(url) Lý Đông A
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 35 trên tổng số 35 bài trong đề mục
Ngọc Lý 28.03.2008 10:50:59 (permalink)
Huyết Hoa
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A 


III . XUÂN THU


7 -  DÂN CHỦ  

          Thanh niên lấy làm vinh dự để nói đến dân chủ. Dân chủ ví như thần thánh "homo res sancta homini", dân chủ là hình ảnh giàu có, bình đẳng và khoa học. 

          Căn cứ của chủ nghĩa dân chủ là chủ nghĩa cá nhân. Cho nên dân chủ chính thể là kết quả chính trị của chủ nghĩa cá nhân đó. Trong nước dân chủ phải có tiền mới bình đẳng và sinh sản phải tùy khoa học phát minh mới tiến bộ. Chế độ tư bản dân chủ cố nhiên khi đầu mới thay thế cho xã hội phong kiến thực là cứu thế, nhưng đi đôi với tiến hóa của lẽ vô thường, từ thương nghiệp tư bản tiến lên công nghiệp tư bản làm cho trong nước giai cấp ly chia và chính trị đảng tranh. Lại từ công nghiệp tư bản tiến lên đến kim dung tư bản, sự cần dùng thị trường nảy nở ra đế quốc thực dân, từ đó đến quân hóa tư bản gieo rắc chiến tranh cho thế giới. Ðến mạt kỳ này, chế độ dân chủ xấu nhất, nó làm cho nhân chủng linh lạc, gia đình linh lạc, cá nhân linh lạc, ở đó mà quốc gia linh lạc. 

          Sự cần yếu cho tái sinh sản của tư bản nảy nở ra các hình thức bế quan tỏa cảng lối mới như khối Pound, khối Monroe, khối Yen và khối Franc càng suy động cái dục vọng diệt chủng vong quốc người khác bằng vũ khí kinh tế, và ở đó chiến tranh; cũng ở đó là nguyên cớ chiến tranh chân thực của kỳ này.
 
          Vật hỏng tất phải chữa. Wallace đề xướng ra lối dân chủ mới trên truyền thống dân hữu, dân hưởng, dân trị cũ của Mỹ. Dân chủ mới có năm điển hình là: chính trị dân chủ, kinh tế dân chủ, giáo dục dân chủ, dân tộc dân chủ và nam nữ dân chủ. 

          Tất cả các kỹ thuật cần dùng để xây đắp đời mới ấy, tác giả không nói ngoài những phương án hòa bình của quốc tế, nó họa may ấn định được đời sống dân chủ đó. 

          Thế nhưng dân chủ phải gồm các điều kiện toàn dân trực tiếp, tập trung và chân thực, dân chủ ấy mới có thể vững chắc được. Muốn thế, ta không thể đề xướng ra một chủ nghĩa dân chủ mới rỗng tuếch như trên. Ta phải tìm đến tận cội rễ xã hội của nó mà chữa. Cho nên lý tắc của dân chủ là "làm nghĩa vụ đi để hưởng quyền lợi" (droit et devoir). Song ta thấy nghĩa vụ không chìu người. Muốn phục vụ hết nghĩa vụ, không có chỗ để giả nghĩa vụ đó. Cho nên phải có một lý tắc của dân chủ mới: "Có cơ hội đó, làm nghĩa vụ đi để hưởng quyền lợi" (chance, droit et devoir). Tất yếu xã hội phải hoàn thành cái chế độ hiện thực của cơ hội quân đẳng, nghĩa vụ quân đẳng, quyền lợi quân đẳng mới có thể có được đời sống dân chủ trực tiếp, chân thực, toàn dân tập trung, thống quy dưới một hình thái xã hội có lý tưởng, phương châm, tổ chức và quy tắc, nghĩa là phải có một kế hoạch dân chủ, hay là một dân chủ xã hội hóa. 

