Nhạc Cụ Dân Tộc
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 7 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 100 bài trong đề mục
mickey 01.07.2005 07:58:03 (permalink)
Pí Láo Nọi

Pí Láo Nọi là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, phổ biến ở dân tộc Thái, vùng Tây Bắc.

Pí Láo Nọi làm bằng một đoạn nứa có chiều dài 35 - 40 cm, đường kính 0,6 cm, một đầu có mấu kín. Ngay sát mấu người ta tách từ thân ống 1 mảnh hình chữ nhật có kích thước 2,6 cm x 0,4 cm, một cạnh nhỏ vẫn dính vào thân ống (mảnh tách này chính là lưỡi gà). Pí Láo Nọi có 7 lỗ bấm, 1 lỗ trên cùng nằm ở mặt sau thân ống, còn 6 lỗ tiếp theo nằm thẳng hàng với lưỡi gà. Hàng âm của Pí Láo Nọi như sau:

Sol, Do1, Rê1, Mi1, Sol1, La1, Si1, Do2.

Người ta thổi Pí Láo Nọi bằng cách ngậm kín phần lưỡi gà rồi thổi hơi ra, kết hợp bịt, mở các lỗ bấm.

Âm sắc của Pí Láo Nọi giòn, rè, tiếng vang, trong, trữ tình phù hợp với những bản nhạc có tình cảm sâu lắng êm dịu.

Là nhạc cụ độc tấu, đệm cho hát do nam giới sử dụng, Pí Láo Nọi đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt giao duyên của các chàng trai Thái.



[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/D0AB4744F63D41B481B0197BFC154801.jpg[/image]
Attached Image(s)
#46
    mickey 01.07.2005 07:59:17 (permalink)
    Pí Đôi

    Pí Đôi là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà. Đây là nhạc cụ khá phổ biến ở đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là Thái Tây Bắc.


    Pí Đôi làm bằng 2 ống nứa tép được buộc ghép song song, đường kính 1 cm, cùng chiều dài 30 - 35 cm, mỗi đầu ống đều có mấu kín. Ngay sát chỗ mấu ở mỗi ống người ta khoét một lỗ hình chữ nhật kích thước 0,4 cm x 1,5 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân của một ống người ta khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm trên cùng nằm ở mặt sau thân ống cách lưỡi gà 7 cm, 5 lỗ tiếp theo nằm thẳng hàng với lưỡi gà. Chỗ 2 thành ống giáp nhau cách lỗ thổi 13 cm, người ta khoét 2 lỗ thông nhau, khi thổi lỗ này sẽ cho 1 âm nền trì tục. Trật tự hàng âm của Pí Đôi như sau:

    Do1, Sol1, La1, Do2, Rê2, Mi2, Fa2.

    Khi chơi Pí Đôi người ta đặt dọc thân Pí, miệng ngậm kín đầu ống có gắn lưỡi gà rồi thổi. Pí Đôi có các kỹ thuật rung, luyến, láy, nhấn hơi, nén hơi. Âm thanh của Pí Đôi vang, trong, có pha chất bồi âm nghe trữ tình nhưng sôi nổi, lại có chất rè giòn của bè nền trì tục.

    Pí Đôi là nhạc cụ dùng trong sinh hoạt giao duyên do nam giới sử dụng đệm cho nữ giới hát. Cũng có khi Pí Đôi dùng để độc tấu bằng cách thổi lại giai điệu phần hát đó, nhưng giai điệu đã có những thay đổi nhất định.

    Pí Đôi là nhạc cụ hơi được các chàng trai Thái ưa thích, có lẽ bởi Pí Đôi còn là tiếng nói giao duyên, là nhịp cầu nối quan hệ giữa các chàng trai với các cô gái.



    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/2844B383065D4264964F42FC09336BAA.jpg[/image]
    Attached Image(s)
    #47
      mickey 01.07.2005 08:00:20 (permalink)
      Pí Me

      Pí Me hoặc Pí Lự là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà của dân tộc Lự ở Lai Châu - Sơn La thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam.

