(URL) Nhà Thơ Mặc Giang
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 35 trên tổng số 35 bài trong đề mục
Viet duong nhan 14.07.2010 06:34:31 (permalink)
Lời giới thiệu Nhịp Bước Đăng Trình
Hòa thượng Thích Hải Ấn



           Tôi công việc cũng không phải bề bộn lắm. Tuy nhiên lai rai trong ngày, lúc nào cũng có việc từ xa hoặc gần, từ đơn giản đến không đơn giản để giải quyết hoặc là tại trú xứ, hoặc là thân hành… Công việc nay lại thêm nữa rồi! Hôm kia có người mang đến cho tôi tập thơ đóng giả chiến của thi sĩ Mặc Giang, nhờ tôi cho vài hàng giới thiệu. Nhưng không vì thế mà tôi không nhận.
Tôi cũng có biết sơ về thi sĩ Mặc Giang. Số là năm ngoái trang website Liễu Quán và Nội san Liễu Quán có đăng tải một vài thông tin về Mặc Giang và một số nội dung thi ca Mặc Giang. Bên cạnh đó, Nội san Liễu Quán cũng như một vài tập san khác tại Huế cũng có đăng bài của vài vị viết về thơ Mặc Giang. Chỉ mới đọc qua một số thơ của thi sĩ Mặc Giang, tôi nghĩ đến con đường khiến nền văn hóa Việt Nam đứng vững và khởi sắc, vì trong thơ Mặc Giang có rất nhiều điều tương quan liên hệ đến nếp suy tư và cách ứng xử rất Việt Nam, rất truyền thống. Mà văn hóa là cần phải phổ cập, giao lưu, tiếp cận và phát huy….Do vậy, nhận viết lời giới thiệu tập thơ NHỊP BƯỚC ÐĂNG TRÌNH, tôi không nghĩ là hoàn toàn chỉ viết cho riêng nhà thơ Mặc Giang mà là cho chung, để các bạn đọc có cơ hội thuận duyên tiếp xúc với một trong những trước tác đại diện cho nền văn hóa nước nhà.
Nhân đây, tôi cũng nghĩ về giá trị đơn giản nhất của thơ. Vậy thơ là gì ? Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước cuộc đời, trước những gì diễn ra xung quanh mình, là tiếng nói tâm hồn thi nhân trước con người và đất trời…Thơ là đồng điệu. Nghĩa là thơ đã được đồng hoá bởi những cảm xúc, hay chính những cảm xúc chân thành chắp cánh cho thơ. Một phen thơ được bộc lộ tức là một lần cảm xúc được thiết lập bằng tình cảm đơn sơ nhưng thân thiết, gắn liền với con người và thế cuộc.
Qua thơ của nhà thơ Mặc Giang, chúng ta sẽ thấy khái niệm về thơ vừa nêu là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì sao ? vì tập thơ này gồm ba điều rất gần gũi, rất dễ nhận biết, đó là CHIA SẺ, CHUYỂN HÓA và TÌNH QUÊ. Thi nhân chia sẻ, xót thương và cảm thông những cuộc đời cùng khổ trong xã hội; hoặc là thay họ nói lên tâm tư, nguyện vọng, ước mơ thầm kín…Cũng trong chiều hướng dựng xây một phẩm giá, một nhân cách tốt, thi sĩ Mặc Giang đã tế nhị mở ra một hướng giải quyết tất cả những bất ổn về tư tưởng, tâm tính cũng như lối hành xử. Ðể sau cùng tự hoàn thiện chính mình, hoàn thiện tha nhân, hoàn thiện xã hội bằng tình thương và sự hiểu biết cảm thông.
 
Nay trân trọng giới thiệu tác phẩm thơ NHỊP BƯỚC ÐĂNG TRÌNH của nhà thơ Mặc Giang đến với bạn đọc gần, xa.


Mùa hạ năm 2008
Hòa thượng Thích Hải Ấn
Trưởng ban điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán-Huế
#31
    Viet duong nhan 17.07.2010 19:57:51 (permalink)
    Về danh xưng với định hướng
     tư tưởng thơ ca Mặc Giang

    Hương Trí
     
     
    Lâu nay, tôi cứ ngỡ Mặc Giang là tên nằm nôi của nhà thơ, sau nhờ hỏi, mới rõ từ đâu. Thì ra, dang xưng Mặc Giang có nhân duyên tiền định đặc biệt với cốt truyện Câu chuyện dòng sông. Được biết, thi sĩ Mặc Giang khi mới 12-13 tuổi, cái lứa tuổi ham cút bắt u quạ, thế nhưng sau đọc truyện này, với ý hướng cao thượng, tâm chí mạnh mẽ độc lập, nên trong ý thức tuổi thơ mà đã xác định được vai trò trách nhiệm của mình trong cuộc sống. Một cách tràn đầy ý thức, dựa vào tinh túy cốt truyện, nhà thơ đã đặt bút hiệu mình là“Mặc Giang”, nghĩa là dòng sông trôi chảy trong lặng lẽ êm đềm, trầm tĩnh và sâu lắng. Nay đã rõ, thì thử mạo muội lạm bàn đôi điều cho thỏa dạ hậu sanh.
    Câu chuyện dòng sông (Việt Nam có bản dịch của cố Ni Trưởng Trí Hải), một trong những tác phẩm văn học nghệ thuật của Hermann Hesse, ra đời vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, đã từng làm rung động cả thế giới văn đàn thời bấy giờ, đã ảnh hưởng tác động mạnh mẽ người đọc bởi sựï thống nhất giữa tính phổ quát, tính đặc thù của nội dung cốt truyện. Tuy cả Tất Đạt, Thiện Hữu, và Vệ Sử đều là nhân vâït chính, nhưng nổi bật và khiến người đọc suy nghĩ nhiều hơn cả vẫn là Tất Đạt. Thực chất, ba hình ảnh ấy chỉ là một cuộc đời, một con người mà thôi. Do đó, Câu chuyện dòng sông được hiểu như là một cuộc độc thoại nội tâm của tác giả.
    Tất Đạt một thư sinh bà la môn, đã tìm chân lí bằng tu tập khổ hạnh, và đã trải qua bao hạnh phúc khổ đau, thành công thất bại, vùi dập ê chề, chán chường và tin yêu cuộc sống. Không một hạnh phúc trần gian hay khổ đau nào mà chàng chưa từng trải nghiệm.
    Người bạn chí tình, thường có mặt bên Tất Đạt như cái bóng, là Thiện Hữu, người yêu Tất Đạt hơn ai hết, quan tâm chăm sóc từng diễn biến cảm xúc của chàng, nhưng rồi Thiện Hữu cũng phải rời xa Tất Đạt để gia nhập giáo đoàn của Đức Phật.    
    Sau khi trải qua tất cả khổ đau và hưởng thụ mọi dục lạc của đời sống tầm thường, Tất Đạt cảm thấy một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm lòng mình, bởi đã hoang phí đời mình một cách vô nghĩa, rồi chàng cảm nghe cõi lòng hoang mang trống trải đến vô hạn. Cuối cùng, bỏ lại sau lưng tất cả tiền tài, danh vọng, ái tình, và trở lại bên dòng sông, nơi mà ngày xưa thuyền gia Vệ Sử đưa chàng qua hồi trẻ và sau khi (Tất Đạt) từ giã không muốn gia nhập giáo đoàn Đức Phật, rồi đi đến một ý tưởng phiêu lưu cuối cùng là quyên sinh. Nhưng chính tại bên dòng sông, Tất Đạt đã tìm thấy được hạnh phúc chân chính. Tất Đạt cảm nghe được từ trong cõi trần tục mà mình đã trải qua một cách mệt mỏi tiếng vọng của toàn giác. Cũng tại đây, Tất Đạt gặp lại Thiện Hữu, một Sa môn đã từng không mệt mỏi đi tìm giác ngộ và theo đuổi nó như một mục đích. Tất Đạt cảm thấy dòng sông thơ mộng đẹp hơn khi nào cả, và đã nảy sinh một tình yêu sâu đậm với con sông đang ềm đềm xuôi chảy.
    Rồi Tất Đạt học được nhiều thứ từ con sông. Chàng hiểu rằng,“bất cứ ai hiểu được dòng sông và những huyền bí của nó sẽ hiểu được nhiều điều hơn nữa, nhiều điều huyền bí, tất cả mọi huyền bí ”. Khi Tất Đạt kể cho Vệ Sử nghe về cuộc đời của mình, Vệ Sử đã lắng nghe chăm chú, rồi bảo,“chính dòng sông đã dạy tôi cách nghe, anh cũng sẽ học nơi đó. Dòng sông biết mọi chuyện, người ta có thể học mọi chuyện từ dòng sông. Anh đã học với con sông rằng nên cố gắng lặn xuống tìm kiếm những chiều sâu thẳm nhất”. Tại đây, Vệ Sử còn chỉ cho Tất Đạt biết, trong dòng sông chỉ có hiện tại, không có quá khứ và vị lai; trong tiếng của dòng sông, có tiếng của muôn loài. Tất Đạt tự quyết định không ngủ nữa để ngồi lắng nghe dòng sông, rồi nói, “dòng sông đã nói với tôi rất nhiều, nó đã cho tôi đầy những tư tưởng lớn lao, những tư tưởng về sự Nhất thể”. Tất Đạt còn hiểu, khi tin tưởng tuyệt đối vào dòng sông, chính là lúc buông hết mọi giới hạn lí thuyết sách vở.
    Cuối cùng, khi nụ cười vụt sáng trên làn môi héo hắt của Tất Đạt, thì Thiện Hữu cảm nhận ra rằng, đó là “nụ cười của Nhất thể phảng phất trên bao hình hài tuôn chảy……là nụ cười của sự trầm tĩnh sâu xa, khôn dò…… nụ cười trí tuệ, nụ cười của muôn mặt Thế Tôn mà Tất Đạt đã từng nhìn thấy, lòng tràn đầy khâm phục. Thiện Hữu biết rõ nụ cười kia chính là nụ cười của đấng Toàn Giác”
    Theo chúng tôi, điều quan trọng nữa không thể không chú ý là, trong cuộc trùng phùng này, người đầu tiên nhìn ra bạn cũ của mình chính là Tất Đạt, còn Thiện Hữu tuy ngồi canh cho Tất Đạt ngủ nhưng vẫn không nhận ra người bạn xa cách lâu năm; khi Tất Đạt tìm đến con sông ngày xưa, thì thuyền gia Vệ Sử đã đứng sẵn ở đấy đợi chàng, chứ không phải chàng đến rồi, sau đó Vệ Sử mới đến. Đó là triết lí sâu xa về nguyên lí của tiến trình chứng ngộ. Như khi Cao Tăng Đường Huyền Trang (trong truyện - phim Tây Du ký ) đi đến bên con sông, tiếp tục cuộc hành trình sang đất Phật thỉnh kinh ---dụ cho nẻo về Chân tâm, thì thuyền gia với một chiếc thuyền trơ trọi, không một bóng du khách, âm thầm vò võ đứng đợi sẵn tự bao giờ.
    Từ những nhận định của Tất Đạt cũng như của Vệ Sử về hình ảnh dòng sông đã nêu trên, cho chúng ta thấy, dòng sông trong cốt truyện chính là hình bóng ẩn dụ về  chân tâm, hay đó là dòng tâm thức của chúng ta, mà hai tầng bề mặt và lòng của nó, là thức và tâm, hay chính là thức và trí tuệ giác ngộ, là hai mặt của một thực thể. Sông dù có sóng nước bao nhiêu, thì bên dưới lòng nó mãi cứ êm đềm tĩnh lặng, cả hai mặt tĩnh và động chưa hề tách biệt. Và gần gũi nhất với cốt truyện, đó là dòng tâm, đó chính là điều mà Tất Đạt đã khẳng định,“bất cứ ai hiểu được dòng sông và những huyền bí của nó sẽ hiểu được nhiều điều hơn nữa, nhiều điều huyền bí, tất cả mọi huyền bí ”.
    Tất Đạt và Thiện Hữu chính là hai khía cạnh thuộc mặt động của một con người ; còn Vệ Sử phải chăng tượng trưng cho người thầy tâm linh, đó chính là nẻo về tâm thể, mà bất kì lúc nào, hễ tự chính mình quay về với dòng tâm hay chân tâm của mình, thì sẽ bắt gặp, như là ý dụ của“quay đầu lại là bờ”, mà quay đầu chính là sự nỗ lực bình sinh, là đích thân mình chuyển hướng chứ không ai có thể thay. Nên có lần đức Phật nói với chúng đệ tử rằng, “các đấng Như Lai chỉ là đạo sư, là người chỉ đường, còn người đi đường phải là chính các con”. Cũng có nghĩa là, con đường trở về chân tâm là con đường độc hành của lữ khách đơn côi giữa trăng sao lạnh giá, bước đi trên “ chiếc cầu độc mộc”, phải đích thân dấn bước, không ai có thể bước thay. Và cố nhiên con đường trở về với tâm thể này có năng lực khám phá mọi huyền bí của kiếp người.
    Tên gọi Mặc Giang như đã nói lên nội dung cuộc đời của ông, và nổi bật nhất là thể hiện rõ nét trong tư tưởng thi ca hay sự nghiệp cầm bút của nhà thơ. Dòng sông trong Câu chuyện dòng sông của văn sĩ Hermann Hesse đầu thể kỉ 20 với dòng “Mặc Giang” ngày nay, có một ảnh hưởng hay đồng điệu ra làm sao, thì một số tuyệt tác trong thi phẩm của thi sĩ Mặc Giang là chìa khóa cho ta mở cửa đi vào hành trình của huyền bí nhưng rất thực, rất đời thường ấy.
    Tâm tư hay dòng tâm thức của nhà thơ mà chúng ta tìm hiểu ở đây, là vừa xuyên qua tìm hiểu những nét tiêu biểu mang âm hưởng của dòng sông đích thực, nhưng  chứa đựng triết lý sâu sắc đằng sau hạn hữu của ngôn từ; vừa gồm những áng thơ biểu hiện sự rung động từ sâu thẳm của tâm thức, đó là tiếng nói trung thực nhất của cõi lòng, của nhãn quan sâu sắc, biết nhìn sâu vào sự thể của dòng sống. Có thể nói rằng, trong suốt hơn 700 bài thơ của Mặc Giang, thì biên phú của mỗi bài đều mang màu sắc thi ca, nhưng lại vừa mang dáng dấp của một tổng thể hài hòa giữa giả thiết, mở rộng, rồi giải quyết vấn đề một cách triệt để sạch lóng, khiến người đọc không còn những dấu hỏi thông thường, mà xuất hiện những dấu chấm than của cái gật đầu “vô ngôn”.
    Tất cả những biểu hiện của hình thái ý thức này, đã âm thầm mách bảo cho chúng ta, chiều sâu tâm thức của dòng sông Mặc Giang và dòng sông trong Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse được xem như là cuộc tao ngộ không lời của tri âm giữa hai thời đại, là cùng trên một nhịp đập của hai khoảng thời gian, là cái lặng thinh của vô ngôn, nhưng lại là đỉnh cao không thể luận bàn của ngôn ngữ, mà thời không miên viễn vô cùng chỉ làm cho cả hai hướng về nhau trên cùng một điểm “nhất”.
    Có được một nhân duyên “định mệnh” với tinh hoa cốt truyện Câu chuyện dòng sông như thế, Mặc Giang đã học được những gì và cách lắng nghe ra làm sao từ dòng tâm thức (hoặc chân tâm), học được huyền bí từ nó như thế nào? thi phẩm của ông đã nói hộ.
    Hình ảnh sông nước trong thơ Mặc Giang vượt lên trên những hình ảnh nên thơ tầm thường của mọi dòng sông hữu thể, trong Dòng sông, tôi gọi tên em, ông viết : 
         
