HƯƠNG ÁO-thơ LUÂN TÂM
Thay đổi trang: << < 101112 > >> | Trang 11 của 377 trang, bài viết từ 151 đến 165 trên tổng số 5646 bài trong đề mục
NhàQuê 09.12.2007 09:00:34 (permalink)
0
 

 
 

 
 
 
 
 
150. lòng chị

* Vô cùng thương khóc Chị P.Th.Nghĩa *


Bão tuyết ngăn đường che bóng quê
Sóng gào gió hú nắng ngủ mê
Trôi trong cát bụi thiên thu lạnh
Không biết ra đi hay trở về?

Sét đánh ngang tai? Ác mộng nào?
Chị bỏ em đành đi thực sao?
Không chờ em kịp về thăm chị
Em tưới luống cà chị tưới rau…

Chị ơi! Thân chị quá thảm thương
Ngậm đắng nuốt cay dấu đoạn trường
Chồng con bạc bẽo… Thôi! Xong nợ
Lòng đất lạnh tình nghĩa chao tương!

Xin chị bình yên cõi mênh mông
Không bị sẩy thai không té sông
Chông gai trắc trở vùi dâu bể
Quên thuở đầu thai lỡ… sụp hầm!

Hết lo khói lửa hết đói nghèo
Hái rau xắt chuối nấu tấm heo
Bồng em xách nước mòn xay lúa
Chân le chân vịt mỏi chống chèo!

Kể chi mười sáu với mười ba
Áo lụa phấn hồng của người ta?
Chị như rau đắng sau hè vẫn
Thơm mát canh chua dành Mẹ Ba!

Bầy em nhõng nhẽo quấn chân hoài
Bắp nướng không thèm đòi luộc khoai
Đòi đùa đòi cõng đòi ru võng
Chị chỉ tức mình… có hai tay!

Cơm sôi cháo khét heo đòi ăn
Chạy mưa đậy lúa dẹp áo chăn
Củi đòn củi chẻ vô nhà bếp
Hứng nước đầy lu lạnh cắn răng!

Không xin áo mới không tuổi xuân
Tay chai má nám mắt thâm quầng
Thờ Ba kính Mẹ cưng em dại
Ngày mưa tháng nắng vẫn chân trần!

Mười bảy đơn sơ tóc không thề
Vu qui không pháo áo vẫn quê
Lạy Ba lạy Mẹ, Ông Bà… khóc
Lạnh sóng Hàm Luông đau Bến Tre!

Mẹ khổ quanh năm chị cực hoài
Con hư chồng dữ áo cơm đày
Nửa đường gãy gánh chiều bom đạn
Nhà cháy vào chùa xin cơm chay!

Hè phố lang thang bán cà phê
Nuôi con ăn học khổ trăm bề
Miếng ngon vật lạ dâng Ba Mẹ,
Vẫn áo nâu sồng vẫn hồn quê!

Đổi đời máu nhuộm biển hận thù
Chị khô nước mắt khóc em tù
Thân tàn ma dại xanh rừng núi
Em về chị khóc: “Mẹ còn đâu!” (1)

Nhịn ăn nhịn mặc cho cháu, em
Chị lại còng lưng tóc bạc thêm
Thức khuya dậy sớm đèn leo lét
Dầu đâu còn đủ đến nửa đêm?

Thương em lưu lạc khóc như mưa
Ngất xỉu bên thềm ga tiễn đưa
Em như giẻ rách chị mít ướt
Chanh hết nước rồi khế hết chua!

Nửa vòng trái đất quà thuốc về
Khi nhỏ khi to khi quá…quê!
Chị vui như gặp em trai út
Còn quí hơn vàng ai dám chê?

Vợ bệnh còn thương nhắc quà xuân
Cho chị thuốc thang trả nợ nần
Ngờ đâu chỉ kịp lo chôn cất
Còn tưởng báo lầm… tang người dưng!

Thôi! hết lòng quê hết bóng quê…
Mồ hoang mả lạnh mối trùn chê
Dế mèn dế nhủi thương ru chị
Đêm vắng canh dài trả bến mê!

Em sẽ về như… ốc mượn hồn
Hàng cây vú sữa tím hoàng hôn
Bồng em tóc chị thơm hoa bưởi
Tay cánh chim chiều trốn cô đơn?

Khói lạnh nhang tàn chị về đâu?
Sinh ly tử biệt huyết lệ trào
Bóng qua cửa sổ đâu còn bóng
Xin chị cho em gặp… chiêm bao!

Chị ơi! Lạy chị: xin an bình
Áo Tiên mắt Phật lời chân Kinh
Mây đưa gió đón trăng sao đợi
Hết nợ hết duyên hết vô tình!

Gặp lại Mẹ Ba chắc chị vui
Em gửi kính yêu lạy hai Người
Một ngày biển lặng em thanh thản
Trở lại quê xưa xin chị… cười!

Luân Tâm
MD 07-02-2007

(tức 20 tháng chạp năm Bính Tuất)

1) Lúc tôi vừa bị tù (Không dùng từ này), Mẹ tôi mất nhưng gia đình không cho tôi biết. Khi về tôi mới hay, tưởng như Trời sập!

 
 



<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.12.2007 09:03:34 bởi NhàQuê >
NhàQuê 10.12.2007 07:35:48 (permalink)
0
 
151. nghìn năm

Băng rừng lội suối trèo non
Bóng tan mây rã khói mòn mắt thu
Dìu nhau vào cõi sương mù
Trôi em mộng suối đền bù tái sinh?
Võ vàng xơ xác điêu linh
Vẫn cười đổ quán xiêu đình hơn xưa!
Đói đùa nắng khát tắm mưa
Ru hồn thơm tiếng võng trưa gió chiều
Ngọt ngào lối hẹn dấu yêu
Sông thương biển nhớ cũng liều phù vân?
Hình như nơi ấy đã gần
Hình như quê cũ vẫn thân vẫn hiền?
Nghìn sau em vẫn là tiên
Hương em xóa hết ưu phiền trần gian!
Em như bóng quế trên ngàn
Như bông sen trắng nhụy vàng quê ta
Em đi trên những màu hoa
Tình ca nâng gót thơ tà áo bay
Cùng em giặt áo sông nầy
Cùng em phơi áo trên cây hoa vàng?
Màn trời chiều đất vẫn ngoan
Hai lòng hoà một điệu đàn tri âm
Anh ru em ngủ nghìn năm
Em tan theo ánh trăng rằm ngây thơ!
Em ru anh ngủ mộng mơ
Tình ta vượt thác vượt bờ phù sinh
Nhẹ nhàng thoát xác giữ tình
Dìu nhau vào chốn vô hình vô vi
Bao nhiêu tử biệt sinh ly
Trả cho bể khổ cuốn đi về Trời…
Chiếc hôn tiền sử không rời
Tay nào ôm hết vòng đời… sắc không?

  Luân Tâm

MD 06/29/05
 
 
 


NhàQuê 15.12.2007 17:47:17 (permalink)
0

 
 
HƯƠNG ÁO nghẹn ngào ôm xác hoa

Em như tiên nữ trốn tình ca

Bỏ anh trơ trọi bên trời lạnh

Bóng nhớ điên cuồng dấu yêu ma!
 

 Luân Tâm
 
MD  03-19-2007







 
 
 
 
 

NhàQuê 15.12.2007 18:02:29 (permalink)
0





Tiếp Theo Là Những Tiếng Vọng Sau HƯƠNG ÁO


Cùng Các Vần Thơ Của LUÂN TÂM Chưa Xuất Hiện Trong Đó

 
 
 
 
 
Về Một Người Bạn

Dương Quân



Mỗi khi bạn bè nhắc đến Luân Tâm, tôi đều đinh ninh có vài ý nghĩ chính yếu như sau:

Thứ nhứt: Tôi rất thán phục và ca ngợi Luân Tâm là người gương mẫu giữ tròn được đạo đức truyền thống cao quý Đông phương trong tình nghĩa vợ chồng. Anh Chị là đôi bạn từ thời còn Tiểu học, yêu nhau thời Trung học, Đại học và thành đôi bạn đời sau khi tốt nghiệp. Đôi bạn “đồng sàng đồng điệu” nầy đã cùng nhau chia xẻ biết bao cay đắng ngọt bùi, nghịch cảnh bể dâu, thăng trầm quá dữ dội, nhất là sau thảm họa tháng tư 1975, Luân Tâm bị đọa đày biệt xứ.

Bảy năm trước đây, chị Luân không may bị bệnh stroke rất nặng, đến nay vẫn còn rất yếu phải ngồi xe lăn. Anh Luân Tâm đã phải nghỉ việc, ngày đêm luôn luôn sát bên chị, hết lòng hết sức thương yêu, an ủi chăm sóc tỉ mỉ cho Chị từ viên thuốc, ly nước, bữa ăn... đến những sinh hoạt cá nhân thông thường. Hơn thế nữa, Anh còn làm thơ, không phải để kiếm cho mình chút tiếng tăm gì, không mong góp một chút hương sắc gì vào khu vườn văn nghệ, mà chính là để an ủi, tâm sự, mua vui cho người vợ hiền lý tưởng (nhưng quá bạc phước) của Anh. Thật đúng như câu nói của người xưa:

"Nhứt nhựt phu thê: bá dạ ân,
Bán dạ đồng sàng: chung dạ ái!"

Thứ Hai: Tôi rất thương quý và ngợi khen ba đứa cháu, con của Anh Chị Luân Tâm, gặp nghịch cảnh, gia biến, đã nêu cao tấm lòng hiếu thảo đặc biệt tốt đẹp đối với cha mẹ. Các cháu đã cùng nhau đoàn kết gánh vác mọi việc gia đình để cho Ba có toàn thời gian với Mẹ, lo cho Mẹ được đầy đủ từ năm nầy sang năm khác.

Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, các cháu còn cố gắng phi thường để đạt được những thành quả xuất sắc trong học tập và việc làm, khiến cho Ba Mẹ rất vui, hãnh diện, được an ủi rất nhiều. Tấm gương hiếu thảo và hiền ngoan của các cháu thật là những viên ngọc quý hiếm tuyệt vời khó tìm thấy trong xã hội ngày nay.

Thứ ba: Tôi nghĩ thơ Luân Tâm mang một sắc thái rất riêng biệt với một bút pháp thật độc đáo lạ lùng. Thật vậy, có lẽ bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt và “background” cũng rất đáng kể (Anh tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, Cao Học Hành Chánh, đã giữ chức vụ Giám Đốc Nha Công Tác Nghị Trường, Nha Nghiên Cứu Pháp Chế Thượng Nghị Viện VNCH.) nên Luân Tâm có đủ tư thế tạo được một phong cách riêng biệt để gởi gắm những tâm tình, suy tư của mình trong thơ.

Luân Tâm thường nói lên kỷ niệm tuổi trẻ, thân phận nghiệt ngã trước thời cuộc, thảm trạng đất nước quê hương bằng một lối thơ khác lạ. Rất khó có ai tóm lược được hết những gì tác giả muốn gởi gắm. Có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy trong thơ Luân Tâm dáng dấp của lãng mạn trữ tình, có khi ẩn dụ bay bướm, trừu tượng... nên nhiều bạn bè không thể hiểu hết chủ ý của tác giả, đã gán cho tác giả cái nhãn hiệu “Siêu Thực", hay lập thể theo kiểu tranh Picasso.

Đặc biệt, khi xúc cảm, ý thơ, hồn thơ tuôn trào xuống ngòi bút thì Luân Tâm dám bất chấp mọi ngữ nghĩa thông dụng, gạt bỏ, xáo trộn mọi trật tự thường tình, khuôn mẫu cấu trúc, cú pháp, qui luật văn phạm cổ điển, giáo khoa mà Anh đã từng rèn luyện kỹ lưỡng từ thời Trung học, có chứng chỉ chuyên môn Ngữ Học Việt Nam ở Đại Học Văn Khoa Sàigòn, lại được giáo sư thi sĩ Đông Hồ thương yêu hướng dẫn thêm. Do đó, có nhiều chữ, nhiều từ tuy cũ, “tầm thường", nhưng qua “pháp thuật của tay phù thủy Luân Tâm", chúng đã trở nên sống động, mới mẻ, biết ca múa đẹp lạ lùng, cực tả được những tâm trạng, suy tư, cảnh đời...

Thí dụ:
"Sững sờ cây trả áo xanh,
Trời thương biển nhớ cũng đành... bú tay!”
(Trả Áo Xanh)
Hoặc là:
"Chiều đeo đỉnh núi phù sinh,
Thương ta dứt sữa, đau mình sẩy thai!”
(Phù Sinh)

Bằng một phong thái hết sức nghệ sĩ, phóng khoáng tài hoa, rong chơi trong thế giới chữ nghĩa, Anh chỉ muốn được hoàn toàn tự do viết cho người vợ hiền thân yêu, cho tâm sự của người trai bất đắc chí, cho quê hương đất nước ngửa nghiêng tan nát, xuất phát từ đáy tiềm thức của thế giới kỷ niệm dĩ vãng xa xưa hoặc ức chế của tư duy bi đát hiện tại. Vì thế, thơ Luân Tâm có khi giản dị đáng yêu, có khi lại lạ lùng khó hiểu!

