TRUYỆN KIỀU BẢN 1866
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 6 của 8 trang, bài viết từ 76 đến 90 trên tổng số 110 bài trong đề mục
sóng trăng 13.02.2007 13:34:55 (permalink)
 





Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,

Bạc sinh xuống trước tìm nơi hỏi ngày.

Cũng nhà hàng viện xưa nay,

2140    Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.

Xem người định giá vừa rồi,

Mối hàng một, đã ra mười thì buông.

Mướn người thuê kiệu rước nàng,

Bạc đem mặt Bạc kiếm đường cho xa!

2145    Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,

Bên trong thấy một mụ ra vội vàng,

Đưa nàng vào lạy gia đường,

Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh!

Thoạt trông nàng đã biết tình,

2150    Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.

Chém cha cái số hoa đào,

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!

Nghĩ đời mà ngán cho đời,

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

2155    Tiếc thay nước đã đánh phèn,

Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!

Hồng quân với khách hồng quần,

Đã xoay đến thế còn hờn chưa tha.

Lỡ từ lạc bước, bước ra,

2160    Cái thân liệu những từ nhà liệu đi.









Chú Thích:





Câu 2139:
Hành viện:  cũng như thanh lâu là nhà chứa gái điếm.

Câu 2140:
Phường bán thịt:  chỉ bọn chứa gái điếm.

Câu 2140:
Tay buôn người:  chỉ bọn mua con gái về ép phải làm điếm.

Câu 2142:
Buông:  nhả mối hàng ra, chịu bán.

Câu 2144:
Bạc đem mặt bạc:  trong bản QVĐ cả hai chữ Bạc đều viết chỉ họ Bạc, trong bản KOM cả hai chữ "bạc" đều viết "bạc" là mỏng, bạc bẽo. Theo chúng tôi nghĩ thì bản QVĐ viết đúng hơn. Cứ để chữ Bạc viết hoa, cho là họ là tên mà chữ thứ hai theo cách chơi chữ vẫn có cái nghĩa bóng là bạc bẽo, bạc ác. Cả câu ý nói Bạc Hạnh bán được tiền xong xuôi vội đem cái mặt bạc ác của mình trốn đi mất không giám từ giã Thuý Kiều.

Câu 2145:
Kiệu hoạ.. thềm hoa:  chữ "hoa" ở đây được dùng cho đẹp lời thôi.

Câu 2147:
Gia đường:  gian nhà thờ tổ tiên, đây chỉ chỗ thờ tổ sư, tức thần mày trắng.

Câu 2150:
Chim lồng:  Thuý Kiều biết mình đã bị bán vào tay Bạc bà rồi, ví như con chim đã bị nhốt trong lồng, thì không có cách gì trốn đi đâu được nữa.

Câu 2151:
Số đào hoa:  theo sách Tử vi đẩu sổ thì con gái gặp phải sao đào hoa ở cung mệnh sẽ có nhiều đời chồng hoặc sẽ gặp phải cảnh giang hồ.

Câu 2155:
Nước đã đánh phèn:  nước đã đánh phèn cho trong.

Câu 2156:
Lại vẩn lên:  ý nói tấm thân đã muốn giữ cho trong sạch lại bị mắc vào vòng dơ bẩn như cũ.

Câu 2157:
Hồng quân:  ("hồng": lớn, quân: cái khuôn, cái bàn xoay để nặn đồ bằng đất) chỉ ông trời, đấng tạo hoá.

Câu 2157:
Hồng quần:  chỉ phụ nữ vì ở bên Trung Quốc xưa kia con gái mặc quần hồng.
 
 
_____________
 





Đầu xanh đã tội tình gì?

Má hồng đền quá nửa thì chưa thôi!

Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

2165    Lần thâu gió mát đêm thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình đến chơi.

Râu hầm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Đường đường một đấng anh hào,

2170    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Đội trời, đạp đất ở đời,

Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.

Giang hồ quen thú vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

2175    Qua chơi thấy tiếng nàng Kiều,

Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.

Thiếp danh đưa đến lầu hồng,

Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.

Từ rằng: "Tâm phúc tương cờ,

2180    Phải người trăng gió câu vờ hay sao?

Bấy lâu nghe tiếng má đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào động không?

Một đời được mấy anh hùng,

Bõ chi cá chậu, chim lồng, mà chơi!"







Chú Thích:





Câu 2162:
Đền:  các bản nôm đều viết hoặc thì phải phiên âm là "đền". Cả câu ý nói cái nợ má hồng đã trả, đã đền quá nửa thì xuân xanh còn chưa hết.

Câu 2165:
Lần thâu:  ý nói thời gian đã lần lữa qua đi khá lâu rồi.

Câu 2166:
Biên đình:  chỗ biên giới xa xôi.

Câu 2168:
Râu hùm, hàm én, mày ngài:  tả cái tướng của người anh hùng. Từ Hải có "râu hùm, cằm én" là tướng mạo của Trương Phi và "mày ngài" là tướng mạo của Quan Vân Trường.

Câu 2168:
Thân mười thước cao:  Ở Trung quốc xưa, chiều dài của một tấc và một thước cũng thay đổi theo từng thời đại và cũng không có sự thống nhất trong cả nước.
  Dưới thời nhà Chu (1066 tr CN - 221 sau CN) một thước (xích) chỉ dài có 20 cm chứ không phải 3,5 m như phép đo lường sau này.
  Từ Hải mà Nguyễn Du tả thân mười thước cao thì cũng chỉ cao như vua Văn Vương mà thôi, nhưng thực ra con số này cũng thường chỉ có tính cách ước lệ để chỉ một người cao lớn phi thường.

Câu 2170:
Côn quyền:  ("côn": gậy, "quyền": nắm tay) phép đành võ bằng gậy và bằng tay, chỉ chung về tài võ nghệ.

Câu 2170:
Lược thao:  (tam lược và lục thao, tên hai bộ binh thư xưa truyền lại do Thái Công Vọng soạn) nói chung về tài dùng binh có mưu cơ.

Câu 2172:
Việt Đông:  thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay.

Câu 2173:
Giang hồ:  sông với hồ, chỉ người phiêu lưu nay đây mai đó.

Câu 2174:
Gươm đàn... một chèo:  cả câu này mượn ý ở hai câu thơ của Hoàng Sào: "Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng, nhất trạo giang sơn tận địa duy" = nửa vai cung kiếm tung trời đất, một mái chèo đi khắp núi sông.
  Nguyễn Du đã đổi chữ "cung kiếm" ra là "gươm đàn" và cho rằng thanh gươm và cây đàn là hai vật tuỳ thân của người giang hồ phong lưu.
  Hai chữ "gươm" và "đàn" đều là chữ nôm. Chữ "đàn" trong Hán văn chỉ được dùng làm động từ thôi.

Câu 2177:
Thiếp danh:  tấm giấy nhỏ có ghi tên họ.

Câu 2179:
Tâm phúc tương cờ:  ("tâm": lòng, "phúc": bụng dạ, "tương": cùng, "cờ" tức kỳ: hẹn) lấy tấm lòng chân thành cùng hẹn với nhau.

Câu 2180:
Vật vờ:  lông bông, lang thang, không nhất tâm.

Câu 2182:
Mắt xanh:  ý nói con mắt nhìn thẳng và kính trọng. Theo Tấn thư, Nguyễn Tịch khi tiếp người mà ông trọng thì nhìn thẳng lên để lộ tròng mắt xanh, khi tiếp người mà ông coi rẻ thì nhìn nghiêng nên để lộ tròng mắt trắng.
  Cả câu 2182 ý Từ Hải muốn hỏi xem có phải Thuý Kiều chưa để ý đến ai không hoặc chưa cho ai là người tri kỷ không?

Câu 2184:
Cá chậu chim lồng:  chỉ hạng người tầm thường, chỉ mong sống an thân trong vòng kiềm toả.
 
 
__________________
 





2185    Nàng rằng: "Người dạy quá lời,

Thân này còn dám xem ai làm thường!

Xót riêng chọn đá thử vàng,

Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

Còn như vào trước ra sau,

2190    Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?

Từ rằng: "Lời nói hữu tình,

Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.

Lại đây xem lại cho gần,

Phỏng tin được một vài phần hay không?

2195    Thưa rằng: "Lượng cả bao dong,

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.

Rộng thương cỏ nội hoa hèn,

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!"

Nghe lời vừa ý, gật đầu,

2200    Cười rằng: "Tri kỉ trước sau mấy người!

Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đứng giữa trần ai mới già!

Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!"

2205    Hai bên ý hợp, tâm đầu,

Khi thân, chẳng lọ là cầu mới thân!

Ngỏ lời nói với băng đại,

Tiền (?) trăm lại cứ nguyên quân chiếu hoàn.







Chú Thích:





Câu 2187:
Chọn đá thử vàng:  chọn đá xem có đá quí, có ngọc không, thử vàng xem có vàng tốt không. Cả câu ý nói: riêng trong lòng cũng muốn tìm một người tử tế, một người tri kỷ trong đám khách đến chơi ở thanh lâu.

Câu 2188:
Can tràng:  gan ruột, ý nói nỗi lòng.

