KỸ THUẬT CHỤP ẢNH ÐẸP
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 53 bài trong đề mục
vũkimThanh 09.01.2009 15:13:10 (permalink)
Các bạn thân mến
Tôi sưu tầm được một số bài viết bổ ích cho các bạn yêu thích chụp ảnh đẹp , tôi sẽ đăng dần cho các bạn cùng tham khảo , bạn nào có bài viết hoặc sưu tầm được những gì liên quan tới kỹ thuật chụp ảnh thì cứ gửi vào tham gia để chúng ta cùng trao dồi thêm nghiệp vụ ,"bắn " cho chính xác và hữu hiệu trong mọi tình huống , mọi đề tài. Xin cám ơn các bạn đã ủng hộ và xây dựng Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Việt Nam Thư Quán ngày một phong phú và đa dạng.Chúc mọi người vui , khoẻ ,thành công trên đường đời và có nhiều ảnh đẹp .

Thân aí Vũ kim Thanh



5 mẹo nhỏ giúp bố cục ảnh đẹp hơn

 




Chỉ cần làm một số động tác nhỏ như tiến lại gần hay ngồi thấp xuống để cho ống kính đối diện vật thể, đồng thời tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản, bức ảnh chụp được sẽ có bố cục chặt chẽ và đẹp hơn hẳn.

 

Ngoài những yêu cầu về độ sắc nét của các chi tiết và độ chân thực của màu sắc, một bức ảnh đẹp cần phải có bố cục tốt. Nói cách khác, khả năng bố cục chính là thước đo trình độ của người cầm máy.
Dẫu khó đạt đến tầm của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng bạn vẫn có thể có những bức ảnh được bố cục tốt chỉ bằng cách áp dụng một số mẹo đơn giản sau đây.
1. Tuân thủ nguyên tắc một phần ba





Không để chi tiết nổi bật nằm chính giữa bức ảnh.
Hãy tưởng tượng ra các đường kẻ ô, chia khung hình ra thành ba phần đều nhau theo cả hai chiều dọc và ngang, tổng cộng sẽ có 9 ô đều nhau (như trong hình vẽ). Khi đó, bạn ngắm sao cho chi tiết nổi bật nhất của bức ảnh nằm đúng vào vị trí giao nhau của các đường kẻ. Hãy chú ý, điều tối kỵ nhất trong nguyên tắc một phần ba là để chi tiết nổi bật nằm ngay chính giữa bức ảnh.
2. Sử dụng những đường thẳng để tạo sự thu hút





Sử dụng tường rào làm đường thẳng dẫn người xem vào bức ảnh của mình.
Để thu hút sự chú ý của người xem, bạn nên sử dụng các đường thẳng như là một cách dẫn họ tiến sâu hơn vào bức ảnh của mình. Đường thẳng ở đây có thể là hai bên tường rào, dãy đèn đường, dãy biển hiệu trên phố, tay vịn cầu thang hay hai bên vệ đường. Nó vừa tạo ra chiều sâu cho bức ảnh, vừa góp phần tạo điểm nhấn.
3. Thử chụp ở những góc máy mới





Chụp chân dung một người qua kính chiếu hậu của xe hơi cũng là cách làm cho bố cục của bức ảnh trở nên độc đáo hơn.
Thay vì chỉ chụp trực diện, bạn hãy thử tìm tòi những góc máy mới để thu lại hình ảnh của vật thể. Một góc nhìn lạ và độc đáo có thể sẽ khiến bức ảnh của bạn dễ thu hút sự chú ý của người xem hơn. Ví dụ như, bạn có thể chụp chân dung một người nào đó qua kính chiếu hậu xe hơi, hay chụp quang cảnh một góc phố được phản chiếu trong một vũng nước hay trên cửa sổ kính của một cửa hiệu.
4. Tiến lại gần vật thể





Tiến lại gần vật thể và sử dụng tính năng Macro, bức ảnh sẽ có điểm nhấn hơn.
Trong một bức ảnh, chi tiết nổi bật (vật thể mà ống kính cần tập trung vào) luôn quan trọng hơn phần khung cảnh nền (background). Vì vậy, bạn hãy tiến lại càng gần vật thể càng tốt. Sử dụng tính năng chụp Macro (thường được ký hiệu bằng hình một bông hoa trên các loại máy ảnh số) để máy tập trung lấy nét vật thể.
5. Ngồi thấp xuống khi chụp ảnh trẻ em hoặc động vật





Phải để ống kính chĩa ngang vật thể.
Khi chụp ảnh trẻ em hoặc những loài động vật nhỏ hay kể cả là chụp ảnh hoa, bạn hãy cúi thấp hoặc ngồi hẳn xuống để ống kính ngang tầm với vật thể. Luôn nhớ rằng ống kính phải chĩa ngang vật thể, chứ không được chĩa từ trên xuống.



Anh Linh - Sohoa.net



(SƯU TẦM)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2009 15:14:43 bởi vũkimThanh >
#1
    vũkimThanh 09.01.2009 15:17:14 (permalink)
    Kỹ thuật chụp đẹp ảnh chân dung
     

    Những người mới chơi ảnh thường chỉ quan tâm đến 1 điều: làm sao chụp được ảnh chân dung đẹp? Hoặc cụ thể hơn là làm sao chup xóa phông đằng sau được như những bức ảnh chân dung đẹp trên Xóm? Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải thích qua 1 bài viết hướng dẫn chụp chân dung, sẽ bổ ích cho các bạn.

    Nhiếp ảnh nói chung luôn cần sự chú trọng về bố cục, ánh sáng. Với ảnh chân dung thì nguồn sáng là quan trọng nhất. Căn được những góc cạnh hài hòa, để bức hình thực sự ấn tượng và gợi cảm là mục tiêu của người chụp.






    Ảnh một bé gái bộ tộc Yanomami, một tộc người da đỏ sống ở Nam Mỹ. Ảnh: Public Anthropology.

    Chọn lựa máy ảnh: Máy chuyên nghiệp hay không chuyên trên thị trường, không phải máy nào cũng chụp được ảnh chân dung. Ai đó không hiểu sẽ cho rằng máy nào chẳng chụp được, cứ đứng gần vào là xong. Thực ra, càng đứng xa với tới đối tượng, ảnh càng đẹp. Với dòng chuyên nghiệp cần có ống kính telezoom tiêu cự từ 135 mm trở lên là tốt nhất. Các loại camera du lịch số ngày nay có zoom, đáp ứng được yêu cầu chụp từ xa nhưng khoảng cách bao nhiêu, so với máy "pờ rồ" như thế nào thì bạn cần tham khảo thị trường máy ảnh. Có rất nhiều loại khác nhau. Có loại tuy là dòng amateur nhưng chức năng lại rất chuyên nghiệp (Canon Power Shot Pro 1... có ống kính telezoom tiêu cự lên tới 200 mm). Nhưng cũng có loại, ống kính rời có vẻ là máy chuyên nghiệp nhưng lại là dành cho dân không chuyên (Nikon D50, D70..). Những model này thường được gọi là bán chuyên nghiệp.