Chúng ta có thể kể vài câu thơ giản dị rất đáng yêu như:
"Chợt nhìn môi rượu đã say,
Gom bao tóc rụng xây đài tương tư!"
(Khóc Trong Mắt Cười)

Hay: “Điệu buồn anh giữ riêng anh,
Điệu vui anh vẫn để dành cho em!"
(Đường Tình)

Hoặc: “Mai kia hai đứa đi rồi,
Còn ai phơi áo trên đồi cỏ non?
Tóc tiên gót đỏ môi son,
Chỉ còn hạt bụi mỏi mòn lãng quên!"
(Chập Chờn)

Mặt khác, cũng có rất nhiều câu, bài thơ khó hiểu như:

"Ngày tàn suối cạn lòng khô,
Phơi đuôi tép bạc vun mồ râu tôm!
Treo buồn giày cỏ mũ rơm,
Đào hang tìm nước vo cơm rửa vàng!"
(Dã Tràng)
Phải chăng tác giả muốn bóng gió, dùng ngôn ngữ và hình ảnh thơ để gián tiếp chỉ một số người của một chế độ sụp đổ (ngày tàn): người thanh liêm thì chỉ “tìm nước vo cơm” vì sinh kế còn những kẻ tham nhũng, cậy quyền cao thế mạnh để bóc lột vơ vét thì “tìm nước rửa vàng"?

Hay là:
"Đi ngang đám lá tối trời,
Bao nhiêu con đỉa no rồi nằm im!
Con nằm ngửa con nằm nghiêng,
Trăm nghìn con nhện giả tiên đợi chờ..."
(Đám Lá Tối Trời)

Ở đây, hình như tác giả muốn ám chỉ bọn thổ phỉ từng đóng chốt đoạn tỉnh lộ “đám lá tối trời” để thu tiền “mãi lộ” người và xe cộ qua đoạn đường đó bằng hành động kẻ cướp. Ngày nay, bọn chúng đã “no nê” như những con đỉa đã hút no máu, đang “nằm ngửa, nằm nghiêng” cùng với những con nhện (tượng trưng cho kẻ ác, lưu manh, độc hiểm) lại tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ” là “tiên” đang mù quáng, ngoan cố lừa bịp và tự dối mình để mơ tưởng đến một thế giới đại đồng phiêu lưu, không tưởng ?

Hơn thế nữa, chúng ta sẽ còn có dịp khám phá nhiều điều kỳ thú trong khu “rừng thơ Siêu Thực” của Luân Tâm. Chúng ta sẽ bất chợt ngạc nhiên bắt gặp nhiều góc cạnh, sắc màu, âm thanh, khuôn mặt rất khác nhau của cá nhân, xã hội, của vật chất và tâm linh biến đổi liên tục, tùy theo sự nhận dạng, chỗ đứng, kinh nghiệm, khuynh hướng tình cảm, hoàn cảnh cá nhân, cách thế suy diễn riêng của từng người đọc. Tác giả sẽ đưa chúng ta đi về những vùng hồi ức rất chập chờn hoặc những thế giới tưởng tượng thật mênh mông bát ngát “mơ như thực, thực như mơ” vô cùng diễm ảo lạ lùng! Thưởng thức thơ Luân Tâm có thể làm cho chúng ta động não, suy nghĩ một chút... nhưng chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng vì công sức đóng góp khám phá của mình.

Thơ Luân Tâm là một sự phối hợp tài tình giữa sự đơn sơ, mộc mạc quê mùa (nhưng rất đẹp như tục ngữ, ca dao) và sự cao sang, đài các, trí thức, giữa cổ điển và hiện đại, giữa thể xác và tâm hồn, giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Hình như chưa có nơi nào hai phạm trù “bóng hình, hình bóng” và “chiêm bao, mộng mơ” được phát triển, thăng hoa tuyệt vời như trong thơ Luân Tâm. Đến đây, tôi bỗng chợt nhớ có lần văn hữu họa sĩ A.C.La.Nguyễn Thế Vĩnh (Canada) đã nhận xét rất đúng: “Thơ Luân Tâm bàng bạc hình ảnh mới lạ, tứ thơ khác thường!". Còn đối với nhà văn, nhà thơ đồng môn Hành Chánh Lâm Thanh (Australia) thì: “Bụng thơ Anh (Luân Tâm) lớn như Biển Hồ Tonlé Sáp . Suối thơ Anh chảy êm đềm nhưng có khi cũng quá dữ dội như dòng sông chín cửa (Cửu Long). Muốn chết ngộp trong dòng thơ khoáng đạt miên man bất tận của Anh".

Thiển nghĩ, có lẽ người vui mừng nhất để đón nhận Thi Tập Hương Áo của Luân Tâm chính là chị Luân người vợ hiền thục khả ái của Anh vì Chị là động cơ chủ yếu để có Tập Thơ nầy. Rất mong chị được thực mạnh khỏe với nụ cười vui tươi mãn nguyện. Độc giả và thân hữu chúng tôi xin chân thành chúc mừng Anh Chị có được “đứa con tinh thần” thêm vào sự nghiệp “ba đứa con rất mực hiền ngoan hiếu thảo” mà Anh Chị hạnh phúc có sẵn bên cạnh từ bấy lâu nay.

DƯƠNG QUÂN

(Quí thu 2006)

 
 
Đường Vào Thơ...

Luân Tâm



Tôi vốn là một kẻ quê mùa, áo nâu chân đất đầu trần, được sinh ra ở một làng quê bé nhỏ hiền hoà cuả một tỉnh khiêm nhường bên bờ Tiền Giang: “xứ dừa” Bến Tre!

Cha mẹ tôi quanh năm suốt tháng chỉ biết quanh quẩn bên khu vườn, thửa ruộng “trông trời, trông đất, trông mây... trông mưa, trông gió...” Vì thế, tuổi ấu thơ của tôi đã được che chở, bao bọc, bồng bềnh nhẹ trôi trên những câu hò điệu hát dân gian ở những buổi cấy gặt, đình đám, hội hè, ở những tiếng ru em thực êm đềm, vời vợi, buồn buồn xa xôi.

Mẹ tôi dạy con toàn bằng tục ngữ, ca dao! Vừa lọt lòng, hằng ngày Mẹ đã cho tôi uống mãi dòng suối trong mát tuyệt vời đó cùng với dòng sữa ngọt ngào, thiêng liêng, hiền dịu nhất của Mẹ. Tôi không còn nhớ rõ từ lúc nào đã thuộc lòng những câu ca dao thực đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng thực đẹp như:

- Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chiụ lời đắng cay!
- Chim quyên xuống đất tha môì,
Thấy em đau khổ, đứng ngồi không yên!

Hay các câu tục ngữ thực thâm thúy:

- Có qua có lại mới toại lòng nhau
- Ăn coi nồi, ngồi coi hướng
- Múa rìu qua mắt thợ
- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài!

Hoặc các câu hát ru em đầy tình nghĩa nhưng cũng ít nhiều u uẩn

đượm buồn:
- Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngóng về quê Mẹ ruột đau chín chiều!
- Thiếp thương phận thiếp còn thơ,
Lấy chồng xa xứ bơ vơ một mình!
- Anh buồn có chốn thở than,
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya!

Còn Ba tôi thì bắt đầu dạy tôi học vỡ lòng lúc gần tròn 5 tuổi. Khi vừa tập đọc, tập viết đựơc khá một chút, ngoài quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” rất hay, rất nổi tiếng của cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, mỗi trưa, mỗi tối, tôi đều phải đọc cho Ba tôi nghe mấy chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, chuyện Giải Buồn của Huỳnh Tịnh Cuả, vài đoạn thơ Lục Vân Tiên, truyện cổ tích viết thành thơ lục bát như Con Tấm Con Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Chàng Nhái Kiểng Tiên... do nhà Phạm Văn Tươi xuất bản. Sau đó đến các bộ Truyện Tàu như Tây Du Ký, Phong Thần, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Nhạc Phi... Qua các truyện tích trong đó, những lúc theo Ba dọn vườn, làm ruộng, thả trâu, cộ rơm, tôi còn được Ba giảng dạy thêm cho nhiều điều hay lẽ phải, luân thường đạo lý thực tiễn ở đời...

Thói quen đọc sách, mê đọc sách đó đeo đẳng tôi suốt đời. Bởi vậy, khi vừa vào ngưỡng cửa Đaị Học Văn Khoa Sàigòn, ân sư Vương Hồng Sển, đồng bệnh mọt sách, thuộc nhiều Truyện Tàu, đã dành cho tôi một cảm tình rất đặc biệt đến nỗi nhiều lần nói công khai: “Nếu mình có con gái thì đã chọn thằng nầy làm rể đông sàng rồi!” (1)

Tôi không làm sao quên được nếp sống đẹp, những sinh hoạt mộc mạc, lành mạnh, hiền hòa, những phong cảnh đơn sơ nhưng muôn màu sắc ở thôn quê như bướm vờn cỏ hoa, ếch nhái hòa nhạc buồn đêm mưa, như bình minh nắng ấm chim ca; trưa hè đưa võng buồn xa ve sầu! Chiều tàn thơ thẩn luà trâu; Cò qua ruộng luá, sáo nâu bay về! Cu kêu, gà gáy mỏi mê; tắm mưa, giỡn bóng trăng quê hữu tình! Mây trôi gió thoảng ru mình; hoàng hôn khói ấm mái tranh mơ màng... Lập lòe đom đóm hiền ngoan; soi đường dế nhủi, soi hang dế mèn...!

Vừa hơn 7 tuổi, tôi đã phải đi học xa nhà, xa Cha Mẹ, lang thang hết gác trọ nấy đến gác trọ khác, vừa ngơ ngác nhìn ánh đèn điện hắt hiu bé nhỏ cuả tỉnh lỵ Bến Tre đến “đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu” rồi chợt bàng hoàng lạc lõng với “đèn Sàigòn ngọn xanh ngọn đỏ"! Cũng trong lúc đó, có một bóng dáng bé bỏng, dịu hiền, ngây thơ, xinh đẹp ở làng kế bên mà lần đầu tiên được gặp gỡ, tôi đã có linh cảm mơ hồ rằng mình không sao học, vui sống được nếu hình bóng quá yêu kiều mong manh đó vụt biến mất, cho dù lúc đó tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu tình cảm đó là gì! Nàng đúng là nàng Tiên dễ thương trong trí tưởng tượng cuả tôi khi đọc các truỵên cổ tích thần tiên và đã thường ghé thăm tôi trong những giấc mơ đầu đời thực trong trắng nhưng cũng thực lãng mạn! Từ đó, Nàng đã lớn dần, tiếp tục học cùng cấp, cùng lớp, cùng trường với tôi từ Tiểu Học đến Đại Học. Nàng chính là hồn thơ, Nàng Thơ xinh đẹp tuyệt vời, người bạn đời đã hẹn từ muôn kiếp, người vợ hiền thục đảm đang, thủy chung, gương mẫu, người cháu ruột (dư!) của Bà Tú Xương còn sót lại mà Trời Phật, Tổ Tiên đã thương dành cho tôi!

Học Trung Học Công Lập Bến Tre đến hết năm đệ tứ (lớp 9 ngày nay) vừa lên 16 tuổi, tôi phải chuyển qua Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho học lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay). Trong năm nầy tôi may mắn được học Việt văn với thi sĩ Thế Viên, tác giả Thi Tập “Người Yêu Tôi Khóc". Ngay đầu năm học nhà thơ đã giới thiệu Thi Tập đầu tay cuả Thầy cho môn sinh. Thi Tập “Người Yêu Tôi Khóc” và phong cách rất nghệ sĩ của Thầy đã gây cho tôi nhiều thích thú. Tôi cảm thấy thi nhân và thơ cũng có vẻ sống thực, gần gũi với mình thêm một chút! Bài “Người Yêu Tôi Khóc", chủ đề của tập thơ, làm tôi rất thán phục! Theo dư luận một số giáo sư và học sinh lớn thì động cơ chính của bài nầy là một hoa khôi nữ sinh con nhà giàu, học cùng một cấp (nhưng khác lớp) với Nàng Tiên của tôi! Tôi còn nhớ được mấy câu:
“Người yêu tôi khóc hôm qua,
Má hồng lệ nhỏ, tay ngà chìm sao!
Tóc trôi mây nước thuở nào,
Đem bao tâm sự mà trao ân tình
Tôi còn gối mộng thư sinh,
Nỗi riêng, riêng nghĩ một mình mà đau...”
(NYTK, Thế Viên)

Trong khi đó, Nàng Thơ học Trường Nữ Trung Học Mỹ Tho (2) đối diện ngay Trường Nguyễn Đình Chiểu của tôi, chỉ cách lòng đại lộ Hùng Vương mà thôi. Dường như Trời Phật cũng thương cảm cho mối tình si vô bờ bến của tôi nên đã cho tôi thêm một cơ hội kỳ thú: năm đệ nhất, chuẩn bị thi Tú Tài II, chúng tôi đều học cùng Ban B (Khoa Học Toán), chung môn Toán Hình Học với một giáo sư rất nổi tiếng là Thầy Trần Văn Ất. Thầy bắt buộc các lớp Đệ Nhất B hai trường trao đổi bài vở cho nhau để có thêm đuợc nhiều bài tập ôn thi. Tôi như trúng số độc đắc, được dịp danh chánh ngôn thuận thường xuyên lân la đến thăm Nàng Thơ ở nhà trọ theo lệnh của vị ân sư quá tốt bụng nầy!