Câu 2190:
Kén chọ vàng thau:  ý nói lựa chọn kẻ tốt người xấu. Cả hai câu 2189-2190 ý nói đối với khách làng chơi thì phải "đưa người cửa trước, rước người cửa sau" đâu có quyền kén chọn kẻ tốt người xấu để tuỳ ý mà tiếp đâu.

Câu 2192:
Câu Bình Nguyên quân:  chỗ này Tản Đà có nhận xét rằng: "Nhân ở trên, lời Kiều có câu". Biêt đâu mà gửi can tràng vào đâu? Cho nên đây có câu này lời Từ Hải, là lấy bởi hai câu thơ Đường: "Bất tri can đảm hướng thuỳ thị, linh nhân khước ức Bình Nguyên quân" song mà nhận ra hơi ngang nghĩa, chỗ ngang ở một chữ "câu".
  Nhận xét ấy của Tản Đà là đúng vì chữ "câu" đây phải hiểu là "câu nói" của Bình Nguyên quân chứ không phải "câu thơ" của Cao Thích nói về Bình Nguyên quân.
  Chúng ta đã biết rằng Bình Nguyên quân (Triệu Thắng) là một vị tướng thời Chiến quốc, có tính hào hiệp, mời khách ăn trong nhà hằng đến ba ngàn người. Khi nước Tần đem quân sang đánh kinh đô Hàm Đan, ông có kén một đoàn tuỳ tùng để sang cầu cứu bên nước Sở nhưng tìm mãi vẫn thiếu một người. Mao Toại cũn

Câu 2195:
Bao dung:  chỉ người có độ lượng che chở cho người khác.

Câu 2196:
Tấn Dương:  tên đất nay thuộc tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Cả câu ý nói Thuý Kiều tin rằng Từ Hải sẽ làm nên được nghiệp đế như Đường Cao tổ đã từ đất Tấn Dương dấy lên.

Câu 2200:
Tri kỷ:  ("tri": biết, "kỷ": mình) kẻ hiểu biết lòng mình.

Câu 2202:
Trần ai:  bụi bậm, ý nói lúc còn chưa làm nên, còn phải chịu gian nan khổ sở.

Câu 2204:
Muôn chung nghìn tứ:  ("chung": đồ dùng đong thóc đựng được 6 hộc 4 đấu, "tứ": xe đóng bốn ngựa) muôn chung thóc, nghìn cỗ xe bốn ngựa, ý nói được quyền cao chức trọng giàu sang phú quí.

Câu 2205:
Ý hợp tâm đầu:  ("đầu": hợp) ý hợp với nhau, lòng hợp với nhau, tức tình ý hoàn toàn hợp nhau.

Câu 2208:
Nguyên ngân:  nguyên số bạc đã bỏ ra mua Thuý Kiều.

Câu 2208:
Phát hoàn:  đưa trả lại.
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.02.2007 04:16:46 bởi sóng trăng >
#76
    sóng trăng 13.02.2007 13:37:20 (permalink)
     





    Phòng riêng, sửa chốn thanh nhàn,

    2210    Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

    Nửa năm hương lửa đang nồng,

    Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

    2215    Trông vời trời bể mênh mang,

    Thanh gươm, yên ngựa lên đàng thẳng dong.

    Nàng rằng: "Phận gái chữ tòng,

    Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi."

    Từ rằng: "Tâm phúc tương tri,

    2220    Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

    Bao giờ mười vạn tinh binh,

    Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường;

    Làm cho rõ mặt phi thường,

    Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

    2225    Bằng nay bốn bể không nhà,

    Theo càng thêm bạn biết là đi đâu?

    Đành lòng chờ đó ít lâu,

    Chầy chăng là một năm sau vội gì?"

    Quyết lời dứt áo ra đi,

    2230    Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi.

    Nàng thì chiếc bóng song mai,

    Đêm thâu đằng đẵng ngày cài then mây.







    Chú Thích:





    Câu 2210:
    Màn bát tiên:  màn có thêu tàm vị tiên là Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Hà Tiên Cô, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quản, Chung Ly Muội, Lam Thái Hoà, và Trương Quả Lão. Trong tàm vị tiên này chỉ có Hà Tiên cô là đàn bà.

    Câu 2212:
    Sánh phượng:  ý nói sánh đôi vợ chồng. Do câu "phượng hoàng vu phi, hoà minh tương tương" (chim phượng chim hoàng cùng bay, tiếng hót hoà nhau nghe vang vang).

    Câu 2212:
    Cưỡi rồng:  ý nói lấy được chồng xứng đáng.
      Theo Sở quốc tiên hiền truyện, Hoàng Hiếu và Lý Ưng là hai danh sĩ đời Hậu Hán đều lấy con gái thái uý Hoàn Yên. Người đời khen rằng con gái của thái uý được cưỡi rồng.

    Câu 2214:
    Trượng phu:  người đàn ông có chí khí lớn.

    Câu 2214:
    Động lòng bốn phương:  có ý đi lập nghiệp lớn, tung hoành bốn phương để phỉ chí tang bồng.

    Câu 2219:
    Tâm phúc tương tri:  ("phúc": bụng) lòng dạ cùng hiểu nhau.

    Câu 2220:
    Nữ nhi thường tình:  cái tình thông thường của phụ nữ là hay lưu luyến trước cảnh chia ly.

    Câu 2221:
    Tinh binh:  quân lính tinh nhuệ.

    Câu 2222:
    Bóng tinh:  bóng cờ.

    Câu 2223:
    Phi thường:  khác thường, ý nói người thường không bì kịp, cũng như xuất chúng.

    Câu 2224:
    Nghi gia:  ("nghi": nên, "gia": nhà) chữ lấy trong Kinh Thi, bài "Đào yêu" (Chu Nam): "Chi tử vu qui, nghi kỳ gia thất" = nàng ấy đi lấy chồng thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình, chữ "nghi gia" được dùng để nói về người con gái đi lấy chồng.

    Câu 2230:
    Gió mây bằng đã...:  ("bằng": chim bằng) ý nói người anh hùng đã tới kỳ tung hoành như chim bằng gặp gió lướt mây bay tới vạn dặm. "Chim bằng" đây chỉ Từ Hải.

    Câu 2230:
    Dặm khơi:  dặm xa.

    Câu 2231:
    Song mai:  cửa sổ, chữ "mai" được dùng cho đẹp lời và cũng để hiệp vần chứ không nhất thiết phải có cây mai ở bên cạnh cửa sổ.

    Câu 2232:
    Nhặt cài:  cài chặt, cài cẩn thận.

    Câu 2232:
    Then mây:  then cửa. Chữ "mây" được thêm vào cho đẹp lời cũng như then hoa.
     
    #77
      sóng trăng 13.02.2007 13:39:34 (permalink)





      Sân rêu chẳng vẽ dấu đầy,

      Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân.

      2235    Đoái thương muôn dặm tử phần,

      Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

      Xót thay huyên cỗi xuân già,

      Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?

      Chốc là mười mấy năm trời,

      2240    Còn ra khi đã da mồi tóc sương.

      Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

      Dầu lìa tơ ý còn vương tơ lòng.

      Duyên em dù nối tơ hồng,

      May ra khi đã tay bồng tay mang.

      2245    Tấc lòng cố quốc tha hương.

      Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.

      Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

      Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

      Đêm ngày luống những âm thầm,

      2250    Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương!

      Ngất trời sát khí mơ màng,

      Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.

      Người quen kẻ thuộc chung quanh,

      RỦ nàng hãy tạm lánh mình một nơi.

      2255    Nàng rằng: "Trước đã hẹn lời,

      Dẫu trong nguy hiểm dám rời ước xưa!"







      Chú Thích:





      Câu 2233:
      Chẳng vẽ dấu giày:  ý nói ít người lui tới.

      Câu 2235:
      Tử phần:  chỉ quê nhà. Chữ "tử" lấy ở Kinh Thi: Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ = cây dâu và cây tử do cha mẹ trồng tất phải cung kính giữ gìn.
        Chữ "phần" do tên làng của Hán cao tổ là Phần du ở ấp Phong. Khi đã lên ngôi vua, Cao tổ có về quê cũng lễ. Người đời sau mới dùng chữ đó để chỉ quê hương.

      Câu 2236:
      Mây Tần:  mây trên núi Tần Lĩnh, ý nói đến sự nhớ nhà. Thơ Hàn Dũ có câu "Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại" = mây kéo ngang núi Tần Lĩnh, nhà ta ở chỗ nào?

      Câu 2237:
      Huyên cỗi xuân già:  xuân huyên chỉ cha mẹ (xem chú thích câu 759), đây nói cha mẹ đã già cả rồi.

      Câu 2240:
      Da mồi tóc sương:  da lốm đốm như màu mai đồi mồi, tóc trắng như sương, ý nói đã già lắm rồi.

      Câu 2242:
      Ngó ý:  ngó sen (đúng ra chữ ý là tim đắng trong hạt sen). Cả câu ý nói dẫu phải lìa xa nhau nhưng vẫn vương vấn nhớ nhau như ngó sen tuy bị bẻ gãy làm đôi mà tơ trong lòng vẫn vương lấy nhau.

      Câu 2243:
      Nối chỉ hồng:  chắp mối duyên với Kim Trọng.

