Cúm gà, vịt, chim...
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 13 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 188 bài trong đề mục
HongYen 15.03.2005 04:00:16 (permalink)
http://newssearch.bbc.co.uk/cgi-bin/search/results.pl?scope=vietnamese&tab=vietnamese&order=sortboth&q=c%C3%BAm+g%C3%A0&x=26&y=12


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/03/050305_birdflufeather.shtml


05 Tháng 3 2005 - Cập nhật 21h09 GMT


Bệnh cúm gà đã làm hơn 40 người tại châu Á thiệt mạng kể từ năm 2003


Cúm gà có thể lây qua lông gia cầm

Một chuyên gia về vi trùng học của Anh cảnh báo rằng lông gia cầm nhập khẩu từ Trung quốc có thể mang virus cúm gà.
Hiện Anh đã cấm nhập thịt gà từ Trung quốc, nhưng chương trình Farming Today của đài BBC Radio 4 cho biết lông vịt, gà và gà tây vẫn đang được nhập khẩu từ nước này.

Giáo sư Hugh Pennington, một chuyên gia về vi trùng học nói virus cúm gà có thể vẫn sống trong lông của gia cầm bị bệnh. Hiện một số loại lông gia cầm đang được nhập khẩu vào Anh để làm gối.

Virus cúm gà Avian đã làm hơn 40 người thiệt mạng tại châu Á kể từ năm 2003.

Giáo sư Pennington nói: "Nguy cơ là hoàn toàn có thật. Tôi cho rằng cần thiết phải xem xét kỹ vấn đề nhập khẩu lông gia cầm và có lẽ cũng cần đưa ra câu hỏi liệu có nên nhập khẩu lông gia cầm từ những nước mà virus cúm đang nằm ngoài tầm kiểm soát như vậy hay không."

"Có lẽ cũng không dễ dàng lây bệnh cúm từ lông gia cầm ra người nhưng những virus sống trong lông hoàn toàn có thể truyền bệnh tới cho các loài gia cầm sống tại đây."

Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo có khả năng virus cúm gia cầm có thể biến thể thành một dạng có khả năng lây từ người sang người.

Tuần trước chính phủ Anh đã tuyên bố kế hoạch xử lý nguy cơ dịch cúm tại nước này. Ngành y tế Anh sẽ chuẩn bị sẵn 14,6 triệu liều thuốc kháng virus Tamiflu. Chính phủ Anh cho rằng nếu không có sự chuẩn bị này, bệnh cúm bùng phát thành dịch có thể giết chết tới 50 ngàn người Anh.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vaccine phòng bệnh này sẽ không có hiệu quả trong ngắn hạn, bởi chủng virus chỉ có thể được biết chính xác khi dịch xuất hiện.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.10.2005 12:46:03 bởi HongYen >
#1
    HongYen 15.03.2005 04:09:07 (permalink)

    Các chuyên gia nói vịt là môi trường ủ H5N1


    07 Tháng 3 2005 - Cập nhật 11h44 GMT

    WHO cảnh báo vaccine không chưa đủ ngăn cúm gia cầm

    Tổ chức Y tế Thế giới nói vaccine cho cúm gia cầm đang được Việt Nam thử nghiệm thành công ở khỉ là tiến triển hứa hẹn nhưng cảnh báo để có thể thử trên người và phổ biến rộng rãi còn là một bước dài.
    "Việt Nam đang muốn chặn đầu dịch bằng cách tự sản xuất vaccine. Họ đạt được nhiều tiến bộ nhưng cả họ lẫn chúng tôi đều biết còn cần phải làm việc nhiều nữa," phát ngôn nhân của WHO Peter Cordingley nói.

    "Một khi đợt thử nghiệm (trên khỉ) này hoàn tất, họ dự kiến phải làm thêm nữa. Nếu mọi người hài lòng với vaccine, hài lòng với những quan ngại khác, và nếu họ tin rằng vaccine an toàn và thì cũng phải mất hơn 6 tháng để sản xuất đủ vaccine."

    Việt Nam là nước bị nặng nhất của trận dịch cúm hiện nay ở Á châu, vốn làm cho 47 người thiệt mạng và người ta phải tiêu hủy nhiều triệu gia cầm.

    Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam bào chế vaccine bằng cách làm yếu virút H5N1 và cấy trong môi trường thận khỉ. Tháng trước người ta tiêm vaccine cho ba con khỉ và ba tuần sau đó cơ thể khỉ sản xuất kháng thể và chúng vẫn khỏe mạnh.

    Nhưng theo bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên chuyên về vệ sinh cộng đồng làm việc ở bệnh viện St Vincents, Sydney, không nên tự tin là vaccine có công hiệu hoàn toàn.

    "Kháng nguyên của virút H và N có khả năng trôi dạt sau khi tìm cách thích nghi, tức đột biến khi vào cơ thể. Do vậy vaccine cho năm nay chưa chắc đã thích hợp cho năm sau."

    Tuy nhiên trong bất kỳ trường hợp nào thì vaccine cũng có thể giúp hạn chế bớt virút lây lan mặc dù theo WHO chúng ta không bao giờ có thể sản xuất đủ vaccine cho tất cả mọi người.

