Cúm gà, vịt, chim...
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 13 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 188 bài trong đề mục
HongYen 13.05.2005 03:56:13 (permalink)
Nỗ lực quốc tế nhằm theo dõi tình hình cúm gà ở Á Châu đang gặp trở ngại

11-May-2005

Các nỗ lực quốc tế nhằm theo dõi tình hình cúm gà ở Á châu đang gặp trở ngại vì tình trạng thiếu hợp tác giữa các cơ quan quốc tế và sự ngần ngại của các nước không muốn cung cấp mẫu bệnh phẩm.

Tường thuật của hãng thông tấn Reuters trích dẫn một bài viết trên tạp chí khoa học Nature cho biết: trong 8 tháng nay, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ nhận được 6 mẫu bệnh phẩm cúm gà nơi con người và không nhận được mẫu xét nghiệm nào nơi gia cầm.

Người đứng đầu chương trình bệnh cúm của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Michael Perdue, nói với tạp chí Nature rằng Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc đã không chia sẻ với tổ chức của ông các mẫu bệnh phẩm mà họ có, tuy hai tổ chức này trên lý thuyết là phải cộng tác với nhau.

Để khắc phục vấn đề này, các đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã gặp gỡ các giới chức của Việt nam, Kăm Pu Chia và Lào để yêu cầu họ gởi thẳng các mẫu bệnh phẩm gia cầm cho tổ chức này.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vi rút cúm gà loại H5N1 đã giết chết 36 người ở Việt nam, 12 người ở Thái lan và 4 người Kăm Pu Chia kể từ cuối năm 2003.

Các chuyên gia y tế e rằng vi rút này có thể biến chủng để có khả năng lây lan dễ dàng từ người này sang người khác và gây ra một đại dịch cúm giết chết hàng triệu người trên thế giới.

http://www.voanews.com/vietnamese/2005-05-11-voa11.cfm
#16
    HongYen 16.05.2005 20:39:12 (permalink)
    Phát hiện virút cúm gia cầm H5N1 trong các con heo ở Indonesia

    15-May-2005

    Các nhà khoa học thuộc Bộ Nông Nghiệp của Indonesia hôm thứ bảy đã xác định nguồn tin nói rằng vi rút cúm gia cầm H5N1 đã được phát hiện trong các con heo của một vùng đông dân cư trên đảo Java.

    Các khoa học gia này cho biết là mẫu vi rút đã được gửi đi Hong Kong để xét nghiệm thêm.

    Theo các nhà khoa học thì heo là loại vật có các tính chất tương tự về cấu trúc gen như của người và có thể mang các vi rút của cả người và của loài vật.

    Một con heo có thể bị nhiễm cùng lúc cả hai loại vi rút, hai loại này sẽ kết hợp và tạo thành một chủng loại vi rút mới có thể trở thành một đe dọa nghiêm trọng đối với con người.

    http://www.voanews.com/vietnamese/2005-05-15-voa4.cfm
    #17
      HongYen 19.05.2005 14:29:59 (permalink)
      18 Tháng 5 2005 - Cập nhật 18h57 GMT

      [image][http://newsimg.bbc.co.uk/media/images/39881000/jpg/_39881213_sars203.jpg/image]

      Một loại virút cúm mới sẽ lây lan rất nhanh


      Virút cúm gia cầm đã có thể lây từ người qua người


      Tổ chức Y Tế Thế Giới công bố kết quả một cuộc nghiên cứu mới cho thấy các ca nhiễm cúm gia cầm ở miền Bắc Việt Nam mang dấu hiệu virút truyền từ người qua người.
      Trong bản nghiên cứu, WHO thúc dục các chính phủ hãy tăng cường các biện pháp đề phòng đại dịch cúm mới.

      Người ta ghi nhận được 92 người bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với gia cầm kể từ cuối năm 2003, nhưng chỉ có vài trường hợp nghi là virút đã biến thể và truyền từ người sang người.

      Nay các nhà khoa học sợ rằng tình trạng này có thể là khởi điểm của đại dịch cúm trên toàn thế giới.

      Trong đánh giá chi tiết đầu tiên về khả năng đó, một toán nghiên cứu của WHO nói rằng kiểu lây nhiễm tìm thấy ở miền bắc Việt Nam có những đặc tính của kiểu lây từ người qua người.

      Các trận dịch chết người
      1918 Cúm Tây Ban Nha giết hại 50 triệu người
      1957 Cúm Á châu giết hại khoảng 1 triệu người
      1968 Cúm Hồng Kông giết hại khoảng 1 triệu người
      2003 Dịch Sars giết hại 774 người
      2004-5 Cúm gia cầm (H5N1) đã giết hại 50 người


      Nếu gia cầm truyền virút thì chỉ lây cho một số nhỏ những người buôn bán hay làm thịt gia cầm và có thể diệt trừ nhanh chóng.

      Nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy ở miền bắc Việt Nam tình trạng lây nhiễm xuất hiện tại nhiều cụm, thời gian lây nhiễm cũng lâu hơn, và đối tượng bị nhiễm thì không phân biệt lứa tuổi.

      Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy virút ở miền bắc Việt Nam về mặt di truyền khác với virút cùng loại ở nơi khác.

      Tuy nhiên WHO nhấn mạnh rằng kiểu lây nhiễm ở miền bắc Việt Nam cũng có thể là do loại virút dễ lây từ gia cầm sang cho người.

      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/05/050518_birdfluwho.shtml
      #18
        HongYen 20.05.2005 03:53:53 (permalink)
        Thứ năm, 19/5/2005, 17:11 GMT+7

        Giành sự sống từ tay tử thần H5N1


        Nguyễn Sỹ Tuân trước khi ra viện.


