Hồ Chí Minh: Những năm tháng chưa được biết đến
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 44 trên tổng số 44 bài trong đề mục
lyenson 02.04.2008 10:42:43 (permalink)
Lẩn trốn/những làn sóng cách mạng mới

Hồ đi Sán Đầu cùng với viên thư ký của Loseby dưới vỏ bọc là một người Trung Quốc giàu có tên là Lung.[23] Vào thời điểm này của năm 1933 những người cộng sản Việt Nam vẫn chưa tái lập liên lạc chính thức với ĐCS Trung Quốc và, theo điều lệ của nguyên tắc cách mạng, một đảng viên vừa ra khỏi tù thì bị nghiêm cấm không được quay về những địa điểm mà người ấy thường lui tới trước khi bị bắt. Vì vậy có lẽ Hồ vẫn phải tiếp tục giả dạng là một thương gia giàu có và ẩn dật tại Sán Đầu cho đến tháng sau. Những người Việt vẫn còn lẩn trốn hoặc như Nguyễn Thị Minh Khai, vừa được phóng thích, đã phải trải qua khoảng cuối năm 1932 và gần trọn năm 1933 tìm cách phục hồi mạng lưới liên lạc của họ. Điều cay đắng là những thành viên tín cẩn của Hồ tại Hồng Kông như Lê Hồng Sơn và Minh Khai cũng như những người từ Moscow về như Trần Ngọc Danh, em của Trần Phú, đã bị nghi ngờ khi tìm cách liên lạc với ĐCS Trung Quốc trong năm 1932.

Một đảng viên người Việt vẫn còn giữ liên lạc với ĐCS Trung Quốc tại Thượng Hải là Trương Phước Đạt, một thợ máy tàu gốc Phan Rang đã sớm gia nhập thành phần ĐDCSĐ tại Sài Gòn vào năm 1929. Sau khi vượt ngục tại Sài Gòn và đến Hồng Kông vào năm 1931, ông được đảng đề cử đi Nga để học tập. Nhưng ông và hai bạn đồng hành đã bị chặn lại tại biên giới Mãn Châu, vì vậy ông đã phải quay về Thượng Hải. Tại đây uỷ ban quân sự tỉnh Giang Tô (Jiang Su - ND) thuộc ĐCS Trung Quốc đã giao cho ông nhiệm vụ tái lập liên lạc với những quân nhân người Pháp và Việt Nam; những đầu mối này đã bị cắt đứt khi những tuyên truyền viên người Việt bị bắt vào mùa hè 1931. Vì thế đến giữa năm 1932 Trương Phước Đạt được yêu cầu bảo đảm cho những Việt đã đến Thượng Hải để xin ĐCS Trung Quốc giúp đỡ và trợ giúp tiền bạc. Trần Ngọc Danh yêu cầu ngân sách hỗ trợ cho công đoàn của những đầy tớ người Việt mà ông đã tổ chức với những thành phần cũ của Thanh Niên tại Hồng Kông. Ông và Minh Khai tìm cách tái thiết hệ thống liên lạc của ĐCS Đông Dương tại đây với sự giúp đỡ của một số thuỷ thủ. Một số báo cáo của Pháp cho rằng lúc ấy bà đang là vợ lẽ của ông. Lê Hồng Sơn đang dự định quay về Xiêm, nơi mà ông hy vọng sẽ tái tổ chức Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương. Những người Việt qui tập về Thượng Hải quyết định gửi Đạt đi Xiêm để hoạt động cùng với Lê Hồng Sơn. Vì không hài lòng với quyết định này, Trương Phước Đạt đã phá hoại những dự án của họ bằng cách cáo buộc họ đã có những hành vi "tiểu tư sản" (ví dụ như thuê khách sạn hiện đại có thang máy) trong báo cáo của ông gửi cho Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc. Hơn thế nữa, ông đã không nhìn nhận là có quen biết bất cứ ai trong họ trước khi họ đến Thượng Hải. Cuối cùng toán người Việt với 5 thành viên đã phải cầm cố quần áo của mình để trả tiền khách sạn và chi phí đến Nam Kinh (Nan Jing - ND), nơi họ có thể dựa dẫm vào lòng hiếu khách của Hồ Học Lãm.[24] Chúng ta không biết được rằng sự kiện này đã phản ánh mối căng thẳng liên tục giữa những thành phần ĐDCSĐ và ANCSĐ cũ trong ĐCS hay đơn giản chỉ là một trường hợp hai mang. Trần Ngọc Danh và Lê Hồng Sơn rốt cuộc bị bắt vào ngày 25 tháng 9 1932. Trương Phước Đạt bị bắt vào tháng 4 1933.[25] Đến tháng 3 Minh Khai quay về Hồng Kông để liên lạc với những người Việt tại Nam Kinh.[26]

Một chỉ điểm cho Pháp tại Thái Lan nói rằng Hồ Chí Minh đã lẩn trốn tại khu vực Nakhon Phanom từ đầu tháng 1 1933, nhưng sau này được tiết lộ là nhầm người.[27] Vào tháng 9 1933 một chỉ điểm cho Pháp khác nói rằng đã phát hiện Hồ đang sống tại Nam Ninh (Nan Ning - ND) cùng với một nhóm nhỏ người Việt. Mật vụ "Maria" nói rằng trong số 4 người Việt Nam đang sống tại số 78 đường Cau Song Kai có một người giống với ảnh chụp Hồ Chí Minh. Người chỉ điểm này cũng nhắc đến 3 phụ nữ cùng với hai bé gái và một bé trai cũng đang sống chung trong ngôi nhà này. Hồ được cho là đang dùng tên Lý Sính Sáng (ngài Lý).[28]

Nhưng Lê Hồng Phong, trong gần trọn năm 1933 đang sống tại Nam Ninh và Long Châu, đã không hề nhắc đến việc liên lạc với Hồ khi ông báo cáo cho QTCS vào tháng 1 1935. Phong đã dự định lên mạn ngược dể gặp những cơ sở người Việt tại Xiêm khi ông đến Bangkok vào tháng 2 1932 trên đường về từ Moscow và Paris. Nhưng nhận thấy mình đang bị cảnh sát theo dõi chặt chẽ, ông đã từ bỏ dự định này 10 ngày sau và đến tháng 4 ông đã đi đến Quảng Châu và Nam Ninh. Nơi đây ông bắt đầu tái thiết chi uỷ đảng tại tỉnh biên giới Cao Bằng cũng như thành lập những tổ đảng tại Lạng Sơn. Ông đã tuyên truyền những học viên tại học viên quân sự Nam Ninh, nơi mà từ 1925 đã trở thành nguồn cung cấp thành viên cộng sản mới. Vào tháng 8 1933 ông đã gặp những người bạn học cũ là Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt tại Quảng Châu, và đến tháng 6 1934 họ đã thành lập một Phân Bộ Hải Ngoại để quản lý những công việc của đảng cho đến khi một Uỷ Ban Trung Ương quốc nội được thành lập.[29]

Nếu Hồ Chí Minh đã lẩn trốn tại Nam Ninh, ta có thể chắc chắn rằng ông đã rời đi từ tháng 9. Vì vào cuối tháng 9 1933 một người quen cũ của ông từ ĐCS Pháp là Paul Vaillant-Couturier có mặt tại Thượng Hải để tham gia Hội Nghị Phản Chiến Á Châu. Sau này Hồ đã nói rằng chính Vaillant-Couturier đã giúp ông quay về lại Moscow bằng cách cho ông gặp những đại diện Xô Viết ở Thượng Hải.[30] (Liên Bang Xô Viết đã tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào cuối năm 1932; vị tân đại sứ đã đệ trình uỷ nhiệm thư tại Thượng Hải vào ngày 2 tháng 5 1933.) Hội nghị trên đã được tổ chức bí mật tại một căn nhà riêng vào ngày 30 tháng 9. Đại diện người Pháp này đã báo cáo rằng những người tham dự bao gồm Lord Marley, Vaillant-Couturier, một bác sĩ tên Marteaux, nhà báo người Mỹ Harold Isaacs, một đại diện Xô Viết và 50 người Trung Quốc trong đó có bà Tôn Dật Tiên.[31] Một số nhân vật trên là thành viên cao cấp của Liên Đoàn Phản Đế tại Berlin. Hồ Chí Minh có thể đã tránh xa cuộc họp này, nhưng dường như Harold Isaacs đã nhớ đến Hồ trong giai đoạn này là "người bạn rất cũ của tôi ở Thượng Hải ".[32] Ta chỉ có thể phỏng đoán việc Hồ đã có quan hệ mật thiết như thế nào với Tống Khánh Linh (Song Jing Ling - ND), goá phụ của Tôn Dật Tiên. Nhưng không có lý do gì để phản bác lại chuyện ông kể rằng ông đã liên lạc với Vaillant-Couturier bằng cách đến nhà của bà dưới vỏ bọc của một người Trung Quốc giàu có để đưa cho bà một bức thư.

Đến thời gian này của năm 1933, khi Hồ Chí Minh bắt đầu thảo kế hoạch để quay lại Moscow, những người cánh tả Việt Nam lại một lần nữa khuấy động phong trào. Những sinh viên cấp tiến quay về từ Pháp đã biểu lộ tinh thần chống đối quyền lực liên tục của dân chúng Sài Gòn bằng việc thắng hai ghế hội đồng thành phố trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Mặc dù việc đắc cử của Nguyễn Văn Tạo, một thành viên của ĐCS Đông Dương và Trần Văn Thạch, một người Trotskyist, đã bị huỷ bỏ vào tháng 8, thắng lợi ban đầu của họ đã giúp hướng tới việc thành lập mặt trận La Lutte giữa những người Trotskyist và ĐCS Đông Dương trong tương lai (trong giữa năm 1934).[33] Trần Văn Giàu, học viên từ Đại Học Stalin đã quay về lại Nam Việt Nam vào đầu năm 1933 để thành lập lại ĐCS Đông Dương theo đường lối vạch ra bởi Cương Lĩnh Hành Động 1932 cấp tiến mà ông đã giúp soạn thảo tại Moscow.[34] Những thành viên ĐCS Đông Dương tại Xiêm cũng như những người Việt là đảng viên ĐCS Xiêm cũng đã tích cực ủng hộ việc hồi sinh ĐCS Đông Dương qua Uỷ Ban Cứu Trợ Đông Dương.[35] Chủ nghĩa chống đế quốc, theo định nghĩa của "Giai Đoạn Thứ Ba" đã trở thành một biểu tượng của tinh thần đoàn kết vô sản trên toàn thế giới, trong khi chủ nghĩa quốc gia được cho là một khái niệm lỗi thời. Daniel Héremy (nhà sử học Pháp - ND) nhận định rằng trong suốt 21 tháng xuất bản, đến tháng 6 1936, tờ báo La Lutte (Đấu Tranh - ND) chỉ đã nhắc đến chủ trương quốc gia của Việt Nam trong vỏn vẹn 20 bài viết, và thường với nội dung chỉ trích chủ nghĩa yêu nước tư sản.[36] Nhưng trong hội nghị "Chống Phát Xít và Chiến Tranh" được tổ chức tại rạp hát Khánh Hội, Sài Gòn vào ngày 11 tháng 8 1933 đã có trên 600 người tham dự, theo một báo cáo của Pháp, và đã thu hút nhiều tầng lớp các nhà cách mạng khác nhau từ Dương Văn Giáo và Trịnh Hưng Ngẫu có liên hệ với đảng Lập Hiến, đến Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch. Vaillant-Couturier đã tham dự hội nghị trên trước khi đi đến Thượng Hải, và đã được nồng nhiệt hoan nghênh khi ông tường thuật lại những hoạt động tại Paris nhằm ủng hộ những tù nhân chính trị Việt Nam đang bị án tử hình.[37] Tạ Thu Thâu, đang là một thành viên tích cực của Liên Đoàn Phản Đế tại châu Âu, có thể đã đóng vai trò tổ chức hội nghị này. Nhưng người Pháp lại cho rằng những hoạt động chính trị hợp pháp của Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch đã có liên hệ đến việc Trần Văn Giàu quay trở lại Việt Nam.[38]

Mặc dù sự phối hợp toàn bộ của QTCS cho chính sách được tu chỉnh về mặt trận thống nhất đã không ra đời cho đến Đại Hội Lần 7 vào năm 1935, nhưng vào năm 1933 ta có thể nhận thấy một bước lùi trong chủ thuyết cực đoan về giai cấp chống lại giai cấp đã được đưa ra vào năm 1929. Quyền lực của Đảng Quốc Xã tại Đức đã trở thành một nhân tố quan trọng cần phải quan tâm, trong khi những hình thái của chủ nghĩa đế quốc tại châu Á đã trở thành một mối đe doạ ngày càng lớn đối với Liên Bang Xô Viết và những người cộng sản Trung Quốc. Otto Braun (Cố vấn của ĐCS Trung Quốc - ND) nói rằng vào tháng 1 1933 Ban Chấp Hành Quốc Tế Cộng Sản đã đưa ra một nghị quyết thừa nhận việc cần thiết phải "đoàn kết đấu tranh chống Nhật" cùng với bất cứ tổ chức hoặc quân đội Trung Quốc nào có thể chấm dứt những tấn công vào những khu vực của Liên Bang Xô Viết.[39] Một văn bản của QTCS xuất hiện vào tháng 7 1933 kêu gọi cộng sản Ấn Độ và Đông Dương nên quay lại với chiến lược Leninist trong đó nhấn mạnh việc đấu tranh giành độc lập dân tộc lên trên những mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Văn bản này trước đây đã được đăng bằng tiếng Anh trên tờ báo Pan Pacific Worker, nằm dưới dạng một loạt câu hỏi và trả lời của "Orgwald", được nhận diện trong tài liệu của QTCS là nhân vật Bolshevik kỳ cựu Osip Piatnitsky, người đã từng đứng đầu Văn Phòng Tổ Chức đầy quan trọng trong QTCS từ giữa Đại Hội Lần 5 và Lần 7 (1924-35). Không có gì ngạc nhiên khi vào giữa năm 1933, sự thăng tiến của Hitler đã khiến một số người Bolshevik phải tái thẩm định quan điểm của họ về chủ nghĩa dân tộc và mặt trận thống nhất."Orgwald" đã cố vấn trong văn bản trên rằng trong thời điểm hiện tại, sẽ không khôn ngoan lắm nếu đưa ra lời kêu gọi lật đổ giai cấp tư sản, vì nó sẽ tạo nên sự xa cách giữa tầng lớp nông dân và giới tiểu tư sản thành thị. Một mặt trận thống nhất với những đảng phái quốc gia có thể chấp nhận được nếu nó đi theo nguyên tắc "cùng nhau chiến đấu nhưng hành quân riêng rẽ".[40] Tài liệu này đã không được xuất bản bằng tiếng Pháp cho đến năm 1934 và ta không có bằng chứng gì về việc nó được xuất bản bằng tiếng Việt cả. Điều này mâu thuẫn với đường lối chính sách được những người chủ chốt của ĐCS Đông Dương như Trần Văn Giàu và Hà Huy Tập đem về từ Moscow. Sự chia rẽ giữa đường lối đấu tranh giai cấp của "Thời Kỳ Thứ Ba" và chiến lược mới đang được thảo luận vào năm 1933 sẽ trở thành chướng ngại vật cho việc hợp nhất ĐCS Đông Dương.

Bằng chứng của việc chia rẽ này có thể thấy được trong một bức thư dài của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc gửi đến những người cộng sản Đông Dương vào tháng 8 1934. Nó được QTCS phê chuẩn như là một chỉ thị chính trị. (Cho đến tháng 3 1935, Vera Vasilieva, người đang điều hành bộ phận Đông Dương của QTCS, đã nhắc đến nó trong những thư từ với Văn Phòng Hải Ngoại ĐCS Đông Dương như là một tài liệu chỉ ra "những công tác cơ bản mà các đồng chí phải hoàn toàn chú ý trong thời điểm hiện tại".[41]) Rất có thể bức thư này đã được soạn thảo từ Moscow với sự hậu thuẩn của những thành viên người Trung Quốc trong Uỷ Ban Trung Ương QTCS, dẫn đầu bởi Vương Minh (Wang Ming - ND). Trong khi nó kêu gọi việc thành lập một tờ báo hợp pháp và việc tận dụng những biện pháp tổ chức hợp pháp có thể được, nó cũng đã đưa ra một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ chống lại việc hợp tác với những người dân chủ xã hội và tư sản dân tộc. Nó đã nhắc đến thất bại của cuộc khởi nghĩa tại Áo trong năm 1934 như là một ví dụ của những "ảnh hưởng phản bội" của thành phần dân chủ xã hội. Mặc dù bức thư đã thừa nhận rằng có nhiều thành viên của giai cấp tư sản Đông Dương đang sẵn sàng đấu tranh chống lại đế quốc Pháp, gia cấp công nhân và nông dân không được quên rằng "thành phần tư sản dân tộc ích kỷ và hèn hạ đã phản bội phong trào 1930-31". "Trong tình trạng bất mãn chung đang dâng cao trong nước, thành phần dân tộc cách tân sẽ luôn tìm cách chiếm lấy quyền lãnh đạo của phong trào quần chúng để rồi sẽ chặt đầu nó," bức thư viết. "Đây chính là vì sao chúng ta phải liên tục vạch mặt tất cả những tổ chức và đảng phái dân tộc cách tân, cho dù chúng nấp sau bất kỳ những khẩu hiệu "thiên tả" nào..."[42]

Lá thư từ Trung Quốc này có thể được hiểu như một nỗ lực từ một số nhân vật lãnh đạo tại QTCS để đối đầu với việc ĐCS Pháp quyết định hợp tác với Đảng Xã Hội Pháp, quyết định này đã được đưa ra tại một cuộc họp của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Pháp vào ngày 14 và 15 tháng 3 1934.[43] Liên lạc cũ của Hồ Chí Minh là Jacques Doriot là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho mối giao hảo với những người xã hội Pháp. Nhưng tại Sài Gòn, nơi không có đảng xã hội, mặt trận thống nhất của những người cánh tả cũng chỉ là một nỗ lực hợp tác giữa những người theo khuynh hướng của Moscow và thành phần cộng sản Trotskyist. Tờ báo của mặt trận La Lutte đã được chính thức ra đời sau cuộc họp vào tháng 9 1934 do Nguyễn An Ninh tổ chức. Đây là một liên hiệp nhằm chống lại chính quyền thuộc địa và Đảng Lập Hiến, với khuynh hướng vô sản mạnh mẽ.[44]
#31
    lyenson 06.04.2008 13:33:45 (permalink)
    Về lại Moscow

    Hồ Chí Minh đã không về đến Mosow, theo lời của ông là mãi cho đến tháng 7 1934.[45] Không có thông tin gì về việc ông đã sống như thế nào trong giai đoạn giữa mùa thu 1933 cho đến những tháng đầu của năm 1934. Moscow mà ông quay lại thì đã khác xa nhiều với Moscow mà ông đã biết trong giai đoạn 1923-4 và một thời gian ngắn của năm 1927. Nó không còn là một thành phố xoay vần một cách tự do của Chính Sách Kinh Tế Mới (New Economic Policy, hoặc NEP - ND) mà ông đã chứng kiến trong lần đầu đến đây; nó cũng không còn là một thủ đô tràn đầy không khí chính trị, nơi những trận chiến cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát đảng Xô Viết đã sắp sửa xảy ra trong năm 1927. Chủ nghĩa sùng bái cá nhân của Stalin cũng như việc ông kiểm soát tất cả mọi cơ quan Xô Viết đang tạo ra một không khí chính trị đầy chết chóc được bao phủ bởi tính hoang tưởng và một tâm lý cô lập đối với thế giới bên ngoài.

    Đến năm 1930 những cuộc thanh lọc trong những học viện QTCS như Trường Tôn Dật Tiên, bị đóng cửa trong năm ấy, và Đại Học Quốc Tế Lenin đã trở thành một đặc điểm trong sinh hoạt của QTCS. Một cuộc thanh lọc đối với bộ phận tiếng Pháp trong Đại Học Lenin, nơi Hồ Chí Minh sẽ theo học vào tháng 10 1934, đã được tổ chức vào tháng 10 1933, do André Marty thuộc Ban Bí Thư khu vực nói tiếng Romance chủ toạ. Một bài viết của một sinh viên với bút danh "Brétane" đưa ra một số ý kiến về những yêu cầu của những cuộc "thanh lọc" này. Ngay cả đối với những người chưa từng phạm phải sai lầm chính trị hoặc không bị đảng đe doạ trục xuất cũng phải bị bắt buộc tự chỉ trích. Trong bài viết với nhan đề "Thanh lọc như là một Yếu tố để Bolshevik hoá" Bretane viết: "Điều quan trọng là cần phơi bày những yếu điểm còn sót lại để loại bỏ chúng. Chúng ta đã có thể thấy được qua những lý lịch khác nhau rằng nằm dưới đáy của những yếu điểm này là gốc gác xã hội và những ảnh hưởng ngoại quốc đã in dấu trên người khi anh ta hoạt động ở nước ngoài."[46] Yelena Bonner (nhà hoạt động nhân quyền Nga - ND), có cha kế là Gevork Alikhanov là một viên chức cao cấp trong Bộ Cơ Cấu của QTCS, đã chứng kiến từ sau bức màn trong căn hộ nhà mình tại khách sạn Lux việc cha kế của bà và những người khác khai báo tư tưởng và tiết lộ những bí mật riêng tư nhất của mình, thậm chí đến những quan hệ tình cảm trong quá khứ và những đứa con rơi.[47]

    Khi Hồ Chí Minh xuất hiện vào mùa hè năm 1934, có lý do để tin rằng ông đã nghĩ mình đang là đối tượng của một cuộc điều tra nào đấy. Con gái của Vera Vasilieva, lúc ấy được 10 tuổi, đã nhớ rằng ông thường ngủ trên chiếc ghế trường kỷ trong ngôi nhà gỗ mà gia đình cô đang sống tại trung tâm Moscow, dường như ông đang cố giữ thấp danh phận của mình.[48] Nói cho cùng Hồ đã liên quan đến hàng loạt những vụ bắt bớ dẫn đến tổn thất nặng nề cho Phân Bộ Viễn Đông lẫn ĐCS Trung Quốc trong năm 1931. Vasilieva, một người ngây thơ và có lẽ là một người Bolshevik thiếu đầu óc tưởng tượng, từng được biết đến là đã bảo vệ những bạn bè bị tố cáo về những tội danh chính trị cũng như người chồng của bà là Mark Zorky.[49] Nhưng ta không tìm thấy những tài liệu về những khó khăn chính trị của Hồ trong hồ sơ của QTCS cho đến khi Đại Hội Lần 7 sắp xảy ra vào năm sau. Ông nhắc lại trong bản câu hỏi tiểu sử của mình rằng ông đã trải qua vài tháng phục hồi căn bệnh của mình tại vùng Crimea trong năm 1934, sau đó theo học tại Đại Học Lenin vào tháng 10.[50] Vào lúc ấy ông là người Đông Dương duy nhất ghi danh tại trường này, mặc dù QTCS đã dự định thu nhận 12 học viên Đông Dương vào một khoá học ngắn hạn trong học kỳ 1935-6.[51] Không có dấu hiệu cho thấy rằng đã có người theo học. Trường này lúc ấy được vị giám đốc Kirsanova miêu tả là "lò tôi luyện duy nhất cho những thành phần chủ chốt của QTCS"[52] và được xem là học viện đào tạo những lãnh đạo cộng sản nước ngoài. Nhưng những phần tử bị thất sủng trong thành phần lãnh đạo như Lý Lập Tam và Hồ cũng được gửi đến đây. Thực tế là (đặc biệt là trong trường hợp của Lý Lập Tam) họ đã từng phục vụ trong hàng ngũ cao cấp của đảng mình và có thể đã trông đợi để được làm việc trong Ban Chấp Hành QTCS nếu danh phận của họ được vẹn toàn.

    Vào ngày 1 tháng 12 1934, khi việc chuẩn bị cho Đại Hội Lần 7 bắt đầu, Sergei Kirov, bí thư Đảng Uỷ Leningrad bị bắt chết trong văn phòng của mình tại Học Viện Smolny. Việc sát hại này đã giúp Stalin có lý do dể bắt đầu một cuộc ruồng bố những kẻ thù của đất nước.[53] Trong thời kì bình minh của Mặt Trận Bình Dân thì một đợt đàn áp mới đối với những kẻ thù chính trị có thật hay tưởng tượng của Stalin cũng đang bắt đầu. Vào ngày 8 tháng 12 khi 3 đại biểu Đại Hội được ĐCS Đông Dương gửi vừa đến Moscow, một cơn khủng hoảng nhỏ đã nổ ra tại Đại Học Stalin. Vì Cục Thông Tin Quốc Tế đã không ra đón họ tại nhà ga, ba người này phải tự tìm đến khách sạn mà những người Việt đang ở - việc này được xem là sai sót trong kỹ thuật hoạt động ngầm. Có ba người đã làm báo cáo về việc này là: Vera Vasilieva, Kotelnikov thuộc Ban Bí Thư Phương Đông, và "Kan Sin" (Khang Sinh - ND), vị trí của người này không được ghi trong báo cáo của ông.[54]

    Ba đại biểu người Việt là Lê Hồng Phong, thành viên chủ chốt của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại; một thành viên dân tộc Tày tên là Hoàng Văn Nọn; và Nguyễn Thị Minh Khai, được nhắc đến trong bức thư của Hà Huy Tập gửi cho QTCS là "vợ của Quốc". Hồ cũng được phân công làm đại biểu đại hội từ hội nghị ĐCS Đông Dương họp vào tháng 3 1935.[55] Trong bản khai lý lịch mà Minh Khai đã điền sau khi đến nơi, bà viết rằng bà đã lập gia đình và cho biết tên của chồng mình là "Lin", bí danh mới nhất của Hồ.[56] Điều này cho thấy giữa hai người không đơn giản chỉ là một quan hệ thoáng qua mặc dù người Pháp nghi ngờ rằng bà đang là tình nhân của Trần Ngọc Danh[57] (dù thế Hồ Chí Minh không bao giờ nhắc đến vợ mình trong bất cứ đơn từ chính thức nào của ông trong QTCS). Tại Moscow, Minh Khai đã lấy tên là "Phan Lan".