    "Điều quan trọng là phải biết đối tượng nào cần được tiêm chủng. Những người thường xuyên tiếp xúc gà vịt, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân là những người cần vaccine trước tiên," Bác sĩ Nguyên nói.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/03/050307_whobirdfluvaccine.shtml
    #2
      HongYen 15.03.2005 04:24:48 (permalink)



      Cúm gà và ảnh hưởng đối với đời sống hàng ngày của người dân tại Việt Nam

      25-February-2005

      Mặc dù dịch cúm gia cầm đã gây thiệt mạng cho 13 người tại Việt Nam trong 5 tuần lễ và đã lan tràn đến hơn phân nửa các tỉnh thành tại Việt Nam, nhưng dường như dịch bệnh này vẩn không thể nào ngăn chận được truyền thống của nhiều người Việt dùng thịt gà để nấu nướng các món ăn trong dịp Tết Ất Dậu. Đó là nhận xét của một số nhà báo nước ngoài khi họ chứng kiến những sinh hoạt của dân chúng trong dịp Tết vừa qua. Sau đây là các chi tiết do Trần Nam lược thuật từ các báo ngoại quốc và trong nước về cúm gia cầm, tuy không gây thiệt mạng cho nhiều người nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống hàng ngày của người dân tại Việt Nam:

      Sau khi có 13 người bị thiệt mạng chỉ trong vòng 5 tuần lễ, tính đến thứ Tư tuần này, chính quyền Việt Nam đã ban hành các biện pháp nghiêm nhặt để ngăn chận tình trạng lây nhiễm như cấm bán gà sống tại một số chợ, hoặc cấm nuôi vịt từng bày di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Tuy nhiên, trên thực tế lệnh cấm này khó có thể được thi hành một cách nghiêm chỉnh.


      Gà vẫn được mang bán ở chợ tại Hà Nội


      Nhà báo Margie Mason của hãng thông tấn AP rất ngạc nhiên khi thấy rằng mặc dù một số đã ngưng ăn thịt gà sau khi nghe tin dịch cúm gia cầm và lệnh cấm của chính phủ nhưng nhiều người khác vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Tại một số chợ ở Hà Nội, gà sống vẫn được bày bán, và khách hàng vẫn cứ mua.

      Việc lùa vịt từng đàn qua nhiều cánh đồng sau mùa gặt là điều thường thấy trong cách nuôi vịt của những người ở thôn quê, không những tại Việt Nam mà còn ở một số nơi khác tại châu Á. Vịt ăn những hạt lúa còn sót lại trên những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ hoặc tôm cá còn đọng lại trong những vũng bùn hay những ao hồ cạn. Nuôi vịt bằng cách này sẽ không tốn kém bao nhiêu thực phẩm mà chỉ cần có người canh chừng.

      Tuy nhiên theo ông Malik Peiris, giáo sư trường Đại Học Hồng Kông và cũng là người phát hiện virút bệnh SARS, thì sự di chuyển của những bầy vịt đi kiếm ăn như vậy là tạo điều kiện dễ dàng cho nguy cơ lây nhiễm vì phân của chúng rải rác trên những cánh đồng, có thể là mầm mống của bệnh tật.



      Gà được nuôi ngay trong nhà và ở chung với người


      Tại nhiều vùng ở thôn quê, hầu như nhà nào cũng nuôi một đàn gà, hoặc vài con vịt mà gia chủ chẳng cần quan tâm đến việc phải mua thực phẩm cho chúng vì trong nhà đã có sẵn lúa, bắp. Thường thường thì gà có thể tự tìm kiếm thức ăn nếu được nuôi trong những khu vườn rộng rãi. Việc nuôi những đàn gia cầm tại mỗi nhà như vậy không đòi hỏi những chuồng trại xây cất tốn kém nếu như không phải là nuôi công nghiệp.

      Nhiều năm trước đây, khi dịch cúm gia cầm chưa bộc phát, hiện tượng gà bị chết hàng loạt chỉ được thấy trong những trường hợp được gọi là gà toi, và dịch bệnh này chỉ lây nhiễm trong các đàn gà chứ không lây sang người mặc dù có người ăn cả thịt của những con gà bị mắc bệnh. Còn vịt thì dường như chưa bao giờ người ta thấy những con vịt bị chết vì dịch cúm gia cầm như ngày nay. Có người còn cho rằng vịt là loại gia cầm có thể chịu đựng được mọi điều kiện thời tiết, bất kể mùa Hè nóng bức hay mùa Đông giá rét, và chúng có thể ăn được nhiều thứ côn trùng mà không sợ bị ngộ độc, ngay cả những con đỉa trong ao hồ.

      Ngày nay, mọi việc đã đổi khác. Gà, vịt, và ngay cả người, đều có thể trở thành nạn nhân của vi rút cúm gia cầm H5N1.

      Trong tháng trước, báo chí tại Việt Nam loan tin rằng có 2 anh em bị mắc bệnh cúm gà vì ăn tiết canh vịt. Mẩu tin tưởng như khôi hài này lại là một sự kiện có thật. Khi 2 nạn nhân được đưa vào bệnh viện thử nghiệm, mẫu thử nghiệm cho thấy rằng họ bị nhiểm vi rút H5N1. Người anh đã qua đời sau đó trong khi người em thoát chết sau khi được điều trị trong một tuần lễ. Anh Nguyễn Thanh Hùng, người may mắn còn sống, nói rằng con vịt được làm tiết canh ngày hôm đó không có một dấu hiệu bệnh tật nào.

      Theo các con số thống kê thì cứ mỗi 10 người bị nhiễm bệnh như vậy, có đến 7 người bị chết.