      Pí Me được làm từ một ống nứa, hoặc trúc có chiều dài khoảng 50 - 70 cm, đường kính 1,5 cm, một đầu có mấu kín. Ngay chỗ mấu người ta trổ thủng 1 lỗ hình chữ nhật có kích thước 1cm x 2,5 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân ống có khoét 7 lỗ bấm, lỗ thứ nhất ở mặt sau thân ống cách lưỡi gà 29 cm, lỗ thứ 2 ở mặt trước cách lỗ thứ nhất 2 cm, 5 lỗ còn lại nằm thẳng hàng với lỗ thứ 2 và cách đều nhau (3 cm), riêng lỗ 4 và 5 cách nhau 6 cm.


      Pí Me (Pí Lự) có hàng âm như sau:

      Do1, Re1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1

      Người ta thổi Pí Me bằng cách đặt dọc thân Pí xuống, miệng ngậm kín phần ống có gắn lưỡi gà ngập trong miệng, rồi thổi truyền hơi ra liên tục làm sao cho tiếng Pí không ngắt khi thổi.

      Âm thanh của Pí Me giòn, rè có pha chất bồi âm, tiếng trong trữ tình phù hợp với các bài có tình cảm sâu lắng, êm dịu.

      Pí Me là nhạc cụ dùng để độc tấu, hòa tấu, do nam giới sử dụng trong sinh hoạt giao duyên. Ngoài việc diễn tấu Pí Me còn là phương tiện để các chàng trai nói thay lời mình với các cô gái.



      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/6A563B2609574CA59077B31A3FDACDE9.jpg[/image]
      Attached Image(s)
      #48
        mickey 01.07.2005 08:01:45 (permalink)
        Pí Lao Luông

        Pí Lao Luông là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, phổ biến ở người Thái tỉnh Sơn La.

        Pí Lao Luông được làm bằng một ống nứa có chiều dài khoảng 78 - 80 cm, đường kính 1,5 cm, một đầu có mấu kín. Ngay sát mấu người ta khoét một lỗ hình chữ nhật có kích thước 0,7 cm x 2 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân ống có 7 lỗ bấm. Lỗ bấm thứ nhất ở mặt sau thân ống cách chỗ thổi là 24 cm, lỗ thứ 2 ở mặt trước cách lỗ bấm thứ nhất 3 cm, 5 lỗ còn lại nằm thẳng hàng với lỗ thứ 2 và cách đều nhau (3 cm), riêng lỗ 4 và 5 cách nhau 6 cm. ở quãng giữa lưỡi gà và lỗ bấm thứ 2 người ta khoét thêm một lỗ, dùng sáp ong đen đắp thành gò quanh miệng lỗ rồi lấy màng mỏng ruột nứa hay vỏ trứng nhện phủ lên. Khi thổi màng này rung tự do làm cho âm thanh rè.

        Pí Lao Luông có hàng âm như sau:

        La, Do1, Re1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1, Do2.

        Người ta thổi Pí Lao Luông bằng cách đặt pí sang phải hơi chéo xuống, miệng ngậm hết phần lưỡi gà rồi thổi truyền hơi ra liên tục làm sao cho tiếng pí không ngắt khi thổi.

        Là nhạc cụ dùng trong sinh hoạt giao duyên do nam giới sử dụng. Pí Lao Luông đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt thường ngày của các chàng trai Thái.



        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/D5843CD8CF724DE298F1288A79A10517.jpg[/image]
        Attached Image(s)
        #49
          mickey 01.07.2005 08:02:44 (permalink)
          Púa

          Púa là nhạc cụ họ hơi, chi hơi môi của dân tộc H'mông-một dân tộc sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

          Púa làm bằng hai đoạn ống được cuốn bằng lá đồng mỏng một ống to, một ống nhỏ. Đoạn ống nhỏ dài 72 cm, đường kính 3 cm, một đầu có gắn một miếng đồng tròn làm búp để tì môi khi thổi, đầu kia lồng khít vào trong đầu nhỏ của đoạn ống to. Đoạn ống to thân ống hình trụ tròn dài 61 cm. Đầu to còn lại nối liền với 1 cái loa có chiều dài 7 cm, đường kính miệng loa 16, 5 cm.

          Khi thổi Púa, người thổi phải ở tư thế đứng, 2 tay đỡ thân Púa. Đặt hai môi trực tiếp vào miệng thổi, thổi luồng hơi làm chấn động cột không khí, tạo nên âm thanh. Âm thanh của Púa to, khoẻ, vang xa, có chất rè của kèn đồng.

