Thực Phẩm
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 3 của 6 trang, bài viết từ 31 đến 45 trên tổng số 78 bài trong đề mục
HongYen 08.08.2005 08:28:23 (permalink)
Nguyên nhân thiếu Vitamin

Thiếu Vitamin có thể được phân loại: Những loại người thiếu ăn, ăn không đầy đủ chất bổ dưỡng, cơ thể không tiêu hóa và hấp thụ được chất bổ dưỡng, có thể bệnh hoạn không biến chế được các chất bổ dưỡng, và sau cùng là không đáp ứng được cơ thể đòi hỏi.

Thiếu ăn: Thế giới hiện nay trên sáu tỷ người có tới trên ba phần tư nhân loại đang trong tình trạng thiếu ăn. Sự thiếu ăn chính là thiếu toàn bộ số lượng thực phẩm đem vào cơ thể hàng ngày. Do đó số lượng Vitamin cần thiết cho cơ thể bị thiếu. Hàng ngày trung bình số lượng cần thiết đem vào cơ thể để có thể biến năng ra được khoảng 3.000 kcal cho các hoạt động bình thường trong ngày, thì những người sống trong khu vực thiếu ăn, hoặc nghèo đói chỉ có thể ăn để biến năng ra được khoảng 1.500kcal, phần lớn những năng lượng nầy được sử dụng hết cho hoạt động hàng ngày. Cơ thể không tồn trữ được một chút nào do đó con người nhỏ bé ốm yếu. ( Điển hình tại Việt Nam những người sinh ra trong thòi kỳ bao cấp , thời kỳ cải tạo cho thấy cả một thế hệ nhỏ bé khô cằn ) Những chất dinh dưỡng thiếu nhiều nhất là chất đạm, trung bình các nước tân tiến mỗi ngày đem vào cơ thể khoảng 40g chất đạm trong khi đó những khu vực chậm tiến, người dân chỉ được hưởng khoảng một phần năm số lượng nầy. Con người nhỏ bé, teo cằn, đầu óc không nẩy nở, ngu muội. Số lượng Vitamin thiếu tổng quát không riêng một loại nào cho những người nầy và những loại người chịu sự thiếu nhiều nhất là những người già, những người mẹ đông con, mang thai phải cho con bú, trẻ em mới lớn.

Ăn không đầy đủ chất bổ dưỡng: Những loại người nầy sống trong những nước tân tiến hoặc giàu có chỉ chú trọng tới ăn cho khoái khẩu mà không cần để ý đến giá trị dinh dưỡng của mỗi loại thực phẩm, đưa đến cơ thể thừa chất nầy mà lại thiếu chất kia. Do đó con người phát triển bất bình thường, phì nộn, mập bệu, sinh nhiều loại bệnh. Số lượng Vitamin thiếu thường là thiếu riêng cho từng loại và cho từng người khác nhau.

Khi đồ ăn được đem vào cơ thể, nếu được hấp thụ vào máu hết để nuôi cơ thể là bình thường. Nhưng nếu bộ máy tiêu hóa không đủ khả năng tiêu hóa và hấp thụ đồ ăn, đồ ăn đem vào được bài tiết ra ngoài. Trên phương diện kinh tế là phí phạm, trên phương diện dinh dưỡng là thiếu chất bổ dưỡng đưa đến bệnh hoạn.

Tình trạng nầy đưa tới sự thiếu Vitamin tổng quát. Ngoài ra cơ thể bệnh hoạn như giun sán, thiếu các vi khuẩn hữu dụng cũng đưa tới thiếu Vitamin, những người hoạt động nhiều, tuổi đang lớn, thời kỳ chữa bệnh v.v... cần gia tăng số lượng dinh dưỡng và số Vitamin cần thiết, nếu không ăn đầy đủ, cơ thể không phát triển được.


Bác sĩ Nguyễn Thế Thứ, DC. PhD

#31
    HongYen 11.08.2005 18:10:54 (permalink)


    Công dụng trị bệnh của nước bắp cải

    23:29:56, 09/08/2005

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng Nga, nước ép từ bắp cải là loại "máy lọc" tuyệt vời và giúp giảm cân vì chứa ít calo. Chất sulfur và chlorine trong bắp cải giúp tẩy sạch màng nhầy bám ở bao tử và ruột.

    Nước bắp cải hơi nhạt nhưng bạn đừng thêm muối vì muối có thể phá hủy hoạt tính trị bệnh của loại nước này. Bản thân nước bắp cải cũng chứa đủ lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể người. Nước bắp cải còn rất tốt cho việc chữa viêm dạ dày, ung loét dạ dày, viêm miệng và viêm lợi. Riêng hỗn hợp nước bắp cải và nước củ cải đường thêm một chút mật ong uống nửa giờ trước bữa ăn là một liệu pháp tuyệt vời trị đau họng.

    C.Y
    (Pravda)

    http://www3.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2005/8/10/118413.tno
    #32
      HongYen 14.08.2005 02:57:23 (permalink)
      Thứ Sáu, 12/08/2005, 20:01 (GMT+7)

      Vị thuốc từ cải xanh

      Khi bạn bị ho phong hàn, nhiều đờm, dùng thân lá cải xanh xắt nhỏ nấu cháo ăn rất tốt. Nếu bị mẩn ngứa, có thể dùng nước đun lá cải xanh lấy nước rửa sẽ hết ngứa.

