Truyện ngắn của Trung Kim
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 52 bài trong đề mục
trungkim 17.11.2009 14:01:23 (permalink)
Truyện ngắn: Hai anh em
 
     Mặc dù mưa lất phất nhưng chúng vừa chạy vừa nhảy trên đường một cách phấn chấn như chưa hề xảy ra một điều gì bất hạnh đối với chúng. Chúng chỉ biết hiện tại là không còn hoảng hốt, run rẩy chạy trốn những tiếng nổ long trời lở đất chụp xuống trên đầu chúng nữa. Mấy hôm trước, chúng phải chui rúc trong hầm này qua hầm khác chứ đâu được bay nhảy thoải mái ngoài trời như thế này.
- Hết pháo kích rồi, vui quá há! - Thằng em nói.
    Thằng anh gật đầu rồi chạy nép vào một hiên nhà khiến thằng em chạy theo.
- Không đi nữa anh?
- Trú mưa một chút cho khỏi mệt đã!
    Thằng em nói khi thấy nét mặt thằng anh hớn hở:
- Ba chết rồi, sướng quá, từ nay mình đi chơi thoải mái anh há!
- Ừ…
     Nhưng sự phấn chấn của hai anh em bỗng chùng xuống sau tiếng ừ của thằng anh. Giọt nước mắt chợt lăn dài xuống hai má của thằng anh khiến thằng em cũng thút thít khóc. Chúng nghĩ tới ba chúng bỗng nhiên biến mất. Từ nay chúng không còn ba để dẫn đi xem phim, không còn mua sách truyện thiếu nhi, không còn chở chúng đi học nữa. Chỉ sau một đêm đạn nổ bom rơi thì ba chúng mất đi khiến mẹ chúng khóc quá.
- Sao khóc? - Thằng anh nói – Thôi đi tiếp nha!
   Thằng anh giấu cảm xúc nhớ ba để cho em mình khỏi nhớ theo nên chạy nhanh ra đường mặc dù trời vẫn còn mưa lất phất. Thằng em cũng ba chân bốn cẳng chạy theo.
      Đang chạy nhảy hí hửng thì có tiếng quát: “Đứng lại!” khiến cả hai anh em giựt mình. Từ trên một lô cốt chất đầy bao cát chung quanh, có một ông lính mặc áo quần rằn ri đang chĩa súng về phía hai anh em.
- Vào đây!
     Cả hai anh em ngơ ngác chẳng biết mình phạm vào tội gì.
- Có vào không?
     Sợ quá, cả hai làm theo ông lính, vào trong lô cốt.
- Bọn mày thấy trời mưa là vui lắm hả? Có phải bọn mày đang đi liên lạc với bọn giặc không?
- Dạ..giặc gì ạ? - Thằng anh nói lí nhí.
     Ông lính chỉ vào một góc tối nói:
- Trong đó tao đã bắn mấy thằng rồi, tới đứng đó mau!
    Hai anh em khóc lóc van xin tha mạng nhưng ông lính vẫn bắt cả hai đến đứng phía trong góc tối. Ông lính lên đạn răng rắc rồi chĩa mũi súng vào thằng em và quát thằng anh:
- Mày có gì khai đi!
    Thằng anh hoảng hốt nhảy đến ôm chầm lấy thằng em và đưa lưng về hướng mũi súng như muốn hứng lấy viên đạn cho thằng em. Ông lính chạy đến kéo thằng em ra và chĩa súng vào thằng anh. Đến lúc này thì thằng em thét lên và nhào đến ôm lấy thằng anh như muốn che đỡ cho anh mình. Ông lính thấy thế thì bật cười:
- Cũng biết yêu thương nhau đó chứ! Chắc chắn bọn mày là anh em ruột rồi. Thôi, thấy bọn mày biết yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau như thế thì tao tha cho bọn mày đấy! Nhớ là khi lớn lên cũng đừng vì một điều gì mà anh em bắn giết lẫn nhau nhé!
    Khi ông lính cho chúng đi thì chúng mới hoàn hồn trở lại.
    Ra phố thì mưa đã tạnh nhưng chúng cũng dừng chân vào trong một rạp chiếu phim. Lúc bấy giờ phương tiện giải trí xem phim tại rạp là phổ biến và hiện đại nhất nên rạp hát nào cũng đông. Cả hai anh em nhìn những hình ảnh giới thiệu phim dán đầy trước rạp một cách thèm thuồng. Nhất là khung ảnh thật lớn vẻ người anh hùng La Mã đang diệt trừ con quái vật hai đầu mà cả hai anh em được ba mình trước đây hứa sẽ dẫn đi xem khi phim trình chiếu. Bây giờ phim đã chiếu mà ba thì chết rồi. Mẹ thì làm sao có tiền để cho xài hoang phí như thế.
- Em thèm xem phim này quá!
- Anh cũng thèm. Phải chi ba còn sống!
    Xong suất phim, cửa mở toang để người trong rạp đổ ra nhường chỗ cho người đã mua vé đợi bên ngoài vào xem suất kế tiếp. Thằng anh thấy người soát vé thả cửa đứng giạt qua một bên liền nói:
- Mình lẻn chui ngược vào nghe. Đừng để ông soát vé thấy đó!
    Nói xong, thằng anh kéo tay thằng em chui ngược vào đám đông đang đổ ra. Thằng em rứt khỏi tay thằng anh để cho dễ chui vào. Khi thằng anh vào được trong rạp thì rạp đã trống mà không thấy em mình đâu. Hoá ra thằng em đã bị người soát vé chận lại ngoài cửa. Nó đang nhấp nha nhấp nhỏm tìm cách để vào. Hết năn nỉ người soát vé, nó lại trèo lên hàng rào chắn. Nhưng những người soát vé dứt khoát chặn lại. Khi thấy anh mình ló mặt qua bức màn cửa trong rạp nhìn ra, nó sốt ruột như muốn khóc. Chợt mấy nhân viên rạp đi kiểm soát xem còn ai trong rạp không để cho người xem suất khác vào khiến thằng anh hoảng hốt chạy trốn luôn trong phòng vệ sinh ngồi đóng cửa lại. Nó cứ ngồi chịu đựng mùi xú uế như thế cho đến khi nghe trong rạp có âm thanh chiếu phim thì lò mò đi ra. Nhìn lên màn ảnh thấy quái vật hai đầu xuất hiện cuốn hút quá khiến hắn quên mất em mình. Đến giữa suất chiếu nó thấy tội nghiệp em mình quá nên ló mặt ra cửa xem. Thằng em đang ngồi ủ rủ với hai dòng nước mắt đã khô hằn trên mặt mà ánh mắt cứ nhìn vào cửa rạp. Vừa thấy anh mình ló mặt ra, nó vụt bật dậy chạy đến áp mặt vào hàng rào chắn mà tay cứ vẫy vẫy nói vói vào:
- Cho em vào xem với..Cho em vào xem với…
    Hai người soát vé nhìn thằng em rồi trừng mắt vào nhìn thằng anh một cái khiến thằng anh thụt đầu vào. Thằng em lủi thủi trở về ngồi ủ rủ ở góc cũ mà hai dòng nước mắt lại chực tuôn trào. Còn thằng anh thì cũng muốn ra về với thằng em nhưng trên màn ảnh người anh hùng La Mã đã đánh gãy mất một đầu của con quái vật rồi, chỉ còn một đầu nữa thôi.

