Chân dung các nguyên thủ Pháp - SERGE BERSTEIN
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 31 bài trong đề mục
lyenson 20.06.2009 12:11:07 (permalink)
Nền độc tài của Ngài Thiers

Trở thành vị cứu tinh của tầng lớp tư sản, Ngài Thiers cuối cùng cũng có thể tận hưởng niềm vui trọn vẹn khi có một quyền lực không thể chối cãi.

Khi bầu ông làm người đứng đầu bộ máy hành pháp, Quốc hội đang lúng túng không hề nghĩ đến việc hạn chế quyền lực của ông, và Thiers, lóa mắt bởi vầng hào quang từ chiến thắng vừa qua của mình, đã thực thi quyền hành của mình một cách khá độc tài.

Phe Quân chủ, vẫn vừa gây sức ép vừa xun xoe nhằm mong chờ sự tái thiết nền Quân chủ; phe Cộng hòa cư xử một cách nể nang dù biết việc ông đàn áp Công xã vì họ nghĩ rằng trong lời phát biểu của mình, Thiers đã dùng những từ ngữ cho thấy ý muốn duy trì nền Cộng hòa.

Quyền lực của Thiers như vậy được dựng lên trong vị trí nước đôi, nhưng chính cái thế nước đôi này tạo nên sức mạnh cho ông, và chừng nào ông còn duy trì được nó, chừng đó quyền lực của ông còn bền vững. Thiers sử dụng quyền lực đầu tiên vào công cuộc tái thiết mà ông đã cam kết.

Đầu tiên là việc giải phóng những vùng lãnh thổ đã bị mất. Ngay từ năm 1871, đợt công trái đầu tiên được phát hành đã cho phép nước Pháp thanh toán 2 tỷ quan đầu tiên trong khoản nợ bồi thường chiến tranh. Năm 1872, đợt phát hành công trái thứ hai, lần này Thiers đã có thời gian chứng tỏ rằng dưới sự lãnh đạo của chính phủ của ông, trật tự đã được thiết lập.

Tầng lớp tư sản, được trấn an sau vụ đàn áp Công xã, đã chi một khoản tiền gấp 14 lần giá trị đợt phát hành công trái thứ hai. Nhờ đó, nước Pháp đã thanh toán xong khoản nợ 3 tỷ quan còn lại. Điều này đặt ra cho ngành tài chính nhà nước gánh nặng lớn nhưng lại cho phép nhanh chóng giải phóng những vùng đất bị chiếm đóng.

Ngày 15-3-1873, Thiers ký với Đức bản hiệp ước về việc quân Đức rút hoàn toàn khỏi nước Pháp. Song song với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh đó là việc đảm bảo an ninh trong nước trong tương lai. Sau cuộc tàn sát năm 1870, nhiệm vụ đặt ra bây giờ là cải cách quân đội.

Với hình thức cải cách đưa ra, Thiers đã vấp phải sự phản đối của đa số trong Quốc hội, nhưng cuối cùng ông cũng đã áp đặt được quan điểm của mình: qui định thời hạn nghĩa vụ quân sự bắt buộc là 5 năm, có nhiều trường hợp được miễn. Việc cơ cấu tổ chức lại cơ quan tài chính cũng được đặt ra cấp bách, càng cấp bách hơn sau khi phát hành công trái thành công.

Trong việc này, Thiers cũng đã vấp phải sự phản đối của Quốc hội và một lần nữa ông lại chiến thắng trong việc áp đặt quan điểm của mình. Trong khi Quốc hội đề nghị đánh thuế thu nhập, Thiers, vốn là người đại biểu hoàn hảo của tầng lớp tư sản đã gạt bỏ và buộc Quốc hội thừa nhận rằng những nguồn thu cần thiết sẽ được lấy từ nguồn thuế gián tiếp được áp cho tất cả công dân Pháp nhằm tránh nguy cơ dồn gánh nặng tài chính lên vai những người có thu nhập cao.

Sở dĩ Thiers có thể tiến hành chính sách khá độc tài đó là vì những quyết định của ông cuối cùng đều đi theo tinh thần của chính sách dẫn đến vụ tàn sát Công xã và bởi vì những chính sách đó không thật sự làm tổn thương phe nào thuộc đa số trong Quốc hội. Nhưng đồng thời phe đa số này vẫn gây sức ép để người đứng đầu cơ quan hành pháp phải sớm thiết lập nền Quân chủ.

SERGE BERSTEIN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.06.2009 12:16:48 bởi lyenson >
#16
    lyenson 20.06.2009 12:20:06 (permalink)
    Tổng thống của một nền Cộng hòa lâm thời

    Ngay từ mùa xuân năm 1871, Thiers đã tốn nhiều công sức để đối phó lại sức ép của phe đa số mà không làm lộ kế hoạch của mình, đó là điều tất yếu gây nên sự thất bại của ông.

    Đầu tiên là cuộc tranh cãi về tính hợp lệ của việc bầu Công tước Aumale và Joinville, con trai của Louis-Philippe vào ghế Nghị sĩ quốc hội.

    Thiers không dám từ chối các hoàng tử Orléans nhưng “ông như đang đi trên dây”, như ông nói với một người thân cận. Vì vậy, để làm hài lòng phe đa số, ông đã bãi bỏ luật cho lưu đày những hoàng tử có gốc gác thuộc về một dòng họ đã trị vì đất nước; và khi đạt được thành công này, ông đã đón vào Vesailles Công tước Aumale, sau đó là người ngấp nghé ngôi vua Orléans, Bá tước Paris do Công tước Broglie hộ tống, người được coi như người lãnh đạo của phe đa số trong Quốc hội, cũng là người mà Thiers không ưa gì.

    Làm ra vẻ không nản lòng vì thất bại, Thiers buộc phải làm mặt vui vẻ với những người mà từ hôm đó ông ta coi như kẻ thù. Lại một ông vua nữa! Lại phải thuyết phục trước sự ngập ngừng, không dứt khoát của nhà vua, của các cận thần của ông ta, của gia đình ông ta trong khi Thiers đã có dưới tay mình một Quốc hội hoàn toàn trong khả năng điều khiển của mình! Thay đổi này Thiers không muốn một chút nào. Nhưng phải làm sao để ngăn chặn nó?

    Ngay từ tháng 8-1871, Quốc hội, dù vẫn khẳng định sự tin tưởng vào Thiers, cũng đã muốn đề ra những giới hạn trong quyền lực của ông. Ngày 31/8, Quốc hội đã thay đổi tên gọi chức danh của Thiers “Tổng thống nước Cộng hòa”, chức danh này không có ý nghĩa gì vì thực tế nền Cộng hòa vẫn đang chỉ là tạm thời.

    Quốc hội vừa cam chịu sử dụng từ ngữ, cách nói đối nghịch vừa thận trọng nhắc rằng Thiers chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ông phải thông qua Quốc hội, và sẽ chỉ có Quốc hội được sử dụng quyền lập hiến, biểu tượng chính của quyền tối cao. Rõ ràng là Tổng thống mới, vì cho rằng không Hiến pháp nào hạn chế theo pháp luật khả năng thực thi quyền lực của ông nên đã tự mở rộng quyền lớn nhất có thể được. Cũng bởi vì trong khi chờ đợi tái thiết nền Quân chủ, Quốc hội đã để cơ hội cho Thiers sử dụng danh tiếng và quyền lực của mình để sắp đặt nền Cộng hòa.

    Việc khôi phục chế độ Quân chủ gặp nhiều khó khăn. Mọi người đều nhận thấy rằng nó chỉ có thể thực hiện được khi đạt được sau một sự thỏa thuận: bởi vì Bá tước Chambord, người kế vị hợp pháp không có con nên người kế thừa ông ta sẽ là Bá tước Paris, người kế vị thuộc dòng họ Orléans.

    Nhưng Chambord lại không mong muốn một sự khôi phục nền Quân chủ một cách mập mờ, không muốn một ngai vàng chỉ mang tính hình thức, và để chứng tỏ những đòi hỏi của mình, ông đã bày tỏ trong một thông cáo khi trở về nước Pháp rằng ông sẽ không chấp nhận bất cứ một điều kiện nào cho việc khôi phục vương quyền. Chính ông sẽ đưa ra các điều kiện của mình và sẽ thực hiện đàm phán với người đứng đầu.

    Phe Bảo hoàng rụng rời, phe Cộng hòa mừng rỡ và Thiers cũng thầm tận hưởng niềm vui này. Việc khôi phục vương quyền vì vậy đã bị lùi lại, không ai trong số những người bảo hoàng, trừ một số rất ít những người quá khích cho rằng những điều kiện của Chambord là chấp nhận được. Trong khi phe quân chủ lo tính đến những phương kế gây bất ổn cho nền Cộng hòa lâm thời để đợi đến khi Chambord không còn và dòng tộc Orléans kế vị thì Thiers lo tính đến việc tận dụng sự khủng hoảng này của phe Bảo hoàng để sớm củng cố nền Cộng hòa.

    SERGE BERSTEIN
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.06.2009 12:22:30 bởi lyenson >
    #17
      lyenson 20.06.2009 12:25:19 (permalink)
      Không nên để mất cơ hội tuyên bố sự tồn tại của nền cộng hòa

      Cho đến năm 1872, Thiers vẫn làm mọi người nghi ngờ tính chân thật trong nhận định của ông về vấn đề thể chế chính trị. Bằng một cách đưa đẩy khéo léo, ông đã làm hết sức để trấn an tất cả mọi người.