      Cải xanh còn gọi là la thái, mao la, tuyết lý kỳ. Lá cải có tính ôn, vị đắng. Thành phần chính: anbumin, cacbuahydrat, caroten, vitamin B2, C, a-xit nicotic, còn có loài mầu tím, mầu trắng dùng làm thuốc tốt nhất.

      Tác dụng: Thông phổi hạ đờm, lợi khí khai vị, chủ yếu dùng cho hàm ẩm nội thịnh, ho hen đờm nhiều, bụng đầy khó chịu.

      Cách dùng: Ðun nước, ép lấy nước, đắp ngoài da.

      Kiêng kỵ: Nhọt, đau mắt, ho, trĩ, đi ngoài ra máu hoặc người chân hỏa vitamin C mạnh không nên dùng.

      Chữa trị:

      1. Viêm thận: Cải xanh 150 g (rau khô thì 60 g) đun lửa nhỏ với nước trong 25 phút, đập 1 quả trứng vào. Ðun kỹ cho tí muối làm canh ăn. Ngày một lần vào bữa cơm trưa. Ăn liên tục. Có thể dùng cải xanh đun uống thay chè.

      2. Ho phong hàn, nhiều đờm: Thân lá cải xanh rửa sạch, xắt nhỏ, cho lượng gạo vừa đủ đun cháo mà ăn.

      3. Bụng khó chịu, ho: Cải xanh non, trần nước sôi xong cho thêm dầu, muối và ít rượu trộn đều mà ăn. Có thể giã nát cải xanh ép nước mà uống. Mỗi lần 50 ml.

      4. Bị sơn ăn, mẩn ngứa: Ðun cải xanh kỹ lấy nước mà rửa.

      5. Viêm lợi: Cải xanh khô, toàn tính, nghiền bột, đắp vào chỗ đau.

      Theo Nhân Dân - Sách "Thức ăn vị thuốc"

      http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=93309&ChannelID=198
      #33
        HongYen 16.08.2005 12:45:45 (permalink)

        Trích đoạn: HongYen

        Khoai mì không độc

        16-March-2005


        Ghana: femmes épluchant des racines de manioc (http://www.fao.org/NOUVELLE/FOTOFILE/PH0007-f.htm)

        Khoai mì, loại củ mà ở miền bắc và miền Trung gọi là sắn, là một nguồn thực phẩm thông dụng cho các dân tộc ở khắp các vùng nhiệt đới trải dài từ Châu Phi, Châu Á đến châu Mỹ. Rất nhiều trong chúng ta đã ăn loại thực phẩm này trong nhiều trường hợp và nhiều tình huống khác nhau. Rất nhiều người trong chúng ta ăn chẳng sao nhưng có người lại gặp phản ứng, như tin mới đây cho hay có đến gần 30 em học sinh tiểu học tại một làng ở Philippines đã chết sau khi ăn quà vặt là sắn rán tức khoai mỳ chiên.

        Để tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp xúc với một giáo sư thuộc ngành Khoa Học Hoa Màu và Trồng Tỉa của đại học Ohio tại thành phố Columbus và một tù nhân cải tạo từng gặp phản ứng khi ăn loại củ này ngày còn bị học tập lao động. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương.

        Nhức đầu, hoa mắt, bủn rủn tay chân, thượng thổ hạ tả, đó là những kinh nghiệm của tù nhân Đào Đức Hùng đã gặp khi lén ăn sắn bới được trong những giờ lao động khi còn phải ở trong trại cải tạo.

        Giáo sư Dick Sayre, làm việc cho ngành Khoa Học Hoa Màu và Trồng Tỉa của đại học Ohio ở thành phố Columbus, giải thích rằng trong củ khoai mỳ có một loại độc tố có thể sản sinh ra cyanure:

        Độc tố trong khoai mỳ sản sinh ra cyanure gọi là Linamarin. Nếu chúng ta ăn khoai mỳ không được chế biến hay xử lý đúng cách thì trong quá trình tiêu hóa, chất này có thể sản sinh ra cyanure và thể gây độc hại cho cơ thể. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của chúng ta, nếu chúng ta khỏe mạnh, nếu chúng ta ăn đủ protein thì không sao, vì protein có thể giải được rất nhiều chất độc cyanure. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều, thì cũng khó có thể chống đỡ được.

        Thật ra thì khoai mỳ, hay sắn, là loại thực phẩm rất thông dụng và chúng ta vẫn ăn như xôi sắn, bánh khoai mỳ, sắn luộc, v..v.. mà chẳng có chuyện gì xảy ra, vậy tại sao lại có những trường hợp ngộ độc ? Giáo sư Sayre giải thích:

        Có một số những lý do để giải thích. Một lý do là có nhiều loại sắn với nồng độ linamarin khác nhau. Có loại sắn với nồng độ linamarin rất thấp, người ta có thể ăn sống mà chẳng cần nấu nướng hay xử lý gì cả. Nhưng có loại lại có nồng độ linamarin rất cao, ăn chừng nửa ký lô là có thể chết. Thêm vào đó vỏ sắn là phần kết tụ nhiều linamarin, gấp 20 lần hơn là trong ruột củ sắn. Vì thế cách tốt nhất là chúng ta phải lột vỏ sắn bỏ đi, đem luộc hay nghiền sắn ra cũng bớt đi được rất nhiều chất linamarin, tức là chất có thể sản sinh ra cyanure trong quá trình tiêu hóa, rồi mới biến chế thành các món ăn. Có lẽ cách xử lý kém nhất trong việc hạ giảm linamarin là đem khoai mỳ chiên lên.