     Vừa hết phim, thằng anh liền đi nhanh ra khỏi rạp. Đang ngồi buồn xo thì thấy anh mình ra, thằng em mừng rỡ chạy đến nắm tay anh, hỏi:
- Hết rồi hả, hay không anh?
- Hay…
- Kể cho em nghe với!
- Thì..thì…
    Biết anh mình không kể được, thằng em có vẻ buồn, nói:
- Nếu ba mình còn sống thì…
    Quàng tay ôm em mình cùng đi ra khỏi rạp, thằng anh nghèn nghẹn nói:
- Ừ..phải chi..ba mình…
#16
    trungkim 17.11.2009 14:03:57 (permalink)
    Cám ơn chị Cat Ly! Chúc vui vẻ và có nhiều sáng tác hay!
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.11.2009 14:06:02 bởi trungkim >
    #17
      Ct.Ly 18.11.2009 20:29:11 (permalink)
      #18
        trungkim 21.11.2009 17:11:18 (permalink)
        Cám ơn chị Cát Ly! Chúc c.Ly vui, khoẻ và trẻ mãi!
        #19
          Ct.Ly 21.11.2009 20:27:40 (permalink)
          #20
            trungkim 24.11.2009 11:16:47 (permalink)
            Chào chị Cat Ly!
            A..ha, cám ơn Cat Ly đã tặng cho tk  một bức tranh đẹp. Giống Yêu con Ma của TK quá! "Ai mà không thoát khỏi tay của "Thời gian " Trung Kim hở " (C.ly). Hãy níu thời gian lại bằng cách Yeu cho nhiều. Yêu nhiều thì ốm nhưng ốm là một cách cho phụ nữ giữ cho eo thon, dáng gọn nên thấy trẻ mãi đó mà!
            #21
              Ct.Ly 26.11.2009 03:21:19 (permalink)
              #22
                trungkim 29.11.2009 12:19:49 (permalink)
                Chào C.Ly chủ nhật hạnh phúc!
                "Thấy truyện Yêu ma của TK sắp hết rồi há, nhớ viết nhanh nhanh đi nhen, đang đến hồi gây cấn lắm đó"

