Thực Phẩm
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 6 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 78 bài trong đề mục
HongYen 02.05.2005 13:02:29 (permalink)
“Thức ăn sức khỏe” & “Thức ăn có hại”

Chủ Nhật, 01/05/2005, 15:31 (GMT+7)
Cách đây không lâu, sau 3 năm nghiên cứu và phân tích, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một danh sách thực phẩm, đưa ra 6 nhóm “thức ăn sức khỏe” và 10 nhóm “thức ăn rác”. Với cách nhìn của các nhà dinh dưỡng, “thức ăn sức khỏe” và “thức ăn rác” có những lợi ích và tác hại thế nào đối với cơ thể?

Xin mời:

http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ChannelID=12
#1
    HongYen 02.05.2005 13:20:52 (permalink)
    Thứ Hai, 25/04/2005, 18:58 (GMT+7)

    Vai trò của chất xơ đối với cơ thể


    Vì vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, chất xơ thực phẩm ngày càng được chú ý nghiên cứu - Từ việc Vai trò của chất xơ đối với cơ thểdùng chất xơ làm thức ăn chính, thức ăn bổ sung đến việc đưa ra những chế độ ăn giàu chất xơ. Nguồn cung cấp chất xơ duy nhất cho cơ thể là từ các loại rau quả, đậu, hạt, ngũ cốc.

    Nguồn cung cấp chất xơ
    Chất xơ là chất bã thức ăn còn lại sau khi được tiêu hóa, gồm các chất tạo thành vách tế bào (cellulose, hemicellulose, pectin và lignin) và các chất dự trữ, bài tiết bên trong tế bào (gôm, nhầy). Hiện nay, các chất sáp, cutin, glycoprotein (chất đạm cấu tạo vách tế bào không tiêu hóa được) cũng được xếp vào loại chất xơ thực phẩm.

    Chất xơ cung cấp cho cơ thể con người chủ yếu là từ trái cây, rau ăn lá, củ rễ, rau đậu, các loại đậu hạt, ngũ cốc còn lớp vỏ cám, cám gạo. Chất nhầy (là loại chất xơ tan được) có trong rau mồng tơi, rau đay, mướp, thanh long, hoàng tinh, xương sâm, xương sáo (thạch đen), hột é (húng quế), hột é trắng (trà tiên), vỏ hột lười ươi, mủ trôm, rau câu, lá găng... Mỗi loại rau quả chứa loại chất xơ và lượng chất xơ khác nhau. Rau, củ, quả nào càng nhiều bã và càng già thì chứa càng nhiều chất xơ.

    Tác dụng của chất xơ

    Trước kia, người ta xem chất xơ là một chất trơ không có giá trị dinh dưỡng vì không tiêu hóa được. Nhưng ngày nay, chất xơ được xem có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

    Tác dụng đáng chú ý nhất của chất xơ là giúp cải thiện chức năng ruột già. Nhờ khả năng ngậm nước mạnh, chất xơ thực phẩm được xem như thuốc nhuận tràng loại tạo khối phân, giúp bình thường hóa tình trạng phân và số lần đi tiêu. Như vậy, tác dụng chính của chất xơ thức ăn đối với ruột già là chống táo bón và cung cấp năng lượng hoạt động cho tế bào ruột già. Ăn thiếu chất xơ có thể gây rối loạn ruột già. Dùng các loại rau quả có nhiều xơ là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị táo bón chức năng.

    Chất xơ giúp phòng ngừa tình trạng khó đi tiêu ở bệnh nhân tim mạch, bệnh hậu môn (trĩ, mạch lươn), phụ nữ mang thai... Dùng lâu dài làm giảm được triệu chứng của hội chứng đại tràng kích thích, bệnh túi thừa đại tràng và viêm đại tràng mạn tính; Giảm triệu chứng trong tiêu chảy cấp và giúp điều chỉnh rối loạn hoạt động ruột do mổ ruột già hay hồi tràng.

    Các nhà dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn rau, trái cây hơn là uống nước ép của chúng; Ăn ngũ cốc còn lớp cám hơn là ngũ cốc đã loại bỏ cám. Trung bình, mỗi ngày nên ăn khoảng 2 chén rau đầy (trên 400g). Tác dụng chống táo bón thường thấy rõ sau 24 giờ và đạt mức tối ưu sau 1-3 ngày dùng liên tục. Đây là điều cần chú ý vì hầu hết bệnh nhân táo bón thường nôn nóng, muốn dùng món ăn hay thứ thuốc nào có tác dụng nhanh, mà nhanh - thường không hẳn là tốt, lại dễ gây lệ thuộc.

    Tác dụng quan trọng thứ hai của chất xơ thực phẩm là góp phần làm giảm cholesterol máu. Điều cần lưu ý là chất xơ trong thức ăn có làm giảm cholesterol máu hay không còn tùy thuộc vào loại chất xơ, lượng chất xơ ăn vào, mức độ tăng cholesterol máu... Thức ăn có chứa chất xơ tan như cám yến mạch, pectin, lúa mạch, đậu hạt, rau đậu, trái cây và rau có thể làm giảm được 5-10% lượng cholesterol máu, có khi tới 25%; Nhưng nếu tách riêng chất xơ ra để dùng thì chỉ làm giảm được cholesterol dưới 5%.

    Tác dụng quan trọng thứ ba của chất xơ thực phẩm là hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh một số chất xơ tan làm tinh bột lưu lại lâu trong ruột, chậm hấp thu glucose, do đó làm lượng đường trong máu không tăng cao đột ngột. Tinh bột chậm tiêu hóa còn tạo cảm giác no, góp phần làm dịu đáp ứng đường huyết. Thức ăn xay thô có tác dụng tốt hơn xay mịn và thức ăn giàu chất xơ tốt hơn là xơ chiết tinh.

    Chất xơ còn tác dụng giúp điều chỉnh cân nặng. Chất xơ có tính nhớt như gôm, pectin, gel, chất nhầy sẽ tạo cảm giác no, làm giảm lượng ăn, cản trở khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.

    Dùng nhiều chất xơ có tác dụng gì không?


    Dùng nhiều thức ăn chứa chất xơ không gây nguy hiểm gì ngoài cảm giác tự nhiên là no đầy và đôi khi sôi bụng. Nhưng nếu dùng chất xơ dưới dạng bột khô tinh chế thì có thể gây tác dụng phụ. Người có cơ địa dị ứng hít phải bột khô của chất xơ chiết tinh có thể bị dị ứng.

    Người vốn bị hẹp môn vị, dính ruột, bán tắc ruột nếu nuốt phải một lượng lớn chất xơ tan, nhất là bột khô có thể gây tắc thực quản hay tắc ruột do khả năng hút nước đóng cục. Có thể dễ dàng phòng tránh điều này bằng cách không dùng chất xơ dạng bột và uống nhiều nước sau khi dùng chất xơ.

    Có nên uống thuốc sau bữa ăn có chất xơ?


    Không nên uống thuốc sau bữa ăn có chất xơ; Vì chất xơ trong thức ăn có thể làm giảm hấp thu nhiều loại thuốc như paracetamol, các thuốc trợ tim loại digoxin hay glycoside trợ tim, calci, sắt, kẽm, đồng, salicylat (aspirin), nitrofurantoin, các dẫn chất của coumarin.