      Theo các giới chức Y Tế Việt Nam và Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì họ đang có gắng thuyết phục dân chúng từ bỏ thói quen ăn uống các thực phẩm sống như tiết canh, hoặc chăn nuôi gà vịt quanh quẩn trong nhà. Các giới chức này tin rằng sự tiếp xúc với gà vịt bị mắc bệnh, dù còn sống hay đã chết, và phân của chúng là nguồn gốc của sự lây nhiễm, mặc dù đến nay người ta vẫn chưa biết một cách chính xác là vi rút cúm gia cầm đã lây sang người như thế nào. Có điều chắc chắn là thịt gia cầm nấu kỹ sẽ có thể tránh được nguy cơ nhiễm bệnh.

      Ông Peter Cordingley, Phát ngôn viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Chi Nhánh Tây Thái Bình Dương ở Manila nói rằng dù phong tục tập quán của người Việt là phải có gà để nấu nướng hay cúng giỗ trong dịp Tết nhưng trong trường hợp dịch bệnh như năm nay thì tốt hơn hết là họ nên tạm ngưng một số tập quán đó.

      Thật ra tại Việt Nam, người dân khó mà từ bỏ thói quen dùng thịt gà để nấu nướng, nhất là trong những dịp giỗ Tết, vì đó là một thứ thịt rất thông dụng và tương đối hợp với túi tiền của nguời tiêu thụ so với các loại thịt khác.

      Theo nhà báo Margie Mason của hãng Thông Tấn AP thì dường như người ta cố tình tìm ra một lý do nào đó để biện minh cho việc tiếp tục làm ngơ trước những lệnh cấm của chính quyền về vấn đề này. Nhà báo này kể lại rằng bà Lê thị Sang 58 tuổi có 3 người con bị chết trong vụ bộc phát cúm gia cầm hồi năm ngoái sau khi họ dùng thịt gà trong một tiệc cưới của người con trai. Dù mẫu thử nghiệm cho thấy 2 nạn nhân đầu tiên có vi rút cúm gia cầm, còn người thứ ba bị chết vì những triệu chứng tương tự, nhưng bà Sang không tin như vậy, và sau đó bà vẩn tiếp tục mua thịt gà mỗi tuần vì cho rằng các con của bà đã chết vì những chứng bệnh khác.

      Có người còn cho rằng trong năm ngoái, dịch cúm gà còn tệ hại hơn nhiều, vậy mà người ta vẫn nấu nướng thịt gà trong dịp Tết Giáp Thân, vậy thì năm nay tại sao lại từ bỏ thịt gà, nhất là năm nay lại là năm Ất Dậu.

      Trong năm ngoái chính phủ Việt Nam đã cấm buôn bán và chuyên chở gà vịt trong dịp Tết Giáp Thân khi cúm gia cầm hoành hành tại 10 nước ở châu Á, gây thiệt mạng cho 20 người tại Việt Nam và 12 người tại Thái Lan. Tuy nhiên người ta không thấy lệnh cấm này được ban hành trong dịp Tết Ất Dậu. Vì vậy số người dùng thịt gà trong năm nay không giảm sút bao nhiêu mặc dầu có một số người thận trọng đã dùng các loại thịt khác để thay thế cho thịt gà.

      Cũng theo tin từ Việt Nam thì một cuộc họp để thảo luận về các biện pháp phòng chống vi rút cúm gia cầm sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23 đến 25 tháng Hai dưới sự bảo trợ của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Thú Y Quốc Tế.

      Đối với những người Việt đang sống trên đất Mỹ thì dịch cúm gà chỉ thấy xuất hiện trên các bản tin có liên quan đến Việt Nam, và thịt gà vẫn được dùng để nấu nướng trong dịp Tết Ất Dậu vì tại Hoa Kỳ an toàn thực phẩm cho người tiêu thụ đã được chính quyền đặc biệt chú trọng.

      Đa số các gia đình người Việt tại Hoa Kỳ vẫn tìm cách một số phong tục tập quán trong ngày Tết Nguyên Đán mặc dù có nhiều người đã xa quê hương gần 30 năm. Tết năm nay lại rơi vào những ngày đầu tuần cho nên có nhiều người vẫn đi làm như thường lệ. Ngoại trừ ở các Tiểu Bang có nắng ấm và đông người Việt như California, Texas, còn những nơi khác ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ thì đây là mùa của băng giá, của tuyết phủ, cho nên tại những nơi này mùa Xuân cổ truyền chỉ đến với những người Việt ly hương trong những sinh hoạt có tính cách tôn giáo và gia đình.

      Tại California, nơi có đông người Việt nhất trên đất Mỹ và được xem là miền có nắng ấm hầu như quanh năm, Tết Nguyên Đán đã được thể hiện qua nhiều sinh hoạt của người Việt. Hình ảnh và không khí của Tết cổ truyền đã được nhận thấy trên các chương trình truyền hình, truyền thanh và báo chí của người Việt, cũng như trong những chợ hoa, hội chợ, và các cuộc diễn hành đầy màu sắc dân tộc.

      Theo lời của những người tổ chức thì mục đích của các sinh hoạt này là nhằm giúp duy trì càng nhiều càng tốt các phong tục tập quán của người Việt trên xứ người, đồng thời trình bày những cái hay cái đẹp trong nền văn hóa Việt Nam với người bản xứ và các cộng đồng bạn tại Hoa Kỳ.

      http://www.voanews.com/vietnamese/2005-02-25-voa27.cfm
      #3
        HongYen 15.03.2005 04:31:59 (permalink)


        Các dữ liệu về dịch cúm gà ở Việt Nam có thể có khiếm khuyết

        11-March-2005

        Các dữ liệu về dịch cúm gà ở Việt Nam có thể có khiếm khuyết vì một số các ca bệnh mới nhất vẫn chưa được giới hữu trách y tế địa phương báo cáo.