        Ngày 13/5, Nguyễn Sỹ Tuân - bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A H5N1 nặng nhất từ khi có dịch - ra viện sau 82 ngày điều trị tích cực. Đây thực sự là bước tiến mới trong công tác điều trị bệnh nhân H5N1 của ngành y học Việt Nam.

        Phòng bệnh 208 nằm lặng lẽ cuối dãy hành lang tầng 2 Khoa cấp cứu hồi sức tích cực, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai - vốn im lặng, hôm đó ồn ào khác thường. Trong không gian chưa đầy 10m2 rộn tiếng cười nói và những đóa hoa tươi thắm, những lời chúc mừng anh Nguyễn Sỹ Tuân (21 tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình) - người vừa từ cõi chết trở về với cuộc sống. Đối với ông Nguyễn Sỹ Nhâm, bố của Tuân thì hôm nay là ngày vô cùng trọng đại. Nhìn từng bước đi còn chập chững vì nằm quá lâu ngày trên giường bệnh của Tuân, ông Nhâm nghẹn ngào: “Các thày thuốc nơi đây thực sự là những người sinh ra con tôi lần thứ hai..."

        Còn Tuân, mặc dù sức khỏe vẫn chưa thực sự hoàn toàn bình phục, những bước đi còn đầy khó nhọc song nụ cười đã nở trên khuôn mặt vẫn còn hốc hác. Tuân vui vẻ khoe: “Em khỏe lên nhiều rồi. Các y, bác sĩ đã giúp em vượt qua được cái chết. Công lao này suốt đời em không quên...”.

        Có lẽ ít ai biết rằng để giành lại cuộc sống cho Tuân, các y, bác sĩ nơi đây đã phải trải qua hơn 80 ngày đêm căng thẳng chiến đấu với tử thần H5N1. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực nhớ lại những ngày tháng đầy căng thẳng đó: Đêm 21/2, Tuân được đưa đến viện trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, sốt cao, khó thở, mê sảng, phổi ran. Mặc dù được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực nhưng tình trạng sức khỏe của Tuân 3 ngày sau đó vẫn không có chuyển biến mà còn xấu đi. Bệnh nhân vẫn sốt, khó thở, tinh thần hoảng loạn, chụp phim cho thấy hai phổi đã bị tràn khí và tràn dịch màng phổi, các chỉ số về tiểu cầu, bạch cầu đều giảm rõ rệt.

        Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã phải mở màng phổi để dẫn lưu khí và dịch, cho thở máy, tăng cường các thuốc kháng sinh và chất dinh dưỡng nâng cao thể lực. Sau 10 ngày đêm điều trị theo phác đồ trên Tuân đã hết sốt, đỡ khó thở, tinh thần dần ổn định, phổi đã nở tốt sau dẫn lưu khí và dịch.

        Lúc này, nhiều người đã nghĩ rằng sức khỏe của Tuân đang dần bình phục, song không ai có thể ngờ rằng, chỉ đến sáng ngày thứ 22 nằm viện, Tuân đột ngột lên cơn đau ngực, khó thở dữ dội, tràn khí dưới da và tràn khí màng phổi do tắc dẫn lưu màng phổi trái. Bệnh nhân lại rơi vào tình trạng hoảng loạn, và đặc biệt không chịu hợp tác thở máy. Trước tình trạng sức khỏe của Tuân trở nên vô cùng nguy kịch, sau khi hội chẩn và được sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã có những quyết sách táo bạo.

        Tuân được mở khí quản sau đó đặt nội khí quản, cho thở máy áp lực cao, thay thế một số loại kháng sinh liều cao và tăng cường các chất nâng cao thể trạng như plasma, máu toàn phần, albumin. Đây là giai đoạn vô cùng căng thẳng đối với các y, bác sĩ của Khoa cấp cứu hồi sức tính cực, vì đối với bệnh nhân khi đặt nội khí quản đòi hỏi phải có sự theo dõi vô cùng chặt chẽ, chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

        Y tá Bùi Thị Kim Lan, một trong những người trực tiếp chăm sóc cho Tuân cho biết: Những ngày này luôn có 3-4 y tá, bác sĩ theo dõi Tuân 24/24 giờ, mọi công việc từ tiêm thuốc, thay băng, hút đờm, cho ăn, thay quần áo, ga giường, làm vệ sinh đều do các bác sĩ, y tá đảm nhiệm với sự cẩn thận, chi tiết ở mức cao nhất. Chỉ đơn giản như việc cho ăn qua xông nếu sơ suất một chút thôi để bệnh nhân sặc cũng có thể dẫn tới tử vong do tràn dịch phổi. Sau đúng 20 ngày đặt nội khí quản, sức khỏe của Tuân bắt đầu có những chuyển biến tích cực, bệnh nhân được chuyển sang một giai đoạn điều trị mới với việc rút dần máy thở, ống dẫn lưu màng phổi, ống mở khí quản và tiếp tục tăng cường các loại kháng sinh và dinh dưỡng nâng cao thể trạng. Cho đến ngày thứ 72, sức khỏe của Tuân đã gần như hoàn toàn bình phục. Từ lúc này cho đến ngày ra viện, ngoài việc theo dõi sát sao những diễn biến của phổi, các y, bác sĩ tập trung nâng cao thể lực và ổn định tinh thần cho Tuân.

        Từ thành công đến kinh nghiệm

        Nếu như trong những tháng đầu năm 2003-2004, Viện Y học lâm sàng cách bệnh nhiệt đới đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân SARS và cúm A H5N1 được thế giới khâm phục thì việc cứu sống được Tuân trong đợt dịch cúm A H5N1 thứ 3 diễn ra từ đầu năm tới nay có thể xem là một kỳ tích mới.

