RE: Dùng dằng phận cối, nhộ nhem phận nồi
28.08.2011 08:19:31
(
permalink)
Miên man tháng bảy ( V )
5.
Đến nay, có hai việc liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ, có người nhờ tôi giúp, mặc dù tôi đã cố, song vẫn chưa đạt kết quả. Vậy nên đành bỏ cho trôi qua.
Quả thật, hồi đầu, không giúp gì được, tôi thấy áy náy trong lòng, song lâu ngày, biết là có cố thì cũng khó được việc, nên cũng tự nhủ với lòng mình, rằng mình đâu có bỏ bê, nhưng gì không có duyên được việc mới thành ra vậy thôi...
Việc thứ nhất, là nhắn tìm phần mộ cho người em họ của tôi.
Như trong phần đầu bài viết " Miên man tháng bảy ", tôi có nói đến chuyện rời Hà Nội về quê Hưng Yên sinh sống khi chiến tranh chống Mỹ bắt đầu. Giai đoạn khoảng từ năm 1966 đến 1970, rất nhiều nam thanh niên ở quê tôi vào lính, ra trận. Trong số đó, tôi có hai người chú họ là Nguyễn Văn Thúc, Nguyễn Văn Thiết, và một người em họ là Nguyễn Văn Tắc( cùng chi họ nội tộc mà hiện tôi là Trưởng chi ) vào lính. Chú Thúc, chú Thiết là lính đặc công, còn Tắc lính bộ binh. Mấy năm sau, cả ba đều có giấy báo tử. Mọi chuyện cứ như vậy cho đến hòa bình, yên hàn sau này. Cách đây khoảng chục năm, phong trào tìm mộ liệt sĩ để đưa về quê rộ lên. Báo chí, trong đó có VOV đều có mục, có chương trình thông tin đi tìm đồng đội, tìm mộ liệt sĩ.
Một lần về quê giỗ tổ chi họ, thằng cu cháu tôi ( con trai độc nhất của người em liệt sĩ Nguyễn Văn Tắc ), nó nay đã là bố của 3 cô công chúa, có nhờ tôi việc nhắn tin tìm mộ bố nó. Khi tôi hỏi có thông tin gì để nhắn, thì nó chỉ bảo chỉ nhớ là giấy báo tử ghi năm hy sinh 70 hay 71 gì đấy ở Mặt trận phía Nam. Quả thật, với thông tin như vậy thì khó mà tìm nổi. Khi ấy, tôi đang phụ trách một Ban biên tập của VOV ( nơi sản xuất chương trình phát thanh " Thông tin về những người con hy sinh vì tổ quốc" ). Tôi có cho biên tập
thông tin này ( Nguyễn Văn Tắc, quê quán thôn Thanh Khê, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ ... hy sinh năm 1970 ( hay 1971 ) tại Mặt trận phía Nam ... ). Dù đã thông tin nhiều lần nhưng không có hồi âm. Lâu lâu, về quê, gặp thằng cu cháu, lại thấy như có lỗi với nó. Nó cũng biết vậy, nên bảo: " Thôi ông trẻ ạ. Cháu cũng biết thông tin như vậy thì khó tìm lắm... Nhưng cũng cứ làm, biết đâu đấy... với lại, dù sao cũng còn hơn không...". Biết cháu nó nói vậy, là cho mình đỡ áy náy thôi...
Việc thứ hai, là tìm cách minh oan cho một liệt sĩ, báo tử nhiều năm, bỗng nhiên trở về...
Nguyên là, năm 1975, tôi về thị xã Hải Dương, tâp trung đội tuyển học sinh giỏi môn văn tỉnh Hải Hưng, để dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc lớp 10, hệ 10/10 ( có Trần Đăng Khoa, Trịnh Bá Ninh, Việt An ...).Chúng tôi được chia ra, một hoặc hai đứa về ở nhờ gia đình của học sinh trường cấp 3 Hồng Quang. Tôi và một người khác, ở nhờ gia đình của học sinh Nguyễn Văn Toàn. Gia đình nhà Toàn, có 5 anh chị em, 3 trai, 2 gái. Hai anh trai của Toàn là Nguyễn Quang Dịp và Nguyễn Văn Toán đều nhập ngũ. Khi đó, anh Nguyễn Quang Dịp đã hy sinh, báo tử không lâu. Hàng ngày, nhìn vào tấm ảnh anh Nguyễn Quang Dịp, một sĩ quan trẻ trung, đẹp trai, tôi cứ thầm tiếc là anh đã sớm hy sinh...
