THI PHÁP HSN
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 24 trên tổng số 24 bài trong đề mục
HanSiNguyen 20.08.2008 08:47:56 (permalink)
I-LỤC BÁT BIẾN THỂ NGẮT CÂU
(Lục bát đoạn cú)

1-Tiết tấu nhanh chậm, hối thúc trong một câu thơ :

-Một câu thơ nếu để trôi xuôi, sẽ có dạng như một dòng nước lững lờ, đều đều lặng lẽ.
Thí dụ :
Anh cho em một đoá hồng
Khơi lên hy vọng trong lòng của em

-Với thủ pháp ngắt mạch [Xin xem lại ở phần I, Thơ Lục Bát, Mỹ Từ Pháp, thủ pháp ngắt mạch], ta có thể dễ dàng thay đổi nhịp điệu của dòng chảy ấy, khiến cho nhịp thơ nhanh hơn, cuồn cuộn hơn, hối thúc hơn
Thí dụ :
Nụ cười, ánh mắt, hoa hồng
Cho em, cho cả tấc lòng yêu thương

Thí dụ khác :
Em là hạt cải gió đưa
Anh quen em lúc trời mưa bất ngờ

Viết lại bằng thủ pháp ngắt mạch :
Sấm vang, chớp giật, gió đưa
Mây mù xe mối, hạt mưa kết tình

-Khi muốn có một tiết tấu chậm hơn, thậm chí ngập ngừng, e dè, thủ pháp ngắt mạch cũng thường được sử dụng, kèm theo những dấu 3 chấm
Thí dụ :
Anh bây giờ ... còn lại ... một mình thôi

Tóm lại :
Chính thủ pháp “Ngắt mạch” đã có hiệu ứng thúc đẩy tiết tấu nhanh chậm, mạnh mẽ, hối thúc, hoặc chậm rãi, ngập ngừng ... của một bài thơ vậy

2-Lục bát biến thể ngắt câu :

Hai câu lục bát được ngắt mạch ra thành những câu ngắn hơn, phân biệt hoàn toàn bằng cách xuống dòng. Các thí dụ :

Biến thể [6/8] thành [3,3/8] hoặc [3,3/4,4]

Trời trong xanh, nước trong xanh
Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ

Viết lại thành [3,3/8] :

Trời trong xanh,
Nước trong xanh
Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ

hoặc [3,3/4,4]

Trời trong xanh,
Nước trong xanh
Êm êm tiếng hát,
Bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ

Biến thể [6/8] thành dạng [2,2,2/8], [2,2,2/4,4] hoặc [2,2,2/3,5], [6/2,2,2,2] v.v...

Một mai phấn nhạt hương phai
Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn

Viết lại thành dạng [2,2 ....]

Một mai
....... phấn nhạt
................hương phai
Bình rơi
....... trâm gãy
...............bèo trôi
.......................hoa tàn

Tóm lại :

Lục bát biến thể ngắt câu là một dạng lục bát mới xuất hiện khoảng 30 năm gần đây, và thường được coi như một trong các dạng Thơ tự do. Thể loại này khá hay, đặc biệt là diễn tả được tiết tấu nhanh chậm, hối thúc, hoặc ngập ngừng, chậm rãi của mạch thơ.

Một hậu quả xấu :

Khi ngắt mạch bừa bãi, tuỳ hứng, không vì một mục đích gì rõ rệt, hoặc vì không hiểu thủ thuật ngắt mạch, thì hậu quả là ta sẽ có được những bài ... “Lục bát ... tốn giấy” (!) , cũng hay được gọi đùa là ... “Lục nồi ... lung tung” (!)

Thí dụ :
Con mèo
.............mà
..................trèo cây cau
Hỏi thăm
..........chú
.............chuột
.................đi đâu vắng ...
................................. nhà !
[... Thật là dị hợm phải không các bạn ? .....]

Thêm một thí dụ về Lục bát biến thể ngắt câu (của tác giả Promise) :

BẤT NGỜ

Bất ngờ nắng
Bất ngờ mưa
Bất ngờ anh đến
Lòng chưa hỏi lòng

Bất ngờ gió
Bất ngờ giông
Bất ngờ em nhớ
Anh không lại tìm

Kẻ quay đi
Người trách mình
Bất ngờ gặp gỡ
Vô tình chia xa.

Promise
(Trên thi đàn TTVNOnline.com năm 2001)

#16
    HanSiNguyen 20.08.2008 08:52:51 (permalink)
    II-LỤC BÁT BIẾN THỂ
    TỨ BẰNG LỤC TRẮC

    1-Nhắc lại đôi điều về Lục bát chính thể :

    Trong phần mở đầu của Thơ Lục bát (ở phần I) ta đã biết là Lục bát chính thể luôn luôn tuân thủ luật “Tứ Trắc Lục Bằng” trong câu 8. (Câu 6 được tự do, linh động hơn, có thể không theo luật này)
    Vài thí dụ :

    Mai sau dù CÓ bao giờ
    Đốt lò hương CŨ, so tơ phím này
    Trông ra ngọn CỎ lá cây
    Thấy hiu hiu GIÓ thì hay chị về
    Hồn còn nặng MỘT lời thề
    Nát thân bồ LIỄU đền nghì trúc mai
    ............................(Nguyễn Du-Kiều).......

    Nước non nặng MỘT lời thề
    Nước đi đi MÃI không về cùng non
    Nhớ lời nguyện NƯỚC thề non
    Nước đi chưa LẠI, non còn đứng không
    Non cao những NGÓNG cùng trông
    Suối khô dòng LỆ chờ mong tháng ngày
    .......................(Tản Đà NKH-Thề non nước)......

    Tâu rằng :-“Cha QUÁT ngày xưa,
    Trước khi lâm TỬ dặn dò đinh ninh
    Chớ nên cho QUÁT cầm binh
    E rằng hại NƯỚC, thân mình cũng vong
    Trước làm bại HOẠI gia phong
    Sau làm xương TRẮNG máu hồng tuôn rơi
    Việc quân há PHẢI việc chơi
    Xin vua xét LẠI, chớ vời trẻ ranh”
    .........(HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư).....

