(URL) THƠ TÌNH CỦA PHẠM NGỌC THÁI
Thay đổi trang: << < 222324 > >> | Trang 24 của 45 trang, bài viết từ 346 đến 360 trên tổng số 666 bài trong đề mục
Nhatho_PhamNgocThai 03.09.2007 12:00:32 (permalink)





Bài thơ 349:

 
         KHÁCH TÌNH PHIÊU LÃNG
 

Mùa thu lại đến lá thu bay
Dương liễu đôi hàng xoã lả lơi,
Anh qua như khách tình phiêu lãng
Ngày ấy xa rồi, anh tưởng thôi!...

Cuộc đời - nuôi ảnh em trong thơ!
Anh trong cuộc sống rất ơ hờ...
Tháng năm lặng cuốn theo chiều gió
Dan díu tình anh với cơn mơ.

                            19/7/2004
           







<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.11.2011 23:07:55 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 03.09.2007 12:41:51 (permalink)
 




Bài thơ 350:


          DƯỚI BÓNG TRĂNG TÀ
                  
 
Bước chân đi ngơ ngẩn bóng trăng tà
Mây quấn quít trên bàu trời với gió,
Tình không chết mà sinh sôi như lửa
Thời gian nằm gày guộc giữa cơn đau...

 
Lòng vẫn bảo bao lần thôi đừng nhớ
Tháng năm nhàm tình chán mộng cô liêu!

                                   1994
               
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2011 12:00:29 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 04.09.2007 12:09:24 (permalink)
 



Bài thơ: 351



          BẢN NHẠC TÌNH BẤT TỬ
 
Người thiếu nữ mà ta còn yêu mãi
Cả bàu trời đắm đuối cũng vì em...
Em vẫn cùng ta bay tận chốn cung hằng
Rồi yên ngủ giữa lòng nhau tồn tại.

Ôi, thiên nhiên mênh mông và hoang dại
Đây - vô biên cõi sống con người,
Em hoá kiếp ta - Ta hoá kiếp em rồi!
Đã mãn nguyện, chẳng còn gì tiếc nữa.

Ta đã sống em ơi! Những phút giây phỉ chí
Đời thế thôi, làm người đến thế thôi
Và muôn năm tình ái ở trên đời
Anh hát mãi tháng năm bản nhạc tình bất tử!

                                29/6/2003
             
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 11:38:03 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 06.09.2007 12:01:48 (permalink)
 
Bài thơ 352:


              MƯA KHE KHẼ
 
Đã lâu lắm không làm thơ về mưa
Em đến khẽ trong mưa đêm man dại
Êm dìu dịu trái tim anh trống trải
Phố vô tư im lặng ngủ dưới đèn.

Anh vẫn ngồi nghe những giọt mưa đêm
Khêu nỗi nhớ tan ra từng mảng nhỏ
Hàng cây gió vi vu tình tự
Tiếng chim nào trong đám lá vụt bay kêu...

                                     1995
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 11:53:22 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 08.09.2007 00:57:36 (permalink)
 



Bài thơ 353:


               BÓNG HOA
 
Cuộc sống có ly và có hợp
Thiếu nữ đi như một dáng mây trôi...
Em bước qua ta và tim ta vỡ!
Bóng hoa ru nhè nhẹ thắt lòng tôi.

Vây quanh anh hương tắm gội
Trời đất mềm say, cây cối ngả nghiêng

Da con gái hay là thơm mùa mới
Chim lạc đàn, gió ngẩn ngơ buông.

Chiều đang xuống... chuông chùa đâu bối rối
Chút phàm tình khuấy động cõi tâm
Sư cũng muốn ra khỏi chùa đắm đuối
Tụ trong mình hương của gái xinh. 

                                       1991
          
          
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 11:18:08 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 09.09.2007 01:15:12 (permalink)
 
.
 
         CHIỀU HOÀNG HÔN

               Hồn mây gió lang thang
              Mà đầm đìa mưa bão
              Đời - tư lợi không tham
              Chán trò danh bốc hão.


Chưa đi đến tuổi già
Mà yêu hoàng hôn đỏ
Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...

Soi mặt nước xanh veo
Trầm tư và lặng lẽ
Đàn muỗi phố đã kêu
Quanh bàn nơi quán nhỏ
Chiều đang buông dần chiều.