          Púa là nhạc cụ do nam giới sử dụng, thường thổi riêng để thông tin hoặc hòa tấu với trống, thanh la, chũm chọe, xi - u trong những nghi lễ của đám tang khi cúng linh hồn, lễ dâng rượu hay khi mổ bò, dê làm vật dâng hiến.



          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/6436EB324B3B4772A1B2F8C821346082.jpg[/image]
          Attached Image(s)
          #50
            mickey 01.07.2005 08:04:17 (permalink)
            Sáo diều

            Là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa của dân tộc Việt. Thân sáo được làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài 30 - 55 cm, đường kính 5 - 11 cm. ở giữa thân sáo người ta khoét 4 lỗ hình chữ nhật để buộc vào thân diều, hai đầu đều có một lỗ thổi hình chữ nhật để đón gió lùa vào. Gió càng mạnh thì diều càng lên cao, tiếng sáo càng vang xa.

            Sáo diều thường ngân vang trên xóm làng quê hương trên cánh đồng bát ngát vào những chiều hè gió mát, những đêm trǎng sáng, hoặc dùng trong sinh hoạt vui chơi giải trí.



            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/B45EB51BB17142F7978D7F20E5031F0D.jpg[/image]
            Attached Image(s)
            #51
              mickey 01.07.2005 08:05:40 (permalink)
              Sáo trúc

              Sáo trúc là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi hơi vòm của dân tộc Việt. Đặc biệt rất được phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam.

              Sáo được làm bằng một đoạn ống trúc, hoặc nứa có chiều dài 40 - 55 cm, đường kính 1,5 - 2 cm. ở phía đầu ống có một lỗ hình bầu dục đó là lỗ thổi. Trong lòng ngay gần lỗ thổi được chặn bằng một mẩu nút bấc hoặc gỗ mềm để điều chỉnh độ cao thấp khi cần thết. Thẳng hàng với lỗ thổi có khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm thứ nhất cách lỗ thổi 12 cm, các lỗ bấm còn lại cách đều nhau (1 cm). Mở dần các ngón ở 6 lỗ bấm ta sẽ có các âm Do1, Rê1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1, Do2. Phía sau cuối ống sáo có một lỗ không bấm là lỗ định âm.


              Khi thổi sáo, thân sáo đặt ngang sang bên phải, miệng đặt lên lỗ thổi. Người thổi sáo có thể điều chỉnh luồng hơi (rót hơi yếu đường hơi đi từ từ và yếu, rót hơi mạnh đường hơi đi nhanh và mạnh). Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc chèo, hát vǎn, tiểu nhạc.

              Khoảng cuối thập kỷ 70 nghệ sĩ Đinh Thìn và Ngô Nam đã cải tiến cây sáo 6 lỗ thành sáo 10 lỗ để mở rộng âm vực, cho các nghệ sỹ chơi những tác phẩm tương đối dễ dàng hơn như "Tiếng gọi mùa xuân" của Đinh Thìn, "Tình quê" của Hoàng Đạm, "Tiếng sáo bản Mèo" của Ngọc Phan v,v...



              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/FF11705EA76949779430E6BCCB859692.jpg[/image]
              Attached Image(s)
              #52
                mickey 01.07.2005 08:07:19 (permalink)
                Tiêu

                Tiêu là loại sáo thổi dọc trung âm của dân tộc Việt. Tiêu được làm bằng thân ống nứa. Một đầu có mấu, đường kính 2 cm, dài 45 cm. Bên gờ miệng ống người ta khoét một lỗ hình bán nguyệt để thổi, thẳng hàng với lỗ thổi có 4 lỗ hình tròn, còn hai lỗ khoét ở mặt sau do ngón tay cái phụ trách. Sở dĩ phải khoét 2 lỗ bấm ở phía sau vì ống tiêu dài, đường kính rộng, muốn đạt được các âm theo yêu cầu, các lỗ bấm phải khoét cách xa nhau, nếu 6 lỗ đều khoét trên một hàng thẳng, các ngón tay không đủ sức gang ra để bấm. Khi thổi người ta cầm dọc ống tiêu và tỳ cằm vào gần lỗ thổi để tạo ra âm thanh. Âm thanh của Tiêu nghe trầm, ấm.

