(URL) SUY TƯ VÀ ƯỚC VỌNG
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 60 bài trong đề mục
LXMai 14.11.2006 22:55:33 (permalink)


Suy Ngẫm Với 50 Năm Nhân Quyền



Tôi lẩn thẩn thử lật qua mấy cuốn tự điển bách khoa nước ngoài có trong giá sách riêng, sách Mỹ của Webster, sách Nga của Prokhorov vv... không tìm được một định nghĩa về nhân quyền. Riêng cuốn "Từ điển tiếng Việt" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội của Việt Nam ấn hành thì dám mạnh dạn giải thích : "nhân quyền : những quyền lợi căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại... " Lẽ ra, vấn đề là đơn giản nhất, minh bạch và có thể khúc chiết một cách đơn giản đến vậy. Bởi vì, như chân lý,"nhân quyền là nền tảng cho sự hiện hữu và đồng tồn của nhân loại"(1),"là trọng tâm của tất cả những gì mà Liên Hiệp Quốc đang ước vọng đạt được trong hòa bình và phát triển"(1).

Ðã vừa tròn nửa thế kỷ từ cái buổi bản tuyên ngôn chung đầu tiên của toàn nhân loại "Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền", được Liên Hiệp Quốc chính thức công bố tại điện Chaillot uy nghi, giữa thủ đô Paris tráng lệ của nước Cộng hòa Pháp. Qua 50 năm, Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền đã thấm nhiễm vào hiến pháp của nhiều nước đến mức ngôn từ của nó đôi khi được lặp lại y nguyên trong các văn bản ấy. Từ chỗ có những nhà lãnh đạo quốc gia còn cho rằng ngay cả Liên Xô, Trung Quốc cũng chỉ giả vờ ủng hộ nhân quyền cốt để tranh thủ viện trợ của Mỹ và đối phó với sự chống đối của những người cộng sản, đến chỗ ngày nay tính toàn cầu của nó có thể "dựa trên nền tảng sự chấp thuận chính thức của 185 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc"(1).

Nhiều chương trình hành động đã được Liên Hiệp Quốc quan tâm tổ chức xây dựng, trong đó chương trình lớn nhất với 100 điểm cụ thể ghi trong "Tuyên Ngôn Vienna và Chương Trình Hành Ðộng" đã được đại diện 171 nước tham gia hội nghị nhất trí thông qua và công bố ngày 25 tháng 6 năm 1993. Một hệ thống đồ sộ các công cụ pháp lý chứa đựng trong hơn 70 văn bản quốc tế về nhân quyền cũng đã lần lượt được ban hành để tạo điều kiện thực thi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhằm bảo vệ hữu hiệu quyền con người.

Vậy mà đâu đó người ta vẫn ra sức ngụy biện quanh co để chối bỏ ở mức độ này hay mức độ khác, dưới hình thức này hay hình thức khác, những khát vọng ngàn đời thiêng liêng đó của nhân loại. Nếu trước đây ở toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhân quyền cũng như chủ nghĩa nhân văn, đều bị coi là những biểu hiện của tư tưởng tư sản phản động thì ngày nay tinh tế hơn, người ta bám chặt và thổi phồng hết cỡ tính đặc thù, thậm chí dị biệt của nhân quyền. Họ thích thú tô vẽ và lợi dụng triệt để cái gọi là những giá trị châu Á mà nội dung cơ bản là tính an phận, sự cam chịu và rất kiêng dè sự oán trách của người dân (tại bang vô oán, tại gia vô oán) ; là tinh thần coi nhẹ cá nhân, sẵn sàng quên mình cho nhân quần, xã hội mà biểu hiện khốn khổ là đức xả thân vì một triều chính, một đấng thiên tử (thành liền mong tiến bệ rồng) ; là sự phụng mệnh mù quáng, vô điều kiện (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi : Có thể làm cho dân theo con đường của ta, không thể làm cho họ biết đó là cái gì).

Bản tuyên ngôn gồm tới 30 điều khẳng định các quyền tự do bình đẳng của con người, bảo vệ công cuộc đấu tranh vì phẩm giá con người, nhưng họ chỉ muốn đánh lạc hướng bằng cách tập trú vào điều 29, nhấn mạnh bổn phận của con người đối với cái mà họ gọi là cộng đồng. Họ chủ trương làm con đà điểu rúc đầu xuống cát để như là không hề nghe thấy lời hiệu triệu thiết tha trong bài diễn văn vang động của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đọc tại Ðại học tổng hợp Teheran ngày 10 tháng 12 năm 1997 : "Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người". Họ tuồng như không đếm xỉa đến những quy ước quốc tế này : "Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ quát, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau... các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản"(2).

Chỗ này người ta mơ hồ khẳng định : "Ðối với bất kỳ một nước đang phát triển nào, vấn đề phát triển kinh tế là quyền con người quan trọng nhất"(3) ; chỗ kia người ta tuyên bố điều kiện tiên quyết, tối thượng và quán xuyến toàn bộ của nhân quyền chỉ là chủ quyền (cho nên Hiến Pháp nước ta mới gói gọn quyền con người của Việt nam vào quyền công dân!).

Vâng, độc lập dân tộc là một trong những quyền quan trọng bậc nhất đối với con người. Nhưng, nó không phải là quyền quyết định tất cả....

... Có người khi khảo luận bản Tuyên ngôn Ðộc lập nước ta đã nêu lên : "cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã gắn liền hai khái niệm quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người lại với nhau"(4). Thiết tưởng chỉ cần đọc lại lời dự cảm trên kia cũng thấy dẫu đã từng có thật ý tưởng "gắn liền hai khái niệm quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người lại với nhau" thì chắc chắn cũng không thể nào đồng nhất hay nhất thể hóa hai phạm trù ấy được. Cũng không hề có chuyện "gắn liền" "độc lập của dân tộc" với "tự do của con người", "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phất cao ngọn cờ bảo vệ nhân quyền chân chính, vì các quyền dân tộc cơ bản của con người, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội"(4). (Xin lưu ý: trong Tuyên ngôn độc lập mồng 2 tháng 9, không hề có một chữ nào đả động đến Mác-Lênin hay Chủ nghĩa xã hội). Trên báo chí nước ta nhân dịp này thấy xuất hiện một thuật ngữ mới mẻ : "nhân quyền chân chính".

Không biết rồi đây có ai định nghĩa nổi cái thuật ngữ này không. Bởi vì, nếu có thì chỉ riêng định nghĩa đó cũng xứng đáng được trao học vị trên tiến sĩ và... có thể nhận được giải thưởng Nobel. Nhưng, e rằng đây cũng chỉ là sự đóng góp tích cực để làm phong phú thêm cái kho tàng giảo ngữ có riêng ở những nước như nước ta. Nó cũng giống các cụm từ siêu bí ẩn : "cạnh tranh lành mạnh", "tài sản xã hội chủ nghĩa", "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" vv... Chương trình hành động Vienna 1993 gồm tới 100 điểm đã được xây dựng trên cơ sở quan hệ ba chiều giữa luật pháp, cơ chế thực hiện và thông tin, giáo dục, hơn 70 văn bản quốc tế đã bổ sung và chi tiết hóa cho Tuyên ngôn Nhân quyền 1948. Cứ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc đi, đừng trí trá thì mặc nhiên sẽ có nhân quyền chân chính.

Không khéo rồi đây người ta sẽ còn sáng tác ra một khái niệm nữa : "nhân quyền xã hội chủ nghĩa" (dám lắm, bởi vì đã có khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa - gấp triệu lần dân chủ thông thường rồi !) để làm mạnh thêm vũ khí chống lại cái gọi là chiến lược áp đặt các giá trị nhân quyền phương Tây cho nước này nước nọ.

Thế nào là nhân quyền phương Tây ? Thế nào là can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ? Chẳng nhẽ nhân loại có thể cầm lòng bỏ qua thảm trạng tàn sát hàng trăm, hàng nghìn người trong tay không có vũ khí chính là đồng bào, đồng chí họ ngay giữa quảng trường Thiên An Môn hay sao ? Chẳng nhẽ quốc tế không được lên tiếng phản đối những vụ vô đạo đàn áp bao nhiêu trí thức tiên tiến trong "Nhân Văn Giai Phẩm", trong cái gọi là "Nhóm Xét Lại Chống Ðảng", những phiên tòa quái dị xử phạt nhà báo Nguyễn Hoàng Linh 12 tháng 13 ngày tù giam (thời buổi tin học có khác, hẳn là các nhà chấp pháp của ta sử dụng nhiều máy tính điện tử lắm, hy vọng rồi đây mức độ công minh của các phiên tòa sẽ còn được thể hiện trên các bản án chính xác đến từng phút từng giây) mới đây, hay những phiên tòa đầy ẩn ức đối với Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang v.v... trước đây; những nghị định vi hiến như 31/CP đang cho phép giam lỏng vô tội vạ những nhà văn, những chiến sĩ cách mạng như Bùi Minh Quốc,Tiêu Dao Bảo Cự ... hay sao ? Và, nếu những chí nguyện quân ngoan cường, dũng cảm của chúng ta ào ào xông sang giúp nước láng giềng Campuchia, "dạy cho bọn Khmer Ðỏ một bài học" rồi rút quân về ngay thì liệu quốc tế có lên án gay gắt và cô lập ta đằng đẵng đến thế không ?

Con người có một tệ trạng là hễ có quyền thế mà quyền thế đó không bị kiểm soát, kiểu như trong chế độ toàn trị, thì thường dễ lạm dụng quyền lực để trở thành độc đoán, tàn bạo, đôi khi mất hết nhân tính đến mức hung thần.

Chợt nhớ Lê Anh Xuân, anh bạn đồng môn một thuở của tôi, rời khoa sử trường Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội vào chiến trường Miền Nam, bỗng sững sờ nức nở trước thi hài một em bé : "Sao em chết mà ta còn sống ? Ta đang nghe máu động trong tim". Vậy mà, Mao Trạch Ðông nói với Jawaharlal Nehru: " Bom nguyên tử chẳng có gì đáng sợ. Trung Quốc có nhiều người. Họ không thể dội bom chết hết được. Và nếu người ta dùng bom nguyên tử thì chúng tôi cũng làm được như vậy. Chết mười hay hai mươi triệu người thì có gì đáng phải sợ". (Cái "tư tưởng Mao Trạch Ðông" này thấm nhiễm vào bọn Khmer Ðỏ sâu sắc đến mức xui chúng cầm cuốc đập vỡ sọ hàng triệu đồng bào mình mà chẳng có gì phải động lòng, miễn là xây dựng được chủ nghĩa cộng sản ở Campuchia !). Thế mà có chính trị gia nổi tiếng như ngài Lý Quang Diệu lại cao giọng tuyên truyền : "Tôi cho rằng tiêu chuẩn của nhân quyền khác với việc lấy dân chủ làm hình thức chính quyền"(5), rằng : " Chính phủ tốt quan trọng hơn dân chủ, nhân quyền"(5). Sao lại nói ngược vậy ?! Một chính quyền không được hình thành theo thiết chế dân chủ (kiểu như chính quyền quân sự thoán đoạt ở Mianmar hiện nay) thì tức là đã vi phạm nghiêm trọng một trong những tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 : " Ý chí của nhân dân là nền tảng quyền uy của các quyền lực công cộng, ý chí đó phải đựơc thể hiện bằng các cuộc bầu cử trung thực được tổ chức đều kỳ, theo chế độ bỏ phiếu phổ thông bình đẳng..." (Ðiều 21). Một chính phủ tốt dứt khoát phải là một chính phủ bảo đảm thực thi tối đa dân chủ, nhân quyền. Nói cách khác, phải căn cứ vào thái độ đối với vấn đề nhân quyền toàn cầu và việc tổ chức xã hội để quảng đại nhân dân nước mình được hưởng các quyền con người ngày càng cao mà đánh giá một chính phủ. Không có chính phủ nào được xem là quan trọng hơn dân chủ và nhân quyền. Không được xem chính phủ nào là quan trọng hơn dân chủ và nhân quyền cả!

Ðóng cửa lại thì bất cứ ông bố nào cũng có thể quát lớn : "Tao là người chủ gia đình tài giỏi, đức độ nhất". Càng nát rượu mắt càng trợn trừng, quát càng to hơn và vợ con càng không dám ho he. Ðóng cửa lại thì chính phủ nào cũng mặc sức đổ tiền, đổ của tạo ra những bộ máy tuyên truyền khổng lồ, giáo huấn để nhồi nhét vào đầu óc, ruột gan người dân hàng đống mỹ từ tô vẽ cho được cái khẩu ngữ ưu việt của chế độ do họ nặn ra. Những đầu óc thông thái không cam tâm chịu lĩnh hội thì đã có gươm kề cổ, súng kề tai uy hiếp. Chẳng thế mà, bạo ngược như Saddam Hussein, đang tâm tàn sát dã man cả anh em họ hàng, đày đọa một đất nước đang từ giàu có với mức thu nhập bình quân đầu người ở hàng cao trên thế giới vào lầm than, cơ cực ; kinh dị như Fidel Castro, dìm cả quốc đảo Cuba xinh tươi, đầy khí thế (khi bắt đầu gia nhập làm thành viên thứ 12 của phe xã hội chủ nghĩa, Cuba có đời sống xã hội đứng tầm trên trong các nước anh em, La Havana là thành phố nổi tiếng hoa lệ trên thế giới) vào cảnh tiêu điều, khốn khó. Vậy mà nhân dân vẫn bị cưỡng bức phục tùng, mê hoặc cúi đầu tôn thờ bọn họ !

Làm sao nhân loại đang tâm ngoảnh mặt làm ngơ cho được ? Màu da dù khác nhau thì vẫn chung sắc máu chứ. Cho nên khi nghe Baghdad bị tên lửa Anh-Mỹ tấn công, khi quá nao lòng trước lệnh cấm vận lê thê đối với Cuba, người ta càng thương những phụ nữ trẻ em ở các nước này bao nhiêu thì càng căm ghét, khinh bỉ những kẻ cầm quyền độc tài tham quyền cố vị bấy nhiêu.

Hãy cùng nhớ lại, ngay từ thế kỷ 13, Sadi - nhà thơ lớn vùng Ba Tư - đã tha thiết nhắn nhủ : "Khi thế giới làm một kẻ đau khổ thì những kẻ khác cũng không yên. Những ai bàng quan trước đau khổ của kẻ khác đều không đáng được gọi là người"!

Nhân dân thế giới chớ nản lòng trước những lời lăng mạ đê hèn của các chính phủ hủ bại chủ trương bưng bít để thả sức tự do áp bức đồng bào mình và vì thế luôn sẵn sàng lu loa dựng chuyện tố cáo nguy cơ "can thiệp vào công việc nội bộ" dưới chiêu bài giương cao ngọn cờ chủ quyền dân tộc.

Thật ra nhân loại đã cảnh giác trước những trò tháu cáy này từ lâu rồi. Bởi thế một trong những yêu cầu bức bách của sự ra đời bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 đã được ghi ngay trong lời mở đầu là để ngăn ngừa "tệ hủ bại của các chính phủ". Trước đó, Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ 1776 cũng đã đề cập : "... khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên (về nhân quyền) thì nhân dân có quyền thay đổi, hay phế bỏ chính phủ đó..." và "... khi một loạt dài các hành vi lạm quyền và cướp đoạt quyền lực cùng theo đuổi một mục tiêu nhằm cưỡng bách mọi người sống dưới một chế độ chuyên chế tuyệt đối, thì lúc đó mọi người có quyền và có bổn phận phải phế bỏ một chính phủ như vậy và đưa lên những người bảo vệ mới cho an ninh tương lai của mình".

Ông Butros Butros Ghali khi đang trong cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong bài diễn văn đọc trước Hội Nghị Nhân Quyền Vienna 1993 cũng từng kêu goi : "Mỗi quốc gia phải là người đảm bảo tốt nhất cho các quyền con người...", "vấn đề hành động quốc tế cần phải được đặt ra khi các quốc gia tỏ ra không phù hợp với nhiệm vụ này, khi họ vi phạm những nguyên tắc cơ bản đã được đề ra trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong bức thư gửi các đại biểu dự Hội Thảo Quốc Gia nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại Hà Nội có những ý hay khi ông khẳng định như một mệnh lệnh : "Bảo vệ và phát triển quyền con người không phải chỉ là một nhiệm vụ lớn hiện nay mà chính là lý tưởng phấn đấu của những người cộng sản". Ông tỏ ra có lý khi ôn lại truyền thống : "... ông cha ta vẫn mong muốn "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo", lúc chiến thắng thì rộng lượng khoan hồng, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, sống hữu nghị, thân ái với các dân tộc khác". Cho nên khi ông viết : "Dân tộc ta... rất sáng tạo trong việc sử dụng pháp luật và các cơ chế tập quán để quản lý nhà nước và xã hội" thì tôi muốn hiểu ông nhận thức được rằng một dân tộc thông minh, tài trí như dân tộc ta, nhất định có đầy đủ khả năng xây dựng các bộ luật công minh, hợp nhân tình thế thái cùng những cơ chế pháp định tương thích bảo đảm thực thi nghiêm túc mọi điều luật của nước nhà, chứ không phải là chủ trương sáng tạo một cách biến hóa trong việc sử dụng pháp luật và các cơ chế, tập quán để quản lý nhà nước và xã hội theo ý đồ của một cá nhân, một tập đoàn nào.

Hãy sáng suốt kiên định, ngoan cường đấu tranh bảo vệ và phát triển nhân quyền, bất chấp mọi uy hiếp, ngăn trở của bất cứ thế lực nào. Và, như phép mầu tất yếu của luật nhân quả, nhân quyền sẽ trở che, nâng cánh ta.

Hà Nội tháng 12 năm 1998
Nguyễn Thanh Giang


--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:
(1) Kofi Annan - "Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Về Nhân Quyền Soi Sáng Tính Ða Nguyên Và Ða Dạng Toàn Cầu", phát biểu tại Ðại học Tổng hợp Teheran, 10-12-1997.
(2) "Tuyên Ngôn Vienna Và Chương Trình Hành Ðộng" - Ðiều 5
(3)Lưu Hoa Thu - Bài phát biểu tại hội nghị Nhân quyền Quốc tế, Vienna 1993.
(4) Ngô Bá Thành - "Tuyên Ngôn Ðộc Lập Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Và Những Ðóng Góp Cho Luật Pháp Quốc Tế Về Quyền Con Người", báo Nhân dân 10-12-1998.
(5) Lý Quang Diệu - "Tuyển Tập Chính Luận", nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.

http://home.tiscali.be/lngu1008/vdntg0.html
#16
    LXMai 15.11.2006 10:18:26 (permalink)

    10. Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nuớc


    Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nuớc


    Hẹn....
    #17
      LXMai 15.11.2006 10:26:58 (permalink)

      11. Thử bàn về giai cấp công nhân Việt Nam


      Thử bàn về giai cấp công nhân Việt Nam


      Ðọc lại Luận cương Chính trị của đảng Cộng sản Ðông Dương năm 1930 ta gặp những dòng này: "Trong lúc đầu, cuộc cách mạng Ðông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền... Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi, chính phủ công nông đã dựng lên rồi, thì công nghiệp trong nước được phát triển, các tổ chức vô sản sẽ thêm kiên cố, sức mạnh giai cấp tương đương sẽ nặng về phía vô sản. Lúc đó sự tranh đấu sẽ thêm sâu, thêm rộng, làm cho cách mạng tư sản dân quyền tiến lên con đường cách mạng vô sản ". Tuy nhận thức được rằng chỉ đến khi công nghiệp trong nước phát triển thì sức mạnh giai cấp tương đương mới sẽ nặng về phía vô sản, bản Luận cương vẫn khẳng định "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được ". Ðến Ðại hội VIII, khi đã muốn tiến lên hiện đại hóa đất nước trong tình hình thế giới đang bướcvào thời đại văn minh tin học, Báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư Ðỗ Mười đọc ngày 28 tháng 6 năm 1996 vẫn quả quyết "Cần thống nhất nhận thức : Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam" và "Ðiểm xuyên suốt có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với Ðảng ta trong giai đoạn hiện nay là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Ðảng".

      Vậy, giai cấp công nhân là gì ? Giai cấp công nhân Việt Nam có đúng là một thực thể hiện hữu không những đã từng đóng vai trò quyết định đưa cách mạng Việt Nam tiến tới mà đến nay vẫn đang và sẽ còn đầy đủ những tư chất trác việt để bao giờ cũng nhất thiết phải là giai cấp lãnh đạo đối với một dân tộc mà ngay từ 1428 (tức là 502 năm trước khi xuất hiện các nhà lãnh đạo mang danh công nhân), Nguyễn Trãi đã tổng kết qua thực tiễn lịch sử : "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có ".

      Sự hình thành những công nhân Việt Nam

      Giai cấp công nhân Việt Nam hình thành từ bao giờ ? Có đúng là đã có một giai cấp công nhân ở Việt Nam theo định nghĩa của Mác - Lênin không ? Nếu có thì đến nay nó có còn tồn tại không?... Ðây là những câu hỏi lẽ ra phải được bàn thảo nghiêm túc, với tinh thần khoa học khách quan chứ không nên bị uốn lưỡi bởi sức uy hiếp của "lãnh đạo". Căn cứ vào những sử liệu như của Hồng Ðức Thiện Chính, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng ngay từ thời phong kiến ở Việt Nam đã tồn tại các "cố công nhân", họ là những người làm công phục vụ trong các gia đình. Những người làm thuê này còn có loại gọi là "dung nhẫm", "đinh phu" mà Quốc Triều Hình Luật ghi là "đinh phu thợ thuyền" cùng với "dung phu" là những lao động trong hầm mỏ. Thời Lê mạt, năm 1831, mỏ vàng Chiên Ðàn (Quảng Nam) đã được khai thác với khoảng gần 1000 lao động. Năm 1833, mỏ vàng Tiên Kiều (Tuyên Quang) tập trung tới 3122 công nhân. Tính đến đầu đời Tự Ðức, từ Quảng Nam trở ra đã có 124 mỏ được khai thác trong đó có 3 mỏ vàng, 29 mỏ sắt, 14 mỏ bạc, 9 mỏ đồng, 7 mỏ kẽm, 4 mỏ chì, 1 mỏ thiếc... Lao động công nghiệp và thủ công nghiệp từ Lý - Trần trở đi ngày càng tinh xảo. Từ khi Lý Thái Tổ đời đô ra Thăng Long, kinh tế - văn hóa phát triển mạnh mẽ. Nhiều lao động công nghiệp, thủ công nghiệp đã được huy động vào các công việc xây dựng chùa quán, tô tượng, đúc chuông, làm cầu, đóng thuyền... Công nghệ đóng thuyền tàu đi sông đi biển bấy giờ từng đã được các thương nhân Hà Lan, Bồ Ðào Nha... đánh giá cao. Năm 1820, Ðại tá hải quân Hoa Kỳ J. White sang Việt Nam đã nhận xét "Người Việt Nam quả là những nhà đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành những công trình của họ rất mực chính xác".

      Cho đến trước ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn bộ số công nhân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 100.000 người, trong đó có 25.000 làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy và cơ sở kinh doanh của tư bản Pháp và tư bản ngoại quốc. Công nhân ở Nam bộ đông hơn nhưng đã bị phân tán và chuyển hóa khá phức tạp khi chiến tranh xảy ra. Kháng chiến càng diễn ra ác liệt tại Nam bộ thì sự phân tán của đội ngũ công nhân ở đây diễn ra càng mạnh. Tháng 10 năm 1950, chiến dịch biên giới kết thúc thắng lợi, 5 thị xã, 13 thị trấn cùng nhiều vùng đất dọc theo giải biên giới dài 750 km gồm 35 vạn dân được giải phóng, số lượng công nhân trong các vùng do ta kiểm soát tăng lên đến 346.000 người, trong đó, chủ yếu là thợ thủ công. Càng về những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp số lượng công nhân thủ côngnghiệp càng tăng hơn. Tỷ trọng công nhân công nghiệp (công nghiệp quốc phòng và công nhân kinh tế quốc doanh) rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10%.

      Trong tiến trình lịch sử ấy giai cấp công nhân Việt Nam được hình thành vào lúc nào?

      Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng "Dù số lượng chỉ mới là trên dưới 100.000 người hoàn toàn sống vào nghề bán công nuôi miệng, chúng tôi nhận định rằng trước khi đại chiến thế giới 1914 - 1918 bùng nổ, giai cấp vô sản Việt Nam đã thành giai cấp... đó là "giai cấp tự mình", chưa phải " giai cấp cho mình ". Giáo sư Văn Tạo lại cho rằng "Khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước là lúc giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu hình thành "giai cấp tự nó". Người viết bài này phần không đủ trình độ, phần e khiếm nhã nếu dám thẳng thắn tranh luận với các học giả lão thành nhưng chợt nhớ rằng, khi được hỏi : giai cấp vô sản đã ra đời như thế nào, Ănghen trả lời : "Giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sinh ra". Trước Mác và Ănghen, người ta chưa ý niệm về giai cấp vô sản nên thường cho rằng vô sản là những người lười biếng, hèn kém nên nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột trong các công trường thủ công và trong nền công nghiệp đang phát triển, bao gồm cả tầng lớp lưu manh, du thủ du thực. Tuyên ngôn của Ðảng Cộng Sản tái bản năm 1988 đã nói rõ: "Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống".

      Không biết ở Việt Nam cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra bao giờ?

      Có được bao nhiêu công nhân làm thuê hiện đại và họ đã tập họp thành giai cấp như thế nào ?

      Họ có vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân nên buộc phải đi bán sức lao động để kiếm ăn hay hầu hết đều là những người rời bỏ quê hương ruộng đồng để đi tìm cuộc sống khả dĩ hơn ở nơi chốn thị thành ? Sự phân định đội ngũ giai cấp công nhân ở Việt Nam Luận Cương Chính Trị của đảng Cộng sản Ðông Dương đã xác quyết : "Ðảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chính và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Ðông Dương, và lãnh đạo giai cấp vô sản Ðông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản". Trong khi đó, lý luận Mác - Lênin coi lý thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp là hòn đá tảng của mình. Phủ nhận giai cấp và đấu tranh giai cấp tức là làm cho hòn đá tảng kia mủn ra. Vậy thì còn đâu một thực thể ước lệ để người ta thả sức gán ghép cho nó đủ các đặc tính ưu việt, còn đâu cái thiên sứ lãnh đạo bất khả luận của đội tiền phong của nó ! Phải chăng vì vậy mà bằng bất cứ giá nào, bất kể phương sách nào người ta cũng phải ra sức biện bạch cho được rằng đã từng, và sẽ còn tồn tại mãi mãi (chừng nào chưa có chủ nghĩa Cộng sản) một giai cấp công nhân Việt nam không những đích thực mà còn vào loại tiên tiến nhất trong phong trào cách mạng vô sản quốc tế. Ðã nhất định có giai cấp thì phải gán ghép cho được những con người (dù chỉ rất ước lệ) vào đó cho nó có vẻ có thật chứ ! Thế là hàng loạt định nghĩa được sáng tạo ra để đối với người này thì nó làm lóa mắt, với người nọ làm ngỡ ngàng, với người kia, đành ngậm cười lặng lẽ.

      Như đã đề cập ở trên, Mác và Ănghen bao giờ cũng quan niệm giai cấp công nhân là những người lao động công nghiệp, là con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp ; giai cấp công nhân ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp. Lênin cũng nói "Công nhân là những người lao động công nghiệp, làm việc trong nền đại công nghiệp". Rạch ròi hơn, ông còn nhấn mạnh "được coi là công nhân người nào trước đây đã là công nhân làm thuê bình thường trong nền đại công nghiệp ít ra là 10 năm và hiện nay đang làm việc trong đại công nghiệp từ 2 đến 3 năm" .