    Máy ảnh số thông thường ống kính zoom quang học được ký hiệu bằng độ x ( 4x, 7x, 9x... 19x...). Con số càng lớn, ống kính vươn xa được càng nhiều. Điều đó có nghĩa nếu bạn muốn chụp chân dung, bạn nên dùng camera có zoom từ khoảng 7x trở lên. Khoảng cách giữa máy ảnh và đối tượng tối thiểu chừng 10 m. Chiếc Canon Pro 1 như trên có zoom 7x quá đủ để bạn thỏa mãn niềm đam mê hình ảnh của mình.
    Chọn lựa ánh sáng: Nói đến ảnh là nói tới ánh sáng. Không có ánh sáng sẽ không chụp được ảnh. Nguồn sáng ngoài chức năng chính còn là một yếu tố để diễn tả cái đẹp, sang trọng của sự sống, và là điểm nhấn trong nội dung bức ảnh. Ánh nắng ban ngày vàng rực rỡ, trong đêm có ánh sáng tỏa một vùng chìm chìm nổi nổi, những ánh hào quang xung quanh sự vật, ánh đèn tỏa xuống lung linh, huyền ảo hay ánh đèn sân khấu đầy màu sắc,… Tất cả hiện tượng của nguồn sáng đó chính là cái đẹp mà bạn sẽ cảm nhận được.
    Không phải lúc nào ta cũng có được một nguồn sáng thuận tốt nhất. Để bù vào những nguồn sáng thiếu, giới chuyên nghiệp thường mang theo một tấm hắt sáng. Hắt sáng cũng góp phần làm cho khuôn mặt người được chụp sáng đều hoặc với nhiều cách khác nhau, phương pháp này tạo được chiều sâu, tạo khối cho đối tượng. Với một miếng bìa cỡ chừng 50 x 60 cm gấp đôi lại được, bạn dán lên đó các tấm giấy bạc của bao thuốc lá bạn sẽ có tấm hắt sáng rất hay và hiệu quả. Ánh sáng từ những mẩu giấy bạc này sẽ xua tan những chỗ tối, những điểm khuất từng vùng của đối tượng như hốc mắt, hốc mũi, vùng cổ... đánh bạt những nếp nhăn nhỏ già nua, rất khó chịu của con người, tạo cho bức ảnh những nét tươi trẻ, hoàn mỹ. 
    Nguồn sáng phụ cũng rất quan trọng. Là một yếu tố để diễn tả cái đẹp, cái thần của con người. Ánh đèn dầu lung lay tỏa sáng một vùng nhỏ trên gương mặt người trong ảnh. Nắng chiếu xiên từ phía sau hoặc từ bên cạnh có thể làm cho sợi tóc nổi bật lên, thấp thoáng những viền trắng xung quanh nhân vật lúc sợi nắng tỏa xuống bờ vai…





    Với ống tele để f200 mm, máy số Nikon D70, tốc độ 500, khẩu độ f4, lúc 15h chiều mùa hè, trời nắng. Chân dung cụ ông nổi bật trên nền phông phía sau là người đi đường nhòe đi. Nét lên từng sợi râu. Ảnh: Sohoa.net.
    Kỹ thuật chụp: Để chụp được ảnh bạn phải hiểu thế nào là tốc độ, khẩu độ. Khi đã dùng tới ống kính tele-zoom (ống kính zoom và tele-zoom là hai loại khác nhau) tốc độ cửa trập (speed) cần đóng mở thật nhanh, khoảng từ 1/125'' trở lên đồng nghĩa với việc ánh sáng có nắng, khẩu độ để mức trung bình f 5.6. Nếu bạn đặt dưới con số này, ảnh sẽ mất nét và rung tay trừ phi camera được đặt lên chân ba càng. Cách tốt nhất là bạn để cố định tốc độ cao trong điều kiện trời nắng, thuận sáng bằng phím chức năng S trên máy, khi ấy khẩu độ sẽ tự động đóng mở giúp bạn có được tấm hình chuẩn sáng. Ngoài ra, những loại máy chuyên nghiệp còn có chức năng cộng, trừ sáng giúp người thợ có được hình ảnh như ý trong những hoàn cảnh khác nhau. Cùng với tác dụng của ống kính tele-zoom, tốc độ càng cao, cửa điều sáng mở càng rộng thì hậu cảnh càng mờ, khuôn mặt người được chụp càng nét căng và nổi bật lên trên nền phông là bất kỳ một vật gì đã bị nhòe đi.  
    Đường ngang trên nền phông ảnh chân dung là sai hoàn toàn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Chỉ với một vạch nào đó, một sợi dây điện hay mép của bức tường, những đường thẳng cắt ngang đầu người đó vô tình đã làm hỏng đi hình ảnh quan trọng của bạn. Đương nhiên, bức ảnh này khi được mang đi dự thi nghệ thuật sẽ không được chấp nhận.
    Bố cục hình ảnh: Ảnh chân dung có hai loại: chân dung bán thân và chân dung cả người. Thông thường, phần nhiều người khi nói đến chân dung là nghĩ đến tấm hình người bán thân (từ ngực trở lên). Ảnh bán thân bạn không nên chụp thẳng mặt, không được nhìn thấy cả hai tai (đây là ảnh hồ sơ). Mặt người nên quay chếch hướng so với camera, có thể nhìn vào máy hoặc nhìn đi chỗ khác, mơ màng, xa xăm, ngước lên hay nhìn thấp xuống. Bạn đặt máy sao cho không gian phía mặt người đang quay về hướng đó rộng gấp đôi sau lưng. 
    Điểm đáng lưu ý không kém là kiểu dáng. Tư thế, dáng dấp của đối tượng được chụp rất quan trọng cho bức hình bán thân. Nó bắt nguồn từ dưới chân trở lên. Không phải cứ đứng thẳng người, mặt xoay về một bên là được. Bạn cần phải tạo dáng cho đối tượng giống như chụp cả người, làm sao mềm mại, sống động, kết hợp cả tư thê của chân, tay hoặc có thể ngồi hay đứng có kiếu dáng tùy theo óc sáng tạo của bạn.
    sohoa.net
     
    (Sưu tầm )
    #2
      vũkimThanh 09.01.2009 15:19:31 (permalink)
      Khử lớp ''SƯƠNG MÙ'' trong ảnh


       






      Đôi khi chúng ta chộp được những khoảnh khắc thú vị. Nhưng đến khi phóng lớn tấm hình lên màn hình máy tính thì... ôi thôi trên ảnh cứ như có một lớp sương mù bao phủ. Bài viết ngắn gọn sau đây sẽ giúp bạn một phương pháp đơn giản dùng công cụ LEVEL của Photoshop để khử lớp mù này. Phần mềm: Photoshop (Version nào cũng được). Trình độ đòi hỏi: Cấp I (Cần có chút căn bản về Photoshop)



      Những nguyên nhân chủ yếu thường làm cho tấm ảnh của chúng ta trông "mờ mờ sương khói" thường do điều kiện thời tiết khí hậu có sương mù thực sự. Hoặc giả ống kính của bạn bị mốc, kém chất lượng. Cũng có khi hiện tượng này xảy ra lúc chúng ta chụp ngược sáng, ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào ống kính có thể gây nên hiện tượng halo, làm mờ tấm ảnh của chúng ta. Ta hãy xem một cách xử lý đơn giản để khử lớp mù này bằng công cụ Level trong phần mềm Photoshop.

      BƯỚC 1:

      Mở bức ảnh mờ mờ sương khói của chúng ta bằng phần mềm Photoshop. Bạn có thể thấy ảnh ví dụ dưới đây bị một lớp sương xanh phủ rõ rệt lên trên phần sân khấu.



      BƯỚC 2:

      Trong cửa sổ Layer (Shortcut - F7), bạn hãy tạo một lớp điều chỉnh (Adjustment Layer) bằng cách nhấn vào biểu tượng hình tròn nửa đen nửa trắng như trong hình minh họa dưới đây. Nhớ chọn Level trong thực đơn đổ lên (pop-up menu).



      BƯỚC 3:

      Sau khi cửa sổ Level hiện ra, bạn hãy để ý tới ba biểu tượng bút hút như trong hình minh họa bên dưới:



      Bút hút thứ nhất dùng để xác định những điểm có mầu đen thực sự (black point) trên ảnh. Bút thứ hai dùng để xác định điểm xám 50%, và bút thứ ba dùng để xác định điểm trắng (white point). Bạn hãy dùng bút hút màu đen và bút hút màu trắng để thao tác. Bút xám chúng ta sẽ nói tới trong một bài khác.

      Trong bức hình ví dụ, tôi chọn điểm đen và điểm trắng theo minh họa ở hình dưới đây:



      Và chỉ với hai thao tác nhỏ, một thao tác xác định chính xác điểm đen và một thao tác xác định chính xác điểm trắng, chúng ta có kết quả như sau:

      KẾT QUẢ:



      Như bạn thấy, tấm hình sau khi xác định chính xác điểm đen và điểm trắng, trở nên "trong vắt". Công cụ Level thực sự không phải quá phức tạp.