                Đọc ở đâu mà biết gần hết rồi? Hì hì...Chờ nha!
                #23
                  trungkim 15.12.2009 20:46:03 (permalink)
                  Truyện ngắn:
                                               Người họa hình “chùa”
                   
                  Người họa sỹ lang thang mệt mỏi tìm một nơi cư ngụ. Anh ghé vào một quán bán đủ thứ trong thị xã gọi một ly cà phê. Cô gái chừng đôi mươi vụng về đến nổi ly cà phê rung rinh trên chiếc khay nhỏ chực muốn đổ. Nhưng cô gái lúng liếng làm cho đôi lúm đồng tiền như biết tỏ tình. Người họa sỹ chết điếng trước vẻ quyến rũ của cô gái mà cho dù ly cà phê có đổ ập xuống trên đầu anh ta thì chắc anh ta cũng hạnh phúc như được một đặc ân. Anh ta thốt lên: “Tiếc quá! Cái đẹp trời cho này không biết nắm bắt ngay, mai mốt chóng tàn thì không kịp hối!” Cô gái trố mắt: “Anh nói gì ạ?” “À..Tiếc là tôi không có giấy vẽ. Nếu có, tôi xin được vẽ cô” “Vẽ em à?” “Ừ.”Cô gái hớn hở: “Dạ, nhà em có bán giấy tập vẽ cho học sinh được không ạ?”
                   
                  Bức hình cô gái được tiếng tăm khắp thị xã. Ai cũng khen ngợi người họa sỹ đã thổi hồn chân dung cô gái trong tranh thật sống động cuốn hút. Và ai cũng ao ước được người họa sỹ vẽ chân dung của mình. Nhất là những nam thanh nữ tú. Người họa sỹ cũng cảm nhận được điều đó và thấy việc làm của mình mang đến hạnh phúc cho người khác thì anh ta cũng rất vui. Rồi từ đó, hễ anh bắt gặp bất kỳ một ai có dáng dấp, gương mặt đẹp; có tính cách đặt biệt; có nét cuốn hút người khác thì anh vẽ họ. Mặc dù ngoài công việc mưu sinh vất vả, anh cũng dành nhiều thời gian, công sức trăn trở sáng tạo để có những chân dung đầy tính nghệ thuật và sống động. Họ chẳng trả một đồng nào cho anh mà họ chỉ cần mua một tờ giấy vẽ ở tiệm bán tạp hóa của cô gái.
                   