    Tốt nhất, nên uống thuốc trước bữa ăn có chất xơ hơn 1 giờ, ngoại trừ thuốc chống viêm. Người không ăn được rau quả có thể bổ sung chất xơ bằng các loại thức ăn làm sẵn chế từ ngũ cốc còn lớp cám (bánh cám, bột cám rắc lên các món ăn khác, cháo gạo lứt, bánh mì đen), rau câu, xương sâm, xương xáo, hột é, mủ trôm v.v...

    Cuối cùngb]Cuối cùng, nên tăng từ từ lượng chất xơ ăn vào để giảm thiểu các tác dụng phụ có thể xảy ra. Người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn ít béo, nhiều chất xơ từ nhiều nguồn (trái cây, rau, đậu hạt). Các đối tượng sau đây cần chú ý ăn đủ chất xơ: trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính. Chất xơ đặc biệt hữu ích cho người bệnh tiểu đường, vữa xơ động mạch, ung thư, viêm ruột thừa, loét tá tràng, bệnh tim thiếu máu, viêm túi mật, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, giãn tĩnh mạch, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thoát vị ruột. Tuy nhiên, nếu cơ thể đang trong tình trạng thiếu dinh dưỡng mà quá lạm dụng chất xơ, có thể sẽ gây tình trạng mất cân bằng khoáng chất và dinh dưỡng.

    Thạc sĩ BS. LÊ HOÀNG SƠN

    http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=75864&ChannelID=198
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.07.2005 16:49:18 bởi HongYen >
    #2
      HongYen 04.05.2005 14:04:24 (permalink)
      Thứ ba, 3/5/2005, 09:30 GMT+7

      Ăn gì - chuyện không dễ



      Đừng xem thường bữa ăn sáng.


      Nhiều bà nội trợ đau đầu về việc lập các thực đơn bổ dưỡng, giúp con cái thông minh, mọi người trong gia đình tránh bệnh này tật nọ, lại vừa với khẩu vị cả nhà. Chuyện sẽ đơn giản hơn nếu bạn hiểu biết về thức ăn, biết kết hợp các loại thực phẩm và cân bằng thời gian giữa các bữa.

      Một bữa ăn được coi là cân bằng dinh dưỡng khi lượng rau quả và ngũ cốc (cơm, bánh mì, phở...) bằng nhau, còn các chế phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, bơ...) thịt, cá, trứng hoặc các chất đạm nói chung chỉ nên chiếm một nửa so với rau quả, ngũ cốc. Bạn hãy nắm vững tỷ lệ này mỗi khi nấu ăn cho cả nhà.

      Bữa sáng

      Bây giờ hiếm ai chịu khó dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, nếu có thì cùng lắm là gói xôi, bát mì hay ổ bánh mì ốp la. Nếu bạn vẫn giữ được thói quen chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả gia đình thì điều đó thật đáng khích lệ. Bữa sáng là bữa quan trọng nhất vì cơ thể vừa trải qua một đêm dài, nếu bỏ ăn hoặc ăn thiếu chất thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của ngày hôm đó. Thực ra, chuẩn bị một bữa sáng đạt tiêu chuẩn không mất nhiều thời gian và công sức như bạn nghĩ.

      Hãy mua sẵn bánh mì, bánh sandwich, sáng hôm sau chỉ việc phết lên một ít bơ, mứt, thêm một cốc sữa tươi là bạn đã có ngay một suất ăn bổ dưỡng. Có thể ăn kèm với rau xà lách hoặc một vài lát cà chua để bổ sung vitamin và cân bằng dưỡng chất. Nên sử dụng bơ ít béo hoặc không béo. Bữa sáng không nên ăn mặn.

      Với trẻ, nhất thiết buổi sáng phải ăn thứ có tinh bột, bánh mì hoặc cháo, thêm một ít hoa quả tươi dễ tiêu hóa như lê, dâu tây, dưa... Nên chọn loại sữa không kem hoặc sữa đậu nành.

      Bạn có thể chuẩn bị sẵn một nồi cháo từ tối hôm trước, tốt nhất là cháo cá để phục vụ cả nhà, rẻ mà ngon, lại rất tốt cho hệ tiêu hóa. Nhưng bạn cần lưu ý hạn chế ăn cháo trứng hoặc thịt vào buổi sáng vì chúng chứa nhiều cholesterol và chất béo.

      Nếu ông xã có thói quen uống trà, cà phê vào buổi sáng, hãy cho thêm một giọt mật ong vào tách để tạo vị ngọt tự nhiên, hơn nữa mật ong rất tốt cho sức khỏe.

      Bữa trưa


      Ngày càng có nhiều người phải ăn trưa tại cơ quan, ăn cơm bụi thay vì nấu ăn ở nhà. Chính vì vậy, nhiều người vẫn chủ trương ăn trưa qua loa, dành bụng tối về ăn cơm nhà. Tuy nhiên, bữa trưa rất quan trọng vì bạn không thể làm việc hiệu quả trong cả buổi chiều khi dạ dày chỉ có vài sợi bún hay dăm cọng rau. Những món ăn nhẹ như bún, phở, bánh trái... hãy để dành bữa tối vì lúc đó nhu cầu nạp năng lượng của cơ thể thấp. Bữa trưa bạn nên ăn cơm, thịt gà, thịt bò, thịt lợn hoặc cá, các loại quả đậu... Nên ăn một ít canh rau hoặc sinh tố hoa quả.

      Bữa tối

      Bữa tối là thời gian mọi người có mặt đông đủ nhất, tề tựu quanh mâm cơm. Gánh nặng lúc này dồn lên vai bạn, làm sao để có mâm cơm vừa ngon miệng, bổ dưỡng mà vẫn hợp khẩu vị của mỗi người. Nếu nhà bạn hay ăn cơm muộn sau 8 giờ thì chỉ nên ăn nhẹ vì thời gian từ lúc ăn tới lúc đi ngủ không nhiều, dạ dày không kịp tiêu hóa hết thức ăn.

      Có thể nấu các món trứng vào bữa tối nhưng đừng làm trứng ốp la vì món đó nhiều cholesterol. Nên hạn chế nấu các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt vịt, thịt lợn vào buổi tối mà thay bằng thịt gà hoặc cá. Không nên ăn da gà vì nó chứa nhiều cholesterol. Một con gà luộc cả da chứa 127 mg cholesterol, nhưng nếu bỏ da thì chỉ còn 42 mg cholesterol. Nếu nhà bạn thích ăn cà ri thì chịu khó thay thịt bò bằng thịt gà.

      Buổi tối chỉ nên dùng sữa ít béo, sữa đậu nành. Nếu con bạn không thích ăn rau, bạn có thể dùng các món salad cho thay đổi khẩu vị.

      (Theo Đẹp)

      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DD459/
      #3
        HongYen 09.05.2005 09:22:26 (permalink)
        Chủ nhật, 8/5/2005, 08:00 GMT+7

        9 nguyên tắc vàng giúp nâng cao tuổi thọ

        1. Người có tuổi nên hạn chế ăn đồ ngọt.

        . Các loại đường trong bánh kẹo được hấp thu vào máu rất nhanh, buộc tuyến tụy hoạt động mạnh đột xuất để tiết ra insulin điều chỉnh đường huyết. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến tụy bị quá tải, gây tiểu đường.

        Vì vậy, khi có tuổi, bạn nên được cung cấp đường từ nguồn chất bột là chủ yếu (như cơm, bánh mỳ). Loại đường này chậm hấp thu, chúng được dự trữ ở cơ thể và chỉ giải phóng từ từ vào máu theo nhu cầu hoạt động, không làm tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn.