      Đối với những người theo phe Bảo hoàng, ông viện dẫn Hiệp định Bordeaux cho phép ông giữ quan điểm trung lập tối đa và căn cứ vào những gì ông đã làm trong quá khứ thì mọi nghi ngờ rằng ông theo chủ nghĩa Cộng hòa đều tan biến.

      Đối với những người Cộng hòa, ông đưa ra lời thách thức: “Các ông muốn thử xây dựng nền Cộng hòa một cách chân chính, các ông có lý, cần phải làm một cách chân chính. Không nên giả vờ diễn kịch là ta đang thử xây dựng một thể chế mà thực ra là vẫn ngấm ngầm muốn nó thất bại…”.

      Thành thật với tất cả mọi người, nhưng ông Thiers vẫn làm những người quân chủ lo ngại qua những lời tâm sự riêng của ông: “Ngai vàng thì chỉ có một, không thể nào mà ba người cùng ngồi vào đó được” hoặc “Nền Cộng hòa là thể chế nhà nước gây chia rẽ ít nhất giữa chúng ta”.

      Ông quên không thêm vào rằng ông cho rằng nền Cộng hòa là thể chế duy nhất có thể thỏa mãn tham vọng vô bờ bến của ông, một thể chế mà ở đó, trước quyền lực của những nghị sĩ đại biểu được bầu luôn là những người thuộc giới tư sản, ông có thể dựng lên cho mình quyền lực của một quân vương mà như đối với Louis-Philippe trước đây, người đó sẽ bị quyến rũ bởi quyền lực cá nhân.

      Tháng 11-1872, ông cuối cùng cũng lột mặt nạ khi tuyên bố ủng hộ nền Cộng hòa và đưa ra những nội dung nhằm mục đích thuyết phục tầng lớp tư sản: “Nền Cộng hòa đang tồn tại, nó là chính phủ hợp pháp của đất nước: thiết lập một thể chế khác đồng nghĩa với việc châm ngòi cho một cuộc cách mạng mới và đó là điều nguy hiểm nhất trong những điều nguy hiểm.

      Đã đến lúc chúng ta tuyên bố nền Cộng hòa và chúng ta hãy xây dựng một nền Cộng hòa như chúng ta mong muốn như chúng ta thấy cần thiết. Mọi chính phủ đều cần phải bảo thủ (duy trì trật tự xã hội), không một xã hội nào lại có thể tồn tại nếu không có một chính phủ như vậy. Nền Cộng hòa sẽ bảo thủ hoặc sẽ không có nền Cộng hòa”.

      Broglie sửng sốt, phe Bảo hoàng coi như Thiers đã phá vỡ hiệp ước Bordeaux. Phe đa số trong Quốc hội quyết định sẽ từ bỏ ông và nhất định sẽ ngăn chặn không cho ông phá hoại thêm. Bởi vì nếu giai cấp tư sản càng nhìn nhận thấy ở ông người cầm đầu cho giai cấp của mình thì phe đa số trong Quốc hội lại càng lo lắng về lý thuyết về tính “bảo thủ” của nền Cộng hòa như Thiers đã từng tuyên bố.

      Có vẻ như lý thuyết đó của ông là nhằm thu hút những người Orléans đi theo Thiers vì họ, do đã quá mệt mỏi vì sự tranh cãi giữa những người được quyền kế vị, sẽ sẵn sàng chấp nhận một nền Cộng hòa mang lại cho họ những đảm bảo về trật tự xã hội và chủ nghĩa tự do chính trị. Nhằm ngăn chặn nhanh chóng những động thái đó của Thiers, những người đứng đầu phe đa số trong Quốc hội chọn giải pháp sẽ giữ im lặng để sau đó tước bỏ quyền lực của ông.

      SERGE BERSTEIN
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.06.2009 12:26:39 bởi lyenson >
      #18
        lyenson 20.06.2009 12:31:37 (permalink)
        Quốc hội loại bỏ Tổng thống
         
        Sở dĩ Thiers chấp nhận đánh bài ngửa như vậy là vì ông cho rằng Quốc hội sẽ không dám loại bỏ ông do không có được người thay thế vị trí đó.
         
        Đó chính là điều ông nói với Jules Simon vào tháng 3-1873 khi ông này lưu ý với Thiers rằng trách nhiệm của Thiers đã được hoàn thành, ông giờ đây có thể trao trả vị trí mà mình đang ngồi:
         
        - Nhưng họ không có một người nào.
        - Họ có thống chế Mac-Mahon.
        - Mà với ông này, tôi có thể trả lời rằng ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận.
         
        Tuy nhiên, hai ngày trước đó, Quốc hội đã ra quyết định rằng Thiers chỉ có thể liên lạc với Quốc hội bằng thông điệp, còn nếu ông muốn trực tiếp can thiệp thì ông phải báo trước 24 giờ. Thiers phản đối nhưng vô ích, Quốc hội quyết không chịu nhường bước. Từ đó bắt đầu cuộc chạy đua giữa phe đa số trong Quốc hội muốn hi sinh vị Tổng thống và ngài Tổng thống luôn tin tưởng vào vị trí vững chắc và vai trò cần thiết của mình: đó là vì ngày có càng nhiều người trong phe đa số tin theo quan niệm về tính chất của nền Cộng hòa bảo thủ như Thiers đề ra.
         
        Đối với Broglie , thời gian đã rất gấp. Ngày 18-5-1873, trong khi Thiers đang thay thế các Bộ trưởng thuộc phe Quân chủ bằng những đồng minh mới của nền Cộng hòa thì Broglie triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo của phe đa số trong Quốc hội: ông muốn chỉ ra lợi ích thật sự trong chiến thắng của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử tới đây, và rằng hẳn đó phải là kết quả của chính sách của Thiers.
         
        Từ đó, ông đã làm cho đa số Quốc hội chống lại việc bầu thống chế Mac-Mahon thay cho Thiers - người đứng đầu cơ quan hành pháp. Ngày 24-5-1873, Broglie chất vấn Thiers và mời ông “tuyên bố trong chính phủ một chính sách thật sự bảo thủ”. Sự hăng hái của Broglie trong bài phát biểu làm Thiers ngạc nhiên, nhưng ông còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng Quốc hội đã bỏ phiếu cho chương trình nghị sự bất tín nhiệm với 344/360 phiếu.
         
        Thiers đã bị đánh bại. Ngày 23, sau bài diễn văn của Broglie, Thiers đã yêu cầu Quốc hội nghe mình trình bày trực tiếp theo đúng quyền lợi hợp pháp của ông. Ngày 24, người đứng đầu bộ máy hành pháp đã cất tiếng. Trong bài phát biểu này, ông đã đưa ra những lời ca tụng khéo léo trong biệc hoàn thành sự nghiệp từ sự kiện Bordeaux nhờ vào sự thống nhất mà ông đã tạo ra xung quanh mình, ông cũng kết tội Broglie đã phá vỡ một cách có chủ ý sự thống nhất này về vấn đề chọn hình thái chính trị.
         
        Và Thiers, khi không còn gì để mất, đã tuyên bố công khai quan điểm của mình ủng hộ chế độ Cộng hòa: “Tôi có ý kiến riêng về vấn đề nền Cộng hòa. Tôi đã quyết định và các ngài hiểu tại sao. Bởi vì một chế độ Quân chủ về mặt thực tế là không thể tồn tại… Hơn nữa trong đa số dân chúng, xin các ngài đừng nhầm lẫn nền Cộng hòa chiếm số áp đảo!”
         
        Chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công, Thiers dành lời chất vấn sau cho Broglie: “Tôi ái ngại cho ông ta! Về mặt đại diện cho đa số, ông ta sẽ không hơn chúng ta; nhưng ông ta sẽ chỉ là một kẻ tay chân, tôi sẽ nói với ông ta là công cụ của ai… của một người che chở mà Bá tước đã qua đời của Broglie đã từng chối bỏ với sự kinh tởm: ông ta sẽ là tay chân của Quốc vương!”
         
        Nỗ lực này thất bại: Quốc hội đã quyết; họ nghe Thiers phát biểu trong im lặng nhưng lại để cho Chủ tịch Quốc hội Buffet, người đã bị Broglie phỉnh phờ, yêu cầu Thiers rời khỏi đó trước khi phiên họp bắt đầu lại. Vào buổi chiều, khi đã theo dõi kịp thời kết quả bỏ phiếu Thiers đã nghĩ đến việc tiếp tục cuộc chiến vì không có điều luật nào buộc ông phải chấp nhận như vậy. Nhưng bà Thiers đã không nghe ông: “Người ta đã xúc phạm, lăng nhục ông, họ sẽ phải đẩy sự bạc bẽo thành sự cô lập và ông sẽ phải đã chịu như vậy!”.
         
        “Chỉ có bà là người đúng mà thôi”, Thiers nói lại và thảo đơn từ chức. Vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa thứ 3 đã bị Quốc hội loại bỏ như vậy khi chính Quốc hội này đã đưa ông lên chiếc ghế quyền lực một cách vẻ vang trước đó hai năm. Vậy có thể tóm lược những hành động của ông như thế nào?
         