Ngoài công ơn gián tiếp se duyên cho vợ chồng tôi, Thầy Trần Văn Ất còn tác động mạnh mẽ vào tâm hồn lãng mạn, thêm sức sống cho hồn thơ tôi bằng cách giới thiệu tác phẩm “Đời Phi Công” của Nguyễn Xuân Vinh (Lúc đó là Tư Lệnh Không Quân VNCH, người cùng có Bằng Tốt Nghiệp Toán Hình Học Cao Cấp ở Paris như Thầy, gửi tặng). Đây là những bức thư tình thực đẹp, thực trong sáng, thực lãng mạn, có lẽ chưa từng có trong Văn Học Sử Việt Nam mà rất nhiều thanh niên thời đó, các bạn tôi đã dùng gối đầu giường để “ăn cắp, cắt xén” thậm chí “sao y bản chính” để quyến rủ, dỗ ngọt các người đẹp!

Trong “Thi Nhân Việt Nam”, khi nhận xét về nhà thơ Lan Sơn, Hoài Thanh Hoài Chân đã buông một câu ngắn ngủi nhưng thật sâu xa đẹp tuyệt vời như thơ: “một buổi sáng kia, tình yêu đã đến với Lan Sơn và người học trò ấy bỗng thành thi sĩ” (Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh Hoài Chân, Xuân Thu xb, CA/USA, tr. 83). Câu nói đó lần đầu tiên tôi được nghe ân sư Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sàigòn đọc khoảng năm 1962 nhưng hình như nó đã bất chợt lãng đãng gần xa đâu đây trong tôi từ rất lâu khi vừa biết mơ mộng thẩn thờ thao thức vì tà áo trắng học trò quá đơn sơ hiền dịu của Cô Bé Làng Bên, Nàng Thơ bé bỏng của tôi!

Bởi vậy tôi đã viết:
Hò hẹn hay không vẫn đợi chờ
Yêu em anh bỗng biết làm thơ
Xin thời gian giữ nguyên màu má
Để nghĩ rằng em chẳng hững hờ...
(Tình Tứ, L.Tâm)

Tôi thực không biết làm sao có được đầy đủ lời lẽ hay nhất, đẹp nhất, xứng đáng nhất tận đáy lòng để cám ơn Nàng! Giữa hai chúng tôi có một “nhịp cầu tri âm” rất vững chắc, rất đáng tin cậy là Ngô Bá Phước, người bạn thân cùng tuổi tác, cùng lớp, cùng trường, đồng thời lại là em họ của cả hai chúng tôi (Nàng gọi mẹ N.B. Phước bằng dì ruột. Tôi gọi ba N.B.Phước bằng chú họ!) Do đó, tôi đã may mắn có nhiều dịp gặp Nàng ở nhà N.B.Phước, đã từng ở trọ rất gần nhau bên bờ hồ Bến Tre thơ mộng, từng về quê cùng một chuyến xe, một chuyến đò, từng chào hỏi, chuyện trò... bâng quơ! Lúc còn ở Trung Học Công Lập Bến Tre, đôi lần N.B.Phước còn rủ tôi sang lớp “Chị Tư Luân” để mượn tập, mượn sách nữa! Hình bóng quá dịu hiền, đơn sơ, trong trắng, đẹp như tiên nửa thực nửa mơ của Nàng, không biết từ bao giờ, đã nhẹ nhàng đi sâu vào tâm hồn rất mong manh, rất lãng mạn của tôi! Tôi đã thao thức nhiều đêm, đã có những giấc mơ tuyệt vời như Nguyên Sa nói: “....Và nghe em ghé vào giấc mộng.... Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa...” (Tương Tư, Nguyên Sa).

Từ đó, tôi bỗng nhiên biết làm thơ... tình học trò! Rất tiếc số thơ nầy đã thất lạc hết trong khói lửa. Có lần nhân đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn!

Nghĩ đến hoàn cảnh mình, tôi liền bắt chước, nắn nót được hai câu mà chưa bao giờ dám khoe với Nàng Thơ:
Làng Nàng ở cạnh làng tôi,
Cách nhau vườn ruộng mưa rơi nắng buồn!

Tôi thực vô cùng hạnh phúc được tiếp tục học chung với Nàng tại Đại Học Văn Khoa Sàigòn với:
Hè sang phượng đỏ sân trường,
Thay màu áo mới tơ vương gót hồng!
...
Lối vào thư viện thân quen,
Dư hương còn đó êm đềm tiếng ai?
(Thẩn Thờ, L.Tâm)

Những hình bóng, cảnh vật thơ mộng êm đềm của quê tôi, những câu tục ngữ, ca dao, câu hò, điệu hát ru em, truyện cổ tích, Truyện Tàu đã nhập vào huyết quản tôi từ tháng ngày thơ ấu, nay có điều kiện thuận lợi nên đã hòa nhập rất dễ dàng vào khu vườn thơ văn, kinh sử muôn sắc muôn hương với quý vị Khoa Trưởng thực tài hoa, thừa tâm huyết như Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Đăng Thục, quý ân sư nửa cổ nửa kim, nửa thực nửa thơ như Đông Hồ, Nguyễn Văn Trung, Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ, L.M Thanh Lãng, Trần Trọng San, Nguyễn Khắc Kham, Bửu Cầm, Nghiêm Toản, Nguyễn Đình Hoà, Phạm Thị Tự, Trần Quang Thuận, Trần Anh, Vũ Quốc Thông ...v.v...

Trong môi trường đó, tình yêu của chúng tôi cũng được lớn nhanh dù vẫn trong vòng lễ giáo truyền thống của hai gia đình:
"Mười năm chưa được cầm tay,
Đêm đêm mơ tưởng tiếng ai gọi mình...”
(Áo Bay, L.Tâm)

Chúng tôi đã sống trong những tác phẩm văn học nổi tiếng thời cổ điển, tiền chiến, hiện đại, những chuyện tình lãng mạn, những vần thơ, điệu nhạc trữ tình, những ray rứt về hoàn cảnh sống khó khăn của gia đình, về tương lai bấp bênh ảm đạm của bản thân và bè bạn, những đau đớn, dằn vặt kinh hoàng không nguôi của khói lửa chiến tranh càng lúc càng dữ dội ác liệt tàn phá quê hương hiền hoà, đốt cháy tan nát quê Mẹ khốn khổ dấu yêu…không gian an bình nương náu cuối cùng như thu hẹp quá nhanh chóng sững sờ! Nếu không có Nàng, chắc chắn tôi sẽ không có gì cả, thậm chí tôi cũng không còn là tôi nữa! Với Văn Khoa Sàigòn, chúng tôi đã dần đần hiểu rõ thế nào là sự cần thiết trong tình yêu, trong cuộc sống, đã “Nép vào nhau đỡ tủi thân...". Do đó, chúng tôi càng chăm chỉ học hành và đọc sách nhiều hơn nữa. Có lẽ Nàng đọc sách để học thi, để rộng tầm tri thức. Còn tôi thì đọc sách để kể chuyện cho Nàng nghe và cũng vì “thư trung hữu mỹ nử” (trong sách có người đẹp) như cổ nhân đã dạy!

Chỗ trọ thường xuyên của chúng tôi là Thư Viện Đại Học Văn Khoa Sàigòn, Thư Viện Quốc Gia, Tổng Thư Viện, các tiệm sách lớn như Khai Trí, Xuân Thu, các lề đường Lê Lợi, Lê Văn Duyệt, Trần Quý Cáp, các tiệm cho thuê, bán sách cũ... để tìm mua các sách báo cần thiết mà rẻ tiền! Chúng tôi thường thích đi thơ thẩn thả hồn vào bóng mát dịu hiền của Vườn Tao Đàn, Vườn Bách Thảo (Sở Thú), những đoạn đường thơ mộng yên tĩnh Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn, Cương Để, Duy Tân, Trần Quý Cáp, Lê Văn Duyệt... Hình như hầu hết các đề tài chính của những buổi gặp gỡ, hẹn hò rất dễ thương bé nhỏ đó đều là thơ
văn và học hành thi cử mà thôi:
"Cười nói bâng quơ cũng ngọt ngào,
Bao lần ngơ ngác tưởng chiêm bao..."
(Một Chút Son Môi, L.Tâm)

Đó chính là niềm hạnh phúc thực đơn sơ nhưng cũng thực lớn lao đầm ấm tuyệt vời cuả chúng tôi trong thời gian rất dài! Tôi làm sao có thể quên được những phút giây thần tiên hư ảo cuối tuần được gặp Nàng ở phòng khách nhỏ bé của ngôi nhà trọ khiêm nhường, được hân hạnh đọc cho Nàng nghe rồi say mê diễn giải bằng tất cả tâm hồn mình những câu, những bài thơ tình bất hủ cuả Nguyên Sa, Xuân Diệu, Đinh Hùng? Mái tóc nghiêng nghiêng chấm vai, đôi mắt mở thật to như châm chú, thán phục, cho tôi biết bao mơ mộng tuyệt vời làm động cơ chính yếu nhất giúp tôi phấn đấu không mệt mỏi để vượt qua đoạn đường bút nghiên đầy gian khổ, trong điều kiện một thư sinh quá quê mùa, nghèo nàn, lạc lõng! Hết sức cám ơn Nguyên Sa đã gián tiếp buộc chặt thêm sợi tơ hồng cho vợ chồng tôi, đã nói hộ tôi:
"Gặp một bữa anh đã mừng một bữa,
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn,

Em chưa nói đã nghe lừng giai điệu,
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh,
Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt"
(Áo Lụa Hà Đông, Nguyên Sa)

Năm 1967, khi mới vào học Ban Cao Học, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, vừa xuống đến Ba Xuyên (Sóc Trăng) để tập sự, tôi đã vội vàng đánh điện tín về cho Nàng Thơ vỏn vẹn có ba chữ “Anh Trông Lên” (lấy ý đoạn thơ vừa kể trên). Các bạn nữ sinh cùng nhà trọ đã tinh nghịch giành lấy bức điện tín, suốt cả giờ vẫn không tài nào “giải mã” được, cuối cùng đành phải trả
lại, xin Nàng Thơ “bật mí”! Nàng đã chìu các bạn sau khi được đền bù thiệt hại bằng một tiệc chè sâm bổ lượng! Trải qua bao nhiêu binh lửa, tang thương, đến nay Nàng vẫn còn giữ được nguyên vẹn bức điện tín quý báu đặc biệt để làm bằng chứng đánh dấu một giai đoạn cực kỳ lãng mạn, đầm ấm, nồng nàn tuyệt vời của chúng tôi! Chúng tôi chỉ đơn sơ như vậy thôi! Cho nên tôi đã viết:
Anh chẳng biết đàn, chẳng biết ca,
Đọc thơ thiên hạ để làm quà
Cho em những lúc em không giận...
Em cũng mừng vui, cũng thiết tha!
(Liêu Trai, L.Tâm)

Thời gian nầy, có lẽ hồn thơ trong tôi đã được chấp cánh đến tận chín tầng mây xanh! Nhưng hầu như tôi không dám làm thơ. Vì mỗi khi cầm bút lên, mới lựa được một từ, một ý tạm xem là được thì nhận ra đã có người khác viết rồi mà còn hay hơn mình rất nhiều! Tôi giật mình, tự hổ thẹn, cụt hứng!

Phút giây đó cho tôi vô cùng đồng cảm với Lý Bạch khi Ông đến viếng Hoàng Hạc Lâu định đề thơ kỷ niệm, chợt trông thấy đã có bài thơ bất hủ của Thôi Hiệu rồi: Lý thi tiên cũng đành mang bút đi tìm chỗ khác thôi!

Thực ra, thỉnh thoảng khi có nhiều xúc cảm vui buồn nơi gác trọ nửa khuya, tôi cũng có làm ít bài ghi vào nhật ký riêng mà cho đến khi cưới nhau rồi vẫn còn chưa dám khoe với Nàng Thơ hiền ngoan của mình! Ngày 6-9-1964, nhân một hiểu lầm nho nhỏ, tôi đã “lén giận” Nàng, nên có mấy dòng thơ... thất tình:
Nghìn năm đất lạnh ra đi,
Con tàu vĩnh biệt không ghi lối về!

Hay là lo sợ, dặn dò, năn nỉ:
Đừng mộng ngoài vòng tình yêu anh,
Màu má màu môi nhớ để dành,
Đêm đông đừng ngủ quên... cười đẹp
Mà ở trong lòng em vắng anh!

Có bốn câu tôi đã làm vì xúc động thấy Nàng Thơ mang đôi bao tay màu xám của tôi tặng nhân dịp Nàng mới mua chiếc Vélo Solex. Tôi đã ghi vào trang đầu quyển Luận Văn Tốt Nghiệp Cao Học Hành Chánh:
Ngày không gặp dài như thân áo mới,
Vướng guốc nhung làm tội gót chân hồng,
Gants tay xám như muà thu đứng đợi,
Những chiều mưa đi học lạnh đau lòng! (3)

Năm 1970, khi thành hôn xong, thỉnh thoảng vợ tôi hay nhắc tôi thử làm thơ, viết văn nhưng vì sinh kế, phải lo lắng phụ giúp gia đình Cha Mẹ, anh chị em hai bên mà sinh hoạt đang gặp quá nhiều khó khăn bởi chiến tranh càng lúc càng ác liệt khắp thôn quê, phải tản cư sống vất vưởng nơi vùng ngoại ô Bến Tre. Tâm hồn tôi trở nên bất an, mệt mỏi không làm được bài nào xem ra hồn. Sau biến cố tháng 4, 1975, bị đày đọa khổ sai biệt xứ trong ngục tù bạo quyền, trong điều kiện vô cùng nghiệt ngã dở sống, dở chết, tôi không thể và cũng không còn đủ sức để thơ thẩn gì nữa! Tuy vậy, trong những đêm dài “lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da” (Cung Oán Ngâm Khúc), co rút trong tấm chăn rách nát vừa chiến đấu ác liệt với lũ rận rệp cũng quá đói rét như mình, vừa tìm mọi cách chống chọi với luồng gió mùa Đông Bắc lạnh quái ác vô tình, không tài nào chợp mắt được, hình ảnh vợ yếu con thơ vẫn là những liều thuốc tiên nhiệm mầu nhất để giúp tôi hy vọng, phấn đấu sống còn! Tôi phải “lặng lẽ, lén lúc, âm thầm” ghi lại chút xúc cảm thực đau xót:
...
Vẫn thiếu anh mà vẫn có anh,
Áo nào con đắp suốt năm canh?
Trong từng giây phút, từng câu nói,
Em dạy cho con sống thơm lành!

