Viên Nhật - TRUYỆN NGẮN & TẠP BÚT
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 41 bài trong đề mục
Viên Nhật 26.12.2008 21:05:28 (permalink)
ĐÊM THAO THỨC

     Buổi chiều uống nhiều cà phê quá, tối còn dư âm, buồn ngủ lại không ngủ được!
     Ngồi trên lầu cao nhìn xuống đường, giờ này chẳng một bóng xe, đèn phố hắt từng mảng sáng tối vàng vọt bên những hàng cây sao dầu, thanh tĩnh đến nao lòng. Sự thanh tĩnh của đêm phố thao thức, chưa bao giờ thật sự làm tôi bình yên. Lúc nào tôi cũng có cảm giác như sự bình yên trước bão. Ừ thì cố gắng, giữ được bao nhiêu lâu sự bình yên, thì làm hết mức có thể.
     Tôi yêu trẻ con, vì cứ nhìn vào những khuôn mặt ngây thơ luôn mong chờ được yêu thương, những trăn trở muốn nổi loạn trong tôi cũng dần tan biến.
      Rất nhiều khi, nụ cười tươi vui thường trực trên môi tôi, cũng mệt mỏi như trái tim tôi vậy. Nhưng trái tim đau bên trong, còn nụ cười là cái vỏ ngoài. Nụ cười đó làm dịu vẻ lo lắng trong đôi mắt trẻ và làm cân bằng nỗi mệt mỏi, chán chường, muốn buông xuôi trong lòng.
     Tôi thường nhắc mình bước tới, ngay cả khi tôi chỉ muốn kiếm một góc mà co mình lại nghỉ ngơi. Khi đã bước một bước, tôi lại nhắc mình bước thêm bước nữa.
     Đôi khi ngoảnh lại, mới nhận ra mình đã đi được một khoảng đường khá xa.
     Đôi khi ngoảnh lại, mới thấy những vết thương tưởng không thể chịu nổi, không thể vượt qua, đã liền sẹo từ khi nào chẳng rõ.
     Và rồi thấy mình cứ mỗi ngày bước tới, bước tới; ngày càng lười ngoảnh lại hơn; ngày càng ít boăn khoăn về mọi thứ hơn; biết mình gần tiến đến chỗ máy móc vô tình, sống quán tính và trượt theo lối mòn, ngại nghĩ ngợi, ngại đào xới chỉ vì một câu thường trực trong lòng: Để làm gì?
     Ừ, nghe cứ như cả con người đang chảy từng giọt máu đen về tim và thì thầm: Để làm gì? Nào nhiệt tình, nào mơ ước, nào niềm tin... dường như cất kỹ quá, đã mất khóa. Lâu lâu giật mình, muốn mở, không ra.
    Mà ý nghĩ ấy cũng tíc-tắc như cái kim giây đồng hồ ấy, chốc sau là quên khuấy, chỉ ngớ ngẩn tự hỏi mình: Mở, ừ, để làm gì?! Còn bao nhiêu việc, bao nhiêu lo, như những chấn song vô hình chẳng thể nào bỏ được. Ta tự nhốt mình vào, rồi từ đó lại ngóng trông bầu trời xanh xa xa. Lắm lúc đơn giản chỉ là nhắm mắt lại một chút để thả mình vào bầu trời tự do xanh ngắt đó...
    Bầu trời và mặt đất; mơ ước và hiện thực; đường chân trời trong mắt người lữ hành, đi hoài không tới... có lẽ, điều đạt được không phải là thành công hay thất bại, mà là những trải nghiệm trên mỗi chặng đường lữ hành tôi đã đi qua.

******

  
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2010 18:50:13 bởi Viên Nhật >
#16
    Viên Nhật 21.08.2009 02:14:59 (permalink)
    CÁI CHẾT CỦA BÀ QUÉT CHỢ
     

          Bà quét chợ khoảng 40 tuổi, cô độc, khoèo một chân. Người thân của bà là con heo nái vừa đẻ một đàn mười heo con và một bầy gà nòi, phần lớn là con trống rất đẹp mã.
    Trưa mỗi ngày, lúc chợ quê tan, bà quét chợ với cây chổi cán dài tự chế bằng tàu cau hoặc cành cây. Sau khi gom rác, bà lựa ve chai, rau củ dạt, rồi kéo rác đổ xuống cầu tàu. Xong việc, bà đẩy một xe rác về đổ trên đất vườn.
          Bà sống trong căn nhà lá, nằm ngay lối vào một miếng đất khá rộng, cây trái xanh tốt, bốn mùa đều có trái chin, trơ trọi cạnh bờ sông.
          Hàng tháng, người thu hoa chi sẽ đưa bà một khoản lương.
    Trưa nay, chợ đã tan, không thấy bà quét chợ đi cà nhắc với cây chổi cán dài. Ruồi nhặng bay u u khắp nơi. Chỗ bán cá cạnh cầu tàu là gớm nhất. Mùi cá ươn theo gió đi vào mọi ngóc ngách phố chợ. Những nhà ở xa cầu tàu đến nói những nhà cạnh chỗ bán cá:
          - Hôm nay, bà quét chợ trốn việc. Mấy người ở cạnh cái mỏ thúi mà vẫn chịu được sao? - Ý là sao mấy người không xách nước sông lên dội chợ cá đi. Những căn nhà im lìm như những người bên trong. Đâu phải việc của họ, đó là việc của bà quét chợ.
          Càng về chiều, nắng nóng làm cho mùi cá chết càng bốc lên kinh khủng. Mây đen kéo tới mù mịt. Gió từ sông cái thổi giật những mái tôn rầm rập. Mưa to đến tối.
          Người thu hoa chi vừa ăn cơm chiều xong, đang ngồi xỉa răng. Khi xế, ông đã định vào xem bà quét chợ có bệnh tật gì không. Bà ấy tuy trông gầy ốm, nhưng chẳng bỏ việc bao giờ. Ông nhìn ra con đường trước nhà, thấy sình lầy nhầy nhụa, mưa vẫn còn nặng hạt, ngại ngần nghĩ:
         - Có lẽ mai bà ấy sẽ có mặt.
         Ông bật tivi, leo lên võng nằm đong đưa.
         Hôm sau, cảnh hôm qua lại tái diễn. Chợ cá lại bốc mùi. Chợ rau càng bẩn hơn vì ngập ngụa sình lầy và rác quện vào nhau. Người đi chợ tha sình từ mọi ngã đường vào. Các nhà ở phố chợ giận nhau vì ai nói kệ ai, không nhà nào ra giải quyết cái chợ cá. Cái chợ tàn như bãi rác lộ thiên. Sống cạnh bãi rác như thế, tâm trạng mọi người trở nên bức bối. Dân chợ trách móc: Bà quét chợ thật tệ, tiền thì biết lấy, chẳng nói tiếng nào đã đình công, phải cho bà ấy biết thế nào là trách nhiệm, nghĩa vụ mới được. Mọi người dễ dãi nên bà ta lờn mặt.
          Một đoàn gần chục người mặt mũi quạu đeo, dẫn đầu là ông thu hoa chi đến nhà bà quét chợ. Từ đàng xa, nhìn thấy khu đất xanh um cây trái, họ bảo nhau:
          - Chúng ta đâu có xử tệ với bả. Làng cho mấy đời nhà quét chợ miếng đất đó, bây giờ tiền không. Coi bầy heo đủng đỉnh ăn rau trong vườn kìa, bầy gà đá đó nữa, cả một gia tài, vậy mà không biết ơn chúng ta.
          Ông thu hoa chi nhăn mặt:
          - Mấy bà đừng có thêm mắm dặm muối. Năm xưa, miếng đất bãi bồi bỏ hoang này chẳng ai thèm. Cỏ, lác, ô rô gai góc mọc lút đầu người. Nghe nói ông cố, ông sơ nhà bả mua bằng công quét chợ mấy năm. Bao nhiêu đời nhà người ta kéo rác về đắp bồi mới được như giờ.
          Đứng trước cửa gọi mãi không nghe bà quét chợ lên tiếng, ông thu hoa chi nhấc cái cửa để qua một bên, bước vào trong, miệng lầm bầm:
          - Thời buổi này mà cửa nẻo gì, có cũng như không.
    Ông bỗng ngừng bặt vì cảnh tượng trước mắt. Ở chái bếp thấp lè tè, cao vừa khỏi đầu người, bà quét chợ đã chết trong tư thế quỳ gối, đầu gục xuống ngực, cái lưỡi thè dài đã chuyển màu đen, sợi thòng lọng lủng lẳng xệ xuống tận bụng.
          Mọi người xúm lại lao xao nói, hòa với tiếng gà, heo kêu xung quanh, tạo thành một bản hòa âm kỳ lạ bên cạnh cái chết cũng rất lạ của bà quét chợ. Treo cổ thì phải chết treo, đằng này bà lại chết quỳ với cái thòng lọng không thít vào đâu.
          Công an đến ghi chép, nhưng không hỏi được gì nhiều vì quanh đó không có nhà cửa. Bà quét chợ không giàu có, không xinh đẹp, không người thân… tóm lại là không có động cơ. Căn nhà nhỏ của bà hoàn toàn ngăn nắp, sạch sẽ. Ngoài vườn, cây lá vẫn rất xanh. Thế giới vẫn thanh bình với những làn mây trôi êm đềm giữa một trời quang, sau ngày mưa xối xả đến cạn kiệt mây đen như hôm qua. Và, những cánh bướm sặc sỡ, những chú ong bầu bay ù ù vẫn nhởn nhơ hút mật trong làn gió nhẹ. Một cuộc đời cô độc, đến rồi đi, vô thường thế thôi.
          Bỗng nhiên tổ tông mấy đời nhà bà quét chợ bị người ta lôi ra, để cuối cùng kết luận: Nhà đó có huông ma thòng lọng. Đời nào cũng có ít nhất là một người thắt cổ chết treo. Mọi người sợ dính huông thắt cổ, chẳng ai dám động đến cái xác. Một ông sư được mời đến để cắt thòng lọng. Chẳng biết thực hư thế nào, người ta đồn rằng khi cắt sợi dây, bên trong đen sì máu bầm?!
          Đám tang của bà do xã đứng ra lo liệu. Đó là một cái đám tang rất lớn với hàng chục con heo sữa quay và một con heo nái hơn một tạ thịt hơi. Bầy gà nòi của bà, người ta tranh nhau mua. Cuối cùng xảy ra một chuyện chưa từng có, ủy ban xã cử người tổ chức đấu giá bầy gà để lấy tiền chôn cất chủ.
          Thật kinh ngạc, bầy gà nòi bán hơn ba mươi triệu đồng. Con gà to nhất đàn, có cái cựa dài nhọn hoắt, lúc nào cũng hung hăng đi kiếm chuyện với những con gà khác, đã được trả tới bảy triệu đồng. Nhiều tiền quá, xã quyết định mua cái hòm cẩm lai duy nhất của trại hòm. Nghe nói cái hòm ấy nhiều năm không bán được vì giá quá cao. Ông chủ trại hòm còn than thở:
          - Vừa bán, vừa cho chứ mắc mỏ gì! Cẩm lai bây giờ làm gì còn để mang đi đóng hòm. Đóng nội thất cao cấp còn không có mà đóng. Chẳng qua gỗ đóng hòm rồi, đâu thể tháo ra. Bán rồi, tiếc muốn chết.
          Con trai ông chủ trại hòm hỏi:
          - Cha tiếc vậy sao còn cho không dịch vụ kèm? Những cái đó mình phải tốn tiền mà?
          - Nghĩa tử là nghĩa tận. Vài bộ đồ liệm, mấy thằng khiêng đòn, chủ tế… công nhà cả, tính toán làm chi với người chết.
          Mấy hôm sau, bà quét chợ được yên nghỉ ở đất thánh (nơi chôn cất những người nghèo, vô gia cư, xác vô thừa nhận - NV).
          Miếng đất của bà trở thành tài sản công. Xã muốn bán để sung công quỹ, nhưng chẳng ai muốn mua. Khu đất không người chăm sóc, gặp mùa mưa, đủ loại cây từ đất rác mục ấy chen nhau mọc lên, xanh như chưa bao giờ cây cỏ được xanh như thế.
          Thời gian qua đi, mọi chuyện sẽ vào quên lãng nếu như mấy con gà nòi không sinh quái bệnh. Gà đá mà không chịu đá. Những người chủ gà không hiểu vì sao khi thả trong vườn, những con gà nòi rất hung hăng, đá bất kể gà trống, gà mái, gà con cho đến dở sống, dở chết mới thôi. Khi những con gà tan tác, nằm khốn khổ la liệt trên đất thì con gà nòi vỗ cái cánh chẳng có mấy lông và ngửa cái cổ đỏ trụi lủi, gân guốc như đô vật, hả hê gáy rất to. Còn khi ôm vào xới gà, chúng cứ đứng sững ra đó, mặc cho kẻ địch tha hồ đá mổ. Chủ gà đành phải chịu thua để ôm gà về.
          Tưởng chỉ một con như vậy, hỏi ra mới biết những ai mua gà của bà quét chợ đều gặp tình trạng đó cả. Những kẻ chơi gà đá độ không đủ tiền để đấu giá những con gà của bà quét chợ thì cười:
          - Thèm gà người ta cho lắm, bây giờ mua được hóa ra gà không biết đá.
          Người ta bắt đầu rỉ tai nhau những câu chuyện về kẻ đã giết bà quét chợ. Có lẽ không chỉ một người mà là nhóm người. Các mẩu chuyện truyền khẩu đó, tuy không chỉ đích danh, nhưng nói đến những con gà, khác nào chỉ đích danh còn gì. Một người nói, hai người nói… càng nhiều người nói, câu chuyện càng hoàn chỉnh như đang thật sự thấy những kẻ giết người chỉ vì một bầy gà đá quá chiến mà chủ của chúng thà để già chết đem chôn, không bao giờ bán. Rồi câu chuyện được kết luận như sau: Có rất nhiều dấu vết ở hiện trường, có thể chỉ ra thủ phạm, nhưng công an của ta không có máy móc và kỹ thuật giỏi như nước ngoài, bởi vậy mà bà quét chợ chết oan. Hồn ma của bà ám mấy con gà. Nghe thật buồn cười. Câu chuyện đang là rất lý trí, rất hiện thực, bỗng dưng cái kết lại ngoặt mấy trăm độ về số âm. Những chủ gà mới khổ, đi đâu cũng bị dòm ngó, lườm nguýt.
          Lúc ấy, ông nội bé Tú - một người trong xã đã mua miếng đất của bà quét chợ. Những người được thuê dọn quang khu đất kể, họ chưa bao giờ thấy nhiều ổ rắn đủ loại như ở đó, tha hồ mà bắt, không hiểu là “ma cũ hay ma mới”. Nếu là “ma cũ”, sao heo, gà có thể sống hòa bình như thế năm này sang năm khác? “Ma mới” thì từ đâu mà đến, kéo theo bầy đàn thấy ớn. Mà rắn đem lên Sài Gòn, càng độc, càng bán được tiền.
    Nói đến tiền, bỗng dưng người ta tổng kết rằng bà quét chợ rất giàu. Thì đó, bà vừa chết đi, của nổi đã thấy khối tiền, biết đâu bà cắc củm để dành, của chìm chắc cũng không ít. Vậy tiền, bà giấu đâu? Không ít người bỏ công lục soát, đào xới ở đó, không nghe ai khoe mình kiếm được xu nào, nhưng nhờ thế mà đỡ cực cho những người dọn quang khu đất.  
          Một chủ tàu ở Phú Quốc ghé chợ kiếm ông thu hoa chi hỏi thăm nhà của bà quét chợ. Ông thu hoa chi hỏi:
          - Bà quét chợ cũ hay mới?
          - Bà quét chợ đi cà nhắc.
          - Bà ấy chết rồi. Ông kiếm có chuyện gì?
          - Bà ấy tặng tôi cặp gà nòi. Tôi hứa tháng này ngang qua sẽ tặng bà ấy một con chó Phú Quốc. Mộ bà ấy ở đâu? Tôi đến thắp nhang.
          Ông thu hoa chi ngẫm nghĩ: Sợi thòng lọng đó, chắc là để chuẩn bị buộc con chó. Rồi chuyện gì xảy ra và vì sao bà lại chết trong tư thế kỳ cục thế, nghĩ không ra.
    Không ai nhớ bà quét chợ từng sống ra sao. Nhưng bà chết thế nào thì có khi người ta biết còn nhiều hơn cả chuyện thực sự đã xảy ra.
     Ông nội bé Tú đã dỡ nhà bà quét chợ, xây một cái miếu nhỏ ở góc trái mảnh đất, trên cửa miếu sơn một hàng chữ: Miếu bà quét chợ. Thì ra, không ai biết bà quét chợ tên gì!
          Ngày ngày, ông cử người nhang khói, cúng cơm cho bà theo tập tục. Người trong làng đi ngang qua cái miếu nhỏ, ai cũng tiện tay thắp một cây nhang. Là hương khói, mọi thứ chỉ là hương khói thôi, nhưng mỗi khi thắp một cây nhang, người ta lại nhìn cái tên miếu. Ít nhất, đó cũng là điều có thể nhớ về một con người đã từng sống trên mảnh đất này.
    ******



    <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2013 22:30:04 bởi Viên Nhật >
    #17
      Viên Nhật 09.09.2009 18:57:17 (permalink)
      HƯƠNG KHÓI LÊN TRỜI
       
            Hương đang phỏng vấn xin việc. Hai bàn tay cô để trên bàn. Những câu hỏi rất đơn giản như: tại sao lại chọn công việc này, hiểu biết về công ty đó thế nào, có chịu được áp lực công việc, có làm thêm giờ, đi công tác xa… 

