Bệnh Da Liễu--chuyên khoa da liễu
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
Asin 16.09.2003 06:28:12 (permalink)
Nam giới với mái tóc vàng hoe, nhiều tàn nhang hoặc nốt ruồi dễ bị bệnh này vì họ có ít sắc tố melanin bảo vệ da. Hiện còn chưa rõ vì sao bệnh xuất hiện, nhưng có 2 yếu tố nguy cơ chính là: tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) và một số dạng đặc biệt của da.

Tại Anh, mỗi năm có hơn 40.000 người được chẩn đoán là bị ung thư da. Khoảng 2.000 trong số này tử vong. Có 2 loại ung thư chính: u hắc tố ác tính và ung thư da không phải u hắc tố (ví dụ như carcinoma tế bào đáy, carcinoma tế bào bong). U hắc tố ác tính phổ biến ở những người làm việc trong nhà và cũng hay xuất hiện ở những người trẻ tuổi (20-35 tuổi). Đây là dạng ung thư da nguy hiểm nhất. Ung thư da không phải u hắc tố hay xuất hiện ở những người làm việc ngoài trời. Đàn ông bị bệnh thường ở độ tuổi trên 50.

Việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím ở thời niên thiếu có thể dẫn tới u hắc tố ác tính về sau. Tiếp xúc nhiều với tia UV trong thời gian ngắn (như khi phơi nắng lúc nghỉ hè) cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này. Ngoài ra, tiếp xúc thường xuyên với hàm lượng thấp của tia UV được coi là nguyên nhân chính gây ung thư không phải u hắc tố.

Có thể ngăn chặn bệnh nếu tuân thủ các biện pháp phòng ngừa:

- Ở trong bóng râm từ 11h trưa tới 3h chiều, khi mặt trời chói chang nhất.

- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 15 để có thể lọc tia cực tím bước sóng B và A (UVB và UVA). Cần bôi 2 giờ/lần.

- Khi ra ngoài trời, đội mũ, đeo kính râm, mặc quần áo dệt rộng rãi.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy nốt ruồi của bạn:

- Thay đổi về kích thước (to lên).

- Thay đổi hình dáng, có viền không đều…

- Thay đổi màu sắc, ví dụ có những mảng trắng đen lẫn lộn.

- Thay đổi cảm giác, ví dụ thấy đau, ngứa.

- Chảy máu, rỉ nước, đóng vảy cứng.

- Nổi đỏ hay bị viêm ở viền của nốt ruồi.

- Có một nốt ruồi to hơn những nốt ruồi khác.

Việc điều trị bao gồm cắt bỏ khối ung thư da bằng phẫu thuật hoặc xạ trị, tùy theo loại ung thư và kích thước của khối u. Hóa trị thường được dùng kèm với phẫu thuật khi điều trị u hắc tố ác tính.
#16
    Asin 16.09.2003 06:34:00 (permalink)
    Đây là một triệu chứng thông thường mà chúng ta ai ai cũng có thể bị, thông thường nam giới dễ bị ngứa hậu môn hơn phụ nữ. Người ta ước đoán khoảng 1% đến 5% dân chúng Hoa Kỳ đã và đang bị hành hạ bởi triệu chứng oái oăm này. Một số người may mắn chỉ bị ngứa ngáy khó chịu trong một thời gian thật ngắn rồi bệnh tự nhiên biến mất. Kém may mắn hơn, bệnh có thể kéo dài năm này qua tháng nọ, nhất là về đêm gây ra mất ngủ.

    Bệnh có thể rất nhẹ như cảm giác nong nóng, hơi hơi thốn. Hoặc nặng hơn, như rát bỏng ngứa ngáy một cách (khủng khiếp) khó chịu. Bệnh có thể nặng đến nỗi bệnh nhân nhiều khi không dám ra đường vì lúc nào cũng phải đưa tay ra sau hậu môn để gãi. Càng gãi càng ngứa, càng ngứa càng gãi. Vì mắc cỡ, bệnh nhân đôi khi ngần ngại không dám khai bệnh, nên cứ âm thầm mà " gãi hậu môn" . Trong lúc tự chữa trị lấy, bệnh có thể mỗi ngày một trầm trọng hơn.


    NHỮNG NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN NGỨA HẬU MÔN


    Hậu môn chứa rất nhiều dây thần kinh, nên rất nhạy cảm và dễ bị đau hoặc ngứa. Vì thế gần như bất cứ một dữ kiện hoặc bệnh tật nào cũng có thể gây ngứa hậu môn, nếu vì một lý do nào đó hậu môn hoặc lớp da chung quanh hậu môn bị kích thích, cọ sát không ngừng.