    Vài thí dụ về sự linh động trong câu 6 : Chữ thứ tư có thể là thanh bằng, đặc biệt khi sử dụng thủ pháp Ngắt mạch kèm theo Tiểu đối hoặc Tiểu đồng dạng

    Nước trong xanh, TRỜI trong xanh
    Êm êm tiếng hát , bập bềnh thuyền con

    Yêu nhau đi, YÊU nhau đi
    Ngày mai hai đứa biệt ly ngàn đời

    Khi tựa gối, KHI cúi đầu
    Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày

    Tuy vậy hình thức này không nên lạm dụng, chỉ nên lâu lâu điểm xuyết như dùng Mỹ từ pháp mà thôi. Nếu lạm dụng, sẽ đánh mất sự hài hoà, thanh thoát của bài lục bát.

    2-Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”

    Thay vì “Tứ Trắc Lục Bằng” như truyền thống lâu đời của Thơ lục bát chính thể, nếu bây giờ ta đảo ngược luật đó thành “Tứ Bằng Lục Trắc”, thì ta sẽ có được một thể Lục bát mới, đó là Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”.
    Chữ cuối câu 6 sẽ phải ăn vần với chữ thứ 4 của câu 8
    Lục bát biến thể loại này cũng ít khi thấy toàn bài, mà chỉ thấy thỉnh thoảng đan xen trong Lục bát chính thể mà thôi

    Vài thí dụ về Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”:

    Mẹ già ở với nàng DÂU
    Đoạn thảm vơi SẦU, con một cậy cha
    Mười phần thương mẹ ở nhà
    Chín phần thương vợ còn là thơ ngây
    ....(Khuyết Danh-Thoại Khanh Châu Tuấn)......

    Thoắt thôi vợ nói cùng CHỒNG
    Đặng bốn mươi ĐỒNG gặp buổi đúc chuông
    ..........................
    Âu là một thái tử ĐÂY
    Ban cho nhà NÀY chẳng tiếc làm chi
    ............(Khuyết Danh-Phạm Công Cúc Hoa)

    Em ta bé bỏng thơ ngây
    Ngày xưa hay đứng nhìn mây trông trời
    Môi hồng má đỏ thắm TƯƠI
    Ít nói ít CƯỜI, hay mộng hay mơ
    Ông tơ làm rối mối tơ
    Một lần lỡ bước bơ vơ xứ người
    ........................(HSN-Ngàn dâu)......

    Bảy năm giao kết Đào viên
    Trong nhà chăm chỉ, ngoài thềm siêng năng
    Thạch Sanh hay lũ hay LAM
    Ít ngủ hay LÀM, dậy sớm thức khuya
    Lý gia hưng thịnh mọi bề
    Tiền muôn bạc ức đề huề hơn xưa
    ........(HSN-Thạch Sanh Lý Thông tân biên).....
    #17
      HanSiNguyen 20.08.2008 08:55:30 (permalink)
      III-LỤC BÁT THÊM VÀO
      (Lục bát MORE)

      Lục bát thêm vào (còn được gọi đùa vắn tắt là Lục bát More; chữ More nghĩa là thêm vào...) là một thể loại “thật tưởng như đùa, đùa y như thật”, xuất phát từ Lục bát chính thể, hình thành bằng cách “thêm vào” mỗi câu một, hai, ba chữ nữa. Thể loại này thường thấy trong ca dao hơn cả .

      Thí dụ 1: Thử so sánh hai câu sau đây

      +Lục bát chính thể :

      Yêu nhau MẤY núi cũng trèo
      MẤY sông cũng lội, MẤY đèo cũng qua

      +Lục bát biến thể “thêm vào” : Thơ 6/8 thành thơ 7/10 !

      Yêu nhau TAM TỨ núi cũng trèo
      NGŨ LỤC sông cũng lội, THẤT BÁT đèo cũng qua

      Hoặc :

      Yêu nhau BA BỐN núi cũng trèo
      NĂM SÁU sông cũng lội, BẢY TÁM đèo cũng qua

      Thí dụ 2 :

      +Lục bát chính thể :

      Em nhỏ thó, có duyên NGẦM
      Khiến anh thương trộm nhớ THẦM bấy nay

      +Lục bát biến thể “Tứ bằng lục trắc”

      Em nhỏ thó, có duyên NGẦM
      Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay

      +Lục bát More “Tứ bằng lục trắc” :

      (Thấy) em nhỏ thó (lại) có duyên NGẦM
      Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay

      +Lục bát More ngắt câu :

      Thấy em nhỏ thó,
      Lại có duyên NGẦM
      Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay

      Thí dụ 3 :

      +Lục bát chính thể :

      Bước ngang nhà má tôi QUỲ
      Vì thương con má sá GÌ thân tôi

      +Lục bát More :

      Bước ngang nhà má, tay tôi xá, cẳng tôi QUỲ
      Vì thương con má sá GÌ thân tôi

      +Lục bát More biến thể ngắt câu :

      Bước ngang nhà má
      Tay tôi xá
      Cẳng tôi QUỲ
      Vì thương con má sá GÌ thân tôi

      Rõ ràng là nhờ “thêm mắm dặm muối” mà Lục bát thêm vào nghe đã tai, hay hơn hẳn Lục bát chính thống vậy

      :):):)
      #18
        HanSiNguyen 21.08.2008 07:45:11 (permalink)
        IV-LỤC BÁT BIẾN THỂ ÂM VẬN
        (Lục bát Bút Tre)

        1-Nhắc lại về luật Phù Trầm :

        +Trong câu 8, nếu chữ thứ 6 là Phù bình thanh (không dấu), thì chữ thứ 8 phải là Trầm bình thanh (dấu huyền)
        Thí dụ :

        Trải qua một cuộc bể dâu
        Những điều trông thấy mà ĐAU đớn LÒNG

        +Ngược lại nếu chữ thứ 6 là Trầm bình thanh (dấu huyền), thì chữ thứ 8 bắt buộc phải là Phù bình thanh (không dấu)
        Thí dụ

        Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
        Hoa ghen thua thắm, liễu HỜN kém XANH

        2-Lục bát biến thể âm vận

        Còn được gọi ngắn gọn là Lục bát Bút Tre, do nhà thơ Bút Tre đi tiên phong. Thể loại này có được bằng hình thức “phá cách” về âm vận, trong khi vẫn tuân thủ chặt chẽ luật “Phù Trầm”.
        Cụ thể là :
        -Vẫn tuân thủ chặt chẽ luật phù trầm
        -Các âm trắc có thể linh động thay thế bằng âm bằng tiệm cận với nó

        Hiệu quả : Đạt được tính trào phúng, khôi hài cao độ nếu sử dụng một cách tinh tế, thâm thuý, hài hoà.
        Thí dụ : Trích từ thơ dân gian-Tác giả Khuyết danh

        Đứng xa cứ tưởng ta già
        Lại gần mới biết vẫn là ... trẻ ... khô
        Mắt HI, môi sứt, mặt RÔ (hí / rỗ)
        Cô ơi tui chỉ hơn cô mấy TUỒI (tuổi)

        Thuyền đi ngược, nước chảy xuôi
        Trăm năm nhớ mãi cái BUÔI ban đầu (buổi)

        Chồng bà mới chết hôm qua
        Vừa NĂN, vừa khóc, vừa XÒA, vừa rên (nắn / xoa)

        Ý câu này bề ngoài là “vừa lăn, vừa khóc, vừa xõa tóc, vừa rên la” vì ... thương chồng, nhưng lại bao hàm một ý ngầm “nắn / xoa” vừa tinh tế, vừa thâm thúy, cười người phụ nữ bị mất ... một món ... đồ chơi !!!


        V-LỤC BÁT TRẮC VẬN

        Từ lâu, thơ Lục bát hầu như tất cả đều là vần bằng.
        Tuy vậy, vẫn có thể tìm thấy những thí dụ về Lục bát trắc vận trong kho tàng ca dao Việt Nam, đặc biệt là ca dao phương Nam. Mới nghe qua thấy có vẻ kỳ quặc, nhưng quả thật là có thứ Lục bát vần Trắc thật :

        *Thí dụ 1 : Ca dao

        Tò vò mà nuôi con NHỆN
        Ngày sau nó lớn nó QUẾN nhau đi
        Tò vò ngồi khóc tỉ ti
        Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào ?

        *Thí dụ 2: Thơ dân gian
        +Lục bát Trắc vận :

        Môi xẻ, mũi lân, mắt LỘ
        Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em

        +Lục bát More Trắc vận :

        Môi chù ụ, lỗ mũi lân, con mắt LỘ
        Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em

        +Lục bát More, Ngắt câu, Trắc vận :

        Môi chù ụ 
        Lỗ mũi lân
        Con mắt LỘ
        Khắp xứ này, không ai NGỘ bằng em

        *Thí dụ 3 : Thơ dân gian
        +Lục bát chính thể :

        Mũi xúc xích, miệng chèm BÈM
        Làng trên xóm dưới ai THÈM cưới cô !

        +Lục bát Trắc vận :

        Miệng chèm bèm, mũi xúc XÍCH
        Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô !!!

        *Tóm lại : Lục bát trắc vận tuy chỉ là ... của hiếm, và thường dùng để đùa bỡn thôi, nhưng dù sao vẫn tồn tại thể loại này trong thi ca, đặc biệt là thi ca truyền khẩu Nam bộ.

        *Ý kiến khác : Có người cho rằng không có cái gọi là “Lục bát trắc vận”, mà những trường hợp thí dụ nêu trên chỉ là một biến thái thêm bớt chữ của thể “Song thất” mà thôi.
        Thí dụ :

        Miệng chèm bèm, mũi (như) xúc XÍCH
        Có thằng khùng (nó) rục RỊCH cưới cô !

        Nghĩ như vậy cũng có thể là đúng. HSN chỉ nêu ra, và không dám có ý kiến riêng.

        (Còn tiếp)

        HSN
        #19
          HanSiNguyen 23.08.2008 08:25:15 (permalink)
          VI-LỤC BÁT ĐAN XEN và LỤC BÁT KẾT


          Trong một bài thơ bất kỳ thể loại nào, ngũ ngôn, thất ngôn, bát ngôn, hoặc thơ tự do , người viết khéo tay đều có thể chêm vào một hoặc hai cặp câu thơ Lục bát , đó là hình thức Lục bát đan xen, hoặc lục bát xen kẽ , tạo nên một hiệu ứng mênh mang buồn, do cái âm hưởng ca dao, dân ca mà thơ lục bát đem lại .
          Ở bất cứ chỗ nào đều có thể đan xen lục bát, chỉ có một vấn đề là lúc nào thì chêm vào, và chêm vào như thế nào để đạt được hiệu ứng mênh mang buồn ấy mà thôi . Điều này chỉ có “quá trình lăn lóc với thơ của người viết” mới giúp xác định được có nên không mà thôi
          Nếu cặp lục bát thêm vào nằm ở cuối bài thì đó là hình thức “Lục bát kết bài” , hoặc “Lục bát kết” . Mượn một hoặc hai cặp thơ lục bát để kết thúc một bài thơ thuộc các thể loại khác
          Dưới đây là các thí dụ :

          Thí dụ 1 : KHÚC CA PHẠM THÁI (Vũ Hoàng Chương)

          Ta, tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm
          Ta, anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như ?
          Chí nhỏ lòng kiêu đổ thừa vận rủi
          Tài sơ sức mỏi trách bấy thời cơ



          Lòng miên man uống mãi rượu giang hồ
          Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng
          Hồn chua cay những đêm trường bốc cháy
          Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san

          Trời mưa buồn hay lệ nhỏ nhân gian
          Men ứa lạnh trên đầu tay giá buốt
          Chợp năm canh gà hề, tóc hồ điểm bạc
          Thù nhà chưa trả hề, nợ nước vai mang

          Thẹn mặt làm ngơ hề, tủi thân hồ hải
          Gục đầu lên gươm hề, máu đổ chứa chan
          Ta là sao tinh đẩu
          Cao vút trời cô đơn

          Sáng không đủ soi đường cho người hề, đêm chưa đành tắt
          Một mình ta với lòng ta hề, bão táp không nguôi
          Biển động bốn phương hề, sóng đau gào thét
          Giấc mơ thù hận hề, máu đổ tay người

          Cơn say dở khóc dở cười
          Thành nghiêng núi lở đất trời là đâu ?
          Chuông run đã giục tinh cầu
          Em ơi thức dậy nghe sầu vào thơ

          Ta yêu nàng ư ?
          Ta giết nàng ư ?
          Ta thương nàng ư ?
          Ta khóc rồi ư ?