    Từ giữa tháng 12 1934 đến cuối tháng 3 1935 đã có một số báo cáo về tình hình của ĐCS Đông Dương được gửi từ Việt Nam đến Moscow. Ngoài ra Lê Hồng Phong cũng đã viết một bản tường trình dài bằng tiếng Nga về những hoạt động của mình từ khi ông quay về Đông Nam Á vào tháng 2 1932.[58] Hồ đã viết những phê bình riêng của mình đối với sự thất bại của ĐCS Đông Dương trong thời kỳ "cao trào cách mạng" 1930-1.[59] (Chắc chắn rằng ông đã viết về những hoạt động khác của mình trong thời gian 1930-4, nhưng đã không được tìm thấy trong văn khố của QTCS.) Với đường lối của QTCS hiện đang quay lại giống như trong thời kỳ 1924-7, rõ ràng là Hồ đã cảm thấy an toàn khi lên tiếng phê bình việc ĐCS Đông Dương nhìn chung đã có nhận thức tư tưởng thấp, và đặc biệt là việc "đa số các đồng chí - ngay cả những người lãnh đạo - đã không quán triệt ý nghĩa của "cuộc cách mạng tư sản dân tộc". [...] Họ lặp đi lặp lại những từ ngữ mà không hiểu được ý nghĩa của chúng," ông viết, "và thường xuyên bị sai lầm trong những hoạt động tuyên truyền và khích động của mình." Ông cũng đã phê phán phương pháp cứng nhắc trong việc đào tạo công nhân để tổ chức đình công mà không được khuyến khích để tự mình quyết định dựa trên phát xét của họ về tình hình thực tế. Ông cũng chỉ ra mối nguy hiểm về việc những công nhân được đưa vào những bộ phận lãnh đạo của đảng thì "luôn tự cho phép mình bị ảnh hưởng bởi những phần tử trí thức vì những người này đã đọc hết những điều trong sách vở và những luận cương". "Điều này đã xảy ra trong giai đoạn 1930-1," ông nói, "khi những đồng chí của ta là những thành viên lớn tuổi và có kinh nghiệm. Hiện nay, đa số hoặc hầu hết những đồng chí này đang ở tù hoặc bị giết chết. Những đồng chí hiện nay thì trẻ và ít kinh nghiệm hơn và do đó sẽ phạm phải sai lầm nhiều hơn."

    Phương án khắc phục mà ông đưa ra là việc xuất bản những văn kiện ngắn bằng ngôn ngữ bình dân với những chủ đề bắt đầu từ Tuyên Ngôn Cộng Sản và lịch sử của QTCS, rồi đến "vấn đề dân tộc" và "vấn đề nông dân", và kết thúc với "phương pháp tổ chức một mặt trận thống nhất" và "luận cương và nghị quyết của QTCS về vấn đề thuộc địa". Ông đã học cách trích dẫn lời của Stalin đúng lúc - "Stalin thì nghìn lần đúng", Hồ viết "khi ông nói "Học thuyết đã giúp cho các đồng chí... sức mạnh của đường lối, sự rõ ràng trong quan điểm, lòng tin vào công việc của họ và niềm tin tưởng vào chiến thắng của chính nghĩa.""[60] Ta có thể giả định rằng Hồ đã biết rằng học thuyết toàn thắng trên đã thay đổi từ 1928-9, nhưng đã đủ khôn ngoan để không đưa ra trong bài viết. Phong cách vừa là giảng viên vừa là học viên của ông tại Đại Học Stalin mà chúng ta sẽ thấy, cho thấy rằng dường như ông đã không tiếp thu đường lối giảng dạy lý thuyết của Moscow một cách nghiêm túc.

    Báo cáo của Lê Hồng Phong về những hoạt động của mình từ cuối năm 1931 đến khi ông quay lại Moscow vào cuối năm 1934 là một báo cáo dựa trên dữ kiện, gần như là một liệt kê về những thành công và thất bại chính trị của ông. Trong khi đó những báo cáo của Hà Huy Tập (có tên là Sinitchkin ở Moscow) gửi về Moscow từ giữa tháng 12 1934 và tháng 4 1935 lại mang một giọng điệu hoàn toàn khác hẳn.[61] Những báo cáo này cho thấy ông đã bắt đầu đảm nhận một vai trò tích cực, thậm chí độc đoán hơn trong việc xây dựng ĐCS Đông Dương sau khi Lê Hồng Phong quay lại Moscow. Là một người gầy guộc được biết với bí danh là "Khịt" ở Sài Gòn và "Ông Lùn" ở Trung Quốc, Hà Huy Tập dường như đã quay lại châu Á với sự tin tưởng hoàn toàn của QTCS vào giữa năm 1933. Một báo cáo của Sở Liêm Phóng đề cập đến ông như là một "renifluer", tức là "kẻ khịt mũi" hoặc "chó săn", có lẽ là lấy từ bí danh của ông.[62] Vào lúc ấy ông là người duy nhất trong Ban Chỉ Huy Hải Ngoại đã được QTCS tin tưởng giao cho chìa khoá giải mã những mật thư bằng điện đài đang được bắt đầu sử dụng để liên lạc trong những năm 1934-5.[63] Nổi ám ảnh về an ninh dấy lên trong QTCS từ vụ ám sát Kirov đã làm cho guồng máy tại Moscow hài lòng với một người có thiên hướng như Hà Huy Tập để soạn thảo những báo cáo với đầy đủ chi tiết. Hơn nữa, đối với Ban Bí Thư Đông Phương, an ninh đã trở thành mối quan tâm chủ yếu sau khi Phân Bộ Thượng Hải của ĐCS Trung Quốc bị phá huỷ vào tháng 12 1934. Vào lúc ấy QTCS đã bị mất mối liên lạc bằng điện đài duy nhất với ĐCS Trung Quốc, lúc ấy đang trong giữa quá trình của cuộc Vạn Lý Trường Chinh. (Sau đó ĐCS Đông Dương được lệnh cắt đứt mọi liên lại với ĐCS Trung Quốc và Lãnh Sự Quán Xô Viết tại Thượng Hải.)[64] Trong mọi trường hợp, Hà Huy Tập đã nổi bật như là người đã tố cáo Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh và một số những thành viên khác của ĐCS Đông Dương bao gồm cả một trong những đại diện môi giới của Hồ là Nguyễn Văn Tram (Cao Văn Bình).[65] Trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại Hội Lần 7 (ban đầu được dự định sẽ tổ chức vào năm 1934, rồi dời đến tháng 3 1935 và cuối cùng được khai mạc vào tháng 7) có lẽ Hồ Chí Minh là người đã bị nghi ngờ nhiều nhất.

    Hội Nghị ĐCS Đông Dương từ ngày 27-31 tháng 3 tại Macao đã thông qua nghị quyết chính trị dài 30 trang và đã bầu ra một Uỷ Ban Trung Ương mới, cho phép Hà Huy Tập nắm quyền ĐCS Đông Dương trong thời gian Lê Hồng Phong vắng mặt. Điều mà hội nghị đã không làm là phản ánh những trào lưu thay đổi tại Moscow mà mãi cho đến Đại Hội Lần 7 QTCS vào mùa hè mới được giải thích rõ ràng. Vào cuối năm 1934 Tập đã báo cáo rằng đảng có khoảng 600 thành viên bao gồm cả những người đang ở Lào và Cam Bốt.[66] Mười ba người đã có mặt để tham gia Hội Nghị, ông nói. Hội Nghị đã bầu ra Uỷ Ban Trung Ương đứng đầu bởi Lê Hồng Phong đang vắng mặt, trong đó có 8 công nhân, một bần nông người dân tộc Tày, ba trí thức và một thành viên từ đảng An Nam cũ (không rõ nghề nghiệp) đang được lựa chọn.[67] Hồ Chí Minh nằm ở vị trí thứ 13 như là một thành viên dự bị. Những học viên tại Moscow trong Uỷ Ban Trung Ương gồm có công nhân "Din-Tan" (Trần Văn Diêm), đứng đầu xứ uỷ Bắc Kỳ; và "Svan" (Nguyễn Văn Dựt), lúc ấy đang đứng đầu Liên Uỷ tại Nam Kỳ. Hà Huy Tập giữ cho mình một vị trí trong Ban Chỉ Huy Hải Ngoại, lúc ấy đang có quyền ra hướng dẫn chính trị cho Uỷ Ban Trung Ương.[68]

    Ở cuối bản báo cáo về Hội Nghị, Tập đã đưa ra vấn đề của Hồ Chí Minh. Ông nói rằng Hội Nghị đã phân công Đồng Chí Lin làm đại biểu của ĐCS Đông Dương tại QTCS. Nhưng trong khi đó ông lại viết:

    Các tổ chức cộng sản tại Xiêm và Đông Dương đang thực hiện một cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng cách mạng dân tộc pha lẫn chủ nghĩa cách tân và chủ nghĩa duy tâm của Thanh Niên Hội và của Đồng Chí Nguyễn Ái Quốc. Những tàn dư này vẫn còn rất mạnh và trở thành một trở ngại nghiêm trọng đối với công cuộc phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại những tư tưởng cơ hội của Quốc và Thanh Niên là thật sự cần thiết. Hai đảng uỷ tại Xiêm và Đông Dương sẽ ra những văn bản chống lại những khuynh hướng này. Chúng tôi đề nghị Đồng Chí Lin nên thảo một văn bản để tự kiểm điểm bản thân và những thất bại của mình trong quá khứ.[69]

    Đến cuối tháng 4 1935 Hà Huy Tập cảm thấy có trách nhiệm phải làm việc phê bình rõ ràng hơn. Trong điểm cuối cùng của bức thư viết tay dài 4 trang bằng tiếng Pháp trong đó đề cập đến một số trường hợp bị nghi ngờ có sự phản bội trong ĐCS Đông Dương, ông báo cáo với Ban Bí Thư Đông Phương rằng một số đại biểu tại Hội Nghị Macao đã thảo luận về trách nhiệm của Hồ về trong việc bắt bớ của trên 100 cựu thành viên của Thanh Niên được đào tạo tại Quảng Châu. Tập đã liệt kê những lý do như sau:

    (a) Quốc đã biết rằng Lâm Đức Thụ là một kẻ khiêu khích, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng ông ta; (b) Quốc đã phạm sai lầm khi đòi hỏi mỗi học viên hai bức ảnh, tên thật, địa chỉ, tên cha mẹ, ông bà nội ngoại và ông bà cố... (c) trong nước, tại Xiêm và trong tù, họ vẫn tiếp tục nói về trách nhiệm của Quốc, một trách nhiệm mà ông không thể chối bỏ được; (d) những bức ảnh do Quốc và Lâm đòi hỏi giờ đây đang nằm trong tay của cảnh sát; (e) dần dần khi đường lối của đảng đã trở nên rõ ràng hơn đối với đảng viên và quần chúng, họ đã phê phán mạnh mẽ hơn chính sách mà Đồng Chí Quốc theo đuổi. Tổng bí thư của ĐCS Xiêm, từng là người học trò thuần thành của Quốc, là một trong những người nói rằng trước năm 1930, Quốc không phải là một người cộng sản!!![70]

    Khi trả lời cho đề xuất của ĐCS Đông Dương về việc Hồ trở thành đại diện của họ tại QTCS, Vasilieva khẳng định là "không". "Quốc cần phải học tập nghiêm túc trong hai năm tới và sẽ không thể nhận bất cứ công việc gì khác," bà giải thích; "sau khi ông học xong chúng tôi sẽ có những dự định đặc biệt để sử dụng ông ấy."[71] Ta không biết rằng bà đã nhận được lời tố giác vào tháng 4 khi bà viết những nhận định trên. Dù sao bức thư tháng 4 rõ ràng là đã ảnh hưởng đến vai trò của Hồ tại Đại Hội Lần 7. Trong một danh sách đại biểu Đại Hội, vì tính chất bắt buộc của nó, ai đó đã viết "cần phải loại bỏ" bên cạnh tên của Hồ.[72] Đa số những danh sách đại biểu Đại Hội cho thấy có 3 đại biểu từ Đông Dương, một người trong họ là phụ nữ - cả ba người đều có toàn quyền bầu cử. Hai đại biểu Xiêm chỉ được quyền bầu với tư cách tham vấn (soveshchatelniie golosy), trong qui định cộng sản điều này có nghĩa là phiếu bầu của họ không được tính.[73] Nhưng dường như Hồ cũng không nhận được cả quyền này. Ta có thể bảo rằng ông đã được đưa ra khỏi chương trình công khai của Đại Hội để giữ bí mật, nhưng ta cũng thắc mắc rằng tại sao những người Việt khác, sau này sẽ quay lại hoạt động chính trị tại Đông Dương, lại được giao cho những chức vụ công khai.

    Nếu đã có một uỷ ban được lập ra để điều tra những cáo buộc mới nhất đối với Hồ, thì chắc hẳn nó đã xảy ra trước Đại Hội 7. Vì những thiếu sót về an ninh được cảnh báo từ việc Kirov bị mưu sát, sẽ rất là khó hiểu nếu đã không có một biện pháp nào được thực hiện. Một nguồn tin được biết nhiều năm sau từ một nhân viên của Bộ Quốc Tế thuộc Uỷ Ban Trung Ương Xô viết là Anatoly Voronin cho biết rằng Hồ đã bị điều tra bởi bộ ba Dmitry Manuilsky, Khang Sinh và Vera Vailieva. Theo nguồn tin này, Mauilsky đã giữ vị trí trung lập trong khi Khang Sinh muốn Hồ bị xử tử hình. Vasilieva được cho là đã bảo vệ ông trên cơ sở rằng những sai lầm của ông về những biện pháp an ninh đã xảy ra là do thiếu kinh nghiệm.[74] Vào năm 1935 có khả năng là Khang Sinh đề nghị Hồ bị trục xuất ra khỏi đảng hơn là tử hình, nếu ông tin rằng Hồ đã có một phần lỗi trong những bắt bớ vào năm 1931. Nhưng vì không có những tài liệu làm bằng chứng mà rất có thể vẫn còn được giấu kín trong tàng thư của KGB, chúng ta không thể biết được những tố giác của Hà Huy Tập đã được xử lý nghiêm trọng đến mức độ nào. Bản thân những người cộng sản Việt Nam đã biết rất rõ rằng đảng của họ đã bị Sở Liêm Phong thâm nhập. Vào cuối năm 1934, Hà Huy Tập đã gửi một danh sách đến Moscow trong đó ông phân tích hồ sơ của 37 học viên người Việt đã rời Moscow đi châu Á hoặc Pháp. Trong số này có 12 người được liệt vào dạng phản bội hoặc khiêu khích. Chỉ có 10 người được cho là "những nhà cách mạng chuyên chính".[75]

    Đã có vài tia sáng hé mở trong việc QTCS xử lý những vụ trường hợp như của Hồ qua báo cáo của Joseph Ducroux về việc ông bị đối xử tại Moscow khi ông quay lại vào tháng 1 1934. Ducroux đã viết vào năm 1970 rằng trưởng Cục Thông Tin Quốc Tế là Abromov đã quyết tâm qui nguyên nhân ông bị bắt tại Singapore là do lỗi kỹ thuật của Ducroux. Ducroux đã không được đối xử như một người hùng trở về và chỉ được phép ăn tại nhà ăn chung của khách sạn Lux chứ không được ngồi cùng với những lãnh đạo chính trị. Ông đã bị triệu tập đến một cuộc họp tại Ban Chấp Hành QTCS với sự có mặt của Manuilsky, Lozovsky, Piatnitsky và Bela Kun. Manuilsky đã "công kích ông dữ dội", yêu cầu khai trừ ông ra khỏi đảng. Lozovsky tỏ vẻ thông cảm hơn với điều kiện khó khăn mà ông phải đối phó. Sau hai ngày ông được báo rằng ông có thể ở lại Moscow để làm công việc thông dịch cho tờ tin Quốc Tế Cộng Sản. Nhưng thay vì thế, Ducroux đã yêu cầu được gửi về Pháp. Yêu cầu này được thông qua nhưng ông bị cấm không được nhận bất cứ nhiệm vụ gì có liên quan đến Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Pháp.[76] Hồ Chí Minh cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự là bị tách rời khỏi những hoạt động liên quan đến những quyết định chính trị. Hồ còn gặp phải một phức tạp khác do có đã có liên hệ với những hoạt động của ĐCS Trung Quốc, cụ thể là trong thời kỳ khó khăn của năm 1930. Có khả năng là Khang Sinh đã có oán hận với ông vì ông từng là người biết rõ vai trò của Khang Sinh trong thời kỳ hưng thịnh của Lý Lập Tam, hoặc đã biết về những thất bại của ông trong tổ chức an ninh đặc biệt vào năm 1933. Sau khi Kirov bị ám sát, Khang Sinh được cho là đã bắt đầu hô hào một cuộc thanh trừng mới trong nội bộ đảng Trung Quốc tại Moscow.[77] Nhưng một lần nữa, vì không có tài liệu làm bằng chứng nên ta không thể kết luận một cách chắc chắn về mối quan hệ giữa Hồ và Khang Sinh.
    #32
      lyenson 15.04.2008 13:08:16 (permalink)
      Đại Hội Quốc Tế Cộng Sản Lần 7

      Đại Hội Lần 7 QTCS cuối cùng cũng đã được khai mạc vào ngày 25 tháng 7 1935. Nó đã đạt được sự nhất trí chậm trễ về việc ủng hộ một liên minh với thành phần xã hội dân chủ cánh tả trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít tại châu Âu. Sự nhất trí này đã được chuẩn bị tỉ mỉ từ giữa năm 1934, khi ĐCS Pháp đồng ý thực hiện "hành động chung" với Đảng Xã Hội Pháp chống chủ nghĩa phát xít. Dường như đã có rất ít những thảo luận sôi nổi và những nghị quyết Đại Hội đã được thông qua thanh chóng. Sự sục sôi chính trị của Đại Hội 6, khi đặc tính của "Gia Đoạn Thứ Ba" và những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân đã bị xoá bỏ, thì giờ đây đang được giới lãnh đạo QTCS cẩn thận chuyển hướng. Trong sự chuyển hướng mà rõ ràng là do Georgy Dimitrov chủ trương trong tháng 7 1934, QTCS đã cho phép các đảng cộng sản được tự do hơn trong phương sách riêng của mình, nhưng cùng lúc ấy họ cũng cách tân guồng máy của mình và "xây dựng một mối liên hệ mật thiết giữa thành phần lãnh đạo QTCS và Bộ Chính Trị ĐCS Liên Xô".[78] QTCS đang rời bỏ chủ nghĩa cực đoan của năm 1929 và Hội Nghị Thứ 10 Ban Chấp Hành QTCS, khi những chiến lược cực đoan được đưa ra tại Moscow mà không màng gì đến những điều kiện tại địa phương trong phong trào cộng sản thế giới. Dimitrov nhấn mạnh việc cần thiết phải tính đến những điều kiện đặc trưng tại những địa điểm khác nhau trên thế giới và những phát triển không đồng đều trong phong trào cộng sản; không thể dùng một đường hướng được tiêu chuẩn hoá để thay thế việc tìm hiểu cặn kẽ ở những quốc gia khác nhau.[79] Nhưng cùng lúc ấy, QTCS vẫn tiếp tục trợ giúp những đảng thành viên trong việc đào tạo những "lãnh đạo Bolshevik thực thụ".[80] Dimitrov có lẽ đã thuyết phục được Stalin chấp thuận những gì đã xảy ra tại Pháp và Trung Quốc, nơi các đảng đang đưa ra những quyết định phù hợp với điều kiện chính trị của mình, bằng cách đồng thuận để tăng mức kiểm soát của nhà lãnh đạo Xô Viết này tại hàng ngũ tối cao của QTCS.

      Một Ban Bí Thư nhỏ gọn, chặt chẽ của Ban Chấp Hành QTCS được chọn ra vào tháng 8 1935 trong đó những thành viên sẽ có ban bí thư riêng của mình để điều khiển những nhóm của các đảng cộng sản. Dimitrov, Tổng Bí Thư QTCS, chịu trách nhiệm về ĐCS Trung Quốc, trong khi đó Vương Minh (Wang Min - ND) chịu trách nhiệm về các đảng tại khu vực Nam Mỹ và Caribbe. Trách nhiệm về Đông Dương nằm trong tay của ban bí thư của Manuilsky, bao gồm những quốc gia trước đây trực thuộc Ban Bí Thư khu vực nói tiếng Romance và những thuộc địa. Vì thế trong hầu hết giai đoạn Mặt Trận Bình Dân, ít nhất là cho đến mùa thu năm 1937, những người cộng sản Việt Nam đã có quan hệ gần gũi với ĐCS Pháp. Otto Kuusinen, một chuyên viên về những vấn đế Ấn Độ, phụ trách các đảng cộng sản Nhật, Triều Tiên, Ấn Độ và Xiêm. Philippines nằm dưới sự chỉ đạo của ban bí thư của André Marty vì ông đang đảm nhiệm những công việc của những quốc gia thuộc ngôn ngữ Anglophone và một số thuộc địa của chúng; Hà Lan và Nam Dương trở thành bộ phận của Ercoli (Togliatti)[81] Những quyền lợi của những đảng vùng Đông Nam Á vì thế bị phụ thuộc vào những nhu cầu của các đảng trong những quốc gia mẫu quốc.[82]

      Vào năm 1935, như nhiều tác giả đã nhấn mạnh, QTCS đã áp đặt khái niệm của một mặt trận thống nhất dựa trên những chính sách cấp tiến của những năm 1928 và 1929. Thời điểm để từ bỏ những mục tiêu xã hội, dù là tạm thời, vẫn chưa đến lúc. McDermott và Agnew (Kevin McDermott & Jeremy Agnew - sử gia người Anh - ND) viết: "Sự tương quan chặt chẻ của Stalin với những chiếc lược của ban bí thư và những tư tưởng của Giai Đoạn Thứ Ba đã ngăn chặn những nghiên cứu cặn kẽ về những kinh nghiệm của sáu năm vừa qua. Vì thế thời kỳ Mặt Trận Bình Dân đã được đánh dấu bởi một căng thẳng không được giải quyết giữa truyền thống và cách tân, giữa tư tưởng thừa hưởng và khuôn khổ tổ chức và những chủ trương của những đảng cộng sản để giao chiến với nền tư tưởng của phong trào xã hội dân chủ."[83] Mong muốn của Hồ Chí Minh, đưa ra vào tháng 1 1935 về việc phân tích những thất bại của giai đoạn 1930-1 dưới quan điểm rằng đây là một sự hiểu lầm về "cuộc cách mạng dân chủ tư sản", có lẽ đã đến trước thời gian. Dimitrov nhấn mạnh trong báo cáo Đại Hội của mình rằng mặt trận thống nhất sẽ không đưa ra dấu hiệu của việc quay lại khái niệm của hai giai đoạn cách mạng. Ông nói sẽ sai lầm nếu xem chính quyền liên minh chống phát xít là "một giai đoạn dân chủ trung gian nằm giữa chuyên chính tư sản và chuyên chính vô sản".[84] Vào thời điểm này tại Moscow vẫn có rất ít thông tin về cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Vương Minh và những người lãnh đạo Trung Quốc khác giả định rằng một huyện xô viết đang được thành lập tại Tứ Xuyên (Sichuan - ND), trong vùng Thành Đô (Chendu - ND).[85] Wilhelm Pieck (cựu chủ tịch Cộng Hoà Dân Chủ Đức - ND) vẫn trích dẫn việc thành lập của phong trào xô viết tại Trung Quốc như là một "sự kiện nổi bật" trong phong trào cộng sản châu Á kể từ Đại Hội Lần 6 QTCS.[86] Nhưng vì sự vắng mặt của một hội đồng đặc biệt về những quốc gia thuộc địa và bán thuộc địa, Đại Hội Lần 7 đã không đưa ra một tín hiệu rõ rệt cho những thuộc địa của những quốc gia phương Tây.

      Lê Hồng Phong là người Đông Nam Á duy nhất trở thành thành viên của Ban Chấp Hành QTCS trong đại hội 1935. Việc này đã đưa ông lên ngang hàng với những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Trương Quốc Đảo và Vương Minh (Khang Sinh và Bác Cổ (Bo Gu - ND) trở thành uỷ viên dự khuyết).[87] Khi ông phát biểu vào ngày thứ tư của Đại Hội, dưới bí danh Hải An, Phong nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh nghiệm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào cách mạng tại Việt Nam, ông nói. "Nhưng chính phong trào xô viết thắng lợi tại Trung Quốc đã đóng vai trò quyết định," ông nhận định. "Trong suốt lịch sử của đảng chúng tôi, ĐCS Trung Quốc đã giúp đỡ và hậu thuẫn cũng như chia sẻ kinh nghiệm của họ.[...] Tình huynh đệ thắm thiết gắn chặt hai đảng chúng tôi."[88] Dù thế, tầm quan trọng thật sự của phong trào xô viết tại Trung Quốc đối với Đông Dương ra sao thì không được nêu rõ trong bài phát biểu của Hải An. Sau giai đoạn "phát triển tối đa" của ĐCS Đông Dương vào những năm 1930-1, ông giải thích, đã không còn gì ngoài những tổ chức cộng sản cô lập tại Việt Nam; nhưng vào thời điểm hiện tại "phong trào đang phát triển trên một cơ sở rộng lớn hơn so với trong quá khứ. Tầng lớp dị biệt nhất trong dân chúng, những thành phần lạc hậu nhất trong tầng lớp lao động, những dân tộc thiểu số (Mọi, Thợ, Lão v.v...), tầng lớp quần chúng rộng rãi của tiểu tư sản, trí thức đã được lôi kéo vào cuộc đấu tranh."[89] Nhưng ông tiếc rằng những đồng chí của mình đã không nghĩ đến việc thành lập một mặt trận thống nhất dựa trên "một mặt trận phản đế rộng rãi."[90]

      Phát biểu của Nguyễn Thị Minh Khai tại Đại Hội vào ngày 16 tháng 8 cũng cho thấy giai đoạn trung chuyển nhắm về một mặt trận chống phát xít. Bà đã phát biểu về vấn đề chống chiến tranh được đưa ra từ báo cáo của Ercoli tại Đại Hội. Bà đề cập rất ít đến những vấn đề phụ nữ, than phiền về con số nhỏ nhoi của phái nữ tại Đại Hội. Chủ đề chính của bà là mối nguy hiểm ngày một lớn của hệ thống quân sự Pháp tại vùng biển Thái Bình Dương và việc chuyển hoá Đông Dương thành một căn cứ quân sự của Pháp. Nhiệm vụ của ĐCS Đông Dương vì thế cần phải "huy động toàn bộ lực lượng của mình để tạo thành một mặt trận bình dân rộng rãi trong cuộc đấu tranh vì hoà bình". Mặc dù Liên Xô đã thoả thuận với Pháp về một hiệp ước hỗ trợ chung vào tháng 6 1934, ĐCS Đông Dương vẫn quyết tâm "vạch mặt những chính sách của đế quốc Pháp bằng ví dụ điển hình là Đông Dương".[91] Chỉ sau khi Mặt Trận Bình Dân thắng cử tại Pháp vào mùa xuân 1936, ĐCS Đông Dương mới thay đổi sự chống đối của họ đối với nỗ lực tự vệ của người Pháp.