                  Một hôm,có một người bán bong bóng dạo cá biệt xuất hiện ở thị xã này. Cái khác lạ của anh này là ai mua một chiếc bong bóng thì anh ta sẽ vẽ hình ảnh người đó lên chiếc bong bóng trong vài phút. Lẽ dĩ nhiên chiếc bóng bóng sẽ hơn tiền gấp nhiều lần một chiếc bong bóng bình thường. Người họa sỹ cũng nhận ra anh chàng bán bong bóng là một sinh viên cùng học chung trường mỹ thuật với anh nhưng điểm môn vẽ truyền thần* bằng không đến ba lần bảy lượt nên chán nản nghỉ học.
                   
                  Người họa sỹ đến quán tạp hóa của cô gái để uống cà phê với hy vọng là sẽ được nhận sự quý mến trân trọng của cô gái. Và hơn hết là mong được nhìn thấy bức họa của cô gái do mình vẽ sẽ được treo lên ở một nơi kiêu hãnh và dễ chiêm ngưỡng nhất trên tường.  Nhưng..Anh chợt thấy bức họa của anh vẽ bị cuốn tròn ném vào một góc xó bụi bặm. Lòng dạ anh chìm lịm, cổ họng nghẹn thắt, trong lúc cô gái thao thao khoe chiếc bong bóng thật to vẽ hình cô ta đang treo đung đưa giữa gian nhà chính: “Anh biết không? Cả thị xã này ai cũng như thế cả! Chiếc bong bóng có giá trị bằng ba ngày công lao động tại công ty nên ai cũng nâng niu quý trọng, sợ bễ!”
                   
                  Người họa sỹ lẩn thẩn bước ra khỏi quán cô gái với cõi buồn vô hạn. Người bán bong bóng từ đâu xẹt tới: “Ê, sao ốm đói thế? Theo tao làm một chầu coi! Tao bây giờ thiếu gì tiền” Người họa sỹ bước theo người bán bong bóng đến nhà hàng. Người bán bong bóng lên lớp: “Mày phải biết như thế này: Kẻ có tâm, có tình, có hồn như mày thời buổi này đến cháo cũng không có mà húp. Mày phải buộc người ta trả giá cho công lao của mày hơn hoặc ngang bằng với mồ hôi nước mắt của người ta thì người ta mới quý. Bởi người ta đánh giá nó bằng giá trị những gì mà người ta đã bỏ ra kia mà!”


                  (*) Truyền thần: Miêu tả chân dung của một người như thật, có thần sắc như sống.


                  Có thật cô đơn giữa muôn người?
                  Có thật buồn đời chốn hân hoan?
                  Ta từng lệ rơi trên thập tự
                  Có bao giờ oán trách trần gian?
                  Khi cất tiếng khóc để làm người
                  Ta chia sẻ đời trắc trở nhân sinh
                  Chúa muôn loài còn chịu nỗi đau nhân thế
                  Há con người chỉ là cát bụi thôi
                  Ban cho em một nỗi niềm thế thái
                  Để khi buồn em le lói niềm vui
                  Để khi vui em dẫm lên nỗi buồn
                  Cái khoảng cách giữa bi hài tục lụy

                  Chính là phút lạc quan yêu đời

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.12.2009 07:14:05 bởi trungkim >
                  #24
                    trungkim 24.12.2009 23:36:24 (permalink)
                    Có một đêm NOEL để quên.
                    ***