        Giáo sư Sayre cho biết hiện nay các nhà khoa học đang tìm cách biến đổi gene để có thể chặn việc phát triển của chất linamarin. Nhưng sau đó thì các cây sắn đó lại chết và các nhà khoa học mới khám phá ra rằng chất linamarin còn có một chức năng khác nó là phương tiện sản sinh ra nitrogen giúp tổng hợp protein trong củ khoai mỳ. Vì thế một sách lược thứ nhì đã được thí nghiệm để hạ giảm mức độ độc tố, đó là dùng phương pháp biến đổi gene cho phát triển một chất enzyme trong củ khoai mà bình thường không có trong phần củ mà chỉ có ở trong lá thôi.

        Loại enzyme thứ hai này sẽ biến đổi linamarin trong củ khoai thành cyanure, rồi cyanure sẽ thoát hơi vào trong không khí, vì vậy chúng ta sẽ thu hoạch được một loại khoai mỳ dễ xử lý hơn, biến chế được nhanh hơn và loại trừ được chất độc nhiều hơn trong tiến trình biến chế, và do đó sẽ an toàn hơn rất nhiều cho người tiêu thụ.

        http://www.voanews.com/vietnamese/2005-03-16-voa13.cfm

        #34
          HongYen 16.08.2005 12:47:34 (permalink)

          Trích đoạn: HongYen

          Ngộ độc khoai mì cấp ở trẻ em



          Cây sắn (khoai mì).
          Em Đ.T.T., 10 tuổi ở Bình Dương, sau khi ăn khoai mì (sắn) trồng gần nhà, đã bị nôn 4-5 lần trong vòng 8 tiếng. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trong tình trạng hôn mê, vã mồ hôi, đỏ da chi, tái môi. Sau nhập viện 30 phút em co giật toàn thân, có tình trạng rối loạn vận mạch, rối loạn nhịp tim.
          Một công trình nghiên cứu của bác sĩ Bạch Văn Cam - Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM và bác sĩ Nguyễn Thi Kim Thoa cho thấy, ngộ độc khoai mì cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Nó chiếm 10% trong số ngộ độc thức ăn, với tỷ lệ tử vong là 16,7%, cao nhất trong các loại hình ngộ độc thức ăn. Ngộ độc khoai mì thường gặp ở trẻ lớn 8-9 tuổi (91,7%), do các em tự ý đào củ đem nướng ăn hoặc do người lớn luộc cho, nhưng tất cả đều ăn nhiều vào lúc đói. Thời gian nhập viện trung bình sau ngộ độc là 11 giờ, sớm nhất 7 giờ và chậm nhất là 16 giờ.

          Triệu chứng lâm sàng: trẻ bị nôn, tiết nước bọt, đau bụng, nôn máu, thở nhanh, rối loạn tri giác, co giật, rối loạn nhịp tim. Trong đó, triệu chứng thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa (100%), xuất hiện đột ngột 4-6 giờ sau ăn, nôn ra thức ăn, số lần nôn từ 4 đến 10 lần. Tiếp theo là triệu chứng thiếu oxy tế bào. Biểu hiện hô hấp gặp trong 73,8% các trường hợp. Rối loạn nhịp tim (33%) là biểu hiện muộn hơn các triệu chứng khác.

          Bác sĩ Cam khẳng định, trường hợp như của em Đ.T.T. là ngộ độc thức ăn nhóm thực vật độc có thể gây tử vong. Chất gây độc trong khoai mì là Limanarin, có nhiều trong lớp vỏ lụa và hai đầu rễ củ, nhất là củ non.

          Loại khoai mì độc là loại đắng (sắn dù, sắn ta, sắn lùn, sắn cao sản) cây thấp, đốt dày, ngọn non màu xanh nhạt, lá màu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt. Củ có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước. Loại này thường được trồng nhiều vì cho sản lượng cao. Các cách chế biến không an toàn như không ngâm nước, không cắt bỏ hai đầu, luộc với ít nước và không mở nắp nồi khi sôi làm tăng khả năng gây ngộ độc.

          Thiên Phúc
          http://www.ykhoa.net/BACHKHOA/031004/031004105.htm

          #35
            HongYen 26.08.2005 07:53:38 (permalink)
            Thứ ba, 9/8/2005, 08:47 GMT+7

            Khỏe mắt nhờ sinh tố hoa quả

            Việc sử dụng máy vi tính liên tục hoặc đọc sách nhiều sẽ khiến mắt bạn trở nên nhức mỏi. Hãy bổ sung ngay vitamin A bằng các loại sinh tố trái cây như cà rốt, táo, đu đủ, cà chua…

            Dành một chút thời gian để thực hiện những bước sau, bạn sẽ có ly sinh tố vừa ngon, vừa bổ dưỡng cho đôi mắt:

            Sinh tố cà rốt, dưa vàng



            Vitamin A trong cà rốt sẽ giúp mắt bạn hoạt động tốt hơn và tránh mỏi nhức khi làm việc với cường độ cao. Thêm vài lát dưa vàng vào sẽ khiến ly nước có vị rất ngon.

