Văn Nghệ Sĩ & Quốc Hương_VDN (Paris)
Thay đổi trang: << < 131415 > | Trang 13 của 15 trang, bài viết từ 181 đến 195 trên tổng số 225 bài trong đề mục
Viet duong nhan 03.12.2008 06:19:05 (permalink)
Ca sĩ Y Phụng hiện định cư tại Mỹ, con gái NSƯT Minh Phụng tâm sự: “Tôi có linh tính không hay về sức khỏe của ba, vì mỗi lần điện thoại về thăm ba cứ cười nói rất vui. Cách đây vài ngày, tôi xin về thăm nhưng ông bảo: “nếu tôi về ông sẽ buồn tôi”. Rồi sau đó ông bảo với mẹ tôi (NS Kiều Tiên) không được nói chuyện ông nhập viện. Tôi điếng người khi nghe mẹ báo ba vừa trút hơi thở cuối cùng. Gần đây ba rất vui khi nghe tôi trình bày ước nguyện thực hiện một Album ca cổ. Ba tôi vui vì tôi biết trân trọng cái nghề đã cho ông tên tuổi, vị trí trong lòng công chúng mộ điệu. Ba tôi còn hứa sang năm 2009 sẽ tổ chức liveshow kỷ niệm 55 theo nghề hát. Trong đêm đó, hai cha con cùng diễn trong một trích đoạn cải lương. Vậy mà…”.

NS Kiều Tiên nghẹn ngào kể: “Những ngày cuối đời, anh Phụng cứ nằm mơ thấy đi hát mà cứ bị trễ tuồng. Ngày 1/11, trong liveshow NSƯT Ngọc Đáng, anh đau chân lắm nhưng vẫn đến hát. Các anh em công nhân hậu đài đã tắt hết đèn trong khán phòng trước khi anh ra sân khấu. Anh không muốn để khán giả nhìn thấy anh xấu. Dù đêm đó anh đau đến chảy nước mắt nhưng vẫn ca với tôi trích đoạn Xin một lần yêu nhau…. Đó là suất diễn cuối cùng của anh Phụng”.

Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM cho biết, anh và biên tập Hoàng Vũ Quân đã kịp thời tổ chức chương trình Cánh chim không mỏi tôn vinh NSƯT Minh Phụng. Chương trình do NSƯT, TS Bạch Tuyết dàn dựng đã khái quát rõ nét quá trình hơn 50 năm theo nghề của NSƯT Minh Phụng. Trong đêm diễn đó, ông tái ngộ khán giả các trích đoạn: Hàn Mạc Tử (diễn với vợ và Hữu Tài, Bích Thuỷ), lớp ứng biến ngắn trích đoạn Mùa thu lá bay (với NS Bạch Tuyết), Xin một lần yêu nhau (với NS Lệ Thuỷ), Trả lại tình xưa (với NS Thanh Kim Huệ, Bảo Quốc, Phượng Hằng, Ngân Tâm). Tham gia chương trình còn có các nghệ sĩ: Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Chí Hải, La Kính, Lệ Trinh, Giang Bình…Tất cả đã đến bằng tấm lòng và tình cảm dành cho NSƯT Minh Phụng.
Xin thắp nén nhang vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cả đời cho sân khấu cải lương. Tên tuổi và giọng ca, cũng như những vai diễn của ông mãi mãi được công chúng yêu mến, là tấm gương đối với các thế hệ diễn viên.

Thanh Hiệp

Viet duong nhan 03.12.2008 06:25:24 (permalink)
Vô Cùng Thương Tiếc
Vĩnh Biệt NS Tài Danh Minh Phụng


 

Giọng Ca Đặc Biệt NS Minh Phụng

<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.12.2008 06:26:43 bởi Viet duong nhan >
Ct.Ly 03.12.2008 08:09:32 (permalink)
Ct.Ly 03.12.2008 08:18:09 (permalink)
Ct.Ly 03.12.2008 08:21:49 (permalink)
Viet duong nhan 03.12.2008 17:54:22 (permalink)
Cảm ơn Ly tu bổ thêm tin tức và bài viết về Cố NS Tài Hoa Minh Phụng.
Chúc Ly & gia đình mùa Giáng Sinh đầm ấm vui vẻ.
Bisous
XX
7_vdn
 
Viet duong nhan 04.12.2008 19:36:48 (permalink)
NS BT "Thì Thầm".....
_____________________

 
Bầu trời như không có nắng
 
 

Nồng nàn, quyến rũ, chút lơi lả, tiếng hát anh dìu dắt tiếng ca tôi, để ngày ấy, gần ba mươi năm, Hàn Ni của tôi và Mẫn Văn Lâu của anh đã đem đến cho công chúng một câu chuyện tình đẫm nước mắt và duyên kỳ ngộ trong vở Mùa thu lá bay. Năm rồi, trong dịp tái ngộ công chúng tại Mỹ, tôi và anh đều được yêu cầu "hâm nóng" một chút hồi ức của chuyện tình năm xưa, mặc dù "Hàn Ni và Mẫn Văn Lâu bây giờ đã là những ông già bà lão, vì thế chúng tôi xin kể lại chứ không phải là diễn lại...". Anh cười, nụ cười hiền từ như một cậu bé con, tôi "bắt" ngay nhân vật với chút "nhõng nhẽo" của ngày xưa: "Bộ em xấu lắm hả anh Lâu?". "Ông già” Mẫn Văn Lâu lúc ấy dù đang chịu cơn đau âm ỉ bỗng thoắt thành một chàng trai nho nhã, thư sinh từ âm điệu đến thần thái đáp lời: "Đâu có! Em đẹp lắm...". Cả khán phòng chìm ngập trong hoa và tiếng pháo tay... Tôi dìu anh qua lối hẹp vào hậu trường, anh nói nhỏ: "Tôi nợ khán giả nhiều lắm, có đau đến mấy tôi cũng muốn được ra sân khấu Bạch Tuyết à...".
Cái nợ ân tình ấy đã khiến anh không nỡ từ chối bất cứ lời mời nào để đến với khán giả. Những đêm diễn về vùng sâu vùng xa, anh xuất hiện với bộ veston trắng tinh tươm, và vợ anh, NS Kiều Tiên không chỉ là bạn diễn mà còn là đôi chân của anh, dìu nhau ra sân khấu. Giữa trời nước mênh mông, họ cùng ca trích đoạn Xin một lần yêu nhau, thể chất anh không còn khỏe nhưng giọng ca cứ vun vút, nồng nàn...
Tôi và anh có không nhiều cơ hội đồng diễn, nhưng dù chỉ đôi ba lần hội ngộ cũng đủ để lại trong tôi hình ảnh về một nam đồng nghiệp tài năng, đức độ, đào hoa... Minh Phụng có lối diễn xuất cải lương rất... điện ảnh, bay bướm nhưng không màu mè. Giọng ca đặc trưng cao vút, trong trẻo. Từ sàn tập đến sàn diễn, anh hầu như chẳng nặng lời với bất cứ ai. Ngay cả những người phụ nữ đã từng đi qua đời anh, cũng chẳng ai phiền muộn vì anh, họ chỉ biết thương và cảm thông, có chút hờn trách đấy thì rốt cùng cũng là sự san sẻ đầy tử tế.
Vai diễn cuối cùng, cũng là dịp làm việc gần đây nhất giữa anh và tôi là trong vở Trần Nhân Tông (tác giả Lê Duy Hạnh). Đêm Cội nguồn Việt, tôi vào vai An Tư, tìm mãi không biết ai sẽ vào vai Trần Nhân Tông, cuối cùng tôi mời anh. Anh nửa vui nửa lo, tôi chỉ biết nói: "Anh cứ mang nguyên con người hiền từ của anh vào nhân vật này...". Anh hồn nhiên: "Vậy hả Bạch Tuyết? Tôi biết mình không còn sống được bao lâu nữa nhưng có vai diễn nào hay, Bạch Tuyết cứ kêu, rồi hai anh em mình tập...".
Khuya, chúng tôi lặng lẽ trong phòng thu để nghe qua phần nhạc thâu sẵn. Anh lẩm nhẩm ca thử rồi cười như thể mình có lỗi: "Bệnh nên hơi cũng không còn khỏe, ca dễ trật nhịp quá Bạch Tuyết ơi...". Kiều Tiên ứa nước mắt nhìn chồng.
Đêm nay, anh nằm bình yên giữa lòng người thân, đồng nghiệp và bao công chúng. Đau đớn khi nghe Kiều Tiên và Y Phụng bảo, hai ngón chân anh bị hoại tử nên bác sĩ bảo, muốn sống thì phải cưa chân đến đầu gối. Nhưng ai dè, anh lại bất ngờ ra đi vì tai biến...
Anh đã đổi lấy tài năng và cả sự đau đớn, mất mát kia để trả món nợ cho bao khán giả mà anh yêu mến. Giờ thì tôi đang phải đọc một kịch bản... ngược, Hàn Ni - Bạch Tuyết đã phải rời xa Mẫn Văn Lâu - Minh Phụng, ngước nhìn cả một khoảng không "thiếu sao đầy..." mà nghe lòng mình mằn mặn...

NS Bạch Tuyết
Viet duong nhan 31.12.2008 03:23:16 (permalink)
TẾT Dân Tộc Kỷ Sửu 2009
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.12.2008 03:24:54 bởi Viet duong nhan >
Viet duong nhan 27.01.2009 22:10:22 (permalink)

Soạn giả Nguyễn Phương vừa gửi cho Ngọc Anh một bài viết thật hay và rõ ràng về NS Tám Vân, tặng các bạn cùng xem để biết thêm.




Lại Thêm Một Bạn Già Bỏ Cuộc Chơi!
Nghệ sĩ lão thành Tám Vân về cõi vĩnh Hằng…( 1924 – 2009 )

10 giờ tối ngày 18 tháng 01 năm 2009, nữ nghệ sĩ Tú Trinh từ Việt Nam gọi điện thoại qua báo tin nghệ sĩ lão thành Tám Vân từ trần. Anh Tám Vân mất vào lúc 6 giờ sáng ngày 18 tháng 01 năm 2009,( thọ 85 tuổi), tại tư gia số 93B ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Vẫn biết rằng việc ra đi của anh Tám Vân là một điều khó tránh vì Tết năm 2006, vợ chồng chúng tôi về thăm quê hương, có đến thăm anh chị Tám Vân tại nhà của anh chị ở ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm. Lúc đó thì anh Tám Vân đã mang nhiều thứ bịnh, suy yếu và có phần nào bị lãng trí, nói trước quên sau. Tuy nhiên tôi nghĩ là anh chị Tám Vân được sống trong một ngôi nhà khang trang, chung quanh nhà có vườn cây trái, không khí tốt lành, lại được các con và cháu ở chung chăm sóc thì việc dưỡng bịnh, trị bệnh có nhiều thuận tiện. Không ngờ Tết Kỷ Sữu đến kề bên mà anh Tám Vân lại đột ngột bỏ ra đi…Chúng tôi rất buồn, bàng hoàng đến mất ngủ….