          Quỳnh Như ơi
          Quỳnh Như ơi

          Tóc nàng thơm làm hồn ta ngây ngất
          Mắt nàng là đèn hoa soi sáng lòng ta
          Gót hương trầm dáng kiêu thơm dịu ngọt
          Xiêm y nồng nàn gót nhỏ búp tiên nga

          Nàng là thơ, ta là rượu mê hoa
          Trời nâng giấc ban ân đầy xuân mới
          Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi
          Quỳnh Như ơi
          Quỳnh Như ơi
          Ai đội mồ nàng lên
          Thơ nàng buồn thành những chiếc gai êm
          Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi

          Mây ngũ sắc kết nên lầu ngóng đợi
          Sao Ngân Hà mở hội đón em đi
          Thuyền trăng đây ta xin chở em về
          Trong lưng chén long lanh chừ đau lạnh môi tê

          Quỳnh Như ơi
          Quỳnh Như ơi

          Môi nàng là mật đắng
          Tóc nàng là bão đau
          Mắt nàng là mộ tối
          Hồn ta là đêm sâu

          ..... (quên mất một đoạn).......

          Rát mặt anh hùng hề, nàng là gió mát
          Chuông kinh cầu nguyện hề, lời đầy tên nàng
          Heo may đã nổi đá vàng
          Buồn xưa chừng cũng động ngàn bay xa



          Mộ nàng bao cỏ úa
          Lòng ta bấy xót xa
          Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự
          Ta thương nàng, hay ta thương ta ???

          Vũ Hoàng Chương

          ---------------------------

          Thí dụ 2 : TÌNH NGHÈO (Hồ Hán Sơn)

          Nhớ thuở
          Anh cày thuê
          Em chăn trâu
          Gánh nước dưới cầu
          Gặp nhau
          Một cỗ trầu cau
          Nên đôi chồng vợ
          Túp lều tre nứa
          Dựng cuối vườn làng
          Hai mùa lúa chín ngô vàng
          Chày tre cối đất rộn ràng thâu canh
          Thế rồi
          Giặc tràn mấy xứ
          Lúa khoai màu mỡ
          Ai không tiếc ruộng, tiếc đồng ?
          Đường quê thiên hạ tiễn chồng
          Em đưa anh ra lính
          Giặc vào anh đánh
          Giặc tan anh về
          Làm sao đuổi hết giặc đi
          Để cho cối đất chày tre nhịp nhàng
          Thế rồi,
          Giặc chết trên ngàn
          Giặc tan ngoài bể
          Nhớ lời em nhé
          Về chốn làng quê
          Dù không may
          Anh cứ về
          Ai cười người đuổi giặc
          Ai ghét kẻ thương binh ?
          Còn làng , còn nước, còn anh
          Còn đồng, còn ruộng, còn tình lứa đôi
          Em vui,
          Nước nhà độc lập
          Đường quê tấp nập
          Trai tráng về làng
          Hai mùa lúa chín ngô vàng
          Chày xe cối máy rộn ràng hơn xưa

          -Hồ Hán Sơn-


          Ghi chú :
          1-Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng cùng tên TÌNH NGHÈO . Trong bài thơ này có đủ cả hai hình thức “Lục bát đan xen” và “Lục bát kết”
          2-Về tác giả, có một số tư liệu ghi tên tác giả là Hồng Nam, nhưng các tư liệu có uy tín trong nước đều ghi là của Hồ Hán Sơn . Không rõ đây có phải là 2 bút hiệu của cùng một người hay không, hoặc là đã có sự nhầm lẫn nào đó chăng ?

           
          Lưu ý :
          Cặp lục bát đan xen cũng như Lục bát kết khi thêm vào bài thơ, nhất thiết phải ăn vần với câu thơ trước. Nếu không hòa vận, hiệu quả thêm vào sẽ không đạt được và bài thơ sẽ... lạc quẻ ngay (!)

          Thí dụ :
           
          Trai tráng về LÀNG
          Hai mùa lúa chín ngô VÀNG
          Chày xe cối máy rộn RÀNG hơn xưa
           
          HSN
          #20
            HanSiNguyen 24.08.2008 08:18:11 (permalink)
            VII-LỤC BÁT LẬP THỂ
            (Xem chương 8 THƠ LẬP THỂ)
             
             
            VIII-LỤC BÁT BIẾN THỂ : SONG THẤT LỤC BÁT
             
            1-Tổng quát :

            Trong tất cả các dạng biến thể của thơ Lục bát, có thể nói rằng chính Song Thất Lục Bát (STLB/7768) là thể loại biến thể quan trọng nhất, đã tách rời khỏi thể loại gốc, hình thành một thể thơ riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, với các đặc trưng chủ yếu như hào hùng, bi thiết, trữ tình, lãng mạn, không thua kém gì thơ Lục bát, thậm chí tính hào hùng có thể nói là hơn hẳn thơ Lục bát nữa.
            Biến thể STLB này đã có tự lâu đời trong thi ca Việt Nam, mà đỉnh cao vòi vọi của nó chính là bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, dịch từ nguyên tác Hán văn của Đặng Trần Côn. (Bản dịch này gần đây có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là của Phan Huy I’ch)
            Kể từ sau tác phẩm ấy, STLB vẫn còn xuất hiện thường xuyên trong thơ ca, đặc biệt là thường thấy trong những bài Kệ ( Kinh Phật diễn giải thành thơ), và cũng chính vì yếu tố này, mà STLB ít hiện diện trong thi ca đời thường
            Đã một thời gian dài, lâu lắm, STLB không còn được sử dụng để viết thơ trữ tình nữa. Kể ra như thế thật là đáng tiếc cho một thể loại thơ hết sức đặc sắc của thi ca VN