                Tiêu tham gia trong dàn nhạc tài tử, ban nhạc tang lễ, phường bát âm, dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng. Ngày nay, Tiêu đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp hòa tấu.



                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/04C3D1922BCE4FFF936D6F19D5CFF5A7.jpg[/image]
                Attached Image(s)
                #53
                  mickey 01.07.2005 08:08:18 (permalink)
                  Bỉ đôi

                  Là nhạc cụ họ hơi chi dǎm kép của dân tộc Mường.

                  Bỉ Đôi gồm hai ống nứa hoặc trúc nghép vào nhau, dài 27,5 cm, đường kính 0,5 cm. Trên thân ống khoét 7 lỗ bấm trên, 1 lỗ bấm dưới. Khi thổi hai ống phát ra đồng âm. Bỉ Đôi là nhạc cụ dùng trong tang ma, cúng lễ và trong sinh hoạt đời thường.

                  [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/61CBF639BE7E47FC87127E682BCC3BF5.jpg[/image]
                  Attached Image(s)
                  #54
                    mickey 01.07.2005 08:10:05 (permalink)
                    Kềnh

                    Kềnh là loại khèn hơi đa thanh chi lưỡi gà rung tự do của dân tộc H’mông.

                    Kềnh gồm 6 ống trúc hoặc nứa đường kính 1 - 1,5 cm, dài 48 - 97 cm (khèn cao); 60 - 120 cm (khèn trầm). Các ống trúc ghép thành hai hàng song song xuyên qua một bầu gỗ dài 74 cm (ống thổi), 5 ống nhỏ mỗi ống có 1 lưỡi gà bằng đồng, 1 ống to có 2 lưỡi gà. Là nhạc cụ dành cho nam giới dùng để độc tấu, hòa tấu và đệm cho múa, âm thanh của kềnh vui khoẻ, nhịp nhàng rất phù hợp trong sinh hoạt vui chơi trong những ngày hội vui, trong sinh hoạt giao duyên của thanh niên H’mông.



                    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/BA4E86D6776B4980986F1A8AE5DED03A.jpg[/image]
                    Attached Image(s)
                    #55
                      mickey 01.07.2005 08:11:27 (permalink)
                      Đing jơng (Đing téc)

                      Là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa của dân tộc Gia Rai.

                      Đing jơng gồm 13 ống nứa (hai đầu thông nhau) dài từ 23 - 119 cm, đường kính 1,9 cm. Các ống nứa được bó lại với nhau thành 3 hàng xắp xếp theo thứ tự từ ngắn đến dài. Là nhạc cụ dành cho nữ giới. Âm thanh Đing jơng nghe mờ ảo, thì thầm, nhè nhẹ như gió thoảng bởi cách đẩy hơi lướt trên các miệng ống.



                      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/83756490B0684406AA0782C4A3C661B4.jpg[/image]
                      Attached Image(s)
                      #56
                        mickey 01.07.2005 08:12:32 (permalink)
                        Ưng Quái

                        Ưng Quái - nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do, là nhạc cụ độc tấu dùng trong sinh hoạt thường ngày của dân tộc Cơtu.

                        Ưng Quái được làm bằng một mảnh đồng dát mỏng hình chiếc lá tre dài 8 cm, ở giữa mảnh đồng người ta cắt rời hai đường chéo tạo thành một hình tam giác (cạnh đáy vẫn dính vào thân đàn) làm lưỡi gà. Khi sử dụng người chơi đàn đặt hờ đàn vào giữa hai môi, dùng ngón tày bật vào đầu đàn làm rung bộ phận tam giác tạo ra các âm thanh vang lên trong khoang miệng



                        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/9C55DD7AC5DF498ABB3EF2EB143D5E79.jpg[/image]
                        Attached Image(s)
                        #57
                          mickey 01.07.2005 08:13:38 (permalink)
                          Đing Tút

                          Đing tút là nhạc cụ họ hơi, chi vòm của dân tộc Êđê.

                          Đing tút gồm 6 ống nứa (một đầu kín) dài 21 - 36,5 cm, đường kính 1,8 - 2,5 cm. Là nhạc cụ chỉ dành cho nữ giới sử dụng để hòa tấu trong nghi lễ phong tục. Khi chơi Đing tút, 6 cô gái mỗi người một ống đặt môi lên miệng ống và chụm môi để thổi, lòng bàn tay làm động tác bịt, mở tạo nên những âm láy rền.