        Bản tin của hãng thông tấn UPI hôm thứ năm, cho biết giới hữu trách Hà nội chưa chính thức tiết lộ về việc 11 người đã bị nhiễm cúm gà và trong số người vừa kể có 8 người đã thiệt mạng.

        Tường thuật vừa kể trích lời các chuyên gia y tế công cộng nói rằng vấn đề này khiến một số người lo ngại về tính chất khả tín của các số liệu thống kê liên quan đến tình hình dịch cúm gà; đặc biệt là tình hình ở Việt Nam, nơi số tử vong chính thức được ghi nhận là 33 người kể từ khi dịch bệnh bộc phát hồi cuối năm 2003.

        Phái viên UPI trích dẫn một bài tường thuật của nhật báo Wall Street Journal cho biết thêm rằng 7 người có kết quả xét nghiệm âm tính đối với vi rút H5N1 hồi tháng giêng tại Việt Nam mới đây đã được xác nhận là đã nhiễm cúm gà khi mẫu bệnh phẩm của họ được xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm ở Nhật bản.

        http://www.voanews.com/vietnamese/2005-03-11-voa5.cfm
        #4
          HongYen 16.03.2005 12:59:25 (permalink)
          Hằng ngàn con gà tại Bắc Triều Tiên chết vì bệnh cúm
          15-March-2005

          Tin cho hay, hằng ngàn con gà tại Bắc Triều Tiên đã chết vì bệnh cúm.

          Thông tấn xã Yonghap của Nam Triều Tiên đã trích thuật nguồn tin thân cận với Bắc Triều Tiên nói rằng, vụ bộc phát bệnh cúm gà này đã xảy ra tại một trại nuôi gà ở Bình Nhưỡng.

          Tin vừa kể không cho biết là virut gây bệnh có phải là loại H5N1 có thể truyền bệnh cho con người hay không. Loại virut cúm gà vừa kể đã làm thiệt mạng 33 người Việt Nam, 12 người Thái Lan và một người Kampuchia.

          Chính phủ Bình Nhưỡng chưa đưa ra ý kiến gì về nguồn tin vừa kể. Các giới chức Bắc Triều Tiên nói rằng họ đã có các biện pháp để ngăn ngừa bệnh cúm gà bộc phát.

          http://www.voanews.com/vietnamese/2005-03-15-voa38.cfm
          #5
            HongYen 27.03.2005 13:44:14 (permalink)
            26 Tháng 3 2005 - Cập nhật 11h09 GMT

            Việt Nam tổng vệ sinh chuồng trại

            Giới khoa học lo ngại khả năng virus biến thể lây từ người sang người


            Giới chức y tế ở Việt Nam nói sẽ bắt đầu một chiến dịch toàn quốc để dọn dẹp các khu trại gia cầm từ ngày 1 tháng Tư tới đây, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gà.

            Tính ra trong năm qua dịch bệnh này đã giết chết có đến 50 người trong vùng.

            Bộ y tế nói tất cả các trại gà lớn nhỏ lẫn hộ nuôi gia đình đều phải khử trùng.

            Hồi tháng Hai vừa qua trong hội thảo quốc tế về cúm gà ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã hứa sẽ kiểm tra toàn diện trong ngành chăn nuôi gia cầm.

            Tổ chức y tế thế giới cảnh báo về khả năng có thể xảy ra dịch cúm toàn cầu nếu virus này biến thể sang thành dạng có thể lây từ người sang cho người.

            Hôm qua chính quyền Việt Nam cũng loan báo về việc một thiếu nữ Việt Nam 17 tuổi ở tỉnh Nam Ðịnh chết vì cúm gà.

            Cho tới nay tổng cộng có 35 người chết tại Việt Nam từ khi virus cúm gà xuất hiện tại khu vực cách đây hơn một năm.

            Các bác sĩ nói rằng có một phụ nữ khác tại một tỉnh ở phía bắc đã được thử nghiệm dương tính về bệnh này.

            http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/03/050326_viet_bird_flu.shtml
            #6
              HongYen 28.03.2005 05:31:46 (permalink)
              27 Tháng 3 2005 - Cập nhật 11h39 GMT

              Bắc Hàn bị cúm gà

              Chính quyền Bắc Hàn thông báo về cơn bộc phát của dịch cúm gà.

              Họ cho hay đã giết bỏ hàng trăm ngàn con gà.

              Hãng tin nhà nước nói dịch bệnh tấn công vào hai hoặc ba trại gia cầm ở thủ đô Bình Nhưỡng.

              Tuy nhiên theo tin này thì chưa thấy có người bị nhiễm bệnh.

              Giới chức y tế Bắc Hàn đã ra lệnh giết hàng trăm con gà mắc bệnh để ngăn chặn dịch cúm lan tràn sang các vùng khác.

              Xác gà được đem đốt hoặc chôn.

              Trước đây Bắc Hàn từng công bố là nước không bị mắc dịch cúm gà, là dịch bệnh đã làm chết có đến 50 người ở vùng Đông Nam Á.

              Vài tháng trước giới khoa học quốc tế từng cảnh báo là nếu virus bắt đầu chuyển thể sang dạng có thể lây trực tiếp từ người sang người thì sẽ xảy ra một cơn dịch bệnh lớn.

              http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/03/050327_korea_bird_flu.shtml
              #7
                HongYen 14.04.2005 11:46:02 (permalink)
                Chim Chóc Và Súc Vật Truyền Nhiễm Bệnh

                Ở Việt Nam, chúng ta thích nuôi gia súc như mèo, chó. Khi còn nhỏ, chúng ta thường nuôi dế. Tuy nhiên, người Việt nuôi thỏ để ăn và thú chơi chim thường dành cho một số người sành điệu. Nuôi gà chọi là thứ tiêu khiển đặc biệt dành riêng cho giới ăn chơi, đỏ đen. Ít ai để ý nuôi súc vật có thể truyền bệnh lây sang người.