          Xã hội là một tổ chức nhân tính. Sự điều khiển nhân sinh phải bằng một chính trị có một tác dụng tích cực là thiết kế và chấp hành đi đôi với một giáo dưỡng trọn vẹn và đầy đủ, là khởi điểm và chung điểm của cái chính trị đó. Cho nên một kế hoạch dân chủ và một chế độ dân chủ xã hội hóa trọn vẹn là xây đắp trên nền tảng của những nguyên lý và quy tắc của bình sản kinh tế. Chỉ có thế ý nghĩa xã hội hóa mới đạt được những hiệu quả dự định của nó trong phạm vi khoáng đại của nhân loại; có thế, hiệu suất của đời sống loài người mới một ngày một tăng tiến theo cách thức và nguyên tắc của nhân loại học. Chế độ bình sản kinh tế phải phối hợp với một kết cấu xã hội hoàn toàn dân chủ theo hết ý nghĩa rộng của nó. 

          Dân chủ làm cho loài người bất tri bất giác thực hành chính trị dân chủ trong cái tinh thần và tác dụng tối cao và sung sướng của vô chính phủ.

          Một kế hoạch dân chủ phải làm trên sự phối hợp chặt chẽ cái tinh thần của vô chính phủ, mới là dân chủ chân chính. 


 


X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
 Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 ( Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt )


<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2008 10:53:59 bởi Ngọc Lý >
#31
    Ngọc Lý 01.04.2008 01:00:51 (permalink)
    Huyết Hoa
    X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A 


    III . XUÂN THU

     
    8 - CỘNG SẢN 


              Nhằm vào thời đại Âu Châu thống trị tê liệt dưới máy móc và giai cấp chia rẽ mà sản sinh ra cái triết học duy vật đầy sáng kiến và cũng nhiều sai lầm đó. Nếu kể lịch trình tiến hóa tới nay, triết học ấy đáng là lạc hậu non 100 năm rồi, nếu ngày nay phải nhắc lại mà phê phán đó là vì cuộc cách mạng 17 với tất cả những thất bại của đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ quốc tế, với cộng sản đảng các nước. Bao giờ xã hội còn giai cấp, tất còn những hiện tượng với sự đấu tranh của nó. Căn cứ của chủ nghĩa cộng sản là lao động giai cấp đại chúng, đó là ý nghĩa xã hội có thể gọi như một ý nghĩa chuyên môn. Trong giai cấp đó, đại thể chia ra nông dân với công nhân, nông dân đông hơn mà công nhân ít hơn; ở đó chia ra cái mâu thuẫn mà là cái nhược điểm chí tử cho chủ nghĩa vậy, mà cũng ở đó khởi nêu cái ý nghĩa chua chát của cái giai cấp ở trong có nội tại mâu thuẫn, gây lên một sự phân hóa đau đớn giữa vương giả lao động, quý tộc lao động, bình dân lao động, lao động các nước lớn, nước công nghiệp, nước thực dân đối với lao động các nước nhỏ, nước nông nghiệp và nước thuộc địa. Không những thế, sự phân hóa ngay trong trận doanh cộng sản trên vấn đề giai đoạn cách mạng, vấn đề chủ lực cách mạng giữa nông và công, chủ lực kiến thiết giữa nông và công, một phần lớn đi đến thất bại, trên sự thực của đấu tranh đã vùi dập dần dà từ đệ nhất cho đến đệ nhị, đệ tam rồi đệ tứ quốc tế.


              Sự thất bại trên sự thực của đấu tranh đó gây nên chủ yếu là bởi sự sai lầm lớn lao của duy vật biện chứng pháp: nó chia rẽ hẳn lý luận với thực tiễn trong quá trình thực tiễn của thể nghiệm lịch sử, đồng thời nó không thể giải nghĩa một cách đúng đắn và nắm giữ với vận dụng một cách thiết thực tất cả những động cơ của lịch sử với luật tắc của tiến hóa nhân loại.


              Bởi cái bối cảnh phát sinh của chủ nghĩa cộng sản là thời đại của Anh, Mỹ, cho nên cái nền tảng xây dựng của xã hội vô quốc gia đó cũng phải tùy tính chất công nghiệp mà đặt trên một thế giới hoàn toàn cơ giới hóa, công nghiệp hóa và điện khí hóa.