      Câu 2245:
      Cố quốc:  nước cũ tức quê hương.

      Câu 2245:
      Tha hương:  ("tha": khác, "hương": làng) ý nói ở nơi đất khách quê người.

      Câu 2247:
      Cánh hồng:  ("hồng": loài ngỗng trời) cánh chim hồng, ý nói người anh hùng tung hoành bốn phương như cánh chim hồng bay bổng.

      Câu 2248:
      Mòn con mắt:  ý nói trông chờ đã lâu lắm mà không thấy.

      Câu 2251:
      Sát khí:  cái vẻ dữ dội của cuộc chém giết do chiến tranh gây ra.

      Câu 2252:
      Kình ngạc:  ("kình": cá mập, "ngạc": cá sấu) hai thứ cá dữ, ví với quân giặc dữ tợn.

      Câu 2252:
      Giáp binh:  ("giáp": áo giáp, "binh": binh khí) nói chung là binh khí, dùng rộng nghĩa là để chỉ binh sĩ có trang bị khí giới.

      Câu 2256:
      Ước xưa:  Từ Hải khi ra đi có dặn Thuý Kiều ở lại chờ ngày nghi gia nên dù có binh lửa nàng cũng giữ ước xưa không dám đi chỗ khác.
       
       
      #78
        sóng trăng 13.02.2007 13:42:32 (permalink)
         





        Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ,

        Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiếng la.

        Giáp binh kéo đến quanh nhà,

        2260    Đồng thanh cùng gửi: "Nào là phu nhân?"

        Hai bên mười vị tướng quân,

        Đặt gươm, cởi giáp trước sân khấu đầu.

        Cung nga thể nữ nối sau,

        Rằng: "Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui."

        2265    Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,

        Hoa bay chấp chới, hài y rỡ ràng.

        Dựng cờ, nổi trống lên đàng,

        Trúc tơ nối trước, đào vàng cất sau.

        Hoả bài tiền lộ ruổi mau,

        2270    Nam đình nghe động trống chầu đại doanh.

        Kéo cờ luỹ, phát súng thành,

        Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài:

        Rỡ mình lạ vẻ cân đai,

        Hãy còn cằm én mày ngài như xưa.

        2275    Cười rằng: "Cá nước duyên ưa,

        Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

        Anh hùng mới biết anh hùng,

        Rày xem phỏng (?) đã cam lòng ấy chưa!"

        Nàng rằng: "Chút phận ngây thơ,

        2280    Cũng may dây cát được nhờ bóng cây!







        Chú Thích:





        Câu 2257:
        Dùng dắng:  tức dùng dắng, ngập ngừng chưa biết quyết định làm sao.

        Câu 2258:
        La:  thanh la, một thứ nhạc khí như cái chiêng, mặt tròn và phẳng. Các bản Nôm đều viết (la). Bản Hồ Đắc Hàm và bản Tản Đà chép là "loa", tức là thứ ống bằng đồng, có một đầu nhỏ một đầu loe rộng để làm tiếng vang to ra, trong quân ngũ thường dùng để truyền lệnh.

        Câu 2260:
        Đồng thanh:  cùng lên tiếng.

        Câu 2260:
        Gửi:  tức thưa gửi, tỏ ý cung kính.

        Câu 2262:
        Khấu đầu:  làm lễ cúi đầu sát đất. Kinh Lễ có nói: Người đội mũ trụ và mặc áo giáp thì không lạy ai bao giờ, cho nên mười vị tướng quân phải bỏ gươm ra và cởi giáp rồi mới làm lễ.

        Câu 2263:
        Cung nga thể nữ:  gọi chung là những người con gái hầu hạ ở trong cung vua.

        Câu 2264:
        Lệnh chỉ:  lệnh của nhà vua hoặc chiếu chỉ của nhà vua, đây là lệnh của đại vương Từ Hải.

        Câu 2264:
        Vu qui:  ("vu": đi, "qui": về) con gái về nhà chồng.

        Câu 2264:
        Rước chầu vu qui:  chữ chầu đây được dùng để bày tỏ sự tôn kính đối với Thuý Kiều này đã là một vương Phi.

        Câu 2265:
        Phượng liễn loan nghi:  kiệu có trang hoàng hình chim phượng và đồ nghi trượng có trang hoàng hình chim loan, chỉ chung nghi vệ của vương phi.

        Câu 2266:
        Hoa quan:  mũ có bông vàng chạm kết ở trên.

        Câu 2266:
        Chấp chới:  lung linh sáng, nói những bông vàng hoặc đá quí rung rinh lấp lánh.

        Câu 2266:
        Hà y:  ("hà": ráng, "y": áo) áo sắc đẹp rực rỡ như sắc ráng trời màu hồng tía.

        Câu 2269:
        Hoả bài:  ("hoả": lửa, "bài": cái thẻ bài) cái thẻ bài trên có cột lửa để đi đòi việc quan cho mau.

        Câu 2269:
        Tiền lộ:  đi phía trước.

        Câu 2270:
        Nam đình:  triều đình ở phương nam, tức dinh của Từ Hải đóng quan.

        Câu 2270:
        Đại doanh:  doanh trại lớn của Từ Hải.

        Câu 2272:
        Thân nghênh:  đích thân mình ra đón.

        Câu 2273:
        Rỡ mình lạ vẻ cân đai:  ý nói Từ Hải mang mũ áo cân đai trông rực rỡ chắc là Thuý Kiều phải lấy làm lạ.

        Câu 2275:
        Cá nước duyên ưa:  duyên may mắn. Ca dao có câu: "Tình cớ bắt gặp nàng đây, như cá gặp nước như mây gặp rồng".

        Câu 2278:
        Cam lòng:  thoả lòng mong đợi.

        Câu 2279:
        Ngây thơ:  trẻ dại.

        Câu 2280:
        Dây cát:  thứ dây leo chỉ sống nhờ cây lớn. Xem chú thích câu 902, chữ "cát đằng". Đây Thuý Kiều nói mình cũng như thứ cây leo chỉ mong được sự bao dung của Từ Hải.
         
        #79
          sóng trăng 13.02.2007 13:45:12 (permalink)
           





          Đến bây giờ mới thấy nhau,

          Mà lòng đã chắc những ngày một hai."

          Cùng nhau trông mặt cả cười,

          Dan tay về chốn trướng mai tự tình.

          2285    Tiệc bày thưởng tướng khao quân,

          Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân.

          Vinh hoa bõ lúc phong trần,

          Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

          Trong quân có lúc vui vầy,

          2290    Thong dong mới kể sự ngày hàn vi:

          "Khi thương Tích, khi Lâm Truy,

          Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương.

          Tấm thân rày đã nhẹ nhàng,

          Chút còn ân ái đôi đường chưa xong."

          2295    Từ công nghe nói thuỷ chung,

          Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang.

          Nghiêm quân, tuyển tướng sẵn sàng

          Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao.

          Ba quân chỉ ngọn cờ đào,

          2300    Đạo ra thương Tích, đạo vào Lâm Truy.

          Mấy người phụ bạc xưa kia.

          Chiếu danh tầm chọn bắt về hỏi tra.

          Lại sai lệnh tiễn truyền qua,

          Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên.







          Chú Thích:





          Câu 2282:
          Một hai:  ý nói chắc chắn, không thể thay đổi được, một cách cương quyết, hoàn toàn tin tưởng.

          Câu 2283:
          Cả cười:  cười lớn tiếng.

          Câu 2284:
          Trướng mai:  màn có thêu hoa mai, đây chỉ phòng riêng của hai vợ chồng. Chữ "mai" cũng có thể chỉ được dùng cho đẹp lời như trướng đào, trướng hổ, trướng hồng...

          Câu 2284:
          Tự tình:  ("tự": bày tỏ) chuyện trò bày tỏ tình cảm với nhau.

          Câu 2285:
          Khao binh:  thưởng cho quân sĩ ăn uống rượu chè.

          Câu 2287:
          Vinh hoa:  vẻ vang, sung sướng.

          Câu 2287:
          Phong trần:  khổ sở vất vả.

          Câu 2288:
          Thêm xuân:  thêm đằm thắm.

          Câu 2290:
          Hàn vi:  ("hàn": lạnh, "vi": nhỏ) lúc còn chưa làm nên, lúc còn nghèo hèn.

          Câu 2291:
          Vô Tích:  nơi Thuý Kiều bị Hoạn thư bắt về hành hạ.

          Câu 2291:
          Lâm Truy:  nơi Thuý Kiều bị Tú bà đánh đập, lừa gạt bắt phải tiếp khách.

          Câu 2292:
          Lừa đảo:  Kiều bị Mã Giám sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh lừa gạt.

          Câu 2292:
          Xót thương:  Kiều đã được Mã Kiều, bà quản gia, sư Giác Duyên thương xót.

          Câu 2295:
          Thuỷ chung:  ("thuỷ": bắt đầu, mới; "chung": cuối cùng, hết) đầu đuôi câu chuyện.

          Câu 2297:
          Nghiêm quân:  ra lệnh cho quân sĩ phải nghiêm chỉnh hàng ngũ.

          Câu 2298:
          Ruổi sao:  chạy mau như sao băng, do chữ "tinh trì" dịch ra.