            Nguyên liệu: 2 củ cà rốt; vài lát dưa vàng; 2 thìa canh đường. Cà rốt gọt sạch vỏ, xắt khúc nhỏ bỏ vào máy xay sinh tố cho thêm 1/3 chén nước trắng vào xay nhuyễn. Dưa vàng bỏ vỏ xắt khúc cho vào xay cùng nước cà rốt rồi rót ra ly. Cho thêm đường vào ly tuỳ theo ý thích. Bạn cũng có thể để lạnh hoặc cho đá viên vào nếu muốn uống lạnh.

            Nước đu đủ, mật ong

            Trong các loại trái cây chứa nhiều vitamin A, đu đủ được xếp hàng đầu. Nước đu đủ, mật ong không những giúp sáng mắt mà còn có tác dụng thư giãn tinh thần khá hiệu quả.

            Nguyên liệu: 1 quả đu đủ 300 g, 2 thìa cà phê mật ong, đá viên. Đu đủ gọt vỏ, xắt miếng nhỏ cho vào xay nhuyễn. Tiếp tục cho mật ong vào xay thêm 2 phút nữa rồi rót nước ra ly. Cho thêm đá viên nếu muốn uống lạnh.

            (Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

            http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/08/3B9E0EAC/
            #36
              HongYen 29.08.2005 16:03:28 (permalink)
              Bí đỏ - Thần dược cho mọi người




              17:19:34, 25/08/2005



              Bí đỏ là một loại quả rẻ tiền nhưng lại có giá trị dinh dưỡng đặc biệt. Người Nhật Bản luôn coi nó là một trong những món ăn trường sinh bất lão bên cạnh hải sản, tảo biển, rau sống, trứng và đậu nành.

              Bí đỏ là nguồn cung cấp vitamin A, đóng vai trò quan trọng cho thị giác, tăng trưởng xương và sự sinh sản, tham dự vào sự tổng hợp protein, điều hòa hệ miễn dịch và góp phần dinh dưỡng, bảo vệ cho da.

              Ngoài tỷ lệ chất xơ và sắt khá cao, bí đỏ còn mang lại vitamin C, acid folic, magiê, kali và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Đây cũng là thực phẩm cần cho những ai sợ mập vì 100g bí đỏ chỉ cung cấp 26 kcal và không chứa chất béo.

              Trong bí đỏ còn có một chất cần thiết cho hoạt động của não bộ, đó là acid glutamic, đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng thần kinh, giúp các phản ứng chuyển hóa ở các tế bào thần kinh và não. Vì thế, bí đỏ được coi là món ăn bổ não, trị suy nhược thần kinh, trẻ em chậm phát triển về trí óc.

              Bí đỏ được xem là một trong những loại quả chứa nhiều chất caroten có tính chất chống oxy hóa. Màu vàng cam càng nhiều thì hàm lượng caroten càng cao rất tốt cho trẻ em.

              Những người thường bị táo bón cũng nên ăn bí đỏ vì chất sợi trong bí giúp ruột chuyển vận dễ dàng, đồng thời có một phần glucid là mannitol có tính nhuận trường nhẹ.

              Hạt bí đỏ không chỉ là phương tiện "giải sầu" trong những đêm mưa buồn giá lạnh mà còn là loại thuốc tẩy giun sán. Nó cũng chứa nhiều vitamin, chất khoáng cùng những amino acid cần thiết như alanin, glycin, glutamin, có thể giảm bớt các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt.

              Hạt bí đỏ được dùng để chế tạo một loại dầu chứa nhiều carotenoid (beta-caroten, alpha-caroten, zéaxanthine, lutein) - những chất tương tự như vitamin A.

              Đây là những chất chống oxy hóa mạnh giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến lão suy như đục thủy tinh thể, các bệnh tim mạch và một số loại ung thư.

              Một số thành phần trong hạt bí đỏ:

              Magiê: Góp phần vào việc khoáng hóa xương, cấu trúc protein, gia tăng tác động biến dưỡng của các enzym, việc co thắt cơ, sự dẫn truyền luồng thần kinh, tăng sức khỏe cho răng và chức năng hệ miễn nhiễm.

              Acid linoleique (omega 6): Một acid béo cần thiết mà người ta phải được cung cấp từ thực phẩm. Cơ thể cần acid béo này để giúp cho hệ miễn nhiễm, hệ tuần hoàn và hệ nội tiết hoạt động tốt.

              Đồng: Cần thiết trong việc hấp thu và sử dụng sắt trong việc tạo lập hemoglobine. Đồng thời tham dự vào hoạt động của các enzym góp phần tăng cường khả năng của cơ thể chống lại các gốc tự do.

              Phosphore: Hữu ích cho việc khoáng hóa răng và xương, là thành phần của các tế bào giữ phần quan trọng trong việc cấu tạo các chất thuộc hệ di truyền, là thành phần của các phospholipid, dùng trong việc chuyển vận năng lượng và cấu tạo nên thăng bằng acid-baz của cơ thể. Hạt bí ngô giàu phosphore có thể góp phần làm giảm nguy cơ sạn thận.