        SERGE BERSTEIN
        #19
          lyenson 20.06.2009 12:35:07 (permalink)
          Nhìn lại thành quả của một kỳ Tổng thống ngắn ngủi:
          Nền Cộng hòa đã trở thành một thể chế chính đáng
           
          Năm 1871, Thiers được bầu vào vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp do đa số người của phe Bảo hoàng hi vọng tận dụng thế được lòng dân chúng của ông để tái thiết chế độ Quân chủ tại Pháp; quá khứ đã từng là người phục vụ trung thành của các hoàng tử Orléans của Thiers làm họ yên lòng.
           
          Tuy nhiên, dần dần Thiers đã thay đổi ý kiến. Ông muốn áp đặt cho nền Cộng hòa mà trước đây ông đã từng kinh sợ một đa số Quốc hội cũng không ưa gì nó, và bằng cách tận dụng sự chia rẽ của phe Bảo hoàng, ông có thời gian để xây dựng một chính phủ của mình và từ đó chuyển nó thành “chính phủ hợp pháp của đất nước”.
           
          Đối với nền Cộng hòa thì ông còn làm được hơn thế: ông đã cho nó một diện mạo mới tạo niềm tin đối với những người tư sản từ trước đó luôn nhìn nhận nền Cộng hòa dưới hình ảnh của chế độ 1893, với những hình ảnh của Những ngày tháng Sáu hoặc của Công xã.
           
          Bằng cách trấn an tầng lớp tư sản, vốn là một tầng lớp xã hội lãnh đạo, và khiến họ chấp nhận chế độ Cộng hòa, Thiers đã tự đảm bảo tương lai của ông. Không phải vô tình mà Thiers khẳng định quan điểm ủng hộ nền Cộng hòa. Khi khẳng định một lần nữa niềm tin của ông vào một “nền Cộng hòa bảo thủ”, ông đã rời ghế Tổng thống và trở thành thủ lĩnh đảng Cộng hòa, tách ông khỏi những Đảng viên cấp tiến vốn làm giai cấp tư sản rất lo lắng.
           
          Bù nhìn của giai cấp này là Léon Gambetta, đã ngay lập tức không có tham vọng nào khác ngoài việc trở thành phó cho Thiers. Chính nhân vật này sẽ dẫn dắt cuộc đấu tranh thầm lặng của phe Cộng hòa chống lại nền Quân chủ của những người chiến thắng ngày 24/5/1873. Ông qua đời bốn năm sau đó, thọ 80 tuổi, giữa lúc ông đang dẫn dắt cuộc đấu tranh của phe Cộng hòa đến chiến thắng.
           
          Có thể giải thích sự thay đổi này của vị cựu Bộ trưởng của vua Louis-Philippe như thế nào? Tham vọng ư? Có thể. Dưới chế độ Cộng hòa, Thiers là người đứng đầu trong khi ông đã chỉ có thể là một Bộ trưởng của nhà vua dưới chế độ Quân chủ. Và nếu chỉ đơn giản cho là do ông là người ham muốn được đóng một vai trò năng động, ông cũng đã gặp phải nhiều cuộc tranh đấu gây hao tâm tổn trí.
           
          Nhưng điều chủ yếu là Thiers, đi trước thời của mình đã hiểu rằng chính thể này không quan tâm đến những lợi ích cơ bản của tầng lớp tư sản mà ông đại diện, rằng vào thời điểm mà ông có thể tuyên bố một cách xứng đáng sự ra đời của nó, khi những nguyên tắc của cuộc cách mạng 1789 được tôn trọng và những người tư sản bảo vệ hình ảnh của ông có thể điều hành nền Cộng hòa “bảo thủ”.
           
          Hình thức này của nền Cộng hòa làm hài lòng dân chúng. Chỉ còn phụ thuộc vào việc nó sẽ sử dụng tầng lớp tư sản vào việc phục vụ đồng thời những lợi ích của nó. Như vậy, Adolphe Thiers đã tạo dựng trong dân chúng hình ảnh của nền Cộng hòa Bảo thủ, đó cũng là tính chất của nền Cộng hòa đệ Tam.
           
          Nhưng vào thời điểm ông từ chức, ông mới chỉ tạo lập nó trên pháp lý vì ông đã nhường chỗ cho phe Bảo hoàng. Còn một việc nữa cần phải làm đó là xác định vị trí của Tổng thống trong nền Cộng hòa vì dù sao Thiers cũng chỉ làm Tổng thống không chính thức.
           
          Việc không phân định rõ vị trí đứng đầu nhà nước hay đứng đầu chính phủ của ông cũng đã có thể dẫn đến việc có một Tổng thống theo kiểu Mỹ, nếu việc từ chức của ông, giả sử tiềm ẩn phần nào nguyên tắc qui định Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội thì đã phần nào khẳng định tính chất của chế độ Đại nghị mới.
           
          SERGE BERSTEIN
          #20
            lyenson 20.06.2009 12:40:19 (permalink)
            Từ 24 tháng 5 năm 1873 đến 30 tháng 01 năm 1879
            Nguyên soái Mac-Mahon xuất hiện
             
            Ngày 24-5-1873, sau khi lật đổ chính quyền của Thiers, Quốc hội đã đưa Nguyên soái Mac-Mahon, người vốn không có đối thủ, lên làm Tổng thống của nền Cộng hòa với 390 phiếu thuận trong tổng số 721 phiếu.
             
            Từ 6 ngày trước đó, phe đa số đã quyết định đưa Mac-Mahon lên nắm quyền nhưng không thông báo cho nhân vật chính này, người đã nhiều lần khẳng định sự trung thành của mình với chính quyền Thiers.
             
            Tuy nhiên, chính gia đình Mac-Mahon đã thuyết phục người lính già này không tham dự vào phiên họp ngày 24/5. Và trong khi phiên họp diễn ra với sự vắng mặt của Thiers, Nguyên soái Mac-Mahon đã đến thăm cựu Tổng thống để thuyết phục ông rút lại đơn xin từ chức.
             
            Còn Thiers, vì biết rõ ý định của Quốc hội nên muốn đặt phe đa số vào thế bí bằng cách thuyết phục Mac-Mahon từ chối vị trí mà Quốc hội sẽ dành cho Nguyên soái: “Ngôi vị Tổng thống quả là một địa ngục, tôi sẽ không trở lại vị trí đó đâu. Và cả ông nữa, vị Nguyên soái đáng kính của ta, đừng có dấn thân vào chốn đó. Hiện nay quyền lực đang là một cái tổ ong bò vẽ mà với bản tính quân nhân của mình, chắc hẳn ông sẽ không giữ nổi bình tĩnh trong vòng 48 giờ đâu”.
             
            Không hiểu được hàm ý chính trị sâu xa của Tổng thống, Nguyên soái Mac-Mahon nghĩ rằng Thiers đã thực sự chán ngán và từ bỏ quyền lực, nên tối ngày 24/5, khi văn phòng Quốc hội vừa thông báo Mac-Mahon được bầu làm Tổng thống thì giới thân cận của vị Nguyên soái này đã không mấy khó khăn thuyết phục ông rằng điều cần làm là ông không được né tránh trọng trách này.
             
            Mac-Mahon trước tiên là một người lính
            Nhân vật mà những người thuộc phe Bảo hoàng vừa đưa lên làm Tổng thống chắc hẳn là người ít phù hợp nhất để đảm nhận vị trí này. Ông tự hào là một người lính mà sự nghiệp chỉ có được nhờ vào lòng dũng cảm chứ không phải là nhờ vào những mưu mô chính trị. Ông bắt đầu binh nghiệp của mình dưới nền Quân chủ tháng Bảy và lòng can đảm, tinh thần dũng cảm của ông đã được tôn vinh tại Algérie.
             
            Tiếng tăm về lòng dũng cảm của ông bắt đầu từ cuộc chiến tranh trên bán đảo Crimée (Ukraina). Nền Đế chế đã tạo điều kiện đưa vị tướng lĩnh quân đội hăng hái và nhiệt tình này đạt được mọi đỉnh cao. Đầu tiên là ngôi vị Công tước Magenta sau chiến tranh với Italia năm 1859, rồi đến chức Nguyên soái nước Pháp, và ở vị trí này, Mac-Mahon đã đạt được mọi tước hiệu danh phẩm cao quí.
             
            Năm 1861, ông đảm nhận vai trò đại sứ đặc mệnh bên cạnh vua Guillaume nước Phổ. Năm 1864, Mac-Mahon giữ vị trí Toàn quyền ở Algérie. Năm 1870 thì ông thôi chức Toàn quyền trở về chỉ huy quân đội ở vùng Alsace. Tuy nhiên, quân của Mac-Mahon đã thua và thủ thế ở vùng lòng chảo Sedan, nơi trận chiến kết thúc ngày 1/9 khi Mac-Mahon bị bắt làm tù binh với vết thương nhẹ ở đùi.
             
            Bị giữ làm tù binh ở Đức cho đến mùa xuân năm 1871, Mac-Mahon trở về Pháp để chỉ huy quân đội Versailles đang tập trung nhằm trấn áp phong trào Công xã Paris. Nhưng Mac-Mahon lo sợ rằng những thất bại trước đó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của mình. Và ông rất nhạy cảm với nhận xét này của Thiers: “Hết rồi… hết tất cả rồi!”.
             
            SERGE BERSTEIN
            #21
              lyenson 20.06.2009 12:44:33 (permalink)
              Đứng đầu nền Cộng hòa là một người theo chủ nghĩa chính thống
               
              Nguyên soái Mac-Mahon đã làm tất cả hài lòng khi ông là người chiến thắng trong cuộc đàn áp Công xã Paris, và ông rất có thể sẽ trở thành người giương cao ngọn cờ của phe đa số - những người muốn loại Thiers ra khỏi cuộc chơi của họ - bởi vì những tư tưởng chính trị của ông chỉ biến ông thành kẻ phục vụ những nhà quân chủ mà thôi.
               