            - Cám ơn em đã đến dự phỏng vấn của công ty chúng tôi. Em về chờ thông báo sau nhé.
            - Dạ. Cám ơn chị. Chào chị.
            Hương thở dài. Vậy là lại rớt. Cô đã nhận mấy chục câu: "Chờ thông báo sau" này rồi. Đó là cách từ chối cho dễ nghe.
           Lấy điện thoại ra, cô mở máy, có một cuộc gọi nhỡ của mẹ. Nghĩ đến mẹ, cô lại nghĩ về tương lai mù mịt và một hiện tại làm việc thời vụ, trôi nổi hết nơi này đến nơi khác. Công việc không ổn định. Tiền bạc không ổn định. Nhà cửa không ổn định. Rất nhiều thứ cơ bản không ổn định. Điều lo phiền nhất của cô là làm mẹ thất vọng.
      Giấc mơ của cô là học thật giỏi, kiếm được việc tốt và có thể chăm lo cho mẹ những năm tháng cuối đời nhàn hạ, sung sướng. Cô biết mình không thông minh bằng người, nhưng cô có thể bù đắp bằng sự chăm chỉ.
            Sự chăm chỉ như cái nhãn dán trên trán cô suốt những tháng năm cắp sách. Cô chưa bao giờ xếp hạng đầu, lúc nào cũng dưới vài cái tên. An ủi mình thì có thể bảo nằm trong nhóm top ten. Rất nhiều bạn học của cô tranh thủ làm thêm, có khi bỏ học hàng tuần để đưa khách du lịch đi tua. Tiền đến tay mà không làm thì phí quá. Cô không dám làm như thế vì sợ bị cấm thi.
            Cô không dám làm rất nhiều thứ vì mục đích chính của cô là học. Lúc nào cô cũng nhớ hình ảnh mẹ ngồi ở rìa chợ, bên những bó rau, lam lũ đến thương.
      Cầm mảnh bằng đại học cả năm mà chỉ như một sinh viên với công việc thời vụ, làm sao ăn nói với mẹ? Mẹ sẽ không thể hiểu tại sao thành phố đầy những cử nhân thất nghiệp đang kiếm sống bằng nhiều nghề trái tay khác nhau như cô. Mẹ nghĩ con gái ở thành phố sẽ bay cao, bay xa. Mẹ không hề biết cô đã về tỉnh xin một chân giáo viên cũng bị từ chối vì đã đủ người. Vừa nghĩ ngợi, Hương vừa nhấn số:
            - Mẹ yêu ú ù!
            Tiếng cô cười trong vắt rất vui tai. Mẹ cô cười mắng:
            - Sao bây giờ mới gọi lại?
            - Mẹ biết rồi mà, con bận. Mẹ yêu gọi, mừng thấy mồ, trừ khi không thể bắt máy.
            - Giả bộ huyên thuyên. Nhớ tự chăm sóc mình, đừng mải làm bỏ bữa nghe.
            - Dạ. Mẹ đừng lo.
            Những lời dặn dò của mẹ như cuộn cassette yêu thương mà cô thuộc lòng. Mỗi lần nghe giọng mẹ, cô lại nhớ rất nhiều thứ và tự trách mình không cố gắng hơn nữa. Nhiều khi cô cũng không biết mình phải cố gắng bằng cách nào để có một kết quả có chút đường mật gì đó. Ăn quả đắng mãi, hình như rút gần kiệt sức chiến đấu trong cô mất rồi. Kiếm được việc, tạm đủ sống qua ngày, một ít làm quà cho mẹ, không dành dụm được chút gì cho ngày mai, thật thảm hại.
            Mệt mỏi quá, hay mình cứ nhận lời đề nghị của Thức, học một khóa bartender rồi về làm công cho anh ta? Lương cao, lộc nhiều, cho con người năng động trong môi trường nhiều cạnh tranh. Con gái miền Tây học nghề bartender thì hợp quá còn gì. Đó là cách nói của Thức. Nếu không phải Hương quá biết về Thức, người từng một thời theo đuổi mình thì cũng không phân biệt đâu là lời thật, đâu là lời hư. Lời hư nằm ở câu đầu: lương cao, lộc nhiều, năng động, cạnh tranh. Nghe như là nhân và quả. Thế gian này không giống cổ tích đâu. Gieo một đống nhân chẳng có quả nào, bình thường thôi. Con người sống thuần lý trí như cô không tin cái gì trên trời rơi xuống.
            Thủy dặn cô chuẩn bị để Tuân ghé đón cô đến dự khai trương cái quán cà phê sân vườn ở ngoại thành. Hai người bạn này của cô từng là những thủ khoa đầu vào, nhưng rồi lại giỏi chạy sô kiếm tiền hơn là đến lớp. Cứ nhìn vào cách sống quay như chong chóng, đủ thấy tính cách họ khác cô một trời một vực. Vì lý do chỉ có trời mới hiểu, bọn họ lại rất yêu quý cô. Tình cảm là một thứ không thể dùng lý trí để phân tích logic.
      Khi Tuân chở Hương đến nơi, Thủy đã đứng đợi ở cửa. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng cả rồi. Có khi họ thức cả đêm qua để làm cũng nên. Khung cảnh trang trí rất đẹp. Sang trọng với thủy tinh trong suốt và những gỗ, đá mộc làm bàn ghế. Rất thơ với những cây xanh, hoa hồng đã lác đác nụ non, những giỏ hoa, lúa khô... trong tiếng nhạc hòa tấu êm dịu. Hương nhắm mắt lại, hít thở thật sâu. Có chút gì như máu hoang dã, cứ chảy cuồng trong trái tim cô với nỗi nhớ đồng quê đến nghẹn ngào.
            Tiếng Thủy kéo cô về thực tại:
            - Thấy sao hả mọt sách? Có mơ màng không?
            Hương cười. Thủy chỉ mình và cô gái lạ đang vào cùng Tuân:
            - Bộ chỉ huy đây.
            Cô gái mỉm cười, hiện rõ bốn cái đồng tiền duyên dáng quanh khóe môi và đưa tay nắm tay Hương, tự giới thiệu:
            - Thư.
            Bộ ba tự tin, thoải mái đó làm Hương thấy mình thật lạc lõng. Tuân chỉ vào cái bàn đá ở góc cùng:
            - Bọn mình lại kia nói chuyện một chút.
            - Tớ xin lỗi, nhưng tớ phải về đi làm.
            - Bỏ việc đi, về đây làm. Bọn mình có dành hẳn phòng riêng cho Hương ở lại, không phải thuê nhà trọ nữa. Lương trước mắt không cao, nhưng ổn định.
            Lang thang suốt một năm ròng với đủ thứ công việc, còn gì làm Hương thích hơn hai từ cuối đó: ổn định. Nhiều thứ trong cuộc sống của cô sẽ được sắp xếp trật tự. Cô luôn thấy an toàn khi có trật tự. Đó là trước mắt thôi, có cái gì là mãi mãi đâu.
            Căn phòng dành cho cô ở sân thượng, có một giàn lan, nhìn là muốn ở lại rồi. Cô áy náy khi nghĩ đến việc mình chẳng phụ giúp họ gì trong những ngày chuẩn bị, ăn sẵn thế này, nhận việc, cô phải cố gắng hết sức.
            Ba chủ nhân, sau khi cô quen việc thì chỉ mỗi ngày ghé qua một lần để xem sổ sách thu chi, việc kinh doanh khoán trắng cho cô. Họ làm gì bên ngoài, nếu muốn nói thì      Hương nghe, còn không thì cô cũng không hỏi.
            Thủy thường nán lại lâu hơn để kể cho cô nghe đủ thứ chuyện. Những câu chuyện có Tuân làm trung tâm là đủ hiểu tình cảm Thủy như thế nào. Bộ ba như hình với bóng đó thật phức tạp. Thủy chỉ nói nửa chừng nhưng Hương hiểu: cái quán sân vườn bề thế này chỉ là một bức bình phong. Ở cái thành phố bon chen này, họ có thể làm gì? Tự nhiên, cô lại thấy bất an.
            Ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài đến nửa đêm. Hôm nào cũng như hôm nào, cô đều ngủ quên bên chiếc máy vi tính trong khi tính toán sổ sách và ghi chú công việc cho ngày mới. Trong ba năm quản lý, cô đã biến cái quán cà phê sân vườn ngoại ô thành một nhà hàng khá đẹp, tuyển thêm đầu bếp, nhân viên phục vụ, bản thân cô thỉnh thoảng kiêm luôn chân pha chế cocktail. Sự phát triển đó là nhờ bộ ba chủ nhân luôn ủng hộ những đề xuất của cô, chấp nhận nhập lãi để cải tạo thành nhà hàng sân vườn. Nhưng họ bỏ mặc cô xoay xở với công việc như núi. Có lần Hương hỏi Thủy: “Nhà hàng làm ăn thuận lợi, sao ba người không tập trung về đây, cứ chạy sô suốt, bên ngoài có việc kiếm nhiều tiền lắm à?”. Thủy nói như đùa: “Vì Hương mới mở cái quán này, làm cho tốt vào”. Hương mỉm cười, biết có hỏi cũng không có câu trả lời thật sự, muốn tin thì tin, không muốn tin thì quên đi.
            Hương gần như quên thời gian trôi qua bao lâu. Cô từng rất thích trật tự, nhưng bây giờ, cái trật tự mỗi ngày đó làm cô mệt mỏi muốn phát điên. Những buổi chiều, khi cố chống chọi cho qua cơn buồn ngủ bằng những tách cà phê đặc quánh, cô đều trải qua tâm trạng chán nản, bi quan cùng cực. Qua cơn buồn ngủ thì đâu lại vào đó, sức sống tràn về và cô lại có thể cười rất tươi.
            Một buổi tối, như mọi khi, Hương đang ngủ gục trên bàn thì nghe tiếng khóc nức nở. Cô mở mắt, quay nhìn. Thư đang nằm dài trên giường cô, mặt úp xuống gối. Một người khóc ở đây, vậy là bộ ba có vấn đề. Hương ngửa đầu ra ghế xoay, nhắm mắt một lát cho đỡ nhức trán. Ôi! Tất cả đều có vấn đề, chỉ đợi thời gian chín mà thôi. Hương thầm thở dài và chờ Thư thôi khóc.
            Hương không ngờ là chuyện lớn hơn cô tưởng. Gần sáng, cô nhận được tin Thủy đã mất. Thư quáng quàng chồm dậy cùng cô chạy đi.
      Tuân ngồi cạnh xác Thủy, vẻ bơ phờ như người mất hồn. Thư ngồi xuống bên cạnh rồi gục xuống xác Thủy, khóc òa lên. Hương ngồi bệt ra đất, dựa lưng vào tường, ngơ ngác không hiểu gì cả.
            Tiếng chuông điện thoại reo nhiều lần nhưng cả hai không buồn bắt máy. Hương mở máy Thủy. Đầu dây bên kia là một giọng đàn ông lạnh lùng nhắc:
           - Ngày mai là hết hạn rồi đó.
            Hết hạn gì, Hương chưa kịp hỏi, ông ta đã tắt máy.
      Cái nhà hàng sân vườn phải giao cho người khác. Hình như họ đã trắng tay sau cái chết của Thủy. Tuân bỏ về quê, không thấy liên lạc gì nữa. Thư trở về Bắc, thỉnh thoảng có liên lạc với Hương qua mạng. Hương vẫn không hiểu câu chuyện thật sự là thế nào.
      Sự chăm chỉ của Hương cuối cùng đã có kết quả. Cô giành được một suất học bổng du học. Mấy năm sau, có dịp đi ngang quê Tuân, Hương tìm đến nhà. Người nhà cho biết Tuân đang khai thác vàng ở đâu đó. Xem ra, Tuân vẫn không thay đổi.
            Thư nghe Hương nói đang trên đường ra Bắc, liền cho địa chỉ hẹn cô. Thư đến cùng một thằng nhóc vài tuổi rất xinh, quen mặt vô cùng. Hương hỏi:
            - Tuân có biết không?
            - Biết. Nhưng may là Tuân không đến tìm mẹ con mình.
            - Sao lại thế?
            - Tuân là týp người rất dễ cuốn hút người khác, như lò lửa, sống cạnh sẽ bị cháy lúc nào không hay. Lúc Thư biết mình có mang, cũng nhận ra mình không phù hợp với lối sống phập phồng lo âu thế nữa. Cho đến bây giờ, Thư cũng không biết Thủy chết vì biết mình có con với Tuân hay chết vì vỡ nợ. Bọn mình làm bao nhiêu cũng không đủ cho Tuân. Tuân vốn máu mê bài bạc và cá độ. Thế đấy! Bây giờ vẫn phải trốn nợ. Có dạo bọn đòi nợ còn ra tận đây kiếm Tuân.
            - Thư dạo này thế nào?
            - Công việc công chức, cũng đủ sống. May là thằng bé rất khỏe mạnh và rất ngoan, ông bà ngoại yêu lắm. Nghĩ về những ngày xưa là mình lại thấy sợ.
            Cách Thư nói như là Thư đã già lắm. Hương mỉm cười nhớ lần đầu tiên gặp Thư, cũng vẻ duyên dáng, dịu dàng không khác mấy bây giờ. Ừ, có lẽ bây giờ ra vẻ một bà mẹ yêu con, không có thứ lửa cuồng nhiệt cháy trong mắt như hồi đó. Chỉ khác thế thôi.
            - Mãi nói chuyện mình, quên hỏi Hương. Bạn về nước luôn hay sẽ đi nữa?
            - Đi đi, về về.
            Thư nhìn Hương một chút rồi quay đầu nhìn ra hàng cây ngoài đường khẽ nói:
            - Thủy ở trên trời thấy Hương được như vậy sẽ rất vui. Thủy nói luôn yêu mến Hương vì Hương rất ngoan, rất thương mẹ, lại chăm chỉ, có thể tin cậy được. Một ngày nào đó sẽ tiến xa.
           - Thế ư!
            Hương lại thấy nghẹn ngào trong lòng khi nhớ câu Thủy trả lời lúc cô hỏi vì sao mở cái quán cà phê sân vườn ấy mà không  tập trung phát triển nó, và dáng Thủy nằm trên giường, khuôn mặt trúng độc thâm đen, sưng phù, dù cô cố xóa, nhưng vẫn quay lại với những hình ảnh lúc nào cũng sống động, mới toanh. Bây giờ, cô hiểu mình không cần phải cố xóa nữa. Những gì nên nhớ, cô sẽ nhớ. Những gì nên quên, cô sẽ quên. Ít nhất, cô sẽ giữ mình như trong mắt bạn, một người có thể tin cậy được. Đơn giản thế thôi.
      ******
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2013 22:37:35 bởi Viên Nhật >
      #18
        Ct.Ly 24.11.2009 00:41:54 (permalink)
        #19
          Viên Nhật 26.11.2009 11:38:23 (permalink)
          Hì, chào bạn Ct.Ly!
          Mình vẫn viết, thói quen thôi hiiii.
          Bạn thì vẫn xuất hiện đều đều trên diễn đàn nên mình biết bạn vẫn khoẻ, hì.
          Chúc bạn vui vẻ, mạnh khoẻ và luôn có được những gì bạn muốn nha.
          Thân ái,
          VN
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.11.2009 13:16:07 bởi Viên Nhật >
          #20
            Viên Nhật 09.12.2009 22:17:14 (permalink)
            BÁNH BAO CHỉ... NGON ƠI LÀ NGON!

            Tháng bảy âm lịch đã về quê đốt nhang cho cha má. Tháng tám trung Thu, chỉ về nhà ở Gò Vấp đốt nhang ở bàn thờ. Mua lung tung xèng rồi về nhà, ngại cái lô cốt ĐBP thế là vòng đường bờ kênh đi ngõ sân bay. Dù sao thì đường Trần Huy Liệu đã thành đường một chiều cả tháng nay rồi, đi ngõ nào cũng phải xuôi NKKN xuống sân bay mà thôi.
            Trên đường chợt nhìn thấy mấy cái tấm bảng chưng hàng chữ "Bánh bao chỉ, Ngon ơi là ngon!" Lại nhớ cha má ngày còn sống đều rất thích ăn bánh bao chỉ.
            Thế là lon ton ghé vào:
            - Chào con, cái bánh bao chỉ ngon ơi là ngon đó... bán làm sao?
            - Dạ, ba ngàn một cái.
            - Hiiii, họ nhà bánh bao chắc bà con với xăng dầu.
            - Dạ hổng có đâu cô. Bánh bao có mùi xăng là khỏi ăn luôn.
            - Thế à!
            Tôi buồn cười. Người đâu mà thật thà quá. Mà cũng không biết ai mới thật thà nhỉ? Mua xong rồi tôi mới cười cười bảo:
            - Ngon ơi là ngon nên mới lên giá như xăng dầu đó hả? Hồi trước, chỉ 500 - 1000. Bây giờ trượt giá, leo tuốt lên mây ngồi luôn, nóng lạnh quá! Heeeeee. Chúc con bán hết hàng nha.
            - Dạ, cám ơn cô. Giá đó là chủ giao bán, con chỉ ăn lương thôi.
            Trên đường về nhà mới để ý cái logo "Bánh bao chỉ, ngon ơi là ngon" đó tràn ngập các lề đường như bán báo dạo vậy. Tự nhiên lại ngớ ngẩn nghĩ tới những người bán thuê ấy. Không hiểu cái khu nhà trọ bánh bao chỉ này sẽ ở đâu nhỉ? Có lẽ sẽ nằm đâu đó cạnh khu nhà trọ của những người bán hủ tíu gõ, xôi vò, cơm rượu...
            Thử đoán xem người bán sẽ được bao nhiêu phần trăm trên giá một cái bánh bao chỉ đó?
            Thử đoán xem một ngày họ có thể thu nhập bao nhiêu? Cái tủ con con như cái tivi 14inch đó, sức chứa tối đa theo tôi khoảng 1.000 cái.
            1.000 cái lận đó. Chắc chẳng có ai xuất sắc trong vai bán bánh bao chỉ đâu nhỉ.
            Lan man thế thôi, chỉ là tôi rất thích cái logo dụ khị vui vui đó. Là tôi nhớ cha má, là cái gì nữa tôi không biết, chỉ biết là khi nhìn thấy hàng chữ logo đó, tự nhiên lại nhe răng ra cười mà lòng thật thì buồn và nhớ mênh mông! Cũng không rõ chính xác là mình buồn nhớ cái gì.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2010 18:53:47 bởi Viên Nhật >
            #21
              Viên Nhật 11.05.2010 22:59:28 (permalink)
                     
               