          Câu 2299:
          Ba quân:  ba đạo quân theo tổ chức binh đội xưa gồm tiền quân, trung quân và hậu quân; đây chỉ quân sĩ.

          Câu 2299:
          Cờ đào:  cờ đỏ, cờ hiệu của quân đội.

          Câu 2300:
          Vô Tích:  một huyện thuộc phủ Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Bản LVĐ chép sai là "Thương Tích".

          Câu 2301:
          Phụ bạc:  phụ tình ở bạc.

          Câu 2302:
          Chiếu danh:  chiếu theo tên.

          Câu 2302:
          Tầm nã:  tìm bắt.

          Câu 2303:
          Lệnh tiễn:  tên cây cờ, giữa lá cờ có viết chữ (lệnh) và trên đầu cán cờ có hình mũi tên để làm hiệu lệnh cho việc hành quân, cờ này có nghĩa là lệnh quân đi mau như tên.
           
          #80
            sóng trăng 13.02.2007 13:47:57 (permalink)
             





            2305    Mụ Hoạn Thư, vãi Giác Duyên,

            Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời.

            Thệ sư kể hết mọi lời,

            Lòng lòng cũng giận, người người chấp uy,

            Đạo trời báo phục chỉn ghê,

            2310    Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi.

            Quân trung gươm lớn giáo dài.

            Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi,

            Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

            Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

            2315    Trướng hùm mở giữa trung quân,

            Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi.

            Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi

            Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên.

            Từ rằng: "Ân oán hai bên,

            2320    Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh."

            Nàng rằng: "Nhờ cậy uy linh,

            Hãy xin báo đáp ân tình cho phu.

            Báo ân rồi sẽ trả thù.

            Từ rằng: "Việc ấy để cho mặc nàng."

            2325    Cho gươm mời đến Thúc lang,

            Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ (dế) run.

            Nàng rằng: "Nghĩa trọng nghìn non,

            Lâm Truy người cũ, chàng còn nhớ không?







            Chú Thích:





            Câu 2307:
            Thệ sư:  ("thệ": thề, "sư": quân) lời tuyên thệ trước lúc xuất quân, lời hiểu dụ trước khi xuất quân.

            Câu 2308:
            Chấp uy:  chấp hành nghiêm lệnh.

            Câu 2309:
            Báo phục:  báo trả lại, tức ân trả ân, oán trả oán.

            Câu 2309:
            Chỉn ghê:  ("chỉn": vốn) vốn thật đáng sợ.

            Câu 2311:
            Quân trung:  trong chỗ đóng quân.

            Câu 2312:
            Vệ... cơ:  (vệ là toán quân năm trăm người, cơ là một toán quân) nói chung các đơn vị trong quân đội.

            Câu 2312:
            Thị lập:  ("thị": chầu, "lập": đứng) đứng chầu, đứng hầu.

            Câu 2312:
            Song phi:  ("song": sóng đôi, "phi": mở) mở ra hai hàng, dàn ra làm hai hàng.

            Câu 2314:
            Bác đồng:  ("bác": súng lớn) súng lớn bằng đồng.
              Bản HĐH chép là vác đòng (lưỡi mác và chiếc lao) bản TVK chép là vác đồng và chú là binh khí. Câu 2510 cũng có chữ "bác đồng" đúng hơn "vác đòng" vì sau đó ở câu 2514, Hồ Tôn Hiến đã ra lệnh "Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ".

            Câu 2314:
            Tinh kỳ:  ("tinh": cờ hiệu, cờ có ngù lông ở trên đầu, "kỳ": cờ) cờ xí, nói chung các thứ cờ của từng cơ vệ.

            Câu 2315:
            Trướng hùm:  do chữ hổ trướng, bức màn da hổ chỉ chỗ ngồi chỉ huy của ông tướng, nơi làm việc quân cơ.

            Câu 2317:
            Tên nghiêm:  hồi trống đánh để ra lệnh nghiêm chỉnh quân sĩ và ra uy cho mọi người phải tôn trọng quân lệnh.

            Câu 2318:
            Cửa viên:  ("viên": càng xe) chỗ đóng quân có quây các xe lại làm thành hàng rào và có dựng càng hai xe làm cửa ra vào.

            Câu 2320:
            Xử quyết:  xét xử quyết định.

            Câu 2322:
            Cho phu:  cho bõ, cho đáng, cho thoả.

            Câu 2326:
            Mặt như chàm đổ:  ý nói sợ xanh cả mặt lại như bị chàm đổ vào.

            Câu 2326:
            Minh dường dế (dẽ) run:  ý nói sợ lắm run rẩy cả tay chân. Ta thường nói sợ chết run chết dê. Câu này bản K-TK, BKD, NVV chép là: "Mặt như chàm đổ, mình dường "giẽ giun"". Nguyễn Văn Vĩnh dịch "giẽ giun" sang tiếng Pháp là bécassine. Trương Vĩnh Ký phiên âm là: "Mặt như chàm đổ, thân dường "cầy run"". Trần Ngươn Hạnh trong bản Abel des Michels đã viết chữ nôm, "cầy run" là . Như vậy chữ cầy viết theo bộ .
              Như vậy chữ "cầy" viết theo bộ "khuyển", chữ "giẽ" viết theo bộ "điểu" và chữ "dế" viết theo bộ "trùng". Bản QVĐ đã viết theo bộ "trùng" nên Hồ Đắc Hàm và Ưng Dự đã phiên âm là "dế". (Hồ Đắc Hàm viết sai chính tả là rế).
             
            http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=97&IDcat=153
            #81
              sóng trăng 13.02.2007 13:50:31 (permalink)
               





              Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,

              2330    Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?

              Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,

              Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là.

              EM chàng quỷ quái tinh ma,

              Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau!

              2335    Kiến bò miệng chén chưa lâu,

              Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa!"

              Thúc sinh trông mặt bấy giờ,

              Mồ hôi chàng đã như mưa ướt dầm.

              Lòng riêng mừng sợ khôn cầm,

              2340    Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai!

              Mụ già, sư trưởng thứ hai

              Thoắt đưa đến trước, vội mời lên trên.

              Dắt tay mở mặt cho nhìn:

              "Hoa kia nô với Trạc Tuyền cũng tôi!

              2345    Nhớ khi lỡ bước sẩy vời,

              Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.

              Nghìn vàng gọi chút lễ thường.

              Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân!"

              Hai người trông mặt tần ngần,

              2350    Nửa phần khiếp sợ, nửa phần mừng vui.

              Nàng rằng: "Xin hãy rốn ngồi,

              Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!"







              Chú Thích:





              Câu 2329:
              Sâm Thương:  tức sao mai và sao hôm, hai ngôi sao ấy cứ ngôi này mọc thì ngôi kia lặn, không bao giờ gặp nhau. Đây ý nói Thuý Kiều và Thúc sinh không bao giờ sum họp được nữa, sẽ bị cách biệt mãi mãi.

              Câu 2330:
              Cố nhân:  người thân cũ.

              Câu 2334:
              Kẻ cắp bà già gặp nhau:  ngạn ngữ có câu "bà già bắt được kẻ cắp" nói sự bất ngờ mà xảy ra, cũng là chuyện hiếm có, thật tức cười.

              Câu 2335:
              Kiến bò miệng chén chưa lâu:  con kiến bò quanh miệng chén chưa lâu, cũng chỉ quanh quẩn đấy thôi, ý nói Hoạn thư có chạy đi đâu cũng chẳng thoát vì đã nằm trong vòng giam hãm của Thuý Kiều.

              Câu 2340:
              Sợ thay:  sợ cho Hoạn thư thay.

              Câu 2340:
              Cho ai:  cho Thuý Kiều. Thúc sinh mừng thầm cho Thuý Kiều nay được hiển vinh.

              Câu 2341:
              Mụ già:  tức mụ quản gia.

              Câu 2341:
              Sư trưởng:  tức ni sư Giác Duyên.

              Câu 2341:
              Thứ hai:  thứ nhất là Thúc sinh được mời vào trước rồi đến mụ già và sư trưởng được mời vào là thứ hai.

              Câu 2345:
              Sẩy vời:  lỡ hụt chân mà bị ngã, ý nói bị sa vào cảnh khổ.

              Câu 2348:
              Phiếu mẫu:  ("phiếu": đập vải bằng cái chày để giặt). Hàn Tín lúc còn hàn vi, đi câu ở dưới thành, một hôm đói quá, gặp một bà già giặt quần áo cho ăn một bữa cơm. Hàn Tín sau theo giúp Hán Cao tổ, được lập làm Sở vương, đóng đô ở Hạ Bì, nhớ đến bà Phiếu mẫu (bà già giặt quần áo) đã đem nghìn vàng đến để tạ ơn.
                "Lòng Phiếu mẫu": lòng tốt giúp người trong lúc hoạn nạn.
               
              #82
                sóng trăng 13.02.2007 13:52:46 (permalink)





                Kíp truyền chư tướng hiến phù.

                Lại đem các tích phạm đồ hậu tra

                2355    Dưới cờ, gươm tuốt hộp ra,

                Chính danh thủ phạm tên là Hoạn thư!

                Thoắt trông, nàng đã chào thưa:

                "Tiểu thư cũng có bây giờ đến nơi!"