         Nước không rẽ sóng đôi hàng
    Sông nào uốn khúc bẽ bàng bờ lau 
    … Ngàn xưa sông vẫn một màu
    Trầm trầm mặc mặc ngàn sau cũng là
    (Mặc Giang Dòng sông, tôi gọi tên em,)
     
    Hình ảnh con sông ở đây không là bóng dáng của Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, hay dòng Dương Tử mà ngày xưa đức Khổng Tử ngang qua. Sông của Tế Hanh chỉ thuần một nỗi niềm kỉ niệm vương vấn tình quê; sông của đức Khổng Tử là một sự trôi chảy không mệt mỏi dưới chiếc bóng khắc nghiệt của thời gian, và rồi Khổng Tử chỉ buông một tiếng thở dài ngán ngẫm cho vô thường của dòng đời.
    Sông của Mặc Giang đã thoát li mọi khái niệm định kiến thông thường, vì sông mà lại không có rẽ sóng, uốn khúc, và ngàn xưa cho cả mai sau vẫn chỉ một hình thái, không thêm bớt, cạn sâu hay đục trong. Do đó, có thể dùng tên “Em” để gọi dòng sông. “Em” được hiểu là những gì thân thiết gần gũi, có một quan hệ bất khả phân với tôi. Em và tôi được thiết lập trên quan hệ tương tồn như nước với sóng; như bản chất giữa ngộ với mê, hay cụ thể hơn đó chính là cái gọi “âm theo tiếng, bóng theo hình ngàn năm”. Dòng sông này phải chăng là biểu tượng của tâm thể. Mà tâm thể thì không hề sanh diệt, và chính nó đưa con người đạt được yếu tính miên viễn của bản chất tâm linh, hay chính là khả tính vô biên của từ tâm và sự thấu hiểu chân tướng vạn vật.
    Chính dòng sông này đã cho Mặc Giang học được cách “tôi còn nhịp thở không xin, đến khi lịm tắt tôi tìm bước sau”. Cũng chính là lúc tác giả hiểu:
     
    Qua dòng sông ý thức, qua mấy nẻo luân hồi,
    Và bốn loài sinh tử, chung cùng chỉ một thôi.
    …Tôi là em tất cả, em là tôi nhiệm mầu 
     Đâu còn tan hợp nữa, muôn ngàn, hiện hữu thôi
                           (Mặc Giang, nụ hồng cho em)
     
    Chúng sanh hay Hiền Thánh, Địa ngục hay Thiên đường, tuy là hai nẻo phân thù, nhưng quy hướng chỉ là một phương mà thôi. Vì chúng đều là những biểu hiện khác nhau của sự khuấy động dòng tâm thức, như muôn ngàn con sóng lăn tăn đều không tách rời bản chất của nước. Xem ra, dòng sông hay nói đúng hơn là dòng Mặc Giang đã cho nhà thơ hiểu hết mọi bí ẩn của dòng sống, thấu đạt được mối tương giao của hai bờ sinh tử. Đó cũng chính là lúc dòng sông dẫn tác giả đi sâu thẳm trong tột cùng của tư duy, tận cùng của tư tưởng. Tại đây, Mặc Giang hiểu sâu hơn :
     
    Thì ra đức Phật nói chữ Pháp thân,
    Ngàn sao vụt tắt, hiện bóng phù vân.
      (Mặc Giang, sắc không mỉm nụ vô cùng)
     
    Tại đây, rõ ràng tác giả cho chúng ta hiểu sâu hơn về mối tương quan giữa Pháp thân và sanh diệt thân. Quan hệ giữa hai thân này là quan hệ của băng và nước. Nơi đây, Mặc Giang chỉ rõ, Pháp thân vốn li văn tự nghĩ bàn, không thể nắm bắt qua khái niệm ngôn từ. Khi nói Pháp thân chỉ là một khái niệm khô cằn gán ép vào thực tại, và chỉ làm cho “ngàn sao vụt tắt, hiện bóng phù vân” mà thôi, bởi đó chỉ là sự vốc nước trong lòng bàn tay. Ngay khi thiết lập hai chữ “Pháp thân” hay chân lí, cũng chính là chấp nhận một thực tại đã bị cắt xén qua khái niệm, nếu vậy thì qủa là vô lí. Trong mọi lập ngôn về bất kì điều gì, đều đã mang ý nghĩa phủ định lại nó rồi. Con người cơ cảm ngu trí không đồng, nên Phật phương tiện mượn lời nói hai chữ “Pháp thân”. Ngay khi lập ngôn, thì đã thiếu mất sự nhất thể, tính toàn vẹn. Bản thân của chân lí, của Pháp thân vốn tròn đầy, không phiến diện. Hiểu được vậy, cũng chính là hiểu được “vẽ lên lối dọc đường ngang, chữ tung biến mất, chữ hoành biệt tăm” của cái nhìn về thực tại.
    Đúng là trong dòng Mặc Giang hay dòng tâm, thì không có bóng dáng quá khứ và vị lai, mà chỉ có hiện tại như Vệ Sử đã nói cho Tất Đạt. Về thời gian và không gian, tác giả quan niệm là:
     
       Ta chẻ thời gian chẳng có gì,
                             Dọc đường trổi nhạc bước chân đi
                         …Ta cắt không gian thử mấy chiều
                             Một vòm trống rỗng tợ cô liêu
                             Đẩy đưa dung chứa cho cùng khắp,
        Chẳng chút bớt thêm chẳng ít nhiều
        (Mặc Giang, một nụ cười vang)
     
    Trong nhãn quan tác giả, không gian thời gian chỉ là những quan niệm được thiết lập trên tương quan đối đãi, là một ảo tưởng của tâm thức. Ngôn từ và khái niệm về chúng thì đứng yên, trong lúc đó, chỉ có hiện tại thì đang trôi chảy, sống động như một dòng sông. Cho nên tác giả cũng đã từng cảm nghe “tay cầm hạt chuỗi chưa lần, Long Hoa đã hiện, Linh Sơn chưa tàn”. Làm sao có thể đi tìm kiếm và đợi chờ Linh Sơn và Long Hoa, biểu tượng về một quá khứ xa xôi, và một tương lai mờ ảo huyễn tưởng. Cả hai đã và đang cùng có mặt trong hiện tại, trong dòng tâm hiện tiền mà thôi. Cho thấy, tác giả đã chỉ ra, không thể nhìn chân lí qua từng mảnh vụn bị cắt xén bởi khái niệm không gian và thời gian. Không có cái gì hoàn toàn riêng rẽ, đây là hiện tại, còn có kia là quá khứ, còn kia nữa là tương lai. Khi nói thời gian thì chỉ có một hiện tại tròn đầy trước mắt, và đã bao hàm hai khoảng kia, cũng như khi nói “đất” thì đã bao hàm những yếu tố lửa và nước rồi, chứ làm gì có một yếu tố “đất” riêng biệt để định danh. Nếu bám víu vào một mảnh đã bị cắt vụn bởi khái niệm, rồi nói là thực tại, thì chẳng phải càng xa rời nó đó sao. Do đó, những khái niệm sinh ra từ ý niệm thời gian cũng chỉ là ảo tưởng, là sự so sánh, nên chúng cũng không thể đứng vững.
    Chính nhờ hiểu được điều này thông qua sự liễu giải về dòng sông tâm, tác giả đã chỉ ra cho chúng ta, mọi lo sầu âu muộn, khủng hoảng, không yên cũng chỉ phát sinh từ  một ý niệm cố chấp sai lầm về thời gian. Tại ý nghĩa này, Mặc Giang với một giọng điệu bội phần ân cần thân thiết :
     
    Chưa tới đâu, đã than đời mệt mỏi
    Chưa kịp đói, đã sợ mất miếng ăn
        …Chưa dãi dầu, đã sợ nắng sợ mưa
    Chưa xuống hố, sao lại bảo chết rồi
    (Mặc Giang, con người khờ khạo của tôi ơi !)
     
    Than, sợ, lo lắng đều là tâm lí bất an phát sinh từ quan niệm có một điều gì đó được đợi chờ, được xây tạo trong một không gian thời gian cố định. Tại đây, thâm tâm của thi nhân chỉ cho chúng ta, chỉ khi nào vượt thoát những cố chấp về ý niệm về không gian thời gian, không bị trói buộc bởi những giả định được thiết lập trên đơn vị không gian và thời gian, mới vượt khỏi ngục tù ý niệm; nhờ thoát khỏi ngục tù ý niệm, mới có thể thoát li thống khổ.
       Khi những khái niệm tương quan liên hệ đến không gian và thời gian như đi, về, ở, trong ngoài, trước, sau… không còn tồn tại dưới ánh sáng nguyên lí tánh không, hay cũng chính lúc hiểu rõ nó chỉ là “mênh mông trống rỗng, cõi là về đâu”, thì chúng ta sẽ nghe được tận cùng của nẻo đến, đi chính là:
     
       Hay về một cõi nhiệm mầu
      Không thinh không sắc, không màu không vang
                           (Mặc Giang, mở cửa thềm hoang)
     
    Chân thật của cõi đi cõi về sau hiểu rõ dòng tâm là thế đó. “Cõi nhiệm mầu” chính là “có thì có cả hằng sa, không thì không cả nữa là hư vô”. Trong cái cõi không bị hạn cuộc bởi ý niệm không gian và thời gian này, tác giả cũng đã xác lập một lối sống sao cho trọn vẹn, sao cho ý nghĩa trong cuộc đời. Nhưng đó cũng chỉ là một cuộc rong chơi phi thường, “rong chơi sinh tử cho đời bớt đau”, cũng tức là sống sao để:
     
    Cụ già hằn sâu nghe ngóng,
    Em thơ đưa vói tầm tay,
    Mẹ quê cằn khô mơ vọng,
    Hoa cau thức trắng đêm ngày.
    (Mặc Giang, bài ca sỏi đá)
     