Sợi tóc mình ngơ ngác
Có nên bạc hay không?
Tuổi trẻ sợ già nhanh
Giờ điềm nhiên đến lạ
Cái mầu hoàng hôn đỏ
Cháy như là khai sinh!

Ôi, hoàng hôn hoàng hôn
Trái tim là bất diệt!
Ngày mai anh có chết
Cũng nhẹ như lá vàng.

Mang suối tóc của em
Đi rồi yêu vĩnh viễn
Anh sẽ hoá rừng thông
Ngàn năm reo cát, sóng...


                        Phạm Ngọc Thái 


             Lời BÌNH TRÚC THÔNG 

        Bài thơ được viết một mạch vì đã đi vào trúng mạch, thơ dần dần hiện ra ở khổ thơ thứ ba:

... Tuổi trẻ sợ già nhanh
Giờ điềm nhiên đến lạ

Chính mạch đây rồi! Thơ lập tức vọt ra:

Cái màu hoàng hôn đỏ
Cháy như là khai sinh!

Khai sinh cái gì? Khai sinh một thức ngộ:

Ngày mai anh có chết
Cũng nhẹ như lá vàng

Thật sung sướng, thật hạnh phúc khi tự mình thức ngộ, sở hữu một triết lý sống an nhiên, tự chủ, tự tin đến vậy. Coi chết không là gì, để sống đắm đuối hơn, mở rộng tình yêu, tình người đến vô biên:

Mang suối tóc của em
Đi rồi yêu vĩnh viễn

Chỉ là biểu hiện vừa cụ thể, vừa tượng trưng cho nhân tính phát triển cao chứ không phải chỉ khoanh vào một em nào. Người biết thức ngộ: Trái tim là bất diệt! / - Như trong bài thơ này không thể chỉ cuồng say đàn bà một cánh ích kỷ theo lối sở hữu và bạo hành!

Sau khi mạch thơ đã vọt trào tác giả viết tiếp thoải mái và vững vàng hai đoạn nữa. Ý, tình, hình ảnh, âm điệu đều hay. Không quá bốc, vừa sung mãn đúng độ - Để tác giả kết thúc:

Anh sẽ hoá rừng thông
Ngàn năm reo cát, sóng...

Hai đoạn vào đầu, ngẫm đi ngẫm lại cũng vẫn được. Để gây không khí tịnh tiến như ông thày bắt mạch. Vả, lối thơ cảm khoái theo thể năm chữ cũng phải bắt đầu vào dần dần như thế:

Soi mặt nước xanh veo
Trầm tư và lặng lẽ
Đàn muỗi phố đã kêu
Quanh bàn nơi quán nhỏ
Chiều đang buông dần chiều.

Dĩ nhiên cổ thể nhưng ý tình hiện đại. Cảm xúc hiện đại đã làm Phạm Ngọc Thái quên phắt mình đang tuân theo lối thơ năm chữ, buột phá:

Chợt nhìn, chợt nhận, chợt xôn xao...

Sự "nổi dậy" của cảm xúc thơ thời đại mới nhắc nhở rằng: Trong khi tận dụng hết cái cổ điển của thể loại truyền thống, chúng ta có quyền cơi nới, biến động. Nhưng phải tự do trong qui luật của nghệ thuật, nghĩa là mức độ, tiết chế, hài hoà.


(Bài viết đã đăng trên báo "Đài Tiếng nói Việt Nam" & cũng đã được in vào tập
"100 bài thơ hay - Có lời bình" - NXB Thanh niên, của nhiều tác giả bình như:
Vũ Quần Phương, Vân Long, Trúc Thông, Phạm Khải, Tô Hà, Mã Giáng Lân...
do nhà thơ Vân Long tuyển chọn



<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 22:37:09 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 10.09.2007 01:23:10 (permalink)
 



Bài thơ 355:

            
              BÈO DẠT BÃI BỜ

Tiếng chim trời thánh thót mùa xuân
Trong cơn lốc nhân quần bạo loạn,
Ta quên hết, cùng em say cõi mộng
Nơi "bèo dạt bãi bờ" sự sống lại hồi sinh...