        Các nguyên tắc khác:

        2. Dùng vừa phải chất béo, chọn loại có chất lượng cao

        Ở người cao tuổi, hoạt động của men lipase phân giải chất mỡ giảm nên cơ thể có xu hướng thừa mỡ trong máu. Cholesterol máu tăng là tiền đề dẫn đến vữa xơ động mạch, ảnh hưởng đến cơ tim (gây cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim) và làm thiếu máu cục bộ ở não (dẫn đến mất ngủ, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, hay quên, giảm khả năng tư duy, tập trung tư tưởng, thậm chí xuất huyết não, liệt nửa người, hôn mê).

        Để ngăn ngừa, bạn nên hạn chế calo trong khẩu phần, giảm mỡ động vật, tăng sử dụng dầu thực vật và các hạt có dầu để cung cấp các acid béo không no.

        3. Lựa chọn chất đạm thích hợp

        Ở người cao tuổi, việc tiêu hóa hấp thu protein kém đi, khả năng tổng hợp của cơ thể cũng giảm, dễ xảy ra tình trạng thiếu protein. Vì vậy, cần chú ý bảo đảm protein cho người cao tuổi. Nên hạn chế ăn thịt, nhất là thịt mỡ, thay bằng cá vì có loại đạm dễ tiêu, nhiều acid béo không no, rất cần đối với người cao tuổi có cholesterol cao.

        Nên ăn nhiều đạm nguồn thực vật, nhất là đậu phụ vì chúng ít gây thối rữa. Thức ăn nguồn thực vật còn có nhiều chất xơ, giúp tiêu hóa tốt và hạ cholesterol xấu.

        4. Bảo đảm đủ nước, vitamin và chất khoáng

        Người cao tuổi thường giảm nhạy cảm đối với cảm giác khát, vì thế cần đề phòng thiếu nước. Nên uống nước vào những bữa nhất định, ví dụ uống trà buổi sáng, uống nước vào buổi trưa, buổi chiều. Trong mùa hè, cần tăng cường số lần uống nước. Ăn nhiều rau quả để đủ vitamin và chất khoáng: 200-300 g rau và ít nhất 100 g quả chín mỗi ngày.

        5. Chế độ ăn giàu các chất ôxy hóa

        Khi lượng gốc tự do tăng cao bất thường, vượt khỏi tầm khống chế bình thường của hàng rào bảo vệ, chúng sẽ khởi động những phản ứng dây chuyền ôxy hóa có hại cho cơ thể. Các gốc tự do sau khi gây tổn thương màng tế bào sẽ dẫn đến nhiều tổn thương khác như biến đổi cấu trúc protein, ức chế hoạt động các men, biến đổi cấu trúc và thuộc tính các nội tiết tố. Đây là cơ sở sinh ra các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như: xơ vữa động mạch, đái tháo đường, ung thư...

        Các chất chống oxy hóa có nhiều ở rau quả, bao gồm vitamin E, C; beta-caroten...

        Việc uống nước chè, ăn nhiều rau, đặc biệt là rau lá xanh, nhiều gia vị (hành, hẹ, húng, diếp cá, lá lốt, tỏi, gừng, riềng, nghệ...) và quả chín sẽ cung cấp nhiều vitamin và các chất khoáng, làm tăng chất chống ôxy hóa.

        tiếp.....
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.05.2005 09:33:28 bởi HongYen >
        #4
          HongYen 09.05.2005 09:28:06 (permalink)
          .....

          6. Không nên ăn mặn

          Đã có nhiều nghiên cứu và điều tra dịch tễ học dinh dưỡng cho thấy mối liên quan giữa mức tiêu thụ muối ăn với tần suất bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, nên ăn giảm muối (dưới 6 g/ngày).

          7. Không nên uống rượu

          Người cao tuổi thường có nhiều nhược điểm về sức khỏe, tăng huyết áp, xơ động mạch, thiếu máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não, chức năng thận, gan bị suy yếu, có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn người trẻ. Những nhược điểm này là tiền đề cho nhiều tai biến như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Với người cao tuổi, rượu, kể cả rượu thuốc, là một đồ uống nên tránh sử dụng đều đặn hằng ngày. Đối với người cao tuổi khỏe mạnh, rượu nhẹ loại lên men như rượu vang, bia có thể dùng với liều nhỏ trong những ngày vui.

          8. Kiểm soát cân nặng

          Để có tuổi thọ cao và dự phòng các bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng, nên giữ cân nặng ở mức vừa phải, không nên béo quá hoặc gầy quá vì cả béo và gầy đều có nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.

          9. Giữ lối sống năng động và tập luyện cơ thể đều đặn

          Việc này sẽ giúp làm tăng HDL - cholesterol, làm giảm LDL cholesterol, giảm cân, giảm huyết áp. Tập luyện đều đặn có thể làm hạ cholesterol trong máu xuống tới 15%. Hằng ngày nên đi bộ hoặc tập luyện thể dục thể thao tùy theo sở thích của từng người, ít nhất là 30-45 phút. Việc tập luyện đều đặn như vậy giúp ngăn ngừa tăng 6 kg trong vòng 1 năm.

          TS Nguyễn Thị Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống

          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DDDB4/
          #5
            HongYen 12.05.2005 03:51:07 (permalink)
            Thứ tư, 11/5/2005, 09:34 GMT+7

            Món ăn làm giảm huyết áp

            Khi có bệnh tăng huyết áp, điều đầu tiên nên làm là điều chỉnh chế độ ăn (ăn nhạt, đủ chất dinh dưỡng) kết hợp dùng thuốc lợi tiểu. Nếu bệnh không cải thiện thì mới dùng thuốc hạ áp; và ngay cả lúc này, chế độ ăn vẫn giữ vai trò rất quan trọng.

            Sau đây là những món ăn có tác dụng giảm huyết áp:

            Cháo gạo lứt, đậu đỏ và ngô: Gạo lứt 80 g, đậu đỏ 30 g, ngô 30 g.
            Nấu tất cả thành cháo nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần.

            Súp bột mì và rong biển: Bột mì 80 g, rong biển 20 g, hành 10 g, dầu vừng 30 g. Rong biển rửa sạch, xào chung với hành bằng dầu vừng. Sau đó đổ vào ít nước, vặn lửa nhỏ nấu riu riu chừng 25 phút. Bột mì dùng nước nhào đều rồi cán mỏng, cắt thành từng miếng nhỏ, dùng 1 lít nước luộc chín, sau đó vớt ra bỏ vào nồi nước rong biển đã nấu ở trên, nêm vừa mắm muối là được.

            Dưa chuột trộn chua ngọt: Dưa chuột 100 g, tỏi 20 g, hành 10 g, giấm 10 ml, dầu vừng 5 g. Dưa chuột rửa sạch, cắt lát, hành rửa sạch, cắt khúc, tỏi bỏ vỏ, giã nát. Trộn đều tất cả với dầu vừng, nêm muối. Ăn mỗi ngày 1 lần.