Con nói ngây thơ: em cũng vui,
Mà lòng thương nhớ anh không nguôi,
Trong con cũng có anh âu yếm,
Em vẫn thương yêu nhứt tiếng cười!
(Nguồn Sống, 04-05-78 L.Tâm)

Đó cũng chỉ là một cơn mơ bé nhỏ mong manh nổi trôi trong một góc trời cổ tích thanh bình của kiếp nào xa xôi mơ hồ mà thôi! Trong khi thực tế, vợ con tôi đang dần dần chết khô chết héo nơi điạ ngục trần gian:
Vợ con còn chút da bọc xương,
Bữa cháo, bữa rau, muối pha tương,
Còng lưng cày cuốc trồng khoai sắn,
Tóc cháy, da sần, áo gió sương!
(Tủi Thân, L.Tâm)

Đến khi được ra khỏi nhà tù nhỏ thì lại bị rơi vào cái nhà tù khổng lồ khác với đủ loại rình rập, khủng bố, đe dọa, kỳ thị, cô lập tinh vi, tàn bạo nhất. Cũng như đa số bạn bè, các đồng bào sa cơ thất thế, tôi chỉ còn như một hồn ma bóng quế dật dờ:
Ta như ma đói, như lục bình,
Trôi nổi dật dờ chết lặng thinh,
Con ong, con kiến còn lên mặt,
Giả điếc, giả câm dấu bất bình!
(Tủi Thân, L.Tâm)

Do đó, chỉ còn biết:
Van nợ lắm khi trào nước mắt,
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi"
(Tú Xương)

Trong hoàn cảnh đó, hồn người cũng không còn nói chi hồn thơ! Đến cuối năm 1994, lúc mới sang định cư tại Hoa Kỳ, giống như con cá đang sống ở sông hồ nước ngọt bị quăng vào biển nước mặn, tôi thực bàng hoàng lo sợ cho tương lai của vợ con mình hơn là vui mừng vì được tự do:
Xứ người lạ cỏ, lạ cây,
Lạ ăn lạ uống, đêm ngày trở trăn!
Ta như hạt cát sông Hằng,
Mênh mông trong đục cũng bằng sắc, không!
Trong vòng trời đất mênh mông,
Đất lành chim đậu mà lòng chưa yên!
Cũng may còn có vợ hiền,
Ba con hiếu thảo, tạm quên lưu đày!
(Đường Trần, L.Tâm)

Với thời gian, những xúc cảm, chơi vơi hụt hẫng đau xót cho thân phận bọt bèo, nỗi nhớ thương quê hương làng xóm, mồ mả Cha Mẹ, Tổ Tiên cũng trở lại vị trí cân bằng, bão hòa. Rồi niềm hy vọng cho tương lai các con, chút không khí an bình tự do, chút tình người ấm áp của mảnh đất lành nầy... dần dần làm tôi cảm thấy được phần nào yên ổn trong tâm hồn vốn “rất thảo mộc", rất yếu đuối, quê mùa cuả mình! Từ đó, thi hứng lại len lén thức dậy nhẹ nhàng, êm ái trong tôi! Những ngày sáng chiều lang thang đón đợi xe bus đi, về, làm một công việc tuy tầm thường nhưng tương đối nhàn hạ vừa với tuổi già sức yếu, tôi lại bắt đầu gắn bó với thơ và cũng không khỏi ngậm ngùi cho thân phận nổi trôi của mình.
Lỡ quan, lỡ thợ, lỡ thầy,
Mưa hay lệ tiếc hình hài sắc, không?
(Lẻ Loi, L.Tâm)

Những bài thơ đầu tiên trong kiếp tha hương, tôi chỉ dám khoe với Nàng Tiên (mắc đọa), các con hiếu ngoan của mỉnh và người bạn hiền tri kỷ tri âm Nguyễn Điền Thạnh đang nghìn trùng xa cách ở Việt Nam mà thôi! Đầu xuân 1999, vừa dọn vào ngôi nhà mới có sân cỏ non phía trước, phiá sau, hoa anh đào nở rộ khoe duyên thực đẹp, thực mong manh, hiền dịu, đầm ấm, thanh cao dễ thương vô cùng, theo yêu cầu của con gái út Minh Thư, tôi đã “khai bút” bài “Vẫn là Thơ":
Mua nhà nào dám đòi hoa,
Trời thương: đào mọc trước nhà, sau sân!
Ngày vui hoa nở mừng xuân,
Nhớ chàng Từ Thức hai lần tìm tiên!
Biết đâu nợ, biết đâu duyên?
Mình nay lạc lối đào nguyên ai ngờ?
Tha hương: đời vẫn là thơ,
Đất lành chim đậu, hoa chờ đợi ta!

Nàng Thơ và ba con đều thích thú, khen lấy, khen để: thực đúng là “chồng hát vợ vỗ tay, cha hát con khen hay!"

Được trớn, lúc rảnh rang, tôi thường nắn nót thêm một số bài nữa. Mỗi ngày đi làm về, trong bữa cơm tối, có bài nào, câu nào mới, tôi đều đọc cho vợ con nghe để xin phê bình, góp ý. Vợ tôi vui lắm, thường chọn cho tôi nhiều chữ rất hay, đẹp, có khi còn cho bài thơ một cái tựa rất thích hợp, rất lãng mạn nữa! Những lúc đó lòng tôi vô cùng xúc động hạnh phúc, ấm áp tuyệt vời! Khi tôi đọc bài “Phong Trần” đến đoạn:
"...Thì thôi...hết mộng hết mơ,
Hết cơm, hết gạo, dật dờ nổi trôi!
Tiếng cu vẫn gáy bồi hồi,
Khu rừng Long Khánh một thời gác cu:
Thương con chim nhỏ hiền từ,
Tiếng kêu, tiếng gáy ngỡ như thanh bình!
Nước trong, mây trắng, trời xanh
Cũng không ngăn được chiến tranh, hận thù!
Xuân nào trời đất âm u,
Núi xương, sông máu, tội tù khổ dân ..."

thì Nàng Thơ vội ngắt ngang bằng một tràng pháo tay giòn giả, rồi thỏ thẻ rót vào tai tôi: “Trời ơi! Anh làm thơ ngày càng hay quá, em thích quá... anh cố gắng nữa đi để dành lại chút quà kỷ niệm cho con cháu, người thân, bạn bè...” Tôi phồng cả mũi tưởng có thể bị vỡ tung ra được! Làm sao tôi có thể dám trái cái “lệnh” quá êm ái, quá tình tứ dễ thương đó? Nhưng thời gian nầy, tôi cũng chưa có được bao nhiêu bài đáng nhớ!

Cuộc sống đang êm đềm thơ mộng, bỗng một tai họa thực khủng khiếp xảy ra cho gia đình tôi đúng ngày 11-09-1999, một năm trước vụ khủng bố New York và Ngũ Giác Đài Mỹ. Vợ tôi bị tai biến mạch máu não rất nặng tưởng không thể nào qua khỏi được! Tôi như chết chửa chôn. Các con tôi như ma đói, như lục bình thực sự rồi!

Ngày xưa, Ông Hàn Dũ, một nhà phê bình rất nổi tiếng đời nhà Đường bên Trung Hoa, có nói: “Vật bất đắc kỳ bình tắc minh” ! Cũng vì thế, trong lời tựa nguyên bản chữ Hán truyện ngắn Kim Vân Kiều, tác giả Từ Văn Trường (4) đã viết một câu bất hủ nói lên nỗi bi phẩn tột cùng của mình để giải thích lý do khiến ông phải ghi chép lại câu chuyện thực quá thương tâm nầy:
"Thúy Kiều dĩ tử, Thanh Đằng lão,
Hận hải mang mang, hựu nhất thanh!"
(Thúy Kiều đã chết rồi, Thanh Đằng quá già yếu,
Bể hận quá mênh mông nên phải kêu to lên một tiếng!)

Phải chăng cả hai câu trên đều nói lên, phản ảnh được cái tâm trạng tôi, cái hồn thơ quá bi thảm của tôi thời gian từ khi vợ tôi, gia đình tôi bị lâm vào hoàn cảnh hết sức khốn đốn, dở sống dở chết nơi xứ lạ quê người tứ cố vô thân? Cho đến nay dù được chạy chữa tận tình, chồng con hết lòng hết sức chăm sóc bằng sự hiếu thảo, tình nghĩa mà nhiều người quen biết còn tưởng là chỉ có trong các truyện cổ tích, đời xưa thôi, vợ tôi vẫn phải ngồi xe lăn, nói năng rất ít, rất khó, trí nhớ bị mất rất nhiều, không thể tự chủ sinh hoạt tối thiểu được. Khi ở bệnh viện, nursing home về, vợ tôi vẫn còn mang hai ống nhựa ở cổ và bụng! Hơn năm sau vẫn còn lửng đửng, lờ đờ, nửa tỉnh nửa mê! Tôi còn tệ hơn gà trống nuôi con! Cha con tôi đã tìm đủ mọi cách đánh thức cái trí óc thực thông minh, sáng suốt, cái giọng nói thực ngọt ngào, dịu dàng như chim hót đó, cái nụ cười thực ngây thơ, duyên dáng, thực tình tứ, thực như tiên đó... nhưng tất cả hầu như đều hoài công, tuyệt vọng! Cho đến một hôm, tình cờ tôi đọc cho Nàng nghe mấy câu trong bài “Tương Tư” của Nguyên Sa:
"Có phải em mang trên áo bay,
Hai phần gió thổi một phần mây,
Hay là em gói mây trong áo,
Rồi thở cho làn áo trắng bay?"

Bỗng nhiên, như một phép lạ, Nàng Thơ quá mong manh khô héo, xác xơ cuả tôi đã bật cười thành tiếng thực vui, thực tuyệt vời như những ngày xưa lúc “Dù thương hôn tóc, khăn lau má... Ấm cả bàn chân, ấm cả tay...” (Làm Tiên, L.Tâm). Cha con tôi vội ôm chầm lấy Nàng mà khóc nức nở vì niềm vui quá lớn đến bất ngờ! Con gái út Minh Thư liền nói “Ngày xưa Ba Mẹ đã học chung Văn Khoa, câu chuyện giữa hai người đều toàn văn thơ, nhứt là thơ Nguyên Sa, làm sao Mẹ có thể quên hết được. Vậy, từ nay, Ba nên ráng đọc những bài thơ mà Ba đã từng đọc cho Mẹ nghe và Mẹ thích nhất, chắc chắn Mẹ sẽ vui hồi phục được!”. Tôi rất đồng ý với đứa con cưng hiếu thảo, rất mực thông minh nầy. Do đó, khi được ru trong những bài thơ tình đầy kỷ niệm ngọt ngào cuả hai đứa thời cùng trường, cùng lớp, cùng sách, vợ tôi dần dần được thuyên giảm một phần, trí óc có khá hơn đôi chút. Một hôm Minh Thư lại thỏ thẻ “ Ba đọc thơ Nguyên Sa, Xuân Diệu, Đinh Hùng cho Mẹ nghe đã có hiệu quả tốt rồi. Nhưng con nghĩ nếu chính Ba làm thơ nhắc lại những kỷ niệm hoa mộng êm đẹp của Ba Mẹ, an ủi Mẹ, thế nào Mẹ cũng thích và vui nhiều hơn nữa."

Tôi rất cảm động khen ngợi suy nghĩ hợp lý, chu đáo của con nhưng rồi lại hẹn lần hẹn hồi mãi vì quá bận rộn: vừa lo chăm sóc vợ bệnh vừa phải lo quán xuyến nhà cửa cơm nước cho các con nhỏ suốt ngày đi học, đi làm rất vất vả.