              Kẽm: Tham gia vào các phản ứng miễn dịch, tạo nên cấu trúc di truyền, mau lành vết thương, liền da, tạo nên tinh trùng và sự tăng trưởng của thai nhi.

              Theo Đẹp

              http://www3.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2005/8/26/120252.tno
              #37
                HongYen 05.09.2005 12:37:39 (permalink)
                Thứ năm, 1/9/2005, 09:37 GMT+7

                5 bài thuốc từ rau sam

                Theo y học cổ truyền, rau sam vị chua, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, sát khuẩn, lợi tiểu. Nó được dân gian dùng chữa cảm nắng, rôm sảy, mụn nhọt và cả giun kim.



                Có thể dùng rau sam trong các bệnh sau:

                1. Phòng và chữa cảm nắng, say nắng, mụn nhọt, rôm sảy, nóng trong, nước tiểu đỏ: Cả cây rau sam rửa sạch, ăn thay rau sống hằng ngày hoặc luộc, nấu canh. Có thể lấy rau sam tươi rửa sạch, ép lấy nước, thêm đường để làm nước giải khát.

                2. Chữa kiết lỵ: Rau sam 100 g, cỏ sữa lá nhỏ 100 g, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 5-7 ngày.

                3. Chữa giun kim: Rau sam 50 g để tươi, rửa sạch, giã nát với ít muối, rồi vắt nước cốt. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, trong 3 ngày liền. Có thể thêm đường cho dễ uống.

                4. Chữa đinh râu: Lá rau sam giã nhỏ với lá cỏ xước, đắp lên tổn thương.

                5. Chữa viêm lợi, viêm chân răng có mủ: Hằng ngày, nhai rau sam với muối, ngậm rồi nhổ nước.

                DS. Bảo Hoa, Sức Khỏe & Đời Sống

                http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/09/3B9E1AE3/
                #38
                  HongYen 17.09.2005 02:39:28 (permalink)

                  Chất lượng bánh là một vấn đề

                  13 Tháng 9 2005 - Cập nhật 09h35 GMT


                  Lo ngại chất lượng bánh Trung Thu


                  Các loại bánh dẻo, bánh nướng là món không thể thiếu trong dịp Trung Thu tại các gia đình Việt Nam vốn có đời sống kinh tế ngày càng khá giả hơn trong những năm gần đây.
                  Thế nhưng chất lượng bánh Trung Thu lại là một vấn đề phải bàn, vì trước đây, hầu như dịp trung thu nào ở VN cũng có trường hợp ngộ độc thực phẩm vì bánh trung thu không an toàn.

                  Chị Thu Hải, một người dân ở Hà Nội, cho đài BBC biết các cửa hàng bán bánh Trung Thu ở Hà Nội năm nay rất nhiều, thế nhưng tâm lý người mua không an tâm, vì họ lo ngại mua phải bánh trung thu giả, kém chất lượng.

                  Khó có thể thống kê được lượng bánh trung thu bán ra mỗi năm là bao nhiêu, nhưng được biết các cơ sở sản xuất mỗi năm cung cấp từ hàng chục đến hàng trăm tấn bánh Trung Thu.

                  An toàn thực phẩm

                  Rõ ràng, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng, thế nhưng nó lại khó kiểm soát.

                  Trả lời những quan ngại này, ông Trần Đáng, cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế, cho đài BBC biết nếu so với năm ngoái và các năm trước, "chất lượng của bánh Trung Thu năm nay được cải thiện rất nhiều".

                  Ông Đáng cho biết điều kiện sản xuất bánh Trung Thu năm nay được đảm bảo tương đối tốt, và các trường hợp vi phạm có giảm so với những năm trước.

                  Tuy nhiên, theo ông Đáng, tình trạng bánh Trung Thu không có nhãn mác đầy đủ vẫn thường xuyên xảy ra.

                  Ông Đáng cũng cho hay do vệc làm bánh mang tính chất thời vụ, và hay được sản xuất nhỏ lẻ nên thực ra khó lòng có thể kiểm tra hết các điều kiện vệ sinh nơi sản xuất.

                  Chị Lệ Hà, một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết Trung Thu còn là dịp để mọi người mang bánh đi làm quà biếu, như cho thầy cô giáo của các con, thế nhưng khi đi mua thì khó lòng phân biệt thật giả, cũng như chất lượng bánh có đảm bảo hay không.

                  Cục trưởng Trần Đáng cho biết Cục vệ sinh an toàn thực phẩm không thể nào kiểm soát hết được tình hình của cả nước, mà chỉ chỉ đạo cho các cơ quan cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc.

                  Trong khi đó, báo chí trong nước vẫn tiếp tục có những đăng tải về các trường hợp bánh Trung Thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

                  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2005/09/050913_midautumncake.shtml

                  #39
                    HongYen 22.09.2005 15:30:06 (permalink)
                    15 Tháng 9 2005 - Cập nhật 17h07 GMT


                    Ăn đậu để chống ung thư


                    Trong đậu có chất chống ung thư


                    Các nhà nghiên cứu khoa học Anh cho rằng một chế độ ăn uống bao gồm nhiều đậu, các loại hạt và ngũ cốc có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh ung thư.
                    Các nhà khoa học thuộc trường ĐH College London đã khám phá ra các loại thức ăn hàng ngày này có chứa một hợp chất chống ung thư rất hiệu nghiệm.