      "Chứng minh thư" tại Đại Hội 7 Quốc Tế Cộng Sản, 1935 của Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong, hai trong số ba đại biểu của Đông Dương.


      Ban Chấp Hành mới của QTCS được bầu chọn vào năm 1935.
      Hàng đứng: (từ trái sang) M. Moskvin, Otto Kuusinen, Klement Gottwald, Wilhelm Pieck, Dmitry Manuilsky.
      Hàng ngồi: (từ trái sang) André Marty, G.Dimitrov, Palmiro Togliatti, V.Florin, Vương Minh.


      Vera Vasilieva, lãnh đạo bộ phận Đông Dương tại QTCS, người được cho là đã bảo vệ Hồ Chí Minh khi ông bị điều tra vào năm 1935.


      Hồ Chí Minh trước khi rời Moscow đi Trung Quốc vào năm 1938. Đầu ông bị cạo trọc có lẽ là do việc phải nhập viện.


      #33
        lyenson 17.04.2008 15:31:43 (permalink)
        Mặt Trận Thống Nhất tại Đông Dương

        Trong việc phân tích những hệ quả của Đại Hội QTCS Lần 7, ta có thể lấy làm lạ là việc thay đổi chính sách về mặt trận thống nhất đã không thay đổi thời vận của Hồ Chi Minh ngay lập tức. Ta không biết được Vasilieva đã nghĩ gì khi bà viết về "dự định sử dụng ông ta sau hai năm học tập" - nhưng ta biết được rằng Hồ vẫn ở lại Moscow sau khi Lê Hồng Phong quay về lại châu Á vào năm 1936 và khi Minh Khai và Hoàng Văn Nọn quay về vào năm 1937. Một mẩu thư của Vasilieva gửi cho "Dmitry Zaharovich" (Manuilsky), chắc hẳn là đã được viết vào cuối năm 1935 hoặc đầu năm 1936, xác nhận rằng tại Moscow, Lê Hồng Phong đang nắm vai trò chủ đạo trong việc vạch ra đường lối cho ĐCS Đông Dương vào lúc ấy. Vailieva viết rằng, "Hải An muốn tham khảo về những vấn đề Đông Dương vào những ngày tới, vì ông ta phải (1) viết một bức thư cho đảng... và (2) có thể sẽ nhập viện trong vài ngày."[92] Tám thành viên của QTCS được mời tham dự buổi hội ý: Manuilsky, Kuusinen, Khang Sinh, Vương Minh, Stepanov, Gere, Mirov và Vasilieva. Ở cuối danh sách này Vasilieva đã ghi chú rằng hai học viên người Đông Dương đang theo học tại Đại Học Stalin và "Đồng Chí Lin (Ai-kvak)" từ Đại Học Lenin cũng được yêu cầu tham dự.[93]

        Trong năm 1936 ĐCS Đông Dương đã thảo ra một số thư về vấn đề mặt trận thống nhất tại Đông Dương. Bức thư đầu tiên có lẽ được thảo tại Moscow sau cuộc hội ý trên. Một bức thư bằng tiếng Pháp từ Phân Bộ Đông Dương thuộc Liên Đoàn Phản Đế gửi đến "Các Đảng Phái và Phần Tử Cách Mạng Trong Nước và Hải Ngoại", đề ngày 27 tháng 2 1936 có thể tìm được tại hồ sơ của ban bí thư của Manuilsky. Bức thư kêu gọi tất cả các đảng phái, tất cả các phần tử cách mạng trong nước và hải ngoại tham gia bộ phận Đông Dương của Liên Đoàn Phản Đế "để đoàn kết phong trào giải phóng dân tộc tại Đông Dương".[94] Một tài liệu khác mang tên "Thư Mở của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương" đã xuất hiện vào tháng 4 - một bản sao của nó đã được gửi đến Moscow và được dịch sang tiếng Nga vào ngày 6 tháng 6 1936. Lá thư nhắm vào thành phần "Việt Nam Quốc Dân Đảng và tất cả những tổ chức và đảng phái cách mạng dân tộc, những nhóm phản đế, những tổ chức cách tân, những nhóm đối lập và những phần tử cách mạng đơn lẻ tại Đông Dương".[95] Bức thư đề xướng một cơ cấu uyển chuyển cho một mặt trận thống nhất trong đó sẽ giao cho các tổ chức cộng sản hạ tầng quyền quyết định những hoạt động chung tại cấp địa phương. Lá thư đề nghị rằng những đảng phái khác hoặc là nên gia nhập bộ phận Đông Dương của Liên Đoàn Phản Đế hoặc mỗi tổ chức nên cử ra một vài đại diện để tham gia vào một uỷ ban điều phối. Ban Chỉ Huy Hải Ngoại của ĐCS Đông Dương sẽ chịu trách nhiệm trong việc thảo luận với những chi nhánh hải ngoại của những đảng phái khác.[96]

        Ta không biết được ai là tác giả chính thức của bức thư trên. Nhưng việc nó bao gồm những "nhóm cách tân" trong lời kêu gọi cho thấy một trong những dấu hiệu của việc chuyển hướng sang hình thái chiến lược mới của mặt trận thống nhất của ĐCS Đông Dương. Ta có thể chắc chắn rằng bức thư không phải là sản phẩm chung của Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập. Vì khi Hà Huy Tập gửi một báo cáo đến Moscow về công việc của ĐCS Đông Dương từ tháng 5 1935 đến tháng 6 1936, Lê Hồng Phong vẫn chưa liên lạc với Ban Chỉ Huy Hải Ngoại, lúc đó đang đóng tại Macao.[97] Ta có thể đoán rằng những lá thư tháng 2 và tháng 4 đã kêu gọi một mặt trận phản đế với tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh) tại Nam Kinh. Theo lời Hoàng Văn Hoan, việc này xảy ra với sự đồng ý của Hà Huy Tập vào khoảng đầu năm 1936.[98] Nhưng trong báo cáo của mình gửi cho QTCS vào ngày 1 tháng 7 1936, Tập lại viết rằng "một tổ chức gọi là Liên Đoàn Việt Nam Độc Lập Cách Mạng đã được thành lập tại Nam Kinh", và "một hội nghị giả tạo đã được tổ chức". "Chúng tôi đã khai trừ khỏi đảng những thành viên cộng sản nào đã thành lập liên đoàn này với Min [còn có tên là Phi Vân, Nguyễn Hữu Cam]; nó đã bị tan rã khi bị chúng tôi lột mặt nạ," ông báo cáo.[99] (Nhưng Hoàng Văn Hoan lại viết rằng Liên Đoàn lâm vào tình trạng bất động vì thái độ thù địch của một số người Việt quốc gia và khó khăn khi gây quỹ.[100]) Rõ ràng là Lê Hồng Phong đã từ Moscow đến thẳng Nam Kinh với thông điệp về mặt trận thống nhất: ông đã có mối liên hệ lâu dài với Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần, hai thành viên của tổ chức Việt Minh đầu tiên. Như những sự kiện sau này cho thấy, ngay cả sau khi Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập liên lạc với nhau vào năm 1936, Tập vẫn tiếp tục phản bác chiến lược sau Đại Hội 7 của QTCS.

        Tại cuộc họp được tổ chức vào cuối tháng 7 tại Thượng Hải, được gọi là Hội Nghị Trung Ương Đảng, hai nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng đã gặp nhau. Chính tại cuộc họp này những nghị quyết lỗi thời từ Hội Nghị Macao đã được loại bỏ. Trên thực tế hội nghị này có thể là một cuộc họp của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại mà từ tháng 9 1935 đang hoạt động như một Uỷ Ban Trung Ương; có thể những đảng viên trong nước đã không được tham dự.[101] Hội nghị đã đưa ra một bức thư mở mới về việc thành lập mặt trận thống nhất mà giờ đây được gọi là "một Mặt Trận Liên Hiệp Phản Đế Bình Dân".[102] Cuộc họp tiếp theo sau việc thành lập của chính phủ Mặt Trận Bình Dân tại Pháp vào tháng 5 đã mở đường cho Hà Huy Tập chuyển về Sài Gòn vào tháng 8 để thành lập một Uỷ Ban Trung Ương mới.[103] Trên giả thuyết ông đã đem theo "Bức Thư Mở" viết vào tháng 7 và một loạt những nghị quyết phản ánh việc ĐCS Đông Dương chấp nhận đường lối của Đại Hội 7 QTCS, nhưng trên thực tế, sau này ông đã bị tố cáo là không chịu thực thi những chính sách mới của QTCS và đã không công bố những quyết định từ cuộc họp vào tháng 7 tại Thượng Hải. Trong một báo cáo tóm lược mà ông đã viết vào cuối mùa hè 1937, ông đã đề cập rằng "Litvinov (Lê Hồng Phong) đang ở nước ngoài như là một đại diện dự bị; vì sự vắng mặt ấy, ông ta không có vai trò gì trong hoạt động của Uỷ Ban Trung Ương."[104] Một người tại Ban Bí Thư Đông Phương đã viết một nhận định về bản báo cáo này vào tháng 1 1938 và đã ghi chú rằng: "Litvitov (Hải An) đã nhận công tác khi ông ấy rời khỏi Moscow để quay về nước và tổ chức việc đưa Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương vào trong quốc nội. Sau khi việc chuyển đổi của Hà Huy Tập diễn ra, Hải An được lệnh của Lozeray [một người cộng sản Pháp đang cùng uỷ ban điều tra quốc hội thăm viếng châu Á]... tìm cách nắm lại quyền lãnh đạo đảng ở trong nước. Rõ ràng là ông ấy đã thất bại trong việc này."[105] Vì thế có thể Hà Huy Tập đã tự ý nắm quyền vào năm 1936 khi ông quay lại Sài Gòn. Những tiến triển của sự mâu thuẫn này sẽ được phân tích ở chương kế tiếp.

        Những ảnh hưởng của chính phủ Léon Blum tại Việt Nam đã được ghi chép đầy đủ, đặc biệt là tại Nam Kỳ, nơi mặt trận La Lutte đã phát triển thành một tờ báo chung và một liên minh chính trị giữa ĐCS Đông Dương và những người Trotskyist địa phương cho đến mùa hè 1937.[106] Phong trào Hội Nghị Đông Dương, được bắt đầu bằng đề nghị của Nguyễn An Ninh đăng trên tờ La Lutte vào ngày 29 tháng 7 1936, đã đem lại một làn sóng hoạt động chính trị mới trong chính trường. Những uỷ ban hành động được thành lập, bắt đầu từ những thị trấn và làng xã phía nam nhằm thu thập những yêu sách của dân chúng và chuẩn bị cho việc tổ chức một Hội Nghị bao gồm những thành viên cộng sản và Trotskyist như một tổ chức đại diện cho phần đông dân chúng. Một đợt ân xá cho các tù nhân chính trị từ tháng 7 1936 đến tháng 8 1937 đã trả tự do cho hơn 2.000 nhà hoạt động trong đó có 643 tù nhân Côn Đảo (Poulo Condore - ND).[107] Những người tù cộng sản đã tận dụng tốt thời gian họ bị giam cầm: họ đã nâng cao trình độ lý thuyết cộng sản và trau dồi kỹ năng hoạt động của mình.[108] Nhiều người trong họ trong đó có một nhóm lãnh đạo quan trọng của ĐCS Đông Dương đã sớm hoà nhập với phong trào yêu cầu nâng cao điều kiện làm việc và tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương. Nhưng việc chính quyền thuộc địa không mặn mà lắm với phong trào Mặt Trận Bình Dân cho thấy làn sóng lạc quan đầu tiên của những người Việt đối với chính phủ mới tại Pháp đã không tồn tại được lâu. Đến tháng 9 1936 vị Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, một người xã hội tên Marius Moutet đã thông báo với Hà Nội rằng việc tổ chức một Hội Nghị rộng lớn tại Sài Gòn thì không thể chấp nhận được.[109] Theo sau cuộc viếng thăm của đại diện Mặt Trận Bình Dân là Justin Godart (Thị trưởng Lyon, thuộc đảng Xã hội cấp tiến - ND) tại Sài Gòn và Hà Nội và đầu năm 1937 và những cuộc biểu tình rộng lớn để đón chào ông, chính quyền thuộc địa đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp mới. Nhưng một báo cáo vào năm 1937 của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại gửi đến Moscow đã đổ những thất bại của phong trào Hội Nghị lên những người Trotskyist: bức thư này đã phê phán La Lutte đã đẩy "thành phần tư sản dân tộc" ra khỏi mặt trận thống nhất bằng những phê bình gắt gao.[110] "Mặt trận thống nhất hạ tầng" giữa ĐCS Đông Dương và thành phần Trotskyist đã không tồn tại trong sự thất vọng chung đối với chính phủ của Blum. Vào tháng 5 1937 ĐCS Đông Dương đã gây áp lực đòi rút ra khỏi liên minh với ĐCS Pháp, hiện đang bận rộn với cuộc chiến toàn diện chống lại chủ nghĩa Trotskyism của Stalin, nhưng chủ yếu chính là cam kết của QTCS đối với những đồng minh chống phát xít đã dẫn đến việc mặt trận La Lutte bị giải thể vào tháng 6 1937. Đến tháng 8 ĐCS Đông Dương đã bắt đầu giai đoạn tái tổ chức, sẽ được thảo luận ở chương tới.

        Những hoạt động của Lê Hồng Phong tại Trung Quốc đã không được ghi chép đầy đủ như lịch sử của mặt trận La Lutte tại Sài Gòn. Nhưng những báo cáo của Sở Liêm Phóng cho thấy từ mùa thu 1936 đến đầu năm 1937 ông đã di chuyển trong khu vực miền nam Trung Quốc và tái lập liên lạc với một số người trong đó có Nguyễn Hải Thần, nhà lãnh đạo phong trào dân tộc đã ly khai khỏi Thanh Niên Hội vào năm 1927. Theo lời của mật vụ "Konstantin", Lê Hồng Phong đã viếng thăm Thần vào ngày 23 tháng 9 1936. Hai người được cho là đã dự định tổ chức một cuộc họp mở rộng tại Thuận Đức (Shun De - ND).[111] Những chỉ điểm của Sở Liêm Phóng cũng tìm thấy dấu vết của Phong vào tháng 3 và tháng 4 1937 - ông được cho là đã di chuyển liên tục giữa các vùng Thuận Đức, Phật Sơn (Fat San - ND) và Quảng Châu.[112] Những hoạt động của Lê Hồng Phong có lẽ đã tác động đến việc thành lập Mặt Trận Bình Dân của những người Việt tại Vân Nam, sự kiện này đã được đề cập đến trong báo cáo của tình báo quân sự Pháp vào tháng 3-4 1937. Báo cáo này đã nhắc đến ba tiểu tổ quan trọng nhất của "Quốc Dân Đảng" tại Hà Khẩu (Hekou - ND), Khai Nguyên (Kai Yuan - ND) và Côn Minh (Kun Ming - ND) đã tham gia mặt trận này, bản báo cáo gọi nó là "chi bộ của phân bộ Bắc Kỳ của Mặt Trận Bình Dân Đông Dương".[113]

        Ở đây chúng ta thấy được một trong những dấu hiệu ban đầu của mặt trận thống nhất tại Bắc Kỳ (cũng như ở miền trung Việt Nam) đã mang một hình thái khác với mặt trận thống nhất tại Sài Gòn. Rõ ràng là đã không có những cơ hội cho những nhà hoạt động tại miền bắc. Nhưng cũng đúng là tại Hà Nội thành phần Troskyist đã không có một tổ chức vững mạnh và dường như đã không xâm nhập được vào trong phong trào công nhân. Hơn nữa, cũng không có thành phần tư sản tương đương của Đảng Lập Hiến tại vùng này. Vì thế khi những người tù cộng sản được phóng thích bắt đầu xuất hiện tại Bắc Kỳ vào cuối năm 1936, ĐCS Đông Dương đã không gặp trở ngại gì trong việc tổ chức phong trào lao động. Cùng lúc đó họ đã cởi mở để tạo một liên minh chính trị với những lực lượng trung lưu và dường như đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập chi bộ Việt Nam của Đảng Dân Chủ SFIO (Section Francaise de I'Internationale Ouvrière - Phân Bộ Pháp của Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế - ND) tại miền bắc. Vào tháng 3 1936 tờ báo lưỡng nguyệt L'Avenir (Tương Lai - ND) bắt đầu xuất hiện. Những người cộng tác bao gồm Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Huỳnh và Bùi Ngọc Ái, đa số họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức Việt Minh.[114] Vào tháng 11 1936 một nhóm hỗn hợp gồm những thành viên của ĐCS Đông Dương và Trotsyist đã thành lập tờ Le Travail (Lao Động - ND), một tờ báo hổ trợ việc phóng thích những tù nhân chính trị và tổ chức việc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Justin Godart. Trong số những nhà báo hàng đầu của tờ báo này có Đặng Xuân Khu, một nhà hoạt động từ Nam Định đã từng làm việc với Nguyễn Đức Cảnh vào năm 1929 trước khi bị bắt đi tù tại Bắc Kỳ vào năm 1930. Sau này ông chính là người được biết nhiều với cái tên ông lấy vào năm 1945 là Trường Chinh. Đến tháng 1937 nhóm Travail đã hợp tác với SFIO và Đảng Cấp Tiến (hai tổ chức của Pháp) trong kế hoạch thành lập một chi bộ của SFIO tại Bắc Kỳ.[115] Vào tháng 4 1937 Phạm Văn Đồng cũng đã tham gia nhóm này, ông đang bị giam lỏng ở Huế sau khi vừa được phóng thích. Một báo cáo của Sở Liêm Phóng cho biết rằng ông là một nhà báo tài ba và đã được cử làm biên tập viên cố định của tờ Le Travail.[116] Nhưng tờ báo đã phải đóng cửa ngay sau khi Đồng tham gia vì nhà xuất bản bị những vụ phạt vạ và kiện cáo. Đến mùa hè 1937, những bất đồng giữa nhóm Trotskyist và ĐCS Đông Dương đã làm thất bại cố gắng đầu tiên để thành lập mặt trận thống nhất tại Hà Nội.[117] Nhưng ĐCS Đông Dương vẫn tiếp tục theo đuổi việc liên minh với những trí thức quốc gia và những thành viên khác của thành phần tư sản tại Bắc Kỳ.
        #34
          lyenson 22.04.2008 13:31:32 (permalink)
          Những năm cuối của Hồ Chí Minh tại Moscow

          Sau Đại Hội 7 Hồ Chí Minh vẫn ở lại Đại Học Lenin cho đến cuối năm 1935, nhưng sang năm 1936 ông đã là giảng viên trong bộ phận Đông Dương tại Đại Học Stalin, nơi hai đại biểu người Việt của Đại Hội 7 đang theo học. Một báo cáo về một cuộc họp của giảng viên và học viên của bộ phận này vào tháng 4 1936 cho thấy "Lin" và Vere Vasilieva đã làm việc chung với nhau, rõ ràng là để thiết lập một khoá đào tạo về Đông Dương. Bà làm chức giảng viên chủ đạo trong Bộ Phận Đông Dương. "Thật dễ chịu khi làm việc với ông ấy vì ông ấy là một chuyên gia trong đề tài về đất nước ông," bà nhận xét; "ông ấy biết về tình hình đất nước nhưng không được hệ thống mấy." Họ làm việc về những khó khăn chính trị như vấn đề nông dân. "Ông ấy có rất nhiều kinh nghiệm cách mạng, nhưng cũng như những đồng chí người Đông Dương khác, ông đã mắc phải rất nhiều sai lầm, hiện nay chúng tôi đang chú tâm rất nhiều về những vấn đề này... ông ấy đã có nhiều tiến bộ."[118] Một số nguồn tài liệu của Việt Nam nói rằng Hồ đang dự định soạn thảo một luận cương về vấn đề nông dân, nhưng tôi đã không thấy một bằng chứng nào về việc này ngoài báo cáo của Vasilieva . Một trong những học viên của Hồ là "Văn Tân" (Hoàng Văn Nọn) đã than phiền rằng Đồng Chí Lin đã đặt ông vào một chế độ "Stakhanovite" (lấy từ tên của Alexey Stakhanov, người phát động phong trào thi đua lao động tăng năng suất, vượt chỉ tiêu kế hoạch ở Nga - ND) trong một khoá học - trong vòng một tháng ông đã phải hoàn thành toàn bộ lịch sử của ĐCS Liên Xô, và vì không có tài liệu, ông đã phải thuộc lòng mọi thứ. "Đồng Chí Lin nói rất nhanh, cứ như một bánh xe đang xoay," ông nói; "đó là nguyên nhân về tình trạng kiến thức của tôi.[119] (Ta có thể đoán được rằng Hồ đã không có hứng thú gì trong việc giảng dạy cho người thanh niên dân tộc Tày này về phiên bản lịch sử đảng đã được Stalin hoá từ năm 1935. Ta biết rằng khi Hồ muốn giảng điều gì, ông sẽ bỏ nhiều công sức để giải thích vấn đề một cách rõ ràng và đơn giản.)

          Vào cuối năm 1936 Vasilieva thảo ra một kế hoạch đào tạo cho những học viên Đông Dương trong đó bà đưa ra chi phí cho 10 học viên người Việt đến Moscow. Kế hoạch cũng đề xuất việc thành lập một trường đào tạo mới tại Trung Quốc để giảng dạy những lớp chính trị dài 2 tháng cho những hoạt động viên cấp thấp từ Việt Nam. Bà dự định một ngân sách 3.000 đô-la Mỹ để đào tạo 10 học viên cho mỗi khoá hai tháng. Điểm thứ chín trong bản đề xuất của bà có nhắc đến rằng "chúng ta phải quyết định vấn đề gửi Đồng Chí Lin, người đã hoàn tất công việc nghiên cứu tại Moscow, về để tổ chức và giảng dạy tại trường này." Nhưng ở cuối bản đề xuất của bà, ai đó đã viết: "Mọi đề nghị đều bị huỷ bỏ sau khi vấn đề đã được làm sáng tỏ."[120] "Vấn đề" là gì thì không được giải thích, nhưng chúng ta biết rằng Đồng Chí Lin đã phải lưu lại Moscow để tiếp tục học tập.

          Đến năm 1937, Đại Học Stalin được tái tổ chức với những học sinh không thuộc Liên Xô được đưa vào "Học Viện Khoa Học về việc Nghiên Cứu các Vấn Đề Dân Tộc và Thuộc Địa". Một tên mới có vẻ trung lập hơn nhưng không có nghĩa là nhà trường đã thay đổi chức năng của mình. Trong một bức thư gửi cho "Hội Đồng Quản Trị Xô Viết" vào tháng 4 1938, một quản trị viên của nhà trường giải thích rằng chức năng của Học Viện là nhằm đào tạo những thành viên của các đảng nước ngoài - cái tên chỉ là vỏ bọc và không phản ánh tính chất thật sự về hoạt động của trường, ông viết.[121] Hồ vẫn ghi danh là giảng viên và học viên tốt nghiệp, ông tham dự "lớp đầu tiên" của Khoa Lịch Sử. Ông đã không tỏ vẻ phấn khởi mấy trong việc học tập của mình: ông chỉ đạt điểm "trung bình" trong các lớp "Duy Vật Biện Chứng", "Lịch Sử Cổ Đại" và "Lịch Sử Trung Đại". Chỉ có môn "Lịch Sử Cận Đại" là ông nhận được điểm "xuất sắc". Địa vị giảng viên của ông dường như rất thấp - ông giảng dạy môn "Nghiên Cứu về Đông Dương" bằng tiếng Việt. Ngược lại, "Minin" Nguyễn Khánh Toàn, người đã từng học tại Cao Đẳng Hà Nội, được nhận chức "quyền giảng viên" trong các môn "Kinh Tế Chính Trị", "Lịch Sử Tổng Quát", và "Nghiên Cứu Quốc Gia".[122] (Việc Nguyễn Khánh Toàn lưu lại Moscow lâu dài đã không được giải thích. Ông quay về lại Trung Quốc vào năm 1939.)

          Đến giữa năm 1938, khi Hồ Chí Minh chuẩn bị rời Moscow, Học Viện đã bị đóng cửa. Pavel Mif, Giám Đốc Học Viện và là cánh tay phải của Stalin về những vấn đề Trung Quốc từ năm 1928, đã bị bắt vì tội danh "kẻ thù nhân dân" trong khoảng năm 1937. Ông bị tử hình vào năm 1938. Trong suốt những năm 1937 và 1938 rất nhiều lãnh đạo ĐCS Nga và những nhà hoạt động của QTCS bị bắt và xử bắn. Những thành viên QTCS từng giúp thực hiện đường lối cứng rắn của những năm 1928-9 đã bị trừng phạt nặng nề. Những người này gồm thành viên người Ba Lan "Rylski", "Bailis" (người soạn thảo cuốn Kháng Chiến Vũ Trang), Volk, Vasiliev, Safarov và cả Piatnitsky (Orgwald). Những chuyên viên về vấn đề nông dân từng theo dõi công tác của Hồ Chí Minh trong giữa thập niên 1920 là Dombal và "Volin" cũng bị cuốn vào làn sóng thanh trừng.[123] Trong khi đó ba thành viên cộng sản Nga là Trotsky, Zionev và Bukharin, những người đã từng lãnh đạo QTCS cho đến năm 1929 đã bị đánh bật.