      Thêm một tấm ảnh ví dụ của bạn Aladin123. Tấm ảnh gốc các bạn có thể xem ở đây:

      http://www.nghethuatnhiepanh.com/gallery.php?do=view&id=8904

      Sau khi áp dụng các thao tác đơn giản trên đây, chúng ta có kết quả như sau:





      Chúc các bạn có thật nhiều ảnh đẹp và trong vắt như nước biển Nhật lệ, Quảng Bình


      (Sưu tầm )

      (Xin Cám ơn Xóm Nhiếp Ảnh đã đăng tải thông tin này , Vũ kim Thanh)


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2009 15:45:18 bởi vũkimThanh >
      #3
        HÀN PHONG 10.01.2009 11:26:04 (permalink)
        Cảm ơn anh VKT đã sưu tầm những bài viết hay, rất bổ ích cho mọi người.
        Nếu được nhờ chị Huyền Băng mang bài này lên phía trên đầu thì hợp lý lắm ạ.
        Chúc mọi người năm mới thắng lợi mới.
        #4
          TimEm 10.01.2009 12:22:55 (permalink)
          Hay quá! Không Thầy đố mày mò ra [sm=hugs.gif]...hi hi
          #5
            suoimohg 10.01.2009 15:22:32 (permalink)
            Del
            #6
              vũkimThanh 10.01.2009 15:40:25 (permalink)
              5 Mẹo nhỏ cho ảnh phong cảnh
               


              Để chụp được những bức ảnh phong cảnh có hồn, nói lên được nhiều điều về địa danh, người cầm máy phải nắm được những kỹ thuật mà chỉ những trường lớp bài bản mới có thể cung cấp cho họ, nhưng với những tay máy nghiệp dư, 5 mẹo nhỏ sau đây có thể sẽ giúp ích được phần nào.


              Có những nguyên tắc bất di bất dịch mà bất cứ ai nếu muốn chụp ảnh phong cảnh đẹp đều phải tuân thủ, như lựa chọn thời điểm, vị trí thích hợp. Có người phải dậy từ trước bình minh, leo lên đỉnh núi để mong có được một bức ảnh mặt trời mọc ưng ý. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ống kính góc rộng là một thiết bị vô cùng hữu ích nếu muốn có những bức ảnh phong cảnh sáng giá.
              1. Tuân thủ nguyên tắc "giờ vàng"





              Sáng sớm và buổi chiều tà là lúc ánh sáng đẹp nhất.
              Rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng từng chụp được những bức ảnh phong cảnh để đời luôn tuân thủ nghiêm ngặt một nguyên tắc mang tên "giờ vàng" (golden hours). "Giờ vàng" đối với nghệ thuật nhiếp ảnh thường rơi vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối. Đó là khi nhiệt độ không khí chưa lên cao, ánh nắng mặt trời cũng chưa chói chang mà mới chỉ đủ để tạo nên những mảng màu ấm áp và những khối hình đổ bóng, mang đến cảm giác về một không gian ba chiều cho khung cảnh khi đó. Nếu không may để lỡ ánh nắng ban mai, hãy cố gắng làm lại vào buối xế chiều.
              2. Chọn vị trí





              Tránh để ánh sáng chiếu thẳng từ phía sau lưng.
              Quen thuộc và hiểu rõ về địa điểm nơi bạn chuẩn bị chụp sẽ là một lợi thế lớn, còn nếu tốt hơn nữa thì hãy nắm chắc những vị trí mà ánh nắng mặt trời sẽ chiếu vào trong những thời điểm nhất định trong ngày. Cho dù bức ảnh bạn chụp có thể nhiều ánh sáng hơn nếu bạn đứng quay lưng về phía mặt trời, nhưng hãy cố gắng tránh điều đó, bởi nó sẽ làm cho khung cảnh trở nên âm u và không đẹp.
              3. Chi tiết nổi bật và những chi tiết bóng





              Máy ảnh du lịch thường đo sáng không chuẩn.
              Ánh sáng dành cho nền trời và tiền cảnh thường rất khác nhau. Nhược điểm mà những chiếc máy ảnh du lịch thường hay mắc phải là đo sáng sai, dẫn tới tình trạng tiền cảnh thì có được ánh sáng và màu sắc tối ưu, trong khi những khung cảnh nổi bật trên nền trời lại không được chú trọng đúng mức. Vì vậy, nếu máy ảnh của bạn có chế độ tùy chỉnh độ phơi sáng hoặc tính năng bù trừ sáng, hãy thử chỉnh xuống mức âm xem có thể giữ lại các chi tiết trên nền trời hay không. Thà chịu hy sinh các chi tiết bóng còn hơn bị mất các chi tiết nổi bật.
              4. Bầu trời và những đám mây





              Nếu bầu trời nhiều mây, bức ảnh chụp lên sẽ có chiều sâu.
              Những đám mây sẽ xuất hiện khi nào và ở đâu là điều mà con người không thể kiểm soát được. Nhưng nếu chụp được bức ảnh trên nền trời có mây, nó sẽ tạo ra cảm giác về chiều sâu cho ảnh, đồng thời giúp cho bầu trời bớt đi sự nhàm chán. Muốn cho bầu trời hiện lên xanh ngắt, hãy gắn thêm filter phân cực vào ống kính. Nếu máy của bạn chỉ là máy du lịch thông thường, hãy thử các chế độ cài đặt về màu sắc trong menu để so sánh các kết quả với nhau rồi chọn lấy bức có hiệu ứng đẹp nhất.
              5. Dòng nước óng ánh





              Các dòng nước đòi hỏi người chụp phải xử lý tinh tế.
              Các dòng suối và thác nước là những đối tượng chụp đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải xử lý một cách tinh tế.
              Mặc dù một bức ảnh có độ sắc nét cao luôn đẹp, nhưng trong trường hợp này, nếu ảnh nét quá sẽ không diễn tả được tính chất đang chuyển động nhanh của dòng nước. Vì vậy, nếu có thể, hãy giảm tốc độ trập xuống và sử dụng chân máy. Với những cài đặt đó, mặt nước sẽ hiện lên trong bức ảnh mượt mà và óng ả hơn, mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị. Ngược lại, nếu máy ảnh du lịch của bạn không có nhiều tính năng tùy chỉnh, hãy sử dụng những chế độ chụp mặc định mà máy cung cấp. Đôi khi, chúng làm việc rất tốt.

              (Sưu tầm)


              <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.01.2009 16:10:06 bởi vũkimThanh >
              #7
                vũkimThanh 10.01.2009 15:47:00 (permalink)
                Hướng nhìn trong ảnh CHÂN DUNG
                 
                Có khi nào bạn băn khoăn khi cầm máy lên để chụp một bức ảnh chân dung, rằng không biết mình nên đặt chủ thể bên trái hay bên phải tấm ảnh không? Nếu có, thì tôi có một câu trả lời ngắn gọn cho bạn...

                Tùy bạn!
                Tất nhiên là nếu phải trả lời ngắn gọn, thì đa phần bạn sẽ nhận được câu trả lời như vậy. Còn nếu dài dòng văn tự hơn một chút, thì đại thể, giới nhiếp ảnh có một luật bất thành văn rằng khi chụp chân dung, nếu đầu của đối tượng hoặc mắt của đối tượng nhìn về hướng nào, thì ta nên để đối tượng ở phía đối diện của bức ảnh. Nghĩa là nếu đối tượng đang nhìn sang bên phải, thì ta nên để đối tượng ở phía bên trái của ảnh, và ngược lại. Làm vậy, ta sẽ có một không gian nghỉ đủ thoáng trong bức ảnh. Nếu làm ngược lại, góc nhìn của đối tượng sẽ bị hạn chế và dễ gây nên cảm giác ngột ngạt, tù túng.
                Tất nhiên, phá lệ có thể tạo nên những bức ảnh thú vị. Song, thực tế cho thấy rằng xác suất để có được những bức ảnh thú vị từ việc phá lệ thường có tỷ lệ... vô cùng thấp. Chúc bạn thành công trong thể loại ảnh này và sẽ có nhiều bức ảnh chân dung thật đẹp.