      Ở Việt Nam có bao nhiêu công nhân đạt tiêu chuẩn ấy ? Cho đến 1896, Toàn quyền Paul Doumer - một nhà kinh tế - chính trị - mới được chính phủ Pháp cử sang Ðông Dương triển khai kế hoạch khai thác thuộc địa. Số lao động được sử dụng để xây cầu Long Biên (1902), cầu Sông Hương (1900), mở tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn (1902), Ðà Nẵng - Huế (1906), Sài Gòn - Nha Trang và Hải Phòng- Vân Nam (1910), ... ước tới hàng chục vạn người. Phần lớn là nông dân bị trưng tập hay bắt phu theo thời vụ. Trong số 3500 lao động làm đường xe lửa chỉ có khoảng 100 thợ nề chuyên nghiệp. Ðến năm 1906, cả nước có khoảng 90 nhà máy. Nam kỳ có các xưởng sửa chữa ôtô, làm xà phòng, chế biến đồ hộp, đóng tàu, xay sát gạo, nhà in... Bắc kỳ có các nhà máy rượu, nhà máy điện, nhà máy dệt, nhà máy xi măng, nhà máy giấy, nhà máy thuộc da... Năm 1929, toàn cõi Ðông Dương, mà chủ yếu là ở Việt Nam, có 220.000 công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản thực dân Pháp (53.000 công nhân mỏ, 86.000 công nhân công thương nghiệp, 81.000 công nhân đồn điền). Trong số này, đa số là công nhân áo nâu, tức là lao động tạp dịch đơn giản, lao động thủ công, văn hóa hết sức thấp, phần đông mù chữ. Công nhân áo xanh, tức công nhân kỹ thuật rất hiếm. Ðộ tập trung công nhân đã thấp lại luôn luôn bị phá vỡ do số công nhân lao khổ bị chết nhiều : một số mãn hạn được về quê, số khác bỏ trốn nên luôn phải bổ sung người mới. Riêng năm 1929 có 4.302 công nhân phá giao kèo, bỏ trốn, 6.907 người được mãn hạn. Số lượng công nhân ít ỏi, sống và làm việc phân tán rải rác, chất lượng lại kém nên người ta đã phải bàn đến chuyện ghép cả các công chức và giáo viên vào hàng ngũ công nhân, cho nên Giáo sư Trần Văn Giàu đành đưa ra ý kiến "Trong số những đảng viên Cộng sản đầu tiên có hàng trăm giáo viên, thì khi bàn đến giai cấp công nhân ta không nên quên giáo viên". (?!)

      Hiện nay ta có khoảng 5.690.000 lao động làm công ăn lương. Trong đó chỉ có 1.760.000 lao động trong khu vực quốc doanh, chưa bằng một nửa so với con số 3.640.000 lao động trong khu vực ngoài quốc doanh, 290.000 người Việt Nam lao động ở nước ngoài (200.000 đã về nước). Số công nhân lao động trong các ngành công nghiệp nặng rất không đáng kể. Bước vào thập kỷ 80, và đặc biệt những năm gần đây số công nhân trong khu vực quốc doanh giảm rất nhanh. Ðã vậy độ bất đồng nhất và sự phân hóa trong hàng ngũ công nhân Việt Nam ngày nay lại diễn ra hết sức dữ dội. Trong khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể có bộ phận công nhân thuộc các xí nghiệp, nhà máy, công ty... hoặc toàn bộ thuộc về nhà nước ta, hoặc có một số bộ phận liên doanh liên kết với nước ngoài. Trong các đơn vị kinh tế quốc doanh có bộ phận công nhân không có cổ phần, có bộ phận công nhân có cổ phần. Trong những công nhân đóng cổ phần lại có người có cổ phần lớn, người có cổ phần nhỏ...

      Ngoài bộ phận công nhân khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, công tư hợp doanh, hiện nay còn rất nhiều bộ phận công nhân khác : công nhân làm thuê trong các xí nghiệp tư bản tư nhân, công nhân làm thuê ở nước ngoài, công nhân trong các xí nghiệp của tư bản tư nhân nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, công nhân trong các tổ hợp, hợp tác xã cơ khí cao cấp tiểu công nghiệp vv... Trong nhiều doanh nghiệp, cùng làm việc với các công nhân sinh trưởng và đào tạo trong chế độ của ta là những công nhân đã được đào tạo và làm việc trong các chính quyền đối địch. Một bộ phận không nhỏ rời bỏ quốc doanh ra làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì muốn có được thu nhập cao hơn. Rất nhiều trường hợp vừa là công nhân lại vừa không phải là công nhân một khi họ phải sống (đôi khi chủ yếu) bằng nghề phụ như buôn bán, phe phẩy(*), làm dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, đan lá...

      Trước trạng thái hoàn toàn bất định ấy làm sao có thể phân định được một thực thể khả dĩ gọi là giai cấp dù mang nội hàm triết học, hay kinh tế, hay xã hội với một tinh thần khoa học nghiêm túc. Thế rồi hàng loạt "sáng kiến" phải được đưa ra : "Cần hay không cần tính vào giai cấp công nhân mấy triệu người làm công ăn lương trong các cơ quan nhà nước và xã hội mà dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đang thực thi vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn xã hội ? "... "Chẳng lẽ trong một đất nước do Ðảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mà những viên chức nhà nước lại không nằm trong giai cấp công nhân !" vv... Trong tình huống ấy Giáo sư Văn Tạo đành biện giải "Cả trí thức, các nhà kỹ thuật cũng như công nhân đều tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm xã hội, đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Họ có địa vị bình đẳng trong hệ thống sản xuất xã hội (cụ thể mọi người đều phải nộp thuế thu nhập, được tính theo mức thu nhập), ... Trừ một số ít nhà tư bản (với số vốn và số công nhân thuê mướn được nhà nước xác định là tư sản), còn tất cả những trí thức, lao động chân tay, trí óc trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ đều có thể được coi là ở trong giai cấp công nhân hiện đại ". (Thú thật, đọc những dòng này, tôi bỗng trào nước mắt. Tôi không thể nào tin một người lao động trí óc, đã từng miệt mài nghiên cứu lâu năm lại thực lòng suy nghĩ như thế ! Vậy thì, vì sao ? Vì sao hỡi trí thức Việt Nam ! )

      Giáo sư Văn Tạo đã nói thế thì Phó Tiến sĩ Bùi Ðình Bôn cũng đành phụ họa "Như vậy, một bộ phận trí thức (gắn liền trực tiếp với lao động công nghiệp, với quy trình sản xuất công nghiệp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội) nằm trong nội hàm "giai cấp công nhân". Còn các nhà khoa học, các tầng lớp khác của tầng lớp trí thức như các ngành khoa học xã hội nhân văn, trí thức nghiên cứu không có hoạt động lao động sản xuất trực tiếp theo quy trình công nghệ thì không thể gọi là công nhân". Những gì được xem là sản phẩm xã hội và những ai được xem là tham gia vào quá trình sản xuất ra các sản phẩm đó ? Người thiết kế ra cái đầu máy hay người chỉ biết vặn bù loong ? Người viết ra bản cương lĩnh chính trị hay người chỉ biết xén giấy để in ra nó ? Trong một gia đình, người ông là một giáo sư - tiến sĩ xã hội học đã có nhiều công trình lý luận đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng, người con trai là một nghệ sĩ ưu tú, người dâu là một kỹ sư chế tạo máy, người cháu chẳng may bị bạn bè rủ rê lêu lổng, đành đi làm thợ cán thép ; mỗi ngày ngồi quanh chiếc bàn ăn có hai giai cấp cùng cầm đũa. Người ông và người bố thuộc giai cấp đồng minh (hoặc giai cấp bị lãnh đạo). Trong hai người còn lại thì đứa cháu "khả úy" kia lại là đại diện hàng đầu trong giai cấp lãnh đạo (!).

      Hẳn là, không hề đã từng có một giai cấp công nhân như định nghĩa của Mác - Lênin ở Việt Nam. Ngày xưa đã không hề có, ngày nay cũng không thể có. Trong tương lai, khi mà các nền "kinh tế tốc độ" sẽ thay thế các nền "kinh tế quy mô" ; khi mà phương thức sản xuất hàng loạt mà ta có thể coi gần như dấu hiệu định nghĩa đặc trưng cho xã hội công nghiệp trở thành hình thức lỗi thời và nền sản xuất phi hàng loạt hóa tức là sản xuất những lô hàng với sản phẩm theo yêu cầu của rất ít khách mua với khối lượng nhỏ trong những đợt ngắn đòi hỏi phát sinh một thứ lao động mà tính chất thay thế lẫn nhau ngày càng tăng thì cái khái niệm giai cấp ấy càng không còn nữa. Chính Mác đã từng dự báo: "Sự tồn tại của giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất". Vả lại, những cách phân định gán ghép nêu trên chẳng qua là đã cố tình làm ngơ một trong những nguyên lý : Ðiều có ý nghĩa quyết định đối với việc phân định giai cấp là mối quan hệ của các tập đoàn người đối với tư liệu sản xuất ; cũng của chính CácMác.

      Vấn đề trí thức hóa công nhân Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam không những cứ phải đi đường vòng mà còn ngoặn ngoẹo đầy những khổ đau, bi hài và cay đắng. Trớ trêu sao, con người Việt Nam suốt những thập kỷ gần đây cứ luôn luôn bị dồn dập vật vờ. Hôm xưa, người ta bắt trí thức phải công nhân hóa, vô sản hóa. Thế là một số người trót được dùi mài đôi chút kinh sử đành buộc lòng ra sức phủi bỏ cái quá trình học vấn của mình để được là vô sản. Cụ NguyễnVăn Cừ đi vô sản hóa ở mỏ Vàng Danh, các cụ Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Lương đi vô sản hóa ở hãng rượu Bình Tây, hãng dầu Nhà Bè. Cụ Nguyễn Lương Bằng đã là thủy thủ rồi mà còn phải tình nguyện đi làm phu kéo xe tay cho nó thật là vô sản hạ đẳng hơn vv... ( Nghĩ mà cảm phục, mà yêu thương cái đức xả thân mãnh liệt, cái hoài vọng thiêng liêng của các cụ quá. Chắc chắn các cụ lúc bây giờ không thể nào hình dung ra những hậu quả tạo nên thực trạng Việt Nam ngày nay). Phong trào công nhân hóa còn phát huy ảnh hưởng tích cực cho đến rất lâu sau này khi người ta buộc những bác sĩ giải phẫu nổi tiếng nhất cũng phải đi tập cày tập cuốc, những nghệ sĩ vĩ cầm điêu luyện mà không tham gia lao động chân tay thực sự thì cũng là đồ bỏ đi vv...

      Như là sự tôn trọng luật đối xứng, như là đã đổ dấm chua rồi thì phải đốt tiếp lửa nồng ; hôm xưa đã công nhân hóa trí thức, hôm nay lại trí thức hóa công nhân. Hiềm một nỗi người ta hiểu và chủ trương trí thức hóa công nhân tức là không những phải làm cho công nhân trở thành kỹ sư (tương xứng vậy, ắt là hộ lý thì thành bác sỹ... ), mà còn phải thành thạc sỹ, tiến sĩ vv... Nhiều người sợ hãi rằng không biết rồi đây khi được giao nhiệm vụ thống kê trong nghiên cứu xã hội học mà với một tinh thần trung thực, tự trọng, với lương tâm của người làm khoa học nghiêm túc thì biết đưa những dữ liệu nào ? những tham số nào ? dùng thuật toán nào ? sử dụng loại máy điện toán cỡ nào, để xác định cho được kỹ sư nào là kỹ sư trí thức ? tiến sĩ nào, bác sỹ nào là tiến sĩ - công nhân, bác sĩ - công nhân ? Trong khi mà tại một tỉnh như tỉnh Bình Dương số lao động kỹ thuật chỉ chiếm 5 phần vạn dân số và ngay tại một thà nh phố phát triển công nghiệp nhất nhì trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh thì trong số 11.000 lao động đang làm việc tại các khu chế xuất cũng chỉ có 10% là cán bộ kỹ thuật ; trong khi mà số công nhân bậc 7 và thợ lành nghề còn ít hơn phó tiến sĩ, công nhân bậc 6 ít hơn kỹ sư (Theo số l iệu điều tra của Tổng Liên Ðoàn Lao động Việt Nam, công nhân bậc thợ 7/7 chỉ có 2, 8%, bậc thợ 5/7 chỉ có 22, 2%, bậc 4/7 3D 33, 2%, bậc 3/7 3D 21, 8%, bậc 1/7 và 2/7 3D 6. 7%); trong khi mà 89% lao động chưa được đào tạo tay nghề, thì, chỉ vì chủ trương trí thức hóa công nhân một cách quái đản mà từ 1986 đến 1996 số trường dạy nghề giảm 41%, số tuyển sinh học nghề chính quy giảm 35%, số giáo viên dạy nghề giảm 31%. Tính ra, số người học nghề trong 20 năm đã giảm xuống 75%. Vì thế cho nên mới có tình trạng 15 khu công nghiệp ở Ðồng Nai cần tuyển 30.000 lao động có tay nghề, toàn tỉnh còn đến hơn 100.000 lao động thất nghiệp nhưng chỉ tuyển được dăm ngàn người đạt yêu cầu. Bảy khu công nghiệp ở Bình Dương có nhu cầu tuyển 15.000 - 17.000 công nhân nhưng lao động địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 1/ 3. Ngộ nghĩnh đến mức trong khi khu công nghiệp Dung Quất (nếu được thiết lập thật, gần đúng như chủ trương đã đưa ra) cũng chỉ cần chừng 150 kỹ sư thì tỉnh Quảng Nam ký hợp đồng với trường Ðại học Mỏ - Ðịa chất đào tạo cấp tốc 450 kỹ sư chứ không chú tâm gì tới nhu cầu hàng ngàn công nhân chuyên ngành hầu như chưa có !

      Khi tình hình đã trở nên quá bức xúc, Nghị quyết 2 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII mới khẩn cấp định ra chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2000 phải có từ 22 đến 25% lao động xã hội qua đào tạo. Con số chỉ tiêu này quả là "vĩ đại" nếu ta nhẩm lại rằng đường lối xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh đã được ban bố qua bao nhiêu thập kỷ rồi mà cho đến nay con số khởi điểm để tiến tới chỉ tiêu kia mới là 11%. Xin được lưu ý rằng, thời gian còn lại chỉ không đầy 2 năm nữa. Phải chăng đây là một phần hệ quả của nhận thức : "giá nhân công tương đối rẻ là một lợi thế quan trọng để phát triển", đã được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII mà người viết bài này từng có dịp bày tỏ nổi băn khoăn trong tiểu luận "Mấy suy nghĩ nhỏ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" cách đây ít năm. Trí thức là quý giá, là đáng tôn trọng và càng vô cùng cần thiết đối với một xã hội như xã hội ta hiện nay, nhưng đâu phải cứ có học vị nọ, học hàm kia thì đã là trí thức. Vả chăng công nhân, đặc biệt là công nhân có đạo đức, có lương tâm, có tay nghề cao thì quý, còn cần thiết và thực sự có ích hơn cả nhiều người có học hàm nọ, học vị kia chứ. (...) (Ở đây tôi đã xóa bớt một mệnh đề : "huống chi còn có cả những "giáo sư rởm", những "tiến sĩ hữu nghị", những phó tiến sĩ do "bầy tôi" viết hộ luận án ...". Bởi vì các loại này chẳng những không thể đem sánh với công nhân được mà nhiều khi còn là tội nợ của nhân dân khi bọn họ được lợi dụng làm các con bài dâng những ý kiến "quân sư quạt mo" để góp phần tàn phá đất nước một cách thật đau lòng).

      Các cụ ngày xưa đã nói "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Ðấy không phải chỉ là sự tổng kết từ thực tiễn mà còn là sự định hướng ít ra vẫn còn đúng đối với thực trạng phát triển công nghiệp của ta hiện nay. Ở Nhật, đại đa số xí nghiệp, nhất là những xí nghiệp lớn, đều trả lương và đề bạt các chức danh theo thâm niên. Chế độ này dựa trên quan niệm trả công xứng đáng với trình độ lành nghề đã được tích lũy lại qua kinh nghiệm. Ở ta sao không có các chế độ chính sách bảo đảm hậu đãi xứng đáng những công nhân tay nghề cao ? Nhữngcông nhân giỏi, quý hiếm phải được trả lương, được trọng vọng, được hưởng các tiêu chuẩn đãi ngộ không kém gì các tiến sĩ, giáo sư thực thụ.

      Hãy chăm chút cho toàn bộ cơ thể phát triển hài hòa, trong đó, mỗi bộ phận ngày càng hoàn thiện hơn. Ðừng nghĩ chuyện cắt cái đầu lắp vào cánh tay mà cũng chớ tính chuyện gắn hai cánh tay vào cái đầu. Kỹ sư, tiến sĩ rất cần nhưng chỉ riêng họ thì chẳng làm ra được cái gì. Hãy tạo đầy đủ cơ chế, chính sách cho những ai có sở trường sở đoản, có thiên chức công nhân cứ phấn đấu để làm một công nhân xứng đáng cùng với vinh quang mà họ phải được thụ hưởng trong cuộc đời.

      Chăm sóc thích đáng lực lượng lao động xã hội

      Khi đọc phần nói về giai cấp công nhân trong bản Nghị quyết 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII : "Giai cấp công nhân thông qua Ðảng tiền phong của mình đã lãnh đạo cách mạng nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua, ngày nay lại đang đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng trong quá trình chuyển sang cơ chế mới đã có nhiều biểu hiện coi nhẹ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân... Chưa chú trọng bồi dưỡng ý thức giai cấp, trình độ kiến thức và tay nghề, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp... cho công nhân. Chưa làm tốt việc chăm lo lợi ích tạo ra động lực trực tiếp kích thích công nhân sáng tạo..." ; tôi đã phát biểu trong một tiểu luận của mình : "Vì sao giai cấp công nhân đã đang đi đầu trong sự nghiệp vĩ đại của dân tộc mà lại bị coi nhẹ? Ai đi ở đâu, ai đứng ở đâu mà coi nhẹ ? Một giai cấp còn thiếu rất nhiều tư chất : thiếu ý thức giai cấp, thiếu trình độ kiến thức và tay nghề, thiếu lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp... thì làm sao lãnh đạo nền công nghiệp hiện đại được ? Một giai cấp lãnh đạo thì phải làm được sứ mệnh chăm lo lợi ích tạo ra động lực trực tiếp kích thích lao động sáng tạo cho toàn xã hội, chứ sao lại bắt xã hội làm việc đó cho mình ? "

      Ðặt vấn đề đã ngược như vậy, biện pháp giải quyết nêu ra cũng chẳng thuận khi Nghị quyết ghi : "Xây dựng giai cấp công nhân phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, vững vàng về chính trị, tư tưởng...".

      Tạm thời bỏ qua điều khó hiểu rằng vì sao người ta từng khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ giai cấp "tự mình" thành giai cấp "cho mình" từ khoảng trước 1930 mà nay vẫn còn phải xây dựng ở Việt Nam một giai cấp công nhân giác ngộ về giai cấp ? điều cần bàn hơn là tại sao lại đặt vấn đề "xây dựng giai cấp công nhân phát triển về số lượng" ? Giai cấp công nhân là sản phẩm sinh ra từ cuộc cách mạng công nghiệp. Nó chỉ có thể phát triển về số lượng tùy thuộc vào nhu cầu của sức phát triển của nền kinh tế công nghiệp. Ðặt vấn đề phát triển công nhân về số lượng theo sự lãnh đạo của Nghị quyết một cách duy ý chí e sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp trong tổng thể hoặc cục bộ từng ngành. Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng 100.000 công nhân lao động ở các doanh nghiệp nhà nước của trung ương và địa phương phải nghỉ việc đã 4 năm nay. Riêng các doanh nghiệp của Hà Nội có 1.400 công nhân không được làm việc trọn tháng, trọn tuần. Tại Thành phố Hồ Chí Minh riêng hai tháng cuối 1997 có 5.000 công nhân mất việc làm.

      Từ 1954 đến 1975 không thấy chính quyền ở miền Nam đặt vấn đề xây dựng giai cấp công nhân nhưng từ giữa những năm 1960 trở đi, Sài Gòn trước 1954 chỉ là một trung tâm thương mại và tài chính đã nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn với 20.000 nhà tư sản (tăng 10 lần so với số tư sản ở miền Bắc 1954). Trong đó có những ông "vua sắt thép" tham gia kinh doanh ở 11 ngành, có mặt ở 23 cơ sở sản xuất kinh doanh khắp miền Nam... . Nhờ đó, số lượng và chất lượng công nhân tăng rất nhanh. Năm 1955, toàn bộ số lượng công nhân ở miền Nam mới khoảng 300.000 người, năm 1969 đã tăng lên 670.000; trong đó, công nhân công nghiệp là 170.000. Riêng ở Sài Gòn năm 1958 có 178.600 công nhân, 1960 có 191.030 và năm 1967 đã tăng lên đến 309.000 công nhân. Những năm gần đây ở nước ta xuất hiện một số ngành nghề mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và hợp với trào lưu thời đại như dầu khí, điện tử, tin học, bưu chính viễn thông vv... thì mặc nhiên cũng xuất hiện một đội ngũ lao động trẻ ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Ðội ngũ lao động trẻ có sức khỏe tốt, có trình độ văn hóa này không ngừng say mê rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ học vấn, ngoại ngữ... chắc chắn không phải do tự ý thức về vai trò lãnh đạo giai cấp của mình mà trong điều kiện cạnh tranh hiện nay phải vượt lên hàng đầu để được tuyển dụng và được duy trì công việc tại những chỗ có lương cao, có điều kiện làm việc tốt.

      Ngoài một số ngành nghề đặc biệt, một vài doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, nói chung, đồng lương trả cho công nhân ta rất thấp và cách đối xử nhiều khi quá tồi tệ. Trong khi mỗi giờ lao động giản đơn ở Mỹ cũng được trả công 5 USD, thì lương trung bình của công nhân Việt Nam làm việc suốt gần 200 giờ mỗi tháng chỉ được chừng 20 USD. Rất nhiều công nhân không có nhà ở, 18% gia đình công nhân có diện tích bình quân đầu người từ 2 đến 4 mét vuông. Do trình độ cơ giới hóa, tự động hóa rất thấp, lao động cơ bắp nặng nhọc vẫn là chủ yếu ở hầu hết các ngành sản xuất, có nơi đến 90%. Môi trường nơi công nhân lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ở tất cả các cơ sở sản xuất được kiểm tra, các yếu tố độc hại đều vượt tiêu chuẩn cho phép trên 50%, nhiều nơi 100%. Sức khỏe công nhân, nhất là phụ nữ công nhân không được chăm sóc đúng mức. Có nơi 40% công nhân mắc bệnh bụi phổi silic. Tai nạn lao động không những nhiều mà ngày càng tăng. Riêng khu vực quốc doanh hàng năm có trên 200 người chết thảm thương vì tai nạn lao động. Không phải chỉ ở một vài xí nghiệp ngoài quốc doanh nào đó mà quản lý là những kẻ khát máu tanh lòng nên có khi, chỗ này họ bị các bà chủ ngang nhiên đập giầy cao gót vào mặt, chỗ kia nữ công nhân bị tụt cả quần ra để khám xét chỉ vì xí nghiệp mất một vài thứ chẳng đáng giá là bao; ngay gần Trung ương, tại xí nghiệp gia công giày da xuất khẩu Ðông Anh của Nhà nước, người lao động thường xuyên phải làm việc quá sức từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày. Trong số 2.905 công nhân chỉ có 441 người được xí nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, 2.300 người không được ký hợp đồng lao động. Mỗi tổ sản xuất có từ 50 đến 60 lao động nữ mà chỉ có một thẻ đi vệ sinh !

      Trong tình trạng chung của những công nhân lao động Việt Nam còn quá khổ nghèo túng quẫn như thế thì những vị đại biểu số một trong đội tiền phong của giai cấp này được các nhà tư bản nước ngoài biếu tặng hàng triệu USD! Ở thế kỷ XIX, khi mà thặng dư giá trị do người lao động tạo ra lại bị các nhà tư bản tước đoạt để bóc lột lại họ, Mác đã coi là người vô sản bị tha hóa. Ðó là lần tha hóa thứ nhất. Ngày nay, tuy đã có độc lập, thống nhất nhưng do quản lý kém, do tham ô lãng phí quá tồi tệ, đời sống công nhân không được cải thiện, giá trị lao động không được chi trả hợp lý và đúng mức thì coi như công nhân lại bị tha hóa lần thứ hai.

      Chứng kiến những nghịch cảnh này trong thực tế hay qua báo chí tôi đều muốn thét vào mặt bất cứ ai liên đới rằng hãy chấm dứt ngay đi những luận điệu dù là ngô nghê hay lừa dối xảo quyệt. Hãy đừng nhơn nhơn nói những điều nghịch lý trắng trợn mà không biết ngượng miệng. Không hề có và không thể có một giai cấp lãnh đạo mà lại gồm rất nhiều thực thể tàn tệ đến thế.

      Trong tác phẩm "Gia đình thần thánh" xuất bản năm 1845, Mác và Ănghen đã viết: "Giai cấp vô sản đang thi hành bản án mà chế độ tư hữu, trong khi đẻ ra giai cấp vô sản, đã làm ra cho mình, cũng giống như nó đang thi hành bản án mà lao động làm thuê, trong khi sản xuất ra sự giàu có cho kẻ khác và sự khốn cùng cho bản thân, đã làm ra cho mình. Sau khi thắng lợi, giai cấp vô sản dù sao cũng không thể trở thành mặt tuyệt đối của xã hội, vì rằng, chỉ có tự tiêu diệt và tiêu diệt mặt đối lập của mình thì nó mới giành được thắng lợi ". Trong "Ðằng Vương Công" Mạnh Tử cũng nói : "Người lao tâm trị người được, người lao lực bị người trị. Người bị người trị lo nuôi người ; người trị người được nuôi sống ở người. Ðó là thông nghĩa của thiên hạ ". Lời thầy Mạnh Tử chỉ nửa vế đầu có thể xem là "thông nghĩa của thiên hạ" nếu tính theo luật số lớn. Tính tuyệt đối hóa của nửa vế sau dễ bị lợi dụng để duy trì đương nhiên sự thống trị, sự bóc lột của loại lao động này với loại lao động kia. Dẫu sao điều đó cũng không tệ hại bằng sự cố tình ngụy biện để lợi dụng cái gọi là sứ mệnh lịch sử của giai cấp mà ngoi lên nhưng chẳng làm được gì xứng đáng ngoài việc tiếp tục phỉnh phờ họ bằng những mỹ từ "làm chủ tập thể", "giai cấp lãnh đạo" vv...

      Ở Nhật không ai nói tới vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân nhưng người ta đã tạo ra cơ chế công nhân tham gia quản lý và thực hiện nghiêm túc qua 4 hình thức ở 4 cấp như sau :

      1 - Ở nơi làm việc (tổ sản xuất, phân xưởng, phòng ban), công nhân tham gia kiểm soát chất lượng sản xuất, ngăn ngừa những trục trặc trong sản xuất, tổ chức nhóm tự quản và những khóa học ở ngay nơi làm việc.

      2 - Ở cấp xí nghiệp hoặc công ty thường diễn ra việc tham khảo ý kiến giữa lao động và quản lý, thương lượng tập thể, bao gồm cả việc cử đại diện công nhân tham gia vào ban giám đốc...

      3 - Ở cấp ngành công nghiệp, thành lập các hội đồng tư vấn do đại diện của liên hiệp các nghiệp đoàn ngành công nghiệp và đại diện của các tổ chức của giới chủ...

      4 - Ở cấp toàn quốc thành lập các hội đồng tư vấn khác nhau của Chính phủ bao gồm đại diện của Chính phủ, liên hiệp nghiệp đoàn toàn quốc và liên đoàn của các giới chủ...

      Nhờ cơ chế thiết thực đó mà công nhân có điều kiện tham gia thực sự vào việc quản lý, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống bản thân.

      ***

      Bàn về giai cấp công nhân Việt Nam qua bản tiểu luận có thể phần nào ấu trĩ này, tôi vẫn xin mạnh dạn nêu một vài suy nghĩ không thật hợp với những điều đã được nghe, được học trước đây và ai đó có thể trợn mắt quát tháo : nghịch tặc ! Nhưng, tôi nghe Lép Tônxtôi : "Trí thức được coi là trí thức thực sự khi nó là kết quả của sự nỗ lực suy nghĩ chứ không phải là trí nhớ". Sự vật phải được gọi đúng tên, được nghiên cứu để xác định và mô tả đúng bản chất và những biểu hiện của nó thì mới giúp ta hiểu đúng phải làm gì để nó phát triển đúng như ta vì nó và cũng đúng như nó bao hàm ta.