                          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/2F6BE9451F654D4EA548EA1042E5217E.jpg[/image]
                          Attached Image(s)
                          #58
                            mickey 01.07.2005 08:14:56 (permalink)
                            Pí thiu

                            Pí Thiu hoặc Pí Khúi là tên gọi một nhạc cụ hơi thổi rất được thanh niên dân tộc Thái ưa thích. Vào những đêm trǎng sáng tiếng Pí Thiu của các chàng trai cất lên nhè nhẹ thường làm mềm lòng các thiếu nữ tuổi trǎng tròn.

                            Pí Thiu được làm bằng một loại nứa nhỏ. Thân Pí là một dóng nứa có chiều dài 71 - 75 cm, đường kính khoảng 1,5 cm, một đầu có mấu kín, còn một đầu không mấu. ở mép mấu có một lỗ hình bán nguyệt đó là lỗ thổi vòm. Pí Thiu có 4 lỗ bấm nằm thẳng hàng với lỗ thổi vòm, lỗ bấm thứ nhất cách lỗ thổi vòm 34 cm, các lỗ bấm còn lại cách đều nhau (6 cm).

                            Pí Thiu là loại nhạc cụ họ hơi chi lỗ vòm (sáo thổi dọc). Khi thổi Pí Thiu, người ta tì cằm lên đầu ống, chúm môi tạo luồng hơi thổi chéo vào lỗ vòm, làm chuyển động cột không khí trong ống. Theo một nguyên tắc đóng mở ống và kết hợp với lực độ của hơi thổi, Pí Thiu sẽ cho ta một thang âm La1, Đô2, Rê2, Fa2, Sol2. Pí thiu có các kỹ thuật thổi : Rung, luyến hơi, kỹ thuật bấm, ngón vuốt, ngón láy... Âm sắc của Pí Thiu ấm áp, du dương, trữ tình, đẹp, phù hợp với các bài có tình cảm sâu lắng, êm dịu. Tiếng Pí Thiu nghe gần tưởng như nhỏ, nhưng thực ra vang xa.

                            Pí Thiu là nhạc cụ đã có khá lâu trong đời sống dân tộc Thái. Cho đến nay nó vẫn tồn tại bởi nó là nhạc cụ hấp dẫn trong sinh hoạt giao duyên của trai gái dân tộc Thái.



                            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/9E9DC1153D24436CA14FB08603AB8D59.jpg[/image]
                            Attached Image(s)
                            #59
                              mickey 01.07.2005 08:15:58 (permalink)
                              Pí Tót

                              Pí Tót là loại sáo thổi bằng mũi của dân tộc Khơ mú tỉnh Sơn La và Lai Châu. Sáo được xếp vào nhạc cụ họ hơi, chi lỗ vòm.
                              Pí tót được làm bằng một loại nứa nhỏ. Thân Pí tót là một dóng nứa một đầu hở một đầu kín có chiều dài 35 - 40 cm, đường kính khoảng 1 cm. Phía gần đầu hở có khoét một lỗ nhỏ hình vuông để làm lỗ thổi. Một lỗ bấm duy nhất được khoét tròn ở gần đầu kín.


                              Pí tót là loại sáo thổi ngang, khi thổi Pí tót người thổi tì mũi lên lỗ thổi vòm, rồi lấy hơi đằng miệng, đẩy hơi ra đằng mũi tạo luồng hơi chéo vào lỗ vòm làm chuyển động cột không khí trong ống. Mặc dù chỉ có một lỗ bấm nhưng Pí tót vẫn có được một thang âm 5 âm: Rê, Fa, Sol, La, Đô.

                              Pí tót có các ngón kỹ thuật thổi vuốt hơi, nhấn hơi, kỹ thuật bấm, ngón vuốt, ngón láy. Âm sắc của Pí tót ấm áp, du dương, trữ tình phù hợp với các bài có tình cảm sâu lắng, êm dịu.

                              Pí tót là nhạc cụ của nữ giới sử dụng trong sinh hoạt thường ngày để ru trẻ nhỏ ngủ và dùng trong sinh hoạt giao duyên.



                              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1578/F00A38F89CBC452EBE68DD4570C96286.jpg[/image]
                              Attached Image(s)
                              #60
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 4 của 7 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 100 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9