            Canh cá quả, giá và cải canh: Cá lóc 50 g, giá 50 g, cải canh 30 g, tỏi 10 g, hành 5 g, bột canh. Làm sạch cá, xào chung với giá và cải canh, cho hành tỏi vào cho thơm. Sau đó cho vào nồi nước nấu sôi, nêm một chút bột canh là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

            Canh thịt lợn, cà tím và dưa chuột: Thịt lợn nạc 50 g, cà tím 50 g, dưa chuột 30 g, tỏi 10 g, hành 5 g, dầu vừng 10 g, bột canh. Dưa chuột rửa sạch, cắt miếng; cà rửa sạch cắt miếng; thịt lợn rửa sạch, cắt miếng; hành cắt đoạn; tỏi bỏ vỏ giã nát. Để nồi nóng đổ dầu vào, phi hành cho thơm, rồi xào với thịt lợn đã ướp tỏi. Sau đó cho nước vào nấu sôi, bỏ các thứ nấu thêm chừng 20 phút là được. Dùng ăn thay thức ăn.

            Canh thịt lợn và cần tây: Thịt lợn nạc 100 g, cần tây 100 g, nấm hương 30 g, gừng 5 g, tỏi 10 g, hành 10 g, dầu vừng 10 g, muối. Thịt lợn rửa sạch cắt miếng, cần tây rửa sạch, cắt khúc; nấm hương lựa sơ, bỏ cuống, cắt làm hai, rửa sạch; gừng cắt lát, hành cắt đoạn, tỏi bỏ vỏ, cắt lát. Để nồi nóng, đổ dầu vào, chờ dầu nóng, bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, bỏ thịt lợn vào xào sơ. Sau đó cho tất cả vào nấu thành canh với lửa nhỏ chừng 35 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

            Mộc nhĩ xào tỏi : Mộc nhĩ 40 g, tỏi 15 g, gừng 5 g, dầu vừng. Mộc nhĩ ngâm nước, bỏ rễ, thái nhỏ; tỏi bỏ vỏ, cắt lát, gừng cắt lát, hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ tỏi, gừng, hành vào phi thơm, cho mộc nhĩ vào xào chín là được. Khi ăn rắc thêm bột tiêu. Mỗi ngày ăn một lần.

            Canh sò nấu râu ngô: Thịt sò 30 g, râu ngô 50 g, hành 10 g, gừng 3 g, muối vừa đủ. Thịt sò rửa sạch, cắt miếng; râu ngô rửa sạch, bỏ vào túi vải; gừng cắt lát, hành cắt khúc. Cho tất cả vào nồi nấu với nước hoặc nước gà luộc. Nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm 30 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn cái, uống nước.

            Canh rong biển và hạt bo bo: Rong biển 30 g, bo bo 30 g, dầu đậu tương 10 g, gia vị. Rong biển rửa sạch, cắt thành sợi, bo bo rửa sạch. Rong biển xào sơ với dầu ăn, rồi nấu chung với hạt bo bo đến chín nhừ. Nêm gia vị vừa ăn.

            Canh cá giếc nấu với vừng đen: Cá giếc 1 con (300 g), vừng đen 15 g, hành tiêu, gừng, gia vị. Cá làm sạch, lọc lấy thịt cho vào nấu với vừng đen; thêm hành tiêu, gừng gia vị.

            Canh rong biển với bí đao: Rong biển 30 g, bí đao 100 g, lạc 50 g, thịt lợn nạc 50 g, gia vị vừa đủ. Cho cả 4 thứ trên nấu chung thành canh, nêm vừa ăn. Dùng trong bữa ăn liên tục 7 ngày.

            tiếp.....
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2005 03:55:57 bởi HongYen >
            #6
              HongYen 12.05.2005 03:57:52 (permalink)
              ......

              Thịt lợn nạc xào rau cần, giá đỗ: Thịt lợn nạc 50 g, rau cần 150 g, giá 50 g, gừng 3 g, dầu đậu tương, xì dầu 10 g, trứng gà 1 quả, bột đao 20 g. Thịt lợn nạc rửa sạch, cắt miếng; rau cần rửa sạch, cắt khúc; giá rửa sạch, bỏ rễ; gừng cắt lát; hành cắt khúc. Cho thịt nạc, trứng gà, bột đao, muối vào bát, đổ ít nước vào trộn đều. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi cho thơm, rồi đổ thịt lợn đã trộn vào xào sơ, sau đó bỏ rau cần, giá vào xào chín là ăn được. Mỗi ngày ăn 2 lần.

              Canh cải bắp, đậu đỏ: Cải bắp 100 g, đậu đỏ 15 g, gừng 3 g, hành 10 g, dầu lượng thích hợp, muối vừa ăn. Cải bắp rửa sạch, cắt khúc; đậu đỏ ngâm nước rửa sạch; gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng bỏ gừng, hành vào phi cho thơm, đổ vào nửa lít nước, bỏ đậu đỏ vào nấu 40 phút, sau đó bỏ cải bắp vào nấu chín, nêm muối là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

              Canh ốc, cần tây: Ốc đồng 50 g, thịt lợn nạc 20 g, cần tây 50 g, đậu đỏ 15 g, nấm hương 15 g, gừng 3 g, hành 10 g, tỏi 10 g, xì dầu 10 g, dầu một lượng thích hợp. Thịt ốc đồng rửa sạch, cắt miếng; thịt lợn cắt miếng; cần tây rửa sạch, cắt khúc; đậu đỏ rửa sạch; nấm hương ngâm nước cho mềm, bỏ cuống; cắt làm đôi. Dùng một nồi nấu đậu đỏ với 1 lít nước cho đậu chín. Lấy nồi khác để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi cho thơm, bỏ ốc, thịt, vào xào sơ. Tiếp theo đổ đậu đã nấu chín cùng với nước vào nồi ốc, thịt. Cho cần tây, nấm hương, xì dầu vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ hầm nhừ là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

              Cần tây xào đậu phụ: Rau cần 100 g, đậu phụ 100 g, thịt lợn nạc 30 g, nấm hương 30 g, gừng 3 g, hành 10 g, xì dầu 10 g, tỏi 10 g, dầu ăn lượng thích hợp. Rau cần rửa sạch, cắt khúc, đậu phụ cắt miếng; thịt lợn nạc cắt miếng; nấm hương ngâm nước cho mềm, bỏ rễ, cắt nhỏ; gừng cắt lát; hành cắt khúc; tỏi cắt lát. Để chảo nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm, rồi cho tất cả các thứ vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn 1 lần, dùng lúc đói bụng.

              Chè vừng đen, khoai mài: Vừng đen 30 g, khoai mài 30 g, đường phèn 3 g. Vừng đen rang thơm, xay thành bột, khoai mài rang khô, tán thành bột, trộn hai thứ bột vào nhau. Nấu với 2 bát nước, dùng lửa lớn nấu sôi, nêm ít đường phèn, khuấy đều, nấu thêm khoảng 5 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

              Cà tím xào tỏi: Tỏi 30 g, cà tím 200 g, hành 10 g, muối 5 g, xì dầu lượng thích hợp. Tỏi bỏ vỏ. Cà rửa sạch, cắt miếng, dùng lửa lớn hấp chín; sau đó lấy ra bỏ cà vào trộn đều với tỏi đã khử sơ với dầu mè, nêm ít xì dầu là được.

              Thịt lợn xào cần tây: Thịt lợn nạc 50 g, cần tây 100 g, mộc nhĩ 30 g, gừng 5 g, hành 10 g, muối vừa ăn, dầu ăn lượng thích hợp. Thịt lợn nạc rửa sạch, cắt miếng; cần tây rửa sạch, cắt khúc; nấm ngâm nước cho mềm, bỏ cuống, cắt làm đôi; gừng cắt khúc. Để chảo nóng đổ dầu vào chờ sôi bỏ gừng, hành vào khử cho thơm. Bỏ các thức vào thêm một ít nước, dùng lửa nhỏ nấu 25 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

              Canh giá, cải bẹ xanh, rong biển: Giá 100 g, cải bẹ xanh 100 g, rong biển 50 g, gừng 5 g, hành 10 g, muối, dầu. Giá bỏ rễ, rửa sạch; cải bẹ xanh rửa sạch; rong biển rửa sạch; gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào chờ dầu sôi bỏ gừng, hành vào phi thơm. Rồi đổ 1 lít nước, nấu sôi rồi vặn nhỏ lửa trong 45 phút, nêm muối.