      Hà Nội tháng 9 năm 1998

      Nguyễn Thanh Giang

      Nhà A 13 - P 9 - TTPK Hòa Mục
      Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
      Tel: 8. 586012


      http://www.lmvntd.org/dossier/ntgiang/9809cnha.htm
      #18
        LXMai 15.11.2006 17:45:38 (permalink)
         

        12. Nâng cao hàm lượng trí tuệ trong lao động

         
        Nâng cao hàm lượng trí tuệ trong lao động



        Hẹn.....
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.11.2006 22:49:17 bởi LXMai >
        #19
          LXMai 15.11.2006 18:02:08 (permalink)

          13. Định hướng xã hội chủ nghĩa hay vươn thẳng tới kinh tế tri thức


          13. Định hướng xã hội chủ nghĩa hay vươn thẳng tới kinh tế tri thức



          Năm 1993, trong bức thư gửi Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam đề ngày 20 tháng 11, người viết bài này đã từng nêu một kiến nghị : "Có thể dựa vào tư chất thông minh ở hạng thượng đẳng của dân tộc Việt Nam để xây dựng trực tiếp xã hội hậu công nghiệp thông qua nền công nghệ trí tuệ (intelligent technology), để từ nền văn minh nông nghiệp ảm đạm, bỏ qua nền văn minh công nghiệp náo động, tiến thẳng tới nền văn minh trí tuệ trong sáng...". Vậy mà, bấy nay, đây đó vẫn chỉ thấy bàn đến công nghiệp hóa, đến xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa..., vẫn mạnh tay đổ đi bao nhiêu tiền của, nước mắt, mồ hôi ra sức vực dậy cho được Khu Gang Thép Thái Nguyên đã quá sức lỗi thời, vẫn tua tủa mọc lên những ống khói xi măng lò đứng vấy bẩn lên bầu trời xanh, vẫn khiên cưỡng lắp ghép cơ học nhiều công ty thành tổng công ty một cách duy ý chí, khiến cho các tổng công ty này phải sống vật vờ như không hồn...
          Trong khi đó, những thực tế mới hối thúc sự cảnh tỉnh đang ngày càng hiển hiện. Vào đầu thập kỷ 1980, nước Mỹ công nghiệp bỗng như rơi vào cơn suy thoái nguy hiểm. Những đợt giãn thợ lớn đã khiến hàng trăm ngàn người phải rời khỏi các ngành "công nghiệp ống khói" và rơi vào cảnh nhận trợ cấp thất nghiệp. Cho đến giữa những năm 1990 những trục trặc này mới được vượt qua nhờ số việc làm mới tạo ra từ các ngành thông tin và dịch vụ. Số việc làm ở các ngành này đến nay đã chiếm quá nửa trong tống số, giúp cho tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ hiện chỉ dưới 5%. Trong số 12 công ty lớn nhất của Mỹ tính đến năm 1990, chỉ riêng General Electric còn tồn tại, tất cả các công ty khác đều đã bị chia tách thành các công ty nhỏ. Mười trong 12 công ty trên đã từng phát triển rầm rộ nhờ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, cho nên các ông chủ tư bản Mỹ bự nhất trước đây đều đã từng là vua thép, vua dầu lửa, vua ôtô ...Thế mà, đến nay, hình bóng tất cả các ông "vua tài nguyên" ấy đều đã mờ nhạt hẳn trước hào quang mới của ông "vua tri thức" Bill Gate với một tài sản kếch xù, vượt hơn rất nhiều lần các vị vua trước. Ngày nay, trên 50% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân (GDP) của các nền kinh tế OECD đạt được là nhờ dựa vào sản xuất và phân phối tri thức. Ngày nay, không chỉ ở các nước tiên tiến mà trên toàn cầu, Thời đại Công nghiệp đang dần bị bỏ qua và trào lưu vươn mạnh tới Thời đại Thông tin, Thời đại Tri thức đang trở thành xu thế rõ rệt. Tất cả các ngành tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ 90 đều là các ngành dựa trên sức mạnh của trí não như vi điện tử, công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu mới, vô tuyến viễn thông, máy công cụ và rôbốt, phần cứng, phần mềm máy điện toán... Các sản phẩm hiện đại chỉ sử dụng rất ít tài nguyên thiên nhiên, cho nên, giá tài nguyên thiên nhiên đã giảm tới 60% so với thập kỷ 70. Ngày nay, nhân loại đã chán ngán sự lỗi thời cùng nhiều khuyết tật của các nền kinh tế hoạt động bằng bắp thịt và tiền vốn, chuyển sang nền kinh tế dựa trên trí não. Vậy thì, các thức giả Việt Nam, sao không thấy nao lòng trăn trở cho được ?
          1 - Nhận dạng tri thức
          Trong cuốn "Từ điển Triết học" xuất bản ở Maskova năm 1975, tri thức được xem là "sản phẩm của hoạt động lao động xã hội và tư duy của con người, làm tái hiện trong tư tưởng, dưới hình thức ngôn ngữ, những mối liên hệ khách quan, hợp quy luật của thế giới khách quan đang được cải biên trên thực tế... ". Nhà triết học cổ đại Protagoras thì cho rằng tri thức có nghĩa là logic, ngữ pháp và hùng biện ; tri thức làm cho người trí thức có thể hiểu được những gì cần phải nói và làm thế nào để biểu đạt chúng. Khổng tử cũng quan niệm như vậy. Các nhà triết học cổ đại thường coi tri thức mang tính siêu việt và xem thường bất cứ những gì không thuộc nghiên cứu sách vở. Tuy nhiên, khác với các triết gia Phương Đông, cả Socrates lẫn Protagoras đều coi trọng kỹ thuật. Mặc dầu vậy, chính các ông này cũng cho rằng kỹ thuật không phải là tri thức, cho dù nó có đáng khâm phục đến đâu. Bởi vì, kỹ thuật chỉ gắn với một ứng dụng cụ thể, không nguyên tắc hóa được để có thể trở thành nguyên lý phổ quát.
          Khác với cách quan niệm truyền thống, ngày nay, tri thức không còn được xem là một thứ chung chung, tri thức là những kiến thức cần thiết rất chuyên sâu. Chức năng tri thức ngày nay không phải để phục vụ chính nó. Tri thức không chỉ giành cho phát triển tri thức, cho đạo đức và tinh thần cá nhân. Tri thức phải chứng minh cho chính nó trong hoạt động. Tri thức chính là thông tin thực tế đối với hoạt động, thông tin nhấn mạnh đến kết quả. Những kết quả này nằm ngoài một cá nhân, nằm trong một xã hội, một cộng đồng.
           
          Có thể phân chia thành nhiều loại tri thức : biết cái gì (know what) là loại tri thức về các sự kiện. Loại tri thức này thường chỉ có ý nghĩa phục vụ cho chính tri thức nên trong kinh tế ít quan trọng. Biết tại sao (know why) là tri thức về thế giới tự nhiên, về xã hội và tư duy của con người. Biết ai đó (know who) là tri thức về các trường quan hệ xã hội, biết được ai biết cái gì và ai có thể làm được những gì. Biết chỗ và biết thời gian (know where and know when) để vận dụng được "thiên thời địa lợi". Biết cách làm (know how) là tri thức về kỹ năng, kỹ xảo, về khả năng thực hiện bằng hành động.
           
          Ngày nay, nhiều loại tri thức đang không ngừng được điển chế hóa để có thể bán trên thị trường và, bản thân chúng tự nhân lên các thị trường mới. Xã hội thông tin càng phát triển, tốc độ điển chế hóa tri thức càng được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều dạng tri thức rất khó điển chế hóa để trao đổi trên thị trường. Đó là những tri thức ngầm. Nó bao gồm một số khả năng của con người như trực giác, sáng tạo, phán xét... không thể hoặc rất khó điển chế hóa. Tri thức ngầm là tri thức thu được từ kinh nghiệm chứ không phải nhờ được đào tạo qua các cơ sở giáo dục chính quy. Tri thức đã được điển chế hóa có thể sao chép, có thể truyền đi qua các mạng internet. Tri thức ngầm ở dạng ẩn, không thể sao chép. Chúng tồn tại trong đầu các cá nhân hoặc trong các chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức ngầm cũng quan trọng như tri thức chính quy, có cấu trúc tường minh và đã được điển chế hóa. Kỹ năng tri thức ngầm quan trọng nhất chính là khả năng học hỏi liên tục để không ngừng đạt tới những kỹ năng mới.
           
          Tri thức không ngừng hóa thân thành hàng hóa. Tuy nhiên, khác với các loại hàng hóa khác, tri thức có nhiều đặc tính cơ bản của một hàng hóa công cộng, hàng hóa công cộng toàn cầu. Nó dường như không có sự kình địch. Tri thức khi đã được phát hiện và công bố thì việc phổ biến nó cho nhiều người sử dụng hơn sẽ có chi phí cận biên bằng không. Thomas Jefferson từng diễn đạt : "Anh ta nghe ý kiến của tôi và tự nhận lấy kiến thức cho mình mà không hề làm giảm kiến thức của tôi ; giống như anh ta thắp sáng ngọn nến của anh ta bằng ngọn nến của tôi và nhận ánh sáng mà không hề làm cho tôi bị tối đi". Những người tạo ra tri thức thường khó có thể ngăn cản được những người khác sử dụng chúng. Việc bảo vệ quyền lợi cho người tạo ra tri thức thông qua các công cụ như bảo vệ bí mật thương mại và bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu chỉ có hiệu lực rất hạn chế.
          2 - Tri thức trở thành nhân tố quan trọng nhất trong nền kinh tế
          Trong cuốn "Cách mạng giá trị tri thức - sự kết thúc của xã hội công nghiệp và sự mở đầu của xã hội giá trị tri thức" xuất bản năm 1985, nhà tương lai học Nhật bản Kaiokutai đã khẳng định : "Tri thức sẽ trở thành cội nguồn chủ yếu để phát triển kinh tế và tích lũy tư bản. Xã hội kiểu mới tương lai sẽ là "xã hội giá trị tri thức"".
           
          Từ chỗ quan niệm là chỉ phục vụ chính nó, đến khi tri thức được áp dụng vào tổ chức lao động, trở thành một nguồn lực có giá trị sử dụng rồi được xem như một loại hàng hóa công cộng, ý nghĩa của tri thức đã kinh qua ba giai đoạn biến đổi, tương ứng với ba cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại : Cách mạng Công nghiệp, Cách mạng Năng suất, Cách mạng Quản lý.
          Trong khoảng từ 1700 đến 1800, ở Anh đã có sự chuyển biến cực kỳ mạnh mẽ từ kỹ năng sang công nghệ. Trong giai đoạn này, tri thức tạo ra các công cụ sản xuất, áp dụng cho các phương pháp sản xuất và sản phẩm. Sản xuất chuyển từ sản xuất dựa trên thủ công sang dựa trên máy móc. Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân ra đời với quy mô ngày càng phát triển, tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp cùng với những biến đổi xã hội chưa từng có trước đó.
           
          Từ khoảng cuối thế kỷ 19 đến Chiến tranh Thế giới Thứ hai, tri thức được áp dụng cho tổ chức lao động, tạo ra cuộc Cách mạng Năng suất kéo dài trong 75 năm. Cuộc cách mạng này thực sự bắt đầu 2 năm sau khi Marx chết. Năm 1881, F. Taylor đã lần đầu tiên áp dụng tri thức vào công việc để tối đa hóa hiệu quả của phương pháp sản xuất. Taylor đã cố gắng sắp xếp sao cho các công nhân của ông làm việc có năng suất hơn, từ đấy tăng thêm thu nhập. Nhờ kết quả vận dụng tri thức vào tổ chức lao động của Taylor, từ bấy đến nay, năng suất lao động đã tăng lên 50 lần ở các nước phát triển.
           
          Tuy nhiên, đóng góp lớn hơn của F. Taylor có lẽ lại là ở lĩnh vực đào tạo. Năm 1840, một chuyên gia Đức tên là Agust Borsig đã đề xuất hệ thống đào tạo tay nghề ở Đức bao gồm sự kết hợp hệ thống kinh nghiệm làm việc thực tế ở nhà máy với các kiến thức cơ bản được giảng dạy trong trường lớp. Hệ thống này đòi hỏi từ 3 đến 5 năm để đào tạo được một chuyên gia. Sau này, trong Thế chiến I, và đặc biệt là trong Thế chiến II, Mỹ đã vận dụng một cách có hệ thống phương pháp Taylor để đào tạo được những công nhân có tay nghề cao chỉ trong vài tháng. Mô hình đào tạo dựa trên cách tiếp cận của Taylor còn được nhiều nước khác áp dụng rất thành công.
           
          Ở hai giai đoạn trên, tri thức đã được ứng dụng vào việc sản xuất các công cụ lao động, vào phương pháp sản xuất, vào sản phẩm và vào việc tổ chức lao động của con người. Cuộc Cách mạng Năng suất làm giảm số lao động chân tay một cách đáng kể. Từ đây, nẩy sinh yêu cầu về năng suất đối với lao động không phải là lao động chân tay, tức là yêu cầu phải vận dụng tri thức vào tri thức. Tri thức chính thức được coi vừa là nguồn lực con người vừa là nguồn lực kinh tế chủ yếu. Vận dụng tri thức như thế nào để sử dụng vốn tri thức hiện có để tạo ra kết quả sản xuất cao. Đó chính là vận dụng tri thức trong quản lý. Cuộc Cách mạng Quản lý đã nâng vai trò của người quản lý từ việc chịu trách nhiệm về công việc của cấp dưới đến chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mọi người. Người quản lý ngày nay phải là người chịu trách nhiệm vận dụng tri thức sao cho có hiệu quả. Đất đai, lao động, vốn vẫn là những thứ nhất thiết phải có, nhưng khi mà quản lý có hiệu quả, tức là vận dụng tốt tri thức vào tri thức thì có thể tạo ra được các nguồn lực khác thậm chí còn quý giá hơn. Ngày nay, các hoạt động sản xuất đã được quan niệm lại với tính cách một quá trình trải rộng hơn rất nhiều so với sự hình dung của các nhà kinh tế học và nhà tư tưởng của kinh tế học thời đầu của chủ nghĩa tư bản. Phương thức làm giầu bằng sự lạm dụng lao động thao tác để tăng cường độ, tăng năng suất lao động nhằm sở hữu lượng tài sản vật chất tối đa trở nên lỗi thời . Mỗi ngày người ta sẽ càng cảm thụ được rằng hình thức quan trọng hơn hết của tài sản lại là những thứ không thể trực cảm được. Nó là siêu tượng trưng, siêu ký hiệu, nó là tri thức. Cho nên, chính tri thức, chứ không phải là lao động thao tác và chính những biểu tượng, những ước định, chứ không phải là nguyên nhiên vật liệu đang hàm chứa trong bản thân chúng các giá trị gia tăng. Tri thức, tức là khả năng sáng tạo, phân phối và khai thác thông tin, kiến thức khoa học và công nghệ, đang trở thành nhân tố so sánh lớn nhất quyết định sức mạnh cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp trong thị trường toàn cầu. Các nguồn lực truyền thống của sản xuất và tăng trưởng như đất đai, lao động, vốn và ngay cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đang giảm dần tầm quan trọng. "Báo cáo phát triển thế giới "của Ngân hàng Thế giới -WB năm 1999 đã xác định" Đối với những nước tiên phong trong nền kinh tế toàn cầu, cán cân giữa tri thức và các nguồn tài nguyên hiện nay đã nghiêng mạnh về phía tri thức đến nỗi tri thức có lẽ đã trở thành nhân tố quan trọng nhất quyết định mức sống, quan trọng hơn đất đai, hơn công cụ sản xuất, hơn lao động. Ngày nay, các nền kinh tế tiên tiến nhất về công nghệ đã hoàn toàn dựa trên tri thức". Do vậy, các lý thuyết kinh tế truyền thống về tăng trưởng, về lợi thế cạnh tranh, về cạnh tranh hoàn hảo, về bàn tay vô hình của sức mạnh thị trường, về "sự phá hủy sáng tạo" đều cần phải sửa đổi để phù hợp với đặc điểm mới của kinh tế tri thức.
          3 - Việt Nam có khả năng và nên vươn thẳng tới kinh tế tri thức
          Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới . Tuy nhiên, xét về tiềm năng, chúng ta hoàn toàn có thể đã hoặc sẽ là một quốc gia cường thịnh trên hoàn cầu. Trong 3 nhân tố cần thiết chủ yếu để phát triển kinh tế : lao động, tài nguyên, vốn, chỉ riêng vốn tư bản là ta còn thiếu. Với dân số gần 80 triệu của một dân tộc đã phát triển qua hơn 4000 năm văn hiến, ta không chỉ có một lực lượng lao động lớn về số lượng mà chủ yếu là mạnh về khả năng chất lượng. Tư chất dân tộc ta không phải chỉ đáng tự tôn trong lời tuyên bố của Nguyễn Trãi : "Duy ngã Đại Việt chi quốc. Thực vi văn hiến chi bang" mà còn được ngay cả ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher thừa nhận : "Hoa Kỳ đã được những người Mỹ gốc Việt làm cho giàu có. Đó là một trong các nhóm nhập cư thành công nhất trong lịch sử gần đây của chúng tôi" ; được ông Peter Howieson, hiệu trưởng trường Swanbourne ở miền Tây Liên bang úc tôn vinh : "Chỉ 30 năm nữa, xứ sở Úc châu này sẽ do những người Việt Nam và Á châu lãnh đạo". Tư chất thông minh trác việt của học sinh Việt Nam rõ ràng đã từng được thể hiện qua những thành tích rất cao đạt được ở các kỳ thi quốc tế trong suốt nhiều năm qua. Tin học dù chỉ mới được bắt đầu đào tạo chưa lâu, vậy mà tại cuộc thi tin học quốc tế I0I lần thứ 11 tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, đội tuyển nước ta đứng đầu trong 66 đội dự thi, trên cả các cường quốc tin học như Nga, Trung Quốc... Bốn học sinh Việt Nam dự thi thì 3 đoạt huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Cờ vua là môn thể thao trí tuệ rất mới mẻ, vậy mà ta đã có tới 4 đại kiện tướng thế giới ... Con người Việt Nam không chỉ thông minh, tài hoa mà còn rất hiếu học. Thuở xưa, Châu Trí đi ở nhà chùa, quét lá đa đốt lửa đọc sách, Trần Cung chăn lợn cho địa chủ, tựa vách nghe lỏm bài giảng, viết trên đất để ôn bài. Vậy mà cả hai đều đã đỗ Trạng nguyên. Dân tộc hiếu học như vậy cho nên Văn Miếu Quốc Tử Giám đã từng được thành lập trước cả các trường đại học Sorbonne, Cambridge, Oxford...
           
          Kể lại những điều trên không phải chỉ để tự hào mà là để củng cố niềm tin vào khả năng vươn thẳng tới nền kinh tế tri thức của chúng ta.
           
          Vậy, kinh tế tri thức là gì ? Có thể có người chú tâm đến những kết nối qua lại chặt chẽ và những ảnh hưởng tích cực của các công nghệ mới xuất hiện ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp và ở mỗi gia đình ; có người nhấn mạnh đến sự phát triển áp đảo của công nghệ thông tin và công nghệ cao, tạo ra sức đóng góp ưu thế vào GDP ; có người cho rằng nó là sức đẩy tới của quản lý tri thức, sự thích ứng của các cấu trúc tổ chức truyền thống theo hướng quản lý tốt hơn các "công nhân trí thức" là những công nhân thao tác dựa trên các biểu tượng chứ không phải vận hành máy móc... Song, hàm súc hơn cả có lẽ là định nghĩa sau đây : "Một nền kinh tế được dắt dẫn bởi tri thức, một nền kinh tế mà việc sản sinh và khai thác tri thức giữ vai trò chủ yếu trong quá trình tạo ra của cải" (Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh, 1998).
           
          Cho dẫu nghiêng về bất cứ quan niệm nào, điều kiện tiên quyết để xây dựng nền kinh tế thông tin vẫn phải dựa trên một kết cấu hạ tầng thông tin dủ mạnh kích thích ngành công nghệ thông tin phát triển thỏa đáng. Cho đến nay cả nước ta có khoảng 700 000 máy điện toán. Không đủ cơ sở để bàn về con số đó là lớn hay nhỏ. Chỉ tiếc rằng do những trói buộc của cơ chế, của nhiều chủ trương, chính sách không đúng đắn, của sự độc quyền về truyền thông và bưu chính cho nên đến nay cả nước mới chỉ có 72 000 thuê bao Internet. Đáng phàn nàn hơn là ngành sản xuất phần mềm của ta do không được đầu tư và khuyến khích nên phát triển hết sức chậm so với đòi hỏi và khả năng có thể. Theo một điều tra của Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, số người làm phần mềm ở đây hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số có trình độ đại học về tin học. Nhân lực phần mềm của Việt Nam mới chỉ khoảng trên 20, trong khi ở Ần Độ là 48 người/1 triệu dân, Trung Quốc 96, Ireland 3000. Giá trị lao động phần mềm ở ta mới đạt chừng 4 000USD/ người/ năm, trong khi Trung Quốc là 12 000 còn Irland thì tới 200 000USD/người/năm.Nếu các khoản đầu tư quá vội vàng cho quá nhiều khách sạn, cho đường Trường Sơn công nghiệp hóa... được dành lại để đầu tư đào tạo sớm một lực lượng cán bộ phần mềm tin học đủ mạnh thì ngay từ những năm này ta có thể đã có một khoản thu nhập bổ sung vào GDP từ các ngành sản xuất phần mềm lớn hơn cả doanh thu từ du lịch, từ xuất khẩu lâm sản... Công nghệ tin học của Ần Độ chưa phải đã hùng hậu, vậy mà doanh thu hàng năm từ các sản phẩm phần mềm đã đạt hàng tỷ USD. Một thanh niên Việt Nam đi du học ở Anh có sáng kiến mở trang Web về giáo dục thôi mà chỉ trong vài năm đã trở thành triệu phú đô-la.
           
          Vì nền kinh tế dựa trên tri thức đòi hỏi những kỹ năng và năng lực không ngừng đổi mới nên chất lượng của nguồn lực con người cũng phải không ngừng được bồi bổ và hoàn thiện. Người ta tính rằng tri thức cứ 7 năm lại tăng gấp đôi, và đặc biệt, trong các lĩnh vực kỹ thuật thì cứ một nửa những điều sinh viên học trong năm đầu tiên ở đại học sẽ trở nên lạc hậu khi họ tốt nghiệp. Người Việt Nam vốn thông minh và hiếu học nhưng tập quán của nền giáo dục truyền thống vốn cho rằng số kiến thức và kỹ năng học được ở trường lúc còn trẻ về cơ bản có thể sử dụng cho suốt đời . Xã hội truyền thống vốn chia đời người làm ba giai đoạn : đến trường, làm việc, nghỉ hưu. Xã hội tri thức sẽ biến cải mạnh mẽ không ngừng nên con người cần được bồi dưỡng năng lực thích ứng với những biến đổi đó, cho nên giáo dục cần bảo đảm tính liên tục và kịp thời. Trong chiến lược giáo dục công bố năm 1991, tổng thống Mỹ đã hơn một lần kêu gọi học tập suốt đời kiến thức và kỹ thuật, suốt đời là học sinh. Ông còn hô hào mở cuộc vận động cải tạo nước Mỹ thành một nước "cả nước đều đi học".
           
          Sự nghiệp giáo dục cho một nền kinh tế tri thức không chỉ đòi hỏi trải dài theo thời gian mà còn được mở rộng trong không gian. Học ở trường, học ở nhà, học bổ túc, học các lớp ngắn ngày, học từ xa, học trên truyền hình, học tại cơ quan, học ở các tổ đội sản xuất, học trong sách vở, học lỏm, học mót... Một điều cần quán triệt hơn cả đối với giáo dục nước ta là cần cải tiến phương pháp giáo dục ở các trường lớp chính quy sao cho ít chú trọng hơn vào việc truyền bá thông tin, kiến thức mà phải tập trung hơn vào giảng dạy phương pháp để người ta có thể tự học.
           
          Tổng quát hơn, cần nhận thức sâu xa ý tưởng sau đây của nhà kinh tế -xã hội học Peter Drucker khi ông cho rằng : "Cuộc cách mạng thông tin đang thực sự xẩy ra ... Nó không chỉ là một cuộc cách mạng đối với công nghệ, máy móc, kỹ thuật, phần mềm hay tốc độ. Nó là cuộc cách mạng về các khái niệm".
           
          Trong xã hội công nghiệp, tất cả đều lấy việc tăng thêm của cải vật chất làm mục đích. Cơ cấu xã hội và cơ cấu kinh tế cũng phải phù hợp với yêu cầu đó. Phát triển công nghệ chủ yếu lấy đại quy mô hóa và sản xuất hàng loạt làm trung tâm để bảo đảm nguyên tắc "giá trị phù hợp với giá thành". Giá trị tri thức không tuân theo quy luật đó. Thử lấy một ví dụ : doanh nghiệp nọ nhờ một cải tiến nào đó đã kiếm được rất nhiều lời trong thời gian dài ; nhưng, chỉ cần một doanh nghiệp khác phát minh được công nghệ mới tiên tiến hơn là lập tức cái bửu bối làm giầu kia sẽ mất hết phép thiêng. Giá cả của giá trị tri thức không liên quan nhất nhất với giá thành sản xuất, cũng không biến động lên xuống đối với giá thành sản xuất. Nguyên tắc trao đổi ngang giá ở đây mất hiệu lực.
           
          Chủng loại hàng hóa ngày càng nhiều, tuổi thọ của giá trị sản xuất sẽ ngày càng ngắn. Do hàng hóa đa dạng và xã hội thông tin hóa, tính chất lưu động của giá trị tri thức sẽ lớn và biến đổi càng nhiều, cộng thêm với công nghệ phát triển rất nhanh chóng, sản phẩm mới liên tục xuất hiện trên thị trường. Trong xã hội công nghiệp, cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ là cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất một triệu với doanh nghiệp sản xuất một vạn sản phẩm ; trong khi đó ở nền kinh tế tri thức là sự phân chia thắng bại giữa doanh nghiệp sản xuất một nghìn loại sản phẩm với doanh nghiệp chỉ sản xuất 10 loại sản phẩm. Người thợ Việt Nam có bàn tay khéo léo với các chế tác rất tinh vi, tồn tại ở rất nhiều làng nghề nổi tiếng. Quy hoạch hóa và hiện đại hoá (chứ không phải công nghiệp hóa) các làng nghề này cũng sẽ tạo được một lợi thế nào đó trong nền kinh tế mới .
           
          Chủ nghĩa duy vật thường coi lý luận, thông tin, tư tưởng và mọi sản phẩm khác không thể trực cảm được của trí tuệ đều thuộc thượng tầng kiến trúc, trong khi, cái quyết định xã hội tồn tại và phát triển phải là hạ tầng cơ sở. Trong thời đại tri thức, xã hội như là cấu tạo bởi nhiều thành phần, tất cả mọi thành phần đều liên kết với nhau trong các vòng hồi chuyển cực kỳ phức tạp và thay đổi không ngừng. Vòng hồi chuyển càng phức tạp thì tri thức càng đóng vai trò trung tâm quan trọng hơn, đảm bảo cho xã hội có thể tiếp tục tồn tại về kinh tế và sinh thái. Ở các xã hội trước, sức mạnh của các tổ chức là ở tính cố kết của chúng, được thiết lập và củng cố thông qua những cơ cấu tôn ty trật tự về chỉ huy và kiểm soát. Trong xã hội mới, nguồn sức mạnh của sự cố kết cứng nhắc lại trở thành nhược điểm. Tính linh hoạt, khả năng thích nghi, khả năng đáp ứng và đổi mới nhanh chóng mới tương thích được với cấu trúc tổ chức trong nền kinh tế dựa trên tri thức.
           
          Vì nền kinh tế tri thức phát triển được là nhờ sức đẩy tới của quản lý tri thức, là sự quản lý các chuyên gia thao tác dựa trên các biểu tượng nên một trong những điều kiện tiên quyết là tạo ra cho được một cơ chế dân chủ đích thực để ưu đãi tài năng và bầu chọn cho được những hiền tài đảm đương nhiệm vụ quản lý ở mọi nơi, mọi cấp. Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại lời trong "Bài ký đề danh tiến sỹ khoa Nhâm Tuất - 1442" : "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi thấp xuống. Vì vậy các đấng thánh đế, minh vương chẳng ai không lo việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sỹ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế cho nên quý chuộng kẻ sỹ không biết thế nào là cùng... Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm được đến mức cao nhất".
           