              Cái mục đích của chủ nghĩa ấy như mọi cái tưởng tượng, tư tưởng và không tưởng xã hội loài người cố nhiên là tuyệt đối, là thiện mỹ nhưng tất cả một thể hệ từ lý luận và thực tiễn trên triết học, khoa học và thuật học của cách mạng, kiến thiết và chính trị phải cho hiện thực và lại lý tưởng mới có thể thực hành được.

              Kinh nghiệm của cách mạng 17 tỏ ra cách mạng của cộng sản chủ nghĩa là thất bại. Chính sách kinh tế mới đối với ba kỳ 5 năm kế hoạch đi theo với sự đi quay về dân tộc tự lực, tự vệ và tự quyết chủ nghĩa của Staline, sự tu chỉnh các chương trình của đệ tam quốc tế tỏ ra kiến thiết của cộng sản cách mạng là thất bại.


              Sự bị lôi cuốn vào chiến tranh, sự phân hóa trong nội bộ, sự miệt thị các phân chi bộ coi như tung đội Nga, sự xâm lược các dân tộc nhỏ yếu chung quanh tỏ ra chính trị của chủ nghĩa cộng sản là thất bại. Sự giải tán đệ tam quốc tế là một sự kiện quan trọng có những nguyên nhân lịch sử và xã hội học, ta cần phải phát biểu càng tỏ cộng sản cách mạng là sai lầm. Thời đại bối cảnh của sự giải tán ấy trông vào:


         1) Nội tại luật tắc của cuộc kiến thiết Nga Sô Viết xu hướng dân tộc tự quyết.


         2) Nội tại luật tắc của cuộc chiến tranh hiện tại ở trong trào lưu sô đẩy trên cái nền tảng giai cấp ngày nay.


         3) Nội tại luật tắc của bản thân đoàn thể đệ tam vì các xu hướng về các cuộc vận động trên hình thái dân tộc của mỗi cộng sản đảng mỗi nước.


         4) Áp lực của Anh, Mỹ với nhu yếu về chiến lược của Nga Sô bắt buộc trong thời kỳ ái quốc chiến với Nazi này.


         5) Nhưng cũng coi là một vẻ mặt và một chính sách "lui một bước lên hai bước" một khi hoặc do trận này dẫn khởi rối ren, hoặc chậm sau khi thế giới này có thể đã bị thống trị dưới một trận doanh quốc tế nào nhân là thời cơ thành thục lại có thể xuất hiện ra bằng hình thái đệ tam quốc tế sau năm năm, không thì mười năm.


              Ðó là lối xem của Duy Dân chối bỏ duy vật biện chứng, nó tự bị đào thải trong đường trường của lịch sử thế giới và xã hội sống thực tiễn, dân tộc là bản vị, giai cấp là cơ năng, sự sống non một trăm năm nay càng chứng tỏ như thế. Cho nên thế giới lao động cách mạng quyết định là thất bại, có khi nó bị chết nghẹt ngay trong thai nghén, có khi nó đẻ non ra.

              Cái chết của Trotsky càng chứng tỏ như thế.


     


    X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
     Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
    xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
    ngày 7 tháng 10 năm 1969 ( Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt )

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.04.2008 01:02:48 bởi Ngọc Lý >
    #32
      Ngọc Lý 01.04.2008 12:55:43 (permalink)
       
      Huyết Hoa
      X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A 


      III . XUÂN THU
       

       
      9 - BÌNH QUÂN   


               Ðược gặp các đồng chí lĩnh đạo trong Ðại Việt Dân Chính Ðảng nên được hiểu thế nào là sinh hoạt bình quân chủ nghĩa. Tuy hiện nay các đồng chí ấy đã gia nhập vào bản đảng phụng hành Thắng Nghĩa, sự phê phán không phải là nói xấu, nó còn là những lời cảnh tỉnh, cho nên ngòi bút của tôi không làm khách được trước chân lý.


                Sinh hoạt bình quân chủ nghĩa chỉ có hai yếu điểm: đối bên trong làm cho xã hội sống đều không có giai cấp, để đối bên ngoài tranh đòi lấy một đất sống với thế giới cho dân không bị thiếu thốn. Tiếng chuyên môn của chính trị địa lý là sinh tồn không gian (espace vital).