    Tại các nước chậm tiến, khi phân người ta vẫn được dùng trong việc trồng trọt, bệnh sán lãi kim (pinworm) có thể bành trướng khắp nơi, gây ra ngứa hậu môn cho các em bé bị sán lãi. Một số người lớn khi du lịch về những quốc gia nầy cũng có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngứa hậu môn khi bị lây bệnh. Các bé sơ sinh khi mặc tã hoặc người lớn khi mặc quần lót bằng nylon, hậu môn có thể bị ẩm ướt và bị lên nấm (Candida Albicans). Da chung quanh hậu môn có thể trở nên đỏ và ngứa ngáy khó chịu.

    Chấy (Scabies) nếu ăn vào hậu môn cũng gây ra triệu chứng khó chịu nầy. Ngoài nấm, một số vi trùng và vi khuẩn khác nhau cũng có thể làm ngứa hậu môn. Một số bệnh nhân đồng tính luyến ái nam bị ngứa hậu môn gây ra bỡi các bệnh truyền nhiễm như hoa mai, giang liễu,...Cũng như các bệnh ngứa ngoài da, ngứa hậu môn được xem như một bệnh dị ứng. Bệnh nhân có thể vì lý do di truyền trở nên quá nhạy cảm với một số chất hoá học và thức ăn khác nhau. Da hậu môn nếu tiếp xúc với hoá chất nầy có thể bị nổi ngứa. Các chất hoá học nầy có thể tìm thấy trong các loại nước hoa, chất phẩm mầu trong giấy vệ sinh, các loại xà phòng, kem thoa hoặc thuốc thơm cho cơ thể, một số hàng vải hoặc thuốc tẩy quần áo, và ngay cả các loại thuốc nhét hoặc kem thoa hậu môn. Bệnh ngứa ngoài da như psoriasis, eczema, v.v...có thể lan đến hậu môn gây ra ngứa ở vùng nầy. Bệnh nhân nầy nếu bị " stress" có thể sẽ dễ bị ngứa hơn.

    Một số bệnh nhân có thể bị ngứa hậu môn sau khi tiêu thụ các thức ăn như: cà phê, coke, bia, cà chua, chocolate, trà tàu cũng như nước cam, chanh,...

    Bón và tiêu chảy là một trong những nguyên nhân thường xuyên nhất đưa đến bệnh ngứa hậu môn. Khi bón quá hoặc khi bị tiêu chảy liên tục, một ít phân sót lại có thể làm viêm lớp da non chung quanh hậu môn. Lâu dần lớp da nầy có thể bị làm độc, lở loát hoặc nứt (analfissures). Khi rặn quá lâu hoặc đi cầu quá nhiều, một số tĩnh mạch hậu môn có thể bị sưng to, gây ra trĩ (hemorrhoids). Nứt hậu môn và trĩ có thể làm hậu môn chảy máu hoặc đau đớn mỗi lần đi cầu, nhưng hiếm khi gây ra ngứa hậu môn.

    Da hậu môn nếu dơ quá hoặc sạch quá đều bị ngứa. Chất nhờn bảo vệ da hậu môn bị giảm dần khi được lau rửa một cách quá kỹ lưỡng. Sự cọ sát thái quá nầy làm tổn thương da hậu môn gây ra ngứa ngáy khó chịu. Một số bệnh nhân vì quá chú trọng trong việc gìn giữ vệ sinh có thói quen lau quá lâu và quá nhiều sau mỗi lần đi cầu. Như thế họ cứ lau tới lau lui, lau đi lau lại. Hết lau khăn khô lại qua khăn ướt , hết xà bông nầy đến nước hoa kia, hết thoa kem chống ngứa đến các loại thuốc nhét hậu môn,v.v...Hậu môn bị kích thích liên tục nên dần dần ngứa ngáy khó chịu. Vì tưởng lầm hậu môn chưa được sạch, họ tiếp tục lau nhiều hơn, lâu hơn, và kỹ hơn.

    Càng lau nhiều càng ngứa nhiều. Càng ngứa hơn càng lau kỹ hơn. Và trong vòng lẩn quẩn đó, bệnh mỗi ngày một nặng hơn. Ngoài ra, thuốc trụ sinh, nhất là thuốc tetracilines, nếu dùng thường xuyên cũng có thể làm ngứa hậu môn.

    Các loại bệnh như tiểu đường, viêm gan, béo mập, viêm hoặc ung thư hậu môn,v.v...cũng có thể làm ngứa hậu môn.

    NGỨA HẬU MÔN PHẢI LÀM GÌ?

    - Tránh lau quá nhiều hoặc quá lâu sau mỗi lần đi cầu.