              TRÒN MỘT NGÀY

              Tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi làm tôi choàng thức giấc, trái tim giật thót vì lo lắng, không hiểu ở nhà có chuyện gì không? Điện thoại mà reo những giờ không giống ai thì hồi hộp lắm, nhất là khi trong nhà còn có mẹ già đau ốm triền miên.
              Quờ quạng trong bóng tối tìm cái điện thoại và mở màn hình: mới có 4 giờ sáng! Tôi lò dò lại, soi màn hình di động vào cái điện thoại bàn và bấm xem số ai vừa gọi. Bất thình lình, cái đèn đỏ nhấp nháy và chuông điện thoại lại réo inh ỏi, thì ra là số của anh.
              Tôi cầm điện thoại lên, cằn nhằn:
              - Trời ơi, anh tính đi ăn trộm hay sao mà…!
              - Anh nhắn cho em vào email rồi mà: kể từ hôm nay, mình sẽ đi tập thể dục sớm một tiếng.
              - Anh nhắn hồi nào sao em không thấy? Messenger mở suốt mà đâu có cái thư nào của anh?
              - Anh gởi vào cái hộp thư nick C. từ trưa hôm qua.
              - Có phải anh cố tình không? Cái hộp thư ấy mấy khi em mở, quên mất tiêu pass rồi cũng nên. Sao anh không gọi điện?
              Tiếng anh cười nghe là biết gian giảo đầy người.
              - Xuống nhà đi, anh đã đến dưới đường chờ rồi.
              Đã lỡ thức rồi, tôi đành đi tắm qua và thay bộ short, rồi nhanh chóng mang vớ, đi giày ra cửa, chạy bộ xuống mấy tầng lầu.
              Đường phố hãy còn tối và vắng. Khí trời ẩm và lành lạnh, có vẻ rất trong lành, gợi tôi nhớ hương vị quê nhà vào những sớm mai hay những buổi chiều tà. Tôi thấy rất dễ chịu, tự nhiên lại có cảm giác mũi mình như đang dài ra để hít thở cho thỏa thích.
              Anh đang đứng trên lề, cạnh chiếc xe máy. Chỉ mười phút chạy xe là anh và tôi đã đến công viên. Lấy tay đẩy cái gọng kính cận, anh chỉ vào ngọn đèn đường sáng choang trên đầu nói:
              - Mình đánh cầu lông ở đây giờ này là tiện nhất, vừa sáng, vừa thoáng, vừa…
              Tôi nhăn mặt:
              - Anh cũng biết là em hay thức khuya, có đêm nào ngủ trước 1 giờ sáng đâu. Tập bây giờ thì về tới nhà chỉ mới khoảng 6 giờ, chắc em phải ngủ thêm giấc nữa thì mới đi làm nổi. Rủi mà không ngủ được, giác 9 – 10 giờ không gà gật mới kỳ đó. Nếu lúc đó em đang chạy xe trên đường, buồn ngủ quá, chạy như người say đánh võng, không bị công an túm, cũng bị bệnh viện ghi tên.
              - Em nói sao nghe y như thật ấy, "thương tâm" quá trời!
              Cái cách anh cười cộng với cái tròng kính nhá đèn nhấp nháy hết sức hài hước, còn cửa nào để nổi sùng, thôi thì đánh cầu cho rồi.
              Vì tức mình, tôi trút giận vào trái cầu như đánh kẻ thù. Khổ nỗi, anh cao lênh khênh, cứ nhẹ nhàng đánh qua vừa tầm cho tôi, dù tôi nhiều lần chơi xấu, khi thì tạt thấp, khi thì đánh xéo để anh phải chạy bở hơi tai, rồi phải múa may đủ tư thế để đỡ trông rất buồn cười. Nhìn anh, tôi vui quá, cứ cười khoái chí, đánh không biết mệt. Chỉ đến khi người tôi nóng như lò lửa, mặt rát bỏng và cánh tay gần như không thể giơ lên, tôi mới ngừng.
              Bận về, tôi quyết định chạy bộ về nhà. Chạy một đoạn, tôi mới nhận ra mình rất mệt. Quãng đường chỉ còn non nửa cây số mà với tôi bây giờ, thật là xa xôi vạn dặm. Tôi thấy tiếc, lúc nãy để anh chở về thì bây giờ đâu có ngán ngẩm thế này!
              Khi về được tới cửa, tôi lại mừng vì lúc nãy mình sáng suốt không nhờ vã anh?! Tôi lúc nào cũng đầy mâu thuẫn. Ngay cả tôi, lắm phen còn không chịu nổi mình nữa là…
              Là nói thế thôi, những khi tôi khỏe mạnh, kiểm soát được mình thì tôi là một người hoạt bát, vui vẻ… túm lại là… cực kỳ dễ thương. Nhưng khi tôi mệt mỏi, không đủ sức kiểm soát chính mình thì tốt nhất là kiếm một xó mà trốn biệt, để thiên hạ nhìn thấy một “bà chằn lửa" thì kinh dị lắm.
              Có khối thời gian dư vào sáng nay, thế mà loanh quanh sao không biết, tôi lại thấy mình sắp trễ giờ tới nơi. Chuyện cơm bữa ấy mà, chỉ tự mình hơi thắc mắc, mình xài thời gian kiểu gì kỳ lạ thế không biết?
              Cũng may, tôi là người dị ứng với mọi loại kem, phấn. Mỹ phẩm duy nhất mà tôi xài muôn năm là hai cây son. Vì vậy, dù có tháo mồ hôi chạy như bay xuống lầu cũng chẳng ảnh hưởng tới hòa bình thế giới, có khi còn hay vì có má hồng tự nhiên ấy nhỉ?
              Đang vội vội ra cửa, tôi nghe tiếng anh gọi:
              - Anh ở đây, hôm nay cho em đi nhờ xe miễn phí.
              Biết mình mà qua tới bãi, lấy được xe ra, trễ càng thêm trễ, tôi cười:
              - Cám ơn anh, cái gì miễn phí, em đều thích hết!
              - Em nói đó, từ nay anh làm tài xế miễn phí cho em.
              - Thôi, cám ơn anh. Em đâu nỡ lợi dụng công khai vậy.
              - Là anh tình nguyện mà!
              - Ui trời! Chuyện đó, hồi sau sẽ tính. Em trễ mất rồi.
              Từ khe cửa, tôi đã nhìn thấy chị giám đốc ngồi ở bàn đang viết cái gì đó. Tôi rón rén cúi thấp người xuống, toan âm thầm bò về cái bàn của mình. Chính lúc ấy, tôi thấy một cái bóng chồng lên bóng của mình. Quay phắt lại, tôi nhận ra anh phó giám đốc cũng đang lom khom như thế ở đằng sau mình:
              - Em làm rơi gì sao? – giọng anh rất thấp, gần như thì thầm.
              - Em đâu có làm rơi gì.
              Anh liền đứng thẳng dậy:
              - Vậy sao em cứ lom khom?
              Tôi đưa ngón tay lên miệng:
              - Anh đừng la lớn.
              - Lại đi trễ nữa! Còn nấp nánh làm gì, tui đã thấy tiểu thư từ dưới cổng rồi.
              - Dạ! – còn gì là bí mật đâu, tôi đành đứng thẳng dậy, liếc cho anh phó một con "dao lam" bén ngót.
              Anh nhe răng cười tươi quá, làm tôi muốn bệnh luôn.
              Treo cái giỏ ra sau ghế và cái áo khoác lên lưng ghế xong, tôi ngồi xuống.
              - Hôm nay trễ 20 phút, phạt ngồi trực thêm hai tiếng buổi chiều, nghe chưa?
              - Dạ! – tôi ỉu sìu. Ngày nào cũng bị phạt trực sau giờ làm việc, gặm bánh mì muốn ngán mà tôi vẫn hiếm khi tới chỗ làm đúng giờ.
              Chuông điện thoại đổ, tôi cầm máy, khẽ ho cho thông giọng rồi mới đưa lên tai, “alô… xin nghe!”, bằng cái giọng dịu dàng nhất thiên hạ.
              Nhiều khi tôi nghĩ: nếu tôi không là một cô gái có nhiều vấn đề nổi loạn thuở thiếu niên, chắc tôi cũng không có bao nhiêu kinh nghiệm để thuyết phục người khác. Chuyện tư vấn cho mọi lứa tuổi này quả thật rất đau đầu. Đôi khi, các phụ huynh đã có biện pháp xử lý, điều họ muốn nghe là để giải áp lực cho chính họ chứ không phải cần giải pháp. Còn chưa kể đến những cuộc gọi quấy phá chỉ vì thích nghe giọng nói của người tư vấn.
              Nhiều lần, chị giám đốc yêu cầu tôi đưa số điện thoại nhà riêng để có thể tư vấn ngoài giờ, nhưng tôi đều từ chối. Buổi tối là thời gian riêng để tôi thoát khỏi những rắc rối của người khác. Nếu đem cả về nhà, chắc gì tôi có thể còn giữ được giọng nói kiên nhẫn, ngọt ngào được nữa vì quá tải.
              Hết giờ làm, mọi người đã về từ lâu, chỉ còn tôi với căn phòng trống và những chiếc điện thoại. May quá, đồng hồ đã chỉ 6 giờ 30, tôi đã xong "nghĩa vụ quốc tế".
              Đang khóa cửa, tôi nghe tiếng điện thoại đổ chuông. Tuy rất muốn đi luôn, coi như mình không nghe thấy, cái khó nhất là tự lừa dối mình, tôi đành thở dài, quay trở vào. Lại ho hen cho thật tươi tỉnh, tôi bắt máy:
              - Alô… xin nghe?
              Giọng anh ở đầu dây nghe như ru:
              - Có ai bị bỏ đói không nhỉ? Có người đợi sẵn chở đi ăn đây nè.
              Không hiểu sao tôi lại thở dài. Sẽ có ngày anh làm tôi đổi ý mất. Gần đây, tôi thường hay muốn dựa dẫm vào anh, dấu hiệu chẳng hay chút nào! Anh là cái vòng tròn mở ra, khép lại một ngày của tôi. Hơi lắc đầu, tôi tự nói: không nên để nó thành thói quen. Cái gì quen cũng chẳng mấy hay ho. Chuyện đó, ngày mai hẳn tính, bây giờ, chưa kịp quen, cứ đi ăn cùng anh cái đã. Và tôi nhanh chóng khóa cửa, xuống lầu.
              ******
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.08.2012 21:38:48 bởi Viên Nhật >
              #22
                Viên Nhật 17.07.2010 20:49:03 (permalink)

                HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG QUE DIÊM


                Tất cả những que diêm có hai con đường cơ bản: cháy hoặc rã đi.
                Cháy một mình hay cùng cháy.
                Rã và thành đất.
                Thiên nhiên có bốn sức mạnh: đất, nước, lửa, gió. Thật ngẫu nhiên là trong một que diêm đã tiềm ẩn hết hai trong bốn sức mạnh của thiên nhiên. Nếu que diêm không cháy, thì đất cũng là nơi ươm mầm sự sống. Nếu que diêm cháy có ích, thành ngọn lửa nấu chín thức ăn, tức là duy trì sự sống… Nếu que diêm cháy vô ích?
                ……….......
                Thư đưa mắt nhìn những gương mặt trong lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Hầu hết là những người đang tác nghiệp tại một tòa soạn nào đó, chỉ có mình cô là lính mới tò te. Khi giáo viên vào, lại có thêm học viên cùng vào, cô nhận ra ngay một chị là nhà nhiếp ảnh nghệ thuật khá tên tuổi, một người là nhạc sĩ trẻ đang lên và một nhà sư trẻ măng dù trong bộ áo nâu sồng, vẫn trông rất đẹp trai!
                Lời giảng viên: …là nhà nước công dân, trong đó, có ba quyền lực gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Có một thứ quyền lực không chính thống, vẫn được xem là quyền lực thứ tư, vì nó có sức mạnh hướng dẫn dư luận… Chúng ta không thể cho phép mình vì tình cảm riêng tư mà đưa thông tin theo ý kiến chủ quan. Một sự kiện điển hình, phải có ít nhất ba trường hợp giống như thế. Nếu các anh chị không cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa tin, hậu quả của nó... Tôi ví dụ:...
                Tiếng giảng viên đều đều khiến cô gần như ngủ gật.
                một tin tức phải chứa đầy đủ các thông tin gồm 5 W cộng một H: who, what, when, where, why và how. Trật tự của những chữ W đó do các anh chị quyết định chọn ý nào đắt nhất
                Nghe loáng thoáng cái gì đắt đắt, cô giật mình tỉnh ngay. Cái mà thầy cho là đắt chắc là quý hiếm lắm đây. Thì ra chỉ là bài giảng. Lỡ thức rồi, cô mở mắt nghía anh chàng nhạc sĩ người Nha Trang. Anh nho nhã, trí thức với cái kính trắng và nụ cười thật tươi. Chỉ tiếc là anh có cái giọng nam cao gần như giọng gió. Còn anh nhà sư người Đà Lạt chỉ biết cười một cách hiền lành làm cô nghịch ngợm nảy ý muốn trêu chọc thầy. Cô cầm cây bút xoay xoay trên ngón tay, nghĩ ngợi nên viết cái gì cho nhà sư. Ra rồi, cô cười mủm mỉm viết: Thầy ơi, U hỏi thầy khi nào về?
                Vo tròn tờ giấy, cô nhắm lưng thầy, liệng véo. Kịch.
                Nhà sư quay lại, cô đưa bàn tay làm chữ OK lắc lắc và mấy ngón tay lần lượt vừa cúp, vừa bung thành hình như thể gọi điện thoại.
                Nhà sư nhìn cô học viên trẻ măng có khuôn mặt thanh tú, đang hồn nhiên cười như hoa với mình, không cần nói cũng biết cô vẫn còn giữ tính học trò, chọc phá người khác. Thầy cười cười, cúi xuống nhặt viên giấy. Xem thử cô gái này viết gì nào – thầy vừa nghĩ, vừa mở. Nhìn thấy dòng chữ, mặt thầy trở nên đỏ hồng – hãy đợi đấy, cô gái thích chơi chữ.
                Xem như thầy thua 1 – 0. Thư thích chí nhìn vào thầy. Bàn tay cô đang ở dạng gọi điện thoại trên tai, liền đưa ra ngoài ngang mũi, đầu ngón cái chỉ vào mũi mình, đầu ngón út chỉ vào nhà sư. Cô đưa ngón cái tay trái thành hình number one để ngay mũi, bàn tay phải thành số O như ống dòm, nheo một mắt nhìn vào thầy.
                - Em.
                Thư giật mình vì bị thầy giáo chỉ ngay mình.
                - Dạ?
                Thầy lấy bút gạch chân một cái title trên tờ báo mới ra, hầu như ai cũng có một tờ.
                - Em lên bảng viết bài báo này thành một tin. Các anh chị cũng viết tin từ bài báo này. Chúng ta sẽ xem mọi người viết như thế nào.
                Thư nhanh chóng lướt mắt suốt cả bài báo dài. Trong đầu cô những từ: ai, khi nào, ở đâu, việc gì, tại sao, thế nào… cứ như lồng đèn kéo quân chạy loanh quanh, muốn nứt toác cả trán cô mà chui ra. Cuối cùng, cô nghĩ: một cái tin, điều đập vào ý nghĩ người khác trước hết chính là sự kiện, thời gian, địa điểm, nhân vật và kết luận vì sao xảy ra sự kiện.
                Thầy giáo nhìn vào cái tin của cô và nhăn mặt:
                - Vì sao em chọn cách sắp xếp thông tin như thế?
                - Thưa thầy, có vấn đề ạ?
                - Có vấn đề đấy.
                - Dạ?
                - Đây là một bài báo viết về một chương trình truyền hình mới, do những diễn viên kịch nói tên tuổi dàn dựng. Theo em, cái gì khiến bạn đọc chú ý trước hết?
                - Thưa thầy, chương trình ạ.
                - Nếu chương trình không phải do những nghệ sĩ này dàn dựng, em có chú ý không?
                - Dạ… thưa thầy, em có chú ý ạ, vì...
                Thầy giáo cắt lời Thư, chỉ vào nhà sư:
                - Vui lòng đọc cho tôi nghe cái tin của Thầy.
                - Hai diễn viên... vừa kết hợp với Đài THTP dàn dựng một chương trình dành cho thiếu nhi có tên gọi…
                - Em có biết hai diễn viên này không?
                - Dạ biết.
                - Có thích họ không?
                - Dạ có.
                - Nếu những người em đã biết, đã thích, em có chú ý xem họ làm gì mới không?
                - Dạ có.
                - Vậy em có biết cái tin của em tệ ở chỗ nào không?
                - Dạ...
                Nhân lúc thầy giáo bận nhìn xuống mọi người, Thư nhìn nhà sư, nheo một mắt, ra dấu số 1 với thầy rồi hơi cúi đầu đi về chỗ.
                Giờ ra chơi, Thư lên xem tập album ảnh của nhà nhiếp ảnh. Thư trầm trồ:
                - Nhìn ảnh là biết chị đã đi rất nhiều nơi. Chị chụp ảnh đẹp quá, trông cứ như tranh ấy. Chị học lớp này, định làm phóng viên ảnh ạ?
                - Chỉ để cộng tác tin ảnh.
                - Vậy chị nghĩ anh nhạc sĩ đẹp trai kia học để làm gì?
                - Có lẽ để tự làm PR cho mình.
                - Chị giỏi quá, cái gì cũng nghĩ ra.
                Chị vò đầu Thư cười:
                - Ngốc. Vậy em học để làm gì?
                - Em muốn làm phóng viên.
                - Trông em không giống phóng viên đâu.
                - Làm sao mới giống hả chị?
                - Mai mốt em sẽ biết, ráng chờ đi hen.
                Nhìn thấy nhà sư đang ngồi một mình ở ghế đá dưới gốc cây sứ trắng, Thư lại gần:
                - Thầy ơi?
                Nhà sư nghĩ bụng: Cô gái nghịch ngợm lại đến nữa rồi! – nhìn vào Thư, thầy hỏi:
                - Dạ, có chuyện gì?
                - Dạ, em nghe nói thầy tu ở Trúc Lâm thiền viện?
                - Dạ phải.
                - Thầy đi học để về làm cho báo Giác Ngộ phải không ạ?
                - Không hẳn thế.
                - Thầy ơi, có phải thầy học để làm PR cho chùa Trúc Lâm phải không ạ?
                - Không hẳn thế.
                Thư bắt đầu ngờ vực nhà sư đang có ý trêu mình:
                - Cái gì cũng không hẳn, tức là cái gì cũng có một chút ạ?
                - Dạ phải. Không hay có chỉ là một khái niệm. Ta làm chưa hẳn là có, ta không làm, chưa hẳn là không.
                Thư nhìn nhà sư đang mủm mỉm cười, bất chợt cô nói:
                - Thầy ơi, thầy nói khó hiểu quá, em không hiểu tức là không hoàn không, may quá, dạ chào thầy.
                Vừa nói xong, Thư đã vội quay người, vung vẩy hai tay mà đi.
                * * * * * *
                Anh Trưởng ban Chính trị-Xã hội gọi Thư vào:
                - Em đã có đề tài nào chưa?
                - Dạ, em báo cáo tuần mấy đề tài đó ạ.
                - Cái đó đều xài không được. Tôi cho em một đề tài đây.
                - Dạ, cám ơn anh. Đề tài gì vậy anh?
                - Em vào trại giam xin phỏng vấn P.
                - Tên cướp giết người không ghê tay, đang chờ thụ án tử hình ạ?
                - Phải.
                - Dạ thôi, em không nhận đề tài này đâu.
                - Không nhận là thế nào?
                - Gã đó, khi cướp của thì quyết giết chết không tha để nạn nhân không thể nhận diện. Thuở ban đầu còn nghèo hèn, hắn sử dụng vũ khí thô sơ là dao, mác. Khi giàu có, hắn dùng súng đạn. Gã giết người máu lạnh vậy, lời cuối cùng cũng chẳng hay ho lắm đâu ạ. Anh cho em đề tài khác đi.
                - Không có cái khác, em làm đi. Đây là một đề tài rất hay. Cuộc đời ngắn ngủi của hắn, tội ác và kết thúc là dựa cột ở trường bắn. Đó là bài học cho những ai không chăm chỉ làm việc, chỉ muốn ăn chơi, hưởng thụ trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của người khác.
                - Nhưng em làm sao vào đó được? Anh cũng biết em đang tập sự, đâu có giấy tờ gì để qua cửa công an?
                - Có đủ giấy tờ, ai làm chẳng được, cần gì gọi em. Làm được mới có tương lai. Anh đã viết sẵn cho em giấy giới thiệu, cầm lấy.
                - Cái giấy này, vào tới phòng trực ban của trại giam là chấm hết. Cửa phòng giam hắn còn chưa kịp ngó nữa là…
                - Đi đi, lằng nhằng ăn đòn bây giờ. Chúc em nhiệm vụ khả thi.
                - Nhiệm vụ bất khả thi thì có – Thư nhăn nhó khẽ lẩm bẩm.
                Giọng anh trưởng ban tuy rất hiền lành, vui vẻ, nhưng Thư biết mình chỉ có hai con đường: một là hoàn thành nhiệm vụ, hai là say good bye my job! Không có cửa thứ ba cho cô chọn lựa.
                Đúng như những gì Thư dự đoán, tại cửa trại giam Chí Hòa, anh công an gác cửa sau khi xem giấy giới thiệu của cô, chỉ cô vào phòng trực ban ngồi chờ. Khoảng 15 phút, một sĩ quan công an vào gặp cô. Sau khi đọc hết những giấy tờ của Thư, ông nói:
                - Muốn gặp tử tù này phải có giấy cho phép của Sở Công an Thành phố. Khi nào cô có giấy ấy, tôi lập tức cho cô vào gặp hắn. Cô phải nhanh lên đấy, hắn sắp bị đưa đi xử bắn rồi.
                Biết chắc là dù mình có cố gắng mấy cũng không có cách nào "chạy" ra cái giấy chính thức gặp tử tù, Thư thầm nghĩ: một câu chuyện cũng như một cái tin, không trực tiếp thì vào đề gián tiếp. Không gặp được hắn, ta cũng có thể đi vòng từ phía gia đình hắn.
                Cô chỉ biết nhà hắn ở khu vực Cầu Cống. Không hiểu cố ý hay vô tình, mọi thông tin đã có trên báo chí về P. hoàn toàn không nhắc gì về gia đình và địa chỉ cụ thể. Biết hỏi ai bây giờ? – Thư đau hết cả đầu để tự hỏi và đáp - người có thể biết về P., ngoài người thân của hắn (những người này đâu có dán nhãn cho cô thấy), còn lại là công an khu vực, người lái xe ôm. Gặp công an khu vực, tức là đụng vào thủ tục giấy tờ, vậy chỉ còn gặp các bác tài xe ôm.
                Thư vào khu Cầu Cống, nghĩ là nên chọn những bác tài xe ôm có gắn tờ báo trên xe. Người thích đọc báo, ngoài chuyện rành đường xá, sẽ biết nhiều thông tin ngoài luồng hơn.
                Thư có thông tin nhanh hơn là cô dự đoán. Người đầu tiên cô hỏi chuyện là một bác tài xe ôm đứng tuổi đã có thể nói vanh vách về P. và gia đình. Hắn, cũng bình thường như những thanh niên khác, có một mẹ già, một vợ, một con. Trong xóm, hắn nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, một chàng trai lịch sự, lễ phép, một người chồng yêu vợ, thương con… cho đến khi hắn lên báo, người dân trong xóm còn ngờ vực không hiểu ảnh đó có phải là chính P. hay không? Gia đình hắn không xác nhận. Hắn không thấy có mặt ở nhà, trong lúc mẹ hắn hiện đang bệnh rất nặng, sống nay chết mai.
                Thư đứng nhìn căn nhà ọp ẹp, vách gỗ có nhiều kẽ hở, mái tôn. Cái cửa sổ chỉ có chấn song, treo một tấm rèm bông hoa đã rất cũ, buộc xéo, bên trong tối mờ. Cánh cửa gỗ đóng im ỉm, có một cái lỗ chó bên dưới. Trong nhà vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng trẻ con khóc oe oe.
                Cô gõ cửa và đứng chờ khá lâu mới có người mở cửa.
                Người mẹ trẻ đang bồng nách một đứa bé gầy nhom:
                - Cô là ai? Nếu là phóng viên thì về đi, tôi không tiếp.
                - Chào chị. Em bên Hội Liên hiệp Phụ nữ.
                - Có chuyện gì không?
                - Dạ, nghe bảo bà bệnh nặng và cháu bé suy dinh dưỡng cần giúp đỡ, em đến để xác minh.
                - Chúng tôi tự lo được, không cần phải nhờ vả ai. Cô về đi.
                - Chị ơi, khoan đã. Em không xác minh xong, về bị la chết. Chị giúp em với.
                - Hỏi xong thì về ngay nhé.
                - Dạ, cám ơn chị.
                Thư nhìn mọi thứ xung quanh, lòng tự hỏi: Hắn đã cướp nhiều vụ lớn, vậy tiền đã đi đâu mà nhà cửa thì huơ hoác, mẹ già con yếu nheo nhóc thế này?
                - Bác bệnh sao vậy chị?
                - Mẹ bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay rồi. Khi trước nằm ở bệnh viện, chỉ mới về gần đây thôi.
                - Chị có đi làm không?
                - Tôi nuôi con nhỏ, chăm mẹ chồng bệnh, còn làm được gì?
                - Vậy chồng chị đâu?
                - Cô không biết thật hay...
                - Sao ạ?
                - Không sao. Ảnh đang ở tù.
                - Trước đây, ảnh làm nghề gì?
                - Chúng tôi quen nhau khi cùng làm cho một cơ sở in lụa. Sau này, khi mẹ chồng bệnh, tôi có mang thì chỉ còn mình anh ấy đi làm, tôi ở nhà.
                - Vậy vì sao…?
                - Khi anh ấy bị bắt, tôi mới biết ảnh kiếm tiền bằng cách nào. Con gái tôi có một người cha như thế, làm sao mà ngẩng mặt nhìn ai đây hở trời!
                Bỗng dưng chị khóc nức nở. Bé gái trong lòng chị cũng khóc váng lên.
                - Con à!
                Tiếng người mẹ vẳng ra từ chiếc giường bỏ mùng kín mít.
                - Dạ, mẹ gọi con.
                - Sao mà khóc vậy con? Nhà có khách à? Ai thế?
                - Có một cô bên Hội Liên hiệp Phụ nữ đến.
                - Họ muốn gì?
                - Không có gì đâu mẹ, cô ấy chỉ đi xác minh hoàn cảnh nhà mình.
                - Để làm gì?
                - Nghe nói họ muốn giúp đỡ chúng ta.
                - Để dành giúp cho người khác đi. Gia đình mình còn mặt mũi nào nhận giúp đỡ. Ôi, con ơi là con.
                Cả nhà đều khóc nức nở. Lòng Thư nặng nề mặc cảm dối trá trước những giọt nước mắt của họ.
                - Khi nào gia đình sẽ vào thăm chồng chị?
                - Cô muốn đi theo? Để làm chi?
                - Dạ, em phải xác minh tất cả mới xong việc, chị có thể giúp em không?
                - Cô không theo vào được đâu, có trong danh sách thăm tù mới được.
                - Bác có trong danh sách không?
                - Danh sách chỉ có hai người là tôi và mẹ tôi.
                - Em có thể xin đổi danh sách thăm nuôi, nếu chị đồng ý.
                - Cho nó đổi đi, dù sao mẹ cũng không thể đi được – tiếng người bệnh thều thào:
                – Con gái, lại đây.
                Cô con dâu bế em bé lại gần, người bệnh lắc đầu:
                - Cô bên Hội Liên hiệp Phụ nữ kìa.
                Thư đến bên giường, mở một góc màn nhìn vào.
                - Vào thăm nó, cô đừng nói gì về bệnh tình của tôi. Tôi biết cô thực sự là ai, cô muốn gì…, nhưng tôi không trách cô đâu. Trước khi gặp nó, tôi sẽ cho cô biết về nó, về chúng tôi đã sống như thế nào.
                * * * * * *
                Lời người mẹ: Đây là khu ổ chuột. Hàng xóm đều là những người lao động chân tay, nghề "thợ đụng", chạy xe ôm, mua gánh bán bưng. Bước ra cửa là thấy bán xì ke ma túy, chích hút, trộm cắp… Công an hốt như cơm bữa. Tôi luôn răn đe nó: Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Đi học về là bắt theo tôi bán rong, rửa chén, bưng đồ ăn cho khách lề đường. Lớn chút, không chịu đi học là tôi xin cho vào học nghề ở xưởng in lụa bên khu Mả Lạng. Nó không dính xì ke ma túy, không hề điều tiếng, trộm cắp. Đi làm thì thôi, về nhà là nó ngoan lắm, sửa này, sửa kia, một dạ, hai thưa. Rồi nó cưới vợ, có con. Tôi thì vào bệnh viện. Từ đó, nó đi suốt ngày đêm. Nghe nó nói tăng ca kiếm thêm, tôi cũng mừng. Ai ngờ nó lại đi cướp của, giết người. Thà nó để tôi chết đi còn hơn. Sống mang nhục thế này… Cô ơi, con gái ơi - những dòng nước mắt chảy không ngừng trên đôi má hóp của người bệnh.
                * * * * * *
                Phải mất hai ngày chạy ngược, chạy xuôi, Thư mới làm xong thủ tục đổi tên người thăm nuôi tử tù. Trong khi chờ người công an dẫn hắn ra, cô bỗng cảm thấy thật trống rỗng. Cô không biết sẽ nói gì, sẽ hỏi gì. Hắn chết, đó là giá phải trả, nhưng còn những người ở lại? - mẹ hắn, vợ con hắn và những người vô tội chết dưới tay hắn, còn có một người sống sót thì trở thành phế nhân, gây đau khổ một đời cho họ và gia đình?
                Hắn đã ra tới. Trông hắn trẻ, hiền lành như mọi chàng trai ở lứa tuổi 28, chưa đủ già để chững chạc, nhưng đã qua tuổi bồng bột, vô tư.
                - Mẹ tôi khỏe không?
                - Khỏe.
                - Vợ con tôi khỏe không?
                - Khỏe.
                - Mẹ có trách tôi không?
                - Có.
                - Cô về nói lại với mẹ tôi, tôi xin lỗi mẹ.
                ...........
                Thư vội vàng kết thúc cuộc viếng thăm mà cô đã thấy vô vị như chính bản thân mình.
                Ngồi trước xấp tư liệu, hình ảnh thu thập được, Thư thở dài chán nản. Xem ra, mình chỉ có thể viết gương Người tốt, việc tốt thì đầu óc mới không đau. Cô hình dung hắn như một que diêm cháy vô ích. Khi cô đốt cháy hắn, hắn không cháy một mình mà cả gia đình hắn cùng cháy.
                Cuối cùng thì Thư đã hiểu vì sao nhà nhiếp ảnh nói mình không giống một phóng viên: ngốc nghếch, thiếu bản lĩnh và sự quyết đoán đến lạnh lùng, cái cần rút bài học thì không giỏi, cảm tính thì quá thừa...! Công việc cô muốn làm, là nghề chọn người, không phải người chọn nghề.
                ******


                <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.08.2012 21:45:04 bởi Viên Nhật >
                #23
                  Viên Nhật 17.07.2010 21:14:14 (permalink)
                  Một góc Sài Gòn




                  Thu rất ghét cái tên của mình: Nguyên Thu. Cứ khi nào cô mãi suy nghĩ, quên không cười thì người khác lại bảo: Sao trông mặt đầy cả một mùa Thu buồn vậy? Không lẽ lúc nào cũng phải cười thì méo mất cái quai hàm, còn gì là vẻ xinh xắn của tôi? – Thu thường bực bội nghĩ như thế, nhưng cô lại mỉm cười, khoe hai cái răng chó nhọn phát khiếp, trông rất hài hước. Thế là người khác vừa ý: Ừ! Cười vậy mới xinh chứ! - Ôi trời! - suýt chút nữa thì cô đã than thành tiếng.
                  Cả ngày ngoài đường nắng nôi, về đến nhà chỉ mong được yên tĩnh, thế mà có được yên thân đâu, nhà tập thể mà: bên cạnh bé khóc, trên lầu mở nhạc muốn bể lổ tai, dưới lầu mở đá banh, hò hét như ngoài sân vận động.
                  Chiều nay, cô đầy lòng bực bội vì cô bé hàng xóm lại tỉ tê khóc sau cửa. Thương nó quá, nhưng lại phải làm tượng gỗ, chẳng biết làm sao. Cứ nghĩ đến bà mẹ của nó là cô muốn phát bệnh. Con khóc, không dỗ, cứ mãi dán mắt vào tivi, gặp đoạn phim buồn thì nước mắt như mưa. Em bé đã lớn rồi mà cứ nhét vào ngồi trong cái xe dành cho em bé tập đi, cấm không cho leo ra. Nhà rộng nhé, cứ ngồi trong đó mà lê la, khỏi phải lo nó sờ công tắc, nó lật cái quạt, nó vạch lên tường… túm lại là: không có "cửa" để phá phách.
                  Thỉnh thoảng, mẹ nó lại lấy tấm gỗ to chặn cầu thang, cho em bé ra ngoài, chạy một mình trên hành lang trong cái xe "trứ danh" đó. Muốn bồng nó ra, phải xin phép mẹ nó cho nó ra khỏi cái xe trong bao nhiêu phút. Hết giờ thì như là gõ kẻng, phải cho nó trở vào xe ngay – Để nó quen thì phiền lắm! – mẹ nó cười xuê xoa. Hình như em bé biết thân, biết phận, nó ngoan ngoãn giang hai chân, xỏ vào hai cái lỗ. Có hôm, Thu còn nhìn thấy nó đứng, vẻ rất cáu kỉnh, hai tay nhấc hẳn cái xe ấy lên và khệnh khạng bước đi như dũng sĩ Hec-Quyn.
                  Tuy ở đây gần 10 năm, cô hầu như không biết hết tên của nhà hàng xóm. Một phần do họ mua mua, bán bán, đổi chủ, phần khác là do chính cô: sáng ra khỏi nhà, tối về là đóng cửa, lên gác. Những khi lên xuống cầu thang, gặp người già thì: chào bác; gặp người lớn hơn thì: chào anh, chào chị; gặp mấy đứa lóc chóc thì cười; nhưng rốt cuộc bác là ai, anh chị là ai, lóc chóc là ai thì cô cũng … không biết?!
                  Cuối tuần họp tổ dân phố, hai vợ chồng trung niên vừa chuyển đến không bao lâu, có hai đứa con đang học đại học, chi phí nhiều mà họ thì không có việc làm nên xin lập bãi giữ xe cho nhà tập thể ở lối đi dưới tầng trệt. Khu tầng trệt chỉ có thể để được 35 chiếc xe, vừa đủ cho mỗi hộ được gởi một chiếc. Giá gởi xe thì chỉ bằng hai phần ba gởi bên ngoài, lại lấy dễ dàng, không như khi trước ở các bãi xe khác, riêng cái chuyện lấy xe cũng mệt: may mắn, nó nằm ngay lối đi thì khỏe, xui xẻo, nó nằm trong "hốc bù tó" thì dời xe để dẫn xe mình ra cũng tiêu hết cơm sáng, cơm trưa.
                  Nhà tập thể ai cũng vui vẻ vì không phải gửi xe nơi khác, bất tiện. Bây giờ thì cứ xuống nhà là lấy xe đi, vừa gọn, vừa có bảo vệ không mất tiền. Có bảo vệ rồi thì đẻ ra chuyện khác.
                  Trước đây, chỉ có một người làm nhiệm vụ mở-đóng cửa là có chìa khóa cổng. Những người không có chìa khóa, lâu lâu có việc đột xuất về trễ, đi sớm, thì hơi phiền phức. Đi sớm, về muộn, thì người nhà mượn chìa khóa để mở cửa rồi trả lại ngay. Về muộn thì bao giờ cũng bị cằn nhằn vì đánh thức người ta giữa đêm. Có lúc, người ta vờ như ngủ say, gọi mãi cũng không ư hử, đành tự thân vận động, đi đâu kiếm nhà quen mà làm phiền.
                  Trên lối đi bây giờ hẹp chỉ còn hai mét, một bên dựng xe ngang, một bên dựng dọc. Không có chỗ mà làm phòng ốc, ban ngày, bảo vệ ngồi trông xe, ban đêm, kéo ghế dài ra giữa lối đi mà ngủ. Mọi người thống nhất một bảng quy định về giờ giấc.
                  Tuy đã xem xét dựa trên công việc đi sớm, về trễ của mọi người, nhưng cũng có người bất chợt đi về ra ngoài quy định.
                  Như ngày trước thì mệt rồi, bây giờ thì cứ dộng cửa ầm ầm, bảo vệ không muốn thức, cũng phải thức, không muốn mở, cũng phải mở. Bảo vệ bảo họ gởi xe nơi khác, đi bộ về vào mình ên cho tiện thì xảy ra một trận đấu khẩu ồn ào rằng: Tui ở nhà tui, chứ có phải ở tù đâu, ra vô phải có giờ giấc?
                  Có người cũng rảnh việc, muốn làm thêm nên gặp vợ chồng bảo vệ đề nghị làm ca tối. Nhưng tiền đã ít, còn chia năm xẻ bảy, lại phải bàn giao trách nhiệm nhiêu khê, vợ chồng họ từ chối.
                  Kể từ ngày ấy, khu nhà tập thể chẳng mấy khi được yên. Hai nhà trở thành mặt trăng, mặt trời, cãi nhau inh ỏi đủ thứ chuyện: hôm thì bác già bảo vợ ông bảo vệ phun nước miếng khi mình đi qua, khi khác thì xô mình té lúc mình dậy sớm lách qua ghế họ để đi tập thể dục, khi khác ông trẻ xuống làm dữ vì người nhà từ quê lên, có số điện thoại mà bảo vệ cũng không thèm kêu giùm, để người nhà già cả phải xách nặng lên mấy tầng lầu, thật là độc ác?!… Bên nói có, bên nói không. Người tin, kẻ không tin: làm người, ai lại làm thế?... Có hay không, chỉ người trong cuộc mới rõ. Tổ dân phố cứ họp hành liên miên để hòa giải những chuyện cãi cọ như thế.
                  Cứ phải trân mình ngồi suốt cả tiếng nghe mọi người nói, Thu dần biết hết những nhà xung quanh là những ai. Thật là một sự hiểu biết phải trả giá không ít, nó làm cô càng thấy con người thật phức tạp.
                  Chẳng hiểu mọi chuyện rồi sẽ đến đâu vì tổ không hòa giải nổi, họ lôi nhau lên phường, ra công an.