                Chủ nghĩa bình quân muốn căn cứ vào nòi giống hiện tại để lập một nòi giống tương lai. Qua giọng nói của các nhà lĩnh đạo chủ nghĩa ấy thì không cần suy diễn lịch sử hay nguyên lý mà chỉ cần đến những phương án thực tiễn và bàn tay sắt là đủ. Sự thành lập đệ tam Ðại Việt (Lý Trần là đệ nhứt, Lê là đệ nhị), cũng na ná như sự thành lập của đệ tam Reich. Sự tranh đòi không gian làm bằng thủ đoạn luồng sóng di dân (vagues démigration) tức là thủ đoạn vũ khí phát xít hay nazi của thực dân địa. Xã hội làm sống đều bằng thủ đoạn và vũ khí độc tài.


                Chủ nghĩa ấy và đảng ấy, từ học thuyết đến tổ chức và hình thức (như hay dấu hiệu), đều quy định ra trước bởi các thầy nazi và phát xít. Thủ đoạn cũng noi theo, không có chi thay đổi.


                Lòng ái quốc của thanh niên nhiều khi vô lý, nhiều khi bồng bột, nhiều khi lỡ việc, nhiều khi mù quáng: đấy gọi là chauvinisme. Thêm vào chủ nghĩa yêu nước mù mắt ấy, lý tắc thực dụng chủ nghĩa (empirisime) không những đã nông nổi, bộp chộp, phi khoa học, mà còn tỏ ra sự nghiệp mình mưu đồ không được dẫn dắt bằng một nhỡn quang cao đại; nó mới xứng để dẫn dắt vận mệnh cả một nước nòi.


                Chủ nghĩa nazi và phát xít không thể thực hành được ở nước ta cũng như thuần dân chủ, thuần Cộng Sản, hay Tam Dân. Cái nền tảng xã hội ta với tất cả các điều kiện văn hóa, kinh tế, khoa học và quân sự không để cho ta, trong con đường quốc tế tương lai, cư xử được theo con đường đó. Kế hoạch đồng nhân của chúng ta chính là một sách lược liên hợp giải phóng của tất cả các dân tộc nhỏ yếu trong Ðại Nam Hải cùng một huyết thống Viêm và một văn hóa Môn từ muôn năm về trước, nó là một chính sách cách mạng không phải là một cương lĩnh xâm lược. Chủ nghĩa Duy Dân của chúng ta là phục hưng và phục hoạt nòi giống với văn minh Tiên Rồng, không phải là chủ nghĩa chủng tộc xâm lược như nòi Hán, cũng không phải là chủ nghĩa chủng tộc siêu việt như Nhật Nhĩ Man.


                Ðời sống của quốc dân và dân tộc là toàn thể (trọn vẹn, không vá víu lồi lõm) lại tích lũy (phát triển theo lịch sử), nó như dòng nước chảy không dứt, luôn luôn bồi chút cái nguồn sống theo nền tảng và điều kiện các thời đại và khơi mở con đường đi, không thể cắt ngang hay cắt dọc lịch sử để lấy đâu làm xuất phát điểm mà đi được cho đến tương lai. Trong cái dòng sống không dứt ấy, người Việt trong đời sống quốc dân, lịch sử và thế giới ngày nay chỉ có thể nói được: Ta sống cả một muôn năm ở trong ta, lấy sức ngầm đó đứng lên chuẩn bị cho thời đại 2000.

                Mỗi chủ nghĩa là tinh hoa của mỗi nguồn sống tập trung lại mà khai hoa. Sự hấp thụ mỗi thứ tinh hoa trên tinh thần giới chung đụng của loài người đó, phải làm như con ong hút nhụy làm mật, chớ như con bướm lượn cành mà chơi, cũng đừng như lũ đồ nho nhai sách Khổng Tử không tiêu hóa, hay lũ đồ Tây nhai sách khoa học không biết phân minh.


                Chúng ta chỉ cần mỗi phần trong chủ nghĩa, trong điều kiện lợi ích của dân tộc, châm đối theo nhu yếu của dân tộc trên một trình độ nào và theo một phương hướng nào.


                Chúng ta nếu chỉ đi uống thuốc bậy cũng bằng giá trị đi tự tử.