            2-Bố cục một bài STLB :

            -STLB được viết thành từng khổ, mỗi khổ 4 câu, bao gồm 2 câu 7 chữ, một câu 6 chữ và một câu 8 chữ
            -Hai câu 7 hầu như tất cả đều được ngắt mạch 3 / 4, có thể đối nhau hoặc không đối. Tất nhiên những câu có đối nghe sẽ hay hơn. Và 3 chữ đầu trong câu 7 thường gợi nên một hình ảnh, hoặc một âm thanh để câu thơ đột nhiên trở nên sắc sảo như một nét khắc hoạ, một ấn tượng mạnh mẽ đi thẳng vào tâm hồn người đọc vậy
            -Một bài thơ STLB hay, luôn luôn có đi kèm cùng các hình thức Mỹ Từ Pháp (đã trình bày trong Phần I, Thơ Lục bát) như ngắt mạch, tiểu đối, đồng dạng, đảo ngữ, điệp ngữ v.v...

            3-Cách gieo vần trong STLB

            Xin được tóm tắt gọn như sau, để giúp các bạn trẻ nhanh chóng nắm bắt được các bí quyết của thể loại này :
            -Chữ thứ 5 câu 7 đầu tiên vần Bằng (B).
            -Chữ cuối câu 7 đầu tiên ở vần Trắc(T), ăn vần với chữ thứ 5 của câu 7 thứ nhì (cũng vần Trắc)
            -Chữ cuối câu 7 thứ nhì vần Bằng, ăn vần với chữ cuối câu 6 (vần Bằng)
            -Chữ cuối câu 6 vần Bằng , ăn vần với chữ thứ 6 câu 8 (vần Bằng)
            -Chữ cuối câu 8 vần Bằng , lại ăn vần với chữ thứ 3 hoặc chữ thứ 5 của câu 7 đầu tiên trong khổ thơ tiếp theo. Chữ thứ 5 này vần Bằng.
            Chữ thứ 3 linh động hơn, khi ăn vần với câu trước thì phải là vần Bằng, nếu không ăn vần với câu trước thì Trắc, Bằng gì cũng được.

            Các thí dụ :
            1-
            Thuở trời đất // nổi cơn (B) gió BỤI (T)
            Khách má hồng // nhiều NỖI (T) truân CHUYÊN
            Xanh kia thăm thẳm từng TRÊN
            Vì ai gây dựng cho NÊN nỗi NÀY

            Trống Trường Thành // lung LAY (B) bóng NGUYỆT (T)
            Khói Cam Tuyền // mờ MỊT (T) thức MÂY
            Chín tầng gươm báu trao TAY
            Nửa đêm truyền hịch, định NGÀY xuất CHINH

            Nước thanh BÌNH (B) // ba TRĂM (B) năm cũ (T)
            ........................ĐTĐ-Chinh Phụ Ngâm......

            2-
            Cùng trông lại // mà cùng (B) chẳng THẤY (T)
            Thấy xanh xanh // những MẤY (T) ngàn DÂU
            Ngàn dâu xanh ngắt một MÀU
            Tình chàng ý thiếp ai SẦU hơn ai ?
            ........................ĐTĐ-Chinh Phụ Ngâm......

            3-
            Đàn ai gảy // tình tang (B) đêm VẮNG (T)
            Vỡ can tràng // giọt ĐẮNG (T) mềm MÔI
            Bóng ai đã ngả nghiêng RỒI
            Ta còn ngồi lại ngậm NGÙI thế nhân
            .......................HSN-Phá Thành Sầu......

            4-Thơ STLB trữ tình khác với một bài Kệ ở chỗ nào ?

            a-Khác ở 3 chữ đầu trong 2 câu 7 :
            -STLB trữ tình : thường thì 3 chữ này khơi gợi nên một hình ảnh trữ tình ( Mưa vần vũ // Sóng thu ba // Đò một chiếc // Đàn ai gảy // Sương giăng giăng //.....)
            -Bài kệ : Thiếu những hình ảnh trữ tình như trên.

            b-Khác ở các hình thức tu từ :
            -STLB trữ tình : dùng rất nhiều Mỹ từ pháp
            -Bài kệ : thường nôm na, đơn giản, thiếu hẳn các thủ pháp này. Chỉ vậy thôi.
            Xin chúc các bạn trẻ thành công với thể loại đầy bản sắc dân tộc này
            HSN trân trọng


            PHỤ LỤC 1 : Một số bài STLB trữ tình :
            1-
            Chút tình vấn vương

            Áo trinh nguyên vờn bay trong gió
            Gót sen hồng lối nhỏ tung tăng
            Chùm hoa tím thoáng rưng rưng
            Bâng khuâng lãng tử ngập ngừng theo em

            Vạt nắng đổ bên thềm thưa nắng
            Giọt chiều rơi thấp thoáng đường chiều
            Mộng du theo gót bé yêu
            Lung linh mộng ảo chắt chiu tình hờ

            Nón nghiêng nghiêng bài thơ dang dở
            Tóc bay bay thương quá người ơi
            Long lanh ánh mắt môi cười
            Theo em, theo cả một đời phiêu du

            Hàn Sĩ Nguyên

            2-
            Chim Sáo Ngày Xưa

            Nhẹ bàn chân lần về lối cũ
            Lũy tre xanh liễu rũ đong đưa
            Chập chùng bát ngát bóng dừa
            Có con sáo đậu trộm đưa mắt nhìn

            Chiếc cầu tre gập ghềnh khó bước
            Con nước đùa xuôi ngược đợi trông
            Cau nhà anh đã trổ bông
            Vườn trầu bên ấy còn mong những gì ?