          Thật khó mà tưởng tượng được rằng một người cộng sản kỳ cựu như Hồ Chí Minh lại có thể tiếp tục hoạt động trong suốt thời kỳ đảo điên này. Nhưng đến tháng 1 1938 ông vẫn đang dịch những thư từ hiếm hoi từ Đông Dương gửi đến Moscow. Việc ông sống sót trong suốt những tháng năm tồi tệ nhất của phong trào thanh trừng được xem là dấu hiệu của việc Hồ được bảo vệ bởi một trong những lãnh đạo cao cấp còn sót lại đó là Manuilsky, hoặc ông là một người Stalinist thuần thành. Về giả thiết thứ hai, chúng ta biết rằng Stalin đã có rất nhiều thay đổi trong chính sách vì thế Hồ không thể nào đã không có mâu thuẫn với đường lối của Stalin trong vài giai đoạn nào đấy. Như Hồ đã cho thấy trong năm 1924, ông sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhóm nào đang nắm quyền lực tại QTCS nhằm xúc tiến cho nền độc lập của Việt Nam. Nhưng ngay cả việc im lặng phục tùng vẫn không đủ để cứu ông nếu ông là một người Ba Lan, Baltic, Đức hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Những người này đã bị Stalin tấn công với toàn bộ chủ tâm trả thù của mình trong những năm 1937-8. Đại diện QTCS từ những đảng hợp pháp như các ĐCS Pháp, Anh và Mỹ nhìn chung đã được dung thứ.[124] Trong trường hợp của Hồ Chí Minh, việc ông đến từ một đất nước xa xôi với một ưu tiên thấp trong chính sách ngoại giao của Liên Xô có thể là một phần nguyên nhân tại sao ông đã không bị bắt. Cùng lúc ấy, ông cũng đã thực hành việc mà ông đã làm từ lâu là giữ thấp danh phận của mình tại Moscow và không bao giờ nhận mình là một nhà lý luận như M.N.Roy đã làm. Trong bản thẩm tra lý lịch mà ông đã điền khi ghi danh vào Đại Học Lenin năm 1934, ông vẫn luôn giữ bí mật. Ông viết rằng ông không có người thân trưởng thành, không vợ, không chuyên môn, không nghề nghiệp và cũng không biết mình có thể làm được trong lĩnh vực gì. Vào cuối bài tiểu sử ngắn của mình, ông viết một cách châm biếm: "Tôi nghĩ rằng đấy là tất cả những gì về lý lịch của tôi hiện nay".[125]

          Về mối quan hệ giữa ông và Dmitry Manuilsky, ta biết qua một bức thư ông gửi đến Ban Bí Thư của Manuilsky vào ngày 6 tháng 6 1938 rằng hai người đã không gặp nhau trong một thời gian dài. Hồ viết: "Thưa Đồng Chí, tôi vô cùng biết ơn nếu đồng chí cho phép tôi được gặp. Lâu lắm rồi đồng chí đã không gặp tôi." Hồ chỉ ra rằng đã 7 năm rồi kể từ ngày ông bị bắt giữ tại Hồng Kông và cũng là bắt đầu năm thứ 8 của việc ông bị "bất động": "Gửi tôi đi một nơi nào đấy. Hoặc giữ tôi tại đây. Hãy sử dụng tôi trong việc gì mà đồng chí cho là có ích. Tôi chỉ yêu cầu đồng chí đừng để tôi sống tại đây quá lâu mà không làm gì bên ngoài đảng."[126] Hồ sơ của Học Viện Khoa Học về việc Nghiên Cứu các Vấn Đề Dân Tộc và Thuộc Địa cho thấy ước nguyện của ông đã được chấp thuận và vào ngày 29 tháng 9 1938 ông chính thức được giải toả.[127] Không bao lâu sau dường như ông đã khởi hành đi Trung Quốc. Một lần nữa, chúng ta hoàn toàn không biết nhiệm vụ của Hồ là gì khi ông rời Moscow đi Trung Quốc. Nhưng ta biết rằng ông quay lại với tư cách là một phái viên chính thức của QTCS đối với ĐCS Đông Dương. Vasilieva đã can thiệp với Dimitrov để họ chịu nghe Hồ phát biểu trước khi ông khởi hành. Bà giải thích trong một bức thư ngắn: "Điều quan trọng là ai đó trong thành phần lãnh đạo nên nói chuyện với Đồng Chí Lin trước khi ông ấy ra đi về những vấn đề liên quan đến những bất đồng bên trong thành phần lãnh đạo Đảng [CS Đông Dương] mà hiện nay vẫn còn tồn tại. Lin là một thành viên của Uỷ Ban Trung Ương, có nhiều quyền lực trong Đảng, và vì ông ấy từ Moscow về, họ sẽ chú ý lắng nghe những gì ông nói. Vì thế rất quan trọng là ông ấy cần nói đúng.[128] (Dường như vào thời điểm này ít nhất Hồ vẫn được xem là một uỷ viên dự khuyết của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương.)

          Trên thực tế niềm tin của Vasilieva đối với uy quyền từ Moscow dường như đã không đặt đúng chỗ. Chương kế tiếp tôi sẽ phân tích những bất đồng bên trong thành phần lãnh đạo ĐCS Đông Dương đã làm chia rẽ đảng này từ 1936 đến 1940. Mãi cho đến tháng 5 năm 1941, hai năm sau khi Hồ về lại Trung Quốc, ông mới chính thức chuyển giao thông điệp của mình đến Uỷ Ban Trung Ương Đảng.
          #35
            lyenson 15.05.2008 22:04:29 (permalink)
            CHƯƠNG 7: HỒ CHÍ MINH TRỞ VỀ VÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM (1937-41)

            Khi Hồ Chí Minh được phép quay về lại châu Á vào mùa thu 1938, Liên Bang Xô Viết và chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Quốc đã tái thiết lập một liên minh. Những đàm pháp kéo dài giữa Moscow và Nam Kinh đã dẫn đến việc ký kết hiệp ước không gây hấn vào tháng 8 1937. Cũng như trong những năm 1920, thành quả ngoại giao đã không được những người cộng sản Trung Quốc hoàn toàn thừa nhận. Nhưng nó
            đã đem lại một nguồn viện trợ quân sự mới nhằm giúp Quốc Dân Đảng ngăn chận bước tiến của quân Nhật từ những thành phố vùng duyên hải vào trung tâm Trung Quốc. Charles McLane (Giáo sư sử người Mỹ - ND) ước tính từ giữa năm 1937 đến tháng 11 1940, số tiền viện trợ của Nga cho Tưởng Giới Thạch lên đến khoảng từ 300 đến 450 triệu đô-la.[1] Thoả thuận giữa Nga và Quốc Dân Đảng cũng đã dẫn đến sự hồi sinh của mặt trận thống nhất giữa những người quốc gia và cộng sản Trung Quốc. Có nghĩa là ĐCS Trung Quốc lại có được sự hợp pháp trong vòng vài năm và cơ hội để thiết lập sự hiện diện của mình tại những căn cứ của Quốc Dân Đảng, trước hết là tại Nam Kinh, và kế đến là Vũ Hán trong một giai đoạn ngắn, rồi đến Trùng Khánh (Chong Qing - ND). Vào tháng 9 1937 Hồng Quân Trung Quốc được tái tổ chức dưới quyền chỉ huy của Hội Đồng Quân Sự của Quốc Dân Đảng, cùng với tập đoàn Bát Lộ Quân được thành lập để hoạt động tại khu vực tây bắc và tập đoàn Tân Tứ Quân để chiến đấu tại miền nam sông Dương Tử (Yang Tze - ND). ĐCS Trung Quốc được phép hợp tác với Quốc Dân Đảng để mở hai Khoá Đào Tạo Du Kích Chiến ở miền nam Trung Quốc. Từ tháng 6 1938 những người cộng sản Việt Nam hải ngoại đã gặp được Tướng Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying - ND) của ĐCS Trung Quốc đang đóng vai trò liên lạc giữa Bát Lộ Quân và Hội Đồng Quân Sự ở Vũ Hán.[2]

            Vì thế Hồ Chí Minh đã quay lại Trung Quốc trong thời điểm hưng thịnh của mối hợp tác Nga-Hoa. Nhiệm vụ của ông trong việc quay về Đông Nam Á là để biến ĐCS Đông Dương trở thành một "mặt trận dân chủ dân tộc rộng rãi", trong đó sẽ bao gồm những Pháp kiều cấp tiến tại Đông Dương cũng như tầng lớp tư sản dân tộc.[3] Chỉ thị 8 điểm của QTCS mà ông đã phải thuộc lòng, kêu gọi những người cộng sản Việt Nam phải đặt mục tiêu của mặt trận chống phát xít trước mục tiêu của cuộc cách mạng vô sản. Đây là bản chất của những mặt trận đã được thành lập tại Pháp trong năm 1936 và ở Trung Quốc năm 1937. ĐCS Đông Dương được yêu cầu không được đưa ra những yêu sách quá khích ví dụ như hoàn toàn độc lập hoặc thành lập quốc hội. "Vì thế sẽ rơi vào bẩy của phát xít Nhật," chỉ thị cảnh giác. Đảng nên tổ chức một mặt trận để đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do nhóm họp cũng như ân xá toàn bộ những tù nhân chính trị. Đối với thành phần tư sản dân tộc, đảng được khuyên là nên "mềm mỏng" để lôi kéo họ vào mặt trận và thúc đẩy họ hành động, hoặc nếu cần thiết, cô lập họ về mặt chính trị. Đảng không được đòi hỏi quyền chỉ đạo mặt trận dân chủ mà phải tự đạt lấy nó bằng cách chứng tỏ mình là một đảng "tích cực, chân thành và hết lòng nhất." Đối với thành phần Trotskyist, không được phép khoan nhượng hoặc thoả hiệp. Họ cần phải bị loại bỏ về mặt chính trị.

            Màn đầu chính trị cho việc quay lại của Hồ Chí Minh (1937-8)


            Đến năm 1938 tại Việt Nam một hình thể phức tạp của những lực lượng chính trị đã tiến hoá từ khuynh hướng Trotskyist đến những đảng cực hữu, làm cho công tác tổ chức của Hồ càng thêm khó khăn hơn so với thời kỳ 1924-7. ĐCS Đông Dương vừa mới tái tổ chức một tầng lớp lãnh đạo hợp nhất vào năm 1935. Giờ đây đảng được yêu cầu tham gia một chiến dịch chống phát xít toàn cầu trong đó đòi hỏi nó phải giới hạn việc phản kháng của mình đối với thực dân Pháp. Nhưng vì không có sự đoàn kết trước hiểm hoạ xâm lược của Nhật, những người cộng sản Việt Nam cảm thấy thật khó mà chấp nhận bản chất của mặt trận thống nhất mà họ phải tham gia. Mối đe dọa của Nhật thì cấp bách tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ hơn là tại Nam Kỳ. Một số người Việt xem Nhật là những người giải phóng triển vọng. Như ta đã thấy, khi Lê Hồng Phong từ Moscow quay về vào năm 1936, thông điệp của ông về mặt trận thống nhất đã gặp phải chống đối từ một hướng không được ngờ tới đó là Hà Huy Tập. Tập đã quay về lại châu Á khi phong trào Proletkult (từ ghép của proletarskaya kultura - văn hoá vô sản - ND) vẫn còn là một lực lượng mạnh mẽ; rõ ràng là ông đã ngạc nhiên khi thấy sự chuyển hướng của QTCS. Nhưng việc ĐCS Đông Dương chống lại mệnh lệnh của QTCS chỉ được Moscow biết đến mãi cho đến tháng 1 1938, khi họ nhận được một báo cáo đề ngày 10 tháng 9 1937 và được ký tên "F.L." Bản báo cáo này đã tóm lược một số tiến triển sau cuộc họp của Uỷ Ban Trung Ương được tổ chức vào tháng 7 1936 tại Thượng Hải. Theo tường thuật của tác giả về chuyến trở về châu Á qua ngỏ Paris, ta có thể chắc rằng người viết chính là Nguyễn Thị Minh Khai hoặc "Fan Lan".[4] Bức thư đã được viết sau Đại Hội Mở Rộng của ĐCS Đông Dương và Hội Nghị Ban Chấp Hành lần 2 được tổ chức tại Sài Gòn từ ngày 25 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 1937, khi Uỷ Ban Trung Ương đã đi theo đường lối của QTCS.[5]

            Minh Khai và Hoàng Văn Nọn đã quay về lại Hồng Kông qua ngỏ Pháp và Ý vào cuối mùa xuân 1937. Họ đã thuộc lòng danh sách 9 điểm của bản chỉ thị về đường lối mà họ sẽ chuyển giao cho Ban Chỉ Huy Hải Ngoại khi đến nơi. Tôi đã không tìm được bản sao của bản liệt kê này, nhưng chúng ta có thể giả định rằng nó cũng gần giống như chỉ thị 8 điểm mà Hồ Chí Minh được lệnh phải thực thi trong năm 1938. Hai người đồng hành đã gặp Lê Hồng Phong vào tháng 7 và chuyển giao những đề xuất của QTCS. Như bức thư của "F.L." đã đề cập, ông đã cho họ biết việc Uỷ Ban Trung Ương đã phê phán sự quan tâm mới của QTCS về những phương pháp tổ chức hợp pháp và bán hợp pháp và đã cho nó là "xét lại, cơ hội và hữu khuynh". Ban Chỉ Huy Hải Ngoại đã soạn thảo một văn bản giải thích chính sách mới nhưng đã bị Hà Huy Tập không cho phát hành. Theo lời Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đã viết thư cho ông, bảo rằng "những đồng chí hải ngoại đã quá xa rời thực tế trong nước, và Uỷ Ban Trung Ương phải có trách nhiệm đối với hoạt động quốc nội."

            Lê Hồng Phong đã gửi Minh Khai đến Sài Gòn vào tháng 8 1937 để đích thân chuyển giao những chỉ thị mới nhất của QTCS. (Hoàng Văn Nọn cũng được gửi đi Hà Nội để làm công việc tương tự.) Trả lời cho thông điệp của Minh Khai, Hà Huy Tập một lần nữa nhấn mạnh rằng những chiến lược do QTCS và Ban Chỉ Huy Hải Ngoại đề xướng là "phản động". (Theo lời "F.L.", bà đã khám phá ra rằng Uỷ Ban Trung Ương tại Sài Gòn đã gửi cho những chi bộ đảng một bức thư vào ngày 26 tháng 3 1937 để bãi bỏ những quyết định đưa ra từ hội nghị Thượng Hải năm 1936.[6]) "Tôi muốn viết thư giải thích tất cả cho những đồng chí hải ngoại," bà viết, "nhưng đồng chí Sinitchkin bảo tôi rằng nếu tôi làm thế, tôi sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng." Nhưng tại một cuộc họp tổ chức trước Hội Nghị Uỷ Ban Trung Ương, những đảng viên phía bắc là Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Văn Cừ đã ủng hộ những đề xướng của QTCS. Họ bảo rằng họ đã không nhận được bức thư gửi ngày 26 tháng 7 1936 về những phương pháp tổ chức mới và Hà Huy Tập đã giải thích sai lệch những chính sách của QTCS trước Hội Nghị Uỷ Ban Trung Ương tháng 3 1937. Phùng Chí Kiên đã đại diện cho Ban Chỉ Huy Hải Ngoại tại Hội Nghị tháng 8. Sự có mặt của thành viên cộng sản Pháp là Maurice Honel tại Sài Gòn vào lúc ấy dường như đã có vai trò quan trọng trong việc phủ quyết những chống đối của Hà Huy Tập đối với đường lối mới của QTCS. Bức thư của F.L. nói rằng Honel đã phê bình "chủ nghĩa bè phái" của Tập, và rằng ông đã khuyến khích bà viết thư cho QTCS để giải thích rõ ràng những gì đã xảy ra trong nội bộ ĐCS Đông Dương.

            Thật khó mà tìm hiểu được nguyên do của sự cãi vả bất đồng qua những ngôn ngữ chính trị được sử dụng bởi những học viên của QTCS - trên bề mặt thì có vẻ như không mấy trầm trọng. Tranh chấp cá nhân có thể là một phần nguyên nhân của sự căng thẳng này. (bức thư tháng 9 của F.L. không nhắc đến những bất đồng về chính sách đối với thành phần Trotskyist). QTCS và Ban Chỉ Huy Hải Ngoại đã khuyến khích việc nhấn mạnh hơn nữa công tác tổ chức hợp pháp và tham gia mặt trận của những đảng phái không vô sản. (Dường như họ đã không có vấn đề gì về sự cần thiết cho những người lãnh đạo đảng tiếp tục hoạt động bí mật.) Một vấn đề gây tranh chấp là tính chất của công tác tổ chức thanh niên. Hà Huy Tập muốn biến Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thành một Liên Đoàn Thanh Niên Phản Đế bất hợp pháp để đào tạo thành viên cho công tác thanh niên. Tám đảng viên trong tham gia Hội Nghị đã ủng hộ quan điểm này trong khi 5 người còn lại ủng hộ việc biến Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thành tổ chức quần chúng hợp pháp. Trong trường hợp thứ hai này, những thành viên ưu tú nhất sẽ được kết nạp vào đảng và cùng lúc ấy tạo thành lực lượng nòng cốt cho những tổ chức thanh niên. Sự bàn cãi về phương pháp tổ chức đã phản ánh mối căng thẳng đang tiếp tục hiện hữu bên trong phong trào cộng sản, đã từng xuất hiện vào thời kỳ 1928-9 khi phong trào sùng bái việc vô sản hoá bắt đầu.

            Quyết định cuối cùng trong công tác tổ chức thanh niên đã được dành cho QTCS giải quyết. Ngoài điều này ra, F.L. cho rằng hội nghị tháng 8-9 đã thành công trong việc hợp nhất đảng và đấu tranh chống lại "chủ nghĩa bè phái". Hà Huy Tập nhanh chóng phản ứng đối với những quyết định của Hội Nghị, ta có thể biết được qua một bức thư mà Sở Liêm Phóng đã theo dõi. Vào ngày 7 tháng 9 1937 Tập thông báo cho những cộng tác viên của tờ báo L'Avant-Garde (Tiền Phong - ND) rằng từ nay trở đi, mọi văn bản bằng tiếng Pháp và Quốc Ngữ phải qua sự kiểm duyệt của đảng. (tờ L'Avant-Garde do ĐCS Đông Dương thành lập sau khi tách ra khỏi nhóm La Lutte vào tháng 5 1937. Vào thời gian này nó đã được đổi thành một tên khác bao gồm hơn là Le Peuple. Vào tháng 3 sau, một học viên từ Đại Học Stalin là Trần Văn Kiệt, còn có tên là Remy, đã quay về từ Pháp nắm quyền lãnh đạo tờ báo và bắt đầu phiên bản tiếng Việt có tên là Dân Chúng.[7]) Tất cả các bài viết cho tờ Le Peuple phải được viết trước từ một đến hai ngày. Theo giải thích của Tập là tờ L'avant-Garde đã xuất bản một số bài viết mà "chủ trương cực tả đã là nguyên nhân của những đàn áp." Ông cảnh báo giới báo chí tại Bắc Kỳ cũng đã tường thuật sai lệch chính sách của đảng: "Những hành động này sẽ ngăn cản những hoạt động hợp pháp của chúng ta hoặc làm cho những tổ chức mà chúng ta có thể liên minh quay lại chống đối chúng ta."[8]

            Một bản tóm tắt bằng tiếng Pháp của những nghị quyết được thông qua bởi Hội Nghị Xứ Uỷ Nam Kỳ cho biết thêm vài thông tin về sự thay đổi chính sách đã được quyết định vào tháng 9 1937. Được tổ chức từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 1937, hội nghị này đã tuyên bố rằng những tuyên truyền viên của đảng đã chiếm quyền lãnh đạo quần chúng với "những nghị luận trí thức" của họ. "Những mục tiêu kích động" của họ hoặc là "hăm doạ "giới quần chúng lạc hậu" hoặc tạo ra sự đồng cảm trong những thành phần tôn giáo, hoặc thổi phồng tính tự mãn của tầng lớp phú nông". Nhưng đường lối của đảng là "dùng mọi biện pháp để kết nạp những thành phần này vào những tổ chức quần chúng (những hội bằng hữu, hội tương tế, vân vân.)"[9] Trong tương lai thành phần phú nông sẽ bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hoá. "Nhưng nếu những ai hy sinh quyền lợi của mình để xin được tham gia vào các tổ chức của chúng ta, chúng ta nên mở rộng cửa đón họ để họ không thất vọng, từ đó đẩy họ vào vòng tay của những kẻ cách tân, phản động và những kẻ Trotskyist."[10]

            Ngay sau hội nghị Uỷ Ban Trung Ương, Lê Hồng Phong vào Sài Gòn, một phần để thiết lập liên lạc với Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc qua ngỏ đảng uỷ Sài Gòn.[11] Vào hạ tuần tháng 3 1938, khi ĐCS Đông Dương tổ chức Hội Nghị Trung Ương lần thứ 3 tại Bà Điểm, Gia Định với bảy thành viên tham dự, Hà Huy Tập bị mất chức Tổng Bí Thư. (Ông bị bắt vào tháng 5 và bị trục xuất về Hà Tĩnh và bị quản thúc tại gia.) Nguyễn Văn Cừ, một môn đồ trẻ của Ngô Gia Tự, người tỉnh Bắc Ninh và là một tù chính trị được ân xá từ Côn Đảo, trở thành Tổng Bí Thư. Một Ban Bí Thư mới của Uỷ Ban Thường Vụ được thành lập bao gồm Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và, như trong ghi chú của Sở Liêm Phóng, "một người trở về từ Trung Quốc". Thành viên sau cùng này rất có thể là Lê Hồng Phong, vì Phùng Chí Kiên đã quay về lại Hồng Kông sau hội nghị tháng 9 1937. Uỷ Ban Thường Vụ bao gồm năm thành viên: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Gia hoặc Anh Bảy từ miền Nam (chính là Võ Văn Tần), Nguyễn Văn Trọng hoặc Nguyễn Chí Diểu, người vừa được phóng thích và đang xây dựng lại Xứ Uỷ Trung Kỳ, và lần nữa "người trở về từ Trung Quốc". Vào lúc này Nguyễn Thị Minh Khai được xác định là thành viên của Xứ Uỷ Nam Kỳ cũng như của Đảng Uỷ Sài Gòn. Bà cũng được giao nhiệm vụ đào tạo đảng viên.[12]

            Chúng ta có thể giả định rằng vào lúc cuộc họp này xảy ra, đường lối của QTCS và những người ủng hộ nó đang bắt đầu có ảnh hưởng mạnh hơn đối với những cơ cấu của đảng tại Nam Kỳ. Trên thực tế bản tường trình của Hội Nghị Uỷ Ban Trung Ương vào tháng 3 đã đề cập việc một số đảng viên ở phía nam đã bị khai trừ vì đã "không hoạt động" và một số khác đã tự ý rời bỏ hàng ngũ. Con số đảng viên tại Nam Kỳ vẫn giữ được ở mức 655 sau Hội Nghị lần 2.[13] Nhưng việc Nguyễn Văn Cừ được đề cử làm Tổng Bí Thư cho thấy những người cộng sản được đào tạo tại Moscow đã phải thoả hiệp với cơ cấu của ĐCS Đông Dương trong nước, như Trần Phú và Hà Huy Tập đã làm trước đây. Với việc những tù nhân chính trị được phóng thích đang được đưa lại vào đảng, những thành viên cũ của Tân Việt có vẻ đã bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo. Những chuẩn bị cho hội nghị ngày 1 tháng 5 tại Sài Gòn cũng cho thấy rằng mặc dù ĐCS Đông Dương hiện thời đang cố gắng trở thành một thành viên đáng tin cậy của những đảng phái tư sản, họ vẫn tán đồng một sự hợp tác nào đó với thành phần Troskyist. Uỷ ban tổ chức của hội nghị này bao gồm một người của đảng Xã Hội Pháp, một người Trotskyist, và hai người "Stalinist". Nhưng Hà Huy Tập nhấn mạnh rằng truyền đơn thông báo cho cuộc họp này chỉ liệt kê thành phần "công nhân" là người tổ chức. Theo Sở Liêm Phóng thì ông sợ rằng nếu Việt Nam Quốc Dân Đảng biết được những người Trotskyist cũng tham gia, họ sẽ cắt đứt quan hệ với ĐCS Đông Dương.[14]

            Từ những báo cáo của ĐCS Đông Dương được soạn thảo vào cuối năm 1937 đến đầu năm 1938 ta có thể thấy được rằng mối quan hệ với QTCS và ĐCS Pháp đã bị giảm thiểu từ những ngày đầu của Mặt Trận Bình Dân. Maurice Honel đã quay về Pháp vào năm 1937, hứa hẹn sẽ đưa vấn đề Đông Dương lên ĐCS Pháp. Nhưng đã không có tin tức gì của ông sau sáu tháng kể từ ngày ông trở về Pháp. Như trong bản tường trình của Uỷ Ban Trung Ương gửi đến Moscow vào tháng 4 1938 đã nói rõ, việc thiếu hậu thuẫn từ ĐCS Pháp đã làm phai nhạt ảnh hưởng của ĐCS Đông Dương tại Nam Kỳ. Theo sau việc thành lập chính phủ Leon Blum, bản tường trình cho biết, ĐCS Pháp đã ngừng quan tâm đến những vấn đề Đông Dương. Mặt khác, thành phần Trotskyist tại Pháp đã tấn công những chính sách thuộc địa của Mặt Trận Bình Dân, việc này đã giúp những người Trotskyist tại Sài Gòn tăng thêm ảnh hưởng đối với quần chúng, đặc biệt là trong giới trí thức.[15] Những người Trotskyist cũng đã công khai hoá vai trò của ĐCS Pháp trong việc khai tử mặt trận La Lutte vào tháng 5-6 1937 và đã phát hành những văn bản về những phiên toà độc diễn tại Moscow.[16] Dù thế Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương vẫn tiếp tục giữ nguyên cam kết của mình đối với quan điểm về một mặt trận chống phát xít và tiếp tục tìm cách giữ liên lạc thường xuyên với QTCS. (Dường như nó đã không hề hay biết gì về sự tàn phá mà quá trình thanh trừng tại Moscow đã gây nên trong Đệ Tam Quốc Tế , và có thể đã không hay biết việc những lãnh đạo của QTCS như Piatnitsky và Mif đã bị bắt giữ trong năm 1937). Trong bản báo cáo vào tháng 4 1938, những người cầm đầu ĐCS Đông Dương đã yêu cầu QTCS nên gửi những chỉ thị thường lệ về những vấn đề chính trị và tổ chức cũng như trợ giúp về tài chính. Ngoài việc xin gấp 5.000 đô-la cho việc ấn loát sách, họ còn yêu cầu gửi những cố vấn và ngân sách để mở một trung tâm đào tạo hợp pháp tại Trung Quốc, tương tự như những trung tâm đã có từ thời 1926-7.[17] Việc điều phối Hồ Chí Minh về lại châu Á vào mùa thu 1938 có thể là để đáp ứng yêu cầu trên.