                Nhưng nếu chúng ta bắt chước Narcisse tự hoan hỷ với bộ mặt đẹp của mình trên giếng cũng là đi tự tử.


       


      X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
       Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
      xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
      ngày 7 tháng 10 năm 1969 ( Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt )

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.04.2008 12:57:48 bởi Ngọc Lý >
      #33
        Ngọc Lý 04.04.2008 03:46:31 (permalink)
         
        Huyết Hoa
        X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A 


        IV. BÔNG LAU

         
        1 - LÝ TƯỞNG


                  Cành lau bắt đầu tham dự vào cuộc sống lịch sử của nước nòi chúng ta từ thế kỷ thứ X, một vận đổi mới trong tang dâu của Ðông Á, nhưng còn là một phục hoạt lớn lao của Hồng Lạc với sự dựng lại chắc chắn cái nền tảng vững bền của độc lập cho quốc gia Việt thống nhất. Trong hoàn cảnh gian nan khốn đốn ấy, với bối cảnh chuyển biến gắt gao của quốc vận Việt ấy, cành lau điểm trên thinh không và thời gian một ý nghĩa và giá trị tuyệt vời, cái ý nghĩa và giá trị sống đó đi đôi với sứ mệnh và lý tưởng của Hồn Sử, Tổ gốc gác và đáy tầng Việt.


                  Cái tên Ðại Cồ Việt xuất hiện ra do cành lau, mà bắt đầu từ xung động của hồn lau phát tiết ra hết thảy cái thực thể lý luận của dân tộc. Cành lau dễ mọc và dễ sống trên đồng lầy, giữa thôn quê, trong bãi vắng, đi đôi với đời thiếu niên thanh khiết của Ðinh Bồ Lĩnh, tỏ lộ hết được đời sống thực tiễn trên xung động thực tiễn của cái lý tính thực tiễn của quốc dân trên lịch sử và thế giới.


                  Những nhu yếu thực tiễn từ ở những yêu cầu thực tiễn ẩn dấu trong dòng sống tiềm lưu của bình dân, chỉ có đại chúng mới thể nghiệm được chân chính trong đáy hồn chủ nghĩa của dân tộc, dẫn dắt và mở đường cho lịch sử giữa nền tảng của thời đại sứ quân. Cành lau là cờ hiệu chiến đấu của nước nòi mưu cầu lấy thống nhất và độc lập, vững trong và chống ngoài. Và cờ lau đã thắng hết cả. Cờ lau thắng lịch sử đô hộ hơn nghìn năm. Cờ lau thắng đô hộ khủng khiếp, thắng đồng hóa dã man, thắng tự trị ươn hèn, thắng chia rẽ diệt vong, thắng uy hiếp trong ngoài, thắng tư tưởng tối tăm, thắng nhút nhát, thắng phản tỉnh không triệt để, thắng tất cả những thất bại và hết thảy những đau đớn của nòi giống dưới ách nặng nề và ma quỷ của bốn bên, bởi cờ lau là cờ của Vạn Thắng Vương, cờ Vạn Thắng.


                  Cho nên, cờ lau là cờ của dân tộc Vạn Thắng, bình dân Vạn Thắng, chiến đấu Vạn Thắng, thống nhất Vạn Thắng và độc lập Vạn Thắng.


                  Cờ lau là cờ của Hồn cũ tỉnh lại, Hồn và sóng đáy cuộn lên, cờ giống nòi của Ðại Cồ Việt sống lại, nối dõi cái thế hệ dân tộc đã dứt hơn ngàn năm, xa hơn vạn năm trên lịch sử.


                  Cờ lau cắm lên giữa giới vạch của lịch sử, khơi mở đời sống mới về vô cùng tương lai, cho hết thảy đời sống anh hùng về tương lai, đã thắng hết cả và cởi mở cháu con ra bằng vinh quang vô thượng. Cờ lau là cờ của một thế hệ mới sinh ra để làm một văn minh mới Vạn Thắng.