    - Đừng dùng quá nhiều xà bông để rửa hậu môn.

    - Nên dùng khăn ướt để lau. Nên dùng giấy vệ sinh ít chất mầu nước hoa nhúng với một ít nước ấm. Khăn ướt cho em bé (babywipers) có thể làm ngứa hậu môn nếu dùng quá thường xuyên.

    - Không nên kỳ cọ một cách quá mạnh tay.

    - Tuyệt đối không nên gãi.

    - Không nên mặc quần áo quá chật. Tránh mặc quần lót bằng chất nylon.

    - Nên giữ hậu môn cho khô. Quý vị có thể chấm khô bằng bông gòn, và rắc một ít bột bắp (cornstarch). Tránh dùng tất cả các loại phấn có chứa các loại thuốc, nước hoa cũng như thuốc chống mồ hôi.

    - Nếu dùng thuốc, chỉ nên thoa thật ít và đúng như lời hướng dẫn của Bác sĩ.

    - Tránh các thức ăn uống kể trên, nhất là các loại thực phẩm có nhiều gia vị, chất cay, chua,...

    Nếu bệnh không thuyên giảm sau một thời gian ngắn, nên đi khám Bác sĩ càng sớm càng tốt.


    Tóm lại,

    ngứa hậu môn tuy thông thường nhưng có thể rất khó chữa. Tuy đa số nguyên nhân đưa đến ngứa hậu môn không đáng ngại một ít bệnh nguy hiểm hơn như nhiễm trùng hoặc ung thư hậu môn cũng có thể gây ra triệu chứng oái oăm nầy.
    #17
      Asin 16.09.2003 06:36:29 (permalink)
      Chữa vết tàn nhang và sắc tố trên da mặt
      Lá mướp giã nát, vắt lấy nước, hòa với mật ong, bôi lên các vết tàn nhang và sắc tố ngày 2-3 lần, để 20-30 phút rồi rửa sạch mặt. Bôi liền 10 ngày.
      Các vết tàn nhang và sắc tố trên da mặt phần lớn phát sinh ở người có tuổi, có thể do bệnh nặng ở dạ dày, ruột hoặc các mụn, trứng cá bị nhiễm trùng. Nếu nguyên nhân là bệnh ở dạ dày và ruột, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng miệng khô, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, người gầy, các vết sắc tố xuất hiện dần dần theo từng mảng ở cả cổ và hai tay.

      Để chữa tàn nhanh và các vết sắc tố, có thể dùng các bài thuốc đơn giản sau:

      - Quả mướp tươi ép lấy nước (hoặc lấy nước nhựa cây mướp), dùng vải băng y tế đã khử trùng nhúng vào nước nhựa đó để đắp ngày 2-3 lần, mỗi lần làm đều thay băng mới.

      - Cẩu khởi 1.000 g, sinh địa hoàng 300 g rang khô, nghiền thành bột, hòa 15 ml rượu, làm thành viên để uống dần, mỗi ngày 10-15 g. Thuốc có tác dụng bổ gan thận, nhuận da, tẩy trừ tàn nhang, sắc tố.

      Ngoài ra, việc thường xuyên ăn bí đỏ, dưa chuột, rau cải trắng, cải bắp, cà rốt cũng có tác dụng tốt
      #18
        Asin 16.09.2003 06:38:22 (permalink)
        Viêm da tiếp xúc hay chàm tiếp xúc là tình trạng da phản ứng khi tiếp xúc với các chất hoặc vật dụng có khả năng gây dị ứng. Biểu hiện của phản ứng là da bị viêm đỏ, chảy nước, sưng và ngứa nhiều tại chỗ tiếp xúc. Phản ứng của da có thể xảy ra trong lần tiếp xúc lần đầu, nhưng thông thường chúng xuất hiện sau những lần tiếp xúc cách quãng và từ 5-7 ngày sau lần tiếp xúc ban đầu.

        Có rất nhiều hóa chất có thể gây dị ứng da: hóa chất để pha chế, chất nhuộm, xăng dầu, nhựa, cao su, thuốc sát trùng, chất tẩy, xà phòng, dầu thơm, mỹ phẩm, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc và các loại dây đeo (nữ trang, đồng hồ, mặt dây nịt...).

        Triệu chứng

        Tùy theo mức độ phản ứng, triệu chứng có thể gặp:

        Tại chỗ: Tại vùng da bị tiếp xúc xuất hiện triệu chứng ngứa, viêm đỏ, rỉ nước phù nề, đặc biệt rất ngứa. Nếu bị nhiều lần, da thường dày lên do gãi, chà xát.