    Tại ý nghĩa này, tác giả muốn nói với chúng ta rằng, bạn hãy thử đặt giả thiết, nếu ngày mai bạn đột ngột qua đời, thì sẽ có bao nhiêu người đến tiễn đưa bạn đến huyệt mộ; hoặc nếu không may, bạn bị sự cố nào đó mà phải nhập viện mổ xẻ, thì sẽ có chừng bao nhiêu người viếng thăm, trầm ngâm, mắt ứa mờ hoen lệ, cúi đầu không nói năng chi, ngồi với bạn mười lăm hai mươi phút. Giả thiết này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời chân thực nhất. Đó cũng chính là khi bạn đã xác định được những người hiền trí đối với bạn ra làm sao, có mong mỏi đợi chờ thân thiết như cụ già, như em bé, như bà mẹ quê, như hoa cau ở trên không. Được vậy, cuộc đời sẽ đẹp làm sao, ý nghĩa biết bao, vì đã sống một cách đáng sống, không làm cho “hạt ngọc đã từ lâu, mòn gốc rạ” phải thở phào tiếc than!.
      Chính sự thấu hiểu dòng tâm thức đã cho thi nhân Mặc Giang học được cách làm thế nào đểõ đi trọn vẹn con đường trên. Sự sâu thẳm của dòng tâm thức đã chỉ cho Mặc Giang con đường để thiết lập mọi giá trị sinh tồn duy nhất, đó là yêu thương cuôïc đời này. Mặc Giang thừa hiểu, yêu thương là quan trọng hơn bất kì điều gì cả, đến với cuộc đời là đến để thương yêu kính trọng, chứ không phải đến để mà lên án chỉ trích, hay phân tích một cách vô ích.
    Và thi nhân Mặc Giang đã thể hiện lòng yêu cuộc đời thông qua những áng thơ đa dạng về thể tài, phong phú về thuật dùng từ và phương pháp biểu đạt. Đôi khi biểu hiện qua phong cách xót xa thương cảm, cảm thông cho những cảnh đời bất hạnh, thiếu mất một trong sáu giác quan hoặc bệnh nan y, nghèo cùng khốn khó, nổi trôi lang bạt không nhà; khi thì biểu hiện qua phương cách ca ngợi tình thương, cầu nguyện an bình, kêu gọi tình người ; đôi khi thể hiện qua sự trầm thống xót xa trước tội ác lỗi lầm của con người; khi thì tế nhị kêu gọi tình bạn bè, tình quê hương thắm thiết; và có đôi khi thì thể hiện qua lời thơ cầu nguyện chấm dứt khủng hoảng đạo đức; có lúc thì thể hiện qua giọng điệu của một người anh tâm sự tha thiết với đàn em lầm lỗi, sa đọa; và đôi khi thì lại là tiếng trách hờn đáng yêu của mẹ trách con; đôi khi lại là buồn đau thống thiết trước bao nhiễu nhương lắt léo, éo le của cách hành xử giữa con người; đôi khi lại mô tả với giọng văn đau buồn ảm đạm thê lương về cảnh tượng chết chóc do sóng thần, động đất, hay khủng bố dã man……, vì cái chết của họ thì, “dòng thời gian là lâu đài sương bạc, bến không gian là dinh thự rêu xanh”.
    Trong bất kì lối diễn đạt bày tỏ nào đi nữa, thì dòng sông trầm tĩnh sâu lắng (Mặc Giang) ấy đã thể hiện bằng các hình ảnh tứ thơ ngôn từ phong thái, bằng hồn thơ rung động chân tình, thâm thiết, truyền đi và vang vọng đến khắp chân thể của dòng tâm linh. Tuy được tạo kết bởi nhiều thơ phong, giọng điệu không giống nhau, nhưng mẫu số chung vẫn là tình yêu thương, như nước trong khe trong suối, trong nguồn, trong sông hay biển hay trong li…, tuy hình dáng không đồng, đều là một tính nước. Ôi ! thật vô bờ vô bến, nói sao cho hết, kể sao cho cùng! Nếu chứng minh mà chỉ dẫn dụng vài hàng, thì không sao tránh khỏi cái lỗi phiến diện, rất không toàn bích; nếu mọi tình huống đều dẫn dụng thì biết bao giờ cho hết. Chỉ xin ai đó nếu biết trân trọng, lật xem hơn 700 áng thi ca của “Dòng Sông Tĩnh Lặng” (Mặc Giang), thì chẳng phải một lần dấn thân cát bụi phiêu du trong thế giới tình thương và tri thức, thật diễm tuyệt, nhưng lại rất đỗi thân thiết, rất đời thường đó sao ??? Để rồi, ngày mai có sao nữa cũng không đến nỗi phải ngậm ngùi luyến tiếc, biết trước như vầy, thì chi bằng khi ấy……. để thăng hoa cuộc đời.
    Thi sĩ Mặc Giang đã ý thức sâu xa, có tình thương là có tất cả. Tình thương là suối nguồn của sự đạt ngộ giải thoát; không có nó, cuộc đời sẽ ảm đạm hơn nghĩa địa một chiều mưa, và an lạc giác ngộ không có cơ sở để thiết định. Tình thương yêu cuộc đời trong thi ca Mặc Giang chính là lòng bi mẫn. Có lòng bi mẫn thì sẽ có mọi pháp lành. Dịch giả Liên Hoa chuyển dịch đề tài về Lòng Bi Mẫn, đăng trên trang mạng Đạo Phật Ngày Nay, có đoạn :
     
      Nếu một người có lòng bi mẫn, người ấy là vị Phật;
    không có lòng bi mẫn, người ấy là Thần Chết.
    Với lòng bi mẫn, cội gốc của Pháp được vun trồng
        …Với lòng bi mẫn, ta có mọi Pháp.
    Không có lòng bi mẫn, ta chẳng sở hữu Pháp nào.
    Với lòng bi mẫn, ta là Phật tử chân thực.
    Không cólòng bi mẫn, ta tệ hơn kẻ trần tục.
     
    Ngay cả khi thiền định về tánh Không, ta cần có lòng bi mẫn như cốt tủy của nó
         …Lòng bi mẫn hoàn thành những hi vọng bản thân và chúng sanh
    Chỉ cần chừng ấy, cũng đủ cho ta hiểu tại sao nhà thơ Mặc Giang thấu hiểu sâu sắc tình thương là điều quan trọng trong cuộc đời. Tuy nhiên, cần hiểu, việc có mọi Pháp, là một tất yếu tự nhiên cuối cùng nằm sau đức tính phát triển nuôi dưỡng tình thương, chứ không là mục đích được đặt ra đầu tiên khi tình thương chưa thiết lập. Vậy, việc ban trải phát tán tình thương của nhà thơ Mặc Giang càng không là mục đích để cụ già hằn sâu nghe ngóng, em thơ đưa vói tầm tay và hoa cau thức trắng đêm ngày. Là hiện tượng hữu xạ tự nhiên hương. Nhã hương là bản chất vốn có của hoa, nào bao giờ có ý gọi mời ong bướm đâu! Nhưng những đáp trả ấm áp của người khác, chứng minh mình đã sống ra lẽ, sống thật đáng sống, như mục tiêu sống của nhà thơ đã được minh định ngay từ đầu, là sống làm sao cho có ích, vì “thân cát bụi, cũng tiêu ma một kiếp”
          Dấu hiệu trên còn chứng minh rằng, thi nhân đã đứng vững trên nhịp cầu giữa  lòng bi mẫn yêu thương và giác ngộ. Có tình thương sẽ có giác ngộ, giác ngộ về tính bất sanh diệt trong các Pháp, giác ngộ về tương quan giữa Pháp thân và sanh diệt thân. Nhờ đó sẽ giác ngộ không gian và thời gian chỉ là ảo giác ảo tưởng của tâm thức, cả hai vốn là một nhất thể, vốn không có mặt trong chiếc áo khái niệm mà con người đã khoác lên nó. Bấy giờ sẽ thoát li mọi khổ đau do vọng tưởng, lo lắng đợi chờ, bất an và khủng hoảng tâm lí.
      Trở lại bên dòng sông, nơi mà Tất Đạt tìm được an lạc đích thực sau bao năm lặn hụp trong khổ đau tuyệt vọng và dòng Mặc Giang tĩnh lặng, ta thấy chỉ một thể, cả hai đều trôi chảy về hạ nguồn của kiếp sống nhân sinh, mà hai bờ của nó là hoa trái của tình thương, sự sống, và tuệ giác. Trong đó ta thấy rõ một Tất Đạt đang chèo chiếc “thuyền không đáy”, một Vệ Sư,û người Thầy đã được giáo dục nhờ con sông và không cần bất kì sách vở hay thầy nào cả, đã biến hút trên dòng sông vô tướng và hòa nhập trọn vẹn trong từng hơi thở nụ cười thánh thiện của Tất Đạt, rồi thì thầm với chàng: “khi mê thì Thầy độ con, khi ngộ rồi thì con tự độ”. Rồi ta thấy một Thiện Hữu “đã dừng chân”, không còn tìm kiếm bất kì điều gì nữa, không còn ám ảnh bởi bất kì mục đích nào nữa, bởi đã chứng nghiệm được sự Nhất Thể sau hôn lên trán Tất Đạt, nơi đã cho Thiện Hữu thấy được bao trôi nổi diệt sanh của bao cõi đời trong tương quan vô tận. Đây là sự thống nhất của trong cùng một con người. Xuyên qua ba hình ảnh này, ta bắt gặp một dòng sông tĩnh lặng--- dòng Mặc Giang. Đây là một dòng tâm thức, một chân tâm, một hoài bảo, một tâm hồn rộng mở, một tình thương vô hạn trước dòng đời cát bụi mịt mù, một lối sống cho cả mọi người, một tâm nguyền cho cả tinh cầu. Nhưng rồi ra, đó cũng chỉ là “bài thơ không đề, nhưng cũng là bài “thơ gác đầu non nhìn bóng nguyệt, thơ nằm góc biển ngắm trăng mơ”, với nỗi niềm bình dị là :
     
    Tôi viết cho đời bớt khổ đau
    Đừng gây ai oán tạo ưu sầu
         Đừng mang cay đắng xây phiền lụy
    Mà kết hương thơm đượm sắc màu
         Bài thơ tôi viết gợi yêu thương
    Mở cửa cảm thông mọi nẻo đường
    Xoa dịu vạn sầu đeo thế kỉ
    Tình người vun vén, lấp tang thương
         (Mặc Giang, tôi đâu có nói tôi làm thơ)
     
    Đây chính là chất keo tạo nên tính phổ quát trong hồn thơ của Dòng Sông Tĩnh Lặng. Cái tính phổ quát này làm cho bất kì ai và vào bất kì thời đại nào đều có cảm tưởng như thi nhân đang nói với chính họ, họ luôn thấy mình có mặt trong hầu hết mọi tình huống, ai cũng có thể cảm thấy cảnh đời của mình được phản chiếu qua thi phẩm của Mặc Giang. Nhưng chính trong cái tính phổ quát ấy vốn cũng đã bao hàm tính đặc thù, vì trong tất cả mảnh đời, con người, tánh hạnh của anh của chị của em, đều có hình ảnh của cuộc đời của riêng mình, con người tánh hạnh của riêng mình.
    Nói chung, tình yêu thương cuộc đời là chủ đề xuyên suốt bàng bạc trong gần toàn bộ đại tác của nhà thơ Mặc Giang, được thể hiện qua nhiều thể tài và tứ thơ, nó là chất phù sa ngọt ngào tô bồi cho dòng sông thơ thêm tươi mát ngọt lành, cho thần bút mở ngõ đi vào vô tận của thế giới thi ca. Đây chính là bí quyết, là hướng đi đích thực mà dòng tâm đã chỉ dạy cho thi sĩ, hay chính là điều mà Mặc Giang học được mọi chuyện từ sâu thẳm của dòng tâm thức, cũng như Vệ Sử nói với Tất Đạt, dòng sông biết mọi chuyện, người ta có thể học mọi chuyện từ dòng sông.
      Vậy, với tình thương cao thượng, với lòng bi mẫn xót thương cuộc đời từ ý thức sâu sắc, liễu tri được bản tâm, hay chiều sâu của tâm thức, thi sĩ Mặc Giang đã hội đủ những yếu tố xây dựng thành công suối nguồn luân lí đạo đức chuẩn mực, mở ra cho cuộc sống đương đại, cho con người đang sống trong ngục tù hắc ám của tội ác vô minh một cơ hội chuyển hóa, quay về với cội nguồn thánh thiện.
       Sự tự đặt định cho mình bút hiệu Mặc Giang cách gần 40 năm về trước, dù đó là cái tuổi ấu thơ, chỉ là xuất phát từ trong tiềm tàng của vô thức, nhưng đó chính là sức mạnh của một đòn bẩy, của cái búng, là sức mạnh tiếp sức cho Dòng Sông Tĩnh Lặng của ngày sau biết chảy vào dòng đời những hồn thơ đầy ắp tình người, chứa đựng bao triết lý thâm sâu, và hình như không những không biết mệt mỏi, mà còn nhiệt huyết, chân thành và tràn đầy thân thiện.Vì vậy, Dòng Sông Tĩnh Lặng cũng chính là độc thoại nội tâm, nhưng cũng chính là đang thỏ thẻ với cả non sông. Thì thầm thủ thỉ vạn lời với đất trời, nhưng lời của người độc thoại, nên thật ra cũng chẳng có gì để trao đổi, như Tô Thức (1037-1101), một văn nhân đời Tống, nói :
     
                           Tiếng suối chảy trong khe, là tiếng suối nhiệm mầu
                            Khói lam trên núi biếc, đâu chẳng là Pháp thân.
                            Đêm nghe trong tịch lặng, tám mươi ngàn kệ tụng,
       Nhưng mai gặp tri âm, chẳng có gì luận bàn.
     