              Trên thực tế, Nguyên soái Mac-Mahon được biết đến như một người theo chủ nghĩa chính thống. Hơn nữa, chủ nghĩa chính thống đối với ông là một truyền thống gia đình hơn là một tư tưởng chính trị.
               
              Mac-Mahon sinh năm 1808 trong một gia đình luôn lưu giữ một cách trung thành những hồi ức về các thế hệ các lãnh chúa Bourbon , những hồi ức đầu tiên của Mac-Mahon bắt đầu từ thời kỳ Vương quyền phục hưng mà cha mẹ ông đã đón nhận như một sự giải phóng. Kể từ khi Louis-Philippe lên ngôi, Mac-Mahon đã nghĩ đến việc từ bỏ quân đội; nhưng gia đình ông ngăn cản ông làm việc đó: vậy là ông phục vụ cho “vị hoàng đế của những rào cản” và nhanh chóng trở thành người được những người con của hoàng đế che chở và bảo vệ.
               
              Trong cuộc Cách mạng 1848, ông là sĩ quan cận vệ của Công tước Nemours  và thích nghi rất nhanh với chế độ mới. Cần phải làm gì trước sự sụp đổ của Louis-Philippe? Một lần nữa, ông lại nghĩ đến việc rút lui khỏi quân đội, nhưng Cavaignac, Bộ trưởng chiến tranh đã kêu gọi ông ra phục vụ: ngài Bộ trưởng cần ông để giữ gìn an ninh trật tự.
               
              Vì vậy, Mac-Mahon đã chấp nhận phục vụ nền Cộng hòa cũng giống như ông đã từng phục vụ nền Quân chủ tháng Bảy… Cuối cùng, mọi việc đã được giải quyết giống như trước kia: an ninh quốc gia yêu cầu cần có Mac-Mahon đứng ra bảo vệ. Từ năm 1858, Mac-Mahon trở thành Thượng nghị sĩ đế chế.
               
              Người ta cho rằng Mac-Mahon chấp nhận phục vụ nền Cộng hòa đệ Tam với tư cách là một trong những người bảo vệ an ninh trật tự giống như ông đã từng phục vụ nền Cộng hòa đệ Nhị. Việc không can dự vào chính trị cũng như những tư tưởng theo chủ nghĩa chính thống này ở Mac-Mahon có thể dung hòa được với mọi chế độ chính trị rất khác nhau và điều này đã nhanh chóng gây được sự chú ý của Công tước Broglie khi phe đa số trong Quốc hội muốn tìm người thay thế Thiers.
               
              Trước đó, những người theo chủ nghĩa chính thống đã từ chối chỉ định vị Tổng thống mà Broglie mong muốn: Công tước Aumale, Đại biểu quốc hội và là con trai của Louis- Philippe; những người này sợ rằng nếu bầu vị Công tước đó lên ngôi Tổng thống thì trước những khó khăn của triều đình, dòng quí tộc hoàng gia ở Orléans, dù đã có những cam kết trước đó vẫn sẽ tìm cách giành lại quyền lực từ tay dòng tộc con trưởng.
               
              Một ứng cử viên khác cho chức Tổng thống: tướng Changarnier. Nhưng với tính cách độc đoán, vị Tướng già 80 tuổi này làm người ta sợ rằng đến một lúc nào đó, ông sẽ không chấp nhận rút lui vào hậu trường để nhường chỗ cho người khác. Mac-Mahon thì khác, ông sẽ phục vụ tận tâm và trung thành “nền Cộng hòa lâm thời” và sẽ cũng rút lui một cách đàng hoàng trước người thay thế ông sau này khi ông được yêu cầu làm điều đó, và trong thời gian chờ đợi, ông sẽ để cho phe đa số tha hồ tự giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ mà không can thiệp vào những cuộc xung đột cãi vã giữa các Đại biểu trong Hạ viện.
               
              Chính vì lý do đó mà sau khi đã phục vụ 3 chế độ cách mạng, Mac-Mahon lại trở thành thủ lĩnh của chế độ chính trị thứ tư. Hơn thế, thời gian làm Tổng thống sau này của Mac-Mahon còn là điều quan trọng giúp người ta thấy rõ vị thế của Tổng thống trong các thể chế chính trị của nền Cộng hòa.
               
              SERGE BERSTEIN
              #22
                lyenson 20.06.2009 12:48:34 (permalink)
                “Thiết lập lại Trật tự Đạo đức”
                 
                Tối ngày 24-5, khi Công tước Broglie đến thăm Tổng thống mới tại nhà riêng, ông thấy Tổng thống đang ngồi cùng với Chủ tịch Quốc hội, ngài Buffet.
                 
                Hai người vừa soạn thảo xong lá thư chấp nhận chức vụ Tổng thống của Mac-Mahon sẽ gửi cho các Đại biểu Quốc hội đã bầu ông:
                 
                “Kính thưa các quí vị đại biểu,
                Tôi xin tuân theo quyết định của Hạ viện, cơ quan đại diện cho chủ quyền quốc gia, và xin nhận nhiệm vụ được giao là giữ vai trò Tổng thống của nền Cộng hòa. Đây là một trách nhiệm nặng nề dành cho lòng yêu nước của tôi.
                 
                Nhưng với sự giúp đỡ của Chúa và sự tận tâm của quân đội chúng ta - một đội quân của pháp luật, với sự trợ giúp của tất cả những con người chân chính, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục sự nghiệp giải phóng lãnh thổ và thiết lập lại trật tự đạo đức ở đất nước chúng ta, chúng ta sẽ gìn giữ nền hòa bình trong lãnh thổ và giữ vững những nguyên tắc cơ bản của xã hội chúng ta. Tôi xin nói tất cả những lời đó với quí vị với danh dự của một con người trung thực, chân chính và danh dự của một người lính”.
                 
                Broglie cảm thấy rất phấn chấn: người ta không thể đưa ra những nguyên tắc lãnh đạo nào tốt hơn thế cho phe đa số trong Quốc hội và ông sẽ điều khiển để bức thông điệp đó không chỉ được gửi tới từng Đại biểu quốc hội mà còn được dán ở khắp nơi trên nước Pháp. Theo cách đó, một chính phủ của “Trật tự Đạo đức” sẽ bắt đầu dưới sự bảo hộ của Mac-Mahon.
                 
                Công tước Broglie, vị nguyên thủ giấu mặt
                Ngày 25-5-1873, chính phủ “Trật tự Đạo đức”, như những người Cộng hòa vẫn nói đùa, đã được thành lập. Theo luật pháp, Mac-Mahon sẽ điều hành và lãnh đạo bộ máy này, nhưng việc Tổng thống còn thiếu kinh nghiệm chính trị cộng thêm với điều luật mà Quốc hội thông qua vào tháng 3 đã hạn chế khả năng can thiệp của Tổng thống khiến cho việc thành lập chính phủ phải dựa trên sự hợp tác chặt chẽ của các nhà lãnh đạo trong phe đa số của Quốc hội.
                 
                Cho nên, chính Broglie đã thành lập chính phủ này thể theo yêu cầu của Mac-Mahon; ông là người điều khiển chính với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và chức năng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Cuối cùng, tất cả thống nhất là Broglie sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ chính trị trước Quốc hội bởi vì, khác với Mac-Mahon, Broglie hoàn toàn tự do trước cơ quan đại diện này.
                 
                Như vậy, việc Quốc hội vẫn không tin tưởng vào Tổng thống giống như trường hợp của Thiers trước đây đã làm nảy sinh một vấn đề cơ bản mà người ở vị trí quyền lực tối cao sẽ gặp phải trong suốt nền Cộng hòa đệ Tam: sự khác xa nhau giữa lý thuyết (Tổng thống phải là vị nguyên thủ có thực quyền tối cao) và thực tế (Tổng thống buộc phải nhường phần lớn quyền lực cho một người khác ban đầu xuất hiện với tư cách là trợ lý của Tổng thống); sự khác nhau giữa lý thuyết và thực tế này xảy ra trước khi logic của sự phát triển khiến cho Tổng thống thực sự là người có quyền lực tối cao; vai trò cá nhân của Mac-Mahon trong logic phát triển này là không thể phủ nhận được.
                 
                Kể từ năm 1873, Broglie là người lãnh đạo thực sự của đất nước, ngay cả khi Mac-Mahon điều hành Hội đồng Bộ trưởng và luôn tìm cách nắm được mọi thông tin. Nếu quả thực Mac-Mahon là người quyết định cuối cùng thì chính Công tước Broglie là người đã chuẩn bị sẵn những quyết định trước đó.
                 
                SERGE BERSTEIN
                #23
                  lyenson 20.06.2009 13:16:05 (permalink)
                  “Dưới tên gọi Cộng hòa, thực chất là một nền quân chủ”
                   
                  Thiers đã bị đẩy đi, Mac-Mahon trung thành đã có vị trí của mình, Broglie đang nắm quyền lực, trong tình cảnh ấy, những người bảo hoàng thực sự là chủ cuộc chơi. Họ định thừa cơ hội này để cố gắng một lần nữa giành lại nền Quân chủ phục chế.
                   