                (Sưu tầm)


                <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.01.2009 15:51:15 bởi vũkimThanh >
                #8
                  vũkimThanh 10.01.2009 15:50:23 (permalink)
                  Một số lời khuyên cho ảnh CHÂN DUNG
                   

                  Để có được một tấm ảnh đẹp, ngoài những tố chất sáng tạo và con mắt nghệ thuật, bạn cần phải có tính tỷ mỷ và chu đáo. Suy cho cùng, bức ảnh đẹp đa phần là kết quả của cả một quá trình lao động nghiêm túc.

                  Một số lời khuyên sau đây sẽ có ích cho bạn dù bạn là người chụp ảnh hay là đối tượng được chụp.

                  Chúc các bạn có thêm nhiều tấm ảnh chân dung thật đẹp.
                   
                  (Sưu tầm )
                  #9
                    vũkimThanh 10.01.2009 15:55:17 (permalink)
                    Ánh sáng trong ảnh CHÂN DUNG
                     
                    Nắm vững những hiệu ứng ánh sáng trong chụp chân dung có thể giúp bạn có được những tấm ảnh đẹp. Khi chụp, nhiều khi chỉ bằng việc thay đổi góc sáng trong một bức ảnh chân dung, bạn có thể làm thay đổi hoàn toàn nội dung bức ảnh. Một vài ý kiến và gợi ý dưới đây có thể giúp bạn nâng cao được kỹ thuật chụp, giúp cho bạn có được những tấm ảnh chân dung đúng sáng và thực sự có thần.

                    ÁNH SÁNG GẮT TRỰC TIẾP

                    Một trong những lỗi phổ biến nhất chúng ta thường gặp, đó là chúng ta chụp chân dung với ánh sáng mặt trời chiếu thẳng trực tiếp vào chủ thể. Nôm na là khi chúng ta chụp, mặt trời nằm phía sau chúng ta và chiếu thẳng vào mặt chủ thể. Trường hợp này, chủ thể đa phần sẽ bị nheo mắt vì chói nắng. Ngoài ra, ánh sáng gắt và trực tiếp này sẽ dễ làm "bẹt" chủ thể và hậu cảnh, làm cho bức ảnh trở nên buồn tẻ.

                    ÁNH SÁNG GIÁN TIẾP - ẢNH SÁNG KHUẾCH TÁN

                    Thay vì chụp với ánh sáng gắt trực tiếp, bạn hãy thử chụp chân dung với ánh sáng gián tiếp hoặc ánh sáng khuếch tán. Ánh sáng gián tiếp hoặc ánh sáng khuếch tán thường có cường độ tương đối đều, thí dụ như trong bóng râm, hoặc khi trời nhiều mây, không có mặt trời trực tiếp. Khi chụp trong ánh sáng khuếch tán, thường bức ảnh của chúng ta không có bóng đổ hoặc bóng đổ rất nhẹ trên khuôn mặt của chủ thể. Ánh sáng khuếch tán trong ảnh chân dung sẽ cho chúng ta một bức ảnh với độ sáng mềm mại, thích hợp với đa số mọi người


                    ẢNH NGƯỢC SÁNG


                    Một kỹ thuật nữa bạn có thể thử, là chụp ngược sáng. Nôm na là bạn có thể để chủ thể nhìn về phía không có mặt trời, để đôi mắt của họ có thể nghỉ ngơi trong khi bạn thoải mái sáng tác. Ngay cái tên gọi cũng đủ để chúng ta hiểu là nguồn sáng chính sẽ nằm sau chủ thể, và kỹ thuật này có thể giúp bạn có được ánh sáng phân bổ khá đều trên khuôn mặt chủ thể, đồng thời nguồn sáng ngược sẽ tạo nên những đường sáng ven trên tóc và thân hình của chủ thể, giúp cho bức ảnh trở nên ấn tượng hơn, nhiều cảm xúc hơn rất nhiều. Khi chụp ngược sáng, bạn nên dùng đèn Flash để tránh trường hợp khuôn mặt của chủ thể quá tối so với hậu cảnh.

                    ÁNH SÁNG BIÊN

                    Gợi ý cuối cùng: Bạn có thể sắp xếp để nguồn sáng trực tiếp nằm về một bên của chủ thể. Trường hợp này, bạn có thể tăng độ sâu của bức ảnh thông qua những khoảng sáng tối khá tương phản trên khuôn mặt của chủ thể. Thiết kế nguồn sáng biên khéo léo, bạn có thể tạo nên cảm giác khuôn mặt chủ thể sẽ hẹp lại, dài ra, do chỉ có một phần của khuôn mặt được chiếu sáng rõ. Tuy nhiên, bạn cũng cần để ý rằng ánh sáng biên có thể làm nổi bật những nếp nhăn trên khuôn mặt chủ thể nếu có.
                     




                    Tóm lại, bạn hãy nhớ rằng cách thiết kế ánh sáng trong bức ảnh chân dung của bạn, không những có thể làm cho bức ảnh thú vị hơn, mà đôi khi thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn cảm xúc và nội dung bức ảnh mang lại.(Sưu tầm từ xóm nhiếp ảnh)
                    #10
                      vũkimThanh 10.01.2009 16:00:51 (permalink)
                      Kinh nghiệm chụp phóng sự ảnh
                       

                      Già làng Nason chia sẻ với chúng ta một số kinh nghiệm của anh khi làm phóng sự ảnh. Mời các bạn tham khảo...
                      Nhìn chung phóng sự ảnh là thể thoại "khó nhằn" nhất trong các thể loại ảnh chụp. Nó đòi hỏi ngoài tay nghề về ảnh còn yêu cầu ngươì chụp phải có 1 tư duy mạch lạc về phóng sự, về bút ký hay kể chuyện vì mục đích cuối cùng là mang đến cho ngươì xem một câu chuyện có ý nghĩa bằng ảnh.

                      Phương pháp luận- làm photo-essay cũng giống như viết phóng sự/ký sự. Nghĩa là cũng phải có phần đặt vấn đề, phát triển vấn đề và kết luận. Kinh nghiệm của tôi đúc kết rằng những phóng sự ảnh tốt ra đời khi ngươì chụp đã có sẵn một "kịch bản" trong đầu, nghĩa là anh ta/cô ta đã biết khá rõ mình cần phải chụp những cái gì trong đầu và khi cầm máy đến hiện trường, công việc của anh ta/cô ta là chụp những khuôn hình theo cái kịch bản dàn sẵn ấy. Phần việc ở hiện trường chỉ nặng khi cần có cảm xúc và nhanh nhạy cũng như kỹ thuật để thể hiện những điều trong kịch bản bằng hình ảnh.

                      Vậy thì khi đã có đề tài, tìm hiểu kỹ thông tin về đề tài mình chụp, lơì khuyên của tôi cho các bạn mơí làm quen vơí thể loại này (mà hồi đầu tiên tôi vẫn áp dụng và đến nay vẫn tiếp tục áp dụng) đó là hãy viết cái đề tài ấy ra theo dạng phóng sự viết, tất nhiên không cần chau chuốt câu chữ bằng những áng văn hùng tráng kể cả khi bạn có khả năng ấy. Viết trọn vẹn bài ấy ra rồi xem xét lại xem trong bài ấy có những ý chính nào, có những "nút thắt" nào ta đã định ra rồi từ đó lên kịch bản cho việc chụp. Cứ bám sát theo nó, ví dụ trong bài phóng sự của bạn có độ 10 ý chính để kể trọn vẹn câu chuyện thì khi đi chụp bạn chỉ cần chụp đúng 10 cái ý ấy thôi. Tất nhiên ở mỗi ý bạn phải chụp nhiêù góc độ, thử các võ... sao cho ý ấy được nổi lên rõ ràng.