                  Tất cả chỉ là "nghe nói". Tin người thì sao, mà không tin thì sao? Hình như cô sẽ không có thời gian để dành cho việc hiểu biết những người hàng xóm quanh mình! Ngay cả chính mình, cô còn chưa biết hết mình thật sự ra sao, nhiều lúc cô còn thấy ngạc nhiên với những suy nghĩ, hành động của mình nữa là...
                  Có một ngày thức dậy, mình sẽ thấy cái bãi xe biến mất, người đi sớm, cứ đi sớm, người về muộn, cứ về muộn, vào không được thì cứ lang thang cho hết đêm cho đáng đời tội về quá trễ. Và, một hôm nào đó đi làm về, bỗng phát hiện nhà mình sạch trơn, chỉ còn đôi dép rách không bán được ở lại, giống như nhà hàng xóm dạo trước, hồi chưa có bảo vệ, mình sẽ làm sao nhỉ? Rồi cô tự cười mệt mỏi, làm sao mặc kệ, hồn ai nấy giữ, thế thôi.
                  Cái bãi xe biến mất thật. Đúng ra nó đã giúp vợ chồng người bảo vệ đi một quãng đường đời, và hai đứa con họ đều đã tốt nghiệp đại học. Họ bán nhà, mua một khu đất ở ngoại thành và dời ra đó.
                  Nhà bác già xa quê, neo người, ngày bác mất, Thu nhìn thấy hai vợ chồng và cả con trai út của người bảo vệ đến đưa tang, phụ giúp công việc như người trong nhà. Hỏi ra mới biết họ là đồng hương. Con trai bác già còn chỉ con trai người bảo vệ, nói như khoe:
                  - Thằng ấy giỏi lắm, được bên xây dựng-quy hoạch thành phố đến tận trường tuyển về đó!
                  Thu không biết vì sao lại thấy lòng rất nhẹ nhàng, vui vẻ, như cất được gánh nặng cứ chui rúc đâu đó trong tận đáy lòng. Ừ, cứ đơn giản như thế, khi giận thì nói, khi vui thì cười, khi cần thì có mặt... tất cả, là chuyện nhỏ, có thể làm được, rồi quên đi.
                  ******

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.08.2012 21:48:13 bởi Viên Nhật >
                  #24
                    Viên Nhật 08.08.2010 23:32:01 (permalink)
                    SOI GƯƠNG THẤY BÓNG

                    Cúc Chi cúi người vào lu nước, say sưa hát. Tiếng hát của cô bé trong lu nghe hay hơn nhiều so với lúc Cúc Chi hát ở ngoài. Vừa rút đầu ra khỏi lu, Cúc Chi nghe tiếng cha lè nhè từ ngoài hẻm. Mặt cô bé tái mét, luýnh quýnh kiếm chỗ trốn. Những khi cha cô say sưa trở về, ông luôn kiếm cớ mắng chửi, đánh đập mẹ con cô. Không kịp rồi, cha cô đã vào đến cửa. Cúc Chi hốt hoảng chui luôn xuống gầm giường, bò thật nhanh vào sát bên trong, nằm im thin thít, không dám cả thở mạnh.
                    Vừa bước vào nhà, ông đã đá cửa cái rầm, vứt cái chai không xuống nền xi măng làm miểng chai văng tung tóe. Tiếng chiếc ghế dựa đã cũ nghiến kẽo kẹt, cho biết ông đang ngồi nghiêng ngửa ở đó. Một cánh tay ông thỏng xuống, gần chạm đất. Trong nhà im ắng, chỉ nghe tiếng người say thở nặng nhọc.
                    Nghĩ là cha đã quá say, Cúc Chi rón rén bò ra. Vừa ngẩng lên, cô bé kinh hoàng thấy cha đang nhìn thẳng vào mình, ánh mắt đỏ ngầu của một con thú say máu. Nhanh như cắt, cô bé bò thụt trở vào.
                    - Mày ra đây cho tao - ông ta gầm lên. Không thấy con gái bò ra, ông ta đứng dậy.
                     Cúc Chi biết ông ta ra nhà sau kiếm cây củi để đánh cô. Nỗi sợ làm cô bé như bị liệt tay chân. Trong bụng Cúc Chi nghĩ là phải bò ra, chạy qua nhà hàng xóm tránh, nhưng tay chân thì không chút cử động. Bởi vì cô bé cũng vừa nhớ lại những lần chạy thoát qua nhà hàng xóm, ông cũng đuổi theo, vào nhà người ta đập phá cho đến lúc chú công an khu vực đến, còng tay ông đẩy đi. Khi ông về thì khóa cửa, nhốt hai mẹ con trong nhà, mặc tình cho ông cầm cây củi đánh đập. Chỉ tội cho mẹ, không dám kêu, vì càng kêu, ông càng đánh ác và chỉ đánh những chỗ thịt mềm để không làm gãy xương. Mẹ nằm đè che cho Cúc Chi, hai tay vòng quanh đầu, che đầu con gái. Những hôm bị đánh, mẹ không thể dậy đi bán nổi. Không có tiền cho ông uống rượu thì lại bị đòn.
                    Những bước chân của ông tới gần, cộng với tiếng bàn, ghế bị va chạm, xô đẩy theo sự ngả nghiêng của cha làm Cúc Chi như sắp tắt thở. Trong một thoáng, cô bé nhắm tịt mắt lại. Tiếng thân người đổ ập xuống đất làm Cúc Chi mở mắt. Ông đang nằm, nhìn chằm chằm vào cô, cánh tay thò tới, sắp túm được chân cô. Một bên mặt của ông đang chảy máu vì những mảnh chai từ chai rượu ông đã vứt xuống nền nhà, cứa vào. Cúc Chi run rẩy:
                    - Cha ơi, cha ơi, cha tha cho con!
                    Cô bé co chân vào sát vách, nhưng ông đã túm trúng tay cô bé và kéo tuột ra. Không phải người say có sức mạnh để kéo một cô bé mười ba tuổi dễ dàng như thế, mà vì cô bé sợ quá, không chút giẫy dụa. Những mảnh chai cứa rất nhiều vệt lên cổ Cúc Chi do cái cổ bị lê đi trước. Máu kéo thành vệt dài cho đến khoảng trống kế cái bàn. Người say cầm cây củi, vừa quất vào sườn con gái, vừa lè nhè:
                    - Báo đời! Báo hại! Báo đời! Báo hại!
                    Cứ sau một cụm từ, ông ta lại quất xuống một cây. Cúc Chi cứ cong người như con tôm, chân tay bó chặt vào người.
                    Cửa bật mở, mẹ bước vào nhà. Thấy chồng đang ra sức đánh con gái và máu chảy khắp nơi, bà quăng đôi gióng xuống. Tiếng bếp lò và xoong chén đập xuống nền nghe ghê tai. Bà chạy tới, đẩy chồng ra, cúi xuống nhìn con gái. Thấy cô bé im thin thít như đã chết, bà nghẹn ngào:
                    - Con ơi, con ơi, con gái bé bỏng của mẹ.
                    Cây củi đã đập xuống lưng bà, khiến bà chúi nhủi. Cây củi trống chỗ, tiếp tục quất xuống Cúc Chi. Bất thình lình, bà đứng thẳng dậy, vớ ngay cái bếp lò bằng gạch đang lăn trên đất, ra hết sức đập thật mạnh vào đầu người say. Vừa ngã xuống đất, ông ta chờn vờn chực đứng dậy lè nhè:
                    - Phản rồi, phản rồi, tụi mày chết với tao...
                    Sợ ông ta lại đánh con gái, bà đập cật lực mấy cái nữa. Lần này, ông ta nằm im hẳn. Bà ngồi xuống ôm con gái, lê vào một góc, ngồi thẫn thờ ở đó cho đến sáng hôm sau. Tuy có rất nhiều người làm chứng cho tính vũ phu của người chồng và chủ tọa phiên tòa đã cân nhắc nhiều tình tiết giảm nhẹ, bà bị kêu án mười năm tù giam vì tội cố ý giết người. Trong phiên tòa, mỗi lần nhìn con gái nhỏ nhoi ngồi giữa những người hàng xóm tốt bụng, bà lại khóc.
                    - Mẹ ơi, mẹ ơi - Cúc Chi bên dưới, chỉ vừa khóc, vừa gọi mẹ.
                    Không bao giờ Cúc Chi bước chân lại gần ngôi nhà cũ, nơi đã làm mẹ cô phải xa cô, nơi đau thương khiến cô còn run sợ lúc nhớ lại những tiếng lè nhè, tiếng cây củi rít vun vút. Từ ngày vắng mẹ, Cúc Chi một buổi đến trường, một buổi đi làm người quét dọn ở một nhà hát.
                    Nhiều người có rất nhiều giấc mơ trong đời, khi bé mơ khác, lớn lên mơ khác. Cúc Chi chỉ có một giấc mơ duy nhất: trở thành ca sĩ. Suốt ba năm qua, mỗi ngày, Cúc Chi đều lắng nghe người khác hát. Những nốt nhạc, lời hát cứ như mưa ngâu, thấm dần vào máu cô. Cô đặc biệt thích những bài hát của một nhạc sĩ trẻ. Lời nhạc của anh ta thì thơ hơn cả thơ và giai điệu thì thấm vào lòng người. Cô rất muốn biết anh ta trông như thế nào? Trong tưởng tượng của cô, anh ta hẳn là một người cao ráo, đẹp trai với đôi kính trắng và mái tóc bồng bềnh. Vừa đẩy cây lau sàn sân khấu, Cúc Chi vừa hát những bài hát mà cô yêu thích. Hôm nay, nhà hát không hoạt động. Một mình cô với khoảng không gian thênh thang thật thoải mái. Một tiếng ho khẽ như đánh tiếng làm cô giật mình. Một người đàn ông đang ngồi ở dãy đầu của hàng ghế khán giả, đứng dậy, theo đường chính lên sân khấu. Anh ta còn trẻ, mặt mũi thô ráp và mái tóc đinh sát rạt.
                    - Chào em, tên anh là Vũ Cao.
                    - Là anh ư?
                    - Là anh thì sao?
                    - Không sao cả, em rất thích những bài hát của anh.
                    - Em có muốn theo anh học hát không? - giọng Vũ Cao cười hiền lành, không như vẻ bề ngoài của anh ta.
                    Ngay từ lúc nghe tiếng hát của Cúc Chi, Vũ Cao đã biết giọng cô rất phù hợp với những bài hát của mình. Cùng với sự giới thiệu của Vũ Cao, Cúc Chi đã được hát ở vài phòng trà nhỏ, nhưng chỉ như thế suốt hai năm dài. Cho đến hôm cô gặp ông bầu Kiệt Dũng. Người không như tên, Kiệt Dũng là một gã đàn ông mập mạp, trắng trẻo, ẻo lả, mỗi khi nói, cánh tay ông ta lại vung lên như múa, khoe những ngón tay đeo đầy nhẫn to. Kiệt Dũng đã chú ý đến cô ca sĩ "gà nòi" của Vũ Cao từ lâu. Dù trang điểm hay không, cô ta đều trông rất đẹp. Giọng hát tốt, có bản sắc riêng, nhất là khi hát những bài của Vũ Cao. Điểm yếu duy nhất của cô ta là không có những bước nhảy, cái này thì phải học từ đầu. Khán giả ngày nay xem nhiều hơn nghe. Hát hay mà đứng như khúc gỗ thì chỉ có ông bà lão nghe. Mà ông bà lão thì không chen chúc đi xem ca nhạc, chỉ có lớp trẻ. Điều hớp hồn lớp trẻ trước hết là các bước nhảy, tiếp đó là trang phục và sau cùng mới là giọng hát.
                    Vũ Cao không đồng ý cho Cúc Chi theo Kiệt Dũng:
                    - Ông ta không đáng tin, em đừng để vẻ bề ngoài của ông ta đánh lừa.
                    - Ông ta đưa cái hợp đồng rất có lợi, anh xem đi.
                    - Không được là không được.
                    - Nhưng em đã sắp hai mươi tuổi. Em chán làm người lót đường cho kẻ khác lắm rồi.
                    - Có thành công nào từ trên trời rơi xuống đâu? Em thử hỏi những ca sĩ khác mà xem, ai cũng có thời lót đường như thế cả.
                    - Nhưng cũng không ai lót đường lâu như em.
                    Vũ Cao thở dài:
                    - Rồi em sẽ hối hận.
                    - Anh vẫn giúp em chứ? Trong hợp đồng ghi rõ anh phải đồng ý sáng tác cho riêng em.
                    Cúc Chi cứ nằn nì làm Vũ Cao không thể bác được. Cúc Chi theo Kiệt Dũng về nơi gã đào tạo ca sĩ trẻ. Tất cả đều phải nội trú, lịch diễn do Kiệt Dũng đưa. Hôm nào không đi hát thì phải ngủ sớm. Mọi người nói: Bầu Kiệt Dũng khá mát tay, cho đến nay, gã chỉ lăng-xê nhầm có một người. Đúng ra, gã không hề nhầm, gã chọn họ vì có ý đồ riêng. Mỗi tuần, Vũ Cao chỉ có thể đến thăm Cúc Chi vào ngày chủ nhật. Đó cũng là thời gian ít ỏi mà Kiệt Dũng dành cho Vũ Cao luyện Cúc Chi hát. Cúc Chi vừa hát, vừa nhảy cho Vũ Cao xem:
                    - Anh thấy thế nào?
                    - Những bước nhảy của em rất đẹp, nhưng…
                    - Đừng nhưng, nghe hồi hộp lắm, anh cứ thẳng thắn thì hơn.
                    - Em nhảy đẹp lắm.
                    Trong lòng Vũ Cao hiểu rằng Cúc Chi hôm nay đã không còn là Cúc Chi hôm qua. Ngày trước, bất cứ lúc nào Vũ Cao cũng có thể nói thật, bây giờ, mỗi lời nói ra phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
                    Hình ảnh Cúc Chi thường trực có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cô giờ đã là người của công chúng, cũng không còn ở nhà tập thể mà được Kiệt Dũng xếp hẳn một nhà riêng, xe hơi và tài xế. Hơn một năm nay, cô cũng không hề đến thăm mẹ lần nào, chỉ có một mình Vũ Cao đi. Cúc Chi cũng quen với việc Kiệt Dũng qua đêm ở chỗ cô. Cô cũng như nhiều người, từng nghe rất nhiều vụ scandal giữa Kiệt Dũng và các chàng ca sĩ trẻ. Vì thế, cô không chút đề phòng gã. Nhưng hôm đó thì cô biết mình lầm. Những cánh tay dẻo như múa của gã trở thành một gọng kềm thít chặt. Cô vùng vẫy, cuối cùng cũng vớ được bình hoa, phang vào đầu gã một cú cật lực đến bình hoa bể nát. Gã đầy mặt những máu, lại rất bình thản, ngồi xuống cái ghế, nhìn thẳng vào Cúc Chi vẫn còn đang run người:
                    - Em chỉ có một con đường để đi là chìu theo ý anh, anh hứa sẽ cưới em. Nếu không, dù em trốn đến đâu, người ta cũng nhận ra em và cười nhạo em. Anh đưa em lên được thì cũng có cách làm cho em không ngẩng mặt nhìn ai được.
                    - Mày cút đi, nếu không, tao sẽ giết chết mày.
                    Cúc Chi vớ lấy con dao gọt trái cây, hai tay nắm chặt, run run nhìn gã. Kiệt Dũng cười to:
                    - Thật là mẹ nào, con nấy. Mẹ đi tù vì giết người. Con cũng muốn đi theo. Ở tù sướng lắm sao mà hăng hái dữ vậy? Anh không ép, chờ em suy nghĩ.
                    Ngoại trừ Vũ Cao, không ai tin những gì đã xảy ra. Một người đồng bóng già đời mà toan cưỡng hiếp con gái, có chuyện nào thiếu logic nhiều đến thế không? Chỉ dựa trên tam đoạn luận căn bản cũng thấy không đưa kết quả nào giống vậy. Thậm chí còn có tiếng cho rằng cô muốn xù hợp đồng, mới dựng chuyện. Đó là lúc cô mới thấy mình cùng quẫn, đi không được, trốn không xong, đối đầu thì không đủ sức. Trong giấc mơ của mình, cô thường mơ mình đã làm được rất nhiều chuyện, nào là cắn xé, nào là giết chết… đủ thứ ghê gớm, máu me. Khi tỉnh dậy, cô chỉ cười khổ nghĩ: mơ thì dễ, gan làm thì cô không có!
                    Trước mắt, cô chỉ có thể che kín mặt, theo Vũ Cao đi đón mẹ được ân xá trước hạn. Khi nhìn mẹ với nước da trắng xanh mệt mỏi, đứng ngơ ngác ở cổng trại giam, trong khi Vũ Cao làm nốt những thủ tục cuối cùng, Cúc Chi mới hiểu rằng: không phải cô đi không được, mà là cô sợ xa ánh đèn sân khấu. Kiệt Dũng rất hiểu điều đó, gã không ngẫu nhiên mà thành công.
                    Ta không nhất thiết hát trên sân khấu, ta có thể hát cho ta nghe. Dù là chạy trốn, nhưng Cúc Chi biết mình mãi mãi không đủ sức đối đầu. Minh oan được thì cũng không thể trắng như những ngày xưa. Chỉ cần một cái liếc mắt, một lời thì thầm, cô đã tưởng chừng như người ta nói về cô và nỗi đau lại tràn về như thác, bao giờ sẽ quên?
                     ******

                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2013 15:09:59 bởi Viên Nhật >
                    #25
                      Viên Nhật 08.08.2010 23:35:00 (permalink)
                      GÁI NHỎ