        PGS Nguyễn Đức Hiền - Viện trưởng cho biết: Tại hội nghị quốc tế về cúm gia cầm vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều nước đã bày tỏ sự thán phục và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam khi điều trị thành công cho Tuân. Bởi đối với trường hợp bệnh nặng như Tuân khi đã phải đặt nội khí quản thì tỷ lệ tử vong là rất cao, như ở Thái Lan có 17 ca thì 12 ca tử vong.

        Đánh giá về ca bệnh này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Trí Liêm nhấn mạnh: Bệnh nhân Tuân là một trường hợp viêm phổi do virus cúm A H5N1 điển hình và rất nặng. Qua việc điều trị thành công ca bệnh này có thể rút ra bài học kinh nghiệm rất lớn về phác đồ điều trị không chỉ cho ngành y tế Việt Nam mà còn cho nhiều nước trong khu vực. Đó là tinh thần phục vụ hết lòng vì người bệnh, theo dõi sát sao bệnh nhân, kịp thời xử lý các biến chứng, vận dụng linh hoạt phương thức điều trị, tích cực điều trị chống nhiễm trùng và nâng cao thể lực đã quyết định sự thành công. Ngoài ra, cũng phải kể tới sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong việc giải quyết các vấn đề chuyên môn và sự ủng hộ kịp thời về tài chính của các cơ quan chức năng vì chỉ riêng tiền thuốc điều trị cho Tuân cũng đã lên tới gần 200 triệu đồng.

        (Theo Sức khỏe và Đời sống)

        http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DE63A/
        #19
          HongYen 23.05.2005 03:27:49 (permalink)
          22 Tháng 5 2005 - Cập nhật 11h50 GMT


          Trung Quốc loan báo biện pháp chống cúm gà


          Giới chức khuyên người dân hãy thận trọng khi tiếp xúc với cúm gà

          Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn việc lây lan của virus cúm gà sang cộng đồng sau khi phát hiện ra chim di cư bị chết vì cúm gà hồi đầu tháng này.
          Theo Tân Hoa Xã, các biện pháp này bao gồm kiểm dịch tại chỗ, và tẩy trùng người qua lại vùng bị nhiễm.

          Trung Quốc cũng cấm người dân tới vùng trú ngụ của chim di cư, và kêu gọi người dân không nên tiếp xúc với gia cầm tại gia, như gà, vịt.

          Kể từ cuối năm 2003 virus cúm gà đã làm cho ít nhất 53 người chết tại Đông Nam Á.

          Bộ nông nghiệp Trung Quốc nói các chim di cư chết được tìm thấy tại tỉnh Qinghai hồi đầu tháng năm, thuộc vùng Tây hẻo lánh của nước này.

          Các chú chim này bị chết, theo lời bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, bởi virus H5N1, loại virus gây tử vong cao ở gia cầm, và có dấu hiệu lây từ vật sang người.

          Thêm bệnh nhân cúm gà tại Việt Nam

          Giới chức y tế Việt Nam cho biết họ đã phát hiện hai người bị nhiễm cúm gà, cả hai đều là đàn ông và đang được điều trị ở Hà Nội.

          Từ năm 2003 tới nay đã có 76 người bị nhiễm cúm gà ở Việt Nam, 37 trong số đó thiệt mạng.

          Tuy nhiên, công tác phòng chống cúm gia cầm ở nhiều nơi trong Việt Nam tỏ ra có hiệu quả.

          Tại TP HCM nơi giới chức địa phương cấm nuôi gà vịt trong thành phố, từ đầu năm tới nay đã không phát hiện ra trường hợp nhiễm cúm gà nào.

          Ông Huỳnh Hữu Lợi, trưởng chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, nói với đài BBC rằng từ đầu năm, thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp phòng dịch.

          "Một trong đó là việc cấm nuôi gà trong nội thành, khu dân cư, mà chỉ hạn chế ở ngoại thành. Riêng với thủy cầm đã có việc cấm nuôi hoàn toàn trong một năm. Tính chất cơ bản của việc nuôi vịt ở thành phố và đồng bằng sông Cửu Long vẫn là nuôi không tập trung, không có tính chất công nghiệp. Điều này khiến vịt có thể trở thành tác nhân gây bệnh."

          Ông Lợi cho rằng việc cấm nuôi gà trong nội thành không gây ảnh hưởng lớn vì chính quyền 'tạo điều kiện cho người dân ra ngoại thành nuôi gà'.

          Hôm thứ Năm, Tổ chức Y Tế Thế Giới công bố kết quả một cuộc nghiên cứu mới cho thấy các ca nhiễm cúm gia cầm ở miền Bắc Việt Nam mang dấu hiệu virút truyền từ người qua người.

          Trong bản nghiên cứu, WHO thúc dục các chính phủ hãy tăng cường các biện pháp đề phòng đại dịch cúm mới.

          Người ta ghi nhận được 92 người bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với gia cầm kể từ cuối năm 2003, nhưng chỉ có vài trường hợp nghi là virút đã biến thể và truyền từ người sang người.

          Nay các nhà khoa học sợ rằng tình trạng này có thể là khởi điểm của đại dịch cúm trên toàn thế giới.

          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/05/050520_vietbirdflu.shtml
          #20
            HongYen 24.05.2005 09:21:22 (permalink)
            Ngành công nghệ nuôi gà tại Hoa Kỳ tặng hơn 44000 kilô chân gà đông lạnh cho nông dân Việt Nam

            23-May-2005


            AP


            Tin của AP cho biết ngành công nghệ nuôi gà tại Hoa Kỳ đã trao tặng hơn 44 ngàn kilô chân gà đông lạnh cho những nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng của nạn dịch bệnh cúm gia cầm.