                  Một cái đặt tên mà có năng lực quyết định cả một cuộc tử sinh, một lần đặt tên để thêm phần ý thức, để sống trọn vẹn như một lời thệ hải minh sơn, hay một lần vừa chơi cút bắt, vừa trông nhà trước vườn sau cho mẹ, nhưng cũng tranh thủ lật nhanh gấp chậm trang sách Câu chuyện dòng sông, để rồi cái tên tự đặt ấy cùng với tâm tư tình cảm như đã và đang ghi lại dấu son trong dòng đời phù phiếm, để lại tiếng vang theo dòng thời gian. 
    Tôi cũng không dám hoàn toàn khẳng định, nhờ hồi nhỏ đặt bút hiệu ấy mới có ngày hôm nay, bởi trong trong con người thi nhân sinh ra vốn đã có chất liệu ấy rồi. Khi đặt tên đó, khi lấy bút hiệu đó, thì chỉ như một sự xác định lại lần nữa mà thôi, nhưng vô cùng quan trọng, như là lời thức tỉnh nhắc nhở của một bậc Thầy bên cạnh, như bậc Thầy Vệ Sử ngày xưa đã dẫn dắt thức tỉnh cho Tất Đạt vậy. Và bây giờ, trên con sông tĩnh lặng này, tuổi thơ ngày xưa hay nhà thơ Mặc Giang ngày nay là người lữ khách đi tìm trăng sao cửa động, đá đầu non, và con đường để đi, hay lối về chỉ là “chiếc cầu độc mộc”, cheo leo giữa thế giới ba ngàn. Để từ đó, lời thơ, ý thơ như sông suối, dù có ồ ạt tuôn chảy muôn hướng ngàn phương, nhưng cũng vẫn luôn vần vũ, lưu động, lên xuống, lại qua giữa đôi bờ tình thương và trí tuệ.

     
    Hương Trí
    #32
      Viet duong nhan 18.10.2010 05:43:05 (permalink)
                  CHÙA TRONG THƠ
       
      HÌNH ẢNH ngôi chùa qua thi ca không xa lạ với chúng ta, những người con Phật và những người khác tôn giáo. Tương tự như vậy, ngôi giáo đường tôn nghiêm luôn là nơi cử hành những thánh lễ thiêng liêng của giáo đồ. Trong văn học, nhà thờ Đức Bà, một giáo đường cổ lớn bậc nhất Paris được ngọn bút tài hoa của Victor Hugô mô tả thật sinh động trong từng trang sách.
       
                Huế có Thánh Duyên Tự nổi tiếng cùng bao nhiêu ngôi chùa cổ khác, mỗi ngôi chùa là một thắng cảnh của đất Thần Kinh.
       
      Xa hơn, ngôi chùa trong tâm thức mỗi người, gần hơn, ngôi chùa làng. Nói nghe nghịch lí mà thường khi sự thật là như vậy. Vậy chùa là gì mà vừa gần gũi vừa xa cách như thế? Đó là nơi thờ phượng đức Thế Tôn, thờ phượng những vị khác có cả ông Ác ông Thiện. Đó là nơi hàng tuần Phật tử tại gia và Gia đình Phật tử tới nghe giảng thuyết và tu tập. Kể cả những ai xa quê lâu ngày, việc đầu tiên là đến thăm chùa. Chùa là hình ảnh thân thương  nhất, dễ gì quên. Bởi vì chính tại nơi này, ta có thể thố lộ tâm tình tự do với một vị Sư có thể là Sư chú, có thể là Sư cô, có thể là một vị Hòa thượng. Khi có chuyện gì đó không thể giải quyết được, phần lớn thuộc phạm vi tinh thần làm cho ta khổ, ta lại đến chùa. Khi buồn bực trong lòng, giận chuyện chồng con, buồn chuyện gia đình, ta lại đến tìm chùa, tìm Phật. Phật Thích ca Mâu Ni, Phật bà Quán thế Âm. Nếu như Quán thế Âm là lắng nghe nỗi đau của nhân loại, hẳn người đã lắng nghe vô số niềm đau nỗi khổ - mà e chốn thế gian niềm đau thương tuyệt vọng nhiều hơn tiếng cười chăng? Niềm vui luôn hàm chứa đằng sau nó nỗi  buồn. Hạnh phúc hàm chứa đau khổ. Luôn như thế mà mấy ai chú tâm đến điều ấy để mỗi lần khổ đau tuyệt vọng lại tìm đến chùa như một nơi nương tựa?
       
      Rất nhiều hình tượng đẹp trong thơ là một ngôi chùa. Không nhà thơ nào không một lần, ít nhất trong đời, hoặc đến với chùa hoặc với ngôi giáo đường tôn nghiêm. Để rồi qua thi ca viết lại cảm nghĩ của mình hoặc những chiêm nghiệm đã tựu thành trong khoảnh khoắc.  Những câu thơ hay và đẹp bắt nguồn từ đó. Có khi cũng vì một bài thơ hay, ta đâm yêu mến mái chùa hoặc siêng đến chùa, một việc tuy không có gì khó khăn mà ta mãi bơi trong vòng quay của cuộc sống cứ khất lần hoặc chưa hề nghĩ đến, việc mình có tín ngưỡng không, hay có nên theo đạo Phật không, chứ đừng nói đến việc tìm Thầy học đạo.
       
      Dưới ngòi bút tài tình của thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều đi tu ba lần. Đổi nhà cả thảy bốn lần.
      Lần đầu là do tình thế bắt buộc, không thật lòng, nên:
      “Gác kinh viện sách đôi nơi
      Trong gang tấc lại gấp mười quan san”.
      Lần thứ hai, trên nẻo đường đào thoát khỏi nhà Hoạn Thư, ngôi chùa đột ngột hiện ra như ngôi nhà quen thuộc, vị Sư xuất hiện chẳng khác nào vị cứu tinh.
      “Xăm xăm gõ mái cửa ngoài
      Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong
      Thấy màu ăn mặc nâu sồng
      Giác Duyên sư trưởng lòng lành liền thương.
       …Sớm khuya lá bối phiến mây
      Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương.
                Lần thứ ba, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường được Sư chị Giác Duyên chờ sẵn thuê người vớt, được cứu sống và…sau đó lại đi tu lần nữa.
                “Thấy nhau mừng rỡ trăm bề
                Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.
                Một nhà chung chạ sớm trưa
                Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng”.
       
      Như vậy hình ảnh vị Sư chú, Sư chị trong thơ ca tượng trưng cho lòng từ bi và ngôi chùa là hình tượng thân thương, dễ gần nhất, đẹp nhất, từ đó ta làm quen với ngôi chùa, nếu cả đời ta chưa hề đến.
       
                Chùa trong thơ Mặc Giang là một khái niệm rộng. Nói rộng vì qua ngôn ngữ thơ Mặc Giang, chùa là một cái gì thiêng liêng mà gần gũi, tôn nghiêm mà bao dung, trầm lắng đó mà sôi nổi cũng ở đó. Tình đạo, tình người, tình thầy trò thân thương biết mấy!
       
                Chùa là mái nhà quê mẹ. Chùa còn là quê hương tâm thức, nỗi lòng của mỗi người xa xứ. Nói rộng ra, đó là nơi ta có thể trở về an trú, không sợ hãi, không ai dòm ngó xét nét, phê bình. Dù ta có bỏ đi lâu, có làm gì chăng nữa thì mái chùa cũng là nơi chở che, thấm đậm tình dân tộc như trong thơ Mãn Giác thiền sư đời Lý. Tình thầy trò sống dậy sau bao năm tháng thăng trầm, ấm mùi đạo vị, không lý luận so đo. Không những hình tượng chùa trong thơ tác giả là một khái niệm rộng, nó còn sâu. Rất sâu.
       
                “Từ thuở tới lui dưới mái chùa
                Quên đi bóng dáng những hơn thua
                Tiếng kinh câu kệ hòa âm điệu
                Đức Phật mỉm cười ai thấy chưa?
       
                Xin chắp tay hoa trước Phật đài
                Bụi trần buông thả khỏi đôi vai
                Nghe sao thanh thản bình yên quá
                Hết tiếng sầu thương hết thở dài”
                                          (Cửa Phật từ bi hóa nhiệm mầu)
       
      Ở chùa, không chỉ muối dưa, tương chao chay lòng, mà còn có tiếng chuông. Tiếng chuông đưa hồn người xa mùi tục lụy, tiếng chuông thức tỉnh những tâm hồn còn mê muội giấc mộng phù hoa, tiếng chuông ngân dài trong đêm vắng, có tác dụng như liều thuốc giải trừ bao nhiêu phiền muộn lo âu. Bao nhiêu toan tính giựt giành.
                “Thử xem, son sắt có phai
                Thử xem, khí tiết kéo dài tới đâu
       
      ….        Ngân vang đánh thức tiếng chuông
                Tiếng chuông đồng vọng, tỉnh hồn cùng ai
                Giật mình, gối mộng thiên thai
                Bừng trong giấc ngủ mê dài đã lâu”.
                                                          (Tiếng chuông vang vọng ngân dài)
       
      Chùa trong thơ Thầy không có vẻ ngoài xa hoa lộng lẫy, đó là ngôi chùa quê. Một ngôi chùa ta dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu trong những làng xã Việt nam. Ngôi chùa nào cũng có ngày cúng lễ, ngày sóc ngày vọng, ngày húy kỵ ... Chùa quê tuy đạm bạc mà ấm cúng, gần gũi như lũy tre làng, cánh đồng lúa chín; người dân quê quanh năm lao động vất vả không quên đến chùa ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng, thắp nén tâm hương hồi hướng công đức tưởng nhớ đấng sinh thành, và cũng để tập tu.
                “Dân làng, người cúng chè xôi
                Người dâng nải chuối, người thời bó rau
       
                    Chùa tôi, không tiếng hơn thua
                    Chùa quê đạm bạc quê mùa thế thôi!”
       
      Hình ảnh người con Phật được diễn tả rất dung dị, rất đời thường.
                “Hôm qua em đi lễ chùa
                Dọc đường rơi rụng hơn thua
                Thanh không vô cùng thanh sắc
                Áo lam em mặc bốn mùa
      ….
                  Hôm qua em đi lễ chùa
                Phất phơ tam nghiệp gió lùa
                Ngập ngừng tam vô ngưỡng cửa
                Đưa em về lại nhà xưa”
       
      Thầy đã dâng tặng cho đời những vần thơ giản dị, ngôn ngữ thơ đơn sơ mà sâu lắng. Những vần thơ đẹp lung linh đậm đà tình yêu quê hương đất nước. Ngôn ngữ trong thơ thầy Mặc Giang là một thứ ngôn ngữ nói giàu nhạc tính, nhiều màu sắc, giàu hình tượng song rất đặc thù. Nó là một thứ ngôn ngữ thơ riêng biệt, riêng mà chung. Phải chăng đó là Phật tính! Tưởng cũng có thể mượn những câu thơ sau để nói lên ý tình sâu sắc trong thơ Mặc Giang thay lời kết:
                “Áo lam bốn mùa em mặc
                Đạo mầu từ đó em mang
                Thanh hương đi về thanh sắc
                Đạo mầu còn đó vang vang”.
                                      (Hôm qua em đi lễ chùa)
                Chùa, sau cùng, là quê hương tâm linh của mỗi người con Phật.
       
      27/9/2010
      Hương Tâm
      #33
        Viet duong nhan 29.11.2010 03:38:25 (permalink)
        01.  Những mảnh tối cuộc đời
        02.  Xin cảm ơn đời
        03.  Trái tim đâu rồi ?
        04.  Người con Đức Phật
        05.  Đừng có than van!
        06.  Yêu quê hương đích thực
        07.  Trường ca sông núi
        08.  Ai bì Việt Nam ?
        09.  Ôm quê hương vào lòng
        10.  Việt Nam non nuớc hữu tình
        11.  Lớp ba trường làng
        12.  Quê Hương là gì hỡ Mẹ ?
        13.  Sức sống Việt Nam
        14.  Khúc ruột Miền Trung
         
        Những mảnh tối cuộc đời
         
        ·          Viết, nhân đọc hai câu chuyện “Người Đàn Ông Da Cá Sấu”, và “Người Vợ Van Xin Cứu Chồng”, đăng trên Bán Tuần báo VL vào 2 Tuần khác nhau, và tôi đã tìm đọc thêm trên các Mạng để nắm rõ.
        ·          Viết, để khen tặng người trong cuộc đã vì tình thương, sự sống, vượt qua mọi lằn mức của khổ đau, chịu đựng và thân phận.
        ·          Viết, để chia sẻ những mảnh tối cuộc đời.
        ·          Và bài này cùng bài kế Xin Cảm Ơn Đời, viết từ trên Chuyến bay …  trong chuyến đi …
        ·          Cá nhân chúng tôi đã trực tiếp liên lạc thăm hỏi, CPQ đã giúp vợ chồng anh chị Phương + Bưởi …t ; vợ chồng anh chị Sơn + Hoa …t và ước mong vẫn còn tiếp tục.
        ·          Những vị hảo tâm có lòng qua 2 câu chuyện Người Đàn Ông "Da Cá Sấu"Người Vợ Van Xin Cứu Chồng, xin liên lạc trực tiếp qua số điện thoại: Anh chị Phương & Bưởi 0166-5181981 ; Anh chị Sơn & Hoa 0974-926249.
         