                      Đó là cách làm phóng sự ảnh thực thụ. Nó giúp cho bạn gần như có ngay sản phẩm cuối cùng khi đóng máy, chụp xong vì về nhà bạn chỉ việc lọc ra 10 cái ảnh tốt nhất của 10 phân cảnh bạn đã định.

                      Sai lầm và thiếu sót của đa số chúng ta là đi chụp phóng sự ảnh mà không hình dung ra trước kịch bản, đến nơi và cứ thế chụp rồi về biên tập, chọn ra 1 bộ ảnh. Đôi khi nó vẫn hiệu quả nhất định khi bạn là ngươì có đầo óc biên tập ảnh tốt nhưng dù sao cũng không thể hay, không thể đồng nhất và xuyên suốt câu chuyện bằng khi bạn đã "chụp ảnh trước trong đầu".

                      Thực tiễn- chụp những cảnh gì? chụp như thế nào? Kinh nghiệm chụp phóng sự ảnh (II)Thứ sáu, 08.08.2008 13:19 (Số lần xem: 3036, Level: 3)

                      Phóng viên Nason tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm chụp một bộ ảnh phóng sự của mình. Mời các bạn tiếp tục theo dõi...
                      Thực tiễn- Các khuôn hình cần chụp
                      Khi đã có ý tưởng, có kịch bản thì tất nhiên bạn sẽ chụp những "phân cảnh" cần thiết. Chỉ xin lưu ý một số điểm sau:

                      Làm một photo-essay cũng giống như viết phóng sự, đôi khi bạn cần những "khoảng nghỉ ngơi" cho ngươì đọc, ngươì xem, đừng dồn họ quá. Tưởng tượng 1 phóng sự ảnh toàn những cảnh rất mạnh, ấn tượng cũng không phải là tốt, nó làm ngươì xem mệt mà chưa chắc đã "thấm". Bạn phải cấu trúc sao cho có nhịp điệu, có nhấn nhá. Thậm chí trong essay có những cái ảnh rất bình thường (nêú đứng một mình) nhưng nó có khi cần thiết hơn vì nó giúp ngươì xem nghỉ, sau đó lại được "đẩy" lên cao trào chẳng hạn. Ảnh kết chính là kết luận của bạn về đề tài, nó có thể kết "đóng" hoặc "kết mở" tùy bạn. Vì là phóng sự, ký sự nên cho phép bạn được đưa ý kiến chủ quan của mình vào.

                      Sa-bô và chú thích ảnh- phần quan trọng không thể thiếuBạn cần viết 1 đoạn sa-bô ngắn để nói về phóng sự ảnh của mình, đừng ngắn quá nhưng cũng đừng dài quá. Hơn 700 chữ thì sẽ không ai đọc đoạn ấy của bạn đâu. Chủ yếu là mô tả đề tài, không gian, số liệu.. những thứ mà ảnh của bạn không thể chụp được.

                      Chú thích ảnh: có những essay bạn không cần chú thích nêú bạn đã viết đủ ở sa bô mà ảnh của bạn đủ nói hết thông tin nhưng thông thường thì bạn nên chú thích từng ảnh cẩn thận.

                      Hy vọng các bạn thấy hữu ích cho việc làm essay của mình.
                      Nason(Sưu tầm)
                      #11
                        vũkimThanh 10.01.2009 16:12:59 (permalink)
                        Một tí về Nhiếp ảnh cơ bản
                         



                        Exposure (sự phơi sáng)Bản chất của chụp ảnh là sự phơi sáng. Máy ảnh là một hộp tối. Khi bấm nút chụp ảnh, một cánh cửa được mở ra cho ánh sáng bên ngoài đi vào qua ống kính. Ánh sáng tác dụng vào film (hay sensor đối với máy digital - từ sau đây tôi chỉ nói đến film) để tạo ra hình ảnh. Một bức ảnh ta có thể tạm chia làm hai phần: độ sáng và sự cân đối ánh sáng.

                        Ta hãy hình dung film là một vật thu sáng. Và độ sáng của bức ảnh quyết định bởi lượng ánh sáng mà film thu được. Khi lượng ánh sáng vào quá nhiều thì ảnh sẽ trắng xóa còn không đủ thì ảnh sẽ bị tối. Một bức ảnh có độ sáng đúng với đối tượng được chụp gọi là đúng sáng.Ngoài yếu tố độ sáng ra, sự cân đối ánh sáng khác nhau sẽ tạo ra những bức ảnh hoàn toàn khác nhau với cùng một độ sáng.

                        Lượng ánh sáng film thu được gọi là Ev (Expoure value). Chúng ta sẽ quay lại phần Ev này sau. Trước hết bạn sẽ tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến độ sáng của ảnh.


                        Apeture (Độ mở ống kính)Độ mở ống kính là phần điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính. Chúng ta có thể hiểu phần này như là khả năng cho ánh sáng đi qua của ống kính. Cấu tạo bộ phận này bao gồm những lá mỏng ghép lại tạo ra khe hở dạng hình tròn có thể điều chỉnh được. Tương ứng với các độ mở ống kính ta có dãy trị số tiêu chuẩn 1 , 1.4 , 2 , 2.8 , 4 , 5.6 , 8 , 11 , 16 , 32 … các trị số này gọi là F-stop hay Khẩu độ. Tại mỗi F-stop ta có đường kính lỗ mở d tương đương f/1, f/1.4 , f/2 f/2.8 … và f chính là độ dài tiêu cự ống kính. Như vậy ta có thể thấy giá trị Khẩu độ càng lớn thì đường kính d càng nhỏ và ánh sáng đi qua ống kính càng ít. Và thêm một điều nữa là cùng một đường kính lỗ mở d nếu độ dài tiêu cự ống kính càng dài thì khẩu độ càng lớn.



                        Các bạn thường hay thắc mắc tại sao dãy trị số F-stop không phải là 1 ,2 ,3… mà là dãy bội số của căn bậc hai của 2. Trong kỹ thuật chụp ảnh, người ta chọn tiêu chuẩn điều chỉnh độ sáng với một khoảng cách là gấp đôi. Bạn có thể hiểu là khi bạn mở ống kính thêm một khẩu độ có nghĩa là lượng ánh sáng thu được sẽ tăng gấp hai lần. Muốn như thế diện tích lỗ mở phải tăng gấp đôi tương đương với đường kính tăng lên 1.4 lần. Đó là lý do tại sao ta có dãy trị số trên.


                        Shutter Speed (Thời chụp hay tốc độ)

                        Ngoài việc điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính ta còn có thể điều chỉnh thời gian cho ánh sáng đi vào để thay đổi độ sáng của ảnh chụp. Yếu tố này gọi là thời chụp hay tốc độ chụp. Đơn vị tính là giây.

                        Thời gian này chính là thời gian màn trập trong máy mở ra để cho ánh sáng đi vào. Thời gian này càng lâu (tốc độ chậm) thì lượng ánh sáng đi vào càng nhiều và ngược lại, thời gian này càng ngắn (tốc độ nhanh) thì lượng sáng đi vào sẽ ít đi.

                        Cũng như phần độ mở ống kính, theo tiêu chuẩn thì khi tăng một nấc thời gian chụp thì lượng ánh sáng đi vào gấp đôi. Tốc độ chụp nhanh hơn 1s có 1/2 , 1/4 , ….1/125, 1/250….Còn lâu hơn 1s là 2, 4, 8 , 16s…

                        Ngoài ra còn có ký hiệu B : màn chập mở cho đến khi buông tay bấm nút chụp.

                        Ký hiệu T : màn chập mở cho đến khi bấm nút chụp lần nữa.


                        Film speed (độ nhạy sáng của film)

                        Yếu tố này thể hiện khả năng hấp thụ ánh sáng của film.Có nhiều loại film khác nhau. Tuy nhiên hiện thông dụng nhất vẫn là film màu âm bản .loại film này dễ chụp hơn so với các loại khác nên thích hợp cho các bạn mới bắt đầu. Trên mỗi cuộn Film bạn sẽ thấy ghi độ nhạy sáng là 50 , 100 hay 200 ASA… Film 100ASA tốc độ thu sáng gấp đôi so với 50ASA và bằng một nửa so với 200ASA. Film có độ nhạy sáng càng cao thì hình ảnh càng độ mịn hạt càng kém.