            Cho đến lúc này liên lạc với QTCS qua ngã Trung Quốc đã trở nên vô cùng khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh Hoa - Nhật. Những chiếc tàu mà ĐCS Đông Dương có những thuỷ thủ làm công tác liên lạc đã không thể đến được Việt Nam vì sự phong toả của người Nhật.[18] Khi Phùng Chí Kiên viết thư cho QTCS vào tháng 11 1937, ông đã xin phép được chính thức liên lạc với Chi Uỷ Miền Nam của ĐCS Trung Quốc vì đảng này đã trở nên "ít nhiều hợp pháp". Ông giải thích rằng "Mặc dù trong hơn một năm qua chúng tôi đã có quan hệ với Chi Uỷ Miền Nam nhưng mối liên hệ này, cho dù rất chặt chẽ, vẫn không được chính thức vì không có sự chấp thuận của các đồng chí." Ông cũng yêu cầu chuyển giao trách nhiệm liên lạc với ĐCS Xiêm sang Chi Uỷ Miền Nam. [19] Trong lúc viết bức thư này, dường như Kiên vẫn đang ở tại Hồng Kông. Đến tháng 6 1938 ông đã ở Vũ Hán để hội ý với tướng Trung Quốc Diệp Kiếm Anh, theo hồi ký của Hoàng Văn Hoan. Có thể Kiên đã quen biết vị tướng này từ những ngày ông còn học tại Hoàng Phố, khi Diệp Kiếm Anh là chỉ huy của Trung Đoàn Đào Tạo. Sau tháng 10 1938, khi quân Nhật đang tiến vào Vũ Hán và sau khi nơi ở của ông tại Cửu Long bị cảnh sát khám xét, Phùng Chí Kiên được cho là đã chuyển về Sán Đầu để học về chiến tranh du kích.[20] Đối với những người cộng sản Việt Nam vào thời điểm này ở miền nam Trung Quốc, vai trò của QTCS trong những quyết định thường nhật của họ ngày càng trở nên ít giá trị. Nhưng như đã nói ở trên, ĐCS Đông Dương trong nước đang nôn nóng thiết lập lại liên hệ thường xuyên với Moscow, phần vì lý do tài chính, và vào tháng 3 1938 họ đã tìm cách quyên góp tiền bạc để gửi một đảng viên ra ngoài nước để tham vấn. Một tường trình của Sở Liêm Phóng nói rằng Phùng Chí Kiên đã tình nguyện nhận làm phái viên nhưng Uỷ Ban Trung Ương đã quyết định gửi một thành viên cộng sản hợp pháp.[21] Nhưng dường như đã không có ai thực hiện chuyến đi đến Pháp hoặc Nga.
            #36
              lyenson 15.05.2008 22:09:30 (permalink)
              Những đi lại của Hồ Chí Minh / bối cảnh chính trị năm 1939

              Hồ Chí Minh lên tàu đi Trung Quốc vào mùa thu năm 1938 và chắc hẳn đã đến Tây An (Xi'an - ND) vào tháng 11 hoặc tháng 12. Ông đã đi qua ngã Ô Lỗ Mộc Tề (Urumchi, thủ phủ của Tân Cương - ND) và Lan Châu (Lan Zhou - ND) và chắc hẳn là nằm trong chương trình lớn nhằm đưa cố vấn và vật liệu đến Trung Quốc để hậu thuẫn cuộc chiến tại đây. Dường như hầu hết chuyến đi ông đã di chuyển bằng tàu hoả và máy bay, vì ông đã có thời gian để ở lại Diên An (Yan'an - ND) suốt một tháng mà vẫn kịp đến Quế Lâm (Gui Lin - ND) vào tháng 2 1939. Sau này ông đã viết rằng, chiến tranh bùng nổ ở Trung Quốc đã làm ông "bị cuốn vào vòng xoáy vĩ đại đang thay đổi số phận của hàng trăm triệu người."[22] Trong cùng bức thư ông đã viết rằng ông đã bị mất hành lý tại Diên An, trong đó có cả những ghi chú của ông về những chỉ thị của QTCS. Tài liệu của Trung Quốc nói rằng Hồ Chí Minh, giờ mang tên là Hồ Quang, đã ở tại nhà khách của ĐCS Trung Quốc giành cho người nước ngoài tại vùng tây bắc Diên An và Khang Sinh là người tiếp đón ông.[23] Hồ đã đến ngay sau Hội Nghị Lần 6 ĐCS Trung Quốc xảy ra vào tháng 10, được cho rằng đã chấm dứt với một thế quân bình gay gắt trong hàng ngũ lãnh đạo giữa Mao và những người cầm đầu như Vương Minh và Chu Ân Lai, những người nhiệt tình ủng hộ mặt trận thống nhất.[24] Mặt trận Vũ Hán cuối cùng đã kết thúc với việc quân Quốc Dân Đảng rút lui vào cuối tháng 10, một sự kiện dường như đã làm tăng ảnh hưởng của Mao. Chúng ta có thể giả định từ một báo cáo dài với yêu cầu trợ giúp mà Hồ đã gửi cho ĐCS Trung Quốc vào giữa năm 1940 rằng ông vẫn tiếp tục thái độ giữ kín danh phận của mình tại vùng hậu cứ của Mao - trong báo cáo ấy ông đã không bộc lộ sự mật thiết với giới lãnh đạo Trung Quốc hoặc cho rằng họ đã biết được vai trò của ông trong ĐCS Đông Dương.[25]

              Những quân đoàn cũng như dân tị nạn đang di chuyển trên toàn cõi Trung Quốc. Quân đội Quốc Dân Đảng đang rút về phía nam và phía tây vào cuối năm 1938. Hồi ký của Hoàng Văn Hoan tường thuật việc ông di chuyển với bộ máy hành chánh Quốc Dân Đảng bắt đầu bằng việc di tản từ Nam Kinh đến Vũ Hán trong năm 1937 rồi đến Trường Sa và Quí Dương (Gui Yang - ND), nơi đại lộ nam-bắc đến Tây An cắt ngang trục đường đông-tây; và cuối cùng đi về hướng tây đến Côn Minh vào đầu năm 1939. Hầu như trong cùng thời gian ấy, Hồ Chí Minh đi xuyên Trung Quốc về hướng đông-nam, Từ Diên An đến Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, hiện giờ là một thành phố tiền phương, thường bị quân Nhật dội bom. Hồ được phong chức thiếu tá trong quân đoàn Bát Lộ Quân, dường như việc này đã giúp ông di chuyển dễ dàng hơn trong cơn hỗn loạn. Sau khi ở lại Diên An, ông tìm đường đi xuống phía nam để đến Trùng Khánh, nơi ấy ông tham gia vào đại đội của Chu Ân Lai vào đầu năm 1939.[26] King Chen nhớ lại rằng ông đã tham gia vào đoàn tuỳ tùng của tướng Diệp Kiếm Anh, vị tướng này sau khi rút lui khỏi Vũ Hán đã được bổ nhiệm trông coi Khoá Đào Tạo Chiến Tranh Du Kích Tây Nam tại Hành Dương (Heng Yang - ND) thuộc tỉnh Hồ Nam.[27] Một tài liệu của Trung Quốc về hoạt động của Hồ trong tập đoàn Bát Lộ Quân nhấn mạnh rằng ông đã di chuyển dưới sự bảo trợ của ĐCS Trung Quốc, và đã nói rằng ông cũng hoàn tất mọi nhiệm vụ thường nhật trong một văn phòng liên lạc, ở tại Quế Lâm cũng như Hành Dương, khoảng 350 dặm về phía bắc. Văn phòng liên lạc Quế Lâm có lẽ đã được dùng làm nơi thu thập tin tức tình báo cho ĐCS Trung Quốc vì nó nằm ngoài khu vực hoạt động của Bát Lộ Quân. Hồ được cho là đã giữ nhiệm vụ "vệ sinh", có thể là ông đã mang chức vụ của một sĩ quan y tế công cộng; ông trông nom phòng bảo tàng của cơ quan, xuất bản một tờ báo nhỏ cho đơn vị, nghe ngóng tin tức từ đài ngoại quốc, trong suốt thời gian ấy ông vẫn giấu mình như một sĩ quan Trung Quốc với âm giọng Quảng Đông. Tài liệu này nói rằng Hồ đã ở Hành Dương từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 20 tháng 9 năm 1939 để làm giảng viên cho khoá đào tạo thứ hai của Trung Tâm Du Kích.[28]

              Sự miêu tả ở trên về những hoạt động của Hồ tại Trung Quốc đã không đồng điệu với bức tranh tô vẽ về nhà lãnh đạo cộng sản nổi tiếng đang hồi hương để nắm lấy quyền lực trong đảng mình. Sự hỗn loạn do chiến tranh tại Trung Quốc chắc chắn đã làm cho công tác của ông càng thêm phức tạp. Nhưng có lẽ những tranh chấp và mâu thuẫn về chính kiến bên trong đảng cũng đã góp phần khó khăn trong việc ông thiết lập liên lạc với ĐCS Đông Dương. Theo lời của chính ông, Hồ đã đến Quế Lâm vào khoảng tháng 2 1939. Rõ ràng là ông đã nản lòng khi ông viết một bản tường trình dài cho Moscow vào tháng 7 năm ấy. Bảy tháng sau khi ông về đến Trung Quốc, ông viết, nhưng ông vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình (bức thư này không nhắc đến nhiệm vụ của ông tại Hành Dương).

              "Tôi đã làm gì trong suốt 7 tháng qua?" ông viết. "Nhờ bạn bè giúp đỡ tôi đã bắt đầu tìm kiếm nhưng đã không đạt được kết quả gì. Rồi tôi lại tìm cách thiết lập vài mối liên lạc và việc này đã có chút kết quả... Trong khi chờ đợi và để không bỏ phí thời gian, tôi đang làm công tác phiên dịch cho Bát Lộ Quân (nghe ngóng tin tức từ đài phát thanh), làm thư ký cho đơn vị, làm chủ tịch của một câu lạc bộ và hiện nay là thành viên của hội đồng câu lạc bộ. Trong cùng lúc ấy... Tôi đã thảo ra một văn bản về Đặc Khu và viết những bài báo về những sự kiện chính trị và quân sự, về sự tàn bạo của quân Nhật, về sự anh dũng của những chiến sĩ Trung Quốc, về cuộc đấu tranh chống lại khuynh hướng Trotskyist, vân vân..." Ông giải thích rằng từ ngày 12 tháng 2 một số bài viết của ông đã được xuất bản trong một tuần báo tại Hà Nội của "ĐCS Đông Dương hợp pháp", tờ Notre Voix.(Tiếng Nói của Chúng Ta - ND) "Những bài viết này mang bút hiệu "Kwilin" và ký tên là "Đường Lối", với hy vọng rằng các đồng chí lãnh đạo trong đảng sẽ đoán được tác giả là ai và đang ở đâu. Nhưng hy vọng này vẫn chưa thành sự thật," ông viết. Ông đã thiết lập được những mối liên hệ tốt đẹp với vị chủ bút, người này vẫn cho rằng ông là một nhà báo người Trung Quốc. Mãi cho đến cuối tháng 7, ông nói, ông mới có thể gửi địa chỉ của mình cũng như những chỉ thị của QTCS đến Uỷ Ban Trung Ương qua một người bạn và vị chủ bút của tờ Notre Voix.[29] Bản tường trình gửi theo sau bức thư này đã viết về hiện trạng chính trị tại Việt Nam từ năm 1936 là một tài liệu dài 8 trang đánh máy với đầy đủ những thông tin về báo chí, bầu cử, đình công và những phong trào chính trị khác. Ông nói rằng ông đã chọn lọc dữ kiện và thông tin từ việc đọc những tờ báo như Notre Voix và Đời Nay, một tờ báo hợp pháp khác của đảng tại Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên. Nhưng ta tự hỏi rằng không biết ông đã có những nguồn thông tin trực tiếp nào khác.

              Giải thích của Hồ về những tiếp xúc của ông với Việt Nam đã tạo ra vài nghi vấn. Có thể thật sự rằng từ tháng 2 đến tháng 7 những "đồng chí lãnh đạo" của ĐCS Đông Dương vẫn chưa đoán được ai là "Đường Lối Đảng"? Vì trong lúc ấy, chủ biên của tờ Notre Voix là Võ Nguyên Giáp, người đã lấy em gái của Nguyễn Thị Minh Khai vào năm 1939.[30] Vào năm 1937 báo cáo của Sở Liêm Phóng cho thấy Giáp đã kiên quyết giữ vững lập trường về sự cần thiết phải thành lập một mặt trận dân chủ thống nhất và ngay cả có lúc đã cổ vũ việc thành lập một bộ phận hỗn hợp của ĐCS Pháp tại Việt Nam để đảm nhiệm những hoạt động tổ chức hợp pháp.[31] Tôi nghĩ rằng có lý do để tin rằng trong suốt năm 1939 Hồ đã liên lạc riêng rẽ với Nguyễn Thị Minh Khai hoặc một số nhà hoạt động hợp pháp có chung quan điểm với bà. Như chúng ta sẽ thấy, đến cuối năm 1939 bà đã lên đường sang Trung Quốc để gặp Hồ. Một nguồn thông tin của Hồ vào thời gian này có thể là từ những mối liên lạc giữa ĐCS Trung Quốc và Lê Hồng Phong tại Sài Gòn. Nhưng Phong đã bị bắt vào ngày 22 tháng 6 1939 và bị tuyên án 6 năm tù và 3 năm quản thúc tại gia vì tội xử dụng căn cước giả.[31] Cuốn sách của Hoàng Tranh về thời gian của Hồ tại Trung Quốc, được trích dẫn ở trên, nói rằng ông đã tiếp xúc với một trung gian người Trung Quốc thường đi lại giữa Quế Lâm, Hải Phòng và Hồng Kông. Phái viên này tên là Lý Bội Quân, có nhiệm vụ đem cho Hồ một máy đánh chữ hiệu Baby Hermes với bàn phím tiếng Pháp trong một chuyến đi của ông đến Hải Phòng. Nhưng ông đã không nhận là đã đại diện cho Hồ để liên lạc với ĐCS Đông Dương mãi cho đến mùa thu 1939.[33]

              Mâu thuẫn nội bộ trong ĐCS Đông Dương về chiến lược lại nổi lên vào mùa hè 1939. Một cuộc bút chiến trong giới báo chí cộng sản đã bắt đầu sau khi những ứng cử viên của Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất là Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo và Vũ Công Tôn bị phe Trotskyist đánh bại trong cuộc bầu cử vào Hội Đồng Thuộc Địa Sài Gòn tháng 4 1939. Cuộc tranh luận đã làm cho ba người trong nhóm được gọi là cộng sản Stalinist: Nguyễn Văn Tạo, Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Cừ xoay sang chống lại nhau. Một lần nữa vấn đề chủ chốt được đưa ra về việc ĐCS Đông Dương nên liên hệ ra sao với những đảng phái tư sản cách tân. Nguyễn Văn Tạo, một người cộng sản hợp pháp từng đại diện cho Việt Nam tại Đại Hội QTCS Lần thứ 6 vào năm 1928, đã viết trên tờ Đông Phương Tạp Chí rằng những người cộng sản nên dùng đường lối cứng rắn hơn để chống lại đảng Lập Hiến vừa thắng được 3 ghế hội đồng. Một cây viết được nhận dạng là Lê Hồng Phong, với bút danh là "T.B." hoặc "Tri Binh" đã viết trong một vài số của tờ Dân Chúng để bảo vệ đường lối của ĐCS Đông Dương.[34] Tác giả đã lập luận rằng không cần phải tấn công những đảng phái và giai cấp bản xứ miễn là chúng không phải là phản động. Ông đổ lỗi về những thất bại của ĐCS Đông Dương trong cuộc bầu cử là do sự phá hoại của chính quyền thuộc địa (trên thực tế những nhân viên chủ chốt của tờ Dân Chúng đã bị bắt giữ trong thời gian bầu cử).[35]

              Nhưng Tổng Bí Thư ĐCS Đông Dương Nguyễn Văn Cừ đã viết một tập tài liệu nhan đề Tự Chỉ Trích trong đó ông phân tích cả hai quan điểm. Trong một lần giới thiệu về tập tài liệu này, ông có nhắc đến rằng nguyên thuỷ ông đã từng gửi tài liệu này để đăng tải trên tờ Dân Chúng tại Sài Gòn, nhưng vì lý do nào đấy bài báo đã không được in. Ông bèn cho in dưới dạng tập tài liệu tại nhà xuất bản của tờ Dân Chúng ở Hà Nội vì họ dễ dãi hơn.[36] Ông đã chỉ trích "T.B." là đã đưa ra "nhận định cá nhân" chứ không phải là "ý kiến chung của toàn Đảng".[37] Ông nói một phần trách nhiệm về việc thất bại trong cuộc bầu cử nằm trong việc ĐCS Đông Dương đã quá chú trọng đến hiểm hoạ của phát xít Nhật và đã không đề cập đầy đủ đến sự đàn áp của "những lực lượng thực dân phản động" đối với quần chúng.[38] Ông viết rằng sai lầm của T.B. là người này đã không phân biệt sự khác nhau giữa một đảng cách tân và một đảng phản động[39] (tác giả đã không nhắc đến rằng tại cuộc bầu cử hội đồng thành phố Hà Nội vào tháng 4, một danh sách ứng cử viên do lực lượng cánh tả dưới sự chở che của SFIO (Đảng Xã Hội Pháp - ND) đưa ra và đã không có phe đối lập tranh cử). Trong khoảng thời gian của tháng 6 1939, Sở Liêm Phóng được tin tập tài liệu dài 10 chương tên Dự Thảo Tranh Luận đang được Xứ Uỷ Trung Kỳ phát tán bởi đến các tỉnh uỷ của mình. Theo tài liệu này thì đường lối của đảng là ủng hộ việc thành lập một mặt trận dân chủ - nhưng mặt trận này sẽ phải được hình thành trong "những phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng". Mặt Trận Dân Chủ sẽ là một hình thái đấu tranh giai cấp và cũng là một phong trào phản đế.[40] Khái niệm này dường như là do Nguyễn Văn Cừ đề xướng.

              Khi đọc những bài viết do Hồ Chí Minh gửi cho tờ Notre Voix, ta có thể thấy rằng tình trạng mà ông đang nằm giữa cuôc chiến tranh Hoa - Nhật đã khác xa rất nhiều hiện tình tại Sài Gòn với những cuộc bầu cử. Ông đang lao vào soạn thảo những tài liệu tuyên truyền thời chiến để kêu gọi xây dựng hậu thuẩn cho Trung Quốc cũng như niềm tin vào khả năng chống lại người Nhật của họ. Vào cuối tháng 2 ông đã viết về phiên họp thứ ba của Hội Đồng Chính Trị Quốc Gia Trung Quốc. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ sau việc đào thoát của cựu chủ tịch Uông Tinh Vệ, một cựu lãnh đạo của Quốc Dân Đảng thiên tả. Hồ đã trích dẫn những tuyên bố của Mao và Tưởng Giới Thạch để cho thấy việc hợp tác chặt chẽ giữa hai đảng chính trong mặt trận quốc gia chống Nhật. Ông giải thích rằng hội đồng đã họp "vào thời điểm khi mà những khuynh hướng cầu bại mà đại diện là Uông Tinh Vệ, đã ngóc đầu lên sau thất bại tại Quảng Châu và Hán Khẩu - đã bị đập tan hoàn toàn bởi sự đoàn kết và quyết tâm của nhân dân ta".[41] Vào thời điểm này đa số những người cộng sản tin rằng ý chí kháng Nhật của Quốc Dân Đảng là rất bấp bênh. Những đảng viên ĐCS Đông Dương gắn bó gần gũi với cuộc đấu tranh của Trung Quốc (Lê Hồng Phong, nguyên thuỷ là một đảng viên ĐCS Trung Quốc, chắc hẳn là người trong số đó) chắc có thể đã không tin tưởng hơn so với thời kỳ trước chiến tranh để lo nghĩ đến mức độ phức tạp về chính trị của những đảng phái Việt Nam mà giờ đây đang sẵn sàng tham gia vào một mặt trận chống phát xít. Nhưng bên trong Việt Nam, đặc biệt là ở miền nam, những vấn đề như sự tăng cường mộ lính người Việt sang châu Âu cũng như những sưu thuế của chính phủ thuộc địa đã trở nên quan trọng hơn là việc Nhật đang xâm lược Trung Quốc.

              Rõ ràng là Hồ đã rất nhạy bén khi biểu lộ lòng trung thành của mình đối với Stalin và tách mình ra khỏi giới lãnh đạo thiên tả của Quốc Dân Đảng, những người đã chạy trốn sang Hà Nội vào cuối năm 1938. Những bức thư của ông gửi cho tờ Notre Voix bao gồm những trích dẫn tuyên truyền tương đối tàn độc đả phá phái Trotskyist từ những phiên toà độc diễn ở Moscow. Ông cũng đã nhắc đến những phiên toà cáo buộc giới Trotskyist tại Đặc Khu Diên An vào năm 1937. Suy nghĩ thật sự của ông đối với những phiên toà này vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng ông đã dẫn ra sự kiện năm 1937 khi những người Trung Quốc Trotskyist đã lên án việc cộng sản kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất với Quốc Dân Đảng là một sự phản bội.[42] Tổng cộng ông đã viết 4 bài báo ở Quế Lâm đả phá phái Trotskyist. Trong tập tài liệu viết năm 1939 Nguyễn Văn Cừ cũng đã nhấn mạnh mối đe doạ từ phái Trotskyist cần phải được nhìn nhận thấu đáng. Ta nên nhớ rằng tại Việt Nam, cuộc đấu tranh chống phái Trotskyist vẫn là một tranh chấp chính trị nhằm tranh giành ảnh hưởng mà trong đó cả hai bên đều có những vũ khí như nhau đó là diễn thuyết và báo chí.
              #37
                lyenson 23.05.2008 13:37:33 (permalink)
                Tình hình quốc tế thay đổi

                Đến tháng 8 và tháng 9 1939 tình hình chính trị thế giới đã góp phần mạnh mẽ hơn bao giờ trong những tranh luận nội bộ của ĐCS Đông Dương. Ngày 23 tháng 8 Hiệp Ước Molotov - Ribbentrop được ký kết, ngay lập tức đã tạo điều kiện cho những người cộng sản thân Moscow liên minh với nước Đức Quốc Xã. Chiến tranh nổ ra ở châu Âu khi Đức tấn công Ba Lan vào ngày 1 tháng 9. Ngày 28 tháng 9 Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương đã đặt ĐCS Đông Dương và những tờ báo của nó ngoài vòng pháp luật. Trong những tuần lễ kế tiếp người Pháp bắt đầu ruồng bố những thành viên cộng sản, cả Trotskyist lẫn Stalinist, việc bắt giữ này đã tiếp tục trong suốt mùa thu và đến năm 1940. Nhưng trong khi mối quan hệ hữu nghị giữa Liên Xô và Đức thường được xem gần như là một thảm hoạ cho ĐCS Đông Dương,[43] đã có bằng chứng rằng nhiều thành viên ĐCS Đông Dương đã phải lẩn trốn vào cuối tháng 10 và đã tìm cách lợi dụng hoàn cảnh chính trị mới. Hiệp ước Quốc Xã - Liên Xô đã tạo điều kiện cho những người cộng sản một lần nữa đứng lên kiên quyến chống lại đế quốc Pháp. Trong thời kỳ Mặt Trận Dân Chủ, họ đã bị ép buộc phải ủng hộ những cương lĩnh bảo vệ nước Pháp cũng như những nỗ lực chiêu mộ lính tại Đông Dương. Giờ đây một lần nữa họ đã có thể hoạt động để khuấy động tinh thần phản chiến trong hàng ngũ binh lính người Việt trong quân đội Pháp, vào thời điểm mà việc tuyển mộ lính ngày càng ít được ủng hộ.[44]

                Vấn đề lãnh đạo đảng ngày càng trở nên phức tạp trong giai đoạn này vì nhiều người cầm đầu trong nước bị bắt giữ và việc liên lạc giữa miền nam và miền bắc đã trở nên khó khăn hơn. Tại Trung Quốc, vào tháng 11, quân Nhật đã tiến về phía tây đến Nam Ninh và Long Châu, hầu như gần sát biên giới Việt Nam. Nguồn tài liệu của cộng sản Trung Quốc nói rằng Hồ Chí Minh đã tìm cách bắt liên lạc với đại diện của ĐCS Đông Dương ở Long Châu trong khoảng mùa thu 1939, nhưng phái viên ấy đã phải quay về Việt Nam sớm vì đã bị cướp hết sạch tiền.[45] Sau khi đợi hết 3 ngày, Hồ quay về lại Quế Lâm. Câu chuyện này có thể là chính xác nhưng đã không cho ta biết được toàn cảnh bức tranh về nỗ lực của Hồ trong việc bắt liên lạc với Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương. Vào tháng 4 1940 Sở Liêm Phóng đã tìm thấy một bức thư bí ẩn mà họ tin rằng là mang chữ viết của Nguyễn Thị Minh Khai khi họ khám xét ngôi nhà của một đảng viên tại Gia Định. Giọng văn mạnh mẽ và mang tính phê phán đối với Uỷ Ban Trung Ương thật đáng ngạc nhiên. Nó được viết cho những đại biểu của một cuộc họp mà bà có quyền tham dự nhưng lại không có quyền biểu quyết. Bà nói rằng trong hai năm qua bà đang làm việc với những "bộ phận lãnh đạo", vì thế ta có thể đoán được rằng bức thư đã được viết trong khoảng thời gian của Hội Nghị Lần 6 ĐCS Đông Dương được tổ chức tại Hóc Môn vào tháng 11 1939. Bức thư viết:

                Các Đồng Chí!

                Chúng ta cần phải phân công gấp một người để đưa L. về! Tại sao lại có những bất cập như thế này? Các đồng chí vẫn chưa quyết định được điểm hẹn. Có nghĩa là L. đã phải chờ đợi một thời gian dài mà không có ai đón ông cả. Tôi đang mong chờ việc đem ông ấy về nhưng tôi vẫn không biết nơi gặp gỡ ở đâu và hơn nữa tôi vẫn chưa nhận được bất cứ chỉ thị nào về việc này.[...]