        Em cứ bảo, em đủ sức chịu đựng
        Dù khổ đau đến mấy cũng cam lòng
        Dù cơ cùng đến mấy cũng ước mong
        Miễn anh sống và vượt qua cái chết
         
        Em cứ nói, em đủ sức chịu hết
        Anh biết rồi, chịu hết, phải không em
        Anh thấy rồi, em đếm cả bóng đêm
        Chan nước mắt xuống thềm hoang tê tái
         
        Khổ đau quá, em trở thành ngây dại
        Nụ cười khô, đeo cành héo, vương sầu
        Mắt trĩu buồn thăm thẳm đáy vực sâu
        Tim quặn thắt, buốt từng cơn rỉ máu
         
        Anh biết mà, bởi tim anh biết nói
        Anh nghe mà, bởi lòng anh biết nghe
        Nằm một chỗ, nhưng em đâu có dè
        Cái tri giác của anh băng cách cảm
         
        Trong bóng đêm còn mù mờ chút sáng
        Cuối đường hầm còn ngõ ngách tìm đi
        Nhưng đời anh, chấm hết, chẳng còn chi
        Em vẫn chấp nhận bởi tình thương và sự sống
         
        Trong thất vọng, ươm mơ tia hy vọng
        Cuối điểm cùng bỉ cực lại thái lai
        Nhưng đời anh, chấm hết, chẳng mảy may
        Em vẫn chấp nhận, giọt đau mòn ánh mắt
         
        Tận đáy hồn mê, mây mù giăng mắc
        Cuối bờ vực thẳm, băng giá lên ngôi
        Anh úp mặt trong mảnh tối cuộc đời
        Em cam chịu những gì cay đắng nhất.
         
        Tháng 10 – 2010
        Mặc Giang
         
        Xin cảm ơn đời
         
        Từ ngày đó bổng đất trời sụp đổ
        Cuộc đời tôi còn có nghĩa gì đâu
        Ngày không sáng mà đêm lại canh thâu
        Để đón nhận bóng đen, sâu thăm thẳm
         
        Gõ cung nhịp kiếp người trong bất hạnh
        Nghe đau thương rả rích tận nguồn cơn
        Nghe đắng cay xuống tận đáy tâm hồn
        Càng thẩm thấu cõi phù sinh mộng mị
         
        Tâm còn đây, nhưng xa rời nẻo ý
        Lòng còn đây, nhưng xé nát đoạn trường
        Tay ơ hờ, ôm không nổi thê lương
        Chân hụt hẵng, lết lê từng bước mỏi
         
        Những tối thiểu bản thân lo không nổi
        Chỉ cái ăn, cái uống đã cậy nhờ
        Còn cái đi, cái đứng, như nằm mơ
        Thì huống chi cái gì to lớn khác
         
        Từ ngày đó, bổng trở thành bịnh tật
        Thành phế nhân cho đến cả cuộc đời
        Thành người thừa trong xã hội mà thôi
        Khổ thân tôi, và những người thân thích
         
        Vậy mà không ai muốn tôi phải chết
        Dù khổ đau đến mấy cũng cam lòng
        Dù hy sinh đến mấy cũng van xin
        Dẫu bất hạnh đẳng đeo cùng thân phận
         
        Cao quý thay cuộc đời và sự sống
        Cao thượng thay nghĩa cử và tình thương
        Chết, chỉ là ngõ cụt và hết đường
        Chứ không nỡ nhìn, buông tay thúc thủ
         
        Tôi còn sống nhờ biết bao nhân ngãi
        Của người thân, bằng hữu đến tương lân
        Của Y Dược, thuốc thang đều dự phần
        Xin cơ cảm tri ân và cảm tạ
         
        Tôi còn sống, cảm ơn đời cao cả
        Cảm ơn người, ơn xã hội ban cho
        Dẫu mai kia có rũ mục xuống mồ
        Tôi vẫn nhớ, và khắc ghi mãi mãi.
         
        Tháng 10 – 2010
        Mặc Giang
         
        Trái Tim Đâu Rồi ?
        Bài này đã viết từ 2008, nhưng đến nay mới đánh máy
        Xin mời xem qua.

        45 năm trước
        Hai tay nâng trái tim, giữ gìn Đạo Pháp
        45 năm sau
        Hàng triệu Tăng Tín đồ thổn thức tâm can
        Ngài đã nằm yên, thời thế mang mang
        Cho trầm tỏa Nguyên Thiều, bi bi khói quyện
        Trước Linh Đài, chan nước mắt, hòa câu kinh, vọng tiếng
        Tôn dung Ngài, ẩn hiện bậc thạch trụ, quang minh
        Ngài về một cõi Vô Sinh
        Chúng con ở lại đong tình sắt son
        Ngài về núi ngả đầu non
        Chúng con ở lại lối mòn bụi bay
        Ngài về Thượng phẩm Phương Tây
        Chúng con ở cây cỏ cây lên màu
        45 năm trước
        Một trái tim lửa đốt không cháy
        45 năm sau
        Một trái tim sắt máu không sờn
        Ngọc ngà chưa hẳn đã hơn
        Kim cương chưa hẳn vàng son hơn Người
        Thế gian, cứ thử lò cừ
        Trần gian, cứ thử thật hư chánh tà
        Một khi nhìn lại quê nhà
        Lâu nay lạc lối Ta Bà thế sao
        Lộn tròng trời thấp đất cao
        Bùn đen quện cáu, phóng lao tuyệt tình
        Sống thời tráo đấu chốt đinh
        Chết thời non nỉ chút tình can qua
        Thảm thay cái nỗi Ta Bà
        Mịt mờ nhân ảnh la đà bèo mây
        Thảm thay con tạo lăn quay
        Vật vờ nhân ngã mù say giọt nồng
        Đâu là núi, đâu là sông
        Cơ đồ đem đổ, cạn dòng nát tan
        Đâu là đá, đâu là vàng
        Cơ ngơi đem đổ giữa ngàn nhiễu nhương
        Thương Đạo pháp, thương Quê hương
        Thương như thế đó, máu xương rục hình
        Thương Dân tộc, thương Tự tình
        Thương như thế đó, điêu linh nhũn tàn
        45 năm trước
        Hai tay nâng một Trái Tim
        45 năm sau
        Hỡi người Dân Việt, Trái Tim đâu rồi
        Tím lòng cát đá nổi trôi
        Tan hoang vết sử lở bồi Việt Nam.

        Tháng 11 – 2010
        T Nhật Tân
         
        Người Con Đức Phật

        Người người Phật Tử cùng nhau tinh tấn chuyên cần
        Tam Vô Lậu Học thượng thừa diệu pháp hộ thân
        Ngọn gió bát phong, không hề lay chuyển
        Tam đồ bát nạn, giả huyễn phù vân

        Người người Phật Tử cùng nhau tinh tấn tu hành
        Ba nghiệp thanh tịnh, thong dong mây trắng trời xanh
        Hát chứng đạo ca, thỏng tay vào chợ
        Người con Đức Phật, tuyệt thế tinh anh

        Người người Phật Tử, thành tâm noi Đấng Nghiêm Từ
        Chánh pháp xiển dương, tùy duyên bất biến, hữu dư
        Chúng sanh vô biên, hạnh nguyện vô tận
        Hành Bồ Tát đạo, trùm khắp thái hư

        Đây diệu lý chơn thường
        Thắp đuốc tuệ tình thương
        Soi mười phương tám hướng
        Quy nhiếp Đạo Pháp Vương

        Về dưới Ánh Đạo Vàng
        Lìa quán trọ trần gian
        Đi qua dòng không sắc
        Ta Bà thành Lạc Bang

        Người người Phật Tử, Như Lai tự tánh là nhà
        Vào sinh ra tử, viên dung tự giác giác tha
        Biển khổ trầm luân, du thuyền Bát Nhã
        Quay đầu là bờ, bỉ ngạn không xa

        Người người Phật Tử, người con Đức Phật nhiệm mầu
        Thường Lạc Ngã Tịnh, từ nay, biển khổ còn đâu
        Vô thỉ lặng thinh, vô chung biến mất
        Tâm như vô trụ, Tâm thể minh châu.

        Tháng 11 – 2010
        TNT Mặc Giang
         
        Đừng có than van!

        Hỏi trời có mấy vì sao
        Mà sao nhấp nháy lao chao đêm về
        Hỏi núi có mấy sơn khê
        Mà sao non nước não về nước non
        Hỏi tim có mấy sắt son
        Mà sao lòng dạ nát hồn thương đau
        Bọt bèo đập vỗ biển dâu
        Rong rêu xây xát bờ lau hao gầy
        Phù vân gởi gió ngàn mây
        Hồng bay quên Cội Lạc bay quên Nguồn
        Tròn đâu mà hỏi chi vuông
        Con thoi gãy trục quay cuồng đảo điên
        Nhân đâu mà hỏi hậu tiền
        Bêu rêu sỉ nhục Tổ Tiên rêm mình
        Nói ra, thẹn nước non mình
        Còn không nói cũng chình ình thế kia
        Cỏ cây còn biết chia lìa
        Người thời vênh váo mang hia tráo lường
        Mề đay, Khen thưởng, Huy chương
        Trông ra chẳng khác cái phường vong nhân
        Chức danh, địa vị cao ngần
        Trông ra một lũ phong thần vong nô
        Chưa chôn, đã chết đáy mồ
        Chôn rồi, nghĩa địa vật vờ hồn ma
        Cái phường phá quốc hại gia
        Cái phường hại Tổ Tông nhà Việt Nam
        Hỏi trời, trời cũng chẳng cam
        Hỏi đất, đất cũng chẳng kham bọn này
        Dân mình biết rõ mặt mày
        Nếu không tỉnh ngộ, thẳng tay chẳng màng
        Một mai đừng có than van!!!

        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Yêu quê hương đích thực

        Tình yêu quê hương, nói suốt đời không hết
        Từ quê hương, tôi mới có mặt trong đời
        Từ quê hương, tôi mới được làm người
        Để ngước mặt nhìn trần gian và dương thế

        Yêu quê hương, tôi đã yêu từ thuở bé
        Vừa chui ra, tôi đã nói tiếng Ba Ba
        Chín tháng 10 ngày trong bụng mẹ ấm ghê
        Nên vừa bập bẹ, tôi liền kêu Má Má

        Yêu quê hương như lúa vàng yêu lá mạ
        Như trúc biếc yêu những lũy tre xanh
        Như con sông yêu tiếng vỗ đầu gành
        Như sóng nước mơn man bờ cát trắng

        Tôi còn yêu sau hè mọc rau đắng
        Yêu trước ngõ thoang thoảng mùi hương cau
        Khi lớn lên đi bất cứ nơi đâu
        Cũng không so sánh được Quê Cha Đất Mẹ

        Tôi vẫn nhớ ve kêu mỗi mùa hè oi ả
        Mỗi mùa xuân hoa chớm nụ vươn lên
        Mỗi mùa đông với cái rét căm căm
        Và thu đến đượm buồn màu tim tím

        Tôi vẫn nhớ con đường quê gọi nắng
        Con đường làng thơm ngát vị thương yêu
        Từng cái nhỏ nhoi tôi vẫn nâng niu
        Bởi tất cả là quê hương tôi đó

        Tôi không quen cái hào nhoáng tạm bợ
        Tôi không ưa cái giả huyễn châu thành
        Xưa gần bùn mà sao chẳng hôi tanh
        Nay nhựa đắp mà sao tanh quá đỗi

        Cho nên, mỗi khi có ai han hỏi
        Tôi ước gì lớn nhất trong đời tôi
        Xin trả lời, ước gì được Bé mãi mà thôi
        Chứ lớn chi giữa thế đời nghiêng ngửa

        Yêu quê hương mà phải yêu đúng chỗ
        Nghịch ngợm chưa, nói thế nghe sao xong
        Họ đáp quanh co, đảo lộn lòng vòng
        Lòi cái đuôi phường vong nhân vong bản

        Yêu quê hương mà phải yêu bài bản
        Lịch sử năm ngàn năm, không bài bản hay sao
        Mà nay phải vay mượn Bắc đẩu, Nam tào
        Tào với Đẩu thi nhau đâm đầu xuống hố

        Tôi chỉ muốn làm người dân bình thường lam lũ
        Tôi chỉ muốn làm người con nước Việt của ngàn xưa
        Chứ không mệnh danh những cặn bã dư thừa
        Rồi đổ xuống quê hương, bắt dân tôi gánh chịu

        Yêu quê hương, tôi yêu từ cái nhỏ xíu
        Đến cái hùng anh lẫm liệt phi thường
        Chứ không mệnh danh những xảo thuật nhiễu nhương
        Bắt dân tôi phải gục đầu thúc thủ

        Yêu quê hương, chứ không phải yêu thuốc lú
        Yêu lai căng, yêu loạn thị, yêu cửa quyền
        Yêu quê hương là tình yêu thiêng liêng
        Tôi dõng dạc tuyên xưng và tôn thờ mãi mãi.