            Số lượng chân gà này sẽ được mang ra bán đấu giá tại Hà nội và Thành Phố Hồ Chí Minh trong tuần này, và tiền thu được sẽ được trao cho Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm của Vietnam để giúp nâng cao ý thức và sự hiểu biết về cách chặn đứng dịch cúm gia cầm tại các trại chăn nuôi ở vùng nông thôn.

            Trong khi đó Thông Tấn Xã Mathaba hôm thứ Hai cho hay trong khi phổ biến một phúc trình vạch rõ những đổi thay đáng ngại của loại virút H5N1 đang lan tràn trong vùng Á Châu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm Chủ Nhật đã kêu gọi các nước cấp thời chuẩn bị thuốc chống cúm cho một trận đại dịch.

            Trong những phát giác mới nhất có những bằng chứng cho thấy loại virút này đã có những biến chủng để có thể lây lan từ người sang người một cách dễ dàng hơn. Bản phúc trình còn cho thấy một trường hợp trong đó virút H5N1 đã chống lại được phần nào loại thuốc chủng ngừa chính là Oseltamivir mà các nước giàu có đang dự trữ để chống lại loại virút này.

            Sự kiện vừa kể khiến người ta thắc mắc, không rõ khả năng chống lại Oseltamivir có phát huy trong loại vi rút này hay không. Nếu có thì việc ngăn chặn và kiểm soát virút H5N1 sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.

            Tiến sĩ Michael Osterholm, một chuyên viên về dịch tễ thuộc viện đại học Minnesota ở Hoa Kỳ, cho hay những bằng chứng nêu ra trong phúc trình này rất giới hạn, nhưng cũng đủ để làm mọi người lo ngại trước sự thay đổi của tình trạng lây nhiễm và của dịch bệnh ở Bắc Việt.

            Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng nhìn nhận rằng những thay đổi này rất giới hạn, nhưng cho hay loại virút này vẫn tiếp tục là một mối đe dọa ngày càng gia tăng của một trận đại dịch.

            http://www.voanews.com/vietnamese/2005-05-23-voa8.cfm
            #21
              HongYen 24.05.2005 09:32:54 (permalink)
              23 Tháng 5 2005 - Cập nhật 17h57 GMT



              WHO lo ngại về khả năng virus cúm gia cầm truyền được từ người sang người



              VN có thêm tử vong vì cúm gia cầm

              Việt Nam thông báo có thêm ca tử vong vì cúm gia cầm vào hôm thứ Hai, đưa tổng số người thiệt mạng vì cúm gia cầm trên toàn khu vực lên 54 người.
              Một người đàn ông 46 tuổi từ tỉnh Hưng Yên đã qua đời hôm 19/5 tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội.

              Người đàn ông này qua đời sau khi được đưa vào viện ba ngày trước đó, với các triệu chứng cúm gia cầm như sốt cao, ho và khó thở.

              Được biết người này bị phát hiện có virus H5N1 dương tính vào hôm 18/5 khi ông cần đến máy trợ thở.

              Chưa rõ nạn nhân bị nhiễm virus như thế nào.

              Được biết không có dịch cúm gà tại làng của người đàn ông này và ông ta cũng không đi ra các nơi khác; thế nhưng nhà của ông ta có nuôi vịt.

              Bác sĩ Somchai Peerapakorn từ tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Căn cứ vào tình hình trước đây, căn cứ vào những bằng chứng khoa học, chuyện này cho thấy tình hình rất nghiêm trọng".

              Ca tử vong mới nhất này đưa số lượng người thiệt mạng vì cúm gà tại Việt Nam lên 38 người kể từ cuối năm 2003.

              Thái Lan cũng có 12 người và Campuchia có 4 người thiệt mạng.

              Tại Việt Nam, các nhân viên kiểm tra y tế đã kiểm tra các chợ địa phương và các trại nuôi gà.

              Một bé trai 10 tuổi thiệt mạng vì cúm gà chỉ vài ngày sau khi giúp gia đình chôn số gà bị bệnh.

              Tuần trước Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva một lần nữa đưa ra khuyến cáo dịch cúm gia cầm có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng lớn cho con người nếu virus biến đổi thành loại có thể truyền từ người sang người.

              Bác sĩ Jeremy Farrar, từ Viện các bệnh nhiệt đới ở thành phố Hồ Chí Minh, nói: "Nếu virus này giữ được khả năng phá hủy mô như hiện nay và lại phát triển khả năng truyền được từ tôi sang bạn thì chúng ta thực sự sống trong một cơn ác mộng".

              Tuy nhiên, cho tới nay chưa có bằng chứng gì cho thấy có sự biến đổi đó, và đa phần các ca nhiễm bệnh đều được truy tìm nguồn gốc là có tiếp xúc với gia cầm bị bệnh

              http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/05/050523_vietbirdflu.shtml
              #22
                HongYen 28.05.2005 15:22:59 (permalink)
                Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn yêu cầu chính phủ phê chuẩn kế hoạch chi tiêu 100 tỉ đồng để tiêm chủng cúm gà cho 212 triệu gà vịt trên cả nước

                27-May-2005



                AP


                Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam đã yêu cầu chính phủ phê chuẩn kế hoạch chi tiêu 100 tỉ đồng, tương đương với 6 triệu 300 ngàn đô la, để tiêm chủng cúm gà cho 212 triệu gà vịt trên cả nước vào tháng 10 năm nay.

                Bản tin của Tân hoa xã trích thuật tin tức báo chí Việt nam nói rằng yêu cầu vừa kể đã được đưa ra hồi tuần trước sau khi công tác tiêm chủng thí điểm ở những địa điểm chăn nuôi gia cầm tại 2 tỉnh Hà Tây ở miền bắc và tỉnh Đồng Nai ở miền nam có kết quả tốt.

                Theo dự trù, bộ Nông nghiệp sẽ mua ba loại thuốc chủng từ Trung quốc, Hà Lan và Pháp để xử dụng cho chương trình tiêm chủng này.