                  Ngay bản thân Mac-Mahon cũng không ngần ngại tuyên bố một cách công khai rằng việc Bá tước Chambord  lên ngôi là “khát khao cháy bỏng nhất” mà ông chưa bao giờ nói đến. Nhưng vào năm 1871 lại nảy sinh vấn đề gây tranh cãi gay gắt về quốc kỳ, vì thế, vị thế của Chambord cũng không làm thay đổi được gì.
                   
                  Một lần nữa, phe Quân chủ lại cử một phái đoàn đến để thuyết phục “Người kế vị ngai vàng” từ chối “lá cờ của Henri IV”. Phái đoàn này có thể vận dụng những lời khuyên của Tổng thống, người đã từ chối việc đích thân mình viết cho Chambord để không đi ngược với cam kết mà ông đã hứa trước đó là giữ quan điểm trung lập.
                   
                  Tổng thống muốn Chambord biết rằng không thể áp đặt quân đội phải chấp nhận một lá cờ nào khác ngoài quốc kỳ tam tài. Thay vào những lời lẽ bóng bẩy của các nhà sáng tạo ngôn ngữ lịch sử: “Chỉ cần nhìn thấy lá quốc kỳ màu trắng thì những tay súng sẽ tự bỏ đi”, Mac-Mahon tuyên bố rằng: “Quân đội sẽ quyết sống chết với lá cờ tam tài; nếu lá cờ bị vò nát thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ xảy ra những xung đột khủng khiếp”.
                   
                  Nhưng Chambord không có ý định bắt đầu ngôi vị cai trị đang rất gần của mình bằng những gì mà vị Bá tước này cho là một hành động thấp hèn. Khi Chesnelong, người dẫn đầu phái đoàn Quân chủ đến thuyết phục
                   
                  Chambord vụng về kể lại chuyến đi của mình cho bạn bè trong chính giới rằng Bá tước Chambord sẵn sàng nhượng bộ thì vị Bá tước đã đưa ra một lời cải chính gay gắt, lời phủ nhận này có thể cắt đứt mọi cầu nối và làm cho việc phục chế nền quân chủ mà chính Bá tước sẽ là người hưởng lợi trở thành một điều không thể:
                   
                  “Một khi những hiểu lầm ngày càng chồng chất làm lu mờ chính sách của ta trước bầu trời rộng mở thì ta phải cảm ơn xứ sở này, đất nước này vì tất cả sự thật được phơi bày, nơi ta có thể không được biết đến và không là gì cả… Hôm nay người ta yêu cầu ta hãy vứt bỏ danh dự của mình… Ta không thể đồng ý bắt đầu một vương triều mới bằng một hành động đê hèn… Ta muốn luôn là chính mình. Nếu ngày hôm nay ta mềm yếu nhượng bộ, ngày mai ta sẽ hoàn toàn bất lực (…) Bản thân ta không là gì cả, nguyên tắc sống của ta mới là tất cả. Nước Pháp sẽ nhìn thấy kết cục những thử thách của mình khi nước Pháp muốn hiểu nguyên tắc đó của ta”.
                   
                  Những người Cộng hòa do Thiers và Gambetta dẫn dắt thì mừng quýnh bởi chừng nào việc phục chế nền Quân chủ bị chậm lại thì chừng đó nền Cộng hòa còn giữ được. Phe Bảo hoàng bị giáng một đòn mạnh. Việc họ đặt niềm tin vào những người con của Hoàng gia đang theo đuổi chính sách của phe đa số đã khiến cho tình đoàn kết thống nhất giữa các gia đình vương tôn vốn rất khó khăn mới xây dựng được nay lại bị đe dọa nghiêm trọng.
                   
                  Vì vậy, cần phải chờ cho Chambord biến khỏi chính trường, nhưng là chờ đợi trong khi vẫn để mọi điều diễn ra theo chiều hướng thuận lợi như hiện nay. Chính Hoàng tử Joinville, con trai của Louis Philippe đã áp đặt quan điểm của mình cho phe đa số: “Nước Pháp có Nguyên soái; cần phải giữ gìn và bảo vệ Nguyên soái, bản thân ta và tất cả chúng ta đều phải là những người theo và ủng hộ Mac-Mahon”. Quan điểm này đã chiến thắng dù cho một số người, ví dụ như Công tước Broglie, ngay lúc đó đã hiểu rằng tính không nhượng bộ của Chambord đã đặt cơ hội phục hồi nền Quân chủ vào thế hoàn toàn tiêu cực và nguy hiểm.
                   
                  Trong hoàn cảnh đó, giải pháp tối ưu chính là giải pháp mà Thiers đã chủ trương theo đuổi và Broglie đã gọi tên giải pháp đó như sau: “Biến Mac-Mahon trở thành một vị nguyên thủ lâm thời thực sự dưới chức danh Tổng thống và biến nước Pháp đang núp dưới cái tên Cộng hòa trở thành một nền Quân chủ không có Vua mà thôi”. Nhưng vì mưu đồ chính trị này rất ít có cơ hội thành công nên phe đa số đã quyết định cải biến vị trí nguyên thủ quốc gia lâm thời. Vì vậy, dù lúc đó chưa có một văn bản nào qui định về chế độ chính trị của nước Pháp, ngày 18-11-1873, theo yêu cầu của Broglie, Quốc hội vẫn quyết định kéo dài thời hạn quyền lực của Nguyên soái Mac-Mahon bằng việc thông qua luật “nhiệm kỳ 7 năm”.
                   
                  Trong khi các cuộc tranh luận đang diễn ra ở Quốc hội thì Tổng thống lại có viên sĩ quan tuỳ tùng của Bá tước Chambord đến thăm và báo với ông rằng người kế vị ngai vàng đang ở Versailles, muốn gặp Tổng thống để bàn bạc và đưa ra những điều kiện để Nguyên soái có thể nhường lại quyền lực của mình cho Chambord, bất chấp ý kiến của Quốc hội. Mac-Mahon rất hoảng hốt đã từ chối thẳng thừng cuộc gặp với Bá tước vì cho rằng như thế là người ta đã ép ông phản bội lại lòng tin của Quốc hội đối với ông.
                   
                  Một lần nữa, “người lính trung thành” lại đặt nghĩa vụ của mình lên trên những tham vọng chính trị cá nhân, còn Chambord vô cùng thất vọng, sau này khi rời khỏi nước Pháp sang lưu vong hẳn ở Áo, vị Bá tước đã chua chát nói về Mac-Mahon: “Ta cứ tưởng rằng mình đã gặp được viên sĩ quan quân đội hàng đầu của nước Pháp, nhưng không ngờ ta chỉ gặp một tên “cớm” chỉ huy mà thôi”.
                   
                  Trở thành người đứng đầu nền Cộng hòa với nhiệm kỳ 7 năm, Mac-Mahon sau đó đã tham gia tích cực vào việc củng cố thể chế chính trị này. Cũng trong khoảng thời gian đó, với chính sách mà mình theo đuổi, Broglie đã vô hình chung giúp những người Cộng hòa đứng lên dù đó không phải là điều Công tước mong muốn.
                   
                  SERGE BERSTEIN
                  #24
                    lyenson 20.06.2009 13:19:33 (permalink)
                    Quân chủ hóa xã hội, Cộng hòa hóa dư luận
                     
                    Dù không hề ảo tưởng về ý thức và tinh thần của Nguyên soái, những người Cộng hòa lúc đầu vẫn tỏ ra sẵn sàng chấp nhận Mac-Mahon: “Có ông ta thì chúng ta vẫn còn nền Cộng hòa”.
                     
                    Đó là một nền Cộng hòa khá lạ lùng mà sau này Công tước Broglie đã nhanh chóng chỉ ra cho những người Cộng hòa thấy bằng việc áp dụng chính sách Trật tự Đạo đức, cái làm nên ngọn cờ tiên phong trong chiến dịch rầm rộ chống lại những người Cộng hòa, nhằm hất họ ra khỏi vị trí hành động và nhằm chuẩn bị điều kiện cho nền Quân chủ phục chế.
                     
                    Xét một cách tổng thể, những thành viên Cộng hòa đã bị thanh trừ khỏi các cấp chính quyền, một đạo luật thì qui định Chính phủ có quyền chỉ định chức Thị trưởng cho các địa phương còn những chức danh Cộng hòa trong Toà thị chính lại do một đạo luật khác qui định. Không có bất cứ một dấu tích nào của nền Cộng hòa được thể hiện trong các văn bản nhà nước.
                     
                    Chính phủ kiểm duyệt gắt gao việc in ấn và phát hành báo chí. Ngược lại, mối quan tâm của Chính phủ là làm thế nào truyền bá lại vào tư tưởng của quần chúng Pháp những khái niệm đã biến mất như việc tôn thờ và kính trọng giới chính quyền đã được tạo lập, tầng lớp thống trị và giáo hội có quyền lực trong xã hội.
                     
                    Giới tăng lữ được các nhà lãnh đạo của phe đa số nhìn nhận như một trợ thủ đắc lực và tầng lớp này cũng dành được mọi sự quan tâm của Chính phủ; những người biểu tình chống lại tầng lớp tăng lữ bị truy đuổi, việc chôn cất dân thường bị cấm đoán, và “báo chí có tâm” thì nhận được sự trợ giúp từ các cấp chính quyền.
                     