Một chiều cuối tuần, trong lúc Minh Thư cho Mẹ ăn cơm, tôi đọc 4 câu thơ:
"Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu,
Đợi gió xuân về để lả lơi,
Hoa lá ngây tình không muốn động,
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!”
(Hàn Mặc Tử)

Minh Thư rất ngạc nhiên vì cháu chưa hề nghe qua. Tôi phải giải thích, kể sơ tiểu sử Hàn Mặc Tử cho con biết. Minh Thư lại khuyến khích tôi làm thơ: “So với Hàn Mặc Tử, Ba còn đỡ khổ hơn nhiều. Ba nên cố làm thơ cho Mẹ vui, để dạy con học tiếng Việt, để Ba có chỗ giải trí... Con thường nghe người ta nói rằng khi một người không còn hy vọng gì, thú vui gì cả thì không thể sống được! Nay Ba đã bỏ hết rượu, thuốc lá, bia, cà phê, trà, bỏ cả tiếng cười rất giòn, rất hào sãng cuả Ba rồi... Ba phải làm thơ để bù vào chỗ trống đó, nếu không, con sợ lắm! “ Nghe những lời con trẻ rót vào lòng, tôi không cầm được nước mắt! Vợ tôi khóc theo! Từ đó, mỗi cuối tuần, ngày lễ, Minh Thư đều quanh quẩn ở nhà, dành hết mọi việc chăm sóc Mẹ, nấu nướng để Ba rảnh rang làm thơ! Cháu còn lo đánh máy sạch bản thảo, email gửi bài liên lạc với các bạn thơ của tôi nữa. Anh Chị cháu cũng tích cực phụ lo hết mọi việc trong ngoài. Tôi rất vui, rất yên tâm. Do vậy mới có được một số thơ Luân Tâm!

Thế nhưng Luân Tâm là gì? Xin thưa: Luân là tên của vợ tôi (Bùi Thị Luân). Tâm là lòng. Cả hai chúng tôi có chung một tâm hồn, một tấm lòng. Do đó thơ tôi cũng chính là tâm hồn của Nàng dành cho tôi và các con, là tình yêu thương vô bờ bến của tôi dành cho Nàng, Nàng Tiên mãi mãi đẹp tuyệt vời, người vợ
hiền “vượng phu ích tử” mà nhiều lần tôi đã phải ngạc nghiên tự hỏi:
Tu bao nhiêu kiếp anh mới được,
Thơ thẩn cùng em kể chuyện lòng ?
(Một Chút Son Môi, L.Tâm)

Tôi đã nghẹn ngào, âu yếm van xin:
Em ơi! Em vẫn là tiên nữ,
Đừng bỏ anh đi lạnh một mình!
(Tình Tứ, L.Tâm)

Chữ Tâm cũng là tên mà ân sư Thi Sĩ Đông Hồ đã đặt cho tôi khi mới vào Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Thấy tôi quê mùa, hiền lành nhưng rất chăm học, Thầy rất thương quý, nói rằng tên Tám có vẻ không được thanh nhã! Thầy chỉ thêm cho một nét dấu nhỏ thành ra chữ Tâm. Văn Tâm là tấm lòng trong sáng “rất thích hợp với nhân cách của con mà cũng đẹp lắm!”... Thực ngậm ngùi... “Đời người như kiếp phù du... sớm còn tối mất, công phu lỡ làng!” (Ca Dao). Mới ngày nào... có những buổi chiều nhạt nắng, Thầy Đông Hồ ân cần tiếp tôi tại ngôi biệt thự yên tĩnh ở ngoại ô Gia Định, nơi chiếc ghế trường kỷ cổ kính, bên cạnh búp trầm hương hình trái núi khói tỏa nhè nhẹ thơm ngát mơ màng, nửa thực nửa tiên! Giọng nói của Thầy như thơ, nét chữ rồng bay phượng múa trôi nhẹ bồng bềnh trên tờ giấy đỏ để phút chốc đã thành đôi câu đối thực trang nhã, thâm thúy, hoặc trên các tờ giấy trắng muốt để hóa ra các bức “thư họa” độc đáo tuyệt vời, có điểm thêm ít cành mai, cành đào hay phong lan mềm mại, cao sang, thoát tục!

Xin phép được nói thêm: trong hoàn cảnh bi đát quá ngặt nghèo của riêng mình, từ khi vợ tôi lâm bạo bệnh, tôi đã cắt đứt hết mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, cố dành chút hơi tàn sức kiệt để có thể toàn tâm toàn ý lo chăm sóc Nàng và thay Nàng nuôi dạy

ba con thơ. Nhiều khi có chuyện buồn khổ xảy ra cho gia đình, các người thân yêu ruột thịt, bạn thiết xa gần, tôi đều phải đành giấu kín riêng trong lòng, sợ vợ tôi hay biết có hại cho bệnh tình “Điệu buồn anh giữa riêng anh... Điệu vui anh vẫn để dành cho em!” (L.Tâm). Nhìn trước, nhìn sau, không ai có thể chia xẻ, tâm sự những xót đau, bi phẩn vô bờ bến ! Do đó, tôi càng có nhu cầu bức thiết đến với Thơ như một cách thế, một nơi chốn để giải tỏa bớt những suy tư, tình cảm đang oằn oại không lối thoát, một cách tự an ủi, tự kể lể hàn huyên với đôi chút ước mơ thực bé nhỏ mong manh...

Mỗi khi làm thơ, đọc lại thơ mình, tôi luôn luôn tự thấy hổ thẹn vì còn quá non kém, không bao giờ dám tự hài lòng! Tôi vẫn tự biết mình đã quá quê mùa, hủ lậu, “ếch ngồi đáy giếng” nên lại càng thêm phân vân, e ngại! Tôi thường hay giật mình lo sợ nhớ lời dạy của cụ Tú Xương: “Văn chương nào phải là đơn thuốc(?)... Chớ có khuyên xằng: chết bỏ bu!".

Chính vì thế, các bài thơ vì thương vợ, thương con, thương Cha Mẹ, bè bạn, làng quê, kỷ niệm vui buồn, thương thân tủi phận mình mà hình thành được, tôi chỉ dám đọc cho vợ con nghe mà thôi! Mãi cho đến năm 2005, bệnh tình của vợ tôi có vẻ đỡ hơn được đôi chút, các con tương đối trưởng thành hơn phần nào, tôi đã gửi ít bài cho anh Lê Văn Bỉnh đăng vào Tạp Chí Hành Chánh Miền Đông của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông Hoa Kỳ. Kế đó, quý anh Lê Văn Bỉnh, Dương Quân, Nguyễn Ngọc Liên đã rủ tôi tham gia vào “Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh “ (5) . Cũng trong thời gian nầy, anh Dương Quân, vì mối đồng cảm sâu xa, tình đồng môn tốt đẹp đã giới thiệu thơ tôi lên website Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh ĐS14. Từ đó, tôi được quen thêm một số đồng môn bạn văn thơ rất quý đã tích cực an ủi, nâng đỡ, khuyến khích tôi như quý anh Vũ Công Hùng (Mao Tôn Hùng Vũ, Webmaster website ĐS14) Lan Đàm, Trần Kiêu Bạc, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Bửu Thoại & Ngọc Sương, Phạm Thành Châu, Trương Thúy Hậu, Nguyễn Thế Vĩnh, Nguyễn Trọng Đạt, Nguyễn Phụng, Lâm Thanh (Lâm Thành Hổ), Nguyên Trần (Nguyễn Tấn Phát), Trần Bạch Thu, Hoàng Hoa, Lãm Thuý, Như Thương...v.v... Những ân tình đó tôi không bao giờ dám lãng quên.

Đặc biệt, tôi còn may mắn được quen thân một bạn láng giềng rất tốt bụng, hiền hoà, nho nhã, một bực thầy là thi họa sĩ Vũ Hối. Anh đã tốn nhiều công sức, thì giờ quý báu để hướng dẫn, vẽ tranh bìa, thư họa phụ bản, cảm đề thơ & thư họa tặng cho Thi Tập. Nếu không có sự giúp đỡ vô cùng quý báu đó, chắc chắn tôi không thể nào khai sanh được đứa con tinh thần đầu lòng của mình!

Rốt cuộc tôi cũng đã vượt qua được rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan... Sau thời gian ngại ngùng, đắn đo, ray rứt, nhìn bóng chiều tàn mùa đông đất khách quê người, không khỏi xót xa ngậm ngùi... vì tấm lòng ưu ái của vợ con, thân hữu xa gần, tôi đành thử liều “ăn gan hùm, uống mật gấu” gom góp, chọn lọc một số thơ có vẻ ít thô thiển nông cạn nhất, sửa chữa, sắp xếp tạm thành “Hương Áo” như chút kỷ niệm, chút quà mọn cho người thân và bạn thiết... thế thôi! Nếu may mắn có thêm được độc giả nào, vì yêu tiếng mẹ đẻ, không nỡ chê bai, thương để mắt xanh đến, thì thực là “tam sinh hữu hạnh” cho tôi vậy!

Cuối cùng, xin cho phép tôi được gởi lời cám ơn chân thành nhất, trân trọng nhất đến tất cả quý độc giả đã chịu khó dành chút thì giờ quí báu để thăm viếng khu vườn thơ mong manh, nghèo nàn, bé nhỏ, quê mùa và rộng lượng có chút đồng cảm với những mảnh hồn tuy vụn vặt, non nớt nhưng rất chân thành của tôi!

Maryland ngày 19 tháng 11, năm 2006.

Thân kính,

LUÂN TÂM



Ghi Chú
:

1) Câu nầy có ghi trong bài tựa quyền “Hồi Ký Năm Mươi Năm Mê Hát” của Thầy Vương Hồng Sển.
2) Sau đổi tên là Trường Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho.
3) Phan Văn Tám, “Thẩm Quyên Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam", Luận Văn Tốt Nghiệp Ban Cao Học Khóa 3 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sàigòn, 1969.
4) Từ Văn Trường còn có bút hiệu khác là Thanh Tâm Tài Nhân, Thanh Đằng. Ông là người tình cũ ở ngoài đời thật của Thúy Kiều. Ông vô tình (không rõ gian kế) giúp Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến, xúi giục Thuý Kiều thuyết phục Từ Hải chịu qui hàng, bị chết thảm thương! Ông thực sự muốn giúp Thúy Kiều có được cuộc sống yên ổn lâu dài mà hóa ra haị nàng! Về sau Ông quá phẩn uất, quá đau khổ phát cuồng: tự chọc thủng tai, làm mù mắt mình! (Theo Giảng Văn “Nguồn Gốc Truyện Kiều” của Giáo Sư Bửu Cầm, Đại Học Văn Khoa Sàigòn 1962).
5) Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh, Hoài Bảo Quê Hương xb, California, USA 2005.




 
 
NhàQuê 15.12.2007 18:17:32 (permalink)
0
 
Luân Tâm: Cõi riêng, Siêu thực, Ngậm ngùi

Nguyễn Bửu Thoại


Cũng như hầu hết mọi nhà thơ khác, thơ Luân Tâm cũng có vần, có điệu, có đối, có tựa bài, có chủ đề.... Nhưng, có nhiều bài thơ của Luân Tâm, khi đọc xong người đọc thấy không... có gì cả! “Không có gì cả” bởi vì thơ Luân Tâm đa phần là siêu thực, siêu thực trong “cõi riêng ngậm ngùi”.

Thông thường một người đọc, đọc một tác phẩm văn xuôi hay văn vần, người ta thưởng thức tác phẩm trước, thấy “được” mới tò mò tìm hiểu về tác giả sau, tôi cũng không ngoại lệ.... Nhưng với Luân Tâm thì hoàn toàn ngoại... lệ: tôi động tính hiếu kỳ tìm đọc thử thơ anh sau khi nghe nhà thơ Dương Quân kể về “cuộc đời và sự nghiệp” khá khác thường của anh.

Luân Tâm Phan Văn Tám có rất nhiều cái khác thường nhưng ba cái khác thường nổi bật nhất khiến người ta ngưỡng mộ là:

- “Chuyện tình một đời” của Phan Văn Tám - Bùi Thị Luân là một chuyện tình hi hữu: quen nhau lúc học Tiểu Học, yêu nhau ở Trung Học, Đại Học và cưới nhau sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định. Tuần tự, hợp thời gian tính, nghĩa tình, chung thủy... là những từ ngữ dễ thương để nói về chuyện tình nầy.

- Phan Văn Tám tốt nghiệp Văn Khoa nhưng lại chọn thi vào Cao Học Hành Chánh, một điều mà ít có dân Văn Khoa nào muốn và dám “thử”. Đó là cái nghịch lý thứ hai.

- Ở thời đại ngày nay, thời đại mà một ông già bảy mươi mốt có thể về Việt Nam lấy được cô vợ mười bảy tuổi thì Phan Văn Tám, lúc chưa đầy sáu mươi đã ròng rã tám năm trời “chay tịnh” đẩy xe lăn nuôi người vợ tào khang tấm mẳn ngọa binh ngặt nghèo ở tuổi về chiều.... Đây là cái khác thường thứ ba của Luân Tâm và cũng là cái khác thường đáng ngưỡng mộ nhất!

Trong nỗi xúc động tột cùng của cuộc đời nghiệt ngã, của con tim rời rã đau thương, Luân Tâm đã nhả ra những vần thơ rướm máu: thơ tình cho cõi riêng. “Cõi riêng” của Luân Tâm là một cõi riêng đặc biệt: không ích kỷ cho riêng mình và người tình mà là cõi riêng chia sẻ! Cõi riêng chia sẻ mới nghe như là một nghịch lý.

Vâng, thơ Luân Tâm là một chuỗi dẫy đầy nghịch lý cũng như cuộc đời của anh là một cuộc đời được kết thành bởi những nghịch lý, nhìn theo đời thường.