          Phải chăng đó là lời khích lệ vọng về từ cha ông xưa thúc dục ta khẳng định quyết tâm vươn thẳng tới nền kinh tế tri thức.
           
          Hànội tháng 7 năm 2000
          Nguyễn Thanh Giang
          Nhà A13 P9 - TTPK Hòa mục

          Phường Trung hòa - Quận Cầu giấy

           
          http://www.ykien.net/bnntgdinhhuong.html
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.11.2006 12:26:47 bởi LXMai >
          #20
            LXMai 15.11.2006 18:07:39 (permalink)

            14 Đôi điều bàn luận về: "Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010".


            "Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010"


            Góp ý - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội IX
            Đôi điều bàn luận về
            "Chiến lược phát triển kinh tế , xã hội 2001 - 2010"




            Đánh giá tổng quát thành tựu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua, những dòng sau đây có lẽ dễ nhận được sự tán thưởng rộng rãi :

            - "Nền kinh tế có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất... và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng được thế và lực hơn hẳn 10 năm trước, khắc phục một bước tình trạng nghèo và kém phát triển" (trang 55).

            Trong đó, những biểu hiện cụ thể là : "Tổng sản phẩm trong nước sau 10 năm tăng gấp đôi. Tích lũy nội bộ của nền kinh tế từ mức không đáng kể đến năm 2000 đã đạt 25% GDP. Từ tình trạng khan hiếm, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, nay đã đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, nhiều loại hàng tiêu dùng, có dự trữ xuất khẩu ngày càng tăng... Cơ cấu nền kinh tế có bước dịch chuyển tích cực... Các thành phần kinh tế khác phát triển khá nhanh... Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, nước ta đã... từng bước hội nhập có hiệu quả với kinh tế thế giới, bình thường hóa... với các tổ chức tài chính quốc tế... Nhịp độ tăng kim ngạch xuất khẩu gần gấp ba nhịp độ tăng GDP... Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn của nước ta) giảm từ trên 30% xuống 11%... Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,31% xuống 1,53% "(trang 54). Tuy nhiên "Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những mặt yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của nhân dân và đất nước" (trang 55).

            Thật vậy, dù thành tích 10 năm qua có lớn đến bao nhiêu thì tính đến nay ta vẫn là một trong vài mươi nước nghèo nhất thế giới. Không biết dự thảo văn kiện tính theo tiêu chuẩn nào chứ nếu tính rằng thu nhập dưới 80.000đ/người/tháng cho vùng nông thôn, hải đảo, miền núi ; thu nhập dưới 100.000đ/người/tháng cho vùng đồng bằng thì con số người nghèo đến mức làm cả tháng không đủ mua nửa chai rượu ngoại trong bữa tiệc của các "quan tham" đang chiếm khoảng 1/4 dân số. Nếu tính theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc (dưới 14.000 đồng/ngày) thì phải đến quá nửa dân số nước ta còn thuộc diện khổ nghèo. Nói là - "đã bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm", nhưng thực tế, đến đầu 1999, ở miền núi và các tỉnh Miền Trung vẫn có 2,3 triệu người thiếu đói ; và đến nay vẫn còn tới 1.700 xã đặc biệt khó khăn, trong đó nhiều vùng thiếu ăn tới 4-5 tháng.

            Cho nên, phải bàn bạc nghiêm túc lắm về một chiến lược phát triển thì mới mong thoát khỏi cảnh cùng khốn, tủi nhục này. Mau chóng xóa đi cảnh cùng khốn, nỗi tủi nhục này là để ta tạ tội được với nhân dân, với một đất nước đầy tiềm năng thiên nhiên và nguồn lực trí tuệ mà suốt mấy thập kỷ qua chịu đọa đầy trong nghịch cảnh phi lý hết sức đau lòng, chứ không phải chỉ vì lo lắng như dự thảo : "...Sự tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển kinh tế so với các nước xung quanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của nhân dân, sự ổn định chính trị..." (trang 58). Suy ngẫm nghiêm túc mà xem. Tại sao lại chỉ đặt vấn đề lo toan và tìm phương kế để làm cho dân tin hay không tin ? Tại sao lại chỉ quan tâm ổn định chính trị ? Kiểu tư duy bao giờ cũng chỉ xuất phát từ chính quyền, từ lãnh đạo, từ những chiếc ghế như vậy quả là ngược với đạo lý do dân, vì dân.

            Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội cho 10 năm đầu của thế kỷ XXI được dự thảo vạch ra bằng dòng chữ đậm là : "Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp" (trang 53).

            Nghe thì trang trọng và hùng hồn đấy, nhưng liệu rồi có đạt được không ? và, nếu đạt được như vậy thì có đáng hài lòng không ?

            Thứ nhất, nếu còn tiếp tục đeo đẳng cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" thì chắc là không đạt được. Thứ hai, chỉ đạt được như vậy thì khoảng cách tụt hậu của ta so với thế giới lại càng xa hơn.

            Phải chăng tiêu chí được vạch ra như trên là cốt phải phù hợp với "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Bởi vì, Cương lĩnh đã hoạch định : "Khi kết thúc thời kỳ quá độ, hình thành về cơ bản nền kinh tế công nghiệp..." (Cương lĩnh trang 12). Phán quyết nghe rất tiên tri. Nhưng, biết đến lúc nào và, như thế nào thì là "kết thúc thời kỳ quá độ"? Trung Quốc bảo 100 năm. Việt Nam bảo... có thể lâu hơn nữa!

            Công nghệ tin học phát triển rầm rộ đang thúc đẩy thế giới mau chóng bỏ lại sau lưng Thời đại Công nghiệp để tiến bước vào Thời đại Thông tin. Sự xuất hiện những mầm mống của nền kinh tế tri thức đang được so sánh với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 - 19. Ở Bắc Mỹ và một số nước Tây Ấu, nền kinh tế tri thức đã bắt đầu hình thành. Trong các nước OECD kinh tế tri thức đã chiếm hơn 50% GDP. Cho nên, nhiều người dự đoán vào khoảng năm 2030 nền kinh tế ở các nước phát triển đều sẽ trở thành kinh tế tri thức. Không chỉ Mỹ khẩn trương chuyển nhanh sang kinh tế tri thức, Nhật Bản nỗ lực nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, đầu tư sâu vào chương trình nghiên cứu nano, Singapore tập trung ưu tiên phát triển công nghệ điện tử, tin học và tự động mà nhiều nước đang phát triển cũng bàn bạc về khả năng và quyết tâm tiến thẳng từ kinh tế nông nghiệp tới kinh tế tri thức. Họ noi theo tấm gương của Phần Lan. Cách đây 50 năm, Phần Lan còn là một nước nông lâm nghiệp. 70% dân số trong nước làm nông nghiệp. Đại bộ phận diện tích lãnh thổ là rừng và đầm lầy nên lâm nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong kinh tế quốc dân. Vậy mà nay lao động nông nghiệp chỉ còn 6%, kinh tế rừng chỉ chiếm 3% GDP. Từ nền kinh tế nông nghiệp, Phần Lan đã tiến thẳng vào kinh tế tri thức và đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ số người sử dụng internet và điện thoại di động. Không chỉ Phần Lan, thực tế cho thấy nhiều nước đang phát triển biết vạch ra đường lối đúng, chỉ sau vài ba chục năm đã bứt lên thành nước công nghiệp mới.

            Do bị ràng buộc chặt chẽ với ý chí cố cựu đã được thể hiện rất đanh thép : "Chúng ta một lần nữa khẳng định : Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa" (trang 15), cho nên dự thảo vẫn phải chủ trương : "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ... xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng quan trọng" (trang 18), "... phát triển thêm một số doanh nghiệp mà nhà nước cần đầu tư 100% vốn... Xây dựng và củng cố một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước" (trang 24), "hình thành các cụm công nghiệp lớn" (trang 66),

            Thế nào là một nền kinh tế độc lập tự chủ?

            Đối với người Việt Nam, hai chữ độc lập thật là thiêng liêng. Thiêng liêng đến mê mẩn. Cho nên, khi đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám ta nghĩ rằng độc lập là tiền đề tiên quyết và tất yếu của tự do, của hạnh phúc. Và ta viết : độc lập, tự do, hạnh phúc. Lâu dần ý niệm thiêng liêng đó bị lạm dụng đến nỗi làm cho người ta mê mẩn độc lập mà sẵn sàng quên đi cả tự do, hạnh phúc. Trong lịch sử cận hiện đại không có dân tộc nào trên thế giới giành giật độc lập bằng cái giá núi xương sông máu kinh khủng và cay đắng như Việt Nam. Tiếc rằng, khi ta giành được trong tay rồi thì ý nghĩa và những giá trị của hai chữ độc lập lại không còn tồn tại như xưa nữa ! Nội hàm của độc lập ngày nay không còn kết đọng trong cái trọng số tự lực, tự cường mà đã hợp vào không gian hội nhập, hòa đồng thoáng đãng. Không còn tĩnh mà đã trở nên rất động. Không chỉ là hạt mà còn là sóng.

            Nền kinh tế thế giới hiện đại đang được cấu trúc thành một mạng toàn cầu. Về bản chất, mạng được cấu trúc ngang, khác căn bản với các nền kinh tế trước đây vận dộng trong cấu trúc hình tháp. Do các chất liệu phát triển cơ bản đã khác trước, đặc trưng của mạng cấu trúc này là thời gian ngắn lại, không gian thu hẹp và các đường biên giới nhòa dần. Dưới tác động của toàn cầu hóa, tư duy truyền thống về độc lập chủ quyền, về an ninh quốc gia đã thay đổi. Các cường quốc đang gạt dần tham vọng về quân sự, về chính trị và về lãnh thổ để nhằm tới xâm chiếm các hợp phần trong tổng sản phẩm quốc tế. Lợi ích kinh tế trở thành động lực chủ yếu của các tập hợp lực lượng trong các khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước về kinh tế ngày càng phát triển, các thể chế kinh tế toàn cầu ngày càng hoàn thiện. Do hàng rào thuế quan và phi thuế quan bị bãi bỏ dần, biên giới kinh tế của các quốc gia dường như bị xóa trước sự xuất hiện một nền kinh tế toàn cầu không biên giới. Trong điều kiện đó, một nền kinh tế hướng nội, chủ trương tự cung tự cấp mọi nhu cầu thiết yếu, ra sức chống lại sự lệ thuộc quốc tế một cách mù quáng sẽ không thể đứng vững. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên vốn kiên trì con đường này và đến 1997 vẫn còn kiêu hãnh không bị tác động bởi cơn khủng hoảng tài chính khu vực dữ dội. Song, đến nay cảnh bần hàn xơ xác đã dẫn đến hồi nguy kịch đang buộc họ phải thức tỉnh.

            Mở rộng cửa hội nhập, quyết chí cạnh tranh là con đường duy nhất để sống còn và vươn tới vinh quang. Hùng cường như nền kinh tế Mỹ mà vẫn bị các quốc gia khác ép phải mở cửa thị trường, ép mua dầu mỏ giá cao. Đấy là lẽ thường, là tác nhân bình đẳng đáng trân trọng của toàn cầu hóa. Nhỏ bé như Singapore, thiếu vắng hầu như hoàn toàn ngành công nghiệp nặng, nhập khẩu hầu hết các loại nguyên, nhiên liệu, kể cả nước ngọt (nhập khẩu 100% từ Malaysia). Vậy mà nền kinh tế Singapore vẫn phát triển mạnh và không thể nói là không độc lập tự chủ.

            Có nên khăng khăng quyết tâm - "phát triển thêm một số doanh nghiệp mà nhà nước cần đầu tư 100% vốn" - không, khi mà khối doanh nghiệp nhà nước đã sản sinh ra khoản nợ khổng lồ 200.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa GDP ? ; khi mà, trong số 13.000 lao động thuộc Công ty Gang Thép Thái Nguyên, chỉ 4.000 người gọi là có việc làm, với đồng lương chết đói trung bình 100.000 đồng/người/tháng ?

            Có nên "Xây dựng và củng cố một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước" không, khi mà ngay cả ở Mỹ hiện tượng siêu sát nhập các công ty xuyên quốc gia chỉ thản hoặc trong khi việc chia tách các công ty lớn thành nhiều công ty nhỏ để thích nghi với môi trường của nền kinh tế tri thức đang trở thành xu hướng chung nổi lên mạnh mẽ. Công ty điện báo, điện thoại Mỹ bị chia thành 8 công ty con và 22 công ty cháu. Công ty IBM bị chia thành 13 công ty nhỏ. Trên 90% số công ty ở Mỹ là công ty nhỏ. Nhờ vào hệ thống mạng internet các công ty nhỏ này hoạt động linh hoạt hơn, hiệu quả hơn vì dễ dàng chuyển hóa, thích ứng kịp thời với sự xuất hiện thường xuyên những công nghệ mới, sáng chế mới.

            Có nên vội vã "hình thành các cụm công nghiệp lớn", "các mạng lưới đô thị với một số ít thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và hệ thống đô thị nhỏ" không, khi mà bản chất cấu trúc mạng của kinh tế thế giới mới gắn với quá trình phi tập trung hóa cấu trúc. Các đô thị khổng lồ ngoài sự ngột ngạt, bức bối vì tốc độ ô nhiễm môi trường thiên nhiên và xã hội cao, không còn là cấu trúc không gian cần thiết cho phát triển bởi vì công việc chủ yếu của xã hội sẽ là sản xuất tri thức , được tiến hành trong môi trường tự động hóa cao trên cơ sở mạng thông tin, với các công cụ chính là máy vi tính nối mạng. Vội vã hình thành các cụm công nghiêp lớn, các mạng lưới đô thị đồ sộ phải chăng chẳng qua là biểu hiện rơi rớt của quy mô đại công nghiệp, của ý chí luận bốc giời.

            Dẫu sao, so với các văn kiện đại hội trước, kỳ này đã xuất hiện những chủ trương mới rất hay : "Phát triển mạnh công nghệ phần mềm phục vụ tốt yêu cầu trong nước và trở thành lĩnh vực xuất khẩu quan trọng" (trang 59) "Phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử. Chú trọng phát triên công nghiệp sản xuất phần mềm thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển vượt trội" (trang 66) "Hoàn thành xây dựng những khu công nghệ cao và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia" (trang 22) "Có chính sách phát huy thế mạnh về trí tuệ của người Việt Nam, tiếp thu một cách sáng tạo những công nghệ nhập, từng bước tạo ra công nghệ mới, đẩy mạnh việc hợp tác về công nghệ với các nước" (trang 22). "Mở mang các làng nghề, điểm công nghiệp và khu công nghiệp nhỏ..., chú trọng phát triển các đô thị và các trung tâm văn hóa cụm xã" (trang 118) "Chuyển một phần các doanh nghiệp gia công như may mặc, da giày... và chế biến nông sản ở thành phố về nông thôn" (trang 65).

            Những chủ trương trên thể hiện được một phần đường lối đúng đắn trên con đường vươn tới kinh tế tri thức, hiện đại hoá nông thôn. Tuy nhiên, nếu đã hoạch định chi tiết đến mức như : "Giá trị sản lượng nông nghiệp (kể cả thủy sản, lâm nghiệp) tăng bình quân hàng năm khoảng 4,5%. Duy trì khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa..." (trang 65) thì sao lại không hoạch định cụ thể kế hoạch xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Cần phấn đấu xây dựng được mạng xa lộ thông tin, kết nối với tất cả các trường học, các cơ quan, các xí nghiệp và phần lớn các hộ gia đình vào trước năm 2010.

            Phù hợp với những chủ trương kinh tế đúng đắn đó là những chủ trương mới khá hay về giáo dục : "Xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục cho mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, tạo môi trường học tập cho toàn xã hội với các hình thức đa dạng" (trang 22). "Tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi học tập liên tục, suốt đời trong môi trường giáo dục lành mạnh" (trang 79), "Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự đào tạo của người học, coi trọng thực hành" (trang 79), "Coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, kỹ sư thực hành và nhà kinh doanh giỏi" (trang 79).

            Đúng vậy, cần quan tâm thực sự và đề cao hơn nữa vấn đề giáo dục và đào tạo. Cách đây 40 năm, các nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố : "Trong cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, sự thành công hay thất bại được quyết định ở các trường đại học Mỹ. Đây là một trong những mặt trận chính, đảm bảo sức mạnh và khả năng đứng vững của một quốc gia". Quả nhiên, ngày nay khoảng cách giầu nghèo giữa các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào tri thức. Càng rút ngắn khoảng cách tri thức bao nhiêu, càng thu hẹp được sự chênh lệch giầu nghèo.

            Cần "Tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi học tập liên tục, suốt đời", cần "Coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao", cần "coi trọng thực hành"; nhưng dứt khoát không nên "Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông" (trang 146), "Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp thiết thực trong trường phổ thông" (trang 79). Đây quả là một chủ trương quái đản. Đến nỗi nó từng thúc ép các trường phổ thông đua nhau mở hết xưởng mộc, xưởng cơ khí lại đi nung vôi, đóng gạch...! Chẳng nhẽ chỉ có mấy cái nghề cơ bắp đó là cao quý và cần thiết cho xã hội ? Nếu không thì mỗi trường phổ thông cần "hướng" cho học sinh của mình bao nhiêu cái "nghiệp"?

            Trong vòng 15 năm nay, Mỹ đã loại bỏ hơn 8.000 thứ nghề nghiệp cũ, trong khi hơn 6.000 ngành nghề mới đã nẩy sinh. Với sự bùng nổ thông tin và tiến trình luôn luôn đổi mới kiến thức, trong nền kinh tế tri thức, công nghệ mới, sáng chế mới thường xuyên xuất hiện. Bởi vậy, mô hình giáo dục truyền thống : đào tạo xong rồi cứ thế ra làm việc đến hết đời là không thể phù hợp. Ở trường chỉ đào tạo cơ bản, ra làm việc lại đào tạo, vừa đào tạo, vừa làm việc.

            Đề cập đến mục tiêu chung của sự nghiệp đào tạo giáo dục, dự thảo văn kiện đại hội VIII đã từng viết "Giáo dục công dân, giáo dục thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước. Giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục nhân văn và bản sắc văn hoá dân tộc". Lược đi những yếu tố mơ hồ, phù phiếm, dự thảo lần này viết thiết thực hơn "Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, hun đúc tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn" (trang 79). Nếu bỏ bớt mấy chữ "lý tưởng xã hội chủ nghĩa" thì đây là một mệnh đề thật hay.

            Mấy thiển ý này được viết bằng sự trăn trở rất công phu nhưng vẫn e rằng khó được tham khảo nghiêm túc và tiếp thu dù chỉ một vài. Dẫu thế nào đi nữa, một Hiệp định Thương mại khá toàn diện đã được ký kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Tổng thống của một siêu cường đứng đầu thế giới tiên tiến lần đầu tiên sắp đến với Việt Nam. Luồng gió lành đang thổi tới. Hãy sáng suốt dứt bỏ những sai lầm quá khứ để vượt vũ môn hóa rồng bay lên, tựa vào sức nâng toàn cầu mà phát huy nội lực.

            Hà Nội 23 tháng 10 năm 2000
            Nguyễn Thanh Giang
            Nhà A13 P9 TTPK Hòa Mục
            Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy

            http://www.ykien.net/bnntgdaihoi9.html
            #21
              LXMai 15.11.2006 23:53:44 (permalink)

              15. Nhận thức cho đúng một số vấn đề thời đại


              Nhận thức cho đúng một số vấn đề thời đại

              (Góp ý "Dự thảo văn kiện trình Ðại hội IX của Ðảng"
              Nhận thức cho đúng một số vấn đề thời đại)


              Tháng 10 năm 2000, tôi đã gửi đến Ban Soạn thảo Văn kiện, đến nhiều vị lãnh đạo Ðảng và một số tòa soạn báo bản góp ý viết rất công phu và nghiêm túc mang tiêu đề: "Ðôi điều bàn luận về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 ".

              Nhận được bài viết, Tạp chí Cộng sản đã phúc đáp bằng một bức thư lịch sự và khá trân trọng. Vì đây là một niềm an ủi hiếm hoi và quý giá đối với tôi nên xin phép được chép ra ở đây:

              Kính gửi : Ðồng chí Nguyễn Thanh Giang
              Tạp chí Cộng sản đã nhận được bài: "Ðôi điều bàn luận về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001- 2010 "của đồng chí.
              Chúng tôi đã đọc, nhưng nội dung bài viết chưa đáp ứng yêu cầu, do đó không đăng ở tạp chí được.
              Xin báo để đồng chí biết.
              Nhân đây, tôi gửi lời kính chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe.
              Chân thành cảm ơn đồng chí.
              T/l Ban biên tập
              Vụ trưởng Vụ Thư ký
              Nguyễn Xuân Thông

              Tiếc rằng, đây là một ứng xử văn hóa duy nhất. Tất cả các nơi khác đều tảng lờ. Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bảo đấy là "sự im lặng đáng sợ". Tôi bảo đấy là sự im lặng đáng xấu hổ, cần phải bị lên án.

              Sự im lặng đó dễ làm tủi buồn và nản lòng những người tâm huyết. Tuy vậy, tôi đã phải gắng sức vượt qua chính mình và thực hiện lời khuyên của Tuân Tử: "Nô mã thập giá tắc diệt cặp chi". Tôi tin nhân dân tôi sẽ có dịp trân trọng đón nhận những ý kiến này. Vả lại, tôi cũng từng biết, mặc dù không tiện trả lời về sự ghi nhận nhưng một số ý kiến nêu lên trước đây dường như có được tiếp thu để sửa đổi các văn kiện ở những vấn đề trọng đại. Thế tức là cũng có ích. Bởi vậy, tôi vẫn tiếp tục trăn trở và lại xin đệ trình bản góp ý này.

              *

              Mở đầu văn kiện "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", trong phần "Việt Nam trong thế kỷ XX và triển vọng phát triển trong thế kỷ XXI ", các tác giả đã nêu lên một dự cảm đúng: "Chúng ta chưa thể dự báo chính xác về toàn bộ tiến trình của thế kỷ mới. Tuy nhiên, thế kỷ XXI có thể sẽ có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc. Ðó là thế kỷ mà khoa học và công nghệ sẽ có những bước nhảy vọt chưa từng thấy. Kinh tế tri thức sẽ chiếm vị trí ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan ngày càng có nhiều nước tham gia ".

              Văn kiện cũng đã khái quát đúng và nhấn mạnh ngay ở những dòng đầu: "Thế kỷ XX để lại trong lịch sử loài người những dấu ấn cực kỳ sâu sắc. Ðó là thế kỷ kinh tế phát triển mạnh mẽ xen lẫn những cuộc khủng hoảng lớn của chủ nghĩa tư bản thế giới, thế kỷ của những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ, tạo ra giá trị sản xuất vật chất tăng gấp 15 lần so với thế kỷ trước và lớn hơn cả toàn bộ giá trị của hai thiên niên kỷ trước cộng lại ".

              Có được những thành tựu vĩ đại đó là nhờ sự ra đời và phát triển không ngừng của chủ nghĩa tư bản. Trong lịch sử của mình, chủ nghĩa tư bản ít nhất đã tạo ra ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Cuộc cách mạng thứ nhất bùng nổ ở Anh nhờ phát minh ra máy hơi nước của James Watt năm 1776 và đã được áp dụng rộng rãi, trước hết vào các máy dệt và xe lửa... Nhờ phát minh ra điện của Edison, cuộc cách mạng thứ hai đã nẩy sinh với sự khai trương nhà máy điện đầu tiên ở Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho sự sáng chế những thiết bị công nghiệp lớn kéo theo phương thức lao động dây chuyền. Từ nửa sau thế kỷ XX, cách mạng khoa học kỹ thuật càng phát triển rầm rộ. Nhiều ngành năng lượng mới, vật liệu mới ra đời cho phép đổi mới và chế tạo những máy móc tinh vi, hiện đại, trong đó có các tên lửa cực mạnh mở ra kỷ nguyên vũ trụ. Cách mạng sinh học đã dẫn đến công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh và công nghệ enzim, mà quê hương của chúng đều từ tư bản. Từ chiếc máy tính điện tử ra đời năm 1946 và robot đầu tiên chế tạo tại Mỹ vào năm 1961 đến đường cáp quang khổng lồ xuyên dưới đáy Ðại Tây Dương vận hành lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 12 năm 1988 nối liền nước Mỹ với Châu Âu, kỷ nguyên tin học đang đưa thế giới vào một nền văn minh mới sán lạn.

              Những đóng góp xuất sắc của phe xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phục vụ nhân sinh rất hiếm hoi, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu quân sự với tên lửa vượt đại dương, vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Liên Xô "Sputnik" và chuyến bay vũ trụ của Gagarin...

              Nhờ làm chủ khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất năng suất cao, các nước tư bản đã tạo ra lượng sản phẩm xã hội vượt trội hơn hẳn phe xã hội chủ nghĩa. Vào những năm cuối của thiên niên kỷ, Hoa Kỳ chỉ với số dân 270 triệu đã tạo ra một lượng GDP lớn hơn Trung Quốc có số dân 1 tỷ 265 triệu tới 80 lần. 126,5 triệu người Nhật Bản cũng sản xuất ra lượng GDP gấp 40 lần Trung Quốc. Chính vì vậy, thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ gấp 38 lần, của Nhật Bản gấp 39 lần Trung Quốc. (Số liệu năm 1998).

              Học thuyết của Marx dù bị chỉ trích là dựa trên thuyết kinh tế định mệnh vẫn không thể đưa các nước xã hội chủ nghĩa tiến lên giàu mạnh vì quá nhấn mạnh đấu tranh giai cấp mà xem nhẹ khoa học kỹ thuật. Chính Marx đã nói "Tiến bộ của tri thức chỉ là một mặt, một dạng thức biểu hiện của sự phát triển lực lượng sản xuất của con người, còn lực lượng sản xuất vĩ đại nhất chính là giai cấp cách mạng ".

              Không chỉ là bà đỡ cho các phát minh sáng chế và thúc đẩy khoa học kỹ thuật và công nghệ tiến tới mà về mặt kinh tế xã hội, chủ nghĩa tư bản cũng luôn luôn đổi mới, luôn luôn tự mình vượt lên để không ngừng phát triển. Từ cơ chế thị trường tự do tự điều tiết của kinh tế học Tân cổ điển đến lý thuyết kinh tế tư bản chủ nghiã có điều tiết của John Maynard Keynes..., rồi kinh tế thị trường xã hội của Muller Armack. Kinh tế thị trường xã hội không phải là sự kết hợp kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản với nền kinh tế có kế hoạch của chủ nghĩa xã hội mà là một nền kinh tế thị trường có mục tiêu, kết hợp nguyên tắc tự do với nguyên tắc công bằng xã hội trên thị trường. Mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội là, một mặt nhằm khuyến khích và động viên những động lực, sáng kiến cá nhân để đảm bảo lợi ích của nền kinh tế, mặt khác cố gắng loại trừ những hiện tượng tiêu cực khi có điều kiện như giảm bớt sự nghèo khổ của một số tầng lớp dân cư, lạm phát và thất nghiệp. Một số nhà lý luận của trường phái thể chế mới như D. Bell cho rằng dựa vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật mạnh mẽ, chủ nghĩa tư bản đã biến đổi về bản chất, đã trở thành "xã hội hậu công nghiệp rồi ". Xã hội hậu công nghiệp không phải là chủ nghĩa xã hội nhưng cũng không còn là chủ nghĩa tư bản nữa. Trong xã hội này, chế độ tư hữu đang mất dần tác dụng, xu hướng cách biệt hoá và phi nhân cách hoá đang được khắc phục, mâu thuẫn xã hội được loại trừ. Chủ nghĩa tư bản cổ điển ra đời cách đây ba bốn trăm năm với những tư tưởng nhân văn, giương cao khẩu hiệu "giải phóng con người" đã đi qua bao bước thăng trầm, tha hoá để tiến vào chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay và trở về với tư tưởng lấy bản chất con người làm giá trị gốc rễ.