                                    2004
          
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 12:03:30 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 12.09.2007 01:26:35 (permalink)
 



Bài thơ 356:


              TIẾNG NÓI KHÔNG LỜI
 
Mắt em đong cả trời thu sóng sánh
Thầm thì bên anh những tiếng nói không lời...
Dấu trong lòng chút tình riêng canh cánh
Anh ôm một mình cả biển sóng, em ơi!

                                     8/2004
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 12:13:40 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 14.09.2007 15:49:05 (permalink)
 



Bài thơ 357:


           ĐÔI MẮT NHUNG

Hoàng hôn buông xuống trời nhạt nắng
Đôi mắt nhung em đắm cả chiều
Tay thon vò xé nhành hoa trắng
Em buồn - trời đất bỗng như xiêu ...

                                  1991
         
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 12:25:06 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 17.09.2007 01:21:42 (permalink)
 
Bài thơ 358:



            MÀU NHẠT CUỘC ĐỜI
 
Liễu ru mãi sao không thấy chán?
Me chòng nhau cũng chẳng buồn ư?
Nhìn thế giới hồn bỗng tràn ngao ngán
Nghe sóng hồ reo cõi vô vi...

Ta cứ đi lang thang nơi cõi vắng
Phút giây sầu lại chạnh nhớ về em!
Thôi thì hãy vùi vào trong quán lạnh
Để quên đời bằng những cuộc bia đêm...

                          
      16/7/1995
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 12:33:37 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 19.09.2007 01:02:59 (permalink)



             

                 Thơ đời và thơ tình Phạm Ngọc Thái 

                      (Đọc "Rung động trái tim, NXB.Thanh niên, 2009)

                                           
            Cô giáo Hoàng


 
    Tập thơ "Rung động trái tim" độ 200 trang là một tập sách khá dầy dặn (khổ 14,5 x 20,5) với 45 bài thơ - Đẹp và trang trọng. Hầu hết sau mỗi bài đều được tác giả viết lời bình hoặc giới thiệu rất công phu,sinh động.

Phải nói đó là một tập thơ độc đáo, hấp dẫn, từ trước tới nay chưa thấy một nhà thơ nào đã làm như thế! Trong đó có 12 bài "thơ đời", còn lại tất cả là "thơ tình". Trước hết xin có mấy lời nhận xét khái quát về mảng thơ đời của anh:
   
  Thơ đời Phạm Ngọc Thái (PNT) cô đúc, kể cả những bài viết dưới dạng triết lý cũng đều được chảy theo dòng cảm xúc tự nhiên. Có khi vận từ đời sống dân gian để nói về sự vất vả, lam lũ kiếm miếng cơm manh áo của người lao động.

Cuộc đời của họ giống như những chiếc chổi tre kéo lê trên đường, năm tháng bị mòn vẹt dần đi:

Em quét lá lẫn đời lẫn kiếp
Tiếng chổi mòn kêu xiết vào tim!

             
(Cô quét lá đêm hồ)

    Hoặc tác giả vừa gắn nỗi lòng mình trước những sự mất mát của những con người bần hàn âý... theo nghĩa ẩn dụ rất sâu sắc như:


Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng
Con nai vàng chết bóng thu xưa...


  Ta thấy thơ giàu hình ảnh, hàm súc mà đa nghĩa. Có khi anh chỉ tả về hình ảnh của cô quét lá đêm mà thơ như một khúc hát du dương, cứ thánh thót gieo thấm vào lòng ta:


Liễu ru nhè nhẹ quanh bờ vắng
Em thầm thì quét lá bên tôi!


    Trong bài thơ
Em Bán Xoài lại vẽ lên khung cảnh bên bờ biển của thành phố Nha Trang, dưới những bóng dừa xứ sở là những thân phận đang sống vất vưởng, nổi trôi trong chốn nhân quần. Chủ nghĩa nhân đạo của bài thơ chính là lòng thương người và nỗi đau đời:

Em bán xoài đi đêm trên cát trắng
Bãi biển chập chờn kiếp đời các cô gái lang thang...

  và:

Thế giới em đi "vòng thiên la địa võng"
Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi
xoài em thơm hương toả mát thân người
Ai mua xoài? Còn ai có mua em?

 
   Trong bài
Cỏ Hoang - Để nói về tình yêu, cuộc sống của một cô gái trong những năm tháng đi tìm hạnh phúc nơi ngoại quốc, đồng thời nó cũng phản ảnh những thân phận bọt bèo trong cuộc tha phương của những lớp người xuất khẩu lao động mưu kế sinh nhai ở nước ngoài.