                           Tôi được em báo cho biết đêm nay ba mẹ em đi dự réveillon* đến khuya mới về. Đúng 8 giờ tối, giờ mà em đoan chắc ba mẹ em đã ra khỏi nhà, tôi đi xe xích lô đến nhà em cho chắc ăn. Bởi nếu ba mẹ em có về bất thình lình thì tôi cũng dễ lẳng lặng rút đi mà không để lại dấu vết gì. Qua khỏi ngôi trường em đang học, trường nữ trung học Đồng Khánh, Huế, tôi thẳng hướng lên nhà thờ Phú Cam. Nhưng tới đường Phan Chu Trinh thì tôi đã quẹo lên hướng chợ Bến Ngự, bởi nhà em nằm ở đoạn đường này. Nhìn cái quán bán nước của ba mẹ em dựng phía trước vườn nhà em thì lòng tôi bấn loạn lên. Có gì hạnh phúc hơn là được ở bên em đêm NOEL này. Chúa đã thương kẻ đang rình rập để săn bắt, chiếm hữu trái tim em. Chúa cũng thương kẻ đang chực giết chết niềm hy vọng của ba mẹ em. Ba mẹ em khó khăn cản trở tình yêu đôi lứa nhưng Chúa thì lòng lành vô cùng. Ba mẹ em muốn em đồng trinh như Đức Mẹ Maria để dâng hiến đời em cho dòng Mến Thánh Giá và thánh thiện như một thiên thần. Còn Chúa muốn em hãy là Eva quyến rũ Adam trong vườn địa đàng để phạm tội tổ tông cho loài người tồn tại. Để chắc ăn, tôi vào quán nước trước để nhìn vào nhà em xem tình hình thế nào đã. Giờ này, mọi thứ buôn bán đã dọn vào trong nhà em, cách xa khoảng 150 mét. Quán nước không cửa, không nẻo giờ này tối thui và chỉ còn lại vài cái kệ gỗ, thùng giấy trống trơn. Phóng mắt vào nhà em thì thấy em đang đứng ở đó ngong ngóng ra đường. Thế là biết ba mẹ em đã đi, tôi hiên ngang bước vào. Chúng tôi mừng rỡ như từ trăm năm bây giờ mới gặp.
                     
                           Chúng tôi bên nhau quên hết ngày giờ cho đến khi có tiếng xe ba mẹ của em về ngoài cổng. Tôi nhanh chóng lẻn ra núp ở quán nước còn em thì giả bộ ra cửa đón ba mẹ về.
                     
                          Tôi lủi thủi ra về mà lòng thấy sợ. Đường sá vắng hoe. NOEL năm nay buồn quá, phần vì lạnh buốt xương và mưa lất phất suốt; phần vì dân lánh nạn chiến tranh từ Đà Nẵng mới về và chính quyền Sài Gòn cấm mọi người ra đường sau 12 giờ đêm. Nhìn đồng hồ đeo tay đã gần một giờ sáng, tôi toát mồ hôi hột. Lúc này mà tôi lết bộ một khoảng đường năm, bảy cây số ra đến nhà tôi gần cầu Trường Tiền thì thế nào cũng bị cảnh sát bắt. Mà đã vào đồn cảnh sát rồi thì thế nào tôi cũng bị tra hỏi đủ thứ. Loạng quạng tôi không du côn, du đãng, đầu trộm đuôi cướp thì cũng là Việt cộng nằm vùng, hoặc là đang đi liên lạc với Việt cộng. Không còn cách nào khác, tôi quay lại nhà em. Nhưng làm sao mà dám vào nhà em? Tôi đã nghĩ đến cái quán có thể cho tôi ẩn qua đêm.
                     
                           Tôi ngồi đồng một lúc thì vừa lạnh vừa muỗi chích. Cho dù cố lắm thì tôi cũng không thể ngồi như thế cho đến sáng mai. Rồi tôi chun vào một cái thùng carton, nằm co ro và trùm lên trên một thùng carton khác. Thấy cũng đỡ lạnh nên tôi nằm vậy luôn. Chẳng biết tôi có thiếp ngủ đi được chút nào không chứ thời gian lúc này đối với tôi sao mà lê thê lạnh lùng quá! Gần đến sáng, tự nhiên tôi nghe xôn xao ngoài đường lẫn cả tiếng chó sủa. Có vài người bước vào quán. Họ dường như đang ngồi nghỉ và hút thuốc bên cạnh tôi. Một người tức quá chửi đổng rồi đá vào cái thùng tôi đang nằm một cái. Lặng thinh một chút, bỗng cái thùng giấy tôi che bị bật lên. Ánh đèn pin chóa vào mặt tôi và chẳng biết bao nhiêu khẩu súng gí vào đầu tôi. Tôi bị đưa về đồn cảnh sát. Hóa ra hôm đó họ đi lùng bắt người trốn quân dịch. Họ tra hỏi tôi đủ điều và buộc lòng tôi phải nói ra sự thật về tình cảnh của tôi. Thế là họ dẫn tôi về nhà em để xác minh. Em nhìn tôi ngỡ ngàng và xấu hổ xác nhận sự thật trước mặt ba mẹ mình. Sau đó tôi được thả nhưng kể từ đó tôi không thể gặp em được nữa. Ba mẹ em đã đưa em vào Tu viện dòng  Mến Thánh Giá ở Sài Gòn…
                     