              Một số nhà kinh tế học như M. Schnizer và J Nordyke đã đề nghị: "Các nước trên thế giới không thể xếp gọn vào những ô phân loại cứng nhắc mang tên "chủ nghĩa tư bản", "chủ nghĩa xã hội" hoặc "chủ nghĩa cộng sản". Thay vào đó, tốt hơn là nên nghĩ đến một thứ phổ hệ với những bậc thang hệ thống kinh tế xếp hạng từ những nước dựa trên cơ chế thị trường tự do nhất đến những nước dựa trên kế hoạch chỉ huy từ trung ương sít sao nhất".

              Tại đại hội XXX của mình, đảng Cộng sản Pháp tuy vẫn coi chủ nghĩa cộng sản như một giá trị lý tưởng thì cũng đã từ bỏ khái niệm xã hội chủ nghĩa để thay bằng một khái niệm khác: Vượt qua chủ nghĩa tư bản.

              Trước thực tế rõ ràng, chủ nghĩa tư bản không những giẫy mãi không chết mà còn phát triển không ngừng, trong khi chủ nghĩa xã hội tồn tại mới hơn nửa thế kỷ đã lăn ra chết yểu, tiếc rằng, dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội IX vẫn khăng khăng: "Tính chất thời đại vẫn không thay đổi "!

              Nếu quả có vậy thì nhận định đó mâu thuẫn chính ngay với phán đoán sau đây cũng của văn kiện: "Trong khoảng 10-15 năm tới ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba, chiến tranh tổng lực dùng vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt khác. Hòa bình và hợp tác vẫn là một xu thế lớn phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc".

              Chiến lược toàn cầu hóa về kinh tế đang thúc đẩy và củng cố xu thế hòa bình và hợp tác. Một vài lò lửa chiến tranh âm ỷ và có nguy cơ bùng nổ dưới dạng toàn cầu hóa chủ yếu lại nằm ở Bắc Triều Tiên và giữa Trung Quốc với Ðài Loan ... chứ không phải ở những nơi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc tột cùng của nó. Chẳng phải ngày nay, mà ngay từ nửa sau thế kỷ XX, nguyên nhân và tính chất của các cuộc chiến tranh hầu như đã khác hẳn trước đó. Dễ dàng rút ra được những kết luận cần thiết khi xét lại các cuộc chiến biên giới Liên Xô - Trung Quốc, cuộc nội chiến kéo dài 4 năm nẩy sinh từ nội tình Liên bang Nam Tư, cuộc tàn sát đẫm máu của Khmer Cộng sản, cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc - Việt Nam... Nếu số người chết trong các cuộc chiến ở Irak, ở Nam Tư chỉ tính hàng trăm thì số người chết trong Cách Mạng Văn Hóa, chết ở quảng trường Thiên An Môn, chết do Khmer Ðỏ tự tiêu diệt đồng bào mình... đều tới hàng vạn, hàng triệu! Không kể 10 triệu nông dân của 1.100.000 hộ bị quy là kulak, bị tước đoạt tài sản, đày vào các hoang nguyên và sa mạc, 8 triệu người bị giam giữ, 2 triệu người chết trong tù, theo Ủy Ban Tái Xét Hồ Sơ KGB, trong những năm cầm quyền của Stalin, có 3.778 234 người bị kết án phản cách mạng, trong đó 786 098 người bị xử tử!

              Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX là nước sa lầy vào chiến tranh triền miên lâu dài và đau khổ nhất hoàn cầu. Bốn cuộc chiến, hết đánh Pháp, đánh Nhật, đánh Mỹ lại đánh Khmer Cộng sản và đánh Trung Quốc, đằng đẵng suốt 40 năm. Hơn 1 triệu chiến sỹ hy sinh, gần 600.000 thương bệnh binh, hơn 300.000 người mất tích, hơn 2 triệu dân thường bị chết, hơn 2 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật vì bom đạn... Ðấy là yêu cầu bức thiết của giải phóng dân tộc hay là hậu quả của ngọn trào "đấu tranh giai cấp" ? Ðấy là "Ta vì ta ba chục triệu con người " ? hay "vì ba ngàn triệu trên đời "? ( thơ Tố Hữu). Cái phần xương máu tơi bời mà ta đổ ra "vì ba ngàn triệu trên đời" có đóng góp được chút gì cho Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa Ðông Âu thoát cảnh sụp đổ tan tành không ?

              Vậy mà, tại sao vẫn phải giương cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp một cách hết sức mơ hồ và nguy hiểm. Bài học của sự tàn sát nội bộ và phá hoại cấu trúc xã hội rất đau lòng do cải cách ruộng đất, do cải tạo công thương nghiệp... gây ra chưa đủ cảnh tỉnh để sám hối hay sao ? Tại sao đã nhận định "Ngày nay, lợi ích giai cấp thống nhất với lợi ích dân tộc" mà dự thảo vẫn vạch ra: "cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra trong những điều kiện mới, với những nội dung mới và những hình thức mới, gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc " ?

              Lợi ích giai cấp đã thống nhất với lợi ích dân tộc thì cuộc đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN ở trong nước có còn là đấu tranh giai cấp nữa không ? Giai cấp nào muốn theo con đường XHCN, giai cấp nàp muốn theo TBCN ?

              Mấy thập niên gần đây và, hiện nay, ai cũng biết vấn đề độc lập dân tộc nóng bỏng nhất, phức tạp nhất lại là vấn đề bảo vệ chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vấn đề ranh giới lãnh thổ phía Bắc, vấn đề xâm hại kinh tế thông qua việc tuồn hàng giả, hàng lậu, bạc giả qua biên giới... Vậy cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc ở đây mang ý nghĩa giai cấp ở chỗ nào để có thể nói "cuộc đấu tranh giai cấp.... gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc " ?

              Dự thảo đã vạch ra đúng đắn "Nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới là tiếp tục tạo môi trường hòa bình và điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ". Nhiệm vụ đối ngoại này chỉ có thể thực hiện được khi biết coi trọng mối quan hệ với các cộng đồng tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là với Mỹ. Quan hệ đối ngoại chủ yếu phải nhằm góp phần tạo điều kiện cho khoa học, giáo dục... phát triển nhanh trong trào lưu tiên tiến, hiện đại. Tiếc rằng do nhận thức xơ cứng, do còn bị ám ảnh nặng nề bởi nhãn quan "hai phe, bốn mâu thuẫn ", khi nêu các chủ trương cụ thể về đối ngoại, dự thảo lại chỉ nhấn mạnh: "Coi trọng và ra sức phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa (chỉ còn vài bốn nước và đều nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí đói khổ !) và các nước láng giềng.... Tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Ðông và Mỹ La Tinh, với Phong trào Không Liên Kết...". Trong cả phần cụ thể hóa đường lối này không những không thấy đả động gì đến Hoa Kỳ, mà ngay cả Châu Âu! Ðường lối đấu tranh giai cấp vẫn còn chi phối nặng nề đến mức người đọc như vẫn nghe văng vẳng đâu đây khẩu hiệu "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" và những chủ trương đối ngoại lớn này vẫn chỉ chủ yếu phục vụ mục tiêu lập chiến tuyến đấu tranh chứ không phải vì nước giàu dân mạnh của tổ quốc mình.

              Về đối nội, trong khi từ thực tế đã phải khẳng định rằng "Ðộng lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết dân tộc" thì dự thảo vẫn khiên cưỡng gán ghép việc "thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa...." là "nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp".

              Ðể xác định mâu thuẫn cơ bản ở nước ta hiện nay, tôi thấy có thể tham khảo ý kiến tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua: "Gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ văn hóa thấp, số người thất nghiệp đông, tệ nạn xã hội còn nhiều với yêu cầu phát triển khoa học-công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất vững chắc với tốc độ cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao được toàn diện đời sống tinh thần, vật chất, văn hóa của nhân dân."

              Tư tưởng sùng đấu tranh giai cấp từng đã bị cố chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán "Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng". Trong tiểu luận viết cách đây mấy năm mang tiêu đề "Thử bàn về giai cấp công nhân Việt Nam ", tôi đã chứng minh hoàn toàn khách quan và khá thuyết phục rằng ở nước ta chưa hề có giai cấp công nhân trong lịch sử và, ngày nay cũng không hề tồn tại thực thể ấy. Dựa trên những phân tích rằng, do xã hội còn lạc hậu, kinh tế chưa phát triển nên sự phân hóa giai cấp chưa rõ rệt, mâu thuẫn không gay gắt, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ, ở Việt Nam "cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở Phương Tây ". Nên nhớ rằng thiên kiến về đấu tranh giai cấp trong chủ nghĩa Mác có nguồn gốc lịch sử của nó. Khi Marx và Engels viết "Tuyên ngôn của đảng Cộng sản", ở châu Âu, vấn đề dân tộc cơ bản đã được giải quyết trong quá trình cách mạng tư sản, không còn áp bức dân tộc. Nổi lên trước mắt các ông lúc bấy giờ, đối kháng giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đang trở nên rất gay gắt và quyết liệt. Vì vậy, các ông mới nói nhiều đến đấu tranh giai cấp và giải phóng giai cấp vô sản đến như vậy.

              *

              Nước ta còn quá nghèo và tụt hậu rất xa so với thế giới. Cần vạch ra cho được đường lối đúng để hòa nhập được vào trào lưu tiên tiến mà rảo bước tiến lên mới mong nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này. Muốn vậy, phải thảo luận rộng rãi, thẳng thắn để nhận thức cho đúng những vấn đề thời đại. Mấy thiển ý này chắc chắn là không đầy đủ và còn phải được bàn thảo nhiều.

              Hà Nội, tháng 3 năm 2001
              Nguyễn Thanh Giang
              Nhà A13 P9 - TTPK Hòa Mục
              Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy

              http://www.lmvntd.org/dossier/ntgiang/0103gopy.htm
              #22
                LXMai 17.11.2006 02:07:06 (permalink)

                16. Thư tố cáo về việc bị ngăn cản dự hội nghị địa lý quốc tế ở Geneve.



                Thư tố cáo về việc bị ngăn cản dự hội nghị địa lý quốc tế ở Geneve


                Hẹn.....
                #23
                  LXMai 17.11.2006 02:11:13 (permalink)

                  17.
                  18. Thư yêu cầu xử lý công an và cán bộ tư tưởng văn hoá



                  Thư yêu cầu xử lý công an và cán bộ tư tưởng văn hoá


                  Hẹn.....
                  #24
                    LXMai 17.11.2006 02:19:11 (permalink)

                    19. Thư phản kháng.


                    Thư phản kháng


                    Thư của ông Nguyễn Thanh Giang phản kháng về việc bị tịch thu tư liệu

                    Hà Nội ngày 7 tháng 7 năm 2006

                    Kính gửi :
                    Ông Nông Đức Mạnh - Tổng bí thư Đảng
                    Ông Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch Nước
                    Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ
                    Ông Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội

                    Vừa qua, công an và cán bộ văn hóa -thông tin Hà Nội đã có một số hành xử không đúng luật pháp và rất phi nhân tính đối với tôi. Sự việc như sau :

                    6 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 6 năm 2006 hàng chục công an bao vây bên ngoài, 12 người ập vào trong, đòi khám nhà tôi. Sau khi đọc tờ lệnh do thượng tá Doãn hữu Châu, phó công an huyện Từ Liêm ký, tôi đã phân tích bằng mọi lý lẽ xác đáng rằng lệnh đó phi pháp, vi hiến và tuyên bố kịch liệt chống lệnh. Mặc dầu vậy, họ vẫn cưỡng chế lệnh khám. Khám tìm tập tư liệu mang tiêu đề "Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam" nhưng họ lục soát rất thô bạo. Họ xộc vào cả nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp, lục cả tủ lạnh, thùng gạo. Thân sinh tôi 94 tuổi đang nằm ốm liệt giường cũng bị họ quấy đảo rất dã man.

                    Chiều 5 tháng 7 năm 2006, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội gửi giấy mời do ông chánh thanh tra Trần văn Tung ký yêu cầu tôi 15 giờ ngày 6 tháng 7 năm 2006 phải có mặt tại Sở "Để giải quyết việc xuất bản cuốn "Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam".

                    Công an và Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội đã quy kết và hành xử rất không đúng. Tôi chưa hề đặt vấn đề xuất bản cuốn "Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam" ở trong nước. Đây chỉ là một tập tư liệu gồm những bài viết của tôi xung quanh vấn đề Nhân quyền và Dân chủ dược tập hợp lại đóng thành một tập sách như một kỷ vật đẹp lưu lại cho con cháu, họ hàng và biếu tặng một số bạn bè, đồng thời gửi tới một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ... để tham khảo. Tập tư liệu được ghi rõ "Tủ sách gia đình", không xuất bản, không bán mà chỉ để biếu tặng.

                    Phạm vi điều chỉnh của Luật xuất bản đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 03 tháng 12 năm 2004 ghi rõ : "Luật này quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản. Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm."

                    Điều 4 của Luật xuất bản lại đã quy định rõ thế nào là xuất bản phẩm: "Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài và còn được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh trên các vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác nhau".

                    Rõ ràng tập tài liệu của tôi không phải là xuất bản phẩm vì chưa được xuất bản, chưa được xã hội hóa, không dược trưng bầy và không bán cho mọi đối tượng bất kỳ sử dụng. Tập tư liệu này đang còn là tài sản của riêng cá nhân, chỉ những đối tượng nào được tôi biếu tặng mới được sử dụng. Cho nên, chắc chắn trường hợp của tôi không liên quan gì đến phạm vi điều chỉnh của luật xuất bản do đó tôi không mắc bất cứ sai phạm nào trong chuyện này. Vậy mà mấy cán bộ ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (ông Hải, bà Bình, ông Hùng, thuộc Ban Thanh tra Sở) cứ vặn vẹo loanh quanh, cố gán tội cho tôi. Tôi nhận biết ra rằng, ở đâu đó có những người không bằng lòng dối với nội dung tập tư liệu của tôi nhưng không dám dề cập đến mà xoay ra chỉ đạo bắt bẻ vô lối nhằm trừng phạt tôi cho kỳ được. Điều kỳ lạ là họ làm việc với tôi về tập tư liệu "Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam" nhưng cả ba người đều không ai biết gì về nội dung tập tư liệu đó, thậm chí cả 3 đều chưa được nhìn thấy nó.

                    Tôi tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp với những nỗ lực bản thân rất cao để có những đóng góp không quá nhỏ cho đất nước, Nay, nói như cụ Hồ, tôi đã là một ông già ở tuổi "Thất thập cổ lai hy", vậy mà nay bị công an ầm ầm xông vào nhà khám xét, mai bị gọi lên đâu đó cho mấy cán bộ tuổi con cháu mình vặn vẹo, tra hỏi, tôi cảm thấy bị hạ nhục đau đớn, thấy buồn tủi dồn nén thành nỗi công phẫn không chịu đựng nổi.

                    Tôi xin kính đề nghị:

                    1- Chấm dứt những cuộc khám xét vô lý kiểu như vừa rồi đối với tôi. Thử hỏi, sao lại đem đánh đổi việc tước đoạt được mấy chục bản sách nhỏ nhoi của tôi lấy việc tự bôi thêm nhọ bộ mặt Nhà nước ta vốn đã có rất nhiều điều tiếng về dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận? Vả lại, điều tiếng về vụ truy lùng vừa qua đã vô tình quảng cáo rất tích cực cho cuốn sách. Giả thử nội dung cuốn sách có nguy hại cho Đảng, chính quyền thật thì việc triệt hủy được bốn chục bản sách có bù lại được mấy phần cho "lời kêu gọi tìm đọc cuốn sách" rất hữu hiệu do chính các vị gây ra không? Một số người chưa hề quen biết nhưng do "được nhà nước tuyên truyền" cũng nhắn hỏi xin tôi rất thiết tha. Tôi nghe nói mấy ngày qua càng có nhiều người tò mò tìm đọc và đã photocopy thành gấp bội lần số sách nguyên bản.

                    Nhân đây tôi xin nêu ý kiến: đề nghị quý vị cho kiểm điểm để phân tích rõ thiệt hơn, đừng để cho những phần tử hãnh tiến phấn đấu lên lương, lên chức bằng những "sáng kiến", nghe ra thì tưởng là tích cực, là trung thành nhưng thực tế lại làm nguy hại thêm cho Đảng, cho chính quyền.

                    2- Trả lại cho tôi số sách đã bị thu giữ không đúng pháp luật. Như trên đã nói, vì chưa xuất bản nên tập "Nhân quyền và Dân chủ cho Việt Nam" không phải là sản phẩm xã hội mà chỉ là một tập tư liệu của cá nhân, việc xông vào tư thất dùng uy lực lấy đi tài sản cá nhân vừa là hành động khủng bố vừa là sự cưỡng đoạt phi pháp.

                    3- Trong những quyển sách thu giữ, có 15 cuốn đã được đề tặng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội như các ông: Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Phan văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn văn An, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Nguyễn văn Hưởng... Yêu cầu những người thu giữ phải chuyển ngay tập sách đó đến các vị lãnh đạo. Việc cố tình dây dưa đề nghị phải được đem truy tố theo hai tội:

                    1) Tước đoạt tài sản cá nhân (của các vị lãnh đạo đã được tôi gửi tặng)
                    2 ) Tội khi quân vì coi thường lãnh đạo nếu cho rằng các nhà lãnh đạo sẽ bị cuốn sách đầu độc tư tưởng.

                    4- Một số người đọc đã đánh giá rất cao nội dung cuốn sách, cho rằng cuốn sách có thể giúp nhân dân hiểu rõ và đúng đắn về vấn đề Nhân quyền và Dân chủ. Nếu được các vị lãnh đạo nghiêm túc tham khảo sẽ càng có tác dụng thiết thực đóng góp cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước ta tiến triển đúng hướng và nhanh chóng hơn. Cuốn sách nên được cho xuất bản chính thức để rộng rãi độc giả được tiếp cận. Nếu nội dung cuốn sách chứa đựng những tư tưởng xấu, những nhận thức sai lệch thì quảng đại độc giả sẽ phê phán, thậm chí lên án mạnh mẽ, giúp nhà nước kết tội và trừng trị đích đáng.

                    Cách làm như vừa qua làm cho Đảng và chính quyền bị mang tiếng là vì bất chính nên sợ tiếng nói chân chính, dù chỉ rất lẻ loi, nhỏ nhẹ. Ai đó còn ví von: như cú sợ mặt trời. Thật vậy, không lý gì, với hơn 600 tờ báo, hàng trăm nhà xuất bản, mỗi năm xuất bản hàng nghìn đầu sách, ấn hành hàng triệu bản sách lại không "đấu tranh tư tưởng" nổi với một đầu sách của tôi mà số ấn bản chỉ bằng một phần triệu so với của Đảng, của Nhà nước. 5- Đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng chỉ nên bằng lý luận, bằng thuyết giảng, không nên dùng thủ đoạn hành chính, càng không được sử dụng bạo lực. Tiếc rằng, sau khi dùng bạo lực xông vào nhà tước đoạt tư liệu cá nhân, đúng ngày 6 tháng 7 tôi còn bị mời lên làm việc với Sở Văn hóa- Thông tin Hà Nội. Vào lúc 15 giờ, khi gặp ông Chánh thanh tra Sở Văn hóa- Thông tin, tôi đã thông báo: hiện giờ gia đình đang tổ chức lễ mừng thọ Bẩy mươi cho tôi ở nhà, hy vọng rằng Sở Văn hóa sẽ rất quan tâm đến những tập tục văn hóa thiêng liêng của nhân dân, giải quyết nhanh để tôi được về sớm. Vậy mà, người ta bầy chuyện để lưu giữ tôi cho đến 19 giờ kém 15 tối. Trong khi đó, mặc dù đã đến từng nhà các khách mời của tôi để hù dọa, ngăn trở không cho đến dự, mấy xe chở hàng chục công an, có trang bị máy quay phim vẫn bao vây quanh nhà tôi. Và, họ lại tiếp tục cắt cả điện thoại để bàn lẫn mobile cuả tôi!

                    Sao lại thù hằn tôi ghê gớm đến như vậy? Sao lại đối xử với tôi bằng cả những hành động tàn bạo và những thủ đoạn nhỏ nhen như vậy?

                    Tôi khẩn thiết gửi thư này đến quý vị, những người lãnh dạo mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội với niềm hy vọng cái mới bao giờ cũng tươi hơn, sáng hơn.

                    Rất mong được các ông quan tâm đến nội dung thư này.

                    Trân trọng
                    Nguyễn Thanh Giang
                    Số nhà 6 - Tập thể Địa Vật lý Máy bay
                    Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội



                    http://www.ykien.net/nthanhgiang26.html
                    #25
                      LXMai 17.11.2006 17:08:58 (permalink)

                      20. Mười hai ngày tuyệt thực trong trại giam B-14


                      Mười hai ngày tuyệt thực trong trại giam B-14


                      Trong những bức thư gửi các ông Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, vợ tôi có kể lại : "Ông Giang trước khi rời khỏi nhà đã nói rằng : "Các ông b¡t tôi trước khi có những chứng cứ này. Các ông hãy nhớ lấy điều đó !". Tôi không được biết là ông Giang gửi thư gì ở bưu điện, nhưng qua lời nói của ông ấy tôi thấy việc b¡t bớ này thật là khó hiểu".

                      Tôi thì tôi không nhớ tường tận đã nói những gì, chỉ biết lúc ấy tôi đứng rất thẳng. Vây quanh tôi, ở phía bên kia, hơn hai chục công an nhiều cấp bậc ; bên này : vợ, con, cháu nội, cháu ngoại và vài người hàng xóm, họ hàng tình cờ có mặt, đứng ngồi chật kín gian phòng khách tương đối rộng của nhà tôi. Tất cả đều sửng sốt. Mới lúc trưa người nhà còn thấy tôi complê càvạt đường hoàng, trên đường đến một Trung Tâm Khoa Học Công Nghệ mà tôi là cố vấn. Dọc đường đi, tôi rẽ vào bưu điện 18 Nguyễn Du. Tôi vừa bỏ xong mấy bức thư thì một tốp đàn ông lực lưỡng ập tới. Họ không đọc lệnh, không xuất trình thẻ công an. Một người nói rất gọn : "Tôi, công an Hà Nội !", đồng thời giật ngay chìa khóa xe máy, đẩy tôi ngồi sau lưng người đang ngồi trên một chiếc xe máy khác. Tôi không kịp phản ứng gì. Định thần lại mới chợt nghĩ : "Không khéo mình bị lưu manh cướp xe rồi mang đi tống tiền". Chưa kịp kêu toáng lên thì họ đã đưa tôi vào đồn công an Chợ Hôm gần đấy. Họ vây bủa tôi ngay tức kh¡c bởi một không khí uy hiếp phủ đầu. Người vào ra rầm rập. Hai chiếc máy quay video cứ thế chĩa vào mặt tôi hết giác độ này lại giác độ kia. Tôi ngồi thản nhiên chờ đợi, cố giữ thái độ trầm tĩnh vì nghĩ rằng ngộ nhỡ sau này họ xây dựng một bộ phim tài liệu lịch sử thì sao. Thật vậy, cái màn diễn vừa qua quả có kiếm hiệp thật. Nếu không thì việc gì họ phải làm thế. Cứ đứng nghiêm, giơ tay lên đầu chào tôi kính cẩn, trình thẻ công an trịnh trọng, đọc lệnh nghiêm trang có phải nó danh giá không ! Tôi có chạy đâu mà sợ.

                      Khi phát biểu cảm tưởng kết thúc giai đoạn lục soát để chuyển mạnh sang giai đoạn cho vào tù hình như tôi đã nói to và dõng dạc gần như trước đây từng thuyết trình ở các hội trường, các giảng đường, các thư viện. Vợ tôi không khóc, con trai tôi mặt nóng bừng... Không gian căng lên một trạng thái bi hùng.

                      Hai chiếc computơ, mấy thùng sách báo, tài liệu cùng chiếc máy photocopy đã bị khiêng đi. Tôi xách chiếc vali đỏ (mà con gái tôi vừa đem trả sau chuyến dự một Hội thảo Khoa học Quốc tế ở Hà Lan về, trong đó vợ tôi đã bình tĩnh nhanh nhẹn xếp đầy đủ mọi thứ cần thiết như cho một chuyến công tác xa) bước ra cửa. Sau lưng tôi, không còn những "người nách thước, kẻ tay dao", cái không khí "ào ào như sôi" cũng đã l¡ng xuống nhưng tôi biết mọi người còn ngơ ngác không biết đến bao giờ trước cảnh tơi tả những ngăn bàn, những tủ sách suốt mấy tầng nhà bị lục soát thật là thô bạo.

                      Con dâu tôi chạy theo khóc thút thít. Khi cánh cửa xe dập mạnh thì con gái tôi oà lên nức nở. Gần chục chiếc xe con đủ loại của Bộ Công An, của Sở Công An Hà Nội... lần lượt tản đi. Lúc xe tôi chuyển bánh, đoạn phố mới bên sông Tô Lịch gần nhà tôi đã lên đèn. Tôi chợt thấy ân hận. Sao tôi không bình thản dừng lại mấy giây ôm con gái vào ngực, vừa để vỗ về an ủi, vừa để làm yên lòng con gái tôi về cái nhịp đập trầm tĩnh của trái tim mình.

                      Sau một số thủ tục ban đầu ở Sở Công An Hà Nội, một trung tá và một thiếu tá công an chở tôi đi bằng chiếc xe Lada của Liên xô cũ. Gần nửa đêm, chỉ còn cách Trại B14 không đầy một kilomet, khi vừa chấm đến ranh giới khuôn viên ngôi đình thờ tiên triết Chu Văn An thì xe bỗng chết máy. Hai người áp giải tôi hết gọi điện thoại lại loay hoay nhứ côn, thử bugi... đến thừ cả người. Vậy mà tuồng như có ma lực nào chặn mấy người này lại, b¡t đứng giữa trời đêm hàng giờ đồng hồ trong mênh mang khuya kho¡t mà tự vấn. Tôi buột miệng hỏi : "Các anh có nghe được cụ Chu Văn An phán bảo điều gì không ?". Lời răn dạy ứng khẩu lúc thanh v¡ng đó không ngờ như đã tạc linh nghiệm vào tâm tư họ. Một trong hai người nghe câu hỏi đó sau này tham gia chính thức vào việc hỏi cung tôi mà suốt quá trình thẩm vấn có đến vài ba lần anh ta tự nhiên xưng xưng nh¡c đến hiện tượng bị chặn lại bên đình Chu Văn An.

                      Kể cũng lạ. Có những điều bí ẩn tâm linh rõ ràng có thật. Ba ngày sau khi tôi bị b¡t, ngoài công an, không hề có ai được biết tôi đã bị áp giải thế nào ? bị giam ở đâu ? Vậy mà, ông Trần Dũng Tiến - người đã từng tham gia quyết tử quân hồi đầu Cách mạng Tháng Tám, người mà mấy năm gần đây bỗng nhiên trở thành bạn vong niên gần gũi với tôi - tự mình bảo mình tìm đường đến Trại B14 đòi được thăm tôi. Bị chối từ, không người trần thế nào gợi ý nhưng ông cứ lừng lững như đi theo tâm linh mách bảo, vào đúng đình thờ Chu Văn An xin đốt đèn, th¡p nến, thỉnh chuông dâng hương cầu khấn cho tôi.

                      Một tuần lễ sau khi tôi rời trại giam về nhà, người thiếu tá công an nọ đến "thăm" tôi. Một trong những câu hỏi đầu tiên của anh ta là : "Anh đã đến th¡p hương ở đình cụ Chu Văn An chưa ?". Anh này vốn xinh trai, khi anh hỏi câu ấy, tôi thấy khuôn mặt anh ánh lên một tín ngưỡng. Người ta thường nghĩ làm công an mà không có bộ "mặt s¡t đen xì" và trái tim lạnh tanh thì khó bề thăng tiến, tuy nhiên, nếu công an ta thực sự hướng đến mục tiêu vì nước, vì dân cả trong lĩnh vực an ninh chính trị thì có thể anh sẽ là một trong những người được hưởng phúc lộc nhiều nhất.