                Tính từ cuối năm 2003 đến nay, dịch cúm gà do vi rút H5N1 gây ra đã gây tử vong cho 37 người ở Việt nam, 4 người Kăm Pu Chia và 12 người Thái lan.

                http://www.voanews.com/vietnamese/2005-05-27-voa10.cfm

                #23
                  HongYen 19.06.2005 02:32:26 (permalink)
                  6 bệnh nhân mới ở Việt nam có kết quả xét nghiệm dương tính đối với vi rút H5N1

                  17-June-2005


                  AP


                  Sáu bệnh nhân mới ở Việt nam đã có kết quả xét nghiệm dương tính đối với vi rút H5N1, là vi rút cúm gia cầm đã gây tử vong cho 38 người ở Việt nam kể từ cuối năm 2003.

                  Bản tin của AFP hôm thứ sáu trích lời bác sĩ Nguyễn Đức Hiền, giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ở Hà nội cho biết Viện đang chữa trị cho 6 bệnh nhân cúm gà và bệnh tình của những người này đang được ổn định.

                  Cả 6 bệnh nhân này đều là người ở các tỉnh miền bắc và được nhập viện trong tháng này. Hôm thứ sáu, các cơ quan truyền thông Việt nam nói rằng một nam bác sĩ của Viện này đã bị nhiễm bệnh cúm gà, nhưng ông Nguyễn Đức Hiền nói rằng kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy là vị bác sĩ đó không nhiễm bệnh.

                  Kể từ khi bắt đầu bộc phát hồi cuối năm 2003, vi rút cúm gà còn gây tử vong cho 12 người Thái lan và 4 người Kăm Pu Chia. Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng hối thúc các chính phủ thực hiện các biện pháp phòng hờ để ứng phó với nguy cơ bộc phát một trận đại dịch cúm toàn cầu sau khi một cuộc nghiên cứu tại Việt nam cho thấy những dấu hiệu về mối rủi ro là vi rút cúm gà có thể lây từ người này sang người khác.

                  http://www.voanews.com/vietnamese/2005-06-17-voa5.cfm
                  #24
                    HongYen 23.06.2005 04:08:05 (permalink)

                    WHO Báo Nguy: Hoa Lục Lấy Thuốc Người Trị Bệnh Cúm Gà

                    BẮC KINH - Trung Quốc đang ra sức kiểm soát bệnh cúm gia cầm trong lúc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) báo động về các hậu quả đối với con người.

                    Hôm Thứ Ba, Bộ Nông Nghiệp loan báo tổ chức các đoàn điều tra để hạn chế việc cho gia cầm sử dụng thuốc kháng sinh của người như tin của báo The Washington Post.
                    Chính quyền lục địa chối cãi nhưng trước đó đã khuyến khich dùng thuốc amantadine với gà bệnh - WHO tin rằng thuôc ấy đã được dùng với gia cầm, nhưng không rõ ở mức độ nào.

                    Nếu gia cầm dùng thuốc amantadine thì thuốc ấy sẽ trở thành vô dụng đối với người.

                    Tiến sĩ Henk Bekedam, đại diện của WHO tại Bắc Kinh, nói "Vấn đề amantadine cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ của chính quyền Trung Quốc, nhất là giữa Bộ nông nghiệp và Bộ y tế.”

                    Hôm Thứ Hai, WHO và cơ quan Lương Nông LHQ (tức FAO) cử chuyên viên đến tỉnh Qinghai, miền tây Trung Quốc, để xem xét 1 địa điểm phát dịch cúm gà.

                    Số: 3733
                    Ra Ngày: 22/6/2005
                    http://www.vietbao.com/
                    #25
                      HongYen 24.06.2005 04:14:16 (permalink)

                      AP


                      Trung Quốc sẽ ngăn chận việc sử dụng thuốc Amantadine cho gia cầm

                      21-June-2005

                      Chính phủ Trung Quốc cho hay, họ sẽ gởi các chuyên viên tới khắp nơi trong nước hầu chặn đứng việc sử dụng loại thuốc chống virút gây bệnh cho người để chữa trị cho gia cầm.

                      Hành động vừa kể được đưa ra sau khi nhật báo Washington Post số ra ngày Thứ Bảy vừa qua đưa tin rằng hồi cuối thập niên 1990, chính phủ Bắc Kinh đã khuyến khích nông dân sử dụng thuốc amantadine cho gia cầm bị bệnh để ngăn chặn đà lây lan của virút H5N1.

                      Trong tuyên bố được đăng trên một nhất báo của nhà nước, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đã gọi bản tin của nhật báo Washington Post là vô căn cứ.

                      Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Lưu Kiến Siêu phủ nhận tin cho rằng chính phủ có đóng một vai trò trong vụ này nhưng nói rằng tình hình chung của vụ này sẽ được điều tra.

                      Các chuyên viên y tế nói rằng việc sử dụng không đúng cách loại thuốc này có thể đưa tới nguy cơ là khi cần điều trị cho người thì thuốc không còn hiệu nghiệm nữa.

                      Tại Thái Lan và Việt Nam người ta đã khám phá ra những dạng virút H5N1 có khả năng kháng lại thuốc.

                      http://www.voanews.com/vietnamese/2005-06-21-voa22.cfm

                      >>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

                      15 Tháng 7 2005 - Cập nhật 23h59 GMT

                      Quan ngại về người nhiễm HIV ở Nga


                      Trẻ em nhiễm HIV thường bị kỳ thị

                      Tổ chức Human Rights Watch nói các phụ nữ và trẻ em mang HIV tại Nga đang phải chịu phân biệt đối xử tại những nơi mà đáng ra họ phải cảm thấy an toàn nhất - đó là các bệnh viện và trung tâm nuôi trẻ mồ côi.
                      Bản phúc trình mới có tựa đề "Bị bỏ rơi khi dương tính" cũng cho biết các nhân viên y tế nhiều khi từ chối không chữa bệnh cho phụ nữ nhiễm HIV cho dù theo luật của Nga điều này là bất hợp pháp.