Những kỷ niệm vui buồn trong thời cùng làm việc trong các đoàn hát cứ hiện lên trong trí nhớ…càng nghỉ càng thêm thương Tám Vân, một người nghệ sĩ tài ba, khi về già lui về sống ẩn cư trong thôn xã, chịu cuộc sống nghèo, kham khổ trong khi đó thì có những nghệ sĩ đàn em đàn cháu do anh chị đào tạo, đang sống cao sang với hào quang sân khấu, với những chiếc huy chương vàng, lại quên đi một người thầy nghèo khó nơi đồng quê hẻo lánh.

Tôi và anh Tám Vân là nghệ sĩ của đoàn hát Việt Kịch Năm Châu. Trong dịp Tết năm 1955- 1956, đoàn Việt Kịch Năm Châu lưu diễn tỉnh Bến Tre, hát ở thị xã Bến Tre, sau đó đoàn đi hát thêm hơn tháng trời ở các huyện Mõ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri và Thạnh Phú.

Lúc hát tại quận Ba Tri, anh Tám Vân dẫn tôi về thăm ngôi nhà cũ của Ba Má anh, bấy giờ chỉ còn người chị thứ năm của anh đang ở, chăm lo vườn tượt và gìn giữ phần mộ của Ba Má anh chôn ở trong vườn nhà.

Nghệ sĩ Tám Vân tên thật Lê Văn Tám, sanh năm 1924 tại quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Anh đậu bằng Tiểu Học CEPCI( thời Pháp thuộc) năm 1939, rồi thi đậu vô trường Collège de Mytho( sau là Collège Le Myre de Vilers, đến 1953 đổi tên là trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu). Anh học đến năm 1942, thi rớt bằng Brevet Élémentaire, anh bỏ học theo anh ruột của anh là nghệ sĩ Ba Vân để học nghề hát.

Anh Lê Văn Tám có hai người anh theo nghề hát cải lương. Người anh thứ hai là anh Hai Vân, có lúc làm tài xế xe vận tải của đoàn Việt Kịch Năm Châu. Anh Hai Vân có hai người con là nghệ sĩ: cô Tương Lai và cô Huỳnh Hoa nữ diễn viên đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, đoàn Phước Chung. Người anh thứ ba là quái kiệt Ba Vân, nức tiếng trong giới nghệ sĩ tiền phong cải lương.

Đầu năm 1943, nghệ sĩ Ba Vân biết em của anh vừa bỏ học nên giới thiệu cho gia nhập đoàn hát đễ cùng đi với anh trong chuyến lưu diễn ở Hà Nội và đặt cho Lê Văn Tám nghệ danh là Tám Vân.

Tám Vân có học vấn, đẹp trai, hơi ca khoẻ khoắn, cách phát âm chuẩn mực nên chỉ trong sáu tháng học ca cổ nhạc và học diễn, Tám Vân đã đóng được những vai kép nhì, kép đẹp trong các tuồng xã hội phóng tác theo kịch của nước Anh, Pháp của soạn giả Nguyễn Thành Châu.
Năm 1944, đoàn hát trở về Saigon, Tám Vân được bầu gánh hát cải lương Quảng Lạc mời làm kép chánh. Đoàn hát cải lương Quảng Lạc đi lưu diễn ở nước Lào, sau đó vì tình hình chiến tranh sôi động, quận đội Thiên Hoàng của Nhật Bổn vào Đông Dương, phi cơ Đồng Minh liệng bom thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Đoàn hát Quảng Lạc không trở về Hà Nội được nên lưu diễn các tỉnh có người Việt ở nước Thái Lan. Nghệ sĩ Tám Vân thành hôn với nữ nghệ sĩ Bích Châu, đào chánh của đoàn hát. Cả hai chung sống 12 năm, có được hai con.

Đến năm 1954, khi chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, nghệ sĩ Tám Vân và Bích Châu trở về Việt Nam, gia nhập đoàn hát Việt Kịch Năm Châu.
Lúc đó tôi đang cộng tác với đoàn Việt Kịch Năm Châu nên khi gặp anh Tám Vân, chúng tôi là đôi nghệ sĩ trẻ, dễ thân thích nhau vì chúng tôi cùng là học sinh trường Collège de MỹTho. Tôi chỉ là một diễn viên phụ, Tám Vân đã đóng được những vai kép nhì, có khi anh được cho thế vai anh Năm Châu, đóng vai chánh, hát cặp với hai cô đào chánh Kim Cúc, Kim Lan.

Tôi liệu sức mình không thể thành kép chánh được nên tôi chọn con đường học sáng tác. Anh Tám Vân hợp soạn với tôi vở Người Mặt Cháy, lấy cốt truyện trong một tờ báo ảnh của Pháp, mua của nhà sách Albert Portail Saigon. Trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, tôi đã sáng tác được các tuồng Chim Vàng Hoàng Hạc Lâu, Người Mặt Cháy, Chiếc Ngai Cuối Mùa. Chiếc Lá Giữa Dòng, Biên Thùy Nổi Sóng.

Nghệ sĩ Tám Vân sáng chói trong vai kép chánh hát cặp với chị Kim Cúc trong tuồng Người Mặt Cháy. Tám Vân thành công trong vai hoàng tử, đóng cặp với nữ nghệ sĩ tài sắc Kim Lan trong vai Ô phê Ly tuồng Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch. Nghệ sĩ Tám Vân cũng được khán giả và báo chí kịch trường ngợi khen khi anh thũ vai chánh trong các tuồng Miếng Thịt Người, Áo Người Quân Tử, Cách Lan Phương Tử, Gió Ngược Chiều, Tây Thi Gái Nước Việt…

Lúc nầy nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu đang chủ trương thực hiện một sân khấu “ Thật và Đẹp”, anh đề bảng hiệu đoàn Việt Kịch Năm Châu thay vì đề là đoàn cải lương Năm Châu. Đoàn Việt Kịch Năm Châu tuy là một đoàn hát tuồng cải lương xã hội Tây Phương và tuồng xã hội Việt Nam nhưng đoàn Việt Kịch Năm Châu không giống như phần đông các đoàn hát khác như đoàn cải lương Hoa Sen, đoàn cải lương Phụng Hảo, đoàn cải lương Thanh Minh, đoàn cải lương Kim Chưởng…Vì chủ trương sân khấu “ thật và đẹp”, nên những tuồng hát của soạn giả Nguyễn Thành Châu viết rất ít bài ca cổ nhạc và vọng cổ. Thay vào đó là những lời đối thoại sắc bén, gọn gàng và giống như lời thoại trong một vở thoại kịch hơn là tuồng cải lương.

Các nghệ sĩ trong đoàn được chính nghệ sĩ Năm Châu đứng trực tiếp tập tuồng, dạy cho cách phát âm các đài từ, cách nói một câu thoại trong tuồng. Khi ca cổ nhạc( bài bản lớn thuộc ba Nam sáu Bắc, Bảy bài) hoặc vọng cổ thì dàn đờn cổ nhạc rao hơi cho nghệ sĩ bắt giọng hát cũng rất ít, có khi nghệ sĩ nói lối rồi vô ca, ngay trong nhịp mạnh đầu tiên thì cổ nhạc mới đàn theo. Cách ca như nói chuyện, chú trọng diễn tả nội dung câu ca, tình cảm câu ca và nhạc đệm theo là thứ yếu. Nghệ sĩ đoàn Việt Kịch Năm Châu rất khổ công luyện tập theo sự chỉ dạy của nghệ sĩ Năm Châu, muốn đưa tuồng cải lương đến gần với thoại kịch hơn và bỏ đi những bài bản cổ nhạc mà nghệ sĩ Mộng Vân đã dùng trong các tuồng kiếm hiệp vì anh Năm Châu cho là đó là những bài ca cà chía.

Nghệ sĩ Tám Vân nhờ có học cao hơn các nghệ sĩ trong đoàn Việt Kịch Năm Châu nên anh luôn được Năm Châu khen và dùng Tám Vân như người mẫu trong các buỗi tập tuồng. Đáng lý ra với vai kép chánh trong đoàn hát, nghệ sĩ Tám Vân phải được ưu đải về lương phạn nhưng đoàn hát Việt Kịch Năm Châu tuy được báo chí ngợi khen là một đoàn hát có nghệ thuật cao nhưng khán giả lại không đến xem đoàn hát vì ít bài ca cổ, ít những bài ca vọng cổ mà dân chúng rất thích. Nghệ sĩ đoàn Việt Kịch Năm Châu thường chỉ được lãnh một số lương tượng trưng gọi là lương cà phê. Nghệ sĩ được ăn cơm hội, không sợ đói nhưng không có tiền riêng để chi tiêu những cần thiết cá nhân như nghệ sĩ các đoàn hát khác.
Về tuồng tích thì cốt truyện của những đoàn hát khác không hay hơn tuồng của đoàn Việt Kịch Năm Châu, về văn chương trong tuồng thì nhiều khi ngây ngô, khán giả trí thức nghe nghệ sĩ ca hát đến khó chịu nhưng các đoàn hát đó có những danh ca vọng cổ như danh ca Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Út Trà Ôn, Minh Tấn, Minh Nhị, Kim Anh, Út Bạch Lan, Thúy Nga, Phước Trọng, Kim Chưởng, Thanh Hương…Các đoàn hát có danh ca vọng cổ thì luôn luôn là khán giả nghẹt rạp, đời sống lương tiền của nghệ sĩ thì bao giờ cũng được phát đủ và lương cao hơn nghệ sĩ đoàn Việt Kịch Năm Châu.