                Ở Hoa Kỳ, 60% gia đình Mỹ nuôi súc vật trong nhà, phần lớn thích nuôi chó (32%) và mèo (27%). Tính ra có tới hơn một trăm triệu chó và mèo với cả hàng 100 thứ bệnh có thể tuyền nhiễm vào cơ thể chúng ta.

                Bệnh truyền vào người từ chó:

                Mỗi năm người Mỹ bị chó cắn hơn 100 triệu lần. Và khi bị cho cắn, dễ bị truyền nhiễm nhiều loại vi trùng như: Staphyloccocus, Streptococcus, Corynebacterium, Pasterurella, v..v... Vi trùng Capnocytophaga canivorsus đặc biệt có trong nước miếng của chó, rất đô.c. Vi trùng C. canivorsus có thể gây tử vong cho chúng ta (25%), nhất là trường hợp nếu bệnh nhân bị bệnh không có lá lách. Vi trùng Pasteurella cũng gây tử vong cao (31%), đặc biệt cho bệnh nhân bị xơ gan, bướu mọc trong gan, hay bệnh ung thư máu.

                Chó là nguồn cung cấp vi trùng Streptococcus A, thường hay gây bệnh sưng cuống họng cho người.

                Vi trùng Bordetella bronchiseptica truyền từ người chăn nuôi súc vật (breeders) sang những người khác. Triêu chứng như ho hay đau phổi kinh niên. Khi phát bệnh, chúng ta bị nóng lạnh, đổ mồ hôi, đau nhức khớp xương, cơ thể yếu và nhức đầu.

                Nấm Mmalassezia pachydermatis mọc ngoài da trẻ sơ sinh.

                Vi trùng Rhodoccocus bronchialis truyền bệnh khi mổ tim.

                Chó cũng lây loại nấm Microsporum canis và Trichophiton cho chúng ta. Đặc biêt ký sinh trùng Toxocara canis từ chó truyền bệnh sán lải sang người. Loại lải Ancylostoma braziliense và Ancylostoma caninum chui vào bàn chân, gây bệnh ngoài da. Đặc biệt vi trùng Dirofilaria từ chó gây bệnh nghẹt phổi (pulmonary infarcts).

                Bệnh truyền từ mèo vào người:

                Mèo chỉ cào và ít cắn người như chó. Nhưng khi mèo cắn cũng gây bệnh cho người(50%), và truyền vi trùng.

                Bệnh mèo cào sẩy ra thường xuyên hơn. Nguyên nhân chính là do vi trùng Bartonella Henselae và phân nửa bệnh nhân có kháng thể chống được vi trùng B. Henselae. Bọ chét từ chó mèo cũng có thể gây bệnh cho người.

                Khởi đầu, chỗ mèo cào bị nổi vết đỏ. Sau đó khoảng một hay hai tuần lễ sau sẽ nổi hạch nhỏ nằm trong nách, cổ, dưới cằm hay be.n. Hạch có thể sưng lớn và mưng đỏ. Bệnh hhân bị nóng, mệt mỏi, không ăn được và cảm thấy nhức đầu. Trường hợp hiếm có phát hiện vết da đỏ như một loại bướu mạch nhỏ (angiomatosis). Tất nhiên phải chữa bằng trụ sinh và Zithromax là thuốc tốt nhất.

                Mèo cào gây bệnh cho người, do vi trùng Toxoplasma gondii, đặc biệt trường hợp phụ nữ mang bầu. Nhiễm Toxoplasma sẽ làm nổi hạch ở cổ. Vi trùng có thể chui qua nhau rồi truyền từ người mẹ sang con. Toxoplasma cũng gây bệnh viêm phổi (pneumonitis), viêm màng mach võng mạc (chorioretinitis), nhiễm trùng độc, viêm màng óc, viêm hệ thống thần kinh. Đôi lúc, vi trùng còn chui được vào gan, ruột, và xương thịt bệnh nhân.

                Vi trùng Yersinia Pestis từ mèo phát bệnh dịch hạch. Mèo cũng truyền bọ chét được vào người, thường thấy tại vùng Tây núi Rocky Mountains và Tây Nam Hoa Kỳ. Trước hết, bệnh nhân bị nổi hạch trong nách, dưới háng, cổ. Rồi vi trùng vào máu và phổi. Nếu không chữa tử vong lên cao, 50%.

                Chim vẹt Perretts gây bệnh dại.

                Vẹt Perretts cũng có thể truyền vi trùng Salmonella và Campylobater. Hiện nay, ở California có luật cấm nuôi Perretts. Toàn quốc Mỹ có chừng 5-7 triệu vẹt Perretts.

                Suyễn và bệnh ngoài da phần lớn do chim truyền vào người. Chim gây nhiễm trùng do vi trùng Chlamydia psittaci và Cryptococcus neoformans. Vi trùng C. psittaci gây bệnh Psittacosis cho người, có triệu chứng như cảm cúm, sưng phổi nặng, và gây tử vong. Nhiều loại chim như vẹt mào cockatiels, vẹt đuôi dài parakeets, macaws, vẹt parrots, đôi khi chim bồ câu, vịt cũng nhiễm phải loại bệnh này. Vi trùng truyền sang ngườI sẽ làm nóng lạnh, mệt mỏi, đau nhức bắp thịt, ho, lá lách sưng lớn. Điều trị bằng trụ sinh và doxycycline là tốt nhất.