                    * Réveillon = Dạ tiệc đêm NOEL.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.12.2009 00:33:38 bởi trungkim >
                    #25
                      Ct.Ly 25.12.2009 03:49:51 (permalink)
                      #26
                        trungkim 26.12.2009 08:42:00 (permalink)
                        Chào C. Ly!
                        Nhưng người vô gia cư là những người sung sướng nhất đời. Họ ở cả khách sạn NGÀN SAO nữa đấy!
                        Cám ơn C. Ly đã ưu ái và cam ơn ban quan trị, C. Ly, Băng Nguyệt...đã tặng lịch. Chúc tất cả an lành hạnh phúc trong năm mới!
                        #27
                          Ct.Ly 26.12.2009 21:01:50 (permalink)
                          #28
                            trungkim 27.12.2009 21:23:25 (permalink)
                            Chào Ct. Ly!
                            Hi hi...sếp lớn mà chưa nhận được à?
                            Khi nào vào Sai Gòn, tk dẫn đi (giới thiệu) khách sạn NGÀN SAO. Mát lắm!
                            #29
                              trungkim 02.01.2010 19:54:29 (permalink)
                              Bún bò Huế mụ Rớt

                                     Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chưa kịp tay bắt mặt mừng sau bao năm xa cách quê hương, câu đầu tiên khi cô thấy tôi là: “O về ăn bún bò Huế!”.

                               
                                     Cô tôi qua Mỹ năm 1975 đến năm 1995 thì có về thăm Huế. Nhưng khi trở lại Mỹ, cô gọi điện cho tôi và nói: “Bún bò Huế bữa ni không giống bún bò Huế năm xưa nữa!” “Không giống năm xưa nữa e mụ Rớt vào Sài Gòn rồi. Con thấy ở Sài Gòn có mở tiệm bán bún bò Huế mang tên mụ Rớt. Khi nào O về VN, con dẫn O đi ăn bún bò Huế ở Sài Gòn!”. Cô tôi reo lên mừng rỡ. Thật ra thì tôi nói cho cô vui chứ không biết chính xác là mụ Rớt có phải vào ở Sài Gòn rồi hay không và cũng không biết mụ Rớt có còn sống hay không nữa. Nhưng tôi đã thấy ở đâu đó trên đường phố Sài Gòn có treo biển Bún Bò Huế Mụ Rớt. Tôi có đi ăn bún bò Huế ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ở đường Bùi Thị Xuân, ở gần chợ Tân Định hoặc Tân Bình. Một vài nơi cũng được nhiều người nhớ đến nhưng không hiểu sao tự nhiên dẹp tiệm. Như tiệm bún bò Huế ở đường Bùi Thị Xuân chẳng hạn. Chắc là nhường chỗ cho chợ vi tính chăng? Bún bò Huế ở Sài Gòn cũng không thua chi bún bò Huế ở Huế. Phần nhiều là do người Huế nấu. Nhưng để nhận ra bún bò Huế giống như xưa thì tôi chịu.