                Tại Trung Quốc đang xảy ra những sự kiện trọng đại có thể ảnh hưởng đến Uỷ Ban Trung Ương của chúng ta. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này và vấn đề tài chính cũng rất quan trọng. Chúng ta đang có khoảng vài trăm đồng bạc (đồng Piaster - ND) và vẫn đang đợi quyết định từ Uỷ Ban Trung Ương hoặc Kỳ Uỷ. Các đồng chí phải gửi một người đáng tin cậy đến để lấy tiền. Uỷ Ban Trung Ương sẽ được yêu cầu bố trí công tác một cách cụ thể hơn. Vì cứ như thế này thì đôi lúc chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả lại không được bao nhiêu vì sự phân chia không đồng đều trong công việc.

                Tôi biết đây chỉ là ý kiến của một nữ lưu, dù người ấy có lý và phẩm chất chính trị vẫn không tạo được đủ tin tưởng. Nhưng tôi nghĩ rằng vì trước đây tôi đã làm việc với các đồng chí ở đây, tôi đã chưa có những đề xuất hoặc làm những việc gì đi ngược lại với tiêu chí hoặc chủ trương của Đảng.[46]


                Giọng văn đầy quyền lực của bức thư làm ta đoán được rằng Minh Khai đã tự nhận bà là đại diện của QTCS hoặc của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại của ĐCS Đông Dương. Với việc Lê Hồng Phong đang bị bắt giữ, trách nhiệm này hiển nhiên đã được đặt trên vai bà. Nhưng như bức thư của bà đã nói rõ, những thành viên trong đảng đã không thích nhận chỉ thị từ một phụ nữ; có thể họ nghĩ rằng bà đã bất tuân thượng lệnh và đã liên lạc với "L." hoặc những đồng minh của mình tại Bắc Kỳ như Giáp, em rể của bà. Khi bức thư này được viết, Sở Liêm Phóng đã cho bà là "vợ bé của Lê Hồng Phong". Hai người đã ở chung một nhà tại Chợ Lớn và có thể ít nhất là đã đóng vai vợ chồng. Dù sao trong năm 1937 người Pháp đã cho rằng bà đã có gia đình nhưng không sống chung với chồng.[47] Từ việc Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc liên lạc với Uỷ Ban Trung Ương, khả năng rất lớn là người mang tên "L." trong bức thư của bà thật sự là "Lin". Bức thư có thể đã được viết khi việc kết nối liên lạc tại Long Châu bị thất bại, trước khi người Nhật chiếm giữ thị trấn này vào cuối tháng 11 1939.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2008 13:41:25 bởi lyenson >
                #38
                  lyenson 17.06.2008 16:43:11 (permalink)
                  Hội Nghị Lần 6 và cuộc khởi nghĩa năm 1940

                  Nguyễn Văn Cừ từ Hà Nội đến Sài Gòn vào mùa thu 1939 để tham gia Hội Nghị Lần 6 của ĐCS Đông Dương (ông đã bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ vào mùa hè 1938, không bao lâu sau khi ông đảm nhiệm chức vụ mới[48]). Đây là cuộc họp cuối cùng của Uỷ Ban Trung Ương trước khi cuộc khởi nghĩa 1940 từ đó tạo nên sự thay đổi lớn trong hệ thống lãnh đạo đảng. Bản thân Nguyễn Văn Cừ bị bắt vào tháng 1 1940 cùng với Lê Duẩn, một cựu tù Côn Đảo hoạt động tại Sài Gòn trong năm 1939.[49] Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn và Võ Văn Tần là ba thành viên thường được nhắc đến là đã tham gia trong cuộc họp được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng 11 tại Hóc Môn. Hoàng Quốc Việt dường như đã không tham gia vì ông đang lẩn trốn ở phía bắc Hà Nội; đại diện của Uỷ Ban Trung Ương Trung Kỳ là Nguyễn Chí Diểu trong lúc ấy đang nằm liệt vì bệnh lao. Một thành viên khác đã tham gia là Tạ Uyên, người gốc Ninh Bình, đang hoạt động tại miền nam sau khi ông vượt ngục Côn Đảo vào năm 1935. Là thành viên của thành phần nguyên thuỷ của ĐCS Đông Dương từ năm 1929, lý lịch của ông cho biết là ông đang là bí thư Xứ Uỷ Nam Kỳ vào thời gian ông bị bắt vào tháng 10 1940.[50] Minh Khai dường như không phải là thành viên Uỷ Ban Trung Ương trong giai đoạn này mặc dù trong năm 1940 người Pháp đã xác nhận bà là bí thư Uỷ Ban Trung Ương.

                  Hội Nghị lần 6 đã có phản ứng đối với những thay đổi của tình hình thế giới vào cuối năm 1939 bằng cách kêu gọi việc thành lập một Mặt Trận Thống Nhất Phản Đế. Giải phóng đất nước giờ đây trở thành mục tiêu trọng yếu của ĐCS Đông Dương. Trong một văn bản phát hành vào tháng 12, những người cộng sản đã kêu gọi "những lực lượng đấu tranh của giai cấp vô sản, nhân dân lao động của những quốc gia nhỏ bé" đứng lên chiến đấu, "dập tắt ngọn lửa chiến tranh bằng cách tiêu diệt nguồn gốc của nó là hệ thống tư bản đế quốc".[51] Bản tuyên ngôn kêu gọi chấm dứt việc gửi lính Việt sang Pháp và những nước khác; nó cũng kêu gọi thành phần cộng sản ủng hộ Liên Xô cũng như những cuộc cách mạng tại Pháp, Trung Quốc và trên thế giới.[52] Theo phiên bản được công bố vào năm 1983 về Nghị Quyết Hội Nghị lần 6, cuộc họp này đã khôi phục chính sách ôn hoà trong thời kỳ 1930 của Hồ Chí Minh về vấn đề tịch thu ruộng đất.[53] Nhưng tương phản với những tuyên bố từ Hội Nghị lần 8 vào năm 1941, những tài liệu của năm 1939 vẫn chủ yếu nhắm vào tầng lớp công nông và dân chúng. Một mặt ĐCS Đông Dương đang quay lại những lĩnh vực quen thuộc mà những nhà hoạt động như Hồ Chí Minh có thể nhớ lại phong trào phản chiến trong thời kỳ Chiến Tranh Thế Giới thứ Nhất. Trong thời gian ấy tầng lớp xã hội thiên tả và Bolshevik đã không thừa nhận những mục tiêu chiến tranh của tầng lớp thống trị. Trong khi đó, đảng hiện đang đứng trên lập trường mà nhờ đó có thể gần gũi hơn với thành phần cánh tả của mình trong khi đang chuẩn bị vị thế để quay lại những cuộc đấu tranh bạo lực hơn nhằm lật đổ quyền lực của Pháp.

                  Sau việc Nguyễn Văn Cừ bị bắt vào tháng 1 1940 không rõ là chiếc ghế lãnh đạo đang trống đã được thay thế ra sao. Việc Cừ biến khỏi sân khấu chính trị dường như đã tạo ra cơn khủng hoảng trong ĐCS Đông Dương vốn vẫn chưa giải quyết xong cho đến Hội Nghị lần 8 vào năm 1941. Có thể là vào năm 1940 hai xu thế khác nhau bên trong đảng lại nổi lên, tương tự như việc chia rẽ của Thanh Niên Hội thời gian 1928-9. Trong khoảng tháng 3 hoặc tháng 4, Võ Văn Tần bị bắt, làm mất đi một lãnh đạo chủ chốt.[54] Đến năm 1940, hai nhà hoạt động hợp pháp tại Bắc Kỳ là Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng bắt đầu đảm nhận vai trò liên lạc giữa Uỷ Ban Trung Ương và những người cộng sản ở miền nam Trung Quốc. Trong lúc ấy tại Nam Kỳ phong trào chống Pháp được hồi sinh và đã xem việc kết nạp thành viên trong hàng ngũ quân đội là một trong những nhiệm vụ chính của mình. Khó có thể nói được những gì đang xảy ra tại Vân Nam và Quảng Tây đã được điều phối chặt chẻ ra sao với những hoạt động tại Nam Kỳ cũng như những vùng khác tại Việt Nam. Những thành viên cộng sản cố gắng tìm cách đến Côn Minh để gặp Hồ Chí Minh và Ban Chỉ Huy Hải Ngoại trong năm 1940 là những người có quan hệ mật thiết nhất với những chính sách của Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ. Ngoài Giáp và Đồng, những người này bao gồm cựu đảng viên Tân Việt là Phan Đăng Lưu. Một phụ nữ có tên là Lý Thị Lan được thấy đã có gặp Hồ Chí Minh tại Vân Nam vào tháng 5 và tháng 6 1940. Điều đáng lưu ý là một báo cáo của người Pháp vào tháng 6 có nhắc đến việc ĐCS Đông Dương đã "có ý định sử dụng thành viên nữ nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền và liên lạc".[55]

                  Vào tháng 6 1940 những chi bộ của ĐCS Đông Dương trong và ngoài nước cuối cùng đã tập hợp lại với nhau. Hồ Chí Minh đã đến Vân Nam, thủ phủ của Côn Minh vào đầu năm. Sau khi thất bại trong việc bắt liên lạc với ĐCS Đông Dương vào mùa thu 1939, ông được cho là đã quay lại Quế Lâm và tìm cách đến Quí Dương (Gui Yang - ND) và Trùng Khánh (Chong Qing - ND). Tại đấy ông đã gặp lại Chu Ân Lai một lần nữa, theo tài liệu của Trung Quốc.[56] Với việc thay đổi chính sách thình lình của Moscow vào tháng 8 1939, những người Việt chắc hẳn đã rất nôn nóng học hỏi cách áp dụng chiến thuật của riêng họ. (Hẳn là Hồ đã gặp Chu trước khi Chu đi Moscow vào đầu năm 1940.[57]) Tài liệu của Việt Nam viết rằng Hồ cũng gặp Hồ Học Lãm, người đồng hương của ông tại Trùng Khánh, Lãm vẫn còn nằm trong Bộ Tổng Tham Mưu của Quốc Dân Đảng.[58]

                  Những người cộng sản Việt Nam đang biến Côn Minh trở thành trung tâm hoạt động của mình là những thành phần bao gồm những cựu học viên Thanh Niên tại Quảng Châu và những cựu đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng đang nương náu tại Vân Nam từ năm 1930. Trong số những thành viên Thanh Niên thì Hoàng Văn Hoan và Phùng Chí Kiên là hai người nổi bật nhất. Giống như Hồ Chí Minh, Kiên vẫn được xem là thành viên của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương cho đến năm 1938.[59] Ông đã trở thành người đứng đầu của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại vừa được tái thiết. Lai lịch của hai thành viên khác trong nhóm này là Vũ Anh (Trịnh Đông Hải) và Cao Hồng Lĩnh hoặc Lành thì ít rõ ràng hơn. Cả hai rõ ràng đều là những người cộng sản thuần thành và thông thạo tiếng Hoa. Có thể họ là những người trong nhóm Nam Kinh chung quanh Hồ Học Lãm. Vào năm 1935 Vũ Anh và một cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng là Trần Hồ Kinh đã được ĐCS Đông Dương gửi đi để xây dựng một tổ chức cộng sản tại Vân Nam. Họ đã kết nạp hai học viên tại trường đào tạo sĩ quan Côn Minh là Bùi Đức Minh và Lê Tùng Sơn, những người này đang bất mãn với giới lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng.[60] Hai người này đã trở thành trụ cột của nhóm cộng sản hải ngoại, Bùi Đức Minh là người dẫn đường cho Giáp và Đồng khi họ đến Côn Minh vào tháng 5 1940. Có thể vẫn còn một số đông công nhân có liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Vân Nam vào năm 1940, dọc theo tuyến đường sắt Hà Nội - Côn Minh. Mặc dù mặt trận thống nhất đang hiện hữu tại Trung Quốc, những người cộng sản vẫn thường dùng một tổ chức trá hình nào đấy để tránh bị những người Quốc Dân Đảng địa phương quấy rầy. Một số tài liệu của Việt Nam cho biết Hồ Chí Minh và Phùng Chí Kiên đã thực hiện một chuyến kiểm tra dọc theo tuyến đường sắt Vân Nam vào tháng 4 1940. Hồ khuyến khích giới cộng sản Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền dọc theo tuyến đường, kêu gọi dân chúng Việt Nam "chống lại người Pháp và ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật", dùng vỏ bọc của "Hiệp Hội Người Việt Ủng Hộ Cuộc Kháng Chiến Trung Quốc" để che đậy những hoạt động của mình.[61]

                  Võ Nguyên Giáp kể lại rằng ông và Phạm Văn Đồng đã đáp tàu hoả từ Hà Nội vào đầu tháng 5 1940. Họ gặp Bùi Đức Minh tại Yên Bái, Minh đưa họ đi chặng sau bằng đường sông. Sau khi băng qua sông tại Lào Cai để qua Trung Quốc, họ ăn mặc như người Trung Quốc để tiếp tục cuộc hành trình đến Côn Minh.[62] Điều kỳ lạ là vào ngày 13 tháng 5 Sở Liêm Phóng nhận được một báo cáo rằng "một người nhập cư vừa đến từ Tây An, Trần Bá Quốc", và Lý Thị Lan đã rời Vân Nam Phủ bằng tàu hoả vào ngày 12 tháng 5. Họ dự định sẽ đi đến biên giới Việt Nam và đi bộ qua Việt Nam, bản báo cáo cho biết. Người đàn ông ăn vận như một học giả và người đàn bà mặc trang phục Khách Gia (Hakka - ND).[63] Người Pháp nhận diện người đàn ông này là Hồ Chí Minh. Có thể là Hồ Chí Minh đã hy vọng gặp được hai đại diện từ Hà Nội tại biên giới. Nhưng theo lời kể của Giáp, ông và Đồng đã đợi ở Côn Minh cho đến đầu tháng 6 trước khi Hồ, giờ được gọi theo bí danh cũ từ Hồng Kông là Vương, xuất hiện. Vào thời điểm này thì tài liệu của Việt Nam không cho biết rõ về cuộc thảo luận đã xảy ra sau đó. Nhưng có một bản báo cáo dài và yêu cầu trợ giúp mà Hồ soạn thảo gửi cho ĐCS Trung Quốc vào tháng 7 1940 có thể là kết quả của một quyết định chung đạt được trong tháng đó. Báo cáo của Sở Liêm Phóng vào tháng 12 1940 cho biết rằng Phan Đăng Lưu đã thú nhận sau khi bị bắt rằng ông cũng có mặt tại Vân Nam vào tháng 6.[64] Một báo cáo khác của Sở Liêm Phóng vào ngày 9 tháng 6 1940 đã đề cập về việc "những người cộng sản Đông Dương đang trở về nước". Báo cáo đã nhắc đến có 4 người đồng hành là: Trần Bá Quốc, Lý Thị Lan (bản báo cáo khẳng định người này không phải là Nguyễn Thị Minh Khai, còn được biết đến như Cô Duy, Lý Minh Xuân hoặc Trần Thị Lan), Dương Bá Linh và Nguyễn Công Nam.[65] Lúc Giáp và Đồng còn ở Trung Quốc thường lấy bí danh là Dương Hoài Nam và Lâm Bá Kiệt. Vì thế chúng ta không thể chắc chắn bốn nhân vật này là ai. Danh phận của người phụ nữ vẫn là một bí ẩn nhưng người Pháp có lẽ cũng quá hấp tấp khi kết luận rằng người này không phải là Minh Khai. Họ đã không có bằng chứng chắc chắn về dấu vết của bà từ hội nghị vào mùa thu 1937 cho đến khi bà bị bắt tại Chợ Lớn vào hạ tuần tháng 7 1940, mặc dù họ tin rằng bà đã sinh một bé gái vào đầu năm 1939. Đến tháng 5 1940 bà bị chỉ điểm của Sở Liêm Phóng nhận diện là bí thư Uỷ Ban Trung Ương, vì thế việc bà tham gia vào nhóm người đi Vân Nam là rất có lý.[66]

                  Báo cáo của Hồ về tình hình Đông Dương cùng với yêu cầu trợ giúp đề ngày 12 tháng 7 1940, được trình bày với phong cách vô cùng cặn kẽ theo khuôn khổ của QTCS. Nó bao gồm một phân tích về hiện tình chiến lược tại Đông Dương và thái độ của quốc tế về tương lai của vùng này. Tác giả báo cáo viết rằng vào cuối năm 1929 ông quay về Hồng Kông để tổ chức một hội nghị gồm các thành phần cộng sản, ta có thể giả định rằng tác giả chính là Hồ Chí Minh. Ông liên hệ việc Pháp đầu hàng Đức vào ngày 16 tháng 6 1940 là ngày mà tất cả người Việt đều vui mừng, tin rằng thời điểm thuận tiện để lật đổ ách thống trị của Pháp đã đến. "Về việc này chúng tôi chỉ thiếu những người lãnh đạo và tổ chức. Và tại sao ĐCS không lãnh lấy trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo này? Bởi vì 80 - 90% các đảng viên kỳ cựu đã bị bắt, và những đảng viên mới không có đủ kinh nghiệm hoặc thực lực. Vấn đề là để kêu gọi nhân dân đứng lên chúng tôi cần một người có ảnh hưởng, một người sẽ tiến công một cách quyết đoán và mạnh mẽ."[67] Phân tích của Hồ về chủ ý của Nhật cho thấy rằng ông đã không nhìn trước được mối hợp tác giữa Nhật và chính phủ Vichy của Pháp để đô hộ Đông Dương sẽ được thiết lập vào tháng 9 1940. "Hiện tại", ông viết, "Nhật đang cố gắng để nắm lấy nước này" [Đông Dương]. Người Nhật đã cách Hà Nội chỉ 3 giờ đồng hồ, trong khi lực lượng đặc nhiệm của họ đang sẵn sàng đổ bộ vào Hải Phòng bất cứ lúc nào, ông nói. Mặc dù chính quyền tại Đông Dương đã tuyên bố ủng hộ Hội Đồng London của nước Pháp Tự Do, ông lưu ý rằng trên thực tế họ đang đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác đối với người Nhật.[68] Nhưng ông lại kết luận rằng, mặc dù Nhật đang mạnh, họ không thể dùng toàn bộ lực lượng để bảo hộ Đông Dương, vì bộ máy quân sự khổng lồ của họ đang đang bị trói chân trong cuộc chiến tại Trung Quốc. Quân đội Pháp tại Đông Dương nói chung đa phần bao gồm binh lính bản xứ, ông chỉ ra, và "nếu chúng ta có thể kêu gọi họ được, họ - hoặc ít nhất một số trong họ - sẽ chống lại người Pháp (hoặc ngay cả Nhật)." Ông cũng lưu ý rằng các lực lượng chống Pháp có được những đồng minh lớn: ngoài Liên Xô còn có Trung Quốc và Ấn Độ. Một tình thế sẽ được thành hình khi nó có đủ "cho một người lên tiếng kêu gọi, để toàn bộ đồng đứng lên". "Nói tóm lại", ông viết, "những điều kiện khách quan đang có lợi cho thành công của chúng tôi, nhưng lực lượng chủ quan - đảng của chúng tôi - thì lại rất yếu... hiện tại các đồng chí kỳ cựu đầy kinh nghiệm của chúng tôi đang rên xiết trong ngục tù. Vì thế quần chúng không có người cầm đầu và không thể lợi dụng được "thời cơ nghìn năm có một này".[69]

                  Để thay đổi hiện tình, để giúp đảng thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình, ông giải thích rằng họ cần phải tấn công từ bên ngoài. Để làm được việc này họ cần: (1) được tự do qua lại biên giới; (2) một số vũ khí; (3) một số trợ giúp về tài chính; và (4) một vài cố vấn. Khi chúng tôi có được những thứ này, "chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra được một hậu cứ chống phát xít Nhật," ông viết. "Ngoài ra," ông kết luận, "nếu chúng tôi có thể lợi dụng những mâu thuẩn bên trong bọn đế quốc để thành lập và mở rộng một mặt trận thống nhất của quần chúng bị áp bức, thì tương lai sáng lạn cũng không còn xa mấy."[70] Lời yêu cầu này dường như là phương án đầu tiên để thành lập lực lượng vũ trang Việt Minh. Nó cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên về nhân vật được biết đến là Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị biến mình thành vị lãnh đạo quốc gia Hồ Chí Minh, "một con người đầy ảnh hưởng luôn sẵn sàng ra tay tấn công". Sự yếu kém của ĐCS Đông Dương dường như đã tạo nên một khung thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để kế hoạch nổi dậy có thể khởi sự.

                  Vào mùa hè 1940, Bộ Phận 6 (chuyên nắm thông tin) của Quốc Dân Đảng Trung Quốc nhận được tin rằng một thành viên cộng sản người Việt đang tìm cách tiếp xúc với ĐCS Trung Quốc. Họ đã báo cáo rằng có một đảng viên cộng sản từ miền nam là Trần Văn Hinh đã đến Diên An và đến tháng 8, hai bên Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được một thoả thuận tương trợ. (Không rõ rằng người này đã chuyển giao yêu cầu của Hồ Chí Minh hay đây là một tiếp xúc riêng với ĐCS Trung Quốc.) Kinh Chen đã liệt kê những điều khoản trong bản thoả thuận như sau: (1) xây dựng một Mặt Trận Thống Nhất của nhân dân Hoa - Việt chống Nhật; (2) mở rộng tổ chức vũ trang cộng sản và bắt đầu các hoạt động du kích; (3) liên hiệp ĐCS Đông Dương với tất cả các đảng chính trị khác trong nỗ lực thiết lập một "Mặt Trận Thống Nhất cho Nền Độc Lập Quốc Gia", (4) biến mục tiêu đấu tranh cua ĐCS Đông Dương trở thành "Chống Đế Quốc Pháp và Chống Phong Kiến"; (5) gửi thành viên ĐCS Đông Dương đến Diên An để học tập tại Đại Học Kháng Nhật ; và (6) để những thành viên ĐCS Trung Quốc đang làm đại diện tại Phòng Thông Tin Châu Á của QTCS trở thành người hướng dẫn ĐCS Đông Dương, và phụ giúp 50 nghìn đồng Trung Quốc hằng tháng cho ĐCS Đông Dương.[71] Thoả thuận này phản ánh sự bất lực của ĐCS Pháp trong việc tiếp tục cố vấn cho người Việt, và là một khởi đầu của việc chấp nhận phục tùng của ĐCS Đông Dương đối với ĐCS Trung Quốc. Thoả thuận trên có thể là không tránh khỏi vào thời điểm này trong quá trình phát triển của ĐCS Đông Dương vì liên lạc trực tiếp với QTCS dường như đã bị giảm thiểu. (Yêu cầu trợ giúp của Hồ gửi đến ĐCS Trung Quốc đã không được dịch sang tiếng Nga mãi cho đến năm 1942; việc nó có mặt trong hồ sơ của QTCS ra sao thì không được rõ.) Hồi ký của Giáp nói rằng tại Bắc Kỳ đang thảo luận việc cần thiết phải phục hồi lại Liên Hiệp Các Dân Tộc Châu Á Bị Áp Bức[72], một ý định được Hồ đưa ra trong kết luận của bản yêu cầu viện trợ của ông. Dường như tổ chức dùng làm vỏ bọc để liên kết những người cộng sản châu Á vào những năm 1925-6 và 1928-30 đang được cân nhắc để biến thành guồng máy cho mặt trận kháng Nhật do Trung Quốc dẫn đầu.

                  Vào tháng 7 1940 người Pháp bắt đầu thu thập chứng cứ tại Nam Kỳ về mầm mống của một cuộc nổi dậy. Họ tin rằng vào cuối tháng 6 1940, Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương đã thông qua một điều lệnh chỉ đạo đảng viên chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa vũ trang.[73] Bản tường trình này có thể đang nói về cuộc họp được tổ chức tại Côn Minh vào tháng 6 1940, vì ở đó thực sự đang có nhiều thành viên của Uỷ Ban Trung Ương hơn là số thành viên còn lại đang lưu lạc tại Nam Kỳ. Những người này bao gồm Phùng Chí Kiên, Hồ Chí Minh, Phan Đăng Lưu và có lẽ có cả Nguyễn Thị Minh Khai. Sở Liêm Phóng cũng đã báo cáo rằng đảng Việt Nam đã gửi một thành viên người Hoa thuộc ĐCS Đông Dương đến Trung Quốc để yêu cầu ĐCS Trung Quốc hậu thuẫn cuộc nổi dậy.[74] Chúng ta không biết được việc này có phải đang nói về chuyến đi của Phan Đăng Lưu đến Vân Nam hoặc những di chuyển của "Trần Văn Hinh" được ghi nhận bởi Quốc Dân Đảng, hoặc có một mối liên hệ nào khác giữa ĐCS Trung Quốc và Nam Kỳ qua chi bộ của ĐCS Trung Quốc tại Sài Gòn hay không. Người Pháp đã có được bằng chứng chắc chắn về công tác chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang khi họ bắt giữ Nguyễn Thị Minh Khai tại văn phòng của Uỷ Ban Trung Ương ở Chợ Lớn vào ngày 30 tháng 7 1940, cùng với người tù chính trị từng vượt ngục là Nguyễn Hữu Tiến. Họ đã thu giữ được những tài liệu mà họ miêu tả là "liên quan đến một cuộc nổi dậy do ĐCS Đông Dương chuẩn bị thực hiện khi "thời cơ thuận lợi" đến". Hầu hết những tài liệu trên chưa được quay rô-nê-ô và phân phát đến các thành viên. Một số đoạn trong số tài liệu bị tịch thu mang chủ trương chống lại quân đội Pháp vì thế những người vừa bị bắt được giao cho toà án quân đội.[75] Sud Chonchirdsen viết rằng những tài liệu này bao gồm "việc thành lập một tổ chức kháng chiến, kế hoạch phá hoại và chiến thuật du kích".[76] Những đảng viên bị bắt chung với Minh Khai là Nguyễn Hữu Tiến (Giáo Hoài), cũng như Tạ Uyên, một cựu thành viên của ĐCS Đông Dương cũ từ Hà Nam. Hai người đã cùng vượt ngục Côn Đảo vào mùa xuân 1935.