                      Tôi cùng vợ tôi đã đến th¡p hương tại đình thờ Chu Văn An. Ngôi đình không được chăm sóc đúng mức cần thiết nên đã xuống cấp rất đau lòng. Người trông coi ngôi đình ước ao có được một khoản tài chính cỡ chừng trên dưới một tỷ đồng để trùng tu. Tôi băn khoăn canh cánh bên lòng nếu từ nay đến cuối đời không có điều kiện tham gia vận động quyên góp từ trong, ngoài nước để cống hiến vào công trình này. Chu Văn An chính là một Ngôi sao Khuê lung linh sáng, là một trong những biểu tượng cao cả nhất của trí thức Việt Nam. Ngành giáo dục Việt Nam nên tôn vinh Người là nhà giáo danh dự số một của dân tộc và nên lấy ngày giỗ Cụ (chứ không phải ngày 20 tháng 11) làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

                      Lâu l¡m rồi không nghe thấy tiếng cuốc kêu, kể cả vào những đêm ở các vùng quê xa xôi, nhưng không hiểu sao ngay sát các phố đông Hà Nội, đâu đó bên bờ đoạn sông Tô Lịch chảy qua làng Văn (xã Thanh Liệt, Huyện Thanh Trì, Hà Nội) quê hương Chu Văn An lại l¡m cuốc đến thế. Đêm đêm tiếng "quốc quốc" cứ xà xã vọng vào phòng giam tôi nghe như tiếng ai nhớ nước đau lòng. Chỉ vì "tấc lòng chưa thể như tro nguội" trước vận mệnh của dân, của nước mà Chu Văn An đã dâng Thất Trảm Sớ để rồi sau đó đành treo mũ áo ở cửa Huyền Vũ về ở ẩn trong núi Phượng Hoàng. Tuy nhiên, Chu Văn An tự ý rời bỏ triều đình chỉ vì giận vua Trần Dụ Tông đã không biết nghe lời mình chứ không phải do bị vua ruồng bỏ vì dám bêu xấu, dám kết tội bẩy ông quan thân tín trong triều của vua. Vậy mà, lẽ nào, chỉ vì nói trái ý "vua", chỉ vì dám vạch mặt các "quan" hủ bại, tham tàn mà những trí thức Việt Nam ngày nay tức kh¡c bị trừng trị thẳng tay, bị giam cầm tàn nhẫn ! Lẽ nào, nhân loại đã vượt qua các nền văn minh xa xưa để được bay lên phơi phới trong các làn sóng của kỷ nguyên văn minh thứ ba thì trí thức Việt Nam vẫn bị đối xử tồi tệ hơn cả thời phong kiến ở chính đất nước mình ?

                      Tôi bước vào phòng biệt giam lúc đã khoảng hai giờ sáng. Hai giờ sáng ngày 5 tháng 3 năm 1999. Khi mấy người quản giáo khóa trái cửa lại bằng chiếc khóa mà tiếng va đập của nó nghe rất nặng nề, tôi có cảm giác thân phận mình chỉ còn như một sinh vật được nhốt trong một chiếc cũi hiện đại và... có phần sang trọng. Rầm rĩ đâu đây tiếng hổ gầm của Thế Lữ "Gậm một mối căm hờn trong cũi s¡t".

                      Tôi tuổi Bính Tý. "Bính biến vi sư, Bính biến vi tù". Sư thì tôi đã "vi" từ hồi Kháng chiến chống Pháp, khi chưa vào tuổi vị thành niên. Có lẽ tôi có một tội hành chính đáng kể duy nhất trong đời là lúc ấy đã man khai lý lịch qua việc ghi tăng một tuổi để được vào biên chế nhà nước chính thức từ năm 1953. Tôi rời biên chế ngành giáo dục ở Thanh Hóa từ lâu l¡m rồi nhưng đúng là do duyên số của cái can Bính nên từ bấy thỉnh thoảng vẫn phải quẩn quanh trên bục giảng ở một trường Đại học nào đấy, cho đến cái trường đại học cuối cùng tôi được đặt chân tới là trường UCLA ở Los Angeles, chỉ mấy tháng trước khi được cho về hưu.

                      Thế nhưng còn cái sự "vi tù" thì làm sao có thể tưởng tượng là định mệnh có thể "biến" giỏi như thế được ? Cả cuộc đời tôi, tôi sống rất chân thành, trong sáng, thực sự với tư chất "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di". Từ buổi "thập hữu ngũ nhi chí ư học", với sức trai căng đầy nhựa sống, cho đến khi đã quá cái tuổi "nhi nhĩ thuận", chưa hề bị bất cứ hình thức kỷ luật nào chứ đừng nói gì đến những chuyện liên quan đến chốn pháp đình. Tôi cứ lẩn thẩn thống kê, phân tích, lại suy đoán, lý giải ... và bất thần liên hệ đến Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh ... Hình như các vị này không cùng can Bính với tôi. Vậy thì đây là cái nghiệt ngã của số phận hay cái tàn bạo của chế độ chính trị ?

                      Tình cờ run rủi làm sao, tôi bị giam vào đúng cái phòng trước đây đã giam Hoàng Minh Chính. Những đêm cô quạnh trong cái cũi sang trọng này tôi thường v¡t tay lên trán mênh mang buồn nhớ lại những ngày xưa thân ái. Những tháng ròng cơm độn khoai chấm muối gạo (gạo rang tán nhỏ với muối rang) ăn với sung luộc. Những đêm rừng hun hút, trong chiếc lán nhỏ chỉ bằng khoảng bốn cái chiếu, dựng trên những chiếc cột cao đề phòng thú rừng đột kích, hơn chục người phải nằm sát vào nhau, tôi vì được tín nhiệm nên bị phân công nằm ở chỗ phân cách giữa nam và nữ. Những lần tôi đến thăm một đội khảo sát thực địa, đói quá nhưng quý nhau l¡m nên anh em tích cực rủ nhau đốt đuốc lần ra tận luống rau muống trồng bên bờ suối hái về luộc lên chấm nước muối mì chính v¡t chanh ăn vã, xì xụp đãi tôi... Những người ấy đấy, đã trần lưng trần xác suốt tháng ròng, suốt năm ròng cùng tôi góp phần vẽ nên những tấm bản đồ từ trường trên lãnh thổ mình để định hướng cho công tác tìm kiếm quặng mỏ.

                      Tôi cứ thế triền miên không chỉ nghĩ đến những Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Liêm, Lê Hồng Hà... mà cả một số nào trong những anh em ấy, trong những cựu chiến binh đã từng lăn lộn ở các chiến trường ác liệt nhưng do những hoàn cảnh éo le đã lâm cảnh tội tù, cả những nông dân Thái Bình dũng cảm... Thì ra ai đó đã nói đúng chăng ? "Cách mạng bao giờ cũng ăn thịt những đứa con đẻ của mình". Không, tôi muốn xác quyết rằng điều này chỉ đúng khi bộ phận nào trong đó đã thành tinh, đã đứng bên bờ vực thẳm của địa ngục.

                      Tôi cứ triền miên trở lại quá khứ tưởng đã vời xa l¡m rồi. Gian khổ quá chừng ư ? Vất vả quá chừng ư ? Dẫu có thế thì cuộc đời này vẫn đáng yêu l¡m và nếu được đầu thai thì tôi xin tình nguyện sống lại đúng cuộc đời của tôi đã sống, trên chính đất nước này.

                      Nhưng rồi, cay đ¡ng sao, tôi đã nghĩ đến cái chết ! Phải chăng, âu cũng là như Jules Renard đã từng nhận xét : "Con người là sinh vật duy nhất có khả năng thỉnh thoảng nghĩ về cái chết".

                      Những bức tường quanh tôi không được trát phẳng mà phun vữa bêtông lởm chởm. Tôi ấn cái đầu tóc đã thưa của mình vào các cục bêtông cứng nhô lên nhọn ho¡t dập dập. Không, tôi sợ máu l¡m. Vả chăng, nếu không chết được ngay mà cứ quằn quại trong trạng thái dở sống dở chết thì hãi hùng biết bao. Uất ức quá, tôi đành tuyệt thực. Một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày ... Lạ quá, sao không ăn gì mà bụng vẫn đau. Thậm chí cứ són phân ra quần. Thì ra, tuy không còn thực phẩm nhưng cái dạ dầy nghiêm túc nhớ chức năng của mình vẫn chuyên cần co bóp và v¡t những lớp nhầy cuối cùng bám ở thành ruột, đẩy ra. Cứ canh ba canh tư thì thấy người lả đi với cảm giác s¡p được về chốn bồng lai. Vậy mà, sáng sáng vẫn lên phòng thẩm vấn bằng những bước đi ngày một rã rời. Vào đầu những buổi thẩm vấn đó bao giờ tôi cũng thều thào nói không ra hơi. Thế nhưng, lạ thay, chỉ một giờ sau là máu trong tim lại tuôn lên đầu và tôi lại đối đáp dõng dạc, đôi khi còn "khoa tay, múa chân" nữa. Hỏi cung tôi bao giờ cũng là hai công an cấp tá chừng trên bốn mươi. Nói chung họ có học hơn những ngưòi hỏi cung mà Trần Thư và Vũ Thư Hiên đã mô tả. Họ có tố chất Javert, thực hiện rất nghiêm túc nhiệm vụ cấp trên giao, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác là tôi thuộc về thế hệ họ và sau họ. Rất có thể sớm muộn rồi chính họ sẽ viết hoặc cung cấp những tư liệu, những cảm nghĩ cho các nhà văn nhà báo viết về tôi một cách trung thực.

                      Ngồi trong phòng cung, đối diện họ, mặc dù hết sức phẫn uất trước cuộc khảo tra đáng nhẽ dứt khoát không được phép tiến hành, ngoại trừ hai lần bất thần nổi nóng đập bàn quát tháo vang cả mấy tầng nhà, tôi luôn nhủ mình cố giữ một thái độ đúng mực. Tôi thường trả lời tức kh¡c các câu hỏi một cách thoải mái, không cần tính toán đ¡n đo nhưng tuyên bố thẳng thừng rằng : "Tất cả những gì tôi nói thì ch¡c ch¡n đúng sự thật, tuy nhiên, không phải cái gì tôi cũng nói ra, đặc biệt là những điều liên quan đến người khác. Đấy là nguyên t¡c !". "Nguyên t¡c gì ?" họ hỏi. Tôi trả lời : "Nguyên t¡c của kẻ sĩ".

                      Để bớt căng thẳng, thỉnh thoảng tôi xin phép họ "mở ngoặc đơn" để kể một ít câu chuyện trong mục" Nói thật về những điều đã từng nói dối". Đó là những chuyện đại loại như vào thuở nào đó, khi được anh em giới thiệu là tiến sĩ say mê sự nghiệp khoa học quá nên chưa lấy vợ nhưng tôi cứ ậm ờ không thành thật cải chính. Thế là, gặp tôi giữa rừng, các cô gái Thái cứ vẫy gọi tíu tít : "Cán bộ đi, tối nhớ về chơi em nhé !" (Tôi xin phiên dịch lại ở đây, sự thật là các cô muốn nói : "Các anh đi làm việc, tối về nhớ qua chơi nhà em nhé"). Hồi tôi mới tốt nghiệp đại học, vào ngành địa chất, kỹ sư thời ấy còn tương đối hiếm. Tôi thường đi công tác cùng chuyên gia Liên Xô. Một hôm ông chuyên gia cùng đi với tôi gặp một chuyên gia Trung Quốc. Ở những năm đầu thập kỷ 60 ấy tất cả các nước xã hội chủ nghĩa còn như môi với răng, nên hai vị rất th¡m thiết, hết chuyện địa chất lại chuyện văn học nghệ thuật. Tôi phải làm phiên dịch bất đ¡c dĩ. Vốn từ Nga, Tàu của tôi chỉ đủ sử dụng trong lĩnh vực chuyên môn là cùng, nhưng để bảo đảm cho hai vị khỏi hụt hẫng, tôi đành bịa. Cứ vị này nói xong một câu thì tôi cũng nói nhưng tôi phải sáng tác ra một câu mà tôi có thể nói được bằng tiếng Nga hay tiếng Tàu, chứ không phải là câu hoàn toàn đúng ý của vị đó. Thế là, cả hai vị, về căn bản đều chỉ được nói chuyện với tôi nhưng cứ tưởng đang được nói chuyên với nhau một cách thích thú. Chia tay, cả hai vị đều phải cảm ơn tôi "hảo hảo, xpaxibô".

                      Sau sáu ngày tuyệt thực đầu tiên, tôi sụt 5 kilogam. Công an có vẻ rất bối rối. Họ khuyên tôi nên cộng tác tích cực thì công việc mới nhanh được. Thế là tôi đành ăn uống một cách nghiêm túc để có thể cùng họ ngồi trước bàn computơ đến hơn một giờ sáng mà giải trình. Tôi hy vọng sẽ được thả trước ngày thứ chín để khỏi phải làm thủ tục chuyển từ tạm giữ sang tạm giam. Nhưng, đến hết ngày thứ chín họ lại trao cho tôi lệnh tạm giam 4 tháng. Tôi vô cùng phẫn uất nhưng nghĩ rằng họ đã không có ý lừa để tôi chấm dứt tuyệt thực. Tôi cho là, có những người biết lý lẽ, biết luật pháp đã muốn thả tôi ngay, thậm chí không muốn b¡t tôi. Tiếc rằng, có những kẻ quyền thế khác, vốn dĩ đã không ưa tôi, nay lại giận cái ông Nguyễn Trung Trực nào đó, tác giả bài "Góp ý xây dựng Đảng", đến mất cả trí khôn, mất cả nhân tính nên đã muốn băm vằm đâm chém cho hả dạ ; muốn đàn áp, trừng trị, đe nẹt không chỉ tôi mà hàng loạt người khác nữa ! Ôi, cái cơ chế độc quyền, toàn trị tệ hại đến mức nó xui người ta tự thấy mình có siêu quyền sẵn sàng mặc sức tước bỏ nhân quyền của bất cứ ai tỏ ra không thần phục. Đối với họ, không phải là đất nước, không phải là dân tộc, mà chỉ có chính quyền với cái ghế của họ là quan trọng hơn cả !

                      Những cai tù ở Trại B14 được gọi cái tên văn hoa là quản giáo. Sự thực, họ không có vẻ dữ dằn. Tất cả đều mang hàm đại úy. Thỉnh thoảng họ đứng lại trò chuyện với tôi qua song s¡t. Họ không thô lỗ xấc xược, mà trái lại khi tiếp xúc với tôi, trong ánh m¡t họ tôi chủ quan thấy dường như có sự thương mến hay là cảm phục nào đó. Trong lúc chuyện trò, rất nhiều người liên hệ đến bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc và thường an ủi tôi hãy cố g¡ng giữ gìn sức khoẻ để mong chờ và tin tưởng. Tôi tập thể dục và tập dưỡng sinh nhiều hơn khi ở nhà. Trong căn phòng chỉ 16 met vuông ấy tôi cố g¡ng đi bộ mỗi ngày ít nhất một kilomet, kể cả ngay sau khi ngừng tuyệt thực. Tôi tranh thủ mối thiện cảm của các quản giáo để xin được ưu tiên giữ tờ báo Nhân Dân từ cuối giờ chiều hôm trước đến ngày hôm sau. Đọc được tin thủ tướng Phan Văn Khải s¡p đi thăm Nhật Bản và Australia, tôi khấp khởi trông mong và tin ch¡c là mình sẽ được thả muộn nhất là vào trước ngày Thủ tướng lên đường. Thế rồi, tôi đã thất vọng và buồn phiền không phải chỉ vì được tin Thủ tướng đi tới đâu cũng bị biểu tình phản đối mà ngạc nhiên thấy Thủ tướng nước mình lần này không được đón tiếp long trọng ngay khi đặt chân tới đất khách mà lại đi thăm đình chùa, danh th¡ng ở Nhật hoặc đến các bang xa xôi ở Úc trước khi tiếp kiến các nguyên thủ. Không, tôi không tin là các vị lãnh đạo tối cao đương chức của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ ta lại không đủ tỉnh táo, lại cố chấp, lại nỡ hy sinh cả quyền lợi đất nước, quyền lợi dân tộc cho việc bảo toàn "danh dự" cá nhân hoặc giải nguôi cơn thịnh nộ của mình. Vậy thì cái sức uy hiếp của thế lực nào đây, cái khuyết tật nào trong cơ chế vận hành đã không cho phép xử lý tình huống một cách hợp lý và kịp thời để có thể tránh lỗi lầm đạt được kết quả tốt đẹp mong muốn ?

                      Trong lịch sử, ta từng thấy có những nhà cầm quyền chỉ vì để giải tỏa cơn thịnh nộ cá nhân, chỉ vì ngoan cố bám giữ một thiên kiến, đã không ghê tay v¡t kiệt mồ hôi, nước m¡t, kể cả máu của nhân dân mình. Họ không ngần ngại phóng tay "Giãi thây trăm họ làm công một người". Tôi rùng mình ghê sợ khi nghe tin người ta huy động hàng trăm người trong đó có cả những nhà khoa học nổi tiếng bằng hai bàn tay không ra đứng giữa trời, đương đầu với bom đạn chỉ để giữ một cây cầu ! Trong số những người ra đứng đó ch¡c không có Slobodan Milosevic hay vợ con ông ta. Sao ông ta lại đồ tể đến mức không những không có biện pháp hòa giải hữu hiệu mà còn kích động người Serbia tàn sát người Anbani-Cosovo dã man đến thế ! Vậy mà người ta cũng ủng hộ ông này được ư !? Chiến tranh bao giờ cũng là sự tồi tệ cần triệt để tránh nhưng vì thiếu thông tin, thiếu tư liệu nên tôi không biết có phương cách khả thi nào có thể giải quyết vấn đề Nam tư tốt đẹp hơn không ?

                      Tôi viết bốn bức thư gửi công an cầm tay về gia đình nhưng ở nhà chỉ được nhận có hai mặc dù trong đó không hề viết tý gì liên quan đến nội dung vụ án. Hóa ra là chỉ vì mấy câu tâm tình của tôi đại loại như : "Ba tin rằng cái hạt cứng bị vùi xuống đất đen sẽ nẩy mầm và đơm hoa tươi th¡m". Thế có khổ cho tôi không !

                      Tôi xin viết thư cho các đồng chí lãnh đạo, mấy ông công an tỏ ý không bằng lòng. Tôi đành mánh khóe xin được ngồi một mình trong phòng cung cho tĩnh tâm để viết và nói lập lờ như sẽ viết bản nhận tội. Họ đếm cẩn thận từng tờ giấy phát cho tôi. Cuối buổi khi công an mở khóa cửa, tôi nộp cho họ thư gửi bốn vị lãnh đạo tối cao. Song, chờ mãi không thấy động tĩnh gì, thần kinh căng thẳng, uất ức quá chừng, tôi quyết định tuyệt thực lần thứ hai, kể từ 21 tháng 4. Từ lúc bị b¡t giam, nói chung, tôi không muốn vợ con đến thăm, đặc biệt là các cháu nhỏ nhưng trước ngày b¡t đầu đợt tuyệt thực quyết liệt này, tôi nhiều lần nằn nèo thống thiết mà họ không hề nao núng, nhất quyết không cho gặp ai cả. Tôi vật vã trăn trở, xót xa. Hồi nhỏ tôi rất hay mơ. Cho đến những năm xấp xỉ tuổi 50 thỉnh thoảng vẫn còn thấy lặp lại những giấc mơ bay bổng lên chơi vơi. Nhưng đã lâu l¡m rồi tôi hầu như không nằm mơ nữa. Vậy mà dịp này cứ vừa chợp m¡t là lại thấy vợ, thấy con, thấy cháu nội, cháu ngoại chạy oà tới rồi vấp ngã kêu khóc inh ỏi. Thế là giật mình tỉnh dậy thao thức không thể nào ngủ lại được. Nước m¡t chẩy ra giàn giụa.

                      Hình như linh tính là có thật. Linh tính càng hiện hữu mạnh mẽ khi có "đồng khí tương cầu". Vào khoảng những ngày này, mặc dù bên ngoài trại giam không hề được loan truyền bất kỳ tin tức nào về tôi, ông Hoàng Hữu Nhân, cựu Bí Thư Thành Ủy Hải Phòng, nguyên Trưởng Ban Công Nghiệp Trung Ương Đảng đã khẩn trương cảnh báo thiếu tướng Phạm Chuyên, giám đốc Sở Công An Hà Nội về khả năng tuyệt thực của tôi. Rồi thì, đúng ngày 21 tháng 4, 1999 là ngày tôi b¡t đầu tuyệt thực lần thứ hai, ông cảm thấy nôn nao không chịu nổi, đã quyết định gửi thư cho Bộ Chính Trị. Ông viết : "Tôi khẳng định Thanh Giang là người tốt, thẳng th¡n, rất nhiệt tình, sôi nổi, muốn đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước... Ra tòa, theo điều luật 205a với nội dung khá chung chung, trừu tượng thì quan tòa cũng có thể phân tích là T.G lưu giữ và tán phát tài liệu đó (tức là bản "Góp ý xây dựng Đảng"của Nguyễn Trung Trực) là phạm pháp để lên án ; nhưng bị cáo và luật sư cũng có cơ sở để phân tích là không phạm pháp... Dư luận trong nước, ngoài nước đang theo dõi sẽ không đồng tình việc xử án đó. Đảng và Nhà nước ta sẽ mang tiếng là tiếp tục thi hành chính sách đàn áp trí thức có ý kiến khác..." .

                      Đúng vậy, sau một tháng, ban ngày trả lời thẩm vấn, ban đêm tranh thủ đọc kỹ bộ Luật Hình Sự, tôi đã khẳng định với công an rằng tôi dứt khoát không phạm bất cứ điều luật hình sự nào của nước ta. Tôi yêu cầu hoặc phải trả tự do ngay cho tôi, hoặc phải sớm đưa tôi ra tòa xử công khai. Tôi cảnh báo đanh thép rằng : "Nếu dám tổ chức phiên tòa công khai như thế thì ch¡c ch¡n tôi sẽ đi vào lịch sử. Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng... đã đi vào lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc thì tôi sẽ đi vào lịch sử đấu tranh vì tự do dân chủ cho nhân dân tôi". Cái giọng tự tôn huênh hoang đó thực tình là đáng xấu hổ, tuy nhiên, trong hoàn cảnh bất đ¡c dĩ này tôi đành sử dụng như một vũ khí răn đe.

                      Đưa tôi ra tòa vì những bài viết của tôi ư ?

                      Tôi đã viết hàng chục năm nay. Bài nào tôi cũng ghi tên và địa chỉ rõ ràng. Bài nào ngoài việc gửi cho các báo và tạp chí của Đảng, tôi cũng gửi cho nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên Trung Ương Đảng, kể cả Tổng Bí Thư. Nhiều bài đã đăng trang trọng trên trang nhất báo Nhân Dân, nhiều bài hiện nay tạm thời chưa tiện đăng hoặc chưa dám đăng. Có bài, báo khác ngại không đăng nhưng khi Cố Vấn Phạm Văn Đồng tình cờ phát hiện đưa giới thiệu với báo Nhân Dân thì báo này rất trịnh trọng đăng nguyên văn, mặc dù bài báo có độ dài quá cỡ so với các bài thông thường trên báo.

                      "Nhân vô thập toàn". Một trăm việc làm, thế nào cũng có việc sai sót. Một trăm câu nói, thế nào cũng có lúc sẩy miệng. Nghị quyết Trung Ương Đảng còn có khi sai nữa là. Huống chi, tôi đã viết tới trên 500 trang sách in. Nhiều người tỉnh táo, sáng suốt, khách quan đều đánh giá rằng những bài viết của tôi biểu hiện một ý thức trách nhiệm cao, một tinh thần xây dựng mạnh mẽ và thực sự đã có đóng góp không nhỏ cho nhân dân, cho đất nước, kể cả cho đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu trí thức nước ta không vì quá sợ hãi trước thực tế trấn áp vừa tinh vi vừa tàn bạo thì không chỉ có tôi mà ch¡c ch¡n đã có rất nhiều kế sách hay, nhiều ý kiến sáng suốt hơn hẳn tôi đã được dâng tấu. Như vậy, rất có thể nước ta đã tránh được tối đa những lầm than cơ cực vì cứ phải "tìm những nỗi đoạn trường mà đi". Thế mà, người ta đã đầu tư rất nhiều công sức bới lông tìm vết, phát hiện cho được những sơ hở của tôi rồi thổi phồng lên với hy vọng trù diệt tôi cho được. Sao lại gian trá đến thế này ! Tôi hiến cho nhân dân nồi cơm Thạch Sanh, nồi cơm đó ăn sống người, sao chỉ nhặt ra những hạt sạn và bố cáo ầm ĩ rằng tôi ám hại nhân dân bằng toàn sỏi cát ? Tôi dâng Đức Vua bình rượu bổ trường sinh, sao chỉ chiết từ trong đó một ly ty nọc r¡n rồi lu loa lên rằng tôi đầu độc vua ?

                      Vả lại, nếu tôi phải ra tòa vì những bài viết đó thì tôi sẽ yêu cầu nhiều quan chức cao cấp đã từng được tôi trân trọng đệ trình những bài viết đó cùng đứng chung vành móng ngựa với tôi để chịu tội ghi ở điều 19 Bộ Luật Hình Sự : Tội không tố giác tội phạm.

                      Tôi đã viết những gì qua các trang viết đó ? Tất nhiên tôi không viết một cách vô thưởng vô phạt, không ăn theo nói leo, không viết chỉ vì nhuận bút, chỉ vì đồng lương, thậm chí vì mưu cầu lên lương lên chức. Tôi viết đến hao kiệt cả nơron, cả hồng cầu của mình.

                      Đâu phải chỉ một nhà văn nào đó thấy được "những câu chữ tâm huyết như máu rỏ lên trang giấy"của tôi.

                      Cách đây năm sáu năm tôi từng tha thiết khuyến nghị sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hãy ưu tiên trước hết cho nông thôn, hãy khoan bớt sự vội vàng tập trung đầu tư hình thành các tam giác đô thị đồ sộ để từng bước nhanh chóng xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng cho nông thôn, tôi đã đề suất thành lập Bộ Phát Triển Nông Thôn. Năm 1992 khi "Thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam 1980" tôi từng băn khoăn thổ lộ : "một chương như Chương 3, gồm tới bốn vấn đề lớn : văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ mà chỉ gồm 13 điều. Tại sao du lịch chỉ là một trong các hình thức văn hóa - thể thao lại cần phải dành riêng cả một điều cho nó ?". Quả nhiên đến nay, trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học... thì xơ xác tiêu điều, trong khi ngồn ngộn nhiều khách sạn hầu như bỏ không. Người ta hý hửng tháo khoán cho những kẻ thân tín của mình nhao nhao biến thành tư bản đỏ để nhỡn tiền chúng đang "sập tiệm"và rất có thể rồi ra chúng sẽ bị nhân dân treo cổ. Tôi không hề cực đoan, không đòi tư nhân hóa ồ ạt và triệt để nhưng tôi không thể bỏ qua sự hoang tưởng ngớ ngẩn khi người ta đưa vào dự thảo báo cáo chính trị Đại Hội VIII cái chỉ tiêu năm 2001 kinh tế quốc doanh phải chiếm tỷ trọng 60% GDP. Tôi không thể đồng tình với cái khẩu lệnh thôi thúc tư bản hóa máu mê hơn cả ở những nước tư bản : Đảng viên cũng phải biết làm giầu ! Tôi không thể không bầy tỏ sự ngạc nhiên trước cái lạnh lùng như là tàn nhẫn khi nghị quyết của hội nghị lần thứ 7 ban Chấp Hành Trung Ương khóa VII nhận định: Giá nhân công tương đối rẻ là lợi thế quan trọng để phát triển đất nước v v...

                      Thế đấy ! Thế mà người ta dám cả gan lu loa lên rằng tôi phản động, tôi chống chủ nghĩa xã hội. Ý người ta là chỉ được nói thầm cho riêng họ nghe thôi. Nói đàng hoàng, nói công khai là chống ! Họ thường đem "con ngáo ộp kẻ địch lợi dụng" ra để đe nẹt.

                      Đưa tôi ra tòa vì bản "Góp ý xây dựng Đảng" ư ?