                    Họ nói với tạp chí Cancer Research rằng nó sẽ chặn đứng một loại enzyme chủ chốt trong quá trình phát triển các khối u.

                    Các nhà nghiên cứu hi vọng trong tương lai có thể điều chế được hợp chất này trong các thuốc chống ung thư.

                    Các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu loại enzyme phosphoinositide 3 kinase nhằm chữa trị bệnh ung thư trước đây, tuy nhiên rất khó có thể phát triển các ức chế phản ứng hoá học vì các vấn đề gặp phải với tính bền hoá học và tính độc.

                    Giáo sư Marco Falasca và các đồng nghiệp đã khám phá ra một hợp chất tự nhiên, có tên gọi inositol pentakisphosphate, được tìm thấy ở phần lớn các cây họ đậu cũng như trong cám lúa mì và các loại hạt, giúp khống chế hoạt động của enzyme.

                    Khi họ thử phản ứng ở chuột mắc bệnh ung thư buồng trứng và ung thư phổi, kết quả cho thấy không những sự phát triển của khối u bị ngăn chặn mà hiệu quả của các loại thuốc chống ung thư khác cũng được nâng cao.

                    Thêm vào đó, nó có vẻ như không gây độc, không giống với các tác nhân thông thường của phương pháp hoá liệu.

                    Giáo sư Falasca nói: “Nghiên cứu của chúng tôi giả thiết rằng tầm quan trọng của một chế độ dinh dưỡng giàu các loại thức ăn như đậu, hạt, ngũ cốc có thể giúp phòng chống ung thư.”

                    “Hiện nay công việc nghiên cứu sẽ tập trung vào việc liệu có thể phát triển ức chế phosphate thành tác nhân chống ung thư có thể sử dụng đối với người.”

                    “Chúng tôi tin rằng inositol pentakisphosphate là một phương pháp chống ung thư đầy hứa hẹn và hi vọng có thể đưa vào thử nghiệm sớm.”

                    Henry Scowcroft thuộc Cancer Research nước Anh nói rằng: “Thật là một việc đầy khích lệ khi một hoá chất chống ung thu mới được phát minh, đắc biệt khi nó có thể được tìm thấy tự nhiên trong các thức ăn như đậu và đỗ.”

                    “Rõ ràng bước tiếp theo là xem liệu inositol pentakisphosphate có thể ức chế sự phát triển khối u ở các bệnh nhân ung thư được không, trong các lần thử nghiệm điều trị.”

                    Ông nói rằng các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét xem liệu những người ăn nhiều đậu và đỗ có thực sự có ít nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không.

                    “Điều mà chúng ta đã biết là một chế độ dinh dưỡng bao gồm ít nhất 5 loại hoa quả và rau khác nhau trong một ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.”

                    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/09/050915_eatbeans.shtml

                    #40
                      HongYen 04.10.2005 15:12:42 (permalink)
                      Thứ ba, 4/10/2005, 08:20 GMT+7

                      Các thức ăn có tác dụng giải độc

                      Cà rốt có tác dụng giải độc thủy ngân do có một lượng lớn chất kết dính với thủy ngân, làm giảm nồng độ và loại trừ nhanh chóng các ion thủy ngân trong máu.

                      Sự xuất hiện của mụn trứng cá, chứng hôi miệng, táo bón, đau đầu… có thể là những tín hiệu thông báo sự tồn đọng của chất độc trong cơ thể. Khi sức khoẻ bị đe dọa thì việc loại trừ độc tố cho cơ thể là vô cùng cần thiết và phải thực hiện hằng ngày. Lựa chọn thực phẩm có tác dụng giải độc, đồng thời kiên trì một chế độ vận động thường xuyên là cách tốt nhất để chúng ta nói lời tạm biệt với những độc tố trong cơ thể.

                      Mộc nhĩ đen (Nắm mèo): Người làm những ngành nghề có liên quan đến bông vải, sợi, đay… nên dùng nhiều mộc nhĩ đen, vì mộc nhĩ đen có tác dụng bài trừ chất sợi, khiến cho những chất sợi có hại này không thể tồn tại trong cơ thể. Chất keo thực vật trong mộc nhĩ đen có sức hút và kết dính cao, có thể hút thấm hết những tạp chất còn trong hệ tiêu hoá, giúp máu trở nên “sạch” hơn, đồng thời còn làm hạ cholesteron, phòng chống xơ cứng mạch máu.

                      Mướp đắng (Khổ qua): Thông thường, những thực phẩm có vị đắng đều ít nhiều có tác dụng giải độc. Mướp đắng giúp giải độc, tiêu nhiệt trong cơ thể và làm sáng mắt. Các nhà khoa học đã phát hiện trong loại quả này một loại protein hoạt tính có tác dụng phòng ngừa ung thư rõ rệt. Nó kích thích tác dụng “phòng ngự” của hệ miễn dịch, loại trừ độc tố trong cơ thể.

                      Đậu phụ: Những chế phẩm từ đậu nành có lượng canxi vô cùng phong phú, vì thế chúng được mệnh danh là những “chiến sĩ giải độc”.