                  Cho đến ngày nay, trên bãi hoang, nơi thôn dã, những cành lau phe phẩy trước gió gợn đời đời, còn nhắc lại ai oán thuở oai hùng tất cả những sống còn oanh liệt cũ, và sau ngàn năm (thế kỷ X-thế kỷ XX) đến ngày nay, giữa lúc nòi giống muôn vàn nguy cơ, đã vi vu văng vẳng đưa những tiếng gọi xa xăm dần dà gần lại, lanh lảnh vào trong bộ óc và cõi lòng của các thế hệ đời chúng ta, thức tỉnh trong đáy hồn và đáy tầng một cuộc phục hoạt lớn lao và vẻ vang. Nhưng bông lau chỉ mọc ở xứ nóng, chỉ mọc ở bãi hoang, trong biểu tượng của những linh hồn giàu thể nghiệm, nó còn nêu dựng hình ảnh của muôn nghìn hồn tử sĩ trên lịch sử bất tử, vất vơ với làn gió, sóng và nắng yêu của bể Nam lớn, đời đời không dứt gọi, kêu, và sống giám thị cho thời thế tang thương!

        ― Cờ lau là Viêm hồn, hồn dân tộc muôn năm của Trăm Việt.

        Cờ lau là cờ Cách Mạng hồn và quân hồn của Việt.

        Cờ lau là lý tưởng của Sử vinh quang và sống tái sinh.

         



        X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
         Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
        xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
        ngày 7 tháng 10 năm 1969 ( Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt )


        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.04.2008 03:48:06 bởi Ngọc Lý >
        #34
          Ngọc Lý 04.04.2008 14:40:29 (permalink)
          Huyết Hoa
          X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A 


          IV. BÔNG LAU



           
           
          2 - CHÍNH KIẾN 

                    Lo nước là bệnh thái của những phái thanh đàm nói rỗng, những kẻ lạc ngũ ngồi xếp bằng tròn chửi đời và chửi dòng sống tiến hóa, chửi tất cả những thế hệ mới, không ai mượn lo hão mà vẫn lo hoài! 

                    Quá vui là bệnh thái của những phái "tự nhiên không làm" những kẻ chực làm thầy đời nhưng mà không có năng lực làm việc thật, họ từ tự nhiên mà đi sang siêu nhiên, bàng quang nhòm ngó ngoài lông da và phê bình theo giọng xuất thế tất cả những khó làm và khổ tâm của người làm thật. 

                    Lại còn những nhà chuyên môn yêu nước gọi là "ái quốc gia" chỉ cốt được một vài biểu thị rỗng tuếch không ý nghĩa cho sự thực, thế là hết! 

                    Thế nhưng mà còn các hạng "sợ nước"? Họ cho rằng nước mình mà độc lập thì chỉ cá mè một lứa, đâm chém nhau đủ chết. Cố nhiên cái nọc độc của vua quan, với phản tuyên truyền của quân xâm lược gây nên những tâm trạng không khỏe ấy. Tính ỷ lại, ươn hèn, ở đó sinh ra tính luồn ngoài làm cho họ giật lùi sợ sệt trước sóng gió của tiến hóa.

                      Ðến như các người "vô quốc"! vì họ thuộc về thế giới phái, cho nên họ luôn luôn suy đoán bằng những căn cứ mà họ đã hết sức xếp đặt trong minh tưởng. Họ là những hạng ảo tưởng. Họ là những nhà thần học của thiên đường tương lai. 

                    Sao mà người ta còn đặt ra cái tên "buôn nước"? Những kẻ buôn nước phải chăng là những hạng làm quan với giặc? Những Cao Khải, Nguyễn Thân và Lê Hoan, những Việt gian? 