                  Dường như đã có một mối liên hệ giữa cuộc họp tại Côn Minh vào tháng 6 1940, không được ghi nhận trong lịch sử đảng như là một phiên họp chính thức của ĐCS Đông Dương, và khởi đầu của phong trào kháng chiến bên trong Việt Nam. Nhưng từ những biến chuyển sau đó tại Nam Kỳ, ta có thể nghi ngờ rằng những kế hoạch mà Hồ Chí Minh đã thảo luận với các đồng chí của mình và yêu cầu trợ giúp mà ông đã gửi cho ĐCS Trung Quốc đã thực sự tạo thành một sơ đồ cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, được khởi sự từ ngày 23 tháng 11 hay không. Hồ Chí Minh, một người lập kế hoạch đầy thận trọng, chắc hẳn đã không ủng hộ một lịch trình cấp tốc cho cuộc khởi nghĩa đang thành hình ở Nam Kỳ giữa tháng 9 và tháng 11 1940. Đến năm 1930, dường như cánh duy chí trong đảng với chủ trương tạo ra một khởi nghĩa bạo lực mang tính tượng trưng trong lòng quân đội Pháp, đã là người cầm trịch cho những sự kiện xảy ra trong những tháng mùa thu. Một nguồn tài liệu của Việt Nam cho rằng tại một cuộc họp của Xứ Uỷ Nam Kỳ được tổ chức tại Mỹ Tho vào tháng 7 1940, một nhóm đại biểu đã chủ trương hoãn khởi nghĩa vì các lực lượng của đảng quá yếu. Nhóm người này bao gồm những đại biểu từ Sài gòn - Chợ Lớn, những tỉnh miền đông và Phan Đăng Lưu, được xem là đại diện của Nam Kỳ tại Uỷ Ban Trung Ương. Nhưng thành phần đa số đã biểu quyết tiếp tục khởi nghĩa. Đến lúc này thì Phan Đăng Lưu đã đề nghị nên tham khảo với toàn thể Uỷ Ban Trung Ương. [77] Sau khi Phan Đăng Lưu bị bắt vào tháng 11, ông đã khai rằng cuộc khởi nghĩa đã do những thành phần cực tả trong đảng chủ trương "họ đã không thèm để ý đến những lời khuyên từ Ban Chấp Hành Đảng Uỷ Nam Kỳ về việc đảng đã sẵn sàng hay chưa."[78]

                  Một số tài liệu của Việt Nam mà cụ thể là Trần Huy Liệu cho rằng Mặt Trận Phản Đế tại phía Nam đã cực kỳ thành công trong việc chiêu dụ thành phần binh lính bản xứ. Trong bài viết của ông về cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ ông nói rằng đã có một số nhóm lính tại Gia Định và Chợ Lớn, có khi đã lên đến 300 người, đã bỏ trốn vào rừng cùng với vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Vào tháng 11 1940, khi người Pháp đang chuẩn bị gửi quân đến vùng biên giới Thái - Miên để chống lại việc Thái đang lấn chiếm, Liệu viết rằng có đến 15.000 (sic) binh lính người Việt tại Sài Gòn, gồm cả hai đơn vị pháo binh, đang chuẩn bị biểu tình phản đối việc họ phải tham chiến. Có đến hai phần ba lính người Việt sẵn sàng "đi theo cách mạng" vào thời điểm ấy, cùng với 15.000 thường dân miền nam, Liệu viết.[79] Những nguồn tài liệu khác viết rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của chi bộ phía nam vào thời điểm sau Hiệp Ước Molotov-Ribbentrop.[80] Nhưng dường như người Pháp đã nắm được thông tin của phong trào một cách dễ dàng khi nó nổ ra vào tháng 11.

                  Nhật và Pháp đã đi đến thoả thuận hợp tác quân sự vào ngày 22 tháng 9 1940, trong đó cho phép Nhật giữ 6.000 quân tại Bắc Kỳ, được quyền sử dụng 4 sân bay tại Bắc Kỳ và di chuyển quân từ Bắc Kỳ đến Vân Nam.[81] Nhưng vào đêm ký kết thoả thuận, Nhật đã tấn công không lý do vào đồn biên giới Đồng Đăng của Pháp, dẫn đến 3 ngày giao chiến giữa lính Pháp và Nhật. Người Việt trong tổ chức được Nhật hậu thuẫn Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội đã tham gia trong trận chiến tại Lạng Sơn, trong khi tại huyện Bắc Sơn một cuộc nổi dậy do ĐCS Đông Dương cầm đầu đã xảy ra vào ngày 23 tháng 9. Kháng cự tại khu vực Vũ Lăng xảy ra lẻ tẻ cho đến ngày 23 tháng 10, khi người Pháp quay lại để dập tắt những chiến binh cách mạng.[82] Một lần nữa những người cộng sản thấy rõ rằng người Nhật sẽ không đánh bật người Pháp để hậu thuẫn cho các lực lượng quốc gia người Việt, mục đích ngắn hạn của Mặt Trận Phản Đế đã phải tái thẩm định.

                  Khi Phan Đăng Lưu đi Bắc Kỳ để tham vấn vào tháng 10 1940, không rõ là ông đã tham gia một cuộc họp nào, hoặc quyền hạn của nó có được đảng bộ phía nam công nhận hay không. William Duiker (nhà sử học Mỹ - ND) dựa trên những cuộc phỏng vấn của Hà Nội, viết rằng Lưu đã gặp những thành viên của Xứ Uỷ Bắc Kỳ, những người này vào đầu tháng 11 1940 đã tái tổ chức Uỷ Ban Trung Ương, đề cử Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, làm quyền Tổng Bí Thư.[83] Những thành viên khác gồm có Hoàng Quốc Việt (đã nằm trong Uỷ Ban Trung Ương ít nhất là từ 1937), Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh, người đang chỉ đạo phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn. Đây có vẻ là câu trả lời hợp lý nhất cho sự khủng hoảng trong giới lãnh đạo ĐCS Đông Dương đã được giải quyết ra sao, mặc dù không rõ là cuộc họp tháng 11 đã được xem như là Hội Nghị Lần 7 từ khi nào, hoặc những thành viên trong Uỷ Ban Trung Ương tại Côn Minh đã tham gia quyết định hay không. Điều đáng lưu ý là tại Viện Bảo Tàng Cách Mạng tại Thành Phố Hồ Chí Minh có giữ một "thông báo khẩn" dưới dạng tờ rơi từ Đảng Bộ Trung-Bắc Kỳ gửi đến Ban Chấp Hành Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương yêu cầu giúp đỡ cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ. Cuộc nổi dậy đã bắt đầu vào ngày 23 tháng 11, tờ thông báo viết; nhiệm vụ của Đảng Bộ Trung-Bắc Kỳ là "đem thanh thế của những người tham gia khởi nghĩa bằng cách đánh động những lực lượng đế quốc".[84] Nếu tài liệu này là thật thì nó cho thấy ít nhất một số đảng viên phía nam vẫn nghĩ rằng Ban Chấp Hành đang ở tại Nam Kỳ. Nhưng Sở Liêm Phóng vào tháng 12 1940 đã tường trình rằng Phan Đăng Lưu đã thú nhận là ông đã đi Bắc Kỳ vào tháng 10 1940, "chắc chắn là để tham gia cuộc họp của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương, được cho là đã diễn ra vào ngày 5,6 và 7 tháng 11".[85]

                  Dù thế, cuộc họp mà Phan Đăng Lưu tham dự đã biểu quyết đồng ý dời ngày khởi nghĩa ở miền nam nhưng muốn phát triển các lực lượng vũ trang tại Bắc Sơn.[86] Hoặc là ý kiến của Uỷ Ban Trung Ương đã không đến được chi bộ miền nam đúng lúc, hoặc theo như một số nguồn tài liệu, kế hoạch đã đi quá xa nên không thể huỷ bỏ. Phan Đăng Lưu đã bị bắt khi vừa đến Sài Gòn, ngay trước khi Tạ Uyên bị bắt. Người Pháp đã tìm cách bám sát được kế hoạch khởi nghĩa nhờ đã bắt được những nhân vật chủ chốt. Do đó hầu hết những mục tiêu của cuộc khởi nghĩa như việc đánh chiếm Nhà Lao Chính tại Sài Gòn đã được ngăn chận. Việc nổi dậy đồng loạt của binh lính bản xứ bị dập tắt ngay từ đầu khi họ bị nhốt trong doanh trại. Có thể người Pháp đơn giản chỉ đợi chờ những người tổ chức ra tay là tiến hành bắt giữ. Một bức điện tín năm 1941 gửi cho nhà cầm quyền thuộc địa của chính phủ Vichy đã liệt kê những thiệt hại từ cuộc nổi dậy như sau: 30 tử vong trong đó có 3 người Pháp, 30 bị thương trong đó cũng có 3 người Pháp. Một số nạn nhân đã bị tấn công một cách tàn bạo. Vẫn chưa tìm lại được 40 khẩu trong số 130 súng trường và súng ngắn bị đánh cắp. Nhiều toà nhà bị đốt trụ, cầu cống, đường dây điện và dây thép bị phá hoại. Đô đốc Decoux cho rằng mức độ bạo lực quá ghê tợn vì thế không thể nương tay với bất kỳ người lãnh đạo của ĐCS Đông Dương nào bị bắt giữ.[87]

                  Những vụ bắt bớ và tử hình theo sau cuộc nổi dậy bất thành đã phá vỡ nền móng ĐCS Đông Dương tại miền nam. Có đến 100 nhân vật cầm đầu bị án tử hình, theo lời Trần Huy Liệu.[88] Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến bị xử bắn vào tháng 8 1941. Lê Hồng Phong, Lê Duẩn và nhiều thành viên cộng sản hợp pháp như Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo bị cầm tù mãi cho đến khi người Nhật đầu hàng vào năm 1945 (Lê Hồng Phong đã chết tại Côn Đảo vào năm 1942). Việc này đã làm cho Uỷ Ban Trung Ương vừa mới tái thiết ở Bắc Kỳ phải tổ chức cơ cấu, trên lý thuyết là chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập. Trọng tâm của đảng giờ đây đã chuyển sang phía bên kia biên giới Trung Quốc, nơi Hồ Chí Minh và những đảng viên hải ngoại đang bắt đầu thiết lập liên lạc để giúp họ tham dự vào phong trào giải phóng Việt Nam do Quốc Dân Đảng Trung Quốc hậu thuẫn. Nền lãnh đạo chính thống mới của đảng giờ đây được chuyển sang Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông từ những năm của những khoá đào tạo tại Quảng Đông. Ngay cả Trường Chinh vào năm 1941 cũng đã cần đến sự phê chuẩn của Hồ Chí Minh để được chấp thuận vào chức vụ đứng đầu đảng. Đối với những đảng viên thuộc thế hệ 1928-35, có lẽ nhóm lãnh đạo này có ít uy tín nhất: họ đã hai lần tham gia vào những mặt trận thống nhất với tầng lớp tư sản Quốc Dân Đảng và chỉ có vài người trong họ được "vô sản hoá". Võ Nguyên Giáp, người sẽ trở thành một trong những cánh tay đắc lực của Hồ Chí Minh, chỉ mới trở thành đảng viên chính thức vào năm 1937.[89] Quá khứ của ông là một học sinh hoạt động cho Tân Việt vào những năm 1928-30 và là một nhà báo trong mặt trận thống nhất tại Hà Nội đã tạo ra ngờ vực dưới mắt một số đảng viên ĐCS Đông Dương. Chỉ có Phùng Chí Kiên là thật sự có kinh nghiệm khi từng tham gia Hồng Quân Trung Quốc. Nhưng họ lại là những người đã đóng vai trò chủ đạo trong năm 1941, khi tổ chức Việt Minh bắt đầu thành hình.

                  #39
                    lyenson 17.06.2008 16:46:37 (permalink)
                    Di chuyển đến biên giới và Hội Nghị lần 8

                    Vào tháng 10 1940 Hồ Chí Minh và những phụ tá của ông chuyển từ Côn Minh về Quế Lâm. Chính vào thời điểm này những người cộng sản hải ngoại đã quyết định sử dụng vỏ bọc của tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh cho mặt trận quốc gia của mình. Đây cũng chính là tổ chức được sáng lập tại Nam Kinh bởi Hồ Học Lãm, Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng, Phi Vân, Nguyễn Hải Thần và những người khác vào năm 1936. Vì nó vẫn là một tổ chức chính thức có đăng ký tại Trung Quốc nên cơ cấu của nó rất phù hợp với những mục đích của Hồ. Hồ Học Lãm, mặc dù đang nằm viện tại Quế Lâm, vẫn là một nhân vật đứng đầu có uy tín và có quan hệ mật thiết với Bộ Tổng Tham Mưu của Quốc Dân Đảng. Qua Hồ Học Lãm, những người cộng sản Việt Nam đã có thể liên lạc với Tướng Lý Tế Thâm, tư lệnh quân khu Tây Nam của Quốc Dân Đảng tại Quế Lâm.[90] Điều trớ trêu là Lý Tế Thâm chính là vị tướng mà Hồ Chí Minh từng tố cáo là người chủ mưu phá huỷ phong trào nông dân Quảng Đông vào những năm 1926-7; ông cũng chính là người đập tan xô viết Quảng Châu vào tháng 12 1927. Nhưng những năm sau này ông lại trở thành người chống đối Tưởng Giới Thạch và giờ đây có thể đã thấy rằng việc hợp tác với những người quốc gia Việt Minh rất quan trọng trong việc nới rộng hoạt động kháng Nhật. Hồ đã giúp nâng cao uy tín của Việt Minh bằng cách kêu gọi thành lập Hoa Việt Văn Hoá Đồng Chí Hội, bao gồm những người vào lúc đó được cho là những "cây viết cấp tiến". Hồ Học Lãm và Phạm Văn Đồng trở thành thành viên của hội đồng điều hành.[91] Nhưng kinh nghiệm của Hồ vào thời kỳ đầu của mặt trận thống nhất tại Quảng Đông, khi ông thành lập Liên Hiệp các Dân Tộc bị Áp Bức, giờ đã được đem vào sử dụng.

                    Vào cuối năm 1940 khi làn sóng của những người tị nạn từ những cuộc khởi nghĩa thất bại ở miền bắc đổ sang Trung Quốc, những người quốc gia Việt Nam chuyển đến phía nam Trịnh Tây (Jing Xi - ND), một thị trấn cách biên giới Việt Nam khoảng 65 dặm. Trương Phát Khuê, giờ là tổng tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu, đã gửi một thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng là Trương Bội Công đi Trịnh Tây để thu nạp những người tị nạn vào một "đội công tác biên giới".[92] Đã có một số thành viên cộng sản như Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm trong nhóm tị nạn này và Hồ Chí Minh đã nhanh chóng gửi ba cán bộ giỏi nhất của mình đi về phía nam để gia nhập. Những người này là Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh và Cao Hồng Lãnh. Họ khuyên Hồ rằng ông nên đến Trịnh Tây cùng với họ. Khi Hồ đi về phía nam cùng với Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên và Hoàng Văn Hoan, ông đã đem theo 3 thẻ căn cước, đều được làm trong năm 1940. Theo lời kể của Trương Phát Khuê, những giấy này chứng nhận ông là (1) thành viên của Hội Phóng Viên Thanh Niên Trung Quốc; và (2) Phóng Viên Đặc Biệt của Dịch Vụ Tin Tức Quốc Tế; tấm căn cước thứ ba là Giấy Phép Đi Lại của Nhân Viên thuộc Bộ Chỉ Huy Đệ Tứ Chiến Khu. Tất cả các giấy tờ trên đều mang tên "Hồ Chí Minh".[93] Tên này có nghĩa là con người sáng suốt nhất, đã đánh dấu việc tạo dựng nên một nhân vật mới, mang tính chất của một bậc lãnh đạo uyên bác và một môn đồ khổ hạnh của chính nghĩa dân tộc.

                    Sau khi Hồ đến Trịnh Tây vào tháng 12 1940, ông đã gửi Vũ Anh đến vùng biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng để chọn lựa một khu vực an toàn dùng làm căn cứ cách mạng, theo hồi ký của Vũ Anh.[94] Chính vào lúc này Hồ đã mở một lớp đào tạo tại hai ngôi làng biên giới cho khoảng 40 người tị nạn Việt Nam được Giáp và các đồng chí của ông tuyển lựa từ "Đội Công Tác Biên Giới" của Trương Bội Công. Vũ Anh nói rằng ông đã chọn một chiếc hang tại Pắc Bó để làm nơi trú ẩn an toàn phía bên này biên giới cho những người cộng sản quốc gia. Nhưng theo những tường trình của người Pháp từ năm 1941 đã cho thấy chiếc hang này đúng hơn là đã được dùng làm nơi ẩn náu của quân du kích để đi về giữa Việt Nam và Trung Quốc.[95] Hồ Chí Minh được cho là đã quay lại Việt Nam vào tháng 2 1941 nhưng thật ra ông đã giành phần lớn thời gian của mình tại những xóm nhà thuộc phía bên kia Trung Quốc.

                    Hồ Chí Minh và nhóm cộng sản cốt cán của ông đã tiếp tục hoạt động thành công bên trong cơ chế của mặt trận thống nhất trong năm 1941 trong khi đang nối lại liên lạc với ĐCS Đông Dương tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Vào đầu năm 1941 Bùi Đức Minh và Hoàng Văn Thụ đã vượt qua biên giới để thảo luận những chương trình cho Hội Nghị Toàn Thể của Uỷ Ban Trung Ương lần thứ 8.[96] Hội nghị này là một trong hai phiên họp quan trọng đã được tổ chức vào mùa xuân 1941 tại Trịnh Tây, những cuộc họp nhằm củng cố những liên hệ giữa hai bên biên giới tại cả hai tầng lớp. Vào tháng 4 một cuộc họp của Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Đồng Chí Hội, một tổ chức mặt trận thống nhất khác, do Trương Bội Công và Hồ Học Lãm tổ chức đã diễn ra. Theo King Chen, hạt nhân của cuộc họp mặt này là tổ chức Việt Minh.[97] Chen nói rằng Đồng, Giáp và Hoàng Văn Hoan là những nhân vật chủ chốt của Giải Phóng Đồng Chí Hội khi họ đã đặt vấn đề này với Lý Tế Thâm vào cuối năm 1940, và đã thành lập một văn phòng trù bị tại Trịnh Tây.[98] Hội này rõ ràng là đã đồng nhất với mặt trận thống nhất của Quốc Dân Đảng và đã dùng thuyết "Tam Dân" của Tôn Dật Tiên như là chủ thuyết căn bản. Nó tiếp tục trở thành một cỗ xe hữu ích cho Việt Minh cộng sản cho đến cuối năm 1941, khi những căng thẳng trong mặt trận thống nhất giữa ĐCS Trung Quốc và Quốc Dân Đảng đã đến gần điểm bùng nổ.

                    Việc tổ chức Hội Nghị lần 8 của ĐCS Đông Dương cũng có thể đã đòi hỏi công tác ngoại giao tế nhị trong tập thể tổ chức Việt Minh. Việc này được nhớ đến như cuộc gặp gỡ chính thức của Hồ Chí Minh và Uỷ Ban Trung Ương kể từ khi Hồ trở về miền nam Trung Quốc. Đến mùa xuân 1941, khi các chi bộ của cả ba miền Việt Nam đang bị người Pháp khủng bố dữ dội, dường như những người đứng đầu Xứ Uỷ Bắc Kỳ đã không có tư cách gì để từ chối quyền lãnh đạo từ những người cộng sản hải ngoại. Những quan hệ mong manh giữa những người cộng sản còn được tự do tại Việt Nam được bộc lộ trong cách thức tiến cử đại biểu tại Trung Kỳ cho Hội Nghị lần 8. Một trong số họ là Bùi San, sau này đã bị người Pháp bắt và đã khai với Sở Liêm Phóng rằng ông đã gặp Phan Đăng Lưu tại Vinh vào cuối năm 1940. Lưu phái ông đi Hà Nội để tái lập liên lạc giữa những cơ sở đảng thuộc Bắc và Trung Kỳ. Vào hạ tuần tháng 12 1940 nhận được một bức thư yêu cầu ông gửi hai đại biểu đi dự hội nghị. Ông đã đi Cao Bằng và cuối tháng 1 1941 với Hồ Xuân Lưu.[99] Theo bản khai của cảnh sát về hai người cộng sản Trung Kỳ này, cuộc họp mà họ tham gia đã xảy ra gần Long Châu; đây có thể là cách đánh lạc hướng Sở Liêm Phóng, nhưng căn cứ theo những tường trình mà Sở Liêm Phóng có được, hội nghị chắc chắc đã diễn ra bên ngoài Việt Nam. Một chỉ điểm có bí danh là "Ursule" đã báo cáo với cảnh sát Bắc Kỳ rằng cuộc họp đã được tổ chức tại một ngôi nhà hai tầng xây bên sườn núi cách Trịnh Tây, Quảng Tây 4 - 5 cây số. Uỷ Ban Trung Ương đã họp tại lầu một, trong khi Xứ Uỷ Bắc Kỳ họp tại tầng trệt. Hai cuộc họp đã được tổ chức liên tiếp nhau, Hồ Chí Minh tham dự hội nghị Uỷ Ban Trung Ương vào buổi sáng và hội nghị Xứ Uỷ vào buổi chiều.[100]

                    Nội dung của những cuộc thảo luận tại Hội Nghị lần 8 đã được ĐCS Việt Nam ghi chép lại để chứng tỏ tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh.[101] Việc ông có thực sự đoán trước được Đức sẽ xâm lược Nga, xảy ra vào ngày 22 tháng 5, thì không được biết rõ. Nhưng thành công thực sự của ông là việc đã hợp nhất ĐCS Đông Dương vào trong mặt trận thống nhất với Quốc Dân Đảng và những đảng phái quốc gia Việt Nam có mặt tại vùng biên giới Trung Quốc. Bùi San đã khai với người Pháp rằng một người tên Phong (được nhận diện là Hồ) đã là chủ toạ của phiên họp Uỷ Ban Trung Ương, trong khi đó "Mạnh" (được nhận diện là Hoàng Quốc Việt) làm thư ký. "Xuyên" hay Đặng Xuân Khu, sau này trở thành Trường Chinh, đã báo cáo những hoạt động tại các tỉnh Thái Bình và Hà Đông. Đặng Xuân Khu đã được phê chuẩn làm Tổng Bí Thư ĐCS Đông Dương tại hội nghị này. Khi "Phong" phát biểu trên cương vị đại diện của Chi Bộ Hải Ngoại, ông đã phê bình hoạt động trong quốc nội. "Ông nói rằng vào thời điểm hiện tại, việc kêu gọi toàn thể dân chúng không phân biệt thành phần giai cấp là cần thiết". Ông đã đề xuất rằng đảng nên kêu gọi tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam. Họ phải khuyến khích tinh thần yêu nước và kêu gọi mọi người học hỏi về lịch sử Việt Nam. Vì mục đích tổ chức, hội nghị đã quyết định thành lập một "Hội Cứu Quốc". Khi được hỏi về sức mạnh của phong trào cộng sản thế giới, "Phong" đã nói với các đại biểu rằng "Đảng dã không có dự định giành quyền lực ngay lập tức tại bất cứ quốc gia nào, vì trong khi các phe đang giết chóc lẫn nhau thì tại Nga sẽ an toàn cho việc chuẩn bị cho phong trào cách mạng toàn thế giới."[102] Lời giải thích này, nếu chính xác, đã cho thấy rằng Hồ vẫn phải giải thích chính sách của QTCS trên cơ sở của thoả ước với Đức đã ký vào năm 1939. Nó không cho thấy rằng ông đã lường trước việc Đức tấn công Liên Xô.

                    Tại Hội Nghị lần 8 tầm quan trọng của việc giải phóng đất nước so với công cuộc đấu tranh giai cấp đã đặt ra một cách rõ ràng. Nếu người dân Việt Nam không đánh đuổi Pháp và Nhật, bản nghị quyết nói, thì đến mười nghìn năm nữa họ vẫn không thể đấu tranh cho quyền lợi giai cấp hoặc giải quyết được vấn đề nông dân.[103] Lời kêu gọi đến dân chúng Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã viết vào ngày 6 tháng 6 1941 và đã ký tên là "Nguyễn Ái Quốc" là ví dụ đầu tiên về bộ mặt mới của ĐCS Đông Dương. Bài viết kêu gọi một cách rõ ràng tinh thần yêu nước của người Việt, hô hào mọi người hãy noi gương của những anh hùng chống Pháp như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và Lương Ngọc Quyến. "Công việc vĩ đại" của việc giành độc lập vẫn chưa đạt được, bức thư viết, bởi vì thời cơ thuận tiện vẫn chưa đến, những cũng bởi vì các lực lượng nhân dân vẫn chưa "đứng chung với nhau". Ông hô hào mọi người noi theo "tấm gương vĩ đại của nhân dân Trung Quốc" và thành lập những hội chống Pháp và chống Nhật cứu nước. Sau bức thư này, chỉ có một tài liệu khác được ký bởi Nguyễn Ái Quốc, đó là một lời hiệu triệu khác kêu gọi người dân Việt Nam vào tháng 8 1945. Nhưng đến lúc ấy cái tên mà những đồng chí của ông ở QTCS từng biết đến đã được dẹp bỏ. Lúc ấy Hồ cần phải vứt bỏ tên tuổi trước đây cũng như mối quan hệ của nó với QTCS. Ông sẽ hiện diện trước thế giới với cái tên Hồ Chí Minh, Chủ Tịch của chính phủ Việt Nam vừa độc lập vào ngày 2 tháng 9 1945.