                    Phe đa số và các tổ chức đã giúp đỡ nhiệt tình cho việc khánh thành Nhà thờ Sacré-Coeur  với tuyên bố rằng đó là “vì lợi ích công chúng”; sự trợ giúp của Chính phủ chủ yếu dành cho những cuộc hành hương ở Lourdes, Chartres và Paray-le-Monial, và tất cả cùng hát: “Hãy cứu lấy thành Roma và nước Pháp nhân danh Sacré-Coeur”. Vài năm sau đó, những người Cộng hòa thắng thế đã bắt giới tăng lữ phải trả giá đắt cho những mối quan hệ liên lụy trước đó của mình.
                     
                    Trong khi công tác tuyên truyền đang lan rộng thì chính quyền Cộng hòa không ngừng có những tiến triển tích cực ở trong nước, đặc biệt là nhờ vào những hoạt động không mệt mỏi của Gambetta. Cuộc bầu cử chính quyền các cấp năm 1874 là một thắng lợi của nền Cộng hòa.
                     
                    Và ngay sau đó, phe đa số đã chia rẽ rất nhanh; những người theo chủ nghĩa chính thống, mặc dù trước đó đã thông qua luật về nhiệm kỳ 7 năm của Tổng thống, mặc dù không dám nói ra nhưng vẫn thầm trách Broglie và Mac-Mahon về thất bại của người kế vị ngai vàng Chambord; nhất là phái giữa trong Quốc hội - những người ủng hộ dòng Orléans - đang lo sợ về một nguy cơ mới mà người ta nghĩ rằng nó đã biến mất: chủ nghĩa Bonaparte. Rouher , vị “Hoàng đế đệ Nhị”, cái tên đệm mà mọi người đặt cho ông, đã tụ tập những người đi theo và ủng hộ nền Đế chế vào Đảng “Kêu gọi dân chúng” và bắt đầu một hoạt động tuyên truyền tích cực nhằm ủng hộ cho con trai của Napoléon III, vị Thái tử vương triều.
                     
                    Trước nguy cơ xuất hiện một chế độ độc tài mới, những thành viên thuộc phái trung tâm trong Quốc hội vốn nghiêng về chủ nghĩa tự do hơn là chủ nghĩa quân chủ đã tính ngay thấy mối nguy hiểm mà nước Pháp đang phải đối đầu, đó là tính bấp bênh không ổn định của chế độ lâm thời.
                     
                    Rất nhiều người đã ngả theo lối nghĩ của Broglie rằng thà duy trì một nền Cộng hòa bảo thủ, trong đó Tổng thống nắm mọi quyền hành của một vị vua cai trị theo hiến pháp và được sự trợ giúp của Thượng viện, cơ quan đại diện cho quyền lợi của phe Bảo thủ và có trách nhiệm ngăn chặn mọi động thái kích động của Hạ viện - cơ quan được thành lập do bầu cử - còn hơn là để xuất hiện một nền chính trị chuyên chế. Nhưng sự hiện hữu của phe đa số trong chính phủ “Trật tự Đạo đức” đã ngăn cản phái giữa nêu ý kiến của mình.
                     
                    Tháng 5-1874, khi Công tước Broglie trình bày trước Quốc hội chương trình Thượng viện của mình, lập tức một liên minh chính trị giữa những người Cộng hòa, người theo chủ nghĩa chính thống và những người theo chủ nghĩa Bonaparte đã lật đổ chính phủ: phe đa số trong chính phủ “Trật tự Đạo đức” đã tan tác; nền Cộng hòa được giải cứu.
                     
                    SERGE BERSTEIN
                    #25
                      lyenson 20.06.2009 13:23:10 (permalink)
                      Sửa đổi Hiến pháp của Wallon, bản khai sinh nền Cộng hòa đệ Tam
                       
                      Quốc hội của những đại biểu quân chủ ra đời sau cuộc bầu cử năm 1871 đã không thể tìm ra một vị vua và chính họ lập ra nền Cộng hòa.
                      Kể từ sau thất bại của Broglie, rất nhiều đại biểu phe trung hữu bắt đầu ngả sang cánh trung-tả, bao gồm những người Cộng hòa ôn hòa theo tư tưởng của Thiers.
                       
                      Léon Gambetta đã từ bỏ tư tưởng không nhượng bộ của mình và sự lớn mạnh của Gambetta đã thúc đẩy việc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Phe đa số dễ dàng tan rã trong cuộc bỏ phiếu về những sửa đổi Hiến pháp: những sửa đổi nào có chứa từ “Cộng hòa” đều bị loại bỏ nhưng với số phiếu ngày càng ít; rõ ràng, việc tiến hành lật đổ phe đa số là không thể chậm trễ.
                       
                      Và cũng đã đến cái ngày Đại biểu Quốc hội Wallon, người công giáo theo chủ nghĩa tự do, vừa hôm qua thôi hãy còn là người của phái Orléans, đã đưa ra cho Quốc hội thống nhất với đa số đối với sửa đổi hiến pháp có thể được coi là bản khai sinh nền Cộng hòa đệ Tam: “Tổng thống nền Cộng hòa được bầu theo đa số phiếu trong Thượng nghị viện và Hạ nghị viện của Quốc hội. Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ 7 năm và có thể được tái cử”.
                       
                      Vậy là chức vị Tổng thống cá nhân của Mac-Mahon được thay bằng khái niệm mới về một vị Tổng thống vô danh, có thể được tái cử và những điều kiện bầu cử được chỉ ra trong một văn bản có giá trị liên tục. Và điều sửa đổi này của Wallon đã đánh dấu bước thắng lợi hoàn toàn của nền Cộng hòa sau 4 năm tồn tại một cách bấp bênh.
                       
                      Phe Cộng hòa đã giành được thắng lợi, công việc còn lại chỉ là phải qui hoạch và xây dựng chế độ mới. Hiến pháp năm 1875 đã đáp ứng đòi hỏi này. Nhưng vì hiến pháp phải do Quốc hội phê duyệt và sửa đổi cuối cùng nên bản hiến pháp phải chịu sự chi phối của các thành phần khác nhau trong Quốc hội.
                       
                      Có nghĩa là bản hiến pháp được thông qua phải là kết quả của một thỏa thuận giữa những người thuộc phái Orléans luôn theo dõi sát sao xem hiến pháp có phù hợp với một nền Quân chủ mà họ vẫn chưa hết hi vọng sẽ phục hồi sau này không - với phái trung-tả gồm những người đã từ bỏ ý định về một sự phục hồi nền Quân chủ nhưng ít nhất vẫn muốn các quyền lợi của phe Bảo thủ mà họ đại diện được bảo vệ, và những người Cộng hòa ôn hòa luôn có tham vọng vĩnh cửu hóa chế độ Cộng hòa, tất cả được tiến hành trên cơ sở những nhượng bộ về thể chế.
                       
                      Bên cạnh Hạ nghị viện được thành lập sau cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp, một Thượng viện cũng được thành lập tương tự với một bộ phận nhỏ gồm 75 Thượng nghị sĩ không thể bị bãi miễn, lúc đầu do Quốc hội bầu ra và sau đó được các Nghị sĩ trúng cử bầu bổ sung, và một phần lớn gồm 225 nghị sĩ do Ban bầu cử gồm chủ yếu là đại diện các Hội đồng thành phố và tỉnh bầu ra, nghĩa là các Thượng nghị sĩ được bầu ở nơi quyền lực thuộc về những người bảo thủ địa phương.
                       
                      Tuy vậy, Thượng nghị viện cũng sẽ được hưởng những quyền lực tương tự như Hạ nghị viện (thông qua các luật và ngân sách, giám sát hoạt động của các bộ) và có thể làm tê liệt những ý kiến do các đại biểu được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu đưa ra.
                       
                      Mối quan tâm của phe đa số cũng được thể hiện qua một điều khoản khác trong Hiến pháp. Điều khoản này qui định Hiến pháp có thể được sửa đổi bởi một thủ tục rất dễ dàng và do hai Viện thông qua tại Hội nghị nhóm họp các đại biểu, qui định này được đưa ra bất kể những phản ứng của phe Cộng hòa - những người cho rằng điều đó có thể tạo điều kiện cho việc phục hồi nền Quân chủ - vài năm sau đó, để đề phòng nguy cơ nói trên, các đại biểu đã quyết định rằng thể chế Cộng hòa không thể bị đem ra làm đối tượng của việc sửa đổi Hiến pháp.
                       
                      SERGE BERSTEIN
                       
                      (còn tiếp)
                      #26
                        lyenson 22.06.2009 19:16:37 (permalink)
                        Quyền của Tổng thống trong Hiến pháp năm 1875
                         
                        Trước hết, bản Hiến pháp năm 1875, vốn vẫn giữ nguyên tư tưởng bảo thủ và chủ nghĩa Quân chủ, đã qui định mọi quyền lực của Tổng thống nền Cộng hòa.
                         
                        Những quyền lực này đã đi ngược với mối quan tâm của hai phái chính trị: những người theo chủ nghĩa chính thống luôn muốn trang bị cho Tổng thống những quyền mà sau này có thể chuyển giao cho Vua nếu nền Quân chủ được phục hồi, và những thành viên của phe trung hữu muốn biến Tổng thống thành con người của những kẻ có thế lực chứ không phải do bầu cử phổ thông đầu phiếu vì họ sợ rằng sẽ lại phải chứng kiến những biến cố như trong nền Cộng hòa đệ Nhị.
                         