Cảnh sống của họ xô bồ, rồi quan hệ hỗn độn, trai gái chung đụng lộn phèo, bất chấp luân thường đạo lý, có khi chẳng khác gì thời  nguyên thuỷ của buổi hồng hoang xưa... như bài thơ đã kết rằng:

Ôi, cuộc bèo hoang trời đất trầm luân
Và bản chất muôn đời còn muông thú

- Hay là:

Em tự do như thể là cát bụi
Có đôi lần giời cũng khóc, mưa rơi!


  Về những cảnh tượng khốn khổ của những người lao động đi kiếm sống ở nước ngoài, ta còn thấy trong bài thơ nữa cũng rất sâu sắc của anh - Họ chẳng khác gì những đoàn quân ô hợp trong cảnh bèo dạt mây trôi...

    Như lời bình của tác giả - nhiều nơi, nhiều chỗ tranh giành xô xéo, thậm chí dối lừa nhau làm ăn không kém gì cảnh chợ giời. Đạo đức bị tha hoá, về mặt tinh thần nó đã thuộc là những lớp người tận cùng đáy xã hội:...


 Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
Đứa mách qué lại vân vi dễ sống
Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng?
Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!

               
  (Nỗi trăn trở người đi tìm vàng).

  Còn ở bài
Làm Ma Em Vợ thì thi phẩm có cấu trúc một bài thơ tượng trưng, nhưng nghĩa thơ nhuốm đầm sắc thái của nỗi kiếp đoạn trường trong kinh Phật mà cụ Nguyễn Du đã từng tả trong Kiều, để tác giả nói về bể khổ nơi dân tình.

   V.v... và v.v...

  Tôi xin nói sâu hơn về mảng thơ tình của anh - Hầu hết là loại thơ tình đã chia ly. Tuy tình yêu trong trái tim nhà thơ với người con gái nào đó đã qua  vẫn tha thiết nồng nàn, nhưng không rơi vào bi luỵ... có khi nó còn được tạo ra những thiên tình diễm lệ, rất đa dạng và phong phú.


   Trong bài thơ
Anh Vọng Nghe Tiếng Em Hát Bên Hồ - Chỉ là giây phút bồi hồi nhớ lại tiếng hát người yêu xưa, anh viết:

Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
Em mãi còn kỉ niệm trong anh
Như hạnh phúc đời anh: Cái thực là hư cả
Cái đã hư xưa mới chính thực là mình


  Nghĩa là tác giả quay sang triết lý về tình yêu và sự sống trong cuộc đời. Rồi anh sử dụng những hình ảnh vần vũ của thiên nhiên, trời đất để nói đến qui luật bụi cát, nhưng tình yêu thì mãi mãi vĩnh hằng:


Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
Chiếu ở rất xa, qua hồn ta, trong mộng ủ
Ôi, hư vô- Sao quặn xiết lòng ta
Hỡi đêm tàn! Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...


  Theo tiếng hát ấy đưa ta vào xứ huyền diệu, êm ái của tình yêu.

 
   Bài
"Khoảng Trôi Trong Lá" lại là một tình thơ được cấu thành dưới gió mưa và trăng sao, nhưng bao kỷ niệm  tình yêu xưa  vẫn trở về cồn cào, day dứt trái tim của nhà thơ:

Bỗng cồn nhớ một thời dĩ vãng
Gió cứ trôi không hữu hạn bến bờ
Nhưng vẫn đó: Em,anh - cuộc sống
Xa nhau rồi! tình cũ đến bơ vơ.


   Đó là thứ triết lý rất đời, tình yêu thì đã vào bụi cát, nhưng cuộc sống của anh và em thì vẫn đang phải tồn tại... để rồi tác giả trào ra những nỗi nhớ thương:


Có bao lá cây rơi, em đã vào xa vắng
Lá nuốt em. Giờ sống thế nào rồi?
Em sung sướng? Ưu phiền? Lãng quên hay bụi cát?
Mặt trăng trên trời. Tim anh rất mồ côi

   Trong sự thổn thức nỗi lòng ấy, nhà thơ thốt lên:


Hãy níu lại dùm ta! Một thời dĩ vãng
Gió vẫn trôi, lá vẫn bay vèo...