Nghệ sĩ Tám Vân là người từ nước Lào và Thái Lan mới về, ở hai nước đó nghệ sĩ hút thuốc phiện và thuốc nẩu( thứ lá thuốc phiện) là một việc bình thường vì thuốc phiện rẻ và dễ kiếm, thông dụng. Lúc đó chánh phủ Cộng Hòa miền Nam đang bày trừ ma túy và thuốc phiện, do đó thuốc phiện bán lậu, giá đắc hơn vàng. Anh Tám Vân rất khổ sở vì phải cai thuốc, đoàn hát Việt Kịch Năm Châu lại chỉ phát lương cà phê hay chỉ có nữa cử lương, không đủ chi phí trong gia đình, lấy tiền đâu mua thuốc hút? Thêm nữa chị Bích Châu, vợ anh là người miền Bắc, khi hát ở đoàn hát Quảng Lạc thì chị là đào chánh, vì hát với những người cùng nói và hát bằng giọng Bắc. Khi vào Nam, gia nhập đoàn Việt Kịch Năm Châu, ông Năm Châu rất nghiêm khắc trong việc sử dụng đài từ trên sân khấu. Khi thủ diễn một vai nông dân miền Nam mà phát âm giọng Bắc thì không được. Trong một vở tuồng xã hội Tây Phương, chị Bích Châu phát âm giọng Bắc trong khi đa số diễn viên khác nói giọng miền Nam là một sự lạc lõng mà ông Năm Châu không chấp nhận, vì vậy chị Bích Châu ít được phân vai tuồng để hát. Cuối cùng, Tám Vân và chị Bích Châu cũng như những cặp nghệ sĩ Hoàng Kinh - Ngọc Đán, Thanh Nam – Tương Lai, Thanh Hương – Văn Chung, Nguyễn Phương đều rời đoàn hát Việt Kịch Năm Châu để tìm đến đoàn hát khác cho hợp với khả năng và sở thích của mình.
Anh Tám Vân đi các đoàn hát nhỏ, tạm sống nhưng gia đình anh tan vở. Chị Bích Châu trở về Hà Nội với hy vọng tìm đến đoàn cải lương Bắc để có thể diễn như các bạn nghệ sĩ Bắc, cùng một thứ giọng nói và hát. Nghệ sĩ Tám Vân không muốn trở ra Hànội nữa, đành chịu mất vợ, anh cộng tác với đoàn hát Kim Chưởng.

Nghệ sĩ Tám Vân có khả năng tiếp thu nhanh nghệ thuật biểu diễn các loại tuồng trên sân khấu với các phong cách diễn xuất khác nhau. Đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn các tuồng xã hội Tây Phương, nghệ sĩ Tám Vân thành công dễ dàng với lối diễn như thoại kịch có ca cổ, phong cách đỉnh đạc, sang trọng đúng như chủ trương Thật và Đẹp của anh Năm Châu. Đoàn cải lương Kim Chưởng, dưới sự đạo diễn của nữ nghệ sĩ Kim Chưởng, nghệ sĩ Tám Vân có lối diễn sống động, phù hợp với phong cách hát loại tuồng hương xa. Khi hát cho đoàn Phụng Hảo, Tám Vân biết hát rành các vũ đạo tuồng Tàu và biết ca hơi Quảng.

Nói chung nghệ sĩ Tám Vân có khả năng diễn xuất đa dạng, biết nhiều phong cách hát thích hợp với sở trường của từng gánh hát nhưng nghệ sĩ Tám Vân chỉ có dịp đóng các vai kép mùi, kép chánh khi anh hát trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, đóng tuồng cặp với đôi nữ diễn viên tài sắc thuở đó là Kim Cúc, Kim Lan.

Trên các sân khấu đoàn cải lương Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung, nghệ sĩ Tám Vân thủ diễn những vai lão, lão mùi, lão độc, hoặc vai lẵng, vai hề. Không phải do các diễn viên kia diễn hay hơn anh nhưng họ là những danh ca vọng cổ. Những danh ca vọng cổ đó nhờ lối ca vọng cổ mùi, luyến láy hay hoặc có lối ca dài hơi mà khán giả thích nên về trình độ diễn xuất chỉ đáng là học trò của Tám Vân nhưng vai tuồng của họ luôn luôn là các vai kép mùi, kép chánh, có nhiều chổ để ca vọng cổ và các danh ca vọng cổ đó là những sức hút khán giả trong một trào lưu mới: Trào lưu của những giọng ca vàng lấn át vai trò và vị trí sân khấu của những kép diễn!

Tưởng nhớ về nghệ sĩ quá cố Tám Vân, tôi nghĩ là nên vinh danh Tám Vân là một trong những nghệ sĩ hàng đầu trong số những chứng nhân của lịch sử phát triển của nghệ thuật hát cải lương trong hai thập niên 50, 60, thời kỳ nảy sanh ra danh từ “ Kép diễn “ và “ Kép Ca”. Các nghệ sĩ “ kép diễn “cùng trong hoàn cảnh bị thất sũng vì khán giả cải lương ái mộ “ kép ca “ hơn có: nghệ sĩ Tám Vân, Hoàng Kinh, Văn Lâu, Văn Lắm, Ba Sanh, Ba Thừa Vĩnh, Hoàng Giang, Ba Xây, Quang Phục, Văn Ngà, Vinh Sang, Văn Khoe, Minh Viễn, Trường Xuân…

Nghệ sĩ Tám Vân đã từng đóng thế vai Gia Lữ Tế của nghệ sĩ Bảy Nhiêu, vai Gia Lữ Sanh của Năm Châu và vai Duy Bạt của Hoàng Kinh trong tuồng Gió Ngược Chiều. Đây là ba vai hát với ba tính cách khác nhau, rất khó diễn xuất, đó là những vai hát để đời của Bảy Nhiêu, Năm Châu, Hoàng Kinh trong Gió Ngược Chiều mà Tám Vân là người duy nhứt đóng thay được cả ba vai đó một cách rất xuất sắc.

Có thể kể thêm nhiều vai thế tuồng đặc biệt đáng ghi nhớ của Tám Vân như anh đóng vai Phê, người điên trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu, đây là vai hát đã đưa tên tuổi của nghệ sĩ Ba Vân vào hàng quái kiệt trên sân khấu cải lương.
Tám Vân đã đóng các vai tuồng mà trước đó các nghệ sĩ tiền phong Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Ba Thừa Vĩnh, Văn Lâu đã để dấu ấn sâu đậm về nghệ thuật diễn xuất như các vai Ngô Phù Sai, Ngũ Tử Tư, Phạm Lãi trong tuồng Tây Thi Gái Nước Việt,… vai Vương Tư Đồ trong tuồng Phụng Nghi Đình, …vai Tống Nhơn Tôn trong Xử Án Bàng Quí Phi, vai An Lộc Sơn trong tuồng Trường Hận, vai Thái Tử Hàm Lệ trong tuồng Hàm Lệ Thái Tử nước Đan Mạch của tác giả Nguyễn Thành Châu.

Trong thời kỳ cộng tác với ba đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương và Phước Chung, nghệ sĩ Tám Vân vừa là diễn viên dàn bao quan trọng, thủ diễn những vai lão mùi, lão lẵng, lão độc trong nhiều tuồng, làm điểm tựa cho nhiều nghệ sĩ trẻ và Tám Vân cũng là người thầy dạy nghề hát cho các diễn viên trẻ như Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Mộng Tuyền, Bảo Quốc, Thanh Tú, Trang Bích Liểu, Kim Hoa…

Tám Vân được khán giả ưa thích qua vai ông Đệ tuồng Tấm Lòng của Biển, vai Duy Bạt tuồng Gió Ngược Chiều, vai ông Độ tuồng Tần Nương Thất, vai Tám Hổ tuồng Hai Hình Ảnh Một Cuộc Đời và rất nhiều vai lão mùi khác. Có thể nói là chưa có một bài báo nào của các ký giả kịch trường viết phê bình chê phần ca diễn của nghệ sĩ Tám Vân trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương…

Suốt thời gian tôi ( Nguyễn Phương ) cộng tác với đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Phước Chung và đoàn Thanh Nga sau năm 1975, tôi có nhiều năm sống chung một đoàn hát với vợ chồng nghệ sĩ Tám Vân, những khi lưu diễn có khi vợ chồng tôi cùng ở chung phòng ngủ trong các khách sạn mà các ông bà Bầu mướn dành cho soạn giả, tôi biết khi anh Tám Vân cai thuốc phiện, anh đã phải uống rượu vô để tránh cho cơ thể khỏi bị hành hạ vì thiếu thuốc. Mỗi ngày, trong buỗi ăn sáng, anh Tám Vân phải vô lai rai một xị đế, truớc khi tập tuồng, thêm một xị đế khác. Buổi tối trước khi trình diễn trên sân khấu, lại một xị đế và sau khi vãn hát, ăn tối trước khi ngủ lại một xị đế. Tính ra mỗi ngày ít nhất anh phải uống một lít rượu đế. Đó là năm 1983, 1984, khi tôi cùng cộng tác với Tám Vân trong đoàn hát Thanh Nga do ông Bảy Tâm làm trưởng đoàn.

Với sức khoẻ trung bình, không tập thể dục hằng ngày, chỉ có lao động trên sân khấu những khi tập tuồng và diễn tuồng, ăn uống bình thường như những người khác trong gánh hát, anh Tám Vân còn hát được, và sống được đến 85 tuổi thì phải nói đó là một kỳ tích, vì một người uống rượu nhiều và đều đều trong nhiều năm liên tục như Tám Vân mà ruột gan không bị đốt cháy, không bị ung thư gan, không bị bịnh sơ gan cổ trướng, quả là hi hữu!

Về gia đình thì sau khi anh và chị Bích Châu chia tay nhau, khoảng đầu năm 1960, anh Tám Vân kết hôn với chị Quản Thị Minh Nguyệt tức là soạn giả Nhị Kiều sau này.

Chị Quản Thị Minh Nguyệt sanh năm 1922, sanh quán làng An Thạnh, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Chị Minh Nguyệt có một người chị tên là Quản thị Trúc Mai, nghe nói là vợ của ông chủ bút hay chủ nhiệm của tờ nhật báo Tiếng Chuông Saigon. Vì tôi không biết rành về giới ký giả và chủ bút của các nhà báo nên tôi ghi theo lời kể của chị Tám Vân về tin tức của chị Trúc Mai.

Chị Minh Nguyệt đi kháng chiến chống Pháp, có chồng là cán bộ Vệ Quốc Đoàn tên là Huỳnh Ngọc Lộ ở trung đoàn 99 tỉnh Bến Tre. Anh Lộ và chị Minh Nguyệt có được hai con.

Năm 1954 anh Lộ đi tập kết miền Bắc. Vài năm sau, chị Minh Nguyệt hay tin chồng đã chết ở miền Bắc, chị và hai con lên Saigon sinh sống. Chị thường đi xem hát cải lương giải khuây, và có dịp gặp nghệ sĩ Tám Vân mà chị rất ái mộ. Hai người cùng cảnh ngộ, một người có vợ bỏ trở về Hà Nội, một người có chồng đi tập kết và chết đâu đó ở miền Bắc, họ gặp nhau, chấp vá hai mãnh đời tan vở thành một khối tình mới, một hạnh phúc mới. Khi hai anh chị Tám Vân mướn nhà ở cư xá Đô Thành( năm 1965) tôi biết anh chị Tám Vân có được một đứa con gái.