Sau này, tôi đi lại nhà Toàn như một người thân của gia đình. Bà cụ mẹ và chị gái, em gái của Toàn cũng quý chúng tôi lắm ( tôi và Trịnh Bá Ninh )... Tôi vào đại học, rồi ra trường đi vào Nam công tác, miệt mài sáu bảy năm sau mới về VOV làm báo. Vẫn giữ liên lạc và thỉnh thoảng qua lại nhà Toàn. Cho đến tận năm 90,91, tôi bỗng nhận được tin báo, liệt sĩ Nguyễn Quang Dịp, sau nhiều năm báo tử, đột ngột trở về gia đình. Ít lâu sau, nhân chuyến công tác về thị xã Hải Dương, tôi ghé thăm nhà Toàn. Tại đây, tôi có gặp và trò chuyện với anh Dịp. Lẽ dĩ nhiên, so với người trong ảnh, anh Dịp già và ít nhiều phôi pha tiều tuỵ, song nét mặt thì không mấy khác. Qua câu chuyện,anh có viết gửi tôi một cái đơn trình bày câu chuyện của anh. Xin tóm tắt lại như sau :
Anh là sĩ quan pháo binh, khoảng cuối năm 1973 đầu 1974 đơn vị của anh qua đường biên giới Lào và Cam-pu-chia, tập kết về khu vực biên giới Tây Ninh, chuẩn bị cho chiến dịch đánh vào Sài Gòn. Một lần, đơn vị anh bị địch phát hiện, chúng tập kích đột ngột, nên bị thương vong rất nhiều. Khi ấy, anh đang bị sốt rét, mê man bất tỉnh nằm trong lán trại thương bệnh binh. Đơn vị của anh phải rút khỏi đó, địch chiếm trận địa, chúng dồn xác thì thấy anh còn sống, nên bắt làm tù binh. Anh bị chúng tra hỏi nhiều phen và bị giam giữ cho đến ngày giải phóng miền Nam. Ra khỏi trại giam, anh tìm đến Ban quân quản trình báo toàn bộ sự việc, nhưng rồi, mọi chuyện phức tạp hơn anh tưởng. Mãi không kết quả gì. Khi ấy, anh hoang mang, mất phương hướng, không biết mình là người như thế nào nữa, phải gặp ai, hỏi ai ?... Lang thang ở Sài Gòn mãi cũng không ổn, về quê ngoài Bắc cũng không dám, nên đành trở lại khu vực biên giới Tây Ninh cũ, tìm người quen, tá túc, sinh sống qua ngày. Và sau gần hai chục năm như vậy, không gia đình, không nên cơm cháo gì, anh mới quyết định về quê... Còn gia đình anh ngoài này, nhiều năm thương nhớ, hưởng chế độ tuất liệt sĩ của anh, vì đương nhiên, anh là liệt sĩ... Vấn đề, là khi trở về quê, chính quyền địa phương xác nhận anh thế nào, anh sẽ làm ăn sinh sống ra sao ?...
Cầm tờ đơn của anh, tôi có nhờ hỏi bên bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, rồi ướm hỏi bên Bộ LĐ,TB&XH. Song người tra nói rằng, để giải quyết tận gốc cũng khá phức tạp. Vấn đề là phải xác mình xem có đúng ạnh bị địch bắt không, rồi khi bị bắt thì có khai báo gì không? ... Thêm nữa, nếu bình thường ra, để công nhận anh không phải là liệt sĩ, thì liệu giải quyết khoản tiền tuất nhiều năm qua như thế nào v.v... Có gì đó bất nhẫn đấy, song chính sách là chính sách...
Rồi mọi việc cũng ổn. Địa phương chấp nhận anh. Và quan trọng hơn, sau mấy năm hòa nhập cuộc sống, anh về quê, chăn nuôi vịt đàn và lấy một cô gái quê làm vợ. Có gia đình, yên ấm, với anh, có lẽ vậy là đủ ?...
Mới đây, lục lại đống giấy tờ cũ, tôi thấy lá đơn của anh. Nhẩm đọc lại, buồn vui chộn rộn...