  Nghĩa là chỉ có tiếng lá và tiếng gió vu vi... kia đáp lại lời tâm tình đó của anh. "Khoảng trôi trong lá" là một bài thơ tình khá hay và cũng là lạ.

  
  Về thơ tình mùa thu, cái cách tả người yêu của anh thành biểu tượng, chẳng những chứa đựng sâu lắng mà vẫn sinh động, như:

Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở...

             
       (Sáng Thu Vàng)

   Với đôi môi thì:


 Môi em cười hoa lá nát đau thêm


     Để rồi anh hạ một câu thơ thật đắt:


Nghe không gian đổ vỡ cả mùa thu!...

   Tiết tấu, nhịp điệu thơ thì uyển chuyển như một cánh võng mùa thu vậy:
             
Sáng thu vàng mông mênh mênh mông...
Sáng thu vàng xang xênh xênh xang...
  

   Tác giả đã gắn cả linh hồn, hình ảnh của người đàn bà trẻ ấy (cách anh gọi người yêu  như vậy), vào trong bóng dáng của mùa thu:

 Người đàn bà - Em nuốt mùa thu tan!

Chữ "nuốt mùa thu" này còn mang theo cả nghĩa thơ siêu thực, làm cho bài thơ mùa thu của anh càng cô đúc. Anh đã mang đến cho thi đàn được một bài thơ mùa thu hay!
   
    "Thông Và Biển" là một tình thơ mà đôi trai gái đã được hoá thân vào đất trời, để ca vọng mãi tình yêu tuổi trẻ trong vĩnh cửu, vô biên:

Biển thì xô, Thông suốt đời quạnh quẽ
Thân xù xì, nắng héo, mưa dông...


  Trong cuộc sống đầy đá sỏi, mà tháng năm như một đoàn tàu nghiền trên đường đời ta thành tan nát, nhưng "thông và biển" vẫn cứ quấn quít hát mãi bên nhau:


Vỗ mãi anh thành cát mất thôi
Tình chỉ mộng, đời cũng là hư ảo
Biển xa xót, dịu dàng và sóng bão
Lời anh ru như gió thổi mây ngàn...

   
   Nếu ở bài
Người Đàn Bà Trắng ta bắt gặp một PNT với cách triết lý về tình yêu - cuộc sống rất thực tiễn:

Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
Anh cũng không làm chàng Trương Chi suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo con đường lông ngỗng trắng
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau!...


  Thì ở trong
Em Về Biển - Tình yêu ấy lại được nhà thơ đẩy cao lên thành một thần tượng vĩnh hằng:
               
 Bờ bãi đời người - Cuộc sống tình yêu
Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân Phật Tổ!

   
   Như nhà thơ Nga M.Lermôntốp đã thần tượng tình yêu đối với người đàn bà:

Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ.

  
    Ở bài
Một Góc Hồ Tây tôi thích cái câu thơ:

Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi


   Bài thơ vẽ lên một bức hoạ đầy tình, mà mỗi cảnh vật đều thấm đẫm tâm linh của một con người đã bước vào tuổi hoa niên. Tình cảm, tâm hồn nhà thơ thật da diết... nhưng lại chơi vơi bởi sự cô liêu, đầy sắc hư hao như câu thơ đã kết:

                   
Trong tiếng lá bay... chầm chậm bóng ta theo...

 
   Về chùm thơ "áo trắng" của PNT - Nó nuối cảm những tình yêu chớm nở thưở đầu đời, trong suốt tựa dòng suối ban mai. Có những câu thơ mà hình tượng gợi vào trái tim ta da diết, bàng hoàng như:

Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh!

                  
           (Thời áo trắng)

    Hay là:


Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc
Lang thang vài cánh bướm bơ vơ
Áo trắng in ngang trời - sét đánh!
Lưỡi dao nào cào nát tim thu?

               
     (Phố thu và áo trắng)
 
    Nhà thơ không khỏi bỡ ngỡ, thảng thốt như một giấc chiêm bao. Vừa mới thoáng đây thôi mà mình đã già rồi! Vì thế nên cả thành phố cũng cô đơn, hiu hắt cùng nỗi lòng anh. Anh tha thiết muốn níu kéo lại nó:
                  
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!