                      Liên quan việc này thì may l¡m chỉ quy được tôi vào tội thuộc điều 117 : "Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác". Thế nhưng, trước hết, tôi không phải là Nguyễn Trung Trực cho nên tôi không chịu trách nhiệm gì về chuyện bịa đặt hay không bịa đặt. Thứ hai, muốn xác định rõ đấy có phải là những điều bịa đặt hay không thì cần tổ chức xác minh. Thú thật, đọc bài viết đó, trước những tư liệu cung đình rất phong phú, tôi nghĩ ngay rằng tác giả ít ra cũng phải là một vị tướng lĩnh nào đó đã từng tham gia ban chấp hành trung ương Đảng cho nên nói chung là tôi tin. Dẫu sao, trừ những cá biệt tồi tệ, tôi không thích phê bình theo lối đả kích hàng loạt cá nhân. Đối với một số nhân vật mà tôi đã có dịp quen biết hoặc hiểu được qua nhiều luồng thông tin thì tôi càng cho rằng thái độ gay g¡t của người viết là không thỏa đáng. Vả lại, ngay một lúc đòi khai trừ hàng chục ủy viên Bộ Chính Trị và ủy viên Trung Ương Đảng thì giải quyết được cái gì ? hay chỉ nói cho sướng miệng ! Ở ta hiện nay nói chung vai trò cá nhân không có mấy giá trị quyết định. Vấn đề là phải bàn thảo được, tác động được vào việc sửa đổi, uốn n¡n những gì thuộc chủ trương, đường lối, chính sách. Vẫn cơ chế, vẫn nhận thức tư tưởng như thế này thì bất cứ ai ngồi vào những vị trí đó cũng phải hành động, phải ăn nói không khác gì những người đang bị phê phán. Song le, tuy có những suy nghĩ bất đồng như vậy tôi vẫn tích cực tán phát bài viết đó vì tôi thấy ở đây có nêu lên được một số vấn đề quan trọng rất cần được lưu tâm giải quyết. Đúng như Nguyễn Trung Trực phản ảnh trong "Góp ý xây dựng Đảng", đã từ lâu trong đảng viên, trong quần chúng tồn tại âm ỉ một số dư luận liên quan đến sự đối xử tồi tệ với vị đại quốc công thần Võ Nguyên Giáp, với cái chết bí hiểm của các vị tướng tài năng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, với việc cựu tổng bí thư Đỗ Mười nhận "quà biếu ?!" hơn một triệu Đôla của tư bản Hàn Quốc, với trách nhiệm của những quyết định dẫn đến tình trạng đất nước bị cô lập đằng đẵng, bỏ phí thời cơ 1975, kìm hãm đất nước trong trì trệ, đói nghèo, tiếp tục tụt hậu so với ngay cả các nước trong vùng Đông Nam Á v v... Những nghi vấn ẩn ức này như nung ủ những chiếc nhọt bọc nhức nhối trong xã hội, tàn phá lòng tin con người, tạo nguy cơ gây chia rẽ, dẫn đến sụp đổ. Tôi còn tâm đ¡c với ý kiến tác giả "Góp ý xây dựng Đảng" đề xuất giải tán Ban Cố Vấn. Còn gì vô lý cho bằng trong khi cả bốn đồng chí lãnh đạo mới đều khỏe mạnh hơn, sáng suốt hơn, học vấn hơn, có khả năng cập nhật những kiến thức đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hơn lại nhất nhất phải bị kèm cặp bởi các đồng chí đã quá già yếu cũ kỹ. Nói là trẻ nhưng các đồng chí lãnh đạo hiện nay cũng đã quá cái tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" từ lâu, nay đều đang ở cái tầm "lục thập nhi nhĩ thuận" rồi. Cả ba cuộc kháng chiến các đồng chí ấy đều từng nếm trải chứ đâu đến nỗi không biết gì. Nếu cần bảo trợ bằng uy tín thì phải cái cỡ khai quốc công thần như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng kia chứ ! Nặng nề đến như Trung Quốc mà từ năm 1992, Đại Hội Đảng Cộng Sản Lần Thứ XIV cũng đã quyết định không duy trì Ủy Ban Cố Vấn nữa. Tôi không chỉ băn khoăn về gánh nặng chi tiêu tài chính của quốc gia như Nguyễn Trung Trực đã thổ lộ mà lo ngại chính là về tình trạng "l¡m cha con khó lấy chồng"có thể đã hoặc sẽ xảy ra làm nguy hại cho đất nước.

                      Vâng, tôi đã tán phát bài "Góp ý xây dựng Đảng" và nhiều bài khác. Điều đó có sao đâu. Điều 69 Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã bảo đảm rằng : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin... ". Nhà nước ta lại đã ký kết Công Ước Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, cam kết tôn trọng điều 19 Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế : "Mỗi người đều có quyền tự do có ý kiến và phát biểu ; quyền này cho phép bất cứ ai đều không phải lo ngại về những ý kiến của mình. Nó bao gồm cả quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền bá các thông tin và ý tưởng, bất chấp biên giới, bằng bất cứ phương tiện nào". Tán phát những bài viết của tôi, của các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các công dân nhằm biểu đạt tư tưởng, chính kiến, nhằm phê bình hay đóng góp ý kiến với Đảng, với Chính Phủ là việc làm không thể xem là phạm pháp, không ai được ngăn trở, đe dọạ.

                      Quy kết tôi vào "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, hoặc của công dân" thuộc điều 205a không xong (Hay họ còn tiếc rẻ là quá nhẹ, vì tội này nặng nhất chỉ 3 năm tù), họ lại r¡p tâm quy tôi vào "Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa". Hãy đọc rõ lại điều 82 này ở Bộ Luật Hình Sự :

                      " 1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm :

                      a) Tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa ;
                      b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ;
                      c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa.

                      2 - Phạm tội trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm."

                      Nếu người ta không muối mặt dẫm lên đạo lý ; nếu tòa ra tòa, biết bảo vệ công lý và tôn trọng sự công minh thì ai dám kết tội tôi cho được. Bởi vì :

                      Trước hết, làm sao xác định được thế nào là chủ nghĩa xã hội ? Người không chỉ thẳng tay truy quét tư sản mà còn hăng hái quyết tâm tiêu diệt công thương nghiệp tư bản tư doanh đúng hay người thống thiết kêu gọi tư bản ngoại quốc vào liên doanh liên kết để bóc lột lao động Việt Nam đúng ? Người kịch liệt phê phán bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc có giáo lý XHCN hay người chủ trương Nghị Quyết Trung Ương 10 có giáo lý XHCN ? Đã không xác định được thế nào là chủ nghĩa xã hội thì làm sao quy kết được hành động nào, ý tưởng nào là chống chế độ xã hội chủ nghĩa ?

                      Suốt cuộc đời, đến tận ngày nay, tôi đã đổ mồ hôi, sôi nước m¡t cùng nhân dân tôi, đất nước tôi nên ch¡c ch¡n lương tri sẽ phỉ nhổ nếu ai đó đang tâm gán ghép tôi là chống chính quyền nhân dân. Dù xảo trá đến mấy cũng không thể chứng minh được những tài liệu tôi đã làm ra, những gì tôi đã viết ra là nhằm chống chủ nghĩa xã hội. Nếu chủ nghĩa xã hội được xem như một ước lệ tốt đẹp cần hướng tới thì tôi chính là người chống lại những cặn bã, những rơm rác đang làm bẩn lý tưởng đó, tôi chống lại bọn lưu manh chính trị đang lợi dụng mỹ từ xã hội chủ nghĩa để lừa bịp nhân dân, phá hoại tổ quốc. Hãy đừng để nhà chí sỹ Phan Bội Châu phải chết đau lòng một lần nữa trước cảnh nghịch đạo mà cụ từng phải chứng kiến :


                      "Ma cường quyền đ¡c thế sính hung uy ;
                      Thần công lý bó tay nghe tử tội"

                      Uất ức bao nhiêu trước cái tệ giận cá chém thớt. Giận ông Nguyễn Trung Trực người ta "chém" tôi. Càng đau đớn bao nhiêu khi giận tôi, người ta "chém" vợ, "chém" con tôi. B¡t tôi đi, họ c¡t luôn điện thoại. Cái điện thoại của cả nhà sử dụng chứ có phải của riêng tôi đâu. Càng phi lý khi điện thoại không đứng tên tôi mà là tên vợ tôi. Vợ tôi được cơ quan m¡c riêng từ hồi bà ấy trong cương vị Chánh Văn Phòng, Ủy Viên Ban Bí Thư Trung Ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam. Bấy giờ điện thoại riêng còn hết sức hiếm, đến nỗi cả mấy dãy nhà trong khu tập thể cũng được nhờ vả. Khi nổi khùng lên mà lại có quyền có thế, người ta không còn biết thương ai, không còn biết nể ai cả ! Hai chiếc computơ, một chiếc vợ tôi vừa xách đi công tác từ Hà Giang về, một chiếc là công cụ chung của cả con gái tôi, con dâu tôi, đặc biệt là con giai tôi rất cần cho công việc thường xuyên cũng bị đem đi. Con giai tôi phải chấm dứt hợp đồng, rời khỏi Viện Khoa Học Dầu Khí. Người ta có thể biện giải trí trá cách này cách khác, nhưng làm sao có thể trả lời câu hỏi : Các nước tiên tiến có cần viện trợ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho Việt Nam nữa không khi mà một thanh niên hiền lành, chân thực, trẻ (sinh1967), khoẻ (nặng 80kg, cầu thủ bóng tròn nghiệp dư), thạc sỹ Địa Vật Lý đầu tiên và duy nhất được đào tạo từ Mỹ về mà không sử dụng ? Con gái tôi, thạc sỹ Dân số học từ Ấn Độ về liền được mời lên làm thư ký riêng cho bà thứ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội, công an đến nh¡c khéo, người ta đành đưa con gái tôi đi "tăng cường cán bộ có năng lực cho Trung Tâm Nghiên Cứu Lao Động Nữ của Bộ". Chỉ sáu tháng tập sự, con gái tôi được quyết định vào biên chế nhà nước. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi so với thông thường ít nhất cũng là hai năm trong tình hình hiện nay. Nhưng tôi biết, có ân huệ đó chẳng qua là vì yêu cầu công việc, người ta muốn giữ chân con gái tôi ở đấy. Vậy mà, khi tôi bị b¡t, công an gọi con gái tôi lên "hỏi han". Họ mập mờ nhứ nhứ vào mặt con gái tôi một bức thư từ nước ngoài gửi cho tôi để tung hỏa mù, buộc con gái tôi phải hiểu rằng nó đang là con của một tên gián điệp hay phản quốc gì đó. Bộ trưởng đã ký quyết định cử con gái tôi đi trình bầy báo cáo khoa học ở một Hội Thảo Quốc Tế tại Đài Loan nhưng bỗng nhiên chuyến đi bị hủy bỏ. Đang sống với một tập thể đầy yêu thương, trìu mến, vậy mà con gái tôi đành lẳng lặng nộp đơn thi tuyển vào Tổ Chức Bảo Trợ Nhi Đồng Quốc Tế của Vương Quốc Anh để rồi phải vượt qua 80 người dự tuyển mới được nhận việc. Ở trên đời, có thật những "Chuyện ngựa Tái ông". Bình thường, Bộ LĐTBXH không thể nào dễ dàng cho con gái tôi đi, nhưng khi tôi bị b¡t, bà Bộ trưởng LĐTBXH mặc dù rất mến mộ, thân thiết con gái tôi nhưng đành thả cháu đi cho đỡ phiền phức. Sang cơ quan mới, cháu không những được làm việc trong môi trường tốt hơn mà còn được nhận khoản lương cao gấp mười lần ở Bộ LĐTBXH. Một đồng nghiệp từng chứng kiến nhiều cuộc trầm luân của tôi rút ra một nhận định tổng hợp : "Anh tài thật, cứ mỗi lần người ta dìm anh xuống một nấc thì anh lại bật cao lên hai ba nấc". Tôi nghĩ không phải do tài giỏi mà hình như có Trời Phật phù hộ độ trì thế nào ấy, không chỉ có hiện tượng tôi vượt qua được tr¡c trở, nguy khốn mà những kẻ trực tiếp gây sóng gió cho tôi nếu không bị trừng phạt nặng nề thì cuộc đời từ bấy cũng chẳng ra sao cả. Cho nên tôi thường khuyên con cái hãy ăn ở cho có nhân, bởi vì "người mà có đức, muôn phần vinh hoa".

                      Cái chính sách "Tru di tam tộc" vừa mông muội, vừa tinh vi vô cùng tàn nhẫn này đang phát huy tác dụng rất khốc liệt. Nhiều người ngậm ngùi phân trần với tôi : "Chúng tôi cũng nghĩ và cũng thấy phải nói, phải viết như anh nhưng hèn quá. Chẳng qua chỉ vì sợ mất miếng cơm manh áo, sợ con cháu bị trù diệt". Thế là các báo cáo cứ đ¡c ý biểu dương thành tích ổn định chính trị, trong khi xã hội rã rời đau đớn trong căn bệnh ung thư mà không dám kêu, thấy sâu mọt đục khoét trong bộ máy chính quyền mà cứ đành làm ngơ !

                      Ngày 10 tháng 5 năm 1999, tôi được rời trại B 14 về nhà, sau 66 ngày giam cầm. Trong tù tôi cũng nghĩ như ai đó từng nghiến răng phán bảo :"Đánh xong Trần Độ, diệt nốt Thanh Giang thì tất cả sẽ im re !". Cho nên, điều ngạc nhiên và xúc động nhất khi ra tù là tôi được biết tất cả đã không im re, tất cả đã không vì thất đảm mà bỏ tôi. Đại tá, sử gia Phạm Quế Dương dõng dạc tuyên bố và được các đài phát thanh nước ngoài loan tải rộng rãi : "... ai cũng phản đối việc b¡t bớ Nguyễn Thanh Giang qua hai dạng. Một dạng bày tỏ công khai như tôi đây chẳng hạn. Kiểu thứ hai là phản ứng ngấm ngầm, chưa phải lúc nói ra. Điều bất mãn chống đối ngấm ngầm mới là đáng sợ. Có nghĩa là nước này không có dân chủ. Tựu trung là đại đa số, ai cũng chống lại quyết định độc đoán này của nhà nước". Nhà văn Hoàng Tiến gửi hai thư ngỏ tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan thông tấn báo chí. Ông viết : "Nhà khoa học Địa Vật Lý Nguyễn Thanh Giang đã bị b¡t chiều ngày 4-3-1999. Ông là tác giả của nhiều bài viết gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam nói về đường lối phát triển đất nước, về kinh tế, về khoa học, về giáo dục, và nhất là về tổ chức một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền làm dân, quyền làm người, những quyền đã được pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước ghi nhận... Sách xưa viết: "Trung ngôn nghịch nhĩ". Nhiều vụ án oan uổng cũng chỉ vì cái tội nói thẳng này. Chúng tôi nghĩ, chính quyền b¡t ông Nguyễn Thanh Giang thì sẽ có một ông Nguyễn Thanh Giang khác. Nếu b¡t hết các ông Nguyễn Thanh Giang, thì lại có những trí thức khác làm cái công việc của ông Nguyễn Thanh Giang. Vì cuộc đời vẫn cần giai tầng trí thức ... Theo chỗ tôi biết, điều kiện để được tối huệ quốc là vấn đề nhân quyền. Ta nên vì quyền lợi của đất nước, thả ông Nguyễn Thanh Giang, đổi lấy tối huệ quốc ...". Rất nhiều, rất nhiều người đã vì công lý, vì yêu quý tôi, vượt qua sợ hãi, bất chấp sự răn dọa của cường quyền, xả thân vì tôi. Ơn này tôi xin ghi tạc và mong ước sẽ có dịp đền đáp.

                      Rất nhiều, rất nhiều những người khác, những tổ chức khác, không chỉ ở trong nước mà ở cả nước ngoài, cả các tổ chức quốc tế cũng bầy tỏ mối quan tâm sâu s¡c đến tôi. Hàng chục ngàn người trên thế giới xuống đường biểu tình, hàng chục ngàn trí thức, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên người Việt và người nước ngoài ký tên vào các bản lên tiếng ủng hộ tôi. Ông Brian Russell, chủ tịch Hội Địa Vật Lý Mỹ gửi thư cho chủ tịch nước Trần Đức Lương ; Viện Hàn Lâm Khoa học Nữu Ước gửi thư cho thủ tướng Phan Văn Khải, cho bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, cho bộ trưởng công an Lê Minh Hương ; Bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố : "...Việc b¡t giam ông Giang là một biến cố đáng lo ngại và chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải thả ông ra ngay lập tức và vô điều kiện" ; ông Oliver Dupuis, nghị sỹ nghị viện Châu Âu gửi thư cho chủ tịch Trần Đức Lương ; ông Michel Pelchat, thượng nghị sỹ Pháp gửi thư cho tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cho chủ tịch Trần Đức Lương, cho Đại Sứ Quán ta tại Pháp ; Ông Ann K. Cooper, giám đốc điều hành Ủy ban Bảo Vệ Các Ký Giả Quốc Tế gửi thư cho chủ tịch Trần Đức Lương, cho bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, cho TBT Lê Khả Phiêu ; bà Francoise Grossetête, nghị sỹ Châu Âu gửi thư cho đại sứ quán ta tại Pháp ; Ông John Hepworth, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Úc gửi thư cho chủ tịch Trần Đức Lương ; Ân xá Quốc tế Úc gửi bản tuyên bố cho thủ tướng Phan Văn Khải, cho bộ trưởng Lê Minh Hương ; hai thượng nghị sỹ Mỹ rất quen biết đối với Việt Nam, John Kerry và John McCain gửi thư cho đại sứ Lê Văn Bàng ; ông Robert Menard, tổng thư ký Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới gửi thư cho tổng bí thư Lê Khả Phiêu ; các ông Mark Mosee, Bob McDecmott, Sam Slow, nghị sỹ Quốc Hội Hawaii gửi thư cho chủ tịch Trần Đức Lương ; Ủy Ban Luật Pháp Quốc Hội Úc gửi thư cho thủ tướng Phan Văn Khải ; thượng nghị sỹ Mỹ Tom Campbell gửi thư cho đại sứ Lê Văn Bàng ; Hội Bằng Hữu Texas Vì Việt Nam Tự Do ra thông cáo ; ông Edward R. Royce, phó chủ tịch Tiểu ban Á Châu - Thái Bình Dương thuộc Quốc Hội Mỹ gửi thư cho đại sứ Douglas Peterson, yêu cầu can thiệp ; tổ chức quốc tế Human Rights Watch ra thông báo khẩn cấp ; bà Franẫoise Hostalier, cựu tổng trưởng, đại biểu quốc gia của đảng Dân Chủ Tự Do Pháp gửi thư cho sứ quán ta tại Pháp ; bà Loretta Sanchez cùng 26 Nghị Sỹ Quốc Hội Mỹ cùng ký tên vào một bức thư gửi cho thủ tướng Phan Văn Khải v v...

                      Cảm động biết bao trước tấm lòng ưu ái từ bốn biển năm châu. Đây mới thực là "tứ hải giai huynh đệ"! Đây mới thực là "LỖInternationale"! Muôn năm tinh thần Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế !

                      Do hạn hẹp nguồn thông tin, do sự ngăn trở của hoàn cảnh thực tế, tôi đã không gửi được thư cảm ơn đầy đủ, tôi xin đa tạ và bày tỏ lòng biết ơn sâu s¡c đến tất cả, tất cả.

                      Oái oăm thay, người ta đã lợi dụng xuyên tạc sự ủng hộ mạnh mẽ và vô tư này của quốc tế để mập mờ vu cáo tôi. Người ta lén lút loan tin bịa đặt rộng rãi trong cả nước, đặc biệt là về quê hương bản quán, về nơi cư ngụ, về các cơ quan công tác v v... của tôi, của vợ con tôi. Họ xảo trá thâm độc đến mức làm cho hầu hết họ hàng thân thích, đồng hương, đồng nghiệp... hiểu rằng tôi là CIA, là đã làm tay sai cho nước ngoài để được nhận mỗi tháng ba ngàn Đôla ! Cho tới gần đây Đào Duy Quát vẫn đi kh¡p đó đây rỉ rả bôi nhọ tôi. Cái lối nói bạt mạng, vô trách nhiệm, vô căn cứ của ông này làm cho đến nỗi một học trò cũ của tôi, lớn tuổi hơn ông ta, tham gia cách mạng trước ông ta, phải thốt lên : "Hàm hồ quá ! khiếm nhã quá ! Sao Đảng lại dùng một con người như thế làm công tác Văn Hóa Tư Tưởng !".

                      Thật vậy, không hiểu do đâu người ta thâm thù cá nhân tôi tệ hại đến thế ! Họ đầu tư công của tốn kém, nghiên cứu tính tình, tung tích, hành vi của tôi thật kỹ để lợi dụng khai thác. Tất cả đều vô hiệu. Không phải vì tôi luôn canh chừng, cảnh giác mà vì cái bản tính của tôi nó như thế : thuốc lá, trà, rượu, đàn bà, tiền bạc, miếng ngon, của lạ ... đều không quá hám, nên giăng bẫy tôi thật khó. Họ đành thì thụt loan truyền rất công phu rằng tấm bằng Hàn Lâm Khoa Học Nữu Ước của tôi là bằng giả. Họ bảo "bằng không có dấu", làm cho người hiểu biết không thể nhịn được cười . Làm công tác Văn Hóa Tư Tưởng với những cái đầu ng¡n cũn, chỉ thành thạo sử dụng mấy thủ đoạn xảo trá, hèn hạ, vô văn hóa, phản tư tưởng thì ch¡c ch¡n chỉ làm hại uy tín Đảng, bôi nhọ thanh danh tổ quốc, làm khổ nhân dân.

                      Càng đáng phàn nàn hơn là bản thông báo nội bộ của Thành Ủy Hà Nội đã đưa tin "Về việc b¡t giữ Nguyễn Thanh Giang" với nội dung sai trái, bằng ngôn từ xếch mé. Nội dung bản tin này không chỉ được phổ biến đến tất cả các chi bộ Đảng ở Hà Nội, mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thật là hài hước đến mức đáng xấu hổ. Năm ngoái, Nội san Ban Văn Hóa Tư Tưởng Trung Ương Đảng đăng trân trọng bức thư một người Việt lưu vong xỉa xói, răn dạy đủ điều cho một lão thành cách mạng, Cựu Ủy Viên Trung Ương Đảng của mình. Năm nay, một bản tin nội bộ của Đảng lại đưa tin rất nghiêm trang về sự vụ liên quan đến một người không phải đảng viên ! Sao lại lén lút thế ? Sao lại bất chính thế ! Nếu quả thật "Hành vi của Nguyễn Thanh Giang có đủ dấu hiệu phạm tội", mà là tội hình sự, mà anh ta lại là dân thường thì cứ đưa tin trên tất cả các báo đài của nhà nước để nhân dân cùng biết mà căm thù, mà rút kinh nghiệm chứ ! Tội hình sự của một thường dân chứ có phải tội chính trị tư tưởng đâu mà Ban Văn Hóa Tư Tưỏng của Đảng phải nhúng tay vào ! Mà lại nhúng tay một cách độc quyền nữa chứ !

                      Đối với bên trong, họ ra sức tuyên truyền như tôi là phần tử chống Đảng, phản bội tổ quốc rất xấu xa nguy hiểm. Từ bên ngoài họ lại b¡n tin cho tôi rằng bọn chống cộng cực đoan vẫn xem tôi là kẻ thù. Giữa tháng 6 vừa qua, họ gửi vòng vèo qua người khác nhưng cố tình đến được tay tôi một bài viết ở một tạp chí nước ngoài, trong đó có đoạn như sau :"Ngày nay, trước nguy cơ tan rã, cộng sản có thứ đối lập mà ở mặt nào đó ta thấy rất chân thành, nhưng với mục đích cứu nguy tính mạng của đảng. Chân thành đến mức bị khai trừ, bị quản chế, thậm chí cả bị b¡t giam nhưng vẫn tha thiết với sự sống còn của đảng, thà chết vẫn gào lên đòi đảng phải thay đổi trở về với đường lối nguyên thủy, với đảng tính rực rỡ như mặt trời của họ. Hãy nghe đảng viên cộng sản bị b¡t Nguyễn Thanh Giang ca tụng đảng viên cộng sản bị khai trừ Trần Độ là "một nhà cách mạng trung kiên", "một trong những trí tuệ cao cả của đảng Cộng Sản Việt Nam". Nguyễn Thanh Giang còn trích dẫn lời một đảng viên lão thành Hoàng Hữu Nhân : "Anh Trần Độ là một đảng viên cộng sản gương mẫu, suốt đời lo làm tròn nhiệm vụ đối với tổ quốc... ". Dù dưới hình thức là kẻ thù hay đối lập ta phải nhìn thấy điều căn bản là mục tiêu của họ và của ta khác nhau. Khi mục tiêu của những đảng viên cộng sản đối lập là kiện toàn bộ máy độc tài, bạo lực, chuyên chế để có nền móng vững ch¡c áp đặt sự cai trị trên dân trên nước thì họ không thể là bạn của ta được".

                      Thật là buồn cười ! Vì sao họ lại phải răn đe tôi rằng đừng có trông mong, dựa dẫm vào nước ngoài ? Sao họ dám láo xược "suy bụng ta ra bụng người" như vậy! Đối với họ, tôi biết, chỉ cần vài trăm Đôla là mua được. Còn tôi, cách đây mấy năm, tôi đã từng phải sử dụng cái giọng huênh hoang hết sức bất nhã để tuyên bố thẳng thừng với mấy cán bộ công an rằng : "Tôi, nếu được ngồi trước tổng thống Bill Clinton thì cũng sẽ như ngồi trước chủ tịch Giang Trạch Dân hay trước tổng bí thư Đỗ Mười thôi. Tôi sẽ phải l¡ng nghe các vị ấy một cách kính cẩn, cũng như tôi phải nghiêm túc l¡ng nghe những bạn đồng tuế, những lớp trẻ thuộc hàng con cháu tôi. Nhưng, cuối cùng bao giờ tôi cũng nghĩ bằng riêng cái đầu của tôi, nói những điều từ cái đầu tôi nghĩ ra và làm theo những gì tôi nói"

                      Thế đấy, vì sao cả thế giới tiên tiến lại quý trọng và đồng tình ủng hộ những chính kiến của chúng tôi, vì sao ngay cả những lực lượng chống cộng rất cực đoạn cũng hiểu được thực chất của cái gọi là đối lập của chúng tôi, trong khi bộ máy tuyên truyền trong nước lại truy bức chúng tôi ? Vì những người ở bên ngoài đã đọc chúng tôi nghiêm túc, với một tinh thần khách quan. Còn ở trong nước thì sao ? Các vị lãnh đạo thì không có thời giờ đọc để quan tâm đúng mức. Đảng viên và quần chúng thì bị cấm đoán, bưng bít. Tất cả phó thác cho các "Quân sư Văn Hóa Tư Tưởng" tự tung tự tác. Lực lượng làm Văn Hóa Tư Tưởng của Đảng không phải không có rất nhiều bộ óc sáng suốt, tầm cỡ. Tiếc rằng họ lại bị khống chế tàn hại bởi một số cái đầu sơ cứng, lẩm cẩm ; bị thao túng bởi một số lực lượng trẻ loi choi, cơ hội, sẵn sàng lập công bằng những thủ đoạn lưu manh, hèn hạ, những hành động bất minh, vô đạo.

                      Nguy cơ khủng hoảng trầm trọng, thậm chí dẫn tới sụp đổ Đảng không phải chỉ nằm trong sự suy thoái về kinh tế mà nằm ngay cả trong sự kém cỏi, sơ cứng của công tác Văn Hóa Tư Tưởng. Nó gây mất lòng tin trong nhân dân, làm trò cười cho trí thức trong và ngoài nước. Chỉ riêng sự vụ của tôi cũng thấy rõ điều đó. Nhiều người cho rằng đây là một trong những vụ việc làm ảnh hưởng tai hại nhất đến uy tín của Đảng, của Nhà nước ta trên trường quốc tế. Tác động của ảnh hưởng xấu này gây nên những mất mát về kinh tế, những thiệt thòi cho nhân dân, cho đất nước lớn đến mức nào thì chưa ai thống kê và cũng không lường hết được. Những ai phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy đó ? Rất cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh những điều đáng tiếc xảy ra trong tương lai.