              TS Nguyễn Thị Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống

              http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DE13F/
              #7
                HongYen 14.05.2005 11:42:18 (permalink)
                Thứ bảy, 14/5/2005, 00:15 GMT+7

                Vì sao cần bổ sung vitamin và khoáng chất?


                Dinh dưỡng hằng ngày không cung cấp đủ vitamin và khoáng chất.


                Bữa ăn hằng ngày không cung cấp đủ vi chất thiết yếu cho người bình thường, chưa kể người già, phụ nữ mang thai hay mãn kinh... Nguyên nhân chủ yếu là do cách chế biến và sở thích riêng. Do đó, việc bổ sung vitamin và khoáng chất tổng hợp rất quan trọng để duy trì cuộc sống.

                Con người có thể thiếu một hoặc nhiều vi chất thiết yếu vì nhiều lý do. Trong một cuộc điều tra dinh dưỡng mới đây của Mỹ, rất nhiều người hấp thu quá ít canxi, magiê, sắt, kẽm và thậm chí cả đồng và mangan. Việc giảm cân hay ăn chay có thể đẩy con người đến nguy cơ thiếu chất. Nghiên cứu cho thấy người già thường bị thiếu vitamin A, E, canxi và kẽm, đôi khi là vitamin D, B1, B2. Phụ nữ tiền mãn kinh lại hấp thụ ít canxi, sắt, vitamin A và C.

                Vitamin A

                Sự thiếu hụt vitamin A thường gặp ở người già. Vi chất này rất quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, để phòng tránh nguy cơ dị tật bẩm sinh và loãng xương, không nên bổ sung quá 10.000 đơn vị vitamin A mà không có chỉ định của bác sĩ.

                Beta-carotene

                Là một tiền tố của vitamin A, song beta-carotene có ảnh hưởng độc lập với sức khỏe con người. Nghiên cứu cho thấy beta-carotene có thể làm tăng số lượng tế bào bạch huyết và nâng cao khả năng chống ung thư của hệ miễn dịch ở những người bổ sung 25.000-100.000 đơn vị mỗi ngày. Tuy nhiên, beta-carotene tổng hợp lại không có lợi cho người hút thuốc lá, dễ gây bệnh tim và ung thư phổi. Beta-carotene tự nhiên có thể tiêu diệt các yếu tố tiền ung thư, trong khi loại tổng hợp không có tác dụng này.

                Vitamin B

                Nhiều loại vitamin B, trong đó có B1, B2 và B3, được bổ sung vào các sản phẩm bột trắng và những loại thực phẩm đã bị mất loại vitamin này trong khi chế biến. Vitamin B5 thì do các khuẩn đường ruột sản sinh và đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin B6 rất phổ biến.

                Axit Folic cũng là một loại vitamin B. Nó đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ có thai với nhu cầu gấp đôi người thường. Sự thiếu hụt axit folic trong thai kỳ liên quan đến nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân và dễ bị khiếm khuyết ống thần kinh. Cần bổ sung 400 mcg axit folic mỗi ngày trước và sau khi mang thai.

                Vitamin B12 ít khi bị thiếu hụt ở người khỏe mạnh, trừ người ăn chay (không ăn sữa và trứng). Hiện tượng thiếu vitamin B12 ở người già thường do sự suy giảm khả năng hấp thu vi chất này từ thức ăn do tuổi tác. Có thể bổ sung vitamin B12 ở liều 100 mcg mỗi ngày nếu không bị bệnh thiếu máu ác tính hoặc rối loại đường ruột- dạ dày.

                Trong nhóm vitamin B, bộ ba axit folic, B12 và B6 rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng homocysteine trong máu. Sự gia tăng chất này liên quan đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, Alzheimer và loãng xương. Hiện các nhà khoa học chưa biết nó có vai trò trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế, cần bổ sung hằng ngày 400 mcg axit folic, 10 mg vitamin B6 và 50 mcg B12 mỗi ngày để phòng bệnh.

                Vitamin C

                Bổ sung vitamin C tối thiểu 100 mg mỗi ngày có thể tăng cường sức miễn dịch. Có thể nạp vi chất này nhiều hơn vì uy nó không tích tụ trong cơ thể, song hiệu quả phòng bệnh thì tương đương so với liều thấp hơn.

                Vitamin D

                Có thể hấp thu vitamin D từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày hoặc ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, cơ thể vẫn có nguy cơ thiếu vitamin D trong mùa đông, đặc biệt là người già và người ăn kiêng.

                Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến chứng loãng xương và gãy xương ở người già. Ở phụ nữ mãn kinh, 800 đơn vị vitamin D mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa mất xương. Không nên hấp thu quá 2.000 đơn vị vitamin D mỗi ngày vì nó có thể trở thành độc tố.

                Vitamin E

                Bổ sung ít nhất 100 đơn vị mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần 50 đơn vị vitamin E cũng có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở người hút thuốc lá.

                Vitamin K

                Thiếu vitamin K gây ra các sự cố liên quan đến máu và loãng xương. Cần bổ sung ít nhất 1mg vitamin K mỗi ngày để giảm mất xương ở phụ nữ.

                Canxi

                Hấp thu đủ canxi trong suốt cuộc đời là điều cần thiết để đạt tới khối xương cao nhất và ngăn ngừa bệnh mất xương. Canxi làm chắc xương ở trẻ và làm chậm quá trình mất xương ở người lớn. Phụ nữ mãn kinh cần hấp thu 1.500 mg canxi mỗi ngày, trong đó có 500-700 mg từ thức ăn và 800-1.000 mg từ viên bổ sung.

                Phốt pho

                Dinh dưỡng hằng ngày luôn cung cấp đủ khoáng chất này. Dư thừa phốt pho sẽ không tốt quá trình chuyển hóa xương và canxi. Do đó, nhìn chung là không cần bổ sung phospho.

                Magiê

                Bổ sung ít nhất 250 mg mỗi ngày có thể chống mất xương

                Kali

                Hấp thu đủ kali sẽ ngừa chứng tăng huyết áp và đột quỵ. Tuy nhiên, quá nhiều kali sẽ gây khó chịu dạ dày. Cách tốt nhất để tiếp nhận kali là ăn ít nhất 5 bữa hoa quả, rau và nước quả mỗi ngày.

                Sắt

                Tình trạng thiếu sắt rất phổ biến ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, người ăn chay, thai phụ và vận động viên. Cần bổ sung sắt từ thực phẩm như thịt bò, quả dâu... Nên nhớ thừa sắt cũng rất nguy hiểm, gây ra bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư, tăng nguy cơ lây nhiễm và làm trầm trọng thêm bệnh thấp khớp.

                Iốt

                Nhìn chung người bình thường hấp thu đủ iốt từ bữa ăn hằng ngày, trừ phi không ăn muối iốt, đồ biển và rong biển. Người mắc bệnh tuyến giáp nên khám bác sĩ trước khi bổ sung iốt.