  
    Tình yêu vừa mang lại bao hạnh phúc lẫn nỗi đau khổ cho trái tim ta, nhưng nó cũng chắp cánh cho những khát vọng bay lên cao, để ta làm được nhiều điều lớn lao hơn, có ích cho cuộc sống cũng như xã hội.

   Thơ PNT đã đạt độ triết lý sâu sắc và có nhiều tình thơ hay! 


                               Bài bình luận đã đăng trên Tạp chí Diễn đàn 
                               của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN
                                             -  CỦA MỘT NỮ NHÀ GIÁO - 
  
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 22:29:11 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 25.09.2007 16:56:00 (permalink)
 



Bài thơ 360:


        MÂY BAY GIÓ THOẢNG

Sóng cứ vỗ ngày đêm xô bờ cát 
Tình mây trôi... toàn mộng em ơi! 
Bao nụ hôn anh vương vãi trong trời đất
Để đến giờ thành kẻ mồ côi. 

Tuổi trẻ đi qua - chiều về, tuy hoàng hôn vẫn đẹp
Ta luôn nghĩ tới em trên mọi nẻo đường đời
Người thiếu nữ tận khung trời xa thẳm
Quá xa rồi, chỉ còn bóng mà thôi.

Bóng em vờn như mây bay, gió thoảng
Ta chẳng bao giờ nắm được gió và mây
Phố hiu hiu một chiều buồn lằng lặng
Chỉ có tiếng thơ ta vang vọng tháng năm dài...

                                   17/7/2004
            
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 22:39:52 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 02.10.2007 01:09:19 (permalink)


Bài thơ 361:



         LÁ ME RƠI
 
Lá me rơi khắp phố
Trời lãng đãng mây bay
Lòng bỗng nhiên buồn nhớ
Giờ chỉ còn cây thôi.

Chiều nay cơn gió thổi
Nghĩ về em mà thương
Em ơi! Tình ngắn ngủi
Thu trút lá đầy đường.

Anh cuộn mình trong tổ
Làm một con nhện giăng
Tránh mọi điều điên đảo
Ngoài xã hội nhi nhăng.

Lòng luôn nghĩ về em
Với bao nhiêu mộng đẹp
Một thế giới vĩnh hằng...

Ai hay tình lại chết!?

Lá me... lá me rơi...
Xuống đầu anh chiu chít
Nói bao nhiêu là lời
Giữa khoảng không lạnh ngắt.

       
                    13/10 2005
           






<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 23:38:54 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 05.10.2007 00:48:21 (permalink)
 



Bài thơ 362:


              TRĂNG ĐÃ TRẪM MÌNH

Trăng lai láng ngủ cùng "đêm thiếu nữ"
Gió êm đềm xao xiết làn da
Kể từ năm ấy từ năm ấy
Trăng đã trẫm mình dưới sông xa...

Sao khuya thôi cũng không rụng nữa
Cuộc đời ta giờ đã thấm sương pha
Thương nhau thao thức mà không nói
Khóc cái vầng trăng tít trên xa.

Nhớ bao tối cùng em bên bờ liễu
Vòm ngực thơm hồi hộp mê say
Qua bao toa tàu anh vẫn nuối
Bạc phơ rồi... mái tóc xoã mây bay...

                                 10/2/1996
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2011 23:55:19 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Nhatho_PhamNgocThai 08.10.2007 00:38:00 (permalink)

Bài thơ 363:


       GIÓ SỜ SẨM GÁI
 
Gió ru cành liễu xoã lê thê
Tan tác hoa bay khắp bốn bề
Cảnh xuân trông tựa như hôn phối
Khiến lòng thiếu nữ khóc ri ri...

Trời cao thì dấm dí trên cao
Biết ma đi ăn cỗ nơi nào...
Cô em nọ lấy chồng qua phố
Dáng thẹn thùng mà mắt sáng như sao.

Đến gió còn thích sờ sẩm gái
Đức Bà nào có hám đồng trinh!
Muôn năm vĩ đại tình hoang dã
Mấy thầy sao cứ nói là... khinh?

                               15/2/1995
             
 
 







<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.12.2011 00:09:29 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
Thay đổi trang: << < 222324 > >> | Trang 24 của 45 trang, bài viết từ 346 đến 360 trên tổng số 666 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9