                Đàn bà dễ có mấy tay,

                2360    Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!

                Dễ dàng là thói hồng nhan,

                Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều!"

                Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

                Khấu đầu dưới trướng giở điều kêu ca.

                2365    Rằng: "Tôi chút dạ đàn bà,

                Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

                Nghĩ cho khi gác viết kinh,

                Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

                Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,

                2370    Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!

                Trót lòng gây việc chông gai,

                Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!"

                Khen cho: "Thật đã nên rằng,

                Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời,

                2375    Tha ra thì cũng may đời,

                Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.







                Chú Thích:





                Câu 2353:
                Hiến phù:  ("hiến": dâng nộp, "phù": người bị bắt) dẫn tù ra, dẫn kẻ có tội đến.

                Câu 2354:
                Các tích:  các bản ghi tội của những phạm nhân, các án tích.

                Câu 2354:
                Phạm đồ:  ("phạm": người có tội, "đồ": kẻ bị đi đày) kẻ phạm tội bị bắt giữ.

                Câu 2354:
                Hậu tra:  ("hậu": chờ, "tra": xét hỏi) còn chờ để xét hỏi tội.

                Câu 2356:
                Chính danh thủ phạm:  chính tên có tội nặng nhất đứng đầu hàng phạm nhân, khác với các tòng phạm chỉ là những tên đồng loã. Đây Hoạn thư là thủ phạm, còn tòng phạm là các tên tay sai như bọn Khuyển, Ưng.

                Câu 2358:
                Tiểu thư:  đâu dùng có ý mỉa mai.

                Câu 2359:
                Mấy tay, mấy mặt, mấy gan:  ý nói mấy người nhưng dùng để chỉ những hạng người ghê gớm, đáng sợ.

                Câu 2361:
                Thói hồng nhan:  thói đàn bà thường ăn ở dễ dàng với mọi người.

                Câu 2362:
                Cay nghiệt:  khắt khe, độc ác.

                Câu 2362:
                Oan trái:  ("trái": nợ) nợ do việc làm ác của mình gây ra.

                Câu 2363:
                Hồn lạc phách xiêu:  hồn phách xiêu lạc, ý nói sợ quá mất cả tinh thần.

                Câu 2367:
                Khi gác viết kinh:  ý nhắc lại việc bắt được quả tang Thúc sinh ra thăm Thuý Kiều ở Quan Âm các mà không ghen tuông.

                Câu 2368:
                Khỏ cửạ.. chẳng theo:  ý nhắc lại việc Thuý Kiều bỏ trốn Quan Âm các lấy trộm chuông vàng khánh bạc mà không cho người đuổi theo.

                Câu 2372:
                Lượng bể:  lòng khoan dung rộng như bể.
                 
                 
                #83
                  sóng trăng 13.02.2007 13:56:06 (permalink)





                  Đã lòng tri quá thời nên!"

                  Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

                  Tạ lòng, lạy trước sân mây,

                  2380    Cửa hiên lại dắt một dây dẫn vào.

                  Nàng rằng: "Lồng lộng trời cao.

                  Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta?

                  Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà,

                  Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh;

                  2385    Tú bà với Mã Giám sinh,

                  Các tên tội ấy đăng (đáng) tình còn sao?"

                  Lệnh quân truyền xuống nội đao,

                  Thề sao thì lại cứ sao gia hình.

                  Máu rơi thịt nát tan tành,

                  2390    Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời!

                  Cho hay muôn sự tại trời,

                  Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta!

                  Mấy người bạc ác tinh ma,

                  Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!

                  2395    Ba quân đông mặt pháp trường.

                  Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi.

                  Việc nàng báo phục vừa rồi,

                  Giác Duyên vội vã gởi lời từ qui.

                  Nàng rằng: "Thiên tải nhất thì,

                  2400    Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.







                  Chú Thích:





                  Câu 2377:
                  Tri quá:  ("quá": lỗi) biết lỗi.

                  Câu 2378:
                  Quân lệnh:  mệnh lệnh trong quân đội.

                  Câu 2378:
                  Trướng tiền:  trước trướng (màn), tức trước chỗ ngồi xử án, nơi Từ Hải đặt bộ chỉ huy.

                  Câu 2380:
                  Cửa viên:  cửa ra vào nơi đóng quân.
                    Xem thêm chú thích câu 2318.

                  Câu 2382:
                  Hại nhân nhân hại:  hại người thì bị người hại lại.

                  Câu 2387:
                  Nội đao:  quân lính giữ việc chém người có tội bị hành hình, cũng như nói quân đao phủ.

                  Câu 2388:
                  Thề sao:  ý nhắc lại các lời thề của Mã Giám sinh, Tú bà, Sở khanh, Bạc Hạnh khi trước.

                  Câu 2388:
                  Gia hình:  thi hành hình phạt đối với tội nhân. Nguyễn Du đã không theo nguyên truyện khi để cho Thuý Kiều tha tội cho Hoạn thư và không nói gì đến Kế thị (mẹ Hoạn thư).
                    Theo nguyên truyện thì: "Vương phu nhân lại truyền cho tả hữu đem Kế thị (mẹ Hoạn thư) ra nọc đánh 30 roi. Quân lính sắp ra tay thì Hoạn thư xin chịu đòn thay và mụ quản giạ.. xin tình nguyện chết thay cho nhũ mẫu. Vương phu nhân nể lời mụ quản gia tha tội cho Kế thị... nhưng Kế thị sợ quá đã chết ngay tức thì.
                    Vương phu nhân lại truyền lệnh đem Hoạn thư ra, lột trần áo xiêm, chỉ để cho một cái khố, buộc tóc lên xà nhà rồi sai đánh 100 trượng... Hoạn thư luôn giãy giụa kêu trời, toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn."

                  Câu 2395:
                  Pháp trường:  chỗ thi hành pháp lệnh chém những tội nhân bị án tử hình.

                  Câu 2396:
                  Thanh thiên bạch nhật:  ("thanh": xanh, "thiên": trời, "bạch": trắng, "nhật": ngày) ý nói giữa chính ban ngày ai ai cũng thấy rõ.

                  Câu 2397:
                  Báo phục:  trả lại điều thù oán, đây ý nói đến việc báo thù các người đã xử ác với mình khi trước.

                  Câu 2398:
                  Từ qui:  từ giã ra về.

                  Câu 2399:
                  Thiên tải nhất thì:  ("tải": năm) nghìn năm mới có một lần.

                  Câu 2400:
                  Bàn hoàn:  nói chuyện với nhau, tâm sự với nhau. Tương dữ bàn hoàn: chuyện vãn cùng nhau, vui chơi cùng nhau (ĐNQATV)
                   
                   
                  #84
                    sóng trăng 13.02.2007 13:58:20 (permalink)
                     





                    Rồi đây bèo hợp mê tan,

                    Biết đâu hạc nội, mây ngàn là đâu?"

                    Sư rằng: "Cũng chẳng mấy lâu,

                    Trong năm năm lại gặp nhau đó mà.

                    2405    Nhớ ngày hành cước phương xa,

                    Báo sư Tam Hợp vốn là tiên tri.

                    Bảo cho hội hợp chi kỳ,

                    Năm nay là một, nữa thì năm năm.

                    Mới hay tiền định chẳng lầm,

                    2410    Đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau.

                    Còn nhiều ân ái với nhau,

                    Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?"

                    Nàng rằng: "Tiền định tiên tri,

                    Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.

                    2415    Hoạ bao giờ có gặp người,

                    Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân."

                    Giác Duyên vâng dặn ân cần,

                    Tạ từ thoắt đã dời tuy cõi ngoài.

                    Nàng rằng ân oán rạch ròi,

                    2420    Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng.

                    Tạ ân lạy trước Từ công:

                    Chút (?) thân bồ liễu mà mong có rày!

                    Trộm nhờ sấm sét ra tay,

                    Tấc riêng như cất gánh (?) đầy đổ đi!







                    Chú Thích:





                    Câu 2401:
                    Bèo hợp mây tan:  ý nói mới gặp nhau đã lìa xa nhau ngay ví như bèo mây hợp lại rồi lại tan đi ngay.

                    Câu 2402:
                    Hạc nội mây ngàn:  ý nói Giác Duyên thường đi nay đây mai đó như hạc ở cánh đồng, mây ở trên ngàn (rừng trên núi cao) không ở yên một chỗ.

                    Câu 2405:
                    Hành cước:  ("hành": đi, "cước": gót chân) đi bộ, chỉ việc các tăng ni đi học đạo hoặc truyền đạo cho các tín đồ.

                    Câu 2406:
                    Tiên tri:  đoán trước được các việc sẽ xảy ra.

                    Câu 2407:
                    Hội ngộ chi kỳ:  kỳ họp mặt với nhau, kỳ hẹn gặp nhau.

                    Câu 2409:
                    Tiền định:  mọi sự xảy ra trong cuộc đời đều đã được tạo hoá định trước.

                    Câu 2411:
                    Ân ái:  âu yếm, quí mến nhau.

                    Câu 2412:
                    Cơ duyên:  duyên nợ mà tạo hoá đã định sẵn.

                    Câu 2416:
                    Chung thân:  ("chung": hết) trọn hết cả cuộc đời.