                Vi trùng từ chim bồ câu cũng lây bệnh vào người nhưng ít hơn. Bởi vậy trẻ em không nên bắt chim bồ câu khi lạc vào nhà.

                Loài gậm nhấm cũng truyền được bệnh như chuột hamsters, gerbils, chuột lắt, và chuột lang guinea pigs.

                Chẳng hạn, chuột truyền vi trùng Streptobacillus moniliformis hay Spirillum minus khi cắn, cào hay vi trùng thấm vào nước trong đồ ăn. Từ 3 tới 10 ngày sau sẽ gây nóng, lạnh, nhức đầu đau nhức mình mẩy. Phân nửa bệnh nhân bị phong thấp nhiễm trùng, viêm màng trong tim (endocarditis), viêm màng ngoài tim (pericarditis), làm mủ, và đôi khi sinh biến chứng vào ruột và phổi. Phân chuột và chuột lang guinea pigs gây bệnh thương hàn (Salmonella), hay truyền những vi trùng khác như Yersinia pseudotuberculosis, Yersinia enterocolitica, hay Trixacarus caviae.

                Còn thỏ, tương đối thỏ ít truyền bệnh sang người, nhưng cũng phải lưu ý vì vi trùng Pasteurella gây nhiễm trùng da và Francisella tularensis gây bệnh tularemia.

                Sau hết, nuôi cá cũng phải coi chừng. Vì cá có vi trùng Mycobacterium gây lở loét da. Nước nuôi cá truyền vi trùng Burkholderia pseudomallei và Erysipelothrix.

                Tóm lại, rất nhiều súc vật hoang dã hay gia súc nuôi trong nhà truyền vi trùng bệnh tật cho người, có khi rất trầm tro.ng. Loài vật gậm nhấm gây nhiều thứ bệnh đa dạng và nguy hiểm. Vậy tốt hơn hết là nên tránh những loại súc vật kể trên.

                Bài này viết vơí mục đích giúp quý vị phụ huynh chú ý bệnh truyền nhiễm do thú chơi súc vật, thứ hobby mới mà trẻ em Viêt hải ngoại rất ham thích.

                Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.
                #8
                  HongYen 14.04.2005 12:09:24 (permalink)
                  WHO chỉ thị phá hủy những mẫu virút bệnh cúm

                  13-April-2005

                  Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã chỉ thị cho các phòng thử nghiệm trên khắp thế giới phá hủy những mẫu virút bệnh cúm mà các chuyên viên cho là có khả năng gây ra một đại dịch trên toàn cầu nếu không được sử dụng một cách đúng đắn.

                  Đây là những mẫu virút loại H2N2 từng giết tới 4 triệu người giữa hai năm 1957 và 1958. Loại virút vừa kể không được bao gồm trong các loại thuốc tiêm chủng ngừa cúm từ năm 1968, điều này có nghĩa là những người sinh từ năm 1968 trở về sau không có chất kháng thể để chống lại loại virút vừa kể.

                  Một tổ chức của Mỹ đã gửi các mẫu của loại virút này tới khoảng 3700 phòng thử nghiệm như những dụng cụ thử nghiệm thường lệ. 61 trong số những phòng thử nghiệm vừa kể nằm bên ngoài vùng Bắc Mỹ.

                  Theo các chuyên viên, chuyện virút có thể lọt ra bên ngoài phòng thử nghiệm hiếm khi xảy ra, nhưng họ cũng cảnh cáo là nếu một người bị lây nhiểm thì loại vi rút này có thề lây lan rất mau chóng.

                  http://www.voanews.com/vietnamese/2005-04-13-voa22.cfm
                  #9
                    HongYen 14.04.2005 12:12:30 (permalink)
                    13 Tháng 4 2005 - Cập nhật 09h10 GMT

                    Hoa Kỳ yêu cầu hủy mẫu thí nghiệm

                    Không có vaccine ngừa virus H2N2

                    Các phòng thí nghiệm trên thế giới đang hối hả tiêu hủy các mẫu có chứa virus cúm mà họ nhận được từ Hoa Kỳ.
                    Chính phủ Mỹ vừa yêu cầu 3.700 phòng thí nghiệm tại 18 quốc gia tiêu hủy các mẫu phẩm có chứa loại virus cúm influenza vô cùng nguy hiểm mà nước này đã cung cấp từ trước.

                    Đây là chủng virus có tên là H2N2 được gọi là "cúm Á châu" là nguyên nhân gây cái chết của hơn một triệu người hồi năm 1957 nhưng tới năm 1968 đã biến mất.

                    Ông Klaus Stohr thuộc Tổ chức Y tế Thế giới nói với đài BBC rằng người sinh sau năm 1968 không có trong mình kháng thể chống loại virus này.

                    "Nếu như loại virus này mà lọt khỏi phòng thí nghiệm thì nó sẽ dễ dàng gây ra đại dịch influenza".

                    "Từ một người nó có thể lây truyền sang nhiều người khác," ông Stohr nói.

                    Quan ngại về khủng bố

                    Trường cao đẳng Bệnh học Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2004 tới tháng 2 năm nay đã gửi các bộ mẫu thí nghiệm tới các phòng phân tích trên thế giới.

                    Ngày 8/4, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu trường này gửi thư tới các phòng thí nghiệm đề nghị họ hủy các mẫu phẩm nói trên.

                    Tuy nhiên Trường Cao đẳng Bệnh học Hoa Kỳ đã không phạm luật khi gửi các mẫu này đi bởi vì loại virus này chưa được liệt vào diện tối nguy hiểm.