Đã đọc Truyện Kiều chắc ai trong chúng ta cũng không quên cụ Tiên Điền tả nỗi buồn của Kiều lúc ở lầu Ngưng Bích bằng bốn cặp lục bát
mỗi cặp đều khởi đầu bằng điệp tự "buồn trông":

buồn trông cửa bể chiều hôm
thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
buồn trông mặt nước mới sa
hoa trôi man mác biết là về đâu
buồn trông ngọn cỏ dàu dàu
chân mây mặt nước một màu xanh xanh
buồn trông gió cuốn mặt duềnh
ầm ầm tiếng sóng bao quanh ghế ngồi
(Kiều, Nguyễn Du)

Trong tám câu thơ nầy, chủ từ của “buồn trông” tuy hoàn toàn ẩn thể nhưng ai cũng biết là nàng Kiều và do đó người ta không thể đem từ nào trong câu thay thế hay đảo ngược về trước để làm thành chủ từ được. Nhưng, chúng ta thử đọc:

trôi mưa phố lỗi hẹn hò
trôi buồn sông nhớ bóng đò thương dư
trôi em nắng hạ vàng thu
trôi ta đen đỏ bạn thù lưỡng nan!
(Gió Cát Sương Mù, Luân Tâm)

Điệp tự trôi cũng được lập lại đúng bốn lần.

Chủ từ của động từ trôi nầy không ai biết là ai, là gì, và nằm chỗ nào... Cả bốn câu thơ trên cũng không ai hiểu rõ nghĩa tác giả muốn nói gì, dù là nghĩa trắng hay nghĩa đen. “Siêu thực” mà!

Nhưng...! Nếu ta đảo ngược chữ thứ nhì trong mỗi câu để làm thành chủ từ của động từ "trôi", chúng ta sẽ thấy bốn câu thơ trên biến thể, biến nghĩa một cách thú vị:

mưa trôi phố lỗi hẹn hò
buồn trôi sông nhớ bóng đò thương dư
em trôi nắng hạ vàng thu
ta trôi đen đỏ bạn thù lưỡng nan!

Tôi không hề dám và không có ý so sánh thơ Luân Tâm với Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du, tôi chỉ muốn đưa ra một cái nhìn lướt qua một bài thơ của Luân Tâm trong mấy trăm bài của anh để chúng ta tìm một khía cạnh thú vị trong thể loại siêu thực trong thơ Luân Tâm.

Chỉ một bài thơ, đúng hơn chỉ bốn câu thôi, chúng ta đã thấy cái “rắc rối cuộc đời” trong thơ phú, cái “bất thường” trong cuộc sống đời thường của Luân Tâm.

Tôi vốn không có khả năng về văn vần, nghĩa là không sáng tác được thơ nhưng Trời bù lại cho tôi cái khả năng khác (về Thơ): khi đọc hay nghe một bài thơ, tôi biết bài thơ đó hay hay dỡ (chắc là ai cũng vậy). Hương Áo một áng thơ hay, dù trong đó có bài thơ đọc rồi hiểu ngay hay đọc rồi không... hiểu gì hết! Cái tuyệt vời trong thơ Luân Tâm là chỗ nầy.

“Văn dĩ tải Đạo”, thơ Luân Tâm là một chiếc xuồng để chở Đạo: đạo làm người mà nổi cộm là đạo phu thê, đạo vợ nghĩa chồng cư xử với nhau trong tuổi già và bệnh tật. Phan Văn Tám không làm thơ để ca tụng vẻ tươi trẻ mĩ miều hồi Bùi Thị Luân còn là cô nữ sinh trung học, khi hai người đang say đắm yêu nhau, mà Luân Tâm Phan Văn Tám đang nhả những đoạn tơ lòng rướm máu, đang rơi những hạt lệ đàng sau chiếc xe lăn, sau lưng người tình trăm năm, người bạn đời tào khang tấm mẳn của mình trong buổi hoàng hôn cuộc đời của bệnh tật.

Đây là cái khác thường thứ tư trong cuộc đời thường của Luân Tâm mà tôi muốn được trang trọng gởi đến quý vị đang cầm tập Hương Áo của Luân Tâm trên tay.

Trân trọng,

NGUYỄN BỬU THOẠI

 
 
Anh Tám thân mến,

Ngày xưa, khi yêu nàng và tìm đến với nàng, anh chưa làm thơ nên chỉ đọc thơ của thiên hạ để làm quà cho nàng khi nàng không giận hờn:

Anh chẳng biết đàn, chẳng biết ca
Đọc thơ thiên hạ để làm quà
Cho em những lúc em không giận
Em cũng mừng vui, cũng thiết tha.

Nhưng bây giờ, với tình yêu của nàng, anh đã thành thi sĩ và anh làm thơ để ca ngợi tình yêu và làm quà cho nàng ngay cả khi nàng hờn giận:

Anh chẳng biết đàn, chẳng biết ca
Chỉ biết làm thơ để làm quà
Cho em những lúc em hờn giận
Em cũng mừng vui, cũng thiết tha.

Ca ngợi tình yêu bằng thơ thì tuyệt vời vì thơ là đối tượng của tiếng nói, nhất là tiếng nói tình yêu. Và tình yêu đôi lứa của anh chị thật là thơ vì xây trên ân tình: mang ơn nhau và giữ tình cho nhau. Chị một thời nhan sắc khuynh thành, nhưng anh không mang ơn chị vi` “ngực ngãi môi trầm” theo kiểu Du Tử Lê, mà vì chị là nguồn thơ của anh; và chị, trong những ngày đau yếu, mang ơn anh vì ý và nhạc trong thơ anh là lẽ sống và hy vọng của chị.

Anh làm thơ để viết tên chị -- Luân Tâm: Tâm của Luân, tấm lòng của Luân, tấm lòng như trăng sao của Luân, tấm lòng với một vầng trăng và ba ngôi sao giữa trời, bao la, vời vợi như Nguyễn Du đã nhìn thấy ngày nào, “nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”.

Anh làm thơ để viết tên chị, viết theo kiểu hiến dâng của một thời nào -- j’écris ton nom. Anh viết tên chị trên trang giấy anh làm thơ, trên trang thơ anh đọc cho chị nghe; anh viết tên chị trong những đêm dài săn sóc chị hay những chiều buồn ngồi tâm sự với chị. Viết đến đây tôi lại nhớ lỏm bỏm mấy câu thơ tôi đọc đâu đó trong những ngày ở ký túc xá Học Viện bên cạnh phòng anh và, cũng như anh, đó là những ngày đưa đón tại trường Văn Khoa. Tôi chép ra đây anh đọc cho vui:

Sur mes cahiers d' écolier
Sur mon pupitre et les arbres
Sur le sable sur la neige
J’écris ton nom

Sur les merveilles des nuits
Sur le pain blanc des journées
Sur les saions fiancées
J’écris ton nom

Tôi chắc các bạn nhà thơ nhà văn cùng lớp cùng trường, chị Khánh Hà, Nguyễn Trọng Đạt, Đỗ Xuân Trúc, Nguyễn Chí Thiệp, sẽ viết về Hương Áo trong nay mai. Tôi viết bâng quơ mấy giòng; hôm nào xong mấy việc vặt vặt nhà cửa, tôi sẽ viết thêm.

Cảm ơn anh đã tặng món quà quý báu. Tôi và nhà tôi gởi lời thăm chị với nhiều kính mến và lời cầu chúc an vui nhất.

Nguyễn Phụng



(Cựu sinh viên QGHC, Đốc Sự 11 & Cao Học 3,
Ph.D., Giáo Sư Đại Học North Carolina, USA)
Wake Forest, North Carolina
Nov. 9, 2007

 
 
Anh Tám thân mến,

Chúng tôi rất cám ơn anh đã gởi cho một món quà vô cùng quí giá, tập thơ Hương Áo. Đọc xong tôi bồi hồi xúc động vì qua những bài thơ tình ý chân thành tôi thấy được một tình yêu quá đẹp, quá thơ mộng, thiết tha, như một câu chuyện thần tiên trên cõi đời này:


Yêu nhau từ thuở tóc xanh
Đến khi tóc bạc vẫn anh bên nàng
Trần gian thành cõi thiên đàng
Tuyệt vời tình nghĩa đá vàng Tâm Luân


Xin anh chuyển lời chúng tôi mến thăm chị. Mong là tình yêu tuyệt vời của anh, những bài thơ đầy xúc động của anh, một ngày không xa sẽ giúp chị hồi phục hoàn toàn.

Thanh Tâm & Khánh Hà

(Thanh Tâm, tức Nhà Văn Tâm Thanh, Cựu Sinh Viên QGHC, Cao Học 2 & Nhà Thơ Khánh Hà, Cao Học 3, Norway)

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.12.2007 18:29:18 bởi NhàQuê >
NhàQuê 15.12.2007 18:24:34 (permalink)
0
Lượm ngọc trong “ hương áo “ của nhà thơ Luân Tâm



Lời Như Thương:

Với Như Thương, bài thơ hay nhất trong tập thơ Hương Áo là bài thơ Hương Áo (trang 159). Dẫu bài thơ không mượt mà văn chương như những hạt ngọc khác, nhưng đậm đà Tình Người, Tình Yêu và Tình Nghĩa Phu Thê.

Thơ văn thi phú rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn lại nghĩa tình là vô tận.
Bức hình phụ bản “ Xe lăn ngơ ngác đường phai nắng “ dẫu ngậm ngùi nhưng còn nét minh họa thủy chung nào bằng...

Nâng niu những hạt ngọc lấp lánh của Anh trao tặng Chị mà Như Thương nhặt được trong thi tập, lòng không thể cầm lòng. Thế mới là YÊU NHAU ....
Như Thương không dám viết lời cảm nghĩ vì sợ thơ của Anh vì sẽ không có lời nào xứng đáng cho một mối tình tròn trịa như thế hết cả.
Kính mời quí vị cùng Như Thương đi vào Vườn Tình của Nhà Thơ và Nàng Tiên Thơ LUÂN - TÂM lượm những viên ngọc tình lấp lánh chữ thủy chung mà Anh Chị Luân Tâm đã để lại cho đời vậy..

Tu bao nhiêu kiếp anh mới được
Thơ thẩn cùng em kể chuyện lòng?
(Trang 9)

Nắng nào nghiêng nón hôn dòng tóc?
Yêu đã thiên thu ... Vẫn thẹn thùng !
(Lưu lạc)

Chiều đông áo tím hoa cà
Nhởn nhơ trước ngõ làm quà tương tư !
(Áo bay)

Em tắm ngọt ngào trong ca dao
Em thơm cổ tích, thơm nắng đào
Em ôm huyền thoại vui chăn gối
Em rải trên giường muôn cánh sao
……………………………………
Em nằm võng hát đong đưa
Chuồn chuồn đáp xuống... lá bùa tương tư
…………………………………….

Có hai con bướm theo rình
Hôn nhau để dạy chúng mình .... học hôn ?
(Ca dao)

Mắt môi nhóm lửa ... hẹn nghìn năm !
Vòng tay trói buộc thơm chăn gối
(Như mộng)

Gặp gỡ chiêm bao cũng thẹn thùng
Chưa nhìn tận mặt đã quay lưng
Như trời xa đất, rừng xa núi
Chưa kịp làm quen ... gọi tiếng cưng !
(Tủi gối chăn)

Anh xin làm gió xuân tha thiết
Hôn trộm một lần thật ... đắm say !
(Tình tứ)

Cánh hoa xuân muộn rụng trước thềm
Tưởng nghe chăn gối gọi thân quen
Ngờ đâu em dậy lo cơm nước
Lỡ mộng cuối tuần ... tiếc vai êm !
(Chết đuối)

Cười nói bâng quơ cũng ngọt ngào
Bao lần ngơ ngác ngỡ chiêm bao
Thơm như chăn gối hoa ngày cưới
Mong được hẹn thề đến kiếp sau !
……………………………………
Chân mỏi ghé thăm quán bên đường
Chè sâm bổ lượng thật dễ thương
Nhìn em môi đỏ cười say ... lạnh
Thèm một chiếc hôn ngọt hơn đường !
Anh đổi ly em đỡ nhớ mong
Si mê uống vội dấu môi hồng
……………………………………..
Chẳng muốn rời em nhưng đành thôi
Cũng may: còn được chút son môi
(Một chút son môi)

Tim vẫn rộn ràng vẫn bồi hồi
Hồn còn quanh quẩn chổ em ngồi
Lưng thon có thẹn vì anh ngắm
Hay vẫn vô tình như nước trôi ?
…………………………………
Lang thang tìm lại dấu bụi đường
Em mới dẫm lên còn dễ thương
Nhặt lên âu yếm cho vào túi
Mà ngỡ ngọc ngà ngỡ sắc hương !
(Như mây hồng)

Em như tiên nữ từ muôn kiếp
Đến để yêu anh và yêu con !
(Hương áo)

Mình chắt chiu hoài một tiếng CƯNG !
(Nườc)

Em vẫn giai nhân vẫn tiểu thư
Vẫn tiên vẫn điệu vẫn hiền từ !
(Trăm nhớ ngàn thương)

Xe lăn ngơ ngác đường phai nắng
Bướm trắng bay theo hoa áo vàng
(Đường phai nắng)

Bây giờ ? không đợi đến mai ?
Thì thôi ... mặc kệ ... mặc ai lén nhìn
Trời long đất lở thương mình
Đôi môi hoá bướm rất tình ... rất ngoan
(Rất tình rất ngoan)


**********


(Như Thương, Nhà Thơ, Florida, USA)

 
 
Luân Tâm thân mến,

Trước hết xin có lời thăm hỏi Luân Tâm, các cháu và nhất là chị Luân , sau nữa cũng xin cảm ơn Luân Tâm đã gởi cho thi tập" Hương Áo" ( H.A.) mà trong đó Luân Tâm có viết tặng tôi hai bài " Cỏ Hoang" ( trang 58) và Buồn quê" ( trang 154).