        Toàn thân lan rộng: Nếu phản ứng da nặng, thường do hóa chất dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, các dấu hiệu trên có thể xuất hiện rải rác toàn thân, đôi khi kèm theo nổi mề đay hoặc xuất hiện cơn hen phế quản ở người có thể tạng dị ứng hoặc bị hen phế quản trước đó.

        + Các vị trí thường gặp:

        - Ðầu và cổ: do thuốc nhuộm tóc, keo xịt tóc, dầu gội đầu, kem cạo râu, dầu thơm...

        - Vùng trán, mí mắt: có thể do nón, băng nịt trán, mascara, mực kẻ mí mắt.

        - Cổ, và cổ tay: do dây đeo, đồng hồ.

        - Vùng bụng quanh rốn: Thường do dây nịt, nhất là mặt kim loại của dây nịt.

        - ở bàn tay: do nhiều loại hóa chất trong công việc nội trợ hoặc trong công xưởng ...

        Cách xử trí

        Người bệnh phải tự lưu ý và giúp thầy thuốc tìm ra các hóa chất, vật dụng gây viêm da tiếp xúc . Sau đó loại bỏ không xài, không dùng sản phẩm, đồ dùng đã gây phản ứng thì bệnh sẽ tự khỏi hoặc khỏi hẳn hoàn toàn.

        - Viêm da tiếp xúc nhẹ: Chỉ ngứa, rỉ nước vùng da nhỏ có thể bôi dung dịch Milian, tím Gentian, rửa thuốc tím hoặc kem Corticoide nhẹ như Cortibion. Nhưng cần nhớ: Nếu bôi trong 3 ngày không bớt, phải đi khám bệnh và không được bôi thuốc nhiều lần và quá 3 ngày. Ngoài ra, không được bôi các bột kháng sinh như Penicilline, Tetracyline... vào chỗ da ngứa, chảy nước.

        - Trường hợp nặng hơn: Ngứa lan rộng, phản ứng nhiều nơi, nên đến bác sĩ khám bệnh để được điều trị đúng cách.
        #19
          Asin 16.09.2003 06:41:46 (permalink)
          Căn bệnh này khiến mồ hôi ra nhiều ở bàn tay, hố nách và bàn chân. Đa phần bệnh nhân than phiền rằng họ gặp rắc rối trong khi làm việc và giao tiếp, ví dụ như khi bắt tay, cầm bút, đánh máy và nắm tay người yêu. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể chữa khỏi nhờ mổ nội soi ngực cắt hạch giao cảm.

          Rất nhiều chức năng của cơ thể được kiểm soát bằng hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Chúng có vai trò cạnh tranh và đối lập đối với nhiều chức năng của cơ thể như nhịp tim, bài tiết mồ hôi. Tuy chưa biết rõ nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi nhưng các bác sĩ biết rằng nó chịu sự kiểm soát của hệ thần kinh giao cảm. Ngoài ra, các yếu tố như stress, cảm xúc, việc luyện tập... cũng góp phần làm tăng tiết mồ hôi. Ở những người bị bệnh nặng, triệu chứng này có thể xuất hiện một cách tự nhiên, không cần yếu tố kích thích. Khoảng 1% dân số Mỹ bị chứng tăng tiết mồ hôi.

          Tất cả các phương pháp điều trị không phải ngoại khoa đều chỉ là tạm thời. Trong khi đó, mổ nội soi ngực cắt hạch giao cảm (ETS) đơn giản mà lại đạt hiệu quả cao{*}, làm ngừng sự ra mồ hôi quá mức ở tay, và đôi khi cũng giúp giảm một phần sự ra mồ hôi nhiều ở chân và hố nách.

          Một ống nội soi và các dụng cụ nhỏ xíu được đưa vào lồng ngực qua những lỗ có kích thước bằng đầu sợi rơm. Thông qua những chiếc lỗ gần phía dưới nách, bác sĩ sẽ cắt bỏ dây thần kinh kích hoạt việc tiết mồ hôi.

          Mổ nội soi có ưu thế hơn hẳn so với phương pháp mổ phanh cổ điển. Các ca mổ phanh thường kéo dài hơn và gây tổn thương nhiều hơn (bác sĩ phải mở một đường lớn ở ngực, cắt cơ, tách xương sườn để tiếp cận dây thần kinh giao cảm). Phần lớn bệnh nhân phẫu thuật ETS được ra viện trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau và có thể bắt đầu các hoạt động của mình gần như ngay lập tức.

          Bác sĩ Dan Meyer, Trường Y thuộc Đại học Texas ở Dallas (Mỹ), cho biết, đã thực hiện các ca mổ loại này trong 5 năm và kết quả là 95-98% bệnh nhân không bị ra mồ hôi nữa.

          Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là gây ra một số biến chứng và hiệu quả phụ:

          - Ra mồ hôi bù: Vì người bệnh không thể làm lạnh cơ thể nhờ ra mồ hôi ở tay nên phải bù lại bằng cách tăng tiết mồ hôi ở lưng dưới và bụng. Khoảng 40-60% người đã qua phẫu thuật bị hiệu quả phụ này. Tuy nhiên, nó thường mất đi trong vòng 4-6 tháng.

          - Ra mồ hôi ruột: Bệnh nhân ra mồ hôi khi ăn một số thức ăn. Tuy nhiên, điều này là rất hiếm.

          - Tăng tiết mồ hôi tái phát: Khoảng 1-2% bệnh nhân bị ra mồ hôi nhiều trở lại. Điều này không phụ thuộc vào kỹ năng của bác sĩ.

          - Hội chứng Horner: Một bó dây thần kinh bị tổn thương trong khi phẫu thuật, dẫn tới sụp mi mắt, đồng tử co nhỏ, mất khả năng ra mồ hôi ở một nửa mặt. Hội chứng này đôi khi có thể tự mất đi nhưng có thể tồn tại vĩnh viễn. Biến chứng này rất hiếm gặp.

          Các bác sĩ thực hiện việc phẫu thuật trên bệnh nhân mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là trẻ vị thành niên và thanh niên. Theo bác sĩ Mayer, đối với những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn, trước khi quyết định phẫu thuật, nên thử điều trị bằng các thuốc mỡ làm se da có trên thị trường. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà bác sĩ này đã phẫu thuật là một cậu bé 14 tuổi.

          Bác sĩ Patrick Reardon, chuyên gia phẫu thuật ngực bụng tại Trường Y Baylor ở Houston (Mỹ), cũng cảnh báo các bệnh nhân là vận động viên rằng, việc phẫu thuật có thể làm giảm tới 40% khả năng tiết mồ hôi của họ. Điều này có thể gây rắc rối vì ra mồ hôi là biện pháp giúp cơ thể duy trì thân nhiệt ở mức bình thường khi tập luyện và khi trời nóng. Tuy niên, theo ông Reardon, điều này không có ý nghĩa nhiều với những người sống ở miền nam, vì ở đó độ ẩm quá cao khiến mồ hôi tiết ra không thể bay hơi được. Khi đó, ra mồ hôi không phải là cách hạ thân nhiệt hữu hiệu. Trái lại, uống nhiều nước lại là cách duy trì thân nhiệt tốt nhất.

          (theo WebMD)

          Chú ý hình dưới đây chỉ ra vị trí tiết mồ hôi ở người

          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/Ca81259.jpg[/image]
          < Edited by: casanova -- 9/16/2003 2:43:47 AM >
          Attached Image(s)
          #20
            Asin 16.09.2003 06:45:55 (permalink)
            Trước đây, thông thường để xóa những vết xăm trên cơ thể, các bác sĩ chỉ có mỗi cách duy nhất là lạng bỏ hoặc mài sạch da nơi vết xăm và ghép lên đó một lớp da mới. Nhưng điều này thường để lại những vết sẹo khó coi và thậm chí còn khó coi hơn vết xăm cũ.

            Ngày nay, các bác sĩ đã dần dần loại trừ phương pháp " bất đắc dĩ" đó. ở các nước tiên tiến, người ta dùng tia laser để tẩy xóa những vết xăm.

            Bác sĩ Philip Bekhor, một chuyên viên về da liễu và các phương pháp ứng dụng laser của Hiệp hội Laser Victoria (úc), cho biết, tia laser có tác dụng bẻ gãy các phần tử màu trên vết xăm thành nhỏ vụn giúp cho hệ thống tẩy rửa tự nhiên của cơ thể dễ dàng tẩy sạch. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thời gian và phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Giá thấp nhất cho một vết xăm nhỏ bằng ba ngón tay là 140 USD, bằng bàn tay là 230 USD mỗi lần chiếu laser.

            Có nhiều lý do để tẩy xóa một vết xăm. Có thể là do muốn đoạn tuyệt với quá khứ một thời nổi loạn, hoặc có những người giờ đây bắt đầu bước lên nấc thang danh vọng và khi đó những hình xăm trở nên không còn thích hợp, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là vì một hình xăm đẹp đẽ trước kia đã trở nên biến dạng theo thời gian, chẳng hạn như một con ong đã dần biến dạng thành con... tò vò.

            X.T (Theo The Australian Women' s Weekly)
            #21
              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9