                    Ông Klaus Stohr nói năm 1957, khi loại virus này xuất hiện thì trên toàn cầu từ 1 tới 4 triệu người đã thiệt mạng.

                    "Thực ra dịch cúm hồi đó không lớn thế nhưng từ đó tới nay, dân số thế giới đã tăng đáng kể và do vậy chúng ta cần theo dõi việc này một cách nhanh nhạy. Chúng tôi cho rằng nguy cơ lây nhiễm không cao nếu như các phìng thí nghiệm có cách xử thế thích hợp với loại virus này. Tuy nhiên trong trường hợp quốc tế không phản ứng nhanh chóng thì nguy cơ có thể sẽ cao hơn nhiều".

                    Cơ quan Kiểm dịch của chính phủ Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, vốn chịu trách nhiệm phát hiện và khống chế các loại virus nói đang nghiên cứu để thay đổi cách phân loại đối với virus H2N2.

                    Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới nhận xét không phải tất cả các mẫu chứa virus đều có thể được tìm ra và tiêu hủy bởi vì chúng có thể đã được gửi tới những nơi khác nữa.

                    Thế nhưng WHO cũng nói rằng hiện chưa có thông tin về việc những người làm việc trong các phòng thí nghiệm bị lây nhiễm virus hoặc bị ốm. Tuy nhiên tổ chức này cũng khuyến cáo các quy tắc về an toàn dịch tễ cần phải được xem xét lại.

                    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/04/050413_labvirus.shtml
                    #10
                      HongYen 18.04.2005 03:49:15 (permalink)
                      WHO: Một số mẫu vi rút bệnh cúm nguy hiểm hiện vẫn còn thất lạc

                      16-April-2005


                      Tổ chức Y tế Thế giới cho hay một số mẫu vi rút bệnh cúm nguy hiểm bị gởi lầm tới gần 4000 phòng thí nghiệm trên thế giới hiện vẫn còn thất lạc.

                      Hôm qua, một phát ngôn viên của tổ chức này ở Geneve cho biết các phòng thí nghiệm ở Li Băng và Mê Hi Cô không hề nhận được các mẫu vi rút tuy những cơ sở đó nằm trong danh sách những nơi được phân phối.

                      Hôm thứ 5, các giới chức của cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này đã chỉ thị cho các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới tiêu hủy các mẫu thử nghiệm mà một tổ chức ở Mỹ đã gởi lầm hồi tháng 2 trong khuôn khổ của một thủ tục thử nghiệm thường lệ.

                      Loại vi rút H2N2 này tương tự như loại vi rút đã làm bùng ra trận đại dịch cúm toàn cầu năm 1957, giết chết đến 4 triệu người.

                      Các chuyên gia cho rằng xác suất xảy ra một đại dịch khác không cao lắm nhưng họ cảnh cáo rằng vi rút này có thể sẽ lan truyền nhanh chóng ngay cả trong trường hợp chỉ có 1 người bị lây nhiễm.

                      http://www.voanews.com/vietnamese/2005-04-16-voa4.cfm
                      #11
                        HongYen 18.04.2005 03:59:34 (permalink)

                        Năm 1918 Spanish cúm giết hại 20 triệu người trên thế giới.

                        Năm 1957-58 cúm Á Châu giết hại 70 ngàn người.

                        Năm 1860 cúm Hồng Kông giết 34 ngàn người.

                        Riêng cúm thông thường giết 36 ngàn người Mỹ.
                        #12
                          HongYen 27.04.2005 15:30:28 (permalink)
                          Cúm gà: Thông tin cần biết

                          Thêm ba tỉnh xuất hiện dịch cúm

                          Thứ Năm, 20/01/2005, 14:55 (GMT+7)
                          TT (tổng hợp) - Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chiều tối qua (19-1) cho biết: đã có thêm ba tỉnh Bình Dương, Kiên Giang và Hải Dương xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm.

                          Lây cúm gia cầm cho người: Nguy cơ rất lớn!

                          Thứ Năm, 20/01/2005, 11:30 (GMT+7)
                          TT - Báo cáo tại hội nghị giao ban phòng chống dịch khu vực phía Nam 2004-2005, ngày 19-1-2005, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết: trong năm 2004 có 14 ca viêm phổi dương tính H5N1, 10 trường hợp tử vong.

                          Lại thêm một bệnh nhân tử vong vì H5N1

                          Thứ Năm, 20/01/2005, 09:40 (GMT+7)
                          TT - Bệnh nhân H.T.B.T. (18 tuổi, thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang) đã qua đời lúc 18g tối qua 19-1 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, sau đúng 13 ngày nhập viện điều trị.

                          Cúm gia cầm lan rộng ra 160 xã

                          Thứ Tư, 19/01/2005, 08:47 (GMT+7)
                          TT - Báo cáo của Cục Thú y chiều tối qua (18-1) cho biết chỉ trong ngày 17-1 đã có thêm 38 điểm phát dịch ở 22 xã của ba tỉnh Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.

                          VN sẽ sản xuất văcxin phòng cúm H5N1?

                          Thứ Tư, 19/01/2005, 08:47 (GMT+7)
                          TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ vào hôm qua 18-1, GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, một trong những nhà khoa học VN tham gia đề tài nghiên cứu sản xuất văcxin phòng cúm H5N1, nói:

                          Thêm một bệnh nhân tử vong do virus cúm H5N1

                          Thứ Tư, 19/01/2005, 08:46 (GMT+7)
                          TT (TP.HCM) - Khoảng 0g ngày 18-1-2005, bệnh nhân (BN) N.T.M.H. (35 tuổi, ấp An Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đã trút hơi thở cuối cùng tại khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đối (BVBNĐ) TP.HCM, nâng tổng số BN bị tử vong vì viêm phổi do H5N1 lên 5/6 trường hợp.