            Trầu nhà em thầm thì gọi nắng
            Hoa nhà anh rụng trắng sân em
            Đón đưa gót ngọc chân mềm
            Hương cau tỏa ngát những đêm hẹn hò

            Sáo nhớ người thờ ơ biếng hót
            Lời yêu thương dịu ngọt vành môi
            Dáng hồng xưa đã đi rồi
            Sáo buồn câm lặng bồi hồi xót xa

            Lá trầu xanh mượt mà niềm nhớ
            Hương cau nồng tim vỡ từ nay
            Ai đem con sáo sang đây ?
            Để cho con sáo lạc bầy quạnh hiu

            Gió Bụi

            #21
              HanSiNguyen 25.08.2008 08:19:35 (permalink)
              PHỤ LỤC 2
               
              ==================
              PHÁ THÀNH SẦU
              Song Thất Lục Bát
              Liên Ngâm
              ==================

              Từ một bài thơ của Chu Hà :

              Phá Thành Sầu 01

              Phá thành sầu nghiêng bầu ta rót
              Cạn đôi ly ruột xót xa thêm
              Men cay chưa thấm môi mềm
              Bão giông đã phủ bên thềm mắt xanh

              Ðò một chiếc mong manh trên sóng
              Bến bờ đâu mãi ngóng thêm đau
              Thôi đừng mơ tưởng bên nhau
              Thế nhân lắm kẻ bạc đầu hoài mơ

              Chiếc lá xanh bơ vơ uá đỏ
              Trách ai đây mưa gió đổi màu
              Chợ đời mặc kẻ bán nhau
              Ôm bình ta cạn thơ đau mấy dòng

              Lãng Tử - Chu Hà (ANQ)
              --------------------------------

              Phá Thành Sầu 02

              Miệng chưa nhắp mà lòng thấy đắng
              Ngước trông lên mây trắng ngàn dâu
              Chiều chiều vẳng tiếng tiêu sầu
              Gẫm câu nhân thế xót đau mấy từng

              Non nước cũ nghìn trùng cách trở
              Xóm làng xưa rạn vỡ tim côi
              Tình đây nghĩa đấy không nguôi
              Nâng ly rượu đắng lệ rơi mấy hàng

              Đàn ai gảy tình tang đêm vắng
              Vỡ can tràng, giọt đắng mềm môi
              Bóng ai đã ngả nghiêng rồi
              Ta còn ngồi lại ngậm ngùi thế nhân

              Hàn Sĩ Nguyên
              ------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 03

              Mặc thế cuộc xoay vần mấy nổi
              Cuộc đời vui vẹn lối trăng về
              Rượu chiều rót giữa đồng quê
              Giọt rơi hiu hắt tứ bề miên miên

              Phá thành sầu tạo miền hoang vắng
              Cuộc vui tàn rượu đắng men cay
              Bóng trăng chếnh choáng đêm nay
              Cung đàn trầm bổng lạc dây mất rồi

              Ngẫm thời thế mấy hồi xa khuất
              Chẳng còn buồn nghẹn uất làm chi
              Phù du sanh biệt tử ly
              Chuốc sầu mua oán còn gì là xuân?

              Hoàng Vũ Luân (ALT)

              ------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 04 : Riêng ta ngậm ngùi...

              Thơ một túi gió trăng là bạn
              Rượu đầy vò năm tháng ngao du
              Vùi chôn yêu ghét hận thù
              Đời người bao nã vật vờ bóng câu

              Bóng đã xế bên lầu Hoàng Hạc
              Lãng quên đời khúc nhạc Tầm Dương
              Cố nhân cách biệt hà phương ?
              Tiêu sầu rủ bóng, đêm trường cử bôi

              Rượu chưa cạn bồi hồi lệ nhỏ
              Hồn chưa say còn đó xót xa
              Trông lên hỏi ánh trăng già
              Vì đâu nên nỗi, riêng ta ngậm ngùi ?

              Hàn Sĩ Nguyên
              ------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 05

              Mảnh trăng non chơi vơi chiều xế
              Vườn xuân tình ngọc quế sương giăng
              Biển buồn leo lét hải đăng
              Thuyền xa thả lái muộn mằn thâu đêm

              Tình cô lữ chuốc mềm môi đắng
              Rượu tiễn đưa quạnh vắng tim côi
              Thành sầu đả phá mấy hồi
              Nhìn lên nấc nghẹn lệ trôi hai hàng

              Mây xuống thấp che ngang bóng nguyệt
              Gió vờn cao phủ tuyệt lối về
              Sấm xa ngân vọng lê thê
              Bồi hồi nhớ bạn tái tê ngậm ngùi.

              Hoàng Vũ Luân (ALT)

              -------------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 06 : Sương Giăng Giăng

              Chiều nghiêng nắng ráng trời nhoà nhạt
              Sương giăng giăng bát ngát đầu non
              Giật mình chạnh nhớ cô thôn
              Em thơ còm cõi, héo hon mẹ già

              Lòng lữ khách xót xa tê tái
              Cánh chim trời mê mải về đâu ?
              Bạt ngàn mây nước một màu
              Ngàn trùng cố lý xót đau can trường

              Tóc mẹ đã tuyết sương điểm bạc
              Thân héo mòn mình hạc xương mai
              Con đi cuối đất cùng trời
              Tay nâng chén đắng, ngậm ngùi tình quê

              Hàn Sĩ Nguyên
              ----------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 07

              Đêm tĩnh mịch tư bề vắng ngắt
              Thạch sùng kêu héo hắt đâu đây
              Cung đàn đã lỗi đôi dây
              Tình tang ai khảy cho đây thêm rầu

              Thơ đôi lá xây lầu mộng tưởng
              Tình ba câu để vướng sầu đau
              Trách chi con tạo cơ cầu
              Gieo tơ, tơ rối ai hầu gỡ lơi

              Dõi trời cao buông lời than thở
              Nhìn nước trôi nức nở đoạn trường
              Người đâu gieo mối sầu tương
              Để ta vương vấn vấn vương cung sầu

              Chu Hà
              ---------------------------------------

              Phá Thành Sầu 08

              Trỗi mộ khúc nao nao vạn dặm
              Lắng trúc tiêu suy ngẫm mà đau
              Trời kia vàng vọt xanh xao
              Yến oanh đôi ngả xiết bao ngậm ngùi

              Rượu dẫu ngon lẻ đôi vẫn chán
              Vắng bạn hiền ngao ngán lắm thay
              Người về tay lại cầm tay
              Một chung uống cạn cho say men tình

              Dẫu chẳng phải trâm anh thế phiệt
              Thử một lần cho biết tửu lâu
              Thăng trầm một kiếp bể dâu
              Chỉ mong giữ được trên đầu chữ Nhân

              Người đi đã bao lần lỗi hẹn
              Lối ta về nghèn nghẹn đáy tim
              Sao ai cứ mãi đi tìm
              Vấn vương vương vấn nỗi niềm hoài mong...!