Chị Nguyệt học sáng tác tuồng cải lương, khởi đầu dưới hình thức hợp soạn với các soạn giả thường trực trong đoàn hát, anh Tám Vân dạy chị ca và viết bài ca. Chị đã dùng những bút hiệu như Hoàng Thị Nguyệt, Chị Nguyệt, Nhị Kiều.

Năm 1975, ông Lộ từ miền Bắc trở về, gặp lại chị Nguyệt nhưng chị nói không thể bỏ Tám Vân trở về với ông. Lời đồn về cái chết của ông Lộ đã khiến cho chị đau xót và sau đó vài năm, chị bước thêm bước nửa trong đời. Ông Lộ khi ở miền Bắc, ông cũng đã lập gia đình với một người đàn bà khác.

Sau những năm 1990, sân khấu cải lương xuống dốc, anh chị Tám Vân - Nhị Kiều không theo đoàn hát lưu diễn mà trở về quê, sống bằng nghề viết tuồng cải lương cho các show Tivi hoặc băng video.

Riêng anh Tám Vân thì sức khoẻ sa sút. Năm 2006, vợ chồng tôi về thăm quê hương, bao xe cùng với các nghệ sĩ Tú Trinh, Kiên Giang, Huỳnh Công Minh, Ngọc Anh đến Bình Nhâm thăm anh chị, giúp đở một số tiền và thuốc men. Anh Tám Vân tuy quên trước quên sau nhưng vẫn nhớ tên tất cả những bạn đến thăm vợ chồng của anh hôm đó. Anh còn hỏi ngày trước Nguyễn Phương và Tám Vân hợp soạn vở tuồng đầu tiên là vở gì? Tôi nói cho anh nghe tên vở tuồng hợp soạn đầu tiên đó nhưng độ mươi phút sau, anh lại hỏi y như câu vừa mới hỏi.
Chúng tôi ngồi nói chuyện tâm tình với anh chị có đến gần cả tiếng đồng hồ, anh Tám Vân cũng chỉ hỏi tôi một câu duy nhất đó không dưới mười lần.

Anh Tám Vân đã bị bệnh lãng trí! Tôi thấm buồn, ngồi thật lâu trước mặt anh, chụp ảnh với anh và tôi khẻ hỏi: “ Anh có biết anh đang chụp hình với ai đây không?” Anh Tám cười cười, nói:” Nị tưởng tui điên rồi à. Ờ mà nè Nguyễn Phương, hồi đó tôi với ông …mình hợp soạn tuồng gì? Quên rồi…” Anh Tám lập lại câu hỏi mà khi tôi vừa bước vô nhà anh, anh đã hỏi tôi câu hỏi đó.
Một vở tuồng hợp soạn của Tám Vân và Nguyễn Phương từ năm 1955, đến nay đã qua hơn nửa thế kỷ, Tám Vân làm sao mà còn nhớ đến nó được nữa.

Ngày xưa, khi anh nhập vào vai Vua Ngô Phù Sai, hay vai dõng tướng Ngũ Tử Tư, hay khi anh đóng vai tên loạn tướng bạo liệt An Lộc Sơn bên cạnh người đẹp Dương Thái Chân, lúc đó thì nghệ sĩ Tám Vân quá đẹp, quá oai phong, lời ca tiếng hát nghe êm diụ như mật ngọt rót vào tai, hình ảnh đẹp đẻ, rực rỡ oai hùng đó đã làm run động con tim của biết bao nữ khán giả, trong số đó, nữ khán giả Minh Nguyệt say mê một Ngũ Tử Tư, một hoàng tử Ham Lết mà tình nguyện gắn bó cả cuộc đời của cô gái đẹp vùng sông nước Bến Tre với chàng trai lảng tử giang hồ.

Bây giờ… sau hơn năm mươi năm trên sàn diễn, màn nhung khép lại rồi, sao nghệ sĩ Tám Vân lại không gợi nhớ những hình ảnh đẹp của các vì vua chúa, hoàng tử hay loạn tướng, không nhớ những vai người tình rực rở cân đai áo mão và ngát thơm mùi son phấn, nghệ sĩ già Tám Vân chỉ còn mơ hồ lại một chút kỷ niệm khi xưa cùng bàn bạc với Nguyễn Phương sáng tác một vở tuồng đầu tay trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu. Tình cảm đó dầu chỉ là một thoáng mơ hồ nhưng làm rún động tâm hồn của Nguyễn Phương. Tôi ngồi kế bên anh, nắm tay anh, tôi khẻ bóp bóp như muốn truyền một chút sinh lực của tôi, của một bạn già 87 tuổi cho anh bạn trẻ 85 tuổi, người đang ngơ ngác nhớ về dĩ vảng quá xa xôi!

Kiên Giang theo dõi câu chuyện của Nguyễn Phương và Tám Vân, anh ngâm nho nhỏ:

Khi cánh màn nhung khép lại rồi,
Chỉ còn hiu hắt nổi đơn côi
Xiêm y trả lại cho sân khấu
Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi.


Chúng tôi định hoan hô anh bạn thi sĩ Kiên Giang nhưng ngay lúc đó tiếng máy hát cassette của con anh Tám Vân từ phía nhà sau vọng đến. Chúng tôi im lặng, lắng nghe, tiếng ca vọng cổ của Út Bạch Lan trong băng cassette nghe như tỉ tê thay lời tâm sự của tất cả các nghệ sĩ già đang hiện diện trong thư trang của vợ chồng Tám Vân:

Rồi khi thanh sắc không còn nửa,
Son phấn tàn phai buỗi xế tà
Giã từ sân khấu ai còn nhớ
Một đời nghệ sĩ, kiếp cầm ca ?

5/- Còn nổi buồn nào hơn khi người nghệ sĩ phải xa lìa ánh đèn sân khấu, nơi mà suốt mấy mươi năm, họ đã gắn bó từ tuổi thanh xuân cho đến khi nhan sắc phai tàn…Biết bao nghệ sĩ tài danh nay phải sống cảnh cơ hàn…Trong đời họ đã bao lần được làm ông hoàng bà chúa, oai dũng ngất trời, lộng lẫy kiêu sa. Buồn nào hơn khi bóng xế tuổi già, sống hiu quạnh trong hào quang kỷ niệm. Đời quá vô tình nên người đành quên lãng, nào họ có mơ chi bia đá tượng đồng.
6/- Một chút nghĩa, chút tình sẽ đem lại biết bao niềm an ủi cho tuổi già những nghệ sĩ cô đơn, cho những ai chọn nghiệp dĩ cầm ca, đã cống hiến hết mình trọn đời cho nghệ thuật. Khi thanh sắc không còn họ lặng lẽ lui vào sau sân khấu, nhường lại ánh hào quang cho thế hệ sau mình.- Ai có thể dửng dưng khi nhìn người nghệ sĩ, sức mõi hơi tàn vẫn không rời sàn diễn. Trên sân khấu từng đêm họ vẫn chờ vẫn đợi, dóc cạn sức mình cho khán giả mua vui.


Tiếng hát của Út Bạch Lan chấm dứt từ lâu, chúng tôi lặng im, mỗi người chìm trong sự suy tư buồn bã. Sau đó chúng tôi từ giả vợ chồng Tám Vân, trở về Saigon.
Hôm nay 18 tháng 01 năm 2009, hai năm sau ngày chúng tôi thăm viếng vợ chồng Tám Vân, ở phương trời Canada cách Bình Nhâm Việt Nam hơn hai mươi ngàn cây số, tôi nghe điện thoại của Tú Trinh báo tin nghệ sĩ Tám Vân, ông bạn già của tôi đã bỏ cuộc chơi mà về cõi vĩnh hằng !
Nghệ sĩ Tám Vân mất lúc 6 giờ sáng ngày 18 tháng 01 năm 2009, sẽ an táng tại Nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp vào lúc 10 giò sáng ngày 22 tháng 01 năm 2009.

Thương thì rất thương cho một đời nghệ sĩ của Tám Vân, nhiều lận đận với sự nghiệp sân khấu, chỉ được những phút vui khi sân khấu sáng đèn, khi màn nhung hạ xuống hàng đêm là anh phải bận bịu những lo toan cơm áo gạo tiền, để rồi đêm sau, khi ánh đèn sân khấu bật sáng, anh lại hóa thân vào những nhân vật cao sang khác, đem lời ca tiếng hát mua vui cho khán giả trên các nẽo sông hồ.

Bây giờ thì anh Tám Vân đã yên phận, nằm thảnh thơi an nghĩ bên các bạn nghệ sĩ đã đi trước anh ở nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, chúng tôi xin thắp nén nhang, hướng về Việt Nam xa xôi, nguyện cầu cho hương linh của Tám Vân được về chốn thiên đàng cực lạc.

Vợ chồng Nguyễn Phương xin chia xẻ nỗi buồn đau với chị Nhị Kiều. Cầu mong chị can đảm và đủ sức khoẻ để vượt qua được sự đau thương mất mát xé lòng nầy.


Vợ chồng Nguyễn Phương,
Bạn thân trên nửa thế kỷ của anh chị Tám Vân và Nhị Kiều.
SG Nguyễn Phương tặng cailuongvietnam.com
____________
Nguồn : CLVN
Viet duong nhan 27.01.2009 22:12:26 (permalink)
Tám Vân trong lòng nghệ sĩ
 
 

* NSƯT Bạch Tuyết: "Hồi tôi học ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tôi mời bác Tám Vân đến nói chuyện với các giáo sư và sinh viên. Bác nói tiếng Pháp lưu loát, lại trình bày rất giỏi về nghệ thuật cải lương, và còn ca minh họa rất hay khiến ai nấy khâm phục. Bác làm rạng danh cho cải lương, là "người khổng lồ" trong trái tim tôi. Tôi cảm phục hai nhân cách lớn. Một là bác, khi giàu sang không cao ngạo, khi nghèo khổ không than van, cũng không kể lể công trận đã qua. Hai là bác gái Nhị Kiều, một phụ nữ trâm anh mà trót đi theo nghiệp sân khấu nên chấp nhận hoàn cảnh, và một lòng chung thủy tận tụy với chồng".