                      Táo tây: Ruột là nơi có khả năng bài trừ độc tố một cách nhanh chóng. Nếu hệ tiêu hóa không tốt, các độc tố sẽ tích tụ tại ruột và bị hấp thụ trở lại vào máu, rất có hại cho cơ thể. Trong táo tây có một lượng chất xơ và chất kết dính thiên nhiên phong phú, phòng ngừa thức ăn phân hủy trong ruột.

                      Dưa chuột: Thận là cơ quan quan trọng bậc nhất trong quá trình bài trừ độc tố, có chức năng lọc những chất độc trong máu và những cặn bã sinh ra sau quá trình phân giải các protein, rồi bài tiết chúng ra ngoài qua nước tiểu. Dưa chuột có công dụng lợi tiểu nên có thể làm sạch niệu đạo, góp phần giúp thận thải ra ngoài những chất độc trong ống tiểu. Ngoài ra, dưa leo còn có tác dụng hỗ trợ giải độc cho phổi, gan và dạ dày.

                      Mật ong: Từ xưa, mật ong đã nổi tiếng là loại thực phẩm giải độc và làm đẹp. Trong mật ong có nhiều vitamin và acid amin thiết yếu cho cơ thể con người. Dùng mật ong thường xuyên có tác dụng bài trừ độc tố, đồng thời cũng có tác dụng nhất định trong việc phòng chống các bệnh về mạch máu hoặc các chứng suy nhược thần kinh.

                      Đậu xanh: Đậu xanh có vị ngọt, mát, có tính giải độc cao. Ngoài ra, đậu xanh còn có tác dụng nhất định trong việc phòng trị trúng độc kim loại, thuốc trừ sâu và trúng độc thực phẩm. Đậu xanh thúc đẩy quá trình bài tiết tống các chất độc ra khỏi cơ thể.

                      Tỏi: Trong tỏi có chứa những thành phần đặc biệt, giúp làm giảm nồng độ chì trong cơ thể.

                      Nho: Gan cũng là một cơ quan giải độc quan trọng cho cơ thể. Các độc tố sau khi tham gia vào một chuỗi các phản ứng hóa học ở gan sẽ biến thành những chất không độc hoặc lượng độc tố đã giảm hẳn. Nho có tác dụng giúp gan “quét” đi những chất độc trong cơ thể, đồng thời còn có ích cho quá trình tái tạo máu.

                      Trà: Những thành phần trong lá trà cùng một lượng vitamin C phong phú có tác dụng nhanh chóng loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể.

                      (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

                      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/10/3B9E2A52/
                      #41
                        HongYen 09.10.2005 12:06:03 (permalink)
                        Thứ bảy, 8/10/2005, 09:53 GMT+7

                        Mắt cần những dưỡng chất gì?


                        Việc chăm sóc mắt, nhất là với trẻ, đòi hỏi sự quan tâm toàn diện từ chế độ ăn uống, học tập, tư thế... nhằm ngăn ngừa các tật khúc xạ vốn đang ngày càng tăng. Cũng như các cơ quan khác, mắt cần nhiều loại vi chất như vitamin A, B, phốt pho, chondroitin...

                        Các số liệu mới nhất thu thập được tại Chương trình khám mắt học đường do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Galepo thực hiện cho thấy, tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh trung học cơ sở ở Hà Nội và TP HCM là 49%, tỷ lệ cận thị là 48%. Nguyên nhân có thể là tình trạng làm việc quá tải của mắt do thời gian và không gian vui chơi bị thu hẹp, trẻ dành quá nhiều thời gian để đọc sách báo, xem tivi, chơi điện tử, dùng máy tính... Ngoài việc thay đối lối sống, các bà mẹ cần lưu ý đến dinh dưỡng cho mắt trẻ. Những chất sau đây rất cần cho đôi mắt:

                        Vitamin E: Làm chậm quá trình phát triển đục thủy tinh thể. Các nghiên cứu cho thấy, việc dùng thường xuyên vitamin E sẽ giúp tránh tình trạng đục thủy tinh thể. Vitamin E hiện diện nhiều trong các loại lạc, dầu mè ; trứng (một quả trứng có thể cung cấp đến 6% lượng vitamin E khuyến cáo hằng ngày), cà chua, khoai tây, măng tây.

                        Vitamin A: Cơ thể thiếu vitamin A thì tế bào mô tuyến lệ sẽ bị tổn hại, dẫn đến bệnh khô mắt, quáng gà. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh sẽ rất khó nhìn thấy khi trời tối, hoặc đèn mờ. Vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm như gan động vật, sữa bò, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá.

                        Vitamin B1, B2 và niacin: Hiện tượng viêm dây thần kinh thị giác, gây sung huyết dây thần kinh thị giác có nguyên nhân từ việc không cung cấp đủ lượng vitamin B1. Vitamin B1, B2 giúp võng mạc và giác mạc chuyển hóa bình thường. Thiếu vitamin B2, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng chảy nước mắt, mắt đỏ, ngứa, viêm bờ mi, việc giác mạc, đục thủy tinh thể. Tình trạng thiếu niacin gây rung giật nhãn cầu, gây yếu thị giác. Chất này có nhiều trong các loại đậu, thịt nạc, đậu, các loại rau lá xanh, đậu xanh, táo, ngô.