                    Câu 2419:
                    Rạch ròi:  rõ ràng, rành mạch đâu ra đó.

                    Câu 2422:
                    Bồ liễu:  ý nói yếu đuối. Xem chú thích câu 746.
                     
                    #85
                      sóng trăng 13.02.2007 14:01:36 (permalink)
                       





                      2425    Nét xương ghi dạ xiết chi,

                      Dễ đem gan ốc (óc) đền nghì trời xanh!

                      Từ rằng: "Quốc sĩ xưa nay,

                      Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?

                      Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

                      2430    Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!

                      Huống chi việc cũng việc nhà,

                      Lọ là thâm tạ mới là tri ân.

                      Xót nàng còn chút song thân,

                      Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa.

                      2435    Sao cho muôn dặm một nhà,

                      Cho người thấy mặt là ta cam lòng."

                      Vội truyền sửa tiệc quân trung,

                      Muôn binh nghìn tướng hội đồng tẩy oan.

                      Thừa cơ trúc chẻ khối tan,

                      2440    Binh uy nhật ấy sấm ran trong ngoài.

                      Triều đình riêng một góc trời

                      Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.

                      Đòi cơn gió quét mưa sa,

                      Huyện thành đạp đổ năm toà cõi Nam.

                      2445    Phong trần mài một lưỡi gươm,

                      Những loài da áo, túi cơm sá gì!

                      Nghênh ngang một cõi biên thuỳ,









                      Chú Thích:





                      Câu 2425:
                      Ghi dạ:  ghi chép ở trong dạ. Các bản nôm đều viết (chép). TVK-BKD-HĐH-TĐ chép là "ghi dạ".

                      Câu 2426:
                      Gan óc:  do chữ "can não đồ địa" nghĩa là dù có đem gan óc mà làm lầy đất cũng không đền được ơn; ý nói dù có hy sinh chịu chết cũng không báo đền được cái ơn.

                      Câu 2427:
                      Quốc sĩ:  kẻ sĩ có tiếng ở trong nước.

                      Câu 2428:
                      Tri kỷ:  người hiểu được lòng mình.

                      Câu 2432:
                      Thâm tạ:  tạ ân sâu, bày tỏ tấm lòng sâu sắc biết ơn.

                      Câu 2432:
                      Tri ân:  biết ơn.

                      Câu 2433:
                      Song thân:  cha mẹ.

                      Câu 2434:
                      Kẻ Việt người Tần:  ý nói Thuý Kiều xa cách với cha mẹ như kẻ Việt (ở phía đông nam Trung Quốc ngày nay) với người Tần (ở phía tây bắc Trung Quốc ngày nay).

                      Câu 2436:
                      Cho người:  chỉ cha mẹ Thuý Kiều.

                      Câu 2436:
                      Cam lòng:  vui lòng, thoả lòng.

                      Câu 2437:
                      Quân trung:  trong quân, trong doanh trại nơi quân sĩ đồn trú.

                      Câu 2438:
                      Hội đồng:  cùng họp lại với nhau.

                      Câu 2438:
                      Tẩy oan:  rửa sạch các mối oán thù. Từ Hải cho mở tiệc để khao quân và để rửa sạch oan cho Thuý Kiều.

                      Câu 2439:
                      Trúc chẻ ngói tan:  ý nói đánh đâu được đấy, một cách dẽ dàng như chẻ tre, như ngói sụt vỡ tan (ngói đã sụt một lớp, mấy lớp khác đều sô sụt cả). Bản LVĐ chép là "Khối tan".

                      Câu 2440:
                      Binh uy:  uy thế cầm binh của Từ Hải.

                      Câu 2440:
                      Sấm ran trong ngoài:  nổi tiếng như sấm nổ ran khắp nơi, ai ai cũng biết đến uy danh.

                      Câu 2441:
                      Triều đình:  ("triều": chỗ ngự chầu, "đình": sân, chỗ vào chầu vua) chỗ các quan vào chầu vua, sau được dùng để chỉ chính phủ ở thời quân chủ.

                      Câu 2445:
                      Phong trần:  gió bụi, đây chỉ thời loạn.

                      Câu 2446:
                      Giá áo túi cơm:  chỉ hạng người vô dụng, thân cũng như cái giá để treo áo và cái túi để đựng cơm, chứ trong lòng không có tư tưởng trí lực gì. Bản LVĐ 66 chép là "da áo".

                      Câu 2448:
                      Cô quả:  ("cô": cô lậu, "quả": ít đức) tiếng khiêm xưng của vua các nước chư hầu thời xưa.

                      Câu 2448:
                      Bá vương:  ("bá": bá giả, người lấy sức mà ép người; "vương": vương giả, người lấy đức mà hoá người) chỉ chung các vị vua chúa có quyền lực.

                      Câu 2448:
                      Thiếu gì cô quả:  theo nguyên truyện thì: Từ Hải đã mắng Hoa Nhân (sứ giả của Hồ Tôn Hiến) rằng: "Ngã tại hoá ngoại, tuy bất năng khai cương thác thổ, dã bất thất đạo cô xưng quả, nễ khước giáo ngã đầu hàng"... (Ta đây vốn ở ngoài vòng giáo hoá, dẫu chưa chiếm lĩnh riêng một cương thổ nhưng đã từng (chẳng thiếu gì cơ hội xưng cô, xưng quả, xưng bá, xưng vương, thế mà mi lại dám khuyên ta đầu hàng... ).

                      Câu 2448:
                      Thiếu gì bá vương:  ý nói thiếu gì kẻ phải tôn xưng Từ Hải bằng bá, bằng vương mỗi lần tâu bày.
                       
                      #86
                        sóng trăng 13.02.2007 14:17:14 (permalink)
                         





                        Trước cờ ai dám tranh cường,

                        2450    Năm năm hùng cứ một phương hải tần.

                        Có quan Tổng đốc trọng thần,

                        Là Hồ Tôn Hiến, kinh luân gồm tài.

                        Dẩy xe vâng chỉ đặc sai,

                        Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài đổng nhung

                        2455    Biết Từ là đấng anh hùng,

                        Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

                        Đóng quân làm chước chiêu an,

                        Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.

                        Lại riêng một lễ với nàng,

                        2460    Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân.

                        Tin vào gửi trước quân trung,

                        Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.

                        Một tay gây dựng cơ đồ,

                        Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành!

                        2465    Bó thân về với triều đình,

                        Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

                        Áo xiêm buộc trói lấy nhau,

                        Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

                        Sao bằng riêng một biên thuỳ,

                        2470    Sức này đã dễ làm gì được nhau?

                        Chọc trời, quấy nước mặc dầu,

                        Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?







                        Chú Thích:





                        Câu 2451:
                        Trọng thần:  vị quan to của triều đình có quyền lớn.

                        Câu 2452:
                        Kinh luân:  lấy từng mối tơ mà chia ra gọi là "kinh", so những sợi tơ cùng một thứ mà hợp lại gọi là "luân". Nghĩa bóng dùng để chỉ việc sửa sang xếp đặt về chính trị.

                        Câu 2453:
                        Dẩy xe:  xưa kia, khi vua sai quan tướng đi đánh giặc thì dẩy cái bánh xe để tỏ lòng phó thác công việc cho người ấy.

                        Câu 2454:
                        Tiện nghi:  ý nói được tuỳ tiện mà làm không phải tâu trình trước, không phải đợi lệnh vua.

                        Câu 2454:
                        Bát tiễu:  ("bát": trừ dẹp đi) dẹp giặc.

                        Câu 2454:
                        Đổng nhung:  ("đổng": coi sóc, "nhung": việc quân) coi việc quân cơ ở ngoài, đem binh đi đánh giặc.

                        Câu 2457:
                        Chiêu an:  khuyến dụ quân giặc đầu hàng để lập lại an ninh trật tự.

                        Câu 2460:
                        Thể nữ:  con gái hầu hạ ở trong cung vua.

                        Câu 2462:
                        Hồ đồ:  chưa được rõ ràng, chưa thể tin được.

                        Câu 2463:
                        Cơ đồ:  ("cơ": nền, "đồ": bức đồ hoạ) cơ nghiệp bản đồ, kể về cả nước hoặc việc bá vương.

                        Câu 2464:
                        Bể Sở sông Ngô:  vùng đất của Từ Hải tung hoành gồm hai nước Sở và Ngô nay thuộc miền đông nam Trung Quốc.

                        Câu 2466:
                        Hàng thần:  kẻ bề tôi làm loạn đầu hàng triều đình.

                        Câu 2468:
                        Công hầu:  tước công và tước hầu, chỉ quan tước cao ở triều đình.
                         
                        #87
                          sóng trăng 13.02.2007 14:19:39 (permalink)
                           





                          Nàng thì thật dạ tin người,

                          Cũng nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu.

                          2475    Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

                          Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân.

                          Bằng nay chịu tiếng vương thần.

                          Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!

                          Công tư vẹn cả hai bề,

                          2480    Dần dà rồi sẽ liệu về cố vũ.

                          Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

                          Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.

                          Trên vì nước, dưới vì nhà,

                          Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.

                          2485    Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,

                          E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.