                Kẽm

                Bổ sung 30-50 mg kẽm/ngày có thể phòng chống suy nhược và tăng cường sức miễn dịch. Chú ý là quá nhiều kẽm lại phản tác dụng, gây suy miễn dịch.

                Đồng

                Bổ sung 3 mg đồng/ngày để chống mất xương. Tuy nhiên, do kẽm gây cản trở hấp thu đồng, nên phải bổ sung đồng bất cứ khi nào bổ sung kẽm trong vài tuần.

                Mangan

                Hàm lượng mangan rất thấp trong các loại thực phẩm tinh luyện và chế biến sẵn. Do đó, những người chủ yếu ăn thực phẩm công nghiệp dễ bị thiếu mangan, gây loãng xương. Chú ý, cần bổ sung mangan khi bổ sung sắt, do sắt cản trở hấp thu mangan và làm giảm lượng mangan có sẵn trong cơ thể.

                Crom

                Cho đến nay, việc nghiên cứu crom trong dinh dưỡng gặp khó khăn vì một vài hạn chế về kỹ thuật trong phân tích thực phẩm và dịch cơ thể chứa crom. Thiếu crom có liên quan đến những bất thường về đường huyết và cholesterol. Lượng crom trong cơ thể sẽ giảm khi về già.

                Selen

                Phần lớn người bình thường có đủ selen, nếu tính theo mức khuyến cáo 70 mcg/ngày. Nghiên cứu cho thấy, nếu bổ sung khoảng 200 mcg selen từ men mỗi ngày trong vòng 4-5 năm, nguy cơ tử vong vì ung thư sẽ giảm 50% trong vòng 7 năm. Liều selen an toàn tối đa là 350-400 mcg/ngày.

                Mỹ Linh (theo Mothernature)

                http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DE07A/
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.05.2005 11:44:12 bởi HongYen >
                #8
                  HongYen 20.05.2005 10:22:18 (permalink)
                  Thứ năm, 19/5/2005, 16:43 GMT+7

                  Vitamin E có thể chống bệnh Parkinson


                  Vitamin E có nhiều trong ngô, hạt, rau lá xanh, dầu thực vật, mầm lúa...


                  Ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin E có thể giúp người già đối phó với căn bệnh liệt rung khổ sở, các nhà nghiên cứu vừa thông báo hôm nay.

                  Một công trình tổng kết từ 8 nghiên cứu nhằm tìm kiếm ảnh hưởng của vitamin C, E và beta carotene (tiền tố của vitamin A) trong thức ăn lên sự phát triển của căn bệnh não này đã cho thấy: sử dụng vitamin E điều độ làm hạ thấp nguy cơ mắc bệnh.

                  "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy chế độ ăn giàu vitamin E giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự tàn phá của bệnh Parkinson", tiến sĩ Mayhar Etminan, thuộc Bệnh viện Hoàng gia Victoria ở Quebec, Canada, cho biết trên tạp chí The Lancet Neurology. Trong khi đó, cả vitamin C lẫn beta carotene dường như đều không có tác dụng bảo vệ trước căn bệnh này.

                  Hội chứng Parkinson, hay còn gọi là bệnh liệt rung, ảnh hưởng đến khoảng 1% số người trên tuổi 65 trên toàn thế giới. Biểu hiện của bệnh là người bệnh thường run khi đứng yên, cứng ở các gốc chi, động tác chậm chạp, tăng phản xạ tư thế (khi bị xô về phía trước vẫn có xu hướng giữ nguyên tư thế nên rất dễ ngã). Những nguyên nhân gây tổn thương hệ thống ngoại giáp là chấn thương vào đầu, ngộ độc (sunfua cacbon, oxit cacbon, mangan), viêm trục thần kinh, xơ cứng động mạch não dẫn đến rối loạn tuần hoàn máu gây thiếu máu lên não.

                  Nhóm khoa học đã tìm hiểu các nghiên cứu gần đây thực hiện từ năm 1966 đến tháng 3 năm 2005. Họ cũng cho biết cần có thêm nghiên cứu để xác nhận phát hiện của mình. Vitamin E là một chất chống ôxy hoá bảo vệ tế bào trước những tổn thương. Nó có nhiều trong các loại thực phẩm như quả hạch, hạt, mầm lúa mỳ, rau bina và các loài thực vật lá xanh.

                  T. An (theo IOL)

                  #9
                    HongYen 29.05.2005 04:14:44 (permalink)
                    Thứ bảy, 28/5/2005, 15:06 GMT+7


                    3 quả dưa hấu bằng một viên Viagra


                    Trong dưa hấu chứa nhiều citrullin, các nhà dược lý học cho rằng loại acid amin thiên nhiên này có tác dụng dược học tựa như dược chất sildenafil citrat của Viagra.

                    Viagra phát sinh hiệu quả tuy nhanh, nhưng có tác dụng phụ nhất định đối với cơ thể, trong khi “Viagra thiên nhiên” tuy tạo hiệu quả chậm hơn, nhưng tuyệt đối không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, phải ăn đến những 3 quả dưa hấu mới đạt hiệu lực bằng 1 viên Viagra.

                    Tận dụng kết quả nghiên cứu này, công ty vitamin thiên nhiên bang Arizona (Mỹ) chế ra sản phẩm mới, mang tên Stimulin, một viên thuốc sẽ có hàm lượng citrullin tương đương trong 3 quả dưa hấu. Được biết, sản phẩm này với ruột dưa là nguyên liệu chính, do vậy tuyệt đối an toàn cho cơ thể - được mệnh danh là dược phẩm thiên nhiên đầu tiên xúc tiến chức năng tính dục nam giới.

                    Theo y học cổ truyền: dưa hấu có vị ngọt, tính hàn, có công hiệu thanh nhiệt giải thử (làm mát chống say nắng); lợi niệu trừ phiền (lợi tiểu, giảm bứt rứt). Trong các loại quả, dưa hấu chứa dịch quả phong phú nhất, hàm lượng nước đạt trên 96%. Trong nước dưa hấu chứa nhiều acid malic; acid glutamid; arginine; đường glucose; fructose; lyciumanid; bêta-caroten; vitamin A, B, C, protid và các chất khoáng như calci, phosphor, sắt..., những thành phần này rất hữu ích cho cơ thể, hơn nữa dễ được hấp thu.

                    Dưa hấu tuy thơm ngon, nhưng không thích hợp cho mỗi người. Người suy chức năng thận không nên ăn nhiều, để tránh tăng gánh nặng cho thận. Dưa hấu giàu đường, người bệnh tiểu đường cũng không nên ăn nhiều. Người trung - lão niên tỳ vị hư hàn; hàn thấp hơi thịnh (rối loạn tiêu hóa do lạnh), trẻ nhỏ chức năng đường ruột chưa phát triển toàn diện, tuyệt không tham ăn nhiều dưa hấu mà gây tổn thương đường tiêu hóa.

                    (Theo Người Lao Động)

                    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DEAD8/
                    #10
                      HongYen 30.05.2005 04:35:47 (permalink)
                      Ăn chay

                      Bác sĩ Nguyễn Thế Thứ DC, PhD.

                      Người ăn chay được định nghĩa là không ăn thịt, cá, gà, vịt, chim muông, thường được chia làm 3 loại ăn chay.

                      1- Ăn chay có uống thêm sữa: dùng thêm sữa và tất cả các sản phẩm làm bằng sữa cùng với rau, hoa quả cộng ngũ cốc nhưng không ăn thịt cá gà vịt.