* Nghệ sĩ Thanh Tú: "Lúc tôi vào đoàn Thanh Nga chung với ông, ông cho tôi ở nhờ nhà ông tại đường Bùi Viện. Tôi sợ ông còn hơn sợ cha tôi, vì ông dạy nghề rất khó tính. Làm không xong là ông hét dữ lắm. Hơi hám ông rất khỏe nên ông hét là tụi tôi hết hồn. Nhưng thương ở chỗ, hễ dạy tại đoàn chưa xong thì ông về nhà dạy tiếp, ăn cơm xong là bắt tôi tập lại, cho tới khi nào được mới thôi. Ông là người thầy tận tụy của nghệ sĩ trẻ chúng tôi, ai cũng thương và kính trọng ông! Mãi mãi ông vẫn là niềm tin yêu của sân khấu và nghệ sĩ".
 
ST

Viet duong nhan 27.01.2009 22:18:55 (permalink)
Ngày 18.1.2009, nghệ sĩ lão thành Tám Vân đã vĩnh viễn ra đi trong ngôi nhà của ông tại Bình Dương. Sân khấu Việt Nam mất đi một tài năng, một cây đại thụ trong lòng khán giả.
Cách đây gần 10 năm, tôi ra tận Bình Dương viết bài về ông. Đường đi rất ngoằn ngoèo, tôi phải đứng chờ thật lâu ở cổng bưu điện huyện để đứa cháu của ông dẫn vô nhà, nếu không thì đi lạc là cái chắc. Quanh co không biết bao nhiêu ngõ làng xanh um cây lá mới tới nhà ông. Căn nhà cũng ẩn sau một vườn cây xanh um, gió đưa hương đất hương hoa trong trẻo bay vào mũi tôi. Nào cây nhãn, cây mận, cây xoài, mít, ổi... Thật là một nơi "ở ẩn" tuyệt vời cho lão cao nhân gác kiếm giang hồ. Nhưng sự thật, chỉ có ông là "gác kiếm" thôi, còn bà vợ của ông, bà Nhị Kiều, không hề "gác kiếm", nói đúng hơn, là "gác bút". Bà vẫn sáng tác kịch bản đều đặn để có nhuận bút nuôi ông. Hai ông bà xấp xỉ tuổi nhau, năm ấy đã hơn 70, tựa vào nhau như hai cái bóng lặng lẽ sau cánh màn nhung sân khấu.
Ông rất ít nói, tôi hỏi chuyện gì dường như chỉ có bà trả lời giùm. Ông ngồi trầm ngâm ở cái ghế dựa, nhìn ra sân vườn nhạt nắng. Chỗ nào bà không nhớ hoặc nói không chính xác thì ông mới "đệm" vô. Tay ông luôn có điếu thuốc, mà hút cũng rất chậm, hít một hơi rồi nhả ra từ từ như để cho khói ngấm vào lòng. Và tôi cảm giác ông cũng đang để cho sự đời ngấm vào lòng. Dù không nói lời nào, nhưng ông ngấm hết những nhân tình thế thái, những đắng cay ngọt bùi của một kiếp con tằm nhả tơ.
Ông chính là hiện thân của con tằm đã nhả hết tơ, giờ chỉ còn lại cái kén rỗng, nhưng không thể hóa thành con ngài để bay đi được. Con ngài còn có đôi cánh để tung lên cùng bầu trời cao rộng, nhưng con người về già lại cúi xuống gần mặt đất hơn, tủi phận hơn, cô đơn hơn. Dù nghệ sĩ khắp nơi vẫn quan tâm tới ông bà, vẫn quà cáp thăm viếng mỗi khi lễ tết, nhưng họ có công việc của họ, đâu thể thường xuyên kề cận, cho nên ông trở thành kẻ lạc loài sau khi sân khấu đã hạ màn. Ông không buồn, chỉ chấp nhận sự thật của tuổi già. Mà ông có tiếc gì nữa, cả một thời trẻ trung đã tung hoành ngang dọc, lừng lẫy các đại bang, làm thầy của biết bao nghệ sĩ, hét ra lửa đó thôi.
Ông chấp nhận sống trong cái kén rỗng cuối đời, hết đi ra sân ngắm cây lại đi vào nhà nằm trên chiếc giường thong thả nhả khói mơ màng. Chỉ có bà, gầy ốm nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm sóc ông từ bữa ăn cho tới quần áo, điếu đóm, không hề than van một tiếng. Bà cười móm mém: "Hồi xưa, chính ổng đã dìu dắt tôi vô nghề, dạy tôi viết, chỉnh sửa kịch bản cho tôi. Có cái tên Nhị Kiều cũng nhờ ổng. Món nợ ân tình đó tôi trả mãi vẫn vui lòng". Ông nghe bà nói, miệng hơi mỉm mỉm một chút, ấy là ông đang cười, đang hạnh phúc. Ông vẫn là người chồng "oai nghi" của bà. Bà nói với ông nhẹ nhàng, trìu mến, chứ không hề gắt gỏng như một số người vợ phải bắt buộc nuôi chồng. Chợt nhận ra một thứ tình vừa là yêu, vừa là bạn, vừa là thầy trò, vừa là sự tri ân.
Ông đã ra đi sau mấy năm nằm liệt giường. Con tằm đã hóa thành ngài hay chưa?..


(Thế giới nghệ sĩ)

Viet duong nhan 27.01.2009 22:22:28 (permalink)
Nghệ Sĩ Tám Vân

 
Tám Vân và Phượng Liên trong vở Hoa đồng cỏ nội - Ảnh: Minh Châu

Ngày 18.1.2009, nghệ sĩ lão thành Tám Vân đã vĩnh viễn ra đi trong ngôi nhà của ông tại Bình Dương. Sân khấu Việt Nam mất đi một tài năng, một cây đại thụ trong lòng khán giả.
Cách đây gần 10 năm, tôi ra tận Bình Dương viết bài về ông. Đường đi rất ngoằn ngoèo, tôi phải đứng chờ thật lâu ở cổng bưu điện huyện để đứa cháu của ông dẫn vô nhà, nếu không thì đi lạc là cái chắc. Quanh co không biết bao nhiêu ngõ làng xanh um cây lá mới tới nhà ông. Căn nhà cũng ẩn sau một vườn cây xanh um, gió đưa hương đất hương hoa trong trẻo bay vào mũi tôi. Nào cây nhãn, cây mận, cây xoài, mít, ổi... Thật là một nơi "ở ẩn" tuyệt vời cho lão cao nhân gác kiếm giang hồ. Nhưng sự thật, chỉ có ông là "gác kiếm" thôi, còn bà vợ của ông, bà Nhị Kiều, không hề "gác kiếm", nói đúng hơn, là "gác bút". Bà vẫn sáng tác kịch bản đều đặn để có nhuận bút nuôi ông. Hai ông bà xấp xỉ tuổi nhau, năm ấy đã hơn 70, tựa vào nhau như hai cái bóng lặng lẽ sau cánh màn nhung sân khấu.


NSND Tám Vân

Ông rất ít nói, tôi hỏi chuyện gì dường như chỉ có bà trả lời giùm. Ông ngồi trầm ngâm ở cái ghế dựa, nhìn ra sân vườn nhạt nắng. Chỗ nào bà không nhớ hoặc nói không chính xác thì ông mới "đệm" vô. Tay ông luôn có điếu thuốc, mà hút cũng rất chậm, hít một hơi rồi nhả ra từ từ như để cho khói ngấm vào lòng. Và tôi cảm giác ông cũng đang để cho sự đời ngấm vào lòng. Dù không nói lời nào, nhưng ông ngấm hết những nhân tình thế thái, những đắng cay ngọt bùi của một kiếp con tằm nhả tơ.

Ông chính là hiện thân của con tằm đã nhả hết tơ, giờ chỉ còn lại cái kén rỗng, nhưng không thể hóa thành con ngài để bay đi được. Con ngài còn có đôi cánh để tung lên cùng bầu trời cao rộng, nhưng con người về già lại cúi xuống gần mặt đất hơn, tủi phận hơn, cô đơn hơn. Dù nghệ sĩ khắp nơi vẫn quan tâm tới ông bà, vẫn quà cáp thăm viếng mỗi khi lễ tết, nhưng họ có công việc của họ, đâu thể thường xuyên kề cận, cho nên ông trở thành kẻ lạc loài sau khi sân khấu đã hạ màn. Ông không buồn, chỉ chấp nhận sự thật của tuổi già. Mà ông có tiếc gì nữa, cả một thời trẻ trung đã tung hoành ngang dọc, lừng lẫy các đại bang, làm thầy của biết bao nghệ sĩ, hét ra lửa đó thôi.

NSND Tám Vân tên thật là Lê Văn Tám, sinh năm 1924, tại Bến Tre, là em ruột cố NSND Ba Vân, từng là diễn viên và đạo diễn của các đoàn cải lương Việt kịch Năm Châu, Kim Chưởng, Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung. Ông còn là thầy dạy nghề của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Tú, Bảo Quốc, Mộng Tuyền… Những vở ông tham gia: Tần nương thất, Khói sóng Tiêu Tương, Tấm lòng của biển, Hoa đồng cỏ nội...

Ông mất lúc 6 giờ ngày 18.1.2009, thọ 85 tuổi. Tang lễ tổ chức tại nhà số 93B ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lễ động quan lúc 10 giờ ngày 22.1.2009, an táng tại vườn nhà.

Ông chấp nhận sống trong cái kén rỗng cuối đời, hết đi ra sân ngắm cây lại đi vào nhà nằm trên chiếc giường thong thả nhả khói mơ màng. Chỉ có bà, gầy ốm nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm sóc ông từ bữa ăn cho tới quần áo, điếu đóm, không hề than van một tiếng. Bà cười móm mém: "Hồi xưa, chính ổng đã dìu dắt tôi vô nghề, dạy tôi viết, chỉnh sửa kịch bản cho tôi. Có cái tên Nhị Kiều cũng nhờ ổng. Món nợ ân tình đó tôi trả mãi vẫn vui lòng". Ông nghe bà nói, miệng hơi mỉm mỉm một chút, ấy là ông đang cười, đang hạnh phúc. Ông vẫn là người chồng "oai nghi" của bà. Bà nói với ông nhẹ nhàng, trìu mến, chứ không hề gắt gỏng như một số người vợ phải bắt buộc nuôi chồng. Chợt nhận ra một thứ tình vừa là yêu, vừa là bạn, vừa là thầy trò, vừa là sự tri ân.

Ông đã ra đi sau mấy năm nằm liệt giường. Con tằm đã hóa thành ngài hay chưa?...

Tám Vân trong lòng nghệ sĩ

* NSƯT Bạch Tuyết: "Hồi tôi học ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tôi mời bác Tám Vân đến nói chuyện với các giáo sư và sinh viên. Bác nói tiếng Pháp lưu loát, lại trình bày rất giỏi về nghệ thuật cải lương, và còn ca minh họa rất hay khiến ai nấy khâm phục. Bác làm rạng danh cho cải lương, là "người khổng lồ" trong trái tim tôi. Tôi cảm phục hai nhân cách lớn. Một là bác, khi giàu sang không cao ngạo, khi nghèo khổ không than van, cũng không kể lể công trận đã qua. Hai là bác gái Nhị Kiều, một phụ nữ trâm anh mà trót đi theo nghiệp sân khấu nên chấp nhận hoàn cảnh, và một lòng chung thủy tận tụy với chồng".