        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Trường ca sông núi
         
        Tôi yêu quê hương từ nhỏ
        Đường làng lối ngõ loanh quanh
        Chim reo ca hót trên cành
        Đồng vàng thơm thơm lúa chín
         
        Yêu quê lên ba, lên bốn
        Lên năm, lên bảy, lên mười
        Đến khi khôn lớn thành người
        Càng yêu quê hương da diết
         
        Thương thương trúc xanh, xanh biếc
        Nhớ nhớ thoang thoảng hương cau
        Quê hương dù có lên màu
        Mặn nồng ươm ươm trái chín
         
        Đến nay mái đầu bạc trắng
        Tình quê cay đắng ngọt bùi
        Nhớ thương vẫn thế khôn nguôi
        Cơ chừng còn tăng hơn nữa
         
        Chiều chiều chim bay về tổ
        Lá rung nhớ cội nguồn xưa
        Tình quê chan nắng đổ mưa
        Con tim thấm đau se thắt
         
        Đất Mẹ, Mẹ ơi có biết
        Quê Cha, Cha hỡi có hay
        Cuối trời gió cuốn ngàn mây
        Chim ơi cho ta bay với
         
        Chim Lạc chim Hồng quay lại
        Ơ hay, muốn bay về đâu
        Ta cùng Hồng Lạc nhìn nhau
        Biết rồi, cần chi phải hỏi
         
        Chúng ta cứ bay đừng nói
        Cứ bay sẽ biết về đâu
        Vượt qua bãi biển nương dâu
        Tận cùng nguồn xưa tổ ấm
         
        Tôi đứng từ Cao - Bắc - Lạng
        Anh thì Nam – Ngãi – Phú – Bình
        Còn em Rạch Giá – Hà Tiên
        Hát khúc trường ca non nước
         
        Văn Hiến năm ngàn năm trước
        Rồng Tiên muôn thuở cao kỳ
        Băng qua vinh nhục thịnh suy
        Đến tận ngàn sau không đổi
         
        Chim Lạc một khi có mỏi
        Còn đây đôi cánh chim Hồng
        Ta bay khắp núi khắp sông
        Dựng xây quê hương muôn thuở
         
        Em yêu quê hương từ nhỏ
        Anh yêu khi mới lớn lên
        Tôi yêu lên thác xuống ghềnh
        Biển Đông gầm vang Núi Thái
         
        Rồng Tiên muôn đời sống mãi
        Hồng Lạc muôn thuở keo sơn
        Trường ca sông núi gọi hồn
        Thế thế truyền lưu bất biến.
         
        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Ai bì Việt Nam ?
         
        Nước non là nước non thề
        Nước đi với nước, non về với non
        Nước đi muôn thuở không mòn
        Hát Hai Ô (H2O) vẫn sắt son muôn đời
        Non cao lên tận đỉnh đồi
        Núi cao đổ bóng sông ngòi Biển Đông
        Kết thành nghĩa biển tình sông
        Nghĩa non tình nước giống dòng Việt Nam
        Kiêu sa từ Ải Nam Quan
        Cài trang gấm vóc băng ngàn Cà Mau
        Nước non xanh ngát một màu
        Theo dòng lịch sử trước sau tôn thờ
        Núi sông từ thuở ươm mơ
        Hùng Vương mở nước dựng cờ đến nay
        Kiên cường, bất khuất, không thay
        Không suy, không suyễn, không rày, không mai
        Nước non biển rộng sông dài
        Con Hồng cháu Lạc dấu hài thơm hương
        Băng qua lịch sử đường đường
        Dựng xây tô thắm phi thường Việt Nam
        Ngoại thù, vỡ mộng xâm lăng
        Nội thù, tan tác, đừng hòng thuẫn mâu
        « Gà nhà, Cõng rắn », còn lâu
        Mồ hoang nghĩa địa cỏ khâu xanh rì
        Việt Nam non nước cao kỳ
        Nước đi với nước, non thì về non
        Việt Nam sông núi vẹn toàn
        Không suy một tấc, không mòn một ly
        Năm Châu, bốn biển ngại gì
        Hỏi ra mới biết, ai bì Việt Nam ?
         
        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Ôm quê hương vào lòng
        Thỉnh thoảng vẫn nhớ Cụ H.Giác, một bậc trưởng thượng, hai tay cầm Tuyển tập Quê Hương Còn Đó của tôi tặng, đưa sát vào lồng ngực, mắt rung động nhìn tôi, và nói : «Tôi tự hứa sẽ học thuộc lòng bài Non Nước Việt Nam, để ôm quê hương vào lòng, cho tới khi nhắm mắt …»
         
        Ôm quê hương vào lòng
        Để trọn vẹn ước mong
        Nâng niu và gìn giữ
        Ôi tình biển nghĩa sông
         
        Ôm quê hương vào lòng
        Để ấp ủ nhớ trông
        Đây hình hài đất Mẹ
        Kia vóc dáng quê Cha
         
        Cho em tôi được sống
        Cho trẻ thơ biết cười
        Tháng năm dài khắc khoải
        Chưa từng có niềm vui
         
        Cho đồng xanh lúa chín
        Cho mạ non tươi mầm
        Đã qua rồi khép kín
        Thôi hết những lặng câm
         
        Ôm quê hương vào lòng
        Tan hết những mùa đông
        Không hạ nồng thu tím
        Còn lại những mùa xuân
         
        Ôm quê hương vào lòng
        Cho trọn vẹn hoài mong
        Giọt buồn khô lệ đá
        Hoa trái đã đơm bông.
         
        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Việt Nam non nước hữu tình
         
        Việt Nam non nước hữu tình
        Quê hương gấm vóc in hình Rồng Tiên
        Việt Nam non nước Ba Miền
        Bắc Nam Trung quyện hồn thiêng muôn đời
        Kể từ dựng nước xưng ngôi
        Kinh qua lịch sử tô bồi thắm tươi
        Ươm mơ sức sống con người
        Chứa chan hy vọng nụ cười cho nhau
        Miếng Trầu rồi lại miếng Cau
        Bánh Qui bánh Ít bắc cầu lại qua
        Xa gần rồi lại gần xa
        Tương thân tương ái mọi nhà Việt Nam
        Thương nhau, miệng nói tay làm
        Giúp nhau, còn để bao hàm mai sau
        Ngọt thanh như thể mía lau
        Thơm thơm như thể hương cau đầu mùa
        Không màng danh lợi hơn thua
        Không tranh cao thấp bán mua thường tình
        Việt Nam non nước hữu tình
        Đi đâu cũng thấy như mình với ta
        Việt Nam tình nghĩa đậm đà
        Đi đâu niềm nỡ câu ca tiếng cười
        Việt Nam đẹp lắm ai ơi
        Quê hương non nước của người Việt Nam.
         
        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Lớp Ba Trường Làng
         
        Học hành thật khổ lắm a
        Trèo lên trụt xuống lớp ba trường làng
        Đành thôi đâu dám bỏ ngang
        Ì ạch bì bõm trường làng lớp ba
        Sống cùng Đất Mẹ Quê Cha
        Nên yêu nên quý cửa nhà Việt Nam
        Yêu từ đất nẻ khó kham
        Quý đến sắc chạm son chàm tinh anh
        Yêu từ mái khói nhà tranh
        Quý đến Phố thị Châu thành nước non
        Đầu ghềnh nước chảy sóng cồn
        Cuối sông in bóng gợn hồn sơn khê
        Đi đâu cũng nhớ nhung về
        Đến đâu cũng giữ vẹn thề mới thôi
        Học lễ phải nhớ đầu đời
        Học văn phải giữ rạng ngời sắt son
        Nhớ câu Bia đá thì mòn
        Nhớ câu Bia miệng vẫn còn trơ trơ
        Hồn thiêng sông núi tôn thờ
        Vong nô vong bản, phất cờ đuổi ngay
        Cơ đồ thạch trụ không lay
        Ngoại xâm nội ứng, biết tay, đừng hòng
        Quê hương từ độ khơi dòng
        Đến nay đất lở trời long không sờn
        Dân tộc từ độ tấm son
        Đến nay trọn vẹn sắt mòn không pha
        Trường làng học đến lớp ba
        Học hết cũng chỉ lớp ba trường làng
        Vẫy vùng bốn biển dọc ngang
        Vẫn chưa qua khỏi trường làng lớp ba
        Anh hùng nữ kiệt kiêu sa
        Luyện tôi từ thuở lớp ba trường làng
        Tài ba tế thế an bang
        Nhồi kinh luyện sử trường làng lớp ba
        Trường làng ơi hỡi lớp ba!!!
         
        Tháng 11 – 2010
        MG
         
        Quê Hương là gì hỡ Mẹ ?
         
        Quê hương là gì hỡ Mẹ
        Đất Tổ là gì hỡ Cha
        Sao gọi quốc quốc gia gia
        Cái gì là non là nước
         
        Con ơi, năm ngàn năm trước
        Con người từ thuở sơ khai
        Âu Cơ, tiên nữ phương đài
        Long Quân, rồng bay cỡi gió
         
        Dân tộc Việt Nam từ đó
        Gọi là dòng giống Rồng Tiên
        Trên non nước Việt Ba Miền
        Dư đồ giang sơn cẩm tú
         
        Hùng Vương, Vua cha Quốc Tổ
        Dựng cờ, đất Mẹ Văn Lang
        Lịch sử băng qua năm ngàn
        Đạo đức nhân từ văn hiến
         
        Sông núi hồn thiêng khói quyện
        Quê hương lịch sử kiêu hùng
        Một nguồn một cội của chung
        Thế thế truyền trao gìn giữ
         
        Quê hương là gì hỡ Mẹ
        Quê hương, nơi Mẹ sinh ra
        Quê hương, xương máu Ông Cha
        Kết tinh thành đất thành nước
         
        Quê hương là sông là núi
        Quê hương là nước là non
        Quê hương muôn thuở sống còn
        Cháu con da vàng máu đỏ
         
        Quê hương là gì hỡ Mẹ
        Quê hương, con mới thành người
        Quê hương, con thắm môi cười
        Ngợi ca Đất Nước Quê Hương.
         
        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang
         
        Sức sống Việt Nam
         
        Em đi trên những con đường
        Quê hương đất Mẹ nở hoa
        Thương yêu sức sống chan hòa
        Chạy dài từ Nam tới Bắc
         
        Em đi Phường vui Phố hát
        Làng quê hương lúa trỗ bông
        Ngô khoai xanh ngát ruộng đồng
        Tự tình thơm thơm Quê Mẹ
         
        Em đi nhịp cầu khe khẽ
        Nghiêng nghiêng vành nón ngang vai
        Nắng lên đưa bóng đổ dài
        Núi cao sông sâu biển rộng
         
        Em đi, quê Mẹ lên tiếng
        Vang vang lời nói thương yêu
        Quê hương gấm vóc mỹ miều
        Đất nước nở hoa Hồng Lạc
         
        Chim Hồng bay cao ca hát
        Chim Lạc hòa khúc hoan ca
        Quê hương non nước sơn hà
        Dòng giống Rồng Tiên đẹp quá
         
        Hà Nội, cái nôi văn hóa
        Sài Gòn, hòn ngọc minh châu
        Kéo dài đến tận Cà Mau
        Đi ra Nam Quan cửa ải
         
        Em đi, và đi mãi mãi
        Bàn tay chung sức đắp xây
        Con tim chan chứa đong đầy
        Tự tình thơm thơm đất Mẹ
         
        Em đi, cùng đi em nhé
        Triệu triệu bàn tay chan hòa
        Triệu triệu con tim nở hoa
        Tô bồi sức sống Việt Nam.
         
        Tháng 11 – 2010
        Mặc Giang 
          
         Khúc Ruột Miền Trung
         
        Ngẫm về khúc ruột Miền Trung
        Vùng đất kỳ lạ của cùng quê hương
        Dân tình sống thật dễ thương
        Tài ba cũng lắm, tai ương cũng nhiều
        Địa linh nhân kiệt tuyệt siêu
        Anh hùng liệt nữ mực điều viết son
        Gương cao vắt đỉnh Trường Sơn
        Thâm sâu in bóng rợn hồn Biển Đông
        Nhưng sao nghiệt ngã chất chồng
        Dân sinh thống khổ gánh gồng nhiễu nhương
        Nắng thời, đất nẻ ra mương
        Mưa thời, lũ lụt vô phương chịu trời
        Nước dâng ăm ắp núi đồi
        Đâu đâu cũng nước mưa nhồi biển dâng
        Phố phường nước xoáy cao tầng
        Miền quê ngập mái phong trần đảo điên
        Nhà trôi cây đổ ngửa nghiêng
        Mùa màng cuốn sạch gạo tiền ra tro
        Nghèo trơ túi mốc ra mo
        Đói trơ túi mốc tóc tơ ra mành
        Khổ đau, thấu tận trời xanh
        Tang thương, thấu tận đoạn đành tâm can
        Nắng thời, đổ lửa chói chan
        Mưa thời, lũ lụt ngập tràn thế ni
        Miền Trung ơi hỡi còn gì
        Mỗi năm như thế, răn ri chi hè
        Nắng thời, khô héo tiếng ve
        Mưa thời, dai đẳng dầm dề đổ mưa
        Bão giông nước cuốn gió lùa
        Núi sa, đất lở, nát bừa nhiêu khê
        Miền Trung khúc ruột thắt se
        Câu ca não nuột, câu vè thê lương
        Miền Trung khúc ruột quê hương
        Ai nghe cơ cảm, ai thương cơ cùng
        Núi cao đồi thẳm chập chùng
        Đèo heo hút gió lạnh lùng lao lung
        Thương thay Khúc Ruột Miền Trung!!!
         
        Tháng 11 – 2010
        TNT Mặc Giang
        #34
          Viet duong nhan 01.05.2011 03:14:29 (permalink)
          Tuyên xưng Thông Điệp Phật Đản của Đức Thế Tôn  

          Mùa trăng tròn Tháng Tư năm Tân Mão, ngược dòng thời gian hết 2011 năm dương lịch, đi xa hơn nữa 624 năm về trước, có một đấng Cồ Đàm Thích Ca Mâu Ni ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, nước Ca Tỳ La Vệ tức Ấn Độ bây giờ. Đó là Thái tử Tất Đạt Đa, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia.
           
