy vợ lấy chồng vui vẻ đã đành - chén, đám ma khóc lên khóc xuống cũng chén. Công trình mới bàn trên giấy - chén, được phê duyệt - chén, động thổ - chén, hoàn thành giai đoạn 1 - chén, bão lụt không ảnh hưởng - chén, cấp trên xuống kiểm tra - chén, chuẩn bị bàn giao - chén v.v. Cộng lại tới mấy chục cú chén trên một công trình, hỏi làm sao mà không vợi bớt tiền Nhà nước?

                      Trong buổi tiệc đứng lão Hâm và lão Lành chính thức làm quen với nhau, trao đổi name card. Nói chuyện một lúc mới biết cả hai lão cùng học ở nước ngoài một thời, cùng mê một đội Dinamo, lại cùng khoái xem hockey nữa.

                      Thế là họ rủ nhau tuần tới đi xem đá bóng. Trấn đấu cuội quá nên hai lão chán không buồn xem, hết hiệp một rủ nhau ra bia Ngọc Hà ngồi nhấm nháp. Cả hai đều không uống được nhiều, khoái cái cảm giác uống bia là chính chứ không khoái nốc bia. Bạn đọc có thể không tin nhưng quả là có loại người như vậy trên đời này, người ta gọi họ là hâm!

                      Sau đó họ còn uống với nhau dăm ba lần nữa, lần nào lão Lành cũng tha thiết mời lão Hâm về nhà chơi. Mới sơ giao mà đã đến nhà người ta là không tiện, lão Hâm nghĩ thế nhưng rốt cuộc cũng đến vì lão Lành chèo kéo quá. Cô vợ lão Lành còn trẻ (hí, gọi người ta là lão, mà lại gọi vợ người ta là cô!), vừa đẹp vừa xinh. Có nhiều người đàn bà đẹp nhưng không xinh, có nhiều vị xinh nhưng không đẹp. Bạn có ý định tranh luận chuyện này không, ta sẽ mở một mạch bài riêng nhé?

                      Vừa nhìn thấy vợ ông bạn mới quen, lão Hâm hiểu ngay ra vì sao hắn van nài mình về nhà hắn sau cuộc bia về muộn: lão Lành sử dụng sự có mặt của lão Hâm như một giấy chứng nhận ngoại phạm, ông nào học luật thì biết từ này tiếng ngoại quốc là alibi, ông nào làm luật thì càng biết cái chứng cớ ngoại phạm là có giá lắm.

                      Nhận thức được sự lên giá của mình, từ đó về sau bao giờ lão Hâm cũng hành hạ lão Lành cho đã đời mới chịu quá bộ ghé qua nhà hắn sau mỗi chầu anh em gặp nhau về muộn.

                      Phải nói rằng ghen là một sản phẩm đi kèm của tình yêu, ghen là bản năng tự bảo vệ khỏi thất thoát tình yêu. Có nhà đạo đức nào đó bảo rằng ghen là ích kỷ, là thấp kém, tình yêu chân chính không dành chỗ cho sự ghen tuông. Ông này nói đúng, với điều kiện ông ta chưa yêu bao giờ.

                      Nhân đây, với mục đích thêm lượng chữ để tăng tiền nhuận bút, tôi xin chép bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính để mọi người xem chơi.

                      Cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi!
                      Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
                      Những lúc có tôi, và mắt chỉ
                      Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

                      Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
                      Đừng hôn dù thấy đoá hoa tươi,
                      Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
                      Đừng tắm chiều nay biển lắm người.

                      Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
                      Mà cô thường xức chẳng bay xa
                      Chẳng làm ngây ngất người qua lại
                      Dẫu chỉ qua đường khách lại qua.

                      Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
                      Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô
                      Bằng không tôi muốn cô đừng gặp
                      Một trẻ trai nào trong giấc mơ.

                      Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
                      Đừng làm ẩm áo khách chưa quen
                      Chân cô in vết trên đường bụi
                      Chẳng bước chân nào được dẫm lên

                      Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
                      Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
                      Và nghĩa là cô và tất cả,
                      Cô là tất cả của riêng tôi.



                      Không phải ngẫu nhiên tác giả chép bài thơ này ra đây. Sau khi quen thân, lão Hâm đã chép bài thơ Ghen tặng hai vợ chồng lão Lành, như bày tỏ sự thông cảm với ông chồng và như chế diễu cái sự ghen của bà vợ.

                      Đã bàn về ghen thì ta phải bàn thêm về đức sợ vợ. Sợ nói chung là bản năng bảo toàn của động vật: sợ độ cao, sợ ngã, sợ đau, sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ bị ruồng bỏ... Sợ vợ cũng là bản năng bảo toàn, có điều bảo toàn cái gì thì tùy từng trường hợp: bảo toàn sự êm ấm trong gia đình theo kiểu kính vợ đắc thọ hay bảo toàn ...sinh mạng vì đức lang quân mèo mỡ quá nhiều? Tác giả rất hoan nghênh nếu bạn đọc nào tìm cho thêm một loạt trường hợp khác nữa.