                        Qua phần trên các bạn đã hiểu sơ lược về ba yếu tố liên quan đến độ sáng của ảnh chụp. Phần tiếp theo sẽ nói đến sự kết hợp ba yếu tố này.


                        Exposure Value (Ev)Trong nhiếp ảnh, sự kết hợp của độ mở ống kính và tốc độ chụp cho ta một đại lượng đặc trưng gọi là Exposure value (Ev). Ev 0 là khi ta đặt khẩu độ là 1 ở tốc độ chụp là 1 giây. Ev được tính bằng kết hợp hai hàm logarit của giá trị độ mở ống kính (Apeture value) và giá trị của thời chụp (Time Value).
                        EV = Av + Tv
                        Gọi N là trị số khẩu độ ( f-number) ta có Apeture value :


                        Nếu t là thời chụp tính bằng giây ta có Time Value:


                        Các công thức trên chỉ để tham khảo. Trong thực tế thì bạn chỉ cần hiểu là với khi bạn mở ống kính thêm một khẩu độ thì thời gian chụp phải giảm đi một nửa (hay ngược lại) thì Ev không thay đổi. Các bạn cần lưu ý một điểm mà các bạn mới chụp hay nhầm lẫn là mở ống kính thêm một khẩu nghĩa là giảm f-number một stop. Ví dụ như từ f/8 về f/5.6 .

                        Ánh sáng tác động vào film còn phụ thuộc vào độ nhạy sáng của film. Độ nhạy sáng của film thì đơn giản như khẩu độ hay tốc độ chụp là tăng gấp đôi thì lượng sáng vào sẽ tăng gấp đôi. Film 100asa thì gấp đôi 50asa, 200asa thì gấp đôi film 100asa… Tùy thuộc vào điều kiện chụp khác nhau sẽ có những chọn lựa khác nhau .Tuy nhiên để đơn giản thì các bạn mới chụp nên căn cứ vào mức chuẩn 100asa.

                        Quay lại độ sáng của hình chụp, đó là kết quả của việc dựa vào ánh sáng của chủ đề, độ nhạy sáng của film, khẩu độ và tốc độ chụp. Độ nhạy sáng của film thì tất nhiên là càng thấp thì hình ảnh càng mịn. Nhưng không phải điều kiện nào cũng có thể chọn lựa film có độ nhạy thấp được. Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này trong bài nói về film. Còn bây giờ để đơn giản thì hãy chọn film 100asa và quan tâm đến khẩu độ và tốc độ.
                        Dưới đây là bảng giá trị Ev để các bạn tham khảo:



                        Trong bảng trên, các giá trị Ev giống nhau sẽ nằm trên một đường chéo từ góc dưới bên trái sang góc trên bên phải. Ngay tại một Ev nào đó trong bảng, dóng thẳng sang bên trái và thẳng lên phía trên bạn sẽ tìm được một cặp Khẩu độ và tốc độ tương ứng. Nhìn trong bảng bạn sẽ thấy có nhiều cặp khẩu độ khác nhau cho cùng một Ev. Như vậy khi chọn khẩu độ và tốc độ khác nhau thì hình ảnh sẽ khác nhau như thế nào? Phần tiếp theo tôi sẽ trình bày về các yếu tố liên quan khi bạn chọn khẩu độ và tốc độ để có được bức ảnh như ý


                        Depth Of Field ( DOF)Một thực tế là khi bạn chụp một bức ảnh, độ rõ nét không xuyên xuốt. Khi bạn canh nét vào chủ đề thì trước và sau chủ đề sẽ có khoảng không rõ nét. Khoảng cách mà ảnh còn rõ nét trước và sau điểm lấy nét (tạm) gọi là độ sâu trường ảnh và thường gọi tắt là DOF.
                        Khoảng rõ nét do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến. Tuy nhiên yếu tố đầu tiên có thể nói là độ mở ống kính.
                        Các bạn có thể xem hình minh họa sau đây.



                        Điểm lấy nét trong tất cả các hình là điểm giữa khoảng 3 – 4 inch. Số 3 và 4 rõ nét trong tất cả các hình. Các điểm còn lại rõ nét dần khi độ mở ống kính khóa nhỏ lại. Đến đây các bạn có thể hiểu rằng khi ống kính khép nhỏ lại thì khoảng rõ nét càng thu hẹp lại.

                        Giải thích một chút về khoảng rõ nét. Các bạn xem hình bên dưới.



                        Chủ đề là điểm màu vàng và cũng là điểm lấy nét. Vì lấy nét vào chủ đề nên hiển nhiên các tia sáng từ chủ đề qua ống kính sẽ hội tụ trên film. Các điểm khác có cùng khoảng cách với chủ đề đều hiện rõ trên film. Bây giờ hãy xem điểm màu trắng xa hơn chủ đề. Điểm ảnh rõ của điểm trắng sẽ nằm ở phía trước film và ảnh của nó in trên film sẽ là vòng tròn màu trắng. Khoảng trắng đó gọi là Circle of Confusion ( CoC ).
                        Vấn đề đặt ra ở đây là làm cách nào để thu hẹp vòng tròn lờ mờ đó để ảnh rõ nét hơn. Trong hình minh họa dưới đây, bạn thấy từ một điểm sẽ có một chùm tia sáng đi qua ống kính và tạo ảnh trên mặt phẳng film. Khi khóa bớt cửa điều sáng lại nghĩa là một số tia sáng bị chặn lại ( phần màu xanh nhạt). Do đó phạm vi của CoC cũng được thu hẹp lại và hình ảnh trở nên sắc nét hơn.



                        HyperfocalKhi bạn lấy nét vào điểm xa vô cực thì hình ảnh sẽ rõ nét từ vô cực cho đến một khoảnhg cách nào đó trước ống kính. Khoảng cách không rõ nét trước ống kính khi bạn lấy nét ở vô cực gọi là Hyperfocal.



                        Sau khi xác định được khoảng hyperfocal bạn lấy nét lại vào khoảng cách đó. Lúc này độ sâu trường ảnh DOF sẽ bắt đầu từ giữa khoảng hyperfocal đến vô cực. Thực tế đây là DOF lớn nhất mà bạn có thể đạt được. Tuy nhiên bạn phải lưu ý rằng khoảng cách hyperfocal này không cố định mà phụ thuộc vào khẩu độ ống kính. Ở mỗi F-stop thì khoảng cách hyperfocal đều khác nhau.

                        Như vậy trong trường hợp chụp hình cần lấy dof thật rộng, hình rõ nét trong phạm vi lớn nhất thì bạn sẽ lấy nét vào khoảng cách hyperfocal kết hợp với đóng nhỏ độ mở ống kính lại


                        Shutter Speed ( Tốc độ hay Thời chụp)Qua phần trên, các bạn đã biết được sự liên quan giữa khẩu độ và độ nét sâu của ảnh chụp. Phần tiếp theo các bạn sẽ quan tâm đến đó là tốc độ chụp. Như đã đề cập ở phần đầu tiên, lượng ánh sáng vào film phụ thuộc vào thời gian màn chập mở, tuy nhiên có thể kết hợp với việc thay đổi khẩu độ để có được hình ảnh cùng độ sáng với các tốc độ chụp khác nhau. Trên máy tốc độ nhỏ hơn 1s được ký hiệu bằng một con số thông thường. Ví dụ 250 nghĩa là 1/250s, 30 là 1/30s... Tốc độ lớn hơn 1s thì ký hiệu là con số đi kèm với dấu 〞ví dụ 2” là 2s, 8” là 8s...