* Nghệ sĩ Thanh Tú: "Lúc tôi vào đoàn Thanh Nga chung với ông, ông cho tôi ở nhờ nhà ông tại đường Bùi Viện. Tôi sợ ông còn hơn sợ cha tôi, vì ông dạy nghề rất khó tính. Làm không xong là ông hét dữ lắm. Hơi hám ông rất khỏe nên ông hét là tụi tôi hết hồn. Nhưng thương ở chỗ, hễ dạy tại đoàn chưa xong thì ông về nhà dạy tiếp, ăn cơm xong là bắt tôi tập lại, cho tới khi nào được mới thôi. Ông là người thầy tận tụy của nghệ sĩ trẻ chúng tôi, ai cũng thương và kính trọng ông! Mãi mãi ông vẫn là niềm tin yêu của sân khấu và nghệ sĩ".

Hoàng Kim
Viet duong nhan 27.01.2009 22:35:14 (permalink)






Đôi vợ chồng nghệ sĩ Tám Văn
và soạn giả Nhị Kiều thời trẻ


Người viết nhiều tuồng nhất Việt Nam


Vợ là một soạn giả nổi tiếng, chồng là kép chính của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, một đoàn cải lương lớn bậc nhất ở đất Sài Gòn vào những năm 1950-1970. Đôi vợ chồng nghệ sĩ Tám Văn - Nhị Kiều từng gây nhiều tiếng vang, được nhiều người ái mộ ngày nào hiện có một cuộc sống khá đạm bạc.
Năm nay đã 87 tuổi, vậy mà hàng ngày soạn giả Nhị Kiều vẫn âm thầm đọc sách, viết tuồng. Cuộc sống tuy nghèo nhưng có thể nói bà đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Những ký ức khó quên
 
Trong căn nhà nhỏ của mình ở ấp Bình Phước (Bình Nhâm, Thuận An), soạn giả Nhị Kiều đã kể cho tôi nhiều kỷ niệm. Bà mở đầu câu chuyện: “Cuộc đời tôi chẳng khác nào một vở kịch”. Cuộc đời của bà từng có đau thương, tủi nhục, vinh quang… Âu đó cũng là triết lý sống, nguồn cảm hứng giúp bà xây dựng nên những tác phẩm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Bà tên thật là Quản Thị Minh Nguyệt, quê ở làng An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Vì được sinh ra trên mảnh đất có truyền thống yêu nước nên từ thời con gái bà đã tham gia vào Hội Phụ nữ Cứu quốc. Do có nhiều năm làm công tác tuyên truyền, giao liên mà bà thuộc nằm lòng từng nhánh sông, con rạch trong huyện. Chồng của bà là ông Huỳnh Ngọc Lộ, một anh lính vệ quốc đoàn nhanh nhẹn và mưu lược. Cũng chính vì cả hai vợ chồng hăng say hoạt động cách mạng mà ngôi nhà nhỏ của họ ở An Thạnh bị giặt đốt phá đến ba lần. Những lúc như vậy, cả hai vợ chồng phải sống nương tựa vào bà con lối xóm. Lúc bị giặc truy lùng ráo riết thì sống chui sống nhủi ngoài đồng. Có thể nói, thời gian hai vợ chồng sống bên nhau tuy không nhiều nhưng đầy tình nghĩa, keo sơn.

Năm 1954, ông Lộ lên đường tập kết ra Bắc, để lại cho bà hai người con. Bà cùng với bố mẹ ruột của mình cũng chuyển lên TP.HCM sinh sống. Sau đó không lâu bà thì nhận được hung tin ông Lộ hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn. Cũng chính từ đây, cuộc đời của bà bước sang trang mới. Những tháng ngày buồn bã giữa đất Sài Gòn bà thường tìm đến những rạp hát để giải khuây. Bà bảo rằng lúc đầu cũng chỉ hơi thích ca cổ, cải lương, nhưng xem miết đâm ra ghiền rồi đam mê luôn từ đó. Khoảng thời gian này bà đã gặp và quen với nghệ sĩ Tám Văn, một kép chính của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Họ quen nhau không chỉ bởi tài sắc, mà có chung hoàn cảnh. Hai tâm hồn cô đơn đang cần một nguồn an ủi. Họ đến với nhau như một định mệnh, một số phận dành cho nhau. Trước khi về sống chung với bà, nghệ sĩ Tám Văn cũng đã từng có vợ con. Tám Văn là người Mỹ Tho, ông được sinh ra trong một gia đình giàu có. Vợ của ông là nghệ sĩ Bích Châu, người Hà Nội. Ông và bà Bích Châu quen biết nhau từ những ngày sống chung ở gánh hát Quảng Lạc, một gánh hát thường lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc, Lào.

Bích Châu là người miền Bắc nên khi hát cho đoàn Quảng Lạc ở Hà Nội hay ở Lào cho đồng hương người miền Bắc xem thì bà thường được khán giả tán thưởng vì có chất giọng khá đặc biệt. Nhưng từ khi theo chồng chuyển vào Nam, cái chất giọng ấy đã không còn phù hợp nữa. Chính điều đó bà đã quyết định bỏ chồng con ra đi để tìm lại chính mình.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Những tháng cuối năm 1975, giữa lúc Nhị Kiều và Tám Văn đang sống hạnh phúc và đã có thêm hai người con thì ông Lộ xuất hiện. Kể đến đây, giọng của bà Kiều như nhỏ hẳn, nước mắt giàn giụa: “Ông ấy đến tìm tôi trên chiếc xe hơi đời mới, vẫn bộ trang phục đồ lính năm nào. Ông ấy không chết, tin đồn năm nào thật oái ăm. Tôi vẫn thương ông ấy nhất trên cõi đời này, nhưng tôi cũng không thể rời xa Tám Văn để về sống với ông ấy. Cũng chính vì thế mà ông ấy giận tôi, đến lúc chết cũng không cần báo với tôi một tiếng”.

Người viết nhiều tuồng nhất Việt Nam
 
Sau hơn 40 năm cầm bút, có thể nói cho đến lúc này bà là soạn giả viết nhiều tuồng nhất. Và cũng là soạn giả nữ đầu tiên của Việt Nam vào những năm 1950, vì trước đó soạn giả đều là nam giới. Bà không chỉ viết nhanh, viết khỏe mà còn phóng tác nhiều tiểu thuyết của những nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước thành tuồng cải lương. Không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng bà đã xây dựng thành công nhiều tác phẩm để đời như: Nắng sớm mưa chiều, Tấm lòng cửa biển, Đường về vạn kiếp, Khói sóng tiêu tương… Ngoài những tác phẩm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đề cao thân phận người phụ nữ Việt Nam, bà cũng có không ít tác phẩm lịch sử đậm nét. Cũng có những tác phẩm được xây dựng trên một câu chuyện có thực đầy nhẫn tâm, nhưng khi qua bàn tay nhào nặn của bà, nó đã trở nên đầy sức sống, mang tính nhân văn cao như tác phẩm Vụ án 40 năm.

Sở dĩ bà có một kiến thức rộng, một tâm hồn cởi mở để cống hiến cho nghệ thuật là ngay từ bé bà đã biết làm thơ, nói đối. Bà biết làm thơ từ năm 12 tuổi. Sau này, khi chị ruột của bà là Quản Thị Trúc Mai lấy chồng là chủ bút của tờ báo Tiếng Chuông thì hai chị em bà không ngừng làm thơ đăng báo, nên cái tên Nhị kiều cũng ra đời từ đó. Và mấy chục năm nay, bà vẫn luôn giữ một thói quen đọc sách hàng đêm, do đó bà có một kiến thức tổng hợp của nhiều tác giả. Trong căn nhà nhỏ của mình, tài sản quý giá nhất mà bà để lại cho con cháu không có gì ngoài sách. Có nhiều cuốn bà lưu giữ từ năm 17 tuổi đến giờ.

Tuy nhiên, để trở thành một soạn giả chuyên nghiệp, bà cũng đã vượt qua không ít chông gai, thử thách. Vì yêu nghệ sĩ Tám Văn mà bà từng bị bố mẹ ruột của mình từ mặt gần 4 năm trời. Trong những thập niên 50, nghệ sĩ sân khấu bị người đời gán cho là thành phần “xướng ca vô loại”, phải là những người quá đam mê nghệ thuật, bất chấp những đàm tếu trong thiên hạ thì mới có thể sống chết được với nghề. Nam nghệ sĩ phải phấn đấu không ngừng để xóa tan đi cái thành kiến xướng ca vô loại đó. Một cô gái con nhà lành như bà mà dám lao vào gánh hát cải lương, có chồng là kép hát và phải sống như những nghệ sĩ lang thang không nhà, thì phải là một người đảm lược, yêu nghệ thuật còn hơn yêu bản thân của mình. Để viết được những vở tuồng đầu tay, ban đầu bà cũng phải vắt óc mò mẫm từng từ, từng chữ. Cũng từng chịu nhục để được hợp soạn cùng những soạn giả danh tiếng thời ấy. Vậy mà chỉ chưa đầy ba năm sau, bà đã có thể đường hoàng có được cái tên soạn giả thật sự như bao nhiêu người soạn giả đang hành nghề và sống được với nghề. Từ một người vô danh, bà đã trở thành soạn giả số một của đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong nhiều năm sau đó. Nói như bà: “Nếu như những soạn giả khác khi viết tuồng phải lên Đà Lạt, ra Vũng Tàu để an tịnh, thì Nhị Kiều dù có nấu cơm, ẵm con cũng viết tuồng như ai”.

QUANG TÁM - BBD


http://www.baobinhduong.org
mailoves 07.02.2009 06:15:29 (permalink)
Thưa cô, nhìn hình cưới của đôi tài tử Hùng và Vân thì người nào cũng đẹp cả, chỉ riêng cô Mười Một , cháu thấy hơi bị chán cô ah, cô thông cảm nhé
hihihi
Viet duong nhan 20.05.2009 08:28:48 (permalink)
 
SINH NHẬT LẦN THỨ 100 - CÔ BẢY PHÙNG HÁ 
2009-04-29 22:10:45

VÕ ĐẮC DANH

 "......Chồng , con, và cả những người tình cũng lần lượt đi về bên kia thế giới. Theo thuyết giáo của nhà Phật, khi ta sống, cái gì ta cho thì cái đó chính là tài sản, ở lại với ta. Phải chăng, những thứ quý giá mà cô đã cho, đó chính là những vai diễn, những môn sinh mà Cô đã nhọc công đào tạo để làm nên một thế hệ cải lương vàng son, vang bóng một thời...."