                      Bà Lành là người ghen theo kiểu Nguyễn Bính, chủ yếu là ghen dự phòng. Bà quá yêu chồng, bà thấy chồng bà rất đẹp trai, rất đàn ông, có vị thế xã hội, ăn nói lọt tai, túi lại ánh kim. Bà lập luận theo logic: tôi là đàn bà, tôi yêu ông ấy, vậy là đàn bà yêu ông ấy, mà đàn bà là tất cả những ai không phải đàn ông!

                      Lão Lành sợ mụ vợ mình bao nhiêu thì bà Lành ngán lão Hâm bấy nhiêu. Ấy, đời là thế đấy. Cao nhân hữu tắc cao nhân trị. Lão Hâm làm gì mà bà Lành ngán? Lão chẳng làm gì cả, lão chỉ không sợ vợ lão, thế thôi. Một quy luật muôn đời: mi chỉ bắt nạt được ta khi ta sợ mi. Một nhà thơ Pháp (Aragong?) có viết: "Ngươi cao lớn bởi vì ta quỳ xuống", lão Hâm thì cho rằng : "Ngươi cao lớn thì ta cũng cao lớn", huề, việc gì phải sợ? Nói dóc thế thôi chứ lão và vợ lão là bạn với nhau từ thủa học trò, bên nhau nay đã gần bốn mươi năm, biết nhau quá rõ từng đường tơ kẽ tóc, ai phải sợ ai? Bà Lành ngán Lão Hâm ở chỗ liệu lão Lành có lây nhiễm cái bệnh không sợ vợ của lão Hâm hay không. Càng ngán thì trước mắt lão bà Lành càng cố che đậy dòng dõi nhà họ Hoạn của bà. Mỗi khi lão Hâm đến chơi nhà, nói đúng hơn mỗi khi có trận bóng đá đinh truyền qua vô tuyến, lão Hâm đến cùng xem với lão Lành, thì bà làm ra vẻ sợ chồng một phép, xăng xái tiếp đồ nhậu cho hai lão uống bia, thỉnh thoảng chạy vào hỏi: "Hai anh cần gì nữa không ạ?". Những lúc như thế lão Lành có bộ mặt hiêu hiêu tự đắc của một ông chồng được vợ sợ, nhìn thấy mà phát buồn cười!

                      Như trên đã kể, lão Hâm và lão Lành cùng mê bóng đá. Lão Hâm thì đã đành, lão từng đá bóng, đến tận bây giờ ngần này tuổi đầu mà sáng chủ nhật đám trẻ con gọi đi đá bóng lão cũng đi. Lão Lành cả đời chưa bao giờ đụng tới quả bóng, bất kể quả bóng gì trừ quả bóng bay. Ấy vậy mà lão hiểu bóng đá ra phết, nhiều khi lão đọc trận đấu còn tinh hơn mấy cha bình luận viên trên TiVi, phân tích chiến thuật, mánh lới hai đội trên sân nghe rất được. Ngược lại lão Lành phục Lão Hâm ở chỗ dự cảm được diễn biến tiếp theo của từng pha bóng cũng như cả trận đấu, nhiều khi Hâm ta phán: "Quả phạt đền này không vào" thế rồi nó không vào thật. Lão Lành hiền lành hỏi: "Làm sao ông đoán được?" thì lão Hâm cười trừ: "Tôi có đoán đâu, tôi cảm thấy như thế’".

                      Những đêm hai lão ngồi xem đá bóng với nhau thật bổ ích, ít nhất thì cũng bổ ích đối với bà Lành: cả buổi tối lão Lành nằm trong sự kiểm soát an toàn của bà. Đúng là đàn bà suy nghĩ không dài hơn sợi tóc dài nhất của họ (xin lỗi các bạn đọc nữ), thậm chí có dùng xích buộc cẳng ông xã ở nhà thì ông ta vẫn "thân thể ở trong lao, tâm hồn ở ngoài lao" cơ mà?

                      Còn những hôm hai lão cùng bạn bè tụ tập uống bia, chốc chốc bà Lành lại gọi vào máy di động của chồng:

                      - Anh ơi, anh cất quyển Cuốn theo chiều gió của em ở đâu? (Ngụ ý anh chớ có mà cuốn theo chiều gió đấy nhé!)

                      - Anh ơi, anh có cho ai mượn tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương không? (Ngụ ý chém cha cái kiếp lấy chồng chung!)

                      Mỗi lần như thế, lão Lành trả lời ậm ờ qua chuyện rồi hỏi lại vợ:

                      - Em có nói chuyện với bác Hâm không?

                      Lão Hâm thành con tem bảo hành, lá bùa hộ mệnh, áp giáp chống đạn của lão Lành sợ vợ. Hay thật !