          Người từ cõi trời Đâu Suất, thị hiện giáng trần, ban ra Thông Điệp Vô Thượng “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến”, khai sáng Đạo Từ Bi cứu khổ chúng sinh, thông lộ thanh lương cho phàm nhân lên đường Tứ Thánh.
           
          Người đã ban Thông Điệp nhân bản hòa bình cho nhân loại: “Không có hận thù khi nước mắt cùng mặn. Không có giai cấp khi dòng máu cùng đỏ. Không có tranh chấp giết hại lẫn nhau khi mọi loài đều cần có sự sống và tôn trọng sự sống”. Người đã vạch ra tiêu chí chỉ hướng vươn lên: “Cội nguồn của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Căn nguyên của oán cừu là ngã mạn, tranh đoạt, cửa quyền, hiếp đáp. Gốc rễ của bất an là thủ thế, gườm nhau, cưỡng chiếm, đáp trả, hơn thua”. Người đã hoằng dương Đạo lý Giác ngộ, Giải thoát: “Chúng sanh vốn trầm luân trong biển khổ, lặn hụp trong căn nhà lửa Tam thế, xoay quần trong lục đạo luân hồi, mê lầm với bóng tối thâm u, đắm say với mộng huyễn bào ảnh, chưa biết và không có ánh sáng để đi”.
           
          Người đi trước, dẫn đường và làm hướng đạo sư. Vàng bạc, châu báu, giàu có, nhung lụa ư ! Ai đầy đủ hơn, sung túc hơn được sống và thừa hưởng cung vàng điện ngọc ? Ai quyền uy hơn, cửu trụ hơn sẽ kế nghiệp Phụ Hoàng trị vì thiên hạ, đứng trên thiên hạ với thần dân quốc thích ? Ai đẹp hơn trên trần gian, một Công chúa Gia Du sắc nước hương trời “Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa, Hương trời đắm nguyệt say hoa, Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình”, với hàng trăm hoa hậu tuyển chọn cho cung đình, với hàng ngàn mỹ nữ phục vụ cúc cung, yến tiệc linh đình, sơn hào hải vị, nhạc hội tháng năm.
           
          Sinh thì Người đã biết rồi, duy nhất chỉ riêng Người mới bước đi bảy bước, mỗi bước nở ra một đóa hoa sen, bước cuối cùng đứng lại, tay đưa lên trời, tay chỉ xuống đất, dõng dạc nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chứ tất cả những ai chào đời đều “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì?”.
           
          Cuộc ngoạn du ra bốn cửa thành, nhìn thấy bốn cảnh Già, Bịnh, Chết, một đạo sĩ, chính là tuyệt lộ. Tuyệt lộ dẫn đến tử lộ - chấm dứt mọi đắm lụy của nhân gian, chặt đứt mọi hệ lụy của trần gian mà con người nói riêng, chúng sinh nói chung, lặn hụp trầm luân mãi trong ba đường sáu nẻo từ vô thỉ đến nay, và di họa đến vô chung.
           
          Cửa Thành phía Đông, kia là ai, sao lại nhăn nheo, lưng còm, tóc bạc, run rẩy, mắt mờ, tai điếc, lú lẫn, lãng quên ? Đó là một con người nhưng là người già! Ai mà gọi là thọ mới sống được như thế, nếu bằng không thì chết từ trong bụng mẹ, chết mới ra đời, chết lúc còn nhỏ thanh thiếu niên “Ngoài kia lắm mộ tuổi còn xanh”, chết thuở trung niên. Kiếp phù sinh dễ có mấy ai “thất thập cổ lai hy”? Sống sót lắm mới như thế kia, rồi từ lão niên lão giả, lòm khòm, lụ khụ, ngơ ngơ ngáo ngáo, khi quên khi nhớ, nói chẳng ra câu, mở miệng không lời, “Lợi còn không có nói chi răng, Sống trơ trơ biết chi ăn uống”, thế giới con người chập chờn cửa tử đọng lại mới ghi vào sách gọi là kỷ lục.
           
          Cửa Thành phía Tây, kia là ai, sao lại đau đớn, nhăn nhó, rên la thảm thiết, có khi quằn quại cực hình, có khi nằm yên thở dốc? Cái mặc thì áo quần xốc xếch, mền chăn gối nệm bùi nhùi. Cái ăn không thèm ngó dù mỹ vị cao sang, mới hôm nào ngày ba bữa dư thừa vẫn kêu đói bụng. Uống ráng lắm từng hớp cầm chừng. Nhà cửa cũng lắc đầu. Vàng bạc cũng bảo thôi. Dục lạc ái ố không thèm ngó tới. Ruồi bu, muỗi đậu đuổi không xong. Nước miếng, mũi dãi nhểu nhảo lều bều… Xin lỗi, ngay cái đại cái tiện đổ bừa trên cái bô bên cạnh, nửa trong nửa ngoài nhơ nhớp tanh hôi. Đầu tóc bù xù rối bời chẳng cần chải chuốt, hai mắt lờ đờ không muốn khép mở, chân tay dở lên dở xuống không nổi, nói năng thì thào chẳng nên tiếng nên lời. Đó là cái bịnh, mà phải bịnh chí tử, bịnh trầm kha, bịnh thứ thiệt mới được. Đừng vội chê cười đánh giá hay bỡn cợt đãi bôi, nên nhớ ở đời ai không bịnh, khi bịnh rồi mới biết!
           
          Cửa Thành phía Nam, kia là ai, sao lại cứng đờ, mắt nhắm nghiền, miệng ngậm câm, tay chân co quắp, không cục cựa, không nhúc nhích? Một nhúm người lại khóc lóc, kêu ca, đầu chít tang trắng, trên bàn có một di ảnh, một bát nhang, khói hương lan tỏa, một mâm cơm với một chén có vài miếng thức ăn gắp để sẵn, cắm đôi đũa lên đó. Rồi dâng trà lần 1, lần 2, lần 3, lại có tiếng ê a cầu nguyện, lễ tạ nhị bái, tam bái, người này chia buồn, người nọ phân ưu, nhìn nhau ngấn lệ? Đó là một con người đã chết! Đã có sinh thì phải có tử, không ai ngoại lệ, không ai thoát khỏi. Hết sống nổi thì phải chết, và nên nhớ rằng, lằn ranh sống chết không xa, không dài, không lâu, chỉ từng hơi thở! Tấm thân kia trả về cát bụi, con người kia chuyển hóa vô thường. Kiếp nhân sinh ngắn ngủi và trần gian chỉ là quán trọ phù du.
           
          Cửa Thành phía Bắc, còn kia là ai, sao ăn mặc khác người, tư thái thong dong, phong cách tự tại, thoát ra vẻ thanh bạch, thánh thiện, an nhiên? Hỏi ra, người ấy không nhà không cửa, không vợ không con, không tiền không bạc, áo quần một bộ, gia tài một túi vắt vai. Thật vỏn vẹn, đơn sơ, thanh bần. Cái gì người ấy cũng không có mà cái có của người ấy khó tìm trên thế gian. Được đáp, ông ta là Đạo sĩ. Đạo sĩ là gì? Ai biết đạo, hiểu đạo, sống với đạo, trả lời rất dễ. Ai không biết đạo, mơ hồ về đạo, nghi hoặc cho đạo, giải bày nhiều cách cũng khó thông. Thì ra, Đạo là thế à!
           
          Người đã quyết chí xuất gia tầm đạo. Vào một đêm kia, Mồng 8 Tháng 2 Âm lịch, Người âm thầm từ tạ Phụ Hoàng, từ biệt thê nhi, lìa bỏ hoàng cung, vượt hoàng thành, khi đến dòng sông A Nô Ma, nói với hầu cận Sa Nặc, đưa đến đây đủ rồi, hãy lui về, mang mái tóc xuân xanh, nhung bào, kiếm báu về trao lại Phụ Thân, thưa dùm ta rằng: “Ta chỉ trở về khi tầm ra Đạo, ngược lại, bằng không, xem như ta không có mặt trên thế gian này”. “Ngài ra đi vì chúng sanh, Ra đi nguyền đem cho đời bao vui sướng, Ra đi giải thoát luân hồi cho chúng sanh”.
           
          Sáu năm trường giữa núi rừng Hy Mã, trùng trùng tuyết phủ, tắm gội gió sương, thời thọ thực mỗi ngày là vài hạt mè và vài cọng lá rừng, tận dụng mọi thời gian cho khổ hạnh, tham thiền, nhập định. Quần áo duy nhất một mảnh y vàng. Ngày thời chim hót, đêm tiếng thú vang. Ôi, hình ảnh của đạo sĩ Tất Đạt - bộ da bọc xương cách trí, thân hình kiệt lực tiều tụy, duy chỉ đôi mắt thâm sâu sáng quắc, duy chỉ nghị lực siêu tuyệt vô song, biểu hiện đức tính phi thường của một bậc thiên thượng thiên hạ duy ngã Thế Tôn, trầm tư một cái gì cao tột siêu xuất chưa liễu ngộ bản lai diện mục ? Cơ chừng nó chập chờn đâu đó, đến rồi đi, đi rồi đến, như con đom đóm lập lòe chưa đủ sức phá tan bóng tối, như thanh âm nhỏ bé chưa đủ sức làm tan vỡ hư vô, thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ, như tiếng sóng rì rào chưa đánh động trùng dương biển lộng!
           
          Do đó, Người từ bỏ lối tu khổ hạnh, giai đoạn ban đầu ắt có và cần đủ khổ luyện, đúc rèn chuẩn mực, làm kim chỉ nam định hướng hành trình, vẽ bản đồ thiên la địa võng đạt ngộ, nhưng muốn đi tới đích, phải có sức của thân, lực của tâm, thần của trí. Không thể có sức lực trên tấm thân tiều tụy! Không thể có sáng suốt khi tâm trí hệ lụy cơ thể suy vi! Chao ôi, nhờ miếng sữa biếu tặng của cô bé chăn cừu Tu Xà Đề, còn hơn thần linh y dược, làm cho Người hồi phục khỏe khoắn lạ thường. Cảm ơn nghe thành phần nghèo khổ bần cùng trong xã hội, nghèo vật chất nhưng không nghèo tinh thần, nghèo miếng cơm manh áo nhưng không nghèo tấm lòng biết trân quý tình thương sự sống. Trong cuộc đời, nhiều lúc nghèo làm được mà giàu không làm được, nhiều khi giàu làm được mà nghèo không làm được, và biết đâu người giàu cần phải học cái chơn chất, trong sạch, thanh cao, thánh thiện của người nghèo!
           
          Sau khi thọ dụng bát sữa xong, tìm đến một chỗ kia, dưới cội cây Tất Bát La cổ thụ, lá tròn đầy xanh mượt, cành vững chải vươn cao, dọc theo triền núi điệp trùng, bên cạnh dòng sông Ni Liên thì thầm muôn thuở. Người ngẫm nghĩ, có lẽ không đâu thích hợp hơn nơi này, không đâu an định hơn vị thế nơi đây. Bèn kết cỏ làm bồ đoàn, đặt sát gốc cây, sau lưng là núi rừng, trước mặt là dòng sông. Người tự phát đại thệ nguyện: “Nếu không tầm ra Đạo, không chứng đắc, không liễu ngộ, thì dù cho thịt có nát, xương có tan, ta cũng quyết không rời bỏ chỗ này”. Và Người buông tất cả, an tọa kiết già, sâu vào thiền định.
           
          Ngày một, Người vẫn ngồi yên. Ngày hai không nhúc nhích. Ngày ba không động đậy. Cho tới tuần 1, tuần 2, tuần 3, vẫn cứ thế, bất động, không lay. Bên ngoài, lục trần im bặt thanh âm, đối cảnh. Bên trong, lục căn trong vắt an tịnh pha lê. Núi rừng im tiếng gió. Dòng sông lặng nước reo. Chim không nghe tiếng hót. Thú không nghe tiếng vang. Không gian như ngưng đọng. Thời gian như ngừng trôi. Đến một đêm cuối của tuần “thất thất”, canh một, canh hai, canh ba, bỗng lục thông tuần tự hiển bày, chân như hiển lộ, mặt mũi thật của con người, của nhân sinh, vũ trụ được khai ngộ tinh tường. Cái gọi là trùng trùng vốn không diệt không sinh. Cái gọi là bản lai vốn không còn không mất. Cái gọi là vạn hữu càn khôn vốn không đục không trong không tăng không giảm. Đó là Phật tánh chơn thường vi diệu hằng nhiên. Không phải chỉ riêng Người mà ai ai cũng có, nên Người dõng dạc Thông Điệp “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Người đã chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vô thượng chánh đẳng bồ đề. Nơi người ngồi gọi là Bồ đề tọa, cây Bát La gọi là cây Bồ Đề, Đạo của Người hoằng dương gọi là Đạo Giác Ngộ.
           
          Tuyệt trần thay, tuyệt thế thay Đạo sĩ Tất Đạt Đa! Nếu là người thường, đời thường, với cương vị Đông cung Thái Tử, với vợ đẹp con ngoan, với cung vàng điện ngọc, với mọi sắc màu dục lạc tột đỉnh của trần gian, không phải Tất Đạt Đa thì kim cổ nào ai làm được ? Nếu Người cũng như bao nhiêu vị Thái tử khác trên thế gian, tận hưởng mọi nhung lụa sang giàu, ngất ngưởng cương vị vua chúa lộng lẫy quyền uy, rồi hoàng hậu hoàng phi với muôn ngàn cung tần mỹ nữ, khi thời đại biến chuyển hưng phế thịnh suy, dù có ra sao cũng phải tử vong gọi là băng hà. Và Người cũng đã biệt tăm biệt tích như hàng bao nhiêu Thái tử khác, hay hàng vô số vua chúa khác, đã từ 2,600 năm trước.
           