Hình thức trình bày thật nhẹ nhàng đẹp mắt nhất là hình ảnh và thủ bút tuyệt vời bay bướm của họa sĩ tài danh Vũ Hối làm tăng thêm sự trang trọng của H. A.
Về nội dung thì qua những lời khen ngợi thật khách quan của nhiều văn thi sĩ cũng như độc giả khắp nơi đã nói lên giá trị và chỗ đứng của Hương Áo trong nền thi ca hải ngoại khởi sắc hiện nay. Trước khi Luân Tâm cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên này, tôi mặc dù không phải là nhà tiên tri nhưng cũng đã dự đóan được những hào quang sẽ đến với H. A. và quả thật là giờ đây H. A. đang được giới yêu thơ văn khắp nơi trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Như tôi đã nói ở trên, những lời phê bình hay đẹp về H. A. đã được nhiều người nói hết nên tôi chỉ xin tóm lược đôi dòng cảm nghĩ của mình về thi phẩm này mà thôi. Điểm nổi bật nhất là H.A. đã nêu lên một tấm gương sáng chói của đạo làm người với những tam cương ngũ thường gương mẫu nhất là tình nghĩa phu thê sáng ngời son sắt thủy chung của kẻ sĩ Luân Tâm với vợ hiền Bùi thị Luân đang bị bao tai ương kiếp nạn. Ngoài ra H.A. qua ý thơ nhẹ nhàng nhưng mới mẻ, ngôn từ bình dị nhưng sâu sắc đã chuyên chở nhiều tư tưởng chân tình nói lên một cung cách sống rất gần gủi với tâm hồn con người. Ngần ấy thứ đã đủ để nói lên giá trị của thi tập.

Xin có lời chúc mừng và cũng cám ơn Luân Tâm qua H.A. cũng có đôi lần nói hộ giùm tôi những suy tư tâm tình của thế hệ chúng ta mà tôi chưa nói được.

Và sau cùng để tạ tình thâm giao, tôi xin họa bài thơ " Buồn Quê" mà Luân Tâm viết tặng tôi. Riêng bài " Cỏ hoang", tôi sẽ họa trong những ngày tới vì " ăn nhiều món quá mất ngon" phải không Luân Tâm ?

Tôi tin rằng chị Bùi Thị Luân và 3 cháu Tam Thư chan hòa niềm vui tươi hạnh phúc theo hương thơm của Hương Áo đang tung bay khắp bốn phương trời và đó cũng là phương thuốc nhiệm mầu giảm bớt rất nhiều cơn đau bệnh của Chị Luân .Và sau hết chị và 3 cháu nên hãnh diện đã có một người chồng, người cha tài đức vẹn toàn.

Thân ái,
Nguyễn tấn Phát



Bỏ lại đàng sau những ngậm ngùi
( họa bài "Buồn quê"của Luân Tâm trong thi tập"Hương áo" tr. 154)

Anh trả lại em con phố buồn
Tình xưa đã vỗ cánh bay luôn
Hàng cây bệnh viện rưng rưng khóc
Trưa nắng mà mưa lệ cứ tuôn

Quanh quẩn xóm nghèo một bóng côi
Mây mờ tang tóc tím khung trời
Bài thơ dang dở không ai đọc
Cay đắng nào khô héo mắt môi

Mộng ước về em mộng rất thường
Chờ em khói phủ bến Tiêu Tương
Lời yêu thoang thoảng trong hơi thở
Nắng hạn trông mưa tưới ruộng vuờn

Tình đầu đâu thấy ánh bình minh
Em đó anh đây ngán nỗi mình
Chỉ cách con đường qua xóm nhỏ
Mà sao hiu quạnh chỉ riêng mình

Anh sợ nhốt mình trong bóng đêm
Tình thôi kết nụ hết bình yên
Tương tư dằn vật trên giường chiếc
Có thuốc nào đâu chửa lảng quên

Tình yêu chớ phải chuỵện ngô khoai
Vương vấn ngàn năm vương vấn hoài
Cho đến một ngày ta tái hợp
Bốn mươi năm cũ đã vèo bay

Trăng sao giờ bỗng đẹp vô bờ
Hai đứa chung hòa khúc nhạc thơ
Hai mái đầu tuy sương điểm trắng
Vòng tay bỏ hết thuở bơ vơ

Toronto Nov. 10 , 2007

Nguyên Trần

(Nhà Văn, Nhà Thơ, Cựu Sinh Viên QGHC.ĐốcSự 11, Canada)
 
 
Nét gợi tình trong thơ Luân Tâm


Thơ Luân Tâm rất phong phú về đề tài. 151 bài thơ, trung bình 20-40 câu, chuyên chở bao nhiêu tình, bao nhiêu mộng, bao nhiêu ưu tư, chuyện riêng, việc chung. Nhưng nổi bật vẫn là hai chữ tình yêu. Không có tình yêu không thành thơ, ngàn đời là vậy. Nhưng cái khiến chúng ta đọc thơ Luân Tâm với tất cả lòng cảm mến là tấm tình vợ chồng của nhà thơ và nàng thơ. Thói đời, nàng thơ mà thành vợ, thể nào nàng thơ, hoặc thơ cũng bị bức tử . Thế mà 32 năm sau ngày cưới (cưới năm 1970), người đời còn được đọc bài “Hương Áo” (2002) với 88 câu thơ nồng nàn tình yêu. Đọc 88 câu thơ ấy đủ biết mối tình Bùi Thị Luân và Phan Văn Tám thắm thiết dường nào, thơ mộng cho tới răng long đầu bạc.

Nét độc đáo trong thơ Luân Tâm là có những bài rất gợt tình. Cái tình nằm trong câu ca dao:

“Có âm dương có vợ chồng / Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”. Luân Tâm mượn hình ảnh Adam-Eva – người vợ là cái xương sườn của người đàn ông. Một cái xương sườn thôi, nhưng qua phù phép của tình yêu, nó biến thành ‘một nửa’. Cái một nửa mà người Pháp gọi là la Moitié, còn người Việt mình gọi là ‘Mình’ ấy mà thiếu đi thì không phải chỉ thiếu một nửa mà thiếu hết. Nhà thơ viết:

Tách ra một nửa còn như không
Thiếu cái xương sườn điệu cong cong
Như đu đủ đực mơ ôm trái
Hoa lá xanh tươi chỉ đau lòng

(Cần thiết)


Tại sao cái anh đu đủ đực càng xanh tươi càng đau lòng? Thưa chỉ vì giấc “mơ ôm trái” mà không được ôm. Cũng có thể nghĩ ngược lại, anh đu đủ đực thấy cô đu đủ cái xanh tươi mà cha mẹ đôi bên chưa cho phép nên đau lòng đó thôi.

Tình là luật trời đất. Nhan sắc nàng thơ làm động lòng thi sĩ. Nàng thơ của Dante (Béatrice) không phải một nàng Giáng Tiên vô hình, mà là một ‘cô áo dài trắng’ bằng xương bằng thịt, tất nhiên là rất đẹp. Nàng thơ của Luân Tâm như thế này:

Mơ màng lưng trắng yếm đào
Gió lên đồi nhớ... gió vào... áo trưa
Em nằm võng hát đong đưa
Chuồn chuồn đáp xuống... lá bùa tương tư

(Ca dao)


Mấy cái châm chấm là nguyên tác. Nó ép người đọc vô ý vô tứ mấy cũng phải mường tượng ra một một buổi trưa hè, mỹ nhân trong yếm đào, lưng trần, ngọn gió len lên đồi cao (mà Nguyễn Du gọi là “tòa thiên nhiên”), trong dáng mời gọi (qua “võng đong đưa”) thì bố con chuồn chuồn cũng không thể không sa ngã.

Tương tự hoàn cảnh ấy, vào ban đêm, Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm tả thế này:

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc)


So ra, tính thanh nhã kín đáo thì nhà thơ hậu bối thua, nhưng tính ‘thẩm mỹ xác thịt’ thì nhất định không kém.

Dư vị xác thịt thường là da diết. Luân Tâm không quên mùi vị này, bởi vì nó là một phần (tôi không muốn gọi là mặt trái) của tình yêu. Khi một nửa kia xa cách, nỗi buồn của một nửa này được Luân Tâm hình tượng hóa tài tình trong cụm từ “núi lửa không còn lửa”.

Lận đận, long đong sóng bạc đầu
Nửa vòng trái đất cháo xa rau
Thương vùng núi lửa không còn lửa
Thương bóng trăng già thèm mưa ngâu

(Cần thiết)


Người ta bảo vợ chồng già, nghĩa nhiều tình ít. Với Luân Tâm, hai thứ ấy bằng nhau. Tôi có đem thắc mắc này hỏi bạn đồng môn Vũ Văn An (CH 4). Anh An mượn lời một học giả người Anh tên Jack Dominian nói đại khái rằng về già vợ chồng không còn đòi hỏi “hoa nguyệt trùng trùng” nữa bởi vì lúc nào cũng LÀ MỘT rồi.

Tâm Thanh

(Nhà Văn, Cựu Sinh Viên QGHC, Cao Học 2, Norway)
 
 
 
 

 
 

 


NhàQuê 19.12.2007 06:37:47 (permalink)
0
 
Mẹ Về

“Gió mùa thu Mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh” (1)

Vá may bắt muỗi dỗ dành
Mẹ đi? Thôi! Hết mộng lành hương xưa
Dấu chân bùn nhớ lễ chùa
Áo nâu vai vá bốn mùa về đâu
Thương bóng Mẹ rụng bóng cầu
Cau buồn đứt đọt vườn trầu chết khô
Mẹ đi? Trời! Không thể ngờ
Không con ôm Mẹ trước giờ lâm chung
Để thương. Để khóc. Để hôn
Để lay. Để gọi. Xin cùng Mẹ đi
Thân tù oan ức sinh ly
Mỏi mòn giết Mẹ còn chi để dành
Rừng đêm mộng dữ vờn quanh:
Ôm con buồn Mẹ lạnh xanh con quỳ
Lẽ nào? Trời! Chẳng còn chi…
Đất bằng sóng dâỵ biệt ly máu vàng
Mưa dầu nắng lửa hoang mang
Hổn xiêu phách lạc lang thang không nhà
Mềm xương hết thịt khô da
Tay rêu chân cỏ thân ma chết rồi
Sáu năm tù tội mồ côi
Cạn dòng huyết lệ núi đồi đảo điên
Tàn hơi kiệt sức ngã nghiêng
Nóng lòng gặp Mẹ, khùng điên chạy về
Kinh hoàng cháy ruộng vở đê
Trùn than dế khóc não nề ổ rơm
Đất thiêng ôm Mẹ tủi hờn
Trời long đất lở…con: đờn đứt dây!
Hồ tan giấy rã diều…mây…
Trôi sông lạc chợ ăn mày hát rong
Như cò con rụng hết lông
Như xác bướm lạnh rã trong đường hầm
Như gà con chết tím bầm
Chơi vơi núi kéo cửa âm bóng mờ
Cuống cuồng ôm bức ảnh thờ!
Tưởng không còn lệ đâu ngờ như mưa!
Hương phèn hương đất hương dừa
Mồ hôi quen thuộc áo xưa Mẹ về
Bàng hoàng nửa tỉnh nửa mê
Ầu…Ơ…Mẹ hát vỗ về..hôn con!
Mẹ về! Mẹ thật! Mẹ còn!
Tiếng gà đứt ruột… trăng non đội mồ…

MD 08/27/07

tức ngày rằm (15) tháng 7 năm Đinh Hợi

LuânTâm

(1) Ca Dao

 

 
NhàQuê 19.12.2007 06:40:09 (permalink)
0
 
Lòng Cha

Kính dâng thân phụ

còn dấu chân bùn giữ hồn quê
nắng thương ôm bóng gọi con về
theo Ba bắt ốc mò cua ruộng
tắm nước ao bèo đâu dám chê...