TRĂM NĂM NHÌN LẠI
 
Ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Những năm cuối thế kỷ XIX, ông đi làm thuê cho một vựa trái cây ở Quảng Tây, một buổi tối, ông nghịch ngợm lấy viên pháo nhét vào bính tóc của một người bạn rồi châm tàn thuốc lên ngòi pháo, pháo nổ, bính tóc bay mất. Chuyện chỉ có vậy, nhưng ông bị nhà chức trách truy nã về tội mưu sát,  phải rời bỏ nhà cửa, vợ con và tổ quốc để làm kẻ lưu vong sang ViệtNam. Đến Mỹ Tho, ông làm nghề mua bán thịt bò. Tại đây, ông kết hôn với bà Lê Thị Mai, một thôn nữ đẹp người đẹp nết ở làng Điều Hòa và sinh được bảy người con, bốn trai ba gái.


Câu chuyện về ông sẽ không được ai biết đến, sẽ không có gì để kể thêm. Nhưng chính cái ngả rẽ vô tình của cuộc đời ông lại là cội nguồn của nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há. Khác với những người Hoa khác, con cái của ông Trưởng lớn lên đều được ông đưa về cho bà vợ lớn ở cố hương để học ngôn ngữ và lễ nghi Trung Quốc, sau đó muốn ở lại hay trở qua Việt Nam thì tùy theo điều kiện và ý thích của mỗi người. Năm 1915, ông Trưởng qua đời trong khi đang trở thành một người giàu có ở Mỹ Tho: Một lò gạch, một xưởng cưa và một trang trại nuôi bò. Cô Bảy Phùng Há lúc bấy giờ mới lên năm tuổi. Ông Trương Tích Kỳ, con trai đầu của ông Trưởng cùng với chú ruột là Trương Nhân Bá đã lập mưu chiếm đoạt cơ ngơi bằng cách giao cho bà Mai cùng với cô Bảy và người em út là Trương Nguyệt Hảo mang bộ hài cốt hỏa táng của ông Trưởng về Hạc Sơn an táng và ở lại bên ấy để thọ tang. Năm ấy, ở Quảng Đông xảy ra trận dịch đậu mùa, hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó có Trương Nguyệt Hảo. Cô Bảy thoát chết nhưng mang trên gương mặt trẻ thơ lớm đớm vết rỗ hoa mè. Sống trong cảnh làm thiếp mà không chồng, bà Mai không chịu nổi những tập tục, lễ nghi phong kiến hà khắc của gia đình Tàu mà mọi quyền hành nằm trong tay bà chánh thất, bà Mai khóc thầm trong đau khổ, muốn trốn về quê mà túi lại không tiền. Hiểu được cảnh ấy, người con gái thứ tư của bà là Trương Liên Hảo, đang làm dâu một nhà hào phú ở Hạc Sơn, đã lén chồng bán của hồi môn để mua vé tàu cho mẹ và em về nước. Trên chuyến tàu Tây hôm ấy, mấy bà đầm phát hiện Cô Bảy Phùng Há mắc bệnh đậu mùa, họ la chóe lên, hành khách xôn xao, thủy thủ đoàn kéo cô quăng xuống biển, mẹ cô lạy lục van xin, những hành khách người Việt và người Hoa đứng ra ngăn cản. Cuối cùng họ đồng ý cho cô đi nhưng hai mẹ con cô phải cách ly, ngồi vào một góc xa phía sau hầm máy.


Về đến Mỹ Tho, bà Mai mới tá hỏa ra rằng mình không còn quyền hành gì trong ngôi nhà cũ, và tất cả cơ nghiệp của ông Trưởng đã thuộc về người em ch?= ??ng và đứa con trai. Sống trong nhà mình mà con trai và con dâu luôn nặng lời chửi em mắng mẹ. Một hôm, Trương Tích Kỳ ném cho bà Mai hai chiếc vé tàu và mấy đồng lộ phí buộc bà và Cô Bảy Phùng Há trở về Hạc Sơn. Bà Mai tức tửi, nghẹn ngào dắt con gái về làng cũ Điều Hòa, tá túc trong căn chòi xơ xác của người mẹ mù lòa. Bà bị suy sụp rồi lâm bệnh. Cô Bảy Phùng Há – cô bé Trương Phụng Hảo lúc ấy – đành phải chạy ra tìm anh Hai để xin tiền lo thuốc thang, ăn uống cho mẹ và ngọai. Trong cơn say sượu và thuốc phiện, ông Kỳ đã không cho tiền mà còn nặng lời trách mắng vì đã không về Hạc Sơn theo ý muốn của ông. Cô chạy sang nhà của cha mình mà bây giờ đã thuộc về tay người chú ruột để khóc than, ông Nhân ném cho một đồng rưỡi, ông hứa mỗi tháng sẽ cấp cho mẹ con cô từ một đồng rưỡi đến hai đồng.


Bà ngoại qua đời, hai mẹ con cô tiếp tục sống trong căn chòi hiu quạnh, xác xơ, bữa rau bữa cháo. Dù trong cảnh nghèo đói, khổ đau, nhưng bà Mai vẫn vắt kiệt sức mình trong một tiệm thêu để cho con gái được đến trường. Một người bạn cũ của ông Trưởng đã giúp Cô Bảy được vào học miễn phí ở trường Ecole Jeunes Filles – một trường tiểu học của Pháp tại Mỹ Tho. Và tại nơi đây, Cô Bảy Phùng Há đã bắt đầu nổi tiếng về năng khiếu ca hát của mình. Nhưng cũng chính vì cái năng khiếu ấy mà Cô đã bị đuổi ra khỏi trường khi chưa học xong chương trình tiểu học. Hôm ấy, bà đốc học La Fuste đi vắng, bà Giáo Kỳ vốn mê giọng hát của Trương Phụng Hảo nên tổ chức cho cô hát trong giờ học của bà. Phòng học nằm cạnh ven đườ= ng nên khi cô hát, người qua đường cũng đứng lại xem, rồi những tràng pháo tay vang lên. Bất ngờ, ông chánh thanh tra Ty giáo huấn ghé qua, ông buộc tội học trò Trương Phụng Hảo làm mất trật tự học đường. Bị đuổi học, Cô Bảy Phùng Há chợt nhớ lời một nữ tu hồi cô còn học bên trường Giồng: “Con hát hay lắm, nhưng chính giọng hát của con sau nầy sẽ làm khổ đời con”.


Thật ra, lúc ấy nếu Cô không bị đuổi học thì cũng không còn điều kiện nào để học. Mẹ Cô vì lao lực lẫn lao tâm mà kiệt sức, nay ốm mai đau. Để có từng bữa ăn cho hai mẹ con, Cô Bảy phải lặn hụp dưới từng con rạch, dòng sông để kiếm từng con cá bống, con tép, con cua, đi móc từng trái dừa thuê cho các chủ vườn để mua cho mẹ từng thang thuốc bắc. Một hôm, có bà láng giềng tốt bụng đã giới thiệu Cô vào làm công cho lò gạch của ông Bang Hoạch. Cứ in một trăm viên gạch, Cô được trả ba xu. Với sức vóc của cô bé lên mười, mỗi ngày Cô kiếm chưa được mười xu, nghĩa là chưa đầy một cắc bạc. Nghĩ mình từng là con của ông chủ lò gạch, bỗng dưng lại trắng tay, giờ phải ngồi in từng viên gạch, chắt mót từng đồng xu ở một lò gạch khác, lòng Cô cứ ngậm ngùi, buồn chán cho thân phận, Cô vừa làm vừa nghêu ngao hát như một sự giải bày. Nhưng mỗi lần Cô hát thì cả nhóm thợ lắng nghe. Tiếng hát của cô đã gieo vào lòng người một niềm cảm xúc đến nao lòng. Mấy chị bảo: “Từ nay em không phải làm nữa, cứ vào đây ngồi hát cho mấy chị nghe, mấy chị sẽ làm thay phần việc cho em”.


Như vậy là, tiếng hát của Cô đã nuôi sống mẹ con Cô từ năm mười một, mười hai tuổi, để rồi từ nơi ấy, từ cái lò gạch ấy, tiếng hát của Cô mỗi ngày cứ vang lên, bay cao và bay xa hơn, khắp mọi miền Tổ quốc, vượt cả không gian và cả thời gian để trở thành cây đại thụ của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.


*


Có những lúc Cô đang hát say sưa thì bất chợt nhìn thấy một người đàn ông đứng trước cửa lò gạch nhìn vào, say sưa nghe cô hát Nhiều lần, khi Cô đang ngồi hát say sưa thì chợt thấy từ phía cửa sổ hành lang lò gạch có một người đàn ông lặng nhìn say sưa nghe cô hát. Rồi cũng bất chợt một buổi chiều khi đi làm về thì thấy người đàn ông ấy đã có mặt trong nhà cô. Mẹ Cô cho biết đó là ông Hai Cu, chủ tiệm vàng kiêm bầu gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho. Gánh Tái Đồng Ban đang gặp sự cố, con trai ông, kép hát Hai Gỏi vừa mới qua đời, người tình của anh là Cô Năm Phỉ, đào chánh, đã buồn bã ra đi. Trong khi ông đi tìm đào thay cho Năm Phỉ thì có người nói với ông rằng “Trong lò gạch của ông Bang Họach có con bé xẩm lai hát còn mùi hơn cô Năm Phỉ”.. Ông không tin nhưng vẫn tìm đến để cầu may. Nhưng ngay từ hôm đầu tiên đứng ngòai cửa sổ lò gạch trộm nhìn nghe Cô hát, ông đã bị hốt hồn. Một lần, hai lần, rồi ba lần . . . cứ đứng lặng người nhìn Cô say sưa hát, tiếng hát thanh cao, khi trầm khi bổng, khi quặng thắt lòng người, đôi mắt cứ lững lờ, rười rượi nỗi sầu tư, chơi vơi trong cõi hư vô khiến cho ông Hai như muốn thốt lên rằng, con ơi, con không chỉ là một thiên thần bé bỏng mà là dấu hiệu của một tài năng. Bà Mai không bằng lòng cho con mình đi theo Tái Đồng Ban bởi hai lẽ: Thứ nhất, Cô Bảy chỉ mới mười ba tuổi, thứ hai, mới mười ba tuổi mà đã dấn thân vào con đường “xướng ca vô lọai” thì ắt phải hổ danh trong cái nhìn phong kiến lúc bấy giờ. Nhưng Cô Bảy thì cương quy= ết: “ Con không chịu nổi cái lò gạch, con phải đi hát để có tiền nuôi mẹ, ai cười chê mặc kệ, họ cười chê chớ họ có giúp mình đâu khi mẹ đói, mẹ đau”. Ông Hai ra giá tám cắc bạc cho mỗi đêm hát, ngày nuôi hai bữa cơm. Cô Bảy nghe mà mừng trong bụng khi nghĩ đến cái thực tại ngồi ép gạch suốt ngày chưa được một cắc, cơm thì bữa đói bữa no, mẹ ốm đau không đủ tiền mua thuốc, nợ nần chồng chất không biết trả đến kiếp nào. Cô nói với ông Hai: “Con đồng ý nhưng xin ông hai điều kiện, thứ nhất ông cho mẹ con theo gánh hát để con chăm sóc, thứ hai, ông cho con mượn trước năm mươi đồng để mẹ con trả nợ”.