                      Bản phúc trình cũng đưa ra số liệu về việc trẻ sơ sinh bị các bà mẹ nhiễm HIV bỏ rơi, rồi sau đó những đứa trẻ này lại bị kỳ thị nơi các cô nhi viện của nhà nước.

                      Điều kiện tại các trại và các bệnh viện khá tồi tệ tuy các y bác sỹ nói chung là những người tận tụy và biết cảm thông.

                      Nhiều trẻ nhỏ gặp vấn đề về phát triển và chỉ có một số rất nhỏ được cấp phát thuốc chữa bệnh. Kết quả là nhiều em bé nhiễm HIV sinh tại Nga bị bỏ rơi và thiệt mạng.

                      Con số trẻ sơ sinh nhiễm HIV hiện nay vào khoảng từ một tới hai ngàn thế nhưng nó tiếp tục tăng nhanh.

                      Người ta đánh giá là có tới hơn một triệu người Nga đang mang trong mình virus HIV.

                      Nạn dịch này lây lan nhanh chóng chính vì tệ tiêm chích heroin và con số người nghiện sử dụng ma túy qua đường tiêm chích là tới bốn triệu.

                      Bộ Y tế Nga thừa nhận việc phân biệt đối xử cũng như kỳ thị người nhiễm HIV tại các bệnh viện và trại trẻ là trái pháp luật. Thế nhưng Bộ này cũng tuyên bố rằng họ đang bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV khỏi thái độ thù hằn, khinh rẻ trong xã hội Nga.

                      Đã nhiều năm nay, giới chức Nga có vẻ tập trung vào đối phó với các thiên kiến và đồn thổi xung quanh bệnh AIDS nhiều hơn vào giải quyết nạn dịch. Và kết quả của việc đó, theo Human Rights Watch, là Nga nay trở thành một trong các nước có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới.

                      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/07/050715_russiahiv.shtml
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.11.2005 14:36:32 bởi HongYen >
                      #26
                        HongYen 27.08.2005 03:32:12 (permalink)
                        26 Tháng 8 2005 - Cập nhật 13h11 GMT





                        Cầy vằn Việt Nam chết vì cúm gia cầm


                        Ba con cầy vằn thuộc động vật quý hiếm đã bị chết do vi rút H5N1 hồi tháng 6 tại Vườn Quốc gia Cúc Phương của Việt Nam.

                        Đây là trường hợp đầu tiên tìm thấy vi rút H5N1 ở loài động vật này. Ba con cầy vằn này là trong số 23 con thuộc Chương trình Bảo tồn cầy vằn tại Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới.

                        Chương trình được thành lập bắt đầu từ năm 1996, xuất phát từ bốn con được cứu hộ do săn bắt trái phép.

                        Ông Đỗ Văn Lập, trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế , Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết:

                        Ông Lập: "Trong thời gian từ ngày 24, một con cầy văn bị ốm, biếng ăn. Ban đầu chúng tôi không biết lý do ốm là cúm gia cầm. Khi nó chết, bác sĩ thú ý đã mổ xét nghiệm và thấy phổi tấy đỏ một số vùng. Chúng tôi lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm.

                        "Đến ngày 27 thì hai con nữa, cùng chung một chuồng cũng lại có hiện tượng như vậy và sau đó đến ngày 29 thì nó chết. Chúng tôi mở và lấy mẫu gửi ra Viện thú ý để xét nghiệm. Và Viện thú ý đã gửi cho tổ chức Y tế thế giới để gửi đi xét nghiệm.

                        "Đến ngày 15/7 thì trường ĐH Hong Kong gửi kết quả xét nghiệm về, và ba con này có nhiễm H5N1. Đến bây giờ những con còn lại vẫn khỏe mạnh. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu toàn bộ 20 con còn lại để xét nghiệm và tới tuần trước thì có kết quả là toàn bộ số cầy vằn này không có vi rút H5N1".

                        BBC: Có những lo lắng là ba con cầy vằn này lại bị lây nhiễm H5N1, thì liệu có thể truy tìm được nguồn gốc lây bệnh trong trường hợp này không?

                        Ông Lập: Nguồn gốc lây bệnh đến bây giờ vẫn chưa xác định được. Cả Viện Thú ý cũng đang tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, lý do lây lan từ đâu. Ban đầu chúng tôi cũng nghi là do số công nhân của Việt Nam có chăn nuôi gia cầm có lây dịch. Chúng tôi đã đi điều tra, lấy mẫu và xét nghiệm thì đều không tìm thấy vi rút H5N1.

                        "Về thức ăn cho cầy vằn, chúng tôi có quy trình cho ăn rất chặt chẽ. Từ lâu rồi những con cầy vằn được nuôi ở đây hàng ngày được cho ăn giun và hoa quả chứ không ăn gia cầm.

                        BBC:Hiện các chương trình bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương đang có những biện pháp gì để kiểm soát và phòng chống để phát hiện H5N1?

                        Ông Lập: Tr‎ước hết là chúng tôi đã khoanh vùng một số khu, như khu cầy vằn, tuyệt đối không cho những người không có nhiệm vụ vào. Các tổ chức của Viện Thú y và Cục thú y cung cấp cho một số thuốc, quần áo và các dụng cụ bảo hộ lao động. Định kỳ sẽ có phun thuốc phòng trừ. Công nhân đi làm quần áo mặc từ gia đình thì không được mang vào cơ quan và phải thay đồ trước khi vào làm việc.