***

Không như Mẹ quá ngọt ngào
Ba yêu con đến Trời cao động lòng
Dìu con lội khắp ruộng đồng
Mò cua bắt ốc tắm sông cày bừa
Vở lòng thương dạy tối trưa
“Con Gà Con Chó” đời xưa cũng…người!
Giáo Khoa Thư Quốc Văn cười
Gửi thơm hồn trẻ rạng ngời mắt Ba
Minh Tâm Cổ Học Tinh Hoa
Luận bàn nhân nghĩa thiết tha kiệm cần
Lên tỉnh học sợ tủi thân
Vỗ về an ủi: cuối tuần thần tiên
Đón con về vui Mẹ hiền
Hoa mừng chim hót Ba quên dãi dầu
Phố xa người lạ con đau
Mắt vàng như nghệ trước sau hãi hùng
Ruột gan đau đớn vẫy vùng
Hồn non vía dại điên khùng xốn xang
Ruộng vườn bỏ mặc cỏ hoang
Cõng con chạy chửa thuốc thang Tây Tàu
Mơ màng còn tưởng chiêm bao
Gọi con âu yếm nghẹn ngào khóc than
Tay sương gió mắt thiên đàng
Lòng quê hồn đất vái van dỗ dành
Sớm cá cháo chiều gan canh
Thuốc viên thuốc nước trưa xanh tối vàng
Nuôi con, gà trống dịu dàng
Ba như bắp nướng lửa than quê nghèo
Bến Tre bụi cỏ đi theo
Khói xe rác chợ bọt bèo bơ vơ
Con vừa lành bệnh nhởn nhơ
Vội về cuốc đất be bờ bồi mương
Trọn đời dãi nắng dầm sương
Đắng cay cam chịu đoạn trường cháo rau
Như hoa me đất vàng sao
Thương Ba con cố học mau thành tài
Ngờ đâu địch hoạ thiên tai
Cùng đường nước mất nhà bay kinh hoàng
Gạt tù cải tạo xương tan
Mẹ đau bỏ xác suối vàng tìm con
Da mồi tóc bạc héo hon
Kéo lê uất hận mõi mòn đợi mong
Con về chưa kịp ấm lòng
Dầu khô bấc lụn Ba không cần gì
Âm thầm thanh thản ra đi
Bờ dừa bụi chuối luống mì héo khô
Chó thương chủ chết giữ mồ
Hàng mai chiếu thủy khăn sô trắng bờ
Bông giấy tím rụng xác xơ
Mây buồn xỏa bóng thẩn thờ xe tang
Sàigòn khóc Mỹ Tho than
Con đò Rạch Miễu bàng hoàng tiễn Ba
Đường làng đau xót Tường Đa
Ba về với Mẹ quê nhà vẫn hơn
Cho chim hạt lúa cọng rơm
Cho người ơn đất hạt cơm nghĩa tình
Cho con trọn Đạo Đức Kinh
Mẹ Ba Tiên Phật hiển linh dẫn đường
Cháu con ngày nhớ đêm thương
Sau hè rau đắng cuối vườn rau sam
Hiếu tâm thơm mãi khói nhang
Sao lòng con vẫn nát tan từng giờ…

MD 06/08/07

LuânTâm

 
 
 

NhàQuê 19.12.2007 22:27:08 (permalink)
0
 
THƯƠNG ĐAU

Nửa vòng trái đất thương đau
Tôi ru người ngủ trăng sao mộng hồng
Người ru tôi ngủ hư không
Tuyết sương lận đận ruộng đồng mồ côi
Ru nhau nghìn kiếp luân hồi
Vườn thiêng hóa bướm hoa cười cỏ ngoan
Mai sau xác rã hồn tan
Hoa chanh hoa bưởi sen vàng đầu thai...

LuânTâm
MD.07/01/07

 
 


NhàQuê 19.12.2007 22:29:33 (permalink)
0
 
THƯƠNG DẠI NHỚ KHỜ

Không còn giọt nắng trong tim
Không còn đóm lửa que diêm cuối cùng
Bàng hoàng rong chết hồi xuân
Vuốt ve rắn nước mọc chân tình cờ
Giăng câu bủa lưới ỡm ờ
Nước ròng nước lớn thả thơ muộn màng
Thuyền hoa bỗng hoá xe tang
Sầu xưa buồn mới lang thang gọi đò
Bìm bịp kêu rã cánh cò
Anh cày em cấy ruộng gò thảm thương
Đất khô mạ héo đọan trường
Sông dài biển rộng tha hương lục bình
Chân phèn khô dấu chiến chinh
Đầu trần mây ngóng quê mình nắng mưa
Ve sầu khóc dế mèn đùa
Le le gà nước lội đua cò mồi
Gió đưa trái ổi trái xoài
Võng trưa ru nhớ tóc dài thơm lưng
Nói thương sao cứ ngập ngừng
Nói yêu sao chửa cho mừng cho hôn ?
Tình quê chăn gối hết hồn
Hay là nông nỗi gái khôn kén chồng
Mưa đèo bồng nắng đèo bồng
Khóm lau đám bắp trổ bông thăm dò
Hay là con trai đầu to
Miệng mồm ấp úng thân bò đực tơ
Mà sao thương dại nhớ khờ
Sớm đau trông tối trưa chờ hoàng hôn !
Mắt mờ tay đói vòng ôm
Môi than má lửa cô đơn tội tình
Hoa tàn bướm rã giật mình
Bóng chim tăm cá vô hình vô tâm
Vào ra bếp lạnh mèo nằm
Đứng ngồi nhang khói âm thầm nhện giăng
Than trời trách đất giận trăng
Cơm khê cháo khét khóc măng cười ruồi
Lạnh lòng lạnh cẳng lạnh môi
Khô hoa héo cỏ hỏng xôi thiu chè
Đất bằng nổi sóng chìm ghe
Nắng xin tỵ nạn rã bè thương dư ....

LuânTâm
MD.09 /21/07

 
 
 


NhàQuê 19.12.2007 22:32:14 (permalink)
0
 
THUYỀN SẦU

Ra đi thêm nhớ quê nhà
Trăm măm nghi hoặc thương xa nhớ gần
Người buồn hoa héo khô xuân
Hoa buồn người héo hồng trần khô hương
Ngày xưa sống với ruộng vườn
Ngày nay lạc lõng phố phường nhỏ nhoi
Hiền nhân xưa cũng nổi trôi
Thi nhân xưa cũng rã rời hồn thơ
Trăng sầu tóc bạc xác xơ
Gian nhà quen thuộc còn ngờ chưa quen?
Mặc ai chia rẻ sang hèn
Mặc ai quên nghĩa trắng đen thay lòng
Ta như sóng nước Cửu Long
Lang thang bốn biển mà lòng một phương
Đất lành thêm một quê hương
Nợ duyên mấy kiếp đọan trường gian nan
Tuổi thơ sao lắm cơ hàn
Đội trời đạp đất thênh thang sông hồ
Lối nào hoa úa cỏ khô
Nhân gian mờ mịt nhấp nhô thuyền sầu
Chạy ăn chạy mặc bạc đầu
Đắng cay lủi thủi về đâu đêm dài
Sao chưa nguyện ước đã bay
Áo chưa kịp mặc đã phai hết màu
Tối đen đường trước ngõ sau
Bầy đom đóm nhỏ bay vào mộng du
Bốn phương khói lửa mịt mù
Bao nhiêu oan ức tội tù nát thây ?
Còn đâu chiều cũ sum vầy
Ly trà xanh chén rượu say nghĩa tình
Mười năm gối mộng thư sinh
Mười năm đâu bể thuyền tình dở dang
Ai về phố cũ hoang tàn
Ta tha hương cũng xốn xang nửa đời
Ao bèo ca nhỏ còn bơi
Ruộng hoang rau đắng cải trời nhớ ai ?
Nhà không vườn trống mưa bay
Nhện giăng rêu phủ dấu giày bể dâu
Mồ cha mả mẹ còn đâu
Nghìn thu cũng chẳng thể nào yên thân
Đã đành nhân thế phù vân
Mà sao gian ác chẳng cần đắn đo ?
Thì thôi ! Câm điếc giả đò
Cũng như cát bụi nhỏ to làm gì
Một đời chỉ mợt chuyến đi
Trước sau rồi cũng xanh rì mốc meo
Lang thang nắng sớm mưa chiều
Đục trong hờn giận thương yêu còn gì ?
Rừng thiền núi mộng vô vi
Áo bay sương khói đường đi bụi mờ....

MD.01/11/02

LuânTâm

 
 
 


NhàQuê 19.12.2007 22:34:58 (permalink)
0
 
HỒN GIÓ XÁC MÂY

Nổi trôi hồn gió xác mây
Tình mưa rau đắng xanh đầy bãi hoang
Buồn xưa nước bạc cơm vàng
Vui nay sóng gió lên đàng hát rong
Ăn sương lòng bỗng đau lòng
Vạc già gãy cánh chân không ruộng vườn
Sông bồi núi lở tan xương
Cải trời rau má đoạn trường khô hoa
Nợ tình bán thịt mua da
Đạn cười bom khóc quỷ ma ăn người
Đi trồng cây cỏ buồn cười
Về trồng tình điệu nốt ruồi khoe xuân
Tàn hoa rã bướm rụng răng
Hận tình huyết sử nhện giăng cổng chùa
Trao hồn đổi xác xin bùa
Tình thơ gãy cánh hương thừa dấu tiên
Mênh mông hư ảo lụy phiền
Khói tan mây hợp chiều nghiêng nắng tàn....

LuânTâm
MD.08/06/02

 
 
 


NhàQuê 19.12.2007 22:37:40 (permalink)
0
 
NGHÌN ĐỜI CÒN THƠM

Lẽ đâu duyên đất nợ trời
Hôn mê một chút nghìn đời còn thơm...
"Gối rơm theo phận gối rơm
Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao "
Hết trăng hết gió hết sao
Ăn sương uống tuyết chiêm bao gọi đò...

MD.11/13/07
LuânTâm

 
 


NhàQuê 19.12.2007 22:40:13 (permalink)
0
 
BÔNG SÚNG SEN VÀNG HỒI SINH

( Thân tặng **ThụyMaiCôEm66, **Thúy Ái)

Hoa cau hoa bưởi hoa chanh
Hoa vông hoa cải dỗ dành hồn quê
Tha hương tuyết nhuộm tóc thề
Lòng hương lúa mới buồn che ngọt ngào
Trời làm mây điệu thương đau
Em trôi ta nổi chiêm bao gọi đò
Chân văn tay bút học trò
Gửi thơm quê Mẹ thăm dò nắng sương
Nâng hồn ruộng hứng phách vườn
Bên trời lận đận vẫn thương rau tần
Nghìn trùng bèo nước tủi thân
Tri âm kỳ ngộ bến xuân thăng trầm
Cải trời rau đắng rau răm
Sớm ngoan trưa điệu tối nằm mộng tiên
Dịu dàng sông núi bình yên
Đổi đời bom đạn đảo điên tình người
Văn đội đá thơ vá trời
Hiên ngang thục nữ rạng ngời hương quê
Đâu cần áo lụa mới khoe
Đâu cần son phấn chèo ghe ru tình
Đội trời đạp đất văn minh
Nếp nhà quê vẫn nhân tình cao sang
Cây lành chùm gửi vẻ vang
Đất lành bông súng sen vàng hồi sinh....

MD.11/16/07
LuânTâm

 
 
 


NhàQuê 19.12.2007 22:42:41 (permalink)
0
 
TRỜI CHƯA DỆT LỤA THƠ CHƯA ÁO

(Thương tặng vợ hiền B.Th.Luân)

Ngậm ngải tìm trầm anh cũng cam
Xin cho em mãi được bình an
Thờ Ba kính Mẹ nuôi con dại
Quên hết tình đời lắm dối gian

Anh muốn hồng mây trắng mưa xuân
Bồng em qua khung cửa phù vân
Hái sao cài tóc trăng làm gối
Nâng gót tô môi thương rửa chân...

Nhõng nhẽo càng tình giận càng cưng
Đêm chìu ngày dỗ anh càng mừng
Nấu cơm rửa chén lau nhà sạch
Cho em không vướng chút hồng trần

Anh kể em nghe chuyện chúng mình
Trăm nghìn năm trước đất chưa sinh
Trời chưa dệt lụa thơ chưa áo
Mình đã tình thư đã diễm tình

Giặt áo cho em chải tóc em
Viến du núi mộng tắm suối thiền
Phố phường chưa có rừng chưa có
Chú Cuội hết hồn Hằng Nga ghen !

Hương áo hương em hương nhà thương
Thuyền sầu sông lệ trả bến sương
Anh như con dế mèn lem luốt
Em cũng vị lòng cà dầm tương...

Cõi tạm bạc tình kể làm chi
Rong chơi thanh thản cõi vô vi
Vô thù vô oán vô oan nghiệt
Anh hát em đàn điệu mê si !

Chỉ nhớ thương con thương Mẹ Ba
Nhớ con Lộ Mới về Phước Đa(1)
Nhớ dòng sông ngọt tình An Hiệp(2)
Nhớ kẹo Mỹ An Bình Nguyên ca (3)

Cảo thơmTrung Học đẹp Kiến Hòa
Chung thuỷ hồ thương dáng tiên nga
Hàm Long -Rạch Miễu đò đưa đón
Cỡi sóng Tiền Giang rước thuyền hoa !

Gửi nhớ gửi thương gửi ân tình
Ba Tri nhân kiệt Bến Tre linh
Hoa vườn cỏ ruộng hồn sông núi
Thơ thẩn gom mây kết chuyện mình....

MD.11/14/07
Luân Tâm

(1) Phước Đa :Tên một Ấp của xã Tường Đa ,Quận Hàm Long (Sóc Sãi ),Tỉnh Bến Tre,là quê Nội tôi .
(2)An Hiệp: một xã thuộc Quận Hàm Long ,Tỉnh BếnTre ,là quê Ngoại vợ tôi.
(3)Mỹ An :Tên một Ấp cuả xã Mỹ Thạnh An,Quận Trúc Giang (Châu Thành) Bến Tre,là quê Nội vợ tôi.Còn Bình Nguyên là môt Ấp thuộc xã Phú Khương cùng Quận Trúc Giang ,Bến Tre,là nơi tọa lạc ngôi nhà, tuy khiêm nhường nhưng rất khang trang hiền hòa thơ mộng, tình nghĩa thân thương thâm sâu vời vợi,của Ba Má vợ tôi trước 1975, kế bên Nhà Thương(Bệnh Viện )Nguyễn Đình Chiểu,chỉ cách ngôi Chùa Bạch Vân một cánh đồng nhỏ mà thôi.


 
 
Thay đổi trang: << < 101112 > >> | Trang 11 của 377 trang, bài viết từ 151 đến 165 trên tổng số 5646 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 8 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9