                    Khi Hồ Chí Minh xây dựng tổ chức liên hiệp Việt Minh tại Quảng Tây, QTCS đã biến khỏi tầm nhìn của những người cộng sản Việt Nam. Mặt dù Liên Xô quay lại cương vị của mình trong liên minh chống Phát Xít toàn thế giới vào tháng 6 1941, họ đã đang phải đối phó với cuộc chiến sinh tử chống lại người Đức xâm lược và vì thế đã chuyển mối quan tâm của họ khỏi châu Á. Vào ngày 16 tháng 10 1941 nhân viên QTCS đã bắt đầu sơ tán về hướng đông đến Ufa và Kuibyshev khi quân Đức Quốc Xã tiếp tục tiến về Moscow. Vào cuối tháng ấy Dimitrov đã viết thư cho Stalin với đề xuất rằng QTCS nên bắt đầu đi vào hoạt động bí mật dưới cái tên là "Học Viện Nghiên Cứu Quốc Tế".[104] Nhưng mãi cho đến tháng 5 1943, sau khi Dimitrov quay về lại Moscow thì thảo luận về việc khai tử QTCS mới bắt đầu được đề cập. Tại một cuộc họp tổ chức bởi Dimitrov, Molotov và Manuilsky, họ đã đồng ý rằng QTCS đã không còn có ích và "đã trở thành một trở ngại cho sự phát triển độc lập của những đảng cộng sản."[105] Thông báo chính thức về việc giải thể đã được đăng trên tờ Pravda (Sự Thật - ND) vào ngày 22 tháng 5. Mặc dù nhiều cơ chế của QTCS vẫn còn được tiếp tục bởi hai "học viện nghiên cứu khoa học", đến nay ta vẫn chưa có bằng chứng về việc cộng sản Việt Nam đã từng nhận được những hướng dẫn hoặc tài trợ từ Moscow trong khoảng thời gian từ 1941 - 1947.[106]

                    Những chính sách đưa ra tại Hội Nghị lần 8 đã trở thành khuôn mẫu cho những hoạt động trong thời kỳ chiến tranh của Việt Minh. Nhưng theo những nghiên cứu về việc Việt Minh chiếm lấy quyền lực vào tháng 8 1945 cho thấy, những chính sách này đã không được truyền bá ngay cả tại Việt Nam hoặc đã được những thành viên ĐCS Đông Dương chấp thuận toàn bộ.[107] Trong những năm tháng sắp đến, con người thực dụng Hồ Chí Minh, người đã đặt nhiệm vụ thống nhất lên trên tư tưởng chính trị thuần thành, sẽ phải tiếp tục đối diện với sự đối lập ngay bên trong đảng của mình trong việc cố gắng xây dựng một liên minh quốc gia.
                    #40
                      lyenson 27.06.2008 16:08:34 (permalink)
                      TỔNG KẾT

                      Phần Giới Thiệu đã đề cập đến tâm lý của thời Chiến Tranh Lạnh đã ảnh hưởng đến việc chúng ta hiểu về Hồ Chí Minh và nỗ lực của ông trong việc xây dựng một đảng cộng sản tại Việt Nam. Cách sử dụng nguồn tài liệu thiên về tuyên truyền đã dẫn đến việc rất nhiều tác giả nhìn nhận Hồ Chí Minh như là một vị thánh toàn năng của quốc gia hoặc là một thiên tài độc ác. Không những ông đã là nhân vật lãnh đạo vĩ đại của Bắc Việt - ông cũng đã được xem như là một người cộng sản đầy ảnh hưởng ngay từ khi ông vừa tham gia ĐCS Pháp. Nhưng vị thế của ông bên trong Quốc Tế Cộng Sản và giới cộng sản Châu Á trước 1945 theo như nghiên cứu này cho thấy, đã không nổi bật như từng được miêu tả sau này. Ông đã không xuất hiện như một người cộng sản đầy thế lực trong bối cảnh thế giới của những năm 1920 hoặc 1930, và ông đã gặp rất nhiều khó khăn để được ĐCS Đông Dương để ý đến vào những năm 1939-40. Việc ông thăng tiến vào năm 1945 như là một biểu tượng của phong trào độc lập tại Việt Nam hoàn toàn không có nghĩa là một diễn tiến hiển nhiên. Robert Turner đã đúng khi cho rằng Hồ chia xẻ phần lớn công trạng trong việc đem chủ nghĩa Marxist-Leninist vào Việt Nam.[1] Nhưng chúng ta nên nhớ rằng những tiếp xúc của ông với người Nga đã không mang lại kết quả tức thời. Hơn nữa, đã có những nguồn gốc của ảnh hưởng phái tả và Marxist khác tại Việt Nam trong những năm 1920 - có thể nói rằng có cả chi nhánh của ĐCS Trung Quốc đã hiện hữu tại miền nam Việt Nam trong những năm 1927-8. Vai trò của tổ chức này đối với sự phát triển của cộng sản Việt Nam vẫn chưa được tìm hiểu, nhưng căn cứ theo tên gọi của nó - Uỷ Ban Nam Kỳ - Cam Bốt - chúng ta có thể đoán được rằng nó đã có ảnh hưởng ngay từ đầu trong việc đưa ra khái niệm của một phong trào cộng sản Đông Dương thống nhất chứ không phải là một đảng cộng sản Việt Nam thuần tuý.

                      Nỗ lực của Hồ nhằm tạo ra một đảng cộng sản Việt Nam với hậu thuẫn của Quốc Tế Cộng Sản nên được hiểu trong hoàn cảnh của sự đô hộ từ người Pháp và từ lâu người Việt đã tìm kiếm trợ giúp từ bên ngoài. Sự thất bại trong chiến dịch của người Việt tại Hội Nghị Hoà Bình Paris năm 1919 đã chuyển sự chú ý của những người quốc gia về phía nước Nga. Chính từ quan điểm của Lenin về nhiệm vụ của giai cấp vô sản phương Tây - ủng hộ những phong trào cách mạng tại những quốc gia thuộc địa - đã thuyết phục Hồ tham gia Đệ Tam Quốc Tế. Ông đã không hề có ý tưởng lãng mạn nào với bạo lực cách mạng hoặc chủ nghĩa anh hùng cá nhân - trên thực tế ông đã giữ mình rất khiêm tốn trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Ông không phải là tay chân của Stalin và có thể đã không thực sự gặp riêng Stalin mãi cho đến năm 1950. Thái độ của ông đối với việc sử dụng bạo lực và đấu tranh giai cấp thì dường như là quá cẩn trọng để làm vừa lòng một số thành viên cộng sản trẻ tuổi hơn.

                      Không thể chối cãi được thực tế là những lý thuyết ban đầu của Quốc Tế Cộng Sản về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đã là một công cụ tri thức đầy quan trọng của Hồ Chí Minh. Nó đã giúp ông tạo ra một cơ chế vững mạnh trong đó bao gồm chủ thuyết chống thực dân và mong muốn về công bằng xã hội của mình. Nhưng những luận điểm của Lenin về chủ nghĩa đế quốc và các vấn đề thuộc địa không chỉ là một công cụ lý luận - việc khám phá và chuyển tải những luận điểm ấy đã là một cơ sở quan trọng cho vai trò chính thống của ông trong phong trào cộng sản Việt Nam. Khi những lý thuyết trên bị thay thế bởi một cơ sở lý luận mới vào những năm 1928-9, vai trò lãnh đạo của Hồ đã bị đặt vấn đề. Như đã nói đến trong phần Giới Thiệu, những đối thủ tranh giành quyền lực thường luôn tìm cách chứng tỏ rằng họ thấu hiểu cặn kẽ hơn hệ tư tưởng và đường lối của Quốc Tế Cộng Sản. Đường lối này vào lúc ấy có thể chỉ là một cóp nhặt rất hời hợt những tư tưởng của Marx, Plekhanov, Lenin, Trotsky, Stalin và những nhà tư tưởng tiền cộng sản khác, nhưng điều ấy đã không làm giảm đi tính quan trọng của nó như là một phương pháp để chiếm ảnh hưởng. Như Arno Mayer (nhà sử học người Mỹ - ND) từng nói, "Tư tưởng là mạch máu của cách mạng." "Nó gắn liền với nhu cầu của một thành phần xã hội [mới] để phản ánh hình ảnh của chính mình."[2] Tầm quan trọng của sự tinh thông về lý thuyết trong việc biến mình thành người dẫn đầu có thể có liên quan đến văn hoá Khổng Giáo trong đó đặt trọng khả năng viết lách chính thống lên trên những kỹ năng thực hành khác.

                      Những mâu thuẫn ban đầu về hệ tư tưởng bên trong tổ chức cộng sản Việt Nam đã tiếp tục diễn ra trong suốt sự nghiệp chính trị của Hồ. Trong khi đối với phương Tây những nỗ lực của Hồ trong giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai nhằm tạo ra hình ảnh của mình như một người theo chủ nghĩa quốc gia đã gặp phải những nghi ngờ thì bên trong nội bộ ĐCS Đông Dương thái độ thiếu thành tâm với "chủ nghĩa cộng sản vô sản" đã tiếp tục bị xem như là một nhược điểm của ông. Trong giai đoạn từ 1931 đến 1935, lần đầu tiên Trần Phú và Hà Huy Tập kêu gọi đặt vấn đề về giá trị tư tưởng của Hồ, sau đó thì những phê bình cũ từ các đảng viên khác về quan điểm quốc gia của Hồ cũng đã được đem ra thảo luận trong giai đoạn 1948-9, nếu không nói là sớm hơn. Cho đến lúc ấy cơ quan thay thế Quốc Tế Cộng Sản là Ban Thông Tin Cộng Sản (Communist Information Bureau viết tắt là Cominform - ND) đang được thành hình và thế giới đang chia ra thành hai khối. Hy vọng về việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho chính phủ vừa thành lập của Hồ Chí Minh đã tiêu tan.

                      Về quan điểm thiên tả trong ĐCS Đông Dương về những đường lối quốc gia của Hồ trong giai đoạn Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai và việc ông giải tán đảng cộng sản vào tháng 11 năm 1945, ta có thể theo bước chân của Trần Ngọc Danh, đại diện của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tại Pháp từ năm 1945 đến 1948 (ông cũng là một học viên từ Moscow và là em trai của Trần Phú). Ông đã thình lình đóng cửa văn phòng đại diện tại Paris vào cuối năm 1948 và bỏ chạy sang Prague.[3] Tại đây ông đã gửi ít nhất hai bức thư đến Moscow. Một trong những bức thư ấy viết rằng:

                      Sau phê bình của Ban Thông Tin Cộng Sản, hiện nay tôi hoàn toàn không đồng ý với đường lối quốc gia và cơ hội mà đảng tôi đang theo đuổi từ khi nó chính thức bị giải tán. Việc giải thể này, đi ngược lại những nguyện vọng đã được đề cập vài lần từ các đồng chí của chúng tôi, đã không thể được thực hiện mà không có sự can thiệp tích cực của đồng chí Hồ Chí Minh, hiện là Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Uy tín của đồng chí Hồ đối với nhân dân Việt Nam thì chắc chắn là rất lớn; họ xem ông như là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống đế quốc và là người khởi xướng chính cho những thành quả dân chủ của chúng tôi. Sự tin tưởng này được củng cố bởi việc những người cộng sản Việt Nam vẫn xem ông là cựu đại diện của Ban Chấp Hành Trung Ương Quốc Tế Cộng Sản; hoặc nói theo kiểu của người Việt, "Ông là người của Quốc Tế". Và chính sách thoái hoá hiện nay đã bắt nguồn từ học thuyết của ông, bắt nguồn từ Hội Nghị Tours năm 1929.[4]

                      Trong một bức thư khác đề ngày 10 tháng 1 năm 1950 gửi đến cho "Đồng Chí Iudin" (người sau khi Zhdanov chết đã trở thành nhà tư tưởng chính trong nhóm thân cận Stalin) Danh đã viết rằng ĐCS Đông Dương đã bị chiếm lĩnh bởi "những thành phần quốc gia, tiểu tư sản", họ "thiếu niềm tin vào lực lượng cách mạng vô sản. Tính cách của Hồ Chí Minh chính là yếu tố quyết định gây chia rẽ. Điều này có nghĩa là nó đủ ảnh hưởng đến chính sách của ĐCS Đông Dương vào năm 1941, tức là vào thời điểm ông trực tiếp bước vào đấu trường chính trị của Đông Dương."[5]

                      Những đối thủ của Hồ Chí Minh - từ thành phần nguyên thuỷ của ĐCS Đông Dương năm 1929 cho đến Trần Ngọc Danh - tất cả đều muốn chứng minh tài lãnh đạo yếu kém của ông bằng cách chỉ ra những "sai lầm" từ tư tưởng của ông. Theo biên niên ký của Trần Ngọc Danh, những sai lầm này bắt đầu từ việc Hồ tiếp thu Luận Cương Về Những Vấn Đề Dân Tộc Và Thuộc Địa mà theo Danh là vào năm 1921 nhưng dường như đến cuối năm 1920 đã trở thành "chuyện đã rồi" (nguyên văn: fait accompli - ND), ngay cả trước Hội Nghị Tours vào tháng 12 1920. Bản thân Quốc càng trở nên cùng nhịp, nếu không nói là theo hẳn đường lối của giai đoạn 1920-7 và đã tận hưởng được một thời kỳ mới từ 1938-47 mà ông được cho là "có tư tưởng đúng đắn", khi phong trào cộng sản do Liên Xô dẫn đầu đã chọn chủ nghĩa cộng sản dân tộc và quyền tự quyết có giới hạn của các đảng thành viên. Nhưng cho đến những năm 1949-50, Stalin đã tái lập việc kiểm soát tư tưởng của mình lên hầu hết phong trào cộng sản thế giới và đã khuyên những người cộng sản Việt Nam nên tìm hướng chỉ đạo từ ĐCS Trung Quốc đang có nhiều thắng lợi. Khi Hồ viếng thăm Moscow vào năm 1950 với tư cách là thành viên của phái đoàn Mao Trạch Đông, Stalin đã tiếp đón ông một cách vô cùng hờ hững.[6]

                      Khi tiểu sử của ông xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1948 (trong một bản viết tay bằng tiếng Hoa), chắc hẳn Hồ đã tìm cách củng cố vị thế chính trị của mình. Cuốn sách nhỏ này đã nhấn mạnh cả tính chất vô sản - cuộc đời thuỷ thủ và lao công - lẫn thành tích lãnh đạo đất nước của ông. Vì thế dường như nó đã được dùng để phục vụ hai chức năng: chiếm lấy tình cảm của người dân trong nước và đồng thời cũng để thuyết phục những thành viên cộng sản còn hoài nghi như Trần Ngọc Danh rằng Hồ là một người vô sản thực sự.

                      Trong khi việc cố gắng vạch đường lối cho những bộ phận cấu thành ĐCS Đông Dương trong năm 1941 hoặc 1948 thì đầy mạo hiểm, ta vẫn có thể thấy rằng những nguồn gốc chống đối quyền lãnh đạo của Hồ đã bắt đầu rất sớm từ phong trào vô sản hoá được hình thành tại Bắc Kỳ vào năm 1928. Trong số những người cầm đầu của nhóm này đến Quảng Đông học tập vào những năm 1920, hầu như tất cả đều đến sau khi Hồ đã chuyển đi Moscow. Vì thế họ đã không có quan hệ cá nhân với Hồ như là đồng hương hoặc học trò của ông. Một trong những khó khăn không giải đáp được trong quá trình nghiên cứu này là việc nhận diện những thế lực nào đã ảnh hưởng đến nhóm người này từ năm 1927 đến 1929. Nhưng những bằng chứng gián tiếp đã cho thấy rõ ràng rằng đã có một mối liên hệ nào đấy giữa thành phần ĐCS Đông Dương tại Bắc Kỳ và Uỷ Ban Nam Dương của ĐCS Trung Quốc từ năm 1928 đến 1930.

                      Dù sao, như ta đã thấy được, một số người Việt được đào tạo tại Moscow cũng đã phản đối đường lối của Hồ. Sau Đại Hội Lần 7 của QTCS vào năm 1935, những nhà tư tưởng trẻ như Hà Huy Tập đã thấy rằng thật khó để hoà giải với liên minh những người quốc gia mà ban đầu Lê Hồng Phong và sau này là Hồ đã chủ trương. Lằn ranh chủ chốt chia rẽ Hồ và những đối thủ của ông, như quá trình nghiên cứu này đã liên tiếp chỉ ra, chính là thái độ của họ đối với mâu thuẫn giai cấp. Khi Hồ bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình tại châu Âu, Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghiệp; giai cấp vô sản chỉ vừa bắt đầu hình thành. Nhưng Hồ lại liệt kê đại đa số thành phần người Việt - những nông dân và học giả nghèo cũng như thành phần lao động thành thị - là những công nhân đang bị chủ nghĩa đế quốc bóc lột. Có lẽ bởi vì Hồ xem Việt Nam như là một khối đồng nhất nên ông đã không có vấn đề gì trong việc hợp tác giai cấp để đánh bại người Pháp. Cho đến những năm 1929-31, đương nhiên là việc ông không nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp đã làm cho ông trở thành một tàn dư lỗi thời của mặt trận thống nhất tại Trung Quốc dưới con mắt của những học viên trẻ từ Moscow.

                      Chúng ta vẫn còn lâu mới có thể đưa ra được đánh giá cuối cùng về những năm tháng cầm quyền của Hồ. Đơn giản là đang có quá ít bằng chứng vững chắc về quá trình soạn thảo những quyết định tại Hà Nội. Nhưng trong những năm tháng được phân tích ở đây, ta không còn nghi ngờ gì về sự tận tâm và khả năng tài tình của một nhân vật đấu tranh vì độc lập, người đã nỗ lực rất nhiều để đưa vấn đề giải phóng thuộc địa ra trước lịch trình chính trị của người Pháp. Từ Hội Nghị Hoà Bình Paris cho đến sự kiện tuyên bố độc lập của ông vào năm 1945, ông đã được thúc đẩy bởi tình yêu nước chân thành và lòng căm thù sâu sắc đối với chủ nghĩa thực dân Pháp. Nhưng ông cũng không phải là một con người cộng sản thần thánh. Ông đã ăn ở với những phụ nữ trong nhiều giai đoạn, thoả hiệp và lũng đoạn những đảng phái quốc gia khác. Ông đã không luôn là người thẳng thắn - trong rất nhiều trường hợp ông đã cho rằng thành thật về lập trường chính trị là một việc dại dột. Lòng tin của ông về chủ nghĩa cộng sản thì khó mà lường được bao sâu - điều duy nhất ta có thể khẳng định là ông đã không coi trọng chủ nghĩa giáo điều. Con đường mà ông đã theo thường được chắt lọc ra từ hàng loạt những lựa chọn bị giới hạn bởi những sự kiện vượt ngoài tầm kiểm soát của ông.

                      Điều trớ trêu là trong những năm 1990, sau khi những đảng cộng sản tại Đông Âu đã bị hất khỏi quyền lực, đảng cộng sản Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí chính thống của mình bằng cách nhận rằng họ đại diện cho "Tư Tưởng Hồ Chí Minh". Một tài liệu xuất bản năm 1995 về Tư Tưởng Hồ Chí Minh của Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh định nghĩa đấy như là một tiến triển mới của học thuyết Marxist-Leninist.[7] Nhưng khẳng định này đã gặp phải một số ý kiến giễu cợt vì rất nhiều người Việt thừa hiểu rằng Hồ Chí Minh đã không để lại bất cứ một học thuyết nào trên giấy tờ. Ông có thể được nhìn nhận một cách công bằng là một chính trị gia và một nhà ngoại giao tài giỏi, một người đã để lại cho đất nước mình một khuôn mẫu về việc xây dựng liên minh và thoả hiệp mà mọi quốc gia đương thời đều đánh giá cao.

                      Bằng chứng từ tài liệu của Moscow lẫn của Pháp đều cho thấy rằng Quốc Tế Cộng Sản đã không hề là một công cụ đắc lực để truyền bá quyền lực của cộng sản mà giới khoa học chính trị và lịch sử thời Chiến Tranh Lạnh muốn chúng ta tin vào. Nó cũng đã không nhất quán trong việc ủng hộ những phong trào chống thuộc địa. Nhưng mối liên hệ mà Hồ đã tạo dựng với Quốc Tế Cộng Sản đã đóng một vai trò chủ đạo trong việc phát triển chủ nghĩa cộng sản cũng như phong trào độc lập quốc gia tại Việt Nam. Quốc Tế Cộng Sản đã cung cấp cho Hồ và những đồng chí của ông phương pháp cũng như tài chánh trong việc đào tạo những cán bộ tổ chức và tuyên truyền; nó đã giúp họ phân tích để hiểu được tình trạng của họ trong tay của người Pháp. Mặc dù sự can thiệp và cố vấn của nó không luôn được chấp nhận, khi còn hoạt động nó vẫn giữ được vị thế trọng tài tối cao trong những tranh chấp chính trị quốc tế, điều này đã giúp đảng cộng sản phần nào giữ vững tính đoàn kết. Nó cũng đã cung cấp nơi nương tựa cho những học viên cộng sản tại Moscow để họ có thể quay về Việt Nam xây dựng lại ĐCS Đông Dương vào những năm đầu 1930. Ngay cả việc Hồ bị đối xử lạnh nhạt tại Moscow từ năm 1934 đến 1938 cũng đã cứu sống ông để tiếp tục chiến đấu. Nhưng nếu cho rằng Hồ Chí Minh và ĐCS Đông Dương chỉ đơn thuần là những sản phẩm của Quốc Tế Cộng Sản thì điều này đã bóp méo sự thật. Họ tồn tại một cách song song trong những phạm vi khác nhau - xã hội truyền thống của Việt Nam, đế chế Pháp, tổ chức Nam Dương và cộng đồng thế giới mà trong những năm 1920 và 1930 đã bị bó gọn bởi những phương tiện thông tin hiện đại, việc phụ thuộc lẫn nhau về giao thông và kinh tế. Chính khả năng có thể chuyển vận giữa những lĩnh vực khác nhau của Hồ Chí Minh cuối cùng đã giúp ông giữ vững được vị thế của mình như là một nhà lãnh đạo thành công nhất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập.

                      HẾT
                      #41
                        lyenson 06.07.2008 11:56:52 (permalink)
                        Lời cuối của dịch giả: Diên Vỹ
                         

                        Thưa các bác, vậy là cuốn sách Hồ Chí Minh: Những năm tháng chưa được biết đến, sau 2 năm vật lộn đã hầu như hoàn tất. Chỉ còn phần chú thích nữa mà tôi sẽ cố gắng hoàn tất nay mai. Trước hết xin chân thành cảm ơn bác Hoài An, người đã có công giới thiệu và chuyển ngữ phần đầu của cuốn sách. Không có bác thì tôi cũng chả biết mà đi tìm đọc. Kế đến xin cảm ơn bác Hồ Gươm, một người với kiến thức dồi dào về lịch sử đảng đã giúp hiệu đính rất nhiều tên tuổi và địa danh được đề cập trong cuốn sách. Và cuối cùng xin cám ơn sự kiên nhẫn và nhiệt tình của các thành viên khác đã khích lệ và cổ vũ công việc chuyển ngữ này.

                        Như bác Hoài An đã nhấn mạnh ngay từ lúc đầu. Chúng tôi bỏ công ra dịch cuốn sách này không ngoài mục đích nào khác là đem sự thật (gần nhất) về cuộc đời của Hồ Chí Minh ra ánh sáng khách quan. Quyền nhận định xin nhường cho người đọc. Tác giả của cuốn sách, bà Sophie Quinn-Judge, đã sử dụng hàng ngàn tài liệu từ Sở Liêm Phóng Pháp và từ tàng thư của Quốc Tế Cộng Sản vừa được bạch hoá. Với cách viết theo thể biên niên ký, tác giả đã rất cẩn trọng, tỉ mỉ và nghiêm túc vạch lại rất chi tiết con đường chính trị của Hồ Chí Minh từ Hội Nghị Hoà Bình Paris năm 1919 cho đến ngày ông về lại biên giới Việt Nam năm 1943. Qua cuốn sách, ta thấy rằng Hồ Chí Minh, không như những sách vở tài liệu của cả hai bên (ủng hộ và chống đối) từ trước đến nay vẫn thường miêu tả, đã không phải là người duy nhất có công/tội truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Từ một thanh niên với lòng yêu nước nồng nàn nhưng giản đơn cho đến khi trở thành người lãnh đạo phong trào cộng sản Việt Nam, ông không hẳn là người có ảnh hưởng nhất trong nội bộ ĐCS cũng như phong trào giải phóng thuộc địa tại Đông Dương. Những hệ quả lịch sử của Việt Nam cho đến giai đoạn ấy và có lẽ về sau này, luôn bị ảnh hưởng bởi những nhân tố và tác động chủ quan và khách quan khác ngoài nhân vật Hồ Chí Minh. Sự khác biệt về ý thức hệ trong cuộc chiến Quốc-Cộng mà vô tình lẫn cố ý, những người của cả hai bên chiến tuyến cùng lúc đã biến ông trở thành một vị thánh sống và một tên đồ tể. Hy vọng cuốn sách sẽ hé mở nhiều chi tiết có giá trị lịch sử cho người đọc để họ hiểu rõ hơn về cuộc đời của Hồ Chí Minh cũng như những tranh chấp quyền lực và hệ tư tưởng trong thành phần lãnh đạo phong trào cộng sản Việt Nam từ khi nó vừa ra đời. Từ đó có được cái nhìn khách quan hơn về nhân vật nổi tiếng này cũng như hiện tình lịch sử của đất nước trong giai đoạn ấy.

                        Tôi hoàn thành bản dịch cuốn sách này với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã đọc được một công trình nghiên cứu đầy tính chuyên nghiệp và khách quan của một học giả tận tâm. Buồn là vì đã gần 40 năm sau ngày Hồ Chí Minh qua đời, các học giả, sử gia người Việt trong và ngoài nước vẫn chưa vượt qua được những ràng buộc chính trị, cảm tính cá nhân hoặc ý thức hệ để có thể cho ra đời một nghiên cứu như thế này mà phải nhờ đến bàn tay và trí óc của người ngoại quốc. Với khả năng ngôn ngữ có hạn, đặc biệt là những địa danh, nhân danh và những từ ngữ chuyên môn, bản dịch chắn chắn còn nhiều khiếm khuyết. Mong những thành viên tiếp tục đóng góp để nó thêm hoàn chỉnh.

                        Một lần nữa xin cảm ơn mọi người. Hẹn gặp lại các bác trong những dự án khác.
                         

                         
                        http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=8991&page=5
                        #42
                          lyenson 05.09.2008 09:31:36 (permalink)
                          Xin gởi thêm bản pdf do bác Huân tqvn2004@ làm, để anh chị em VNTQ dễ dàng tham khảo.
                          Do file nặng nên không up lên thư quán được, đành mượn đường link của X-cafevn vậy! Các bác tqvn2004 và Tinman vui lòng nhé!

                          Hồ Chí Minh - những năm tháng chưa được biết đến (3MB PDF)




                          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/C584E55A88854006A6DCDC0AB72BAFF2.jpg[/image]
                          Attached Image(s)
                          #43
                            lyenson 09.06.2011 12:41:01 (permalink)
                            Cuốn này pot rất lâu rồi, nhưng CtLy quên hay sao mà chưa đưa vào thư viện?
                            #44
                              Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 44 trên tổng số 44 bài trong đề mục
                              Chuyển nhanh đến:

                              Thống kê hiện tại

                              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                              Kiểu:
                              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9