                        "Chúng tôi cũng phổ biến cho tất cả nhân viên làm việc tại Vườn quốc gia những ai có nhiệm vụ chăn nuôi động vật hoang dã tại Vườn thì gia đình tuyệt đối không được mua thịt gia cầm về ăn trong thời điểm này và hạn chế tối đa không nuôi gia cầm".

                        Được biết các nhân viên làm việc tại Vườn quốc gia sẽ được xét nghiệm tìm vi rút H5N1.

                        Trước đó đã có trường hợp phát hiện vi rút cúm gia cầm tại mèo và hổ ở Thái Lan.

                        Các chuyên gia y tế tại Trung Quốc tin rằng giống vi rút tương tự, gây bệnh SARS khiến hàng trăm người bị chết hồi năm 2003 bắt nguồn chính từ giống cầy hương.

                        Hơn 60 người đã bị chết vì cúm gia cầm, và hàng triệu gà vịt bị thiêu hủy trong đợt bùng phát cúm gia cầm mới đây nhất bắt đầu tại châu Á đầu năm ngoái.

                        Vi rút này nay đã lan sang Kazakhstan và một số vùng của Nga. Một số chuyên gia lo sợ rằng chim di cư có thể lây truyền vi rút này tới châu Âu khi chúng di cư trốn rét vào mùa đông này.

                        Cầy vằn là thuộc loài thú quý hiếm có ghi trong sách đỏ của Việt Nam và quốc tế, có thể tìm thấy tại Việt Nam, Lào và miền nam Trung Quốc.


                        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050826_vietcivetbirdflu.shtml
                        #27
                          HongYen 20.09.2005 13:53:27 (permalink)
                          01 Tháng 8 2005 - Cập nhật 12h41 GMT


                          Trẻ em nhiễm HIV tại Việt Nam tăng


                          Phạm Thị Huệ là một người mẹ bị dương tính HIV, đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV Aids trong cộng đồng


                          Một thống kê của ngành y tế Việt Nam được Thông Tấn Xã Việt Nam ra hôm nay 1 tháng Tám cho biết số trẻ em bị nhiễm HIV tăng lên nhiều từ năm 1997 đến 2004.
                          Hiện nay, số trẻ em bị HIV dưới 13 tuổi là 400 em, chiếm khoảng 0,8% số người chính thức nhiễm HIV ở Việt Nam.

                          Nói chuyện với Ban Việt Ngữ BBC, bác sỹ Đỗ Khương, phó chủ nhiệm Ủy Ban Bảo Vệ Bà Mẹ Và Trẻ Em tại Hà Nội cho biết, trẻ em nhiễm HIV dương tính kéo dài không được chữa trị sẽ chết trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 năm, vì khả năng miễn ở trẻ em rất kém.


                          Nghe 3 phút phỏng vấn của BBC Việt Ngữ với bác sỹ Đỗ Khương

                          Tuy nhiên, theo bác sỹ Khương, tại Việt Nam, các em nhiễm bệnh được tập trung chăm sóc tại các bệnh viện và các trại nuôi dưỡng trẻ và được tích cực điều trị.

                          Bác sỹ Khương nói rằng, đã có trường hợp bệnh nhi trở lại bình thường, có kết quả xét nghiệm âm tính sau một thời gian điều tra.

                          Các em nhỏ có kết quả âm tính sẽ được cho trở lại cộng đồng, với cha mẹ ông bà. Có trường hợp, các em đã được người tới trại nuôi dưỡng xin nhận làm con nuôi như các trường hợp trẻ em bình thường khác.

                          Trong thời gian nuôi dưỡng, gia đình hay người nhận nuôi vẫn phải đưa các em tới các cơ sở y tế để theo dõi, xét nghiệm.

                          Được biết, để xét nghiệm HIV, chỉ có một cách duy nhất là xét nghiệm máu.

                          Đó là đối với các trường hợp trẻ em đã nhiễm dương tính HIV.

                          Bác sỹ Khương nói rằng, đối với các trường hợp phát hiện người mẹ nhiễm HIV dương tính từ khi đang mang thai ở tháng thứ tư, thứ năm, sau khi đảm bảo chắc chắn 100% về mức độ chính xác của kết quả xét nghiệm, người đủ thẩm quyền (trưởng phòng y vụ hay trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của viện) sẽ thông báo cho thai phụ.

                          Có trường hợp gia đình tự nguyện phá thai. Nhìn chung, bệnh viện khuyên nên phá thai vì khả năng đứa trẻ sinh ra bị nhiễm dương tính HIV là khá nhiều.

                          Chính sách chung là khuyến cáo người bệnh, gồm cả các hình thức khuyến cáo trên thông tin đại chúng như báo chí truyền hình.

                          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050801_vietchildren_hiv.shtml

                          >>>>>>>>>>>>>>>>>>


                          Hoa Kỳ viện trợ 2 triệu rưỡi đôla để giúp Việt Nam phòng chống các loại virút gây bệnh cúm, trong đó có cúm gà

                          15-September-2005

                          Hoa Kỳ vừa loan báo một chương trình viện trợ 2 triệu rưỡi đôla để giúp Việt Nam phòng chống các loại virút gây bệnh cúm, trong đó có cúm gà.

                          Theo tin của các hãng thông tấn Reuters và AFP, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine cho biết bộ Y tế và Nhân dụng Hoa Kỳ sẽ cung cấp 500 ngàn đôla mỗi năm từ năm 2005 đến năm 2010 để giúp Việt Nam thu thập thông tin về các virut gây bệnh cúm.

                          Theo đại sứ Marine, cải tiến hệ thống theo dõi cúm sẽ giúp phát hiện nhanh chóng hơn các biến đổi của virut gây cúm.