                        Điều này cũng giải thích vì sao Tổng thống không do dân chúng bầu ra như năm 1848 mà do hai Viện nhóm họp tại Hội nghị. Tổng thống chỉ đạo và điều khiển những buổi lễ trọng thể của quốc gia, cắt cử người đảm nhận những vị trí quân sự và dân sự, Tổng thống là vị lãnh đạo tối cao của quân đội.
                         
                        Về mặt tư pháp, Tổng thống có quyền ân xá. Tổng thống cũng là người đảm bảo chính sách đối ngoại của nước Pháp vì Tổng thống là người đàm phán, phê chuẩn các hiệp ước và giám sát luôn quá trình áp dụng các hiệp ước đó (nhưng trong trường hợp này, hai Viện phải phê chuẩn).
                         
                        Liên quan đến chính sách đối ngoại, Tổng thống cũng có những quyền rất quan trọng: chỉ Tổng thống mới có quyền đưa ra các dự luật (quyền này mang tính cạnh tranh với hai Viện) và trong trường hợp không đồng ý với một trong hai Viện, Tổng thống có thể đề nghị Viện đó xem xét thảo luận lại về một dự luật. Tổng thống có quyền triệu tập hai Viện họp, có quyền hoãn lại cuộc họp sau một tháng nhưng nhiều nhất là hai lần trong vòng một kỳ họp.
                         
                        Và cuối cùng, một điều khoản quan trọng trong Hiến pháp nữa đó là Tổng thống có thể liên hệ với những nhân vật quan trọng để làm cho cuộc bầu cử thất bại, vì Tổng thống có quyền giải tán Hạ nghị viện sau khi có sự đồng ý của Thượng nghị viện. Những người theo chủ nghĩa chính thống đã lên tiếng phản đối việc Tổng thống buộc phải tham khảo ý kiến của Thượng nghị viện thì mới có thể quyết định giải tán Hạ nghị viện. Nhưng phe trung hữu trong Quốc hội, đại diện cho những người có thế lực và vẫn còn nhớ thái độ của Charles X  khi một mình quyết định giải tán Hạ nghị viện năm 1830, thì không phản ứng gì trước quyết định trên.
                         
                        Tuy nhiên, các bên đều dễ dàng đi đến thống nhất quyết định rằng Tổng thống sẽ không phải chịu trách nhiệm trước hai Viện: về phía những người thuộc chủ nghĩa chính thống, họ không thể chấp nhận việc một vị Vua phải sử dụng đến uy tín của mình để phân bua, giải thích những việc làm của mình trước hai Viện; còn phe trung hữu thì muốn rằng thực quyền phải được trao cho một vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được giới quí tộc tin tưởng.
                         
                        Như vậy, điều khoản miễn trách này đã khoác trách nhiệm lên một nhân vật mà Hiến pháp không hề đề cập. Vì vậy, phải lấy thực tế hoạt động của chế độ đại nghị để giải quyết những vấn đề chưa được qui định trong Hiến pháp. Và như vậy, sau hai năm, quyền lực của Mac-Mahon mới được xác định một cách hợp pháp. Tuy nhiên, chính sách của Tổng thống lại đặt Hiến pháp trước thách thức.
                         
                        Sau khi hết nhiệm kỳ của Mac-Mahon, những hậu quả do thái độ ứng xử và hành động trước đó của Tổng thống mang lại đã cho thấy rõ trong thực tế những mặt hạn chế của chức danh Tổng thống.
                         
                        SERGE BERSTEIN
                        #27
                          lyenson 22.06.2009 19:20:21 (permalink)
                          Cách Mac-Mahon trở thành người tiên phong giương cao ngọn cờ của Đảng Bảo thủ
                           
                          Sau thất bại của Broglie, Mac-Mahon đã thành lập một chính phủ gồm những kĩ thuật viên do người bạn cũ của ông là tướng Cissey điều khiển.
                          Sau đó, đến lượt phe đa số thành lập một chính phủ Buffet mờ nhạt nhưng kể từ sau khi bỏ phiếu thông qua luật hiến pháp thì đời sống chính trị dường như đã chỉ còn mối quan tâm duy nhất đó là viễn cảnh phân chia Quốc hội đang đến rất gần khi mà nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
                           
                          Đằng sau những lời phát biểu trước công chúng, mỗi đảng phái đều đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, ngầm hi vọng có thể thao túng nền Cộng hòa non trẻ vừa mới thành lập. Những người Cộng hòa hi vọng sẽ thắng trong cuộc bầu cử và họ đặt niềm tin vào hoạt động kép của hai thủ lĩnh của mình, hai người trước đây từng là đối thủ của nhau nhưng nay đã hòa hợp trở lại, đó là Thiers và Gambetta.
                           
                          Gambetta trong một bài diễn văn rất hùng hồn đã công bố sự xuất hiện của những tầng lớp xã hội mới: “những tầng lớp xã hội mới xuất hiện từ sau cuộc Cách mạng Pháp và bầu cử, đã hòa hợp với tầng lớp tiến bộ của xã hội cũ, như vậy, cuối cùng chúng ta sẽ có thể kết thúc cuộc cách mạng vĩ đại bắt đầu diễn ra từ năm 1789 bằng một liên minh chặt chẽ và ngày càng rộng khắp giữa tầng lớp tư sản và tầng lớp vô sản”. Là đại diện cho tầng lớp tư sản đó, Adolphe Thiers là gương mặt đáng tin cậy của đảng Cộng hòa, Đảng có phương châm mà người ta thường nhắc đến: “Nền Cộng hòa hoặc sẽ là bảo thủ hoặc sẽ không còn là nó nữa”.
                           
                          Đối lại Đảng Cộng hòa, phe đa số cũng xuất hiện trước cử tri với bản tổng kết những kết quả to lớn mà mình đã đạt được từ năm 1871, với uy tín lẫy lừng của Mac-Mahon nhưng đồng thời cũng thể hiện khiếm khuyết nặng nề của phe này, đó là việc chia rẽ nội bộ. Và để lảng tránh điều này, phe đa số sau đó đã nhấn mạnh và đưa lên vị trí ưu tiên trong chiến thuật của mình hình ảnh Nguyên soái - Tổng thống Mac-Mahon.
                           
                          Phe này đã tư vấn Mac-Mahon ký vào một lời kêu gọi “sự đoàn kết của những người luôn đặt sự bảo vệ trật tự xã hội, sự tuân thủ pháp luật, sự tận tụy hết lòng vì Tổ quốc lên trên những hồi ức quá khứ, những ham muốn và những mục tiêu của đảng mình”. Điều đó đã làm cho Tổng thống trở thành người giương cao ngọn cờ tiên phong của Đảng Bảo thủ và khiến đảng này bị thất bại trong cuộc bầu cử. Và cuộc bầu cử 2-1876 đã đem lại thắng lợi cho những đại biểu Cộng hòa khi phái này trở thành đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện.
                           
                          SERGE BERSTEIN
                          #28
                            lyenson 27.06.2009 20:59:30 (permalink)
                            Jules Simon, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: khủng hoảng thể chế bắt đầu
                             
                            Cuộc bầu cử năm 1876 đã buộc người ta phải lựa chọn giữa hai quan niệm về chức danh Tổng thống nền Cộng hòa, một vị trí mà theo qui định của Hiến pháp đã bị đặt dưới ảnh hưởng kép của những người theo chủ nghĩa chính thống luôn muốn có một Tổng thống nắm trong tay nhiều quyền lực và những cựu thành viên của phái Orléans vẫn luôn rất gắn bó với chế độ đại nghị.
                             
                            Hai quan niệm này chỉ có thể cùng tồn tại nếu phe đa số trong Quốc hội và Tổng thống hoàn toàn thống nhất với nhau, còn nếu có xung đột xảy ra thì người ta buộc phải chọn một trong hai quan điểm đã nêu. Liệu Tổng thống có phải là vị nguyên thủ thực sự nắm quyền hành pháp không hay đó chỉ là một nhân vật có tính chất trang trí, còn thực quyền thì lại trao cho một Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được Quốc hội tin tưởng?
                             
                            Vấn đề này chưa được đặt ra ngay lập tức khi Mac-Mahon đã tìm được một cách cho phép ông vẫn tôn trọng được ý kiến quần chúng trong cuộc bầu cử mà không mất đi niềm tin của mình. Ông chỉ định một người bạn của Thiers là Dufaure  lên nắm quyền, Dufaure vốn là người gia nhập muộn vào Đảng Cộng hòa và là người đại diện cho cánh ôn hòa nhất trong Đảng Cộng hòa. Dufaure muốn lãnh đạo trong hòa khí với Hạ nghị viện của những người Cộng hòa, Thượng nghị viện của phe bảo thủ và với Tổng thống không kém bảo thủ.
                             
                            Nhưng đó là điều không thể và Dufaure đã trở nên suy yếu dần: Mac-Mahon không tin tưởng chính sách của Dufaure, ông tức giận khi thấy người lãnh đạo mới này, vì chịu sức ép của Quốc hội mà hi sinh những tỉnh trưởng đã phục vụ rất trung thành cho chính phủ “Trật tự Đạo đức”; về phần mình, phe đa số mới trong Quốc hội cũng nổi cáu trước tính nhút nhát của Dufaure và thái độ nể nang Tổng thống quá rõ ràng của ông ta.
                            Tháng 12-1876, Dufaure rút khỏi chính trường và Mac-Mahon lại gọi Jules Simon  lên thay. Jules Simon, một người Cộng hòa ôn hòa nhưng lại đối đầu với Gambetta, là kẻ đáng sợ nhất đối với những lãnh tụ phe đa số dù rằng thiên hướng chính trị của Jules Simon đang ngày càng chuyển rõ sang ôn hòa.
                             