                          Nhân khi bàn bạc gần xa,

                          Thừa cơ, nàng mới bàn ra nói vào.

                          Rằng: "Trong Thánh đế dồi dào,

                          2490    Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.

                          Bình thành công đức bấy lâu,

                          Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao!

                          Ngẫm từ gây việc binh đao,

                          Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

                          2495    Làm chi để tiếng về sau,

                          Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!









                          Chú Thích:





                          Câu 2477:
                          Vương thần:  bề tôi của nhà vua.

                          Câu 2478:
                          Thanh vân:  mây xanh, dùng để chỉ bước đường công danh lên cao đến chỗ hiển đạt.

                          Câu 2480:
                          Cố hương:  làng cũ, quê cũ.

                          Câu 2481:
                          Mệnh phụ:  vợ các quan to được tước phong.

                          Câu 2482:
                          Rỡ ràng:  sáng ngời một cách đẹp đẽ, ý nói đẹp mặt.

                          Câu 2485:
                          Chiếc bách:  chiếc thuyền bằng gỗ bách.

                          Câu 2486:
                          Hãi hùng nước sa:  bản LVĐ-QVĐ chép là "cỏ hoa" cũng như các bản BK-TTK, HĐH, TĐ nhưng vì chữ "cỏ hoa" không rõ nghĩa nên có một số bản nôm và quốc ngữ như KOM, PKC, BKD đã chép là "nước sa" cho dễ hiểu hơn.

                          Câu 2488:
                          Thừa cơ:  lợi dụng cơ hội (khi được dụ bàn việc quân).

                          Câu 2489:
                          Thánh:  vua thánh, ý nói đến ơn đối với nhà vua chẳng khác nào ơn đối với thánh thần.

                          Câu 2491:
                          Bình thành:  chữ trong Kinh Thư tức "địa bình thiên thành", nói nhà vua sửa sang việc đời giúp cho trời đất được bằng phẳng nên việc. Do đó chữ này có nghĩa là công đức to lớn của nhà vua.

                          Câu 2494:
                          Vô Định:  tên một con sông ở tỉnh Thiểm Tây vì nước xoáy cuốn theo cát nên lòng sông chỗ nông và chỗ sâu không thể biết được. Thơ Trần Đào, bài "Lũng tây hành" có câu: "Khả liên Vô Định hà biên cốt, do thi thâm khuê mộng lý nhân" = Đáng thương cho những kẻ chết xương chất đống ở bên sông Vô Định mà đến nay vẫn còn là người trong mộng của khách buồng the sâu kín. Ở đây Thuý Kiều nhắc đến cảnh chiến tranh chết nhiều người như vậy để làm xiêu lòng Từ Hải hãy nghe mình mà qui hàng.

                          Câu 2496:
                          Hoàng Sào:  người đất Tào Châu, đã nỗi dậy chống Đường Hy Tông, tung hoành trong mười năm trời ở Hà Nam, Giang Nam, Phúc Kiến, Lạc Dương... Hoàng Sào đã vây hãm cả kinh đô Tràng An nhưng sau bị một hạ thủ ám hại.
                           
                           
                          ________________
                           





                          Sao bằng lộc trọng quyền cao,

                          Công danh ai dứt lối nào cho qua?"

                          Nghe lời nàng nói mặn mà,

                          2500    Thế công, Từ mới trở ra thế hàng.

                          Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,

                          Hẹn kỳ thúc dụng, quyết đường giải binh.

                          Tin lời thành hạ yêu minh,

                          Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.

                          2505    Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,

                          Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.

                          Hồ công quyết kế thừa cơ,

                          Lễ tiên, binh hậu, khắc cờ lý chính.

                          Kéo cờ chiêu phủ đem phong,

                          2510    Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau.

                          Từ công hờ đầu biết đâu?

                          Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên

                          Hồ công ám hiệu trận tiền,

                          Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ.

                          2515    Đang khi bất ý chẳng ngờ,

                          Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!

                          Tử sinh liều giữa trận tiền,

                          Dạn dày cho biết dụng liền tướng quân!

                          Khí thiên khi đã về thần,

                          2520    Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!







                          Chú Thích:





                          Câu 2499:
                          Mặn mà:  đậm đà, tỏ ra có tình cảm chân thật làm cho người ta dễ xiêu lòng.

                          Câu 2500:
                          Thế công:  trận thế lập để tấn công.

                          Câu 2500:
                          Thế hàng:  sắp đặt quân sĩ để ra đầu hàng.

                          Câu 2501:
                          Chỉnh nghi:  sửa soạn chỉnh đốn nghi vệ.

                          Câu 2502:
                          Thúc giáp:  bó áo giáp lại, tức xếp khí giới lại.

                          Câu 2502:
                          Giải binh:  giải tán binh đội.

                          Câu 2503:
                          Thành hạ yêu minh:  (yêu: cầu, xin, minh: thề) ép người thất thế phải cầu hoà với mình và phải thề với mình ở dưới chân thành. Theo Tả truyện: "Thành hạ yêu minh chư hầu sở thậm sỉ" = sự thề ở dưới chân thành là điều cực kỳ xấu hổ (vì trong thành không chống cự được nữa, phải xin ăn thề ngay nơi đó) của các nước chư hầu. Trường hợp Từ Hải có khác. Từ Hải đâu có phải là người thất thế phải xin hàng mà chỉ vì nghe lời Thuý Kiều mới chịu "bó thân về với triều đình". Khi nhận hàng, Từ Hải có yêu cầu ba điều với Lợi Tiện là người được Hồ Tôn Hiến sai đi dụ hàng:
                            - Xin được phong tước hầu.
                            - Xin ở lại nguyên chỗ không phải đổi đi nơi khác.
                            - Xin không phải giải binh.
                            Lợi Tiện về báo tin trên với Hồ Tôn Hiến. Tổng đốc chấp nhận, lập kế hoạch phúc kích rồi sai Lơ

                          Câu 2505:
                          Giữ giàng:  cũng như giữ gìn nhưng có ý coi sóc cẩn thận hơn. Cả câu ý nói việc quân bỏ chẳng giữ gìn cẩn thận như trước nữa.

                          Câu 2506:
                          Vương sư:  ("vương": vua; "sư": quân) quân của nhà vua, do Hồ Tôn Hiến chỉ huy.

                          Câu 2507:
                          Quyết kế thừa cơ:  quyết định thi hành mưu kế thừa lúc Từ Hải để trể tràng việc canh gác.

                          Câu 2508:
                          Lễ tiên binh hậu:  đồ lễ dẫn đi trước nhưng cho quân phục sẵn ở đằng sau.

                          Câu 2508:
                          Khắc cờ tập công:  ("cờ": kỳ hẹn, "tập": đánh úp) định kỳ hẹn để đánh úp.

                          Câu 2509:
                          Chiêu phủ:  ("chiêu": vời, "phủ": vỗ về) dụ hàng dùng lời vỗ về để vời kẻ chống đối qui phục.

                          Câu 2509:
                          Tiên phong:  toán quân đi trước. Cả câu ý nói toán quân đi đầu kéo lá cờ chiêu dụ quân của Từ Hải ra hàng.

                          Câu 2510:
                          Bác đồng:  súng lớn. Xem chú thích câu 2314, chữ này đi với chữ "phát súng" ở câu 2514.

                          Câu 2511:
                          Hờ hững:  tỏ vẻ coi thường, không chú ý đề phòng.

                          Câu 2512:
                          Đại quan lễ phục:  Bản KOM, viết chữ đại quan là đội mũ lớn. Bản QVĐ viết chữ đại quan là quan lớn. Như vậy có hai cách giải thích: nếu theo bản KOM thì đại quan lễ phục có nghĩa là đội mũ cao, mặc áo lễ, không mặc đồ chiến phục; nếu theo QVĐ thì đại quan lễ phục có nghĩa là mặc lễ phục của một vị quan lớn.

                          Câu 2512:
                          Ra đầu:  ra đầu hàng.

                          Câu 2512:
                          Cửa viên:  cửa làm bằng hai chiếc xe dựng càng lên trời, cửa doanh trại.

                          Câu 2513:
                          Ám hiệu:  hiệu lệnh kín dùng trong việc binh.

                          Câu 2515:
                          Bất ý:  không để ý đề phòng.

                          Câu 2516:
                          Sa cơ:  rơi vào bước khốn cùng.

                          Câu 2518:
                          Dạn dày:  tức dày dạn, đã từng trải, từng chịu đựng nguy hiểm khó khăn đến mức đã quen đi.

                          Câu 2519:
                          Khí thiêng:  tinh khí của non sông tích chứa lại mà sinh ra bậc anh hùng.

                          Câu 2519:
                          Về thần:  trở về cõi tinh thần. Cả câu ý nói Từ Hải đã chết.
                           
                           
                          _________________
                           





                          Trơ như đá, vững như đồng,

                          Ai lay cho chuyển, ai rung chẳng dời.

                          Quan quân truy sát đuổi dài,

                          Ù Ù sát khí, ngất trời ai đang!

                          2525    Trong hào, ngoài luỹ tan hoang,

                          Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi,

                          Trong vòng tên đá bời bời,

                          Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.