                        Chondroitin: Là một thành phần được chiết xuất từ sụn vi cá mập thiên nhiên; là chất sinh lý giác mạc, giúp giác mạc và thủy tinh thể giữ được độ trong suốt, làm tăng tính đàn hồi của thấu kính và thể mi khi mắt điều tiết. Chondroitin cũng nuôi dưỡng các tế bào của giác mạc, tái tạo lớp phim nước mắt trước giác mạc, chống tình trạng khô mắt, mỏi mắt, hoa mắt do làm việc quá nhiều. Hiện trên thị trường đã có loại thuốc bổ mắt chứa chondroitin.

                        Selen: Giữ vai trò về độ nhạy của thị lực. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung selen mỗi ngày qua thực phẩm sẽ giúp giảm sự phát sinh cận thị và cả các bệnh về mắt. Ở nước ta, selen tìm thấy trong các thực phẩm phong phú như cá, tôm, sò, hến, gạo lức, ớt, tỏi, hành tây, nấm, cà rốt.

                        Phốt pho: Đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ dẻo dai của võng mạc. Do đó, thức ăn chứa nhiều phốt pho là rất cần thiết cho mắt. Các thức ăn giàu phốt pho là cá tôm, sò biển, sữa, rau câu.

                        TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh Dưỡng

                        http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/10/3B9E2984/
                        #42
                          HongYen 24.10.2005 07:31:00 (permalink)
                          Viêm tế bào xuất huyết v́ì ăn hàu sống

                          Báo Y khoa New England Journal of Medicine số ngày 13 tháng 10, 2005 có đăng một trường hợp lâm sàng với một bệnh nhân 52 tuổi bị viêm tế bào xuất huyết do ăn hàu (oysters) sống.

                          Người đàn ông này đến pḥòng cấp cứu của nhà thương tỉnh Baton Rouge than phiền hai chân đau và sưng trầm tro.ng. Cơn đau càng lúc càng nặng hơn và ngứa bầm bắt đầu thấy, rồi xuất huyết dưới dạ Huyết áp xuống thấp 60/30 mm Hg.

                          Bệnh nhân cho biết đă ăn hàu sống ba ngày trước đó.

                          Bệnh nhân được cấp thời cho dùng thuốc kháng sinh có quang phổ rộng, thuốc giúp làm tăng huyết áp và hô hấp phụ trợ.

                          Nhuộm Gram cho thấy gram-negative rods, và trong máu cấy có hiện diện của vi trùng h́nh phẩy Vibrio vulnificus. Bệnh nhân đáp ứng thuốc rất tốt, và được cho về nhà sau đó.

                          V. vulnificus là vi trùng sống tự do trong vùng nước ấm ở Vùng Gulf coast trong những tháng mùa xuân và mùa hè. Những vi trùng này tích tụ trong những loại động vật vỏ giáp (shellfish).

                          Người có thể bị nhiễm trùng nếu ăn phải thực phẩm bị nhiễm trùng, hay do tiếp xúc với nước độc, gây nên nhiễm trùng vết thương.

                          Những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng là những người có bệnh gan, tiểu đường,ung thư bạch cầu, hay u ác tính ở hạch bạch huyết (lymphoma).

                          Tỉ lệ tử vong nếu nhiễm V vulnificus trầm trọng được tường tŕnh lên tới 40%.


                          T Ng. Đàm Giang

                          #43
                            HongYen 03.03.2006 21:06:17 (permalink)
                            Ăn chocolate có lợi cho sức khỏe

                            28 February 2006



                            Một cuộc nghiên cứu của các khoa học gia Hà Lan cho thấy việc ăn chocola thường xuyên có thể giúp những người lớn tuổi giảm huyết áp và giảm bớt mối rủi ro bị chết vì suy tim.

                            Kết quả cuộc nghiên cứu này được đăng tải hôm qua trên một tạp chí y học quốc tế có tên là Thư khố Nội khoa.

                            Các nhà khoa học này nghiên cứu thói quen ăn chocola trong hơn một thập niên của 470 người Hà Lan từ 65 tuổi trở lên.

                            Họ khám phá ra rằng những người ăn nhiều chocola, hơn 4 gram chocola mỗi ngày, đã giảm được phân nửa mối nguy cơ bị chết vì suy tim.

                            Chocola có chứa flavanols, là chất được cho là cải thiện chức năng của các mạch máu.

                            Tuy nhiên, người đứng dầu toán nghiên cứu này cũng nói thêm rằng ăn quá nhiều chocola sẽ có hại vì chocola có nhiều calorie, gây ra tình trạng béo phì.

                            http://www.voanews.com/vietnamese/2006-02-28-voa31.cfm
                            #44
                              n.trang 23.04.2006 15:00:31 (permalink)


                              Thông thường chúng ta có thói quen ăn sống hoặc xào hai loại quả này với nhau, tạo mầu sắc đẹp cho món ăn. Nhưng xét về góc độ dinh dưỡng thì làm như vậy không khoa học.

                              Trong dưa chuột có chất dung môi có thể phân giải vitamin C và phá hoại nó, còn cà chua lại giầu vitamin C. Nếu cùng ăn hai thứ một lúc thì vitamin C sẽ bị phá huỷ, mức độ vitamin càng nhiều thì sự phá huỷ càng nghiêm trọng, vì vậy không nên cùng ăn chúng với nhau, tốt nhất là xào riêng và ăn riêng.
                              #45
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 3 của 6 trang, bài viết từ 31 đến 45 trên tổng số 78 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9