                      Tôi dắt cái xe đạp ra ngõ đi học. Từ bên kia bờ ruộng, Gái Nhỏ gọi với sang:
                      - Bác Ái ơi, đi học hả?
                      Tôi dựng xe đứng chờ nó chạy qua. Nó mặc cái áo của má nó, dài phủ mắt cá chân, lại gài lệch, vạt thấp, vạt cao. Mặt mũi nó dính đầy bùn đất trông rất hoạt kê. Tôi lấy khăn tay lau mũi cho nó rồi mở cặp, lấy mấy trái ổi đầu mùa định mang vào lớp, cho nó và dặn:
                      - Mai bác Ái nghỉ, con qua nhà bác Ái chơi nha.
                      - Dạ.
                      Hôm sau, tôi đang ngồi trên cây ổi học bài thì thấy Gái Nhỏ lấp ló ở cổng rào. Tôi nhảy xuống ra dẫn nó vào. Nó vẫn mặc cái áo hôm qua. Tôi dẫn nó ra hồ nước ở đầu máng xối, tắm cho nó. Mỗi lần tôi để cục xà bông Lux xuống là nó lại cầm lên mũi hít hà:
                      - Thơm quá!
                      Tôi phì cười:
                      - Con tự tắm phải không?
                      - Dạ.
                      - Hèn gì chỗ cổ của con, bác Ái kỳ hoài mà không ra, bùn đóng lâu ngày quá, thành lớp da thứ hai của con rồi. Làm sao đây? À, phải, con đợi một chút.
                      Tôi chạy vào nhà lấy bình dầu hôi, thấm ướt miếng giẻ và thoa dầu hôi ướt xung quanh lớp bùn. Đợi một lát, tôi bắt đầu chà nhẹ nhẹ nhiều lần vì sợ kỳ mạnh quá, nó sẽ đau. Cứ như là lột da rắn ấy, lớp bùn đen dần biến mất, trả lại lớp da nguyên thủy của nó thật là mịn màng, trắng trẻo. Thì ra, Gái Nhỏ thật là xinh với đôi mắt nâu rất mơ màng. Tôi lấy khăn xoa khô đầu nó và chải những cọng tóc hoe hoe cho có một đường ngôi thẳng tắp, hơi điệu đà nghiêng một bên. Mặc tạm cho nó cái áo của tôi, tôi bồng nó lên cái kiếng ở bàn lược, cho nó đứng trên mặt bàn, vừa tầm nhìn khuôn mặt nó và hỏi:
                      - Thế nào? Đẹp không con gái?
                      Gái Nhỏ cứ săm soi nhìn mình trong gương, hết cười rồi nghiêng nghiêng, liếc liếc. Bất chợt, nó cầm tà áo lên nhìn nhìn và tự nhiên sụ mặt, trông buồn so. Tôi biết ý, bảo nó:
                      - Đừng lo, bác Ái cắt, may cho con bộ đồ nha.
                      Từ trước đến nay, tôi chỉ biết vá quần áo chứ chưa từng cắt may thứ gì. Cái quần thì còn dễ, chỉ nửa tiếng là xong. Cái áo thì thật khổ, cái cổ không thể khâu tròn vì nó cứ ghịt vải, méo mó. Cuối cùng, tôi đành khoét tròn ba lỗ gồm cổ và hai tay, chỉ khâu mấy đường thẳng mà thôi. Dầu sao cũng là bộ đồ mới, vì đó đã từng là bộ đồ mà tôi thích nhất. Khi nó mặc vào thì tôi thật buồn lòng, còn đâu là bộ đồ đẹp của tôi. Cái quần rõ ràng tôi đo ni nó mới cắt, khâu, không hiểu sao nó mặc vào lại bó rọ cái mông. Cái áo thì trông kỳ kỳ vì cổ rộng mênh mông mà thân thì giống hệt cái ống quần. Tuy thế, Gái Nhỏ rất thích vì nó cứ trầm trồ:
                      - Đẹp quá!
                      Chỉ có điều, khi nó quay người và bước tới thì nghe một cái roạc. Cái đáy quần đã hở toang hoác?! Nó trố mắt nhìn tôi. Còn tôi thì ngồi bệt xuống nền đất thở dài:
                      - Thôi, con ra lấy cái áo cũ mặc lại đi. Lúc nãy bác Ái giặt rồi, phơi ngoài sào ấy, bây giờ chắc là khô rồi.
                      Bà nội bước vào nhà, nhìn thấy tôi và Gái Nhỏ liền cau mặt. Gái Nhỏ sợ hãi nép sau lưng tôi. May sao, bà nội không nói gì, đi vào nhà trong. Khi bà phát hiện cục xà bông quý giá bị mòn vẹt đi liền cầm ra nhìn tôi. Bà thấy Gái Nhỏ trong bộ đồ kinh dị do tôi cắt may, không hiểu sao bà chỉ nói:
                      - Đây là tập cuối nghe chưa, còn lấy xà bông, quần áo đem phá nữa là cấm cửa nó luôn.
                      Chắc mặt tôi và Gái Nhỏ trông hớn hở lắm nên bà nội cười cười rồi lại nhăn nhăn đi trở vào.
                      Từ ngày đó, hôm nào Gái Nhỏ cũng sang nhà tôi mỗi khi tôi ở nhà. Tôi dọn cho nó một chỗ ngồi với cái ghế nhỏ vừa tầm và dạy nó tập viết chữ. Năm nay nó lên sáu, sang năm đã vào lớp một. Nó thật là khéo tay và rất siêng năng. Tôi thường thưởng nó bằng những trái cây trong khu vườn rộng của nhà mình.
                      Những ngày bận rộn thi cử cuối kỳ của năm cấp III, lần nào Gái Nhỏ qua, tôi đều bảo nó về vì không có thời gian dành cho nó. Tôi hầu như đã quên Gái Nhỏ. Có một hôm, khi tôi đi học về, trời đã sắp tối, thấy nó đứng trước cánh cửa nhà nó mà khóc, tôi đi qua và hỏi:
                      - Sao thế con gái?
                      - Ba mẹ không cho con vào nhà.
                      - Tại sao?
                      - Ba bắt con ăn thịt trét cứt gà sáp, hôi lắm, con không ăn được.
                      Nó vừa nói, vừa đưa một miếng thịt bèo nhèo, đen đen, nhìn đã muốn ói rồi. Tôi đập cửa, ba nó ở trong nói vọng ra:
                      - Ăn hết chưa? Ăn hết mới được vào.
                      Tôi ôm nó vào lòng mới phát hiện nó sốt hầm hập:
                      - Anh Sáu ơi, nó sốt quá chừng nè.
                      - Thì nó bịnh, người ta cho bài thuốc ăn cho hết mà nó không chịu ăn.
                      Ba nó mở cửa, mặt buồn so:
                      - Nó sốt chục bữa rồi, uống đủ thứ lá thuốc mà không thấy bớt.
                      Ba nó ôm nó từ tay tôi đem vào giường, đặt nó nằm xuống. Thấy má nó cầm khăn đắp trán nó, tôi yên tâm đi về nhà.
                      * * * * * *
                      Tối hôm đó, tôi ngồi trên lan can ôm đàn mà hát một cách sung sướng vì thi cử tốt đẹp. Bỗng, tôi nghe rất nhiều tiếng khóc thất thanh vang lên xa xa. Tôi chạy ra ngõ và thấy nhà Gái Nhỏ có ánh đèn măng–xông sáng choang, tiếng khóc vọng ra từ đó. Khi chạy qua bên ấy, vào nhà, tôi nhìn thấy cha mẹ nó đang ngồi bệt ra đất, bên cạnh giường kê sát vách lá. Trên giường, Gái Nhỏ nằm thẳng đơ, trên cổ quấn băng trắng toát, trông nó bé nhỏ đến thắt lòng.
                      Gái Nhỏ bị bệnh bạch hầu, ba mẹ nó không đưa đi bệnh viện, cứ chạy chữa bằng những bài thuốc của lang vườn, cho đến khi cổ nó sưng tấy mới đưa lên bệnh viện ở thành phố. Bác sĩ cố cứu chữa, nhưng đã muộn quá rồi!
                      Mỗi lần ra ngôi mộ của Gái Nhỏ, nhìn nấm đất nhỏ nhoi có cắm hai cây mía để mở cửa mả cho người chết biết đường về nơi mình yên nghỉ, nay đã khô, tôi lại ngập tràn nỗi buồn khi nhớ đến nó với cuốn tập và cây viết trên tay, cứ thập thò ngoài cổng gọi:
                      - Bác Ái ơi, con vào được không? Hôm nay con viết được nhiều chữ lắm.
                      Còn tôi thì vội vàng xua nó:
                      - Bác Ái bận lắm, con về đi, khi khác bác Ái rảnh sẽ gọi con.
                      Dáng nó lon ton, nhỏ nhoi, lủi thủi đi về. Quên làm sao được đôi mắt nâu ngây thơ trên gương mặt thanh tú, đã tin cậy biết bao khi ngước nhìn tôi? Không biết là khói chiều hay mệt mỏi làm mắt tôi cứ cay đến nỗi chảy tràn nước mắt.
                      ******
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.08.2012 21:51:44 bởi Viên Nhật >
                      #26
                        Viên Nhật 08.08.2010 23:42:50 (permalink)
                        NGẠN



                        Bà Cả đang nằm lơ mơ trên cái võng đu đưa, bỗng nghe một tiếng xoảng khiến bà ngồi bật dậy. Bà cố lắng tai nghe ngóng trong sự im lặng đáng ngờ vực. Lòng đầy bực bội, bà lớn tiếng nói:
                        - Ngạn à, làm bể cái gì nữa đó?
                        Không có tiếng trả lời, bà xỏ chân vào đôi dép, đi xuống nhà bếp. Trước mắt bà, cái bếp hệt như một bãi chiến trường: nào nồi, nào chén, miểng dĩa, miểng tô… còn cô con gái nhỏ của bà thì đang ngồi giữa bãi chiến trường ấy mà ăn ăn, xé xé với một cái dĩa đầy những con gì đen đen, cháy cháy giống con còng quều. Nghe tiếng chân của mẹ, cô bé ngừng nhai, ngẩng đầu lên. Gương mặt đầy lọ nghẹ vạch ngang, vạch dọc của con gái làm bà mẹ buồn cười đến quên cả giận, bà rên lên:
                        - Trời ơi, con gái ơi là con gái…! Mẹ đâu có đẻ ra con hề thế này. Con gái xinh đẹp của tui đâu rồi?
                        Cô bé vụt cười toe, nhe hai hàm răng trắng đều rất tươi:
                        - Con xinh đây mà…
                        Vừa nói, cô bé vừa kéo vạt áo lên lau mặt. Bà mẹ lại rên lên:
                        - Thôi rồi, còn đâu cái áo tui mới may cho nó.
                        - Úi quên. Sorry, sorry, mamy!
                        - Lại còn xài tiếng Tây cạp cạp với tui nữa!
                        Cô bé đứng dậy, chạy ào tới, vòng tay ôm mẹ, áp cái đầu nhỏ xinh vào ngực mẹ. Bà Cả chẳng biết làm sao, đành cứ đứng đó, xuôi hai tay. Ánh mắt bà nhìn vào hai cái xoáy trên đỉnh đầu con gái rồi thở dài thầm nghĩ: chẳng trách ông bà vẫn nói "đầu hai xoáy khó bảo". Đã đặt tên nó là Ngạn trong nghĩa "hồi đầu thị ngạn" (quay đầu thì thấy bờ), nhưng xem ra còn lâu con bé mới biết bờ là thế nào. Dù sao, nó chỉ mới mười tuổi. Thôi thì cứ đợi nó bơi vài năm nữa xem sao.
                        Quả thật cô con gái nhỏ của bà vừa hậu đậu, lại vừa nghịch ngợm. Phải chi hậu đậu mà chậm lụt thì đỡ biết mấy. Đằng này, nó nhanh như con sóc, mới nghe lục sục đầu này thì tiếp đó đã nghe loảng xoảng đầu kia. Căn nhà lúc nào cũng ngổn ngang những đồ vật linh tinh.
                        Tiếng chuông đồng hồ quả lắc gõ từng tiếng ngân nga trong buổi trưa hè. Bé Ngạn đang ngồi chồm hổm, lọt thỏm trong chiếc ghế bành rộng, mắt nó nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ quả lắc. Nó luôn tò mò muốn biết tại sao con gà có thể nhảy ra, nhảy vào khi đồng hồ gõ chuông. Có lần nó đã bắc ghế rinh cái đồng hồ xuống, tháo ra xem. Khi ráp vào, không hiểu sao nó cứ dư rất nhiều bộ phận mà bé Ngạn không tìm ra chỗ nào để gắn vào.
                        Bà Cả bắt gặp trò phá hoại của cô bé và đét cho một trận. Mặt bà lúc giận mới ghê chứ! Ngạn biết mẹ rất quý chiếc đồng hồ này. Sáng nào thức dậy, công việc đầu tiên của bà là lấy chìa khóa, lên dây cót đồng hồ. Tiếp đó, bà lau bụi cho nó một cách dịu dàng, như thể cái vỏ gỗ và mặt kính đồng hồ mỏng manh lắm vậy.
                        Phía sau nhà Ngạn là một con sông nhỏ. Bà Cả rào bờ sông rất kỹ để Ngạn không thể ra tắm sông. Nó chỉ có thể quậy bùn trong cái ụ tàu cạn sều dù nước rong tháng mười cũng không thể ngập đầu nó được. Ngày nào cũng nghe tiếng bà Cả la mắng con gái bằng một giọng lớn nhưng thiếu sự giận dữ. Bé Ngạn quen tai đến mức nó chẳng nhúc nhích tí nào. Căn nhà sau một ngày vẫn là bãi chiến trường cho bà Cả dọn dẹp đến khuya. Đôi khi, bà đứng nhìn con gái ngủ say. Dưới ánh đèn ngủ mờ mờ, bé Ngạn nằm sải dài chân tay, môi he hé cười, tấm lòng người mẹ lại nặng trĩu nỗi lo lắng vì sự vô tâm, hời hợt của con gái. Cuộc sống của hai mẹ con cứ êm đềm trôi. Năm ấy, ủy ban xã đắp đập ngăn con sông nhỏ sau nhà, nghe nói dự trù dùng khúc sông ấy nuôi tôm. Tôm đâu không thấy, chỉ thấy hàng chục mẫu ruộng, trong đó có ruộng nhà Ngạn trở thành vuông phèn vì không có nước sông ra vô lọc đất. Lúa cấy xuống chưa được ba ngày đã héo rũ. Khúc sông sau nhà trở thành cái hồ lớn, nước đỏ quạch váng phèn. Mấy chục chiếc cầu tõm bắt ra sông cùng đủ thứ rác, nổi lập lờ, rợn hết cả người. Còn đâu dòng sông nước trong xanh với những hàng mắm, bần... thơ mộng, treo đầy những tổ chim. Cứ mỗi chiều về, những chú chim bay theo hình cánh quạt về tổ, kêu vang động cả buổi chiều quê.
                        Vụ mùa đi tong. Lần đầu tiên Ngạn biết đến một cái tết buồn. Mọi năm, những ngày trước tết, Ngạn phụ mẹ dí bồ lúa to đùng ở nhà sau. Năm nay, nhà sau sạch sẽ, trống rỗng đến nao lòng. Ngạn hỏi:
                        - Năm nay mình ăn bằng gì hả mẹ?
                        Đó cũng là câu hỏi cháy lòng bà Cả.
                         Ngày trước, Ngạn thường hái trái cây vườn nhà đem cho bạn. Bây giờ, mẹ chắt chiu từng ngọn rau, trái chín mang ra chợ bán đổi gạo. Ruộng thành đất hoang. Bà Cả ra chợ buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày. Mấy năm sau, ủy ban xã đến hỏi mua miếng đất của bà Cả để làm sân chơi cho thanh niên trong xã. Dù sao cũng không cày cấy được, bà Cả bán hết đất, hai mẹ con khăn gói ra đi. Bà Cả nghĩ: ở đâu có nhà mình thì ở đó là quê. 
                        Hôm đó, bé Ngạn đứng ở đầu ngõ nhìn mãi ngôi nhà từ nay là của người khác, cũng như tuổi thơ đã đi qua, không bao giờ trở lại, nỗi nghẹn ngào dâng trong lòng nó. Không hiểu sao trong đầu nó cứ lặp đi, lặp lại mãi mấy từ: tha phương, tha hương.
                        ******
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2013 15:18:12 bởi Viên Nhật >
                        #27
                          Viên Nhật 08.08.2010 23:45:12 (permalink)