                            Tuy nhiên, khác với Dufaure, Jules Simon là Đảng viên Cộng hòa đã từ lâu và nhân vật này không muốn phải đóng vai trò lá chắn giữa Tổng thống và Quốc hội giống như người tiền nhiệm của mình đã chấp nhận: “Nội các mà các ngài đang có trong tay là một nội các và luôn muốn là một nội các theo chế độ nghị viện. Cho nên nhiệm vụ của chúng ta chỉ còn là việc làm theo những gì mà vị quan chức cao nhất của nền Cộng hòa chỉ ra, vị lãnh đạo này trong mọi điều kiện luôn cố gắng tuân theo nguyên tắc của một chính phủ hành động theo hiến pháp”.
                             
                            Với lời tuyên bố trên trước Hạ nghị viện, Jules Simon vừa vẽ ra chính sách lý tưởng của mình vừa đồng thời gửi thông điệp đến Tổng thống rằng ông ta chỉ chấp nhận điều hành đất nước trong trường hợp hoàn toàn thống nhất với Tổng thống và Quốc hội: từ đó, khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi.
                             
                            SERGE BERSTEIN
                            #29
                              lyenson 27.06.2009 21:04:35 (permalink)
                              Cuộc khủng hoảng ngày 16-5-1877
                               
                              Giữa Tổng thống và Quốc hội có một vấn đề tạo hố sâu ngăn cách, đó là vấn đề tôn giáo. Bản thân Jules Simon đã từng cấm đoán việc thông qua một đơn kiến nghị đòi ngăn chặn chính sách chống tầng lớp tăng lữ của chính phủ Italia và điều này đã bị những tín đồ Thiên chúa giáo trong Hạ nghị viện lên án kịch liệt.
                               
                              Jules Simon đã trả lời một cách ôn hòa và kiên quyết và chỉ ra sự thái quá của một “thiểu số” các tín đồ Thiên chúa giáo, đồng thời tuyên bố rằng nước Pháp sẽ không can thiệp vào các vấn đề hoàn toàn riêng tư của Italia. Tổng thống Pháp khen ngợi Jules Simon về bài diễn văn, nhưng phe đa số của những người Cộng hòa, với chất kết dính duy nhất là việc chống lại chủ nghĩa tăng lữ, thì hi vọng Chính phủ sẽ xem xét một cách nghiêm khắc những người theo chủ nghĩa tăng lữ.
                               
                              Và ngay từ ngày 4-5-1876, Gambetta cũng đã bước lên diễn đàn phát biểu một bài diễn văn hùng hồn, ông nói: “Một người Thiên chúa giáo mà có lòng yêu nước, điều này thật hiếm có biết bao!” và ông kết thúc bài diễn văn của mình bằng một câu nói nổi tiếng sau đó đã trở thành một lời kêu gọi liên kết của phe Cộng hòa: “Chủ nghĩa tăng lữ, đó là kẻ thù!”
                               
                              Sau đó, một chương trình nghị sự đã được thông qua, chương trình này lên án những âm mưu của thế lực ủng hộ quyền lực Giáo hoàng. Sau khi đọc bản báo cáo các cuộc tranh luận, Tổng thống vô cùng tức giận. Tổng thống không còn là người ngây thơ về chính trị như người ta vẫn thường đồn đại nữa, ông hiểu rằng việc chỉ trích chủ nghĩa tăng lữ chính là việc kết tội chính sách của Trật tự Đạo đức; nhất là ông không thể chấp nhận việc Jules Simon bỏ qua mà không phản bác câu nói của Gambetta khi ông này nghi ngờ chủ nghĩa yêu nước của những người theo Thiên chúa giáo, câu nói mà Tổng thống cho rằng đã nhằm thẳng vào ông. Tổng thống tìm cách thoát ra khỏi tình huống khó xử đó.
                               
                              Nhưng Broglie thì hiểu rằng cắt đứt quan hệ với chính phủ Trật tự Đạo đức có nghĩa là sẽ đối đầu với Hạ nghị viện, sẽ buộc phải tiến hành giải tán và như vậy sẽ phải chấp nhận cuộc bầu cử để giải quyết vấn đề tôn giáo theo chiều hướng không có lợi cho phe Bảo thủ. Vì vậy, Broglie đã khuyên Mac-Mahon hãy kiên nhẫn chờ thời.
                               
                              Ngày 15-5, thời cơ đã đến; Hạ nghị viện sau khi bãi bỏ một đạo luật của thời kỳ Trật tự Đạo đức, đã báo cáo lên các thẩm phán nhân dân thông tin về những vi phạm pháp luật về báo chí mà Chính phủ của Broglie đã trao cho toà hình sự trước đó. Jules Simon đã phớt lờ đạo luật mà không can thiệp vào việc này.
                               
                              Ngày hôm sau, 16-5, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhìn thấy trên bàn của mình một bức thư của Tổng thống:
                               
                              Thưa Ngài Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tôi vừa mới đọc được trong Công báo bản báo cáo về phiên họp hôm qua. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng cả Ngài và Ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều không ai đứng trên diễn đàn để nêu lên và nhấn mạnh những lý do chính có thể đã gây nên việc bãi bỏ đạo luật về báo chí đã được thông qua cách đây gần hai năm […]
                              Mọi người có thể đã rất ngạc nhiên khi thấy Hạ viện thông qua một vài điều khoản của một đạo luật địa phương trong những phiên họp vừa qua - đạo luật mà ngay chính bản thân ngài, trong cuộc họp với Hội đồng Bộ trưởng, đã thừa nhận tính nguy hiểm của nó […] dù Ngài Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã không tham gia thảo luận trong phiên họp này.
                              Thái độ này của người đứng đầu nội các khiến người ta tự hỏi liệu người đó có dùng ảnh hưởng cần thiết đối với Hạ nghị viện để áp đặt quan điểm của mình hay không.
                              Việc này cần phải được giải thích; bởi vì, nếu tôi không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội như Ngài thì tôi lại phải có trách nhiệm với nước Pháp, điều mà hiện nay, hơn lúc nào hết, tôi đang phải quan tâm…”
                               
                              Với lá thư trên, Tổng thống muốn khẳng định rằng nhân danh trách nhiệm của mình với nước Pháp, Tổng thống có quyền khiển trách một Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được Hạ nghị viện tin dùng. Jules Simon và các Bộ trưởng trong nội các của ông từ chức ngay lập tức và Mac-Mahon đã bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng một nhân vật mới là Công tước Broglie, người này chắc chắn sẽ chỉ đối đầu với phe đa số của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện.
                               
                              Ngày 18-5, Broglie đọc trước Hạ nghị viện bức thông điệp của Tổng thống. Trong bức thông điệp này, Tổng thống đã tuyên bố rằng hai Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với tham vọng lãnh đạo cùng với những người Cộng hòa ôn hòa đều đã phải chịu kết cục thất bại trước những thành viên của Đảng Cấp tiến; rằng trong những điều kiện này, một chính phủ bền vững, ổn định chỉ có thể được hình thành nếu những Đảng viên Đảng Cấp tiến được mời ra nắm quyền để thực hiện những ý tưởng của họ:
                               
                              Thế nhưng, Tổng thống đã tuyên bố, lương tâm của tôi cũng như lòng yêu nước trong tôi đều không cho phép tôi gắn mình với chiến thắng của những ý tưởng đó, dù chỉ là từ xa và trong tương lai mà thôi. Tôi không tin rằng những ý tưởng đó hợp với thời đại ngày nay cũng như sau này. Nếu ở vào thời đại nào đó mà những ý tưởng trên được coi là có giá trị thì nó cũng sẽ chỉ tạo nên sự lộn xộn và suy yếu của nước Pháp mà thôi. Bản thân tôi không muốn thử áp dụng những ý tưởng đó và cũng không khuyến khích những người kế cận tôi áp dụng nó. Chừng nào tôi còn là người nắm quyền, chừng đó tôi còn sử dụng khả năng mình có, với tất cả những hạn chế do pháp luật qui định về quyền Tổng thống, để chống lại những gì mà tôi cho là làm tổn hại đến quốc gia”.
                               
                              Mac-Mahon đã sử dụng những điều khoản trong Hiến pháp qui định Tổng thống là vị lãnh đạo nắm quyền hành pháp để đòi hỏi quyền được đưa ra chính sách riêng của mình và chống lại chính sách của Hạ nghị viện nếu Tổng thống thấy chính sách đó là nguy hiểm và có hại. Đối với Hiến pháp vừa mới được thông qua, chẳng có gì cần nói ngoài việc bản Hiến pháp rất đúng luật, nhưng khi Tổng thống khiến người ta nghi ngờ về những tư tưởng Cộng hòa của ông ta và khi Tổng thống đối đầu với phe đa số Cộng hòa trong Hạ nghị viện thì vấn đề lại trở nên khác đi.
                               
                              Khi Tổng thống đòi hỏi một số quyền của mình thì người ta nhận thấy đó là một cố gắng cuối cùng để cáo giác nền Cộng hòa theo nguyện vọng của phe Quân chủ giấu mặt. Đây là điều tối quan trọng trong cuộc khủng hoảng ngày 16-5 và những hậu quả của nó.
                               
                              SERGE BERSTEIN
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 31 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9