                      Thiên ký sự này, tôi viết ra không chủ yếu nhằm phỉ báng ai, tố giác ai mà cốt để trần tình cùng bè bạn, họ hàng, quê hương ; cùng thế hệ hôm nay, cùng các thế hệ mai sau. Tôi mong chờ tất cả và tin yêu tất cả.

                      Nguyễn Thanh Giang
                      Nhà A13P9 TTPK Hòa Mục
                      Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
                      Tel. 8. 586 012

                      http://members.tripod.com/dansinh/van/12ntt.htm
                      #26
                        LXMai 19.11.2006 03:14:37 (permalink)


                        21. Tôi chỉ làm tay sai cho chính cái đầu của tôi

                         
                        Tôi chỉ làm tay sai cho chính cái đầu của tôi

                         
                         
                        Hẹn …
                        #27
                          LXMai 19.11.2006 03:22:32 (permalink)


                          22. Thư gửi tổng thống Bill Clinton 

                           
                          Thư gửi tổng thống Bill Clinton

                           
                          Hẹn …
                           
                            
                          #28
                            LXMai 19.11.2006 03:37:47 (permalink)

                            23. Trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Phong vể bài viết "Mặt thật của những người mượn danh hiền sĩ khoác chiêu bài dân chủ"  

                             
                            "Mặt thật của những người mượn danh hiền sĩ khoác chiêu bài dân chủ"

                             
                             
                             
                            Trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Phong về bài viết
                            MẶT THẬT CỦA MỘT VÀI NGƯỜI MƯỢN DANH
                            "HIỀN SĨ " KHOÁC CHIÊU BÀI "DÂN CHỦ"
                             
                             
                            Bài báo đăng trên "An ninh Thế giới" số ra ngày 4 tháng 1 năm 2001 có cái tên quyết liệt và nghe có vẻ hạ nhục ở những chữ "mặt thật", "mượn danh", "khoác chiêu bài" nhưng nội dung lại tương đối hiền hoà, tương đối chân thực và không cố tình xúc phạm. Khi nói đến ông Mai Thái Lĩnh, tác giả còn sơ suất viết: Mai Thái Lĩnh thế này... Lĩnh thế kia... ; nhưng nói đến tiến sỹ Hà Sỹ Phu, tác giả luôn trân trọng với đại từ "ông". Âu đây cũng là biểu thị một nếp sống văn minh, một tinh thần văn hoá mới của công an ta. Thật là mừng và đáng khích lệ. Có điều băn khoăn là không biết tác giả đã xin ý kiến các ông Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh trước khi đăng bài công bố các buổi trò chuyện riêng này chưa?
                             
                            Nhận dạng con người, tác giả nêu đặc điểm: "bàn tay có những ngón ngắn, ngắn đến mức lạ lùng". Có người cho rằng tình tiết này dụng ý bôi xấu; song tôi nghĩ tác giả đã lưu ý đến một dị tướng. Tướng ngũ đoản phải chăng thường biểu hiện một biệt tài. Tôi không muốn liên tưởng đến Đặng Tiểu Bình vì sợ Hà Sỹ Phu không bằng lòng. Với con mắt nghề nghiệp, nhìn chữ viết, tác giả đoán định ngay đây là một người "được học hành tử tế theo những khuôn mẫu khắt khe của nền giáo dục ngày xưa". Ông cũng khách quan và thẳng thắn khi khẳng định Hà Sỹ Phu "là Phó Tiến Sỹ (lẽ ra nên sử dụng thuật ngữ hiện tại: Tiến sỹ) nghiêm chỉnh chứ không phải như rất nhiều Phó "rởm" như hiện nay". Tuy nhiên, nhà báo lại tỏ ra không công bằng khi mỉa mai: "kể cả khi giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học Việt nam tại Đà Lạt, ông chưa có công trình nghiên cứu nào giúp ích cho nước, cho dân".
                             
                            Không biết anh Như Phong có đưa ra được dẫn chứng để so sánh xem ở nước ta có mấy nhà khoa học làm quản lý, làm lãnh đạo ở thứ bậc như Hà Sỹ Phu, và... cao hơn, có công trình nghiên cứu giúp ích cho nước, cho dân nhiều hơn Hà Sỹ Phu không?
                             
                             Hay là hoạ chăng họ chỉ đứng tên chủ nhiệm một cách hoàn toàn hình thức cho vài chương trình, vài đề tài nghiên cứu cấp nọ cấp kia; mà trong đó rất nhiều cái sau khi bảo vệ thì được xếp kỹ vào ngăn tủ, không bao giờ có ai mở ra xem!
                             
                            Vả chăng, thế nào thì được xem là công trình nghiên cứu có ích cho nước, cho dân? Gần đây tôi thấy người ta trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho cả công trình khoa học sử dụng bảo vệ luận án Phó Tiến Sỹ ở nước ngoài (giống như Hà Sỹ Phu) mà giá trị chủ yếu chỉ là mô tả kết quả một số thực nghiệm theo giáo sư gợi ý trên các thiết bị thí nghiệm ở Liên Xô.
                            Nhà báo Như Phong còn phàn nàn "Tiếc thay, ông ta ( HSP ) đã đi trái nghề"! Song, có nhất thiết rằng trái nghề thì thật là "tiếc thay" không, khi mà nhà văn xuôi cổ điển mẫu mực, nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng đến văn học Pháp Blaise Pascal lại xuất thân từ một nhà toán học; khi mà người ta nhớ đến tính chất triết học độc đáo ở "Thuyết không thể biết" của Thomas Henri Husly không kém gì các tác phẩm về sinh vật học của nhà sinh vật học này; khi mà những đống góp lớn lao của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện chủ yếu lại là các công trình về xã hội học của ông?
                             
                            Một bạn đồng niên trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt nam có lần tâm sự với tôi: "Cứ ở lại làm khoa học tự nhiên như ông lại hơn". Tôi trả lời: "Trong cái buổi xã hội đang chuếnh choáng, vô hướng này, làm chính trị cần thiết và quan trọng hơn nhiều chứ!" Chính trị sai buộc nhà khoa học phải chứng minh ngô bổ hơn gạo; phải chứng minh Darwin là phản động, Mitshurin- Lysenko mới đúng đắn; phải chứng minh một nước nông nghiệp nhất định phải và có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ngay cả khi không còn hệ thống xã hội chủ nghĩa!!!
                            Chợt nhớ, gần đây báo chí dấy lên bàn luận về danh hiệu Viện sỹ ở nước ta. Họ bảo chỉ có những Viện sỹ trước đây được các nước XHCN phong thì mới chính hiệu. Các Viện ở nước tư bản và ngay cả những tiến sỹ có công trình nghiên cứu thật đặc sắc nhưng gần đây được các Viện ở Nga ( không còn là XHCN nữa ) phong tặng, đều không có giá trị! Họ bảo ông Đặng Hữu dù chỉ được Viện con của Liên xô (Viện Cầu Đường ), ông Phạm Minh Hạc dù chỉ được một viện chuyên ngành (Viện Sư Phạm), ông Nguyễn văn Đạo dù chỉ được viện nhỏ của Tiệp Khắc phong nhưng rõ là Viện sỹ bởi vì các viện đó đều là quốc doanh, trong khi Viện Hàn lâm Khoa học New York chỉ là viện tư. (Xin lỗi các anh Đặng Hữu, P M Hạc, N V Đạo, tôi hoàn toàn không có ý đánh giá thấp các anh). Họ không biết ở Hoa Kỳ, hầu hết các trường đại học uy tín nhất, trong đó có Havard đều là đại học tư.
                             
                            Họ không biết gần đây tối thiểu phải là Phó Tiến Sỹ mới được phong, trong khi trước đây Liên Xô và các nước XHCN phong Viện sỹ cả kỹ sư, thậm chí cả người chưa có bằng đại học. Một số nhà báo không am hiểu nhiều trong lĩnh vực này ngộ nhận đã đành, đáng phàn nàn là một số người có học hàm học vị cao cũng hùa theo một cách ngớ ngẩn.
                             
                            Biết đến bao giờ nhà báo, nhà khoa học của ta mới được thoát ra khỏi nỗi cam tâm làm nô lệ tay sai cho những chỉ đạo chính trị không trong sáng! Biết đến bao giờ người ta mới chịu từ bỏ chủ trương "bốc thơm" người-củaĐDảng và sẵn sàng hạ uy thế người-của-nhânđân
                            Trước tình trạng bất khả phân: Mỹ thường lên án Việt Nam, Trung Quốc... vi phạm nhân quyền trong khi các nước này lại phản ứng bằng cách tố cáo như thế là can thiệp nội bộ, Hà Sỹ Phu thấy cần thiết phải để cho LHQ đứng ra cầm trịch phân xử, phải cho phép LHQ đi kiểm tra và tổ chức kiểm tra chéo việc thực hiện nhân quyền giữa các nước. Đây là một ý tưởng hay, cần phấn đấu thực thi. Vậy mà khi nghe ông nói, nhà báo lại "tưởng đây là người trên trời rơi xuống, cứ mê mê tỉnh tỉnh". !
                            Dễ dàng kích động độc giả căm thù quyết liệt đối với Hà Sỹ Phu hơn cả là những dòng sau đây: "ông ta viết rằng người Việt Nam là hèn mạt, là tham lam, dân tộc Việt Nam là không có tư tưởng... chỉ như con ve, con bét bám trên cổ con sư tử là nền văn minh nhân loại....., tôi chưa từng thấy có "sỹ phu" nào mà lại chửi đồng bào mình đến mức tệ hại như vậy".
                             
                            Sau khi kích động độc giả, nhà báo công an chuẩn bị dư luận bằng cách vận dụng điều 2385 trong cuốn "Mỹ quốc Pháp điển" để đưa Hà Sỹ Phu đến chỗ "phải bị tuyên phạt cao nhất tới 20 000 USD hoặc phải ngồi tù 20 năm". Ở đây không biết cố tình hay vô ý nhưng rõ ràng Nguyễn Như Phong đã liên hệ một cách bừa bãi. Sao ông không biết lưu ý rằng tội trạng ghi trong điều 2385 phải là "cố ý hô hào, kích động, khuyến khích lật đổ hay phá rối chính phủ Mỹ và các tổ chức chính quyền cấp dưới"?
                             
                            Hà Sỹ Phu không hề hô hào lật đổ hay phá rối chính phủ. Ông cũng không hề nói xấu dân tộc, nói xấu Đảng. Còn thì, nói Đảng xấu, nói dân tộc xấu không phải là tội trạng. Nam Cao, Lỗ Tấn, Bá Dương (trong cuốn sách nổi tiếng, rất hay: "Người Trung Quốc xấu xí" )... đã từng mổ xẻ không thương tiếc những hủ bại, hèn kém của dân tộc mình. Nhà thơ Ba Lan vĩ đại Adam Michkevich cũng từng "dệt ngày đêm tấm khăn liệm tổ quốc". Đấy là những "Trái tim lớn mang niềm đau khổ lớn". Đấy là sự tự nhận thức vật vã đau đớn để thoát xác vươn lên. Tuân Tử vốn rất trọng người biết chê. Ông nói: người khen ta mà khen không đúng là muốn hại ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta, người chê ta mà chê đúng là thầy ta.
                             
                            Dẫu sao tôi cũng không thể hoàn toàn đồng ý với Hà Sỹ Phu khi anh hơi quá nặng lời đối với đồng bào mình. Mặc dù đã bắt mạch rất trúng: "Nhưng nói cho công bằng thì Nhân dân này do lịch sử để lại cũng chỉ một phần, phần lớn là do công "tôn tạo" của Đảng, nhân dân chỉ là sản phẩm bất khả kháng, quy tội cho dân là vô nghĩa". Nhưng, do cồn cào trong ngực trái tim hổ của Thế Lữ: "Ghét những cảnh không đời nào thay đổi. Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối"; do quá xót thương, do kỳ vọng quá nhiệt thành về một cuộc thoát xác sáng tạo khỏi ách nô lệ đối với một ý thức hệ ngoại lai xa lạ đã lỗi thời, anh đã rên rỉ cùng dân tộc mình: "Chết làm sao được, khi cứ ăn cái mà người ta đã thải cũng đủ no chán, và cái người ta thải ra dường như cũng đổi mới hàng ngày, cũng khác xưa nhiều lắm, cứ sào sáo lại có khi vẫn thành món đặc sản cũng nên". Đúng thì cũng có khía cạnh đúng đấy, nhưng nghe nó chua chát quá, cay nghiệt quá. Hà Sỹ Phu thừa thông minh và đã biết rằng "nịnh Dân để sai khiến thì tha hồ, chứ khảo sát điểm yếu của Dân để nâng Dân lên thì sẽ bị khép vào tội xúc phạm Nhân dân, xuyên tạc lịch sử chứ chẳng đùa đâu!", nhưng rồi anh lại vẫn cứ tự bắt mình dũng cảm nói lên những nhận xét khách quan và trung thực: "Bao kẻ anh hùng đánh giặc ngoại xâm lại trở nên hèn mạt và vô cùng nhỏ bé trước Danh lợi, hoặc trước Thần quyền và Thế quyền. . . Với kẻ thù bên ngoài thì sẵn sàng liều chết, với kẻ bề trên bên trong thì sẵn sàng thông cảm và khuất phục". Chính vì vậy mà tác giả bài báo đã có cớ để quy tội Hà Sỹ Phu là: "chống Đảng, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết liệt".
                             
                            Có thể là tôi đã chứng minh khá thuyết phục rằng Hà Sỹ Phu không hề chống lại nhân dân mình. Nếu được như vậy tưởng cũng đã là đủ. Còn, Hà Sỹ Phu có chống lại Đảng, có chống lại Chính phủ không? Điều đó không hệ trọng. Bởi vì "Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác". (Câu này tôi chép từ cuốn "Đường Cách mệnh" của Nguyễn ái Quốc.). Đảng cũng vậy, nếu Đảng xâm phạm hoặc làm hại lợi ích dân tộc thì chống Đảng là nghĩa vụ thiêng liêng của người yêu nước có nghĩa khí.  Không được kích động bạo lực, không được tổ chức bạo loạn. Kích động bạo lực là dã man, bạo loạn là phạm tội nhưng, như trên đã nói, chống Đảng, chống Chính phủ không nhất thiết bị xem là có tội. Vì chưa sửa Điều 4 Hiến pháp nên chưa được phép thành lập đảng, nhưng yêu cầu xoá bỏ Điều 4, đòi đa nguyên, đa đảng là ước nguyện chính đáng của nhân dân, không ai có quyền đe doạ, trấn áp.
                             
                            Phần viết về Mai Thái Lĩnh ngắn nhưng nặng nề. Tác giả đã nhận thức đúng được rằng "Mai Thái Lĩnh có một quá trình công tác đáng tự hào". (Chắc là đáng tự hào hơn chính bản thân tác giả). Bởi vậy, lẽ ra tác giả nên thận trọng hơn. Phần viết này làm cho người đọc có cảm nghĩ anh Lĩnh bị hạ nhục đau đớn. Không biết độ khách quan, chân thực của bài viết được bảo đảm đến mức nào, (Tác giả như cố ý bỏ quên chức Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhân dân thành phố Đà Lạt - một Phó Chủ tịch rất được nhân dân quý trọng, không chỉ ở trình độ hiểu biết, năng lực công tác mà còn ở tác phong dám nghĩ, dám làm), nhưng khi tác giả đưa câu nói của Mai Thái Lĩnh : "Hình phạt đối với tôi về tội phản bội Tổ quốc giúp tôi đi đúng hơn và làm gì đó có ích cho xã hội" thì tôi hết sức ngạc nhiên. Dù cho có thể là trong phút hoảng loạn thiếu suy nghĩ nào đó, người đàm thoại với mình bật ra câu nói vô lý đó thì nhà báo cũng phải biết phân tích khách quan để lựa chọn thông tin trước khi công bố. Với tất cả các tình tiết săm soi qua bài viết, tôi vẫn không hề thấy Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh phản bội Tổ quốc và chắc chắn không toà án có lương tri nào dám kết tội các anh ấy.
                             
                            Hãy trung thực hơn nữa, sáng suốt hơn nữa, khí phách hơn nữa để các bài báo của chúng ta cung cấp được những thông tin đúng đắn và cần thiết, giúp độc giả thấy rõ oan sai và công luận mạnh mẽ bảo vệ những người thiết tha yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, bằng tất cả trí lực của mình, dám dấn thân vì công cuộc dân chủ hoá, vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước đến phồn vinh, hạnh phúc.
                             
                            Hanoi 8 tháng 1 năm 2000
                            Nguyễn Thanh Giang
                            Nhà A13 P9 - TTPK Hoà mục
                            Phường Trung Hoà- Quận Cầu Giấy
                             
                            http://vietforum.org/Vietforum_VN/Documents/tddc/tddc1ml.html
                            #29
                              LXMai 19.11.2006 03:48:37 (permalink)

                              24. Thư ngỏ gửi Nguyễn Như Phong


                              Thư ngỏ gửi Nguyễn Như Phong

                              Lời Giới Thiệu : Trong tháng 1/2001 vừa qua, tờ tuần báo An Ninh Thế Giới xuất bản tại Hà Nội đã đăng một loạt bài với nhan đề "Mặt Thật Của Một Vài Người Mượn Danh "Hiền Sĩ " Khoác Chiêu Bài "Dân Chủ"". Người viết là Nguyễn Như Phong, cán bộ công an và là phó tổng biên tập tờ tuần báo nói trên. Loạt bài này đề cập đến tên tuổi của nhiều nhà đối kháng trong nước và một số cá nhân, tổ chức tại hải ngoại, với nội dung bôi xấu và xuyên tạc. Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà đối kháng ở Hà Nội đã phản ứng trước loạt bài có dụng ý "bôi bẩn" này.  Liên Minh Việt Nam Tự Do xin giới thiệu đến quý vị nguyên văn lá thư ngỏ của ông Giang gửi Nguyễn Như Phong, do nhóm Nối Kết phổ biến.

                               
                              Thư này không gửi một nhà báo chân chính mà viết cho một kẻ có hành động phạm pháp bị bắt quả tang, mang danh phó tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới.  Tôi hỏi Nguyễn Như Phong, anh căn cứ vào bản án nào để công bố Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh là "những kẻ phản bội tổ quốc"? Ai cho phép anh dám bêu rếu trên báo An Ninh Thế Giới số 211, ra ngày 11 tháng 1 năm 2001 rằng Nguyễn Thanh Giang là "người cơ hội chính trị có hoạt động cực đoan chống phá trong nước"?


                              Tôi gay gắt lên án anh bởi vì rõ ràng anh đã phạm các tội sau đây :
                               
                              1- Tội vu khống : "Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước". Tội này "bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm" (Ðiều 117, Bộ Luật Hình Sự).
                               
                              2- Tội làm nhục người khác : "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm, hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm". (Ðiều 116, Bộ Luật Hình Sự )
                              Anh làm báo, nhưng anh đồng thời cũng đã vi phạm Luật Báo Chí ở những điều sau đây :
                               
                              1- Ðiều 2 - "Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí" ghi như sau : "... Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà Nước, tập thể và công dân";
                               
                              2- Ðiều 10- "Những điều không được thông tin trên báo chí", ghi như sau : "Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân";
                               
                              3- Ðiều 4- "Những điều không được thông tin trên báo chí" của Nghị Ðịnh số 133 HÐBT, ở mục 3 cũng ghi như sau: "Báo chí không được đưa tin, bài có hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân, tạo ra dư luận xấu. Khen ngợi, phê phán phải có cứ liệu chính xác, và phải chịu trách nhiệm về những thông tin của mình";
                              Tại sao anh dám tự ý xưng xưng quy kết Nguyễn Thanh Giang như trên mà không hề đưa ra cứ liệu nào ?
                              Làm người, nhất là làm báo, anh cần học lấy "tứ vô" của Khổng Tử : vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã (vô ý là không có ý riêng, tức là không đoán mò theo chủ quan; vô tất là không khẳng định quá đáng ...).
                              Không phải anh chỉ cần thận trọng đối với những người như Bùi Tín hay chúng tôi là những người đã vì độc lập, tự do của tổ quốc, từng vượt qua muôn trùng lửa đạn, gian khó từ khi thân phụ anh chưa tác tạo nên anh, mà ngay cả đối với những người, những tổ chức ở nước ngoài anh cũng không nên quy kết càn bậy. Tại sao anh tùy tiện khẳng định tổ chức này, cá nhân kia là phản động ? Ðiểm lại mà xem, tất cả các cá nhân, các tổ chức mà anh lăng mạ bừa bãi trong bài viết đều chưa ai bị tòa án quốc tế, hay thậm chí tòa án Việt Nam kết tội. Phải có cơ quan công pháp phán xét và kết luận rồi thì báo chí mới được đưa tin chứ ! Chẳng nhẽ cứ bất đồng chính kiến, cứ không thừa nhận Chủ Nghĩa Xã Hội thì đều là phản động hay sao ? "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". Nếu ta không muốn cả thế giới gọi ta là phản động thì ta cũng đừng gọi tất cả những ai phê phán chủ nghĩa xã hội là phản động. Hãy nhớ rằng, hiện chỉ còn bốn nước nói miệng là kiên trì đường lối XHCN, trong khi thế giới có đến trên dưới 200 nước kia mà.


                              Anh là lứa hậu sinh mà sao đã sớm học cái thói cả vú lấp miệng em rất xấu xa. Muốn phê phán, muốn tranh luận về một chính kiến, một tư tưởng thì phải đăng nguyên văn tác phẩm của người ta để mọi người cùng được xem xét một cách khách quan, nghiêm túc ; đằng này, anh trích đoạn chỗ này, cắt xén chỗ kia để xuyên tạc, bôi nhọ người ta một cách hết sức hiểm độc. Làm như vậy mà anh không sợ tội trời, không sợ lương tâm đày đọa cho đến cuối đời sao ? Anh còn trẻ, chắc chắn rồi anh sẽ được thấy, chính là những "Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ", "Ðôi điều suy nghĩ của một công dân", "Chia tay ý thức hệ" của Hà Sĩ Phu sẽ đi vào lịch sử một cách trang trọng chứ không phải mấy bài báo, mấy cuốn sách xu thời của các người như loại anh. (Không cần người khác chê cười đâu, e rằng sau này đọc lại, chính các anh cũng phải tự thấy xấu hổ) .
                              Nhận thức của anh còn quá non nớt mà sao anh dám ngông nghênh cao ngạo, khuyên người này chỉ nên uống rượu, ngâm thơ, người kia đừng làm trái nghề ... Bàn việc nước, góp ý vào chủ trương, đường lối của Ðảng, của chính phủ, phê phán lãnh đạo ... không chỉ là quyền hạn mà còn là nghĩa vụ cao cả của những công dân dám vượt lên những mưu sinh bình thường gánh lấy sứ mệnh thiêng liêng đối với đất nước.
                              Anh không biết sao, Hiến Pháp Việt Nam đã kêu gọi : "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà Nước ..." (Ðiều 53).


                              Anh không biết sao, chính Luật Báo Chí cũng khẳng định : "Công dân có quyền: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới - Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà Nước - Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Ðảng, cơ quan Nhà Nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó" (Các mục 3, 4, 5 Ðiều 4 - Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân).
                              Ðiều 4- Luật Báo Chí còn quy định : "Công dân có quyền: Ðược thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới - Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin" (Mục 1 và 2).


                              Vậy thì việc Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh trao đổi thông tin, bàn luận việc dân, việc nước ... với bất kỳ ai ở trong nước hay ngoài nước cũng là chuyện bình thường chứ sao lại ngăn cấm.
                              Không biết tự bao giờ người ta đã ám vào tâm khảm con người Việt Nam một nỗi sợ sệt đen tối khi quan hệ với bất kỳ người nào ở nước ngoài, trong khi đảng và chính phủ vẫn kêu gọi đẩy mạnh và phát triển nền ngoại giao nhân dân. Cho đến nay, trước nhu cầu hội nhập quốc tế cần thiết để thích ứng với nền kinh tế toàn cầu, nỗi ám ảnh đen tối đó vẫn tồn tại rất đậm !
                              May sao, cách đây hơn chục năm, tôi đã dám cưỡng lại quyết liệt nỗi ám ảnh phi lý đó, tự khẳng định quyền tự do quan hệ quốc tế của mình, ngay cả với cái nước mà lúc ấy ai cũng vô cùng sợ là Mỹ. Kết quả thật tốt đẹp, chỉ thông qua mối quan hệ cá nhân của tôi với một số giáo sư các trường đại học Hoa Kỳ, 4 cử nhân đầu tiên (1 ở Tổng Cục Ðịa Chất, 3 ở Viện Khoa Học Việt Nam) của ngành địa chất - địa vật lý mà có lẽ cũng là đầu tiên của nước (CHXHCNVN) đã được sang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ. Nhờ đấy, chúng ta có được hai tiến sĩ và hai thạc sĩ đào tạo từ Mỹ mà nhà nước không phải trích phần ngân quỹ nào, gia đình các nghiên cứu sinh cũng không hề phải đóng một đồng kinh phí.


                              Có một tình tiết chắc hẳn Nguyễn Như Phong cho là rất đắt giá để có thể kết tội Mai Thái Lĩnh khi ông được bên ngoài gợi ý nhận chức Chủ Tịch phân bộ Tập Hợp Ða Nguyên Dân Chủ Việt Nam.


                              Tình tiết này do Phong nêu nên không biết độ chính xác thế nào, song nếu quả có vậy thật thì cũng không thể kết tội Mai Thái Lĩnh là phản bội tổ quốc. Hiến pháp đã ghi : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" (Ðiều 69). Thành lập tổ chức hay tham gia bất cứ tổ chức nào ở trong nước cũng như ở nước ngoài là quyền chính đáng của công dân. Chỉ khi nào cá nhân ấy, tổ chức ấy có hành động phạm pháp thì tòa án mới được đem ra xét xử.

                              Tóm lại, bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có quyền tham gia tổ chức trong nước và quốc tế, lập hội, trao đổi thông tin, luận bàn việc nước, việc đời, tán phát tài liệu do mình viết ra hay tiếp nhận được bằng cách truyền tay hay đưa lên internet ..., miễn là không được bịa đặt, không được nói sai sự thật, không được tiết lộ bí mật nhà nước, không được kích động bạo lực. Anh Nguyễn Như Phong lợi dụng tờ báo của mình để bôi nhọ và công bố tội trạng trái phép đối với Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh là phạm vào các tội vu khống (điều 117), tội làm nhục người khác (điều 116, Bộ Luật Hình Sự).
                              Ðiều thật khó hiểu là, trưa ngày 5 tháng 1 năm 2001, công an Lâm Ðồng đã chính thức trao quyết định miễn trách nhiệm hình sự, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và ông Hà Sĩ Phu đã được trả tự do hoàn toàn; vậy mà cho đến 18 tháng 1 năm 2001, Nguyễn Như Phong vẫn khăng khăng luận tội, vẫn tiếp tục bôi bẩn ông trên báo An Ninh Thế Giới. Là người trong ngành, chẳng nhẽ Phong không nắm được thông tin ? Vì sao Phong cố ý làm càn một cách cay cú như vây ? Phải chăng Phong có ý chống lại quyết định trên ?
                              Còn nhiều điều cần nói nhưng cuối cùng tôi chỉ muốn khuyên Nguyễn Như Phong một điều, nếu anh chưa được giáo dục đầy đủ để biết tôn quý những người tuổi cha chú mình và đáng bậc thầy mình thì anh cũng đừng quá hỗn xược do thói ngựa non háu đá, dê cỏn buồn sừng. Ðừng hăng hái xung phong làm tên xung kích cuồng bạo. Cách phấn đấu kiểu bồi bút có thể nhất thời đem lại nhanh chóng cho anh một bậc lương, một cấp hàm nào đó nhưng vì bất nhân, vô đạo nên lương tâm sẽ bị đày đọa và tiếng xấu sẽ mang theo suốt đời.
                              Dẫu sao anh cũng còn trẻ và tôi tin rằng anh biết nghe lời nói phải, biết phục thiện để vươn lên làm nhà báo chân chính, giúp ích nhiều cho nước, cho dân.
                               
                              Hà Nội 19 tháng 1 năm 2001
                              Nguyễn Thanh Giang

                               
                              http://www.lmvntd.org/dossier/ntgiang/0101nhphong.htm
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2006 03:54:01 bởi LXMai >
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 60 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9