Từ cái ngả rẽ bất ngờ của buổi chiều hôm ấy, Cô Bảy Phùng Há trở thành đào chánh của Tái Đồng Ban thay cho Cô Năm Phỉ và nổi danh với nhân vật Thúy Kiều, năm ấy, năm 1924, Cô mới tròn mười ba tuổi. Từ một quyết định giản đơn: “Đi hát để kiếm tiền nuôi mẹ”, Cô Bảy Phùng Há đã trở thành ngôi sao sáng rực của bầu trời sân khấu cải lương, và, cũng chính cô là người đã góp sức, góp công, góp cả lòng tâm huyết để nâng niu, nuôi dưỡng nền nghệ thuật nầy từ buổi sơ khai cho đến lúc trưởng thành, đứng trên đỉnh vinh quang. Hơn nửa thế kỷ đắm mình với ánh đèn sân khâu, làm rạng rỡ tên tuổi của hàng chục đoàn hát, từ Tái Đồng ban đến Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú, Việt Kịch Năm Châu . . ., hóa thân với hàng trăm nhân vật, mà nhân vật nào, dù nam hay nữ, dù danh tướng hay mỹ nhân cũng được Cô Bảy Phùng Há cũng lột tả đến tận cùng tính cánh và số phận. Oai phong, lẫm liệt với Lữ Bố, Phạm Lãi, An Lộc Sơn; đằm thắm, kiêu sa, ngọt ngào, ai oán với Vương Thúy Kiều, với Nguyện Nga, với Dương Quý Phi, với Tô Ánh Nguyệt . . . Phùng Há đã làm nên tất cả những vai diễn, và tất cả những vai diễn ấy đã làm nên một Nghệ Sĩ Nhân Dân Phùng Há.


Những  mề-đai, Huân chương, Huy chương của chính phủ Pháp, của toàn quyền Đông Dương, của thống đốc Nam kỳ, của vua Bảo Đại, vua Miên, vua Lào, vua Thái Lan, của Chính phủ Trung Hoa, Hungragri, Ba Lan, Mạc Tư Khoa, Budapest, Prague, Moscou, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha .. . . chứng tỏ một tài năng sân khấu cải lương đã vượt không gian quốc gia, làm rạng rỡ nền nghệ thuật nước nhà.


Thế nhưng “Hồng nhan đa truân”, cuộc đời bà không có mối tình nào trọn vẹn.. Ngay từ những năm đầu đến với Tái Đồng Ban, sắc đẹp của bà đã làm ngẩn ngơ hai người thầy, một người dạy ca và một người dạy diễn: Huỳnh Thủ Trung và Năm Châu. Khi Năm Châu đang ôm mối tình câm chưa kịp nói ra thì Huỳnh Thủ Trung tuyên bố cưới cô Phùng Há. Năm Châu thất tình ra đi. Cô Bảy Phùng Há sống với Huỳnh Thủ Trung có một người con rồi chia tay vì không chịu nổi người chồng suốt ngày ngồi trong quán rượu, những chuyện ngoại tình, những trận đòn roi. Khi Năm Châu đang lưu lạc với một đoàn cải lương ngoài Bắc, được tin Cô Bảy Phùng Há thôi chồng và chuyển qua đoàn khác. Ông trở về, tìm gánh hát Trần Đắc với hy vọng nối lại tình xưa. Nhưng đò tình thêm một lần lỡ chuyến. Cô Bảy Phùng Há đã làm vợ của Bạch Công Tử và lập gánh hát Huỳnh Kỳ.


Bạch Công Tử - tức Lê Công Phước, còn gọi là George Phước, con trai của Đốc Phủ sứ Mỹ Tho Lê Công Sũng – sau khi chiếm được trái tim của Cô Bảy Phùng Há đã bỏ ra năm trăm đồng trả nợ cho Cô, chuộc Cô ra khỏi gánh Trần Đắc, lập gánh Huỳnh Kỳ cho Cô làm chủ gánh. Thời ấy, giao thông cách trở, các gánh hát lưu diễn phải thuê ghe lườn vận chuyển sân khấu, công nhân và đào kép. Bạch Công Tử đã trang bị cho Huỳnh Kỳ bốn chiếc ghe chài, ba chiếc chở đồ đạc, đào kép và công nhân, một chiếc dành riêng cho đào chánh kiêm chủ bầu Phùng Há với đầy đủ tiện nghi như một tòa lâu đài di động. Có tiền bạc, có phương tiện, Cô Bảy Phùng Há chiêu mộ những đào kép nổi danh, Huỳnh Kỳ thống lĩnh nghệ thuật sân khấu cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh. Nhưng chỉ được bảy năm, Bạch Công Tử sa vào con đường ăn chơi sa đọa, bao nhiêu tiền của ông ném vào sòng bạc, tiệm hút, gái tơ. Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, Cô Bảy ôm hai đứa con đau ốm cùng với bốn chiếc ghe chài  nằm chơi vơi dưới chợ cầu Ông Lãnh. Trong cảnh khốn cùng, một người quen giúp cô ẳm con đi tìm chồng thì gặp Bạch Công Tử đang vui sống với một cô gái khác, một giai nhân nổi tiếng tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. Ông không quan tâm đến con mà lại trách mắng cô thiếu lịch sự, làm như thế là mất mặt ông với bạn gái của mình. Cô nuốt nước mắt ra về. Rồi cả hai đứa con lần lượt chết trên tay Cô trong cảnh không tiền chạy chữa, Cô đành phải chia tay với Bạch Công Tử để làm lại cuộc đời.


*


Người chồng thứ ba của Cô Bảy Phùng Há là kiến trúc sư Hoàng Phi, con trai một quan huyện ở Gò= Công, cũng là bạn thân với Bạch Công Tử.


Sau năm 1945, Bạch Công Tử vừa bị phá sản, vừa nghiện ngập, vừa lâm bệnh ngặt nghèo không tiền chạy chữa. Nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, Cô Bảy xin phép chồng đem ông về nuôi dưỡng trong nhà tại số 3 đường Ngô Tùng Châu, Sài Gòn.. Năm 1950, Bạch Công Tử qua đời trong cảnh không có đất để chôn. Cô Bảy lại xin phép chồng đưa ông về an nghỉ trên đất nhà chồng ở Gò Công, và nhờ người con riêng của chồng trông coi mộ.


Hỏi vì sao cô chia tay với ông Hoàng Phi, cô không nói. Cô chỉ nói đó là một người trí thức và tử tế.


Với nghệ sĩ Năm Châu, Cô Bảy cho rằng đó là một chuyện tình buồn và đẹp, cứ chập chờn, chập chờn như con đò lỡ chuyến suốt sáu mươi năm. Năm 1953, ngẫu nhiên Cô và Năm Châu đầu quân trở lại gánh Trần Đắc. Vở Mộc Quế Anh đã đưa ngôi vị của Phùng Há-Năm Châu thành đôi bạn diễn ăn ý số một của sân khấu cải lư?= ?ng. Cô cảm nhận đó là tình yêu, cả hai đã trút cạn tình yêu cho nhau qua vai diễn, những điều khát khao mà chưa bao giờ được nói với nhau. Nhưng khi bước ra phía sau bức màn nhung thì cô cảm nhận được ánh mắt chừng như mất vui, chừng như có chút hờn ghen của nghệ sĩ Kim Cúc, bạn Cô, cũng là vợ của nghệ sĩ Năm Châu. Biết lửa gần rơm rồi sẽ cháy. Cô rời gánh Trần Đắc, lặng lẽ ra đi để bảo vệ hạnh phúc của bạn mình. Cô hiểu tình yêu của nghệ sĩ Năm Châu đối với cô càng ngày càng sâu nặng. Ông viết những vở tuồng Nợ Dâu, Men Rượu Hương Tình, Sân Khấu Về Khuya như để gởi gấm, để giải bày, như để hờn trách sự lạnh lùng, bạc bẽo của Cô.


Ngày nghệ sĩ Năm Châu hấp hối, Cô chạy như điên, lê lết trên từng bậc cầu thang trong bệnh viện. Bất chấp sự có mặt của mọi người, Cô ôm chầm lấy ông, Cô gào thét: “Khoan, anh khoan hãy đi, anh hãy nghe em nói rồi mới yên lòng ra đi, em biết anh hận em, nhưng em không phải là kẻ vô tình, em làm như vậy là em hy sinh vì hạnh phúc của gia đình anh, vì vợ con anh. Anh biết không, tới giờ phút nầy em vẫn yêu anh . . .”


Chồng , con, và cả những người tình cũng lần lượt đi về bên kia thế giới. Theo thuyết giáo của nhà Phật, khi ta sống, cái gì ta cho thì cái đó chính là tài sản, ở lại với ta. Phải chăng, những thứ quý giá mà cô đã cho, đó chính là những vai diễn, những môn sinh mà Cô đã nhọc công đào tạo để làm nên một thế hệ cải lương vàng son, vang bóng một thời. Một ngôi chùa nghệ sĩ, một nghĩa trang nghệ sĩ với bốn trăm ngôi mộ và gần bốn trăm bộ hài cốt, Cô như người tự nguyện đi trước về sau, níu kéo thời gian đến tuổi 99 nầy để làm điều đó, làm cho trọn tình trọn nghĩa với thế hệ mình và cả thế hệ cháu con.


Phải, tất cả những gì mà Cô đã cho, tất cả đã và đang ở lại với Cô, bây giờ và mãi mãi.

ST
#195
    Thay đổi trang: << < 131415 > | Trang 13 của 15 trang, bài viết từ 181 đến 195 trên tổng số 225 bài trong đề mục
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9