                          Khóc rằng: "Trí dũng có thừa,

                          2530    Bởi nghe lời thiếp nên (?) cơ hội này.

                          Mặt nào trông thấy nhau đây?

                          Thà liều sống thác một ngày với nhau!"

                          Dòng thu như giội cơn sầu,

                          Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.

                          2535    Lạ thay oan khí tương triền!

                          Nàng vừa phục hạ Từ liền ngã ra.

                          Quan quân kẻ lại người qua,

                          Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần.

                          Dẫn vào đến trước trung vũ,

                          2540    Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han.

                          Rằng: "Nàng chút phận vướng nhan,

                          Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!

                          Đã hay thành toán miếu đường,

                          Giúp công cũng có lời nàng mới nên.







                          Chú Thích:





                          Câu 2523:
                          Truy sát:  đuổi theo mà giết.

                          Câu 2527:
                          Tên đá:  tên đạn vì xưa các viên đạn làm bằng đá.

                          Câu 2529:
                          Trí dũng:  kẻ anh hùng vừa có trí thông minh vừa có sức lực phi thường.

                          Câu 2530:
                          Cơ hội:  dịp xảy ra, đây chỉ cảnh ngộ.

                          Câu 2533:
                          Dòng thu:  dòng nước mắt.

                          Câu 2535:
                          Oan khí:  cái khí oan.

                          Câu 2535:
                          Tương triền:  quấn quít lấy nhau.

                          Câu 2540:
                          Ân cần:  tình ý chu đáo và có cảm tình thân mật.

                          Câu 2541:
                          Chút phận hồng nhan:  ý nói người có nhan sắc mà phận số lại không gặp may mắn.

                          Câu 2542:
                          Binh cách:  ("binh": đồ binh khí như súng ống gươm giáo, "cách": đồ dùng bằng da như yên ngựa) nói chung các binh khí. "Cơn binh cách": là cơn loạn lạc, cuộc chiến tranh.

                          Câu 2542:
                          Nàn:  do chữ "nạn" (tai nạn) đọc chuyển sang thanh bằng cho hợp vần.

                          Câu 2543:
                          Thành toán:  ("toán": trù tính, mưu kế) sự tính toán đã thành được rồi, mưu kế đã thành rồi.

                          Câu 2543:
                          Miếu đường:  ("miếu": tôn miếu, "đường": minh đường) nhà nước hễ có việc đánh dẹp thì làm lễ cáo ở nhà tôn miếu mà trú nghỉ tại minh đường.
                            "Miếu đường": nói rộng ra cũng như triều đình.
                           
                           
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.02.2007 04:22:37 bởi sóng trăng >
                          #88
                            sóng trăng 13.02.2007 14:22:11 (permalink)
                             





                            2545    Bây giờ sự đã vạn tuyền,

                            Mặc lòng nghĩ lấy, muốn xin bề nào?"

                            Nàng càng tủi ngọc tuôn dào,

                            Ngập ngừng mới gửi thấp cao sự lòng.

                            Rằng: "Từ là đấng anh hùng,

                            2550    Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi!

                            Tin tôi nên quá nghe lời,

                            Đưa thân bách chiến làm tôi triều đình.

                            Ngỡ là phu quý, phụ vinh,

                            Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!

                            2555    Năm năm trời bể ngang tàng.

                            Dấu mình đi bỏ chiến trường như không.

                            Khéo khuyên kể lấy làm công,

                            Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!

                            Xét mình công ít tội nhiều,

                            2560    Sống thừa, tôi đã nên liều mình tôi.

                            Xin cho tiện sĩ một doi,

                            Gọi là đắp để lấy người tử sinh!

                            Hồ công nghe nói thương tình,

                            Truyền cho cảo táng di hình bên sông.

                            2565    Trong quân mở tiệc hạ công,

                            Xôn xao tơ trúc, hội đồng quân quan.

                            Bắt nàng thị yến dưới màn,

                            Giở say lại ép vặn đàn nhặt tâu,







                            Chú Thích:





                            Câu 2552:
                            Thân bách chiến:  ý nói thân thiện chiến, kẻ đã dạn dày về trận mạc.

                            Câu 2553:
                            Phu quí, phụ vinh:  chồng làm nên quan sang, vợ được vinh hiển.

                            Câu 2555:
                            Ngang tàng:  tỏ ra không sợ ai, không chịu khuất phục ai.

                            Câu 2557:
                            Kể lấy làm công:  Thuý Kiều đã khuyên Từ Hải đầu hàng để rồi bị giết thì chỉ nên hối hận chứ không nên kể là công.

                            Câu 2561:
                            Một doi:  dải đất cát bồi ở dọc bờ sông. Chữ ? đọc theo âm Hán Việt là "đôi", có nghĩa là đống đất, nhưng nghe không thuận nên thường được phiên là doi. Chữ doi này chiếu xuống câu 2564: "Truyền cho cảo táng di hình bên sông" thì hợp nghĩa.

                            Câu 2564:
                            Cảo táng:  chôn sơ sài.

                            Câu 2564:
                            Di hình:  xác, thân xác còn lại.

                            Câu 2565:
                            Hạ công:  ("hạ": mừng) mừng sự thành công.

                            Câu 2567:
                            Thị yến:  ("thị": theo hầu) hầu việc ăn yến, ăn tiệc.

                            Câu 2568:
                            Nhặt tâu:  các bản nôm viết thì có thể đọc là "nhặt tâu" hoặc "nhật tâu". Chữ lẽ ra phải đọc là "tấu" tức đánh đàn nhưng ở đây đọc theo thanh bằng cho hợp vần. "Nhặt tâu": (nhặt: mau liền) gảy đàn trong suốt buổi tiệc.
                              Nếu chép là "nhật tâu" thì cũng có thể hiểu là cung đàn thường ngày Thuý Kiều vẫn hay đánh.
                             
                            #89
                              sóng trăng 13.02.2007 14:24:37 (permalink)




                              Phải tuồng trăng gió hay sao?

                              Sự này, biết tính thế nào được đây?

                              2595    Tảo nha vừa buổi rạng ngày,

                              Quyết tình công mới đoán ngay một bài.

                              Lệnh quan ai dám cãi lời,

                              Ép tình mới gán cho người sĩ quan.

                              Ông tơ thực nhé đa đoan!

                              2600    Xe tơ sao khéo vơ càn vơ xiên.

                              Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,

                              Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao.

                              Nàng càng ủ liễu phai đào,

                              Trăm phần nào có phần nào phần tươi?

                              2605    Đành thân cát lấp sóng vùi,

                              Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh.

                              Chân trời mặt biển lênh đênh,

                              Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào?

                              Duyên đâu ai dứt tơ đào,

                              2610    Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay!

                              Thân sao thân đến thế này,

                              Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi!

                              Đã không biết sống là vui,

                              Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!

                              2615    Một mình cay đắng trăm đường,

                              Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!







                              Chú Thích:





                              Câu 2595:
                              Công nha:  chỗ các quan ngồi làm việc.

                              Câu 2596:
                              Đoán:  quyết định, phán quyết, dứt khoát ý định.

                              Câu 2598:
                              Thổ quan:  quan người địa phương thuộc những vùng dân tộc ít người. Theo nguyên truyện thì là viên tù trưởng Vĩnh Thuận, thuộc tỉnh Hồ Nam. Đoạn này, "nguyên truyện" viết: "Sáng hôm sau Hồ Tôn Hiến nhớ lại việc đêm trước đã khoác tay nâng chén với vợ tướng giặc, còn gì phong thể của một phương diện quốc gia? Nghĩ càng hối hận, không biết tính sao?... Suy tính giờ lâu, Hồ mới gật gù lẩm nhẩm: Được rồi, được rồi, ta sẽ gán nàng cho một quân trưởng để cho việc này mất tích và nàng cũng được tính mệnh bảo toàn... "
                                Về việc dụ hàng của Hồ Tôn Hiến, "Minh sử" có chép: "Còn Hồ Tôn Hiến, trong chiến dịch này dẫu có công to nhưng sau lại bị triều thần hạch hỏi về tội giết kẻ đã hàng. Vì có hươu trắng, rùa trắng đem về hiến vua, nên được miễn nghị. Cách mấy năm sau, nhân

                              Câu 2599:
                              Đa đoan:  nhiều mối, nói có ý rắc rối, lắt léo.

                              Câu 2600:
                              Xe tơ:  xe duyên vợ chồng. Xem chú thích câu 333. Phê bình thái độ Thuý Kiều ở đoạn này. Tản Đà có viết:
                                "Tổng đốc có thương người bạc phận,
                                Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan"

                              Câu 2609:
                              Tơ đào:  tơ duyên vợ chồng. Xem chú thích câu 333.

                              Câu 2612:
                              Cũng dư:  cũng thừa, ý nói không có nghĩa gì nữa, không còn gì là vui nữa.

                              Câu 2616:
                              Nát ngọc tan vàng:  ngọc và vàng thường được dùng để ví với tấm thân quí giá của người con gái, người đàn bà, nay đã không biết sống là vui thì chỉ còn liều thân chịu chết mà thôi, tức cũng như để cho nát ngọc tan vàng.
                               
                              http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=109&IDcat=153
                              #90
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 6 của 8 trang, bài viết từ 76 đến 90 trên tổng số 110 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9