                          Từ năm 2003 đến nay, cúm gà đã làm 43 người thiệt mạng ở Việt Nam, và ít nhất 19 người ở Thái Lan, Kampuchia và Indonesia.

                          Virut cúm gà không lây truyền một cách dễ dàng từ người này qua người khác, nhưng từ hơn một năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng cảnh báo là virut có thể biến chủng thành một dạng có khả năng làm như thế.

                          Và nếu điều đó xảy ra thì hàng triệu người có thể chết trong một cơn đại dịch.

                          Các giới chức y tế Việt Nam đã bắt đầu một nỗ lực tiêm chủng hàng triệu gà vịt để kéo chậm đà lây lan của virut.

                          http://www.voanews.com/vietnamese/2005-09-15-voa10.cfm
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.11.2005 14:40:36 bởi HongYen >
                          #28
                            HongYen 26.09.2005 03:05:05 (permalink)
                            Vụ bộc phát bệnh cúm gà tại Indonesia có thể trở thành một cơn dịch


                            21-September-2005


                            AP


                            Bộ Trưởng Y Tế Indonesia cảnh báo rằng vụ bộc phát bệnh cúm gà tại nước họ có thể trở thành một cơn dịch, khi một nạn nhân khác qua đời với những triệu chứng có thể là của bệnh cúm gà.

                            Ông Siti Fadillah Supari đã nói với các nhà báo như vậy trong lúc các giới chức Y Tế đang đợi kết quả xét nghiệm về bé gái năm tuổi qua đời tại bệnh viện Jakarta ngày hôm nay.

                            Nếu xét nghiệm cho thấy là bệnh cúm gà đã gây ra cái chết vừa kể thì đây sẽ là nạn nhân thứ 5 tại Indonesia thiệt mạng vì virut cúm gà. Phát ngôn viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ông Bob Dietz, nói rằng, có lo ngại là loại virut này có thể lây lan giữa người và người.

                            Ông Dietz nói rằng mối đe dọa này là rất nghiêm trọng vì sớm muộn gì loại virut này cũng sẽ chuyển hóa thành một loại virut có thể lây lan giữa người và người và mau chóng gây nhiều tử vong trên thế giới.

                            Trong khi đó, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Indonesia, ông Anton Apriyantono, nói rằng chính phủ dự trù thực hiện một cuộc hủy diệt đại quy mô đàn gà tại những khu vực bị nhiễm bệnh nhiều.

                            Trong quá khứ, chính phủ Indonesia đã nói là họ không thể thực hiện việc hủy diệt gia cầm đại quy mô.

                            Hồi đầu tuần này, Indonesia đã tuyên bố là sẽ áp dụng các biện pháp đặc biệt để kiềm chế bệnh cúm gà là căn bệnh đã làm hơn 60 người thiệt mạng tại các nước Đông Nam Á kể từ năm 2003 tới nay.

                            http://www.voanews.com/vietnamese/2005-09-21-voa21.cfm
                            #29
                              HongYen 01.10.2005 13:15:52 (permalink)
                              30 Tháng 9 2005 - Cập nhật 12h13 GMT

                              Cúm gà có thể giết chết 150 triệu người


                              Các chuyên gia lo sợ cúm gia cầm có thể được lây truyền qua biên giới
                              Một viên chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng đại dịch cúm gia cầm gắn liền với dịch cúm gà tại châu Á có thể giết khoảng 5-15 triệu người.
                              Ông David Nabarro, người vừa được giao trách nhiệm điều phối những hoạt động phản ứng trước dịch cúm gia cầm, nói rằng một dạng biến thể của vi rút đang lây nhiễm tại châu Á có thể gây ra những đợt bùng phát mới.

                              Cúm gia cầm đã lan tràn ở gà vịt và chim hoang dã tại châu Á từ năm 2003, khiến một số lượng lớn gia cầm phải bị thiêu hủy và hơn 60 người bị chết vì bệnh này.

                              Ông David Nabarro cho biết có nhiều khả năng là vi rút tại Asia có thể biến thể và khả năng lây sang người là khá cao.

                              Vì vi rút này di chuyển từ các loài chim di cư nên có khả năng đợt bùng phát bệnh dịch đầu tiên có thể lại xảy ra thậm chí tại châu Phi hoặc Trung Đông, ông cảnh báo.

                              Những cảnh báo này được đưa ra vào khi các Bộ trưởng Nông nghiệp từ các nước Đông Nam Á, ASEAN, vừa thông qua một kế hoạch ba năm của Liên Hiệp Quốc, nhằm đấu tranh chống lại sự lan truyền của vi rút này.

                              Ông David Nabarro nhấn mạnh là ông sẽ làm việc tích cực để kiểm soát bệnh cúm gia cầm bằng cách liên lạc với các cộng đồng dân cư có nuôi gà vịt cũng như các chợ bán gà vịt đồng thời xem xét tới các tuyến di cư của các loài chim muông.

                              Theo ông Nabarro thì con số người chết vì một đại dịch cúm gia cầm trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào việc nó bùng nổ tại đâu, và được phát hiện nhanh tới mức nào cũng như những phản ứng từ các chính phủ.

                              Việc cử ông David Nabarro làm người điều phối phòng chống cúm ở gia cầm và người
                              cho thấy Liên Hiệp Quốc coi mối đe dọa này là nguy hiểm tới mức nào.

                              Ở chức vụ này ông Nabarro sẽ phải bảo đảm răng Liên Hiệp Quốc có phản ứng phối hợp trước dịch cúm gia cầm và nó sẽ giúp cho các nỗ lực trên toàn cầu để chuẩn bị nếu có đại dịch cúm ở người.

                              http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/09/050930_birdflu.shtml
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 13 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 188 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9