                                    Trong những năm của thập niên 1970, mỗi buổi sáng, gia đình tôi thường canh chừng mụ Rớt gánh bún bò Huế đi ngang qua là gọi vào. Mụ Rớt mặc áo dài, gánh một đầu là cái nồi thiết, hình bầu, có đường kính khoảng 40 -50 cm, chứa nước dùng (lèo). Phía dưới nồi có mấy thanh củi đang ngún cháy. Một đầu là cái mẹt đặt trên cái thúng rồi xếp tô, đũa, và những dụng cụ đựng ớt, chanh, nước mắm…Mụ Rớt đặt gánh bún trước thềm nhà tôi rồi mở nắp nồi nước dùng ra. Hương vị từ nồi nước dùng hòa lẫn với khói củi phía dưới nồi tỏa lên một mùi vị đặc trưng khó tả. Chẳng biết mụ Rớt dùng củi gì mà khói củi tỏa lên không làm cay mắt ai. Hay là mụ đun một hai thanh củi thôi và chỉ để lửa liu riu nên ít khói chăng? Gia đình tôi là khách ruột của mụ Rớt nên mụ biết rõ tính nết của mỗi người. Thế nên khi mụ vừa đặt gánh bún xuống là làm liền cho mỗi người một tô mà chẳng cần phải hỏi han gì. Mụ gắp những nùi bún trăng trắng cỡ bằng nửa chiếc đũa bỏ vào tô, thêm một nhúm rau sống mà hồi đó chúng tôi gọi là rau và – rau sống của mụ Rớt đơn giản chỉ là bắp chuối cắt ra mà thôi chứ không trộn chung các thứ rau khác như sà lách, giá sống…như sau này chúng tôi ăn ở Sài Gòn. Xong, mụ lấy cái vá khỏa khỏa màng màu mỡ trên mặt nước dùng rồi bất ngờ vục cái vá xuống một cái và múc lên một miếng giò heo đúng y như ý thích của mỗi người trong gia đình tôi. Kế tiếp, mụ lại khỏa khỏa cái vá lần nữa rồi vục xuống múc lên một miếng huyết hình khối khoảng chừng hơn hai ngón tay. Những miếng thịt bò mỏng cũng được mụ múc nhanh gọn như thế. Chúng tôi chưa ăn mà đã thấy ngon khi vừa chú mục theo động tác của mụ Rớt vờn miếng thịt vừa nghe cái mùi vị bún bò Huế tỏa lên. Đặc biệt, ăn bún mụ Rớt chỉ cần một cái tô mà lúc bấy giờ người Huế gọi là cái đọi và một đôi đũa tre thôi. Vì chỉ có một cái tô và một đôi đũa thôi nên chúng tôi phải bưng tô bún vừa và vừa húp. Ngẫm lại thấy cũng có lý, con bún vừa dai dài vừa tròn trơn thì múc muỗng là tuồn tuột hết. Chỉ cần kê tô vào miệng là không có một con bún nào rơi rớt. Chúng tôi rất thích tính hào phóng của ba tôi. Thường thì ông phán: “Ai muốn ăn bao nhiêu tô thì ăn!”. Thế là chúng tôi ăn thoải mái. Mà ăn nhiều nhất chính là cô tôi, hai tô. Còn chúng tôi ráng lắm là một tô rưỡi. Mụ Rớt không ra giá nhất định một tô là bao nhiêu. Ăn bao nhiêu, mụ bán bấy nhiêu. Nhưng một tô bún đúng giá chuẩn mà mụ Rớt định ra thì có đủ thịt bò, giò heo, huyết…