                    Không! không! Những kẻ nói trên, dĩ nhiên muôn người đều trông thấy rồi. Cái tên thần bí đó để đặt cho lũ đầu cơ và hoạt đầu, buôn cách mạng? Ðể đặt cho những quân gian tế của đế quốc lẩn lút vào hàng ngũ tranh đấu chăng? Hoặc giả cố nhiên là như thế. Nhưng mà chính danh thủ phạm là những kẻ cách mạng thật, làm cách mạng thật mà đầu cơ với hoạt đầu. Những con người ấy không có chính kiến nào xác thật, lung lay thỏa hiệp, những con người ấy "vô đảng" (họ tự xưng như thế) mà đảng nào cũng có hết. Họ chỉ vì cái địa vị và sống còn không danh dự của họ ra khuấy hôi bôi nhọ mọi việc của cách mạng. Họ chỉ nói bằng đầu lưỡi (lưỡi không cuống) và chỉ làm bằng chỉ tay năm ngón (giấu mất cánh tay). Họ có thể là hết những cái xấu xa nhơ nhuốc, liếm váy máu của ngoại quốc, không biết ngoại giao của cách mạng mà chỉ chủ trương "ngoại giao đặc biệt" ở hải ngoại. Không có một lập trường xác đáng, chẳng có một thái độ trực triệt. Ðiều kiện yêu nước của họ phải là phụ thuộc của những điều kiện cá nhân. Chủ nghĩa, thời cơ là thủ đoạn của họ ra buôn bán. 

                    Lại những ông xuất dương rồi mới ghê! Những đứa Do Thái không có tinh thần dân tộc đó (xin đừng động lòng, ai có tật giật mình), quanh đi quẩn lại chỉ oai nghi và lừng lẫy ở hai chữ "xuất dương" mà thôi. Tất cánh, họ đã học được những gì khi vì dân tộc, vì quốc gia phải vất vả dấn thân vào gió bụi, vượt trùng dương đi cầu lẽ sống cho nòi giống? Họ đã học được những gì và làm được những gì? Số không! Họ có thể mang nước và dân đi dâng cho một nước ngoài trước khi tranh đòi và khôi phục lại được nước và dân ở tay một nước ngoài. 

                    Theo đuôi ngoại quốc thì có nhiều, bởi vì theo đuôi cho nên kiến giải của họ không nền tảng mà chẳng bờ bến. Ở đó, gây nên bệnh "thiếu máu""thiếu óc" cho cách mạng của dân tộc, cũng chỉ vì đó mà những chia rẽ về lý luận cách mạng chỉ rỗng tuếch, nhưng vẫn ồn ào ra phết ta đây. Ðặc biệt là những anh oắt lâu la cũng ra tuồng múa mép. Thế mà làm lãnh tụ thì ai cũng muốn! Những ông cụ sống lâu lên lão làng với những tay ta đây tiền tiến kẻ giờ chỉ muốn làm lãnh tụ của Ðảng và tiến lên làm lãnh tụ tối cao của dân tộc. Nhưng mà khổ lắm, cá mè một lứa, lại không có óc tốt, không có mắt sắc, không có tay làm, thì làm lãnh tụ cho chết dân tộc à! Dân tộc! Dân tộc! Mồm mồm nói dân tộc, giờ giờ nói dân tộc, nói quá đâm nhàm, cho đến lúc tiếng "dân tộc" thành ra tiếng đầu lưỡi hàng tôm, hàng cá rồi khéo cũng không tha! 

                    Quốc gia với dân tộc chỉ là một "khái niệm", một tên gọi rỗng không, nếu không sung thực cho nó một cái thực thể ở bên trong. Cho nên quốc gia hay dân tộc chỉ là hư danh, cái sinh mệnh thực thể của giống nòi và toàn dân hướng theo một lý tưởng và chính nghĩa mới là đúng thực. 

                    Bản thể với mục đích của nó như thế mà thủ đoạn để đạt tới những yêu cầu đúng đắn của nó cũng phải như thế.

                    Phải nhận thức sâu sắc bằng xung động và lý tính thực tiễn của đời sống lịch sử, thế giới và quốc dân trên nền tảng và điều kiện của hiện thực, suy xét suốt hết muôn đầu nghìn mối, vạch một vạch sống cho dân chúng với đường đi chính trị và lịch sử của quốc dân với dân tộc, chỉ có thế (nói ít cho dễ đi như thế) mới có được một chính kiến xác đáng. Thắng Nghĩa vì hơn mọi chính kiến, có như thế mới gọi là Thắng Nghĩa.


           


          X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
           Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
          xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
          ngày 7 tháng 10 năm 1969 ( Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt )

          <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.04.2008 14:46:06 bởi Ngọc Lý >
          #35
            Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 35 trên tổng số 35 bài trong đề mục
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9