          Nhưng Người thì không. Người mãi mãi là đấng Như Lai, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Người mãi mãi là Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Người mãi mãi là Đức Từ Bi hiện hữu vô cùng cho chúng sinh biết thương yêu, tôn trọng sự sống. Người mãi mãi là ngọn đuốc trí tuệ sáng ngời cho chúng sanh biết nẻo mà đi. Người mãi mãi là Hiện tại Trang nghiêm vương Phật, nối kết Qúa khứ thiên ức Phật, hoằng truyền Vị lai thiên ức Phật mà Đức Di Lặc Từ Tôn sẽ đăng tòa Long Hoa Pháp Hội 16 triệu năm sau.
           
          Hình ảnh nào đáng quý hơn, đáng tôn thờ hơn, đáng nêu gương hơn. Một bậc Giáo Chủ cõi Ta Bà, một bậc Thầy của thiên nhơn, một đấng Cha Lành chung bốn loại, mà cái mặc vẫn chỉ có 3 Y, cái ăn vẫn ngày ngày Khất thực, đầu trần chân đất như bao đệ tử khác, ngủ nghỉ trên cái đơn gỗ mộc như thất chúng đệ tử. Ôi dung dị vô biên! Ôi chơn chất vô thượng! Hình ảnh đó sao không học mà lại “Trưởng giả học làm sang”, được một chút gì đã cố quên chối bỏ cái nghèo khó thuở cơ hàn, xa lánh tương lân dòng họ!
           
          Người là bậc Thầy tuyệt thế bất nhị, ròng rã 45 năm trường hoằng khai Tam Tạng kinh điển, ba rừng giáo lý thượng thừa, mà 26 thế kỷ qua, chưa ai đã từng đọc hết, chưa ai đã từng xem xong, cho đến thế kỷ “văn minh” hai mươi mốt, với hệ vi tính công nghiệp điện tử toàn cầu, vẫn mò mẫm chưa thông.
           
          Thế giới văn minh nhân loại hôm nay, nào Bác học tuyệt siêu, nào Khoa học tuyệt đỉnh, nào Y học tinh hoa, cơ sở Thiên văn, Viễn vọng, cơ quan khám phá không gian, nhân - vật - trí - lực cùng đầu tư, cùng đổ ra. Tuy nhiên, bịnh nan y vẫn bó tay chưa nói đến bịnh đột biến phát sinh dịch nhiễm, phi thuyền không gian tạm viếng Mặt Trăng, dò dẫm Hỏa tinh, chưa tới Kim tinh, nói chi qua khỏi Thái dương hệ. Rồi hiện tượng Đĩa bay, Người ngoài không gian vẫn bí ẩn, mê hoặc. Thế giới hữu hình, siêu hình như chuyện cổ tích, thần thoại, dù bao nhiêu nhà nghiên cứu, học giả tìm tòi, viết lách, và nghệ thuật phim ảnh diễn dịch mơ hồ. Trong khi Người, 26 thế kỷ trước đã nói: “nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng”, “hằng hà sa số thế giới”. Mỗi thời Kinh giảng của Người, không những chỉ Thập đại đệ tử, 1,250 vị đệ tử lớn, 7 lớp đệ tử xuất gia tại gia nghe, mà còn vô số Chư Thiên rải hoa cúng dường thính pháp, cho đến vô số Ma vương, Đại ma vương nhiếp phục phụng hành.
           
          Ngày Phật Đản 2635 năm nay, dương lịch 2011, âm lịch Tân Mão niên, Phật lịch 2555 năm, vốn đã từng năm, từng năm kéo dài hơn 25 thế kỷ, với Tổ Tổ truyền thừa, Tăng Già chấn tích trùng quang, khoảng ¼ dân số thế giới quy ngưỡng tri hành, khắp mọi quốc gia dân tộc vượt qua biên cương ranh giới.
           
          Bản thân chúng tôi đón nhận, chứ thật sự không mừng lắm dù Liên Hiệp Quốc công nhận Ngày Khánh Đản của Đức Thế Tôn trở thành Ngày Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 1999. Cái nhìn của chúng tôi, quá chậm. Cái đánh giá của chúng tôi, quá yếu. Chậm, bởi Đạo Phật đã hiện hữu 2600 năm qua, sau vài Tôn giáo cổ đại, nhưng trước nhiều Tôn giáo sau này. Yếu, bởi công nhận Ngày Lễ Quốc Tế mà sao không Nghỉ Lễ có tính quốc tế. Và cảm thấy kỳ kỳ, những quốc gia Phật Giáo lâu đời, tín đồ Phật Giáo đa số, không Nghỉ Lễ của Phật Giáo mà lại Nghỉ Lễ tôn giáo khác với thời gian có mặt ít hơn, tín đồ thiểu số. Hy vọng một ngày không xa, Liên Hiệp Quốc phải thực hiện cho bằng được mỗi tôn giáo lớn trên trái đất này phải có Ngày Lễ Chính của họ và được Nghỉ Lễ trên toàn thế giới, không cá biệt bất cứ tôn giáo nào, bởi mỗi tôn giáo đều chỉ hướng cho đời, mỗi tôn giáo đều an tĩnh tâm linh. Đây, có thể là bàn đạp san bằng hệ lụy dị biệt, cách ngăn, tỵ hiềm để con người được gần nhau hơn, nhân loại tin yêu nhau hơn.
           
          Vô tình năm nay chúng tôi có nhận và đọc Thông Điệp Phật Đản của Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc “…cốt lõi của nó là vấn nạn về khổ đau của nhân loại mà chính Đức Phật đã nhìn thấy và nhấn mạnh cách đây hơn 2,500 năm” ; “Lời khai thị của Ngài…khơi dậy những cuộc hội đàm đa phương” ; “Rất nhiều tổ chức Phật Giáo đang thực hành giáo pháp của Đức Phật. Tôi vô cùng cảm ơn sự ủng hộ của họ đối với những hoạt động của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” ; “…tôi hy vọng tất cả mọi người có thể dựa vào những lời dạy có giá trị phổ quát trong Đạo Phật để hành động trong tình đoàn kết với những người đang đau khổ, để góp phần tạo nên một thế giới nhiều tình thương yêu hơn, nhiều sự tỉnh giác hơn cho tất cả chúng ta”.
           
          Lại thêm Thông Điệp gởi đến Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc của Bà Irina Bokova, Giám đốc UNESCO. Rằng “Nhân Đại lễ Vesak lần thứ 8, tôi muốn bày tỏ lời chúc chân thành và nồng hậu nhất đến tất cả mọi Phật tử trên khắp thế giới” ; “…thúc đẩy sự đối thoại giữa các nền văn hóa, tôn giáo, và giữa mọi người với nhau trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta phải làm việc mỗi ngày để xóa đi sự hiểu lầm, để nâng cao kiến thức và thắt chặt mối quan hệ cộng tác với nhau” ; “Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã được thành lập nhằm góp phần tạo dựng nền hòa bình lâu dài, bền vững, thông qua sự hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hóa, giáo tiếp và thông tin”; “Tầm quan trọng của Hội thảo lần này (tại Đại Lễ Phật Đản) chính là ở đây”.
           
          Cái nhìn của chúng tôi, có một sự kỳ thú qua hai Thông Điệp này.
           
          Vâng, họ cũng là hai con người, nhưng khác người thường, nên Lời Chúc Tụng của họ mới gọi là Thông Điệp. Một - của người đàn ông, hay nam giới, nam tử - giữ trọng nhiệm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Một - của người đàn bà, hay nữ giới, nữ lưu - nắm cương vị Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên Hiệp Quốc. Ông Ban Ki Moon người Châu Á , Bà Irina Bokova người Châu Âu - tượng trưng cho Đông Phương – Tây Phương, cho Da Màu – Da Trắng. Đông – Tây đã gặp nhau. Da Màu – Da Trắng đã gặp nhau.
           
          Vâng, Đức Phật Thích Ca Giáo chủ cõi Ta Bà đã nói: “Không có hận thù khi dòng máu cùng đỏ. Không có ngăn cách khi nước mắt cùng mặn. Tâm bình thế giới bình. Hận thù không tiêu diệt được hận thù mà chỉ có Từ bi mới xóa sạch được hận thù”.
           
          Vâng, ý nghĩa siêu tuyệt của Đạo Phật, rằng: người có Đông Tây Nam Bắc nhưng Phật tánh không có Nam Bắc Đông Tây, màu da có trắng đen vàng đỏ nhưng Phật tâm đồng đẳng không màu. Nhân loại nhiều chủng tộc quốc gia trên năm châu bốn biển, nhưng lương tri hòa điệu giai tầng, tình người hòa chung sự sống.
           
          Vâng, nếu các quốc gia dù liệt cường hay chậm tiến mà không chạy đua theo bạo lực, vũ khí, hạt nhân, nguyên tử, quốc phòng, mà dùng mọi nhân - tài - vật - lực cho con người, cho sự sống, thì hòa bình thế giới tự nhiên có mặt, mọi bất ổn khu vực, liên quốc, đa quốc hay chiến tranh lạnh chiến tranh nóng tự nhiên triệt tiêu. Hơn nữa, các ngân khoản phí tổn khổng lồ bạch hóa hay úp mở ấy, thiết nghĩ sẽ đủ và dư để san lấp hố thẳm giàu – nghèo, để hàn gắn vết tích tang thương xây dựng lại những thiên tai đã, đang và sẽ liên tục liên hoàn xảy ra mọi nơi mọi lúc.
           
          Cuộc đời, sự sống, hành xử, đối đãi, tin yêu, tôn trọng, Đức Phật đã ban Thông Điệp diễm tuyệt muôn đời.
           
          Xã hội, thế giới, nhân loại, nhân sinh, đạo đức, nhân bản, Đức Phật đã ban Thông Điệp tuyệt thế muôn năm.
           
          Không những Ngài chỉ ban Thông Điệp của Tình Thương, Sự Sống, mà Ngài còn ban Thông Điệp hết khổ đau, sống an lành, giải quyết được Sinh, Già, Bịnh, Chết, dung thông Tứ Thánh Lục Phàm, mở rộng Sáu Đường Ba Cõi, và phổ nhiếp càn khôn vũ trụ vô lượng hằng hà sa số thế giới.
           
          Thật vinh hạnh cho những ai làm người con Đức Phật, ân đức cao dày mới được làm đệ tử của Đức Từ Bi, căn duyên gốc rễ nhiều đời mới tựu thành Trưởng tử Như Lai trên hành trình giác ngộ, cứu nhân độ thế, chuyển hóa quần sanh, nhập lưu Thánh Chúng.
           
          Hỡi nhân loại và hỡi chúng sanh! Thân người dễ gì có được. Phật Pháp dễ gì sẽ gặp. Đạo Pháp dễ gì mới nghe. Phật Đạo dễ gì mới thành.
           
          Phật Đản quý vị đã biết rồi. Đạo Phật quý vị đã nghe rồi. Chần chừ gì nữa. Sang giàu và nghèo hèn ư! Quyền uy và bạo lực ư! Chiến tranh và thù hận ư! Chủng tộc và màu da ư! Địa bàn và giới tuyến ư! Gia tài và sự nghiệp ư! Tài sắc danh thực thùy ư!
           
          Nghĩa địa đã chật mồ. Hồn ma luôn vất vưởng. Khói lạnh đống tro tàn. Sống và Chết không có lằn ranh. Nghìn thu và Thiên cổ đợi chờ. “Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nắm cỏ khâu ranh rì”, hoặc “Một hũ cốt xương mờ dấu tích, Bóng hình ai nhòa nhạt phôi pha, Cuộc đời tựa giọt sương sa, Nắng tan đâu mất la đà về đâu, Mau mau tỉnh ngộ qui đầu, Phật Đà vô thượng nhiệm mầu đẹp thay”.
           
          Dâng lên cúng dường, ngưỡng phục hồi quy, quay đầu bỉ ngạn, chính là Thông Điệp của Sự Sống và Thông Điệp Phật Đản muôn đời.
           
          Hướng về Phật Đản là hướng về sự thanh cao minh triết thường hằng. Từng thời kỳ thời đại sẽ qua đi, từng chủ thuyết chủ nghĩa sẽ xếp theo trang lịch sử, nhưng Thông Điệp của Tình Thương của Trí Tuệ của An Lành Giải Thoát miên viễn mọi không thời bất di bất dịch, sẽ góp phần rất lớn, sẽ là nền tảng vững chắc, và là chỉ hướng tuyệt siêu, không những cho Thiên Niên Kỷ 3,000 mà còn vĩnh trụ thiên thu. 
           
          Viết cho Ngày Phật Đản 2635 - Phật lịch 2555,
          Âm lịch Rằm Tháng Tư năm Tân Mão,
          Dương lịch 17 tháng 5 năm 2011
           
          TNT Mặc Giang
          macgiang@y7mail.com ;
          thnhattan@yahoo.com.au 
           

          <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.05.2011 03:16:42 bởi Viet duong nhan >
          #35
            Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 35 trên tổng số 35 bài trong đề mục
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9