                      Sợ vợ đến mức có thể chiếm một xuất trong Ghi-net, song lão Lành lại rất khoái ngồi với bạn bè, nhất là bạn bè bóng đá. Uống chút đỉnh, nghe mọi người nói là chính, thế mà lão vẫn khoái. Lão Hâm nhớ lần có một em xinh đẹp ngoài hai mươi tuổi đến ngồi với hội, tất cả mọi người hau háu nhìn vào thân hình trẻ trung với các đường cong gợi cảm, khuôn mặt khả ái của nàng, riêng lão Lành cúi đầu nhìn xuống mũi giày của mình, lặng lẽ thở dài. Sợ vợ đến mức ngắm gái cũng không dám thì bạn mình vô địch thế giới là cái chắc!

                      Thôi, tôi có làm mất thì giờ của bạn bởi cái chuyện hâm này không, hỡi bạn đọc? Bạn có tin là chuyện thật không? Không à, đúng, nó là chuyện bịa 101%!

                      Làm gì có cha nào hiểu bóng đá, yêu bóng đá mà lại còn sợ vợ, vớ vẩn!
                      #41
                        PT 14.09.2006 14:50:09 (permalink)

                        Hì...hì, tớ thì không vote cho Phượng lắm vì câu chuyện nhàn nhạt....
                        Riêng về mảng xã hội thì Woman in black cũng hay nhưng tớ không khoái cái tiêu đề tiếng Anh chẳng ăn nhập gì với câu chuyện cả.

                        .

                        Tớ nhìn thấy cậu vừa đảo như rang lạc ở cửa này nên cũng mạo muội cậu chủ nhà tạm vắng, dừng chân trao đổi vài ý với cậu.
                        Cậu nói tớ đọc kỹ những truyện ở đây sẽ thấy hay. Vậy thì theo tớ, cậu cũng nên đọc lại truyện ngắn "Phượng" mươi lần vào, xong, nếu vẫn thấy nhàn nhạt thì cậu phải chỉ ra được những cái ấy bằng không để tớ sẽ chỉ ra cái không hề nhàn nhạt như cậu nghĩ.
                        Riêng về truyện " Woman in black " cậu cũng không đọc kỹ rồi, nên đã không thể hiểu được cái ăn nhập giữa cốt truyện và tựa truyện.
                        Cậu đọc lại đi !
                        #42
                          PT 15.09.2006 09:34:08 (permalink)

                          quá đúng " tớ cứ đảo như rang lạc" trong giờ làm việc thì làm sao mà đọc kỹ được!

                          Lần sau Cậu đừng hấp tấp vội vàng làm gì, cứ đọc nhiều lần cho thuộc vào, ngẫm nghĩ xong, hãy đưa ra nhận xét của mình.
                          Tớ mà có thể được véo tai thì tớ cho cậu quyền ấy đấy, một tay cậu tự véo tai cậu vì tội đọc qua loa còn một tay cậu véo tai cậu PCT vì tội không biết lên tiếng bảo vệ cho " đứa con tinh thần" của mình.
                          #43
                            Minh Nguyệt 15.09.2006 18:08:00 (permalink)

                            Trích đoạn: PT

                            Lần sau Cậu đừng hấp tấp vội vàng làm gì, cứ đọc nhiều lần cho thuộc vào, ngẫm nghĩ xong, hãy đưa ra nhận xét của mình.
                            Tớ mà có thể được véo tai thì tớ cho cậu quyền ấy đấy, một tay cậu tự véo tai cậu vì tội đọc qua loa còn một tay cậu véo tai cậu PCT vì tội không biết lên tiếng bảo vệ cho " đứa con tinh thần" của mình.


                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2006 19:20:29 bởi Minh Nguyệt >
                            #44
                              PT 16.09.2006 20:05:09 (permalink)

                              PCT thì...
                              không lên tiếng cũng là một cách lên tiếng đấy

                              Tớ vẫn đang chờ cậu chỉ ra ... đây
                              Không khéo tớ với cậu bị tống cổ vì tội spam bài thì chít...

                              Câu này cậu nói làm tớ hiểu là tác giả không lên tiếng vì thấy cậu nhận xét đúng phải không?
                              Còn cậu đã đọc truyện ấy được mấy lần rồi? Chỉ số IQ của cậu tốt rồi nhưng chỉ số EQ thì nên bổ sung thêm đi. Cứ đọc nhiều lần cho thuộc đã, xong, vẫn chưa thấy gì cả thì để lúc đấy tớ chỉ ra cũng chưa muộn.
                              Cậu vui lòng nhé.
                              KHÔNg thể có chuyện tống cổ vì những điều hoàn toàn trao đổi về bài viết, cậu đừng sợ.
                              #45
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 3 của 4 trang, bài viết từ 31 đến 45 trên tổng số 48 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9