                          Đất lạ



                          Người ta bảo: Trái đất tròn. Thật sự trái đất hình cầu.
                          Mặt trời tròn, nhưng vì nó chói quá, mấy ai nhìn thẳng vào nó để có thể nhận ra hình dạng đích thực của nó.
                          Mặt trăng tròn, dịu dàng treo sáng cao cao, nhưng luôn luôn thay đổi, khi tròn, khi khuyết.
                          Chân ta chạm đất, nhưng chẳng bao giờ đo và hiểu hết bí mật của đất.
                          Ánh sáng mặt trời chan hòa ngày, ta chỉ nhìn thấy ánh sáng.
                          Ta nhìn trăng soi mờ ảo thế gian, mới nghĩ ra rằng: Ta tưởng thấy trăng, thật ra cũng như khi ta chạm đất, thấy ngày... chỉ là một cảm giác mà thôi.
                          Ta chạm người, không phải là rất thật sao, nhưng ta không thể hiểu rõ, trái tim người có thật thế không. Ta chỉ có thể nhìn vào ta. Khi ta đem vui vẻ cho người, chính là ta gieo cho mình sự vui vẻ. Vì vậy, ta cũng không mong chờ người đáp lại. Ta không phải người gieo trồng và mong mùa gặt hái.
                          ******
                          Thảo Hương xuống bến xe Bảo Lộc. Trời nắng như thiêu. Anh rể bảo cứ đến nơi sẽ thấy anh chờ sẵn đón cô, vậy mà chẳng thấy bóng dáng đâu.
                          Ngơ ngác trên đất lạ, cô thở dài, đi vào một quán nước, gọi một ly đá chanh. Đang ngồi ngơ ngẩn, cô giật mình khi có tiếng đàn ông vang lên bên cạnh:
                          - Thảo Hương? Em chờ anh Chí phải không? Anh tên Long, tài xế xe tải.
                          Giọng con trai Bắc, lên bổng, xuống trầm êm tai quá chừng. Cô quay sang. Anh chàng trông đẹp trai quá! Ở cái xứ rừng rú miền Đông mà trắng trẻo, thư sinh thế này thì có chết người không chứ! Cô không trả lời câu hỏi của anh mà lại nói ý nghĩ thành tiếng. Ôi trời! Thảo Hương ngượng nghịu cười khì.
                          Anh đến cạnh chiếc xe tải phủ đầy bụi đỏ, mở ca bin nhảy lên. Cô vòng qua bên kia và leo lên ngồi cạnh anh. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, ào ào lướt qua những cánh đồng trà thâm thấp, trải dài đến tận chân trời. Bụi đỏ bốc lên mờ mịt phía sau xe.
                          Xe bắt đầu lên dốc, xuống đèo liên tục. Hai bên đường, những dải thông xanh ngắt, chỗ đậm, chỗ nhạt. Càng đi xa, càng có vẻ như họ chui sâu vào giữa rừng. Không một mái nhà, chỉ có con đường độc đạo như một vệt chỉ đỏ ngoằn ngoèo trước mặt.
                          Mệt mỏi sau chặng đường dài từ Sài Gòn lên đây, cô thiu thiu dần rồi ngả đầu lên giỏ xách ngủ gật. Chiếc xe đứng lại làm cô thức giấc.
                          Trước mắt cô, một dãy nhà sàn bằng gỗ thông nằm trên ngọn đồi thấp. Thảo Hiền - chị cô, đang đứng trước cầu thang cười rạng rỡ. Bây giờ mới thấy mặt, còn hớn hở thế, có biết người ta xứ lạ quê người, lang thang ngoài bến xe không? Dường như hiểu em không ai bằng chị. Một tay chị vò tóc cô, một tay nắm cô kéo theo mình, miệng thì ríu rít:
                          - Trời ơi, tội chưa! Đứa em xinh xắn của tôi bị tàn phá thế này ư?
                          Cô hết giận ngay và chui vào nhà tắm.
                          Chị bắt ghế ngồi bên ngoài, hỏi vọng vào đủ thứ chuyện.
                          Mãi đến tối, anh rể mới về. Vừa nhìn thấy cô, anh đã oang oang:
                          - Lên rồi hả nhóc? Xin lỗi em, hôm nay anh bận việc đột xuất. Em có phải chờ lâu không?
                          Chẳng đợi cô trả lời, anh đã quay sang chị, nháy mắt. Mặt chị tươi như hoa từ lúc có anh về. Thế là hai người bận quan tâm nhau, quên mất cô ngay. Thôi thì biết điều một chút đi, cô tự nhủ, nhưng người cứ run lập cập vì vừa lạnh, vừa đói!
                          Trời cao nguyên thật lạ. Mới lúc chiều, khi cô vào đây, nắng và nóng gớm. Thế mà trời chưa kịp tối đã bắt đầu lạnh. Sương mù lan ra khắp nơi rất nhanh. Tốc độ dầy của sương, hiệu ứng với cường độ lạnh của không khí.
                          Thảo Hương vừa kéo cái phẹc áo gió lên che kín cổ, vừa nghe răng mình gõ vào nhau. Thảo Hiền trông em gái và cười phì phì. Mặt chị hồng như hoa đào và vẫn khoác hờ chiếc áo bông chứ không kín cổng cao tường như cô.
                          Đêm ấy, anh chị cô có nhiều bạn đến chơi. Họ là công nhân, tài xế của lâm trường và nhân viên trạm thủy điện nơi anh rể cô làm việc. Ai cũng tỏ ra rất nhiệt tình, vui vẻ.
                          Các anh cười cười, nơi này, mười phần thì có 9,999 là đàn ông. Có một người khách đã mừng, lại là một cô gái đẹp, càng quý như vàng. Cô nghe mà mặt mũi cứ nóng bừng như sốt vì ngượng ngùng. Nhưng, ai cũng có vẻ rất thân tình, không đãi bôi chút nào nên cô thỉnh thoảng nghiêng mặt đi, cười một mình. Chị cô ngồi cạnh cứ cười cười một cách mờ ám! Mệt, không thèm hiểu là xong.
                          Mọi người kể cho cô nghe về dân tộc Mạ, sống ở những bản làng quanh đây. Hồi các anh mới vào đây mở lâm trường, các cô gái người Mạ thường không mặc áo, chỉ quấn ngang người chiếc xà-rông, khiến nhiều chàng người Kinh suýt nữa rớt mất mắt.
                          Người Mạ là tộc người vẫn còn theo chế độ mẫu hệ và nổi tiếng về chuyện bỏ bùa, làm phép. Nghe nói, có một đoàn sinh viên khoa Văn của đại học Đà Lạt vào đây khảo sát điền dã. Một chàng trai người Mạ mê cô sinh viên đẹp nhất trong đoàn, đã bỏ bùa yêu cô xuống suối. Cô sinh viên sau khi tốt nghiệp đã quay lại bản sống cùng chàng trai người Mạ, mặc cho cha mẹ năm lần bảy lượt năn nỉ cô trở về nhà.
                          Rằng bây giờ, ngoài ngã tư chợ Bảo Lộc, dưới gốc một cây thông già, luôn có một người đàn ông suốt ngày câm lặng, tay ôm một khúc cây trong tư thế bồng súng đứng gác. Đó là vì anh ta đã dụ dỗ và sau đó ruồng rẩy một thiếu nữ Mạ và bị bùa phát. Sự thật nhất để chứng minh là chuyện của anh kỹ sư tên Quang, trẻ tuổi, đẹp trai, học thức, đã bị bùa mê mà lấy một cô gái người Mạ làm vợ, hiện đang sống ở bản làng rất gần đây, chỉ đi qua ba cái dốc núi là tới.
                          Nghe cô nói sẽ vào thăm bản, các anh dặn dò: Vào đó, đừng ăn uống gì, coi chừng bị bỏ bùa, không về được.
                          Thảo Hương cười khì khì, tự nhủ: Dị đoan hết sức nói.
                          Buổi sáng, cô háo hức dậy sớm, mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Một bóng đàn ông cao cao với chiếc áo bađờsuy dài bay lất phất sau lưng, hiện ra trong làn sương mờ trên triền dốc xa xa, thật ấn tượng và đẹp mắt như ảo ảnh. Hình như trái tim cô bị lôi tuột vào một cái lồng chứa đầy những chất romantic. Cô ngớ ngẩn nhìn như dán chặt, cho đến khi người đó đến gần. Thì ra là anh Long. Cuộc đời đâu có lãng mạn thế, đồ ngốc! Cô tự thức tỉnh mình.
                          Cô lấy áo khoác, mấy gói kẹo bánh, vớ cái máy ảnh, theo cửa sau, chạy xuống đồi. Qua ba cái dốc, mồ hôi của cô đã tuôn như suối. Cái áo khoác và cái máy ảnh trở nên nặng trĩu. Cô tự cười: leo núi có cao gì cho cam mà thở ồ ồ thế này? Phế thải hết chỗ nói!
                          Cô nhìn ra xung quanh. Một chú bé người dân tộc đang vắt vẻo trên nhánh cây thấp gần đó. Một ngón tay chú đút vào miệng, một tay chú vịn vào cành. Trông chú xinh quá với đôi mắt to, đen như than, đầy vẻ tò mò đang nhìn thẳng vào cô.
                          - Xin chào! Sắp tới bản chưa bé?
                          Thảo Hương hỏi lớn. Chú bé không trả lời, hơi ngoảnh đầu đi, nhưng vẫn hé một góc mắt nhìn lại cô.
                          - Bé tên gì? – cô vừa nói, vừa tiến lại gần.
                          Nó nhảy ngay xuống đất, co giò chạy rất nhanh. Vừa chạy, nó thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại. Hay là nó muốn mình theo nó?
                          Trời đã bắt đầu nắng to, cô lấy cái áo khoác buộc lên đầu che nắng. Chú bé trông thấy liền nhe hàm răng trắng bóc ra cười.
                          Trong suy nghĩ của cô, bản làng chắc là thô sơ với nhà lá, vách cây lởm chởm… trước mắt cô, không phải vậy. Cũng là những ngôi nhà sàn và đẹp mắt không khác những dãy nhà chị Thảo Hiền đang ở. Quanh nhà, những cọc tiêu ngay hàng thẳng lối, xanh mướt.
                          Có nhiều người dân bản ngồi ở bậc cửa hoặc dưới giàn tiêu. Một ông già đang ngồi rút vai, hút một điếu thuốc quấn theo kiểu loa kèn, thở ra những vòng tròn khói. Đứa nhóc ngồi trong lòng ông chỉ khoảng sáu - bảy tuổi, vươn tay rút điếu thuốc trên miệng ông, đưa lên miệng và rít một hơi dài. Chà! Sành điệu quá! Thảo Hương sửng sốt trước cảnh đó, đưa máy ảnh chụp lách tách xong, tiếp tục bước theo chân chú bé.
                          Chú bé chạy tọt vào ngôi nhà đang vang vang khá lớn tiếng hát ngọt ngào của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. Cô vào theo. Trong nhà hơi tối. Trên cái bàn làm bằng một gốc gỗ có đường kính cả mét, cái radio đang mở. Ở góc nhà, một bà già đang ngồi tựa lưng vào cột nhìn vào ngọn lửa trong bếp. Phía trên đầu bà, treo mấy bó trái bắp khô rất to. Bà già nhìn vào cô cười. Lúc này, cô mới nhìn kỹ. Thì ra bà không già như cô tưởng, chỉ vào khoảng giữa 40 – 50 tuổi.
                          Thảo Hương chào bà, nhưng bà làm thinh như không nghe thấy.
                          Chú bé nấp sau lưng bà, lấp ló cái đầu nhỏ xinh xinh. Ánh lửa ấm, mùi lửa nồng, chẳng ai nói tiếng nào, nhưng không khí vẫn thân thiện, ấm áp. Thảo Hương ngồi xuống chiếc ghế làm bằng gốc cây, đưa mắt quan sát căn nhà. Mọi vật dụng đều thủ công, thô ráp, nhưng rất ấn tượng. Phía sau vách chỗ bà ngồi, treo đầy những trái bầu to, đen bóng. Cô tò mò lại gần, nhấc một cái. Trái bầu nặng trĩu, toàn nước.
                          Chú bé lẽo đẽo theo chân cô. Cô ngừng lại, ngoái đầu nhìn, nó lập tức lon ton nép vào đâu đó. Chụp xong hàng loạt ảnh, cô để lại một gói kẹo, lại chào bà, rồi ra cửa. Bụng cô nghĩ, chắc bà cũng không hiểu cô nói gì, cũng như cô cũng sẽ chẳng hiểu bà nói gì.
                          Xuống hết chân thang, cô mới nhớ mình chưa tạm biệt chú bé. Cô ngó lên khuôn cửa. Chú bé đang đứng giữa cửa nhìn vào cô. Thấy cô nhìn, bé không kịp núp vào đâu, thế là nó nhắm tịt mắt lại. Bộ tưởng không nhìn thấy cô thì cô cũng không nhìn thấy bé chắc? Đứng một đống giữa cửa thế kia mà! Thảo Hương phì cười. Chú bé nghe thấy liền hé mắt ra, rồi hoảng hốt đưa luôn cả hai bàn tay lên bịt chặt ngang mắt. Cô hắng giọng:
                          - Đi nha. Tạm biệt.
                          Chú bé đột nhiên bỏ tay ra, nhìn cô cười toe thật dễ thương. Bỗng nó chạy nhanh xuống thang với những bước chân chực chờ lộn sấp như làm xiếc, làm trái tim cô hồi hộp muốn rớt ra ngoài vì sợ nó té.
                          Trước mặt cô là một cô gái gầy gầy, khoảng chừng hơn hai mươi tuổi, mặc cái xà-rông dài màu sặc sỡ và cái áo thun màu cam ngắn tay. Thật là một cô gái xinh đẹp với đôi mắt to và hàng mi dầy như cái rèm mơ màng. Đôi môi đỏ tươi hơi dầy của cô đang vừa cười, vừa nói líu lo bằng một thứ tiếng Thảo Hương không hiểu, có nhiều âm tắc, giọng mũi họng với chú bé vừa nhảy tọt vào nằm trong vòng tay cô. Cô gái cười hỏi:
                          - Mày kiếm tao à?
                          Thảo Hương hơi giật mình vì cách dùng đại từ nhân xưng một cách sỗ sàng với người lần đầu tiên gặp mặt của cô gái.
                          - Hay là mày kiếm chồng tao?
                          Thảo Hương mỉm cười:
                          - Không đâu, tao vào bản cho biết thôi. Tao ở Sài Gòn lên thăm chị gái. Vợ của anh Chí.
                          Dùng đại từ xưng hô như cô, Thảo Hương thấy thú vị và vui vui như trở lại cái thời lon ton như chú bé kia. Đã lâu lắm rồi, cô không gọi mày, xưng tao với ai.
                          Cô gái nói một cách nhiệt tình:
                          - Thế a, tao biết chị mày mà. Đẹp lắm, đẹp lắm! Vợ chồng chị mày rất tốt. Mày muốn xem cái gì, tao dẫn mày đi nhé? Mày có muốn vào rừng hái phong lan không? Tao nghe nói người Kinh ai cũng thích lan rừng .
                          Thảo Hương mừng rỡ:
                          - Tao thích lan lắm. Cha tao dặn nhớ mang lan rừng về. Mình đi ngay nha?
                          Chú bé thấy họ bỏ đi thì khóc òa lên. Cô gái liền ôm chú thủ thỉ một tràng. Thế là chú bé cười toe, vừa chạy lên thang, vừa hát một giai điệu rất lạ tai.
                          Họ đi qua những ngọn đồi mọc đầy những bụi cây thâm thấp, mà cô gái gọi là cây sim. Chẳng hiểu nó có phải là những cây sim trong lời hát phổ từ thơ Hữu Loan:… những đồi hoa sim, những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt… không nhỉ?
                          Cô gái bước thoăn thoắt với đôi chân trần.
                          Chưa từng đi bộ nhiều, bỗng chốc hôm nay liên tục cuốc bộ, đôi chân của Thảo Hương muốn biểu tình đình công. Những bắp cơ như muốn cứng lại. Mỗi cái nhấc chân, cô tưởng như sắp bị chuột rút. Cô vừa đi, vừa rên. Cô gái dừng lại, hỏi vẻ lo lắng:
                          - Mày làm sao vậy?
                          Thảo Hương cười nhăn nhúm:
                          - Tao nhức chân quá!
                          Khi biết cô chỉ bị nhức vì đi nhiều, cô gái cười, hái vài lá cây, vò giập, rồi bảo cô kéo ống quần lên. Cô vừa xát, vừa xoa. Chân Thảo Hương vừa mát, vừa dễ chịu. Lát sau, cô gái phủi hết những xác lá trên chân cô. Chẳng hiểu nó là lá gì mà công hiệu ghê gớm. Thảo Hương thử đứng dậy, rồi thoải mái bước nhanh theo cô gái.
                          Cô gái cứ đi, đi mãi. Rừng ngày càng dầy và khó đi. Trên đầu, cây cao và rậm. Phía dưới, xác lá, đôi chỗ ướt sình, những cành mục vướng chân và cành thấp thì quẹt rát cả da.
                          Thảo Hương bắt đầu nghe đói bụng. Sáng nay, cô đã ăn uống gì đâu, lại còn vận động như tàu cao tốc nữa. Cô nhìn đồng hồ: gần 10 giờ. Thấy cô cứ tụt dần ở phía sau, cô gái hỏi:
                          - Mày lại đau ở đâu à? – giọng cô đầy vẻ quan tâm. Thảo Hương lắc đầu. Chẳng lẽ thú nhận là cô đói bụng? Thật là ngớ ngẩn! Làm gì cũng hứng bất tử, không có kế hoạch để chuẩn bị, rồi gây phiền cho người khác. Nhưng cái bụng của cô thật thà quá, nó cứ sôi rột rột vì trống rỗng. Má Thảo Hương nóng phừng phừng theo nhịp độ tiếng sôi réo của cái bụng phản phúc. Cô gái mỉm cười:
                          - Tao đi rừng, thường hái trái dại ăn. Mày ăn thử nhé – giọng cô êm ái như dỗ dành làm Thảo Hương xấu hổ quá:
                          - Không sao, mình đã tới nơi chưa?
                          Cô gái ngẩng đầu. Thảo Hương nhìn theo và thấy mấy tán cây lớn có nhiều dây leo quấn chằng chịt lên tận ngọn. Từ chảng ba đầy rêu trên cao, cô nhìn thấy mấy nhánh lan có vài cái nụ. Cây như thế làm sao mà leo?
                          Cô gái leo thật. Nhìn cô, Thảo Hương những muốn bảo cô thôi cho rồi. Thảo Hương không dám lên tiếng, vì sợ cô gái phật lòng. Để rồi, cô cứ thấp thỏm mãi cho đến lúc cô gái ném những nhánh lan xuống cỏ và leo trở xuống.
                          Bận về, cô dẫn Thảo Hương theo đường khác. Đường này về chỗ chị Thảo Hiền trước.
                          Đến lúc đó, Thảo Hương mới biết cô gái ấy tên là K' thị Rua, vợ anh Quang trong câu chuyện tối qua. Cô là con gái trưởng làng, là người luồn rừng giỏi nhất, cô gái xinh đẹp nhất bản…
                          Nghe chị Thảo Hiền nói mà Thảo Hương cứ như từ cung trăng rớt xuống. Ôi trời! Bùa ngải! Câu chuyện của các anh dặm bao nhiêu mắm muối? Hay là "mặn chát" cả chuyện?
                          Chị Thảo Hiền mời Rua vào ăn cơm cùng, nhưng cô từ chối và đem khoe chị những nhánh lan cô vừa hái.
                          Rua về rồi, chị đem cất những nhánh lan. Chị bảo chờ anh rể về, anh sẽ cưa cây tạo dáng và tháp lan vào. Khi Thảo Hương đi, lan cũng vừa mọc rễ, ôm gốc, có thể mang xa được.
                          Đợi Thảo Hương ăn cơm xong, Thảo Hiền mắng cho một trận vì cái tội vào rừng. Tuy là đi với cô gái luồn rừng giỏi nhất, nhưng rủi xảy ra chuyện gì thì ai có thể chịu trách nhiệm? Rừng thiêng, nước độc, lại còn rắn rít, muỗi mòng… Chị la xong, lại ôm lấy cô mà chảy nước mắt. Trời ơi! Người gì mà vừa đánh, vừa xoa, khiến mình chưa kịp nổi sùng, đã phải cùng cực ăn năn rồi, có chán đời hay không kia chứ!
                          Hôm sau, Thảo Hương lại vào bản. Cô đem tặng Rua ít quà Sài Gòn. Cô gặp Quang đang ở nhà. Anh đang đánh bóng một cái độc bình rất lạ, bằng loại gỗ đen, cao hơn đầu anh. Trông anh nhỏ người, chỉ được mỗi cái cười tươi. Chú bé quanh quẩn bên cạnh cha, thấy cô, chú núp vào sau cái độc bình, ló nửa mặt và nhe hàm răng trắng bóc ra cười. Thì ra, chú bé có nụ cười giống cha. Chỉ một ngày sống cùng những con người nhiệt tình và chân thành đó, đủ để cô mãi mãi yêu quý họ.
                          Trời chiều lạnh thật. Hai người và chú bé đưa cô về. Nhìn theo những bước chân ngắn vội vội của bé đang chạy nhảy phía trước, cô cảm giác như cuộc đời cũng rộn ràng và nhiệt tình như những bước chân trẻ con đó.
                          Về đến nhà, chị trách cô cứ đi suốt, bỏ chị một mình. Lạ thật! Trước giờ không có cô, chị ở mấy mình? Nghĩ là vậy, ai dám nói thành lời! Thảo Hương chỉ biết cười hì hì.
                          Anh chị đưa cô ra chợ Bảo Lộc. Tới ngã tư, cô nhìn quanh tìm người đàn ông mà các anh đã nói. Đúng là có ông ta thật. Bên cạnh ông ta có một bé gái. Nó mặc bộ đồ lửng có những cái hoa hướng dương rất to. Anh Chí thở dài:
                          - Người này trước đây rất đào hoa. Không biết bao nhiêu cô gái khổ vì anh ta. Bỗng dưng mà thành ra thế này. Chỉ tội cho vợ con.
                          - Có thật là ổng bị bỏ bùa không anh? - Thảo Hương thấp giọng thì thầm. Anh cười:
                          - Thì như em thấy vợ chồng anh Quang, muốn tin thì có, không muốn tin thì không.
                          Hừ! Trả lời thế thì có gì để nói. Thảo Hiền đi bên cạnh cứ cười tủm tỉm. Dạo này sao chị dịu dàng, đằm thắm thế!
                          Đến xứ cà phê thì phải thử cà phê. Họ vào cái quán cà phê ngay ngã tư. Khổ nỗi, lần đầu tiên Thảo Hương mới uống cà phê. Thứ cà phê sệt sệt, đổ ngập đường vẫn cứ đắng nghét ấy, làm cô đau quặn bụng, mặt mày xanh lét. Tội cho anh chị cô, cứ cuống quýt cả lên. Họ đưa cô vào phòng y tế của nhà khách Chính phủ ở gần đó. Cô bác sĩ có nước da trắng và đôi má rất hồng, nghe nghe, hỏi hỏi vài câu rồi cười:
                          - Chỉ vì không quen uống cà phê thôi, không sao đâu.
                          Cô đưa cho vài viên thuốc. Anh Chí cười to:
                          - Thật là… lần đầu tiên tôi nghe có người bị đau bụng chỉ vì uống cà phê, hahaha!
                          Anh nhìn Thảo Hương đang ngồi dựa lưng vào lòng vợ, thấy mặt cô bé xanh đến tội, khiến anh thương quá, thò tay xoa bù xù tóc cô.
                          Thảo Hiền thì vuốt cho tóc em gái mượt trở lại. Tự nhiên, Thảo Hương mủi lòng muốn khóc. Cô cảm nhận rất rõ tình thương của anh chị dành cho mình.
                          Thảo Hương phải nằm dài mất mấy ngày. Anh Chí cười hì hì bảo rằng: Có lẽ cô không quen với khí hậu và nước nôi nơi đất lạ nên bị lạ nước?!
                          Hôm Thảo Hương đã khỏe, chị Thảo Hiền bảo:
                          - Anh Chí nói em có muốn đi thăm rừng, anh sẽ cử anh Long đi với em.
                          - Vậy còn gì bằng.
                          Thảo Hương quay mặt, giấu vẻ tươi cười. Cô nghĩ đến chàng trai có đôi mắt đen thật to, cái mũi cao thanh tú và làn da trắng mịn màng, ẩn hiện vệt râu xanh bó quanh cằm. Trái tim mơ mộng của cô đã muốn hát lên rồi. Nhất là lúc anh ngồi ôm cây guitar, rải ngón tay và hát nhạc Trịnh: Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi. Tình yêu mật đắng, mật đắng cho đời. Tình yêu như biển, biển rộng hai vai, biển rộng hai vai. Tình yêu như biển, biển hẹp tay người, biển hẹp tay người, lạc lối… Xem ra, cô đang lạc lối thật, chẳng chút nhớ nhà!
                          Thảo Hương ngồi trên cabin, theo Long vào rừng chở gỗ ra lâm trường. Mỗi lần xe chạy ngang bản, những đứa nhóc lại ùa ra. Hàng chục đứa đứng giang tay cản đường để xe ngừng lại. Nhanh như sóc, bọn nhóc leo lên bám vắt vẻo trên cửa xe, rồi ra hiệu cho xe chạy, y như những lơ xe thứ thiệt. Mặt đứa nào cũng hớn hở. Khi xe đi một quãng khá xa, chúng lại ra hiệu cho xe ngừng lại và nhảy xuống, chạy trở về.
                          Thảo Hương nhăn mặt. Cô nhiều lần thử gỡ tay bọn nhóc, nhưng mấy ngón tay bé xinh cứ như bị bắt vít, dính chặt, không gỡ ra được. Cô bảo bọn nhóc:
                          - Leo vậy, nguy hiểm lắm! Nhỡ mà sút tay té xuống, xe tải to như thế, cán một cái là dẹp lép như cái lá luôn, có sợ không?
                          Bọn nhóc nhe răng cười rất hồn nhiên. Có lẽ bọn nhóc không hiểu lời cô nói, vì chúng vẫn chặn xe, nhảy lên đeo bám như cũ. Long cười bảo cô quá lo xa:
                          - Em đừng lo, anh luôn xem kỹ chúng xuống hết rồi mới cho xe chạy, không xảy ra chuyện gì đâu.
                          Giọng anh ngọt ngào. Nụ cười anh làm cô không thể suy nghĩ cái gì khác. Cảm giác yêu và được yêu thật là kỳ diệu. Cô không còn thấy rừng cô quạnh, không còn thấy bản làng xa lạ, tất cả đều thân thiết như cô đang ở nhà mình. Điều cô mong chờ nhất là mỗi sáng thức dậy, trông thấy anh trong chiếc bađờsuy dài bay lất phất, đi lên triền dốc, gọi cô xuống đi cùng anh.
                          Trưa hôm đó, khi xe chạy ngang bản, bọn nhóc như thường lệ lại chặn xe leo lên. Lúc ngừng xe cho bọn nhóc nhảy xuống, Long theo thói quen, chỉ cần nhìn thấy một đứa nhóc huơ tay ra hiệu cho xe chạy là dấn ga. Nhưng lần này, bọn trẻ đồng loạt huơ tay kêu gào, vẻ rất hoảng loạn.
                          Long chạy tới một đoạn mới ngừng lại, nhảy ra khỏi xe. Thảo Hương nhảy xuống theo.
                          Họ nhìn theo những ngón tay của bọn nhóc. Một đứa bé đã bị bánh xe cán xéo lên người. Trên cái móc gần cửa xe, còn vướng một cái áo rách bay phất phơ. Ôi, cảnh tượng thật kinh hoàng! Cô gần như té quỵ người xuống, ngực thắt lại không thở được.
                          Vài đứa nhóc vừa kêu la, vừa bỏ chạy về bản.
                          Long nắm tay Thảo Hương lôi lên xe, nhấn ga chạy luôn, bỏ lại đằng sau xác đứa bé bê bết máu và mấy đứa bé khác đang quỳ quanh xác bạn, cúi người như khóc, như lay bạn chúng dậy.
                          Kể từ hôm đó, Thảo Hương không gặp Long nữa. Lâm trường cử người xuống bản bồi thường, nhưng họ không nhận. Người bản lên lâm trường yêu cầu gặp Long. Họ chỉ muốn Long xuống bản xin lỗi gia đình của đứa bé. Long đã tự ý nghỉ việc và biến mất tăm khỏi lâm trường.
                          Thảo Hương nhớ có lần Long đã kể cho cô nghe về nhà của anh ở Đà Lạt. Thậm chí, cô còn có thể hình dung rất rõ ràng ngôi nhà với những khoảnh vườn hoa và màu sắc của cái cửa, cái rèm... Nghe cô mô tả, anh Chí nói anh có thể biết đó là đâu. Thảo Hương đòi đi theo.
                          Trong khi Chí nhấn chuông, Thảo Hương nhìn khuôn cổng được bao quanh bởi giàn bông giấy rực rỡ, bên trong, những cây sứ trắng xanh mướt nhô cao, quen thuộc như là cô đã từng thấy nó.
                          Người mở cổng là một thiếu phụ trẻ xinh đẹp, đang mang thai. Cô cười rất tươi và hỏi bằng chất giọng mà ngay lập tức, Thảo Hương hiểu ngay cô là một người dân tộc:
                          - Các người tìm ai?
                          - Đây có phải nhà anh Long không?
                          - Phải, anh ấy đang có nhà.
                          - Chị là…?
                          - Vợ đó mà.
                          Thảo Hương ngớ ngẩn nhìn cái rèm cửa màu hồng nhạt đang khẽ lay trong gió, nhìn cái bụng bầu và nụ cười dịu êm trên đôi môi đỏ như son. Long xuất hiện ở cửa. Anh nhìn vào Thảo Hương và khẽ nhăn mặt:
                          - Làm sao mà kiếm ra nhà thế? - Anh hỏi vẻ mệt mỏi. Trong lý lịch của anh không có địa chỉ này.
                          Anh Chí nhìn về phía em vợ, bỗng nhiên cũng cười một cách mệt mỏi, hệt như Long:
                          - Cô bé nhóc kia vẽ đường cho tôi. Không ngờ cậu đã có vợ rồi, lại sắp làm cha, kín miệng thật?!
                          - Còn biết làm sao? Anh không nhớ cô ấy à? Cô hoa khôi của nhóm thiếu nữ Thái đến lâm trường tham gia văn nghệ năm ngoái ấy.
                          - Cậu bỏ việc là chuyện nhỏ, nhưng cậu phải về bản xin lỗi người ta một tiếng. Một mạng người đó, đâu có cái kiểu trốn biệt như vậy?
                          - Không đâu. Anh xin lỗi hộ tôi. Tôi sắp làm cha rồi. Nhỡ đến bản, bị bỏ bùa điên, làm sao chăm sóc vợ con.
                          Trong khi nói, Long cứ cúi mặt xuống. Thảo Hương chỉ im lặng kể từ khi tới đây. Chí cứ nắm tay cô thật chặt, như sợ cô chạy mất.
                          - Nói vớ vẩn. Đó chỉ là chuyện hoang đường, sao lại tin thật. Một câu xin lỗi khó nói lắm hay sao?
                          - Lỗi cũng đâu phải của tôi. Bọn nhóc tự mình làm chết mình ấy chứ. Tôi đã rất tốt với chúng khi cho chúng đi nhờ xe. Nếu biết trước, tôi chẳng cho chúng bám xe làm gì. Bây giờ bảo tôi đến xin lỗi, chẳng phải là gài sẵn bẫy chờ tôi hay sao?
                          - Bẫy cái gì mà bẫy, cậu sâu sắc quá! Có đi không, nói một tiếng thôi.
                          - Tôi không dám đi. Anh về đừng cho họ biết tôi ở đâu, tôi sợ lắm.
                          Trên đường về, hai anh em đều lặng thinh.
                          Thảo Hiền đón em gái ở cửa, chìa ra một lá thư:
                          - Thư của em nè. Hai anh em có kiếm được nhà không?
                          Chí nắm tay vợ đi vào nhà:
                          - Để nó một mình đi em.
                          Đó là thư của Long. Trong thư, chỉ là một câu chuyện với kịch bản muôn thuở mà cô thường đọc đâu đó.
                          Những giọt nước mắt cứ thi nhau lăn tròn trên má Thảo Hương. Cô phát hiện trên thế gian, đáng sợ nhất là người hèn nhát. Họ thường có bộ mặt thiên thần để quyến rũ trái tim bạn. Khi gặp chuyện, họ sẽ bỏ mặc bạn, họ sẽ trốn tránh với trăm vạn lý do. Còn bạn với những nỗi đau, mà nếu may mắn, bạn sẽ vượt qua, nếu không may, bạn sẽ không thể tin yêu ai được nữa.
                          Bỗng nhiên cô cảm thấy mình đã rất già, dường như trái tim cô vừa xuất hiện quá nhiều vết nhăn nheo.
                          Thảo Hiền ôm chặt em gái, mắt chị nhòa lệ. Lần chia tay này phải rất lâu hai chị em mới có thể gặp lại. Chị nói:
                          - Em bảo cha má lên thăm chị.
                          - Chị bảo anh rể nghỉ phép đưa chị về thăm nhà. Chị cũng biết má sợ say xe, có bao giờ đi xa đâu. Cha thì quanh năm bận, đi làm sao được?
                          Chí cười:
                          - Được rồi, hẹn gặp ở Sài Gòn nha.
                          ******
                           