                        Khi chụp chủ đề chuyển động là lúc bạn sẽ lưu ý đến tốc độ chụp. Để bắt đứng chủ đề bạn sẽ phải chụp với tốc độ nhanh. Ngược lại để có ảnh mờ dạng chuyển động (motion blur) bạn sẽ chụp với tốc độ chậm hơn. Xem hình ảnh minh họa sau đây để thấy rõ hơn.



                        Cùng chụp chiếc xe chuyển động, nhưng các bạn thấy rõ rằng tốc độ chụp càng chậm thì chủ đề càng không rõ. Khi chụp ảnh không có chân máy để không bị “rung tay” thông thường sẽ phải chụp với tốc độ từ 1/30s thậm chí có thể từ 1/60s trở lên. Chụp với tốc độ chậm hơn, cần thiết bạn phải dùng đến chân máy.

                        Khi chụp trong điều kiện ánh sáng đủ không có khả năng chụp với tốc độ chậm được thì bạn sẽ phải dùng đến kính lọc ND (Neutral Density). Kính lọc này sẽ giúp bạn giảm cường độ sáng vào ống kính. Ngược lại khi chụp ban đêm điều kiện ánh sáng không đủ, bạn phải có chân máy để chụp với tốc độ chụp chậm.
                        Tôi sẽ quay lại phần kính lọc ND này chi tiết hơn sau bài này.



                        Khi muốn thể hiện sự chuyển động của chủ đề, bạn sẽ dùng kỹ thuật lia máy (paning). Có nghĩa là khi chụp máy sẽ được lia “bám” theo chủ đề. Khi đó chủ đề sẽ rõ nét, phông nền sẽ lu mờ .



                        Đôi khi chụp phong cảnh, cần có sự thể hiện một chuyển động nào đó như mưa rơi, nước chảy ….thì bạn cũng sẽ dùng đến tốc độ chụp chậm hơn. So sánh hai hình dưới đây bạn sẽ thấy hiệu quả của việc chụp tốc độ chậm tạo ra hình ảnh chuyển động của dòng suối.






                        Các chế độ chụp căn bảnTrên máy SLR hiện nay đều được hỗ trợ bằng các thiết bị điện tử. Thông thường trên các máy sẽ có 4 chế độ căn bản sau đây:


                        1.Manual: (Thủ công)Các thông số chụp khẩu độ và tốc độ sẽ chọn hoàn toàn bằng thủ công. Đôi khi bạn cố ý muốn chụp một bức ảnh với các thông số khác biệt dạng như dư sáng overexposure hay thiếu sáng (underexoposure) … bạn sẽ phải chọn chế độ chụp này. Ký hiệu trên máy: M 


                        2.Progaram: (Tự động hoàn toàn)Hai thông số tốc độ và khẩu độ sẽ do máy hoàn toàn tự chọn. Công việc còn lại của bạn là lấy nét và chụp. Ký hiệu trên máy: P


                        3.Aperture-Priority ( Chọn khẩu độ Tốc độ chụp tự động)Chế độ này người chụp sẽ chọn khẩu độ và tốc độ chụp sẽ do máy tự động đưa ra. Chế độ này thường được chọn để kiểm soát vùng ảnh rõ DOF. Tuy nhiên cần lưu ý khi ánh sáng thiếu việc chọn độ mở ống kính bé có thể làm tốc độ chụp giảm thấp khiến ảnh bị run tay. Ký hiệu trên máy A hay Av


                        4.Shutter speed- Priority ( Chọn tốc độ chụp, Khẩu độ do máy tự chọn)Chế độ này người chụp sẽ chọn trước tốc độ chụp, máy sẽ tự động chọn khẩu độ tương ứng. Chế độ này thường được chọn khi chụp ảnh động nhằm kiểm soát hiệu quả tạo động trên ảnh. Ký hiệu trên máy S hay Tv

                        Trên đây là các chế độ căn bản. Các nhà sản xuất còn thiết kế các chế độ tự động khác như chụp thể thao, chụp phong cảnh, chụp chân dung… thì các bạn sẽ xem trong hướng dẫn đi kèm theo máy


                        Neutral Density Filters ( Kính lọc ND)Tác dụng của kính lọc ND là làm giảm cường độ ánh sáng đi vào ống kính. Sau khi gắn kính lọc ND, nếu giữ nguyên độ mở ống kính thì tốc độ chụp sẽ chậm lại, nếu giữ nguyên tốc độ chụp thì ống kính phải mở rộng hơn. Các bạn có thể xem bảng dưới đây.



                        Đường màu đỏ thể hiện một lượng ánh sáng thu được (EV) trên đường đó thể hiện các cặp tốc độ khẩu độ để có một lượng sáng thu được giống nhau. Sau khi gắn kính lọc ND thì đường đó bây giờ là đường đứt nét. Và trên đó là hai ví dụ về giữ nguyên tốc độ và giữ nguyên độ mở ống kính sau khi gắn ND.

                        Trên kính lọc ND có các cách ghi thông số khác nhau. Ở đây tôi đưa ra hai dạng thường gặp

                        Dạng thứ nhất là theo độ đậm của kính(density) và dưới đây là bảng thể hiện sự giảm khẩu độ tương ứng (Reduction by f-stops).



                        Ví dụ như hãng Tiffen hay B&W có filter ND loại 0.3, 0.6 và 0.9 để giảm sáng 1, 2 và 3 f-stop.
                        Còn hãng Hoya hay Nikkon thì dùng thông số 2,4 hay 8 để giảm 1 , 2 hay 3 f-stop…
                        Tất cả các kính lọc ND đều lọc ở dạng thang độ xám (gray) không màu. Các loại kính lọc ND chỉ khác nhau về độ đậm nhạt để giảm sáng nhiều hay ít. Trong hình dưới đây là hai kính lọc ND4 và ND8 của Nikon. Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy bóng của cái ND8 thì đậm hơn ND4.




                        Ví dụ áp dụng kính lọc ND

                        *Dùng để giảm tốc độ chụp

                        Trong nhiều trường hợp chụp cảnh động chúng ta phải chụp với tốc độ màn chập chậm hơn bình thường để tạo hiệu quả chuyển động trên hình ảnh (motion blur). Ảnh minh họa dưới đây chụp ở chế độ Av ( tốc độ chụp tự động). Chọn khẩu độ ở f2.8 (tốc độ chụp chậm nhất) mà hình ảnh vẫn còn bị bắt đứng do ánh sáng quá mạnh. Để tốc độ chụp có thể chậm hơn ta dùng đến kính lọc ND. So với không dùng kính lọc ND thì dùng kính lọc ND4 có tốc độ chụp bằng 1/4 và kính lọc ND8 có tốc độ chụp bằng 1/8.



                        Một đặc điểm nữa của kính lọc ND là bạn có thể ghép nhiều kính chồng lên nhau. Ví dụ kính ND4 + ND8 sẽ giảm cường độ ánh sáng 2+3= 5 f-stop

                        *Dùng để tăng độ mở ống kính.

                        Tác dụng chính của kính lọc ND là làm giảm cường độ ánh sáng đi vào ống kính.Và điều này có thể giúp chúng ta mở rộng ống kính với cùng mộ tốc độ chụp như nhau. Có nghĩa là bạn sẽ thay đổi được khoảng cách của vùng ảnh rõ (DOF). Trong các hình minh họa dưới đây dược chụp ở chế độ Tv, tốc độ chụp là 30. Hình đầu tiên bên trái không dùng kính lọc nên hiệu quả xóa phông chưa cao. Hai hình bên phải dùng thêm kính lọc ND4 và ND8 nên độ mở ống kính tăng 2 và 3 f-stop. Kết quả là khoảng ảnh rõ thu hẹp lại và chủ đề nổi bật hơn trên phông nền bị xóa mờ. Trong trường hợp ánh sáng quá gắt cũng có thể dùng hai kính lọc ND ghép với nhau để ống kính có thể mở rộng hơn.