                                      Chỉ nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau, cô tôi đã biểu dẫn đi ăn bún bò Huế. Quán bún bò Huế mà tôi và cô tôi đến trước tiên là ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là một tiệm chuyên bán những món ăn Huế nên thực đơn toàn là những món ăn Huế như bánh Bột Lọc, bánh Nậm, bánh Ít, bánh Bèo…Chủ quán cũng nói giọng Huế. Nhưng khi tô bún vừa mang đến thì cô tôi đã lắc đầu nguầy nguậy: “Bún bò Huế chi mà lạ rứa!” “O chưa ăn thì răng mà biết được!” “Bún bò Huế làm chi có hai miếng chả lụa như rứa!”. Cứ mặc cho cô tôi khen chê thế nào tôi cứ ăn và thấy cũng ngon lắm. Có gì khác đâu? Chất lượng và hình thức tô bún còn đầy đủ hơn nữa đó chứ! Một tô bún và một miếng giò heo to gấp đôi tô bún mụ Rớt. Rồi còn chất vào đó nào thịt bò, chả lụa, huyết…Rau sống thì đủ loại. Còn gia vị thì tương đỏ, tương đen,  ớt chua, ớt mặn, tỏi tươi, tỏi dấm, hành thái lát, hành ngâm dấm đường. Có cả  nước mắm ngọt, nước mắm tôm chua, ruốc Huế, ruốc mắm nêm…Ăn bún thì khỏi cần và, húp vì đã có muỗng. Thậm chí có cả nĩa để đâm vào miếng giò heo nữa. Thế mà cô tôi thất vọng cho rằng chẳng giống bún bò Huế mới oan nghiệt chứ! Hôm sau, chúng tôi lại đi tìm ăn bún bò Huế nữa. Lần này chúng tôi lại tìm đến một tiệm bún bò Huế sau lưng chợ Tân Định, cũng do người Huế nấu nhưng cô tôi cũng lắc đầu. Một tiệm bún bò Huế ở gần chợ Tân Bình có tiếng, người ăn đông quá chừng. Nhưng cô tôi cũng thất vọng, buồn lòng. Tôi quyết dẫn cô tôi đi thật xa về quận Tân Phú để may ra tìm một quán bún bò Huế có vẻ dân dã một chút cho giống cái món bún bò Huế trong lòng cô tôi. Nhưng khi chủ quán vừa bưng tô bún ra thì cô tôi đã thốt lên: “Răng lạ rứa! Đã bún bò giò heo thì phải có thịt bò giò heo mà răng lại từng lát thịt heo luột như rứa!”. Chủ quán xổ ra một tràng giọng Quảng: “Lạ, lạ chi mà lạ hè! Bún bò Huế như rứa chứ reng lạ! Bà ăn bún bò Huế chưa nà? Tui bán bún bò Huế mụ Rớt bao nhiêu năm rồi đó nghe!”. Đúng như cô tôi nói, tôi ăn mà tưởng chừng như mùi vị của hủ tíu. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều mà trước đây khi tôi bắt gặp đâu đó trên đường phố Sài Gòn treo biển bán bún bò Huế mụ Rớt thì tôi nghĩ đơn giản là do mụ Rớt đã vào Sài Gòn ở rồi mở tiệm bán bún bò Huế mà thôi. Bây giờ thì tôi đã hiểu, hóa ra chỉ một gánh bún bán rong như thế mà trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở đâu cũng biết.





                                      Nỗi buồn của cô tôi không ăn được một tô bún bò Huế giống như xưa lan tỏa đến cả vợ con tôi. Vợ tôi cho rằng, sở dĩ  không giống là vì không có món ruốc chính gốc Huế để nêm vào nồi nước dùng. Bún bò Huế phải nêm bằng ruốc Huế là chính chứ không phải nhờ vào bột ngọt. Nhưng cô tôi cho rằng, chuyến trước về Huế cô đã đi ăn khắp thành phố mà cũng chẳng thấy giống như xưa. Bó tay! Nhưng vợ tôi thì không bó tay, bởi cô ấy cũng thường nấu bún bò Huế cho cả nhà ăn. Cô ấy tin chắc vào món ruốc mà mình gởi mua từ Huế vào. Còn tôi thì quyết định tái hiện lại khung cảnh nấu bún bò Huế trong nhà với nồi bầu, vá múc, thúng, mẹt…và chỉ ăn bún bằng cách và, húp thôi.





                                     Vợ tôi đang hầm cho mềm thịt trên bếp ga nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Và tôi chợt nhớ ra làn khói bay bay từ củi lửa dưới nồi bún của mụ Rớt. Thế là tôi phóng xe đi tìm mua một bếp lò và một bó củi.



                                     Khi vợ tôi bưng đến cho cô tôi một tô bún, chưa kịp ăn mà bỗng dưng cô tôi rơm rớm nước mắt. Còn tôi thì cũng đã nhận ra hương vị đặc trưng bún bò Huế của mụ Rớt ngày xưa. Chính cái mùi khói củi hòa lẫn với mùi vị bún bò Huế tạo nên một hương vị đặc biệt khó tả của bún bò Huế mụ Rớt và đồng thời cũng khiến cho cô tôi nhớ lại niềm hạnh phúc đầm ấm của gia đình mình năm xưa.
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 52 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9