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.08.2012 22:00:36 bởi Viên Nhật >
                          #28
                            Viên Nhật 08.08.2010 23:49:44 (permalink)
                                NHỮNG CÂY CẦU LÊN SÂN KHẤU

                                  Chán con đường muôn thuở ĐBP để về Gò Vấp, hai dì cháu cua đường tắt ngã kênh Nhiêu Lộc. Ngày ấy, đường bờ kênh còn đi hai chiều.
                                  Chỉ một đoạn kênh chưa đầy ba cây số từ đường Trần Quang Diệu xuống đến Đặng Văn Ngữ  mà có năm cây cầu mới xây, không kể cây cầu sắt có sẵn. Những cây cầu sơn màu xanh-đỏ-tím-vàng sặc sỡ, như những ngôi nhà giàu nổi ở nông thôn, chói cả mắt. Bé rất thích, reo lên:
                                  - Coi kìa, mấy cây cầu đẹp quá! Nhưng sao người ta xây nhiều cầu gần nhau quá vậy?
                                  Tôi đùa đùa nói:
                                  - Vì nó xếp hàng chờ lên sân khấu.
                                  - Sao nó lên sân khấu được?
                                  - Vì nó vẽ mặt xanh, mặt đỏ, màu mè như vậy, chẳng phải giống mấy đào - kép lên sân khấu đóng tuồng sao? Chỉ còn thiếu trống chiêng gõ nữa là đủ bộ.
                                  Bé cười thích chí, nhưng có lẽ chưa thật sự hiểu tôi nói gì.
                                  Ngày ấy, tôi thầm nghĩ: xây như thể có tiền không biết làm gì, vác đi xây một đống cầu để có chỗ mà hạch toán ngân sách. Đập vào mắt thiên hạ như thế mà không có cách để biến chuyện trái mắt thành chuyện đương nhiên thì chẳng phải là trò cười sao? Quả nhiên, không lâu sau đó, đường bờ kênh phân luồng một chiều. Các cây cầu cái quẹo qua, cái quẹo lại, chẳng ở không cái nào. Sướng quá còn gì, cứ vài trăm mét là có một cây cầu nối liền hai bờ kênh.
                                  Những cây cầu đã lên sân khấu, thế là vãn tuồng.
                                  Đây là mẩu chuyện mà từ đó, tôi nảy ra ý viết Flash. Có lẽ, Flash sẽ đồng hành cùng tôi cho đến khi nào tôi thôi không còn muốn viết lách nữa.
                             
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.05.2013 22:46:03 bởi Viên Nhật >
                            #29
                              Viên Nhật 20.08.2010 00:34:49 (permalink)
                              ĐÀ LẠT TRONG MẮT TÔI

                              Tôi đến Đà Lạt vào một buổi chiều. Trời lạnh hơn Sài Gòn, nhưng không lạnh như tôi tưởng. Đại khái là bạn chỉ cần một cái áo khoác nhẹ, kéo hững hờ ngang ngực để cái lạnh thấm vào lòng. Xứ lạ, cái lạnh và nỗi trống vắng thường trực trong lòng, tất cả hòa vào nhau, hình như lại làm tôi thấy mình trở nên trống rỗng rất dễ chịu. Không còn những lo lắng, buồn phiền, những mất mát, thất vọng..., chỉ còn tôi với cái se se lạnh lùng nơi phố lạ, người lạ và cả bầu trời ít nắng, nhiều mây cũng lạ.
                              Ở cái bùng binh tên gì, tôi quên mất, à, hình như tên đường là 30 tháng Tư hay là đường Lê Lợi nhỉ? - con đường chạy ngang qua cái khách sạn tôi ở, vào buổi chiều, người ta bày bán rất nhiều thứ linh tinh. Lần đầu tiên tôi thấy con cù lần (mà tôi nghi là không phải con cù lần quá, vì nó giống một khúc cây khô đầy lông như lông sóc nâu, màu hung hung, lại anh ánh bóng). Người bán giới thiệu rất nhiều khi thấy tôi tỏ ra thích thú những con cù lần. Nào là dùng lông cù lần để cầm máu rất tốt. Sau khi nhổ lông xong, phun rượu vào thì cái khúc cây khô queo đó sẽ tự mọc lông mới?! (Cái này thì không đúng đâu, vì tôi có làm thử rồi mà nó chẳng mọc lại gì cả, trụi lủi vẫn là trụi lủi. Còn nữa, lông nó không thấm nước, chớ dại mà đắp vào vết thương, chẳng cầm máu, lại còn dính vào trông kinh khủng lắm!).
                              Thích nhất là lang thang trên những con phố, xem nhà cửa, vườn cây, người ta sống, làm việc... Chẳng cần phải bận tâm mình đang ở đâu, cứ hôm nay rẽ phải thì ngày mai rẽ trái. Chiều tối thì gọi xe chở mình về, chỉ cần nhớ tên khách sạn là đủ. Thêm mấy ngày để mỗi ngày lang thang một thác. Thật ra tôi thấy những thác ở Đà Lạt không ấn tượng bằng những cái thác ở Bảo Lộc. Thác ở Đà Lạt được tôn tạo, tu sửa, thiếu mất vẻ rừng rú, hoang dã của thiên nhiên. Thác ở Bảo Lộc thường nằm bên những rừng cây, đất đá nhấp nhô, không có mấy dấu vết con người chạm đến. Cảm giác như là rất rất hùng vĩ, rất bí ẩn của một thế giới hoang sơ chưa bao giờ người ta hiểu biết hết.
                              Tối tối, bên hồ Hồ Xuân Hương, vừa đợi cà phê nóng hổi, vừa lặng lẽ ngắm trời và nước trên mặt hồ. Xa xa, những hàng liễu rũ dưới ánh đèn, cũng cô độc như tôi và cái lạnh của một Đà Lạt trong lòng khách Sài Gòn, nơi bốn mùa nóng nhiệt, nơi người ta luôn bị cuốn theo nhịp sống hối hả, không mấy khi được có cái thú một mình, trống rỗng như là không tồn tại dễ chịu như thế.
                              Đường rời Đà Lạt, quanh quanh đèo núi, xanh xanh cây cỏ, hoa lá, cứ thấy như mình đã để lại đó một phần trái tim, một phần con người, có lẽ đã từng thật sự là tôi ở giữa cuộc đời.
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 41 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9