                          (Sưu tầm )
                        #12
                          vũkimThanh 10.01.2009 16:24:30 (permalink)
                          Định dạng RAW
                           

                          Nếu là người chơi ảnh số thì chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với các định dạng ghi ảnh như JPG (khá thông dụng), TIFF... Những định dạng này sử dụng kỹ thuật 'nén có mất dữ liệu' (lossy compression) nên một phần thông tin ảnh sẽ được lược bỏ để giảm dung lượng tập tin. Nhưng với định dạng RAW thì khác.
                          Tên RAW không phải ghép từ các ký tự đầu, mà chính xác mang nghĩa còn thô nguyên gốc (raw). RAW cũng là tên chung cho nhiều định dạng tập tin ảnh riêng của các nhà sản xuất như .CRW, .CR2 của Canon; .ORF của Olympus, .MRW của Minolta hay .NEF của Nikon.

                          RAW là gì?
                          Có thể nói tập tin RAW chứa toàn bộ dữ liệu mà bộ cảm biến trong các máy ảnh số ghi được khi chụp. Mỗi hãng có một phương pháp mã hóa dữ liệu bộ cảm ứng thành tập tin ảnh 'thô' khác nhau nhưng trong tất cả trường hợp, thông tin trong tập tin raw đều được giữ nguyên gốc.

                          Máy ảnh số sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để xử lý, chuyển đổi thông tin nhưng hầu như mọi máy cho phép chụp RAW đều sử dụng bộ cảm biến dạng 'tranh ghép' (mosaic sensor); còn gọi là cảm biến dạng mảng lọc màu (color filter array CFA) dạng 2 chiều. Trong đó, mỗi ô đơn vị biểu diễn một điểm ảnh (pixel) trên tấm ảnh.

                          Nhưng tế bào cảm quang chỉ có nhiệm vụ qui đổi lượng photon ánh sáng tiếp nhận được thành tín hiệu điện nên thông tin mà tập tin thô nhận được từ mảng lọc màu chỉ là dạng sắc độ xám (grayscale).  



                           

                          ƯU ĐIỂM CỦA RAW

                           

                           

                          Tại sao nhiều nhiếp ảnh gia thích RAW? Có 3 nguyên nhân chính:


                           
                          Làm thế nào máy ảnh chuyển thành ảnh màu RGB?
                          Ngoại trừ một số máy ảnh thế hệ mới sử dụng bộ cảm biến Foveon có khả năng ghi nhận độc lập ba màu RGB. Hầu hết cảm biến ảnh CCD và CMOS hiện này đều đặt trên mảng tế bào cảm ứng kính lọc màu đỏ, lục, lam và tạo ra hàng triệu tế bào màu nhỏ, xếp xen kẻ nhau theo một trật tự nhất định. Lượng màu lục luôn gấp đôi vì mắt người nhạy với màu lục hơn.



                           








                           








                           

                          Hộp thoại chỉnh Camera Raw của Adobe Photoshop

                          Không chỉ có dữ liệu ghi nhận thông tin điểm ảnh, tập tin RAW còn chứa dữ liệu dạng metadata của bức ảnh chụp. Metadata, về mặt ngữ nghĩa là 'dữ liệu về dữ liệu' (siêu dữ liệu), được máy ảnh tạo ra mỗi khi chụp. Trong metadata, cả hai định dạng JPEG và RAW đều có phần EXIF (Exchangeable Image Format -định dạng ảnh có thể trao đổi) chứa những thông tin về thao tác chụp ảnh như kiểu máy ảnh, số sêri của máy, tốc độ, khẩu độ, tiêu cự, chế độ flash...

                          Ngoài mỗi giá trị trong thang xám của từng điểm ảnh, đa số định dạng RAW còn chứa một vòng giải mã (decoder ring) trong metadata để chuyển thông tin sắp xếp các bộ lọc màu trong cảm biến cho bộ chuyển đổi (RAW converter). Nhờ đó, bộ chuyển đổi raw có thể chuyển ảnh từ dạng ghi thô thang độ xám thành một ảnh màu bằng cách 'điều chế' nội suy các màu bị thiếu từ các điểm ảnh lận cận với những thuật toán chuyển màu đặc trưng riêng của từng hãng máy ảnh. Tiến trình này được gọi là 'rã ghép' (demosaicing), nhiệm vụ chủ chốt của bộ chuyển dạng, nhưng chưa phải là đã hoàn tất. Quá trình chuyển dạng RAW có thêm các bước sau:




                          JPEG khác RAW ra sao?










                          Khi bạn chụp ảnh với định dạng JPEG thì bộ chuyển dạng RAW trong máy ảnh số sẽ thực thi tất cả các bước trên để biến ảnh thô thành ảnh màu và nén lại theo chuẩn nén JPEG. Một số máy ảnh cho phép người dùng chọn thông số như thang độ màu (sRGB, Adobe RGB), độ bén, độ tương phản. Đây là công việc nhiêu khê nếu bạn cứ phải thay đổi thông số liên tục từ ảnh này sang ảnh khác nên rất nhiều bạn giao phó luôn cho máy ảnh. JPEG không dành nhiều khả năng chỉnh sửa và do nén thông tin nên khi chỉnh, bạn dễ làm sai lệch các yếu tố khác; trong đó có màu da.
                          Thế nhưng khi chụp với định dạng RAW bạn có được sự kiểm soát gần như toàn bộ khả năng diễn giải từ các thông tin ảnh. Khi chụp RAW, máy ảnh chỉ chi phối duy nhất đến ISO, tốc độ trập và khẩu độ. Mọi thứ còn lại đều nằm dưới sự kiểm soát của bạn. Ví dụ, bạn có thể cân chỉnh lại cân bằng trắng, độ phân bố màu, sắc độ, độ bén, mịn hạt của các chi tiết,... Thậm chí, bạn có thể cân chỉnh lại độ bù sáng. Hầu hết các máy ảnh chụp RAW đều ghi nhận được 12 bit màu (tương đương 4.096 sắc độ màu) cho mỗi điểm ảnh; trong khi, JPEG giới hạn 8 bit cho mỗi kênh. Vì thế khi chụp JPEG, bộ chuyển dạng của máy ảnh để loại bỏ khá nhiều thông tin có ích.
                          Tương quan giữa định dạng JPEG và RAW cũng tương tự film âm bản màu với phim slide. JPEG giống film slide vì ghi nhận chính xác ngay lúc chụp và hạn chế trong khả năng chỉnh sửa về sau. RAW thì giống film âm bản vì cho phép chỉnh sửa độ no màu, cân bằng màu... sau khi chụp. RAW còn ẩn tàng nhiều tiềm năng lớn căn cứ theo những cải tiến bộ chuyển dạng của các nhà sản xuất máy ảnh số.

                          Ảnh kỹ thuật số đã không còn trong thời kỳ non trẻ nữa, nhưng vẫn chưa đến tuổi trưởng thành. Định dạng JPEG hiện nay là khá phổ biến, tiện dụng, thế nhưng không gian sáng tạo trên JPEG rất khiêm tốn. Mười năm tới sẽ có những thay đổi hết sức quan trọng về bộ lọc màu và định dạng RAW sẽ cho bạn cho bạn khai thác triệt để mọi tiềm năng của ảnh dạng thô. Nhiều người đã gọi định dạng RAW là định dạng ảnh số của tương lai.
                           
                          PCWorld - 01/2005
                           
                          (Sưu tầm )
                           
                           
                          #13
                            lianna 10.01.2009 23:00:52 (permalink)
                            Những bài viết của anh VKT mang một phong cách rất chuyên nghiệp .Hy vọng là em sẽ áp dụng được
                            #14
                              vũkimThanh 11.01.2009 15:26:27 (permalink)

                              Trích đoạn: lianna

                              Những bài viết của anh VKT mang một phong cách rất chuyên nghiệp .Hy vọng là em sẽ áp dụng được

                              Lianna thân mến , những bài viết đó rất cần thiết cho những người yêu thích nhiếp ảnh mà mình sưu tầm mang về "nghiền ngẫm". Chúc các bạn sẽ thực hiện được thành công để có những sáng tác mới chung vui. Chào thân aí Vũ kim Thanh
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 53 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9