              Hoa Đất (wildcat)
              ---------------------------------------------------

              Phá Thành sầu 09

              Mưa vần vũ tạo vòng cương tỏa
              Sóng thu ba rắc hoạ nhân duyên
              Trời xa thiên lý cửu tuyền
              Vọng phu ngóng mãi con thuyền năm xưa

              Chia với cắt cho vừa đôi ngã
              Hợp bất thành cũng hoá đơn côi
              Ngẫm đời nghĩ chuyện lứa đôi
              Tình sầu duyên mỏng chuốc bồi men say

              Vận số mỏng trời đày lận đận
              Xót lòng đau mấy bận còn đau
              Trông xa thấy nhạn hồi đầu
              Một thân đơn lẻ xiết bao ngậm ngùi.

              Hoàng Vũ Luân (ALT)

              ---------------------------------------

              Phá Thành Sầu 10

              Cuộc phù sinh có vui là mấy
              Đường nhân gian cạm bẫy đắng cay
              Soi gương ta hỏi là ai ?
              Đôi dòng lệ đổ ... mới hay mình buồn

              Mưa nhớ gió mưa tuôn mấy nẻo
              Lá xa cành lá héo cành khô
              Một lần rong ruổi sông hồ
              Lời yêu đã cạn ... vẩn vơ dỗi hờn

              Thơ với thẩn chẳng khuôn mà giống..
              Chợt bâng khuâng lệ nóng tràn mi
              Đường đời muôn nẻo biệt ly..
              Cánh buồm đã khuất ... người đi phương nào ?

              Hoa Đất (Wildcat )
              ----------------------------------------

              Phá Thành sầu 11 : Cánh Chim Hồng

              Cánh chim hồng vút cao trong gió
              Sải cánh bay chim nhỏ về đâu ?
              Bạt ngàn mây trắng vương sầu
              Lệ nhoà khoé mắt, hát câu tạ từ

              Hoàng hôn xuống bến bờ xa lạ
              Dốc nghiêng bầu nỗi nhớ chưa nguôi
              Hỡi ơi cá nước chim trời
              Bao giờ hội ngộ với người ngày xưa ?

              Thân viễn xứ bơ vơ tơi tả
              Nửa mảnh tình sóng cả vùi chôn
              Bạc đầu lớp lớp sóng dồn
              Tơ vò trăm mối, sầu vương mối nào ?

              Hàn Sĩ Nguyên
              ---------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 12

              Hận mấy nỗi tình trao lệ đắng
              Bạc mái đầu trống vắng năm canh
              Người về đả phá sầu thành
              Rượu say luý tuý tròng trành trăng côi

              Trống đã điểm sương bồi nguyệt lạnh
              Thuyền vẫn neo cô quạnh bờ xa
              Trông lên tĩnh mịch chiều tà
              Vườn hoang cỏ úa mắt nhoà lệ đau

              Duyên đã dứt tình đầu còn luyến
              Mấy thu rồi ước nguyện hợp tan
              Hoàng cầm hoà tiếng ngân vang
              Giọt sầu chan chứa ngỡ ngàng chưa nguôi.

              Hoàng Vũ Luân (ALT)

              ------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 13 : Thuyền lướt sóng

              Thơ một túi hoa cười bướm hát
              Rượu lưng vò họp mặt khách thơ
              Mơ hoa, kết trái, ươm tơ
              Mặc đời khôn dại, nghiêng vò mà vui

              Nhà tranh dựng lưng đồi hứng gió
              Trống bốn bề mở cửa đón trăng
              Giãi lòng ra với chị Hằng
              Câu thơ, tiếng nhạc dịu dàng chơi vơi

              Thuyền lướt sóng bồi hồi giỡn sóng
              Nước triều lên, mơ mộng cũng lên
              Thanh nhàn vui thú điền viên
              Thảnh thơi sóng vỗ mạn thuyền thảnh thơi

              Hàn Sĩ Nguyên
              -----------------------------------------

              Phá Thành Sầu 14

              Gió đã thổi thuyền hồi bến cũ
              Chốn thanh nhàn liễu rủ chờ trăng
              Biển xa sóng lướt băng băng
              Vén vầng mây thắm cung Hằng chơi vơi

              Nâng chén ngọc vẫy mời thi hữu
              Hoạ thơ tình mỹ tửu ngất ngây
              Vườn xuân đông đủ sum vầy
              Thành sầu đã dứt dựng xây duyên nồng

              Thuyền cập bến, hừng đông ló dạng
              Chim về cành, muôn vạn tiếng vui
              Nhắc nhau chuyện cũ ngậm ngùi
              Người đi kẻ ở bồi hồi luyến thương.