                      2- Ăn chay uống sữa và ăn trứng: dùng thêm sữa, các loại sản phẩm làm bằng sữa, ăn trứng cùng với rau, hoa quả ngũ cốc nhưng không ăn thịt cá gà vịt.

                      3- Ăn chay thuần: kiêng cử tất cả các thịt cá gà vịt, tất cả sản phẩm làm bằng động vật kể cả sữa, phô-mai, sản phẩm làm bằng sữa, trứng. Không dùng các vật dụng làm bằng thú vật lụa, tơ tầm, áo len, áo lông cừu, quần áo da, các sản phẩm làm bằng chất hữu cơ của động vật. Có người còn kiêng ăn cả những củ mọc dưới đất như củ hành, khoai tây, cà rốt.

                      Các nhà khoa học nghiên cứu nhận thấy rằng tỷ lệ những người ăn chay chết vì các bệnh suy hóa ít hơn những người ăn mặn và ngày nay ăn chay thuần khỏe mạnh hơn những người ăn chay uống thêm sữa và ăn thêm trứng.

                      Lợi ích của ăn chay-

                      - Ăn chay có thể ngừa được bệnh đau tim vì các thực phẩm động vật trong mỡ có nhiều cholesterol, mỡ bảo hoà, thực phẩm chay không có những chất này thêm vào đó chất sơ trong rau trái giúp cho giảm chất cholesterol trong máu, giảm đóng cứng thành động mạch, giảm áp huyết cao, giảm các chứng bệnh về đau tim.

                      - Ăn chay có thể ngừa được các chứng bệnh ung thư, kết quả về y tế cho thấy số người ăn chay bị mắc bệnh về ung thư dưới 50% so với người ăn mặn. Số người ăn thịt cá bị ung thư vú gấp 8 lần người ăn chay, kể cả những người bị bệnh về ung thư ruột cũng ít hơn rất nhiều so với người ăn thịt cá.
                      Các thực phẩm động vật thường có nhiều mỡ và ít chất sơ, do đó tạo nhiều bệnh về ung thư như ung thư ruột già, ngực, nhiếp hộ tuyến. Ung thư ruột già là do ăn thịt nhiều. Ăn quá nhiều mỡ kích thích sự tiết ra quá nhiều kích thích tố estrogen tạo ra ung thư vú, ung
                      thư buồng trứng. Nhũng người ăn chay có thể ngừa hoặc có thể làm giảm bệnh tiểu đường. Nếu ăn chay có thể chũa hẳn được hoặc làm giảm bớt bệnh tiểu đường của những
                      người không dùng insulin.

                      Vì thực phẩm ít chất mỡ nhiều chất sơ giúp cho insulin trong cơ thể điều hoà được chất đường một cách hữu hiệu. Những người bị lệ thuộc vào insulin, ăn chay có thể giảm được số lượng insulin xử dụng hàng ngày, các nhà nghiên cứu bệnh tiểu đường cho rằng bệnh tiểu đường có thể là do phản ứng chống miễn nhiễm đối với thực phẩm có chất đạm động
                      vật. Ăn chay có thể ngừa được sạn mật, sạn thận và bệnh xốp xương, bệnh xuyễn. Dinh dưỡng có nhiều chất đạm động vật có khuynh hướng làm cho cơ thể tiết ra nhiều calcium, oxalate và uric acid ba chất này là các chất chính tạo ra sạn trong cơ thể. Các nhà khoa
                      học Anh Quốc khuyến khích những người bị bệnh cao cholesterol, nhiều mỡ trong máu, có sạn thận nên ăn chay cho bệnh thuyên giảm. Các nhà khoa học Thụy Điển chứng minh rằng ăn chay ròng trong một năm sẽ giảm được cường độ tạo bệnh của bệnh xuyễn.


                      tiếp...
                      #11
                        HongYen 30.05.2005 04:39:51 (permalink)
                        tiếp...

                        Ăn chay có thể có hại

                        Những người ăn chay thuần loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm của động vật kể cả sữa và trứng có thể có hại vì một số thực phẩm chỉ có trong gia súc mà thôi. Ăn chay thuần có thể có hại vì ăn chay không có đầy đủ được các chất đạm. Cơ thể cần chất đạm để tăng trưởng, thay thế các tế bào chết. Chất đạm được thủy phân ra gồm có 24 loại amino acid, trong đó có 8 loại cơ thể không thể sản xuất được phải đem từ ngoài vào có nghĩa là từ thực phẩm. Các chất amino acid cần thiết là: phenylalanine, leucine, isoleucine, methionine,valine, lysine, threonine, và tryptophan.

                        Trong số amino acid tối cần thiết này có 4 loại thực phẩm ăn chay không có, có nghĩa là hoàn toàn trong rau đậu, ngũ cốc không có 4 chất này mà chỉ có trong thịt cá mà thôi. Các chất này là: Lysine, ryptophan, threonine, và methionine có trách nhiệm giúp cho tăng trưởng tế bào và giúp cho bộ óc thông minh nhanh nhẹn, do đó những người ăn chay cần phải uống thêm các loại amino acid này. Mua tại các tiệm bán vitamin. Thêm vào các sự cần thiết kể trên, tất cả các loại amino acid cần phải được ăn vào cùng lúc, thẩm thấu cùng lúc để có thể làm được nhiệm vụ điều hoà biến năng trong cơ thể.

                        tiếp...
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.05.2005 04:41:14 bởi HongYen >
                        #12
                          HongYen 30.05.2005 04:53:35 (permalink)
                          tiếp...

                          Vitamin và khoáng chất

                          Có một số vitamin và khoáng chất không có hoặc có rất ít trong thực phẩm chay là vitamin A, Calcium, Zinc, Riboflavin, chất sắt và vitamin B12.

                          - Vitamin A còn được gọi là Beta carotene rất cần thiết cho mắt và cho toàn thể các hoạt động của cơ thể như bảo trì và tu sửa các tế bào liên kết, giúp tồn trữ chất béo trong tế bào mỡ, giúp hệ thống miễm nhiễm chống lại nhiễm trùng. Một loại chống ốc xýt hoá, chống ung thư và làm cho lâu già. Đối với người ăn chay vì thiếu vitamin A trong thực phẩm nên có thể các chất đạm không thể thủy phân được vì thiếu vitamin A đưa đến các bệnh về da, tóc có gầu, mất cảm giác về ngửi, dị ứng, quáng gà, sưng mắt, khô các màng nhờn trong phổi, trong bộ máy sinh dục.

                          - Vitmin D cần cho thẩm thấu calcium và phosphorus vào trong cơ thể, cần thiết cho mọc răng, ngừa xốp xương và bệnh còi xương của trẻ em. Vitamin D chỉ có trong sữa, gan dầu cá, bơ. Nhưng may trong ánh sáng mặt trời có thể giúp cho cơ thể sản xuất ra vitamin D nếu cơ thể được phơi ra ánh sáng mặt trời 20% cơ thể trong vòng 30 phút
                          là đủ dùng cho một ngày. Calcium giúp bắp thịt cử động giây thần kinh chuyến mạch giúp cho xương tăng trưởng. Triệu chứng thiếu calcium sinh ra vọp bẻ, móng tay dễ gẫy, đau nhức các khớp xương, tê cóng tay chân.

                          Uống calcium trước khi đi ngủ sẽ giúp cho ngủ ngon suốt đêm.