                          VN sẽ thử nghiệm vacxin phòng cúm H5N1

                          Thứ Hai, 17/01/2005, 09:12 (GMT+7)
                          Trong quý I, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ thử nghiệm vacxin cúm H5N1 trên khỉ, chuột nhắt trắng và gà vì đây là những động vật có độ cảm nhiễm nhất định đối với kháng nguyên của vacxin. Sản phẩm này đã được viện nghiên cứu từ tháng 4-2004.

                          Người chăn nuôi lao đao

                          Thứ Hai, 17/01/2005, 08:59 (GMT+7)
                          TT - Những ngày này tất cả những người chăn nuôi gia cầm chưa bị dịch bệnh bắt đầu kêu trời vì gia cầm và các sản phẩm gia cầm... không thể tiêu thụ được.

                          Cúm gia cầm đã bùng phát ở 112 xã thuộc 18 tỉnh, thành

                          Thứ Hai, 17/01/2005, 08:59 (GMT+7)
                          TT - Trong ngày 15-01, cả nước đã có thêm điểm phát dịch mới của tám xã, bảy quận huyện thuộc các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Long An và Quảng Nam. Như vậy từ ngày 1-1 đến nay dịch cúm gia cầm đã phát ra ở 112 xã của 18 tỉnh thành.

                          Thông báo biện pháp phòng chống dịch cúm đến từng gia đình

                          Thứ Hai, 17/01/2005, 08:35 (GMT+7)
                          TT - Bệnh viêm phổi do virus đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, với tỉ lệ tử vong rất cao. Tại VN từ 26-12-2004 đến 14-1-2005 đã ghi nhận sáu trường hợp mắc bệnh (chủ yếu sống ở ĐBSCL, đều có liên quan tới gia cầm cúm), trong đó có năm người tử vong.

                          http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ChannelID=150
                          #13
                            HongYen 29.04.2005 22:34:42 (permalink)
                            Một vụ bộc phát cúm gia cầm ở diện rộng có thể xảy ra ở Việt Nam cuối năm nay

                            28-April-2005

                            Một vụ bộc phát cúm gia cầm ở diện rộng có thể sẽ xảy ra ở Việt nam vào cuối năm nay nếu giới hữu trách y tế và dân chúng ở đây không nhanh chóng thực hiện những giải pháp chủ động như tiêm chủng cho gia cầm và dọn sạch môi trường.

                            Theo tường thuật hôm thứ năm của hãng thông tấn Pháp, Phó giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ở Hà Nội đã đưa ra lời cảnh báo vừa kể và nói thêm rằng vi rút H5N1 có thể tiềm ẩn và tái xuất hiện khi thời tiết bắt đầu nóng bức trở lại. Chuyên gia y tế này cho rằng vi rút cúm gà vẫn tồn tại trong phân, tro cùng với những chất thải khác và trong cơ thể của gia cầm có mầm bệnh.

                            Được biết, một phụ nữ Kăm Pu Chia đã qua đời hồi tuần trước sau khi được đưa sang điều trị tại một bệnh viện ở Việt nam vì mắc bệnh cúm gà, nhưng ca tử vong chót vì bệnh này ở Việt nam xảy ra cách nay hơn một tháng.

                            Tính cho đến nay, số tử vong vì cúm gà ở Đông Nam Á đã lên tới 52 người, gồm 36 người Việt nam, 12 người Thái lan, và 4 người Kăm Pu Chia. Các chuyên gia quốc tế e rằng vi rút H5N có thể biến chủng để trở thành một dạng vi rút mới có khả năng lây lan từ người sang người và gây ra một đại dịch cúm toàn cầu.

                            http://www.voanews.com/vietnamese/2005-04-28-voa7.cfm
                            #14
                              HongYen 10.05.2005 17:42:33 (permalink)
                              Thuốc chủng ngừa cúm gà bào chế tại Việt Nam sẽ được thử nghiệm trên người vào tháng tới

                              09-May-2005


                              Một loại thuốc chủng ngừa bệnh cúm gà bào chế tại Việt Nam sẽ được thử nghiệm trên người vào tháng tới vào lúc có những mối lo ngại là dịch cúm này có thể trở thành một đại dịch nếu như nó có thể lây truyền từ người này sang người khác.

                              Tin của AFP ghi nhận lời bà Nguyễn Thu Vân, một thành viên quan trọng trong nhóm bào chế thuốc chủng, cho biết các cuộc thử nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Bà nói thêm rằng kết quả thử nghiệm với loài khỉ hồi tháng 2 là rất tốt, và hy vọng thuốc chủng sẽ được sản xuất vào đầu năm 2006.

                              Nhiều nước khác đang thực hiện công cuộc khảo cứu thuốc chủng ngừa cúm gà. Hồi đầu năm nayTổ chức Y Tế thế giới đã cho biết sẽ bảo đảm là tất cả các phòng thí nghiệm chia sẻ kết quả nhằm đẩy mạnh các cơ may tìm ra một loại thuốc chủng ngừa.

                              Tưởng cũng cần nhắc lại là cúm gà đã làm thiệt mạng 36 người tại Việt Nam kể từ cuối năm 2003, 12 người chết tại Thái Lan và 4 người chết tại Kampuchea.


                              http://www.voanews.com/vietnamese/2005-05-09-voa5.cfm
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 13 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 188 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9