              Hoàng Vũ Luân (ALT)

              ----------------------------------------

              Phá Thành Sầu 15

              Ai gảy khúc Nghê Thường năm cũ
              Đất trời xoay phong vũ cuồng quay..
              Hỏi lòng có phải ta say ?
              Lung linh bóng nguyệt ngất ngây lòng thuyền

              Rượu hoà thơ hàn huyên tâm sự
              Liễu vờn trăng liễu rũ cô dơn
              Hoa xinh e ấp dỗi hờn..
              Cung đàn lỗi nhịp, giọt sương nhạt nhoà

              Đây với đó có xa là mấy
              Cách tấc gang sao thấy nghìn khơi
              Rượu vào lòng bỗng chơi vơi
              Thành sầu cao ngất : buông rơi sầu thành

              Hoa Đất (WildCat)
              ------------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 16

              Phá thành sầu tửu binh chẳng mượn
              Tống niềm đau cố gượng quên đau
              Đầu xanh, đầu bạc - bao lâu ?
              Sầu vương chi để cho nhau vương sầu

              Mong với nhớ chốn đâu tìm đến
              Yêu thương đầy chống chếnh ta say
              Ngày dài mơ bóng dáng ai
              Đêm thâu lạc cõi thiên thai cùng nàng

              Rượu sóng sánh đầy tràn trăng tỏ
              Ta với người ôn cố tri tân
              Hảo bằng hữu, ý trung nhân
              Xin mời ngồi lại một lần vui say

              NgauTuan
              ----------------------------------------

              Phá Thành Sầu 17 : Nước vẫn chảy

              Trăng ai xẻ làm hai, trăng vỡ
              Người xa người, hai nửa biệt ly
              Nâng niu chút mảnh tàn y
              Hương thừa quanh quất, vương mi giọt sầu

              Nước vẫn chảy bên cầu lặng lẽ
              Thuyền cứ trôi quạnh quẽ bến mơ
              Thuỷ chung một chút tình hờ
              Ai cho mà nhận, ai chờ mà trông ?

              Gương đập vỡ, chẳng mong thấy bóng
              Rượu cử bôi hoài vọng thêm đau
              Cố nhân giờ ở nơi đâu ?
              Biết chăng ta đã chìm sâu đáy mồ

              Hàn Sĩ Nguyên
              ---------------------------------------

              Phá Thành Sầu 18 : Tiếng đàn ma

              Men nhắp mãi, tình hờ vạn cổ
              Sầu tương tư muôn thuở khó nguôi
              Bắc Nam muôn dặm xa xôi
              Nhớ thương gửi cánh chim trời nhớ thương

              Thân cô lữ hồn nương chốn cũ
              Luyến lưu hoài thành phố mưa bay
              Lưu ly hoa ấy còn đây
              Người xưa đã khuất chân mây cuối trời

              Nâng chén đắng bùi ngùi lệ nhỏ
              Tiếng đàn ma nức nở thâu đêm
              Gương nga chênh chếch ngoài hiên
              Trước sân lá rụng, bên thềm hoa rơi

              Hàn Sĩ Nguyên
              ------------------------------------------

              Phá Thành Sầu 19 : Đàn thánh thót

              Đàn thánh thót gượng cười mà hát
              Rượu nồng nàn se thắt cạn ly
              Rưng rưng cố nén sầu bi
              Bạn hiền không biết biến đi đàng nào ?

              Thơ cứ viết, thành sầu cứ phá
              Phá không xong, hoá đá tim côi
              Men say dở khóc dở cười
              Hồ trường dốc ngược đất trời đảo điên

              Đàn xếp xó triền miên phủ bụi
              Dây tơ đồng muôn nỗi quạnh hiu
              Trời chiều hoang tím cô liêu
              Nghiêng nghiêng bóng xế, xiêu xiêu nắng tà ...

              Hàn Sĩ Nguyên
              -----------------------------------------

              Phá Thành Sầu 20 : Mưa rả rích

              Đàn u uất lệ sa năm ngón
              Tiếng tơ chùng thỏn mỏn lòng đau
              Về đâu, ai biết về đâu ?
              Thiềm cung xơ xác, hạc lầu chơ vơ

              Mưa rả rích hững hờ hiên vắng
              Lòng nhủ lòng mai nắng người ơi
              Bình minh chim hót hoa cười
              Qua đi đêm tối, hết rồi buồn đau

              Bầu đã cạn, thành sầu vơi nhẹ
              Đêm dần tàn, lặng lẽ đêm trôi
              Trăng khuya chênh chếch lưng trời
              Bâng khuâng cũng đã cạn lời bâng khuâng

              Hàn Sĩ Nguyên

              #22
                HanSiNguyen 07.09.2008 08:54:22 (permalink)

                Chim Sáo Ngày Xưa

                Nhẹ bàn chân lần về lối cũ
                Lũy tre xanh liễu rũ đong đưa
                Chập chùng bát ngát bóng dừa
                Có con sáo đậu trộm đưa mắt nhìn

                Chiếc cầu tre gập ghềnh khó bước
                Con nước đùa xuôi ngược đợi trông
                Cau nhà anh đã trổ bông
                Vườn trầu bên ấy còn mong những gì ?

                Trầu nhà em thầm thì gọi nắng
                Hoa nhà anh rụng trắng sân em
                Đón đưa gót ngọc chân mềm
                Hương cau tỏa ngát những đêm hẹn hò

                Sáo nhớ người thờ ơ biếng hót
                Lời yêu thương dịu ngọt vành môi
                Dáng hồng xưa đã đi rồi
                Sáo buồn câm lặng bồi hồi xót xa

                Lá trầu xanh mượt mà niềm nhớ
                Hương cau nồng tim vỡ từ nay
                Ai đem con sáo sang đây ?
                Để cho con sáo lạc bầy quạnh hiu

                Gió Bụi

                 
                Một bài nhạc phổ từ thơ Song Thất Lục Bát
                 
                CHIM SÁO QUẠNH HIU
                 
                Thơ Gió Bụi
                Nhạc Hàn Sĩ Nguyên
                Hòa âm Lâm Đình Thuận
                Audio Quang Đạt
                 
                Ca sĩ MAI HẬU (Mai Thiên Vân)
                 
                  

                #23
                  HanSiNguyen 14.11.2008 05:03:44 (permalink)
                  THI PHÁP HSN
                   
                  CHƯƠNG III
                   
                  THẤT NGÔN BÁT CÚ XƯA và NAY
                   
                  Nội Dung
                   
                  I-CỔ THỂ
                  II-ĐƯỜNG THI
                  III-THẤT NGÔN BÁT CÚ BIẾN CÁCH
                   
                  oOo
                   
                  #24
                    Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 24 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9