                          Thiếu chất kẽm (zinc) trong rau trái ngũ cốc là do đất mất hết màu mỡ và những nhà trồng tỉa chỉ bón thêm có 2 chất là nitrogen và phosphorus, do đó thiếu toàn bộ các khoáng chất khác đặc biệt là chất kẽm. Chất kẽm giúp cho các bộ phận sinh dục, nhiếp hộ tuyến và thủ y phân các chất đạm. Triệu chứng thiếu chất kẽm là nhức đầu, giảm cảm giác về mùi v.v.., vết thương lâu lành.

                          Riboflavin hay vitamin B2 cần cho tạo ra hồng huyết cầu, tế bào tăng trưởng, sản xuất ra các kháng thể, thiếu chất này ảnh hưởng hại cho các bào thai trong bụng mẹ.
                          Chất sắt cần cho sản xuất huyết đạm và giữ dưỡng khí trong hồng huyết cầu. Thiếu chất sắt đưa tới bệnh thiếu máu triệu chứng là chóng mặt, mệt mỏi xanh xao, rụng tóc, dễ gẫy móng tay. Qúa nhiều chất sắt làm hư hại bắp thit tim và gan. Vitamin B12 cần cho sự biến năng trong tất cả các tế bào đặc biệt là tế bào ruột, tủy xương và thần
                          kinh, cần cho sự phân chất ra DNA. Thiếu vitamin B12 sinh bệnh pernicous anemia là một loại bệnh máu to nhỏ không điều, hồng huyết cầu có hình lưỡi liềm, sinh các bệnh về tâm thần, bấn loạn thần kinh và mệt mỏi kinh niên.

                          Vitamin B12 hoàn toàn không có chất trong rau đậu và ngũ cốc. Các thực phẩm chay có thể bị nhiễm trùng khi được tưới trồng trong đất, vi trùng này có thể tạo ra vitamin B12 một số rất nhỏ. Nhưng đối với các nước tân tiến, kỹ nghệ thực phẩm được khử trùng cận
                          thận nên không thể có được B12 trong thực phẩm chay.

                          Những người ăn chay thuần còn có thể bị thiếu năng lượng, đặc biệt đối với người mang thai có thể sinh con thiếu cân, trẻ em có thể bị chậm lớn, bắp thịt không nẩy nở lớn được. Một số các nhà dinh dưỡng khác cho rằng có thể đủ dưỡng sinh cho những trẻ em ăn
                          chay, nhưng một số khác không đồng ý.


                          Viễn tượng của ăn chay

                          Theo quan điểm của hội American dietetic cho rằng ăn chay rất tốt cho sức khỏe, các chất dưỡng sinh trong thực phẩm chay có đủ các chất cần thiết nuôi sống cơ thể, nếu được tính toán cận thận. Những người ăn chay tùy thuộc vào trái cây, rau trái ngũ cốc, đậu, trứng và các sản phẩm có sữa được coi là đầy đủ cho nhu cầu dưỡng sinh. Những người ăn chay thuần loại bỏ các sản phẩm động vật có thể bị thiếu dinh dưỡng.

                          Vì vậy, mỗi cá nhân ăn chay điều phải tính kỹ lưỡng về cân lượng các chất cần thiết cho cơ thể từ số lượng chất đạm chất béo, chất tinh bột các loại vitamin và khoáng chất theo nhu cầu dinh dưỡng đã trình bày trong bài trước.

                          tiếp...
                          #13
                            HongYen 30.05.2005 05:09:18 (permalink)
                            tiếp...

                            Hội American Dietetic đề nghị:


                            1- Xử dụng rất ít số lượng chất đường và chất béo.

                            2- Dùng các loại ngũ cốc chưa xay như gạo lức thay cho ạo đã giã kỹ.

                            3- Ăn nhiều các loại đậu ngũ cốc, rau trái khác nhau hất là những loại có vitamin C để giúp cho chất sắt dễ thấm vào máu.

                            4- Nếu có xử dụng sữa, nên dùng loại ít chất béo (low fat milk).

                            5- Nên hạn chế ăn khoảng 2 đến 3 trái trứng một tuầnđể tránh quá nhiều cholesterol.

                            6- Những người ăn chay thuần nên dùng các loại soy milk hay cereal hoặc vitamin phụ thêm để có vitamin B12.

                            7- Đối với trẻ con phải tính cho đủ số lượng năng lượng ăn vào, đủ chất sắt, vitamin D hoặc dùng thêm các vitamin và khoáng chất thêm để cho đủ lớn.

                            8- Tham khảo với chuyên viên dinh dưỡng trong lúc mang thai,nuôi con, bình phục sau cơn đau yếu, trong lúc lớn.

                            9- Nên dùng thêm vitamin, khoáng chất và các loại amino acid khi cần.





                            Thực phẩm thay thế thực phẩm động vật


                            Thực phẩm có chất đạm: Đậu nành, đậu phộng, gạo ngũ cốc.

                            Thực phẩm có nhiều vitamin và khoáng chất:Vitamin A: Các rau màu xanh đậm, rau màu vàng, lúa mì, lúa mạch, cà rốt khoai tây, rau dền, rau mùi tây.

                            Vitamin D: Bơ nhân tạo, ánh sáng mặt trời.

                            Calcium: Đậu hủ, đậu, hạt nhân, rau cải, đậu biển, hạnh nhân.

                            Chất sắt: Rau đậu, rau lá xanh, trái cây khô, bánh mì.

                            Chất kẽm: Lúa mì, lúa mạch, hạt nhân, rau đậu, khoai tây.
                            Vitamin B12: Sữa đậu nành, ngũ cốc có thêm vitamin.


                            Thiếu khoáng chất magnesium

                            Trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày thiếu khoáng chất magnesium đã làm cho khoảng 215 ngàn người Mỹ chết về bệnh đau tim mỗi năm, và trên thế giới hàng năm có
                            khoảng 20 triệu người đã chết về bệnh này do thiếu khoáng chất magnesium cũng như liên hệ tới nhiều bệnh khác nữa. Theo ông Paul Mason một nhà khảo cứu tại California đã tường trình như trên.

                            tiếp...


                            #14
                              HongYen 30.05.2005 05:26:20 (permalink)
                              tiếp…

                              Hội American Dietetic đề nghị:

                              1- Xử dụng rất ít số lượng chất đường và chất béo.
                              2- Dùng các loại ngũ cốc chưa xay như gạo lức thay cho gạo đã giã kỹ.
                              3- Ăn nhiều các loại đậu ngũ cốc, rau trái khác nhau nhất là những loại có vitamin C để giúp cho chất sắt dễ thấm vào máu.
                              4- Nếu có xử dụng sữa, nên dùng loại ít chất béo (low fat milk).
                              5- Nên hạn chế ăn khoảng 2 đến 3 trái trứng một tuần để tránh quá nhiều cholesterol.
                              6- Những người ăn chay thuần nên dùng các loại soy milk hay cereal hoặc vitamin phụ thêm để có vitamin B12.
                              7- Đối với trẻ con phải tính cho đủ số lượng năng lượng ăn vào, đủ chất sắt, vitamin D hoặc dùng thêm các vitamin và khoáng chất thêm để cho đủ lớn.
                              8- Tham khảo với chuyên viên dinh dưỡng trong lúc mang thai, nuôi con, bình phục sau cơn đau yếu, trong lúc lớn.
                              9- Nên dùng thêm vitamin, khoáng chất và các loại amino acid khi cần

                              tiếp...
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 6 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 78 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9